Sau 1975, tui được học thêm mấy tháng chính trị triết học Mác Lênin và một vài kiến thức lổ mổ về văn học của chế độ mới rồi chờ phân công đi dạy học. Lúc đó chắc là miền Nam thiếu thầy cô giáo lắm, lũ con nuôi chúng tôi được đưa đi khắp nơi từ miền Đông cho đến miền Tây, có cả các tỉnh miền Trung nữa. Tiêu chí phân công công tác cũng không dựa vào khả năng kiến thức chuyên môn mà chủ yếu dựa vào lý lịch và biết đường chạy chọt. Có hai đối tượng không có tên trong danh sách phân phối nhiệm sở là gia đình đang có người đi học tập cải tạo và trường hợp cá nhân, gia đình đang có vấn đề. Tui bị dính trường hợp thứ hai mà lại là dính oan. Ngày kết thúc khoá học có một biên bản hồ sơ gần chục trang với 16 chữ ký tố cáo tui. Những người ký tên cũng đều là bạn bè cả, thế mới đau. Giờ họ vẫn còn sờ sờ ra đấy nhưng chằng có ai làm nên trò trống gì. Họ tố tui gia đình nguỵ quyền có cha và anh ruột làm công chức cấp cao của chế độ cũ mà trốn đi học tập. Họ tố tui có những tư tưởng không phù hợp với chế độ nên thường phát biểu lung tung trong những cuộc thảo luận tổ. Họ tố tui viết những câu văn, câu thơ phản động trên tường trong phòng vệ sinh của Đại học Vạn Hạnh, lại được viết bằng tay trái. Vốn ngày trước, hồi còn là sinh viên ở đó trước 1975, tui được viện đại học giao cho việc viết thông báo, vẽ bích chương, biểu ngữ phục vụ cho các lễ lạt của trường, công việc này giúp tui có thêm học bổng 8.000 đồng một tháng để chi tiêu. Họ tố tui trước 1975 có triển lãm tranh ở Hội Việt Mỹ Sài Gòn và tờ báo Thế giới Tự do của Usaid Mỹ sử dụng tranh tui làm bìa cho một số báo. Và nặng nhất là họ tố cáo tui quan hệ nam nữ bất chính. Chuyện là hồi ấy tui và một cô bạn cùng lớp yêu nhau. Trai chưa vợ, gái chưa chồng có chi là bất chính, thế mà họ cũng tưởng tượng ra chuyện là trong chuyến đi lao động ở nông trường Lê Minh Xuân, tụi tui làm chuyện bậy bạ với nhau, ghê vậy đấy. Nói thiệt là hồi đó tụi tui chỉ mới cầm tay nhau thôi đã là sự kiện rồi, làm chi có chuyện tày trời đó. Tóm lại là họ ghép cho tui lắm tội, mà toàn tội tào lao. Người cộng sản kết tội đã sợ, đám Việt cộng mới ló mặt sau 30.4 lại càng ghê gớm và khát máu hơn vì họ muốn thể hiện quyền lực và tâng công. Cho đó là thi hành chuyên chính vô sản.
Và kết cuộc là tui bị từ chối không phân công công tác. Lúc đó tui đang đói lắm, chẳng có một nguồn cung cấp nào để sống nên khi biết không được cho phép đi dạy học, tui hoang mang lắm. Cô bạn tui cũng bị oan, cũng chẳng có tên. Tội cho cô ấy. Về quê thì không dám về, gia đình lúc ấy cũng đang lâm vào cảnh quẫn bách giống như những người dân miền Nam đang chịu đựng, về rồi trở thành gánh nặng nữa sao. Tui sống phất phơ, đói vàng cả mắt. Thời may, hồi ở Đại học Sư phạm tui có thành lập một đội kịch, cũng diễn được một vở kịch khá là quy mô với kịch bản: Cái chết của người chào hàng, của kịch tác gia nổi tiếng người Mỹ Arthur Miller, và một số vở kịch phong trào. Trong đội kịch lại có một cô bạn có mối quan hệ rất tốt với ông hiệu phó, cô ấy can thiệp, nói giúp tui và tui được đưa về Bạc Liêu. Hồi ấy xe cộ khó khăn lắm, muốn về Bạc Liêu phải đi từ 5:00 sáng chạy đến tối mịt mới đến nơi. Suốt đường đi chi chít những trạm của du kích khăn rằn, soát hành lý, hoạnh hoẹ đủ điều. Tui mất gần mấy tháng trình diện ở Sở Giáo dục, nhưng rồi chẳng ai nói với tui một tiếng. Tui lên xuống nhiều lần, tốn biết bao thời gian và tiền bạc, nhưng chẳng nhận được ý kiến gì về trường hợp của tui. Cuối cùng, một hôm tui được kêu vào phòng tổ chức, trưởng phòng là một bà nói giọng Nghệ An, bảo với tui rằng, bằng cấp chuyên môn của anh thì quá tốt, kết quả đều có hạng, nhưng mà hồ sơ lý lịch và nhận xét của tổ chức như thế này thì chúng tôi không làm sao nhận được. Đây hồ sơ đây, anh xem đi để hiểu cho chúng tôi. Đến lúc đó tui mới biết có biên bản gần chục trang và 16 chữ ký. Chán nản và thất vọng, tui trở về thành phố trên chuyến xe đêm. Mấy chục năm sau tui mới biết thêm rằng, sở Giáo dục Bạc Liêu nhìn thấy thành tích học tập trên bằng cấp của tui, lấy làm tiếc nên do dự mãi, cuối cùng mới gọi một giáo viên đang công tác ở đấy, anh này cùng khoá với tui lại học bổ túc chính trị cùng lượt với tui, hiện đang là một đoàn viên tích cực phấn đấu vào đảng. Khi được hỏi về tui, anh ta bảo tui chuyên môn, kiến thức rất giỏi, lắm bằng cấp nhưng tư tưởng không tốt. Thế là chết mẹ tui rồi! Nghe vậy, người ta quyết định từ chối tui ngay, cũng phải thôi. Gần đây lại có người kể thêm hồi ấy ở Sở Giáo dục Bạc Liêu khó chịu vì tui mặc áo kaki vàng của quân đội VNCH và xài hộp quẹt Zippo, tàn dư của đế quốc Mỹ he..he để ý dữ! May là lúc đó tui đã hớt tóc cao và cạo râu nhẵn nhụi, không thì bị đuổi khi vào đến cửa.
Tui lại khiếu nại với phòng tổ chức, và rồi người ta ký quyết định phân công tui về Sở Giáo dục thành phố. Mừng húm. Âu cũng là một kết thúc có hậu, đi loanh quanh lại về được thành phố là quá tốt rồi. Tui trình diện với Sở và nhận được tờ quyết định phân về Trường cấp 3 Phú Hoà. Tui cầm tờ giấy, phân vân mãi không biết trường Phú Hoà này nằm ở đâu? Tui nghĩ Phú Hoà chắc đâu vùng Phú Thọ, cũng hơi xa nhưng cũng là quá được. Phú Hoà, Phú Thọ chắc hẳn là lân cận nhau. Tui ra sân ngồi trên ghế đá hút thuốc, có người đến ngồi cạnh tui xin chút lửa. Tui buột miệng hỏi: Anh cũng đi dạy à? Anh ta trả lời: Ừ. Lưu dung, dạy ở Hóc Môn. Tui hỏi anh có biết trường Phú Hoà ở đâu không? Anh bảo: Biết, nó ở Củ Chi, ngay ngã tư Paris Tân Quy. Chết mẹ! Ai ngờ nó chạy tuốt trên ấy. Củ chi đối với tui nghe lạ hoắc. Củ chi đất thép thành đồng, thế là tui bị đi đày rồi, chắc cũng từ cái biên bản 16 chữ ký ấy, nó vẫn còn đeo đẳng đời tui cho đến bao giờ?
Theo hướng dẫn, từ nhà tui đi xe lam đến Bảy Hiền, ở đó sẽ có xe đò đi Hóc Môn. Đến chợ Hóc Môn, tui đi xe ngựa hay đi bộ đến bến xe lam. Xe lam sẽ chở tui đến cầu Xáng. Qua cầu Xáng, tui phải làm một chuyến xe lam nữa thì mới đến được ngã tư Paris Tân Quy, nơi đó có trường Cấp ba Phú Hoà. Năm 1963, tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập, nửa quận Củ Chi vẫn giữ tên cũ, thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nửa còn lại gọi là quận Phú Hoà, vẫn thuộc tỉnh Bình Dương. Do vậy, trường vẫn thuộc tỉnh Bình Dương. Sau 75 lại thuộc Củ Chi. Hồi đó Củ Chí sau chiến tranh hoang tàn lắm, cây cỏ khô cháy, lá vàng hoe, nhà cửa thưa thớt. Đi từ cầu Xáng về, hai bên là những đồng lúa èo uột, khô cháy. Nhìn ngôi trường, tui hỡi ôi! Từ nhỏ cho đến phút ấy, tui toàn học trong những ngôi trường lớn, xây cất công phu. Lúc bé thì học chủng viện, trung học học trường Kỹ thuật Đà Nẵng, ngôi trường đẹp nhất Đông Nam Á lúc đấy do Mỹ viện trợ. Lớn lên học Đại học cũng là trường lớn, đi học nước ngoài thì trường học như một chuỗi lâu đài. Giờ đây, tui đứng trước một ngôi trường xác xơ, héo úa, rộng mênh mông như sa mạc, lưa thưa mấy cây bã đậu thân đầy gai xù xì. Cổng trường được dựng bằng hai cọc thép xây bê ton, trên là tấm tôn hơi biến dạng vì thời gian và gió thổi, những dòng chữ mờ đã tróc sơn ghi tên trường. Trường có đâu khoảng sáu phòng học và hai phòng làm văn phòng. Phòng xập xệ, bàn ghế liêu xiêu, bảng thì chỗ xanh chỗ đen, sàn xi măng lổ chổ, tường lắm vết nứt kéo dài. Tui nản thật sự. Chán chường vì sao mình lại bị đày đến nơi hoang vu, nghèo khổ như thế này?
Văn phòng cửa mở, trời đã về chiều, nắng vàng vọt len lỏi vào căn phòng lộn xộn những bàn, những ghế, những thiết bị lung tung chẳng có trật tự nào. Tui gõ vào cánh cửa nham nhở lớp sơn đã tróc, nhìn vào trong. Một ông trung niên đen đúa đang kéo thuốc lào, khói nhả ra mù mịt. Ông ta mặc cái áo thun ba lỗ đã ngã màu cháo huyết, cái quần pyjama cũng đã xuống màu, tóc ông cắt dựng đứng lại rẽ ngôi giữa nhìn thật ngộ. Ông hất hàm hỏi tui: Đi đâu đây? Tui bảo: Được sở phân công về dạy học ở đây. Ông bảo: Thế à. Đưa giấy xem. Tui là H. hiệu trưởng trường này. Ông cầm tờ quyết định, nhìn tui rồi bảo: Tốt. Xem sắp xếp đồ đạc rồi ăn cơm tối. Tui oải thật là oải, trường xa, trường không ra hồn cái trường, ông hiệu trưởng thì nhìn còn tệ hơn anh nông dân, vốn là dân tập kết, không biết tui có nên tiếp tục ở đây không nữa?
Đến tối thì thầy cùng cô kê bàn lại làm giường, nằm chung trong văn phòng. Tuy chung chạ thế nhưng hồi ấy đầu óc ai cũng trong sáng, ai cũng giữ tư cách, phẩm hạnh của nền giáo dục cũ nên chẳng bao giờ xảy ra chuỵên đáng tiếc. Lúc đấy ở đây chưa có điện, đêm thắp đèn dầu tù mù, mọi người nói chuyện râm ran một lát rồi im. Sáng ra mũi ai cũng đen thui muội đèn. Tui nằm nghe ểnh ương, cóc nhái kêu oàm oạp, những âm thanh lần đầu tiên trong đời được nghe. Khuya, tiếng gió, tiếng lá cây xào xạc khiến tui không ngủ được. Tui tự nhủ với lòng mình: tạm thời ở đây thời gian ngắn rổi tìm lối thoát khác, chứ kiểu này làm sao chịu nổi. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, ăn toàn bo bo, loại dành cho súc vật, cơm hẩm, cá thiu, lúc nào cũng thèm ngọt, thèm thịt, thèm béo. Thèm đủ thứ. Tui dạy suốt tuần, 36 tiết một tuần, đều đều ngày 6 đến 8 tiết, đủ cấp lớp nhưng giọng vẫn sang sảng đền độ ai cũng bảo tui giảng bài là cả trường nghe hê...hê.
Thế mà tui đã trụ được ở đó 5 năm. Cuối năm 1980 mới đổi về nội thành. Năm năm biết bao kỷ niệm, niềm vui và cũng lắm nỗi buồn ở đó. Trong đời tui, mãi sẽ chẳng bao giờ quên một quãng đời ở ngôi trường này.
6.3.2019
DODUYNGOC
6.3.2019
DODUYNGOC
Cổng trường này chụp trước năm 1975. Khi tui nhìn thấy nó, nó đã bệ rạc lắm rồi.
Đăng nhận xét