2024






Hôm nay giỗ Mạ. Đã 15 năm chúng con không còn Mạ. Ba đi trước mấy năm, Mạ đi sau và chúng con trở thành những đứa con mồ côi từ đó. Anh em bây giờ đi bốn phương trời, ngày giỗ chỉ còn mấy đứa. 

Ngày Mạ mất, tôi vừa qua cơn đại phẫu lần thứ ba ở bệnh viện Pháp Việt. Mổ lúc 14:00, gần 17:00 mới tỉnh đang nằm phòng hậu phẫu thì nghe tin Mạ mất lúc 20:00. Thời kỳ Mạ yếu nằm ở BV Tâm Đức, tôi cũng lâm trọng bệnh phải mổ lần đầu ở BV Ung Bướu nên ít thăm Mạ, Mạ trách nhưng tôi dấu không dám nói thật mình bệnh sợ Mạ lo nên đành để Mạ buồn, Mạ giận. Mạ mất, tôi dứt khoát đòi xuất viện dù vừa xong cuộc giải phẫu. Cô Bác sĩ người Pháp mổ cho tôi đành chịu ký giấy cho tôi về nhưng cứ dặn đi dặn lại là phải cách xa người mất, không được lại gần rất nguy hiểm vì dễ nhiễm trùng vết thương. Thế là tôi về nhưng không được nhìn mặt Mạ lần cuối, chỉ đứng xa mà nhìn với dòng nước mắt. Chắc Mạ cũng sẽ thương mà thứ lỗi cho tôi. 

Thời gian cuối đời, Mạ cứ muốn về lại làng Lệ Thuỷ, Quảng Bình, quê của Mạ. Nhưng làm sao đi được khi Mạ đã yếu rồi. Mạ nhớ quê nhà đã xa cách mấy chục năm. Như một lời báo trước, Mạ muốn nhìn quê nhà lần cuối trong đời.

Khi Mạ già Mạ rất khó tánh dù bình thường Mạ cũng khó rồi. Vì vậy nhiều lúc chúng con không làm vừa ý Mạ, Mạ hờn, Mạ trách, Mạ buồn. Những lần giỗ Mạ, tôi tự trách mình có nhiều lần không làm theo ý Mạ.

Giờ Mạ đã được nằm cạnh Ba với anh Hai. Giờ Mạ đã ở trên kia rồi, hay đã đầu thai kiếp khác. Các con vẫn luôn nhớ thương Mạ, vẫn nhớ giọng nói, tiếng cười và thân hình phốp pháp khi tuổi già của Mạ. Vẫn nhớ dáng Mạ trong gian bếp nấu những món ăn ngon cho đàn con hơn chục đứa thời chúng con còn bé. Vẫn nhớ những giọt mồ hôi của Mạ ngồi làm mứt bánh lúc chúng con vừa lớn. Vẫn nhớ không thể nào quên hình ảnh Mạ với chiếc áo dài nhung, chỗi hạt ngọc đeo ở cổ trong những ngày lễ Tết. Giờ con đã là lão già hơn tuổi bảy mươi, cứ nhớ Mạ là muốn khóc. Mỗi lần tôi hát bài Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến, lần nào cũng chảy nước mắt vì nhớ Mạ.

Chiều nay con đốt nén nhang, vái lạy trước khung hình của Mạ và thầm gọi Mạ ơi!

23.4.2024

DODUYNGOC


Ba giờ sáng, không ngủ được, ngồi dậy mở máy vào messenger mục tin nhắn đang chờ xoá bớt tin nhắn, thấy một tin của một người lạ: "Bảo đây. Tìm mày gần 50 năm. Hello Ngọc Nhà Đèn...Tao biết mày không thích cái tên này nhưng vẫn gọi vì tao chỉ nhớ đến cái tính ngông của mày." Ngọc Nhà Đèn, cái nick name này ở đâu ra ta? Tôi nghĩ hoài không ra. Bảo nào? Tôi có nhiều người bạn tên Bảo. Vào Facebook của người này. Nhìn hình lạ hoắc, không gợi khuôn mặt thân quen nào, bèn trả lời:"Xin lỗi bạn, chắc bạn nhầm tôi với ai rồi." Bên kia nhắn lại ngay:"Tôi có người bạn cùng tên, trước học ở ĐHVH phân khoa GD....tất cả giống bạn? Xin lỗi nếu đã nhầm. Cảm ơn bạn đã trả lời." Lại suy nghĩ, nếu học Giáo Dục Vạn Hạnh thì chắc là người có thể không quen nhưng phải biết. Nên viết nhắn lại:" Bạn học Vạn Hạnh khoá nào và phân khoa gì? Tôi cũng có bạn tên Bảo học khoa Sử Địa người Nha Trang". Nhắn thế thôi chứ tôi chưa nghĩ đến người bạn cũ tên Bảo, lâu nay tôi vẫn cố tìm. Trả lời:"Thêm vài chi tiết nữa, may ra bạn nhớ? Cái bức tranh vẽ vội đã nuôi bạn lúc đói mèm vào thời điểm đó. Đúng rồi, tôi đấy. Người đã cùng trọ với Vinh,người DN." Trong lòng tôi vỡ oà niềm vui, đúng là người bạn cũ đây rồi. Tôi nhanh chóng nhắn tiếp:" Trời ơi sao bây giờ khác thế. Bảo người gốc Quảng Bình và nhà ở Nha Trang". Nhắn lại:"Hình như có lần bạn ghé NT ,tụi mình ra biển ngắm sao đêm? Nhớ quá ngày ấy...bác Trần Đới, Bùi Giáng...". Thế rồi hai thằng nối điện thoại nói chuyện với nhau hơn tiếng đồng hồ đến khi trời ửng sáng, nhắc đủ thứ chuyện của hơn 50 năm trước.

Hơn năm mươi năm trước, tôi là thằng sinh viên nghèo từ Đà Nẵng vào Sài Gòn đi học. Vì nhiều lý do khó kể ra, tôi vào Sài Gòn mà không có ai trợ cấp, sống như đứa con hoang. Rất nhiều hôm đói, rất nhiều ngày đói. Lâu lâu có bài đăng báo có được chút tiền còm. Rồi vẽ biểu ngữ, bán tranh, viết thông báo cho trường, thiết kế sân khấu cho Đoàn Văn nghệ Sinh viên Vạn Hạnh do anh Phạm Thế Mỹ làm trưởng đoàn. Thu nhập rất bấp bênh. Túi thường rỗng và bụng rất nhiều lần đói. Không nhớ sao lại có tiền thuê nhà ở hẻm 108 Trần Quang Diệu, căn nhà trống trải chẳng bàn ghế, không giường chiếu có một căn gác lửng bằng gỗ và ngoài sân có cây mận đầy sâu. Từ đường vào nhiều con hẻm ngoằn ngoèo mới đến nhà nằm gần con kinh nước đen. Tôi ở chung với hắn, Trần Ngọc Bảo và mấy người bạn nữa. Hắn cũng vốn gốc Quảng Bình và cũng dân di cư như tôi. Gia đình hắn ở Nha Trang, bố là Trung tá quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Hắn được gia đình tiếp tế hàng tháng, dù không nhiều vì sĩ quan hồi đấy sống nhờ lương lại đông con. Tuy vậy hắn còn khá hơn tôi vì đầu tháng có tiền để ăn học. Hắn thuộc tuýp người hiền lành, không đua đòi ăn chơi nên hợp với tôi, một thằng nghèo rớt mồng tơi ăn còn kiếm không ra lấy gì mà chơi. Hắn để tóc kiểu Beatles, mốt thịnh hành của thanh niên thời ấy, hai mắt to, tròn lúc nào cũng ngơ ngác và khuôn mặt dài. Hắn học cùng phân khoa Giáo Dục, Đại học Vạn Hạnh với tôi nhưng ban Sử Địa còn tôi ban Việt Hán. Hai thằng thường đi học chung với nhau. Đi bộ qua những con hẻm hẹp loanh quanh ra đến đường Trương Minh Giảng. Những lần tôi không có tiền ăn cơm, tôi ăn ké khay cơm của hắn. Hồi đó trường Đại học có câu lạc bộ sinh viên, bán phiếu cơm với giá rẻ cho sinh viên. Mỗi phần ăn gồm một khay có mấy ngăn, ngăn cơm, ngăn canh và ngăn món mặn thường là đậu hủ với vài miếng thịt bạc nhạc hay nửa khúc cá kho. Đồ ăn theo tiêu chuẩn nhưng cơm thì không hạn chế. Hắn mua phiếu, ngồi ăn hết cơm và thức ăn, thay vì mang khay vào trả thì hắn sẽ đứng lên và tôi thay vào chỗ hắn, mang khay vào lấy thêm cơm ra ăn với trái chuối hay chút nước mắm. Nhờ chiêu đó, tôi qua được những cơn đói ngặt nghèo.

Ở chung còn có lão thi sĩ Trần Đới, người có khuôn mặt và hàm râu giống nhà văn Nga nổi tiếng Mikhaylovich Dostoyevsky. Lão cũng là kẻ lang thang, suốt ngày làm thơ và ôm cái đàn mandolin gảy những hợp âm lộn xộn.

Lâu lâu cũng có nhóm bạn âm hồn của tôi ghé vào, toàn là dân biệt kích, không quân lái máy bay chiến đấu đi bỏ bom về và cũng không thiếu vài tay du đãng. Mỗi lần đám đó tụ hội là râm ran, bày đủ trò phá phách nhưng tôi và hắn không bao giờ tham gia. Có một lần tay bạn du đãng của tôi lúc ấy đang dính với một em me Mỹ. Thằng chồng Mỹ của ả đi hành quân, ả và tay giang hồ bạn tôi dọn sạch sành sanh đồ đạc trong nhà mang qua gởi nơi tụi tôi ở trọ. Tôi sợ quá năn nỉ chúng dọn đi gấp. Lần đó MP của Mỹ tìm vào xóm, may mà không phát hiện được gì vì đã chuyển đi trước đó. Hú hồn!

Ở chung cũng có người hoạt động Việt Cộng. Tụi tôi biết nhưng việc ai nấy làm, đời ai nấy sống, hồn ai nấy giữ nên cũng chẳng quan tâm. Sau 75 người này làm việc bên Sở Văn Hoá Thành phố.

Ở chung với nhau một thời gian thì tan hàng, mỗi đứa một phương. Trải qua bao nhiêu biến cố và đổi thay của thời cuộc cùng đời sống của mỗi người nên chẳng liên lạc gì với nhau. Nhất là sau 75, tan hàng, rã đám tôi và hắn bặt tin nhau. Tôi đôi khi cũng hỏi thăm về hắn nhưng chẳng ai biết. Tôi nghĩ chắc hắn di tản hay vượt biên rồi vì gia đình hắn ở Nha Trang sát biển và bố hắn lại là sĩ quan cao cấp VNCH. Giờ gặp lại hắn cho biết là trong những ngày cuối của cuộc chiến, hắn được lùa đi với đám lính Đại Hàn nên rời Việt Nam rất sớm. Bố hắn kẹt lại đi cải tạo mấy năm.

Giờ hắn định cư ở Úc, đã có chắt rồi và hắn bảo hắn tìm tôi hơn 50 năm nay giờ mới gặp qua Facebook. Cũng cảm ơn Facebook, nhờ nó mà chúng tôi lại tìm được nhau sau bao thăng trầm, biến đổi. Thằng nào cũng đã quá tuổi bảy mươi, nằm nhắc lại những kỷ niệm, ký ức lại tràn về. Nhìn lại những năm tháng của một thời, khó khăn nhưng vui, rất vui và nhiều khát vọng ở tương lai. Bây giờ chân đã run, sức đã yếu, sự nghiệp cũng chẳng có gì, những ký ức của ngày tháng cũ tràn về, vẫn nhớ như in những bước chân trong những con hẻm nhỏ, ngôi nhà trống trải, những bữa cơm ở câu lạc bộ sinh viên. Thời gian đi mau quá, chớp mắt đã hơn nửa thế kỷ rồi. Chúc bạn ta và cũng tự chúc mình có sức khỏe và niềm vui với tuổi già. Hy vọng có ngày gặp lại nhau.

6.2.2024

DODUYNGOC 


Hồi còn bé, tôi rất mong ngày Tết. Không phải vì Tết có nhiều món ăn ngon, cũng không phải vì những bộ áo quần mới, cũng chẳng phải Tết có được thêm tiền lì xì. Tôi mong Tết vì cái mùi của Tết. Cái mùi mà bây giờ lên hàng lão tôi khó tìm thấy đủ như những ngày xưa.

Trời đất, thiên nhiên bốn mùa đều có mùi của mùa. Mùa xuân có mùi của cây non trổ lộc, mùi của hương hoa. Mùa hạ có mùi của nắng, mùi của mồ hôi, mùi gió biển và mùi cá khô phơi tràn bãi cát. Mùa thu có mùi của lá vàng, của gió thu lướt trong không khí, mùi của nắng vàng mật ngọt. Mùa đông có mùi của bếp lửa, của bắp nướng, của chén khoai khô ngào đường và mùi của những cơn gió cắt da. Nó còn cái mùi của những chiếc áo ấm cất lâu trong tủ mang ra còn vương mùi long não. Mùi của Tết khác hẳn, nó không phải là mùi của bốn mùa gộp lại mà nó có mùi rất riêng. Tôi gọi đó là MÙI CỦA TẾT. Mùi này một năm chỉ có một thời gian rất ngắn rồi phai đi chờ đến Tết năm sau.


Trước hết, trong tôi là mùi của hoa. Đó là mùi hăng hắc độc đáo và nồng nàn của những chậu hoa vạn thọ mà Ba tôi rất thích bày khắp sân mỗi dịp Tết về. Những chậu hoa với những bông vàng rực, sáng cả một góc sân. Đó là hương của những cành hoa huệ trắng Mạ ưa cắm trong chiếc bình bằng đồng được đánh bóng sáng ngời đặt trên bàn thờ. Ngay phòng khách mùi hoa lay ơn đỏ Mạ cắm đặt ở bàn salon cũng có mùi nhè nhẹ. Đó là mùi thơm thoang thoảng của những chậu lan khoe sắc trên giàn ở bìa sân do nhiều người biếu Ba trong dịp Tết. Đó cũng là mùi thơm rất mỏng từ chậu mai vàng nhiều cánh nở bung được đặt trang trọng ở giữa nhà. Tất cả hương của những thứ hoa bàng bạc trong nhà báo hiệu đã cận Tết rồi.

Mùi của Tết còn là mùi của nhang, trầm khiến cho căn nhà ấm lại trong cái lạnh đầu xuân. Mùi nhang khói như sợi dây nối liền những người đã khuất với những người đang sống. Mùi để nhớ về, mùi của những cuộc đoàn viên. Cháu con thắp lên cây nhang, đốt lên ánh nến, mẩu trầm rồi vái lạy trước bàn thờ, trước di ảnh của ông bà, cha mẹ. Cái mùi nhang khói ấy theo mãi suốt một đời người.

Đó còn là mùi thơm của thau mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt khoai, mứt me Mạ làm. Cái mùi cháy của đường phảng phất mùi va ni cuốn hút thằng bé chực chờ được vét thau. Cái mùi và miếng mứt hơi cháy ở đáy thau theo thằng bé đi suốt cho đến tuổi già. Giờ không mấy nhà tự làm mứt nữa, tiệm, siêu thị bán đầy, chẳng mấy ai mất công ngồi đổ mồ hôi bên bếp lửa. Mạ tôi mất hai chục năm rồi, tôi không còn được thưởng thức món mứt của Mạ và cũng chẳng còn được nhìn dáng Mạ chảy mồ hôi bên nhiều thau mứt nữa. Bóng Mạ vẫn về trong ký ức mỗi độ Tết đến, xuân về.

Tết còn có mùi của các loại bánh in. Ngày xưa Mạ làm đủ loại bánh gói trong những loại giấy bóng màu. Mùi của bánh thơm thơm hương bưởi, hương va ni, mùi của bột. Tất cả đặt trong những chiếc khay gỗ quý khảm xà cừ. Nó còn là mùi của những chén chè đậu xanh, chè khoai tím xếp từng dãy trên bàn. Còn mùi bánh chưng trong thùng sôi sùng sục đêm giao thừa, nó có thoảng nhẹ của mùi nếp chín, mùi của lá chín và mùi chi nữa không tả được và cũng chẳng quên được.

Còn mùi của thịt heo luộc, thịt heo ngày xưa luộc chín có mùi thơm của thịt mà bây giờ khó tìm thấy nữa. Thịt luộc chín ăn đã ngon, ngâm vào nước mắm lại càng ngon. Ngâm đến khi thịt biến màu sẫm, mỡ trong màu hổ phách. Lúc đấy miếng thịt heo ngâm nước mắm lại mang mùi khác. Không phải mùi của thịt jambon, thịt nguội mà là mùi đúng chất Việt Nam bởi nó thấm đẫm mùi nước mắm Việt qua tay chế biến của người phụ nữ Việt. Cũng phải kể đến mùi của món bắp bò ngâm nước mắm nữa. Và cũng không quên tảng thịt heo quay thơm lạ lùng với những mảng da dòn tan. Đó là chưa kể đến mùi thơm của những đòn chả nóng, xâu nem chua, những cây tré đượm mùi riềng.

Rồi đến mùi hăng hăng của kiệu. Phơi một nắng, kiệu bỏ vào lọ giấm lại có mùi khác. Thêm mùi của dưa món, ngâm chín tới mà ăn với bánh chưng, bánh tét mới thấy hết cái ngon của dưa món. Một sự hoà điệu tuyệt vời.

Nó còn là mùi của những bếp than hồng đỏ lửa trên đó có nồi thịt kho tàu với trứng, trên đó có nồi cá kho thơm phức mùi nghệ, trên đó có mùi cá nướng, cá chiên chuẩn bị bữa cúng rước ông bà.

À còn mùi của những loại rau. Rau thơm miền Trung nhỏ lá nhưng thơm hơn nhiều vùng lá to mà tinh dầu kém. Món chi ăn cũng có rau kèm, ngày Tết ăn nhiều dầu mỡ lại càng cần rau.

Ngày xưa còn có mùi pháo. Mùi mang âm hưởng Tết nhiều nhất. Nghe mùi pháo là biết Tết đã tới rất gần. Đêm Giao thừa, trong khoảnh khắc giao thoa giữa cái cũ và cái mới, trong không gian thiêng liêng, mùi pháo, tiếng pháo báo hiệu Tết tới, thể hiện không khí rộn ràng của một năm mới, đón chào những thành công mới. Chỉ tiếc giờ đây Tết không còn pháo. Không tiếng nổ của pháo nên mùi của Tết thiếu đi một nửa khi không còn mùi pháo. Đứa bé ngày xưa chỉ giữ mãi hình ảnh những phong pháo nổ dòn và cậu bé hân hoan lượm pháo lép trong mùi nồng nặc của khói pháo. Tội nghiệp những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên khi Tết không còn pháo. Trong ký ức của chúng không có mùi của pháo. Không được nghe những tiếng nổ giòn giã và xác pháo hồng ngập sân.

Mùi của giấy tiền, vàng mã cũng là mùi của Tết dù ngày giỗ chạp cũng thường đốt loại này. Nhưng ngày Tết thì mùi này có khác hơn, đượm mùi thiêng liêng, trân trọng hơn. Lại nhớ Ba mỗi lần đốt vàng
mã, Ba bắt phải đốt cháy hết thành tro, Ba bảo không thể cúng cho ông bà áo quần, tiền vàng rách vì chưa cháy hết.

Cuối cùng là mùi của những dĩa trái cây, mỗi loại trái có một mùi riêng, tổng hợp lại thành mùi hoa quả ngày Tết đến.

Mùi của Tết là sự tổng hoà của nhiều mùi mà chỉ có ngày Tết mới có. Nó không chỉ là mùi của những vật phầm. Nó còn là mùi thiêng liêng đi theo suốt quãng đời của mỗi người. Có thể mỗi gia đình, mỗi dòng tộc có mùi Tết riêng nhưng tựu trung mùi của Tết là mùi khó quên nhưng giờ khó tìm cho đầy đủ cái mùi ấy như những ngày xưa cũ.

Chẳng còn bao ngày nữa lại đến Tết. Nhắc mùi của Tết lại nhớ Ba, nhớ Mạ, nhớ những người đã mất quá chừng. Nỗi nhớ trào nước mắt.

DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget