HÒN NON THẤT KHIẾU



Ở phố Đông nước Sài có thương gia họ Nhân nức tiếng giàu có nhờ chuyên kiếm bản thảo mua rẻ bán đắt, một vốn bốn lời, lại chuyên xào xáo sách này qua sách nọ, buôn trốn thuế, in nối bản, làm lái sách nhưng chẳng bao giờ nhận mình là con buôn. Trên danh thiếp luôn đề tên là NHÂN ĐẠI NHÂN. Vốn xuất thân con nhà Nho học, nên miệng thường nói chữ, nhất là khi có vài ve vào bụng. Nhân tiên sinh thường dùng kiến thức uyên bác của mình để coi thường đám sĩ phu. Nhờ có của ăn của để, lại hay rủ rê bọn văn chương thi phú ăn nhậu, nên tiên sinh có một uy thế nhất định trong làng văn báo. Lúc nào tiên sinh cũng bảo thiên hạ lắm tiểu nhân, chỉ mình tiên sinh là người quân tử. Và để chứng thực cho tính quân tử của mình, tiên sinh thường bài bác bọn Nho học hủ lậu, chỉ ràng buộc vào đôi ba chữ mà nói chuyện tào lao, tiên sinh luôn dùng những chữ của thánh hiền mà răn dạy người chung quanh sống cho phải Đạo và thường lấy mình ra làm gương về việc hành Đạo. Đồng thời trong những cuộc chè chén lu bù, tiên sinh thường chi đẹp nên lâu la bộ hạ càng lúc càng đông, trong đó nhiều kẻ nịnh nọt so sánh tiên sinh với Mạnh Thường Quân ở bên Tàu. Mỗi lần được tâng bốc như thế, mặt tiên sinh vốn đã đỏ càng đỏ hơn và chữ nghĩa của tiên sinh lại phun ra dào dạt. Thế nhưng, đôi khi trong thiên hạ cũng xầm xì nghi ngờ cái mác quân tử của tiên sinh, mỗi lần nghe đàm tiếu như vậy, tiên sinh giận lắm, nhưng vẫn cười ruồi mà bảo rằng chấp chi cái lũ tiểu nhân đê tiện ấy. Một hôm có một anh cử nhân họ Lâm, cũng là người có tiếng tăm học thuật, đến phủ của Nhân tiên sinh rao bán một hòn non bộ. Theo lời của tên Lâm, đây là của gia bảo ba đời của giòng họ y, nay vì thiếu tiền mua thuốc chữa bệnh cho vợ nên cần bán. Và cũng theo lời của tên Lâm, chỉ có Nhân tiên sinh mới xứng đáng là chủ của hòn non bộ này, bởi hòn này có tên là hòn Thất Khiếu, tức là tảng đá có bảy lỗ, nếu chủ nhân là người chính nhân quân tử thì đầu mỗi canh, khói sẽ bay từ bay lỗ phun ra, hòn non sẽ được phủ những đám mây như sương khói. Nếu chủ nhân chỉ là kẻ bần tiện bất nhân thì hòn non kia chỉ là một cục đá vô hồn. Nay trong thiên hạ cho Nhân tiên sinh là kẻ quân tử đương thời, nên mới mạo muội đem đến bán cho tiên sinh, vì chỉ có tiên sinh mới làm cho tảng đá vô hồn kia trở thành hòn non sương khói. Nhân tiên sinh bán tín bán nghi, vì cũng đã nhiều lần nghe trong giới giang hồ đồn đại vật này, nay mới được trông thấy, tự nghĩ chắc mình có cơ duyên với báu vật. Cùng lúc đó, trống điểm sang canh, khói sương từ từ bay là đà từ bảy lỗ, hòn đá vô tri bỗng dưng như có thần sắc khác, người xem như đứng trước cảnh núi non hùng vĩ với những đám mây chiều lãng đãng. Vừa thấy vậy, tiên sinh như mở cờ trong bụng. Vậy là từ nay ta có vật để chứng minh tính quân tử của mình nên liền sai gia nhân mang ngay ngàn lạng giao cho tên Lâm. Tiên sinh hí hửng mang hòn đá vào chốn thư phòng, sai gia nhân đặt hòn non trên chiếc đôn gỗ thơm chạm tứ linh đời Càn Long. Tiên sinh khăn áo chỉnh tề, đốt lư trầm ngồi chờ giờ sang canh để thưởng thức báu vật. Nhưng thời gian trôi đi rất lâu rồi, đã tàn chín cây nhang rồi, mà chẳng thấy khói sương chi cả, nhìn vào mấy cái lỗ nông choèn chỉ thấy mấy cọng rong rêu. Nhân tiên sinh tự nghĩ hay mình đã bị tên Cử Lâm lừa. Nhưng lại nghĩ, chính mắt mình trông thấy rõ ràng, sao có thể qua mặt mình được, bèn sai gia nhân đi gọi Cử Lâm cho tiên sinh dạy việc. Cử Lâm đến, tiên sinh ởm ờ bảo vừa rồi thấy hòn non ưng ý quá mà Nhân phu nhân lại không ưa, nên có ý muốn gởi lại. Cử Lâm bảo lấy làm tiếc, vì chỉ có ngài mới xứng đáng là chủ nhân thôi, bèn bảo sẽ trở về mang tiền qua trả. Nhân tiên sinh thấy vật đã đổi lại chủ, nên trù trừ kéo dài thời gian, giả bộ hỏi thăm bệnh tật của Lâm phu nhân, hỏi thăm gia cảnh rồi chuyển qua nói chuyện văn chương. Mục đích là để xem hòn non đến giờ có phun khói lại không. Vừa tàn hai tuần nhang, từ bảy lỗ của hòn non, khói lại bay ra nhè nhẹ, rồi từ từ tuôn ra nhìn sướng mắt vô cùng. Nhân tiên sinh mới bảo với Cử Lâm rằng, thôi khỏi mang tiền sang trả, ta lại đổi ý rồi, vật như thế này mà vì lời phàn nàn của một mụ đàn bà mà làm hỏng việc sao. Lâm cử nhân lại bái biệt ra về. Nhân tiên sinh bèn đóng cửa buông rèm, lại chờ thời gian đi qua để được thấy sương khói để có thể chứng minh là người quân tử. Nhưng hết canh này sang canh khác, hòn đá vẫn trơ trơ. Nhân tiên sinh lo lắm. Vì chuyện này ngày mai sẽ đồn đại trong chốn giang hồ, mọi người sẽ kéo đến để xem hòn non thất khiếu, để được dịp ca ngợi Nhân tiên sinh, mà bây giờ nó tịt thế này, biết làm sao tránh được thế gian chê cười. Nhưng Nhân tiên sinh vốn là người đa mưu, liền nghĩ ra giải pháp. Hôm sau, Nhân tiên sinh đặt mấy bàn tiệc, mời nhiều thân hữu báo chí văn chương đến đàm đạo, đồng thời để chiêm ngưỡng báu vật có một không hai. Khách khứa đến đông đủ, kể cả nhiều kẻ không mời. Đến giờ khai mạc, trống vừa sang canh, Nhân tiên sinh kéo tấm lụa đào che hòn non bộ ra, khói sương mù mịt bay ra từ bảy lỗ. Khách khứa vỗ tay ầm ầm, rượu bia đổ tràn ra cả sàn nhà, tiếng chúc tụng vang lên không ngớt. Nhân tiên sinh thân hành cầm li đi đến từng người nhận những lời chúc tụng, mặt ngước lên tự đắc, nhủ thầm mình đúng là Gia Cát tái sinh. Sáng hôm sau, trên các tạp chí và trên những tờ báo ngày, không có báo nào là không có bài viết ca ngợi Nhân tiên sinh và rất nhiều tay văn báo tôn Nhân tiên sinh mới chính là Đại Nhân Quân tử của thời đại. Ngồi trong trướng phủ, Nhân tiên sinh vừa sướng vừa lo. Bởi khói sương là do tiên sinh mua máy phun khói ở chợ bán cá cảnh, đem về gắn thêm cái công tắc hẹn giờ. Thế là cứ đến giờ khói của hòn thất khiếu không tuôn ra thì đã có khói của máy bay ra lãng đãng. Sướng vì được tôn vinh, lo chỉ sợ kẻ nào biết được. Do vậy, kể từ hôm đó, thư phòng của tiên sinh đóng kín cửa, không ai được vào ra. Và cũng từ hôm đó, trong những cuộc yến tiệc, trong những cuộc vui lễ lạc, hội hè, Nhân tiên sinh đều được mời lên ngồi ghế đầu, được phát biểu dạy dỗ mọi người bằng những lời vàng ngọc, và được người đời đem so sánh với những hiền nhân quân tử trong sử sách. Cũng từ đó, Nhân tiên sinh quên mất khói trong đá tuôn ra là do máy, mà cứ tưởng là do mình là bâc quân tử nên khói mới bò ra. Tiên sinh sai gia nhân bỏ mấy chục thùng danh thiếp cũ, in lại ngàn thùng mới đề tên là NHÂN QUÂN TỬ. Cho đến khi tiên sinh mắc phong đòn gánh mà quy tiên, sự việc mới vỡ lẽ. Do vậy trên bia mộ của tiên sinh, khi người nhà cho khắc chữ Nhân quân tử, không biết thằng mất dạy nào lại thêm một chữ vô giữa, người đời sau chỉ thấy đề là NHÂN NGỤY QUÂN TỬ. Buồn thay.!!
DODUYNGOC. 
Tháng 4 ngày 25.2007

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget