NGÀY GIÃN CÁCH THỨ HAI Ở SÀI GÒN.






NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐƯỜNG PHỐ TRONG THỜI ĐẠI DỊCH

Từ khi Sài Gòn bắt đầu bùng phát dịch đợt thứ tư, tui chỉ nằm nhà viết nhảm. Bạn bè, người thân ở xa gần biết hoàn cảnh của tui nên nhắn tin, điện thoại hỏi ăn uống hàng ngày thế nào? Nhất là khi thành phố giãn cách từng khu vực cả tháng trước, rồi đến lúc hàng quán không còn được mở của thì người hỏi thăm càng nhiều. Câu trả lời thường xuyên của tui là vẫn ổn, cám ơn. Không cơm hàng cháo chợ thì ăn cơm ở nhà, chẳng sao cả. Lâu rồi, đời mình cũng qua. Chỉ rầu là không được gặp anh em bạn bè tán gẫu. Không đi đến được những quán quen để ăn những món mình thích, không được rú xe chạy trên những con phố đầy nắng gió. Hôm nay cũng có mấy lời nhắn bảo giờ không có hàng quán bán mang đi, shipper cũng không có việc, bảo tui có cần chi không, sẽ tìm cách gởi đến ăn qua ngày. Tui nghĩ mình vẫn ổn, lại nhớ đến những đứa trẻ đường phố, trong tình cảnh này không biết sẽ sống ra sao?

Thường ngày tui hay lê la hàng quán, thường lang thang khắp nơi nên quen biết nhiều đứa trẻ đường phố Sài Gòn. Mỗi đứa mỗi hoàn cảnh, một tính nết khác nhau nhưng có điểm chung là phải ra đời sớm vì nghèo. Có đứa là trẻ không cha mẹ, người thân, sống lang thang, bơ vơ sống ở vỉa hè, góc phố gầm cầu. Cũng có đứa sinh ra trong gia đình cơ cực nên phải vào đời kiếm tiền phụ giúp mẹ cha. Cũng có đứa ở trong gia đình bất hạnh, cha hoặc mẹ chết, ở với ông bà đã lớn tuổi nên phải xuống đường kiếm sống. Cũng có đứa vừa đi học vừa đi làm thêm để nuôi cha bệnh hay mẹ ốm đau. Mỗi đứa mỗi số phận mà phận số nào cũng nghiệt ngã cả. Phần đông chọn nghề bán vé số hoặc đánh giày, các bé gái thì bán bông, kẹo cao su ở các quán ăn, quán nhậu, mấy đứa bệnh tật, nhất là mù mắt thì đi kèm người lớn hát ca và bán tăm, cây ngoáy tai. Có đứa mặc đồng phục đi học, có đứa áo thun quần đùi, có đứa nghiêm trang, cộc cằn, có đứa hồn nhiên xem chuyện bán buôn như một cuộc chơi. Tuy không có đứa gian ngoa, trộm cắp, nhưng đứa nào cũng có vẻ già trước tuổi và lọc lõi chuyện cuộc đời. Chính hè phố đã dạy cho chúng điều đó, không thì làm sao mà sống được.

Nghe chuyện của chúng người ta dễ não lòng vì đời đứa nào cũng buồn, số phận đứa nào cũng đầy tiếng khóc.

Bây giờ thành phố buồn hiu. Đường phố không người đi. Hàng quán đóng cửa. Không biết những đứa trẻ đường phố đó sẽ sống bằng gì cho qua cơn đại dịch khốn nạn này. Đâu còn vé số, đánh giày cho ai? Ai còn mua hoa để tặng, ai cần kẹo cao su để nhai, ai cần nghe tiếng hát của đứa bé mù với tiếng đàn não nề của ông cụ già? Trong những con hẻm hắt hiu ở xóm lao động nghèo, trong những dãy nhà trọ chật cứng người, trong những căn nhà tồi tàn, ẩm thấp ao tù nước đọng, ở những vỉa hè, gầm cầu giờ đây những đứa trẻ ấy lấy gì để cầm cự qua ngày. Nhà nước hỗ trợ cho người công nhân mất việc hay nghỉ việc vì cơn dịch. Trợ cấp cho nhiều giới khó khăn vì dịch. Chứ nhà nước có chính sách giúp gì cho các đứa trẻ đường phố đó đâu. Có thể những hộp cơm từ thiện, những gói quà của những người hảo tâm sẽ giúp các cháu cầm hơi qua bữa. Nhưng giờ thì khó thật rồi. Không cho phép người ra đường khi không có lý do chính đáng. Cho phép làm từ thiện nhưng không cho tụ tập trên hai người. Cho phép kiểu đó cũng như là cấm rồi. Tui nghĩ đến những khuôn mặt của chúng khi đến bữa mà không có chi ăn. Tui nghĩ đến những hoàn cảnh khắc nghiệt của từng đứa. Lúc bình thường kiếm miếng ăn đã khó, huống chi bây giờ cả thành phố như dừng lại mọi sinh hoạt của phố phường. Rồi lây nhiễm dịch bệnh nữa. Những đứa trẻ vỉa hè lăn lóc với nắng bụi sẽ là đối tượng rất dễ lây bệnh, ai sẽ giúp chúng? Những đứa trẻ đường phố ấy khi cùng đường rất dễ phạm tội và khi tay đã một lần nhúng chàm, những đứa trẻ ấy sẽ trượt dài vào con đường tội lỗi. Nghĩ đến chúng nhưng bất lực, chẳng biết phải làm gì? Con virus Vũ Hán không chỉ làm cho người ta bệnh, người ta chết vì nó mà còn khiến người ta kiệt sức vì đói, mà buồn nhất đó là những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Định dừng ở đây nhưng chợt nhớ ngày hôm qua trong một bài viết về ngày đầu tiên phong toả ở Sài Gòn, ở phần kết tui có viết: "Mặc cho những thiên vị, mặc cho những thiệt thòi phải gánh chịu dù là thành phố đóng nhiều nhất cho ngân sách, Sài Gòn vẫn cắn răng bước tới với tấm lòng bao dung và với nụ cười." Có một cô, một chị hay một bà nào đó tui không quen biết ở Hà Nội nhảy vào comment mắng tui rằng: ""Mặc cho những thiên vị những thiệt thòi ..." sai bet ..cả nuoc đang tập trung tiêm chủng cho thành phố Hồ Chí Minh đấy ...giờ này đừng nói giọng phân biệt vùng miền đó là những suy nghĩ của những ông già ấu trĩ tự ti .....lạc hậu lắm rồi" ( Tui chép nguyên văn nha). Ô hay, trong bài đó tui có câu nào, chữ nào phân biệt vùng miền đâu mà giãy giụa lên dữ thế? Mời chị, cô, bà đọc lại cho kỹ nhé.

Người xưa bảo: "Lục thập nhĩ thuận, Thất thập tòng tâm sở dục". Nay tui cũng đã cổ lai hy rồi nên cũng chẳng muốn đôi co, cãi lại với câu mắng của chị, của cô hay của bà ấy làm chi nữa.

10.7.2021

DODUYNGOC


NGÀY GIÃN CÁCH THỨ HAI Ở SÀI GÒN.

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget