tháng 8 2018


Trời thêm nắng liền phanh hàng nút áo
Ngực gió lùa cứ ngỡ giữa trùng khơi
Rú thêm ga cho thiên hạ khiếp chơi
Luồn qua ngõ khùng điên nơi phố thị
Suốt cuộc đời bị làm con chốt thí
Lỡ qua sông không còn chốn quay về
Cứ xoay ngang đi dọc mãi chán chê
Thân qua vạch không còn đâu chỗ trú
Đời chao nghiêng phận mình hèn cỏ cú
Mọc hoang đàng cho người dẫm chân lên
Hơn nửa đời lạc loài như lũ thú
Về thị thành thấy đất cứ chênh vênh
Trưa nhiều nắng chói mặt trời cháy rực
Chờ cơn mưa cho mát tấm thân này
Thèm trần truồng nốc ly rượu cho say
Đợi bão tới bốc lên cùng mây xám
Trang lịch sử toàn những tờ u ám
Làm kẻ điên ngu dại thế mà hay
Hết đường về đành buông thõng hai tay
Nước đã nát còn chi mà đứng đợi
Trưa choáng váng chợt thấy mình chới với
Tin vào đâu để sống tiếp tháng ngày
Thôi cũng đành làm như kẻ ăn may
Sống một bữa lại ghi thêm một bữa
Rồi có lúc như căn nhà khoá cửa
Bụi thời gian che lấp nẻo trở về
Thân rỗng toác héo cành khô rã mục
Chờ lửa hồng thiêu đốt hết cơn mê
29.8.2018
DODUYNGOC


Gia đình tui di cư vào Nam năm 1954. Ở Quảng Trị một thời gian ngắn, sau đó Ba tui vào làm Bệnh viện trung ương Huế, cũng chỉ một thời gian ngắn, năm 1956, cả gia đình vào Đà Nẵng vì Ba tui lại nhận công việc mới ở Tổng y viện Duy Tân, một bệnh viện quân y lớn nhất miền Trung thời bấy giờ. Vào Đà Nẵng, gia đình tui ở khu ngã tư chợ Cồn mấy chục năm, do vậy trong trí nhớ của tui, khu vực này là nơi tui nhớ nhất, đó là nơi tôi sống từ tuổi thiếu nhi cho đến tuổi trưởng thành rồi bay đi xa không về lại.
Chợ Cồn được hình thành từ những năm 40 của thế kỷ trước. Đầu tiên được dựng lên từ trên một cồn cát, nên chết tên luôn là chợ Cồn. Thập niên 40, Ba tui vừa học ra trường có đi làm việc một thời gian ở Đà Nẵng, hồi đó còn có tên là Tourane. Theo lời kể của Ba tui, lúc ấy nhà cửa còn thưa thớt lắm, chung quanh chợ chỉ có lau sậy, xương rồng và dương liễu vì gốc gác của nó là cồn cát biển. Lại có mấy lạch nước. Các gian hàng tạm bợ bằng chòi tre, mái tranh đơn giản. Lần hồi người ta xây dựng bằng các vật liệu kiên cố hơn. Khi gia đình tui đến ở khu này, chợ Cồn đã là một khu chợ sầm uất nhất Đà Nẵng, buôn bán đủ thứ trên đời.
Trước đó, người Pháp đã xây dựng đường sá và phố phường cũng được quy hoạch xây dựng đàng hoàng và mang nét văn minh phố thị. Chợ nằm trên trục đường quan trọng của Đà Nẵng. Đường này chạy từ bờ sông Hàn đến gần khu Bàu Thạc
Gián. Thời Pháp tên là đường Rue de la Republique (nay là đường Hùng Vương). Nó nằm ngay giao lộ của đường Sabiella (nay là đường Ông Ích Khiêm). Nối đường Ông Ích Khiêm là đường Khải Định. Đường này hồi trước chạy dài cho đến biển Thanh Bình. Những con đường đó tạo nên giao lộ là ngã tư chợ Cồn một thời khét tiếng. Sau lưng chợ có một đường rầy, đường này chạy qua một cái hầm nhỏ dưới Cầu Vồng. Từ dưới chợ muốn lên cầu Vồng phải leo một con dốc đất đỏ là lên đường Thống Nhất. Đứng trên Cầu Vồng ngay địa điểm đó, ta có thể nhìn thấy sân vận động Chi Lăng. Trên con đường này tui có một kỷ niệm. Thời mới lớn tui làm thơ, cũng có lần được giải của tỉnh. Trên đường đến trường đi học năm đệ tam, đệ nhị tui thường theo đuôi một cô cùng trường có nhà trên đường Thống Nhất. Theo thế thôi, chẳng nói gì và về nhà làm biết bao nhiêu là thơ. Sau đó, tui có in tập thơ Khung tình vỡ, toàn là thơ tình chưa nói được. Tui học nhảy, cuối nâm đệ nhị ở trường tui đã có bằng Tú tài hai phổ thông. Trước khi bay vào Sài Gòn thi đại học, tui gởi theo đường bưu điện cho cô ấy chục tập thơ rồi biến mất. Ôi cái thuở yêu em thơ dại.
Phía dối diện chợ, bên kia đường là Trung tâm cải huấn, nơi nhốt những người hoạt động Việt Cộng bị bắt, cũng là nơi giam giữ tù thường phạm cướp của, giết người. Gần đó có kho đạn và phía sau kho đạn là trại gia binh dành cho gia đình quân đội. Cạnh đó có nhà sách Ngày mới, và một trụ xăng nhỏ, nhưng tiệm sách này buôn bán ế ẩm không bằng nhà sách Văn Hoá nằm ở đầu đường. Ngày đó đây là một trong những nhà sách lớn nhất Đà Nẵng. Tui thường mua sách ở đây. Chủ nhà sách người Huế, trắng trẻo, nhìn rất thư sinh, có đứa con trai cũng trạc tuổi tui, cũng tên Ngọc đi tắm biển bị sóng cuốn trôi ở biển Mỹ Khê. Gần nhà sách Văn Hoá là một Pharmacie khá lớn của một gia đình người Quảng Nam. Con chủ nhà thuốc này cũng là người bạn của tui mà mấy chục năm rồi không gặp nên quên mất tên, anh này có nước da đen ngược lại với cô em gái trắng nõn. Ở khu đó bên kia chợ có một tiệm bán nước mắm có cô con gái học Bồ Đề. Cô gái dong dỏng cao, tóc để bom bê trước trán với chiếc áo dài trắng ngắn tà đã có một thời làm tui mê đắm. Sau này mới biết cô ấy là em gái của một người bạn tui. Cả gia đình giờ định cư bên Mỹ, cô ấy giờ chắc cũng đã là bà nội, bà ngoại rồi.
Từ những năm cuối của thập niên 50, Chợ Cồn đã được xây dựng kiên cố với những ngôi nhà lồng rộng và thoáng mát. Chung quanh chợ người ta đã xây những ki ốt cho thuê bán đủ mặt hàng cao cấp nên chợ Cồn được khang trang và lịch sự. Ngay ngã tư phía bên kia góc dường Ông Ích Khiêm và Hùng Vương có một cây xăng lớn. Đi tơi chút nữa là đụng đường rầy. Chỗ đó lộn xộn mấy nhà nhỏ lụp xụp vá xe, làm vỏ xe, những người thợ lúc nào cũng đen nhẻm. Phía bên kia là một dãy phố có căn nhà tui không bao giờ quên. Đó là xưởng vẽ của người hoạ sĩ già Nguyễn Viết Hậu. Ông này chuyên vẽ chân dung truyền thần nhưng lại vẽ Phật rất đẹp, nhất là vẽ Phật Thích Ca đản sinh, bước trên những toà sen với câu nói:" Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn". Hồi còn bé trên đường đi học, bữa nào tui cũng chắp tay sau đít đưng ngó ông ấy và những người đệ tử vẽ vời. Tui mê hội hoạ cũng từ xưởng vẽ của ông và tui theo nghiệp vẽ cũng từ những nhát cọ của ông.
Xây xong cây xăng, người ta cũng xây một bến xe ngay góc Hùng Vương, xế xế với chợ Cồn. Bến xe có tên bến xe Chợ Cồn. Xe đò là xe đi hai chiều từ Đà Nẵng ra Quảng Nam, Huế cùng các tỉnh miền Trung khác và cả Tây Nguyên. Từ khi có bến xe, khu vực này nhộn nhạo hẳn lên, hàng quán mọc đầy phục vụ cho hành khách. Nổi bật ngay góc bến xe là bánh mì Ông Tý, chỉ là xe bánh mì chả nhưng khách đông vì chả có vị lạ. Mạ tui thích ăn bánh mì Ông Tý, nhiều khi khuya rồi cũng phải chạy ra mua cho Mạ. Gần đó có bún bò bà Hưng. Bà này người Huế có chồng là thợ may âu phục. Bà có mấy cô con gái ngang tầm tuổi tui, sau này có hai chị em lấy hai thằng bạn tui, cả đôi bây giờ định cư ở Houston. Bún của bà Hưng ngon đúng điệu bún Huế, dù chỉ là quán bình dân. Khu này hồi đó mấy ông Việt Cộng hay rải truyền đơn dù thật ra cũng chẳng có tác dụng gì. Khu này cỏn có tiệm bò Thái Ngư, bánh kẹo Quánh Hưng… cùng hàng chục cửa hiệu tạp hoá, đại lý trái cây, dụng cụ cơ khí, gạo buôn bán sầm uất, là đại lý của nhiều hãng lớn và là nơi cung cấp hàng sỉ đi khắp nơi ở miền Trung. Tui có anh bạn cùng trường nổi tiếng dân chơi nhà là một tiệm buôn lớn góc phố này. Anh tên Lâm Thành mất cũng khá lâu rồi.
Gần đó, ngay đầu đường Ông Ích Khiêm là cư xá Đoàn Kết, dành cho hạ sĩ quan quân đội VNCH. Khu này trước đó người ta chỉ dùng để ở, nhà nào cũng có khoảng sân trống sát đường. Phía sau là một sân cát rộng. Chiều chiều tụi nhỏ tuổi như tui thường đến đó thả diều và đá banh. Đến những năm cuối của thập niên 60 bỗng dưng người ta tận dụng sân trước để mở hàng quán. Một loạt quán bò tái ra đời. Khu gia binh mất dấu đề trở thành phố chợ. Mà cũng lạ, cả dãy quán ăn, quán nhậu lại có một căn là tiệm vẽ của ông hoạ sĩ Hải Triều. Ông này cũng chuyên vẽ chân dung, có thể thời đó có nhu cầu vẽ truyền thần. Hình như ông này trước đó ở trong quân đội, có nhờ Ba tui giúp cho giải ngũ nên có vẻ rất quý Ba tui. Thấy hay tặng quà và vé xem hát. Dãy nhà sau cũng lấn chiếm sân chơi, tui tui mất chỗ để thả diều và đá bóng. Thật ra, lúc đó tụi tui cũng đã đến tuổi thanh niên, chẳng còn mê diều và trái bóng mà đã bắt đầu biết chải đẩu và diện áo quần đẹp để đi tán gái rồi.
Từ chỗ cư xá đi xuôi xuống đường Ông Ích Khiêm, ta gặp bên ka đường một château d'eau cao lừng lững. Tháp nước này cung cấp nước thuỷ cục cho cả khu vực. Đối diện tháp nước là Bình dân thư quán, là nơi cho thuê truyện của một ông Tàu già. Tiệm nhỏ thôi, nhưng sách nào cũng có. Nhất là truyện kiếm hiệp. Thời này, người ta mê truyện chưởng của Kim Dung nên quán lúc nào cũng đông khách. Ông chủ người Tàu có trí nhớ siêu phàm. Sách của ông luôn bọc ngoài bìa là giấy bao ciment. Sau tờ bìa là ông ghi ký hiệu ngày mượn chi chít. Thế mà khi nói tựa sách là ông lấy ngay đúng phóc, không chút chần chừ. Cuốn nào đã có người thuê chưa trả ông cũng báo ngay. Hay thật. Tui là tín đồ của quán này, ngày nào cũng thuê đôi ba cuốn, đủ loại, đọc muốn lòi con mắt.
Nhắc đến Chợ Cồn ngày xưa mà không nói đến cà phê Xướng là diều thiếu sót. Ít ra là đối với bản thân tui. Cà phê Xướng là một ki ốt nằm trước chợ Cồn, trên đường Khải Định xưa. Tiệm bán cà phê và các thức uống. Khách của tiệm là giới công chức, giáo sư, doanh nghiệp, quân nhân. Đó không phải là tiệm dành cho giới bình dân. Có một thời, sáng nào tui cũng phải ra đấy mua cà phê sáng cho Ba tui uống trước khi đi làm. Lúc nào cũng mang theo một cái chén lớn để đổ nước sôi vào đấy cho cà phê đến nhà vẫn nóng. Quán trang trí như mấy quán cà phê nhỏ bên Tây. Có quầy với mấy ghế cao và những cái bàn nhỏ trải những khăn bàn kẻ ca rô. Có hai điều mà tui không bao giờ quên được tiệm cà phê này đó là mùi cà phê rang thơm phưng phức, mỗi tách cà phê lại bỏ thêm chút bơ Bretel beo béo thơm thơm. Điều nữa mà gần hết đời, tui vẫn thấy không có chỗ nào có bánh mì thịt ngon như ở cà phê Xướng. Thịt là thịt ba chỉ, có mỡ được rim vàng với ngũ vị hương và có thể có chút hồi. Bước vào quán là nghe mùi này ngay. Mùi thịt hơi cháy vàng tươm mỡ, nước thịt màu hổ phách sậm thơm nức mũi. Ổ bánh mì dòn tan, được dồn thịt và rưới nước vàng óng đó lên, rắc thêm ít tiêu sọ xay, chẳng cần xì dầu, hành ngò mà ối chao ôi là ngon! Sau này, lớn lên, già đi cũng nhiều lần rim thịt thế, cũng bánh mì dòn thế, miếng ăn sao lại thấy chẳng ngon như xưa nữa.
Bây giờ, lúc đã đi bốn phương trời, trở về chốn cũ. Đứng giữa ngã tư chợ Cồn với biết bao kỷ niệm nhưng tui lại thấy xa lạ biết chừng nào? Chẳng còn ai quen, những con phố lạ, đường xưa không dấu vết cũ. Tui làm người khách lạ tiếc nhớ những chốn xưa và ký ức của mình. Thời gian nhanh quá! Mới tuổi thanh niên giờ đã là ông lão. Những bạn bè, người thân lần lượt ra đi. Cảnh cũ chẳng còn dấu tích. Nghĩ đến chuyện bể dâu. Buồn ơi là buồn!
28.8.2018
DODUYNGOC

Một truyện về một chốn của xứ Huế do cô giáo Phan Mộng Hoàn, cô giáo dạy môn Văn hồi tui học trung học ở Đà Nẵng cách đây đã hơn nửa thế kỷ viết theo hồi tưởng.
Hiện nay Cô đã bị bệnh mất trí nhớ và đang định cư ở San José, Hoa Kỳ.
XÓM THƯỢNG TỨ
PHAN MỘNG HÒA-HOÀN
Khi tôi lớn lên thì Cửa Thượng Tứ đã loang lổ màu thời gian. Tôi chỉ mường tượng được những dịp Hoàng Đế Bảo Đại về nước, ngự xe hơi đen bóng lộn, vận bộ đồ tây trắng, mắt đeo kính râm to bản tiến vào cửa thành Thượng Tứ...Có lẽ vì thế mà theo ý tôi, Cửa Thượng Tứ là cửa lớn nhất trong bốn cửa thành, dành để đón vua chúa quan quyền.
Cửa thành Thượng Tứ còn có tên là Đông Nam kiến trúc theo kiểu Vauban như các cửa kia (Cửa Ngăn, An Hòa và Đông Ba), cũng có một chiếc cầu cong cong đồ sộ xây bằng gạch bắc nối tiếp khúc cuối con đường Thượng Tứ phía ngoại thành chui vào cổng thành nội. Dưới cầu là dòng nước lặng lờ, trôi theo hồ Ngự Hà uốn khúc với những hào sâu chạy quanh quất theo vòng đai của Hoàng Thành. Dòng nước trong veo ấy phản chiếu màu sắc thiên nhiên của mây trời, và thay đổi theo từng mùa mưa nắng, khi u uẩn sắc tím buồn mùa mưa, khi long lanh theo cơn nắng hạ rực rỡ. Bốn mùa con sông nhỏ này lộng lẫy với hàng ngàn đóa sen màu hồng phấn e ấp, chen lẫn với sắc trắng tinh khiết, hương sen tỏa bay thơm ngát đất trời. Vào mùa mưa lá sen như đan kín mặt hồ nhiều hơn, điểm xuyết loài hoa súng đỏ tía và hoa bèo tim tím nhạt nhòa. Hình như trời mưa xứ Huế triền miên, dầm dề ẩm ướt kéo dài suốt ba tháng mùa đông, vẫn không cách chi thấm ướt nổi những tàu lá sen xanh thẫm, xòe ra như những chiếc dĩa lớn bằng men sứ Nhật Bản.
Cửa Thượng Tứ xa xưa có hơn cái thời vô vị của tôi ra sao, đến nay tôi vẫn mơ hồ bởi tôi không hề mất công tìm hiểu. Nhưng nếu nói đến cái thời tôi bắt đầu nhớ được, thì con đường Thượng Tứ khó lòng xóa nhòa trong ký ức tôi dù cho bao năm tháng đã qua đi.
Cửa Thượng Tứ đối diện với Nhà Thương Bạc, có vườn hoa Nguyễn Hoàng thanh lịch nằm bên bờ sông Hương phía Hữu ngạn. Từ Nhà Thương Bạc ngó xéo về hướng tay phải là Trường Hậu Bổ; lúc trước đây là cơ sở đào tạo các quan chức tương lai. Nhưng lúc tôi đã có trí khôn, tôi nhớ Hậu Bổ chỉ là một khuôn viên đổ nát, tường sập hoang tàn với cây đa cổ thụ dềnh dàng tỏa bóng âm u, là chỗ cư ngụ của những con người cùng khổ. Họ sống lây lất với gánh quà khiêm tốn. O bán chè, thím vịt lộn mà ngọn đèn dầu leo lét trong xó khuya chiếu lập lòe như ma chơi, khiến mỗi lần qua đó buổi đêm bọn trẻ con chúng tôi vừa ù té chạy vừa la hét như bị ma đuổi. Hàng cây bút bút rũ bóng với những tua rễ phụ đong đưa theo chiều gió trước Trường Hậu Bổ nay không còn nữa. Tôi nhớ vào khoảng thời gian mình lên Trung học thì tại địa điểm Hậu Bổ xưa một tòa nhà uy nghi đẹp đẽ đã được dựng nên lấy tên là Nhà Hát Lớn Trần Hưng Đạo. Từ đó người ta không còn nhớ nơi đây từng một thời vang bóng với xênh xang áo gấm lọng vàng...Theo con đường tráng nhựa êm ái ở ngã ba Cửa Thượng Tứ, nếu đạp xe chừng năm phút lên hướng tay phải sẽ gặp ngay nhà mát Phu Văn Lâu với Kỳ Đài cao ngất đứng đàng sau
Ngay ngã ba đầu đường Cửa Thượng Tứ, tọa lạc trường Paulbert, thời Tây đô hộ dạy toàn tiếng Pháp. Sau này khi Tây về nước, trường đổi ra tên Trường Thượng Tứ, cấp Tiểu học. Nổi tiếng nhất là thầy Đàng hiệu trưởng. Thầy Hiệu trưởng cao lớn đáng nể. Thầy có cái mũi phúc hậu đỏ như quả cà chua không ngọt lắm, nhưng khí thế thì không ai bì. Góc trường Thượng Tứ là góc mở đầu bức thành dài của các lớp học, chiếm hẳn một nửa chiều dài của con đường Thượng Tứ ngắn gọn. Cuối bức tường dài là ngõ rẽ vào xóm sau. Một thời đã thấy phân chia rõ rệt của hai giai cấp: một bên là lao động của xóm Ao Hồ, một bên là thành phần tiểu tư sản, trung lưu, chiếm mặt tiền của hai dẫy phố đằng trước.
Tôi xin kể từ trong thành đi ra phía bên tay mặt. Trước nhất là nhà ông Thị Bốn, với khu vườn xanh um nhiều cây ăn trái. Hàng cây vú sữa tàng lá sum xuê, bóng im mát đổ xuống mặt hồ yên tĩnh. Vườn ông Thị Bốn còn có chỗ nuôi ong mật cùng những chuồng chim Bạch Yến, Họa Mi... Bầy chim ăn no rửng mỡ suốt ngày thi nhau hót líu lo nghe vui tai quá chừng. Hai chị em tơi thường theo bầy tiểu yêu trong xóm kéo đi chọc phá. Hoặc vòng từ ngã sau xóm Ao Hồ đột kích vào khu vườn hấp dẫn đo,ù để chia phiên nhau leo lên bức tường thành và hái “trứng cá”. Những trái trứng cá tròn xinh to cỡ đầu mút đũa có màu đỏ tươi óng ánh chín mùi. Chúng tôi còn không tha cả lũ trái mới ươm hồng, ơi răng mà ngọt ngào quá sức! Đôi khi hai chị em còn hứng chí rũ nhau tới đây leo lên một ngành cây an toàn để say sưa đọc tiểu thuyết của cánh Tự Lực Văn Đoàn.
Bà mẹ nghệ sĩ của tụi tui cho các con đọc “thả cửa”. Ba tôi thì lại nghiêm cấm, chỉ toàn ra lệnh ngốn mớ sách “Đạo” khô khan khó nuốt. Tủ sách gia đình ở trên lầu nhà chúng tôi ăm ắp những cuốn dành cho người lớn như: “Đối ngoại của Tòa Thánh Vatican”, “Con đường huyền nhiệm” v.v...Vậy mà ông bố “lý thuyết” của chúng tôi, bắt bầy nhóc chưa tới mười, mười hai tuổi phải nhồi nhét chúng! Trong lúc đó hình như “ông cụ” không hề đọc tới dù cho vài hàng! Tủ sách vắng bóng những cuốn tiểu thuyết lãng mạn, dễ thương, dễ hiểu mà chắc chắn dù đang ở tuổi non nớt anh chị em tôi vẫn đủ sức “ăn tươi nuốt sống” như thường! Đó là những tập truyện ngắn tuyệt vời, “Hoa Vông Vang”, “Dọc đường gió bụi”, “Thế rồi một buổi chiều”, “Gánh Hàng Hoa”, “Gió đầu mùa”, “Vang bóng một thời”... mà Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng, Đổ Tốn, Nguyễn Tuân...đã vỡ lòng cho tuổi thơ của tôi, niềm khao khát đi vào con đường tập tành làm thơ, viết văn.
Ngồi trên bờ thành, cạnh nhà ông Thị Bốn, thật dễ chịu vì gió từ mặt hồ phả lên mát rượi và kín đáo, bởi cành lá um tùm che khuất mắt thế nhân! Thế mà có lần nghe tiếng ba tôi kêu tìm. Đứa em gái lẹ làng tót xuống mái nhà tôn và tuột xuống gốc mít. Con nhỏ không quên chuồi cuốn truyện ra sau lưng quần. Cô ta còn cẩn thận đóng tuồng nữa. Hắn vờ vĩnh bám vào trái mít lớn gần gốc nhất, rồi co chân đu qua đu lại, làm như đang giỡn chơi trong vườn, nhất là để mong thoát khỏi đôi mắt “hình sự” gay gắt của bố già. Không ngờ vì hắn nặng ký hơn trái mít, đã làm cho trái mít rụng cuống, kéo theo con nhỏ tròn quay như hột mít, té bịch một cái như trời giáng hạ! May không hề hấn chi. Sau kỷ niệm nhớ đời đó, cả hai chị em đều bị một trận đòn nên thân. Hình như hôm đó hai đứa đã bỏ không đi nhà thờ để “Chầu Nhà Thánh” vào chiều thứ năm đầu tháng, bởi còn ham đọc tiểu thuyết “bậy bạ”, theo ý của ba tôi vẫn buộc tội!
Ông Thị Bốn là chủ một dẫy ba, bốn căn nhà kế tiếp nhau. Sau này căn bìa mở thành tiệm ảnh Đông Nam do người con gái của ông Thị, tuổi lỡ cỡ và xinh đẹp đứng trông coi. Căn thứ ba của ông, bán lại cho cụ Vỏ Truy, nhạc phụ của bác sĩ Lê Khắc Quyến, cũng là một nghệ sĩ tài hoa với ngón đàn tranh tuyệt diệu bậc nhất nhì chốn cố đô. Ông bà Vỏ Truy sản xuất các người đẹp có hạng, tôi quen miệng gọi họ bằng dì vì kêu theo mấy đứa bạn hàng xóm, con bác Đốc Quyến. Cô chị cả là dì Thạnh tức dì Đốc, điệu đàng quý phái. Dì Tăng Vinh thanh bai. Dì Lộc nhỏ nhắn xinh như con búp bê Nhật Bản. Dì Hậu cao lớn như đầm. Và Dì Nguyệt là cô gái út tươi tắn nhanh nhẹn, tôi nghi là trẻ mãi không già. Tôi không nhớ ông bà Võ Truy có mấy con trai, chỉ nhớ có mỗi cậu út tên Ngọc.
Sát nách nhà ông bà nhạc là bác Đốc Quyến. Tay thầy thuốc chữa bệnh cho toàn bà con Huế và Thừa Thiên thần sầu quỹ khốc. Bác sĩ Quyến, từng cứu chữa cho hàng vạn con bệnh trầm kha thoát khỏi tay tử thần. Ông bà đốc Quyến có mười cô cậu. Đó là Thanh Túy, Thanh Lô, Thanh Chân, Thanh Hoài tức Chim Yển. Theo sau là Trâu, Bò, Ụt, Ngạ, Sơn Ca và Cu Nhàn. Trước lúc bác sĩ Quyến dọn tới, đây là nhà của ông “Xì Gà”. Tôi nhớ ông Xì Gà có khuôn mặt dài rất “gợi cảm” cuả tài tử xi nê ma Fernandel. Tôi làm sao quên được mấy đứa con trai con ông ấy đứa nào cũng có cái sọ dừa tóc lơ thơ và to quá cở. Chủ nhân kế tiếp ông Xì Gà là cô Phú.
Ngay bên cạnh Phòng Mạch bác sĩ Quyến là hiệu ảnh “Maria Mộng Hoa”. Đích thị nhà của chúng tôi. Bạn bè thân của gia đình nói đùa, ba má “Hoa Hường” của tôi đã vẽ liền tù tì 12 tác phẩm sống. Chúng tôi đều mang tên bằng chữ H đứng đầu. Gồm, Hiệp Hoà Hoàn Hảo Hằng Hà Huệ Hài Huyền Hạnh Hậu Hoài. Con trai đệm Văn và con gái lót Mộng. Nhà chúng tôi gồm hai căn lầu gỗ, vốn là gia tài của ông nội để lại cho hai bác anh của ba tôi. Phần ba tôi là con út đã được trút gia tài với ngôi Từ Đường lớn nằm tít trên miệt vườn Phường Đúc. Một ông bác là nhà văn đã chết năm 1939. Một ông bác là linh mục coi rẻ thế sự. Cho nên ba tôi được trọn quyền khai thác làm ăn trên cơ sở này.
Nhà chúng tôi đã lắm phen thay đổi “sinh hoạt”. Như có thời mở “Salon de coiffure”, chuyên cúp tóc kiểng cho các tài tử và nghệ sĩ như “Mệ” Vĩnh Phan, “anh” Vỏ Đức Duy...Có lúc mở quán ăn nghệ sĩ và quán trọ. “Hương Bình Lữ Quán” từng là nơi cho tao nhân mặc khách dừng bước giang hồ, hoặc lui tới họp mặt để trao đổi văn thơ, âm nhạc và hội họa. Tôi nhớ lúc đó anh em tôi còn nhỏ xíu mà bạn bè đứng đắn của gia đình đã phẩm bình rằng, nhà có con gái mà lại mở quán ăn quán trọ, sợ sẽ ảnh hưởng xấu đến nền nếp gia phong... Do đó Hương Bình Lữ Quán liền dẹp tiệm ngang xương dù ba má tôi đang lúc hốt bộn bạc! Sau đó ba tôi liền quay sang mở tiệm bán đủ loại: máy ảnh, phim ciné Charlot, phim Hoạt hình, bán máy quay phim...Tất cả nhập cäng từ bên Pháp về. Nhưng đặc biệt là bán diã hát Tân và Cổ nhạc. Đó là thời nổi tiếng của loại dĩa hát hiệu Asia. Ngoài ra, còn bán máy hát Phono hiệu “Con Chó”, có cái cần cổ cong cong. Anh Hiệp tôi và chị em chúng tôi vẫn ra đó phụ với ba, cong lưng quay đĩa cho khách hàng tới mua nghe thử đĩa, cho họ thuộc bản nhạc. Có hằng trăm bản nhạc hay thời Tiền Chiến của Nhà Xuất Bản Tinh Hoa. Phần lớn đều do cậu tôi, Họa sĩ Phi Hùng, anh kế má tôi vẽ vời, treo la liệt giăng hàng khắp cửa hiệu. Mấy anh em vì thế đã thuộc lòng. “Cây đàn bỏ quên”, “Hòn Vọng phu”, “Mối tình Trương Chi”, “Em tới thăm anh một chiều mưa”, “Kiếp Hoa”, “Dư Âm”,“Xuất quân”, “Quảng Çường mai”, “Hè Về” v.v... Và còn vui thú ư ử ca Vọng cổ theo nghệ sĩ Út Trà Ôn với làn hơi ngọt ngào mùi mẫn. Tuồng “Tô Ánh Nguyệt” gây xúc động vì mối oan tình. Mặc dù nếu phân tích kỹ sẽ thấy vô lý, vì ho lao gần chết nhân vật chính vẫn gân cổ ca một hơi dài sáu câu tuyệt cú mèo! (đến bật đèn đỏ!). Vở “San Hậu” rồi vở “Bàng Quí Phi”v.v... Chúng tôi đã vô tình làm quen và đâm ghiền hết thảy những thứ nghệ thuật tân cổ giao duyên, nhờ cửa tiệm buôn rất chi tài tử này. Vì đã làm “business” mà ông bố “công tử bột” của chúng tôi không thèm biết trời trăng hay chịu khó nghiên cứu kỹ lưỡng gì! Phải nói như thế, để tiếp theo tôi có thể kể là ba tôi đã bị “phá sản” không chút oan uổng! Trong lúc đó căn nhà bên cạnh. Má tôi vẫn cần cù hoạt động. Bà vẽ chân dung vừa chụp hình nghệ thuật. Vẫn không cách chi vớt vát nổi tình trạng ế ẩm và nợ nần do tài kinh doanh trời ơi đất hỡi của bố già chúng tôi! Cuối cùng, một căn nhà đành bán cho ông đốc Quyến để trả bớt nợ. Căn này về sau là Hiệu sách “Kim Cúc”. Cô chủ tươi đẹp như hoa nhưng có máu ...“Reno” trời sợ. Tiệm sách chuyển tiếp cho chủ khác thuê, lấy tên là “Nắng Mới”. Căn còn lại của gia đình họ Phan Phường Đúc, đã cải biến trở thành Văn Phòng Luật Sư Trần Tấn Việt. Sau đó chuyển giao cho luật sư trẻ tuổi đẹp trai Nguyễn Khoa Kiêm. Anh Kiêm là bạn đồng lứa với anh thi sĩ Tú Rọm của tôi. Anh đã bị VC lùa bắt đi rồi bị chôn sống cùng với cụ thân sinh, Chánh án Nguyễn Khoa Hoàng ,vào dịp biến cố Mậu Thân.
Căn lầu bìa cạnh nhà tôi là hiệu ảnh Tôn Thất Dung. Ông chủ tiệm gốc hoàng phái này chuyên khai thác chân dung các em bé đủ kiểu: khóc, cười, mếu, bò, lật, đứng, ngồi...rất ngộ nghĩnh. Về sau, đổi chủ sang cho vợ chồng anh “Ái Mỹ” Tàu chay trăm phần trăm, bố mẹ của con Phan con Mý. Năm Mậu Thân tôi nghe kể chuyện về chị Ái Mỹ xinh đẹp như nữ tài tử Lâm Đại này. Chị một tay dắt díu hai con thơ, một tay dìu anh Ái Mỹ lúc đó đã mang bệnh mù, chạy giặc sang bên kia cầu Trường Tiền. Sau 75 và gần đây khi quay về thăm cố hương, tôi thấy một dẫy khách sạn nhếch nhác đã trám chỗ mấy căn nhà bìa xinh xắn bên phía nhà chúng tôi. Ôi! cuộc đời đúng là dâu biển đến đau lòng.
Bên kia đường Thượng Tứ, tôi không sao quên được... Từ trong thành kể ra. Trước hết là nhà bác Mối thợ mộc, với râu tóc bạc phơ như tiên ông, một tấm gương lao động không ngừng để con cháu noi theo. Ngay đầu xóm vào “xưởng” của ông, có một cái máy nước công cọng. Hồi đó nước chưa bắt vào tận nhà dân chúng. Một thời, từng là nơi cho các nàng “marisến” đến gánh nước. Để liên tục xảy ra những trận ác chiến và chưởi lộn tưng bừng bên bờ hồ. Nguyên nhân từ những chuyện tình tay ba rắc rối hoặc những mẫu thư từ lâm li bi đát đã “tam sao thất bổn”, khiến làm sứt mẻ tình cảm và tự ái các nàng “mari phông ten” cùng các chàng “rô be” cúp tóc!
Dẫy nhà bên đường này, đầy đủ hình ảnh gắn bó với cuộc sống bình dân. Hầu như tôi đã thuộc nằm lòng từng tên bảng hiệu đến tên của mỗi gia đình. Ba má tôi không giàu nứt vách đổ tường, không làm quan chức cao cấp. Nhưng vẫn được bà con lối xóm ở Cửa Thượng Tứ gọi bằng “cô, thầy”, gần như với một cảm tình đặc biệt. Người gieo rắc nhiều nhất có lẽ là má chúng tôi. Má tôi, không giao lưu thân mật với các chị hàng rong, hàng bún, anh xe kéo, xích lô. Nhưng ai ai cũng niềm nở đón rước chào mừng. Con đường Thượng Tứ với dẫy bên kia đường có các ông các bà khoảng tuổi ba má tôi hay nhỏ hơn vài tuổi, vẫn được chúng tôi gọi thân mật là “anh, chị”.
Anh An Thành hớt tóc, có tiệm hớt tóc nhỏ nhưng hớt khéo. Tôi thường theo ba tôi qua đó để ngồi chơi và để lôi giây cho cái quạt bằng vải to cở cái cửa lớn đặt nằm ngang lơ lửng trên trần nhà. Vừa lôi quạt cho ba tôi mát, vừa thích thú ngắm anh An bôi xà bông trắng xóa đầy mặt ba tôi. Xong, anh lấy lươiû dao cạo sắc lẻm có cán xếp, cẩn thận cạo mặt. Anh An thấp người có các cô con gái là bạn đồng tuổi anh em tôi, Nga Nhạn Oanh Yến. Đứa nào cũng xinh đẹp như má tụi nó. Chị An Thanh mình dây, tuy con nhà lao động và đã đứng tuổi mà sao tôi thấy chị duyên dáng và đẹp ghê. Đến nay tôi còn hình dung ra chị. Khuôn mặt trái xoan với mầu da bánh mật. Đôi mắt xênh xếch long lanh. Làn môi ăn trầu cắn chỉ, đỏ thắm. Lúc cười để lộ ra hàm răng đen lánh và đều rưng rứt.
Khi chúng tôi lớn lên thì anh An bán nhà cho bác “Quảng Phong”. Nhà kinh doanh thuốc lá Cẩm Lệ, Quảng Nam. Tôi nhớ bác Quảng Phong có hai cô con gái trạc tuổi chị em tôi là Châu và Lễ, còn người con trai tên là Nghi. Chắc bác còn nhiều con cái nữa nhưng tôi không biết tên tụi hắn. Nhà bác Quảng Phong rất tấp nập. Thợ vác thuốc vác những bành thuốc khổng lồ. Thợ xắt thuốc xắt thuốc lá nhuyển, mịn tơi bằng những dao xắt tay to bản. Hình như bác Quảng Phong có khá nhiều “ái thiếp”, để tiện mở những nhà tứ giác bán thuốc an toàn, khỏi sợ thất thoát tiền bạc. Nhưng cho đến lúc bác chết, gần như bác chưa một lần biết đi xem hát là gì, mặc dù bác hay vui vẻ giúp mua vé từ thiện cúng cho quỹ này quỹ nọ.
Hình dáng bác Quảng Phong lại làm tôi liên tưởng đến bác Ba Lựu, có phòng ngủ “Trường Xuân”. Bác Ba Lựu thấp một khúc như Yến Anh Thừa tướng. Ba tôi mỗi lần qua nhà bác mua bia Bông Hường. Để tránh chữ “bia lùn”. Ba tôi nói: Ông Ba ơi, bán cho tui một chai bia “không cao”! Thế là khiến cho bác Ba Lựu giận đến tím mặt, cho là ba tôi nói xỏ. Phòng ngủ Trường Xuân về sau, bán làm tư thất cho ông chủ “Lạc Thành”, chủ nhân một tiệm ăn lớn ở Cửa Thượng Tứ. Quán Lạc Thành nổi tiếng với những món Mì Xào Giòn, Y Phù Mỳ Thánh, Xúp Măng Tây Tôm Cua Bột Bán v.v...Anh chị Lạc Thành sinh hạ một bầy con nhiều ngang cỡ ba má tôi, và trạc tuổi tụi tui. Đó là Đàn Định Xứng Thọ Hòa Thuận Bờm Xù v.v...
Cùng “bên kia đường” này, còn có nhà “Phước Thọ Đường” bán thuốc Bắc, có Rô là con trai cỡ tuổi anh Hiệp tôi. Còn nhớ có lần chạy qua đó mua táo tàu, tôi bị má “thằng” Rô sửa lưng vì đã ăn nói thiếu phép tắc. “Thưa, bán cho Má nửa kí lô...” Bà chủ tiệm thuốc Bắc phốp pháp đậm người liền trợn mắt la: “Cô Mộng Hoa là má mi chớ má tau à!”
Nhà “anh” Khả sửa xe đạp, con cái nheo nhóc một lũ. Đặc biệt có hai đứa sinh đôi tên Mai và tên Mót. Mai “đẻ” buổi sáng tưởng hết, té ra sau đó “lòi” thêm một “thị” nữa nên được kêu là Mót. Hai chị em hắn giống nhau y đúc. Lúc chơi Trốn Tìm, Đạp mạng, bạn bè nhiều phen chưởi nhau ỏm tỏi. Vì “đá” con Mai, con Mai không chịu ra, không chịu “chết”.ø Con Mai còn tỉnh khô chạy ra “đá lon” đứa khác. Té ra con bị “đá” hồi nãy là con Mót! Anh Khả nhờ siêng năng làm ăn, rồi cũng dựng vợ gả chồng cho con cái vào nơi tử tế, nhà cửa lần lần khá giả.
Nhà “Bác Thân” sát cạnh nhà anh Kha, chuyên sửa xe gắn máy. Nhà cửa đầy dầu nhớt và tối hù. Thợ thầy ai cũng lấm lem. Bác là người liêm chính, ăn nói khuôn vàng thước ngọc. Biệt tài của bác là mở được tất cả những tủ bị hỏng khóa trong thành phố chỉ bằng một đoạn dây kẽm đơn giản.
Sát vách Nhà Bác Thân là tiệm giày “Bùi Khán”, chuyên trị đóng và sửa giày. Bác chủ tiệm dành một góc cho anh Tứ chuyên sửa đồng hồ và còn thêm một góc khác bán thuốc Bắc và đồ tạp hóa lẻ tẻ. Bác làm việc thâu đêm, nếu chợt thức giấc nửa khuya, tôi vẫn còn nghe tiếng đóng giày lóc cóc vẳng trong đêm sâu thanh vắng.
Ngay cạnh tư thất Lạc Thành, là “clinic” Bác sĩ Quyến. Bệnh viện tư, dành cho những con bệnh nan y ở xa, cần sự theo dõi của vị “Biển Thước” tái sanh này. Tôi nhớ nhà bệnh rất đông khách và bên ngoài sao có vẻ thiếu vệ sinh.
Giăng hàng bán quà vặt ở đàng trước đó là những gánh quà sáng bình dân. Có O Bưởi bán bún bò gánh từ An Cựu sang. Tô bún bò “cóm” ba đồng bạc vẫn hấp dẫn vì có đầy đủ giò, gân, huyết, nóng hổi ngon lành. Đến thím bán bún khô, ưa bán bún tươi ăn với tương ớt đỏ chói và cay đến xé họng. Chỉ cần ăn hai tô, mỗi tô một đồng bạc là mình no đến giấc trưa! Ngoài ra, còn gánh Cơm Hến, gánh Xôi bắp, gánh Cháo hoa gạo đỏ ăn kèm cá bống thệ kho rim màu nâu đỏ như sơn mài...Tha hồ cho bà con xóm Thượng Tứ thay đổi bữa điểm tâm. Món nào cũng rẽ tiền, nhưng chừ ngồi nhớ lại, tôi đều quay quắt thèm đến riệu nước miếng!
Tiếp theo là Nhà Sách Ái Hoa. Sau đổi chủ là người Tàu, tiệm đông khách nhờ có người đẹp Yên Cơ đứng trông coi. Yên Cơ dáng người mỏng mảnh như chuồn chuồn kim. Cô yểu điệu thục nữ, khiến bao chàng trai Huế ở trong kia Nội thành thầm yêu trộm nhớ. Đặc biệt vần vũ lui tới, có nhóm “Phi Cơ Trực Thăng”.
Cho tới nay căn nhà tôi không làm sao quên được là “nhà” mụ Xoài bán nước chè xanh. Gọi là nhà, nhưng thực ra đó chỉ là do hai vách tường xéo, nhỏ hẹp nối tiếp giữa quán billard của anh Nuôi với tiệm ăn Lạc Thành tạo nên. Trên đó gát sơ sài mái tranh dột nát. Anh Nuôi là tên người Y tá giỏi của bác sĩ Quyến. Anh Nuôi chữa bệnh mát tay không kém chi sư phụ. Phía trước “nhà” mụ Xoài bày một cái sạp gỗ tạp ọp ẹp. Ở trên, đặt lỏng chỏng ấm nước chè xanh thơm nồng vị gừng ấm cay, với mấy cái tô sứt miệng. Thêm vài nải chuối sứ cùng chiếc thau nhôm móp mép đựng đầy nước, thả dăm miếng dừa già màu trắng tươi, khi cắn tới nghe ngọt bùi và giòn chon. “Quán” chè xanh của mụ Xoài đắt khách nhờ đám mấy chú xe kéo và xích lô, trong lúc nghỉ chân, đã ghé lại giải khát cho đỡ mệt.
Tôi còn nhớ như in kỷ niệm về mụ Xoài. Đó là năm Huế phát động phong trào Bài Phong Đả Thực và ủng hộ “Triều” cụ Ngô. Học sinh công tư toàn thành phố ngồi đầy nhóc trên những chiếc xe Buýt màu xanh dương hay xe GMC nhà binh. Bọn học trò chúng tôi được chở đi cổ động bỏ phiếu cho chí sĩ Ngô Đình Diệm. “Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì”. Xe lớp lớp chạy lòng vòng khắp mọi xó xỉnh của cố đô. Một đứa lớn họng hét to: “Đả đảo Bảo Đại” hoặc “Ủng hộ Ngô Đình Diệm” rồi cả bầy hăng bò xít hét theo mà đả đảo hay ủng hộ. Tuổi trẻ máu nóng bốc đồng thi nhau la hét đến khan hơi rát cổ. Khi xe chúng tôi chạy đến đường Thượng Tứ. Một bạn la to khẩu hiệu: “Ai bán nước ?” để cả bầy còn lại đồng thanh đáp: “Bảo Đại!”. Tôi thấy mụ Xoài xóm tôi le te chạy tới. Cái cằm móm xọm dài ra hơn khi mụ cười toe toét, trả lời đon đả: “Có đây! Có đây! Có mụ Xoài bán nước đây!”. Rồi một tay cầm cái ấm chè xanh thơm nức mùi gừng tay kia cầm cái tô sâu lòng, cứ thế mụ bưng mời thiên hạ đi biểu tình giải khát hết sức sống động và nhiệt tình! Cuộc đời mụ Xoài thực hom hem như thân xác gầy gò của mụ. Tuy nhiên lúc nào tôi cũng thấy mụ Xoài vui vẻ bận rộn bán buôn. Suốt ngày mụ chạy ngược chạy xuôi, bay lượn qua lại trên con đường Thượng Tứ. Có bửa ế hàng mụ lại ghé vô nhà má tôi. Yêu cầu cô MH mua ủng hộ, hết mớ cùi dừa nhai giòn tan và nải chuối sứ ăn trệu trạo vì đầy hột. Mấy anh em tụi tui vừa ăn vừa phun hột vào nhau hoan hỉ. Còn mụ Xoài thì te tái chạy về “nhà” để lo nấu buổi cơm chiều cho ông lão vô tích sự nhà mụ.
Bên kia đường còn có tiệm Photo của cậu Phi Long tôi. Mợ tôi, một thời nổi tiếng là người đẹp Kim Long, đứng chủ tiệm. Cậu này là anh thứ nhì của má tôi sau ông cậu cả tức cậu Phi Hổ. Ông anh họa sĩ này tính tình rất nghiêm khắc. Cậu Phi Long là họa sĩ chuyên vẽ những tấm áp phích khổng lồ dùng để quảng cáo của Phòng Du Lịch Huế. Cậu bận làm công chức nên hiệu ảnh giao cho mợ tôi phụ trách. Tôi nghe người lớn trong nhà kháo nhau vài mẩu chuyện vui về mợ nhưng không hiểu có thực hay là do ác ý bày đặt. Mợ tôi vốn là cô gái quê mùa ít học nhưng rất xinh đẹp mà má tôi nhân một buổi đi vẽ ngoài trời với mấy ông anh họa sĩ, đã khám phá ra người mẫu tuyệt vời ẩn hiện sau vườn dâu Kim Long. Má tôi sau đó đã đi chạm ngõ cô gái rồi thừa thắng đứng ra hỏi cưới luôn cho người anh tài hoa nhưng hiền lành của mình. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau đó hai anh em, gồm cậu và má tôi đã thay nhau kiên nhẫn vỡ lòng chuyện học hành và kiến thức sơ đẳng cho cô dâu. Mợ tôi đã dần trở nên cô chủ nhân xinh đẹp và bặt thiệp. Thời đó lúc Tây chưa về nước, lính Pháp thích chụp ảnh kỷ niệm đã ghé tới hiệu ảnh mợ Phi Long. Một chàng sĩ quan Pháp sau khi được bà chủ chụp ảnh, đã lịch sự xin phép được hôn người đẹp. Mợ tôi nghe lơ mơ, không hiểu rõ câu tiếng Tây mà vẫn “Oui!” một cái ngon lành, rứa là chàng trai Pháp liền hôn đánh chụt lên gò má ửng hồng của mợ tôi. Mợ tôi ngơ ngác vì ngạc nhiên nhưng lập tức sau đó đã tát tai một cú rờ ve đau điếng tên người Pháp hỗn láo kia!
Về sau nhờ tài quán xuyến của mợ tôi, gia đình cậu tôi đã tậu được căn nhà lầu ba tầng ở đường Trần Hưng Đạo, phía đối diện vườn hoa Nguyễn Hoàng. Và Hiệu ảnh Cửa Thượng Tứ sang tay anh Phi Phước con trai lớn của cậu Phi Hổ với mợ Cả người Quảng, anh Phi Giao là em trai kế anh Phước. Còn mợ Cả Bắc là bà hai sinh ra các chị Phi Hồng, Phi Yến cùng các anh Phi Lộc, Phi Lân. Khi các bà mợ cả, mợ hai không còn nữa, ông họa sĩ còn gân này liền bước thêm bước nữa và “lão bạng sinh châu” ra anh út Phi Ngọc, lúc đó cậu tôi ngót nghét gần 80 mùa xuân! Anh Phi Phước hình như chịu tính di truyền nên cũng đa mang hai bà và có tới 23 mụn Phi, bầy con anh đều lót chữ Phi!
Kế bên có Nhà “Cô Chủ” bán tạp hóa, tôi không nhớ chi nhiều, chỉ nhớ vài lần đã tới quán này để mua cục ô mai chua lét chua lè mút hoài mà không chán. Cạnh đó là Nhà anh Lạc Thiện, em ruột “anh” Lạc Thành. Quán Bánh Khoái “Lạc Thiện” những năm 60 trở đi nổi tiếng số 1 ở Huế. Bánh chiên giòn tan, nhụy tôm tươi với nấm hương ướp thấm thía, rau sống ăn kèm sạch sẽ và đủ loại. Nhất là nước tương chấm bánh thiệt là bách chiến bách thắng, đã ngon lại được chủ nhân yết bảng, “Rau sống và nước tương tha hồ kêu! không tính thêm tiền!”
Sau hết là tiệm may áo dài Mỹ Lệ ở cuối đường Thượng Tứ, gần ngã ba cột đèn. Hai vợ chồng trẻ măng và vui tính nên khách hàng nườm nượp kéo tới nhiều khi họ may không kịp hở tay. Trước đó chị em tôi quen xuống phố Trần Hưng Đạo chỗ thợ may Hùng lừng danh nhất Huế, cắt may không chỗ chê, chỉ phải tội ông chủ vừa là tay thợ chính ít khi hở miệng và mặt mũi thì lầm lì khó chịu!
Đằng trước tiệm Mỹ Lệ thường xuất hiện gánh Bún Bò Giò Heo Mụ Béo, ngon tuyệt cú mèo, tôi e là vô địch của Huế! Gánh bún số dzách này do hai chị em Mụ Béo thay nhau từng buổi gánh đi. Khi thì bà chị mập ú phúc hậu, khi thì bà em cao lớn tươi cười. Họ gánh nhẹ nhàng gánh hàng kĩu kịt nặng trĩu và thơm lừng mùi sả. Khi nào nước lèo cũng trong veo, trên mặt bồng bềnh lớp màu đỏ au đằm thắm và nhất là khi nào cũng nóng hôi hổi, khói bốc lên ngào ngạt suốt dọc hè phố họ ngang qua. In như Mụ Béo nhà ở trong Thành nội nhưng lại ra bán ngoài thành. Bắt đầu ngày từ dưới phố Ngã Giữa, họ đi dần lên phía Cửa Thượng Tứ của tôi. Đố có ai ăn bún của họ mà dám mở lời chê dù là nửa tiếng! Khi có tiền làm hoanh ăn tô đặc biệt 5 đồng với đầy đủ giò tròn hay giò móng với gân bò nhai sừng sực, thấm tận cõi đời mỹ vị. Khi hết tiền chỉ cần mua 1 đồng nước bún có rắc chút hành ngon xanh mướt, nước bún ấy chan húp ăn với cơm vẫn cứ ngất ngây hương vị bún bò như thường!
Điểm xuyết thêm vô những món quà rong, xóm Thượng Tứ còn nổi danh Mụ Hộ bán bún Giấm Nuốt, nhưng không thường xuyên vì chỉ bán khi tới mùa nuốt tươi. Tô bún sợi nhỏ đan quyện màu trắng trong veo của tai nuốt giòn chon thái nhỏ, trộn lẫn với rau xắt rối đủ vị thơm, cay cay chát chát thiệt dễ chịu, và chan vào nước lèo đậm đà. “Ơi cuộc đời răng mà hạnh phúc!” nói như kiểu thi sĩ say mê ẩm thực Tản Đà vẫn chủ xướng. Mụ Hộ khi còn thiếu nữ từng làm mẫu vẽ cho má tôi. Hình ảnh o bán chè ban đêm nơi vỉa hè, duyên dáng má ửng hồng vì phản chiếu ánh đèn dầu hỏa tỏa lên. Ngoài thực tế Mụ Hộ khi đứng tuổi tóc buộc cao trong tấm khăn tím buồn, xách hai tay hai gióng chè bốc hương. Chè đậu ván nước, nước trong ngọt thanh, hạt đậu nấu mềm mà không nát. Chè đậu ván đặc, bột trong sánh lại những hạt đậu óng ánh mới nhìn đã vui mắt. Chè bọc lọc, nhân đậu phụng bùi, nhân dừa béo giòn, khi nhai tới nghe kêu vui tai. Vài buổi, mụ Hộ chịu khó đổi gam qua chè nếp có lẫn khoai môn sáp vàng, hay tăng cường hấp lực với chè bọc lọc bọc thịt quay. Chè nào của o bán chè xóm Thượng Tứ vẫn ngon nhất xứ.
Buổi tối giấc khuya nếu còn thức học thi, mấy đứa tui thường được má tẩm bổ cho tô “phở Trọc”, tên đặt cho chú phở gánh bình dân có cái đầu quả trứng của tài tử lừng danh Yul Bryner. Chú Trọc có tài múa đũa thần sầu. Nấu tô phở khô thiệt lẹ làng, bánh nhiều, thịt loạn, thêm hành giá béo ngậy. Ăn vô là mắt sáng trưng cứ rứa chong ra mà gạo lon tộn chờ ngày “lều chõng” ứng thí.
Tuổi nhỏ ham ăn ham chơi, nhờ thế mới đủ sức lo chuyện tương lai học hành! Cho nên trong mãng ký ức về con đường của xóm nhỏ thời thơ ấu này, tôi hay nghiêng qua chuyện “ăn chơi đàn đúm” dễ thương của mình. Và còn nhiều nữa, nhưng tôi sẽ không quên nhắc tới ở đây là: Sau hai dẫy nhà lầu san sát, với vườn rộng thành cao ở phía đằng trước Cửa Thượng Tứ; còn có những mái tranh nghèo, nơi cư ngụ của những con người thật nghèo. Họ tồn tại nhờ vào đủ loại nghề lao động chân tay đầy khó nhọc. Phần lớn những gia đình này chạy loạn thời Nhật Đảo chánh đến thời Việt Minh cướp chính quyền. Khi hồi cư, họ không trở về thôn xóm cũ. Từ nhiều nơi, đã tụ tập về đây. Sống chen chúc trên rẻo đất mé ao hồ của Hoàng Thành cổ kính. Nhà nào cũng có con gái đi “ở đợ” nhà người ta để bớt tốn cơm gạo cho cha mẹ, đi làm thuê cho thiên hạ. Đàn ông sức vóc lo chạy xe kéo, đạp xích lô.
Tôi nhớ rõ mồn một tên những người này. Anh Bụi cao ròm da xám đen. Một thời oanh liệt, anh ở trong đội đá banh, từng là lính đánh thuê của Tây. Khi tôi lên Trung học phải vào nội trú trường Bà Xơ. Má tôi lâu lâu kêu anh Bụi tới trường đón mấy đứa tụi tui về nhà bằng xe tay, còn gọi là xe kéo. Tôi thấy anh Bụi còn cứng cáp mạnh khỏe. Nhưng tới kỳ xe kéo bị xếp xó, nhường chỗ cho xích lô “văn minh nhân đạo” hơn, thì anh Bụi coi như “về hưu” hết xài. Bị ho hen, người còm nhom, tóc tai rụng hết ngó anh như ông lão. Anh Bụi có hai đứa con, tên thằng Gió, con Mưa. Cả hai đều ốm tong teo, có lẽ vì thiếu ăn.
Anh Con, nhưng người lại to ngang, lính Tây giải ngũ. Anh là cha tụi thằng Trắng, thằng Đen. Mấy đứa con gái anh thì mặt mày tươi tắn dễ coi, tên Giàn, tên Yêng và thằng út tên Phanh. Tên tụi hắn mang toàn bộ niềm mơ ước giản dị của gia đình người phu xe này. Khi tôi gần xong Trung học, thì anh Con dựng được một mái lều bên hông hẻm Thượng Tứ, bán toàn dụng cụ xe đạp, xe xích lô. Lũ con anh, đang đứng phụ cha bán và sửa xe lai rai.
Anh Ấm, chạy xích lô người roi roi mà đẻ cả chục đứa nhóc. Nhà anh coi có vẽ sung túc ở trong xóm Ao Hồ, có lẽ do chịu khó làm ăn chăm chỉ. Anh có đạo Công giáo, siêng năng đi nhà thờ. Vợ chồng anh đều là con đỡ đầu của ba má tôi.
Anh Bòn hiền lành, không “bòn” được mụn con nào. Mụ Bòn đen như Miên, nhưng có duyên ngầm. Mụ có bệnh suyễn nặng tự chữa trị bằng phương pháp tàn nhẫn, vì sát sanh loài vật. Mụ Bòn hay ra nhà tôi để nhận giặt áo quần. Nhiều hôm đang cười nói vui vẻ, tự nhiên đùng đùng lên cơn rồi chớp mắt nổi suyễn. Mụ thở hổn hển trông thật tội nghiệp. Nhưng vừa nghe ai nhắc: tề, trên cột nhà tề! Là Mụ Bòn nhanh nhẹn chỗi ngay dậy, nhảy phắt lên, chụp lấy con thằn lằn. Rồi trong chớp mắt, mụ há miệng to, thả cho con vật còn ngo ngoe chạy tọt vào cái họng đang kêu như lò rèn bễ!

Cửa Thượng Tứ là đó. Tất cả là đó. Ngày xưa còn có hàng cây im mát tỏa bóng hai bên đường. Bây giờ phong quang nhưng tiêu điều trải qua bao mưa nắng. Thời gian trôi đi với cuộc nội chiến gây nên lắm phong trần. Cửa Thượng Tứ vẫn còn đó, ngậm ngùi mà thương “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo...” Ngày xa xưa qua cầu, có bóng ngựa, có bóng cờ xí, bóng tàng lọng quan quân...
Xóm Thượng Tứ còn nhớ chi nưã. Chắc còn nhiều, nhiều lắm. Như nhớ kỷ niệm những cặp trai thanh gái lịch hẹn hò. Lấy “cột đèn Mộng Hoa” là điểm gặp gỡ. Hoặc câu chuyện chàng si trong đêm khuya lắc khuya lơ đi ngang qua đó mà nghe “ Trên lầu ai kia ngất cao, vang tiếng dương cầm thiết tha”, cứ ngỡ rằng đó là tiếng đàn chị em nhà Mộng hay nhập nhòa kế bên của các tiểu thư dòng họ Thanh...Nhưng chàng si đâu có ngờ đôi khi đó là tiếng đàn của phu nhân bác sĩ Quyến!...
Xóm Thượng Tứ còn ghi đậm hình ảnh mùa lụt năm 53, con rắn thần đã dâng mực nước sông Hương tràn ngập cả thành phố Huế. Nước lụt đỏ ngầu lút quá nửa cửa thành Thượng Tứ. Nước vui đùa cuốn phăng theo bao nhiêu rác rến bập bềnh trôi, cùng cột kèo rui mái của căn lều xóm nghèo đàng sau xóm Ao Hồ. Huế làm sao quên được gương hy sinh của một chàng Quốc Học. Anh đã quên cả nguy hiểm và mệt mỏi. Suốt ngày đêm khi cơn lụt kinh hoàng xảy ra, anh đã thức trắng dầm mưa lội lụt, đã cứu vớt bao nhiêu người thoát chết, đưa họ từ dưới chân cửa thành lên tạm trú trên thượng thành an toàn. Cuối cùng vì quá lao nhọc, anh đã sẩy chân chết thảm. Giữa đêm khuya sóng nước sông Hương hung dữ đã dìm xác anh xuống lớp bùn đen tanh hôi nào! Và mùa lụt năm Qúy Tỵ ấy, tôi làm sao quên được hình ảnh cười ra nước mắt của nhạc sĩ Ngô Ganh. Người nghệ sĩ nổi tiếng mỉa mai hài hước, từng một thời là Giám đốc Đài Phát thanh Huế, là bạn thân của gia đình mình. “Chàng” đã rét run cầm cập trên chiếc xuồng nhỏ vừa chống vừa chèo. Từ phía trong thành nội cố tìm ra ngoài thành, đến nhà chúng tôi. Chàng suýt chết đuối vì nước xiết nơi cổng thành. Và kỷ niệm khó quên về mấy anh học trò nhởn nhơ kéo nhau đi lội lụt. Có anh vô tới cửa thành rồi vẫn còn ham ngoái lui nhìn người đẹp thấp thoáng sau lớp rèm hồng; khiến cho nước lụt kéo anh hụt chân rơi xuống cống, suýt đi đời, mà cả bọn còn vui vẻ cười ngắc nga ngắc ngoẻo trong làn nước lũ xoáy lôi tưng bừng...
Xóm Thượng Tứ xa xưa vẫn còn đó, sẽ còn mải mải với thời gian cho “người đi nhớ kẻ về”. Và muôn ngàn sau, Huế vẫn còn thì chắc chắn Cửa Thượng Tứ vẫn tồn tại để điểm tô cho danh lam thắng cảnh Cố đô thơ mộng mãi hoài mộng mơ...


Chiều gởi lại sóng muôn trùng vỡ nắng
Mộng trùng khơi đã xếp lại bao giờ
Đã ở tuổi tất cả là huyễn mộng
Giờ như thuyền chôn trên bãi bơ vơ
Mây đã tan vội bay về một cõi
Gió đi rồi không lối thổi về đâu
Đêm tang thương mưa nắng rụng trên đầu
Ngày cúi mặt nhận tủi hờn chất ngất
Chiều bỏ lại những phút giây đã mất
Những âm ba vang mãi ở trong lòng
Giữa vô tận còn nỗi đau trú ngụ
Tên quên rồi ta hỏi tuổi còn không?
Trên đồi cũ lá thu vàng thổn thức
Tiếc cành cây chưa héo đã vội lìa
Giữa tịch lặng hơi thở còn một nửa
Một nửa này dành nhớ buổi hôm kia
Chiều cuốn mất ánh trăng nào rất cũ
Trời bao dung mà đất quá hẹp hòi
Ta đứng giữa trần gian không áo mũ
Khêu ngọn đèn cho thiên hạ săm soi
Muốn cởi áo ở trần chơi giữa chợ
Rao chút danh bán nốt chẳng mang về
Chiều đã tới và ta không còn nợ
Rũ hết đời ta kiếm nẻo hồi quê
27.8.2018
DODUYNGOC


Mùa Vu Lan, mùa chay, mùa báo hiếu, mùa xá tội vong nhân. Trong Phật giáo nguyên thuỷ không có lễ này. Vu Lan là sản phẩm của Phật giáo Trung Hoa, là phái Bắc tông (Đại Thừa). Suy cho cùng về mặt nguồn gốc thì xuất xứ của Lễ Vu Lan gần với đạo Lão hơn là Đạo Phật.
Và trong tháng bảy này, các đạo hữu, tín đồ Phật giáo siêng năng đi chùa, tụng kinh, niệm Phật. Và trong làn sóng người đông đảo đó, tui bắt gặp rất nhiều người rất cung kính, rất siêng tụng niệm, lúc nào cũng nhắc nhở người khác giữ đạo hạnh, dạy dỗ đạo đức mà thật ra chẳng hiểu gì về tôn giáo mình đang theo, chẳng biết gì về Đức Phật, cũng chẳng ý thức gì về những hành động mình làm ở trong các buổi lễ cũng như ở khuôn viên chùa. Họ như những con vẹt, như máy hát bấm nút là tụng, có lệnh thì quỳ, có chuông thì lạy. Tuy thế họ rất cuồng tín và cực đoan. Họ hay mua chim về phóng sinh, mua cá về thả và cho đó là đang làm việc Đạo. Họ quỳ lạy, họ xá nhau, họ tụng niệm, họ làm từ thiện... Họ A Di Đà Phật như máy. Nhưng họ chẳng hiểu gì những hành động họ đang làm, những gì họ đang tụng.
Trong Đạo Phật, khi ta cúi Lạy, nghiêng mình xuống là ta đang buông bỏ cái ngã của mình, buông bỏ cái tôi ngạo mạn để ta nhẫn nhịn, để ta tập buông xả. Do đó, khi cúi Lạy, ta không chỉ cúi lạy Đức Phật trên kia mà ta còn cúi Lạy chính ta để rèn chữ nhẫn, để tự sám hối những lỗi lầm.
Khi ta Niệm, ta có thể lần tràng hạt, ta có thể đếm số lần niệm để khỏi lầm lẫn. Nhưng thực chất là để tập thân tâm thanh tịnh, trí tuệ tập trung, không bị chi phối những tà niệm. Do vậy, khi Niệm không nên liếc ngang liếc dọc, không có cử chỉ chi khác ngoài việc tập trung cao độ.
Khi ta chắp tay Xá, cái Xá ấy không chỉ là để chào hỏi nhau mà còn là để thể hiện thái độ trân trọng, cung kính người đang đối diện với ta. Xá là một thái độ văn hoá, mà ở đây là văn hoá của người tu học, cho nên trong cái Xá phải chứa đựng sự thành tâm đầy tôn kính.
Người tu học cũng như người theo Đạo, phải luôn hoan hỷ. Hỷ ở đây là khuôn mặt phải tươi vui, khoan hoà. Không chỉ là sự vui tươi ở khuôn mặt mà còn là sự thanh thản, thư thái của tâm hồn. Chính sự hoan hỷ đó truyền cho mọi người sự lạc quan, an nhiên và an lạc. Thế là không những Hỷ cho chính ta niềm vui mà còn truyền niềm vui cho tha nhân.
Tu trong Đạo Phật không chỉ là để giác ngộ, không phải chỉ để bỏ tham ái, để lánh xa được tham, sân, si mà còn là để cho con người không còn ích kỷ, biết quan tâm đến người khác, biết xem mọi người cũng như bản thân mình. Tu không phải để cho riêng mình mà còn dẫn đường cho nhiều người khác. Tu đề sống nhân ái hơn, khoan hoà hơn. Là mở lòng ra để không còn vô cảm trước con người và cuộc sống.
Đạo Phật còn có chữ Thí. Thí không phải là bố thí mà là sự sẻ chia. Thí cũng không phải là từ bỏ tất cả mà còn là giữ lại để chia sớt, để từ bi với chúng sanh. Có người cứ làm từ thiện với thái độ của người dư giả, giàu có bố thí cho người nghèo, hoạn nạn. Nghĩ chữ Thí như thế là sai. Làm từ thiện chỉ là sự chia sẻ, không mưu cầu ghi ơn, báo đáp. Chẳng cần phải lưu danh, ca ngợi. Đó mới đúng nghĩa của chữ Thí của Phật giáo.
Học Phật là tìm con đường để giác ngộ, tích luỹ tri thức, hiểu được Phật pháp. Con đường đó phải do chính mình tìm thấy. Phật dạy : "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi". Học Phật còn là để thực hành cái vô ngã. Tu Phật, học Phật mà còn mang trong mình cái bản ngã quá lớn, không quên được cái tôi thì chỉ là một lối giả tu, một kẻ tu giả. Loại này bây giờ đầy dẫy trong các chùa.
26.8.2018
DODUYNGOC


Sáng nay thằng bạn lâu rồi không gặp kêu ra cà phê gặp cho được, bảo có chuyện quan trọng. Đến nơi, thấy mặt hắn như bánh bao chiều, ủ dột, hốc hác. Hỏi sao thế. Nó bảo vợ chồng nó ly dị rồi. Toà xử xong rồi, chỉ chờ lấy giấy xác nhận nữa là xong.. Tui hỏi sao lại đến nước này. Hai người sống với nhau hoà thuận lắm mà. Hắn thở dài, mặt chảy như mặt ngựa.
Hắn nhỏ hơn tui một giáp, nhưng là bạn lâu ngày nên chẳng để ý tuổi tác. Hắn làm cán bộ Sở Văn hoá, chức vụ chẳng có chi. Hắn là thằng hiền lành đến độ ngu ngơ, ai nói gì cũng tin, già mà ngây thơ. Vợ hắn nhỏ hơn hắn năm ba tuổi gì đấy, người miền ngoài, vào Nam sau 75, cũng có chút nhan sắc dù chẳng có chi nổi trội ngoài cái miệng lanh lẹ và hoà đồng vui vẻ với bạn của chồng nẻn mọi người ai cũng quý. Vợ hắn làm công chức bên toà án. Hai vợ chồng đều là cán bộ công nhân viên nên trưa ai ăn ở cơ quan của mình, chiều về mới ăn chung buổi tối. Hai vợ chồng có cô con gái, học giỏi, vừa đi du học Anh năm trước. Nhìn chung là một gia đình tương đối hạnh phúc ấm êm, sao lại đưa đến chuyện ly hôn thế này?
Hắn rủ tui vào quán bia Huy béo Hà Nội ở đường Nam Kỳ Khởi nghĩa. Tui chẳng biết uống bia nhưng thấy hắn muốn tâm sự nên cũng gọi một chai ngồi uống với hắn. Hắn gọi thức ăn đầy bàn. Vô hai chai thì hắn bắt đầu kể. Hoá ra vợ hắn ngoại tình, dính với thằng phó phòng ở chính cơ quan vợ hắn. Cha này cũng đang sống đàng hoàng với vợ con. Chắc cặp với vợ hắn để kiếm của lạ cho vui thôi. Cả hai quan hệ với nhau cả mấy năm rồi, hắn thì mới phát hiện mấy tháng nay. Bởi hắn vốn hiền lành và tin tưởng vợ nên chẳng bao giờ nghĩ vợ hắn có thể ngoại tình. Con vợ hắn thì do quan hệ bất chính và thằng tình nhân cũng đang sống bình thường với vợ nên cũng giữ gìn, che mắt thiên hạ rất khéo. Nhưng rồi cũng vì cái tôi tham vặt mà lộ hết chuyện. Hắn bảo gần hai năm nay, vợ hắn thường mang kem đánh răng, xà phòng, khăn tắm, bàn chải...về dùng. Mà toàn là đồ thường thấy được trang bị trong các khách sạn. Lúc đầu hắn cũng chẳng để ý, nhưng lâu dần bỗng dưng hắn đặt câu hỏi: vợ hắn làm gì mà tòan xài vật dụng của khách sạn. Quan tâm chút nữa thì hắn phát hiện thêm là toàn đồ dùng của khách sạn Kim Sơn với Kim Hoà, hai cái khách sạn gần cơ quan của vợ hắn. Thế là hắn theo dõi và bắt gặp tận mắt tại trận vợ hắn vào khách sạn với tình nhân vào những buổi trưa trong giờ nghỉ. Hắn cũng chẳng làm gì ầm ĩ, lẳng lặng ra về.
Vợ hắn không còn đường để chối cãi, đành ký giấy ly hôn. Hắn bảo: ĐM cái thứ đàn bà, đã ngoại tình mà còn tham. Hôm nào vào khách sạn cũng vét hết kem đánh răng, xà phòng tắm, xà phòng gội, giấy chùi đít, lược, khăn đem về nhà xài. Vì mấy cái thứ đó tui mới biết chúng nó vào khách sạn, chứ làm sao mà tui biết được. Con mẹ đó ăn vụng chùi mép giỏi lắm nhưng vì cái tham vặt của đàn bà mà lộ mặt. Thôi thì cũng may, nhưng tui buồn là bị cắm sừng mà chẳng hay, nó ngoại tình mấy năm mà chẳng biết. Tui tin hắn nên có bao nhiêu của cải đều đưa nó nắm giữ, tui có biết chi đâu. Ra toà nó bảo tài sản chẳng có gì ngoài căn nhà hồi đó nhà nước cấp và hoá giá. Tui cũng ngọng chứ biết cái chi mà nói. Thế là chia đôi căn nhà, nó ở một phòng, tui một phòng, ra vô lâu lâu đụng mặt nhau, bực mình muốn chết. Phòng vệ sinh, phòng tắm dùng chung. Đôi khi tui cũng thấy nó vẫn xài chùa mấy món đồ của khách sạn, con mẹ đó tham và bần thật.
Chuyện của người ta, mà lại giải quyết xong cả rồi nên tui chỉ lắng nghe mà chẳng có ý kiến gì. Chỉ thấy làm quái lạ sao lại có người ham hố gì tới độ đi ngủ với tình nhân mà lại mang đồ khách sạn về xài chung với chồng. Chẳng khác gì lạy ông tui ở bụi này. Mà anh chồng suốt gần hai năm mới nghĩ ra là mình đang xài đồ khách sạn do vợ ngoại tình mà có. Nghĩ cũng lạ thật. Đúng là đàn bà nhiều khi không hiểu nổi.


Nói thiệt tình thì tui không rành về kinh tế, nhất là cái học thuyết Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một thứ lý thuyết ông chằng bà chuộc mà tui nghĩ ngay những kẻ sáng tạo ra nó cũng chẳng chính danh được. Nhưng cái vụ rửa tiền của những tay tài phiệt Việt Nam thì tui biết một số chuyện. Và hình như chuyện rửa tiền cũng nằm trong cái vòng luẩn quẩn của Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải.
Tui có một anh bạn có cái nhà lớn ở Phú Mỹ Hưng rao bán để đi định cư. Kêu giá 29 tỷ đồng. Sáu tháng trôi qua mà không bán được, người mua chỉ trả đến 26 tỷ rồi ngưng. Một buổi sáng đẹp trời anh ta dẫn chó đi ỉa, vừa mở cổng thì có một chiếc xe hơi rất sang trờ tới. Một anh chàng trung niên ăn bận rất thời trang và sang trọng, tay xách cặp da bước xuống cất tiếng chào với giọng miền ngoài. Thằng bạn tui có tánh rất lạ là rất kỳ thị với dân miền ngoài, nên không muốn chào lại. Người khách muốn mua nhà. Thằng bạn tui đang khó chịu với giọng nói, lại mới sáng sớm nên định từ chối. Nhưng không hiểu sao hôm đó bà nhập sao đó mà hắn lại mở cửa mời vào. Xem nhà, xem giấy tờ xong, khách hỏi giá. Thằng bạn tui nghĩ nói cho bỏ ghét nên bảo giá là 32 tỷ. Khách hỏi có bớt không, hắn bảo không. Và khách đồng ý mua 32 tỷ. Một thương vụ nhanh chóng đến không ngờ, chỉ diễn ra vỏn vẹn 30 phút. Đặt cọc chục tỷ và chỉ nhận một tờ giấy xác nhận thằng bạn tui có nhận cọc thuận tình bán nhà. Đơn giản như uống ly nước mía. Hắn kể cho tui nghe mà cứ chắc lưỡi: ĐM, chúng nó giàu thật, giao tiền đô mới cứng còn thứ tự sê ri với dây buộc của ngân hàng. Giấy tờ nhờ luật sư nên chỉ 10 ngày là xong, giao ngay nhà. Sáu tháng sau, chủ mới bán lại 26 tỷ rưỡi. Ai biết chuyện cũng bảo thằng này điên. Nhưng người rành chuyện thì bảo thằng này khôn, rửa được hơn cả triệu đô la từ tiền không nguồn gốc thành tiền sạch, đem ra nước ngoài ung dung sử dụng.
Vừa rồi lại nghe một thằng em báo một căn nhà ở đường LCT trước đây là quán cơm tấm, diện tích không bao nhiêu, cũng chẳng nằm trong khu đất vàng lại bán được đến 85 tỷ đồng, ghê thật. Người mua cũng là dân miền ngoài. Tiền mà nghe như giấy.
Đi trên phố, chúng ta sẽ thấy có nhiều cửa hàng rất sang trọng và hoành tráng, nhưng hình như chẳng bao giờ có khách. Thế mà cửa hàng vẫn tồn tại tháng này qua năm khác, vẫn có doanh số hàng chục tỷ, vẫn đóng thuế đầy đủ. Nói đến đây thì ta đã hiểu họ mở cửa hàng để làm gì rồi.
Một chuyện nữa tui nghe một thằng bạn kể trong một bữa cà phê rỗi chuyện. Hắn bảo ông chú hắn là một cán bộ lãnh đạo cấp trung ương, vừa rồi con gái ổng trúng XỔ SỐ ĐIỆN TOÁN VIETLOTT 41 tỷ. Qua tháng sau em gái ổng cũng trúng số loại này giải 39 tỷ. Con gái ông ta ở miền Bắc. Em gái ông ở miền Nam. Tui buột miệng: Sao gia đình này hên thế. Chắc tu mấy đời nên giờ được phước. Hắn cười khẩy: Hên con mẹ gì, mua giải để rửa tiền đó mày ơi. Tui chẳng tin, bởi nghe nói loại xổ số này nhà nước với một tay tài phiệt nước ngoài nào đó liên doanh, dễ gì mua chuộc. Nhưng nghĩ lại, đời này có chuyện gì mà không xảy ra, nhất là ở xứ này, có tiền thì muốn gì cũng xong. Hèn gì ở Việt Nam tuần nào cũng có người trúng, khác hẳn xứ người ta năm thì mười hoạ mới có người trúng số. Nghe kể thế thôi, thật giả tui không dám chắc.
Lại nghe, có một đường dây chuyển tiền và hợp pháp hoá đồng tiền ở Việt Nam với quy mô lớn liên quan đến nhiều quan chức và tài phiệt nước ngoài. Nghe tin vỉa hè thế thôi, chứ loại người như tui trong túi có chưa đầy trăm đô la thì sức mấy mà bén mảng vô đó. Hê...hê
Tại đọc báo thấy nhà nước đang muốn huy động tiền trong dân nên mới nhớ mấy vụ này. Đất nước nghèo, dân tình khổ mà các ông tai to mặt lớn cứ chơi kiểu rửa tiền chuyển đi hết kiểu này thì chỉ có nước mạt, ngóc đầu không nổi. Nhà nước có biện pháp đánh tham nhũng hữu hiệu và quyết tâm thì còn chút hi vọng, chứ cứ như hiện nay thì thua là cái chắc.



TO THẾ MÀ LẠI RỈ!

Có một cặp trai gái kia nhà chung vách, yêu nhau tha thiết nhưng vì bà mẹ cô gái cấm đoán dữ quá nên đành phải quan hệ lén lút. Cuối cùng, chàng trai cũng nghĩ ra một cách tuyệt vời đó là đục một lỗ tròn ở trên tường và đưa hàng qua… Chỗ đục lỗ vào ngay nhà bếp của cô gái.
Vì vậy cô gái rất chăm nấu nướng, mỗi lần cô đi nấu nướng là họ lại ACB ACB… Đi đêm có ngày gặp ma, một lần đang XXX thì bà mẹ cô gái xuống bếp, sợ quá, cô gái kéo váy xuống rồi dzông tuốt mà không kịp báo cho người yêu. Anh chàng vẫn thẳng đơ, không biết gì…
Bà mẹ cô gái nấu nướng một hồi thì tìm chỗ để treo cái chảo nóng lên, tìm mãi bà mới thấy một cây định ở trên tường. Bà vừa treo chiếc chảo lên thì một tiếng la thảm thiết, cây đinh biến mất và cái chảo rớt cái coong.
Chẳng hiểu mô tê gì, bà lẩm bẩm: “Quái, cây đinh to thế mà lại rỉ nhỉ???”

SỢ CÁI CON C.....

Ngày xửa ngày xưa, có một con hổ đi kiếm mồi. Nó đến nhà một đôi vơ chồng trẻ nọ đúng vào lúc họ đang ân ái với nhau. Hổ ta tò mò nấp ở ngoài nghe ngóng xem họ nói chuyện gì, rồi mới tính chuyện vào ăn thịt.
Trong lúc ái ân, để thử lòng dũng cảm cũng như say đắm của chồng, vợ hỏi chồng :
- Nếu bây giờ có một con hổ vào đây thì mình có sợ không?
Anh chồng đang lúc đam mê nói :
- Sợ cái con C......
Chồng lại hỏi vợ :
- Thế mình có sợ hổ nó vào đây không?
Chị vợ cũng đang say đắm nên quên hết mọi thứ trên đời, kể cả hổ, chị ta đáp :
- C....còn chả sợ nữa là hổ.
Hổ ta nghe thấy rất là ngạc nhiên. Nó tự nhủ : Con C…là con gì mà gớm ghiếc hơn cả mình? Nó định bụng sẽ vẫn vào ăn thịt đôi vợ chồng nọ, những rồi lại chần chừ không dám vào, và cuối cùng nó quyết định bỏ đi để tìm hiểu xem đó là con gì. Trên đường đi nó gặp một bà già. Bà già nhìn thấy hổ thì sợ hãi vô cùng, toan bỏ chạy nhưng cuống qua ngã lăn quay. Hổ đi đến và nói :
- Bà đừng sợ. Tôi sẽ không ăn thịt bà nếu bà nói cho tôi biết con C........là con gì mà nó đáng sợ hơn cả tôi thế? Bà già nhanh trí hiểu ra vấn đề, liền trả lời :
- Ối trời ơi, ông ấy ghớm ghiếc lắm, đáng sợ hơn ông nhiều.
Rồi bà vén váy lên, chỉ vào cái ấy của mình và nói tiếp :
- Đây ông xem, ông ấy cắn tôi cách đây 30 năm mà đến nay vết cắn vẫn chưa lành Hồ nhìn vào “vết cắn” thấy quả là đáng sợ. Nó vô cùng kinh hãi và lập tức phóng thật nhanh vào rừng. Thế là con C…đã cứu sống được 3 mạng người.

XƯNG HÔ CHO ĐÚNG CÁCH.

Trong một quán thịt chó cuối tháng, một ông khách sành ăn phàn nàn với chủ quán:
- Này ông chủ, con chó này thế nào mà vừa già vừa cứng, ăn gãy cả răng!
Chủ quán quay ra mắng:
- Anh kia, ăn nói phải có lễ phép một chút chứ, không được hỗn!
Ông khách rất bực mình, bèn vặc lại: - Ông bảo ai hỗn? Mọi người xem tôi nói có sai không nào?
Lúc này, chủ quán mới lên tiếng:
- Anh phải gọi là “cụ chó” chứ!

LẦM

Thiếu phụ đang làm cơm trong bếp. Có tiếng gõ cửa. Bà bỏ dở việc bếp núc chạy ra.
Một người đàn ông gật đầu chào lễ phép rồi hỏi:
- Thưa bà, bà có nghĩ rằng bà có một thân hình rất đẹp và khiêu gợi hay không?
Bị hỏi một câu quá bất ngờ, người đàn bà sững sờ trong giây lát. Khi đã bình tĩnh trở lại bà liền đóng sập cửa lại không thèm trả lời. Chiều hôm sau lại có tiếng gõ cửa. Vẫn người đàn ông hôm trước, vẫn câu hỏi cũ. Thiếu phụ lại trả lời bằng thái độ lặng thinh. Câu chuyện đó diễn ra suốt một tuần lễ liền. Người đàn bà không chịu nổi nữa bèn kể đầu đuôi với chồng để tìm cách đối phó. Người chồng hôm sau bèn nấp sau cánh cửa khi nghe tiếng gõ cửa. Người vợ mở cửa:
- Chào bà, bà có nghĩ rằng bà có một thân hình rất đẹp và khiêu gợi hay không?
Yên chí có chồng đứng sau cánh cửa, người đàn bà trả lời mạnh bạo:
- Đúng, như vậy thì có sao không?
- Thưa, nếu vậy xin bà nói với ông nhà là hãy dùng đồ nhà chứ đừng sang ve vãn vợ tôi nữa.
Hê...hê

CHUYỆN VỀ THÁM TỬ SHERLOCK HOLMES

Sherlock Holmes và bác sĩ Watson đi cắm trại. Hai người nằm ngủ cạnh nhau. Gần sáng, Holmes lay bạn dậy và hỏi:
- Watson, nhìn xem, anh thấy cái gì?
- Tôi thấy rất nhiều sao.
- Vậy theo anh, điều này có nghĩa là gì?
- Nghĩa là chúng ta sẽ có một ngày đẹp trời. Còn anh?
- Theo tôi, điều này có nghĩa là ai đó đã đánh cắp cái lều của chúng ta.

CON VẸT MẤT DẠY

Mary hay đi ngang qua một tiệm bán thú nuôi. Có một con vẹt trong tiệm thấy Mary, nó ré lên:
- Ê, cô kia!
Mary quay lại hỏi:
- Gì?
- Cô xấu hoắc!
Mary rất tức giận. Hôm sau, cô đi ngang, con vẹt lại ré lên:
- Ê, cô kia. Cô xấu hoắc!
Mary tức giận lắm. Chuyện này lặp lại đến lần thứ ba thì Mary không chịu nổi. Cô vào tiệm và nói với chủ tiệm: Con vẹt này xúc phạm tôi. nếu ông không dạy dỗ nó đàng hoàng, tôi sẽ kiện!
Hôm sau, Mary đi ngang qua, con vẹt vẫn ré lên:
- Ê, cô kia!
Mary quay lại, thách thức:
- Gì?
Con vẹt cười nham nhở:
- Cô biết rồi còn hỏi!

ĐỂ Ở ĐÂU?

Một phụ nữ, thuộc phe quá khích đòi quyền nam nữ bình đẳng, đã cởi hết quần áo bước vào quán bar và gọi bia ra uống. Sau ly bia thứ ba, cô ta phát hiện người bồi bàn cứ nhìn mình soi mói. Đây là thời cơ tốt để cô này phát biểu chủ đề.
- Nhìn gì mà nhìn, bộ chưa từng thấy sao? Đây đâu phải là chuyện kỳ lạ hay quái dị. Các ông đã có thể không mặc áo nơi công cộng thì phụ nữ cũng có quyền như vậy và còn có thể làm hơn nữa…
Người bồi bàn ngắt lời cô ta:
- Rất tiếc là tôi không quan tâm đến chuyện đó. Tôi chỉ nhìn xem bà để tiền ở chỗ nào để thanh toán cho những ly bia thôi.

Hắn đang đi trên đường. Phố chật. Mùi xăng, mùi người, mùi cống rãnh, mùi rác rưởi, mùi khói xe bay lên nồng nặc. Tất cả quyện lại, hoà lẫn vào nhau thành mùi trần gian. Hắn còn ngửi thấy mùi nắng, khen khét trong không khí. Hắn buồn nôn. Có một cái gì đó cựa quậy trong bao tử, muốn trào ra. Hắn vẫn đang đi. Trên vỉa hè. Bây giờ người ta chạy xe lên luôn ở vỉa hè nên hắn vừa đi vừa né. Đi trên vỉa hè cũng chẳng khác gì đi trên lòng đường. Còn phải tránh những viên gạch vỡ. Nhiều lúc cả đống gạch vỡ. Năm nào người ta cũng lót gạch vỉa hè mới, sao chúng mau vỡ thế? Chẳng bù hồi xưa. Hắn lại nhớ ngày xưa. Hắn tiếc. Giá như cho trở lại ngày xưa, hắn sẽ sống khác bây giờ. Đương nhiên rồi. Bây giờ hắn sống kỳ cục quá. Mà cả xã hội kỳ cục chứ phải mình hắn đâu. Giờ thì không còn chọn lựa. Ừ! Cứ thế mà sống cho đến hết đời. Hắn quẹo qua một ngã tư, mấy hàng cây cụt đầu không còn bóng mát. Người ta đang muốn chặt hết cây cối trong thành phố này. Phố không có cây như người ở truồng, trông nham nhở tợn. Hắn mỉm cười với ý nghĩ này. Và hắn chợt nghĩ giá như bây giờ tất cả mọi người đều trần truồng đi giữa phố nhỉ? Chắc là vui. Ai to ai nhỏ, ai lớn ai bé, ai rậm rạp ai trơn láng đều lồ lộ ra hết. Nhưng mà cả thế gian trần trụi thì lại chẳng có gì đặc biệt, vì ai cũng trụi lủi như nhau. Thế thì chẳng vui, chẳng có chi khác biệt. Hắn đốt một điếu thuốc, rít một hơi thật sâu và rồi hắn muốn đứng lại.
Hắn muốn đứng lại, không muốn đi nữa. Đứng lại hẳn ở vị trí này. Đứng lại không phải vì mệt mỏi, không phải vì chán đi. Mà chỉ vì muốn đứng lại. Thế thôi. Hắn sẽ nhìn từng người đi ngang qua. Hắn sẽ nhìn từng chiếc xe đi ngang qua. Hắn sẽ quan sát người cảnh sát giao thông bên góc ngã tư làm chuyện mà ai cũng ghét nhưng rồi ai cũng tình nguyện làm khi phạm lỗi. Hắn sẽ phân tích thủ thuật bỏ tiền vào túi của anh công an. Anh chàng này nghĩ rằng sẽ không ai thấy, nhưng hắn thấy và thấy rất rõ. Ở cuộc đời này chẳng ai dấu diếm được điều gì, không người này biết thì cũng có kẻ khác thấy he..he. Hắn sẽ đứng đó nhìn qua bên đường để nhìn cô gái khá đẹp mặc cái váy ôm bó sát người để lộ cái mông to. Cái mông gợi tình, cái mông khiêu khích đàn ông và cái mông khiến hắn suy nghĩ về cái nằm sau lớp vải căng cứng đó. Nghĩ đến đó, hắn quay mặt đi, cảm thấy ngượng với ý nghĩ dâm dục của mình. Nếu tưởng tượng thêm chút nửa, phần dưới của hắn sẽ căng cứng. Không được thế. Hắn nhìn vào ông già sửa khoá bên vệ đường. Ông ta


đang dũa chiếc khoá kẹp trong cái ê tô. Ông làm với một vẻ say sưa. Dũa vài đường, ông lại thổi bụi, mở lấy cái chìa khoá, ngắm ngắm, soi soi. Đời hắn chẳng bao giờ say sưa làm việc như ông già ấy. Cả đời hắn làm việc gì cũng hời hợt, chẳng chú tâm. Hắn sống chẳng đam mê, chẳng khát vọng, chẳng ước ao, chẳng mục đích. Sống là sống cho qua ngày, thế thôi. Hắn hờ hững với chung quanh, có thể cho hắn là kẻ ích kỷ, cũng đúng. Vì hắn chẳng quan tâm đến ai và cũng chẳng mong ai quan tâm đến hắn.
Hắn vẫn đứng bên đường. Hắn vẫn chưa muốn đi. Hắn đứng lại không phải vì chân mỏi, cũng chẳng phải chán đi. Chẳng qua hắn muốn đứng lại. Hắn đã nhìn và bây giờ hắn cũng chán nhìn. Đầu hắn giờ trống rỗng, chẳng còn một ý nghĩ. Những thứ cứ như trôi tuột đi.
Đúng lúc ấy thì hắn nghe tiếng xe rú. Tiếng bánh xe siết thắng kéo trên mặt đường một thứ âm thanh ken két. Có tiếng thét, tiếng la ở phía sau. Rồi hắn thấy có bóng một chiếc xe lướt nhanh qua trước mặt hắn. Đằng sau một đám người rú xe đuổi theo. Rồi bỗng dưng có một vật gì ném về phía hắn. Hắn chụp lấy theo bản năng và ôm vào lòng theo quán tính. Chưa kịp xem đó là vật gì thì hắn thấy cổ áo hắn bị tóm lấy, siết mạnh. Có một cái chân ai đó gạt mạnh vào chân hắn, hắn té chúi nhủi. Vật hắn đang ôm văng ra. Cái kiếng cận thị cũng văng ra. Hắn bỗng thấy cảnh vật lờ mờ. Có ai đó quặt hai tay hắn vào sau lưng. Đau điếng. Mặt hắn gục xuống hè phố, hắn thấy có cát trong miệng. Lại có cánh tay ai đè đầu hắn xuống. Hăn muốn hét mà cổ họng đông cứng. Hắn muốn ngẩng đầu lên để xem chuyện gì đang xảy ra mà không ngóc đầu lên được. Có tiếng người xôn xao: Thằng này là đồng bọn của bọn cướp mà không kịp thoát. Lại có người cao giọng hét lên từ bên kia đường: Đồ ăn cướp, đánh chết nó đi. Hắn vùng vẫy, càng vùng vẫy hắn có cảm giác tê buốt cánh tay, đầu như muốn vỡ tung và thân người như ai bóp vặn. Hắn hiểu mang máng là người ta cho hắn là thằng ăn cướp vì hắn đang cầm tang vật vụ cướp trong tay. Hết đường chối cãi.
Hắn đang ở trong đồn công an, tay bị trói quặt ra sau bằng chiếc áo sơ mi của hắn. Chiếc áo vừa thay hồi sáng để đi dự lễ khai giảng. Hắn ở trần, những chiếc xương nhô ra, xương ở hai hốc vai giương lên nhìn thảm hại. Trên người hắn có mấy vết bầm.
Một người mặc sắc phục công an bảo hắn:
- Có giấy tờ tùy thân không?
- Trong túi quần
- Lấy ra xem
- Tay tôi bị trói thế này thì làm sao tự lấy được. Các anh cứ lầy mà xem
Anh chàng công an cười hô hố:
- À quên, tay mày bị trói thì làm sao lấy ha..ha
Chiếc ví được lấy ra, y rút ra những giấy tờ của hắn. Đầu tiên là cái chứng minh cong queo, hắn chợt nhớ cái giấy này đã hết hạn cả năm rồi, hắn định làm mà lần lữa mãi. Anh chàng công an nhìn vào tấm ảnh trong giấy, rồi ngước nhìn hắn, gật gật.
Anh ta rút tiếp một thẻ nữa, và đọc rồi hất hàm:
- Giảng viên đại học lại đi ăn cướp, hay đấy. Phải báo cho bọn nhà báo mới được.
- Tôi chẳng ăn cướp. Tôi chỉ là kẻ đứng bên đường
Anh ta trợn mắt:
- Không ăn cướp mà đứng đó cả gần tiếng đồng hồ để chờ đồng bọn.
- Tôi chẳng có đồng bọn nào cả, chẳng qua là tình cờ thôi
- Người dân ở đấy nói với chúng tôi là anh đứng đó lâu lắm, mắt thì láo liên chẳng khác chi kẻ cắp. Anh chối sao được. Camera ở đó cũng có hình ảnh của anh.
Hắn có suy nghĩ là tay này khi biết hắn là giảng viên đại học thì có vẻ bớt căng thẳng và tôn trọng hắn chút chút vì đã xưng hắn bằng anh thay vì mày như lúc đầu. Giọng hắn mạnh và cương quyết hơn:
- Các anh nghĩ sai rồi. Tôi là giáo viên, tôi vừa đi dự lễ khai giảng từ trường về. Tôi làm sao là kẻ cướp được. Các anh phải biết suy nghĩ chứ. Tôi sẽ kiện các anh đấy.
- Ha...ha kiện à? Xin lỗi anh nhé. Giáo viên là cái đéo gì mà không thể là kẻ cướp. Thầy gíao thời nay là ở thu nhập ở tầng cuối của xã hội đấy hê...hê. Bây giờ xã hội này ai cũng có thể là quân ăn cướp cả. Kể cả giáo viên.
Hăn vươn tới, gào lên:
- Anh nói đúng, ngay những người quyền cao chức trọng cao quý hơn cái nghề giáo viên của tôi cũng là kẻ cướp đấy. Cuộc đời này bây giờ toàn kẻ cướp, nhưng phải chừa tôi ra, biết không? Phải chừa tôi ra.
Hắn gục đầu, cảm thấy nhục và tức tối. Tự nhiên bị cái chuyện thị phi oan ức mà không cãi được. Hắn thèm một điếu thuốc. Hắn tiếc cái mắt kiếng bị bể một tròng. Hắn giận mình sao lại đứng đó làm chi.
Tay công an bỏ đi bàn bạc với ai đó. Hắn nghiêng đầu trên mặt bàn. Có giọt nước mắt chảy xuống. Hắn uất. Tình ngay lý gian. Hắn lơ mơ chẳng biết bao lâu thì anh chàng công an trở lại. Y đi vòng sau ghế, cởi trói cho hắn.
- Thôi thì xem như bỏ qua cho anh. Chúng tôi xét thấy hình như anh chẳng liên quan với đám cướp
- Các anh bắt lầm người thì phải xin lỗi tôi chứ đâu phải muốn bắt thì bắt, muốn tha thì tha. Luật pháp ở đâu mà kỳ lạ thế.
Tay công an đâp mạnh tay lèn bàn, dí sát đầu gần mặt hắn, cười khẩy:
- Thế bây giờ anh muốn gì? Muốn về hay muốn ở nhà giam. Đây chẳng hề biết xin lỗi ai. Luật là ở trong tay chúng tôi, nhớ lấy điều đó.
Rồi y ném cho hắn chiếc áo. Chiếc áo nhăn nhúm. Hắn mặc vào và đi ra cửa sau khi nhận lại chiếc ví.
Ra đến cửa, tay công an níu tay hắn lại hỏi:
- Nè anh, tui cứ thắc mắc là anh không dính dáng chi bọn cướp, thế sao anh lại đứng cả giờ đồng hồ ở đấy nhìn qua nhìn lại làm gì? Sao anh không đi? Anh có bị tưng không vậy?
- ANH KHÔNG HIỂU ĐƯỢC ĐÂU? CHỈ VÌ TÔI MUỐN ĐỨNG LẠI.
Tháng 3.2017
DODUYNGOC


Trời xanh xanh và nắng trong veo
Những cặp mông ưỡn ẹo
Những câu thơ cong queo khó hiểu
Quán chật trong phố vắng
Mùi thuốc tẩu thơm như bánh biscuit
Khói bay như cánh bướm
Tiếng ai cười như ly vỡ
Ngày mồng một hai ngàn mười sáu
Thời gian đi quá mau
Ta đứng lại
Cơn đau bụng quằn quại
Cô gái đẹp đi ngang quay đầu ái ngại
Bình hoa vàng chói trên bàn gỗ nâu
Sự chờ đợi đã lên màu
Nhớ thảm thiết.
Ôi màu vàng hoa hướng dương tranh Van Gogh
Chúng ta chỉ là lũ ngốc
Nhìn lịch sử trôi đi trong đáy cốc
Lịch sử kín bưng đêm đen
Lãnh tụ sợ dân hơn sợ kẻ thù
Mother fuck
Đốt lại tẩu thuốc
Ừ.
Mười một giờ ba mươi ngày một hai ngàn mười sáu
Đồng hồ thêm tiếng gõ
Chột dạ với đám người
Khạc ra những câu thơ bí hiểm và tự xưng là thi thánh
Chỉ là giòi bọ chờ thành ruồi
Lại tưởng mình vĩ đại
Lại nhớ con ruồi của gã tiến sĩ dỏm
Thời đại gì kỳ cục
Toàn lũ dở hơi xưng là tay chơi
Toàn mưa không ướt đất
Mười hai giờ ngày một hai ngàn mười sáu
Rầu như xác ve
Băng qua đường trốn nắng
Tự nhiên toát mồ hôi miệng đắng
Thấy sợ tuổi già
Mới được tin anh hai hộc máu đang cấp cứu ở nhà thương
Thấy dáng mình trong gương
Quặt quẹo và dị hợm râu ria tóc bết
Rồi tất cả cũng đi về cái chết
Chỉ có loài người mới ý thức được sinh ra để chết
Rồi hết
Có con cá nhà táng há miệng đầy răng nhọn
Cắn vào túi quần
Chuông điện thoại reo
Một giờ trưa ngày một hai ngàn mười sáu
Còn chỗ nào nương náu
Giữa phố hoang vu cỏ cây xanh mét gục đầu
Nhếch mép nhìn pho tượng vẫy tay
Tượng đen xì
Chẳng có ai chào lại
Nỗi buồn như tượng
Thấy thốn giữa háng
Tiếng còi xe thúc sau đít
Một giờ mười lăm ngày một hai ngàn mười sáu
Chán như con gián
Đi về thôi.
1.1.2016
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget