tháng 8 2021












Nhà tôi nằm trên con đường nối Nguyễn Văn Trỗi qua Trần Huy Liệu. Cứ xem đầu đường là Nhà Văn hoá Phú Nhuận và cuối đường là Phú Nhuận Plaza. Đường đã bị bịt kín hai đầu cả nửa tháng nay mà tôi chẳng biết. Chặn để giữ vùng xanh. Tôi nằm nhà từ ngày bắt đầu bùng phát dịch ở Sài Gòn, chỉ một lần vào ngày đầu giãn cách, làm gan cầm máy chạy ra trung tâm chụp mấy tấm ảnh ghi nhớ một thời điểm lịch sử của thành phố. Từ đó đến giờ, tuân thủ "Ai ở đâu, ở yên đó". Cho nên đường nhà mình phong toả, lập chốt chận hai đầu mà cũng chẳng hay. Nằm yên mà khát khao ngày trời yên bể lặn để được rong chơi, để được ăn món mình thích, gặp được những người bạn thân yêu, để được phanh ngực rú ga chạy khắp Sài Gòn, qua những con đường quen thuộc. Thành phố giới nghiêm, ngày dài quá, rảnh rang muốn làm nhiều việc mà chẳng làm được gì ra hồn. Tâm bất tại, lòng dạ lung tung nên không thực hiện được những dự định. Cứ đọc mãi tin tức về dịch bệnh, theo mấy văn bản với chỉ thị của chính quyền cũng đã rối đầu rồi. Tin giả, tin thật tùm lum, chẳng biết đâu mà lần. Ngay tin trên các báo chính thống cũng hôm nay giả, ngày mai thật, cuối cùng thật giả lẫn lộn. Báo chí, truyền thông của nhà nước tin tức một chiều, báo nào, đài nào cũng một giọng giống nhau, những góc khuất được dấu kín, toàn những tin đẹp mà ngẫm lại có nhiều thứ không thật.

Như chuyện "bom" hàng mua hộ. Mấy hôm nay báo đài nói nhiều về chuyện này nhưng chẳng thấy nêu một địa chỉ, một nhân vật cụ thể. Nhiều báo đăng có phường một ngày có 30 vụ, có báo lại bảo 100 vụ. Nhưng chẳng thấy mặt ai. Chỉ có một ngày mấy tờ báo đăng hình 3 cô gái và mấy chục cậu thiếu niên được cho là những kẻ "bom" hàng. Nhưng rồi bị phát hiện đó là những tấm hình cũ của một vụ ba cô lừa đảo tiền tỷ và một là của 42 nam nữ bay lắc trong quán karaoke ở Hà Nội bất chấp dịch từ hôm 18.6.2021. Người đặt hàng có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, tổ dân phố, phường nắm rất rõ, nếu có "bom" hàng hay lấy đó làm trò đùa thì tổ công tác biết ngay thôi, sao không nêu tên cụ thể mà chỉ nói bâng quơ. Thế báo chí, truyền thông thổi phồng chuyện này với mục đích gì? Chứng cứ không, người phạm tội không, vật chứng cũng chẳng thấy sao cứ tung tin như thế? Nếu chuyện đó là thật, phải xử lý ngay để làm gương bởi chuyện này không phải là trò đùa mà nó đụng tới lòng tự trọng của người Sài Gòn. Những trò trẻ trâu đó, nếu có, không thể chấp nhận được.

Sau một thời gian dài đòi xoá sạch, diệt sạch con virus Vũ Hán. Giờ thì Thủ tướng Phạm Minh Chính phải công nhận là đó là chuyện không thể. Hôm qua, trong một cuộc họp, ông đã phát biểu:"Xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên". Tối 30.8, trong một cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, khi thành phố hội tụ đủ điều kiện ở mức tương đối thì có thể nới rộng các giải pháp phòng, chống dịch. 

Cũng mừng là người đứng đầu chính phủ và cũng là Trưởng ban chống dịch cũng như Bí thư thành phố đã ý thức được như vậy sau khi đã dùng mọi biện pháp cứng rắn siết chặt để mong tiêu diệt con virus. Càng cứng rắn, càng siết chặt càng khiến cho đời sống của nhân dân thêm khó khăn mà kinh tế cũng bị kềm hãm. Tìm biện pháp thích hợp để sống chung với dịch nhưng cũng không chủ quan, lơ là với chúng là chủ trương đúng nhất mà cả thế giới đang áp dụng. Khi nhận thức được như thế, hi vọng thời gian sắp tới những biện pháp giới nghiêm, phong toả, giãn cách, cách ly sẽ nhẹ nhàng hơn, hợp lý hơn để đời sống của đại bộ phận nhân dân thuận lợi hơn. Có lẽ tốt nhất trong thời gian tới nên có chủ trương hàng quán có thể mở lại, đầu tiên là bán online để phục vụ cho dân thuận tiện mua bán hàng hoá cần thiết. Hiện nay, khâu cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng hoá thiết yếu là lĩnh vực yếu nhất của thành phố. Chủ trương đem hàng đến tận nhà dân, đi chợ hộ xem như đã thất bại vì siêu thị không làm xuể, hàng hoá đến tay người cần mua chậm trễ, đội ngũ thực hiện cũng gặp nhiều lúng túng vì không quen việc mà người mua cũng chán nản vì phục vụ không đúng nhu cầu. Nên tập trung lực lượng quân đội vào việc giữ an ninh trật tự là hợp lý nhất. Thực tế cho thấy từ khi có quân đội ở các chốt chặn, tình trạng xung đột, cãi vã, xô xát giữa dân và lực lượng chức năng đã giảm đi rõ rệt.

Và để giải quyết việc lưu thông hàng hoá, UBND thành phố cũng như Sở Công thương đã nhất trí sử dụng lại đội ngũ shipper. Đại diện Grab Việt Nam cho biết đã nhận được thông báo của Sở Công Thương và Sở Y tế TP.HCM về việc hỗ trợ xét nghiệm nhanh cho các shipper. Hãng đã tổng hợp danh sách tài xế đủ điều kiện, phân bổ và gửi về các cơ quan chức năng liên quan để triển khai việc xét nghiệm nhanh hàng ngày hoặc 2 ngày/lần.

"Dự kiến, việc xét nghiệm này sẽ bắt đầu từ sáng mai, 31.8 và duy trì đến khi có thông báo mới từ cơ quan chức năng". Sáng nay các shipper xếp hàng chờ test nhanh tại Trường mầm non Vàng Anh, quận Gò Vấp. Đến 8h30, nơi đây đã lấy mẫu test nhanh cho gần 100 shipper. Trong tình hình dịch bệnh như thế này, hoạt động của các shipper cũng là một công việc nguy hiểm, dễ phơi nhiễm bệnh nên việc test nhanh là chuyện cần thiết. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế chỉ cần xét nghiệm shipper 2 lần một tuần là hợp lý nhất. Bởi con virus Delta khi xâm nhập vào người phải có 3 đến 4 ngày mới có thể phát hiện dương tính dù ngay ngày đầu tiên nó đã có thể lây nghiễm cho người khác. Khi virus sinh sôi chưa đủ mà test thì cũng vô ích vừa tốn công mà lại tốn của. Đồng thời để an toàn cho khách cũng như người giao hàng, cả hai phải tuân thủ các biện pháp 5K để bảo vệ cho nhau. Theo báo cáo, lực lượng y tế thành phố đã có hơn 2.000 ca phơi nhiễm và cũng đã người tử vong. Cũng theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, hiện lực lượng Công an đã có trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm virus Vũ Hán và gần 10 chiến sĩ hy sinh do nhiễm dịch trong lúc làm nhiệm vụ. Con virus này chẳng chừa một ai đâu.

Trước đây, trong những bài nhật ký lockdown, tôi cũng đã cảnh báo về mối nguy truyền dịch từ người nhân viên xét nghiệm không thay hoặc sát trùng găng tay. Cũng như việc sử dụng cho hàng trăm, hàng ngàn người một máy đo huyết áp khi tiêm chủng. Rất mừng là gần đây, các bác sĩ chuyên môn đã lên tiếng cảnh giác vấn đề này và sáng nay đọc được tin Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, cho rằng để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, ngành y tế cần bỏ qua những quy tắc không hợp lý, trong đó có việc đo huyết áp sàng lọc trước tiêm.

"Đi tiêm vaccine mà đo huyết áp trong tình hình cần phải tiêm thần tốc là không hợp lý. Ai đi tiêm vaccine thường sẽ lo lắng, căng thẳng, huyết áp tăng là tất yếu. Việc đo đi đo lại chỉ số huyết áp đến khi đạt yêu cầu rất mất thời gian. Quan trọng hơn, nguy cơ lây nhiễm virus Vũ Hán từ máy đo huyết áp là có thật". Đồng ý với đề xuất trên của bác sĩ Tuấn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng việc đo huyết áp trước khi tiêm vaccine nên bỏ vì việc này không giá trị và mất thời gian. Đọc tin này cũng thấy mừng trong bụng. Mấy hôm nay đang chờ để chích mũi thứ 2, tôi định hôm chích sẽ mang theo máy đo riêng của mình hoặc từ chối đo huyết áp vì thấy nguy cơ lây nhiễm dễ dàng quá.

Nhắc chuyện lây nhiễm thì cũng nói luôn chuyện trong tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người mắc virus tại nhà ban hành kèm Quyết định số 4156, Bộ Y tế khuyến cáo người mắc virus không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật, có thể qua các đường sau:Tiếp xúc, Giọt bắn, Không khí. Người cùng nhà với người không nhiễm cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi. Đồng thời, gia đình cũng không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình. Như thế vật nuôi như chó, mèo cũng có thể là tác nhân gây nhiễm bệnh. Chiều 30.8, Cục Quản lý khám chữa bệnh thông tin, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chăm sóc người mắc virus tại nhà trong ngày 28.8. Theo hướng dẫn trên, Bộ Y tế cảnh báo người mắc virus và người cùng nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi. Bởi có bằng chứng cho việc virus có thể lây sang vật nuôi trong nhà.

Trong bài trước, tôi có nhắc đến trường hợp một gia đình người quen mất ba người cũng vì hai con chó cưng. Một đoạn dài kể về trường hợp này được một anh có mác là Chủ tịch Doanh nghiệp trẻ thành phố chép lại y nguyên và lan toả. Việc này cũng tốt vì giúp cho nhiều gia đình có nuôi động vật trong nhà lưu ý. Khi tôi kể ra là cho mọi người cùng đọc, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên cái dở của anh này là khi copy bài này để phổ biến lại ký tên anh ta kèm chức vị. Cái này là không hay, thà anh để nguồn hay bỏ trống hay đề lượm trên mạng cũng được. Đằng này lại ký tên hẳn hoi khiến tôi đọc cũng cảm thấy không được vui.

Hôm qua, trong chương trình Dân hỏi- Thành phố trả lời của UBND TP.HCM thực hiện vào tối ngày 30.8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin UBND thành phố đã đồng ý miễn học phí học kỳ 1 năm học 2021- 2022 cho học sinh các trường công lập để chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với các trường ngoài công lập, do nhà trường thỏa thuận với phụ huynh. Sở GD trao đổi với các trường từ đầu năm học, đề nghị không tăng học phí nhưng nhiều trường vẫn đề xuất tăng từ 5 đến 10%. Lý do những trường này đưa ra là nhiều chi phí phát sinh khi duy trì việc dạy học trong bối cảnh dịch bệnh, chi phí giữ chân giáo viên... Lãnh đạo sở GD cho rằng, việc này họ có cơ sở pháp lý, nhưng xét về tính nhân văn, tăng học phí lúc này là phản cảm, không thể hiện sự chia sẻ với người dân. Ông Hiếu cũng kêu gọi người dân nếu có dư thiết bị để học online có thể đóng góp để giúp các học sinh không có điều kiện mua sắm.

Trong chuyện học hành, giờ lại nổi lên việc sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 1. Phụ huynh chóng mặt vì giá bộ sách. Năm nay, học sinh lớp 1 chọn học 1 trong 3 bộ sách là Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục và bộ sách Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Riêng bộ sách Cánh diều đã từng bị phê phán kịch liệt và phản ứng của xã hội. Không hiểu bây giờ vẫn tiếp tục tung ra cho học sinh học, bộ sách đã được sửa như thế nào, chỉnh lý ra sao, chẳng ai biết? Mà sao mới học lớp 1 mà lắm sách vở thế?

Giá mỗi bộ sách niêm yết công khai dao động trên dưới 200.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, các phụ huynh chia sẻ, khi đăng ký mua sách qua trường học của con thì vô cùng bất ngờ vì mỗi trường mỗi giá khác nhau. Do dịch bệnh không đi lại được cộng với muốn con học sách vở đồng bộ với các bạn nên phụ huynh đăng ký mua ở trường. Tổng giá tiền cho 12 quyển sách cùng Bộ dụng cụ học Toán và học vần là 538.000 đồng. Một số phụ huynh khác cũng cho biết, học sinh cùng vào lớp 1 nhưng có trường bán sách 249.000 đồng lại có trường lên tới 798.000 đồng, thậm chí có phụ huynh thông báo vừa mua hết 900.000 đồng/bộ sách. Như vậy, giá sách tuỳ theo từng bộ sách và cũng tuỳ từng trường. Mà sao trường học lại ôm vào cái chuyện mua bán này nhỉ? Chỉ cần nhà trường thông báo những sách cần cho việc học, những sách đọc thêm, những dụng cụ cần mua. Phụ huynh cứ theo đó cân đối tiền có mà mua sắm cho con, tránh được việc nhà trường bán sách ăn hoa hồng. Nhà trường tranh thủ bán sách giáo khoa, ngoài ra một số trường lại kèm thêm các loại sách không có trong danh mục sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT quy định, lại bán kèm đồ dùng học tập. Nhà trường giờ trở thành nhà sách mất rồi. Tôi cũng từng làm việc liên quan đến sách nên biết rằng tiền hoa hồng phát hành sách khá cao nên trường bán sách giáo khoa số tiền kiếm được cũng không phải là ít. Người xưa đã bảo: Thợ may ăn giẻ, Thợ vẽ ăn hồ, Thợ bồ ăn nan, Thợ hàn ăn thiếc. Ngành nghề nào cũng có thứ để kiếm ăn cả. Tình trạng này đang gây xôn xao ở Hà Nội, chắc ở thành phố ta cũng thế thôi.

Định hôm nay viết ngắn nhưng rồi nhiều chuyện quá cũng hoá dài. Ngưng tại đây vậy. 

Nhìn qua cửa sổ xuống sân vườn, trời Sài Gòn vẫn một màu ảm đạm và mưa.

31.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi bốn

DODUYNGOC




Trưa nằm nghe bài hát từ cuộn băng đã nhão, bài hát có những câu như đang viết cho thời bây giờ, thời nhìn ngày trôi qua và tất cả trôi mất chẳng còn chi. Ngày ngày nghe tin bạn bè, người quen lần lượt mất hút, biến mất trên đời. Cố nạp năng lượng tích cực để lạc quan nhưng nhiều khi vẫn quẩn quanh với những ý nghĩ tiêu cực vì hiện thực chẳng thấy chi vui. Đọc bài của một Bác sĩ- Tiến sĩ Y học Quan Thế Dân, người đã và đang điều trị cho rất nhiều người nhiễm dịch, ông viết:"Trong đời hành nghề gần 40 năm của mình, tôi chưa bao giờ thấy căn bệnh phổi nguy hiểm đến thế. Mới mắc, chỉ ho khan vài tiếng, vẫn khỏe mạnh. Nhưng chỉ một vài ngày sau là khó thở, phải nhập viện.

Rồi khó thở đột ngột tăng nhanh. Lúc mới vào, bệnh nhân chỉ thở oxy "gọng kính" 5 lít mỗi phút, rồi mau chóng chuyển sang thở mặt nạ oxy 15 lít mỗi phút, vẫn không đỡ. Nồng độ oxy trong máu SpO2 thấp dưới 90, phải chyển sang thở oxy dòng cao 60 lít mỗi phút. Oxy phun qua ống kêu phè phè thành tiếng, vẫn không đỡ.

Với những trường hợp này, bác sĩ buộc phải chuyển sang vũ khí cuối cùng là đặt ống nội khí quản và thở máy. Nhưng hình như chiếc máy thở là con tàu không có vé khứ hồi. Ít ai đặt chân lên con tàu này mà còn quay trở lại được. Đây là tình trạng điều trị Covid ở Mỹ, Italy và các nước chứ không riêng Việt Nam. Các bác sĩ ở phương Tây trước khi đặt ống cho bệnh nhân đều để người bệnh gọi điện về cho gia đình, có thể coi như nói lời từ biệt.

Đến giờ này, dù tham gia điều trị cho nhiều bệnh nhân, với tôi Covid vẫn là một căn bệnh bí ẩn. Người ta có thể giải mã trình tự bộ gene của virus, biết cách nó bám vào thụ thể nào để đi vào cơ thể, biết làm sao nó lại nhân lên bên trong tế bào... tức chúng ta có vẻ như biết tất tật về con virus này. Thế nhưng sao bệnh nhân vẫn tử vong?".

Cũng đã có nhiều nhà khoa học cũng phát biểu đại ý như thế. Thế giới vẫn chưa hiểu hết về con virus Vũ Hán này. Và chính vì chưa hiểu hết về nó nên chữa trị gặp nhiều khó khăn và đành phải sống chung với nó. Quan điểm xoá sạch virus là một lối nghĩ thiếu khoa học và thiếu thực tế. Vấn đề cơ bản của thành phố bây giờ là làm thế nào để giảm con số tử vong. Mấy hôm nay số người F0 không giảm nhưng đã thấy số người chết hàng ngày giảm nhiều, không biết con số có phản ánh đúng thực trạng không nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng.

Con người có hai ngày trọng đại trong đời, đó là ngày sinh và ngày mất. Ngày sinh là niềm vui cho gia đình và những người thân thuộc. Và ngày mất là tiễn đưa một người đi về thế giới khác. Thông thường, ngày sinh có thể không có lễ nghi nhưng dù theo tôn giáo nào hay thuộc về nền văn hoá nào thì ngày mất đều có lễ tiễn biệt. Đó là lễ nghi tuỳ theo phong tục nhưng tất cả đều có đèn, hoa, kinh cầu hay nhang khói và sự tham dự tiễn đưa của người thân. Theo quan niệm từ ngàn xưa, người chết trong cô quạnh, không hoa, không đèn, không kinh kệ, không có nước mắt đưa tiễn là người cực kỳ bất hạnh. Thế nhưng khi con virus Vũ Hán xuất hiện, biết bao người phải chịu nỗi bất hạnh này khi lìa đời. Họ ra đi trong lặng lẽ không gặp được người thân yêu, không lời trối trăn, không hoa, không đèn, không tiếng kinh cầu và trở về nhà chỉ là một nhóm tro trong hủ cốt. Những nghi lễ thiêng liêng tiễn đưa người rời bỏ trần gian không còn có được trong cơn đại dịch. Có lẽ những oan hồn cũng khó mà tiêu diêu. Khi Ấn Độ đang cơn cao trào của đại dịch hay Indonesia hàng trăm ngàn người chết, những nhóm lửa thiêu giữa bãi đất trống, những xác chết trôi trên sông Hằng, những huyệt mộ được đào từng dãy tiếp nối nhau. Người Việt xem cảm thương, cảm xúc nhưng vẫn nghĩ đó là chuyện của xứ người. Đến khi Việt Nam bùng phát dịch lần thứ tư, Sài Gòn hàng ngày người chết lên con số trăm, bệnh viện quá tải, oxy khan hiếm, lò thiêu không làm xuể, xác phải nằm trong những thùng xe lạnh lẽo đợi chờ thì mọi người mới lâm vào khủng hoảng. Thế là bên cạnh con virus rình rập, chúng ta còn bị con virus sợ hãi hành hạ. Sợ hãi vì mỗi người cảm thấy bất lực. Sợ hãi vì những biện pháp của chính quyền cũng thể hiện sự lúng túng trong các biện pháp đối phó. Sợ hãi vì lúc này mới chợt nhận ra chúng ta chẳng chuẩn bị gì cho việc chống dịch và chống đói. Thế là xã hội nháo nhào lên, cuộc sống xáo trộn không ổn định được.

Chỉ việc cung ứng và lưu thông hàng hoá, chính quyền cứ mãi chạy vòng quanh. Lúc đầu thì hàng hoá không vào được thành phố vì bị chận ngay cửa ngõ. Khi giải quyết được có hàng thì bị kẹt ở khâu phân phối. Cấm shipper, dùng quân đội chuyển hàng đến dân. Nhưng cũng không giải quyết được vấn đề. Đành trở lại với đội ngũ shipper chuyên nghiệp. Nhưng yêu cầu mỗi ngày chọc mũi xét nghiệm một lần là không khả thi. Nội chuyện xếp hàng mỗi ngày để ngoáy mũi rồi chờ lấy kết quả mới có thể hành nghề được là mất hết thì giờ rồi. Đó là chưa kể tiền xét nghiệm, công ty chắc là không trả rồi. Bản thân shipper mỗi ngày thu nhập bao nhiêu mà trả tiền test hàng ngày thì còn đâu mà sống. Cuối cùng, lãnh đạo thành phố cho biết sẽ xét nghiệm miễn phí cho các tài xế giao hàng sử dụng công nghệ trên địa bàn thành phố trong 1 tuần, sau đó tính toán phương án xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế. Quyết định này bắt đầu từ sáng 30.8, ngay sau khi UBND ban hành văn bản khẩn cho phép shipper được phép hoạt động thêm ở các quận 'vùng đỏ' kể từ hôm nay 30.8, Sở Công thương đã có danh mục cụ thể 414 trạm y tế lưu động do quân y phụ trách để xét nghiệm cho các shipper hoạt động trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đúng ra việc này nên làm ngay từ ngày bắt đầu thi hành giãn cách thì chắc hẳn cuộc sống của dân không bị xáo xào như hôm nay. Họp rất nhiều, bàn rất nhiều mà sao không có ai nghe ý của dân. Đã từ lâu, ý kiến giữ và tổ chức đội ngũ shipper có sẵn để phục vụ lưu thông hàng hoá đến tận tay dân đã có người đề ra, nhưng giới chức thành phố không đồng tình. Thế rồi biết bao văn bản, bao quyết định, bao chỉ thị đưa ra về chuyện shipper, giờ  lại về điểm ban đầu sau khi xáo trộn lung tung. Không hiểu nổi các ngài. Chính quyền thực thi các biện pháp phong toả, giãn cách không khác gì cách của thành phố Vũ Hán khi bắt đầu vào dịch. Tuy nhiên, trong suốt 76 ngày phong tỏa thành phố Vũ Hán, việc phân phối lương thực thực phẩm để có thể bảo đảm an sinh cho người dân Vũ Hán trong giai đoạn phong tỏa là một trong những vấn đề được thành phố quan tâm hàng đầu. Thời điểm đó, một quan chức Bắc Kinh tiết lộ rằng, có khoảng 20.000 shipper phải xử lý trung bình hơn 400.000 đơn đặt hàng mỗi ngày từ các nền tảng giao hàng như Meituan. Bên cạnh sự đóng góp và nỗ lực các shipper, thì trong thời gian thành phố bị phong tỏa, những tình nguyện viên cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày, giúp chính phủ phòng chống dịch. Theo chính quyền địa phương, cứ 7 người dân thì có 1 người sẽ làm tình nguyện viên, với tổng số là 1,81 triệu người đăng ký trên hệ thống dịch vụ tình nguyện. 

Bài học của Vũ Hán với dân số 11 triệu người, xấp xỉ Sài Gòn về chuyện phân phối lương thực cho thấy đội ngũ shipper vô cùng cần thiết và đã làm được việc. Không nên sử dụng binh lính trong công việc này vì không phù hợp cũng như thiếu chuyên nghiệp.

Có người bảo tôi tại sao cứ gọi là virus Vũ Hán mà không gọi là Covid-19 như người ta thường gọi. Tôi cho rằng nó xuất phát đầu tiên ở đâu thì lấy đó làm tên như đã từng gọi viêm não Nhật Bản hay dịch cúm Tây Ban Nha đã có từ 50 đến 100 triệu người toàn thế giới chết xảy ra từ năm 1918 đến năm 1919. Đó như là quy ước thế. Vậy thì tại sao lần này, con virus đã giết gần 5 triệu người trên thế giới lại phải gọi bằng một cái tên khác. Dù rằng cho đến nay, chưa có ai khẳng định nó xuất phát từ đâu? Bằng cách nào nó hiện diện khắp năm châu gây tàn phá như một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba? Nhưng nó bắt đầu từ thành phố Vũ Hán thì phải gọi đúng tên nó là virus Vũ Hán. Nếu sau này, các nhà khoa học, các tổ chức tình báo tìm ra được nguồn gốc của nó, lúc đấy có thể người ta có tên gọi khác. Cho đến lúc này, cứ gọi cho đúng nó là virus Vũ Hán.

Trở lại chuyện học sinh học online mà mấy hôm nay Sở Gió Dục thành phố đang thông báo ì xèo. Nhất là chuyện học online của lớp 1. Đây là một chủ trương gây nhiều phản ứng trong dân. Trẻ lớp một vừa rời lớp mẫu giáo. Chưa từng ngồi vào ghế học, chưa được dạy cách cầm bút, chưa hiểu dòng là gì, kẻ ô ly là gì, chưa quen với chuyện ngồi yên nghe giảng mà giờ bắt ngồi học với máy thì không xong rồi. Ngồi học ở nhà, mấy nhà có phòng riêng, sinh hoạt của gia đình chi phối trẻ, chúng sẽ không bao giờ tập trung được. Sách chưa có, máy móc thiết bị không phải gia đình nào cũng có, mạng thì chập chờn, hỏi quý ngài học cái gì mà đòi học? Lớp một là lớp để làm quen với chuyện học hành, đó là bước căn bản để tập thế ngồi cho đúng, cầm bút cho đúng, rèn viết chữ căn bản. Những việc đó học online không dạy được, không chỉnh sửa được. Nếu tiếp tục trẻ sẽ thành thói quen không dễ sửa. Dạy trẻ con cần nắm tâm lý của mỗi đứa, bởi chúng chưa quen nề nếp của một lớp học nên phải dạy trực tiếp mới hiệu quả. Dạy online không làm được điều này. Thời buổi đại dịch, rất nhiều gia đình khó khăn, kiếm cơm ăn hàng ngày đã khó giờ sắm thêm thiết bị cho con học thì đúng là vấn nạn. Chưa kể dù chưa vào học nghe nói đã bắt đóng học phí, lại thêm gánh nặng mà chẳng ích lợi gì. Có người bảo mua cái điện thoại rẻ tiền là cũng học được. Xin lỗi, không biết mà nói càn. Muốn học online ngoài trang bị wifi, phải còn cài phần mềm, cài app mới có thể vào học được. Hỏi điện thoại rẻ tiền có làm được chuyện cài đặt vậy không? Chưa nói đến khung hình bé tí với chữ nghĩa nhỏ xíu thế thì ba bảy hăm mốt ngày trẻ phải đeo kính cả. Không cận thị thì cũng nhược thị. Nói tóm lại là không nên cho trẻ lớp một học online, lợi thì chưa thấy, chỉ thấy hại. Cán bộ lãnh đạo của ta sao không nắm được thực tế cuộc sống nhỉ? Cứ ngồi mà quyết định như người không có suy nghĩ vậy. Cứ chỉ thị trên xuống là thực hiện như cái máy, không ý kiến, không phản ứng cho dân được tiện lợi và kế hoạch có thể khả thi. 

Cuối cùng của hôm nay nhắc đến việc yêu cầu dẹp bỏ quy định riêng của mỗi tỉnh, thành. Nỗ lực của các địa phương để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh là rất đáng ghi nhận, nhưng cách làm cứng nhắc, thiếu phối hợp, biểu hiện cục bộ địa phương gây chia cắt không gian vùng, làm tắc nghẽn lưu thông cần phải được dẹp bỏ. Đó là một chỉ thị rất đúng khi mỗi địa phương đều chơi luật của riêng mình. Thủ tướng nhắc nhở, Bộ GTVT yêu cầu nhưng cho đến nay, đâu vẫn còn đó khiến việc lưu thông hàng hoá bị ngăn chận đưa đến chỗ thừa đổ đi, chỗ thiếu không có mà dùng.

Một ngày ngày đã qua 

Ôi một ngày ngày chóng qua 

Một chiều một ngày âm thầm đã 

Đã trôi đi không còn gì 

(TCS)

Mong ngày giới nghiêm chóng qua. Mong đại dịch đi qua. Mong tất cả an bình.

30.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi ba.

DODUYNGOC








Nửa đêm hôm qua trằn trọc không ngủ được, lại thấy đói bụng liền xuống bếp nấu gói mì ăn. Dù hôm qua đọc tin thấy Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cho rằng trong mì gói của hãng Acecook Việt Nam có chứa chất Ethylene Oxide có hại cho sức khoẻ. Ối dào! Dân Việt ta một ngày ăn biết bao nhiêu gói mì, ăn năm này qua năm khác lâu rồi, thời giãn cách lại càng ăn bạo. Chẳng sao cả dù biết mì gói chả bổ béo gì, toàn bột, ít đạm, lại có chất béo không tốt cho sức khoẻ nếu sử dụng lâu dài. Dân mình nghèo, mì gói giá rẻ nên nó là cứu tinh cho những người ít tiền, thiếu ăn. Chỉ vì nghèo nên chỉ cần lấp đầy bao tử đã, chẳng cần chất bổ gì ráo. Tây nó giàu nên rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, hàng ngày danh mục hàng thực phẩm bị thu hồi, bị lưu ý đều đều xuất hiện với hàng trăm hạng mục thực phẩm. Ngay chuyện dán nhãn hay chi tiết về sản phẩm cũng bị bắt bẻ từng chữ một. Theo ông Vũ Thế Thành, một người chuyên nghiên cứu về quản trị chất lượng thực phẩm, phụ gia và hoá chất đã trả lời váo chí rằng: Tôi cũng thấy không có lý do nào để dùng ethylen oxide trong sản xuất mì gói, không chỉ riêng Acecook, mà các hãng mì gói khác trong nước cũng thế.

Trong khi chờ thêm các thông tin về chuyện này, thôi kệ, cứ an tâm ăn cho khỏi đói cái đã. Hiện giờ có biết bao lý do để chết tức thì nên chuyện ăn nhiều ethylen oxide mới gây nguy hiểm thì cũng chẳng ngại ngùng chi.

Ngày hôm qua có nhiều chuyện đáng lưu tâm hơn cái chuyện mì gói. Đầu tiên là chuyện mèo lại hoàn mèo. Đó là chuyện lưu thông, phân phối hàng hoá. Lúc đầu là giao quân đội mua hàng hộ dân. Rầm rộ lắm, nhiều hình ảnh, bài viết lắm nhưng rồi bắt tay vào mới thấy không dễ như ngồi bàn giấy mà bàn. Lúng túng trong việc mua bán, giao hàng. Siêu thị, cửa hàng không kịp cung ứng và chuẩn bị. Hàng hoá giao không đúng yêu cầu, trễ giờ...Nói chung đây là khâu cần phải có tính chuyên nghiệp, nó không phải giống như qua nhờ bà hàng xóm đi chợ mua giúp mấy món mà là cả một tổ, một phường, quận và cả thành phố nữa. 

Hơn nữa, người lính được dạy cầm súng chiến đấu, bảo vệ an ninh chứ đâu được huấn luyện để đi chợ, đi giao hàng. Nhìn các cháu lúng ta lúng túng mà thương. Không biết làm nhưng "quân lệnh như sơn", giao việc là phải thực hiện thôi. Thế là kế hoạch ấy không xong, Sở Công thương bèn vội vàng thành lập đội shipper tình nguyện có trả lương. Nhưng rồi cũng chẳng ổn, đành lại phải nhờ đội ngũ chuyên nghiệp của Grab, của Be...Ngày 28.8, Sở Công Thương có văn bản đề gửi ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP, xuất giải pháp để shipper tham gia vận chuyển hàng hóa trong thời gian thành phố siết chặt giãn cách xã hội.

Theo đó, Sở Công Thương đề xuất chỉ cho phép shipper đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng dịch từ ngày 13.8 trở về trước được tham gia hoạt động trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội. 

Ngày 28.8, Be Group đã gửi văn bản đề xuất với Sở Công Thương được sử dụng tài xế có sẵn để "đi chợ hộ" giúp người dân trong thời gian siết chặt giãn cách.

Be sẽ tận dụng tài xế có sẵn (khoảng 3.000 tài xế xe máy) của đơn vị để "đi chợ hộ" trong nội quận. Theo Be, việc tận dụng đội ngũ tài xế đông đảo sẵn có và chuyên nghiệp giúp chương trình triển khai liền mạch, tránh các rủi ro về nhân lực.

Thiết nghĩ, những kiến nghị hợp lý này sẽ được chấp thuận ngay thôi. 

Sáng 28.8, Sở Công thương và TP. Thủ Đức đã phối hợp với Grab để mua hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong những ngày siết chặt giãn cách xã hội. Việc Grab hỗ trợ người dân đi chợ hộ sẽ bắt đầu triển khai từ 17 giờ ngày 28.8. Người mua cần cài đặt ứng dụng Grab, đặt hàng các gói theo nhu cầu tại các siêu thị, cửa hàng trong địa bàn cư trú, sau đó đại diện UBND phường chịu trách nhiệm giao hàng đến tận nhà cho người dân.

Thế là mèo lại hoàn mèo. Chạy loanh quanh như đèn cù vừa mất thời gian, tốn công sức, tiền của mà chẳng đạt yêu cầu. Ngay từ đầu, nhiều người đã thấy không xong, đã đề nghị tận dụng lực lượng shipper có sẵn, tổ chức lại, xét nghiệm, tiêm chủng đàng hoàng và nhờ có app và kinh nghiệm, họ sẽ hoàn thành công việc một cách dễ dàng. Một shipper mỗi ngày chạy hai ba chục đơn là bình thường, trong khi đó một quân nhân làm được chục đơn là đã hụt hơi. Không những giải quyết được lưu thông hàng hoá mà ta còn giúp cho hàng ngàn shipper có công ăn việc làm trong thời giãn cách. Đội ngũ này cũng toàn là người khó khăn trong đời sống, gia tài chỉ có được chiếc xe gắn máy chạy kiếm cơm nuôi sống gia đình. Giới nghiêm, cấm chạy, họ trở thành người thất nghiệp sống nhờ cơm từ thiện. Chính những chỉ thị bất nhất đã khiến cho cuộc sống của họ lao đao, họ bị tước mất cơm áo hàng ngày.

Ngày hôm nay 29.8, thành phố áp dụng lại khai báo ‘di chuyển nội địa’ tức "Di biến động dân cư" hôm trước giờ được đổi tên. Hôm nay cũng là ngày thứ 5 áp dụng giấy đi đường mẫu mới tại tất cả các chốt nội thành. Do nhiều người đến chốt mới khai báo nên việc kiểm tra lâu hơn tuy không gây ùn ứ như cũ nhưng cũng khiến cho việc di chuyển cũng gặp chút trở ngại. Thiển nghĩ tại sao nhà nước không tạo một cái app thống nhất trong đó có tên tuổi, vài nét về lý lịch cá nhân, tình trạng tiêm chủng, sức khỏe, hành trình tương tự như một ID công dân ở nước ngoài vậy. Chỉ cần một mã QR của người dân, bộ phận kiểm tra có thể nắm và ghi nhận được tất cả. Hiện nay Bộ Y tế đã ban hành Sổ Sức khoẻ điện tử nhưng hoạt động không hoàn chỉnh. Anh bạn tôi mới chích ngừa một mũi, app lại báo đã chích đủ hai mũi. Rất nhiều người đã chích nhưng sổ sức khoẻ chẳng có dấu hiệu gì. Cậu con trai của tôi vừa chích xong mũi một, sổ báo ngay nhưng mấy hôm sau thì lại báo chưa chích mũi nào. Vợ của anh bạn là bác sĩ, chích đủ hai mũi nhưng sổ báo đã chích một mũi. Nhìn chung là báo loạn cào cào, không chính xác cũng chẳng cập nhật. Hay như app Bluezone, ngoại trừ báo hàng ngày về tình hình dịch trên cả nước, app này chẳng hoạt động như tính năng cơ bản của nó là báo động chung quanh có thể có người đã nhiễm dịch.  Thành ra nó vô ích, chẳng giúp được gì, chỉ làm nặng máy.

Khi tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, lại xuất hiện rất nhiều tin nhắn dồn dập gởi đến cho nhiều người. Không cần biết giả thật, cũng chẳng cần suy nghĩ, rất nhiều người cứ nhận tin là phát tán thêm cho nhiều người khiến tin giả càng lan rộng. Ví dụ như hai hôm nay có một tin nhắn rất nhiều người nhận với nội dung: "Vừa rồi, đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta đã được tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; Nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, và điện thoại bị chặn, và thông tin ngân hàng trực tuyến và thanh toán swk thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển.

Mọi người cẩn thận nha. Nhanh tay chuyển đến cho nhiều người cùng biết. Chỉ cần bấm theo hướng dẫn của nó là trong 3 giây nó lấy đc hết thông tin tk ngân hàng, nó vô hiệu hoá điện thoại mình, máy chủ nó điều khiển. Khi nó rút tiền ngân hàng nó nhắn mã OPT vào số đt của mình nhưng nó nhận đc, máy mình vô hiệu hoá".

Thứ nhất, nếu tin này là có thật, chắc chắn báo chí hay trên các đài truyền thông của nhà nước đã cảnh giác đến nhân dân.

Thứ hai là nếu bấm vào một con số, cũng có thể hacker chiếm dụng quyền điều khiển điện thoại của mình, tôi nói có thể thôi, chứ việc này cũng khó. Nhưng không có số tài khoản, không mật khẩu, không có số bảo vệ của thẻ thì làm sao hacker có thể xâm nhập và rút tiền trong tài khoản của mình. Và không có những thứ ấy, ngân hàng làm sao có thể gởi OPT. Chỉ cần suy nghĩ như thế đã thấy tin nhắn này tào lao rồi. Thế mà tin cứ được gởi từ người này sang người khác như vết dầu loang. Nghĩ lại, dân mình cũng dễ tin thật! Ai nói gì cũng tin, ai chỉ gì cũng làm theo. Và rất nhiều người khi đưa tin đi cứ tự xưng mình là người trong cuộc.

Thành phố lâm vào cơn dịch đang tìm lối thoát cho nên mọi chú ý đều tập trung vào virus. Thế nhưng trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều căn bệnh giết người khác lúc nào cũng sẵn để xuất hiện. Biết bao bệnh nhân ung thư, bệnh mãn tính. Biết bao người lên cơn đau tim, đột quỵ. Biết bao tai nạn xảy ra trong một ngày. Con số tử vong vì những căn bệnh này cũng không phải là ít  trong một ngày. Thế nhưng trong mùa dịch, những bệnh nhân này ít được quan tâm chăm sóc như bình thường. Thiếu phương tiện để được cấp cứu. Cũng khó có chỗ nằm trong bệnh viện mùa dịch. Tất cả điều đó nên bệnh nhân dễ tử vong hơn trong những ngày thường. Và cũng mang lại bất hạnh cho nhiều gia đình. Nói chung bệnh phải vào bệnh viện lúc này dễ đưa đến nguy hiểm hơn ngày bình thường nên nếu tránh được thì tốt. Một người bạn của tôi là anh Lưu Bá Khoan, giáo viên dạy chung trường với tôi từ sau 1975 ở Củ Chi, sau đó chuyển về trường Nguyễn Trãi, quận tư cũng vừa qua đời vì virus Vũ Hán sau một thời gian ngắn nhiễm bệnh. Vĩnh biệt anh, người bạn hiền lành và rất tận tâm với học trò.

Khi ông Chủ tịch thành phố rời ghế ra trung ương, người ta lại nhớ đến Tổ Tư vấn chống dịch do ông thành lập quy tụ mấy ông Tiến sĩ chẳng liên quan gì đến y tế. Trước đó vào ngày 1.7 khi dịch đã bùng phát, Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Fulbright và Tech4Covid dự báo đến đầu tháng 8. 2021, dịch ở thành phố chỉ còn rải rác vài ca/ngày và sẽ kết thúc vào cuối tháng này nếu thực hiện nghiêm Chỉ thị 10. Sau đó, Tổ Tư vấn do TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được UBNDTP thành lập và giao ông này làm trưởng nhóm. Tổ này đã lập một bản báo cáo và thành phố đã dựa vào đấy để đưa các kịch bản chống dịch. Một nghiên cứu không đúng với thực tế diễn ra và đưa đến những hậu quả đáng tiếc cho thành phố như hôm nay. Thực tế cho thấy tổ tư vấn này sai bét nhè. Thế thì họ có trách nhiệm gì không? Có thể truy cứu trách nhiệm của họ không? Lỗi ở người lãnh đạo nhưng một phần cũng lỗi của những ông thầy dùi ăn ốc đoán mò. Họ cũng phải có tội chứ! Ít nhất cũng phải lên tiếng để nhận lỗi của mình. Đằng này im thin thít. Không phải lãnh vực chuyên môn của mình mà dám nhận và đưa ra quyết sách, đúng là một nhóm mù sờ voi, ếch ngồi đáy giếng.

Cho đến nay, sau hai năm xuất hiện và tàn phá, đe doạ khắp thế giới, người ta vẫn chưa hiểu hết về con virus Vũ Hán này. Nó càng ngày càng mạnh hơn, giết người nhanh hơn, lan truyền lẹ hơn và cũng lắm biến thể. Đã có vaccine, nhưng rồi tiêm vaccine vẫn nhiễm dịch và kháng thể càng lúc càng giảm. Lúc đầu người ta chích hai mũi Pfizer hay Moderna, Astra Zeneca. Giờ người ta cho rằng phải chích ba mũi thì mới hiệu nghiệm. Ban đầu các nhà khoa học bảo rằng 10 hay 15 phút tiếp xúc với người bệnh mới có thể lây. Giờ thì bảo chỉ cần 5 giây. Trước thì bảo tránh xa nhau 2mét, giờ lại nói nước bọt có vi khuẩn có thể bắn xa 5mét và thời gian sống của chúng lâu hơn, sức chịu đựng nhiệt độ cao hơn. Mỹ, Do Thái đã chích ngừa rất nhiều vẫn càng ngày càng tăng người nhiễm. Sau nhiều tháng tìm hiểu, nghiên cứu xuất xứ của virus, tình báo Mỹ và cả thế giới nữa cũng chẳng trả lời được con virus này bắt nguồn từ đâu và nguyên nhân xuất hiện của nó. Nói tóm lại, cho đến bây giờ, thế giới cũng chẳng biết gì thêm về nó ngoại trừ nó đã giết chết gần 5 triệu người. Chỉ thế thôi.

Ngoài vaccine, các nhà khoa học trên thế giới và các hãng bào chế đang cố gắng tìm ra một loại thuốc để có thể chữa căn bệnh này. Đã có nhiều tìm tòi, sáng chế được đưa ra nhưng vẫn còn chờ thời gian để trả lời. Hôm qua trên báo chí nước ngoài lại rộ lên tin tác dụng chữa virus VũHán bất ngờ của loại thuốc chống trầm cảm rẻ tiền fluvoxamine có thể đưa đến kết quả đáng phấn khởi. Đa số thuốc điều trị đã được thử nghiệm đều chưa có kết quả tốt, nhưng nghiên cứu mới có quy mô lớn chỉ ra rằng thuốc fluvoxamine có thể có kết quả khác biệt. Nghiên cứu TOGETHER được thực hiện trên 3.000 bệnh nhân, trong đó 800 người sử dụng fluvoxamine, đã ủng hộ và củng cố các kết quả hứa hẹn của các nghiên cứu trước đó.

Fluvoxamine là một loại thuốc chống trầm cảm mà Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã công nhận là an toàn và thông dụng. Nhân loại đang mong chờ tin này là sự thật để có thể khống chế dịch bệnh đang đe doạ khắp nơi trên thế giới.

Con số tử vong cao cũng như việc nhiễm dịch không biết đâu mà lường khiến con người đành tìm đến đức tin. Lấy đức tin làm năng lượng tích cực trong cơn hiểm nghèo. Virus đang mang đến loài người một cuộc chiến tranh nhưng hoàn toàn không giống các cuộc chiến tranh từ trước đến nay. Nó vô ảnh, vô hình. Nó thầm lặng giết người từ trong không khí loài người đang thở. Và người nhiễm bệnh nặng lại cần có hơi thở để sống. Chiến tranh bom đạn còn có chỗ để ẩn nấp, để trốn chạy. Còn với con virus này, con người khó có chỗ ẩn thân. Có người mang bệnh nhưng chẳng sao, như một cơn cúm bình thường nhưng cũng có người dính vào một thời gian là hết cứu. Chính vì khó lý giải nên người ta đành tìm cho mình một đức tin rồi dựa vào đấy để sống bởi họ chẳng còn tin vào ai, tin vào cái gì nữa. Khi xác chết xếp hàng trong từng dãy xe lạnh, khi các lò thiêu quá tải, khi con người bất lực trước cái chết thì chỉ còn đức tin để khẩn cầu tai qua nạn khỏi mà thôi. Chết vì dịch và ngã quỵ vì đói, cả hai đe doạ con người, nhất là những người nghèo không còn phương sinh kế. Dù chính quyền đã hết sức nỗ lực, nhưng vẫn còn đó những tiếng kêu than của nhân dân lao động nghèo đang đói ăn. Trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều tiếng kêu than đó. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có thêm nhiều người chết vì thiếu ăn và thiếu thuốc chữa bệnh. Thiếu ăn, sức đề kháng kém, F0 đầy trong cộng đồng nên virus dễ xâm nhập và đánh gục họ. Tính đến hôm nay, thành phố đã lấy được 1.436.922 mẫu test nhanh, phát hiện 54.498 ca dương tính. Tỉ lệ ca dương tính trên tổng số mẫu lấy gần 3,8%. Một tỷ lệ khá cao làm nhiều người lo lắng.

Tự mỗi người bảo vệ lấy mình, cùng gia đình dặn dò bảo vệ nhau. Thôi bớt những sân si, hờn giận. Bớt những tranh đua vô bổ. Hãy tập yêu thương. Cùng tìm cho mình một niềm tin, cố lạc quan mà sống cho qua cơn đại dịch. 

29.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi hai

DODUYNGOC







Lại thêm một ngày nữa, thêm một ngày chịu đựng, thêm một ngày chứng kiến cơn đại dịch bùng phát, thêm một ngày nơm nớp lo âu. Những con số không chịu ngừng lại, những khoanh tròn đen trên facebook vẫn lần lượt xuất hiện báo hiệu những mất mát và tang thương. Cơn bệnh nặng của Sài Gòn vẫn chưa chịu thuyên giảm.

Tự nhủ cố gắng, cố gắng lạc quan, cố gắng lòng tin. Tự nhủ mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều người khi còn được ở yên trong căn nhà của mình, còn được ngày hai bữa cơm dù có thể không ngon, không lắm món như thường ngày. Vẫn còn được thở bằng chính hơi thở của chính mình, được gần gũi với những người thân thuộc. Trong khi ngoài kia, biết bao người phải xa nhà, lìa xa con cái, cách xa cha mẹ, ông bà để đứng trên tuyến đầu chống dịch đến kiệt sức. Trong khi trong nhiều xóm nhỏ, biết bao người, biết bao cảnh ngộ đang thiếu ăn, đang bế tắc trong cuộc sống không lối ra. Trong khi ngoài kia, biết bao người bệnh đang cần một chỗ nằm, đang cần một hơi thở để được sống. Trong khi ngoài kia, biết bao gia đình đã tan tác, cha lìa, người thân rời nhà và trở về trong hủ cốt. Thế thì thôi, đừng trách móc nhau nữa, đừng chửi rủa nhau nữa, đừng thù hằn nhau nữa. Tham lam, sân hận để làm gì khi ranh giới của sinh tử chỉ là một khoảnh khắc. Lên án nhau làm gì khi biết bao số phận lặng lẽ cúi đầu gánh lấy những khốn khổ của cuộc đời. Hơn nhau làm chi khi cả thành phố trong cơn đau nặng. Sung sướng gì, hả hê gì, đắc thắng làm gì khi cả nước đang oằn mình gần như kiệt sức để vẫy vùng thoát khỏi cơn đại dịch. Miệng nói yêu nước, thương dân mà không chia sẻ nỗi đau của đồng bào khi hoạn nạn mà chỉ rình mò để chửi rủa, để thoá mạ, để thoả cái tự ái của cá nhân. Đó cũng có thể xem như là tội ác. 

Tháng bảy mưa dầm dề, trời phương Nam mang một màu u ám. Những con đường vắng về đêm như thành phố ma làm hoảng sợ những người yếu bóng vía. Người chết nhiều quá, những oan hồn vất vưởng hoà với quỷ ma mùa xá tội vong nhân. Mùa Vu Lan đầy những hoa trắng cài lên ngực nhưng lại thiếu những mâm cúng và tiếng kinh cầu. Một tháng bảy u buồn lắm bi thương. Có một tiếng đàn piano lạc lõng từ căn nhà hàng xóm, một tổ hợp hợp âm buồn của một ca khúc buồn hiu. Tiếng chim sẻ không còn ríu rít trong sân vườn vì mưa, ngày lặng lẽ đến và lặng lẽ đi qua bất kể những nỗi đau đang hiện diện. Thời gian như một tiếng thở dài. Biết đến bao giờ được trở lại những ngày tháng cũ. Những tháng năm bình thường của cuộc sống. Người ta thường thấy tiếc nhớ những gì đã bị đánh mất. Những thứ khó tìm lại được vì sau cơn đại dịch này, mỗi người đã có cách sống khác, suy nghĩ khác và nhiều người đã có hoàn cảnh khác. Tiêu cực hơn hay tích cực hơn, cũng tuỳ tình cảnh của mỗi người.

Sài Gòn vẫn giới nghiêm. Sài Gòn vẫn đầy người dính bệnh. Những biện pháp, kế hoạch chống dịch vẫn  tiếp tục được thi hành. Có cảm giác nhà nước và chính quyền đang cố gắng hết sức trong trách nhiệm của mình, nhưng nhiệm vụ quá khó khăn. Dân đâu đó vẫn còn kêu than, đâu đó vẫn còn bất bình dù hàng triệu gói cứu trợ đã xuất ra và đến với dân. Trong góc khuất nào đó của thành phố này vẫn có người đang đói. Con số 1022 chưa làm tròn trách nhiệm của nó. Ông Thủ tướng đã một lần khi đến thăm một khu lao động nhờ dân gọi đến trước sự chứng kiến của ông nhưng tổng đài không hoạt động. Thế dân biết kêu vào đâu nữa khi thiếu ăn cần hỗ trợ. Thực hiện một tổng đài nhận yêu cầu, đề nghị của dân làm việc 24/24 không khó. Rất nhiều công ty, doanh nghiệp làm được chuyện này rất dễ dàng, không bao giờ để khách hàng chờ đợi. Thế sao Mặt trận Tổ Quốc Thành phố không làm được, những số khẩn cấp để dân cần dân kêu không làm được? Thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm với nhân dân, vô cảm trước những nỗi khổ của dân, tư duy mặc kệ chúng nó là những lý do cơ bản khi con số điện thoại liên lạc này khó kết nối.

Rất nhiều người nghèo trong con dịch này sống được qua ngày nhờ những tổ chức, cá nhân thiện nguyện. Biết bao người được cứu sống kịp thời nhờ những chuyến xe mang oxy cho người cần. Biết bao gia đình đã phần nào được an ủi và thoát được khó khăn khi nhóm Mai táng không đồng đến đúng lúc lo hậu sự cho người chết. Nếu Sài Gòn không có những nhóm thiện nguyện như thế này, Sài Gòn chắc sẽ còn lắm bi thương hơn nữa. Thế nhưng, khi Sài Gòn giới nghiêm, tối ngày 26.8, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch, các phóng viên cơ quan báo chí đã đưa ra nhiều thắc mắc khi một số nhà hảo tâm, hội nhóm thiện nguyện không xin được giấy đi đường do Phòng CSGT đường bộ, đường sắt TP.HCM (PC08) và Công an quận, huyện, TP.Thủ Đức cấp.

Trao đổi về những thắc mắc này, đại diện Công an TP.HCM cho biết rất chia sẻ và ủng hộ việc một số cá nhân, tổ chức chung tay cùng cơ quan nhà nước chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên theo Công an TP.HCM, việc hội nhóm thiện nguyện di chuyển trong thời gian giãn cách cũng có thể phát sinh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, không an toàn cho chính cá nhân đi làm từ thiện. Đồng thời việc cấp giấy này sẽ không đạt mục đích tăng cường giãn cách xã hội của TP.HCM là “ai ở đâu, ở yên đấy”.

Liên quan đến việc làm từ thiện của các hội nhóm thiện nguyện, đại diện Công an TP.HCM cho rằng quan điểm của TP là tổ chức tập trung. Vì vậy, hội nhóm thiện nguyện khi tiếp nhận ủng hộ, có thể liên hệ, đưa nhu yếu phẩm về Tổ công tác đặc biệt tại địa phương để đưa đến những nơi có nhu cầu. Hoặc hội nhóm thiện nguyện có thể ở nhà báo cho lực lượng tại địa phương tới tiếp nhận nguồn hàng.

Trước phát biểu này của công an thành phố. Nhiều tổ chức, cá nhân làm từ thiện lâu nay đã có ý kiến. Theo họ, khi chủ trương không cấp giấy đi đường cho những người làm thiện nguyện là thiển cận, máy móc và thất nhân tâm. Việc từ chối này cũng là chối bỏ một thực tế khi cho rằng tấm lòng từ thiện rộng lớn lâu nay của người Sài Gòn là nhỏ lẻ, nghĩ như vậy là phủ nhận tình cảm của người Sài Gòn với đồng bào của mình. Từ khi có dịch, Nhóm Oxy cho sự sống của bác sĩ Xuân Sơn Võ đã cung cấp oxy cho mấy trăm người bệnh. Trạm Oxi cộng đồng Sài Gòn đã hỗ trợ hơn 1.500 ca cấp cứu khẩn. Nhóm Giang Kim Cúc và các Cộng Sự với “Quỹ từ thiện mai táng 0 đồng” hỗ trợ, vận chuyển, mai táng miễn phí bà con có hoàn cảnh khó khăn không may mất vì mắc dịch. Hàng trăm bếp ăn, tổ chức từ thiện tại SG cung cấp hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn suất ăn/ngày cùng hàng ngàn tấn lương thực cho bà con nghèo... Những đóng góp đó, những tấm lòng đó không thể gọi là nhỏ lẻ được. Chính nhờ những hành động từ thiện cao cả này đã giúp rất nhiều cho con dân thành phố khi chính quyền chưa chăm lo hết được cho dân, khi nhà nước chưa có chính sách cụ thể, đang lúng túng để tiếp cận lo cho người nghèo.

Đại diện cho Công an TP.HCM cho rằng:" “Nhóm đối tượng này nên tập trung lại theo tổ chức hoặc chuyển về tổ công tác đặc biệt để đưa về các nơi có nhu cầu”. Có nghĩa là sẽ tập trung về cho các tổ chức nhà nước? Hãy nhìn vào sự thật là các tổ chức của chính quyền đã bất lực trước công việc này, thực tế đã chứng minh điều đó. Hơn nữa, giao cho tổ chức nhà nước thường xảy ra tình trạng túi từ thiện không đến đúng nơi, đúng người đáng được nhận, điều mà các nhóm, đội từ thiện làm được một cách dễ dàng. Hơn nữa, kiểu thủ tục rắc rối và đẩy qua đưa lại quả bóng trách nhiệm của các tổ chức địa phương khiến công chuyện chậm trễ và không kịp thời cứu giúp được cho người cần. Và cuối cùng, cũng xin nói thật mất lòng là những người mạnh tường quân, những người làm từ thiện không tin vào các tổ chức của nhà nước nên không chấp nhận tập trung để giao cho" Các tổ công tác đặc biệt”. Hiện nay, địa phương nào cũng thành lập cái tổ này, nhưng chỉ có việc lưu tâm giúp đỡ những F0 cách ly điều trị tại nhà với điều phối mua hàng hộ mà còn rối như gà mắc tóc thì thử hỏi giao thêm cho tổ này chuyện lo oxy, lo cơm cho người nghèo, lo áo quan và đem thiêu cho người chết, thử hỏi tổ công tác đặc biệt này làm có nổi không, hay là rồi bỏ mặc cho dân đói, không có oxy để chết và chết rồi chẳng ai lo? Tước đi việc để cộng đồng góp phần vào công việc chống dịch là một cách làm thiếu suy nghĩ. Cấm các tổ chức từ thiện tham gia bằng cách không cấp cho phép họ đi hoạt động là việc làm thất nhân tâm. Công an thành phố nên chấn chỉnh lại quy định này.

Một tin gây lo ngại cho rất nhiều người là vừa qua Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide.Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.

Hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm 2 sản phẩm của Việt Nam là mì tôm chua cay Hảo Hảo và miến Good vị sườn heo - đều do công ty Acecook Việt Nam sản xuất; và 1 sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc - đó là mì Yato vị hải sản. Việt Nam đã là nước dùng mì gói nhiều, đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Đang lúc giãn cách, giới nghiêm hình như nhà nhà đều ăn mì, thùng quà nào cho dân cũng có mì. Tin này làm dân lo là đúng chứ. Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm về thực phẩm cũng như hãng sản xuất phải giải thích tường tận chuyện này. Nếu là thật thì chúng ta đang bị đầu độc tập thể à?

Đọc báo thấy hiện giờ vaccine đã về với số lượng nhiều ở Việt Nam. Dân mong vaccine. Người chưa được chích mong được chích. Người đã chích mũi 1 ngóng chờ mũi 2. Vì ai cũng hiểu chỉ có vaccine thì mới mong dập được dịch dù biết rằng đã tiêm chủng cũng có thể nhiễm bệnh, nhưng sẽ hạn chế được số tử vong. Mà giảm tử vong là điều mà nhà nước và toàn dân mong ước lúc này. Sống chung với dịch là chuyện không thể tránh, nhưng có vaccine, dân an lòng hơn nhiều lắm.

Toàn thành phố đã ghi nhận gần 200.000 trường hợp mắc bệnh dịch, một nửa trong số đó đã được điều trị khỏi, xuất viện về nhà. Cuộc chiến với dịch bệnh dự báo còn nhiều khó khăn, thành phố đang tăng cường các giải pháp phòng chống và hỗ trợ tích cực cho người bệnh.

Tuy nhiên, trong ngày cũng ghi nhận thêm 287 trường hợp tử vong nâng tổng số tử vong vì virus tại thành phố lên 8.097 trường hợp.

Giờ đã là trưa, Sài Gòn vẫn có mưa, bầu trời vẫn một màu u ám. Mong một ngày nắng ráo, dịch bị kềm hãm để được chạy ra phố, nhìn thấy đường chen chúc người hoặc kiếm con đường thân quen, rú ga đến gặp bạn bè. Mong lắm Sài Gòn thân yêu ơi!

28.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi mốt

DODUYNGOC






Thế là đã qua đến ngày thứ năm mươi Sài Gòn bị phong toả. Giờ là giới nghiêm. Gần hai tháng nằm yên một chỗ, thèm được ngắm phố phường mà không dám đi mà cũng chẳng ai cho phép đi. Nhiều anh em cầm máy ảnh cũng giống tôi muốn ghi lại hình ảnh của một Sài Gòn vắng lặng với nhiều cảnh đau thương. Những hình ảnh hiếm có của cơn đại dịch đi qua thành phố này. Nó sẽ là những tư liệu rất quý giá sau này. Nhưng tiếc là không làm được. Kiếm cái giấy để đi đường cũng không khó, nhưng tuổi đã lớn nên xông pha ra ngoài cũng ngại đành ôm cục tiếc suốt ngày xem hình của nhiều bạn nhà báo trẻ. Chỉ riêng chụp tất cả những chỗ giăng dây, kẽm gai, chốt chặn cũng đã có trong tay một kho tư liệu quý. Hay chỉ cần chụp những con phố Sài Gòn ban ngày và ban đêm, những cảnh một Sài Gòn đìu hiu, vắng lặng chưa từng có trong lịch sử của thành phố này kể cả thời chiến tranh căng thẳng nhất. Những tấm ảnh tang thương của những người tử vong, cảnh thiêu xác, cảnh ngập người trong những bệnh viện, trong những khu cách ly. Cảnh những con hẻm, xóm nghèo với những người đang đói chờ hộp cơm của người thiện nguyện. Tất cả đều là đề tài để có được những bộ ảnh có giá trị tư liệu cao. Đành ngồi lưu giữ những hình ảnh thấy được trên báo, trên mạng cất giữ. Hồi nạn đói năm Ất Dậu 1945, nếu không có những tấm ảnh ghi lại của Cụ Nguyễn An Ninh, người ta sẽ khó hình dung thời kỳ khốn khổ đó của miền Bắc Việt Nam. Đại dịch bây giờ cũng thế, những tấm ảnh chụp được trong những ngày này sẽ là những tấm ảnh lịch sử. Có nhiều tổ chức của nhà nước phát động phong trào sáng tác nghệ thuật về cơn đại dịch này. Thế nhưng, dù chưa có kết quả các cuộc thi, người ta cũng đoán biết trước những tấm ảnh, những bài ca, những bài thơ, những bức tranh được giải sẽ không nói được thực tế của những góc khuất, nhưng đau thương và mất mát của những người đau đớn trong cơn đại dịch. Và những tác phẩm đấy chỉ là sản phẩm để tuyên truyền chứ không nói lên được không khí và hậu quả thê lương và số phận bi ai của người dân trong mùa dịch.

Trở lại chuyện đi chợ hộ cho dân. Hôm qua, trên báo chính thống cũng như trên mạng xã hội rộ lên nhiều tin cho thấy mô hình này mới triển khai đã bộc lộ nhiều lúng túng, nảy sinh những tình huống mà cả cán bộ đi mua hàng hộ lẫn người dân không mong muốn. Kết hợp công nghệ, trong đó có liên lạc qua Zalo nhưng công việc của các thành viên vẫn rất vất vả. Cách thức tiến hành qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên, tổ chốt đơn sẽ nghe điện thoại tiếp nhận thông tin từ người dân và lên đơn. Sau đó, tổ giao hàng mang đơn đến các siêu thị, phối hợp cùng nhân viên siêu thị lựa chọn, thanh toán và giao đến tận tay người dân. Các công đoạn tưởng giản đơn vậy nhưng khi thực hiện lại vướng nhiều trở ngại. Bộ phận nhận đơn suốt ngày đêm phải trực máy dù sáng sớm hay đêm khuya. Nhiều nơi chưa gắn với công nghệ, cán bộ phụ trách in các mẫu yêu cầu, phát tay cho người dân. Sau khi điền xong, người dân chụp lại và gửi cho các đầu mối. Cách làm này được nhiều người dân góp ý tốn thời gian, vừa cực công cho các cán bộ phụ trách. Khi mua hàng, lại thiếu sự đồng bộ giữa các siêu thị, cửa hàng với cán bộ đi chợ hộ cũng là một vấn đề, đặc biệt với địa phương không áp dụng mua hàng theo combo. Người đi mua hàng hộ ngoài việc phải lựa chọn hàng hoá đúng yêu cầu nhưng lại thiếu kinh nghiệm, họ còn phải mất rất nhiều thời gian để trao đổi với người mua nếu siêu thị hết hàng hay không có mặt hàng theo yêu cầu. Lại có dư luận khi giao hàng, các thành viên đội hình đi chợ hộ đối mặt với nguy cơ bị "bom" tiền và hàng. Nếu chuyện này có thật, thiết nghĩ tổ công tác của tổ dân phố, của phường sẽ nắm rõ cá nhân người mua và có biện pháp ngay chứ. Làm sao có chuyện đặt hàng rồi bỏ không nhận hàng cũng không trả tiền được. Theo quy định, người mua phải chuyển tiền qua tài khoản để tránh sử dụng tiền mặt dễ truyền virus. Nhưng rất nhiều hộ gia đình, nhất là người ở khu lao động, vốn nghèo thì làm gì có tài khoản mà chuyển, hoặc trong tài khoản cũng chẳng còn tiền sau mấy tháng thất nghiệp. Cho nên cũng có thể có cảnh cán bộ phụ trách ứng tiền trước cho các đơn hàng. Đến khi người dân nhận được, họ mới chuyển khoản trả lại. Việc này có thể có, nhưng chắc hiếm vì tổ công tác làm gì có sẵn tiền mà trả trước cho cả trăm cái đơn hàng. Bởi vậy, việc bom hàng hay đặt hàng xem thử cho vui thiết nghĩ cũng khó xảy ra. Nếu thật sự có việc này thì có thể xem hành vi này không chỉ là vô ý thức mà còn là trò đùa độc ác, có tính phá hoại cần phải có ngay biện pháp xử lý.

Hôm qua, 26.8 TP.HCM ra mắt đội shipper tình nguyện. Đội tình nguyện viên có vai trò hỗ trợ nhận, vận chuyển hàng hóa đến người dân khó khăn do dịch tại thành phố. Đội này do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Trung tâm An sinh TP tổ chức với 700 thành viên.

Mỗi nhóm có 10-14 thành viên, phân công nhóm trưởng, trực thuộc đội theo quận, huyện, TP Thủ Đức. Mỗi phường, thị trấn có tối thiểu 2 và mỗi xã có 3 shipper tình nguyện. Mỗi shipper tình nguyện được hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng; cung cấp suất ăn trưa, tối và 500.000 đồng/người/tháng phụ cấp xăng xe, điện thoại.

Nhiệm vụ của đội shipper tình nguyện là giao lương thực, thực phẩm từ tổ an sinh các phường, xã, thị trấn trên địa bàn đến từng hộ dân.

Đọc tin này, nhiều người tự hỏi thế đội quân của quân đội mấy hôm rồi rầm rộ xuất hiện trên báo chí, truyền hình ghi cảnh đi trao hàng cho dân rồi sẽ làm gì khi đã có 700 shipper tình nguyện viên này. Nếu vẫn giữ lực lượng quân đội thì có chuyện giẫm chân nhau hay thừa thãi hay không? Thực ra, quân đội nên nhận trách nhiệm bảo vệ an ninh, trật tự là phù hợp nhất. Làm việc đi chợ và phát hàng hoá cho dân không đúng việc của quân đội và họ sẽ chắc chắn không làm tốt công việc này như các shipper. Một điều khó hiểu nữa là thành phố đã có một lực lượng shipper chuyên nghiệp, lành nghề và nhiều kinh nghiệm của 5 công ty vận chuyển hàng. Tại sao không tận dụng lực lượng đó mà phải tổ chức thêm một đội shipper tình nguyện. Gọi là tình nguyện nhưng họ vẫn có tiêu chuẩn, vẫn có lương và phụ cấp chứ đâu phải làm không công. Luẩn quẩn, loanh quanh khó hiểu quá!

Từ chuyện shipper lại qua chuyện đồng phục cho công chức để đi đường trong thời kỳ thành phố giới nghiêm. Theo công văn số 2850 ban hành tối 23.8 của Ủy ban NDTP công chức nhà nước khi di chuyển phải mặc đồng phục và việc lo trang bị và phân bố đồng phục nhận diện cho công chức trong những ngày tới theo Công văn 2976 vẫn được nhắc lại để triển khai. Công văn này do Phó chủ tịch Lê Hòa Bình ký, có nêu việc trang bị và phân bổ áo nhận diện cho cơ quan, đơn vị có liên quan được thực hiện như sau: Đối với cấp thành phố, UBND TP giao cho Sở Công thương, Bộ tư lệnh TP chuẩn bị số lượng áo nhận diện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Công văn 2796 ngày 21.8.2021. Giao cho Sở Nội vụ chịu trách nhiệm phân bổ cho các cơ quan khối Đảng, Đoàn thể, các sở, ban ngành thành phố và các ban quản lý trực thuộc UBND TP; giao cho các sở ban ngành thành phố chịu trách nhiệm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc. 

Không hiểu chính quyền sao bày lắm việc thừa thãi thế này? Các ông định kéo dài giới nghiêm bao lâu nữa mà nghĩ ra đồng phục cho công chức. Theo chỉ thị thì thành phố sẽ giới nghiêm trễ nhất là đến 15.9 và quyết tâm đến đó là ổn định được tình hình. Thế chỉ còn hơn nửa tháng nữa thôi, bày ra may sắm đồng phục để làm gì? Vừa tốn kém lại vừa chẳng có lợi chi cả. Trong lúc nhiều khó khăn như thế này, thử hỏi nguồn lực, nhân lực đâu giờ này để may áo quần nhận diện cho công chức? Đúng ra, nhiều ban ngành, cơ quan nhà nước lâu nay đã có đồng phục riêng cho đơn vị mình, mỗi cá nhân công chức cũng đã có thẻ, có giấy đi đường cả rồi, sắm thêm bộ đồng phục làm gì nữa, đúng là vẽ rắn thêm chân. Mấy hôm rồi việc quy định giấy đi đường thay đổi xoành xoạch đã khiến cơ quan, doanh nghiệp đau đầu, giờ lại thêm cái bộ đồng phục. Việc cần thiết lúc này là tìm phương kế để kềm hãm dịch, là tập trung cho việc cứu đói, là tìm cách ổn định xã hội, an dân. Chuyện đồng phục nên quên đi các vị ạ. Số tiền dùng để may đồng phục nên đem vào quỹ cứu nghèo, cứu đói thì phù hợp hơn nhiều.

Cho đến nay, việc lưu thông hàng hoá cũng vẫn gặp nhiều vướng mắc. Nhiều địa phương tự ra luật riêng của địa phương mình, không tuân thủ các chỉ thị của chính phủ. Chiều 25.8 một cuộc họp trực tuyến cùng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các tỉnh, thành về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nông sản. Rất nhiều ý kiến phản ánh, sau khi một số địa phương áp dụng biện pháp giãn cách tăng cường, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đang có nhiều khó khăn khiến chỗ thì thừa hàng hoá phải huỷ bỏ, nơi thì thiếu hàng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng tất cả hàng hóa đều là thiết yếu, trừ hàng cấm, tất cả đều quan trọng. Thế nhưng sau đó, mọi việc vẫn như cũ, mỗi địa phương vẫn có một luật riêng.

Ngày 26. 8: Có thêm 11.575 ca virus Vũ Hán, cả nước giảm 524 ca, thành phố giảm 1.360 ca so với ngày hôm qua. Cũng trong ngày 26.8, lực lượng Công an đã tiến hành xét nghiệp sàng lọc cho hơn 800 người sống lang thang tại TPHCM và phát hiện có 69 trường hợp dương tính với virus Vũ Hán.

Hôm nay 27.8, thành phố có thêm 2.121 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện đến nay là 97.719 bệnh nhân. TP tiếp tục không ghi nhận ổ dịch mới cần theo dõi. Hiện còn 16 ổ dịch đang diễn tiến.

Trưa 27-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) cho biết tính đến thời điểm này TP có 194.596 trường hợp mắc virus Vũ Hán, trong đó 194.159 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 437 trường hợp nhập cảnh.

Mong cho các con số càng ngày càng giảm, mong cho cuộc sống bình an đến với mọi người.

27.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi

DODUYNGOC
































Tôi là người lạc quan, ngay trong những thời kỳ đen tối, bế tắc nhất của cuộc đời, tôi vẫn vững lòng tin. Ngay từ khi dịch bùng phát mạnh ở Sài Gòn, trong bài viết đầu tiên trong Nhật ký Sài Gòn lockdown, tôi vẫn tin là Sài Gòn rồi sẽ sớm qua cơn bệnh nặng. Thế nhưng nhật ký đến hôm nay đã đến con số bốn chín, vẫn chưa thấy lối thoát nào, vẫn con số người nhiễm và tử vong càng lúc càng nhiều. Bạn bè, người thân, người quen biết nhiều người đã ra đi. Trong giới nghệ sĩ, anh em chơi nhạc và nhiều giới khác đã chết vì virus Vũ Hán. Toàn là những người tài hoa, là những người cống hiến nhiều cho xã hội. Tiếc nuối, buồn đau và giận dữ nhưng đành bất lực, chẳng còn biết trách ai. Con số tử vong ở thành phố lên đến 7.568 ca trên 190.166 người nhiễm bệnh, chiếm tỷ lệ 3,98%, có lẽ là cao nhất thế giới tính đến hôm nay. Tin trên báo hôm qua chạy tít"Thêm 335 bệnh nhân tử vong, tỷ lệ ca chết do COVID-19 tại Việt Nam cao hơn thế giới". Một con số lạnh lùng mang nhiều bi thương. Và chắc chắn con số ấy sẽ không dừng lại đấy. Thành phố đang tiến hành xét nghiệm mở rộng, và kết quả mấy ngày qua làm cho nhiều người khó mà lạc quan. Trong ngày 25.8, ca F0 trong cộng đồng tại thành phố vẫn ở mức rất cao, tỷ lệ này chiếm gần 84% tổng số F0 mới, trong đó nhiều quận, huyện ghi nhận hầu hết F0 mới đều là ca cộng đồng.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin TP.HCM lúc 20h ngày 25.8, xét nghiệm 146.079 mẫu, ghi nhận 5.268 ca mắc mới, trong đó có đến 4.413 ca cộng đồng.

Như vậy, tỉ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm 3,6% nhưng tỉ lệ ca cộng đồng chiếm gần 84% so với tổng số ca mắc. So với ngày 24.8, số mẫu xét nghiệm được lấy trong hôm nay tăng hơn 8.100 mẫu, tỉ lệ F0 trong cộng đồng không giảm.

Đáng chú ý, tại quận Bình Tân, trong ngày 25.8, quận phát sinh 388 ca dương tính thì tất cả đều là ca tầm soát ngoài cộng đồng và trong bệnh viện (chiếm 100%). 

Ở các quận 4, 5, 7, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Hóc Môn... tỉ lệ F0 trong cộng đồng so với tổng ca mắc cũng chiếm trên 90% đến gần 100%.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn thành trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0h ngày 23.8. Lãnh đạo y tế thành phố lưu ý con số phát hiện dương tính sẽ không ngừng lại mà sẽ tăng nhiều hơn trong thời gian tới và khuyên nhân dân nên bình tĩnh vì nó nằm trong kịch bản đã được dự báo. Nhưng dân thì không thể không hoang mang vì như thế là chúng ta đang sống chung với F0. Điều kiện sinh hoạt của đa số người dân thành phố trong các khu dân cư vốn san sát nhau, sinh hoạt cận kề nhau thì không thể không dính dịch khi chung quanh đầy F0. Con số người dương tính càng ngày càng cao dù nhà nước đã ban bố rất nhiều chỉ thị, văn bản để hạn chế người dân ra đường. Có thể là do xét nghiệm mở rộng, nhưng con số đó cũng là kết quả của những lần đổ xô chen lấn mua hàng khi nghe lệnh siết chặt của thành phố. Lại thêm tình trạng ùn ứ nơi các chốt chặn, giao lộ khi kiểm tra giấy đi đường, cài đặt app để lấy mã code. Rồi tập trung xét nghiệm, tiêm chủng. Rồi bộ phận y tế không thực hiện đúng yêu cầu khi test hay tiêm chích, không sát trùng, không thay găng, sử dụng thiết bị cho quá nhiều người...F0 cao xuất phát từ những lý do này.

Bây giờ, vấn đề đặt ra là số lượng F0 quá nhiều như thế, chỗ nào cho bệnh nhân nằm để điều trị. Một số chưa có triệu chứng thì có thể cách ly điều trị tại nhà, nhưng những người trở nặng thì cầm chắc cái chết. Vậy thì bóc, tách F0 để làm gì nữa khi nó đã tràn lan và không có một biện pháp khả thi để giải quyết? Tôi trở lại ý kiến tập trung vào đối tượng dễ nguy hiểm nhất là người già và có bệnh nền thay vì tốn nhiều nhân lực và tiền của để bóc, tách F0. Việc quan trọng nhất bây giờ là giảm tử vong và người bệnh nặng có được giường để nằm, có oxy để thở, có bác sĩ để theo dõi.

Lực lượng y tế đã kiệt sức, nhiều người đã rút lui, vẫn có người gắng trụ lại nhưng tỷ lệ một bác sĩ với vài trăm người bệnh thì bất khả, không làm sao xử lý kịp thời. Báo cáo tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết hiện tỉnh có 74.000 ca F0, tập trung chủ yếu ở 15 phường của 2 huyện “vùng đỏ” với khoảng 1 triệu dân. Khó khăn lớn nhất của tỉnh lúc này là quá tải về y tế.

“Cơ sở vật chất thì tỉnh xây được nhưng lực lượng y tế, bác sĩ thì không có”, ông Minh nói. Ông cho biết tỉnh đã xây 58 khu thu dung ở vùng xanh với 17.000 chỗ nhưng hiện mới chỉ bố trí được 17 bác sĩ.

“Như vậy, 1 bác sĩ phụ trách 1.000 người ở cả 3 cơ sở thu dung”, ông chia sẻ khó khăn của tỉnh.

Một bác sĩ phụ trách 1.000 người thì chỉ có nước nằm chờ chết thôi, không còn cách nào khác. Theo các bác sĩ, bệnh dịch này trở nặng rất nhanh, chỉ càn không kịp theo dõi là bệnh nhân đi đến cái chết ngay.

Thành phố đã trải qua chỉ thị 10, 12, đến 15, 16, 16+ và giới nghiêm toàn phần với nhiều lúng túng và các chỉ thị chồng chéo, bất nhất. Lãnh đạo cũng khó khăn, dân cũng khổ mà đội ngũ y tế cũng lao đao. Giờ có thêm quân đội hỗ trợ bảo vệ trật tự an ninh và lưu thông lương thực. Không biết bao giờ mới hết giăng dây, kéo hàng rào dây kẽm. F0 nhiều như thế thì dây giăng với kẽm gai ngăn chận trở thành vô ích. Người dân trông chờ vaccine, đa số đã tiêm mũi 1, băn khoăn không biết bao giờ được tiêm mũi 2. Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã tiến hành tiêm mũi thứ 3 mà nóng ruột. Tại họp báo chiều 25.8, ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Y tế cho biết hiện nay thành phố đã tiêm mũi 1 cho hơn 76% người dân trên 18 tuổi, 3,1% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. Kế hoạch của TP là nhanh chóng phủ mũi 1 vắc xin.

Ông cũng cho hay, hiện nay kế hoạch tiêm mũi 2 đã lồng vào kế hoạch tiêm mũi 1, theo thời hạn khuyến cáo của nhà sản xuất.

Nếu người dân tiêm vắc xin ở đợt 4 bắt đầu từ ngày 21.6 thì theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc xin AstraZeneca tiêm mũi 2 từ 8-12 tuần. Nhưng theo đánh giá, thời điểm sau 12 tuần là hiệu quả nhất của vắc xin, tạo kháng thể cao nhất. Theo đó, việc tiêm mũi 2 vắc xin này rơi vào giữa tháng 9.

Tương tự đối với mũi 2 vắc xin Pfizer là từ 3-4 tuần, Moderna là 4 tuần và Vero Cell là 4 tuần. Thế nên cứ chờ thôi. Hiện đã có nhiều vaccine về  tới Việt Nam, hi vọng thành phố sẽ được phân phối đúng với nhu cầu để mau chóng kềm hãm được dịch.

Khi đã được tiêm chủng đủ hai liều, như thế giới hiện nay chủ trương là sống chung với dịch. Bởi không thể nào tách hay xoá được con virus. Nó sẽ hiện diện tiếp tục trong đời sống của chúng ta. Như vậy, vẫn tiếp tục tự bảo vệ mình bằng những biện pháp của y tế yêu cầu. Không thể chủ quan sau khi đã tiêm chủng. Tình hình dịch bệnh của thế giới hiện nay đã cho thấy rõ điều đó.

Trở lại việc lưu thông hàng hoá, dù chính phủ đã nhiều lần yêu cầu bỏ việc kiểm tra với xe QR Code, thông suốt vận chuyển hàng hoá, song nhiều địa phương vẫn tiếp tục quy định các giấy phép con, “làm khó” doanh nghiệp. Trong văn bản hoả tốc gửi các địa phương hôm 25.8, Bộ GTVT đề nghị bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp trong kiểm soát hàng hoá, gây bức xúc cho lái xe, doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi tỉnh làm mỗi cách, loạn sứ quân chẳng thèm nghe theo một chỉ thị nào. Hàng hoá bị ngăn chận khiến doanh nghiệp gặp khó mà dân cũng khổ. Không hiểu có nhiều siêu thị, doanh nghiệp chạy được cửa nào mà họ đi thong dong, chở hàng về đều đều để tăng giá vô tội vạ. Ngay ngày bắt đầu chương trình đi chợ hộ, Sở Công thương cũng cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo người dân khi yêu cầu chuyển tiền đăng ký mua hàng "đi chợ hộ", nhưng không phải những trang bán hàng được lập bởi các tổ dân phố và hệ thống phân phối. Sở cảnh báo người dân nên liên hệ với các tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ và các đoàn thể trong phường để đăng ký “đi chợ hộ” bảo đảm an toàn, hàng hóa bán đúng giá hơn. Như vậy đã có chuyện lừa đảo xuất hiện. Người dân cũng chưa mặn mà lắm với gói combo bởi giá cao, nhiều món không có nhu cầu nhưng phải mua kèm. Bên cạnh đó nhiều gia đình đã mua sắm đầy đủ trước đó nên combo đang ế khách.

Hiện nay nhiều người dân khổ sở vì thiếu gaz để đun nấu. Những cửa hàng cung cấp gaz cho biết là họ không thể chuyển gaz cho người mua vì không được phép lưu thông. Chưa kể tình trạng giá gaz thả nổi, tăng giá vô tội vạ làm nhiều người tiêu dùng điêu đứng. Sở Công thương thành phố nên lưu ý mặt hàng này bên cạnh lương thực và thực phẩm vì đa số dân thành phố hiện giờ đều dùng gaz để làm chất đốt đun nấu hàng ngày.

Trong mùa dịch tang thương thế này, nhiều tổ chức từ thiện lập ra với mục đích trục lợi. Có nhiều tổ chức từ thiện rất tiếng tăm với ban bệ cố vấn và tham gia toàn người nổi tiếng của xã hội, tiền thu được hàng chục, hàng trăm tỷ nhưng đều nằm trong tài khoản cá nhân. Việc đi chợ giúp dân vừa mới bắt đầu đã ló mặt nhiều trang giúp dân nhưng nhận xong tiền là mất hút. Lũ người như thế yêu cầu nhà nước phải có biện pháp mạnh tay xử lý, nếu cần khép vào tội hình sự vì đó là sự lừa gạt có tổ chức. Biết bao người dè xẻn từng đồng bạc có được để góp phần xoa dịu cơn đau của người nghèo. Biết bao người không sợ nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng lăn vào cuộc để giúp dân. Rất nhiều người có thể nằm nhà, xem phim, đọc sách, vui chơi với gia đình. Chẳng có ai trách họ cả. Bởi nằm yên một chỗ cũng đã là góp phần chống dịch. Nhưng rồi vì lương tâm, vì lòng nhân đạo, họ lăn vào chốn hiểm nguy với con virus để cứu giúp người. Đã có nhiều người hi sinh mạng sống của mình trong khi làm thiện nguyện như cô gái tình nguyện viên, như anh Cường béo, như Soeur Maria Trần Ngọc Thảo Linh vừa qua đời hôm trước. Còn lũ từ thiện kền kền chỉ việc ngồi máy lạnh, vẽ ra những chuyện thương tâm để đếm tiền bỏ túi, sắm nhà, sắm xe. Ăn của máu xương dân nghèo rồi cũng bị quả báo thôi, chẳng chóng thì chầy. Chỉ thương cho những người đáng được gọi là anh hùng trong mùa dịch đã ra đi trong lặng lẽ.

Người dân phản ánh giá combo tại một số siêu thị có mức giá khá cao so với giá hàng hóa thực tế và giá bán tại các siêu thị cũng có khác nhau, chênh lệch về giá. Xem nhiều combo đặt hàng ta cũng thấy sự khác biệt của mỗi địa phương. Ngay trong một quận mà có phường combo chỉ lèo tèo chục món, có tổ dân phố hàng hoá cả mấy trang giấy. Có chỗ thì bắt mua combo, nhiều người gọi là mua kèm. Có chỗ thì niêm yết từng món hàng, thích gì mua đấy. Có nơi bản hàng toàn thịt cá, có nơi lại toàn rau với những món rẻ tiền. Thì ra đời khó công bằng, khu nhà giàu thì bản hàng toàn món ngon, khu bị xem là khu nhà nghèo thì toàn rau cải. Điều đó khiến người dân cũng gặp khó khi lựa chọn cho mình những hàng hoá thiết yếu phù hợp hoàn cảnh của mỗi gia đình.

Ngày 24.8 cũng có tin vui khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala D. Harris đến VN đêm 24.8, sau khi kết thúc chuyến thăm Singapore. Chuyến công du của bà tại VN kéo dài từ ngày 24 đến 26.8. Trong ngày bà Harris sẽ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội. Đồng thời, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Mỹ tài trợ thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam, nâng tổng số vaccine Mỹ dành cho Việt Nam lên 6 triệu liều. Hãng tin AP cho hay, số vaccine này bắt đầu được cung cấp ngay trong vòng 24 giờ tới.

He..he trước đó vào ngày 23-8, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thành viên Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã đồng chủ trì bàn giao 200.000 liều vaccine Vero-Cell của Sinopharm và 201.600 chiếc bơm kim tiêm loại dùng một lần do Bộ Quốc phòng Trung Quốc trao tặng cho Bộ Quốc phòng Việt Nam. Được quà của Mỹ lẫn quà của Tàu. Chẳng biết xử sao cho khéo. Được lòng anh thì mất lòng ả. Mệt ghê!

26.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn chín

DODUYNGOC


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget