2023

Tháng 12.2006, lần thứ ba tôi đến Mỹ. Lần đầu tiên đến Mỹ năm trước đó, tôi gặp lại người bạn cũ cùng học ở Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Anh bạn ở một mình trong một Appartement khu Fullerton, California. Một căn nhà chỉ có một phòng ngủ và cái bếp nhỏ. Tôi thích ở đó vì được tự do hút thuốc, tự do ăn mặc, khỏi phải giữ kẽ và chào hỏi ai dù phải trải nệm ngủ dưới đất. Lần này cũng thế, tôi chọn về căn phòng của anh thay vì đến nhà cô em hay những người bạn khác có nhiều tiện nghi hơn. Lúc này mùa đông nên anh đưa tôi một máy sưởi nhỏ do vậy dù nằm dưới sàn cũng không đến nỗi lạnh lắm. 

Ở được vài hôm thì có vợ chồng người bạn ở Savannah, Georgia về Cali rủ tôi đi Santa Fe, New Mexico rồi ghé Las Vegas chơi. Sau gần tuần lễ lang thang, đêm 24.12, đêm Giáng Sinh, tôi về lại Fullerton. Vợ chồng người bạn đưa tôi về đến nơi thì căn phòng của bạn tôi đóng cửa, một mảnh giấy gài ghi là bạn tôi đi đón Giáng Sinh, vắng mặt mấy hôm. Tôi đang hoang mang chưa biết định đi về đâu, lúc ấy đã hơn 9:00 tối. Bất chợt vợ chồng người bạn có điện thoại, một người bạn của hai chúng tôi hỏi chúng tôi đang ở đâu, anh cũng đang ở Nam Cali. May quá, tôi nhờ anh bạn vừa điện thoại đến đón tôi vì vợ chồng người bạn phải ra phi trường về lại Georgia ngay trong đêm. Đứng chờ hơn tiếng đồng hồ trong gió lạnh, người bạn xuất hiện cùng với một người bạn mới. Chúng tôi đi tìm quán ăn và uống rượu nhưng hầu như các hàng quán đều đóng cửa. Phố vắng vì ở Mỹ, Giáng Sinh là dịp để mọi người cùng ở nhà vui vẻ với nhau, chứ không tuôn ra đường như ở xứ ta. 

Đêm đã khuya, những ngọn đèn từ những hang đá trước nhà dân nhấp nháy trong hoang vắng và lạnh lẽo. Tôi bảo với anh bạn nhờ kiếm cho tôi một khách sạn ngủ qua đêm. Anh bạn lái xe chạy vòng vòng vì không biết đường. Anh ta ở San Jose, Bắc Cali nên hình như không thông thuộc đường sá chốn này. Xe chạy mãi, qua nhiều ngã tư, nhiều phố vắng hoe
mà không tìm được khách sạn nào. Đã gần nửa đêm, tôi quyết định điện thoại cho anh Trí, anh của một người bạn, hy vọng kiếm chỗ ngủ qua đêm vì giờ này đến nhà người khác sẽ rất bất tiện. Anh Trí khá thân thuộc với tôi hồi còn ở Việt Nam, anh qua Mỹ diện HO sau thời gian dài học tập cải tạo. Vợ anh cũng là người dễ tính, không khách sáo nên tôi mới dám gọi cho anh lúc khuya khoắt thế này. Anh rất vui khi nhận được điện thoại của tôi, chỉ đường rất cặn kẽ. Anh bảo anh ở khu Garden Grove, gần nhà thờ kiếng nổi tiếng. Tôi báo lại với anh bạn địa chỉ, hình như anh ta cũng mù tịt nhưng cố làm ra vẻ nên bảo cứ đi, tao nhớ đường này. Thế nhưng chạy gần hai tiếng đồng hồ vẫn không tìm ra đường. Anh Trí, anh của bạn tôi cứ điện liên tục hỏi em đến đâu rồi? Tôi cũng chẳng biết đang ở đâu để trả lời anh. Xe vẫn chạy vòng vòng, hình như thời đó chưa có Google Map và GPS thì phải. Cuối cùng anh Trí chỉ dẫn chi tiết từng con phố, góc đường và bảo anh sẽ trùm áo mũ màu trắng đứng ở ngã tư đấy, ở đấy để đón chúng tôi. Thế rồi cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy anh. Thương anh nửa đêm rét mướt đứng ở lề đường đón thằng em đang bơ vơ ở xứ lạ. 

Đó là lần đầu tiên tôi đón Giáng Sinh ở nước Mỹ trên hè phố lúc nửa đêm trong tâm trạng hoang mang không rượu thịt, bánh ngọt, đèn hoa.

Chỉ định ở nhờ nhà anh Trí một đêm vì nhà anh chật, cũng chỉ có hai phòng ngủ nhỏ mà nhà anh đã có đến 4 người. Hai vợ chồng anh và hai đứa con trai lớn tướng, cao lêu nghêu. Tôi ngủ ở ghế sofa nơi phòng khách. Nhưng khi điện về Việt Nam nói chuyện với người em của anh cũng là người bạn thân của tôi thì anh bạn lại báo tin cho tôi biết anh Trí vừa phát hiện ung thư thời kỳ cuối, có thể đang rất lo lắng nên khuyên tôi gắng ở lại vài hôm nói chuyện, an ủi anh cho anh bớt lo âu. Thế là tôi ở lại ba hôm, nói chuyện, tâm sự cùng anh, anh cũng không đến nỗi bi quan, anh bảo Bác sĩ đang cho anh uống loại thuốc mới thử nghiệm để chữa ung thư phổi, hy vọng lắm.

Tôi rời nhà anh đi New Hampshire thăm cô em gái và sau đó về Việt Nam trên chuyến bay trong đêm giao thừa 30.12.2006. Chuyến bay đêm cuối cùng của năm cũng có nhiều kỷ niệm khó quên. Một thời gian sau tôi nghe tin anh Trí mất, tôi ở Việt Nam không viếng tang anh được, đành chắp tay bái vọng anh từ xa. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của anh với áo khoác trùm đầu màu trắng đứng bên phố vắng rét mướt trong đêm Giáng Sinh năm ấy. Một đêm Giáng Sinh không thể nào quên và thương tiếc một người anh hiền lành, chân tình, dễ thương đã không còn ở cõi đời.

Mùa Giáng Sinh 2023

DODUYNGOC


Trước năm 75 tôi có đi dạy giờ mấy trường tư thục. Lúc ấy thầy giáo dạy từ đệ nhất cấp trở lên gọi là giáo sư. Dạy giờ là kiểu dạy hợp đồng, dạy giờ nào tính tiền giờ đó, hết niên khoá nếu dạy không đạt yêu cầu, nhà trường sẽ gởi một bức thư từ chối cho niên khoá tiếp. Nếu dạy tốt, được đánh giá cao cũng sẽ nhận thư của nhà trường trân trọng mời ông tiếp tục niên học tới có chữ ký của Hiệu trưởng cùng cái dấu đỏ.

Sau 75, chính quyền mới cho học thêm mấy tháng gọi là bồi dưỡng chính trị và kiến thức của chế độ mới ở trường Đại học Sư phạm Thành phố. Xem như là khoá đầu tiên ra trường của ĐHSP sau thống nhất. Thi xong chờ phân công. Con của "nguỵ quân, nguỵ quyền" không được nhận nhiệm sở, đành kiếm nghề khác sống. Cũng may tỉnh Bến Tre thiếu giáo viên trầm trọng nên vớt một số về cho dạy mấy trường ở vùng sâu, vùng xa. Thành phần bị nghi ngờ về tư tưởng hoặc bị gán cho tội lỗi gì đấy cũng không được đi dạy. Tôi nằm trong số đó lại thêm bị một số đoàn viên báo cáo không tốt nên đành định ra chợ trời kiếm cơm. Ơn trời, tôi có cô bạn có quan hệ mật thiết với Hiệu phó trường, nhờ vậy tôi được chiếu cố cho về Bạc Liêu. Đường về Bạc Liêu thời đó trắc trở, gian truân lắm, đi từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới tới nơi sau khi qua không biết bao nhiêu là trạm gác. Thế nhưng Sở Giáo Dục Bạc Liêu cũng không nhận vì lý do lý lịch đen thui, cha, anh đều là "nguỵ quyền", hồ sơ lại bị nhiều phê bình ác ý. Lại thêm có anh chàng học cùng trường về trước dèm pha. Thế là khăn gói trở về sau mấy tháng đợi chờ vô vọng. 

Nhưng thế mà lại may, Sở Giáo Dục thành phố chấp nhận cho tôi về dạy trường cấp 3 Phú Hoà. Nhận quyết định, cứ nghĩ là ở Phú Thọ Hoà, tưởng không xa lắm, cũng được. Nào ngờ trường đấy nằm ở ngã tư Tân Quy, huyện Củ Chi. Hồi đấy xe cộ khó khăn, xe khách chạy bằng than, muốn lên được xe phải chen nhau qua cửa sổ. Nhiều lúc không leo lên được phải đứng ở bục gỗ sau xe, lò than nóng hừng hực, lâu lâu lại rớt ra mấy hòn than đỏ rực. Xe chỉ đến chợ Hóc Môn, đi bộ hoặc đi xe ngựa vào bến xe lam. Xe chạy qua Cầu Xáng, qua Tân Thạnh Tây mới đến trường. 

Trường nghèo, chỉ có khoảng sáu phòng học, sân trường đầy những cây bã đậu. Bảng tên trường liêu xiêu, tróc sơn nằm chơ vơ nhìn ra cánh đồng trống. Cảnh buồn hiu. Trước trường là tỉnh lộ chạy hết đường sẽ đến con sông đi qua tỉnh Bình Dương. Nhìn cảnh trường oải thiệt là oải. Mà cũng đành, thời đã thế thế thời phải thế thôi. Từ nhỏ cho đến giờ phút đó, tôi chỉ học ở các trường to, sân rộng, lầu cao, phương tiện đủ đầy. Giờ lại đến một ngôi trường với những phòng quét vôi loang lổ, bảng đen sờn hết sơn, mái lợp fibro ciment. Cửa sổ phòng học nhìn ra bãi đất ngút ngàn lộng gió. Chất độc khai hoang thời chiến tranh khiến cỏ cây xác xơ, chẳng có cây nào sống nổi. Nhìn quá nản lòng chiến sĩ. 

Trời đã về chiều, những đám nắng vàng vọt chiếu trên những đám cỏ trơ trọi khiến khung cảnh càng thêm nản lòng. Dáo dác nhìn quanh, thấy có căn phòng phía trước ngổn ngang ghế bàn. Cửa khép hờ, tôi gõ cửa. Có tiếng vọng ra: Ai đấy, vào đi. Tôi vào, phòng có mỗi chiếc bàn và lung tung đồ đạc, giấy tờ cùng chiếc máy đánh chữ. Một ông trung niên da ngăm đen, tóc hớt ngắn đang kéo thuốc lào. Ông mặc áo thun ba lỗ đã ngã màu cháo lòng và chiếc quần tây bộ đội đã cũ nhàu. Sau khi rít một hơi thật sâu, ông ngửa mặt lên trời thở ra làn khói mù mịt rồi hất hàm hỏi: Đi đâu đấy, hỏi ai? Tôi bảo: Tôi được Sở Giáo Dục phân công về đây dạy học. Cho tôi gặp Hiệu trưởng. Vừa nói, tôi vừa đưa giấy cho ông. Ông nheo mắt nhìn tôi, lại bảo: Tôi là Hiệu trưởng đây. Xem nào. Dạy môn gì? Tôi bảo: Môn Văn.  Ông nhịp nhịp bàn tay như có ý bảo tôi ngồi xuống. Thầy xếp ba lô ở đây, tối xếp mấy cái bàn ngủ rồi mai tôi bảo Hiệu phó xếp giờ cho Thầy. Tối đến thầy cô xếp bàn thành giường, mắc màn ngủ trong phòng. Lúc đó chưa có điện, đêm thắp đèn dầu, sáng ra mũi ai cũng đầy bồ hóng đen thui. 

Buổi đầu tiên trình diện để khởi đầu những năm tháng làm thầy của tôi diễn ra như thế đấy. Tôi tự nhủ, chắc gắng thời gian ngắn ở đây rồi rút thôi, làm sao mà tồn tại ở chốn này cho nổi.

Người tính không bằng trời tính, định ở đó thời gian ngắn rồi tìm cách thoát, ai ngờ ở đến năm năm. Năm năm biết bao kỷ niệm, buồn có, vui cũng không thiếu. Chính các em học trò đã níu chân tôi lại năm năm. Lúc đấy các em là học trò nhà quê, lạ lẫm với ông thầy lúc nào cũng mang giày da, áo chẽn, quần loe, tóc phủ mang tai, râu ria lún phún. Lên lớp dạy nói lớn đến nỗi cả trường nghe giảng. Trò quý Thầy và Thầy cũng thương cho hoàn cảnh của trò. 

Các em hồn nhiên và rất tình cảm, kính trọng Thầy Cô. Xem Thầy Cô như thần tượng của mình. Ngay phụ huynh các em cũng thế. Dạy được một năm tôi đưa vợ về ở luôn trong trường. Nhà trường phân cho chái nhà phên tre, mái tranh. Ngày nóng hầm hập, đêm con bọ xít bay đầy, tiếng ễnh ương kêu oàm oạp, mùa mưa lội bì bõm. Lần đầu tiên vợ tôi đi chợ Phú Hoà Đông, các bà, các cô ở chợ rủ nhau đi xem mặt vợ Thầy Ngọc, bởi vợ tôi có khuôn mặt của người ngoại quốc. Rồi các người bán hàng chẳng chịu lấy tiền, vợ tôi ngại quá từ đấy không dám ra chợ nữa, chỉ nhờ người khác mua giúp. Tình cảm của học trò thời ấy đẹp lắm, quý lắm. Đã hơn 47 năm rồi, các em ấy bây giờ đã qua tuổi sáu mươi nhưng tình thân càng ngày càng đầy chứ không hề vơi. Chính cái tình ấy khiến tôi không nỡ bỏ các em mà đi. Hơn nữa, năm 1978, tôi làm hồ sơ đi Pháp, đang chờ giấy xuất cảnh nên cũng không muốn thay đổi cuộc sống vì sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý hồ sơ của công an và lãnh sự Pháp.

Thời kỳ đó cuộc sống vô cùng khốn khó. Lãnh lương có mấy chục đồng mà đóng tiền mua nhu yếu phẩm hết gần một nửa. Mỗi tháng mua được nửa ký thịt heo chẳng ngon lành gì. Cá thì ươn, gạo hẩm. Tiêu chuẩn 13 ký gạo mà hơn nửa là bột mì với bo bo. Thèm đủ thứ. Vợ tôi có mang con trai đầu lòng chỉ thèm miếng thịt gà mà chẳng có để ăn. Đẻ con phải làm đơn qua 4 cửa với đủ chữ ký rồi nhờ người quen giới thiệu mới mua được bốn hộp sữa bò. Bột ngọt, tiêu hột phân chia bằng muỗng. Vải, vỏ xe phải bốc thăm. Nhiều lúc nữ được quần đùi mà nam lại bốc được vải mùng vệ sinh của phụ nữ. Ban đêm mấy thầy rủ nhau đi bắt bù tọt về ăn cho có chút đạm. Ai nấy đều ốm tong teo, bụng thon, ngực lép nhưng lên lớp thì rất nhiệt tình và thương quý học trò như những đứa em, con cháu của mình. Chính cái tình ấy đã giúp cho rất nhiều thầy cô từ thành phố về vẫn đứng trên bục giảng suốt mấy năm.

Rời trường đấy sau năm năm để đổi về thành phố, tôi vẫn nhớ như in những khuôn mặt của các em. Những khuôn mặt hiền lành, thân tình khó tìm ở thời buổi bát nháo bây giờ. Ra đời, nhờ lý lịch các em đa số làm quan chức, giờ đã về hưu. Lâu lâu gặp lại, cuốn phim của gần năm mươi năm trước lại quay về. 

Hôm nay ngày 20 tháng 11, ngày của nhà giáo, kỷ niệm tràn về, viết một bài ngắn để nhớ về một đoạn đời đã qua đi. Nhớ những người đồng nghiệp cùng đồng cam cộng khổ thời gian khó, nhớ những người đã mất, những người đang ở phương xa. 

Đoạn đời không dễ gì quên. Chúc các em, những người học trò trường Trung Phú Củ Chi ngày xưa luôn hạnh phúc, vui khoẻ và luôn giữ được mối thân tình đã có. Mãi thương quý các em.

Sài Gòn. 20.11.2023

DODUYNGOC


Rồi ai cũng phải già, người xưa bảo “thất thập cổ lai hi”, có nghĩa qua tuổi bảy mươi đã gọi là già, hiếm. Tuổi già khó vui, sức khỏe suy sụp, trí óc không còn minh mẫn như thời trẻ tuổi, hoạt động cũng vụng về, lóng ngóng và kéo theo nhiều nỗi buồn đau khác nữa. Người già, con cháu đã lớn, họ không còn quyền uy trong gia đình như thời xưa khi họ cố sức làm việc để nuôi nấng các con. Họ cô đơn trong chính ngôi nhà của họ. Nhất là những người đàn ông phải chịu cảnh vợ đã qua đời, chẳng còn ai để cùng sống với tuổi già.
Con cháu lớn lên có gia đình riêng phải lo, phải làm việc để xây dựng tương lai, có các con phải chăm sóc nên nhiều lúc người con quên mất mình còn một người cha. Người già cô độc với những nỗi buồn không được chia sẻ. Họ đến cùng bè bạn để tâm sự đôi điều, nhưng cũng chẳng bao giờ nói hết được nỗi lòng. Dù đang ở trong ngôi nhà do chính tay mình tạo dựng, dù không lệ thuộc kinh tế, tiền bạc của con cái, nhưng khi có việc nhờ con, người già phải xem sắc mặt, tâm trạng buồn vui của con mới dám mở lời. Người già lắm bệnh, nhưng những khi bệnh thông thường thì tự ý đi bác sỹ, một mình đi mua thuốc chứ ít khi làm phiền đến con. Đến khi bệnh nặng, đau đớn quá mới nhờ đến con giúp đỡ. Không phải các con không có hiếu với cha mà người già không muốn làm phiền đến con cái. Chuyện gì làm được thì tự làm. Tuổi già trí óc bắt đầu lộn xộn nên lắm lúc thường làm hư cái này, bể cái kia, hỏng cái nọ. Nếu có được con thông cảm thì hạnh phúc, nhưng gặp đứa trách móc thì cũng đành im lặng mà chịu trận. Nỗi cô quạnh của người già chỉ mong có một lời thăm hỏi, khi đau ốm mong được có người chăm lo. Nhưng thời nay, ai cũng bận rộn với công việc, ai cũng cố gắng miếng cơm manh áo nên người già cảm thấy tủi thân khi không được một lời quan tâm. Thường chỉ là một câu hỏi rồi thôi, người già sống như thế nào, ăn uống ra sao, sức khoẻ có vấn đề chi không, con cái ít để ý. Do vậy, người già sống lầm lũi, như cái bóng, như kẻ ở trọ trong căn nhà mình.
Đã qua tuổi bảy mươi, dù có nhà cửa đàng hoàng và kinh tế có còn tự lo được, nhưng tôi quyết định sẽ tìm một nhà dưỡng lão có đủ điều kiện theo mình yêu cầu để sống những năm tháng cuối đời. Ở đó tôi sẽ được chăm lo cơm ngày ba bữa, không còn cảnh cơm hàng cháo chợ. Ở đó sẽ có người lo thuốc men, chăm sóc khi trái gió trở trời, ở đó tôi không còn nghĩ là gánh nặng cho các con để chúng toàn tâm lo cho các con của chúng. Tôi đã làm tròn trách nhiệm với các con, tôi không nghĩ đến chuyện chúng phải báo hiếu, phụng dưỡng tôi lúc run rẩy vì chân yếu, kén ăn vì tuổi già. Nước mắt chảy xuôi mà, người ta đã nói thế.
Tôi đã đến nhà dưỡng lão Củ Chi, chỗ ấy cũng được nhưng xa quá, tôi sẽ không còn được gặp gỡ bạn bè. Tôi đang cố tìm một chỗ ngay trung tâm thành phố để tuổi già còn kiếm được niềm vui. Hôm trước có một anh bạn dự định mở một nhà dưỡng lão ở Hàng Sanh, vừa nghe tôi ủng hộ liền nhưng chắc kế hoạch này còn phải chờ một thời gian nữa.
Tuổi thanh xuân đã qua rồi, giờ đã lên hàng lão, về thu xếp lại cũng là vừa.
10.7.2023
DODUYNGOC

Bình luận

1.
Thu Lan Nguyen
Nhà có tiền, có nhà riêng, có con cháu mà vô trại dưỡng lão là vô cùng sai lầm …
( Khi sống chung trong Trại Dưỡng lão. 1 phòng 4 người ở Mỹ. VN thì 10 người 1 phòng. Nghe mùi khai nước đái , mùi cứt ỉa đùn chưa thay tã, nghe tiếng cạu cọ chửi nhau vì người thì thích bật quạt, người không thích.Người nằm rên rẩm con cháu bỏ rơi không vô thăm theo định kỳ…)
Nhà mình thì mình cứ ở, thơm tho sạch sẽ, yên tĩnh, thuê một người bà con họ hàng hoặc người dưng đến giúp việc cho mình trả lương tháng còn rẻ hơn trả cho trại dưỡng lão .
Tôi đã đi tham quan Trại dưỡng lão ở Mỹ rồi nên tôi biết rõ . Không hay gì đâu ! Bất đắc dĩ nghèo khổ và không con cháu mới phải vào thôi !
Tiêu chuẩn ở Mỹ .Người già trên 65 tuổi  nếu làm đơn xin trợ cấp chính phủ, họ sẽ duyệt cho mình mỗi tháng ít nhất 1200 usd , ngoài tiền mặt này, cho thêm tem phiếu cấp lấy thực phẩm miễn phí tại các siêu thị khoảng 800 đô trả bằng các ô tem  phiếu. Đến siêu thì mà chọn thịt cá , rau củ quả tươi, gạo ngon, bánh trái chất đầy xe , ra quầy trả tiền bằng tem phiếu cấp miễn phí hàng tháng này !
 Như vậy người già ở Mỹ được thụ hưởng khoảng 2000 usd/1 tháng ăn uống phủ phê , ăn tiêu gì hết , mỗi tháng còn có thể để dành tiền gửi về vn hoặc sắm vàng đeo đỏ tay.
Đó là tiêu chuẩn Mỹ dành cho người già neo đơn trên 65 tuổi, có đi làm và có đóng thuế thu nhập cho chính phủ.  4 năm liên tục ; không nhà cửa, không có tài sản trên 2000 đô , không ai nuôi nha các bạn ! 
Có quyền được sử dụng 1 xe ô tô dưới 2000 đô.
 Không đi làm ngày nào càng dễ xin tiền trợ cấp, xin càng nhanh và lẹ hơn là có đi làm dở dở ương ương vài năm …điều này vô lý , nhưng thực tế là vậy ! 
 Không đi làm xin tiền chính phủ,cấp càng nhanh chóng lẹ hơn có đi làm! ( Chắc sợ không có tiền thì làm bậy nên họ sợ chăng … ha ha ha …).
Khi ốm đau không tự phục vụ được, bảo hiểm y tế cử người tạp vụ đến phục vụ nấu cơm , giặt đồ, dọn dẹp lau nhà, đổ bô, tắm và dẫn cho mình đi bộ , luyện tập thể dục nhẹ . 
Hàng ngày và có ý tá đến tận nhà chăm sóc, đo huyết áp và tiêm chích thuốc theo toa bác sĩ , miễn phí điều trị. 
Khi về già sức yếu, bạn có thể thuê chính con trai, con gái ruột của mình, hoặc họ hàng phục vụ mình, tại nhà riêng của mình đang ở, tiền công này mỗi tháng chính phủ Mỹ sẽ trả 1200 usd tự chuyển vô tài khoản người mình thuê mướn . 
Mỹ cho phép thuê con cái ruột, cha mẹ ruột phục vụ!Chính phủ Mỹ họ vẫn trả tiền cho mình theo luật bảo hiểm y tế ! 

2.
Nguyễn Hồng Hưng
Người già đương đại đang bị bỏ rơi từ nhiều phía. Con cháu họ không đông đàn như thời cha ông. Đạo lý thời của họ bở lơ đạo hiếu với cha mẹ. Ngay cả Các con cái người già hôm nay cũng sống trong cảnh khó.
Số người già có điều kiện kinh tê nhưng sống cô quanh hiện khá đông.
Có một số người có ý định tụ hợp những người bạn (đã biết nhau) cùng cảnh ngộ lập “ xóm cao tuổi”. Ý đồ thực hiện trên mội khu đất mua chung, làm những căn nhà nhỏ liên kế đủ cho mỗi người ở độc lập. Có dịch vụ bếp và y tế…
Các cụ còn tinh sáng tự hùn vốn làm nhà “tình bạn dưỡng lão” chung sống cùng nhau …tôi hưởng ứng phương án này và cũng có vài bạn già hưởng ứng.
Nếu tập hợp đc bạn bè phù hợp nên chọn nới có khí hậu tốt cho người già và không xa quá 3 giờ xe đò. Ví dụ như Vũng Tầu.
Tôi tin phương án này sẽ trở nên phổ biển, các nhóm bạn già ở cả hai giới hiện nay không hề ít.
3.
Uyen Nguyen
Chị em mới rời nhà dưỡng lão đã ở 7tháng,để chuẩn bị về lại Mỹ.Vì ở viện dưỡng lão chung quanh có đông người nhưng 10 người 10 tánh dễ đụng chạm ,muốn ăn gì cũng ko ra ngoài được ,ở cùng phòng lỡ cùng người ko hạp tánh, thức ăn hàng ngày ko hợp vẫn phải ăn...tháng 15tr, chị đã 80t giờ đòi về Mỹ.Anh còn bạn bè con cháu xung quanh. Về thu xếp lại




Sáng chạy về Kiên Lương thăm động Sơn Trà. Hứng tình rủ nhau ra đảo. Theo lời chỉ dẫn của anh nhiếp ảnh thổ địa ở đây, kiếm được nơi cho thuê tàu ra biển. Tui định không đi vì cảm thấy hơi mệt định nằm võng ngủ một giấc. Nhưng rồi anh em rủ rê quá, lại nghĩ nằm một mình ở đây buồn, nên cùng xuống thuyền. Bà chủ bảo thuyền có ghế ngồi nghiêm chỉnh, ai ngờ bị bà dụ. Thuyền composite trống rỗng chỉ có một chiếc máy nhỏ nổ xình xịch, chẳng thấy ghế cũng chẳng áo phao.
Gần bờ còn thấy êm êm, còn đưa máy lên chụp vài tấm hình. Ra tới biển mênh mông, sóng đánh ào ạt. Thuyền lắc lư, lúc thì bị sóng đưa lên cao, nước văng tung toé. Mỗi lần thuyền bị sóng nhấc lên khi rớt xuống nghe tiếng động như muốn vỡ tàu. Nhồi lên, rớt xuống muốn rớt tim ra ngoài.
Đường vẫn còn xa, mặc sóng đánh, tay lái tàu vẫn rú hết ga. Hai lão già, một U90 đời cuối, một U80 đời đầu đứng chịu trận, lại đứng trước mũi tàu không có chỗ để níu, chỉ biết dựa vào nhau mà chân run. Nước bắn ướt cả áo và máy ảnh. Sợ thấy bà nội. Sợ thuyền lật, sợ nước tràn, sợ thuyền lủng, đủ thứ để sợ. Nhìn bên kia là đất Campuchia, nhìn quanh chỉ thấy nước và nước, xa xa có mấy ngọn núi nghe bảo ở đó mấy động nữa. Nhưng hết ham rồi, chỉ muốn trở lại đất liền thôi. Đến hang chẳng thấy gì, chỉ thấy tảng đá sừng sững và trên nóc là một rừng cây. Đường về êm hơn, biển bớt động, lòng bớt lo.
Về Cái Bè, lại đi tàu vào resort, mưa trắng trời, nước tạt thêm lần nữa, ướt mem. Đêm đó bỗng rét run, tay run cầm cập không cầm được cái ly uống nước. Vào phòng, tay yếu không tự đắp được mền, phải nhờ bạn Long đắp cho hai tấm và dùng máy sấy hơ nóng khắp người. Nửa đêm lại nóng toát mồ hôi. Chắc cảm sốt vì mắc mưa rồi.
Giờ đã lên mặt đất mà lòng vẫn còn run vì chuyến tàu bão táp. Chợt nhớ cách đây mấy năm, về Hà Tiên đi tàu ra đảo, cũng bị chuyến tàu hãi hùng còn hơn chuyến này, cả đoàn ướt mem và tái xanh mặt mày. Ai ngờ về lại chuyến này cũng bị biển cả đe doạ sảng hồn. Thế mới thấm thía cho những người vượt biên, con tàu nhỏ chứa cả trăm người lênh đênh trên biển như chiếc lá với sóng to, gió lớn, thiếu nước, không có thức ăn lại bị hải tặc đe doạ. Đúng là liều, họ chấp nhận cái chết để đến được vùng đất khác. Bản thân mới ra đến thềm của biển mà đã run mới thấy ngày trước những người vượt biên bằng thuyền là người dũng cảm.
Về lại Sài Gòn tự hứa trong lòng sẽ không bao giờ bước xuống một chiếc tàu thiếu phương tiện và không chút an toàn lần nào nữa. Hú hồn rồi.
27.6.2023
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget