XÓM THƯỢNG TỨ

Một truyện về một chốn của xứ Huế do cô giáo Phan Mộng Hoàn, cô giáo dạy môn Văn hồi tui học trung học ở Đà Nẵng cách đây đã hơn nửa thế kỷ viết theo hồi tưởng.
Hiện nay Cô đã bị bệnh mất trí nhớ và đang định cư ở San José, Hoa Kỳ.
XÓM THƯỢNG TỨ
PHAN MỘNG HÒA-HOÀN
Khi tôi lớn lên thì Cửa Thượng Tứ đã loang lổ màu thời gian. Tôi chỉ mường tượng được những dịp Hoàng Đế Bảo Đại về nước, ngự xe hơi đen bóng lộn, vận bộ đồ tây trắng, mắt đeo kính râm to bản tiến vào cửa thành Thượng Tứ...Có lẽ vì thế mà theo ý tôi, Cửa Thượng Tứ là cửa lớn nhất trong bốn cửa thành, dành để đón vua chúa quan quyền.
Cửa thành Thượng Tứ còn có tên là Đông Nam kiến trúc theo kiểu Vauban như các cửa kia (Cửa Ngăn, An Hòa và Đông Ba), cũng có một chiếc cầu cong cong đồ sộ xây bằng gạch bắc nối tiếp khúc cuối con đường Thượng Tứ phía ngoại thành chui vào cổng thành nội. Dưới cầu là dòng nước lặng lờ, trôi theo hồ Ngự Hà uốn khúc với những hào sâu chạy quanh quất theo vòng đai của Hoàng Thành. Dòng nước trong veo ấy phản chiếu màu sắc thiên nhiên của mây trời, và thay đổi theo từng mùa mưa nắng, khi u uẩn sắc tím buồn mùa mưa, khi long lanh theo cơn nắng hạ rực rỡ. Bốn mùa con sông nhỏ này lộng lẫy với hàng ngàn đóa sen màu hồng phấn e ấp, chen lẫn với sắc trắng tinh khiết, hương sen tỏa bay thơm ngát đất trời. Vào mùa mưa lá sen như đan kín mặt hồ nhiều hơn, điểm xuyết loài hoa súng đỏ tía và hoa bèo tim tím nhạt nhòa. Hình như trời mưa xứ Huế triền miên, dầm dề ẩm ướt kéo dài suốt ba tháng mùa đông, vẫn không cách chi thấm ướt nổi những tàu lá sen xanh thẫm, xòe ra như những chiếc dĩa lớn bằng men sứ Nhật Bản.
Cửa Thượng Tứ xa xưa có hơn cái thời vô vị của tôi ra sao, đến nay tôi vẫn mơ hồ bởi tôi không hề mất công tìm hiểu. Nhưng nếu nói đến cái thời tôi bắt đầu nhớ được, thì con đường Thượng Tứ khó lòng xóa nhòa trong ký ức tôi dù cho bao năm tháng đã qua đi.
Cửa Thượng Tứ đối diện với Nhà Thương Bạc, có vườn hoa Nguyễn Hoàng thanh lịch nằm bên bờ sông Hương phía Hữu ngạn. Từ Nhà Thương Bạc ngó xéo về hướng tay phải là Trường Hậu Bổ; lúc trước đây là cơ sở đào tạo các quan chức tương lai. Nhưng lúc tôi đã có trí khôn, tôi nhớ Hậu Bổ chỉ là một khuôn viên đổ nát, tường sập hoang tàn với cây đa cổ thụ dềnh dàng tỏa bóng âm u, là chỗ cư ngụ của những con người cùng khổ. Họ sống lây lất với gánh quà khiêm tốn. O bán chè, thím vịt lộn mà ngọn đèn dầu leo lét trong xó khuya chiếu lập lòe như ma chơi, khiến mỗi lần qua đó buổi đêm bọn trẻ con chúng tôi vừa ù té chạy vừa la hét như bị ma đuổi. Hàng cây bút bút rũ bóng với những tua rễ phụ đong đưa theo chiều gió trước Trường Hậu Bổ nay không còn nữa. Tôi nhớ vào khoảng thời gian mình lên Trung học thì tại địa điểm Hậu Bổ xưa một tòa nhà uy nghi đẹp đẽ đã được dựng nên lấy tên là Nhà Hát Lớn Trần Hưng Đạo. Từ đó người ta không còn nhớ nơi đây từng một thời vang bóng với xênh xang áo gấm lọng vàng...Theo con đường tráng nhựa êm ái ở ngã ba Cửa Thượng Tứ, nếu đạp xe chừng năm phút lên hướng tay phải sẽ gặp ngay nhà mát Phu Văn Lâu với Kỳ Đài cao ngất đứng đàng sau
Ngay ngã ba đầu đường Cửa Thượng Tứ, tọa lạc trường Paulbert, thời Tây đô hộ dạy toàn tiếng Pháp. Sau này khi Tây về nước, trường đổi ra tên Trường Thượng Tứ, cấp Tiểu học. Nổi tiếng nhất là thầy Đàng hiệu trưởng. Thầy Hiệu trưởng cao lớn đáng nể. Thầy có cái mũi phúc hậu đỏ như quả cà chua không ngọt lắm, nhưng khí thế thì không ai bì. Góc trường Thượng Tứ là góc mở đầu bức thành dài của các lớp học, chiếm hẳn một nửa chiều dài của con đường Thượng Tứ ngắn gọn. Cuối bức tường dài là ngõ rẽ vào xóm sau. Một thời đã thấy phân chia rõ rệt của hai giai cấp: một bên là lao động của xóm Ao Hồ, một bên là thành phần tiểu tư sản, trung lưu, chiếm mặt tiền của hai dẫy phố đằng trước.
Tôi xin kể từ trong thành đi ra phía bên tay mặt. Trước nhất là nhà ông Thị Bốn, với khu vườn xanh um nhiều cây ăn trái. Hàng cây vú sữa tàng lá sum xuê, bóng im mát đổ xuống mặt hồ yên tĩnh. Vườn ông Thị Bốn còn có chỗ nuôi ong mật cùng những chuồng chim Bạch Yến, Họa Mi... Bầy chim ăn no rửng mỡ suốt ngày thi nhau hót líu lo nghe vui tai quá chừng. Hai chị em tơi thường theo bầy tiểu yêu trong xóm kéo đi chọc phá. Hoặc vòng từ ngã sau xóm Ao Hồ đột kích vào khu vườn hấp dẫn đo,ù để chia phiên nhau leo lên bức tường thành và hái “trứng cá”. Những trái trứng cá tròn xinh to cỡ đầu mút đũa có màu đỏ tươi óng ánh chín mùi. Chúng tôi còn không tha cả lũ trái mới ươm hồng, ơi răng mà ngọt ngào quá sức! Đôi khi hai chị em còn hứng chí rũ nhau tới đây leo lên một ngành cây an toàn để say sưa đọc tiểu thuyết của cánh Tự Lực Văn Đoàn.
Bà mẹ nghệ sĩ của tụi tui cho các con đọc “thả cửa”. Ba tôi thì lại nghiêm cấm, chỉ toàn ra lệnh ngốn mớ sách “Đạo” khô khan khó nuốt. Tủ sách gia đình ở trên lầu nhà chúng tôi ăm ắp những cuốn dành cho người lớn như: “Đối ngoại của Tòa Thánh Vatican”, “Con đường huyền nhiệm” v.v...Vậy mà ông bố “lý thuyết” của chúng tôi, bắt bầy nhóc chưa tới mười, mười hai tuổi phải nhồi nhét chúng! Trong lúc đó hình như “ông cụ” không hề đọc tới dù cho vài hàng! Tủ sách vắng bóng những cuốn tiểu thuyết lãng mạn, dễ thương, dễ hiểu mà chắc chắn dù đang ở tuổi non nớt anh chị em tôi vẫn đủ sức “ăn tươi nuốt sống” như thường! Đó là những tập truyện ngắn tuyệt vời, “Hoa Vông Vang”, “Dọc đường gió bụi”, “Thế rồi một buổi chiều”, “Gánh Hàng Hoa”, “Gió đầu mùa”, “Vang bóng một thời”... mà Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng, Đổ Tốn, Nguyễn Tuân...đã vỡ lòng cho tuổi thơ của tôi, niềm khao khát đi vào con đường tập tành làm thơ, viết văn.
Ngồi trên bờ thành, cạnh nhà ông Thị Bốn, thật dễ chịu vì gió từ mặt hồ phả lên mát rượi và kín đáo, bởi cành lá um tùm che khuất mắt thế nhân! Thế mà có lần nghe tiếng ba tôi kêu tìm. Đứa em gái lẹ làng tót xuống mái nhà tôn và tuột xuống gốc mít. Con nhỏ không quên chuồi cuốn truyện ra sau lưng quần. Cô ta còn cẩn thận đóng tuồng nữa. Hắn vờ vĩnh bám vào trái mít lớn gần gốc nhất, rồi co chân đu qua đu lại, làm như đang giỡn chơi trong vườn, nhất là để mong thoát khỏi đôi mắt “hình sự” gay gắt của bố già. Không ngờ vì hắn nặng ký hơn trái mít, đã làm cho trái mít rụng cuống, kéo theo con nhỏ tròn quay như hột mít, té bịch một cái như trời giáng hạ! May không hề hấn chi. Sau kỷ niệm nhớ đời đó, cả hai chị em đều bị một trận đòn nên thân. Hình như hôm đó hai đứa đã bỏ không đi nhà thờ để “Chầu Nhà Thánh” vào chiều thứ năm đầu tháng, bởi còn ham đọc tiểu thuyết “bậy bạ”, theo ý của ba tôi vẫn buộc tội!
Ông Thị Bốn là chủ một dẫy ba, bốn căn nhà kế tiếp nhau. Sau này căn bìa mở thành tiệm ảnh Đông Nam do người con gái của ông Thị, tuổi lỡ cỡ và xinh đẹp đứng trông coi. Căn thứ ba của ông, bán lại cho cụ Vỏ Truy, nhạc phụ của bác sĩ Lê Khắc Quyến, cũng là một nghệ sĩ tài hoa với ngón đàn tranh tuyệt diệu bậc nhất nhì chốn cố đô. Ông bà Vỏ Truy sản xuất các người đẹp có hạng, tôi quen miệng gọi họ bằng dì vì kêu theo mấy đứa bạn hàng xóm, con bác Đốc Quyến. Cô chị cả là dì Thạnh tức dì Đốc, điệu đàng quý phái. Dì Tăng Vinh thanh bai. Dì Lộc nhỏ nhắn xinh như con búp bê Nhật Bản. Dì Hậu cao lớn như đầm. Và Dì Nguyệt là cô gái út tươi tắn nhanh nhẹn, tôi nghi là trẻ mãi không già. Tôi không nhớ ông bà Võ Truy có mấy con trai, chỉ nhớ có mỗi cậu út tên Ngọc.
Sát nách nhà ông bà nhạc là bác Đốc Quyến. Tay thầy thuốc chữa bệnh cho toàn bà con Huế và Thừa Thiên thần sầu quỹ khốc. Bác sĩ Quyến, từng cứu chữa cho hàng vạn con bệnh trầm kha thoát khỏi tay tử thần. Ông bà đốc Quyến có mười cô cậu. Đó là Thanh Túy, Thanh Lô, Thanh Chân, Thanh Hoài tức Chim Yển. Theo sau là Trâu, Bò, Ụt, Ngạ, Sơn Ca và Cu Nhàn. Trước lúc bác sĩ Quyến dọn tới, đây là nhà của ông “Xì Gà”. Tôi nhớ ông Xì Gà có khuôn mặt dài rất “gợi cảm” cuả tài tử xi nê ma Fernandel. Tôi làm sao quên được mấy đứa con trai con ông ấy đứa nào cũng có cái sọ dừa tóc lơ thơ và to quá cở. Chủ nhân kế tiếp ông Xì Gà là cô Phú.
Ngay bên cạnh Phòng Mạch bác sĩ Quyến là hiệu ảnh “Maria Mộng Hoa”. Đích thị nhà của chúng tôi. Bạn bè thân của gia đình nói đùa, ba má “Hoa Hường” của tôi đã vẽ liền tù tì 12 tác phẩm sống. Chúng tôi đều mang tên bằng chữ H đứng đầu. Gồm, Hiệp Hoà Hoàn Hảo Hằng Hà Huệ Hài Huyền Hạnh Hậu Hoài. Con trai đệm Văn và con gái lót Mộng. Nhà chúng tôi gồm hai căn lầu gỗ, vốn là gia tài của ông nội để lại cho hai bác anh của ba tôi. Phần ba tôi là con út đã được trút gia tài với ngôi Từ Đường lớn nằm tít trên miệt vườn Phường Đúc. Một ông bác là nhà văn đã chết năm 1939. Một ông bác là linh mục coi rẻ thế sự. Cho nên ba tôi được trọn quyền khai thác làm ăn trên cơ sở này.
Nhà chúng tôi đã lắm phen thay đổi “sinh hoạt”. Như có thời mở “Salon de coiffure”, chuyên cúp tóc kiểng cho các tài tử và nghệ sĩ như “Mệ” Vĩnh Phan, “anh” Vỏ Đức Duy...Có lúc mở quán ăn nghệ sĩ và quán trọ. “Hương Bình Lữ Quán” từng là nơi cho tao nhân mặc khách dừng bước giang hồ, hoặc lui tới họp mặt để trao đổi văn thơ, âm nhạc và hội họa. Tôi nhớ lúc đó anh em tôi còn nhỏ xíu mà bạn bè đứng đắn của gia đình đã phẩm bình rằng, nhà có con gái mà lại mở quán ăn quán trọ, sợ sẽ ảnh hưởng xấu đến nền nếp gia phong... Do đó Hương Bình Lữ Quán liền dẹp tiệm ngang xương dù ba má tôi đang lúc hốt bộn bạc! Sau đó ba tôi liền quay sang mở tiệm bán đủ loại: máy ảnh, phim ciné Charlot, phim Hoạt hình, bán máy quay phim...Tất cả nhập cäng từ bên Pháp về. Nhưng đặc biệt là bán diã hát Tân và Cổ nhạc. Đó là thời nổi tiếng của loại dĩa hát hiệu Asia. Ngoài ra, còn bán máy hát Phono hiệu “Con Chó”, có cái cần cổ cong cong. Anh Hiệp tôi và chị em chúng tôi vẫn ra đó phụ với ba, cong lưng quay đĩa cho khách hàng tới mua nghe thử đĩa, cho họ thuộc bản nhạc. Có hằng trăm bản nhạc hay thời Tiền Chiến của Nhà Xuất Bản Tinh Hoa. Phần lớn đều do cậu tôi, Họa sĩ Phi Hùng, anh kế má tôi vẽ vời, treo la liệt giăng hàng khắp cửa hiệu. Mấy anh em vì thế đã thuộc lòng. “Cây đàn bỏ quên”, “Hòn Vọng phu”, “Mối tình Trương Chi”, “Em tới thăm anh một chiều mưa”, “Kiếp Hoa”, “Dư Âm”,“Xuất quân”, “Quảng Çường mai”, “Hè Về” v.v... Và còn vui thú ư ử ca Vọng cổ theo nghệ sĩ Út Trà Ôn với làn hơi ngọt ngào mùi mẫn. Tuồng “Tô Ánh Nguyệt” gây xúc động vì mối oan tình. Mặc dù nếu phân tích kỹ sẽ thấy vô lý, vì ho lao gần chết nhân vật chính vẫn gân cổ ca một hơi dài sáu câu tuyệt cú mèo! (đến bật đèn đỏ!). Vở “San Hậu” rồi vở “Bàng Quí Phi”v.v... Chúng tôi đã vô tình làm quen và đâm ghiền hết thảy những thứ nghệ thuật tân cổ giao duyên, nhờ cửa tiệm buôn rất chi tài tử này. Vì đã làm “business” mà ông bố “công tử bột” của chúng tôi không thèm biết trời trăng hay chịu khó nghiên cứu kỹ lưỡng gì! Phải nói như thế, để tiếp theo tôi có thể kể là ba tôi đã bị “phá sản” không chút oan uổng! Trong lúc đó căn nhà bên cạnh. Má tôi vẫn cần cù hoạt động. Bà vẽ chân dung vừa chụp hình nghệ thuật. Vẫn không cách chi vớt vát nổi tình trạng ế ẩm và nợ nần do tài kinh doanh trời ơi đất hỡi của bố già chúng tôi! Cuối cùng, một căn nhà đành bán cho ông đốc Quyến để trả bớt nợ. Căn này về sau là Hiệu sách “Kim Cúc”. Cô chủ tươi đẹp như hoa nhưng có máu ...“Reno” trời sợ. Tiệm sách chuyển tiếp cho chủ khác thuê, lấy tên là “Nắng Mới”. Căn còn lại của gia đình họ Phan Phường Đúc, đã cải biến trở thành Văn Phòng Luật Sư Trần Tấn Việt. Sau đó chuyển giao cho luật sư trẻ tuổi đẹp trai Nguyễn Khoa Kiêm. Anh Kiêm là bạn đồng lứa với anh thi sĩ Tú Rọm của tôi. Anh đã bị VC lùa bắt đi rồi bị chôn sống cùng với cụ thân sinh, Chánh án Nguyễn Khoa Hoàng ,vào dịp biến cố Mậu Thân.
Căn lầu bìa cạnh nhà tôi là hiệu ảnh Tôn Thất Dung. Ông chủ tiệm gốc hoàng phái này chuyên khai thác chân dung các em bé đủ kiểu: khóc, cười, mếu, bò, lật, đứng, ngồi...rất ngộ nghĩnh. Về sau, đổi chủ sang cho vợ chồng anh “Ái Mỹ” Tàu chay trăm phần trăm, bố mẹ của con Phan con Mý. Năm Mậu Thân tôi nghe kể chuyện về chị Ái Mỹ xinh đẹp như nữ tài tử Lâm Đại này. Chị một tay dắt díu hai con thơ, một tay dìu anh Ái Mỹ lúc đó đã mang bệnh mù, chạy giặc sang bên kia cầu Trường Tiền. Sau 75 và gần đây khi quay về thăm cố hương, tôi thấy một dẫy khách sạn nhếch nhác đã trám chỗ mấy căn nhà bìa xinh xắn bên phía nhà chúng tôi. Ôi! cuộc đời đúng là dâu biển đến đau lòng.
Bên kia đường Thượng Tứ, tôi không sao quên được... Từ trong thành kể ra. Trước hết là nhà bác Mối thợ mộc, với râu tóc bạc phơ như tiên ông, một tấm gương lao động không ngừng để con cháu noi theo. Ngay đầu xóm vào “xưởng” của ông, có một cái máy nước công cọng. Hồi đó nước chưa bắt vào tận nhà dân chúng. Một thời, từng là nơi cho các nàng “marisến” đến gánh nước. Để liên tục xảy ra những trận ác chiến và chưởi lộn tưng bừng bên bờ hồ. Nguyên nhân từ những chuyện tình tay ba rắc rối hoặc những mẫu thư từ lâm li bi đát đã “tam sao thất bổn”, khiến làm sứt mẻ tình cảm và tự ái các nàng “mari phông ten” cùng các chàng “rô be” cúp tóc!
Dẫy nhà bên đường này, đầy đủ hình ảnh gắn bó với cuộc sống bình dân. Hầu như tôi đã thuộc nằm lòng từng tên bảng hiệu đến tên của mỗi gia đình. Ba má tôi không giàu nứt vách đổ tường, không làm quan chức cao cấp. Nhưng vẫn được bà con lối xóm ở Cửa Thượng Tứ gọi bằng “cô, thầy”, gần như với một cảm tình đặc biệt. Người gieo rắc nhiều nhất có lẽ là má chúng tôi. Má tôi, không giao lưu thân mật với các chị hàng rong, hàng bún, anh xe kéo, xích lô. Nhưng ai ai cũng niềm nở đón rước chào mừng. Con đường Thượng Tứ với dẫy bên kia đường có các ông các bà khoảng tuổi ba má tôi hay nhỏ hơn vài tuổi, vẫn được chúng tôi gọi thân mật là “anh, chị”.
Anh An Thành hớt tóc, có tiệm hớt tóc nhỏ nhưng hớt khéo. Tôi thường theo ba tôi qua đó để ngồi chơi và để lôi giây cho cái quạt bằng vải to cở cái cửa lớn đặt nằm ngang lơ lửng trên trần nhà. Vừa lôi quạt cho ba tôi mát, vừa thích thú ngắm anh An bôi xà bông trắng xóa đầy mặt ba tôi. Xong, anh lấy lươiû dao cạo sắc lẻm có cán xếp, cẩn thận cạo mặt. Anh An thấp người có các cô con gái là bạn đồng tuổi anh em tôi, Nga Nhạn Oanh Yến. Đứa nào cũng xinh đẹp như má tụi nó. Chị An Thanh mình dây, tuy con nhà lao động và đã đứng tuổi mà sao tôi thấy chị duyên dáng và đẹp ghê. Đến nay tôi còn hình dung ra chị. Khuôn mặt trái xoan với mầu da bánh mật. Đôi mắt xênh xếch long lanh. Làn môi ăn trầu cắn chỉ, đỏ thắm. Lúc cười để lộ ra hàm răng đen lánh và đều rưng rứt.
Khi chúng tôi lớn lên thì anh An bán nhà cho bác “Quảng Phong”. Nhà kinh doanh thuốc lá Cẩm Lệ, Quảng Nam. Tôi nhớ bác Quảng Phong có hai cô con gái trạc tuổi chị em tôi là Châu và Lễ, còn người con trai tên là Nghi. Chắc bác còn nhiều con cái nữa nhưng tôi không biết tên tụi hắn. Nhà bác Quảng Phong rất tấp nập. Thợ vác thuốc vác những bành thuốc khổng lồ. Thợ xắt thuốc xắt thuốc lá nhuyển, mịn tơi bằng những dao xắt tay to bản. Hình như bác Quảng Phong có khá nhiều “ái thiếp”, để tiện mở những nhà tứ giác bán thuốc an toàn, khỏi sợ thất thoát tiền bạc. Nhưng cho đến lúc bác chết, gần như bác chưa một lần biết đi xem hát là gì, mặc dù bác hay vui vẻ giúp mua vé từ thiện cúng cho quỹ này quỹ nọ.
Hình dáng bác Quảng Phong lại làm tôi liên tưởng đến bác Ba Lựu, có phòng ngủ “Trường Xuân”. Bác Ba Lựu thấp một khúc như Yến Anh Thừa tướng. Ba tôi mỗi lần qua nhà bác mua bia Bông Hường. Để tránh chữ “bia lùn”. Ba tôi nói: Ông Ba ơi, bán cho tui một chai bia “không cao”! Thế là khiến cho bác Ba Lựu giận đến tím mặt, cho là ba tôi nói xỏ. Phòng ngủ Trường Xuân về sau, bán làm tư thất cho ông chủ “Lạc Thành”, chủ nhân một tiệm ăn lớn ở Cửa Thượng Tứ. Quán Lạc Thành nổi tiếng với những món Mì Xào Giòn, Y Phù Mỳ Thánh, Xúp Măng Tây Tôm Cua Bột Bán v.v...Anh chị Lạc Thành sinh hạ một bầy con nhiều ngang cỡ ba má tôi, và trạc tuổi tụi tui. Đó là Đàn Định Xứng Thọ Hòa Thuận Bờm Xù v.v...
Cùng “bên kia đường” này, còn có nhà “Phước Thọ Đường” bán thuốc Bắc, có Rô là con trai cỡ tuổi anh Hiệp tôi. Còn nhớ có lần chạy qua đó mua táo tàu, tôi bị má “thằng” Rô sửa lưng vì đã ăn nói thiếu phép tắc. “Thưa, bán cho Má nửa kí lô...” Bà chủ tiệm thuốc Bắc phốp pháp đậm người liền trợn mắt la: “Cô Mộng Hoa là má mi chớ má tau à!”
Nhà “anh” Khả sửa xe đạp, con cái nheo nhóc một lũ. Đặc biệt có hai đứa sinh đôi tên Mai và tên Mót. Mai “đẻ” buổi sáng tưởng hết, té ra sau đó “lòi” thêm một “thị” nữa nên được kêu là Mót. Hai chị em hắn giống nhau y đúc. Lúc chơi Trốn Tìm, Đạp mạng, bạn bè nhiều phen chưởi nhau ỏm tỏi. Vì “đá” con Mai, con Mai không chịu ra, không chịu “chết”.ø Con Mai còn tỉnh khô chạy ra “đá lon” đứa khác. Té ra con bị “đá” hồi nãy là con Mót! Anh Khả nhờ siêng năng làm ăn, rồi cũng dựng vợ gả chồng cho con cái vào nơi tử tế, nhà cửa lần lần khá giả.
Nhà “Bác Thân” sát cạnh nhà anh Kha, chuyên sửa xe gắn máy. Nhà cửa đầy dầu nhớt và tối hù. Thợ thầy ai cũng lấm lem. Bác là người liêm chính, ăn nói khuôn vàng thước ngọc. Biệt tài của bác là mở được tất cả những tủ bị hỏng khóa trong thành phố chỉ bằng một đoạn dây kẽm đơn giản.
Sát vách Nhà Bác Thân là tiệm giày “Bùi Khán”, chuyên trị đóng và sửa giày. Bác chủ tiệm dành một góc cho anh Tứ chuyên sửa đồng hồ và còn thêm một góc khác bán thuốc Bắc và đồ tạp hóa lẻ tẻ. Bác làm việc thâu đêm, nếu chợt thức giấc nửa khuya, tôi vẫn còn nghe tiếng đóng giày lóc cóc vẳng trong đêm sâu thanh vắng.
Ngay cạnh tư thất Lạc Thành, là “clinic” Bác sĩ Quyến. Bệnh viện tư, dành cho những con bệnh nan y ở xa, cần sự theo dõi của vị “Biển Thước” tái sanh này. Tôi nhớ nhà bệnh rất đông khách và bên ngoài sao có vẻ thiếu vệ sinh.
Giăng hàng bán quà vặt ở đàng trước đó là những gánh quà sáng bình dân. Có O Bưởi bán bún bò gánh từ An Cựu sang. Tô bún bò “cóm” ba đồng bạc vẫn hấp dẫn vì có đầy đủ giò, gân, huyết, nóng hổi ngon lành. Đến thím bán bún khô, ưa bán bún tươi ăn với tương ớt đỏ chói và cay đến xé họng. Chỉ cần ăn hai tô, mỗi tô một đồng bạc là mình no đến giấc trưa! Ngoài ra, còn gánh Cơm Hến, gánh Xôi bắp, gánh Cháo hoa gạo đỏ ăn kèm cá bống thệ kho rim màu nâu đỏ như sơn mài...Tha hồ cho bà con xóm Thượng Tứ thay đổi bữa điểm tâm. Món nào cũng rẽ tiền, nhưng chừ ngồi nhớ lại, tôi đều quay quắt thèm đến riệu nước miếng!
Tiếp theo là Nhà Sách Ái Hoa. Sau đổi chủ là người Tàu, tiệm đông khách nhờ có người đẹp Yên Cơ đứng trông coi. Yên Cơ dáng người mỏng mảnh như chuồn chuồn kim. Cô yểu điệu thục nữ, khiến bao chàng trai Huế ở trong kia Nội thành thầm yêu trộm nhớ. Đặc biệt vần vũ lui tới, có nhóm “Phi Cơ Trực Thăng”.
Cho tới nay căn nhà tôi không làm sao quên được là “nhà” mụ Xoài bán nước chè xanh. Gọi là nhà, nhưng thực ra đó chỉ là do hai vách tường xéo, nhỏ hẹp nối tiếp giữa quán billard của anh Nuôi với tiệm ăn Lạc Thành tạo nên. Trên đó gát sơ sài mái tranh dột nát. Anh Nuôi là tên người Y tá giỏi của bác sĩ Quyến. Anh Nuôi chữa bệnh mát tay không kém chi sư phụ. Phía trước “nhà” mụ Xoài bày một cái sạp gỗ tạp ọp ẹp. Ở trên, đặt lỏng chỏng ấm nước chè xanh thơm nồng vị gừng ấm cay, với mấy cái tô sứt miệng. Thêm vài nải chuối sứ cùng chiếc thau nhôm móp mép đựng đầy nước, thả dăm miếng dừa già màu trắng tươi, khi cắn tới nghe ngọt bùi và giòn chon. “Quán” chè xanh của mụ Xoài đắt khách nhờ đám mấy chú xe kéo và xích lô, trong lúc nghỉ chân, đã ghé lại giải khát cho đỡ mệt.
Tôi còn nhớ như in kỷ niệm về mụ Xoài. Đó là năm Huế phát động phong trào Bài Phong Đả Thực và ủng hộ “Triều” cụ Ngô. Học sinh công tư toàn thành phố ngồi đầy nhóc trên những chiếc xe Buýt màu xanh dương hay xe GMC nhà binh. Bọn học trò chúng tôi được chở đi cổ động bỏ phiếu cho chí sĩ Ngô Đình Diệm. “Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì”. Xe lớp lớp chạy lòng vòng khắp mọi xó xỉnh của cố đô. Một đứa lớn họng hét to: “Đả đảo Bảo Đại” hoặc “Ủng hộ Ngô Đình Diệm” rồi cả bầy hăng bò xít hét theo mà đả đảo hay ủng hộ. Tuổi trẻ máu nóng bốc đồng thi nhau la hét đến khan hơi rát cổ. Khi xe chúng tôi chạy đến đường Thượng Tứ. Một bạn la to khẩu hiệu: “Ai bán nước ?” để cả bầy còn lại đồng thanh đáp: “Bảo Đại!”. Tôi thấy mụ Xoài xóm tôi le te chạy tới. Cái cằm móm xọm dài ra hơn khi mụ cười toe toét, trả lời đon đả: “Có đây! Có đây! Có mụ Xoài bán nước đây!”. Rồi một tay cầm cái ấm chè xanh thơm nức mùi gừng tay kia cầm cái tô sâu lòng, cứ thế mụ bưng mời thiên hạ đi biểu tình giải khát hết sức sống động và nhiệt tình! Cuộc đời mụ Xoài thực hom hem như thân xác gầy gò của mụ. Tuy nhiên lúc nào tôi cũng thấy mụ Xoài vui vẻ bận rộn bán buôn. Suốt ngày mụ chạy ngược chạy xuôi, bay lượn qua lại trên con đường Thượng Tứ. Có bửa ế hàng mụ lại ghé vô nhà má tôi. Yêu cầu cô MH mua ủng hộ, hết mớ cùi dừa nhai giòn tan và nải chuối sứ ăn trệu trạo vì đầy hột. Mấy anh em tụi tui vừa ăn vừa phun hột vào nhau hoan hỉ. Còn mụ Xoài thì te tái chạy về “nhà” để lo nấu buổi cơm chiều cho ông lão vô tích sự nhà mụ.
Bên kia đường còn có tiệm Photo của cậu Phi Long tôi. Mợ tôi, một thời nổi tiếng là người đẹp Kim Long, đứng chủ tiệm. Cậu này là anh thứ nhì của má tôi sau ông cậu cả tức cậu Phi Hổ. Ông anh họa sĩ này tính tình rất nghiêm khắc. Cậu Phi Long là họa sĩ chuyên vẽ những tấm áp phích khổng lồ dùng để quảng cáo của Phòng Du Lịch Huế. Cậu bận làm công chức nên hiệu ảnh giao cho mợ tôi phụ trách. Tôi nghe người lớn trong nhà kháo nhau vài mẩu chuyện vui về mợ nhưng không hiểu có thực hay là do ác ý bày đặt. Mợ tôi vốn là cô gái quê mùa ít học nhưng rất xinh đẹp mà má tôi nhân một buổi đi vẽ ngoài trời với mấy ông anh họa sĩ, đã khám phá ra người mẫu tuyệt vời ẩn hiện sau vườn dâu Kim Long. Má tôi sau đó đã đi chạm ngõ cô gái rồi thừa thắng đứng ra hỏi cưới luôn cho người anh tài hoa nhưng hiền lành của mình. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau đó hai anh em, gồm cậu và má tôi đã thay nhau kiên nhẫn vỡ lòng chuyện học hành và kiến thức sơ đẳng cho cô dâu. Mợ tôi đã dần trở nên cô chủ nhân xinh đẹp và bặt thiệp. Thời đó lúc Tây chưa về nước, lính Pháp thích chụp ảnh kỷ niệm đã ghé tới hiệu ảnh mợ Phi Long. Một chàng sĩ quan Pháp sau khi được bà chủ chụp ảnh, đã lịch sự xin phép được hôn người đẹp. Mợ tôi nghe lơ mơ, không hiểu rõ câu tiếng Tây mà vẫn “Oui!” một cái ngon lành, rứa là chàng trai Pháp liền hôn đánh chụt lên gò má ửng hồng của mợ tôi. Mợ tôi ngơ ngác vì ngạc nhiên nhưng lập tức sau đó đã tát tai một cú rờ ve đau điếng tên người Pháp hỗn láo kia!
Về sau nhờ tài quán xuyến của mợ tôi, gia đình cậu tôi đã tậu được căn nhà lầu ba tầng ở đường Trần Hưng Đạo, phía đối diện vườn hoa Nguyễn Hoàng. Và Hiệu ảnh Cửa Thượng Tứ sang tay anh Phi Phước con trai lớn của cậu Phi Hổ với mợ Cả người Quảng, anh Phi Giao là em trai kế anh Phước. Còn mợ Cả Bắc là bà hai sinh ra các chị Phi Hồng, Phi Yến cùng các anh Phi Lộc, Phi Lân. Khi các bà mợ cả, mợ hai không còn nữa, ông họa sĩ còn gân này liền bước thêm bước nữa và “lão bạng sinh châu” ra anh út Phi Ngọc, lúc đó cậu tôi ngót nghét gần 80 mùa xuân! Anh Phi Phước hình như chịu tính di truyền nên cũng đa mang hai bà và có tới 23 mụn Phi, bầy con anh đều lót chữ Phi!
Kế bên có Nhà “Cô Chủ” bán tạp hóa, tôi không nhớ chi nhiều, chỉ nhớ vài lần đã tới quán này để mua cục ô mai chua lét chua lè mút hoài mà không chán. Cạnh đó là Nhà anh Lạc Thiện, em ruột “anh” Lạc Thành. Quán Bánh Khoái “Lạc Thiện” những năm 60 trở đi nổi tiếng số 1 ở Huế. Bánh chiên giòn tan, nhụy tôm tươi với nấm hương ướp thấm thía, rau sống ăn kèm sạch sẽ và đủ loại. Nhất là nước tương chấm bánh thiệt là bách chiến bách thắng, đã ngon lại được chủ nhân yết bảng, “Rau sống và nước tương tha hồ kêu! không tính thêm tiền!”
Sau hết là tiệm may áo dài Mỹ Lệ ở cuối đường Thượng Tứ, gần ngã ba cột đèn. Hai vợ chồng trẻ măng và vui tính nên khách hàng nườm nượp kéo tới nhiều khi họ may không kịp hở tay. Trước đó chị em tôi quen xuống phố Trần Hưng Đạo chỗ thợ may Hùng lừng danh nhất Huế, cắt may không chỗ chê, chỉ phải tội ông chủ vừa là tay thợ chính ít khi hở miệng và mặt mũi thì lầm lì khó chịu!
Đằng trước tiệm Mỹ Lệ thường xuất hiện gánh Bún Bò Giò Heo Mụ Béo, ngon tuyệt cú mèo, tôi e là vô địch của Huế! Gánh bún số dzách này do hai chị em Mụ Béo thay nhau từng buổi gánh đi. Khi thì bà chị mập ú phúc hậu, khi thì bà em cao lớn tươi cười. Họ gánh nhẹ nhàng gánh hàng kĩu kịt nặng trĩu và thơm lừng mùi sả. Khi nào nước lèo cũng trong veo, trên mặt bồng bềnh lớp màu đỏ au đằm thắm và nhất là khi nào cũng nóng hôi hổi, khói bốc lên ngào ngạt suốt dọc hè phố họ ngang qua. In như Mụ Béo nhà ở trong Thành nội nhưng lại ra bán ngoài thành. Bắt đầu ngày từ dưới phố Ngã Giữa, họ đi dần lên phía Cửa Thượng Tứ của tôi. Đố có ai ăn bún của họ mà dám mở lời chê dù là nửa tiếng! Khi có tiền làm hoanh ăn tô đặc biệt 5 đồng với đầy đủ giò tròn hay giò móng với gân bò nhai sừng sực, thấm tận cõi đời mỹ vị. Khi hết tiền chỉ cần mua 1 đồng nước bún có rắc chút hành ngon xanh mướt, nước bún ấy chan húp ăn với cơm vẫn cứ ngất ngây hương vị bún bò như thường!
Điểm xuyết thêm vô những món quà rong, xóm Thượng Tứ còn nổi danh Mụ Hộ bán bún Giấm Nuốt, nhưng không thường xuyên vì chỉ bán khi tới mùa nuốt tươi. Tô bún sợi nhỏ đan quyện màu trắng trong veo của tai nuốt giòn chon thái nhỏ, trộn lẫn với rau xắt rối đủ vị thơm, cay cay chát chát thiệt dễ chịu, và chan vào nước lèo đậm đà. “Ơi cuộc đời răng mà hạnh phúc!” nói như kiểu thi sĩ say mê ẩm thực Tản Đà vẫn chủ xướng. Mụ Hộ khi còn thiếu nữ từng làm mẫu vẽ cho má tôi. Hình ảnh o bán chè ban đêm nơi vỉa hè, duyên dáng má ửng hồng vì phản chiếu ánh đèn dầu hỏa tỏa lên. Ngoài thực tế Mụ Hộ khi đứng tuổi tóc buộc cao trong tấm khăn tím buồn, xách hai tay hai gióng chè bốc hương. Chè đậu ván nước, nước trong ngọt thanh, hạt đậu nấu mềm mà không nát. Chè đậu ván đặc, bột trong sánh lại những hạt đậu óng ánh mới nhìn đã vui mắt. Chè bọc lọc, nhân đậu phụng bùi, nhân dừa béo giòn, khi nhai tới nghe kêu vui tai. Vài buổi, mụ Hộ chịu khó đổi gam qua chè nếp có lẫn khoai môn sáp vàng, hay tăng cường hấp lực với chè bọc lọc bọc thịt quay. Chè nào của o bán chè xóm Thượng Tứ vẫn ngon nhất xứ.
Buổi tối giấc khuya nếu còn thức học thi, mấy đứa tui thường được má tẩm bổ cho tô “phở Trọc”, tên đặt cho chú phở gánh bình dân có cái đầu quả trứng của tài tử lừng danh Yul Bryner. Chú Trọc có tài múa đũa thần sầu. Nấu tô phở khô thiệt lẹ làng, bánh nhiều, thịt loạn, thêm hành giá béo ngậy. Ăn vô là mắt sáng trưng cứ rứa chong ra mà gạo lon tộn chờ ngày “lều chõng” ứng thí.
Tuổi nhỏ ham ăn ham chơi, nhờ thế mới đủ sức lo chuyện tương lai học hành! Cho nên trong mãng ký ức về con đường của xóm nhỏ thời thơ ấu này, tôi hay nghiêng qua chuyện “ăn chơi đàn đúm” dễ thương của mình. Và còn nhiều nữa, nhưng tôi sẽ không quên nhắc tới ở đây là: Sau hai dẫy nhà lầu san sát, với vườn rộng thành cao ở phía đằng trước Cửa Thượng Tứ; còn có những mái tranh nghèo, nơi cư ngụ của những con người thật nghèo. Họ tồn tại nhờ vào đủ loại nghề lao động chân tay đầy khó nhọc. Phần lớn những gia đình này chạy loạn thời Nhật Đảo chánh đến thời Việt Minh cướp chính quyền. Khi hồi cư, họ không trở về thôn xóm cũ. Từ nhiều nơi, đã tụ tập về đây. Sống chen chúc trên rẻo đất mé ao hồ của Hoàng Thành cổ kính. Nhà nào cũng có con gái đi “ở đợ” nhà người ta để bớt tốn cơm gạo cho cha mẹ, đi làm thuê cho thiên hạ. Đàn ông sức vóc lo chạy xe kéo, đạp xích lô.
Tôi nhớ rõ mồn một tên những người này. Anh Bụi cao ròm da xám đen. Một thời oanh liệt, anh ở trong đội đá banh, từng là lính đánh thuê của Tây. Khi tôi lên Trung học phải vào nội trú trường Bà Xơ. Má tôi lâu lâu kêu anh Bụi tới trường đón mấy đứa tụi tui về nhà bằng xe tay, còn gọi là xe kéo. Tôi thấy anh Bụi còn cứng cáp mạnh khỏe. Nhưng tới kỳ xe kéo bị xếp xó, nhường chỗ cho xích lô “văn minh nhân đạo” hơn, thì anh Bụi coi như “về hưu” hết xài. Bị ho hen, người còm nhom, tóc tai rụng hết ngó anh như ông lão. Anh Bụi có hai đứa con, tên thằng Gió, con Mưa. Cả hai đều ốm tong teo, có lẽ vì thiếu ăn.
Anh Con, nhưng người lại to ngang, lính Tây giải ngũ. Anh là cha tụi thằng Trắng, thằng Đen. Mấy đứa con gái anh thì mặt mày tươi tắn dễ coi, tên Giàn, tên Yêng và thằng út tên Phanh. Tên tụi hắn mang toàn bộ niềm mơ ước giản dị của gia đình người phu xe này. Khi tôi gần xong Trung học, thì anh Con dựng được một mái lều bên hông hẻm Thượng Tứ, bán toàn dụng cụ xe đạp, xe xích lô. Lũ con anh, đang đứng phụ cha bán và sửa xe lai rai.
Anh Ấm, chạy xích lô người roi roi mà đẻ cả chục đứa nhóc. Nhà anh coi có vẽ sung túc ở trong xóm Ao Hồ, có lẽ do chịu khó làm ăn chăm chỉ. Anh có đạo Công giáo, siêng năng đi nhà thờ. Vợ chồng anh đều là con đỡ đầu của ba má tôi.
Anh Bòn hiền lành, không “bòn” được mụn con nào. Mụ Bòn đen như Miên, nhưng có duyên ngầm. Mụ có bệnh suyễn nặng tự chữa trị bằng phương pháp tàn nhẫn, vì sát sanh loài vật. Mụ Bòn hay ra nhà tôi để nhận giặt áo quần. Nhiều hôm đang cười nói vui vẻ, tự nhiên đùng đùng lên cơn rồi chớp mắt nổi suyễn. Mụ thở hổn hển trông thật tội nghiệp. Nhưng vừa nghe ai nhắc: tề, trên cột nhà tề! Là Mụ Bòn nhanh nhẹn chỗi ngay dậy, nhảy phắt lên, chụp lấy con thằn lằn. Rồi trong chớp mắt, mụ há miệng to, thả cho con vật còn ngo ngoe chạy tọt vào cái họng đang kêu như lò rèn bễ!

Cửa Thượng Tứ là đó. Tất cả là đó. Ngày xưa còn có hàng cây im mát tỏa bóng hai bên đường. Bây giờ phong quang nhưng tiêu điều trải qua bao mưa nắng. Thời gian trôi đi với cuộc nội chiến gây nên lắm phong trần. Cửa Thượng Tứ vẫn còn đó, ngậm ngùi mà thương “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo...” Ngày xa xưa qua cầu, có bóng ngựa, có bóng cờ xí, bóng tàng lọng quan quân...
Xóm Thượng Tứ còn nhớ chi nưã. Chắc còn nhiều, nhiều lắm. Như nhớ kỷ niệm những cặp trai thanh gái lịch hẹn hò. Lấy “cột đèn Mộng Hoa” là điểm gặp gỡ. Hoặc câu chuyện chàng si trong đêm khuya lắc khuya lơ đi ngang qua đó mà nghe “ Trên lầu ai kia ngất cao, vang tiếng dương cầm thiết tha”, cứ ngỡ rằng đó là tiếng đàn chị em nhà Mộng hay nhập nhòa kế bên của các tiểu thư dòng họ Thanh...Nhưng chàng si đâu có ngờ đôi khi đó là tiếng đàn của phu nhân bác sĩ Quyến!...
Xóm Thượng Tứ còn ghi đậm hình ảnh mùa lụt năm 53, con rắn thần đã dâng mực nước sông Hương tràn ngập cả thành phố Huế. Nước lụt đỏ ngầu lút quá nửa cửa thành Thượng Tứ. Nước vui đùa cuốn phăng theo bao nhiêu rác rến bập bềnh trôi, cùng cột kèo rui mái của căn lều xóm nghèo đàng sau xóm Ao Hồ. Huế làm sao quên được gương hy sinh của một chàng Quốc Học. Anh đã quên cả nguy hiểm và mệt mỏi. Suốt ngày đêm khi cơn lụt kinh hoàng xảy ra, anh đã thức trắng dầm mưa lội lụt, đã cứu vớt bao nhiêu người thoát chết, đưa họ từ dưới chân cửa thành lên tạm trú trên thượng thành an toàn. Cuối cùng vì quá lao nhọc, anh đã sẩy chân chết thảm. Giữa đêm khuya sóng nước sông Hương hung dữ đã dìm xác anh xuống lớp bùn đen tanh hôi nào! Và mùa lụt năm Qúy Tỵ ấy, tôi làm sao quên được hình ảnh cười ra nước mắt của nhạc sĩ Ngô Ganh. Người nghệ sĩ nổi tiếng mỉa mai hài hước, từng một thời là Giám đốc Đài Phát thanh Huế, là bạn thân của gia đình mình. “Chàng” đã rét run cầm cập trên chiếc xuồng nhỏ vừa chống vừa chèo. Từ phía trong thành nội cố tìm ra ngoài thành, đến nhà chúng tôi. Chàng suýt chết đuối vì nước xiết nơi cổng thành. Và kỷ niệm khó quên về mấy anh học trò nhởn nhơ kéo nhau đi lội lụt. Có anh vô tới cửa thành rồi vẫn còn ham ngoái lui nhìn người đẹp thấp thoáng sau lớp rèm hồng; khiến cho nước lụt kéo anh hụt chân rơi xuống cống, suýt đi đời, mà cả bọn còn vui vẻ cười ngắc nga ngắc ngoẻo trong làn nước lũ xoáy lôi tưng bừng...
Xóm Thượng Tứ xa xưa vẫn còn đó, sẽ còn mải mải với thời gian cho “người đi nhớ kẻ về”. Và muôn ngàn sau, Huế vẫn còn thì chắc chắn Cửa Thượng Tứ vẫn tồn tại để điểm tô cho danh lam thắng cảnh Cố đô thơ mộng mãi hoài mộng mơ...

Đăng nhận xét

Cảm ơn cô giáo đã đưa tôi về lại tuổi thơ của xóm Bờ hồ thơ mộng. Nhà tôi nằm ngay đầu xóm Bờ hồ và gần với những mái nhà mà cô giáo đã tả lại một cách chi tiết. Những nhân vật trong này cũng rất gần gủi với tuổi thơ của tôi. Xin cảm ơn cô giáo về bài viết rất nhiều

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget