SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ HAI MƯƠI










ĐAU THƯƠNG VÀ NGHĨA TÌNH.

Đêm hôm qua không ngủ được. Nằm lắng nghe tiếng của đêm. Đêm Sài Gòn không còn âm thanh. Hình như có cảm giác tiếng dế giờ không cất tiếng nữa, chó cũng không sủa, tiếng mèo gọi đực cũng không còn trên những mái nhà. Không khí như đông đặc lại, nén chặt đầy bất trắc. Ánh đèn đường rọi xuống căn phố vắng, xuống con đường không bóng đổ của người đi. Giống như cảnh trong một cuốn phim mô tả một khu phố ma không tiếng thở. Thỉnh thoảng một chiếc xe cứu thương hú còi chạy vội vã, âm thanh như tiếng của tử thần. Giờ phút này, nếu dính bệnh mà được nằm trong chiếc xe cấp cứu là một diễm phúc. Bởi dù nặng hay nhẹ, dù bệnh dữ hay bị nhiễm virus, dù hấp hối hay còn thoi thóp thở mà liên lạc được xe, liên lạc được bộ phận có trách nhiệm, liên lạc được một bệnh viện nào đó đồng ý nhận có nghĩa là còn cơ hội sống. Trong những bộn bề và quá tải của các bệnh viện, chuyện sống chết bây giờ chỉ trông vào hên xui của số mệnh.

Vừa đọc một đoạn viết rất ngắn của một bác sĩ trẻ trên tuyến đầu chống dịch. Anh kể về một gia đình gồm hai vợ chồng và một đứa con. Cả nhà bị dính dương tính, đưa vào khu cách ly. Chồng 50 tuổi, khoẻ mạnh, không bệnh nền nhưng chỉ vài ngày sau bệnh trở nặng, đưa vào viện nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, nội khí quản thở máy chỉ số SpO2 cải thiện rất ít, phổi như nát bét, trắng xoá, bệnh nhân không thở được. Các bác sĩ đã cố gắng tìm mọi cách để liên hệ đưa bệnh nhân lên tuyến cao hơn nhưng tất cả đều đang chật kín không còn chỗ trống. Bệnh nhân đã không chờ đợi được và không qua khỏi chỉ sau 72h nhập viện. Mọi thứ diễn ra quá chóng vánh. Anh bác sĩ báo tin cho người vợ và bàn chuyện hậu sự cho anh. Người vợ bệnh nhân vừa khóc vừa nói vọng trong điện thoại : Cầu xin bác sĩ tìm cách cứu con gái tôi, vì cháu nó ở khu cách ly và cũng đang diễn biến nặng lên, sốt cao, khó thở đã hai hôm nay rồi mà không được thở oxy, không có nhân viên y tế thăm khám, càng không có bệnh viện nào còn giường để chuyển đi. Bác sĩ liên lạc mãi mà không còn chỗ cho bé, đành chịu. Người vợ gần như gục xuống, năn nỉ: Các bác sĩ ở đây đã liên hệ khắp nơi mấy ngày rồi, nhưng không có nơi nào còn giường cho cháu, bình oxy ở đây cũng đã hết rồi cháu không có oxy để thở, bố cháu mới mất, bác sĩ đưa bố cháu đi thế là còn 1 giường, nhờ bác sĩ cho cháu được “nằm thế chỗ” vào đấy ...Tôi đã mất chồng rồi, chỉ còn mỗi đứa con gái thôi, mất nó nữa thì tôi không sống nổi mất". 

Đọc đến đấy thì tôi khóc không đọc tiếp được nữa, buồn quá, bi đát quá. Không biết rồi số phận em bé sẽ ra sao? Cứ ngỡ như là những tình tiết trong một vở bi kịch trong hồi cao trào đầy nước mắt, khó có ở ngoài đời. Một chiếc giường, chỉ cần một chiếc giường để ở đó một mạng người có thể được chăm sóc và cũng có thể được sống. Một chiếc giường thôi. Nhưng khó quá!

Trong đại dịch này, nhiều gia đình có nhiều người liên tiếp ra đi. Hai vợ chồng bị cách ly, vợ vừa mới sinh, con chết. Còn đứa con ở nhà đành gởi cho bà ngoại. Bà ngoại cũng bị dính và tử vong. Kêu bà nội chăm con giúp, bà nội cũng đi luôn vì cúm Tàu. Chỉ trong vòng nửa tháng, ba người chết. Thê thảm quá! Hình ảnh 5 anh em mặc đồ bảo hộ từ khu cách ly về đưa tang cha. Người vợ tự lái xe đến bệnh viện sinh con một mình vì chồng đang bận đi chống dịch. Hình một cô gái thiện nguyện với nụ cười tươi trên môi vừa qua đời vì dính dịch với lời nhắn nhủ cuối cùng. Tất cả đều là những hình ảnh không thể nào quên trong mùa dịch này.

Hồi thành phố Vũ Hán vừa bị cơn dịch tấn công, đọc tin trên báo, xem đài, thấy những cảnh tượng bi ai. Có một đoạn clip thu những tiếng thét đầy ai oán xé trời lúc nửa đêm từ những chung cư. Tôi rùng mình và cũng không hình dung nổi những đau thương mà con người phải gánh chịu trong cơn đại dịch này. Giờ nó đang ở đây, nó đang có mặt ở đây và những đau thương hiện diện. Gọi Chúa, kêu Phật, cúi xin các thánh thần. Tất cả đều vắng mặt trước những nỗi đau của con người. Kiếp nạn này giờ chẳng biết kêu ai, trách ai, chửi mắng ai. Chỉ biết nhẫn nhục mà gánh chịu. Thương người nhiễm bệnh ra đi và không được sống trở về.

Trở về. Mấy hôm nay cũng có nhiều người đang tìm mọi cách để trở về nhà. Họ là những người tha phương vào miền Nam kiếm sống. Người làm lao công, phu hồ, công nhân trong các nhà máy. Kẻ đi bán vé số, bán hàng rong khắp vỉa hè, lượm ve chai, mua phế liệu...Họ làm đủ mọi nghề để có miếng cơm qua ngày, còn để nuôi con đi học, để giúp cha mẹ già viên thuốc lúc bệnh, miếng cháo lúc đói. Họ lam lũ, miệt mài vì sinh kế nhưng không thoát nổi cảnh nghèo. Rồi dịch đến, rồi cách ly, giãn cách, phong toả. Đường phố không người buôn bán cho ai. Nhà máy đóng cửa, thất nghiệp. Đã mấy tháng sống nhờ hộp cơm, bao gạo của các nhà hảo tâm. Cũng đã có người lâm vào cảnh đói. Tiền hết, gạo hết, không việc làm, vọ chồng chỉ biết nhìn nhau thở dài và không biết tương lai, mai mốt sẽ ra sao. Muốn về quê mà không có tiền, lại chẳng còn xe chạy. May thay, trong bế tắc cùng cực đó, các Hội đồng hương, các nhà hảo tâm đã tổ chức cho họ quy hương. Đà Nẵng có xe, Hà Tĩnh có máy bay, Bình Định có nhiều chuyến bay, Phú Yên có xe Phương Trang tài trợ, còn cho tiền tiêu. Hãng xe Phương Trang có kế hoạch sẽ sử dụng 5000 chuyến xe để chở người lao động miền Trung, miền Tây về quê. Quý hoá biết bao những tấm lòng, những bàn tay chìa ra đúng lúc. Nhìn những người lao động tha hương trở về mà chạnh lòng. Nhìn ai cũng lam lũ, ai cũng khắc khổ trên nét mặt. Họ mừng vui vì được giúp nhưng nụ cười vẫn hiu hắt, héo hon. Hai vợ chồng già đã vào Sài Gòn bán vé số mấy chục năm, ngày trở về gia tài chỉ là hai chiếc xe đạp cũ với hai túi xách nhẹ tênh. Hai vợ chồng người dân tộc mừng rớt nước mắt vì được về nhà, cả đêm không ngủ được vì nóng lòng, gia tài lỉnh kỉnh cũng chỉ áo quần và cái quạt máy trên vai người chồng. Tất cả đều khóc vì mừng, vì vui ngày quy hương. Ai cũng bảo được về quê, cháo rau gì cũng được, cứ được ở nhà mình, quê mình là hạnh phúc rồi.

Cũng có hàng đoàn người trên xe gắn máy vượt đường về quê. Họ đội nắng, dầm mưa và có người chịu đói để trở về. Ngày trước xuôi về Nam kiếm sống, giờ đây lại ngược đường để về trong gian khó và thiếu thốn. May mắn trên đường đi, họ được nhiều địa phương giúp đỡ. Có nơi là cả đoàn xe hộ tống để không cho dịch bệnh lan tràn. Có nơi tặng xăng, gởi thức ăn với lời chúc an lành. Cũng có nơi đem quà bánh, cơm xôi ra đầu ranh giới tỉnh để phát cho đoàn xe hơn trăm chiếc. Những món quà đầy tình thương và trên hết là nghĩa đồng bào. Nghĩa tình đó làm cho ta cảm động. Không đánh trống khua chiêng, không cờ xí khẩu hiệu, nhưng sao nghe mát lòng làm sao, cảm xúc làm sao. Nhìn tấm ảnh mấy mẹ con trên hành trình về quê ở Lào Kai đang dừng chân ở Đà Nẵng mà thấy cay trong mắt. Đường xa còn diệu vợi, những đôi chân trần liệu có về được nhà không? Dân ta còn khổ quá. Người nghèo còn nhiều quá. Nước ta có lắm Hội đoàn, lắm tổ chức hàng năm ăn hàng chục ngàn tỷ của ngân sách. Nhưng trong tình cảnh thế này chẳng thấy đâu. Chỉ có dân giúp dân. Chỉ có dân biết thương dân. Lá rách đùm lá nát. Đâu rồi những biệt phủ, những lâu đài? Đâu rồi những thúng hột soàn, những va li đô la? Đâu rồi những chiếc xe tiền tỷ, những cặp đầy sổ đỏ? Đâu rồi những cuộc ăn chơi xem tiền như rác, những lễ hội, những cổng chào, những tượng đài hoành tráng, những dự án bỏ không hàng ngàn tỷ? Tất cả cũng từ tiền dân mà có, đây là lúc đưa bàn tay giúp dân qua cơn ngặt nghèo. Như là một cách để trả nợ cho dân, trả nợ cuộc đời, là dịp để thấy cái tình, cái nghĩa với đồng bào. Sao chẳng thấy?

Sống trong thời kỳ đầy âu lo của dịch bệnh, chứng kiến nhiều bi thương nhưng cũng được nhìn thấy những nghĩa tình. Ngày lại trôi qua. Giãn cách còn đó, giới nghiêm còn đó, cách ly vẫn còn đó và con virus hàng ngày đã tiêm nhiễm hàng ngàn người. Vaccine chậm quá mà lại nẩy sinh lắm bất công và tiêu cực. Báo hôm nay đăng đình chỉ một cán bộ phường ưu ái cho người thân được ưu tiên chích vaccine ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Có lẽ trên đất nước này, chuyện như vậy chắc là không hiếm, chẳng qua không phát hiện hay bỏ qua thôi. Cho nên những người trong danh sách ưu tiên đành chờ vậy? Cũng có điều lạ là hôm qua Bộ Y tế lại đề nghi ngân sách sẽ không mua thêm vaccine nữa và thực hiện tiêm xã hội hoá. Cái vụ này tui có hơi thắc mắc. Thứ nhất là hình như, tôi nói hình như vì nhiều khi có chỉ thị mật thì làm sao dân đen như tôi biết được, là từ trước đến nay đã dùng ngân sách để mua vaccine đâu mà giờ bảo thế? Đa số vaccine đang có ở Việt Nam đều là viện trợ và của chương trình Covax. 14 triệu liều vaccine toàn viện trợ, nhà nước đã mua đâu? Hơn nữa, khi bùng dịch, nhà nước đã kêu gọi nhân dân, doanh nghiệp đóng góp thành Quỹ Vaccine, và theo báo chí thì cũng đã thu gần chục ngàn tỷ đồng, số tiền đó giờ đang nằm ở đâu và đang dùng để làm gì? Dân chịu thua, không hề biết. Bây giờ đề nghị xã hội hoá, tốt thôi, dân đang cần chích, xã hội đang cần có nhiều người chích để cuộc sống sớm bình thường hoá. Đành chịu trả tiền để được chích vậy. Cán bộ chích rồi, con ông cháu cha chích rồi, quan hệ tốt cũng chích hết rồi bằng toàn thuốc tốt. Giờ đến dân không ưu tiên thì móc hầu bao ra trả để bảo vệ sinh mạng mình thôi. Người nghèo không có cơm ăn thì tiền đâu mà chích dịch vụ, thôi đành chịu vậy. Chấp nhận nhưng cũng ức chứ!

Nếu ức thì lắm chuyện để ức. Như chuyện shipper. Khi chợ búa, hàng quán đóng cửa, xe cộ lưu thông bị khống chế thì shipper trở thành huyết mạch để hàng hoá, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được lưu thông. Không ra khỏi nhà, siêu thị thì chờ đợi rất mất thời gian mà đôi khi lại không có món hàng muốn mua thì online là tiện nhất, lợi nhất. Và lúc đó shipper là cầu mối liên lạc. Nhưng rồi chính shipper cũng gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển hàng hoá. Cấm di chuyẽn quận này qua quận khác. Thắc mắc mãi với nhau thế nào là thiết yếu. Lại thêm người mua cũng ngại tiếp xúc với những shipper vì sợ dính bệnh khi trao đổi với người lạ. Để giải quyết những khó khăn trong việc lưu thông hàng hoá, thực phẩm trong mùa giãn cách, nhà nước nên có một chính sách riêng ưu tiên và thuận lợi cho các công ty vận chuyển thông qua các shipper. Đồng thời cá nhân những người vận chuyển này được ưu tiên chích vaccine đầu tiên. Họ là người đi lại nhiều, đến nhiều khu vực, tiếp xúc nhiều người nên là đối tượng dễ dính bệnh và truyền bệnh nhất. Giảm các thủ tục cho các tài xế và xe chở lương thực, thực phẩm từ các nơi về thành phố. Trong nội đô, tạo điều kiện tốt nhất cho các shipper. Được như vậy, Sài Gòn sẽ không thiếu hàng hoá và việc lưu thông, phân phối sẽ thuận tiện hơn nhiều. Rất mong đề nghị này được giới lãnh đạo lưu tâm.

Số ca mắc virus Vũ Hán trong cộng đồng tiếp tục tăng cao nhưng các bệnh viện hiện hữu đã quá tải, thành phố gấp rút huy động lực lượng xây dựng và đưa vào sử dụng Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị virus Vũ Hán số 16 tại quận 7.

Tính đến ngày 28.7 tại TPHCM đã có 73.911 trường hợp mắc dịch được Bộ Y tế công bố. Các bệnh viện hiện đang điều trị 39.114 bệnh nhân dương tính, trong đó có 744 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay toàn thành phố đã có 815 bệnh nhân tử vong. Để tăng khả năng đáp ứng điều trị, các bệnh viện dã chiến đang được gấp rút xây dựng, đưa vào vận hành.

Tình hình vẫn buồn tênh ở con số người chết.

29.7.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ hai mươi

DODUYNGOC


SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ HAI MƯƠI

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget