Tui với anh học chung trường đại học, nhưng anh học trước tui hai khoá. Trước 1975, tui không biết anh dù tui là thằng lê la bậc nhất, lang thang bậc nhất ở hành lang đại học Vạn Hạnh. Khoá trước khoá sau tui quen tuốt, thế mà không quen anh. Mấy chục năm sau, lập ra ban liên lạc cựu sinh viên, tui mới biết anh, lúc ấy anh đã định cư khá lâu ở Mỹ. Anh về hưu, lại thấy cứ mãi có mặt ở Sài Gòn, lần nào anh em cựu sinh viên tụ hội anh đều có mặt, với cái máy quay phim nhỏ trên tay, anh ghi lại những sinh hoạt của mọi người. Quen nhau, chào nhau khi gặp nhưng cũng không thân lắm. Tui trân trọng anh vì anh hoà nhã, gắn kết với mọi người. Anh quý tui vì ba cái trò chơi vặt vãnh của tui với đời thường. Thế thôi. Cho nên cũng chẳng biết nhiều về nhau. Đùng một cái, nghe tin anh mất. Lại mất vì bệnh ngặt. Cũng lạ vì mới gặp anh tháng trước khi tiễn một người bạn cũng cùng trường đi định cư, thấy anh cũng bình thường. Ừ thì đời như giấc mộng mà, vô thường mà. Có rồi mất thì cũng là định luật của cuộc sống.
Vừa phát tang anh buổi sáng thì hôm sau có năm cô gái từ Mỹ bay về, vừa tới ngõ đã khóc thảm thiết, vào đến phòng vật vã ôm quan tài anh mà khóc không dứt. Nhìn hình chụp thấy cảm động lắm. Cô nhỏ nhất cũng đã hơn ba mấy, cô lớn nhất cũng chắc gần bốn chục. Tôi hỏi người bạn: Con ảnh à, năm đứa con gái, ối chà! Anh bạn tui ghé tai tui bảo: Ừa! Con mà không phải là con. Tôi ngạc nhiên: Nghĩa là sao? Khó hiểu bỏ mẹ. Và anh bạn tui giải thích cho tui hiểu.
Anh vốn xuất thân con nhà khá giả gốc Hà Nội, di cư vào Nam năm 54. Gia đình anh có mình anh là trai, sau anh có mấy cô con gái. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh động viên vào học trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường ở quân ngũ được năm sáu năm gì đó thì tan hàng, rồi vào trại học tập cải tạo mấy năm. Ra trại, cả nước đói nghèo, người thì đạp xích lô, kẻ bán chợ trời. Anh lại làm nghề bán cà phê vỉa hè. Những ngày tháng với nắng mưa bụi đời đó, anh gặp chị, cũng buôn bán vỉa hè như anh. Và hai người thương nhau. Khổ cái anh là trai tân, còn chị đang một nách năm đứa con, toàn gái. Vợ chồng chị vì lý do gì đó, không còn chung sống với nhau nữa. Mẹ anh phản ứng dữ dội. Người đàn bà Hà Nội quyền quý không chấp nhận cuộc hôn nhân đó cũng có cái lý của họ. Các em gái anh cũng cương quyết không vừa. Mẹ đòi từ anh nếu lập gia đình với người ấy. Em anh cũng bảo sẽ không nhìn mặt anh. Tiến thoái lưỡng nan. Cũng may chương trình HO đã giải thoát cho anh ấy. Anh hoàn tất hồ sơ với đàn con và vợ. Đến Mỹ cùng một đoàn thê tử, anh đi học, đi làm nuôi cả gia đình, đối xử, thương yêu các con riêng của vợ còn hơn con ruột. Đứa nào cũng học hành tử tế, nghề nghiệp ổn định. Mẹ anh từ anh, bảo rằng chết cũng không cho gặp mặt. Các em anh cũng định cư ở nước ngoài nhưng không cho anh địa chỉ liên lạc, cũng chẳng bao giờ có thư từ.
Đến tuổi hưu trí, các con cũng đã yên bề, hai vợ chồng anh về Việt Nam, mua căn nhà nhỏ, ngày ngày vui chơi với bè bạn. Không ngờ bệnh tật lại mang anh đi ở tuổi 72. Tui lại thấy có hình chụp hai thanh niên, cũng bịt khăn tang, thắp ngang quỳ lạy trước linh cửu của anh. Hỏi thì mấy anh bạn bảo là con trai của chồng trước của vợ anh. Thời gian ở Mỹ, biết gia đình đấy gặp khó khăn, anh cũng thường tằn tiện gởi về giúp, nên các cháu đó cũng thương quý anh lắm. Thế anh là Bồ Tát rồi anh ơi. Sao lại có người tốt đến thế! Cách đối xử như thế chắc là anh phải yêu thương chị ấy lắm, bởi chỉ có tình thương mới có những nghĩa cử đẹp đẽ như vậy. Anh tốt quá, tấm lòng anh đẹp quá. Anh là người có trái tim Bồ Tát, tiếc thay anh lại không được sống thọ để hưởng tuổi già, để những đứa con báo đáp lại tình thương bao la của anh. Anh hi sinh cho gia đình với những đứa con không máu mủ, cho đến khi anh qua đời, nhắn tìm mãi mới biết được địa chỉ của các em anh, nhưng họ không về, chỉ gởi vòng hoa. Anh mất gia đình, nhưng anh cũng có được một gia đình khác yêu thương quý trọng anh, bởi anh là người đáng quý và hiếm hoi ở cuộc đời này. Anh cư xử như tầng lớp quý tộc Âu châu.
Mong anh thanh thản.
Tháng 5.2018
DODUYNGOC
Mong anh thanh thản.
Tháng 5.2018
DODUYNGOC
Đăng nhận xét