SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ HAI MỐT


















CHUYỆN SHIPPER.

Đã qua mấy kỳ giãn cách rồi giới nghiêm, tình hình thành phố vẫn chưa ổn, nghe nói sẽ tiếp tục giới nghiêm với nhiều biện pháp khắt khe hơn. Có lẽ kéo dài đến tháng chín. Bèn kiểm tra lại lương thực, thực phẩm trong tủ lạnh. Thấy đã vơi đi nhiều, tủ đã có nhiều khoảng trống. Xem hủ gạo, coi lại mì gói, toàn chỉ còn lưng lửng. Gọi mấy mối quen, mối nào cũng ngại không có shipper, kiểu này thì kẹt rồi. Thành phố làm gắt gao kiểm soát người đi đường, nhưng không có giải pháp để hàng hoá được lưu thông khiến cho cuộc sống của dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong lúc giãn cách với thời gian quá dài như thế này, chợ không mở, hàng quán đóng cửa, đến siêu thị thì mất quá nhiều thời gian đợi chờ và cũng dễ lây nhiễm trong không gian bít bùng máy lạnh. Mua hàng online là một giải pháp tốt nhất, nhưng lại gặp trở ngại về chuyên chở. 

Chiều ngày 26.7, Ủy ban thành phố có văn bản khẩn về việc hướng dẫn hoạt động cho dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô 2 bánh có ứng dụng công nghệ kết nối với khách hàng. Yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh bổ sung các giải pháp phòng, chống dịch, với 8 yêu cầu phải thực hiện ngay.

Thứ nhất là giảm 10% số lượng nhân viên. Thứ hai là làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR. Cụ thể, phải hiển thị đầy đủ các thông tin về shipper, phương tiện, địa chỉ, nơi cư trú của shipper, giao hàng, người đặt hàng, lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu, chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển… Thêm vào đó, phải thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ “shipper” màu trắng. Thứ 3 là chỉ được hoạt động trong khu vực một quận. Thứ tư là xét nghiệm cho đội ngũ shipper  7 ngày một lần. Thứ 5, phải thường xuyên nhắc nhở tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời trang bị xịt khuẩn cho shipper để khử khuẩn trong quá trình giao nhận hàng hóa. Thứ 6, định kỳ hàng ngày thực hiện đăng ký danh sách đội ngũ shipper và địa bàn hoạt động về Sở Công thương và Sở Giao thông Vận tải..v..v..

Như vậy, theo yêu cầu của thành phố, các công ty vận chuyển và các shipper phải tuân thủ những yêu cầu trên. Tất cả đều hợp lý để giúp cho việc lưu thông hàng hoá được đến tay người cần và an toàn cho mọi người. Tuy nhiên ở điều thứ 3 và thứ 4 khiến cho đội ngũ shipper rất khó thực hiện. Chỉ được lưu thông trong một quận thì khó quá. Hàng hoá đôi khi không nằm trong quận, khách hàng mua bán online thường có những địa chỉ tin cậy, uy tín và họ chỉ muốn mua hàng ở đấy. Nếu địa điểm ấy khác quận thì đành chịu. Chưa kể những người trong gia đình, bạn bè thân thuộc muốn gởi giúp nhau những mặt hàng thiết yếu hỗ trợ trong mùa dịch nhưng khác quận thì cũng thua luôn. Con muốn gởi cho Bố Mẹ, giúp anh em là chuyện thường tình, nhưng rồi không thực hiện được vì khác quận. Quy định chỉ chạy được trong quận là một khó khăn lớn cho người chuyển hàng cũng như nhận hàng. Nhiều khi cần thiết quá, người ta đành chọn phương án như chạy tiếp sức trong thể thao. Tức là sẽ có nhiều shipper. Bắt đầu từ quận này, đến ranh giới của quận kia, có người nhận hàng đi tiếp, chuyển qua nhiều địa điểm như thế để món hàng đến được tay người nhận. Giá ship sẽ tăng cao, nhiều lúc còn nhiều hơn cả giá trị món hàng. Thứ nữa yêu cầu shipper phải xét nghiệm một tuần một lần. Mỗi lần mất ít nhất là 330.000 đồng, đương nhiên là shipper chịu chứ chắc chắn công ty sẽ không hỗ trợ chuyện này. Hao tốn quá dù việc đấy là cần thiết. Chưa kể, việc xét nghiệm của ta đôi chỗ chưa hoàn hảo, dương tính giả, âm tính giả cộng thêm người thực hiện không thay hoặc không sát trùng bao tay sau mỗi lần xét cũng là nguy cơ truyền virus. 

Kết quả là một lượng lớn shipper đành tắt ứng dụng, không hoạt động khiến các siêu thị, người bán online và cả doanh nghiệp vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Lý do nghỉ của shipper là chạy một cuốc chẳng được bao nhiêu vì công ty chia vùng lại và giảm tiền thu nhập mà đổi lại nguy cơ nhiễm bệnh rồi bị phạt tiền. Nếu cứ đi xét nghiệm thì hụt thu nhập khá lớn, nên đành thôi. Tất cả đều cảm thấy lúng túng trước nhiều quy định của thành phố trong hoạt động giao hàng.

Trưa nay tôi mua một ít thịt ướp sẵn của một người quen bên quận 8. Chờ gần một tiếng rưỡi thì đội ngũ chạy tiếp sức đó mới mang hàng tới nơi và đương nhiên qua nhiều anh em như thế, tiền vận chuyển lên đến trăm ngàn đồng. Phải chịu thôi. Có lẽ thành phố cũng nên xem lại những quy định về việc chuyển giao hàng hoá bằng xe gắn máy để việc lưu thông dễ dàng hơn, giúp cho đời sống của đại bộ phận nhân dân bớt khó khăn hơn trong mùa dịch.

Nói đến chuyện lưu thông hàng hoá lại đụng đến định nghĩa thế nào là mặt hàng thiết yếu. Anh em shipper rất sợ chuyện này. Mỗi chốt có suy nghĩ mỗi khác về cái chữ thiết yếu. Cũng không thể có một văn bản nào có thể liệt kê được hết những thứ gọi là thiết yếu. Thời gian giãn cách, phong toả càng dài thì cái gọi là thiết yếu ấy càng nhiều. Đã bảo cái gì phục vụ cho đời sống đều là thiết yếu. Ngay trong những ngày dài chỉ loay hoay trong nhà, cái kim, sợi chỉ, bông băng cũng là thiết yếu. Khi đã ngăn không cho ra đường, người dân như kẻ bị tù giam lỏng. Thời gian dài thì xuất hiện nhiều nhu cầu phục vụ cho sinh hoạt. Nên chăng có một văn bản liệt kê những mặt hàng không cho phép lưu thông, còn lại đều là thiết yếu để các chốt chặn khỏi phải khó xử và người mua hàng được thuận lợi, anh shipper cũng dễ dàng trong việc vận chuyển.

Trong ngày 29.7, thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu rằng: "Với chiến lược mới, mục tiêu không phải truy tìm, phát hiện nữa mà tập trung cho điều trị để cứu chữa các bệnh nhân, bảo vệ những người có bệnh lý nền, người già, giảm tỉ lệ tử vong". Như vậy, trong thời gian tới, con số ca nhiễm bệnh dịch được công bố có thể giảm đi nhưng điều đó không có nghĩa là Sài Gòn đã qua đỉnh dịch. Thật sự là tình hình dịch bệnh ở thành phố đang khó kiểm soát vì nhiều lý do, vì thiếu khả năng, chủ quan, thiếu tính khoa học đưa đến lúng túng trong cách xử lý và đưa ra những biện pháp không phù hợp. Cũng vì thiếu chuyên môn, cũng vì thiếu nhân lực, thiết bị trước sự bùng phát quá bất ngờ của dịch bệnh. Cũng có một phần những người thiếu ý thức, không chấp hành những yêu cầu của nhà nước đưa đến tình trạng nhiều F0 lang thang. Do vậy, thời gian giãn cách, giới nghiêm sắp tới có thể kéo dài, đừng nên thấy con số nhiễm bệnh giảm mà lơ là cảnh giác. Người ta vẫn thấy những người ung dung đi tập thể dục, dắt chó đi dạo, vợ chồng chở nhau đi chơi, người không mang khẩu trang ra ngoài ngồi thêu áo...khi bị nhắc nhở thì gây gỗ, xung đột với những người đang thi hành nhiệm vụ. Biến thể Delta tấn công rất nhanh, lây nhiễm rất lẹ, nếu cứ để thoả mãn thói quen của riêng mình, đến khi dính virus, không thở được còn lây cho người khác, lúc đó ân hận cũng chẳng kịp.

Thông tin về một loại thuốc mới trị covid đang mở ra tia hi vọng cho thế giới; Công ty Merck của Hoa Kỳ (MSD) đã cùng Ridgeback Biotherapeutics của Đức phát triển Molnupiravir và đang trong thời gian thử nghiệm cuối cùng.

MSD có chi nhánh tại Nhật Bản, và cũng như vaccine, Nhật Bản đã nhanh chóng tham gia đợt thử nghiệm lâm sàng này, có nghĩa khi được cấp phép tại Hoa Kỳ, Nhật cũng sẽ có thuốc.

Merck & Co., Inc Nhật Bản đã đăng ký đối tượng tại Nhật cho nghiên cứu chung quốc tế giai đoạn 3 về molnupiravir (tên chung, mã phát triển: MK-4482) từ ngày 23-6, còn gọi là MOVe-OUT. Kết quả dữ liệu dự kiến sẽ có vào tháng 9 hoặc tháng 10. Nếu không có vấn đề hy vọng đầu sang năm sẽ tung ra trên thị trường. Nhân loại có thêm niềm hi vọng.

Nhớ lại hồi chuông báo động đầu tiên về virus Vũ Hán đã gióng lên trước khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, chính xác là ngày 30-12-2019. Sau đó là 76 ngày phong toả khắt khe. Theo báo cáo của chính quyền Trung Quốc, tổng số ca tử vong sau nhiều lần được điều chỉnh lên 3.869 và tổng số ca nhiễm điều chỉnh lên 50.333. Với thành phố 11 triệu dân, con số thiệt hại ở Vũ Hán chắc chắn không như báo cáo mà phải nhiều gấp mấy lần. Nhưng tạm tin để so sánh một chút. 

Nhìn lại thành phố ta, số người nhiễm đã gần gấp đôi số báo cáo của Vũ Hán. Rất may là số tử vong của thành phố không nhiều như Vũ Hán. Thế nhưng tình cảnh bi thương thì cũng chẳng khác nhau là mấy. Nhưng giờ đây, Vũ Hán đã hồi sinh qua cơn bão táp của dịch bệnh. Tuy vẫn còn đó những nỗi đau cần thời gian để xoá lấp. Cũng hi vọng Sài Gòn sẽ qua hết cơn đau để trở lại bình thường như Sài Gòn đã từng có. 

29.7.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ hăm mốt

DODUYNGOC


SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ HAI MỐT

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget