Latest Post








 

Có những hàng cây tiếp nối nhau

Có mây lơ lửng ở ngang đầu

Có bao ngang trái dồn trong ngực

Tự hỏi mai này ta đến đâu?

Nước chảy thuyền đi chim bay theo

Giọt nắng lung linh sáng mái chèo

Ta ngồi nghe gió tràn qua nóc

Năm tháng ủ sầu lên mốc meo

Có tiếng ai cười trên dốc cao

Có cành hoa nở nhớ thu nào

Có bao thương nhớ về như bão

Thuốc cháy tay gầy nghe hư hao

Nhìn cây thập giá đâm trong mây

Ngó mái chùa cong giữa lùm cây

Phật buồn nhắm mắt thôi thiền quán

Chúa cũng lắc đầu buông hai tay

Có núi chập chùng đảo nhấp nhô

Có vết chân đi dấu ngựa thồ

Có bao nước mắt người bản xứ

Rời bỏ quê nhà giạt phương mô?

Đứng lặng trên đèo nghe lá rụng

Đất chuyển mình nhẩm kinh nhật tụng

Con chim biếng hót nằm im hơi

Rồi sẽ về đâu ngày tháng tận

Blao - Đắk Nông 18.4.2021

DODUYNGOC




Đi ngang qua Blao lá lao xao

Nắng chiếu nghiêng cây gió rì rào

Cơn mưa vừa tới chiều hơi ướt

Đèo loanh quanh ta đi trên cao

Ta chẳng biết em về nơi đâu

Ngày chưa xong đã vọng kinh cầu

Ta bủn rủn đôi tay ôm mặt

Nghe thời gian trôi vụt ngang đầu

Đèo lắm gió xô quanh bóng đổ

Dáng ai ngồi ôm bao hỉ nộ

Người đi qua chẳng để lại gì

Mắt âm u buồn như nấm mộ

Thành quách đó không còn dấu tích

Hòn đá đây nếm đủ phong trần

Con đường chạy dần dần xuống thấp

Tiếng chim nào tuyệt vọng thanh âm

Vết cuộc tình không chịu liền da

Dưới đèo kia khói toả bao nhà

Ta cô quạnh giữa chiều ươm nắng

Hành trình này thiếu một sân ga

Mây đùn quanh trắng cả góc trời

Mùa đi rồi cành lá tả tơi

Thêm điếu thuốc dập dồn hơi thở

Khói u hoài bay đi muôn nơi

Qua Blao nhìn lại nhà thờ

Mắt Chúa buồn tựa một vần thơ

Ta trượt ngã giữa sân đầy lá

Ngó bóng mình chợt nhớ cơn mơ

Trên thánh giá còn vương vết máu

Dấu đinh hằn trong mỗi ngón chân

Ta rũ rượi chốn nào nương náu

Cuối cuộc đời mới biết thương thân

Blao 16.4.2021

DODUYNGOC















Món ăn Việt Nam được báo chí, truyền thông và thông tin nước ngoài đề cập đến nhiều nhất có lẽ là Phở. Bây giờ Phở đã có mặt khắp nơi từ Bắc chí Nam ở trong nước. Phở cũng đi khắp năm châu bốn bể. Người ta viết nhiều về Phở, người ta cũng đã đề cập đến nước phở, bánh phở, thịt tái, gầu, sách, vè, sụn, gân, chín nhừ, xí quách, vè dòn, nạm mềm...và phở xào dòn, xào mềm, tái lăn, sốt vang..hằm bà lằng đủ kiểu. Thế mà trong món Phở có hai thứ hình như chưa có ai nói đến đó là tiết và tủy. Ai ăn Phở rành, điệu nghệ chắc hẳn phải biết hai món này khi đến với Phở. Thế nhưng không phải tiệm phở nào cũng đều có hai món ăn chơi này. Tiết thì có thể có nhiều ở các hàng phở, nhưng tuỷ là món hiếm à nghen.

Trước tiên, nói tới tiết. Tiết chính là máu của con bò tiết ra từ những tảng thịt bò tươi. Với Phở, tiết không phải là chậu huyết bò tuôn ra khi người ta làm thịt nó mà tiết ở đây được rỉ ra từ những miếng thịt bò được cắt để trong dĩa hoặc thau chờ bỏ vào tô phở cho người dùng. Nguồn như thế cho nên thịt bò phải thật tươi, màu đỏ không bầm thì mới có tiết ngon. Khi khách gọi, người bán sẽ chiết ra chén, chan thêm một vá nước phở, tiết sẽ chín và được mang cho khách. Thông thường, chén nước tiết được thêm cái hột gà tươi. Có người chỉ thích tròng đỏ, nhưng thông thường là cả nguyên trứng. Chén nước tiết hột gà đó phải ăn riêng, không bỏ chung vào bát phở. Thế mới đúng cách. Nếu thích, vắt vào vài giọt chanh, chén tiết càng thêm hương vị. Thế nào là chén tiết ngon? Tiết ngon phải là tiết hơi chín tái, không đông vón cục. Nhìn như có sợi là tiết ngon. Có thể dùng muỗng múc cái tròng đỏ hột gà, húp cái rột rồi nâng chén cho thêm vào miệng một ngụm nước tiết pha lẫn nước phở. Một cảm giác rất lạ trong miệng. Một vị cũng rất ngon bởi mằn mặn của tiết, beo béo của nước phở, tanh tanh mà trơn tuột của tròng đỏ trứng gà cộng thêm hăng hắc của hành băm, hơi chua của chanh, một hỗn hợp rất ngon và thống khoái.

Về mặt khoa học trong dinh dưỡng, nội tạng bò không được khuyến khích sử dụng. Thế nhưng với tiết bò, không thể phủ nhận giá trị dinh dưỡng của chúng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hàm lượng protein có trong tiết bò cao (chiếm khoảng 70%) là thành phần quan trọng với cơ thể chúng ta. Người yếu, bệnh, trẻ con nên thỉnh thoảng làm một chén nước tiết hột gà, tốt hơn uống chục viên thuốc bổ. Ông nào vừa tốn hao khí lực phục vụ các bà, các cô, chơi một chén tiết hột gà, bảo đảm sẽ hoàn vốn. Bởi tiết bò có nhiều công dụng có lợi cho sức khoẻ. Trước nhất là phòng ngừa thiếu máu do tiết bò có hàm lượng sắt cao, đồng thời dễ hấp thụ và tiêu hóa nên được coi là nguồn thực phẩm vàng giúp bổ sung sắt tự nhiên cho cơ thể. Từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu. Tiết bò còn chứa nguyên tố vi lượng coban cao, giúp kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của các khối u ác tính. Các hoạt chất có trong tiết bò có thể tiêu diệt các tế bào hoại tử, tổn thương, giúp đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương. Hàm lượng vitamin K trong tiết cũng cao, có khả năng thúc đẩy máu đông nhanh hơn. Với người bị thương nhẹ, ăn một lượng tiết bò vừa phải, vết thương sẽ lành nhanh chóng. Tiết bò cũng giúp chống lão hoá do tiết bò có chứa nhiều nguyên tố vi lượng giúp da hồng hào, căng bóng và tươi trẻ hơn. Bên cạnh đó, lượng photpholipit trong tiết còn giúp trì hoãn sự lão hóa hiệu quả. Đồng thời chúng còn có khả năng làm tăng hàm lượng acetylcholine trong cơ thể, giúp các tế bào thần kinh liên kết nhanh chóng và tăng cường trí nhớ. Không những thế, tiết bò còn hỗ trợ giảm cân. Nếu bạn đang có nhu cầu giảm cân thì ăn tiết bò cũng là một giải pháp rất tốt. Vì trong tiết có chứa hàm lượng sắt cao nên có thể tránh được tình trạng thiếu máu trong quá trình ăn kiêng giảm béo. Cuối cùng tiết bò có thể làm sạch các hạt kim loại gây hại cho cơ thể. Nếu thắc mắc ăn tiết bò có tác dụng gì thì lợi ích này sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm khói bụi như kỹ thuật, xưởng dệt,... thì ăn tiết có tác dụng loại bỏ được những bụi bẩn và hạt kim loại gây hại cho cơ thể. Hàm lượng protein trong tiết sau khi trải qua quá trình phân giải của dịch axit trong dạ dày sẽ sinh ra hoạt chất có thể khử trùng ruột.

Tiết bò vừa ngon, vừa có lợi nhiều thế thì tại sao không vào ngay tiệm phở ngon nào đấy, gọi một tô phở theo ý thích và kêu thêm chén tiết hột gà. Ăn xong, bạn sẽ thấy hình như mình có khoẻ hơn một chút he...he.

Nhưng mà, đời nhiều khi có chữ nhưng phiền ghê, những người sau đây thì không nên ăn tiết. Thứ nhất là người mắc bệnh tim mạch không nên ăn vì tiết bò chứa hàm lượng cholesterol cao. Thứ hai là tuy là người bình thường hay mắc bệnh chảy máu đường tiêu hóa khi đại tiện phân sẽ có màu đen do tiết bò giàu sắt. Điều này dễ gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến kết quả thăm khám. Và điều nữa không nên ăn quá nhiều có thể gây ra tình trạng dư thừa protein, khiến gan bị tổn thương, tất nhiên rồi, dù là bổ nhưng ăn nhiều quá thì bổ ngửa là cái chắc!

Giờ bàn về tuỷ. Tủy xương là một loại mô xốp ở trung tâm của xương. Nó tập trung nhiều nhất ở xương sống, xương hông và xương đùi. Nó chứa các tế bào gốc phát triển thành các  hồng huyết cầu, bạch huyết  cầu hoặc tiểu cầu, có liên quan đến vận chuyển oxy, chức năng miễn dịch và đông máu. Tủy xương của động vật như bò, cừu, caribou (tuần lộc Bắc Mỹ) và nai sừng tấm thường được tiêu thụ trong nhiều loại hình ẩm thực.

Do có hương vị đậm đà, hơi ngọt với xốp mịn nên nó thường được ăn cùng với bánh mì nướng hoặc được  dùng để nấu súp hoặc làm nước dùng xương. Trong món Phở, đặc biệt là Phở Bắc, người ta dùng xương ống đã lóc hết thịt để nấu nước phở. Nhờ vậy, nước phở trong, béo, ngon. Khi hầm xương trong hơn nửa ngày, tuỷ trong xương sẽ nổi lên trên nồi nước phở, người ta vớt cái màng ấy và nó chính là tinh chất tuỷ của xương. Cái món này rất ít tiệm phở có vì ngày nay người ta ít nấu phở bằng xương ống. Nếu có hầm xương, các quán cũng dùng nhiều loại xương, nước đục mà không có tuỷ. Đó là chưa kể người ta dùng gói bột hoặc viên phở để nấu nước lèo, lấy đâu ra xương với tuỷ? Giờ cũng có nhiều đám ham tiền, đi mua xương bò cũ về nấu phở. Xương đã lâu ngày, tuỷ thối không còn dùng được mà nước phở cũng có mùi, lại phải khử bằng nhiều thứ gia vị và hoá chất. Do vậy, vào quán phở mà gọi tuỷ có tuỷ là an tâm quán ấy nấu bằng xương ống bò. Tuỷ đang nói ở đây là tuỷ béo ở xương đùi chứ không phải tuỷ sợi ở cột sống mà ta thường thấy khi đi ăn lẫu bò. Tủy sợi ấy không có mặt ở quán phở.

Tủy xương chứa một lượng calo và chất béo tốt, cũng như một lượng nhỏ chất dinh dưỡng như protein và vitamin B12. Một muỗng canh (14 gram) tủy xương thô cung cấp: Lượng calo: 110, Tổng chất béo: 12 gram, Protein: 1 gram, Vitamin B12: 7% lượng tiêu thụ hàng ngày tham khảo (RDI), Riboflavin (vitamin B2): 6% RDI, Sắt: 4% RDI, Vitamin E: 2% RDI, Phốt pho: 1% RDI, Vitamin B1: 1% RDI, Vitamin A: 1% RDI. Tủy xương cung cấp một lượng nhỏ Acid Pantothenic (vitamin B5), vitamin B1 và Biotin (B7), cần thiết cho các quá trình quan trọng của cơ thể , bao gồm sản xuất năng lượng.

Nó cũng giàu Collagen, protein dồi dào nhất trong cơ thể bạn. Bổ sung chế độ ăn uống của bạn với Collagen được cho là thúc đẩy sức khỏe của da và giảm đau khớp. Hơn nữa, tủy xương được sản xuất từ bò, dê, cừu và nai có chứa Acid Linoleic liên hợp (CLA), một loại chất béo có thể làm giảm viêm và tăng cường chức năng miễn dịch. Ô hô, quá bổ, quá tốt cho sức khoẻ. 

Đặc biệt, Collagen, Glycine, Glucosamine và Acid Linoleic liên hợp đã được nghiên cứu rộng rãi về tác dụng tiềm năng của chúng đối với sức khỏe như:

Hỗ trợ chức năng khớp: Một số hợp chất trong tủy xương được cho là để tối ưu hóa sức khỏe của khớp. Ví dụ, Glucosamine là một hợp chất có trong sụn mà thường sử dụng như một phương thuốc tự nhiên điều trị viêm xương khớp do khả năng giảm viêm và giảm đau khớp của nó. Collagen có thể hỗ trợ sản xuất sụn khớp để giúp duy trì tốt chức năng của khớp. Tủy có thể giúp giảm viêm. Mặc dù viêm ngắn hạn là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ cơ thể của bạn, viêm mãn tính được cho là góp phần vào các tình trạng như bệnh tim, tiểu đường và ung thư. Glycine, một loại protein được tìm thấy trong tủy xương, đã cho thấy các đặc tính chống viêm mạnh mẽ trong nhiều nghiên cứu ống nghiệm và có thể giúp giảm viêm trong cơ thể bạn.

Acid Linoleic liên hợp (CLA), một hợp chất khác trong tủy xương, được phát hiện là làm giảm một số dấu hiệu viêm trong máu.

Theo một nghiên cứu kéo dài 2 tuần ở 23 người đàn ông, uống 5,6 gram CLA mỗi ngày làm giảm hiệu quả mức độ protein cụ thể liên quan đến viêm, bao gồm yếu tố hoại tử khối u alpha và protein phản ứng C.

Tủy xương cũng chứa Adiponectin, một loại hormone protein đã được chứng minh là đóng vai trò trung tâm trong việc điều chỉnh viêm và chức năng miễn dịch. Ngoài việc hỗ trợ chức năng khớp và giảm viêm, tủy xương còn tăng cường sức khỏe cho làn da của bạn. Nó không chỉ làm tăng hàm lượng Collagen và hoạt động chống oxy hóa trong da mà còn có thể giúp bảo vệ bạn chống lại tổn thương và lão hóa da.

Thế thì còn chần chờ chi nữa, hãy gọi cho bạn một chén tuỷ. Chủ quán sẽ mang ra cho bạn một chén có lềnh bềnh tuỷ màu vàng nhạt, nhìn như mỡ nhưng không phải nhé. Có thể ăn riêng hoặc cho vào cùng với tô phở để tăng cường độ béo của tô phở. Hãy nhớ tuỷ tuy béo nhưng không phải béo của nước béo. Nó ngon hơn nhiều. Hãy dùng muỗng múc một muỗng tuỷ, cho vào miệng sẽ có mùi thơm, béo và ngòn ngọt đầu lưỡi. Nếu nuốt ngay thì hơi phí đấy, hãy nhai nhè nhẹ, chất tuỷ lan toả ở trong miệng, thú vị lắm. Thế nhưng quý vị nào cholesterol cao hoặc đang giảm béo thì quên vụ tuỷ này đi nhé.

Ối trời, ham viết nhìn lại thấy mình dài dòng quá. Chỉ chén tiết và chén tuỷ mà tốn bao nhiêu chữ. Thôi dừng tại đây vậy. Mà nhớ nhe, đi ăn phở nhớ thưởng thức chén tiết hay chén tuỷ, bạn sẽ thấy món Phở ngon hơn bội phần.

13.4.2021

DODUYNGOC

 


Có một ngày tôi thèm lang thang

Ngó những hàng cây hàng nối hàng

Nghe tiếng chim kêu tầng lá thấp

Nhìn trời xanh mà lòng hoang mang

Tự hỏi mình sao lại đứng đây

Bóng đổ dài một tấm thân gầy

Đường đi xuống chân trời khuất lấp

Bỗng đời mình trôi đi như mây

Có một ngày tôi buồn héo rũ

Nằm co chân nhớ hoài chuyện cũ

Giữa mùa hè sao lạnh hai vai

Trời tạnh gió, sóng cuồng thác lũ

Sáng giật mình trong gương tóc bạc

Tuổi chất chồng héo những nếp nhăn

Quay nhìn lại đời nhiều lầm lạc

Môi khát khô đầy dẫy dấu hằn

Có một ngày ngồi im như tượng

Nghe trầm luân ào ạt đổ về

Bao cuộc tình như là vay mượn

Vây quanh mình lắm chuyện u mê

Cũng lắm lúc nghĩ là củi mục

Trôi trên sông chờ đốm lửa tàn

Nhiều dấu tích một thời tủi nhục

Thương phận mình từ thuở đi hoang

Có một ngày đi qua ngõ đó

Hoa hoàng anh vẫn nở vàng sân

Tôi ngơ ngẩn ngẩng đầu đứng ngó

Người ở đâu chẳng gặp một lần?

Thế cũng đủ một đời khổ nạn

Chúa Phật buồn an ủi cùng ta

Hoa đã héo giữa mùa khô hạn

Ta rung chuông động cả thiên hà

13.4.2021

DODUYNGOC








Còn hơn nửa tháng nữa là giỗ Mạ tôi, giỗ lần thứ mười hai, như vậy đã mười hai năm những đứa con của Mạ không còn có Mạ trên đời để thương yêu, hờn giận. Nhớ Mạ, tôi lại nhớ những món ăn Mạ nấu. Hôm nay lại chợt nhớ món Bún cá ngừ. Ôi chao! Nhớ làm sao cái nồi cá ngừ Mạ kho thuở đó. Trong ký ức vẫn còn mùi thơm ngào ngạt toả ra từ nồi cá nóng hổi. Trên đầu môi vẫn còn đọng lại miếng cá chắc mà ngọt, mà ngon từ lúc nhìn cho đến lúc nuốt.

Hình như món ăn này phổ biến nhiều ở miền Trung, miền Bắc, miền Nam ít thấy. Có lẽ con cá ngừ có nhiều ở miền Trung chăng. Nó vốn là món ăn bình dân, cách chế biến cũng chẳng cầu kỳ. Cá ngừ ngày xưa ở miền Trung giá rẻ, là loại cá của nhà nghèo dù nó là món ăn có nhiều chất cần thiết cho cơ thể. Thế nhưng, người ta cũng cho rằng đó là loại cá có nhiều thuỷ ngân, không lợi cho sức khoẻ. Mạ tôi thì bảo cá ngừ ăn phong, nhiều người ăn vào dễ bị ngứa, nổi mề đay. Nhất là những chỗ màu sậm trong khúc cá, có lẽ đó là máu cá tụ, mấy miếng này ăn tanh mà lại độc. Ngày xưa ít có thuyền tàu lớn nên thuyền lưới, thuyền câu thường chỉ đi lúc khuya và về lúc sáng hoặc khuya đi chiều về nên con cá ngừ còn tươi roi rói, thân cá có màu xanh biêng biếc, mang cá đỏ au. Giờ tàu đi một chuyến dài ngày, cá ướp nước đá nên không ngon như ngày cũ. Nhìn thì tươi nhưng thịt kho lên bở, độ béo cũng mất đi ít nhiều.

Món Bún cá ngừ có nhiều cách nấu, tuỳ vùng miền mà có mấy cách nấu khác nhau một chút. Mấy Bà, mấy Mụ, mấy Mệ, mấy O người Huế xưa thì nấu kiểu như ri. Cá ngừ mua về làm sạch bằng cách ngâm nước muối khoảng 20 phút rồi vớt ra để ráo. Nhớ đừng mua cá lớn quá mà cũng không nhỏ quá, cắt khúc cỡ nhỏ hơn bàn tay người lớn là vừa ăn. Cỡ này thịt chắc, ngọt cá, không quá xảm. Mấy Mệ hay kho cá với thịt heo ba chỉ với thơm, cho nên khi chờ cá ráo, ta ướp thịt heo, thơm với chút nước mắm ngon, thêm chút bột ngọt và tiêu. Bắt nồi lên bếp cho nóng, cho hành tím, tỏi bằm vào phi hơi vàng rồi cho thịt heo vào đảo cho hơi chín, tiếp đó cho thơm cắt lát vô nồi. Đổ tiếp cá vào một lát sau lại cho nước sôi để nguội vào nồi. Lấy hai muỗng nhỏ ruốc Huế, hoà với chút nước cho tan, gạn lại rồi cho vào nồi cá. Đợi nước sôi, vớt bớt bọt rồi cho sôi khoảng 20 phút với lửa nhỏ thì nêm nếm cho vừa ăn. Nhớ không mặn như kho mà cũng không nhạt như canh mới đúng là nước Bún cá ngừ. Cũng nên nhớ không dùng nước ướp cá ngừ, nếu cho vào nồi, cá sẽ tanh lắm, khó ăn. Vì cá ngừ là cá biển, hơi tanh nên khi nấu nên bẻ vào mấy trái ớt cho vào nồi, nước sẽ có mùi the cay, lấp mùi tanh của cá. Bún cá ngừ ăn xâm xấp nước nên khi nấu nhớ để lại nhiều nước chứ không kho khô kẹo. Khi thấy đúng độ chín rồi, đậy nắp, tắt lửa để thêm chừng chục phút nữa cho khúc cá thấm, ăn sẽ ngon hơn. Cũng có thể bỏ thêm hành lá cắt khúc, nồi cá nhìn thêm hương vị . Gắp khúc cá ra dĩa với nước. Bỏ bún vào tô, chan nước vào, thêm chút rau sống, rau thơm. Xắn miếng cá vào và dùng đũa lùa vào miệng, nhớ lùa bằng đũa nghe, thế mới trọn vẹn cái sự ngon, cắn thêm miếng ớt xanh, lại nhớ là ớt xanh chứ ớt đỏ không hợp lắm với cá ngừ. Chất béo bùi của cá quyện béo của thịt heo trộn với nước cá hoà lẫn với rau xanh cộng chút cay của ớt tạo ra một hỗn hợp tuyệt cú mèo, ngon không nói được. Chất cá ngừ có một mùi đặc biệt khác các loại cá khác. Mùi gì nhỉ! Làm sao dùng chữ để diễn tả đây, chỉ biết là nó ngon, nó sướng cái miệng gì đâu. Miếng thơm kho cũng quá ngon, nó đẫm chất mặn của nồi cá thêm vào vị của biển cả. Nó không còn là miếng thơm ngọt thông thường nữa mà là hỗn hợp của nhiều vị. À mà còn mùi ruốc nữa, cách nấu này ít dùng nước mắm mà dùng ruốc để nêm cho nên có thoang thoảng mùi ruốc Huế. Một nồi cá ngừ rất Huế. Nếu thích ăn cay thì giã một chén ớt tỏi, giã dập chứ không phải cắt hay xáy ớt nhé. Chén ớt tỏi dậy mùi thơm, cho  nước cá vào, đảo lên rồi mới chan vào tô bún. Nếu có thì thêm chút sa tế trộn điều cho tô bún thêm màu sắc. Miệng lại đầy nước bọt rồi. Ăn mà xuýt xoa vì cay, mà chảy mồ hôi vì nồng, nước mắt rịn ra vì nóng thì mới đã. Trên là cách nấu của Mạ tôi mấy chục năm trước, khi mùa hè cá ngừ về và anh em tôi xếp lớp ngồi ăn, mồ hôi đứa nào cũng nhễ nhại.

Cũng có một cách nấu khác, cũng ngon và mang một mùi vị khác. Đấy là sau khi làm sạch cá, đem ướp muối, bột ngọt cho cá thấm rồi đem chiên sơ cho khúc cá hơi vàng. Sau đó cho cá vào nồi nước đã có thơm, cà chua, nước mắm, bột nêm, muối, ớt trái bẻ đôi. Kiểu này đơn giản, nước sôi, chín cá là đem ăn. Thịt cá săn chắc, béo thấm đẫm gia vị trộn lẫn sợi bún tươi và nước chua chua, ngọt ngọt với rau sống tạo ra một món ăn hài hoà giữa hương và vị, giữa mùi và gió lộng biển khơi. Kiểu nấu này hợp với người Nam nhưng thiếu cái đậm đà của ruốc Huế. Miếng cá chiên nhìn thì đẹp mắt nhưng lại thừa dầu và cá lại hơi khô, ăn không còn ngọt như miếng cá tươi nấu trực tiếp.

Cũng có một cách nấu khác nữa là gọt thơm, cắt lát nhỏ cùng cà chua, hành lá cắt mịn, ớt cũng thái lát. Đi kèm còn có hành tím, tỏi băm. Cá sau khi làm kỹ, cắt lát ướp với gia vị một thời gian thì đem chiên hơi vàng rồi vớt ra. Dùng dầu chiên cá để phi thơm hành tỏi, trộn thêm chút ớt bột. Hành tỏi đã vàng, cho thơm, cà chua vào xào, nêm nước mắm, bột nêm, bột ngọt đảo đều. Đến độ chín thì cho vào khoảng nửa lít nước dừa tươi, nước dừa sôi cho cá vào đợi sôi lớn lại, giảm lửa riu riu cho cá ngấm. Trước khi bắc nồi xuống nhớ cho hành, tiêu, mùi thơm lan toả cả gian bếp. Nấu kiểu này, nước cá sẽ hơi ngọt vì nước dừa, người ăn sẽ phát hiện một hương vị khác.

Cách đây khoảng năm bảy năm, ở đường Nguyễn Trãi, Quận nhất, Sài Gòn quán Ngọc Trâm có bán món này, ăn cũng được. Giờ quán dẹp tiẹm rồi, không biết giạt về đâu?

Dài dòng quá thế nhưng tôi vẫn thích kiểu Mạ tôi nấu hơn. Nấu món cá ngừ với ruốc nó có mùi vị lạ lắm. Cũng như món Bún cá ngừ là một gam màu lạ trong các món ăn xứ Huế vậy. Cũng cần nhắc lại là ăn Bún cá ngừ thì phải có ớt xanh với rau sống. Ít nhất là phải có rau mùi, rau thơm, rau tía tô, bắp chuối bào mỏng. Cho nên một bữa ăn Bún cá ngừ của Huế là ngon mắt nhờ màu xanh biếc của cá, màu xanh lá của rau, màu của ớt của điều, sa tế. Nó còn làm cho khứu giác hoạt động nhờ mùi ruốc, mùi biển cả, đấy là ngon mũi và chắc chắn phần còn lại là ngon miệng. Ở Huế chỗ chợ Bến Ngự có gánh Bún cá ngừ đúng điệu Huế, nhưng lại không có bán thường xuyên, hên hay có duyên thì gặp. Bởi món ăn này không phải là món ăn quanh năm của người Huế mà chỉ đến dịp cuối xuân đầu hạ, khi ngư dân đánh bắt được nhiều cá ngừ thì món bún cá ngừ mới xuất hiện trong bữa cơm gia đình và trong các quán nhỏ ở Huế. Theo những người sành ăn, cá ngừ nấu ăn bún ngon nhất là cá ngừ quạ. 

Cũng nói thêm một chút về thành phần dinh dưỡng của cá ngừ. Trong 165 gam cá ngừ có calo: 191, Chất béo: 1,4g, Natri: 83mg, Carbohydrate: 0g, Chất xơ: 0g, Đường: 0g, Chất đạm: 42g. Cá ngừ chứa các chất béo lành mạnh như axit béo omega 3 nhưng hàm lượng chất béo tổng thể lại thấp ( chỉ chứa ít hơn 2 gam / lon). Cá ngừ có hàm lượng chất béo và calo thấp rất phù hợp với các chế độ ăn kiêng cho người muốn giảm cân, giảm mỡ. Giúp bạn có thể sở hữu một vóc dáng săn chắc, khỏe mạnh và không gây hại cho sức khỏe. Giúp bảo vệ lá gan, ngăn ngừa thiếu máu, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.

Sài Gòn đang vào đầu tháng tư, đầu hạ. Những cơn mưa bất chợt vội đến vội đi. Ngoài trời đang mưa lớn. Thắp một nén nhang trên bàn thờ, đốt thêm hai cây đèn tỏa sáng. Khói nhang thơm ngát căn phòng, nhìn ảnh Mạ và nhớ Mạ quá. Món Bún cá ngừ viết dài dòng lại tăng thêm nỗi nhớ. Khao khát được một ngày như ngày xưa, rất xưa, cả nhà đoàn tụ trong nụ cười ấm áp trên mỗi khuôn mặt và những thức ăn ngon Mạ nấu. Dĩ vãng tìm đâu thấy?

11.4.2021

DODUYNGOC
















Khi nói đến món ngon Hà Nội, người ta thường nhắc đến Phở, bún chả, chả cá Lã Vọng và bánh tôm Hồ Tây. Sau này, bánh tôm Hồ Tây rớt khỏi danh sách bởi chẳng còn ngon và độc đáo như xưa. Còn lại ba món. Phở bây giờ tràn lan từ Bắc chí Nam, rầm rộ luôn ở nước ngoài. Sau 1975, món bún chả cũng xuất hiện nhiều ở miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn vì thành phố có mặt nhiều người miền ngoài Nam tiến. Chỉ có quán chả cá là thưa thớt ở thành phố lớn nhất nước đã đổi tên này. Trước năm 1975, những người Bắc di cư năm 1954 mang theo nhiều món ăn Hà Nội vào Nam. Hồi đó có quán chả cá Hà Nội ở Tân Định, một thời nổi tiếng. Nhưng món ăn này khách đa số là người Bắc ưa chuộng, người Sài Gòn không khoái lắm. Sau 1975, quán này bán một thời gian rồi cũng dẹp tiệm. Một thời gian sau, món chả cá lại trình diện dân sành ăn Sài Gòn bằng quán chả cá Lã Vọng ở đầu đường Hồ Xuân Hương, quận ba.

Tiệm chả cá Lã Vọng thì đã quá nổi tiếng ở Hà Nội. Đây là quán của gia đình họ Đoàn làm chả cá rất ngon để đãi bạn bè, sau đó mở quán bán cho khách, trở thành quán ăn ngon ở Hà Nội. Trong quán ăn chả cá đó có bày tượng ông Lã Vọng, Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá nên người ta đặt tên là Chả cá Lã Vọng nằm trên phố Chả cá. Phố Chả cá mà có độc một quán bán chả cá, kể cũng ngộ. Cũng từ đấy món chả cá Hà Nội còn có tên là chả cá Lã Vọng. Tiệm Chả cá Lã Vọng ở Sài Gòn là hậu duệ của quán đấy. Hình như là của con gái bà chủ gia đình họ Đoàn ngày xưa.
Người ta thường nghĩ món ngon Hà Nội cầu kỳ trong cách chế biến. Thế nhưng món chả cá lại là món ăn đơn giản, dễ làm nhưng không phải ai chế biến cũng ngon. Trước hết quan trọng nhất là phải có cá ngon. Phải là cá lăng, cá lóc cũng làm được nhưng không ngon. Thịt cá lăng chắc, béo hơn cá lóc. Có người cho rằng làm món này thì bất cứ cá da trơn nào cũng làm được. Đương nhiên là thế nhưng không phải cá lăng thì món chả cá mất ngon gần một nửa. Có cá ngon rồi thì phải biết cách ướp cá, khâu này quan trọng không kém, nó quyết định ngon dở đấy. Làm món này chỉ sử dụng phi lê cá, rửa sạch, lau khô, cắt thành miếng hình chữ nhật khoảng 1,5cm. Khử mùi tanh bằng rượu và gừng cắt mỏng. Ướp cá với muối, tiêu, bột ngọt, riềng băm nhỏ, chút mắm tôm, thì là xắt nhỏ, sả, mẻ chua, nước cốt nghệ. Với hỗn hợp đó, cá chưa qua lửa đã có mùi thơm. Lưu ý lượng mắm tôm ướp vừa phải không thì miếng cá sẽ mặn làm mất đi chất cá. Để cho cá ngấm đều gia vị, nên ướp trong khoảng 1 giờ trong ngăn mát của tủ lạnh.
Khi cá đã ngấm đều, ta cho từng miếng cá xếp vào vỉ nướng trên bếp than. Lửa liu riu. Giờ người ta thường cho vào lò nướng điện, miếng cá sẽ khô, không ngon. Bếp than vẫn là chọn lựa tuyệt nhất. Miếng cá sẽ hơi vàng dưới sức nóng, nhớ thỉnh thoảng phết lên mặt cá chút dầu hoặc mỡ nước để cá không khô và bóng đẹp, khi ăn cá sẽ béo hơn. Đừng nướng cháy quá, thịt cá sẽ đổi màu, da cá sẽ dòn không còn sần sật nữa.
Khi bắt đầu ăn ta đặt chảo lên, cho dầu ăn hoặc mỡ nước vào. Thật ra dùng mỡ nước sẽ ngon, béo và có mùi thơm hơn dầu. Cho cá đã nướng vào chiên cho nóng và vàng hai mặt, bỏ hành, thì là xắt nhỏ vào đảo cho rau chín, cá nóng. Lúc này ta có thể bắt đầu thưởng thức. Cho vào chén chút bún tươi, bỏ rau và thì là vào, thêm mấy miếng cá, rắc chút đậu phụng rang giã dập, chút hành hoa và rưới chút mắm tôm.
À khoan, phải nói về mắm tôm cái đã. Phải là mắm tôm Thanh Hoá, lọc sạch cát và cặn. Pha với chút bột ngọt, chút xíu đường, dầu tỏi nếu cần thêm chút rượu trắng khử mùi. Vắt chanh vào, đánh cho sủi bọt sau đó cho tỏi băm và ớt vào. Nếu kỹ hơn nữa thì đem hấp cách thuỷ một lát cho mắm nóng trước khi dùng sẽ không còn chút mùi tanh nào của mắm tôm. Có người cầu kỳ hơn lại thêm chút cà cuống. Phải có chén mắm tôm đúng điệu thì bữa tiệc chả cá mới trọn vẹn.
Giờ thì ăn được rồi, cho vào miệng sẽ có chất ngọt của cá, beo béo, thơm thơm, cộng với hành và thì là, húng láng đã qua lửa, bùi bùi của đậu phụng rang, mằn mặn của mắm tôm, mùi hành hoa và có thêm miếng bánh tráng dòn nữa. Tất cả hỗn hợp đó tạo thành một hương vị hài hòa, rất riêng của món ăn nổi tiếng chốn Tràng An một thời.
Thật ra ăn chả cá ở Sài Gòn thiếu mất không khí để thưởng thức trọn vẹn. Phải tiết trời hơi lành lạnh, gió hiu hiu như lúc sang thu. Ngồi bên bếp lửa tìm chút hơi ấm để nhấm nháp miếng cá thơm và mắm tôm ngào ngạt thì thú vị hơn nhiều. Bởi ăn miếng ngon cũng cần có tiết trời đi theo là vậy.
Chiều nay có bạn rủ đi ăn chả cá, tui đề nghị đến Hồ Xuân Hương bởi chỗ đó gia đình tui thường ăn, đã biết mùi vị và chất lượng của nó. Nhưng bạn tui bảo bên Kỳ Đồng gần nhà có quán ăn được lắm. Thích thì chiều. Thế là đến đó. Tiệm sạch sẽ, phục vụ tốt, bảng giá ghi chỉ có 129.000 đồng một phần, rẻ hơn quán kia. Thế nhưng phải công bằng mà xét thì nó không ngon bằng bên Chả cá Lã Vọng. Cái yếu lớn nhất ở tiệm này là khâu chọn và ướp cá không ngon. Thịt cá hơi bở, có thể là lóc chứ không phải lăng. Thiếu nghệ, riềng, hành hoa và cả mẻ nên mùi cá không thơm, vị cá không có dặc trưng của món chả cá. Mắm tôm lại pha quá ngọt, nhiều bột ngọt và đường quá, bay mất chất mặn của mắm. Thiếu luôn bánh tráng mè nướng giòn để cộng hưởng với cá. Nếu tối đa năm sao, có thể cho quán được ba sao. Ly trà đá tính đến 19.000 đồng, quá bậy.
Tui lại bị quê khi mới kéo ghế ngồi. Thấy trên bàn có chai nhựa đựng một thứ dung dịch màu vàng nhạt. Tui cứ nghĩ đó là chai khử khuẩn giờ thường thấy ở các nhà hàng. Mới đi ngoài đường vào, rửa sát trùng một cái cho nó vệ sinh. Bóp một bụm vào tay, thấy nhơn nhớt như nước xà phòng, thấy lạ bèn ngửi mới phát hiện đấy là dầu ăn, dùng để rưới vào chảo cá. Quê độ quá, xin cả xấp giấy chùi tay mà vẫn không sạch he...he. Mấy em phục vụ nhìn tui cười cười làm mắc cỡ muốn chết.
Tính thì rẻ so với Chả cá Lã Vọng, nhưng mà rẻ được một tí mà ăn không sướng miệng lắm thì thà chịu đắt một tí mà thưởng thức đúng mùi, đúng vị của món chả cá Hà Nội. Tưởng mong được chút Hà Nội cuối tuần ở Sài Gòn mà không được.
3.4.2021
DODUYNGOC


Mệt quá ngồi cái đã

Buồn như tháp thiếu chuông

Mây trên trời vật vã

Giữa trưa muốn ở truồng

Nhìn qua trái qua phải

Ngó xuống lại nhìn lên

Phương nào cũng thấy oải

Chân đau cất tiếng rên

Bà mẹ nó cuộc đời

Đầu năm đã lận đận

Cứ ngỡ là cuộc chơi

Đêm lại nằm tủi phận

Chó vu vơ sủa trăng

Nghe não nùng tiếng khóc

Đã tới lúc ăn năn

Mõ chuông nào lóc cóc

Nằm ngửa nhìn trần nhà

Đợi còi tàu đi qua

Đốt thêm một điếu thuốc

Rít vô chán thấy bà

Nửa đêm chợt mắc đái

Gió giật mình qua khe

Không lạnh mà tê tái

Nước đọng vũng đầu hè

Đồng hồ gõ ba tiếng

Trằn trọc đã mấy canh

Ngủ mà cũng làm biếng

Mắc cái bệnh trời hành

Đèn đường sáng đầu cửa

Soi bóng lá nằm nghiêng

Ta rơi về đâu nữa

Thắp đốm lửa ngồi thiền

Nghe dế kêu dưới cỏ

Thấy kiến bò trên tay

Cúi xuống nhìn cho rõ

Ai tạo thế giới này

Thở thêm một hơi thở

Lỗi nhịp ngực nhói đau

Đêm sao dài quá cỡ

Chăn chiếu đạp nát nhàu

9.3.2021

DODUYNGOC

Tháng ba lừng lững đi vào ngõ

Con đường lơ đãng đứng nhìn theo

Ta ngồi tìm lại trong lá cỏ

Một chút thời gian đã bay vèo

Cứ ngỡ đời trôi theo tuyệt vọng

Ai dè còn lại chút mầm xanh

Giữa ngày loáng thoáng đôi cơn mộng

Tỉnh giấc rêu xanh phủ thị thành

Tháng ba còn gió bay khăn tím

Con bướm chao nghiêng nắng rất vàng

Có người đốt lửa soi phòng kín

Đọc vội trang thư để nhớ nàng

Một bước chân đi lòng để lại

Giang hồ nhiều lúc cũng buồn tênh

Muôn thuở vẫn làm tên khờ dại

Đứng ngã ba đường ngóng gió lên

Tháng ba vẫn còn đó tang thương

Đi lên ngồi xuống bóng in tường

Trang kinh bỏ dở không người đọc

Biết đến nơi đâu hết đoạn trường

Ta tung những tảng màu lên bố

Như dòng máu chảy nhuộm vết thương

Tan tác bao âm thanh cuồng nộ

Vẫn đọng trong đầu một giọt sương

Tháng ba đậu lại bên cửa sổ

Tiếng chuông chùa nhắc đời bể khổ

Ta nhìn ta hiu hắt trong gương

Nghe thời gian phủ từng nấm mộ

4.3.2021

DODUYNGOC

Tháng chạp đi qua quá vội vàng

Bồn chồn cơn gió lạ tạt ngang

Vườn ai hoa nở vàng trước ngõ

Sương đọng đìu hiu đợi úa tàn

Ta ngỡ mây về trời rất trong

Dạ cứ nôn nao héo cả lòng

Người ở chân trời ta cuối đất

Sắp hết năm rồi bàn tay không

Tháng chạp lại về với chút mưa

Mưa như hạt bụi nắng chưa vừa

Chân người lướt nhẹ hòn đá nhỏ

Tưởng lời đất kể chuyện năm xưa

Bụi rớt trên vai ngày tháng tận

Râu tóc dài thêm đời lận đận

Còn bao hôm nữa đến giao thừa

Nhà trống nhện giăng Tết đã cận

Tháng chạp loay hoay đào chớm nở

Tìm kiếm hình người khung kính vỡ

Ta buồn nhiều hơn từ tháng giêng

Lúc nhìn lại mình đời lỡ dở

Một hôm đứng ngó cây cầu cũ

Dòng nước không trôi chiều héo rũ

Một mình cô độc trời xô nghiêng

Tuổi già qua mau như sóng lũ

Tháng chạp đêm nằm nghe dế kêu

Ngoài hiên thềm vắng đọng rong rêu

Trăng non rệu rã trời không gió

Bấc lụn đèn lu chẳng muốn khêu

Tháng chạp mắt người như lá cây

Đi ngang phố vắng bóng in gầy

Ta gom ký ức đầy trong túi

Đợi bén lửa tàn phía đồi tây

8.2.2021

27 Tết

DODUYNGOC


Người về trời chẳng còn sao

Con sông thiếu nước thú gào rừng hoang

Trăm căn nhà cửa mở toang

Người xe vắng bóng phố toàn quỷ ma

Sóng ngưng vỗ giữa chiều tà

Tiếng kinh lấp ló dưới toà hoa sen

Người quân tử hoá kẻ hèn

Đêm le lói mặt soi đèn bấc khô

Người về miệng niệm nam mô

Con chuồn chuồn đỏ trên mồ hoang vu

Con chim đậu giữa âm u

Buồn không tiếng hót mắt mù biếng bay

Chiều không khói mắt lại cay

Bình không còn rượu sao say giữa chiều

Trăm năm bỗng nhớ cô Kiều

Bao nhiêu hoạn nạn đời nhiều trái ngang

Người về ngồi giữa hoang tàn

Nghe trăm vó ngựa gõ ngàn dặm xa

Những anh hùng đã thành ma

Lửa leo lét cháy sơn hà nát tan

Bao anh linh đứng xếp hàng

Tay ôm mặt khóc cờ tàn chịu thua

Không người bán chẳng người mua

Thân tàn ma dại đợi mùa tái sinh

Người về bỗng thấy thất kinh

Triệu con mắt ngó như hình lưỡi dao

Mặt trời hấp hối lao đao

Úa tàn ngọn cỏ hư hao phận người

Người về vắng tiếng nói cười

Gió hoang mang thổi hoa rười rượi đau

Chẳng còn trước không còn sau

Thời gian đọng lại một màu hẩm hiu

2.2.2021

DODUYNGOC


 Tháng giêng về lạnh buốt hai vai

Nửa đêm run với trận ho dài

Nằm co quắp hai tay bó gối

Thương thân mình xót phận cho ai

Tháng giêng về mắt đâu còn xanh

Đợi chồi non nhú lộc trên cành

Trời buổi sáng sương mờ ướt tóc

Chỉ một mình ta đi loanh quanh

Tháng giêng chờ thêm một nhành mai

Nhớ cánh hoa thêu ở mũi hài

Xưa thong dong bay tà áo lụa

Giờ cô đơn gói giấc mộng dài

Tháng giêng chờ năm tháng đi ngang

Cửa khép vườn hoang đỏ lá bàng

Thềm rêu nằm đợi bàn chân bước

Có mối tình mưa nắng không tan

Tháng giêng buồn cô đơn đôi tay

Thả cuộc đời phó mặc rủi may

Chờ chi nữa bạc dần râu tóc

Cuối chân đồi ngựa đi như say

Tháng giêng buồn Tết sẽ chẳng vui

Thôi nằm yên mong giấc ngủ vùi

Ôm ký ức gối giường trăn trở

Qua ga rồi còn tàu nào lui

Tháng giêng rồi sẽ qua tháng hai

Vẫn còn đây những vở kịch dài

Thêm áo mão vẽ râu mang kiếm

Đứng chơ vơ sân khấu lạc loài

Tháng giêng rồi nhện vẫn giăng tơ

Nhà vắng hoe ta bỗng bơ phờ

Thêm ánh lửa đốt tìm hơi ấm

Người lung linh qua tấm ảnh mờ

Tháng giêng đi thêm một chén trà

Tiếng còi tàu đã về nơi xa

Hoa tơi tả giữa tờ thư cũ

Nghe tiếng chuông ngân giữa mái nhà

Tháng giêng đi còn ai mà trông

Qua thời gian môi đã thôi hồng

Ta lảo đảo về nơi cuối phố

Tim héo mòn giống lá mùa đông

15.1.2021




Quá nửa đêm rồi cái thời thổ tả

Có tiếng xe gầm rú trên phố vắng

Người không ngủ

Chạnh nhớ một thời đã trôi rất xa

Con chó sủa trăng đêm vắng trăng

Tiếng tru như ai cắt cổ

Những động đậy mơ hồ

Con mắt buồn như khóc

Vệt đèn sáng hắt hiu soi đàn chuột chạy

Lũ chuột gớm ghiếc lượn lờ miệng cống

Đêm bơ vơ thèm tiếng thở

Ôi cái thời miệng không dám mở

Nhìn chiếc kim chạy vòng quanh

Người cũng chạy loanh quanh

Lão hành khất què đi lang thang nhặt rác

Tiếng nạng gõ từng nhịp

Lũ cướp bày dạ tiệc hú như thú rừng

Đã qua một năm ôn dịch

Con chuột nhắt đã lọt vào phòng

Ẩn mình đâu đó

Những con chim giẫy đành đạch

Đã qua nửa đêm trời trở lạnh

Nghe đâu đó có tuyết đầu mùa

Người trần truồng chăn chiếu lệch

Cơn dục vọng thèm khát sôi sùng sục

Gió lọt qua khe thành tiếng rít

Nước chảy tí tách từ cái robinet hỏng

Bóng con mèo đi chậm rãi in trên tường

Gào gọi đực

Ma quỷ lang thang đầy đường

Người soi mặt vào gương ghìm cơn ói

Uống thêm viên thuốc ngủ

Nằm im

Hai bàn chân tê buốt như máu ngừng chảy

Ngực còn tiếng nhịp đập

Thèm hét một tiếng phá vỡ số phận đông cứng

Cơn phẫn nộ xếp hàng

Rộn ràng

Âm thanh của đêm.

10.1.2021

DODUYNGOC

 


Chân đã mỏi ngồi xuống đây một tý

Nghe tim kêu máu chảy dưới da trần

Đường nhân gian bận rộn có mấy khi

Được đứng lại soi phận mình chốc lát

Quay nhìn lại đời đã đâm lắm nhát

Đã bao lần ôm nhục thiếu cơm ăn

Đêm không chiếu giữa nền đất nằm lăn

Kê sách vở ôm vào lòng chống đói

Ở đám đông lặng thinh không tiếng nói

Đi cúi đầu chẳng dám ngước nhìn ai

Đôi bài thơ chất chứa nỗi tàn phai

Đời quạnh quẽ với bao người phản trắc

Cũng có lúc đông tha hương lạnh ngắt

Tuyết rơi đầy phủ cứng cả đôi tay

Nhớ quê nhà lòng đau như dao cắt

Lời ca buồn lảo đảo bước cuồng say

Thời xoay vần quay những cánh chim bay

Em mất hút tựa mây về cuối phố

Ta loay hoay tìm kiếm ngày hội ngộ

Ngồi trên cầu nhìn nước chảy về đâu

Bao năm rồi đời lắm cảnh bể dâu

Bao danh lợi cũng chỉ là gió thoảng

Nhìn phía trước bỗng rùng mình hốt hoảng

Chốn cuối cùng chỉ còn nấm mộ sâu

Chân đã mỏi đôi vai gầy cũng nẫu

Giữa hiên nhà trăng héo rũ cùng ta

Phút nhìn lại còn quá nhiều câu hỏi

Thôi buông tay chiều cất một tiếng khà

5.1.2021

DODUYNGOC


Một hôm trăng héo bên đồi

Ngựa già mỏi vó bước thôi nửa chừng

Nhìn trời khoé mắt rưng rưng

Nhìn cây tiếc nhớ cánh rừng năm xưa

Một hôm bỗng thấy mình thừa

Thừa tay dư mắt chưa thưa nỗi sầu

Đi lên bước đến giữa cầu

Nghe trăm năm đậm thêm màu thời gian

Một hôm chạm mặt gian nan

Chồn chân đứng lại lụi tàn giấc mơ

Em hoang sơ đến bơ phờ

Ta hiu hắt rụng bên bờ quạnh hiu

Một hôm đọc lại trang Kiều

Năm trăm năm nữa còn nhiều nỗi đau

Gió âm thầm lách rừng lau

Mình ta ôm ngực lối sau quay về

Một hôm lặng lẽ đường quê

Con tu hú gọi u mê nhạt dần

Mây thì xa luỹ tre gần

Ta quỳ giữa lộ một lần ngộ ra

Một hôm tìm chẳng thấy nhà

Thế gian khép cửa tuổi già chạm tay

Không có rượu đời vẫn say

Mặt trời ngã ngửa lắt lay bóng người

Một hôm muốn khóc lại cười

Đêm xô lệch gối mấy mươi tháng rồi

Thôi thì thôi thế thì thôi

Đem bao tâm sự làm mồi lửa thiêu

Một hôm đời chẳng còn nhiều

Trần truồng giữa chợ nhìn chiều trôi đi

Một hôm biết chẳng còn chi

Nằm nghe tiếng thở thầm thì với trăng.

16.12.2020

DODUYNGOC

 


Thật ra tui chẳng còn bà con, anh em, họ hàng chi ở Đà Nẵng. Đà Nẵng lại không phải là chốn chôn nhau cắt rốn của tui. Gia đình tui vốn là dân di cư 54, vào trú ngụ ở Đà Nẵng. Và tui lớn lên ở đó. Tuổi thơ tui ở đó. Tuổi thanh niên của tui ở đó. Những kỷ niệm đầu đời của tui cũng ở đó. Những tháng năm đẹp đẽ đầy những ký ức buồn vui của tui cũng ở chốn này. Thế nên Đà Nẵng thành quê hương của tui. Và cũng vì vậy, tui thường về lại thành phố này. Để tìm về những kỷ niệm, để hoài niệm những ký ức đã bị đánh mất, để tìm gặp lại những người bạn của một thời. Gặp bạn cũ để nhắc nhớ lại những chuyện của một thời trẻ trai, những chuyện nhắc để cười mà có những giọt lệ nơi khoé mắt.

Đà Nẵng bây giờ không còn là Đà Nẵng thời tui còn ở  nơi chốn ấy. Có đôi lần trở về, đi lang thang trên những con đường cũ, lại có cảm giác như đang đi giữa thành phố lạ. Tất cả đã đổi thay. Hơn nửa thế kỷ tui đã không còn là dân ở thành phố này. Mà biển dâu thì biến đổi rất mau, nhất là qua những cơn binh biến của lịch sử.

Hồi xưa, nhà tui ở gần khu ngã tư chợ Cồn, gần xóm bến xe nên lần nào về tui cũng đứng ngẩn ngơ ở khu này để mường tượng ra cảnh cũ. Tui nhớ gần ngã tư này ngày xưa có một cư xá của hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, gọi là cư xá Độc Lập. Vào khoảng những năm 60-62 của thế kỷ trước, đất cư xá còn rộng lắm, chiều chiều tui còn vô đó chạy trên những  bãi cát để thả diều. Sau thời gian đấy, cư dân của cư xá bắt đầu cơi nới, lấn ra mặt tiền mở hàng quán và hình thành một khu bán bò tái sầm uất ở ngã tư. Đối diện với cư xá bên kia đường là cây xăng, từ cây xăng đi một đoạn là đến đường rầy. Sống bám khu đường rầy là đội ngũ dân lao động, một số làm ăn bằng khai thác vỏ xe hơi cũ, nhìn họ lúc nào cũng lấm lem. Đường rầy chạy vào cuối chợ Cồn, qua khu nhà vệ sinh của chợ lúc đấy khi nào cũng bốc mùi nồng nặc. Đường rầy cũng chạy qua hầm cầu Vồng và đi mãi ra đến Huế hay đi về đâu đó? Từ chỗ đường rầy, xuôi theo đường Hùng Vương, có một địa chỉ mà suốt tuổi đi học của tui ngày nào tui cũng nán lại một chút để ngắm những người hoạ sĩ đang vẽ, đó là tiệm vẽ của hoạ sĩ Nguyễn Viết Hậu. Dù không dạy tui giây phút nào, nhưng ông là người thầy đầu tiên dẫn dắt tui đến với hội hoạ và yêu sắc màu. Đến khi lớn lên, chọn con đường mỹ thuật để học tập, sinh sống và làm nghề, trong thâm tâm lúc nào tui cũng mang ơn ông.

Đi xa hơn nữa xuống đường Hùng Vương cũng có một địa chỉ cũng gây cho tui ấn tượng và ghi trong trí nhớ là tiệm ảnh Phụng Ký. Tui nhớ địa chỉ này vì hồi đó bà Phụng Ký không chỉ là người phụ nữ hiếm hoi làm nghề chụp ảnh mà còn vì nhà này còn có một chuồng chim rất lớn ở sân nhà, tui thường đi ngang đứng nhìn chim nhảy nhót và chờ tiếng hót của chim vì tui là thằng bé rất mê chim. Sau này gặp và quen nhiếp ảnh gia Hà Quốc Tấn, con của bà Phụng Ký, mỗi lần gặp anh Tấn lại nhớ cái lồng chim to đùng đầy tiếng hót của tuổi thơ.

Trở lại ngã tư chợ Cồn, phía bến xe là một dãy hàng quán. Tui nhớ có bánh mì ông Tý, lúc đấy ông có chả rất ngon. Mạ tui thích ăn bánh mì của ông này nên thường sai tui ra mua, lần nào tui cũng nhón một miếng chả trong ổ bánh mì mà nhâm nhi trên đường về, lúc đó cảm thấy ngon ghê lắm. Cạnh bánh mì ông Tý lại có bún bò bà Hưng. Gia đình bà Hưng ở trong xóm tui, chồng là thợ may, vợ bán bún bò, ông bà có nhiều con trong đó có hai cô con gái làm vợ hai người bạn của tui, giờ đang định cư ở Mỹ. Bún bò của bà so với bây giờ thì bún đấy mới đúng là bún bò Huế. Bún thơm mùi ruốc, nước sóng sánh màu đỏ au, thịt thơm béo, húp đến đâu biết đến đấy. Hồi đó nhà tui đông con, nên cũng không thường xuyên ăn được bún bò ở tiệm hay hàng quán, chỉ nấu ở nhà, nhưng tui được số lần ăn quán đó, mùi thơm của bát bún còn đọng lại đến bây giờ.

Bên kia đường là một dãy tiệm tạp hoá bán hàng sỉ và lẻ, hồi đấy gọi là kiosque. Tui có mấy người bạn là con của chủ các tiệm này. Năm 1963, Mạ tui sinh cô con gái thứ năm, chắc là Mạ tui thiếu sữa nên cô này uống sữa SMA, tui thường ra những tiệm này mua sữa. Sữa này béo lắm, ngon giàn trời. Sữa của em nhưng tui cũng hay lén  ăn vụng một muỗng, ngậm trong miệng cho nó tan dần, ngon gì đâu. Đầu dãy này là nhà sách Văn Hoá. Đây có thể là nhà sách lớn nhất Đà Nẵng thời ấy. Tui nhớ sách báo nhiều lắm, mà tui vốn là thằng rất mê sách nên trên đường đi học tui thường lạng vào đảo một vòng xem sách. Chủ tiệm là người đàn ông nói tiếng Huế, tướng mạo rất nho nhã, phong cách rất trí thức. Gần nhà sách là Pharmacie Hùng Vương, anh chàng con chủ nhà thuốc này có quen với tui, hắn đen nhẻm mà em gái hắn thì lại trắng như cô Bạch Tuyết trong phim Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Xuống nữa gần Trung tâm Cải huấn nhốt tù rồi tới một kho đạn có một cây xăng nhỏ và nhà sách Ngày Mới nhưng nhà sách này lèo tèo lắm, chẳng có mấy khách bán mua.

Nhắc đến sách mà không nhắc đến ông già Tàu cho thuê sách ở đường Ông Ích Khiêm đối diện cái bồn nước to đùng là một thiếu sót lớn. Tiệm cho thuê sách của ông nhỏ thôi, nhưng sách gì cũng có, nhất là sách kiếm hiệp, loại sách thời thượng lúc đó. Tui là khách hàng thường xuyên của ông, ông có trí nhớ đại tài, ông nắm rất rõ trong hàng ngàn cuốn sách ông có, cuốn nào đã cho thuê, cuốn nào đang có mặt, ông nói không cần phải nhớ. Những cuốn sách đóng chỉ, mang dấu qua tay biết bao người, bìa bọc bằng giấy xi măng trên đó ghi chi chít ngày thuê là niềm đam mê một thời tuổi mới lớn của tui. Đọc ngày đọc đêm, ba tui cấm thì mang vào cầu tiêu đọc, tối đi ngủ thì trùm mền dùng đèn pin soi mà đọc, đọc đến hư mắt luôn, càng cấm càng đọc, bị dánh đến tét đít ứa máu vẫn đọc. Ôi cái thời ham mê chữ nghĩa đến cuồng điên.

Đối diện với bên nhà sách Văn Hoá là chợ Cồn. Mặt ngoài chợ Cồn cũng có một dãy kiosque. Địa chỉ tui nhớ nhất của dãy hàng quán này là tiệm cà phê Xướng. Tui nhớ mãi tiệm này là vì sáng nào cũng mua cho Ba tui ly cà phê thơm phức mùi cà phê có chút bơ Bretel, và cũng vì ở quán này có món bánh mì thịt ngon nhức nách mà đến bây giờ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua tui vẫn thấy còn ngon. Nhắc đến ổ mì thịt ở đây, mùi ngũ vị hương vẫn ngạt ngào, màu nước thịt sóng sánh như mật vẫn như còn trước mắt và cái mùi thơm. Ôi chao ơi! Cái mùi thơm đó theo tui đi năm châu bốn bể mà chẳng tìm được ở đâu. Có lẽ đó là mùi của ký ức, mà đã là mùi của kỷ niệm thì biết tìm đâu cho thấy nữa khi bụi thời gian đã phủ che hết cái hôm qua.

Từ chỗ cà phê Xướng đi xuống đường Khải Định còn một chỗ tui còn nhớ nữa là một tiệm bán nước mắm. Có một thời gian tui thích cô con gái của tiệm này. Cô ấy học trường Bồ Đề, người cao dong dỏng, đi học mặc chiếc áo dài thời trang lúc ấy là tà ngắn, eo hơi hở một chút, nhìn đẹp lắm. Hôm nào đi học đi qua đấy cũng tìm cách ngó vào. Chiều nào cũng lạng qua trường Bổ Đề để xem em tan trường về rồi tối về ngủ mới ngon giấc. Cô ấy giờ này đã là bà nội bà ngoại, có khi là bà cố rồi. Thế nhưng lần nào về Đà Nẵng tui cũng cố trở lại khu nhà đó, dù đã đổi thay nhiều, chẳng còn như cũ nữa, nhưng tui vẫn tưởng tượng ra cô gái trẻ và xinh xắn đang ngồi trong tiệm nhỉn ra và bên đường có một chàng trai trẻ đang say đắm nhìn vào. Thế rồi cảnh cũ không còn nữa, người xưa đi mất rồi, chỉ còn lão già tuổi bảy mươi ngẩn ngơ với những đổi thay, tất cả chỉ còn cảnh phố xa lạ, những khuôn mặt xa lạ, chốn xưa không còn là chỗ của mình.

Lần này không biết là lần thứ bao nhiêu tui trở lại Đà Nẵng, và cũng như mọi lần, tui thấm cảnh bể dâu và ý thức mình đã già. Người già thường quay đẩu lại để nhớ tiếc quá khứ, thường hay nhớ những kỷ niệm đã qua đi, thường nhớ về những ký ức đã không còn tìm lại. 

Tui đã già thật rồi.

Đà Nẵng-Sài Gòn

Tháng 5.2019

DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget