LÃO CHIẾN BINH ĐÁNH TRỐNG



Đó là rẻo đất nhỏ, sát con sông. Một miếng đất trời mưa nước sông dâng lên bì bõm. Nắng thì bụi. Dân tứ xứ nghèo khổ không đất cắm dùi giạt về đây, lèo tèo chục căn, gọi là nhà nhưng chỉ là những vá víu, tạm bợ. Lâu ngày thành xóm nhỏ. Xóm chỉ có con đường độc đạo hình hành kiểu đi lâu thành đường. Tính theo đường chim bay thì cách thành phố chỉ chục cây số, nhưng là tương phản cực kỳ. Xa xa kia là những cao ốc mọc lên như nấm, thay đổi hàng ngày. Còn ở đây, cuộc sống như đứng lại, nghèo vật vã. Có người ở thì có chợ. Một cái chợ xép, dăm ba hàng quán lèo tèo, chủ yếu bán ba thức ăn rẻ tiền cho đám công nhân cũng nghèo phía xa kia chiều chiều tan ca đi ngang qua mua vội ba miếng thịt bèo nhèo với mấy con cá ươn hay bó rau nho nhỏ. Người trong xóm làm đủ nghề, đánh cá ven sông, lượm bọc nilon, bán nước trà đá ngoài quốc lộ. Cũng có người hành nghề ăn xin, bán vé số. Vài người bán mua ở chợ xép. Góc sát bờ sông có bãi rác, ruồi nhặng bay vo vo, nước nhỉ ra tanh tanh, lờm lợm. Người ta sống quen với nó nên cũng chẳng có cảm giác gì. Giang hồ đặt tên xóm là xóm Sầu ven đô. Cái còn sót lại hình ảnh của chốn quê ở xóm nhỏ này là mấy bụi tre gai ở cạnh sông, những cây tre cao, lá xanh biếc, ngọn vươn cao lên trời lắt lay theo gió. Mùa mưa, gió thổi từ sông lên, ào ạt, lung lay những căn nhà xiêu xiêu, khiến không gian lành lạnh như mùa đông ở miền Trung.
Lão xuất hiện trong khu chợ ven đô này vào buổi chạng vạng cuối mùa đông. Trời nặng như chì, ẩm ướt, những ngọn gió chiều thổi u u, lành lạnh. Chợ chiều đã tan, những sạp hàng chổng chơ trong cái chợ tồi tàn. Những con đường cũng vắng ngắt nên chẳng ai biết hay chú ý đến lão. Mọi người chỉ nghe loáng thoáng tiếng trống lạ gõ trong gió chiều chập choạng, nhưng ai cũng đang lo chuyện nhà, chuyện cửa nên chẳng ai quan tâm.
Sáng hôm sau người ra chợ sớm thấy lão nằm co quắp trên sạp thịt, chỗ rộng rãi và có vẻ sang nhất chợ. Người lão run bần bật, chân tay co quắp lại trong bộ đồ bộ đội bạc màu, rách bươm. Lão ôm khư khư cái ba lô cũng bạc màu rách nát như bộ đồ của lão.
Người lão như xác khô, da đen mốc, cặp mắt trô trố nằm trong hốc sâu. Lão nói lắp bắp bằng cái giọng trọ trẹ của người miền ngoài, rất khó nghe. Nhưng đàn bà vốn kiên nhẫn, sự xuất hiện của lão cũng là sự lạ ở vùng đất nghèo ven đô này, nên các bà hỏi vặn mãi cũng hiểu ra nhiều điều. Đại khái lão là bộ đội trước chiến đấu ở Campuchia. Trong một trận chiến đấu hay hành quân gì đó, lão bị thương, lạc đơn vị và bị mất trí nhớ.
Lão đươc đưa về một khu an dưỡng mấy chục năm. Một ngày đẹp trời, lão yêu cầu cho lão về quê, nhưng có ai biết quê lão ở đâu, lão cũng chắng nhớ. Không cho về thì lão trốn. Và từ chỗ an dưỡng ở Bình Phước, lão lang thang suốt mấy tháng, vạ vật kiếm ăn từ cơm thừa canh cặn nơi hàng quán bên đường cho đến những đống rác. Cho đến ngày lão trôi giạt đến khu chợ ven đô này.
Lão bảo chốn này giống quê lão, cũng có ngôi chợ nhỏ lèo tèo, cũng có giòng sông, cũng có mặt trời đẹp và to như quê lão, cũng có rác rến, cũng có con đường đất, cũng có bụi tre gai, giống lắm. Và lão ở lại làm như đã về được quê nhà. Nhưng có lúc lão lại khóc tu tu, hỏi mọi người sao không thấy Mạ của lão, Mạ lão bán rau ở chợ mà, sao tìm hoài không thấy?
Thấm thoát thế mà gần chục năm lão trú ở vùng này. Lúc đầu thì suốt ngày quẩn quanh ở chợ, ai nhờ gì thì làm, khiêng vác, quét dọn, đổ rác, gọi giúp người này, nhắn giúp người kia. Làm xong việc người ta lại cho ít tiền, có khi lại cho tấm bánh, chén cơm.
Một thời gian sau, thấy có mấy người dựng mấy cái lều ở chỗ đống rác, gần cái cống nước đen ngòm, lão cũng kiếm được mấy tấm ni lon, mấy cái bao cũ, che được cái lều be bé rúc ra rúc vô, lão gọi đó là cái nhà của lão. Mọi người dựng lều được thì lão cũng dựng được, cũng chẳng thấy ai có ý kiến gì.
Sống lâu với dân chợ, thật thà, chất phác, không tham của ai, chẳng giận hờn ai, chưa bao giờ gây gổ, nặng lời với ai, dân chợ thương, quyên góp cho lão được ít tiền làm vốn đi bán vé số. Thế là hàng ngày, từ mờ sương, lão lên đường đi vào thành phố, sẩm tối lại về. Cũng có nhiều hôm bị mấy đứa bất lương gạt tiền, cũng có khi lại bị bọn cướp cạn giật mất xấp vé. Về lão khóc tu tu, lại quanh quẩn ở chợ thời gian, mấy bà, các cô ở chợ lại góp cho lão số vốn, lão lại đi.
Dù đi đâu, dù mưa hay nắng, dù bán được hay không, lão luôn về khu chợ với túp lều của lão trước khi chương trình thời sự ở trên truyền hình phát tin tức. Lão về để canh giờ gõ trống. Cứ đúng bảy giờ tối là lão gõ trống. Chiếc trống con con có dây đeo trước bụng. Lão gõ rất bài bản, bắt đầu những tiếng rời rạc nhưng rất đanh, sau đó là những tiếng dồn dập. Tay đánh, miệng lão phát ra âm thanh của tiếng súng tạch tạch bùm..tạch tạch bùm. Rồi lão hét: Tiến lên! Tiến kên các đồng chí. Rồi lại bắn. Rồi lại hô: Các đồng chí xung phong, xung phong...Lão diễn trò này đúng mười lăm phút không sai. Cuối cùng chấm dứt là báo cáo: Đồng chí Huy đã hi sinh, Đồng chí Thân hi sinh, đồng chí Toàn đã hi sinh và sau đó là lão ngã vật ra, nằm im một lát và rổi trở lại bình thường, đem cất cái trống vào chỗ của nó. Chuyện này diễn ra đều đặn mỗi ngày, không sớm hơn, cũng chẳng trễ hơn. Cũng từng đó động tác, từng đó lời nói, không thừa, chẳng thiếu. Chuyện lão đánh trống diễn ra từ khi lão về đây cho đến bây giờ. Lúc đầu thì mọi người còn để ý, con nít còn bu xem, riết rồi chán, chẳng ai thèm coi nữa. Nhưng lão diễn đâu phải để mọi người xem, lão diễn như một nhu cầu bí mật nào đó thôi thúc lão, bắt lão phải làm, không làm không được, đó là một bồn phận không thể nào quên.
Người ta đoán đó là trận đánh diễn ra ở bên Campuchia của lão, xảy ra lúc bảy giờ tối, đồng đội lão chết hết, mình lão còn sống và bị thương bởi mảnh đạn vào đầu khiến lão chẳng còn nhớ gì ngoài trận chiến đấu cuối cùng.
**********
Hôm nay lão chuẩn bị vào phố với xấp vé số trên tay. Nghe nói tuần trước ở Sài Gòn người ta tụ tập đông lắm. Nghề của lão càng đông người càng dễ làm ăn. Người ta tụ tập, ca hát, vui đùa dễ động lòng và phấn khích để mua vé số. Mấy năm theo nghề lão rút ra được kinh nghiệm ấy. Lão lấy làm lạ khi nhiều người bán vé số như lão lại ưa bán ở bệnh viện. Lão nghĩ nơi ấy buồn tẻ quá, ai cũng đang lo cho sinh mạng, bệnh tật của mình hoặc người thân, tâm trí đâu mà nghĩ đến chuyện mua số. Thế nên, lão chỉ bán ở chỗ nào vui, quán nhậu, chỗ hội hè, tụ điểm ca nhạc... Toàn chỗ vui, đời buồn lắm rồi, kiếm chỗ rộn ràng cho bớt tẻ.
Lão đi đến Bưu điện thành phố và Nhà thờ Đức Bà thì nắng đã lên. Hôm nay nắng đẹp. Những sợi nắng vàng óng ấm áp của buổi sớm mai làm lão khoan khoái sau khi đi một chặng đường dài với một chuyến xe bus ngắn. Lão thấy vui, lẩm bẩm một khúc quân hành bỗng dưng xuất hiện trong đầu lão. Ngồi nghỉ trên ghế đá, lão ngước nhìn khuôn mặt của tượng Đức Mẹ trước nhà thờ, đôi mắt mới buồn làm sao, nhìn như có giọt nước mắt. Có một chút ký ức thoáng hiện trong đầu lão. Ngôi nhà thờ ở gần dòng sông. Đôi mắt của Đức Mẹ. Đôi mắt và những giọt máu của Chúa Jesus trên ngôi thập giá. Đứa bé quỳ bên mẹ, nhìn lên. Tiếng cha giảng. Amen! Như ánh chớp, hình ảnh thoáng qua rồi mù tăm.
Nghe kể ngoài này đông người lắm mà, sao chẳng thấy. Có mấy xe du lịch chở khách nước ngoài. Mà nước ngoài thì chẳng ai mua vé số. Lão nhìn quanh, công an, cảnh sát áo xanh áo vàng , trật tự dân quân ở đâu mà lắm thế. Nhìn đâu cũng thấy. Kiểu này chắc phải dời chỗ khác thôi. Mấy ông ấy cũng chẳng bao giờ mua vé số, mở miệng là xua đuổi, là chửi thề, chẳng trông mong gì đám ấy.
Lão đứng lên định đi thì bắp gặp nó. Nó nằm chỏng chơ cạnh lão từ nãy giờ mà lão không để ý. Một chiếc điện thoại có bao màu hồng, nhìn rất sang và đẹp. Lão cầm lên, ngắm nghía. Mở nắp, có mấy nút, lão chẳng biết ấn nút nào. Cái này chắc đắt tiền. Tội nghiệp ai lại đánh rơi ở đây. Chắc bây giờ chủ nhân của nó đang lo lắng đi tìm. Lão nghĩ hay là ngồi đây đợi một lát, có khi họ trở lại mình trả cho người ta. Lão có cần xài mấy cái này đâu. Lão có ai để gọi mà có ai gọi cho lão để nhận. Nhưng phải công nhận nó đẹp, người ta nghĩ ra nhiều thứ quá. Bỗng thấy nó rung, rồi có chuông reng, lão luống cuống, chẳng biết làm gì, mắt nhìn vào nút xanh nút đỏ mà chẳng biết bấm vào đâu. Chuông tắt. Rồi lại kêu, lại rung. Lão bó tay. Hay là đến hỏi anh chàng áo xamh đằng kia, anh ta nhìn mình trô trố, xem cái mặt dữ dằn quá. Lại sợ. Hình như tay anh ta còn có cái gậy. Hắn nổi hứng phang mình một cái thì chết mẹ. Thôi vậy. Cứ để nó reng rồi lại tắt. Lão ngồi mân mê cái điện thoại. Nghe chúng nó bảo còn chụp hình được như máy ảnh. Hay nhỉ. Làn đầu tiên trong đời lão cầm trên tay cái thứ hiện đại này. Lão đưa lên mắt nhìn như người đang chụp ảnh. Đen thui thùi lùi, có thấy gì đâu. Lão xoay lai, nhìn thêm lần nữa, cũng chẳng thấy gì ngoài một màu đen. Đúng lúc ấy thì lão bỗng thấy mình bị xốc nách đứng lên và một giọng nói giận dữ bên tai lão: Chụp hình gì đấy, lão già. Lão chưa kịp nói gì đã bị hai gã thanh niên lực lưỡng kéo lên, lôi đi xềnh xệch. Đi theo sau là thằng mặc áo xanh nhìn lão hồi nãy, cái gậy trong tay hắn khua khua. Lão la lên: Làm chi rứa. Làm chi rứa. Tui bán vé số mà. Tui chụp hình mô. Đem tui đi mô đây? Lão vùng vẫy chân tay, miệng lão la nhưng hai tên thanh niên vẫn kéo lão đi. Lão nghe nhói ở chân như bị hòn đá nhọn đâm vào. Mấy du khách đứng nhìn, có người đưa máy hình lên, nhưng đã có mấy anh áo xanh đưa tay bịt ống kính, ra dấu không cho chụp.
Lão bị quăng lên xe đậu bên kia đường. Trên xe cũng có mấy người bị bắt như lão. Mặt ai cũng ngơ ngác, đầy lo âu và sợ hãi. Ở góc xe, có một thanh niên mũi đang rỉ máu, đưa tay chào và cười với lão. Có quen không? Nhìn mặt không quen. Lão gượng cười lại, có cảm giác cái chân đau, lão nhìn xuống chân mình, thấy có một vệt máu chảy, chắc là bị xây xát do hòn đá nhọn lúc bị kéo lê trên đường.
Xe đổ người xuống ở góc công viên Tao Đàn, bên phía đường Huyền Trân Công chúa. Lão nhận ra ngay vì có nhiều lần lão đến đây bán vé số nhân mấy trận đá banh. Người bị bắt khá đông, ngồi dài dài trước sân. Kẻ đứng, người nằm lộn xộn. Lão bị lùa xuống nhưng trong đầu chỉ có một câu hỏi cứ nhấp nhô trong đầu lão: Sao lão lại bị bắt. Lão có làm gì đâu? Hay người ra nghi lão ăn cắp cái điện thoại? Lão lượm được mà. Lão chờ người để trả lại mà. Lão có ăn cắp đâu? Mà dân ăn cắp đâu mà chở về đây nhiều thế? Toàn người ăn cắp à? Đang miên man thì lão bị dẫn vào phòng. Một anh thanh niên đè ngửa lão ra, lục soát khắp người. Lôi từ túi lão ra mấy đồng bạc lẻ nhàu nát, cái điện thoại màu hồng tươi tắn và cuối cùng từ cái túi xách mang theo xấp vé số, cuốn sổ dò số và hai cái dùi trống be bé. Tất cả được đặt lên bàn, trước mặt lão. Căn phòng ngoài lão ra còn có bốn người nữa. Một anh mặc sắc phục công công an. Hai anh thanh niên đội nón lưỡi trai đen, mặc đồ thường và một cậu mặc đồ dân quân tự vệ. Anh thanh niên đội nón cầm ngay cái điện thoại. Mở nắp, hất hàm hỏi: Pass là gì? Lão nhìn, không hiểu y nói gì. Hăn lại nhắc: Pass là gì?. Lão hỏi lại: Pass là chi? Tên này quắc mắt, sấn tới, mặt kề mặt lão: Đóng kịch hả bố già. Mật mã cái điện thoại. Hiểu chưa? Lão lại ngơ ngác: Tui có biết mật mã chi mô. Tay kia gằn giọng: không có thì giờ để giỡn với bố già nhé. May ông lớn tuổi đấy, nếu còn trẻ là đã ăn tát rồi. Tôi hỏi lại, mật mã là gì? Lão lớn giọng: Tui có biết chi mô, cái ni tui lượm được mà. Vừa nói xong, lão ân hận. Lão nghĩ: Nói thế thì hắn tịch thu luôn cái máy thì người mất làm sao lấy lại được. Đã vô tay tụi này, dễ gì lấy ra. Lão ậm ừ: Của người ta nhờ tui giữ, tui không biết chi cả. Vừa dứt câu lão đã thấy má phải bỏng rát vì một cú tát. Thằng này khoẻ, tát một cái muốn vẹo cái quai hàm. Lão vừa xoa má vừa trệu trạo: Sao đánh tui? Tui làm chi đánh tui? Lão lại nhận thêm một cú rờ ve bên trái, cũng bỏng rát. Lão nghĩ, Chúa bảo khi bị đánh má bên phải, chìa má bên trái cho đánh luôn. Lão chưa kịp làm theo lời Chúa đã bị đánh thêm má trái. Lão ức! Bị đánh mà không biết lý do. Lão đứng dậy, hắn đánh mình thì phải đánh lại chứ. Giặc bắn mình một phát mình phải trả lại một phát, không nhân nhượng, nhân nhượng là đầu hàng. Lão là lính, không thể hèn. Nhưng lão vừa nhớm đít, anh dân quân đã ghì lão xuống, khóa hai tay lão lại sau lưng ghế. Lão giận rồi, mặt lão đỏ lên, hai mắt mở to, nhưng lão bất lực. Lão khai lão bán vé số, xấp vé số là chứng minh. Mấy con mắt nhìn lão, có kẻ tin, có người có vẻ nghi ngờ.
Một cô gái bị dìu vô, cô này chắc bị đánh trước đó rồi, mặt nhầu nhĩ, cũng lục soát, cũng hỏi pass, cô gái cũng không nói pass, cũng bị đánh, máu chảy nơi khoé miệng. Rồi tiếp tục nhiều người vào bị hỏi cung. Trẻ có, trai có, gái có, hiếm hoi có vài người già cỡ lão. Lão nghe nói nhiều, nhắc nhiều hai chữ tập trung với biểu tình. Lão chẳng hiểu gì. Lão đâu có đi biểu tình. Lão chỉ đi bán vé số.
Tay thanh niên lấy điện thoại của lão, mang ra ngoài. Lão bị đưa xuống ngồi dưới sàn, bên cạnh mấy cậu thanh niên dang lim dim ngủ sau trận đòn tra khảo. Lão cũng thấy buồn ngủ, lại đói, sáng lão không ăn sáng, giờ cái bụng cồn cào. Lại khát nước. Giờ mà ở ngoài phố lão sẽ ghé ven đường, mấy chỗ uống trà đá từ thiện, làm mấy ly cho đã. Lão lim dim, gật gù trong tiếng tra khảo và huỳnh huỵch của cú đá cú đánh vang lên trong phòng. Có người đến hỏi lão về nơi cư trú với thân nhân để gọi lãnh về. Lão bảo lão không có thâ nhân và nơi lão ở là xóm Sầu ven đô. Tay hỏi lão nhìn lão ngạc nhiên rồi chửi: Mẹ lão già, nói đéo ai hiểu gì cả. Không người lãnh thì tiếp tục ngồi đấy. Người ta mang đến bao bánh mì, lão định lấy một ổ, cho qua cơn đói. Nhưng nhìn quanh, chẳng ai lấy, đành thôi.
Có người lục tục ra xe chở đi đâu đó, nhiều người mặt có máu chảy. Lão lại lim dim. Chiếc điện thoại màu hồng lão lượm được lại reo trên bàn. Tay mặc sắc phục công an chộp lấy, hai bên nói qua lại chi đó. Lão nghe lỏm bỏm tiếng cô gái bảo là cũng bị bắt, đã được thả, đề nghị xin lại cái điện thoại. Lão vừa nghe vừa đoán thế qua cách nói của anh chàng công an. Lão nghĩ là mình đoán đúng. Kiểu này chắc cái điện thoại này tiêu rồi. Dễ gì trả lại. Lão nghĩ trong vụ này có lỗi của lão. Lão sẽ ráng xin lại thử xem rồi về xóm Sầu ven đô nhờ mấy thằng nhóc liên lạc với người mất để trả lại. Tụi đó rành sáu câu.
Đến chiều thì lão được thả ra, nhận lại nhúm bạc lẻ và cái túi nhỏ đựng vé, cặp dùi trống và cuốn sổ. Cái điện thoại lão nói mãi mà họ không trả, họ bảo sẽ liên lạc với chủ nhân để trả lại. Đành chịu vậy.
Lão thất thểu ra về, đói và khát. Chuyến xe bus đưa lão được một đoạn ngắn. Đầu lão chỉ vỏn vẹn một câu thắc mắc: Sao lão lại bị bắt? Lão bị tội gì? Đến đầu ngõ nhơm nhớp bùn của xóm Sầu ven đô, lão chạy như ai đuổi vào căn lều rách nát. Truyền hình đang chuẩn bị phát thời sự. Gần bảy giờ. Lão vội vã gắn chiếc trống con con có dây đeo trước bụng. Bài bản bắt đầu bẳng những tiếng rời rạc nhưng rất đanh, sau đó là những tiếng dồn dập. Tay đánh, miệng lão phát ra âm thanh của tiếng súng tạch tạch bùm..tạch tạch bùm. Rồi lão hét: Tiến lên! Tiến kên các đồng chí. Rồi lại bắn. Rồi lại hô: Các đồng chí xung phong, xung phong... Đúng mười lăm phút không sai. Cuối cùng chấm dứt là báo cáo: Đồng chí Huy đã hi sinh, Đồng chí Thân hi sinh, đồng chí Toàn đã hi sinh và lão ngã vật ra, nằm im một lát. Trò diễn chẳng còn ai xem. Lão độc diễn như một nhiệm vụ. Ti vi đang chiếu các cấp lãnh đạo đi thăm các thương binh liệt sĩ, mặt ai cũng cười, còn những người được thăm hình như lại chẳng vui.
Lão trở vào lều, cất chiếc trống trên đống đồ phế liệu. Lão ngồi thừ xuống sàn đất nhớp nháp và tiếp tục tự hỏi: Sao lão lại bị bắt? Lão bị tội gì?. Lão chợt nhớ xấp vé số. Lão lục trong túi, không có. Chỉ có cuốn sổ dò số. Lão lục lại lần nữa. Cũng không còn. Ai đó đã lấy xấp vé số của lão rồi. Không biết có số nào trúng không? Nếu có số trúng sẽ có người giàu thêm và lão thì nghèo đi vì trắng tay. Xem như mất vốn. Ngày mai lão lại ra chợ, bốc vác, làm những việc người ra nhờ. Bất giác lão đưa tay rờ trên má, dấu tay vẫn cồm cộm và bỏng rát.
Đêm đó lão không ngủ, người ta nghe lão ngồi khóc tu tu.
Sài Gòn 20.7.2018
DODUYNGOC

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget