CHƠI CÁ XIÊM


Có một loại cá cảnh rất đẹp mà dễ nuôi lại không tốn kém nhiều tiền bạc và công chăm sóc, đó là con cá Xiêm. Cá Xiêm còn có tên gọi là cá chọi, cá đá, cá betta. Nhìn con cá với bộ vây đuôi sặc sỡ như chiếc áo dạ hội của các người đẹp, ai cũng thích và muốn nuôi chúng. Hồi còn nhỏ, tôi mê loại cá này lắm. Mua về nuôi trong hủ chao, lâu lâu cho hai con sáp đá nhau, nhìn rất đã.
Cá Xiêm (hay còn gọi là cá đá Xiêm, cá lia thia, tên tiếng Anh là Siamese fighting fish) là tên gọi chung của một số loài cá thuộc chi Betta song chủ yếu nhất là dùng để chỉ loại B.Splendens. Betta imbellis, Betta mahachaiensis, Betta smaragdina; chủ yếu là dùng để chỉ loài B. splendens.
Tên của chi này có nguồn gốc là từ ikan bettah (một ngôn ngữ địa phương của Malaysia). Cá xiêm là một trong số những loài cá cảnh nước ngọt phổ biến nhất thuộc họ Osphronemidae, bộ Perciformes. Cá Xiêm vốn là loài Betta thuần dưỡng lâu đời ở Thái Lan rồi sau đó lan ra khắp thế giới. Xưa ta gọi Thái Lan là Xiêm La, do vậy ta gọi cá của Thái là cá Xiêm. Được biết có 4 loài Betta hoang dã ở Thái Lan, bán đảo Mã Lai và Campuchia với tên gọi theo tiếng địa phương lần lượt là pla-kad, ikan bettah và trey krem, có quan hệ huyết thống với cá Xiêm (tức Betta thuần dưỡng) là Betta splendens, Betta imbellis, Betta mahachaiensis và Betta smaragdina. Như vậy cá Xiêm là giống lai tạp (hybrid).
Cá Xiêm trưởng thành dài khoảng 6 cm (có một số giống dài 8 cm). Gần đây người ta còn lai tạo được những giống cá Xiêm khổng lồ (giant bettas) dài trên 8 cm. Là một loài cá cảnh có màu sắc sặc sỡ với bộ vây chảy dài tuyệt đẹp nhưng màu sắc tự nhiên cá xiêm hoang dã chỉ là màu xanh lá cây xỉn (dull green) và màu nâu, ngoài ra bộ vây của cá Xiêm hoang dã tương đối ngắn. Tuy nhiên do quá trình lai tạo chúng ngày càng có màu sắc sặc sỡ và bộ vây dài hơn. Ví dụ như những các giống cá Xiêm : Veiltail, Delta, Superdelta, Halfmoon...
Giống như các loài thuộc họ Osphronemidae và tất cả thành viên của chi Betta, cá Xiêm có một cơ quan phức tạp trên đầu cho phép chúng lấy oxy trực tiếp từ không khí, bổ sung cho nguồn oxy hấp thu bằng mang ở dưới nước. Nếu không tiếp xúc được với mặt nước, cá Xiêm sẽ bị "chết đuối".
Trên thị trường hiện nay, các Xiêm có rất nhiều loại, từ cá thông thường, cá thái, cá đá đến cá rồng và một số loại cá khác. Các loại cá này thật khó để kiểm đếm đầy đủ, tuy nhiên theo thống kê có một số giống nổi tiếng sau (điểm phân biệt dựa vào hình dạng của vây):
* Cá Veiltail: dòng cá có vây đuôi rủ xuống và không đối xứng
* Cá Crowntail: đặc điểm nhận dạng là vây tưa
* Cá Combtail: vây lược với những nét uyển chuyển rõ ràng
* Cá Halfmoon: cá có vây đuôi mở rộng, thông thường là đến 180 độ hoặc có thể lớn hơn
* Cá Short-finned fighting style: dòng cá hiếu chiến với bộ vây ngắn
* Cá Double-tail: cá có 2 đuôi, vây lưng khá dài
* Cá Delta tail: là dòng cá có vây đuôi mở rộng, thường gần bằng Half-moon và có các cạnh sắc hơn
* Cá Fantail: cá có đuôi quạt.
Cá Xiêm có đặc điểm hành vi rất đặc biệt, khác với các dòng cá khác vì chúng là dòng cá đá, bản năng hiếu chiến. Chúng có thể tấn công rất nhiều dòng cá khác nên thường được nuôi riêng rẽ, không nuôi chung với các dòng cá cảnh. Khi muốn tuyên chiến chúng sẽ bành to 2 mang của mình ra, xù thật dữ, sau đó căng vây và nghiêng người theo hướng tiếp cận thuận tiện nhất với đối phương, Trong quá trình khiêu chiến ấy, màu sắc cơ thể của chúng có thể chuyển sang đậm hơn, đôi khi có màu đen sẫm ở đầu rất dữ tợn.
Tuy nhiên nhiều người lại cho rằng, bộ vây của chúng đẹp nhất và lung linh nhất khi khiêu chiến hay tấn công đối phương.
Là dòng cá có tính sở hữu rất cao, chúng thường xác định cho mình một địa bàn sinh sống riêng thường tự đặt ra cho mình một lãnh thổ riêng ví dụ như một bụi cây thủy sinh hay một hốc đá nhỏ và sẽ bất chấp bảo vệ lãnh thổ của mình, sẵn sàng khiêu chiến với bất cứ dòng cá hay sinh vật nào dám xâm phạm. Cá Xiêm hung hãn đến mức độ xung đột với chính hình ảnh của nó ở trong gương, vì vậy tốt nhất không nên để gương trong bể nuôi cá xiêm, nó có thể bị tổn thương do "chiến đấu" với hình ảnh của mình trong gương.
Chính vì tính hung hãn mãnh liệt vốn có, cá xiêm đã trở thành một trò tiêu khiển cho con người.
Theo nghiên cứu khoa học, cá đực có bản tính hành vi hung dữ hơn cá cái.
Cá xiêm giao phối theo một cách độc đáo được gọi là ép (hoặc quấn). Khi giao phối con đực quấn quanh con cái ép chặt lại, mỗi lần như vậy con cái sẽ sinh ra 10 đến 40 trứng, ngay lập tức con đực sẽ phóng tinh trùng của mình vào mỗi quả trứng.
Sau khi sinh hết trứng người nuôi cá nên vớt cá xiêm cái ra khỏi bể chứa, nếu không nó có thể sẽ ăn chỗ trứng vừa sinh ra.
Chỉ con đực mới có nhiệm vụ trông coi và chăm sóc trứng. Cá xiêm đực sẽ làm một cái ổ bằng bọt khí oxy, khi giao phối nó sẽ nhặt từng quả trứng con cái sinh ra và đặt vào ổ bọt khí của nó. Nếu có quả trứng nào bị rơi xuống nước vì bọt khí vỡ cá xiêm đực sẽ cẩn thận nhặt lại và cho vào một bọt khí mới.
Cá Xiêm vốn là giống cá ăn thịt. Đây là dòng cá dễ nuôi, nguồn thức ăn khá đa dạng, bao gồm các thức ăn trong tự nhiên và thức ăn tổng hợp. Người nuôi không cần lo lắng về việc ăn chúng gì mà có thể tham khảo một số dòng thức ăn cụ thể sau đây:
* Trong tự nhiên chúng chủ yếu ăn zooplankton (loài phiêu sinh), bọ gậy (loăng quăng), xác động vật, giun đỏ, tôm nhỏ, tép nhỏ và một số ấu trùng của côn trùng khác hay các loài cá nhỏ hơn mình.
* Trong thực tế, người nuôi còn có thể cho cá ăn các dòng thức ăn tổng hợp được bày bán trên thị trường, thường là sự kết hợp giữa các loại cám, tinh bột với các loại tôm, cá xay nhuyễn,…
Thức ăn cho cá Xiêm rất phổ biến trên thị trường hiện nay. Bạn nên đảm bảo cho chúng ăn 2- 3 lần/ngày đối với cá giống và 1 – 2 lần/ngày đối với cá trưởng thành. Người nuôi cá xiêm thường cho ăn thêm thức ăn sống như giun đỏ, các viên thức ăn được trộn từ thịt tôm băm nhuyễn, thịt cá, tôm ngâm nước muối, giun đỏ, và vitamin. Nếu được đảm bảo về nguồn thức ăn và chất dinh dưỡng, cá sẽ sống lâu hơn, có màu sắc sặc sỡ và đẹp hơn, các vây bị rách sẽ liền nhanh hơn.
Tuy là cá dễ nuôi nhưng cá Xiêm là loại cá rất dễ bị bệnh. Những loại bệnh thường gặp là:
* Bệnh viêm da (hay còn gọi là bệnh đốm trắng)
* Bệnh thối vây
* Bệnh nấm
* Bệnh lở miệng
* Bệnh nấm velvet
* Bệnh sình bụng
* Bệnh sưng mắt
* Bướu (lump)
* Bệnh đốm đỏ
* Bệnh nhiễm khuẩn (bacteria)
* Bệnh ký sinh (parasite)
Muốn nuôi cá Xiêm, loại cá đá thì nên chọn hồ 60 cm. Theo kích cỡ tiêu chuẩn là 60×30× 30cm.
Trong quá trình nuôi, lưu ý một số điểm sau:
– Thay nước một phần: Thay nước ít nhất một tuần một lần. Các hồ hay bể cá nhỏ không có máy lọc sẽ cần thay nước thường xuyên. Để thay nước một phần, sẽ phải đổ bớt nước ra khỏi bể cá hiện tại và thay bằng nước sạch đã qua xử lý. Dùng một chiếc ca sạch hoặc vật gì tương tự, múc khoảng 25% đến 50% lượng nước trong bể cá hiện tại. Để cá đá trong bể khi bạn múc nước ra.
– Thay nước toàn phần: Chỉ cần thiết khi bể quá bẩn, hoặc nếu nồng độ amoniac vẫn cao sau vài lần thay nước một phần. Khi thay nước cần chú ý dùng vợt vớt cá đá, đưa cá đá ra khỏi bể sang chậu nước sạch. Vớt cá đá thật nhẹ vì vảy cá rất dễ bị thương.
– Nhiệt độ nước (C): 24 – 30
– Độ cứng nước (dH): 5 – 20
– Độ pH: 6,0 – 8,0
Nếu nuôi cá đẻ thì có một số điểm khác. Cá đá có tuổi thọ khá ngắn 2-3 năm tuổi. Nhưng cá đến tháng thứ 6 trở lên là ta có thể tiến hành sinh sản cho chúng. Và việc chọn lựa một con cá trống và mái tiêu chuẩn để cho ra một bậy con tốt thì còn phụ thuộc vào việc chọn cá cha mẹ có tốt không, do vậy phải có chút kinh nghiệm trong việc này.
Trước hết là phải chọn cá trống: Càng lớn tướng càng tốt, màu sắc bạn cần chọn cá phải thật chuẩn của loại, vây vảy không được rách hay nhợt nhạt màu sắc, vây bụng và vây lưng có độ xòe phải rộng, không bị dị tật, và cá mang tính hung hăng càng cao càng tốt, mẹo chọn cá là chọn xem trên nhà của cá trống có bọt nổi không, nếu con nào bọt nổi thì con đó đang “sung” và ta đã thành công 35% rồi vì tính khí cá trống quyết định rất cao trong việc tạo dựng cá con.
Chọn cá mái: Cũng giống như cá trống, nhưng khi chọn cá mài bạn cần chú ý đến “bụng” xem bụng chúng to tròn chứa, tốt nhất là bắt cá lên lồng bàn tay xem hậu môn có “mụn trắng” chưa, nếu có thì cá mái đã sẵn sàng chuẩn bị cho sinh nở bạn cần chuẩn bị nơi sinh sản cho chúng.
Dùng 1 thau (chậu) nước cao khoảng 10-15cm màu xanh lá hoặc xanh da trời là tốt. Thả vào chậu vài cái lá bàng đã phơi khô. Cho thêm 1-2 muỗng cà phê muối (phòng bệnh, diệt khuẩn). Bỏ thêm 1/3 viên thuốc Tetracylin để kích thích cá trống nhả bọt và phòng bệnh khi cá con mới nở. Cho mực nước khoảng 10cm, chuẩn bị 1 viên gạch hay tấm bìa để đậy lên khi cho cá ép. Sau 1 tuần cho kè mái, lúc này nước trong hồ ép cũng ngả vàng (lá bàng). Thấy cá mái lục sục như muốn bơi về phía cá trống, người nổi sọc dưa, bụng căng vàng. Vì được kè lâu nên cá chọi trống sẽ ít cắn mái vì thế không cần chuẩn bị chỗ chú ẩn cho cá mái.
Tiếp theo thả 1 lá bèo lên mặt nước để cá đá trống có chỗ nhả bọt. Cuối cùng, thả 2 con vào cùng 1 lúc và đậy kín lại, chừa 1 chút để không khí vào thôi. Đảm bảo chỗ ép không có tiếng động mạnh, ánh sáng quá mạnh, có mèo, chó….
Sau 2 ngày (lúc cá mái đã đẻ xong) vớt nhẹ nhàng cá mái ra tránh làm ảnh hưởng tới tổ bọt. Trứng sẽ nở trong vòng 24-48 tiếng (nhiệt độ ấm trứng sẽ nở nhanh). Lấy bóng đèn vàng thắp sáng vào buổi tối để cá trống có thể vớt trứng bị rơi.
Cách chăm sóc cá cảnh con:
– Sau 2 ngày kể từ lúc nở mới cần cho ăn.
– Có thể cho ăn trùng cỏ nhưng rất dễ bẩn nước vì thế tốt nhất là chuẩn bị bo bo con cho cá chọi con ăn.
– Mua bobo ngoài tiệm về thả vào 1 thau nước lá bàng, có đầy rong trước ngày cho cá con ăn 1 ngày.
– Tới ngày cá con có thể ăn, soi đèn vào thau nước bobo, bobo bị ánh sáng cuốn hút nên sẽ bơi về phía ánh sáng, chỉ cần lấy ống xilanh hút lên và bơm vào hồ ép để cá đá con ăn.
– Cho cá con ăn bobo tới ngày tuổi thứ 10 thì có thể tập cho cá con ăn trùn chỉ.
– Để cá con nhanh lớn thì nên thay nước 1 ngày 1 lần, mỗi lần thanh 50% và phải là nước đã hả clor.
– Tới ngày 10 thì thả cá con ra chỗ nuôi lớn hơn (chú ý có thể vớt cá cha ra vào ngày thứ 5 hoặc 7).
– Cứ thay nước và cho ăn như vậy cho tới 3-4 tháng tuổi thì cho cá ra keo riêng.
Cá đá (cá betta, lia thia, cá xiêm) có thể nuôi chung với 5 loài cá sau:
– Cá Mây Trắng (White Cloud Mountain Minnow)
– Cá Tỳ Bà – Cá Lau Kính (Clown pleco)
– Cá Chuột Pygmy (Pygmy Corydora)
– Cá Hồng Nhung – Cá Hổ Phách (Ember Tetras)
– Cá Tam Giác (Harlequin Rasboras)
Theo Hội chim cá cảnh TP. Hồ Chí Minh thì hàng năm doanh thu cá Xiêm xuất khẩu không dưới 200.000USD (số liệu năm 2007) Và hiện nay loại cá Xiêm lai Việt đang có giá trị nhất trên thị trường cá Xiêm thế giới. Loại cá này đang được xem là "độc quyền" của vùng Đông Nam Á, nhất là Thái Lan và Việt Nam. .
Cá Xiêm là dòng cá rất phổ biến hiện nay tại Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á. Với hình thể đẹp, dễ nuôi lại có bản tính hung dữ. Cá Xiêm là loại cá được nhiều người thích nuôi. Giá cả cũng dễ chơi. Cá Xiêm có giá khác biệt tùy vào màu sắc, dáng đuôi và kích thước của chúng. Theo khảo sát của nhiều dân chơi cá cảnh, cá có giá trung bình từ 70.000 – 1.000.000 đồng/con.
Một số mức giá có thể tham khảo như sau:
* Cá giống (hay còn gọi là cá con) có giá dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/con
* Cá kích thước từ 8 – 10cm, giá dao động từ 170.000 – 200.000 đồng/con
* Cá kích thước 10 – 15cm, giá dao động 180.000 – 220.000 đồng/con
* Cá từ trên 15cm, giá dao động từ 250.000 – 1.000.000 đồng/con tùy vào đặc điểm nổi bật
Với vẻ đẹp hấp dẫn và bản tính hung dữ, hiếu chiến của mình, chúng đã và đang trở thành một thú vui tiêu khiển của nhiều người chơi. Bên cạnh việc nuôi cá cảnh để đảm bảo tính thẩm mỹ, người nuôi còn dùng chúng trong các cuộc khiêu chiến hay chiến đấu với nhau để thỏa mãn bản tính của chúng cũng như thỏa mãn thú vui của con người.
Chần chờ chi nữa, chạy ra tiệm bán cá rước về chục con nuôi chơi, cá đẹp và có nhiều trò thú vị lắm.
Sài Gòn. 11.5.2021
DODUYNGOC

CHƠI CÁ XIÊM

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget