Hôm qua nói chuyện cái ấm tử sa, có người bảo tui nói cái ấm mà không nói cái chén là chưa có đủ. Bởi tiếng Việt ta thường nói ấm chén, chỉ nói ấm là lẻ bộ. Có cô gái đẹp còn nhờ tui chỉ mua một bộ ấm chén về chơi nữa. Thật ra, chơi ấm chỉ là chơi cái ấm, hổng có dính tới cái chén. Nhưng thôi, đã nói thì nói luôn cho nó đủ, nên hôm nay nói chuyện cái chén trong bộ đồ trà của người Việt.

Ta thường nghe "Trà tam tửu tứ" Có người giải thích “trà tam” là cuộc trà chỉ nên có ba người. Ba người cùng tận hưởng thì mới vui, hai người vẫn là số ít, còn một người thì chả có gì lý thú, thi vị. Còn “tửu tứ” là bữa rượu phải có bốn người ngồi chạm ly đối ẩm thù tạc, khề khà với nhau qua hơi men mới thấm thía tận gan ruột. Như thế “tam, tứ” (ba, bốn) ở đây chỉ số lượng chủ thể là người uống.

Lại có người cho rằng, uống trà phải đủ ba cốc mới thưởng thức hết được cái hương vị chát ngọt của trà, lúc đó mới thông nhuận được thần khí hào sảng. Còn rượu phải bốn chén mới ngấm từ đầu lưỡi vào ngũ tạng và mùi vị sực nức mới đủ tỏa hương dẫn tới ngà ngà. Có một lập luận mềm dẻo hơn cho rằng “trà tam” là trà pha đến nước thứ ba mới đích thực nước cốt của trà cả về màu sắc lẫn tinh chất. Còn nước một chỉ là rửa trà, nước hai còn chát, cứng, nước thứ tư trở đi gần như loãng, nhạt, mùi vị rơi rớt. Như vậy, “trà tam” là nhấn mạnh đến phương thức pha chế và chất lượng của trà, chứ không phải loại trà nào cũng qua ba bước, ba bận mới ngon. (Hoàng Hương Việt - Trà tam tửu tứ)

Tìm hiểu thú tiêu dao trà rượu của người Trung Hoa, người Nhật Bản, lại không thấy quan niệm này. Chứng tỏ "Trà tam tửu tứ" là quan niệm riêng của người Việt. Tàu chỉ có độc ẩm và quần ẩm. Tức là ngồi uống một mình hay ngồi với số đông. Cái chuyện ngồi cũng lắm chuyện lắm: Nếu hai người thì ngổi đối diện nhau, gọi à đối ẩm hoặc song ẩm, Khách đông năm người, ngồi kiểu năm cánh mai (ngũ mai); sáu người, thì ngồi theo kiểu bông tai vị (lục vị); bảy người ngồi kiểu thất hiền (bảy tiên), kỳ dư đông quá thì sắm bàn tròn, đông hơn nữa thì bàn bầu dục, bao nhiêu người cũng xong.

Lại trở về với cái chén. Xuất phát từ chuyện trà tam tửu tứ đó, nên bộ đồ trà Việt có 3 chén, để dành cho ba người. Bàn để đồ trà, tục gọi xà kỷ (trà kỷ) thì kê sát vách, chừa đủ ba mặt để ba người bắc ghế ngồi thưởng trà. Nếu bốn người thì bàn vuông và đương nhiên phải sử dụng bộ 4 chén.

Người ta cho rằng năm 1804 (Giáp Tý), sau khi lên ngôi, Vua Gia Long lệnh vẽ kiểu thuê lò Cảnh Đức bên Tàu làm, nên gọi là đồ ký kiểu. Thuê làm bộ chén sứ, ba quân một tống để chung trên một đĩa bàn, quần thần chung lưng đấu cật, ngụ ý câu “ Quân cộng lạc, hề thần cộng lạc. Quân cộng ưu thần tất cộng ưu”. Hành động này cho thấy vua vẫn ghi ân ba quân trong những ngày tháng bôn ba, cùng chia ngọt sẻ bùi. Từ đó trong bộ đồ trà có thêm chén tống. Chén tống là chén lớn hơn ba chén còn lại, dành cho vua. Ban đầu để chung một dĩa. Nhưng đến 1813, khi làm bộ trà Mai Hạc, tức bộ đồ trà vẽ cảnh cây mai và chim hạc thì sự sắp xếp đã đổi thay. Bộ trà lúc này gồm một chén chứa nước trà, dầm trà, trước đây gọi “chén tướng” nay vì kiêng cữ đành đọc trại ra “chén tống”, và để riêng ra trên một đĩa dầm, cho thêm phân biệt (vua ngự cung nội). Những chén còn lại gọi là chén quân, nhưng sau vì ngại chữ quân gợi vua nên gọi là chén tốt. Lúc này đây, Gia Long đã có quyền lực vững vàng, đã bắt đầu xa cách ba quân, nên chén tống được đứng riêng một dĩa. Chuyện này cũng do người ta nghĩ thế, không biết lòng dạ của Gia Long có thế thật không. Nhưng chính xác là chén tống xuất phát từ thời kỳ ấy.

Thế khi uống trà bình thường, chén tống có công dụng gì? 

Chén tống là một trà cụ không thế thiếu được trên bàn trà, được sử dụng để làm đều trà trước khi rót ra các chén quân, ta rót trà từ ấm ra chén tống trước rồi mới rót từ chén tống ra chén quân,vì vậy khi rót trà cho khách thì không bị chén đậm chén nhạt nước . Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng trước khi có chén tống người ta thường sử dụng các cách rót trà khác cũng có mục đích làm đều trà khi rót trà ra các chén quân cụ thể như cách :

” Hàn tín điểm quân ” : rót trà vào chén quân lần lượt điểm mỗi chén một chút trà cho đến khi đầy chén

” Quan Công Tuần Hành ” : đặt các chén quân thành một hàng sát cạnh nhau rồi rót trà từ ấm ra các chén bằng cách lướt nhanh dòng nước qua các chén trà, lướt qua lại vài lần cho đến khi các chén quân đầy trà .

Nhưng chén tống cũng có nhược điểm là làm cho trà nhanh bị nguội quá, nhất là vào thời tiết mùa đông lạnh .

(Trà Thuần Việt)

Tóm lại, chén tống dùng để trà được đồng nhất, không có chén đậm chén nhạt, cuộc trà mới cùng được 

thưởng thức vị ngon của trà giống như nhau.

Ngày trước, trong bộ đồ trà, chén tống cũng được làm hình dáng và trang trí hoạ tiết giống các chén tốt, chỉ có kích thước lớn hơn thôi. Như thế, bộ đồ trà mới đồng bộ, đẹp mắt. Sau này, người ta dùng đủ loại chén tống, đủ loại nguyên liệu, đôi khi nhìn lạc lõng với toàn bộ, khiến cuộc trà thiếu tính thẫm mỹ.

Chén trà ngày xưa thường không có quai, cầm chén trà thấy ấm tay, uống thong thả để trà thấm vào lưỡi, vào miệng, xuống họng, thế mới gọi là uống trà. Cho nên người ta mới gọi là nhắm rượu, thưởng trà. Tức uống rượu phải nhâm nhi, uống trà phải khoan thai thưởng thức. Còn uống vội vàng, uống chén to nhiều nước sẽ bị gọi là "ngưu ẩm". Uống trà là cả một sự tinh tế, là lúc để hưởng cái thú, được thăng hoa để chiêm nghiệm sự đời. Cho nên chén trà ngày xưa bé xíu, uống từng ngụm nhỏ để thấy hết cái hương hoa, cái vị của trà. Đó là lúc tận hưởng, là lúc các giác quan thưởng thức chứ không còn là chuyện uống để giải toả cái khát trong người. Từ đó mới thành một cái gọi là Trà đạo. Uống trà để chiêm nghiệm, để hiểu thêm sự đời chứ không phải là "trà dư, tửu hậu". Uống trà như thế mới là người biết thưởng trà, sành điệu.

Những bộ đồ trà ký kiểu còn lại của Việt Nam. (Theo Trà Thuần Việt):

Sau bộ Mai Hạc do Vua Gia Long lệnh làm, hiện nay còn lưu giữ những đồ trà dưới đây, tuy không còn đủ bộ nhưng cũng cho thấy sự tinh xảo và mang nhiều ý nghĩa dù là đồ ký kiểu do Trung quốc sản xuất theo đơn đặt hàng của triều đình nhà Nguyễn.

1. Kiểu “ Mãn hoạ tùng đình”, hiệu Ngoạn ngọc hay Nhã ngọc :

Vẽ san thuỷ giáp vòng, vóc lớn hơn chén Mai Hạc một tí, đặc biệt là ký kiểu Phong cảnh Huế: núi non chập chồng, có mấy khóm trúc lơ thơ, liễu múa giao nhành, lâu đài thuỷ tạ, trên cầu có hai người đi, nơi cửa vòng nguyệt thấy có bóng người đọc sách, trong nhà thấy hai người ngồi đánh cờ, giữa sân thấy hai người đang giang thẳng cánh một bức cổ tranh cùng đứng ngắm vẽ chi chít những nét xanh trên nền sành trắng, vẽ đầy mặt chén, có gốc tùng, có mái đình nên gọi “ mãn hoạ tùng đình” chế cỡ lớn và không đề một chữ nào, vì độc nhứt làm cho hạng người “ ăn mặn uống đậm”, bình sanh chỉ biết múa gươm nhưng thường cũng thích chửi thề với văn tự từng lập nghiệp trên lưng ngựa mà chưa hoặc ít từng vào trường học một chữ nào, và những bộ chén lớn ấy, dành cho các nhà cựu công thần, xuất thân là võ tướng không biết chữ !

2. Kiểu “liên áp” tục gọi “sen le” thường ký hiệu “Ngoạn ngọc”, và chia ra nhiều cách vẽ riêng biệt:

a. Một bộ không có đề thi và vẽ bốn con chim vịt, gọi lele cũng được, khi thì vẽ lội dưới ao có sen mọc, vì vậy gọi kiểu “sen le”, chữ là “liên áp” khi thi vẽ bốn chim vịt ấy có cử động khác nhau:

- Con thì cất cánh, như bay (phi)

- Con thì há miệng như kêu (minh)

- Con thì dấu đầu dưới cánh như ngủ (túc)

- Con thì lặn ngụp dưới nước kiếm ăn (thực)

Kiểu nảy không vẽ sen, lại vẽ vài bụi trúc, nhìn kỹ thấy rõ là loại trúc mọc bờ sông Hương, và vì vẽ chim bay, kêu, ngủ, ăn nên gọi kiểu “phi minh túc thực”. Hiệu đề bốn chữ “ Ngọc lâu quang uẩn” ( số mục lục 1010) vì góc gãy, định làm vào đời Thiệu Trị Tự Đức

b. Một đĩa bàn thật lớn, cạnh mẻ bịt lại bằng đồng, hiệu sáu chữ ” Đại Minh Thành Hoá niên chế” viết trong hai vòng thật tròn (double cercle) (mục lục số 410) vẽ hai con chim vịt lội dưới nước, gần mỏm đá có bụí lan hoa lá lòng thòng ghi ra “chiếu thuỷ”, nét vẽ thần tình, mầu tô thật đậm, định đời Khang hy ( 1662-1722). Dĩa này lớn quá nên không phải dĩa đựng chén trà; vì mặt bằng phẳng và kính tâm đến 23,4 phân tây ( 235 mm) nên định đời xưa dùng làm mâm đựng trầu têm, hoặc bánh trái và gọi là mâm hiến lộc.

c. Một kiểu nữa, cũng dĩa bàn dáng bánh sáp, nhưng bị mẻ nhiều nên hay mài cạnh thâu nhỏ lại và bịt cạnh bằng bạc hiệu Ngoạn ngọc.

Trên dĩa vẽ hai chim vịt: một con giấu đầu vào cánh, một con ngước mỏ kêu, gần bên vẽ hai lá sen và hai bông sen chật dĩa, thêm có hai câu thi hán tự:

”Lộ dục trì biên hậu

Hoa dương thuỷ điện thi”

Dịch:

“Chim tắm bờ ao phải lúc

Bông thơm mặt nước nhằm thời”

Xét ra hai kiểu đều thợ lò Giang Tây vẽ, nhưng bộ c) có vẽ tàu hơn bộ a), bộ c) ắt chế cho Trung Hoa dùng, 

còn bộ a) là làm cho Việt nam theo kiểu thức đã vẽ trước, cả hai đều đẹp mỗi bộ một điệu riêng, tiếc thay không bộ nào còn sót chén lại, nếu còn dùng làm quà dâng tiệc cưới thì thanh nhã vô cùng, lại thêm đẩy đủ ý nghĩa chúc câu “hoà minh, túc đế”

d, Một cái chén lẻ bộ, toàn hảo, số mục lục 716, hiệu “Tuyên Đức Niên chế” (khéo như cổ vật đời Minh Tuyên Đức), có lẽ chế tạo đời Khang hy, vẽ kiểu “liên áp” khác hơn các kiểu thường thấy, bụi sen đã khéo, lại vẽ hai chim không giống các kiểu nói trên đó là hai ngỗng cao lớn đứng kề nhau, hai thân nhập một, một con ngó trước còn con kia ngó ngoáỉ đầu lại nhìn theo con bạn, nét vẽ thần tình, kiểu vẽ độc đáo, quả là một tân ngoạn khó kiếm.

Một nhà chơi cổ, dựa theo điển tích, chuộng món đồ cổ kiểu của nước nhà hơn kiểu của Trung Hoa, nên ngụ ý hai câu lục bát sau đây, làm câu thiệu dễ nhớ:

“Thứ nhứt liên áp bốn con,

Thứ nhì liên áp hai con chữ đề”

Một dĩa khác, hiện không dễ kiếm, hiệu “Mỹ Ngọc” vẽ lá sen và con chẫu chuộc, Nam gọi “chàng hiu”, đề câu thi “Thuỷ phiếm liên hạ ẩn, oa hướng hà thượng minh” (Dĩa này cũng sắp vào bộ môn “sen le”).

Kết lại, kiểu uống trà thời nay đã khác nhiều. Trà cụ cũng đổi thay. Ngày nay người ta dùng chén tống bằng nhiều chất liệu, chuệch choạc với các chén và bình. Chén trà có quai, to như tách uống cà phê, người uống không còn nhâm nhi thưởng thức như người xưa nữa, mất đi cái thú thanh cao. Thôi thì thời thế đổi thay, thời giờ sinh ra tiền ra bạc, ai cũng nháo nhào, còn đâu cái an nhàn, sống chậm như xưa. Biết làm sao  khác được.

Mồng ba tết Đinh Dậu

30.01.2017

Đỗ Duy Ngọc

(Sử dụng một số tư liệu của Trà Thuần Việt)