tháng 9 2021






Nếu không có gì thay đổi vào phút chót, hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc phong toả Sài Gòn vì đại dịch. Như vậy, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, thành phố đã trải qua 7 lần giãn cách xã hội tổng cộng 120 ngày. Cấp độ giãn cách luôn luôn lần sau siết chặt hơn lần trước và từ 9.7 có thể xem như phong toả thành phố với mức độ cao. Thời gian theo chỉ thị 16, 16+, 16++, 16+++ đã trải qua 80 ngày. Tính đến sáng nay, bắt đầu từ ngày 26.5 thành phố đã có 380.870 ca nhiễm (gần 50% tổng ca nhiễm ca nước), chưa kể 150.000 ca bệnh chưa được Bộ Y tế chấp nhận. Hiện số người còn đang điều trị khoảng 35.000 bệnh nhân và đã có 14.631 người tử vong vì virus Vũ Hán. Con số người chết có thể cao hơn vì có nhiều người chết tại nhà không khai báo và địa phương không báo cáo hay kiểm soát được. Gần 15.000 người tử vong, một con số đáng buồn. Càng buồn hơn là nhiều người trong số này đáng lẽ không phải lìa đời. Họ chết vì thiếu chăm sóc, vì bệnh viện quá tải, vì thiếu thiết bị lúc đang tình trạng nguy kịch. Họ cũng qua đời vì không được đưa đến bệnh viện kịp thời, vì không kiếm ra phương tiện di chuyển. Và phần lớn là vì họ không được tiêm chủng vaccine khi dịch bùng lên ở thành phố bởi nhà nước thiếu chuẩn bị và lúng túng trước cơn dịch đến quá nhanh. Chính những thành tích chống dịch trong 3 đợt trước khiến chính phủ chủ quan, say sưa, tự hào với chiến thắng. Do vậy lúc biến thể Delta xuất hiện, lãnh đạo thiếu chủ động để có những biện pháo hợp lý và khoa học để chống đỡ. Thới gian đầu đưa ra biết bao văn bản, nghị quyết chủ trương nhưng càng làm số người nhiễm và người chết càng lúc càng cao. Cách ly tập trung là một ví dụ. Tập trung xét nghiệm là một thí dụ nữa. Đấy là những nơi biến thành ổ dịch và đưa tới con số người bệnh không dừng lại được.

Càng về sau, khi chủ trương xét nghiệm toàn diện, những địa điểm này cũng là nơi truyền bệnh nhanh nhất vì những sơ sót không đáng có của các nhân viên thực hiện. Biết bao người dính bệnh từ đây và bao nhiêu người đã chết vì những cái găng tay không sát trùng? Ai chịu trách nhiệm này? Ai hưởng tiền chênh lệch từ những cái que test? Rất nhiều kẻ có tội từ cơn đại dịch nhưng chẳng ai bị kết tội. Họ chỉ giàu thêm thôi. Còn người chết đã thành tro bụi trong lặng lẽ.

Và cũng vì sợ lây nhiễm khi xét nghiệm, hôm trước mạng xã hội, báo chí, dư luận đã phản ánh việc một phụ nữ trong chung cư ở Thuận An đã bị dân phòng, công an, cảnh sát cơ động và bí thư phường phá cửa nhà, giải chị này đi như tội phạm vì chị này không chịu đi chọc ngoáy theo yêu cầu. Trước áp lực của dư luận, tối 29.9, Ban chỉ đạo PCDB TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã tổ chức cuộc họp liên quan đến việc cưỡng chế này. Ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú bị kiểm điểm, phê bình về cách cưỡng chế thô bạo. Ông này cũng xin lỗi nạn nhân, nhưng qua cách trình bày cho thấy lời xin lỗi không thật tâm, vẫn nguỵ biện về những hành vi sai trái của mình. Đồng thời nạn nhân lại bị đề nghị xử phạt về hành vi không chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh để răn đe, không để xảy ra các trường hợp tương tự. Nạn nhân cũng bị thu giữ chứng minh nhân dân, lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu người dân bỏ video và status sự việc trên Facebook cá nhân. Thiết nghĩ, những người tham gia cưỡng chế dưới sự chỉ đạo của ông Bí thư đã vi phạm luật pháp, phá cửa xông vào nhà bắt người khi chưa có lệnh của các đơn vị chức năng là xâm nhập gia cư bất hợp pháp, xâm phạm thân thể và làm nhục người khác. Nếu biết nhận thấy lỗi lầm của mình thì lời xin lỗi có thể chấp nhận nếu nạn nhân không bị xử phạt sau đó. Còn nếu như buộc phạt nạn nhân thì cũng phải xử tội những người vi phạm đúng theo luật pháp, nếu cần thì phải ra toà án xử. Không thể bỏ qua chuyện bằng một lời xin lỗi mà vẫn xử phạt nạn nhân được. Như thế là không công bằng. Sao phạt dân mà quan chỉ là kiểm điểm? Còn việc quay và phát tán video, chính người trong đoàn cưỡng chế quay clip và lúc đầu đưa lên để làm bằng chứng người phụ nữ này vi phạm. Nhưng không ngờ bị dư luận phản đối. Giờ lại yêu cầu người dân không được phát tán clip này. Vụ việc đã được phổ biến rộng rãi, ai cũng đã xem và đã hiểu đầu đuôi câu chuyện, có lý do gì mà phải lấp liếm. Xoá hay không ở thời điểm này không còn giá trị chi nữa. Trong sự việc này, nếu không có báo chí, dư luận và nhất là mạng xã hội lên tiếng chắc chắn câu chuyện sẽ bị ỉm đi và nạn nhân phải cúi đầu im lặng trong uất ức. Ngày xưa trong chế độ phong kiến, dân không ngại quan to mà chỉ ngán mấy lũ sai nha, trương tuần, lý trưởng. Những kẻ đó gần dân, sát với dân nên chúng bóp cho dân lè lưỡi. Ngày nay cũng thế, dân phòng, công an phường, lãnh đạo phường, xã là những người khiến cho dân tình chán ngán và mất lòng tin nhiều nhất. Đám đấy hay lộng quyền khi có chút quyền lực và làm khổ dân với chút uy quyền được giao cho. Khi có chuyện thì phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, thiệt thòi lúc nào người dân cũng phải cúi đầu gánh chịu.

Trở lại chuyện giảm giãn cách ngày mai 1.10, hôm nay thành phố đang họp bàn để quyết định những biện pháp sẽ được sử dụng. Theo thông tin mới nhất sau ngày 30.9 sẽ hết các chốt trong nội đô, chấm dứt giấy đi đường. Phó chủ tịch Lê Hòa Bình đã thông báo triển khai chỉ thị. 

Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục kiểm soát dịch toàn thành, giảm ca tử vong, tăng cường hệ thống y tế và  đưa sinh hoạt sang trạng thái "bình thường mới" thay vì phong toả với cách ly. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thành phố chủ trương không mở cửa ồ ạt mà triển khai từng bước theo an toàn, có lộ trình, mở cửa đến đâu đảm bảo an toàn đến đó. Như vậy, việc đi lại của dân vẫn chưa trở lại bình thường được tuy đã không còn cấp và xét giấy đi đường. Bởi theo Phó giám đốc Sở công an Nguyễn Sỹ Quang sẽ gỡ hết các chốt trong nội thành nhưng vẫn duy trì các chốt giáp ranh để kiểm soát dịch sau 30.9. Tuy nhiên, công an vẫn duy trì các chốt kiểm tra lưu động và có cách kiểm tra tùy theo tình hình địa bàn quận huyện. Người dân rời thành phố đến các địa phương khác phải theo sự tổ chức của nơi đi và nơi đến, không được lưu thông bằng xe cá nhân. Phó chủ tịch Lê Hòa Bình cũng lưu ý người dân phải di chuyển theo tổ chức và không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác.

Thành phố cho phép những trường hợp cấp thiết đi lại liên tỉnh phải theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM.

"Người dùng xe cá nhân sẽ không đi qua được các chốt liên tỉnh. Thành phố cũng sẵn sàng đón công nhân có tham gia hoạt động sản xuất tại thành phố mà thời gian qua đã về quê, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh. Thành phố sẽ phối hợp với các địa phương theo quy trình để đưa công nhân về lại bằng phương tiện chung", ông Bình nhấn mạnh và kêu gọi người dân ở lại thành phố tham gia lao động sản xuất, đảm bảo cuộc sống. Bởi khi mở cửa cho các nhà máy, công ty hoạt động trở lại, tình trạng thiếu công nhân là chuyện đáng lo.

Vaccine vẫn tiếp tục tiêm, ưu tiên cho người ở tuyến đầu và người có nguy cơ. Đặc biệt sẽ lên kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo cổng thông tin thành phố thì đến giờ này, số người trên 18 tuổi đủ điều kiện tại các quận huyện đã tiêm mũi 1 trên mức 95%, mũi 2 là 45%. Thành phố lại tiếp tục ra App. Ứng dụng mới nhất có tên là PC-COVID. Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin, Truyền thông cho biết sáng nay 30.9 ứng dụng PC-COVID chính thức đi vào hoạt động. Và đây là ứng dụng duy nhất liên quan đến phòng chống dịch tại thành phố. Sau này, toàn bộ dữ liệu tại ứng dụng Y tế HCM sẽ được cập nhật vào PC-COVID.

Theo lãnh đạo Sở Thông tin, từ 1.10, tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.

Còn người dân sẽ dùng app Y tế HCM để thực hiện giao dịch trên địa bàn trong khi chờ toàn bộ dữ liệu cập nhật lên PC-COVID.

Nhưng cũng như hơn hai chục cái app trước, ứng dụng PC-Covid gặp lỗi, nhiều người không thể truy cập như không nhận được mã OTP, chậm cập nhật dữ liệu, tự động đăng xuất là những lỗi phổ biến mà ứng dụng PC-Covid gặp phải trong ngày đầu ra mắt.Tóm lại là cho đến nay, cả nước cũng như thành phố vẫn chưa có một cái ứng dụng nào ra hồn. Cái nào cũng lắm trục trặc, làm ra rồi bỏ dở nửa chừng. Kiểu này cũng là một kiểu tốn tiền vô ích, tiêu tiền không hiệu quả. Nói thì rất hay như: "Hiện tại, bạn đã có thể tải về ứng dụng PC Covid cho điện thoại của mình. PC Covid là ứng dụng tổng hợp, thống nhất tất cả tính năng của các app phòng chống dịch COVID-19 trước đây, giúp bạn không cần phải tải thêm nhiều ứng dụng trên điện thoại nữa". Nhưng thật sự cũng chỉ là làm cho có mà không sử dụng được. Hỏi ra thì cái app này do BKAV của anh Quảng nổ đẻ ra. Ai chứ cái chàng cưa bom này thì không bao giờ tin nổi, thế mà không hiểu tại sao lãnh đạo nhà mình chuyện gì dính đến IT cũng đều giao cho ảnh là tại làm sao?

Tuy mang tiếng nới lỏng nhưng hình như nhiều sinh hoạt cũng đang ở trong tình trạng siết chặt.  Chủ trương đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới. Nhưng chỉ có 8 nhóm được cho phép hoạt động, đó là các cơ quan, đơn vị nhà nước. Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế - văn hóa nước ngoài có trụ sở trú đóng trên địa bàn thành phố. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ (14 nhóm hoạt động). Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Hoạt động giáo dục, đào tạo. Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người. Hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo…) tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh được tập trung tối đa 70 người.

Các hoạt động tiếp tục tạm dừng như: Các sự kiện: văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử. Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo. Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trừ các trường hợp được cho phép hoạt động.

Tiêu chí mở cửa thành phố. và các tỉnh phía Nam là đạt một số tiêu chí của Bộ Y tế. Trong đó có yếu tố vaccine. Thế nhưng cho đến nay không có đủ vaccine thì sao đạt chuẩn? Bắt chiến đấu mà không cung cấp đủ súng đạn thì làm sao thắng. Đưa tiêu chuẩn mà không phân bổ cho đủ vaccine thì làm sao? Chích nước cất à? Hay là phải chọn Sinopharm hay vaccine CuBa. Dân đang mong được chích cho đủ hai mũi để bớt lo nhưng kiểu này chắc còn lâu. Mà vaccine còn lâu thì chuyện mở cho hết cửa cũng còn lâu.

Sinh hoạt cần thiết nhất của người dân bây giờ đang mong là sớm được đi lại tự do và bình thường bằng các phương tiện tự có. Đồng thời các chợ truyền thống được mở cửa. Có được hai yếu tố đó mới thấy thành phố có lại chút sinh khí. Chứ vẫn còn những trói buộc như dự định sau 30.9 sẽ thực hiện thì cũng chỉ mở nửa chừng, dân cũng chưa tìm lại được những sinh hoạt cũ, chưa bình thường được.

Cho tới ngày cuối cùng của đợt phong toả, thành phố vẫn chủ trương việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".

Thế thì để an toàn, ta tiếp tục nằm nhà, tiếp tục đi ra đi vào chờ thời gian an toàn nhất vậy. Cho nên gọi ngày này là ngày phong toả cuối cùng cũng chưa hẳn là thế. Cửa mới đang mở he hé thôi, còn nhiều điều ràng buộc lắm, còn nhiều chuyện để lo lắm. Đừng có mơ bao giờ cho đến tháng mười. Ngày mai là bắt đầu tháng mười rồi đấy!

30.9.2021

Sài Gòn ngày lockdown cuối cùng

DODUYNGOC



Ở Sài Gòn, tôi quen biết nhiều nhạc sĩ và cũng kha khá ca sĩ. Nhưng tôi không quen ca sĩ Phi Nhung dù cũng có đôi lần gặp đâu đó. Bởi tôi không phải là fan của chị, tôi cũng là loại kén nghe nhạc, không chọn dòng nhạc của chị để nghe. Nhưng qua báo chí và qua lời kể của nhiều người trong giới, tôi quý và trân trọng chị vì chị là người có ý chí, có tâm thiện. Trong tôi, chị là người tốt và cũng là người hiếm trong đám xô bồ nghệ sĩ hiện nay. Vốn xuất thân là người con lai, sinh ra trong một gia đình nghèo lại mồ côi sớm. Chị đã chịu nhiều gian khó và thiệt thòi để cố gắng nuôi đàn em thay mẹ đã mất. Được đến Mỹ, với ý chí, quyết tâm và niềm đam mê âm nhạc cộng với những may mắn, chị đã trở thành ca sĩ được trong và ngoài nước mến mộ. Thông thường, người con lai rất khó thành công. Ở Việt Nam, họ không được xem là người thuần Việt, bị dè bỉu, chọc ghẹo khi còn bé. Lớn lên thường bị người chung quanh dò xét, gièm pha. Lại ít được học hành nên cuộc sống khá khó khăn. Qua đến Mỹ, họ lại khó được cộng đồng người Mỹ chấp nhận, lại thêm bằng cấp, chữ nghĩa không có nên thường gặp nhiều trở ngại. Thường là đã đến tuổi trưởng thành rồi nên muốn học hành hay kiếm công việc cũng khó. Tôi đã gặp ở khu Bolsa, California khá nhiều người con lai là homeless. Thế cho nên tôi rất quý trọng những người con lai thành đạt trên đất Mỹ. Ca sĩ Phi Nhung là một trong số người đó dù tôi không nghe giọng ca của chị. 

Tôi càng kính phục và trân trọng chị hơn khi biết chị đã nuôi 23 em bé, dùng tiền bạc làm được của mình để đến với những người nghèo, khó khăn. Đã trải qua những ngày thiếu thốn từ tuổi nhỏ, chị đồng cảm với người ở tận đáy xã hội, chị chia sẻ với những người khốn khó, những em bé mồ côi. Tôi trân quý chị bởi chị là người có trái tim biết yêu thương, có tâm thiện lành chứ không vì chị là ca sĩ có tiếng tăm. Khi đại dịch tràn đến Sài Gòn, đáng lẽ chị đã trở về Mỹ để gặp con gái và thực hiện những dự án bên đấy. Nhưng chị đã chọn ở lại, ngày ngày nấu cơm, mang nước đến với dân nghèo. Chị vui vì được chia sớt những khó khăn của đồng bào, với những người yêu tiếng hát của chị. Nhưng rồi con virus quái ác đã không tha chị, và chị đã từ biệt mọi người để đến thế giới khác. Nếu chị không chọn ở lại trong những ngày đại dịch, nếu chị chọn về Mỹ như dự định, chắc chị sẽ không chết. Âu cũng là số phận. Thấy được như thế ta lại càng thấy sự ra đi của chị ý nghĩa hơn nhiều và quý tấm lòng của chị hơn nhiều. Chị sống và cống hiến cho đời, cho những số phận bất hạnh đúng nghĩa một con người có lương tâm và trách nhiệm với đời. Chị đã sống thật đẹp như khuôn mặt thật đẹp của chị. Dù cuối đời, đã có kẻ mang đến chị những thị phi. Nhưng với lòng sáng trong, chị đã vượt qua và vẫn sống tốt. Chỉ tiếc chị rời thế giới này khi các dự định của chị còn ngổn ngang, dang dở.

Tôi xin vĩnh biệt chị, với ý nghĩa vĩnh biệt một người tốt, một trái tim bao la thương người, thương đời, một người với cái tâm thiện. Tôi không vĩnh biệt một ca sĩ vì dù chị mất đi nhưng tiếng hát của chị vẫn còn đó, người yêu tiếng hát của chị sẽ vẫn còn nghe giọng hát của chị mỗi ngày. Nhưng con người tốt của chị sẽ không còn nữa, đã trở về với cát bụi. Người con gái xinh đẹp đó giờ chỉ còn là một nhúm tro. Vĩnh biệt! Mong chị thanh thản ở thế giới mới không còn ganh ghét, không còn khổ đau.

28.9.2021

DODUYNGOC













Dự định không viết về chuyện chọc ngoáy mũi nữa, bởi nó đã lột trần ra hết rồi và ai cũng hiểu mục đích của cuộc xét nghiệm toàn diện và thần tốc trên thành phố này và cả nước. Thế nhưng, hôm qua xem clip cưỡng chế một phụ nữ ở chung cư Ehome 4, thuộc phường Vĩnh Phú, Thuận An, tỉnh Bình Dương vì cô này không đồng tình xét nghiệm mà giận quá nên lại viết thêm cái vụ ngoáy mũi này. 

Trong clip cho thấy khoảng gần chục người đàn ông, cảnh sát cơ động có, thường phục có, dân phòng có và do Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú là ông Võ Thanh Quan dẫn đầu. Họ đến gọi chủ hộ đi xét nghiệm nhưng cô này đóng cửa không đi vì sợ đau và nhiễm bệnh dịch từ nơi xét nghiệm. Thế là gọi thợ đến phá cửa, xông vào bẻ ngoặt tay người phụ nữ và giải đi như tội phạm mặc tiếng khóc thét hãi hùng và sợ hãi của những đứa bé trong nhà. Một người trong đám còn bảo sẽ làm biên bản tội cô này chống người thi hành công vụ. Người phụ nữ bị khoá tay đưa xuống sân, ép ngồi xuống ghế để thọc mũi. Cô ta cũng không có một kháng cự nào vì người cô nhỏ nhắn làm sao gỡ được hai cánh tay của người cảnh sát cơ động lực lưỡng. Đọc trên các báo tường thuật chuyện này thấy chuyện có vẻ nhẹ nhàng và hợp lý quá. Nào là thuyết phục, nào là đề nghị, nào là khuyên nhủ. Nhưng xem clip mới thấy sự thật, đúng với nghĩa cưỡng bức. Khi phá được cửa, cả đám xông vào bẻ tay người phụ nữ, giải đi ngay mặc cô gái phân trần nhưng không phản ứng hay có hành động chống đối  lực lượng chức năng. Hành động của đám người này dưới sự chỉ đạo của Bí thư phường cho thấy đây là lối xử sự của một đám lạm quyền. Cách hành xử đó khiến người ta có suy nghĩ đất nước này không còn luật pháp, chẳng có hiến pháp, vô pháp vô thiên. Không luật nào cho phép phá cửa của nhà dân ngoại trừ cấp bách như cháy nhà, cấp cứu tai nạn hay người trong nhà có hành động phạm pháp nguy hiểm. Cũng không luật nào cho phép vào nhà riêng để thực thi các biện pháp hành chính khi chưa có lệnh khám xét nhà của cơ quan công quyền. Cũng theo luật của nhà nước ban hành thì người không chấp hành xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế thì chỉ là phạt tiền từ 1 đến 3 triệu. Không có luật nào ghi cho phép phá cửa và bắt người khoá tay giải đi như tội phạm. Cũng may cô này không phản ứng mạnh chứ cứ nhìn những bộ mặt đằng đằng sát khí với những lời hằn học răn đe kiểu đấy, loạng quạng chắc bị ăn đòn. Nhìn cứ như ở Vũ Hán khi mới dính dịch, như đám Hồng Vệ binh thời Cách mạng Văn hoá ở bên Tàu. Có phải đó là chuyên chính. Bà Chủ tịch đến ông Bí thư khi trả lời báo chí thì mô tả sự việc rất nhẹ nhàng, như chẳng có chuyện chi quan trọng. Thế nhưng sự thật đây là việc xúc phạm thân thể người khác một cách cứng rắn và thô bạo, xâm nhập gia cư bất hợp pháp và vi phạm luật pháp cũng như quyền con người. Chỉ vì nạn nhân không đồng tình việc xét nghiệm vì sợ lây nhiễm. Cô cũng sẵn sàng tự xét nghiệm, sao không để cô ấy tự làm test nhanh, chẳng nguy hại gì cả. Mà nếu người phụ nữ bé nhỏ đó không chịu hợp tác, có thể phạt tiền theo luật, sao phải dùng đến bạo lực như thế. Nhìn cảnh này lại nhớ mấy câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du"Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao. Người nách thước, kẻ tay đao. Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi".

Từ khi có dịch ở Việt Nam, cảnh này không thiếu. Bị bắt, bị khoá tay, bị giải đi vì không chịu xét nghiệm là chuyện ở đâu cũng có. Tất cả đều bị ghép tội chống chủ trương của nhà nước và chống người thi hành công vụ. Dân bị chụp những cái mũ tội phạm dù chỉ là không muốn bị đau vì chọc ngoáy và có thể bị nhiễm bệnh vì những sơ sót trong việc sát trùng găng tay của những người thực hiện. Đó có thể xem là một tội không? 

Yêu cầu lãnh đạo Bình Dương phải có giải trình và kết luận vụ việc này một cách hợp lý, công bằng và đúng với luật pháp, hiến pháp quy định. Clip này đã phổ biến rộng khắp, không thể bao che và nói dối với dân được. Những người có mặt hôm đó phải thấy sai phạm của mình để không còn kiểu dùng quyền lực của mình để áp bức, dùng bạo lực để xâm phạm và đàn áp dân. Đề nghị báo chí nên phản ánh sự thật trên tinh thần thượng tôn luật pháp, với ngòi bút trung thực của một người làm báo để khỏi cảm thấy cắn rứt lương tâm với những dòng chữ của mình.

Đã nói thì nói luôn, theo tính toán của nhiều người thì nếu căn cứ vào báo cáo của Sở Y tế từ ngày 27.4 đến 15.9.2021, thành phố đã thực hiện gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR và 9,5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên. Công việc xét nghiệm vẫn được tiếp tục thần tốc cho đến hết ngày mai 30.9. Với chi phí xét nghiệm bằng test nhanh là 238.000/mẫu và 734.000/mẫu với phương pháp PCR. Số tiền phải tốn kém cho những cuộc xét nghiệm này ước tính là khoảng 3729 tỷ đồng. Đó là chưa tính những khoản khác như nhân lực thực hiện, chi phí phát sinh. Vaccine AstraZeneca có giá rẻ chỉ 3 đô la một liều, như thế với số tiền chi cho việc chọc ngoáy ở thành phố cho đến giờ này, thành phố có đủ tiền để mua 55 triệu liều vaccine Astra Zeneca, dư sức để chích cho mỗi người dân thành phố mỗi người 2 mũi theo yêu cầu mà vẫn còn thừa 32 triệu liều vaccine dự trữ nếu cần chích thêm mũi 3 hay hỗ trợ giúp các tỉnh thành lân cận. Bài toán bậc tiểu học đứa bé nào cũng tính được tại sao chúng ta không làm mà cứ mãi xét nghiệm tràn lan mặc cho những ý kiến của chuyên gia cũng như dân chúng? Nhiều khi những việc của chính phủ, của nhà nước lạ lùng quá, dân không hiểu nổi. Vaccine thì luôn thiếu, cắp rổ đi xin khắp nơi trong khi tiền thì bỏ ra làm chuyện chẳng ích lợi gì, chỉ khiến cho dân oán. Hay là mang tiền đi mua vaccine tào lao dân không khoái mà lại bị thằng bán ép đủ điều không khác của bố thí.

Cũng là chuyện vaccine, trưa 28.9, Sở Y tế bất ngờ chỉ đạo khẩn ngừng tiêm vắc xin Pfizer lô FK0112 cho đến khi có thông báo mới.

Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, sở thông báo cho tiêm trở lại đối với lô vắc xin này.

Lúc 17 giờ ngày 28.9, các trung tâm y tế trên địa bàn thành phố cho biết đã nhận được chỉ đạo mới của Sở Y tế cho phép tiếp tục tiêm vắc xin Pfizer - lô FK0112 sau khi hội đồng khoa học công nghệ đã xem xét.

Chiều 28.9, trả lời báo chí về việc vì sao trước đó Sở Y tế yêu cầu các quận, huyện tạm ngừng tiêm lô vắc xin FK0112 của Pfizer, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến thời điểm này Sở chưa có văn bản nào chỉ đạo ngừng tiêm vaccine Pfizer. Đồng thời theo bà cho biết trong quá trình quản lý điều hành, nếu thấy có một số vấn đề cần chấn chỉnh lại, Sở Y tế sẽ yêu cầu tạm ngưng, sau khi khắc phục những điểm theo yêu cầu của cơ quan quản lý, thì cho tiêm trở lại. Bà này cũng nói thêm, đến nay, không có 1 văn bản nào yêu cầu là ngưng tiêm. Chỉ có lệnh miệng từ trên đối với với hệ thống y tế. 

Giỡn chơi sao bà nội? Chích vaccine là chuyện hệ trọng mà các ông các bà làm như chuyện giỡn chơi. Muốn cắt là cắt, muốn tiếp là tiếp mà chẳng có một lời giải thích cho rõ ràng. Dân đồn là có người chết vì chích, cũng có lời qua tiếng lại là lô thuốc này có vấn đề, cũng có nhiều nghi là tráo thuốc gì đấy. Cũng toàn là lời đồn thổi vì không được giải thích, các ông các bà lúc nào cũng làm như thời chiến tranh, hoạt động bí mật lúc nào cũng chụm đầu to nhỏ sợ lộ bí mật nên không bao giờ nói rõ ràng cho dân hiểu. Thế thì cái câu" Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" đưa ra để làm gì khi các ông các bà chuyện gì cũng lấm lét, chuyện gì cũng ấp úng nói quanh. Thằng bạn tôi vừa chích đúng lô thuốc ấy, về cứ lo mãi không ngủ được không phải vì thuốc nó hành mà chỉ lo không biết sự thật về lô thuốc ấy. Nó nghĩ chắc phải có trục trặc chi đó mới không kịp ra văn bản mà chỉ thị miệng khẩn cấp chứ. Giờ đã chích rồi mà không ai làm cho rõ nên lo. Dân ta chích được vaccine là mừng, nhưng xui bị trúng trường hợp này thì đúng là ngủ không yên.

Một tin vui cho những người không khoái chuyện chọc ngoáy khi đi xét nghiệm. Thế giới đã có cách xét nghiệm virus Vũ Hán từ nước bọt có độ nhạy cao. Xét nghiệm từ nước bọt đã được chứng minh là an toàn, tiện lợi và ít tốn kém hơn so với các xét nghiệm nhanh hiện tại, theo Science Daily.

Một nghiên cứu mới đã chứng minh rằng xét nghiệm nước bọt có độ nhạy cao và độ chính xác không khác với xét nghiệm “ngoáy mũi”.

Giáo sư, tiến sĩ Robert B. Darnell, Trưởng phòng thí nghiệm Ung thư thần kinh phân tử, bác sĩ kỳ cựu tại Bệnh viện Đại học Rockefeller (Mỹ), đã phát minh ra một loại xét nghiệm được dùng nội bộ để xác định các trường hợp dương tính cho nhân viên của Đại học Rockefeller.

Xét nghiệm này dễ sử dụng và an toàn hơn các xét nghiệm có sẵn vào thời điểm đầu của dịch và đã được sử dụng đến 65.000 lần trong thời gian qua.

Giờ đây, một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí khoa học PLOS ONE, xác nhận rằng xét nghiệm nước bọt rất tốt, được Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép, theo Science Daily.

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đánh giá xem xét nghiệm nước bọt có thể phát hiện được bao nhiêu bản sao vi rút trên mỗi đơn vị thể tích chất dịch. Kết quả là xét nghiệm đã có thể phát hiện dù chỉ 1 phần virus trong một microlit nước bọt, kết quả này bằng với các xét nghiệm có độ nhạy cao nhất, theo Science Daily.

Như vậy, nếu xứ ta sử dụng phương pháp này, mọi người chỉ cần cho nước bọt vào ống rồi giao cho bộ phận xét nghiệm. Vừa tiện lợi, an toàn mà khỏi thốn óc vì que chọc vào mũi. Chỉ sợ kiểu này khó thu lợi nên người ta không thực hiện thôi.

Cách đây mấy hôm, Sở Y tế thành phố tiết lộ còn khoảng 150 ngàn ca dương tính với virus vẫn chưa được tính để cập nhật do chưa được cấp mã số. Người ta băn khoăn không biết con số này công bố với mục đích gì đây? Để giảm tỷ lệ tử vong hay sơ sót của cán bộ thừa hành. Nhưng sau đó, Bộ Y tế từ chối trách nhiệm về 150 ngàn ca ở thành phố không được cập nhật. Đại diện Bộ Y tế vào sáng ngày 28.9 lên tiếng thanh minh đã có hướng dẫn Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc cập nhật số liệu ca F0 qua xét nghiệm bằng test nhanh hơn một tháng trước rồi; tức vào ngày 20.8. Còn theo văn bản do ông ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM ký thì con số 150 ngàn ca nhiễm này được phát hiện sau khi chính quyền thực hiện chiến dịch xét nghiệm nhanh từ ngày 20 tháng 8 đến nay. Thế rồi số phận 150.000 ca nhiễm đó rồi sẽ đặt vào đâu? Không được công nhận rồi si cấp cho họ thẻ đã nhiễm và hết bệnh để được ra đường làm việc vào thời gian tới? Chỉ có mấy con số nhiễm và đã chích ngừa mà cứ rối tung lên. Cho đến giờ này, ngày mở cửa đã cận kề mà hàng trăm ngàn người vẫn chưa có thấy dấu hiệu gì trên sỏi sức khoẻ điện tử của mình. Thôi thì nếu thấy làm không xong thì hoàn tiền lại cho nhà nước mà rút về đi mấy ông thần. Cứ hẹn lần lửa chỉ làm cho dân sốt ruột và lòi cái dốt lâu khó chữa của các chuyên gia IT thành phố.

Chỉ còn ngày mai nữa là đến tháng mười. Thành phố sẽ ban bố lệnh giảm giãn cách. Nhưng chốt chặn vẫn còn, nhiều khu cách ly chưa giải toả, một số ngõ xóm còn giăng dây. Tối hôm qua báo cáo hàng ngày của Bộ Y tế khiến cho dân tình hơi nghi ngờ con số. Bản tin của Bộ Y tế ngày 28.9 cho biết có 4.589 ca nhiễm. Đây là tin vui trong công tác phòng chống dịch ở nước ta bởi lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, số mắc một ngày chỉ gần bằng 1/5 số ca khỏi. Hôm nay có 21.478 bệnh nhân khỏi.

Từ con số ngàn nhiễm dịch hôm trước ở thành phố, ngày 28.9 chỉ còn 377 và số tử vong là 131. Nếu đây là con số thực thì đó là tín hiệu đáng mừng. Chứng tỏ dịch đã vào cơn thoái trào, mong hôm nay con số sẽ xuống thấp hơn nữa để ngày mốt ra đường có thêm chút an tâm.

Tin bàn cuối cùng cho thêm chuyện để tám là tin đàn ông có thể có nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương ngắn hạn hoặc dài hạn cao gấp 6 lần sau khi nhiễm virus, các chuyên gia y tế Mỹ khẳng định như thế.

Nhà tiết niệu học, bác sĩ Ranjith Ramasamy ở Nam Florida, Mỹ đã quan sát thấy một xu hướng đáng lo ngại trong số các bệnh nhân của ông khi dịch lan rộng khắp nước Mỹ vào năm 2020. Ngày càng nhiều đàn ông sau khi nhiễm dịch phàn nàn rằng họ gặp "vấn đề nghiêm trọng" trong quan hệ tình dục .

Lúc đầu, bác sĩ Ramasamy và các đồng nghiệp của ông tại phòng khám tiết niệu của Bệnh viện Đại học Miami, Mỹ nghĩ rằng hiện tượng số lượng ca bệnh rối loạn chức năng tình dục ngày càng tăng xuất phát từ vấn đề tâm lý, hậu quả của đại dịch căng thẳng.

Nhưng nhiều bệnh nhân cho biết họ không cảm thấy lo lắng hay chán nản, trong khi đối với một số người, tình trạng bệnh rối loạn chức năng tình dục kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn. Sau đó, nhóm nghiên cứu bắt đầu nghi ngờ một nguyên nhân cơ bản chính là con virus.

Mặc dù virus được coi là gây hại nghiêm trọng cho phổi, song đây cũng là một bệnh toàn thân, có thể ảnh hưởng đến tim, thận, não và các cơ quan khác và những tác động đó có thể kéo dài sau khi người mắc bệnh đã bình phục. Nhiều người hiện đang phải sống trong tình trạng "COVID kéo dài" mà theo các chuyên gia y tế đánh giá, đó là thảm họa sức khỏe tiếp theo của con người.

Trong số đó, nhiều bằng chứng cho thấy virus có thể phá hoại sức khỏe tình dục của nam giới.

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 3, nam giới có thể mắc chứng rối loạn cương dương ngắn hạn hoặc dài hạn cao gấp 6 lần sau khi nhiễm coronavirus. Các nghiên cứu khác đã ghi nhận nhiều trường hợp nam giới sau khi nhiễm virus bị ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục như: không thể có hoặc duy trì sự cương cứng, tổn thương tinh hoàn, đau hoặc sưng tinh hoàn, không có khả năng đạt được cực khoái, mức testosterone thấp và các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Nếu đúng thế thì các ông nào không dính bệnh trong cơn đại dịch này nên khui bia mà ăn mừng đi nhé. Lớp già chúng tôi thì tới tuổi lão khô mẹ hết rồi chỉ còn dùng như cái robinet thoát nước nên đọc chơi cho biết chứ cũng chẳng quan tâm he..he.

29.9.2021

DODUYNGOC










Mới cách đây ít phút, báo đã đăng tin ca sĩ Phi Nhung qua đời vì virus Vũ Hán sau một thời gian dài chống chọi với bệnh và lắm tin đồn. Dịch bệnh đã cướp đi nhiều người, trong đó có nhiều người tài năng và tên tuổi. Tiếc nuối và buồn đau là tâm trạng chung của nhiều người khi nhận tin những người thân, người quen và những người nổi tiếng ra đi vì dịch bệnh. Và những lúc ấy, người ta chợt nghĩ danh vọng mà chi, tiền tài làm gì, bao sân si của cuộc sống rồi cũng buông tay trở về với cát bụi. Đến cái hột nút áo cũng bị cắt đi không mang được qua thế giới bên kia. Hai bàn tay trống và cái túi rỗng. Vậy sao còn có người không biết mệt mỏi cứ chửi người này đến người khác, khoe mãi kho vàng bạc châu báu của mình, tự hào mãi chút sắc đẹp của thân thể và khuôn mặt trời cho. Cuối cùng cũng chỉ là nắm xương, đoạn cuối của đời người cũng chỉ là nắm tro để về với cát bụi. Ganh đua, ganh ghét, thị phi nhau làm gì khi những thứ ấy chỉ làm cho đời sống thêm nặng nề, tâm lý thêm bất an. Cái cần để lại cho đời là tiếng thơm và sự tiếc nuối chứ không phải là bia miệng và ngàn lời nguyền rủa.

Lòng tham của con người là vô tận, đã giàu lại muốn giàu thêm, ham muốn của con người sẽ khó mà dừng lại và vì danh lợi người ta bất chấp tất cả. Đạo lý, lòng nhân, sự đồng cảm và tình yêu thương chẳng còn giá trị khi đồng tiền là mục đích sống. Đã nhiều lần tôi nói đến chuyện chọc ngoáy toàn diện khắp nước từ khi có dịch. Và cũng đã nhiều lần tôi nhắc đến một cách kín đáo về lý do vì không tiện nói. Mới đây trên báo chí có đăng ý kiến của ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết giá bộ test xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 1,5 USD/test tức là 35.000 đồng/test. Ông này là người của Đảng nhé, không phải là tên chống đối, phản động đâu nha. Ông cho rằng một kit test chỉ có giá 35.000 đồng tiền Việt, mà sao về đến Việt Nam giá lại lên cao đến thế? Lên trên mạng, giá ở Châu Âu cũng chỉ có 1 đô la một kit, tức chỉ khoảng 25.000 đồng tiền Việt.

Giá các đơn vị đấu thầu là 70.000 đồng một bộ và giá người xét nghiệm phải trả là từ 200.000 đến 300.000 đồng. Một con số tăng lên kinh khủng. Cũng theo ông Hồng nếu như Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ test xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ thì chi phí chắc sẽ còn rẻ hơn nữa. Thế thì tại sao Bộ phải mua qua các công ty tư nhân nhập kit về bán. Hỏi thì Bộ Y tế tìm cách lấp liếm, trốn trách nhiệm và báo là chưa có quy định rõ về giá cả kit test. 

Vừa rồi khi tháp tùng cùng ông Vương Đình Huệ qua Châu Âu, T&T Pharma, một công ty tư nhân ở Hà Nội cũng đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 Realtime RT-PCR từ Công ty GERBION GmbH&Co.KG của Đức. Theo đó, đối tác sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm Realtime RT-PCR Virella SARS-CoV-2 seqc và hợp tác với T&T Pharma để sản xuất loại kit xét nghiệm này tại Việt Nam.

Trước đó, rất nhiều kit test đang sử dụng tại Việt Nam cũng đều do Tập đoàn Vingroup cung ứng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện cho 51.904.476 lượt người. Nếu lấy số lượt người được xét nghiệm nhân lên với số tiền chênh lệch, con số là một lợi nhuận khủng khiếp. Tôi dở tính toán, chỉ tính được đến con số triệu là run tay rồi, do đó không tính nổi con số tỷ. Cứ tạm cho mỗi xét nghiệm chênh lệch 100.000 đồng thôi, nhân lên với gần 52 triệu lượt, con số sẽ là bao nhiêu? Nhưng chuyện chọc ngoáy vẫn chưa dừng lại ở đây, nó vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày trên thành phố này, ở đất nước này. Xin hỏi số tiền thu được này đi về đâu? Chắc hẳn là không vào ngân sách quốc gia rồi. Bởi vậy người ta đồn nhau chuyện vaccine và kit test ở Việt Nam là một cuộc đấu đá khốc liệt. Nó cũng như canh bạc, trường vốn thì thắng. Nó cũng như cuộc chơi, ai có chỗ dựa lưng vững thì cứ thế mà tung hoành. Nó là chiến trường, liều lĩnh, bạo gan, bắn nhanh thì sống, bắn chậm thì chết thôi. Chỉ có điều làm giàu, thu lợi, đút túi trong cảnh đại dịch, khi gần 20.000 người chết, bao trẻ mồ côi, bao gia đình ly tán như lúc này thì nhẫn tâm quá, tàn nhẫn quá. Và rồi vì lợi nhuận nhân dân ta lại tiếp tục ngửa cổ ra để được chọc ngoáy. Càng thần tốc, càng toàn diện số thu càng lớn, tội chi lại không làm nhỉ?

Cũng có lần ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã lên tiếng hỏi sao thuốc chữa virus Vũ Hán ở Ấn bán có 17 đô la, sao về Việt Nam lại có giá gấp 10 lần. Và cũng vì thế, thị trường đã có rất nhiều quảng cáo bán thuốc ấy với giá 4 triệu đồng, đã có người bị bắt và đó là cán bộ y tế ở bệnh viện. Khi tiền lời lớn quá, cung và cầu chênh lệch, người ta tìm đủ mọi cách để đáp ứng nhu cầu. Trong cơn đại dịch, nhiều người chết, nhiều gia đình tan hoang nhưng cũng có thêm biết bao kẻ giàu hơn nhờ dịch.

Sao vậy hở các ông? Trong khi dân nghèo đói ăn trông chờ mấy tháng mới có được triệu bạc trợ cấp sau khi làm biết bao thủ tục. Trong khi những đứa bé còi cọc vì suy dinh dưỡng bởi cha mẹ thất nghiệp đã mấy tháng nay. Trong khi hàng chục ngàn người lặng lẽ lìa đời không một lời đưa tiễn. Trong khi biết bao nhân viên y tế kiệt sức trên tuyến đầu chống dịch, chứng kiến bao nỗi đau của đồng bào mà chưa có chút đãi ngộ xứng đáng nào. Thế mà sao lại có kẻ nhẫn tâm đến độ kiếm cách bỏ tiền thêm đầy túi? Lương tâm của con người đã quăng cho chó ăn rồi. Dù là tiền của ngân sách hay tiền túi của dân, tất cả đều từ tiền thuế của dân mà có. Ngày xưa người ta bảo bọn thực dân, phong kiến "Bòn khố rách sắm dù sơn kiệu, Hút máu dân làm rượu làm trà" nghe cũng đã ác nhơn lắm rồi. Nhưng cũng chỉ sắm dù, sơn kiệu, uống rượu, uống trà. Còn bây giờ xây cả biệt phủ, mua cả lâu đài, hột xoàn đô la nhiều như đại gia tư bản.

Chỉ còn hai hôm nữa, thành phố sẽ tạm mở cửa, tạm giảm giãn cách. Giờ như căn nhà vừa xây dang dở mà ngày mốt phải làm lễ nhà mới, mọi thứ vẫn ngổn ngang, những con số vẫn lạnh lùng nhảy múa cuối ngày. Tin thì cũng phải tin để tiếp tục sống. Cũng cố lạc quan để có thêm một chút thắng lợi tinh thần đối phó với chuỗi ngày sắp tới. Nhưng sao lòng vẫn e ngại. Rồi đây bạn bè, người thân gặp nhau sẽ không còn được ôm, được bắt tay tình thân như xưa nữa. Ngồi cùng nhau nhưng vẫn ngại ngùng. Nhìn nhau chỉ còn nửa mặt, nửa còn lại là chiếc khẩu trang. Mừng vì thoát được cơn dịch đi qua nhưng ngậm ngùi cho biết bao người đã mất. Chúng ta sẽ không còn được sống như ngày xưa nữa rồi. Và cuộc đời sẽ chia làm hai chặng. Đoạn trước khi có dịch và chặng đường sau dịch. Nhân loại rồi còn khổ với nó dài dài. Con người là nạn nhân và cũng là thủ phạm của cơn đại dịch. Con người đang huỷ diệt thiên nhiên, phá hỏng trái đất. Con người đang nuôi quá nhiều tham vọng và rồi chính tham vọng và sự huỷ diệt đó đã giết chết loài người.

Quyền của con người là được tự do đi lại, là quyền được nói những suy nghĩ của mình, được tiếp xúc, trao đổi với mọi người, được quyền tự do quyết định cuộc đời của mình. Nhưng rồi mấy tháng trong cơn dịch,chúng ta bị tước hết tất cả quyền thiêng liêng đó. Chúng ta học chữ nhẫn và cam chịu. Con virus đã cướp của chúng ta nhiều thứ quá và thời gian tới, chúng vẫn là nỗi đe doạ của chúng ta. Từ đây chúng ta chẳng còn có thể an nhiên, an lạc mà sống nữa rồi. Mai mốt rồi những dây kẽm sẽ được cuốn đi hết, những sợi dây giăng cũng sẽ không còn. Thành phố, hẻm sâu sẽ thông thoáng, rồi lại kẹt xe, lại bì bõm khi mưa, lại phải bươn chải để kiếm sống. Nhưng vết hằn của cơn đại dịch trong lòng của mỗi người khó mà xoá đi hết được.

28.9.2021

DODUYNGOC







Sài Gòn hôm nay không có mưa, thấy có nắng vàng trên những tàng cây, thấy những dây giăng và kẽm gai đã gỡ bớt, thấy những con phố có nhiều người hơn, thấy nhiều ngõ hẻm đã thông thoáng và cũng thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Chỉ còn đôi ba ngày nữa, thành phố này sẽ không còn tù hãm, dù người ra đường vẫn còn hạn chế, vẫn còn phải có điều kiện. Nhưng chắc hẳn tâm lý của mỗi người dân không còn căng thẳng như trước khi thành phố đầy những dây giăng và cuộn kẽm. Sau một thời gian dài giãn cách, không việc làm, không được sinh hoạt như bình thường, ngày mở cửa được đợi trông như là một niềm vui an ủi sau những nỗi bi thương đã gánh chịu. Vần còn đó những ngổn ngang chưa tìm ra lối thoát, vẫn còn đó những con số nhiễm bệnh và tử vong. Nhưng không thể cứ mãi đóng cửa và giăng dây. Không thể sống mãi trong nỗi lo âu và tuyệt vọng. Chờ cửa mở để tìm lại nụ cười sau những bi kịch. Nắng đã lên sau những ngày mưa. Trải qua những muộn phiền, trải qua những chia lìa buồn đau. Người Sài Gòn chờ ngày trở lại với dáng đứng của Sài Gòn. Để không còn phải ngửa tay xin hỗ trợ, để không còn những day dứt khi nhìn đồng bào mình thiếu ăn, thiếu thuốc, những người thân quen lìa đời trong lặng lẽ. Mong sau cơn đại dịch, thành phố lại vững tin bước tới, tiếp tục có những thành tựu và quan trọng hơn là những người lãnh đạo thành phố có tầm nhìn, có tư duy mới hơn, gần dân hơn, thông cảm và biết lắng nghe tiếng lòng của dân để thành phố vẫn tiếp tục là thành phố tươi đẹp và nghĩa tình.

Đêm hôm qua, khi phát biểu kết thúc Chương trình nghệ thuật trực tuyến "Nối vòng tay lớn" ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch thành phố đã nói lên những sự hy sinh, mất mát và sự đoàn kết, lòng nhân ái của người dân thành phố trong quãng thời gian giãn cách xã hội kéo dài 4 tháng qua. Đồng thời ông cũng nhìn nhận, trước tình huống rất khắc nghiệt của dịch, có những lúc, công tác điều hành của thành phố không tránh khỏi lúng túng, hạn chế, bất cập. Và ông cũng thay mặt chính quyền thành phố, xin nhận thiếu sót và mong được sự lượng thứ của đồng bào. Đây cũng là lần thứ hai trong cơn đại dịch, lãnh đạo nhận khuyết điểm với nhân dân thành phố. Dù sao đó cũng là bước chuyển biến tích cực vì trước đây ít khi có chuyện lãnh đạo xin lỗi và nhận khuyết điểm trước dân. Hi vọng với những nhân tố mới trong những người đứng đầu thành phố, trải qua những kinh nghiệm đau thương khi cơn dịch đi qua, nhân dân thành phố sẽ có được chút lòng tin để góp sức vực dậy thành phố này sau thời gian dài xơ xác với nhiều mất mát.

Điều dân cần là sự minh bạch, là trách nhiệm của những người lãnh đạo. Là sự công bằng, là cái tâm, cái tầm nhìn của những người nắm trọng trách. Con số tử vong hơn 14.000 người trong cơn dịch cho thấy ngay từ đầu thành phố cũng như trung ương đã đánh giá và đưa ra những biện pháp sai lầm dẫn đến những hậu quả. Sau này, với những nghiên cứu, thống kê khoa học của giới chuyên môn, người ta sẽ phân tích và đưa đến kết luận cụ thể. Nhưng cái thấy rõ trước mắt là đã có rất nhiều người chết oan trong đợt dịch này. Nếu không có những lúng túng, những bất cập, những hạn chế trong việc phòng chống dịch, có thể họ không phải chết và sẽ không có cảnh những xác người bó trong bao đưa vào xe lạnh để chờ đến lượt thiêu. Cũng sẽ không có mấy ngàn đứa trẻ trở thành mồ côi, bơ vơ không nơi nương tựa. Và cũng chẳng có những hủ tro cốt trên bàn thờ của những căn nhà.

Con số người nhiễm bệnh và tử vong bao nhiêu người dân chỉ biết trên báo cáo của cơ quan y tế.  Nhưng nhìn số người chết từ trong những bệnh viện, từ những căn nhà, từ những khu phố hay con hẻm, xóm sâu, có lẽ nhiều hơn con số đã được báo. Theo một báo cáo mới đây của thành phố xác định khoảng 150.000 ca có kết quả test nhanh dương tính với virus Vũ Hán chưa được cấp mã số để quản lý. Điều này có nghĩa số ca mắc thực tế sẽ cao hơn rất nhiều so với con số Bộ Y tế đã công bố vừa qua. Như vậy, nếu con số này được Bộ Y tế công nhận, số ca mắc virus Vũ Hán của thành phố sẽ tăng lên là 522.202 ca (tăng 40% so với số công bố). Những con số nhảy múa lạnh lùng nhưng đằng sau đó là những số phận, là sinh mệnh của những con người.

Mở cửa là việc không thể không làm trong giai đoạn này, nhưng cũng cần tránh mở cửa rồi lại đóng cửa ngay, nếu thế thì hậu quả còn bi đát hơn nữa. Nguyên tắc cơ bản là trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được phép đẻ thêm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh mới, không cho phép phát sinh bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào. Nếu không doanh nghiệp còn lao đao, dân còn khổ nữa. Đồng thời, nếu khi thành phố mở cửa mà các địa phương khác không mở cửa cũng không giải quyết được vấn đề gì. Do đó phải đồng bộ toàn khu vực và các tỉnh lân cận cũng phải kiểm soát được dịch bệnh. Một điểm cũng cần lưu tâm là việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Nhiều địa phương còn có hiện tượng ùn tắc lưu thông hàng hóa cục bộ do quy định chưa phù hợp, dẫn đến tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận, người dân.

Theo kế hoạch mở cửa của thành phố vừa được công bố cho phép mở lại nhiều hoạt động như đám cưới, đám tang, các hoạt động thương mại, dịch vụ với yêu cầu cụ thể về vaccine và xét nghiệm. Cụ thể 7 nhóm được hoạt động:

- Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức

- Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.

- Công trình giao thông, xây dựng.

- Hoạt động kinh doanh thương mại: 11 nhóm hoạt động.

- Địa điểm hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật:

+ Sự kiện, thi đấu thể dục, thể thao tổ chức quy mô tối đa 30% công suất và điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức...

+ Hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động tối đa 10 người. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được hoạt động tối đa 50 người.

- Tổ chức đám cưới tối đa 50 người dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.

- Tổ chức đám tang tối đa 20 người dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.

Với hoạt động giáo dục, TP tiếp tục dạy học trực tuyến. Các loại hình đào tạo cho nhóm 18 tuổi trở lên, đã được tiêm đủ liều vaccine, có thể dạy và học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.

Bên cạnh đó, những hoạt động tiếp tục tạm dừng gồm:

- Hoạt động kinh doanh có khả năng lây nhiễm cao gồm quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.

- Sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động.

- Hoạt động của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

- Bán hàng rong, vé số dạo.

- Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

Thành phố tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra vào thành phố và 39 chốt tại địa bàn cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. 

Như vậy, kế hoạch mở cửa vẫn là mở hé, vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa thể gọi là bình thường. Vẫn còn những lo ngại, đắn đo, băn khoăn bởi thật tình vẫn chưa kiểm soát được dịch. Ở thành phố, dịch đã qua đỉnh nhưng vẫn chưa giảm. Công việc xét nghiệm vẫn tiếp tục trên diện rộng là bức xúc của dân. Để tâm lý người dân trở lại bình thường, nên chấm dứt xét nghiệm rộng khắp mà chỉ nên xét nghiệm từng nhóm đối tượng và tuỳ khu vực nguy cơ như đề nghị của những nhà chuyên môn. Lực lượng nhân viên tiêm chủng nên tập trung về các bệnh viện để người nhiễm bệnh được chăm sóc chu đáo và kịp thời hơn. Dù lãnh đạo y tế phát biểu việc cách ly người F0 vào khu tập trung là hiểu nhầm và ai cũng biết đó là biện pháp không hiệu quả. Thế nhưng ở các quận, các phường, tình trạng tập trung này vẫn diễn ra gây ức chế trong dân.

Con số được tiêm chủng mũi 1 ở thành phố rất cao, cao đến không tin được. Như Phú Nhuận, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Quận 1, 3, 4, 5,6, 8, 11, Tân Phú và thành phố Thủ Đức là 100%. Thế nhưng tỷ lệ mũi 2 thì còn thấp như Bình Thạnh mới được 30% và cao nhất là Quận 5 với 67%. Trung bình toàn thành mới chỉ đạt 40%. Những con số chích ngừa mũi 2 như vậy cũng chưa phải là con số an toàn cho mở cửa.

Vaccine thiếu là vấn đề của thành phố và của cả nước. Nhiều người lấy làm thắc mắc khi Ba Lan tặng ta một số vaccine AstraZeneca, đồng thời sẵn sàng nhượng lại ba triệu liều AstraZeneca với giá gốc cho Việt Nam thế nhưng phía Việt Nam lại không mua mà lại ký hợp đồng mua vaccine Trung Quốc với giá cao hơn, giới thạo tin cho biết Astra Zeneca có giá từ 2.15 đến 5.25 USD/liều. Còn vaccine Vero Cell có giá từ 19 đến 36 USD/liều nhưng hiệu quả không tốt bằng và với một hợp đồng chịu quá nhiều thiệt thòi vô cùng bất lợi cho Việt Nam. Thắc mắc này cũng chẳng biết hỏi ai?

Theo dự báo của thế giới để ngăn ngừa và phòng chống dịch người ta sẽ phải tiêm mỗi năm một lần. Chủ tịch kiêm CEO của Pfizer cho rằng cuộc sống của chúng ta sẽ trở lại bình thường trong vòng 1 năm tới nhưng rất có thể mọi người sẽ phải tiêm phòng virus hàng năm. Như vậy, muốn bình ổn cuộc sống và kinh tế tiếp tục phát triển, Việt Nam phải có dự trữ hoặc sản xuất được vaccine. Nếu không, chúng ta lại lúng túng và lâm vào khủng hoảng vaccine như thực tế đang diễn ra. 

Hiện tại, Pfizer đang bán vắc xin với các mức giá khác nhau cho các nước có độ giàu có khác nhau. Theo ông Bourla Chủ tịch kiêm CEO của Pfizer, các nước đang phát triển được mua vắc xin của Pfizer với giá rẻ. Ngoài ra, công ty này còn đang bán 1 tỷ liều vắc xin cho Chính phủ Mỹ với giá gốc. Sau đó, Chính phủ Mỹ đem tặng những liều vắc xin này, hoàn toàn miễn phí, cho những quốc gia khó khăn nhất trên khắp thế giới. Chính phủ ta nên tận dụng thời cơ này để có một lượng vaccine dự trữ cho thời gian tới.

Một tin cũng khiến nhiều người bàn bạc hôm nay là chuyện lư hương ở tượng Trần Hưng Đạo. Lư hương này đã bị cẩu đi từ năm trước khi một số trí thức và người dân đến dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979. Bây giờ, theo ông Phạm Đức Hải, sẽ chỉnh trang lại khu này với kinh phí hơn 32 tỷ và lấy ý kiến nhân dân nhiều chuyện quanh tượng đài, kể cả chuyện lư hương. Việc mang trả lư hương về địa chỉ cũ là mong mỏi và yêu cầu tha thiết của nhân dân bấy lâu nay. Giờ lãnh đạo chẳng cần lấy ý kiến dân nữa, hãy mau chóng mang lư hương về lại và khấu đầu tạ lỗi với tiền nhân. Đó là cách chuộc lỗi tốt nhất và hợp với lòng dân. Đừng mượn chuyện chỉnh trang, tu bổ che mắt mọi người mà có tội.

Tin mới nhất vừa nhận được là Sở GD&ĐT TP.HCM lên phương án tiêm vắc xin cho học sinh sau ngày 30.9. Đây là nội dung được Sở GD&ĐT triển khai đến khoảng 1.500 trường học từ mầm non đến THPT, trung tâm GDTX về công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho học sinh, giáo viên. Trước đó, Sở GD&ĐT đã có đề xuất với UBND TP về việc tiêm vaccine cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi với nguồn vaccine cho phép tiêm trong độ tuổi này trước khi kết thúc học kỳ I năm học để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp khi bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021 - 2022. Vaccine đang thiếu và cũng chưa có nghiên cứu nào của các chuyên gia Việt Nam về chích vaccine cho trẻ em. Quý anh chị em đang có con cháu ở độ tuổi này có ý kiến gì không?

27.9.2021

DODUYNGOC










Đêm qua lại mất ngủ, nằm trằn trọc suốt đến sáng, cái đầu nghĩ đủ mọi thứ chuyện. Đêm Sài Gòn những ngày cuối của cuộc phong toả kéo dài vẫn êm ắng lạ thường. Không nghe tiếng rú của xe, không một tiếng người. Cách nhà tôi có một appartement và sát đó là một khách sạn toàn khách Tây với Đại Hàn. Bình thường khách Tây đi về khuya không ồn ào bằng đám Đại Hàn, xí xa xí xồ ỏm tỏi. Lúc trước thì bực, bây giờ lại nhớ. Bởi đêm khuya còn có âm thanh của con người. Lại nhớ tiếng rao đêm suốt mấy tháng nay không còn nghe nữa. Đó là giọng khàn khàn của ông bán bánh giò đi trên chiếc xe đạp cũ. Bánh giò nóng đ..â..y. Giọng Bắc kéo dài nghe mệt mỏi giữa khuya vắng. Rồi tiếng lắc của chùm thẻ nhôm của những thanh niên hành nghề đấm bóp. Rồi tiếng rao bánh mì Sài Gòn nóng dòn đặc ruột. Những âm thanh của đêm. Giọng rao nào cũng buồn, khuôn mặt của những người bán hàng nào cũng héo hắt. Có lẽ cuộc sinh kế khó khăn hay phần số cuộc đời khiến họ chẳng vui. Thỉnh thoảng cũng có tiếng gõ của xe mì gõ nhưng thời sau sau này cũng hiếm rồi. Giữa đêm tiếng gõ vang lên trong hẻm vắng như mang sinh khí cho đêm. Giờ thì mất hẳn. Nửa đêm có đói thì chỉ còn mì gói. Suốt mùa giãn cách, ăn toàn mì gói, giờ cứ thấy bát mì là ớn tận cổ nhưng cũng chẳng biết còn gì để ăn đêm. Còn tiếng chổi quét rác của những công nhân vệ sinh nữa, hình như cũng vắng trong cơn đại dịch. Tiếng chổi tre quẹt xuống đường cũng là âm thanh của phố về đêm. Khuya ở thành phố không có những âm thanh đó, phố xá như thành phố ma với những ngọn đèn vàng vọt. Rồi đây đêm Sài Gòn sẽ trở lại tiếng rao, tiếng xe rú, tiếng nhạc từ quán bên đường phát ra ầm ĩ. Nhưng chắc lòng người ở thành phố này sẽ có đổi thay.

Chỉ còn 5 hôm nữa, Sài Gòn sẽ mở cửa. Đó là lối thoát duy nhất. Trưa hôm nay ngõ phố nhà tôi đã gỡ  dây giăng và chướng ngại vật. Nhưng con phố vẫn vắng. Sau mấy tháng trời ngăn chận, giờ gỡ dây kẽm thấy sự thông thoáng của con đường, lòng thấy bình an và lạc quan hơn một chút. Mở cửa để bình thường hoá theo nhà nước gọi là bình thường mới. Sau cơn đại dịch với có quá nhiều đau thương và mất mát. Với thời gian dài tù hãm không được thực hiện quyền của một con người. Chắc chắn mỗi người sẽ không còn có cuộc sống bình thường như xưa nữa. Thay đổi lớn nhất là gia đình có người thân yêu mất trong cơn đại dịch, là hàng ngàn đứa trẻ bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Là rất nhiều người bỗng không còn một số bạn bè, người thân. Họ biến mất khỏi cuộc đời một cách đột ngột và xác thân chỉ còn là một nhúm tro. Những ngôi nhà có thêm những hủ tro cốt. Những người thoát khỏi cơn bệnh, thoát khỏi lằn ranh sinh tử và chứng kiến nhiều cái chết lặng lẽ ở cạnh mình. Họ sẽ có nhiều suy nghĩ. Và chúng ta sẽ tự đặt cho mình một câu hỏi, trước đây chúng ta đã sống đúng chưa? Rồi mốt mai ta sẽ sống thế nào?

Thoát được và còn được khoẻ mạnh và gia đình không thất thoát người nào sau cơn đại dịch là điều may mắn và đó cũng là niềm hạnh phúc. Đến lúc này, ta sẽ hiểu hơn, thấm hơn cái nghĩa của vô thường để rồi từ đó sẽ khiến ta có một cách sống khác, một suy nghĩ khác về cuộc sống. Cũng có thể tử tế hơn nhưng lắm khi cũng chụp giựt, tàn tệ hơn. Nỗi đau thấm trong lòng cũng có thể biến người ta thiện lương hơn. Nhưng cũng có khi đi qua những chết chóc, những mất mát, những cái chết đột ngột khiến người ta tàn nhẫn hơn, tận dụng cơ hội và tranh giành nhau hơn. Bằng chứng là trong khi nhân dân mình, đồng bào mình chết hàng ngày cả trăm người, vẫn có lắm kẻ lợi dụng cơ hội để làm giàu, dửng dưng, vô cảm trước những cái chết của đồng loại. Danh và lợi lắm khi biến con người thành những con thú tham lam vô độ.

Dây giăng rồi sẽ gỡ, những cuộn kẽm sẽ cuốn đi, những ba ri e sẽ được dẹp, nhưng trong lòng lãnh đạo, trong lòng dân vẫn còn đó những nỗi lo. Ngày hôm trước, con số nhiễm bệnh ở thành phố vẫn là 4.046 ca, số người chết là 123 người. Số người chết giảm là tín hiệu tốt nhưng con số người bệnh nặng và thở máy vẫn còn cao. Khi giảm giãn cách, những tỉnh lân cận thành phố cũng là điều cần quan tâm vì nó có mối liên hệ mật thiết với nhau. Giảm ở Sài Gòn mà không kiểm soát được dịch ở những tỉnh chung quanh thì vẫn còn đó mối đe doạ. Ngày 24.9, Bình Dương vẫn có thêm 3.629, cũng xấp xỉ thành phố dù dân số thấp hơn nhiều. Đồng Nai cũng 996 ca bệnh. Đó cũng là một mối bận tâm.

Vaccine vẫn còn là mối lo lớn nhất. Dù cố gắng nhưng số người tiêm mũi 2 vẫn còn thấp, không đảm bảo được an toàn trong khi vaccine ở thành phố không còn, đang chờ phân bổ. Tính đến sáng 24.9, thành phố đã tiêm chủng được 9.068.787 liều vaccine, trong đó có 6.790 745 mũi 1 (đạt 94,2% dân số từ 18 tuổi trở lên) và 2.278.042 mũi 2 (đạt 31.6% dân số từ 18 tuổi trở lên). Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tỷ lệ tiêm mũi 2 như vậy là chưa đạt yêu cầu. Và đó là một nỗi lo âu của thành phố khi mở cửa để có bình thường mới.

Do vậy, trong chiều nay 26.9, Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cho biết TP.HCM vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế. Lý giải quyết định này, ông Hải cho biết theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về "Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch tại TP.HCM như địa lý, dân số...

"Do đó, Chủ tịch UBND TP có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng quy định riêng phù hợp hơn với tình hình và điều kiện tại TP.HCM".

Cũng tại cuộc họp báo, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thông tin về kế hoạch tháo gỡ rào chắn tại thành phố. Ông Bằng cho biết hiện, thành phố đang dự thảo chỉ thị về các giải pháp sau 1.10, trong đó có các lộ trình tháo gỡ rào chắn sau 1.10. Ông Bằng khẳng định vấn đề này mới chỉ đang dự thảo. Cùng với đó, Sở GTVT cũng đang tham mưu thành phố về tổ chức giao thông trong thành phố và giao thông liên vùng sau 1.10. Còn có mấy ngày mà cứ bàn hoài, chưa có chi cụ thể. Cái chuyện app chích ngừa hình như thấy im luôn rồi. Chẳng thấy ai nhắc nữa.

Các giải pháp đang được dự thảo và nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, ông Bằng lưu ý vấn đề lưu thông liên vùng cần có ý kiến của các địa phương.

Về vấn đề các chốt chặn, người dân thắc mắc là sau 1.10 có được chạy xe về quê không khi họ đã tiêm vaccine và có thẻ xanh? Sau 4 tháng chịu đựng ở thành phố, giờ rất nhiều người có nguyện vọng được về quê bởi họ không còn kiếm được công việc, thấy tương lai bấp bênh và không còn tiền bạc, vốn liếng để trụ lại được nữa. Xe khách, tàu hỏa, máy bay chưa đi lại bình thường, nhiều người chọn đi xe máy như một giải pháp tình thế để tiết kiệm. Trả lời thắc mắc này, đại diện Phòng Tham mưu Công an thành phố cho hay, đến thời điểm này, các chốt kiểm soát nội đô, cửa ngõ đang kiểm tra bình thường. Việc gỡ các chốt kiểm soát, Công an phải chờ có chỉ đạo của Ủy ban thì mới thực hiện. Như vậy, tuy giảm giãn cách, bình thường mới nhưng những người dân muốn rời thành phố về lại quê nhà vẫn chưa có lệnh. Và họ đành chịu đựng thêm một thời gian nữa.

Ngày 24.9 vừa rồi, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh xô xát giữa nhân viên y tế và nhóm người dân ở quận 8. Được biết, cuộc ẩu đả xảy ra do mâu thuẫn trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, trong quá trình lấy mẫu, một gia đình sống tại hẻm trên địa bàn phường 4, quận 8 đã đề nghị được tự test nhằm tránh tập trung đông người, dễ lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, phía nhân viên y tế không đồng ý và cho rằng người dân tự test là không đúng quy trình, sẽ cho kết quả không chính xác. Do mâu thuẫn dẫn đến cự cãi, xô xát, 3 thành viên của gia đình này đã dùng bàn, ghế ném vào người các nhân viên y tế. Sự việc chỉ dừng lại khi người dân xung quanh đến can ngăn và các nhân viên y tế bỏ đi.

Vụ xô xát này cho thấy dân đã quá chán ngán với việc xét nghiệm, hai, ba ngày chọc mũi một lần, gặp người chọc ngoáy nhẹ nhàng thì không sao, nhưng phần lớn là do người không có chuyên môn nên làm cho người được test đau đớn dễ đưa đến bực bội. Đã stress vì bị giam trong nhà quá lâu, ức chế vì không còn tiền bạc để sinh hoạt hàng ngày, lo lắng vì sợ lây nhiễm. Tất cả dồn lại làm sang chấn tâm lý rất dễ nổi cơn khi gặp nhân viên tiêm chủng có thái độ, tác phong làm việc không tốt. Hơn nữa trong suy nghĩ của rất nhiều người dân cho rằng việc xét nghiệm là việc làm thừa, vô ích và tốn kém vô lý nên sinh ra tâm lý không đồng thuận. Một Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ từng chủ nhiệm bộ môn ở ĐH Y Dược đã cho rằng: "Thứ nhất, theo tôi chỉ nên xét nghiệm những bệnh nhân có triệu chứng hoặc những người từng tiếp xúc với F0, F1. Tỉ lệ dương tính khi tầm soát chỉ có 0,5%, muốn tìm ra được 1 ca dương tính phải mất tới 330 triệu đồng tiền kit test thì rất tốn kém. Thời gian tầm soát diện rộng như vậy thật sự không cần thiết. Thứ hai, ví dụ hôm nay test diện rộng, người đó âm tính nhưng đã chắc gì 3 ngày sau người đó không bị nhiễm. Chẳng lẽ chúng ta cứ phải test diện rộng 3 ngày/lần như vậy mãi? Tầm soát diện rộng liên tục để làm gì trong khi kết quả đó chỉ hiệu nghiệm trong 3 ngày. Sau này khi chúng ta dần bình thường trở lại, họ lại ra ngoài và có thể sẽ lây nhiễm nữa, thành ra việc làm ngày hôm nay rất vô nghĩa. Chúng ta cứ test diện rộng mãi như thế rất tốn kém”. 

Việc cần làm lúc này chính là ngưng xét nghiệm tầm soát cộng đồng, mà tập trung nguồn lực cho việc tiêm vaccine. Từ đó, nhiều vấn đề trong công tác chống dịch sẽ được giải quyết và ngày “bình thường mới” sẽ đến nhanh hơn.

Quan điểm của vị Bác sĩ này phù hợp với các nhà chuyên môn cũng như nhiều người dân mong muốn lâu nay, chẳng hiểu sao Bộ Y tế và chính phủ cứ tiếp tục xét nghiệm trên diện rộng và toàn diện, thần tốc để làm gì nhỉ? Cho đến nay kể từ 27.4.2021, lượng xét nghiệm đã thực hiện 17.805.333 mẫu cho 51.127.500 lượt người. Xét chi mà lắm thế?

Chuẩn bị cho ngày mở cửa, sáng nay hì hục xịt nước rửa hết đống xe gắn máy và cho nổ máy. Mấy chục chiếc chỉ có được 3 chiếc nổ máy sau mấy phút đề. Xe hơi thì thua luôn. Hỏi ra là do xe để lâu ngày không nổ máy, không chạy nên hết bình accu. Thành phố chưa cho phép dịch vụ sửa xe  hoạt động, các cửa hiệu bán phụ tùng cũng chưa mở cửa, biết làm sao bây giờ. Điện hỏi thợ quen thì họ bảo có thể dùng bình accu khác để kích bình. Sau khi có thể nổ máy thì bình trên xe sẽ tự động được sạc, tầm 20 phút sẽ đủ điện để đề máy. Nếu vẫn không đề được thì bình đã hư, chuẩn bị mua bình mới. Ối trời! Mấy chục chiếc mà sắm bình thì phen này nghèo luôn rồi. Mỗi cái bình gần 300.000 chứ ít đâu. Cả năm nay thất nghiệp chẳng làm ăn chi ra tiền mà giờ cho đám xe này nổ được chắc cũng tốn bộn tiền. Xe gắn máy thì thay bình, xe ô tô thì không biết phải làm sao. Chắc phải đi kiếm cách kích bình accu. Nghe nói giá cũng mấy triệu. Ôi chao! Đau lòng quá đi. Phong toả lâu ngày không chỉ hư người mà còn hỏng xe. Chán thật!

26.9.2021

DODUYNGOC















Đã có những dấu hiệu từ Thủ tướng cho tới các lãnh đạo thành phố cho thấy đầu tháng 10, Sài Gòn sẽ mở cửa, giảm giãn cách, "bình thường mới". Đó là kế hoạch không thể không thực hiện. Thủ tướng nêu mục tiêu cố gắng từ nay đến 30.9 từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên cũng theo kiểu nói của nhà chức trách thành phố dù chỉ còn vỏn vẹn 5 ngày nhưng mọi chuyện vẫn còn rối rắm. Con số nhiễm bệnh này hôm qua tuy có giảm so với trước đây nhưng vẫn còn 3786 ca và số người tử vong là 140 người. Hiện tượng shipper giảm vì chuyện ngoáy mũi hàng ngày chiếm nhiều thời gian lại tốn kém. Họ bị nhiều áp lực như chịu phí xét nghiệm cao, số lượng điểm test ít, phải thường di chuyển gấp đôi quãng đường vì chốt chặn, do vậy nhiều shipper đã tính chuyện ngưng chạy vì tiền thu vào không đủ bù chi ra. Đã qua quá nhiều thử nghiệm ở thành phố này về việc lưu thông hàng hoá như đi chợ hộ, chạy trong quận, shipper tình nguyện, xe bán hàng lưu động. Nhưng rồi cuối cùng, phương án tốt nhất vẫn là đội ngũ shipper có sẵn từ các công ty.

Tại họp báo chiều 24.9, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết thành phố có chỉ đạo giao cho shipper tự xét nghiệm. Mục đích là để giải quyết tình trạng các shipper xét nghiệm tại các trạm vẫn còn tập trung đông người.

Shipper sẽ được phát kit test miễn phí, sau đó tự xét nghiệm và chụp hình gửi về công ty để tải lên kho dữ liệu dùng chung. Sở Công Thương và các sở ngành sẽ kiểm tra, kiểm soát, nếu có vi phạm sẽ tắt app không cho hoạt động.

Nhiều shipper không biết sắp tới sẽ xét nghiệm thế nào, ở đâu. Họ cũng nghe nói rằng tài xế được phát bộ kit test nhanh để xét nghiệm tại nhà, nhưng vẫn chưa nhận được thông báo từ ứng dụng và cũng không biết nhận kit ấy ở đâu? Cũng có người rủ nhau test mẫu gộp nhưng rất khó kiếm thấy điểm xét nghiệm, khi test được rồi thì được tin các chốt kiểm dịch chỉ chấp nhận mã QR từ phía doanh nghiệp cập nhật lên Sở Công Thương, kết quả tự xét nghiệm của các tài xế có thể không được thông qua. Thành ra tốn tiền vô ích. Đến khi được phép chạy thì vì thành phố còn quá nhiều chốt chặn, còn nhiều nơi giăng dây, phong toả nên phải chạy vòng vòng tốn thời gian, hao xăng mà số đơn thực hiện được cũng giảm nhiều. Chưa kể khi F0 ẩn khuất trong cộng đồng thì shipper là đối tượng dễ lây nhiễm nhất. Nếu không giải quyết hợp lý cho đội ngũ này, khi giảm giãn cách, huyết mạch lưu thông hàng hoá đến tay người tiêu dùng cũng sẽ bị nghẽn mạch như thời kỳ phong toả. Mở cửa dự định sẽ cho phép hàng quán bán nang về và online. Cách thức này mà không có shipper thì phá sản vì hàng không có phương tiện đến với người tiêu dùng.

Một băn khoăn nữa của người dân là cho đến nay chỉ còn thời gian rất ngắn,mô hình thẻ xanh vẫn mơ hồ ở thành phố, nhiều người dân vẫn chưa rõ làm sao có được thẻ xanh để trở lại cuộc sống thường nhật. Trong cuộc họp báo chiều 21.9, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông vẫn chưa trả lời các câu hỏi xoay quanh thẻ xanh và hẹn có một "chuyên đề" riêng để giải đáp. Như vậy, chỉ còn 5 ngày trước khi thành phố hoàn thành cam kết kiểm soát dịch vào cuối tháng 9, mô hình này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Người dân vẫn không biết sẽ ra đường đi làm kiếm cơm theo kiểu nào? Chắc chắn là sẽ có hạn chế và kiểm soát. Nhưng theo cách thức gì thì cho đến giờ vẫn chưa có gì cụ thể cả. Chính quyền muốn kiểm tra bằng thẻ, bằng app, bằng mã code nhưng cho đến nay chưa có cái nào ra hồn, cứ hẹn mốt mai. Có người bảo nôn chi, rồi cũng xong thôi mà. Ừ thì cũng có người không nôn nhưng những người đang nóng ruột kiếm đường sinh nhai cũng muốn biết rõ mình có phải là đối tượng được đi không vì đó là cơm áo, là thuốc men cho người già, là tập vở, thiết bị cho con trẻ học hành. Họ cần biết để họ tính chứ. Mấy tháng tù treo ở nhà, vốn liếng đã cạn, tiền để dành đã hết, không nôn sao được.

Có một nỗi buồn rất lớn trong lòng người dân thành phố khi nghe Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu trong cuộc họp ngày 23.9 của Đoàn đại biểu thành phố. Ông Ngân nói rằng: TP. HCM nộp ngân sách 330.000 tỷ, xin hỗ trợ 28.000 tỷ nhưng mới được cho 2.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy khó khăn về tài chính của thành phố rất lớn. Dân buồn là lúc bình thường thành phố nộp vào ngân sách rất lớn, diễn ra mấy chục năm nay, trong đó có tiền thuế của dân, là sức lao động của dân, là mồ hôi, nước mắt của dân. Thế mà khi thành phố gặp khó khăn, muối mặt ngửa tay ra xin một ít để giải quyết cho dân lại bị khước từ và chỉ ban cho một tý là 2.000 tỷ, chẳng tới đâu, như muối bỏ biển. Dân buồn thói đời thôi, dân chẳng dám trách ai. Bài báo hôm qua nay cũng đã sửa tít rồi, bỏ bớt chi tiết nữa, nhưng có dấu bài đã đăng cũng có người ghi lại và chuyện này dân cũng dễ thấy thôi. Dấu mần chi. Cứ minh bạch cho dân rõ.

Nhà nước thông báo tiêu chí đánh giá an toàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố. Theo đó, một người được xác định có thẻ xanh khi đáp ứng 3 yếu tố: Kết quả xét nghiệm bằng test nhanh hoặc RT-PCR âm tính; đã tiêm 2 mũi vaccine đủ 14 ngày hoặc từng nhiễm dịch và đã khỏi bệnh; không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày.

Như vậy, để có đủ yếu tố cho thẻ xanh cần ít nhất 3 dữ liệu: kết quả xét nghiệm, chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh và truy vết không tiếp xúc gần với F0. Vấn đề là để có những xác nhận đấy, người dân liên lạc ở đâu để có. Ngoáy mũi thì dễ rồi, ngửa mặt lên, ngoáy tận óc một cái thì sẽ có kết quả. Thế chứng nhân tiêm chủng thì kẻ có người không, làm ăn sai sót kéo dài. Chích rồi không thấy báo, chích đủ 2 mũi báo chỉ một mũi, liên hệ, bổ sung, cập nhật mãi mà chẳng thấy thay đổi gì. Rồi còn những người F0 tự chữa ở nhà nữa, ai ký giấy xác minh? Phát biểu rồi ký văn bản thì quá dễ, nhưng mà có tiến hành được không? Thực tế đang chứng minh là cả hệ thống đang bế tắc, làm mãi không xong.

Đối với chứng nhận F0 đã khỏi bệnh, theo văn bản, người từng nhiễm phải có xác nhận bằng giấy chứng nhận như giấy xuất viện, hoặc giấy xác nhận hoàn thành cách ly của ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương. Các trường hợp không thể xác nhận thì phải tiêm vaccine.

Như vậy, hiện tại thành phố vẫn chưa có phương án số hóa giấy chứng nhận khỏi bệnh F0, chứng nhận tiêm chủng vẫn còn sai sót và kết quả xét nghiệm vẫn khó khăn khi nhập liệu.

Đối với yếu tố không tiếp xúc gần F0, văn bản của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố không nêu rõ tiêu chí xác định như thế nào, có dùng giấy chứng nhận hay không, và do đơn vị nào cấp. Tóm lại, tất cả đang ở tình trạng rối ren vì nhiều đơn vị, nhiều cấp quản lý quá, cuối cùng hỏng cả.

Chỉ mới hai chuyện lưu thông hàng hoá với thẻ xanh không thôi đã thấy việc mở cửa sắp tới chưa ổn rồi. Chưa kể đến việc các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại như thế nào? Việc giao thương hàng hoá với các tỉnh thành khác ra sao? Việc đi lại của người dân đến các địa phương khác? Khi nào thì gỡ dây giăng, cuốn dây kẽm và chấm dứt các chốt chặn cho thành phố được quang đãng hơn, lòng người nhẹ nhõm hơn. Không thể giảm giãn cách khi thành phố còn giăng dây và lô cốt. Không thể trở lại bình thường khi con phố, ngõ xóm vẫn còn những chốt chặn và những chú dân phòng hách dịch kiểm soát giấy của dân.

Trên báo nhà nước vừa có đăng những tấm hình dù bị rào chắn, người dân vẫn tìm cách vượt qua bằng cách luồn mình xuống khoảng trống nhỏ, bò hẳn dưới đất như du kích, hoặc trèo lên hẳn để vượt rào. Báo lên án những người này và cho rằng đây là một bộ phận người dân ý thức kém. Đó là một lối quy chụp đầy ác ý. Phải hiểu tại sao những người dân đó phải leo trèo, bò như con vật để vượt qua chướng ngại. Họ không đi chơi, cũng không như những người tìm cách ra đường để tập thể dục hay đi như thói quen. Họ chịu khổ sở như thế để mua hay nhận một món đồ thiết yếu cho gia đình đang cần. Họ cần giải quyết một việc quan trọng đối với họ hay gia đình họ. Nhưng xóm ngõ đã rào, không còn lối đi thì họ phải đành bò lê hay trèo qua tường, ba ri e kẽm gai hay luồn lách qua chốt chặn. Nhốt dân một thời gian quá dài, không nên trách dân mà phải thông cảm cho dân.

Và điều dân băn khoăn nữa là khi nào chấm dứt việc chọc ngoáy xét nghiệm. Sáng nay khu phố tui ở lại tiếp tục dàn ra cảnh chọc ngoáy. Làm nhiều lần quá rồi nên dân thờ ơ. Nhân viên y tế đập cửa từng căn nhà, nhưng chẳng có mấy người lên tiếng. Đành làm mấy mạng xong thì rút. Nhiều bác sĩ và các nhà chuyên môn đã nhiều lần lên tiếng rằng "Khoang mũi là nơi cực kỳ nhạy cảm có chức năng sưởi ấm không khí, bắt lấy mầm bệnh, tiết chất nhày bao phủ bụi bặm để bảo đám không khí thật sạch trước khi vào phổi. Khi hít trúng bụi bặm, hệ thần kinh vùng mũi sẽ bị kích thích tạo nên phản xạ hắt hơi để tống khứ chất lạ ra khỏi mũi. 

Việc chọc ngoáy bằng que xét nghiệm sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi, chảy máu do rách niêm mạc hoặc chọc trúng mạch máu, nhiễm trùng mũi xoang... (BS Phan Xuân Trung). 

Cách tốt nhất của việc xét nghiệm như thế giới thường làm là chỉ test để bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao. Càng test thần tốc càng gây lãng phí và gây hại cho sức khoẻ của người dân. Chuyện này nói hoài, nói mãi mà sao Bộ Y tế cứ chọc ngoáy mãi thế? Dân nghĩ bậy là có phải test nhiều để tiêu thụ kit, mà xài nhiều thì người cung cấp kit thu lợi nhiều. Không biết có đúng vậy không? Nghèo mà lại tiêu hoang!

Và cũng vì những quy định ngặt nghèo về xét nghiệm, về thẻ xanh vàng đỏ cho nên đến thời điểm này, cả 3 chợ đầu mối tại thành phố đã cho phép mở để trung chuyển hàng. Nhưng nhiều thương lái do ngại những quy định nghiêm ngặt đã không vào điểm trung chuyển mà tự lập điểm bỏ hàng ngay trên tuyến đường chính gần khu vực chợ. Tình trạng này khiến bộ phận chức trách rất khó kiểm soát tình trạng lây lan của dịch bệnh khi những điểm này trước đây là những ổ dịch lớn của thành phố. Muốn giải quyết việc này, thiết nghĩ thành phố cũng xem lại các quy định trong việc mở lại chợ, nếu không lại tạo ra một tiền lệ không tốt, rất khó đưa vào quy củ về sau.

Bữa nay lại tám thêm một chuyện chẳng dính líu gì đến virus, đến giãn cách. Đó là chuyện một cậu bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh quyết tâm đọc toàn bộ Lê Nin toàn tập. Ham đọc sách, thích đọc sách là một điều đáng khen và nên cổ vũ. Tuy nhiên, tuổi nào đọc sách đó, không nên đọc những vấn đề chưa phù hợp với trí não của các cháu nhỏ. Nói thật già như tui, cũng có chút chữ rồi mà đọc Toàn tập Lê Nin cũng chỉ hiểu lờ mờ sương khói. Tui nghĩ cán bộ từ trên xuống dưới của nhà nước ta cũng thế thôi, mấy ai hiểu và làm theo ông Lê Nin? Sau 75, đi học mấy lớp bồi dưỡng chính trị mà có hiểu được bao nhiêu đâu. Tui nghĩ mấy ông giảng bài cũng thế, nói như vẹt thế thôi. Thế mà cậu bé này quyết tâm đọc hết toàn tập. Đọc thì phải hiểu, đọc không hiểu gì mà khoe đã đọc hết toàn tập mấy chục cuốn của Lê Nin thì có ích gì, chỉ thêm loạn chữ. Bố mẹ cháu bé này cũng đừng lấy đó làm điều hay. Cứ cho cháu đọc truyện tranh, truyện cổ tích, truyện thần tiên, các sách khoa học thường thức, những cuốn sách trang bị thêm kiến thức phổ thông hoặc các loại sách học làm người, nếu cần đọc sách dạy nấu ăn hay mẹo vặt trong đời sống cũng tốt. Làm người tử tế mới khó chứ đọc như máy quét những loại sách triết lý, kinh tế, tư tưởng Lê Nin đó chỉ hại mắt mà trí não của đứa bé lên mười chẳng thu nạp được chi ngoài chuyện nổ cho đã miệng. Tội nghiệp thằng nhỏ bị cha mẹ và báo chí thổi phồng rồi lại đi vào ngõ cụt chẳng thấy lối ra bởi hàng vạn chữ đọc mà chẳng hiểu. Đôi khi chỉ vì một chút danh hão mà giết cả tương lai của một con người. Rõ khổ!

25.9.2021

DODUYNGOC


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget