HỦ TIẾU MỸ THO
Món ăn lừng danh thiên hạ gắn liền tên tuổi đô thị cổ
Ngày 27.12, TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) sẽ kỷ niệm 340 năm thành lập Mỹ Tho đại phố, đô thị có tuổi đời cao nhất vùng Nam Bộ, trước cả đô thành Sài Gòn-Gia Định. Theo sử sách, khoảng năm 1623, Mỹ Tho (theo tiếng Khơme có nghĩa là cô gái đẹp) đã có những nhóm lưu dân người Việt đến khai phá, định cư xen kẽ với cư dân người Khơme có mặt từ trước.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết, tháng giêng năm Kỷ Mùi thứ 32 (1679) một nhóm người Minh Hương do tướng Dương Ngạn Địch của nhà Minh (Trung Quốc) không đầu phục nhà Thanh, nên đem binh lính và quyến thuộc hơn 3.000 người và hơn 50 chiến thuyền xin quy phục chúa Nguyễn. Lúc bấy giờ, chúa Nguyễn cho Dương Ngạn Địch đưa thuyền vào cửa Tiểu, cửa Đại, đến khai khẩn, định cư ở Mỹ Tho.
Tại đây, nhóm Dương Ngạn Địch nhóm họp với người Việt, người Khơme khai khẩn ruộng đất, trồng trọt, lập thôn ấp. Tận dụng nguồn lợi sản vật dồi dào của địa phương, nguồn nhân lực đã khá đông, lại có vị trí địa lý thuận lợi, nhóm người của Dương Ngạn Địch lập Mỹ Tho đại phố, từ đó tàu thuyền tới lui buôn bán đông đúc.
Mỹ Tho đại phố được xác lập tọa lạc ở làng Mỹ Chánh, H.Kiến Hòa, nằm dọc theo nhánh bên trái của rạch Mỹ Tho, bắt đầu từ bến Tắm Ngựa ở chỗ giao nhau giữa rạch Mỹ Tho với sông Tiền (nay thuộc P.2, TP.Mỹ Tho), chạy dài theo đường Nguyễn Huỳnh Đức hiện nay khoảng 4km (nay thuộc P.2 và P.8, TP.Mỹ Tho) cho đến cầu Vĩ, Gò Cát (nay thuộc xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho).
Ngày xưa, ghe thuyền, vật lực từ các địa phương khác, kể cả nước ngoài tụ họp về Mỹ Tho đại phố rồi tỏa ra khắp nơi, thông thương với các địa phương khác. Từ thế kỷ 17, Mỹ Tho đại phố đã trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ, là thương cảng có quan hệ buôn bán với nhiều thương nhân nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines…
Sau đó rất nhiều làng xã mọc lên xung quanh khu vực Mỹ Tho đại phố như An Hòa (Thạnh Trị), Điều Hòa, Bình Tạo, Phú Hội, Đạo Ngạn, Mỹ Hóa… Đến thế kỷ 17, 18, các chúa Nguyễn đã xác lập và khẳng định chủ quyền vùng đất Mỹ Tho vào bản đồ Đại Việt, từ đó mở mang bờ cõi, nối liền một dải từ bắc sông Tiền tới miền Hà Tiên (Kiên Giang).
Năm 1808, trấn Định Tường được thành lập với Mỹ Tho đại phố là lỵ sở. Đến năm 1826, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở trấn Định Tường sang phía tây sông Bảo Định thuộc 2 thôn Điều Hòa và Bình Tạo của H.Kiến Hưng (nay thuộc các P.1, P.4 và P.7), phủ Kiến An, tỉnh Định Tường và vẫn giữ tên gọi Mỹ Tho.
Năm 1861, người Pháp chiếm thành Định Tường, san bằng thành lũy và cho xây dựng các công sở, chợ, trường học, nhiều công trình khác tại làng Điều Hòa (P.1 và P.7 ngày nay) và khu vực này trở thành trung tâm TP.Mỹ Tho cho đến ngày nay. Năm 1900, Mỹ Tho trở thành tỉnh lỵ Mỹ Tho, có đường xe lửa dài 70km nối với Sài Gòn, do người Pháp xây dựng năm 1881, khánh thành vào tháng 7.1885, là tuyến đường sắt sớm nhất ở Đông Dương.
Tròn 340 năm tuổi, cùng với sự biến thiên của thời gian và tốc độ đô thị hóa, ngày nay dấu tích xưa của Mỹ Tho đại phố hầu như không còn. Có chăng chỉ còn vài di tích tuổi đời chưa đến 200 năm như Trường trung học Mỹ Tho (Collège de Mytho, mở năm 1879), chùa Vĩnh Tràng (xã Mỹ Phong), chùa Bửu Lâm (P.3), chùa Thiên Phước (xã Mỹ Phong), chùa Ông (P.8)…
Nhưng có một món ăn lừng danh mà bất kỳ ai khi đến TP.Mỹ Tho đều phải tìm ăn cho bằng được, đó là hủ tiếu Mỹ Tho. “Hồi nhỏ tôi nghe ông bà xưa hay kể, hủ tiếu và mì, bánh bao là món ăn của người Hoa, nhiều khả năng xuất hiện ở Mỹ Tho từ khi nhóm người Minh Hương của tướng Dương Ngạn Địch thành lập Mỹ Tho đại phố. Vì vậy có thể nói, Mỹ Tho đại phố bao nhiêu tuổi thì món hủ tiếu Mỹ Tho lừng danh cũng có mặt trên vùng đất này từng ấy năm”, ông Phạm Văn Phương, người sành ăn quê gốc ở Mỹ Tho, cho biết.
Theo ông Phương, hiện nay TP.Mỹ Tho có rất nhiều tiệm bán hủ tiếu, nhưng muốn ăn được tô hủ tiếu Mỹ Tho nấu đúng bài bản là chuyện không dễ.
Bí ẩn trong tô hủ tiếu có lịch sử hàng trăm năm tuổi
Ông Phương cho biết món hủ tiếu Mỹ Tho được nhiều người biết đến vào những năm 1950-1960, được bán trong hàng loạt tiệm mì nổi tiếng của người Hoa như Khánh Ký, Tuyền Ký, Vĩnh Ký, Hưng Ký… Nhưng hiện tại, khi đến TP.Mỹ Tho, thực khách khó tìm được tô hủ tiếu được nấu theo kiểu ngày xưa, bởi ngày càng có nhiều cách nấu khác nhau, khiến rất nhiều người ngộ nhận về món ăn này.
Theo ông Phương, tô hủ tiếu Mỹ Tho được đánh giá là “ngon đúng điệu” thì nồi nước lèo phải được hầm bằng xương heo và củ cải trắng, tôm khô, mực khô, củ cải muối để lấy vị ngọt. Nếu dùng đường cát, bột ngọt, bột nêm tạo vị ngọt thì nồi nước lèo xem như… vứt. Ngoài nước dùng (nước lèo) “đặc sản”, tô hủ tiếu Mỹ Tho được trang bị thêm mộ số “phụ tùng” như thịt nạc, thịt bằm, sườn non, tim, gan, phèo heo, tôm bóc vỏ, giá, hẹ, cải xà lách, dấm Tiều, chanh, ớt.
Tuy nhiên, hồn cốt của món ăn trứ danh này không nằm ở các món ăn kèm mà chính là ở sợi hủ tiếu. Ông Phương kể, từ xưa sợi hủ tiếu Mỹ Tho cọng nhỏ, dai, mềm, thơm phức mùi gạo khiến mọi người ưa chuộng do được làm từ những hạt gạo ngon nổi tiếng của xứ Gò Cát thuộc vùng phụ cận của Mỹ Tho đại phố (nay là xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho).
Sợi hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng đến mức, nhiều năm qua TP.Mỹ Tho đã thành lập hẳn một làng nghề truyền thống chuyên sản xuất sợi hủ tiếu, bánh, bún từ bột gạo ở xã Mỹ Phong. Hiện nay xứ Gò Cát không còn trồng lúa, nên gạo Gò Cát cũng không còn. Các nghệ nhân làng nghề phải sử dụng các loại gạo ngon của những vùng khác để sản xuất sợi hủ tiếu, nhưng chất lượng không thua kém sợi hủ tiếu Gò Cát ngày xưa.
“Mấy năm nay Việt kiều sinh sống ở Mỹ, châu Âu, châu Úc… khi ghé Mỹ Tho đều tìm mua sợi hủ tiếu Mỹ Tho về làm quà, nhưng ít người biết Mỹ Tho không còn gạo Gò Cát. Trong khi đó khách thập phương khi đến Mỹ Tho đều phải tìm ăn cho bằng được 1 tô hủ tiếu nổi tiếng có lịch sử hàng trăm năm.
Nhưng hiện nay tại Mỹ Tho, món hủ tiếu ngày càng có nhiều biến tướng khi chủ quán cho thêm vào cả thịt gà, cá, mực, bò viên, trứng cút, giò heo… khiến người ăn không thể phân biệt như thế nào mới là tô hủ tiếu Mỹ Tho chính hiệu. Theo tôi, hiện tại ở TP.Mỹ Tho những quán nấu được món hủ tiếu đúng điệu, mà nấu ngon nhất chính là những quán do người Hoa làm chủ, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”, ông Phương nói.
Nhắc đến hủ tiếu Mỹ Tho, có chi tiết thú vị mà ít người còn nhớ: năm 2008 khi TP.Long Xuyên (An Giang) đăng cai tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao thì tỉnh Tiền Giang cử các nghệ nhân của làng nghề bánh bún, hủ tiếu Mỹ Phong mang món hủ tiếu đặc sản trứ danh đến tham dự.
Lúc bấy giờ, dù TP.Long Xuyên có đủ loại hủ tiếu, kể cả món hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu cá Châu Đốc lừng danh, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt người vào hội chợ xếp hàng để được thưởng thức món hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng.
Người ta ăn hủ tiếu Mỹ Tho nhiều đến mức các đầu bếp phải hối thúc người ở nhà tăng cường gửi các loại nguyên liệu, gian hàng phải mở cửa bán suốt ngày trong khi kế hoạch ban đầu chỉ bán vài hôm để… lấy tiếng.
Trong khi đó, theo ông Phương, rất ít món ăn có tên tuổi gắn liền với địa danh hàng trăm năm mà vẫn “nổi tiếng thiên hạ” như hủ tiếu Mỹ Tho, nên dịp kỷ niệm 340 năm khai sinh Mỹ Tho đại phố thì món hủ tiếu Mỹ Tho trứ danh cũng nên được đề cập, quảng bá, tôn vinh xứng tầm.
Thanh Anh