50 NĂM TÌM BẠN

Ba giờ sáng, không ngủ được, ngồi dậy mở máy vào messenger mục tin nhắn đang chờ xoá bớt tin nhắn, thấy một tin của một người lạ: "Bảo đây. Tìm mày gần 50 năm. Hello Ngọc Nhà Đèn...Tao biết mày không thích cái tên này nhưng vẫn gọi vì tao chỉ nhớ đến cái tính ngông của mày." Ngọc Nhà Đèn, cái nick name này ở đâu ra ta? Tôi nghĩ hoài không ra. Bảo nào? Tôi có nhiều người bạn tên Bảo. Vào Facebook của người này. Nhìn hình lạ hoắc, không gợi khuôn mặt thân quen nào, bèn trả lời:"Xin lỗi bạn, chắc bạn nhầm tôi với ai rồi." Bên kia nhắn lại ngay:"Tôi có người bạn cùng tên, trước học ở ĐHVH phân khoa GD....tất cả giống bạn? Xin lỗi nếu đã nhầm. Cảm ơn bạn đã trả lời." Lại suy nghĩ, nếu học Giáo Dục Vạn Hạnh thì chắc là người có thể không quen nhưng phải biết. Nên viết nhắn lại:" Bạn học Vạn Hạnh khoá nào và phân khoa gì? Tôi cũng có bạn tên Bảo học khoa Sử Địa người Nha Trang". Nhắn thế thôi chứ tôi chưa nghĩ đến người bạn cũ tên Bảo, lâu nay tôi vẫn cố tìm. Trả lời:"Thêm vài chi tiết nữa, may ra bạn nhớ? Cái bức tranh vẽ vội đã nuôi bạn lúc đói mèm vào thời điểm đó. Đúng rồi, tôi đấy. Người đã cùng trọ với Vinh,người DN." Trong lòng tôi vỡ oà niềm vui, đúng là người bạn cũ đây rồi. Tôi nhanh chóng nhắn tiếp:" Trời ơi sao bây giờ khác thế. Bảo người gốc Quảng Bình và nhà ở Nha Trang". Nhắn lại:"Hình như có lần bạn ghé NT ,tụi mình ra biển ngắm sao đêm? Nhớ quá ngày ấy...bác Trần Đới, Bùi Giáng...". Thế rồi hai thằng nối điện thoại nói chuyện với nhau hơn tiếng đồng hồ đến khi trời ửng sáng, nhắc đủ thứ chuyện của hơn 50 năm trước.

Hơn năm mươi năm trước, tôi là thằng sinh viên nghèo từ Đà Nẵng vào Sài Gòn đi học. Vì nhiều lý do khó kể ra, tôi vào Sài Gòn mà không có ai trợ cấp, sống như đứa con hoang. Rất nhiều hôm đói, rất nhiều ngày đói. Lâu lâu có bài đăng báo có được chút tiền còm. Rồi vẽ biểu ngữ, bán tranh, viết thông báo cho trường, thiết kế sân khấu cho Đoàn Văn nghệ Sinh viên Vạn Hạnh do anh Phạm Thế Mỹ làm trưởng đoàn. Thu nhập rất bấp bênh. Túi thường rỗng và bụng rất nhiều lần đói. Không nhớ sao lại có tiền thuê nhà ở hẻm 108 Trần Quang Diệu, căn nhà trống trải chẳng bàn ghế, không giường chiếu có một căn gác lửng bằng gỗ và ngoài sân có cây mận đầy sâu. Từ đường vào nhiều con hẻm ngoằn ngoèo mới đến nhà nằm gần con kinh nước đen. Tôi ở chung với hắn, Trần Ngọc Bảo và mấy người bạn nữa. Hắn cũng vốn gốc Quảng Bình và cũng dân di cư như tôi. Gia đình hắn ở Nha Trang, bố là Trung tá quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Hắn được gia đình tiếp tế hàng tháng, dù không nhiều vì sĩ quan hồi đấy sống nhờ lương lại đông con. Tuy vậy hắn còn khá hơn tôi vì đầu tháng có tiền để ăn học. Hắn thuộc tuýp người hiền lành, không đua đòi ăn chơi nên hợp với tôi, một thằng nghèo rớt mồng tơi ăn còn kiếm không ra lấy gì mà chơi. Hắn để tóc kiểu Beatles, mốt thịnh hành của thanh niên thời ấy, hai mắt to, tròn lúc nào cũng ngơ ngác và khuôn mặt dài. Hắn học cùng phân khoa Giáo Dục, Đại học Vạn Hạnh với tôi nhưng ban Sử Địa còn tôi ban Việt Hán. Hai thằng thường đi học chung với nhau. Đi bộ qua những con hẻm hẹp loanh quanh ra đến đường Trương Minh Giảng. Những lần tôi không có tiền ăn cơm, tôi ăn ké khay cơm của hắn. Hồi đó trường Đại học có câu lạc bộ sinh viên, bán phiếu cơm với giá rẻ cho sinh viên. Mỗi phần ăn gồm một khay có mấy ngăn, ngăn cơm, ngăn canh và ngăn món mặn thường là đậu hủ với vài miếng thịt bạc nhạc hay nửa khúc cá kho. Đồ ăn theo tiêu chuẩn nhưng cơm thì không hạn chế. Hắn mua phiếu, ngồi ăn hết cơm và thức ăn, thay vì mang khay vào trả thì hắn sẽ đứng lên và tôi thay vào chỗ hắn, mang khay vào lấy thêm cơm ra ăn với trái chuối hay chút nước mắm. Nhờ chiêu đó, tôi qua được những cơn đói ngặt nghèo.

Ở chung còn có lão thi sĩ Trần Đới, người có khuôn mặt và hàm râu giống nhà văn Nga nổi tiếng Mikhaylovich Dostoyevsky. Lão cũng là kẻ lang thang, suốt ngày làm thơ và ôm cái đàn mandolin gảy những hợp âm lộn xộn.

Lâu lâu cũng có nhóm bạn âm hồn của tôi ghé vào, toàn là dân biệt kích, không quân lái máy bay chiến đấu đi bỏ bom về và cũng không thiếu vài tay du đãng. Mỗi lần đám đó tụ hội là râm ran, bày đủ trò phá phách nhưng tôi và hắn không bao giờ tham gia. Có một lần tay bạn du đãng của tôi lúc ấy đang dính với một em me Mỹ. Thằng chồng Mỹ của ả đi hành quân, ả và tay giang hồ bạn tôi dọn sạch sành sanh đồ đạc trong nhà mang qua gởi nơi tụi tôi ở trọ. Tôi sợ quá năn nỉ chúng dọn đi gấp. Lần đó MP của Mỹ tìm vào xóm, may mà không phát hiện được gì vì đã chuyển đi trước đó. Hú hồn!

Ở chung cũng có người hoạt động Việt Cộng. Tụi tôi biết nhưng việc ai nấy làm, đời ai nấy sống, hồn ai nấy giữ nên cũng chẳng quan tâm. Sau 75 người này làm việc bên Sở Văn Hoá Thành phố.

Ở chung với nhau một thời gian thì tan hàng, mỗi đứa một phương. Trải qua bao nhiêu biến cố và đổi thay của thời cuộc cùng đời sống của mỗi người nên chẳng liên lạc gì với nhau. Nhất là sau 75, tan hàng, rã đám tôi và hắn bặt tin nhau. Tôi đôi khi cũng hỏi thăm về hắn nhưng chẳng ai biết. Tôi nghĩ chắc hắn di tản hay vượt biên rồi vì gia đình hắn ở Nha Trang sát biển và bố hắn lại là sĩ quan cao cấp VNCH. Giờ gặp lại hắn cho biết là trong những ngày cuối của cuộc chiến, hắn được lùa đi với đám lính Đại Hàn nên rời Việt Nam rất sớm. Bố hắn kẹt lại đi cải tạo mấy năm.

Giờ hắn định cư ở Úc, đã có chắt rồi và hắn bảo hắn tìm tôi hơn 50 năm nay giờ mới gặp qua Facebook. Cũng cảm ơn Facebook, nhờ nó mà chúng tôi lại tìm được nhau sau bao thăng trầm, biến đổi. Thằng nào cũng đã quá tuổi bảy mươi, nằm nhắc lại những kỷ niệm, ký ức lại tràn về. Nhìn lại những năm tháng của một thời, khó khăn nhưng vui, rất vui và nhiều khát vọng ở tương lai. Bây giờ chân đã run, sức đã yếu, sự nghiệp cũng chẳng có gì, những ký ức của ngày tháng cũ tràn về, vẫn nhớ như in những bước chân trong những con hẻm nhỏ, ngôi nhà trống trải, những bữa cơm ở câu lạc bộ sinh viên. Thời gian đi mau quá, chớp mắt đã hơn nửa thế kỷ rồi. Chúc bạn ta và cũng tự chúc mình có sức khỏe và niềm vui với tuổi già. Hy vọng có ngày gặp lại nhau.

6.2.2024

DODUYNGOC 

50 NĂM TÌM BẠN

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget