Latest Post


Vết sẹo mãi chưa khô
Con dao nào cứa cổ
Phố lạnh câm nụ cười
Tim sục sôi tiếng nổ
Chân bước xuống vực sâu
Trần gian đầy cuồng nộ
Một thế giới nát nhầu
Nháo nhào trong bể khổ
Người già tiếc hôm qua
Trẻ thơ buồn ngày tới
Ngõ tối đầy bóng ma
Cờ xếp hàng chắn lối
Cỏ hoang vu nghĩa trang
Cây chẳng còn nguồn cội
Bia mộ nằm lang thang
Thập giá buồn góc tối
Tháng tư như dao cắt
Đẩy người ra biển khơi
Máu xương dồn chất ngất
Mạng người như trò chơi
Sông không còn chảy nữa
Rừng trơ đất bạc màu
Những căn nhà khép cửa
Giấu kín những buồn đau
Người về trong bóng đêm
Đèn đã không còn bấc
Đời đầy lũ kên kên
Tháng tư còn tiếng nấc
4.4.2019
DODUYNGOC








Hôm trước ra Huế chơi, buổi chiều hứng chạy ra làng cổ Phước Tích, Mỹ Chánh cách Huế 40 km. Và nhờ đến đây giúp tui tìm hiểu đề biết rõ thêm về trái vả.
Lâu nay tui đã ăn nhiều lần trái vả. Ở đường Lý Chính Thắng có quán cơm Hương Giang chuyên bán món ăn xứ Huế. Tui thường ăn cơm trưa ở đây bởi thức ăn nóng sốt mà cách kho nấu cũng vừa miệng lão già người miền Trung lưu lạc vào Nam đã nửa thế kỷ nhưng lúc nào cũng chỉ muốn ăn những món ăn của quê nhà. Bữa nào tui cũng kêu món vả sống chấm ruốc, thật ra cũng chỉ ăn vài ba miếng thôi, nhưng khiến cho bữa ăn thêm đậm vị. Ăn nhiều lần thế nhưng vẫn không nhớ cây vả thế nào vì thấy chúng hồi còn nhỏ ở Huế, lâu rồi chẳng hình dung, xa lắc lơ.
Ra đến làng Phước Tích tui thấy lại cây vả, thấy những chùm vả mọc trên cây chợt nhớ câu: “Lòng vả cũng như lòng sung”. Bởi hai cây này na ná giống nhau. Cần phân biệt trái vả và trái sung hay được chưng trong ngày tết để mong cả năm được sung túc. Cả hai loại trái đều có vỏ xanh, thịt trắng, ruột hồng, tuy nhiên trái vả to hơn, ngọt hơn và bùi hơn, còn trái sung có vị chát. Ở VN, vả được dùng chế biến các món ăn. Quả vả khi còn non có vỏ màu xanh, lông mịn. Bên trong quả có lớp cơm màu trắng - đó là phần được dùng để chế biến thức ăn. Ở Huế, vả được chế biến thành nhiều món ngon như: vả trộn hến, vả trộn tôm xúc bánh đa, những món ngon dân dã này được nhiều du khách ưa chuộng. Ngoài ra còn nhiều món ăn ngon được chế biến từ trái vả: Vả hầm sườn non. Vả chua ngọt. Gỏi vả.
Mày mò trên Google, lại biết thêm trái vả chứa nhiều chất rất có lợi cho cơ thể. Trong 100 gam trái vả sấy khô có chứa: protein 3,3 gam, chất béo 0,93 gam, đường 47,92 gam, các vitamin thuộc nhóm B như B1 0,085mg, B2 0,082mg, B3 0,619mg, B5 0,434mg, B6 0,106mg, B9 9µg, PP 0,3mg và C 1,2mg. Tổng lượng vitamin chiếm khoảng 37% trọng lượng trái khô. Một số lượng lớn các chất khoáng và vi lượng chiếm hơn 70%, cao nhất là calcium là 162mg (tỉ lệ 16%), magnesium 68mg (9%), còn lại như phosphor (16%), sodium (14%), sắt (8%), kẽm (6%), đồng, mangan... Ngoài ra trái vả còn cung cấp nhiều chất ở dạng hợp chất flavonoit và polyphenol, chất nhầy và pectin.
Và chính những hoạt chất này đã giúp cho trái vả có thể chữa trị hoặc hỗ trợ chữa trị nhiều căn bệnh: Theo Đông y, quả vả có vị ngọt tính bình, tác dụng làm mạnh dạ dày, nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu. Trong quả vả chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, kiện vị, cầm tiêu chảy. Thích hợp sử dụng cho người phế nhiệt, khản tiếng, tỳ vị hư yếu, tiêu hóa kém, trẻ em tiêu chảy lâu ngày, táo bón.
Ngăn chặn ung thư
Giúp xương chắc khỏe
Giúp làm giảm cholesterol
Ngăn ngừa huyết áp cao và nhồi máu cơ tim
Ngăn ngừa bệnh thiếu máu
Hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường
Chống ôxy hóa
Hỗ trợ giảm cân
Chữa mụn trứng cá
Các bài thuốc từ quả vả
1. Chữa táo bón
2. Chữa tỳ hư, tiêu chảy lâu ngày, tiêu hóa kém
3. Chữa cảm hay ngộ độc
4. Chữa họng sưng đau
5. Làm tăng tiết sữa mẹ
Trong quả vả thường chứa lượng đường cao nên khi sử dụng cho trẻ em có thể gây sâu răng và tiêu chảy. Ngoài ra ăn quả giúp làm giảm lượng đường trong máu, điều này có lợi cho bệnh nhân bị tiểu đường nhưng có thể gây tác dụng ngược lại đối với những người có lượng đường huyết thấp. Ăn quá nhiều quả vả trong một lúc cũng có thể gây ra đầy bụng.
Trước những cây vả cao to như cổ thụ trồng trong sân những ngôi nhà ở làng Phước Tích, tui chụp vài tấm hình quả vả, ghi dấu một chuyến đi và cũng là dịp để hiểu thêm một loại trái dân gian nhưng có nhiều tác dụng. Trưa mai ra Hương Giang mần một dĩa vả chấm mắm ruốc, bỏ ớt thiệt nhiều hỉ, ăn cay phù mỏ mới ngon he..he
12.4.2019
DODUYNGOC
Hình: Những trái vả ở làng Phước Tích, Mỹ Chánh.






Có hai quán ăn mà mỗi lần tới Huế tui phải ghé cho được, dù đó chỉ là quán ăn bình dân ở bên đường. Quán đầu tiên hoặc lúc trở về tui ghé là quán bà Sửu ở Phú Lộc trẽn quốc lộ một, trước khi vô Huế hay từ Huế đi về thì thuận đường hơn. Quán bán bánh ướt thịt heo. Heo quay và heo luộc. Theo tui chỉ nên ăn heo quay. Dưa giá muối, rau ghém. Bánh ướt chưa thể gọi là ngon nhưng thịt quay thì rất ngon. Da vàng dòn rụm, có cảm giác như vừa lấy ở lò ra, nhai rau ráu. Ngon! Giá cũng không đắt, mỗi phần gồm thịt quay, rau, giá chỉ 50.000 đồng. Miếng thịt quay này khiến tui nhớ miếng heo quay của ông Thừa quay heo ở sau lưng nhà tui hồi tui còn bé. Thịt heo quay và tô bún nước suýt, nước béo xuất ra từ con heo quay. Chu cha răng mà ngon quá là ngon!
Quán thứ hai là quán cơm Chị Tẹo nằm trên đường Hai Bà Trưng. Quán bình dân thôi, nhưng có nhiều món ăn rất ngon, hương vị đậm đà, giống y chang mấy món ăn Mạ tui nấu cho gia đình hồi tuổi nhỏ. Chan một chén canh cá bóng thệ nấu với cà chua, răng mà nhớ Mạ rứa không biết bởi tưởng như đang ngồi ăn với cả nhà 50 năm trước cùng với hơn chục anh em và Ba Mạ. Ăn miếng tôm kho rim với thịt ba chỉ, những con tôm màu đỏ sánh như rưới mật, nhai trong miệng thấy đậm đà. Gắp một miếng cá thu chiên, miếng cá được chiên vàng, thịt chắc, chấm chút nước mắm có giã ớt tỏi, miếng cá ngon trên đầu lưỡi, dòn trong miệng, thấm qua từng kẽ răng. Chao ôi! Ngon quá là ngon. Đọt bông bí luộc xanh ngắt chấm với nước ruốc pha loãng lênh đênh những miếng ớt đỏ tươi. Ruốc làm cho miếng rau thêm đậm mang hương vị của miền trung, gợi nỗi nhớ về một vùng đất nghèo nhưng lại có nhiều món ăn không thể quên dù đã đi khắp bồn phương trời. Quán rất đông khách buổi trưa, hơi vơi chút buổi chiều nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp.
Ăn đủ hai quán này khi tới Huế, tui như khách phiêu bạt đến tìm người tình cũ để nhớ lại một quãng đời, để tìm lại hương vị của những món ăn của một thời, để nhớ Mạ, để nhớ những bữa cơm ký ức của một thời xa rất xa không còn có lại. Ba Mạ đã đi về trời, anh Hai cũng đã về với đất, anh chị em mỗi người một phương. Những món ăn mang hương vị của kỷ niệm. Để tiếc nuối.
9.4.2019
DODUYNGOC













(Nhớ bạn Dũng Hải quân)

Sấm chớp vang rền mưa chưa tới
Bom rơi sáng loé phía phi trường
Những lớp người đi về phía biển
Ta buồn sấp mặt giữa tang thương
Loạng quạng hoàng hôn đầy tiếng nổ
Ta ngồi run rẩy đợi chuyến bay
Bầu trời phành phạch cành cây đổ
Chấp cả hai tay cầu rủi may
Phố xá đùn lên dân hôi của
Máy móc thức ăn úa vỉa hè
Những chiếc xe lướt qua vội vã
Nửa đêm chờ đợi nằm nghiêng nghe
Có tiếng ai la trong bóng tối
Thiên hạ nhao nhao thoát ra ngoài
Ta bị đẩy ra rìa cánh cửa
Thiếu nước không cơm bỗng mệt nhoài
Người chia hai hướng đi hai ngã
Ta chán cuộc chơi bỏ trở về
Phố phường lác đác vài tiếng nổ
Cảm thấy lạc loài trong cơn mê
*********
Bạn lái chở ta ra Ba Son
Đêm qua người đợi đã mỏi mòn
Thời gian nguy cấp tàu đi sớm
Tuyệt vọng thoái lui đường chẳng còn
Qua cầu một đám mang băng đỏ
Giương súng giơ tay giọng lạnh lùng
Hai thằng lặng lẽ luồn qua ngõ
Không dám nhìn quanh bước đường cùng
Trưa nắng tháng tư cháy vỉa hè
Xe tăng rầm rập với còi xe
Lính cởi quân trang tràn ngập phố
Thất thểu băng qua mấy xác đè
Cờ màu xanh đỏ chen cây lá
Áo trận súng gờm pháo chĩa ngang
Người đưa tay vẫy người cúi mặt
Những xác không hồn miệng nín khe
Từ đấy ta làm người ở lại
Sáng sáng lang thang đứng góc đường
Xem người lính mới cười ngơ ngác
Làm kẻ man di giữa phố phường
Bạn ta lưu lạc phương nào mất
Năm tháng qua đi chẳng thấy về
Rồi mười năm nữa qua như mộng
Tin bạn lang thang nơi miền quê
Rồi nghe bạn chết vì quá đói
Khi gắng chuyến thồ rau cuối năm
Gục giữa phố đông mồm thổ huyết
Không có thân quen chẳng chỗ nằm
Ta tìm mộ bạn ở chốn quê
Không có ai biết chỗ bạn về
Ta đứng sông Hoài mà nhớ bạn
Thắp nén nhang trầm mắt đỏ hoe
5.4.2018
DODUYNGOC










Hôm qua đi ngang qua ngã tư Nguyễn Văn Thủ và Đinh Tiên Hoàng thấy có một quán phở rộng chiếm góc đường đề tên Quán Phở Lý Quốc Sư. Chợt nhớ tui cũng đã từng ăn ở quán phở tên cũng Lý Quốc Sư ở Hà Nội và nhận thấy phở ở tiệm đó khá ngon, quán cũng sạch sẽ và phục vụ cũng khá văn minh chứ không kiểu mất dạy như Phở Bát Đàn. Không biết Lý Quốc Sư Hà Nội có liên quan đến Lý Quốc Sư Sài Gòn không?
Tò mò, cũng chỉ là tò mò thôi, muốn khám phá thêm một quán phở ngon để có nơi đến mỗi sáng bởi cũng bắt đầu ngấy quán phở gắn bó mấy chục năm nay vì hình như càng ngày tô phở ở đấy càng nhàn nhạt, chẳng còn hương vị ngày xưa. Thế là sáng nay mò đến Phở Lý Quốc Sư Sài Gòn, gọi một tô nạm gầu ăn thử. Ăn phở thì phải ăn chín, nạm hoặc gầu. Ăn phở tái thì chưa đúng là phở. Tô phở được bưng ra, quán cũng không đông lắm vì cũng đã gần 10:00 sáng. Nhìn tô phở xem cũng được mắt. Nước phở hơi vàng long lanh chút váng mỡ, thơm mùi phở. Có thể chấm điểm được rồi. Bây giờ có nhiều tiệm phở bán phở nhưng tô phở chẳng có chút mùi phở nào. Đó là mùi ngây ngây của mỡ, mùi gừng nướng pha chút mùi thịt bò, mùi của tuỷ xương beo béo công với mùi của mấy cọng hành. Tất cả tạo thành mùi của một bát phở ngon. Tô phở ở đây tuy chưa đủ cái mùi thơm phở đấy nhưng cũng đã có mùi hương phở dù chưa đủ đầy để làm cho tuyến nước bọt trào ra khoé miệng. Múc một muỗng nước phở, có ngọt của xương hầm nhưng cũng vương khá nhiều bột ngọt. Kiểu nêm mì chính của người miền ngoài. Duyệt được. Miếng thịt nạm mềm, xắt mỏng vừa ăn, đậm đà trên đầu lưỡi. Gầu chưa được ngon. À mà bây giờ kiếm miếng gầu ngon khó quá, hiếm quán nào có. Gầu ngon miếng gầu phải sánh vàng, không mềm mà cũng không cứng quá, ăn sần sật khi nhai sẽ tiết ra mùi béo mà không ngán, dòn dòn trong miệng. Gầu ở đây trắng như mỡ, nhìn bèo nhèo mà lại dai, thiếu độ dòn hấp dẫn của món gầu. Sợi bánh trắng, mềm mà không nát, ăn đến cuối vẫn quyện vào nhau. Lại được thêm điểm nữa. Phục vụ như thế là cũng khá. Lại thêm một thắc mắc là sao ở Hà Nội, mấy chủ quán ăn đắt khách có tên tuổi thường xem khách chẳng ra gì, quán thì chửi, quán thì cứ háy, nguýt khách như anh chàng lùn múc phở ở tiệm Bát Đàn. Thế nhưng vào Sài Gòn, các chủ quán gốc Bắc lại đối xử với khách rất lễ độ và có văn hoá. Có lẽ chính cái văn minh có sẵn ở bản địa đem đến cách cư xử văn hoá chăng? Bàn ghế ở đây đẹp, các phụ kiện muỗng đũa sạch sẽ, được gói ghém kỹ lưỡng khiến cho khách an tâm về mặt vệ sinh. Không thấy giấy lau ngập ở sàn nhà như nhiều tiệm phở ở miền Bắc và một số tiệm phở Bắc ở miền Nam. Lại cho thêm một điểm. Quẩy cũng tạm được, không hôi dầu và cũng không cứng quá. Chấm vào nước phở mau mềm, vừa ăn.
Giá một tô 55.000 cũng có thể gọi là rẻ theo thời giá bây giờ ở Sài Gòn. Phở Hoà Pasteur cũng 65.000, phở Dậu tô thường 70.000, phở Phú Gia cũng 70.000 tô tái lăn. Giá thế là duyệt được. Nói tóm lại, có thể chọn quán này để tiếp tục ngày ngày ăn phở, sáng sáng ăn phở tuy chưa phải là tô phở ngon ờ Sài Gòn. Tô phở ngon nhất của xứ này vẫn còn nằm trong quá khứ đã đi qua.
Trên đây chỉ là ý của một người khoái phở nhận xét về một quán phở theo tiêu chuẩn của một kẻ đi thưởng thức, khám phá để thông tin cho đồng bọn mê phở mà đến. Tui không rảnh hơi để làm thuê, viết mướn cho ai nên đừng có comment bảo tui là PR cho quán phở mới này. Tui sẽ xoá ngay comment của bạn nếu bạn ngỏ ý đó. Vậy đi nha!!!!
3.4.2019
DODUYNGOC








Cách đây hơn sáu chục năm, sáng sáng ở vỉa hè sát tường rào khúc Hai Bà Trưng với Phan Thanh Giản bên hông một biệt thự cổ có một người dựa chiếc xe, lúc đầu là xe đạp cổ lổ sau đó là chiếc Mobylette xanh có chiếc thúng tre đằng sau bán bánh mì chả. Người ta gọi là Bánh mì Cụ Lý. Gọi là Cụ thế thôi chứ ông này lúc đấy chỉ trạc tứ tuần, giọng Bắc Kỳ đặc sệt, đầu chải bri dăng tin láng mướt, vuốt ra đàng sau để lộ một khuôn mặt lúc nào cũng đo đỏ như người uống rượu với chiếc mũi khá to với mấy sợi râu lún phún. Nhìn ông ta chợt nhớ đến khuôn mặt của nhân vật biếm họa Lý Toét đăng trên báo Ngày nay của nhóm Tự Lực văn đoàn. Hay là vì cái sự giống nhau này mà người ta gọi ông là Cụ Lý chăng?
Bánh mì Cụ Lý ngon mà giá bình dân. Chả đủ loại: chả lụa, chả chiên, giò thủ, chả mỡ. Chả nóng hổi, phảng phất mùi hương của thì là. Chả của Cụ Lý không cắt lát như những xe bánh mì khác mà cụ cắt từng miếng lớn, lộn xộn để lung tung trên mẹt lót lá chuối xanh dờn. Từ lúc dừng xe dựa vào hàng rào, cụ cắt không ngơi tay, khách hỏi chuyện, cụ lại nhón miếng chả đưa khách ăn chơi. Xẻ ổ bánh mì, hồi trước bánh mì nướng củi, vỏ bánh vàng, ruột bánh trắng phau chứ không như bánh mì bây giờ, cụ nhét đại mấy miếng chả vào, bốc một nắm hành tây, rắc chút muối tiêu, xì dầu hay nước mắm theo yêu cầu của khách, thế là xong một ổ bánh, không pa tê, chẳng dưa chua, hành ngò chi cả. Khách chen nhau, lần lượt. Cầm ổ bánh mì nóng, chả tràn trề, cắn một miếng, ngon nhức xương. Khách thường đứng ăn tại chỗ, cũng có khách mang đi. Cụ Lý đứng bán từ 6:00 đến gần trưa thì hết. Cứ hơn tiếng đồng hồ lại có xe chở giỏ lớn bánh đến giao cho cụ, cụ chỉ một mình làm liền tay. Chủ nhật, lễ Tết cụ nghỉ bán như công chức đi làm việc vậy.
Chả của cụ Lý không hàn the, không hoá chất lại được làm thịt tươi nêm nếm với nước mắm ngon nên nó có một vị đặc biệt mà những cửa hàng chả khác không có, lại bán giá bình dân nên khách nối đuôi nhau là chuyện dễ hiểu. Bởi là món ăn bình dân nên khách thường là công chức hạng thấp, nhiều nhất là giới sinh viên học sinh. Thời đấy, hầu như sinh viên Sài Gòn ai cũng từng ăn qua vài lần bánh mì Cụ Lý. Và cũng từ đó, chiếc bánh mì nho nhỏ đầy chả ấy đã trở thành ký ức của một thời. Những món chả của Cụ Lý là đặc sản của xứ Bắc, di cư vào Nam, người Bắc mang theo để rồi trở thành một món ăn phổ biến rộng rãi ở miền Nam. Người Bắc ăn miếng chả để nhớ quê, người Nam cắn miếng chả để hưởng thêm một món ăn đầy hương vị. Cụ Lý trở thành người đem miếng ngon xứ Bắc vào cho người Nam kỳ thưởng thức hàng ngày với giá thật bình dân, ai cũng ăn được, ai cũng mua được.
Biến cố 4.75. Sài Gòn thay đổi. Bo bo, gạo hẩm, bột mì, khoai sắn thế cơm, thay gạo. Hàng ngày, Cụ Lý cũng vẫn tựa chiếc xe mang theo cái thúng chả và bánh mì ở đằng sau. Nhưng ổ bánh mì không còn như xưa, ruột nó đen, vỏ nó tái. Miếng chả cũng kém đi hương vị cũ. Và chủ yếu là cả nước nghèo, cả Sài Gòn đói nên bánh mì của cụ lại trở thành món ăn xa xỉ, khách cũng vơi bớt nhiều.
Mấy năm sau, có lẽ tuổi cũng đã già, cụ Lý giao thúng bánh lại cho con, chiếc xe cũ không thấy nữa chỉ thấy sáng sáng chàng thanh niên nói giọng Nam đặc sệt chạy chiếc Honda vào trong hẻm gần đấy, ngồi với quán cà phê và tiếp tục công việc của Cụ Lý ngày xưa, lại cắt cắt, nhồi nhồi, nhét nhét những cục chả để cho ra những ổ bánh mì cụ Lý.
Rồi cuộc sống lại khá lên, khách lại đông như xưa, thúng bánh chỉ đên 9:00 là vơi, ai đến trễ đành hẹn ngày mai vậy. Quán cà phê hẻm dẹp tiệm, chắc là đội trật tự giao thông không cho lấn chiếm hẻm, thúng bánh Cụ Lý lại giạt ra vỉa hè Hai Bà Trưng, sáng sáng lại thấy nhóm người chen nhau mua bánh, người bán chẳng ngơi tay. Vẫn chiếc thúng, vẫn những miếng chả to nóng hổi bỏ ngổn ngang trên mẹt tre bây giờ lót tấm nhựa xanh xanh và những lát hành tây, bánh mì cụ Lý tiếp tục tồn tại hàng ngày giữa phố Sài Gòn biết bao đổi thay.
Cụ Lý có lẽ chẳng còn sống nhưng những chiếc bánh mì của cụ mãi là ký ức và kỷ niệm của nhiều người Sài Gòn, nhất là những chàng trai mới vào đời, mới bước vào giảng đường đại học thập niên sáu bảy mươi của thế kỷ trước, thời bánh mì Cụ Lý nức tiếng. Thế hệ đó giờ đã qua tuổi bảy mươi, không thường ăn bánh mì Cụ Lý nữa, nhưng nhiều khi nhớ lại, lòng cũng rưng rưng nhớ lại một thời, một thời đã đi qua không trở lại.
2.4.2019
DODUYNGOC



Lúc còn nhỏ, mỗi lần trái gió trở trời, húng hắng ho, Ba tui theo Tây y nhét thuốc trụ sinh cho mấy anh em tui, Mạ tui ngăn liền, nói để từ từ, thế rồi Mạ lấy mấy hột nén, giã dập chiết nước cho tụi tui uống, sau đó ra chợ dặn ngày mai để dành bộ ruột heo, đem về làm sạch với muối, cắt từng khúc nhỏ xào với nghệ đập dập, với lá hẹ để thành món lòng xào nghệ. Nói là lòng chứ thực chất chỉ là ruột heo. Sau đó đem xào với bún. Món này ăn cay cay một chút, hơi mằn mặn một chút mới ngon. Nhất là mấy miếng đươi đáy chảo, dòn dòn thơm mùi nghệ hơi cháy, đã lắm. Làm món này chỉ mất công làm cho sạch ruột để không còn mùi hôi, cũng cần có kinh nghiệm mới sạch mà vẫn còn chất ngọt của ruột. Lại thêm giã nghệ, làm xong chảo bún xào, tay vàng khè chất nghệ.
Sau khi uống nén, ăn bún ruột heo xào nghệ mà không bớt ho, lúc đó Mạ tui mới đồng ý cho uống thuốc Tây. Mà thường thường chỉ cần hạt nén với dĩa lòng xào nghệ là đã xong bệnh rồi.
Hôm nay có việc đi về khu Bảy Hiền, bèn mò vô chợ Bà Hoa. Nghe nói khu này có tiệm bán lòng xào nghệ ăn được lắm. Quanh co một hồi cũng tìm ra quán Thảo Hiền ở 95 Sơn Hưng. Cái đường nằm trong chợ nhỏ xíu, hỏi ba bốn lượt mới tìm ra, chuyên bán món này. Bây giờ có người làm sẵn bán, tiện lợi vô cùng. Mua 50.000 đồng, bảo: “ Cho mẹn mẹn, cai cai chút để về xào với bún” Anh chủ bảo: “ Rứa thì boác roa đầu chợ mua mấy ngoàn bún về con xồ luôn en cho ngon”. Tui hỏi mua hai ba người ăn thì cần mua bao nhiêu, ảnh nói mua ba ngàn thôi. Tìm được tiệm bán bún tui thấy mua ít ngó cũng kỳ, chơi luôn năm ngàn, hoá ra lại nhiều quá, thành một dĩa tú hụ. Ăn dĩa bún mà nhớ Mạ quá. Nhà tui lúc còn sống cũng học được món này của người Quảng, lâu lâu cũng làm một chảo cho mấy cha con ăn. Lại nhớ dĩa bún xào nghệ của vợ.
Siêng làm tới luôn, tui làm một chảo thịt heo quay kho dưa cải muối. Thấy mình cũng có năng khiếu nấu ăn. He...he không có ai hầu, muốn ăn thì phải lăn vào bếp thôi. Nhưng chắc cũng chẳng đến nỗi nào vì bếp thơm phức mùi thức ăn. Ngon thì chưa biết nhưng thơm thì thơm lắm rồi ka..ka
28.3.2019


Một hôm khóc giữa Sài Gòn
Đốt đèn xem lại có còn ta không?
Một mình giữa phố lông nhông
Mới hay tiên tổ núi sông chẳng còn
Hôm qua đi giữa Sài Gòn
Bụi trần gian phủ xoáy mòn cả vai
Nhập nhèm giữa đúng với sai
Nhiều cơn ác mộng lai rai nát chiều
Chẳng còn chi để nói yêu
Bao nhiêu nhan sắc yêu kiều bỏ đi
Rớt nước mắt miệng cười khì
Bản đồ rách nát chia ly phận người
Mỏi chân phiền muộn thân lười
Chim kêu hốt hoảng hoa tươi héo mòn
Hôm nay chạy giữa Sài Gòn
Biển sông tàn phế người còn nỗi đau
Mong chi chuyện của ngàn sau
Bao nhiêu ký ức như tàu chuối khô
Kỷ niệm im tựa nấm mồ
Sài Gòn chết đứng tựa hồ dao đâm
27.3.2019
DODUYNGOC




Ngần ấy tuổi lại cơm hàng cháo chợ
Trở về nhà hoang lạnh đến run tay
Tiếng kinh buồn và sợi khói nhang bay
Tôi lặng lẽ nhìn bóng mình gãy gục
Có còn chi giữa mấy hàng hoa cúc
Rằm đi qua nguyệt quế chẳng cựa mầm
Cây khế héo lá vàng hoe dưới nắng
Tôi đìu hiu gió chẳng muốn về thăm
Trưa ngả bảy chiều ngã ba lạc bước
Đêm loay hoay quên mất lối đi về
Mặt trời cháy rực quãng đường phía trước
Phố rợp người chân cứ bước lê thê
Ngần ấy tuổi muốn một lần được khóc
Giữa chiếu chăn bề bộn thiếu hơi người
Ngựa đã mỏi tiếng vọng về lóc cóc
Cuối dốc đời tôi ôm mặt buông xuôi
Đã biền biệt không bao giờ trở lại
Khuya đi lên sáng đi xuống mình tôi
Con chim hót sao thấy mình tê tái
Bỗng giật mình se sắt một mình thôi
9.3.2019
DODUYNGOC


Tui gặp ông khi đi ăn sáng. Tui ngủ trễ, dậy trễ, ăn sáng trễ nên lúc tui chuẩn bị ăn điểm tâm là khi mọi người sắp sửa ăn trưa. Bình thường tui thường ăn phở, nhưng lúc này xét nghiệm thấy cái gì cũng cao, mỡ cao, men gan cao, đường cũng đang lấp ló muốn hơn chỉ số bình thường, con số nào cũng hơn người ta vì uống lắm thuốc quá, nên né phở. Chẳng biết ăn gì. Lại thêm gần đây có cảm giác không đánh giá chính xác được mùi vị, miệng lúc nào cũng chan chát, đăng đắng. Làm nghề đi nếm thức ăn, đánh giá món ăn của các hàng quán, nhà hàng, món ăn mới mà bị mất cảm giác kiểu này thì chết tui rồi. Đành chạy ra Cư xá Đô thành kiếm dĩa bánh cuốn. Cũng chẳng mùi vị gì, nuốt cho có. Thấy ông loanh quanh mời mua hàng. Hàng của ông lèo tèo mấy cái móc khoá. Bỗng nhiên thấy khuôn mặt của ông khổ quá. Hơn 80 tuổi, quê Long Xuyên, nghèo quá, con cái cũng nghèo, ráng lên Sài Gòn kiếm miếng cơm qua ngày. Hỏi giá. Mỗi cái mười hai ngàn. Tui hỏi tiếp giá bán thế thì mỗi cái lời nhiêu? Ba ngàn. Ngày bán được mấy cái? May thì được chục cái. Như vậy mỗi bữa nếu hên kiếm được ba chục ngàn. Tui mời ông ăn bánh cuốn. Ông bảo ăn sáng rồi. Tui mua mấy cái móc khoá mà chẳng biết sẽ làm gì với chúng. Đưa ông tờ trăm ngàn, ông bảo để ông đi đổi vì ông không có tiền. Tui bảo: thôi khỏi, tặng ông, chỉ xin ông tấm hình. Móc điện thoại chụp ông một cái. Mặt ông khắc khổ quá, bảo ông cười ông cũng gượng gạo nhếch miệng. Tự dưng nghĩ đến tuổi già, nghĩ đến hoàn cảnh cô độc của mình, lại thấy buồn. Mỗi người mỗi số phận, chẳng biết ai khổ hơn ai? Dĩa bánh cuốn buổi sáng vô duyên, miếng chả chiên nằm chỏng chơ không muốn ăn nữa. Mặt trời đã sắp lên đỉnh đầu. Nắng gắt.
8.3.2019
DODUYNGOC



Sau 1975, tui được học thêm mấy tháng chính trị triết học Mác Lênin và một vài kiến thức lổ mổ về văn học của chế độ mới rồi chờ phân công đi dạy học. Lúc đó chắc là miền Nam thiếu thầy cô giáo lắm, lũ con nuôi chúng tôi được đưa đi khắp nơi từ miền Đông cho đến miền Tây, có cả các tỉnh miền Trung nữa. Tiêu chí phân công công tác cũng không dựa vào khả năng kiến thức chuyên môn mà chủ yếu dựa vào lý lịch và biết đường chạy chọt. Có hai đối tượng không có tên trong danh sách phân phối nhiệm sở là gia đình đang có người đi học tập cải tạo và trường hợp cá nhân, gia đình đang có vấn đề. Tui bị dính trường hợp thứ hai mà lại là dính oan. Ngày kết thúc khoá học có một biên bản hồ sơ gần chục trang với 16 chữ ký tố cáo tui. Những người ký tên cũng đều là bạn bè cả, thế mới đau. Giờ họ vẫn còn sờ sờ ra đấy nhưng chằng có ai làm nên trò trống gì. Họ tố tui gia đình nguỵ quyền có cha và anh ruột làm công chức cấp cao của chế độ cũ mà trốn đi học tập. Họ tố tui có những tư tưởng không phù hợp với chế độ nên thường phát biểu lung tung trong những cuộc thảo luận tổ. Họ tố tui viết những câu văn, câu thơ phản động trên tường trong phòng vệ sinh của Đại học Vạn Hạnh, lại được viết bằng tay trái. Vốn ngày trước, hồi còn là sinh viên ở đó trước 1975, tui được viện đại học giao cho việc viết thông báo, vẽ bích chương, biểu ngữ phục vụ cho các lễ lạt của trường, công việc này giúp tui có thêm học bổng 8.000 đồng một tháng để chi tiêu. Họ tố tui trước 1975 có triển lãm tranh ở Hội Việt Mỹ Sài Gòn và tờ báo Thế giới Tự do của Usaid Mỹ sử dụng tranh tui làm bìa cho một số báo. Và nặng nhất là họ tố cáo tui quan hệ nam nữ bất chính. Chuyện là hồi ấy tui và một cô bạn cùng lớp yêu nhau. Trai chưa vợ, gái chưa chồng có chi là bất chính, thế mà họ cũng tưởng tượng ra chuyện là trong chuyến đi lao động ở nông trường Lê Minh Xuân, tụi tui làm chuyện bậy bạ với nhau, ghê vậy đấy. Nói thiệt là hồi đó tụi tui chỉ mới cầm tay nhau thôi đã là sự kiện rồi, làm chi có chuyện tày trời đó. Tóm lại là họ ghép cho tui lắm tội, mà toàn tội tào lao. Người cộng sản kết tội đã sợ, đám Việt cộng mới ló mặt sau 30.4 lại càng ghê gớm và khát máu hơn vì họ muốn thể hiện quyền lực và tâng công. Cho đó là thi hành chuyên chính vô sản.
Và kết cuộc là tui bị từ chối không phân công công tác. Lúc đó tui đang đói lắm, chẳng có một nguồn cung cấp nào để sống nên khi biết không được cho phép đi dạy học, tui hoang mang lắm. Cô bạn tui cũng bị oan, cũng chẳng có tên. Tội cho cô ấy. Về quê thì không dám về, gia đình lúc ấy cũng đang lâm vào cảnh quẫn bách giống như những người dân miền Nam đang chịu đựng, về rồi trở thành gánh nặng nữa sao. Tui sống phất phơ, đói vàng cả mắt. Thời may, hồi ở Đại học Sư phạm tui có thành lập một đội kịch, cũng diễn được một vở kịch khá là quy mô với kịch bản: Cái chết của người chào hàng, của kịch tác gia nổi tiếng người Mỹ Arthur Miller, và một số vở kịch phong trào. Trong đội kịch lại có một cô bạn có mối quan hệ rất tốt với ông hiệu phó, cô ấy can thiệp, nói giúp tui và tui được đưa về Bạc Liêu. Hồi ấy xe cộ khó khăn lắm, muốn về Bạc Liêu phải đi từ 5:00 sáng chạy đến tối mịt mới đến nơi. Suốt đường đi chi chít những trạm của du kích khăn rằn, soát hành lý, hoạnh hoẹ đủ điều. Tui mất gần mấy tháng trình diện ở Sở Giáo dục, nhưng rồi chẳng ai nói với tui một tiếng. Tui lên xuống nhiều lần, tốn biết bao thời gian và tiền bạc, nhưng chẳng nhận được ý kiến gì về trường hợp của tui. Cuối cùng, một hôm tui được kêu vào phòng tổ chức, trưởng phòng là một bà nói giọng Nghệ An, bảo với tui rằng, bằng cấp chuyên môn của anh thì quá tốt, kết quả đều có hạng, nhưng mà hồ sơ lý lịch và nhận xét của tổ chức như thế này thì chúng tôi không làm sao nhận được. Đây hồ sơ đây, anh xem đi để hiểu cho chúng tôi. Đến lúc đó tui mới biết có biên bản gần chục trang và 16 chữ ký. Chán nản và thất vọng, tui trở về thành phố trên chuyến xe đêm. Mấy chục năm sau tui mới biết thêm rằng, sở Giáo dục Bạc Liêu nhìn thấy thành tích học tập trên bằng cấp của tui, lấy làm tiếc nên do dự mãi, cuối cùng mới gọi một giáo viên đang công tác ở đấy, anh này cùng khoá với tui lại học bổ túc chính trị cùng lượt với tui, hiện đang là một đoàn viên tích cực phấn đấu vào đảng. Khi được hỏi về tui, anh ta bảo tui chuyên môn, kiến thức rất giỏi, lắm bằng cấp nhưng tư tưởng không tốt. Thế là chết mẹ tui rồi! Nghe vậy, người ta quyết định từ chối tui ngay, cũng phải thôi. Gần đây lại có người kể thêm hồi ấy ở Sở Giáo dục Bạc Liêu khó chịu vì tui mặc áo kaki vàng của quân đội VNCH và xài hộp quẹt Zippo, tàn dư của đế quốc Mỹ he..he để ý dữ! May là lúc đó tui đã hớt tóc cao và cạo râu nhẵn nhụi, không thì bị đuổi khi vào đến cửa.
Tui lại khiếu nại với phòng tổ chức, và rồi người ta ký quyết định phân công tui về Sở Giáo dục thành phố. Mừng húm. Âu cũng là một kết thúc có hậu, đi loanh quanh lại về được thành phố là quá tốt rồi. Tui trình diện với Sở và nhận được tờ quyết định phân về Trường cấp 3 Phú Hoà. Tui cầm tờ giấy, phân vân mãi không biết trường Phú Hoà này nằm ở đâu? Tui nghĩ Phú Hoà chắc đâu vùng Phú Thọ, cũng hơi xa nhưng cũng là quá được. Phú Hoà, Phú Thọ chắc hẳn là lân cận nhau. Tui ra sân ngồi trên ghế đá hút thuốc, có người đến ngồi cạnh tui xin chút lửa. Tui buột miệng hỏi: Anh cũng đi dạy à? Anh ta trả lời: Ừ. Lưu dung, dạy ở Hóc Môn. Tui hỏi anh có biết trường Phú Hoà ở đâu không? Anh bảo: Biết, nó ở Củ Chi, ngay ngã tư Paris Tân Quy. Chết mẹ! Ai ngờ nó chạy tuốt trên ấy. Củ chi đối với tui nghe lạ hoắc. Củ chi đất thép thành đồng, thế là tui bị đi đày rồi, chắc cũng từ cái biên bản 16 chữ ký ấy, nó vẫn còn đeo đẳng đời tui cho đến bao giờ?
Theo hướng dẫn, từ nhà tui đi xe lam đến Bảy Hiền, ở đó sẽ có xe đò đi Hóc Môn. Đến chợ Hóc Môn, tui đi xe ngựa hay đi bộ đến bến xe lam. Xe lam sẽ chở tui đến cầu Xáng. Qua cầu Xáng, tui phải làm một chuyến xe lam nữa thì mới đến được ngã tư Paris Tân Quy, nơi đó có trường Cấp ba Phú Hoà. Năm 1963, tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập, nửa quận Củ Chi vẫn giữ tên cũ, thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nửa còn lại gọi là quận Phú Hoà, vẫn thuộc tỉnh Bình Dương. Do vậy, trường vẫn thuộc tỉnh Bình Dương. Sau 75 lại thuộc Củ Chi. Hồi đó Củ Chí sau chiến tranh hoang tàn lắm, cây cỏ khô cháy, lá vàng hoe, nhà cửa thưa thớt. Đi từ cầu Xáng về, hai bên là những đồng lúa èo uột, khô cháy. Nhìn ngôi trường, tui hỡi ôi! Từ nhỏ cho đến phút ấy, tui toàn học trong những ngôi trường lớn, xây cất công phu. Lúc bé thì học chủng viện, trung học học trường Kỹ thuật Đà Nẵng, ngôi trường đẹp nhất Đông Nam Á lúc đấy do Mỹ viện trợ. Lớn lên học Đại học cũng là trường lớn, đi học nước ngoài thì trường học như một chuỗi lâu đài. Giờ đây, tui đứng trước một ngôi trường xác xơ, héo úa, rộng mênh mông như sa mạc, lưa thưa mấy cây bã đậu thân đầy gai xù xì. Cổng trường được dựng bằng hai cọc thép xây bê ton, trên là tấm tôn hơi biến dạng vì thời gian và gió thổi, những dòng chữ mờ đã tróc sơn ghi tên trường. Trường có đâu khoảng sáu phòng học và hai phòng làm văn phòng. Phòng xập xệ, bàn ghế liêu xiêu, bảng thì chỗ xanh chỗ đen, sàn xi măng lổ chổ, tường lắm vết nứt kéo dài. Tui nản thật sự. Chán chường vì sao mình lại bị đày đến nơi hoang vu, nghèo khổ như thế này?
Văn phòng cửa mở, trời đã về chiều, nắng vàng vọt len lỏi vào căn phòng lộn xộn những bàn, những ghế, những thiết bị lung tung chẳng có trật tự nào. Tui gõ vào cánh cửa nham nhở lớp sơn đã tróc, nhìn vào trong. Một ông trung niên đen đúa đang kéo thuốc lào, khói nhả ra mù mịt. Ông ta mặc cái áo thun ba lỗ đã ngã màu cháo huyết, cái quần pyjama cũng đã xuống màu, tóc ông cắt dựng đứng lại rẽ ngôi giữa nhìn thật ngộ. Ông hất hàm hỏi tui: Đi đâu đây? Tui bảo: Được sở phân công về dạy học ở đây. Ông bảo: Thế à. Đưa giấy xem. Tui là H. hiệu trưởng trường này. Ông cầm tờ quyết định, nhìn tui rồi bảo: Tốt. Xem sắp xếp đồ đạc rồi ăn cơm tối. Tui oải thật là oải, trường xa, trường không ra hồn cái trường, ông hiệu trưởng thì nhìn còn tệ hơn anh nông dân, vốn là dân tập kết, không biết tui có nên tiếp tục ở đây không nữa?
Đến tối thì thầy cùng cô kê bàn lại làm giường, nằm chung trong văn phòng. Tuy chung chạ thế nhưng hồi ấy đầu óc ai cũng trong sáng, ai cũng giữ tư cách, phẩm hạnh của nền giáo dục cũ nên chẳng bao giờ xảy ra chuỵên đáng tiếc. Lúc đấy ở đây chưa có điện, đêm thắp đèn dầu tù mù, mọi người nói chuyện râm ran một lát rồi im. Sáng ra mũi ai cũng đen thui muội đèn. Tui nằm nghe ểnh ương, cóc nhái kêu oàm oạp, những âm thanh lần đầu tiên trong đời được nghe. Khuya, tiếng gió, tiếng lá cây xào xạc khiến tui không ngủ được. Tui tự nhủ với lòng mình: tạm thời ở đây thời gian ngắn rổi tìm lối thoát khác, chứ kiểu này làm sao chịu nổi. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, ăn toàn bo bo, loại dành cho súc vật, cơm hẩm, cá thiu, lúc nào cũng thèm ngọt, thèm thịt, thèm béo. Thèm đủ thứ. Tui dạy suốt tuần, 36 tiết một tuần, đều đều ngày 6 đến 8 tiết, đủ cấp lớp nhưng giọng vẫn sang sảng đền độ ai cũng bảo tui giảng bài là cả trường nghe hê...hê.
Thế mà tui đã trụ được ở đó 5 năm. Cuối năm 1980 mới đổi về nội thành. Năm năm biết bao kỷ niệm, niềm vui và cũng lắm nỗi buồn ở đó. Trong đời tui, mãi sẽ chẳng bao giờ quên một quãng đời ở ngôi trường này.
6.3.2019
DODUYNGOC
Cổng trường này chụp trước năm 1975. Khi tui nhìn thấy nó, nó đã bệ rạc lắm rồi.


Tôi về gió lạnh bờ tây
Tiếng chim khắc khoải đám mây bùi ngùi
Bước đi chẳng dám nhìn lui
Bao nhiêu quá khứ đậm mùi quẩn quanh
Tôi về sông chẳng còn xanh
Bến trơ bụi cỏ nước loanh quanh bờ
Hỏi người ai cũng thờ ơ
Hỏi tôi chỉ thấy mập mờ cuộn khoanh
Tôi về nhìn bấc lụi nhanh
Thiên thu đã thấy rành rành một bên
Đời mau như một mũi tên
Như bọt sóng vỗ tràn lên núi đồi
Tôi về trăng lẻ mồ côi
Nửa khuya thức giấc tim hồi hộp đau
Nỗi buồn đến tận kiếp sau
Quẩn quanh nguyệt tận đường đâu lối về
Tôi về giữa vạn cơn mê
Còn bao đá dựng cận kề nặng vai
Bạc đầu chưa biết đúng sai
Buông thì thấy tiếc ôm hoài mệt thân
Tôi về run rẩy hai chân
Liêu xiêu đứng đợi tấm thân mệt nhoài
Mới hay giữa những u hoài
Vẫn còn vương chút bi hài trần gian
Tôi về gởi lại gian nan
Đọng bao tiếng khóc bao bàng hoàng đau
Tôi về bỏ lại ngàn sau
Tiếng kêu tha thiết bờ lau trắng trời
Tôi về chẳng đợi ai mời
Nằm co chân lại ngắm đời trôi đi
Thân này rốt cuộc còn chi
Lắng nghe sương rụng thầm thì cuối hiên
Tôi về làm kẻ cuồng điên
Vẽ rồng vẽ rắn vẽ tiên vẽ người
Vẽ tôi như lũ đười ươi
Đời bao tiếng khóc lại cười suốt đêm
Tôi về chồng chất tuổi thêm
Ngồi nghe lá rớt bên thềm xót xa
Thôi rồi tất cả sẽ qua
Tôi buông tay đụng giang hà cuốn đi
3.3.2019
DODUYNGOC
Tranh của Hoạ sĩ Nga

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget