LĂNG TỰ ĐỨC


Nhân có phong trào xây lăng đắp mộ cho các lãnh đạo Việt Nam, những người đã qua đời và một số người đã sắp hết niên hạn. Đọc lại lịch sử để biết thêm tại sao Lăng Vua Tự Đức có tên là Khiêm lăng.
Lăng Tự Đức (嗣德陵) là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất Tự Đức, tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ (萬年基), sau cuộc Loạn Chày Vôi, Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung (謙宮). Sau khi Tự Đức băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng (謙陵).
Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia nhà Nguyễn.
Tự Đức, vị vua thứ tư của triều Nguyễn đã sớm nghĩ đến việc xây lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Vốn là một người giỏi thi phú, ông đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, địa điểm được chọn để xây lăng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh.
Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do công việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn, là nguồn gốc cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng.
Tương truyền, dân chúng ta thán:
"Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân"
Ngày 8-9 âm lịch năm Bính Dần (1866), tức năm Tự Đức thứ 19, do việc xây dựng Vạn niên cơ, quân sĩ và dân phu phải làm lụng khổ sở, có nhiều người oán giận. Nhân sự bất mãn đó, với lý do tôn phù Đinh Đạo (cháu ruột Tự Đức, nguyên tên là Ưng Đạo, do cha là An Phong công Hồng Bảo làm loạn nên phải đổi thành Đinh Đạo) lên ngôi vua, Đoàn Hữu Trưng cùng với các em là Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực, cùng các đồng chí là Trương Trọng Hòa, Phạm Lương, Tôn Thất Cúc, Tôn Thất Giác, Bùi Văn Liệu, Nguyễn Văn Quí phát động khởi nghĩa. Những người tham gia khởi nghĩa phần đông là nhân công đang uất hận vì bị bắt lao dịch khắc nghiệt để xây dựng Vạn niên cơ. Họ dùng chầy vôi - dụng cụ lao động - làm vũ khí nên tục gọi là "giặc chày vôi". Tuy nhiên, cuộc đảo chính thất bại. Cả nhà Ưng Đạo đều bị hại. Đoàn Hữu Trưng và hai người em bị giết lúc mới 22 tuổi.
Tuy nhiên, do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội. Năm 1873, Khiêm Cung mới được hoàn thành, vua Tự Đức vẫn sống thêm 10 năm nữa rồi mới qua đời.
(Wikipedia)
Vua Tự Đức, một ông vua phong kiến mà thấy được cái sai của mình nên viết biểu để tạ tội, điều đó cũng thể hiện cái hay của người xưa. Tiếc thay, ngày nay người ta vẫn muốn là vua sau khi chết, vẫn muốn lăng tẩm nguy nga, mồ mả bạt ngàn mấy chục ngàn thước đất trong khi người cày không có ruộng, người dân vẫn còn nghèo, có người chết phải bó chiếu để chôn. Mà nghĩ cho cùng, người đã chết thì chôn bằng bó chiếu hay lăng tẩm xa hoa cũng chẳng khác gì nhau. Rồi cũng thành cát bụi, giòi bọ đục khoét tấm thân. Cái để lại cho đời là bia miệng, là lúc còn sống bản thân đã làm được gì cho đất nước, cho Tổ quốc và nhân dân, cho những người quanh mình.
Xây lăng mộ cho to rồi trở thành nơi người ta đến chơi bời, ngoạn cảnh. Dần dần thành chốn vui chơi, mất vẻ trang nghiêm mà lại trở thành bia miệng cả trăm, cả ngàn năm nữa.
Mốt mai đây, suốt từ Nam chí Bắc, sẽ có biết bao nhiêu lăng nữa mọc lên. Sống biệt phủ, chết xây lăng. Người lấy đất ruộng, người chiếm cả ngọn núi, kẻ thì bạt cả đồi. Việt Nam trở thành địa điểm du lịch lăng mộ nổi tiếng thế giới. Tự hào thay!!!!

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget