LẠI MỘT BÀI BÁO CŨ

VIỆT BÁO WEEKEND SỐ 197 RA NGÀY 15.5.2006
BÁO DOANH NHÂN SÀI GÒN CUỐI TUẦN ĐĂNG LẠI
VÀI NÉT VỀ MỘT TAY CHƠI ĐỒ CỔ CỦA SAIGON...
“VUA ĐỒNG HỒ” đặt chân đến Mỹ tìm đồ cổ!
Học trung học kỹ thuật Huế, mò vào Saigon vào Cao đẳng Mỹ Thuật. Bỏ ngang sau 2 năm, lại theo môn Triết đại học văn khoa Saigon, rồi môn cổ ngữ Hán văn Vạn Hạnh. Học, làm, dạy kèm, rồi vẽ,lang thang, rồi học. Cuộc sống “giang hồ” như nhiều thanh niên Miền Trung cùng thời ấy trên đất hoa lệ Saigon, mà hậu vận lại “không đến nỗi nào” nói theo lời tâm sự của chính đương sự: tay sưu tầm đồ cổ Đỗ duy Ngọc. Ông tốt nghiệp cử nhân Việt Hán, trở thành ông thầy giáo gõ đầu trẻ được mấy năm, lại bỏ ngang nghề mô phạm, sống với cây cọ và tranh sơn dầu.
Những chặng đường tưởng là “dở dở ương ương”, theo giòng đời đưa đẩy, ông vào nghề làm bìa sách cho các nhà xuất bản Saigon, và “phất” nhanh! Đài truyền hình Saigon từng giới thiệu họa sĩ Đỗ duy Ngọc đã trình bày ngót 3,000 bìa sách cho các nhà xuất bản Văn Học, Văn Nghệ, PP/HCM, Trẻ, KHXH, Đà Nẵng, Tự Điển VN, ..v.v. Ông đi du lịch lung tung từ Tây Tàu, Nhật, và tuần qua, người ta thấy co mặt ở Phước Lộc Thọ, ngay trung tâm thương mại Quận Cam.
Đỗ duy Ngọc, trông dáng dấp phảng phất nét ước lệ của người họa sĩ và đôi nét giang hồ, một thứ giang hồ của những tay chơi “có của”.
–“Thì người ta vẫn gọi tôi là họa sĩ ấy mà !”, tay sưu tầm đồ cổ 56 tuổi này cười với tôi bên bàn cà phê sân trước Phước Lộc Thọ, nơi anh ta đang được Thầy cũ cùng bằng hữu trường Kỹ Thuật Huế đón tiếp, trong đó có vài người tôi biết tên: Gs Lê đình Thọ ,Gs Phổ, Gs Thiệu. Uống cà phê xong, họ kéo nhau đi thăm các thư viện và bảo tàng mang tên cố Tổng Thống Nixon, Reagan.
Là một trong không nhiều tay sưu tập đồ cổ của VN, anh Đỗ duy Ngọc mang cái sở thích sưu tầm những thứ mình thích, chớ không phải trữ những thứ cổ để buôn bán hầu hái ra tiền. Nên anh nói chưa có bán món nào cả, “cứ thấy lạ, cổ lổ sĩ hoặc tân thời, là mua về cất. Mua không nổi thì tìm đến xem cũng thích thú lắm rồi !”
-Thế mà tôi ở đây đọc báo từng thuật chuyện bên VN, nói anh là vua đồng hồ, vua lồng chim, có thực chăng ?
Tay sưu tập có bộ râu nửa đen nửa bạc trắng này cười nhỏ nhẹ: “Các báo mến mình, nói lên vậy thôi. Tôi chỉ thu thập được hàng trăm cái đồng hồ các loại xưa nay và lồng chim, một số tượng Phật, ché rượu, chén trà,đồ ngà ngọc linh tinh...”
Nghe chén trà, tôi chộp ngay: “có chén nào thuộc tầm cỡ bộ chén cổ uống rượu của Tổ Thiên Thu từng khoe trước mặt Đào Cốc Lục Tiên khoang thuyền chở Lệnh Hồ Xung trên giòng sông Hoàng Hà không ?”
Tay chơi đồ cổ vừa từ Saigon đến cười: “-họa hoằn ông văn sĩ Kim Dung mới có đủ trong thiên Tiếu Ngạo Giang Hồ !”.
Được yêu cầu, anh Ngọc rút trong túi ra cái DVD loại bỏ túi từng mua trên đường du lịch Nhật Bản năm trước. Anh bật cho tôi xem một phần gia sản đồ cổ của anh đang được bảo tàng tại tư thất là một căn nhà 3 tầng, mỗi tầng rộng 200 mét vuông tại thành phố Saigon. Tôi say sưa ngắm các loại đồng hồ qua lắc phát ra đủ thứ âm thanh như đang lạc vào lễ hội một buôn làng nào đó của người cổ sơ châu Phi từng xem đâu đó trong phim: Tiếng gõ kinh kông như tiếng cồng, tiếng đàn thánh thót như dương cầm hòa lẫn tiếng chim hót,tiếng gà gáy o o, tiếng lạch cạch, tiếng cụng ly, hay tiếng kẻng leng ken!. Mỗi loại đồng hồ cổ phát ra một âm thanh riêng, mà mình không thể nào có dịp bước chân vào các phòng khách căn nhà trưởng giả, quí phái thời xưa để thấy được những chiếc đồng hồ quí hiếm. Tất cả được lên giây cót, chứ thuở xưa mấy trăm năm về trước làm gì có cục pin” để thay. Liếc nhìn qua người khách lạ vừa viếng Little Saigon, tôi thấy anh Ngọc xem lại bộ sưu tập của mình (chắc là đến lần thứ...mấy mươi rồi) với ánh mắt say sưa, mê mẩn như ánh mắt thời mình thanh niên chiếu tướng một bóng hồng lần đầu gặp trong đời mà...hợp nhãn.
Anh cho xem hình ảnh bộ sưu tập lồng chim. Cái thú chơi lồng chim, tôi mới biết lần đầu. Tay chơi đồ cổ gật gù khi tôi hỏi: “liệu có cái lồng nào cổ xưa cỡ thế kỷ không?”, rồi cho biết thêm: “Có chiếc lồng hơn hai trăm năm xưa đó, anh à !”. Từ ngạc nhiên chất tre xưa sao mà giữ được bền lâu không mối mọt gậm nhấm, đến những đồ trang sức lỉnh kỉnh lạ mắt đính tòn teng quanh lồng, ngay trong lồng, tôi được biết tên của vài thứ lồng anh Ngọc sưu tập: đó là lồng chim kiểu Võ Tòng đả hổ, lồng Thập Bát La hán, lồng Bách hầu, .v.v. (tên đặt tùy theo hình hay vật chạm khắc bằng ngà voi trang trí trong lồng: Thập Bát tạc 108 vị la hán trong võ Thiếu Lâm, bách hầu tạc 100 con khỉ đùa giỡn trên rừng !..)
Tôi cứ ngỡ lồng chim nào có sơn son thếp vàng như đồ mộc trong hoàng cung, là quí hiếm. Họa sĩ Ngọc cho biết, anh có nhiều lồng chim cổ vài trăm năm, mà thuần túy làm bằng tre. Giá trị hơn, lồng kèm theo những vật trang trí bằng ngà voi được đẽo, chạm khắc tỉ mỉ của các nghệ nhân đời trước. Ngay cái chậu đựng thức ăn cho chim, cũng bằng ngà voi thứ thiệt. Tôi đoán, có lẽ loại lồng này nguyên thủy dành cho giới hoàng gia hay quan quyền, điền chủ thuở xưa chơi, chứ dân giả làm gì vói tới.Mà nếu có, làm sao tránh được trộm đạo viếng nhà.
Một trong những thân hữu tiếp đón tay họa sĩ chơi đồ cổ này tới Quận Cam, giáo sư Lê đình Thọ mô tả: “Tôi đã có dịp thăm ngôi nhà họa sĩ Ngọc, và quả thực thấy đó là nơi tồn trữ đồ cổ trong cảnh trí thơ mộng, tịch lặng nhuốm hương vị thiền. Căn nhà số 129 B đường Nguyễn đình Chính này được giới yêu nghệ thuật biết tới, bởi nhiều bài báo Saigon đã giới thiệu rồi. Vừa bước vô sân yên ắng, lòng mình thấy thanh thản khi nhìn hồ nước và con suối nhỏ chảy róc rách, tai nghe tiếng chim hót líu lo như chào khách.Chim thì chim thiệt, mà lồng thì lồng quí hiếm thời cổ xưa. Vào phòng khách, tôi nhìn mọi thứ trang trí toàn là đồ cổ, ngoại trừ các bức tranh sơn dầu là tác phẩm của Ngọc mới vẽ mươi năm lại đây. Tràng kỹ, kệ, tủ, đều là thứ cổ lỗ sỉ ! Bình hoa bằng sứ,chén, bình trà rượu cũng cổ, có cái từ thuở đời Khang Hy. Hàng loạt kiểu đồng hồ được chưng trước mắt, và khi bước lên lầu, mỗi bậc thang có treo một loại đồng hồ xưa đẹp mắt, lạ lùng. Trong nhiều thứ đồ cổ được sưu tầm, tôi nhận thấy họa sĩ Ngọc có nhiều đồng hồ nhất, nên người ta thường gọi đùa anh ta là ông... Vua Đồng Hồ cũ.”
Vì thời gian tiếp xúc không nhiều, (họa sĩ Ngọc còn phải đi tới các viện bảo tàng nổi tiếng để xem...đồng hồ, coi các bậc vương giả Mỹ chơi đồng hồ thứ gì, hiệu Thụy Sĩ hay Pháp, Anh,Mỹ, còn theo ông thầy cũ Lê đình Thọ lùng tìm đồ cổ bị vô tình đem bán garage sale hay trong các chợ trời Cali), nên tôi chỉ phỏng vấn được đôi câu.
-Họa sĩ chơi đồ cổ từ bao giờ rồi ?
-Tôi mê sưu tập từ nhỏ. Lúc niên thiếu, thấy đồng xu là đã để dành. Sau luân lạc rồi thất lạc. Thực sự bắt tay sưu tập đồ cổ chỉ mới 32 năm rồi. Ấy là năm 1974, lúc ấy tôi đang làm cho chương trình phát triển của Tổng cục gia cư Saigon. Tôi mê cái lồng chim quí hiếm ấy quá, dám bỏ 4 lượng vàng tậu cho được, và cất đến ngày nay. Sau 1975, cuộc sống thay đổi, nhiều đồ gia bảo được rao bán ngoài lề đường. Nhờ vốn liếng chữ Hán từng học, tôi vớ được những đồ cổ như bình sứ đời Khang Hy, các đồng hồ thời cổ Pháp, bộ tẩu thuốc lá, v.v.trong đó có một khối ngọc Miến Điện chạm trổ chùm hoa. Đẹp tuyệt nhưng thiệt là nặng!
-Vào nghề chơi đồ cổ, anh chuyên trị món nào?
-Tôi thấy cái nào đẹp và quí hiếm, đều chơi tuốt. Thế nên có báo ở Saigon nói tôi là “Người ham chơi lung tung”. Đúng ra, tôi sưu tập đồng hồ nhiều hơn. Anh sẽ thấy, ngắm, và nghe tiếng gõ của đồng hồ, như cảm nhận một linh hồn trong đó, không cái nào giống cái nào, và mỗi âm thanh nó phát ra đều nói lên một tâm hồn, một sở thích, một cá tính!
-Thế dân chơi đồ cổ Saigon có ai sưu tập đồng hồ như anh không?
-Mỗi người một sở thích khác nhau. Trong giới đồ cổ, có người chuyên sưu tầm đồ cổ Huế, có người đồ Tây, có người đồ sứ, có người đồ ngọc. Vài chục người trong giới chúng tôi biết nhau, trao đổi hiểu biết lẫn nhau, ngoài sách vở nghiên cứu.
Người Họa sĩ sống nghề vẽ bìa sách và chơi đồ cổ này có nhiều lúc cạn túi lúc còn là sinh viên giang hồ từ Trung vô Nam. Anh cũng từng ghé vô những quán cơm xã hội của Saigon hồi trước năm 1975, nơi chỉ cần 5 đồng là có bữa cơm ăn no mệt nghỉ. Anh từng qua quán cơm chay xã hội VN Quốc Tự nơi sinh viên miền Trung học trường kỹ thuật Phú Thọ và Vạn Hạnh, Sư Phạm, Văn Khoa thường đáo vào. “Có khi hai người chỉ tốn có một phiếu ăn, là thay nhau cầm khay đi nhận phần ăn cơm xã hội”, anh nhớ lại bước đường thời vận mạt. Cũng có lúc anh làm ông thầy cò (corecter) chữa bản vỗ cho báo Đại Dân Tộc.
“Thế làm sao anh vô làm ông co-rech-tơ được ?”.
Họa sĩ Ngọc đáp: “Nhờ Thầy Thích Mãn Giác giới thiệu, lúc đó tôi là sinh viên Vạn Hạnh, còn Thầy làm phó Viện trưởng. Tôi sẽ thu xếp để xin thăm Thầy, và sẽ tìm thăm vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức”
-Họa sĩ cùng thời với các họa sĩ Đức và Bé Ký?
-Đâu dám, tôi thuộc khóa đàn em, và chỉ học hai năm mỹ thuật Huế, rồi vô Nam.
Họa sĩ Hồ thành Đức là ân nhân của tôi trong những ngày tập tễnh vẽ tranh để bán dạo trong phố Saigon. Ông và họa sĩ Bé Ký từng cho tôi... mượn khung khi triển lãm tranh, cho nhiều ý kiến hội họa, và đôi lúc tôi buồn quá, ông bà rủ tôi đi uống cà phê!
Họa sĩ Đỗ duy Ngọc nói chỉ thích xem và sưu tập đồ cổ, chứ chưa có ý định bán ra bất cứ vật nào. Ông muốn giữ mãi những thứ mình thích cho riêng mình, mà mừng vì có người con trai là tài tử Huy Khánh, “cũng có máu sưu tập đồ cổ như cha”, anh cười nói.
Hỏi sao lại thích chơi đồng hồ nhiều hơn các thứ khác, anh nói nhỏ như lời thì thầm: “ chơi đồng hồ là chơi với thời gian. Nghe tiếng thời gian, giữ thời gian, níu thời gian lại, để biết giá trị của thời gian,..!”
Tôi có cảm tưởng như anh đang làm thơ. Hỏi ra, họa sĩ Ngọc còn có nhiều giây phút trong cuộc sống dành để làm thơ, và đã xuất bản được ba tập rồi...Trên đường du lịch qua Mỹ tìm đồng hồ quí hiếm, họa sĩ Ngọc tạm trú những ngày đầu tại nhà vị thầy học cũ là Gs Lê đình Thọ, số điện thoại 714-552-2652. Sau đó, ông đi một vài nơi để tìm ...những tiếng gõ tiếng ngân báo hiệu thời gian trôi.!
NGUYỄN HÙNG NHIÊN (CALIFORNIA)
Hình: Nhà văn Nhã Ca và Đỗ Duy Ngọc trước tòa soạn VIỆT BÁO

LẠI MỘT BÀI BÁO CŨ

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget