Latest Post


Linh bắt gặp nó rất tình cờ khi một buổi sáng rảnh rỗi ghé chơi gian hàng của người bạn bán chim cảnh. Nó như một miếng thịt bèo nhèo, tai tái. Hai khoé mỏ còn vàng ươm, hai mắt chưa mở, chỉ là hai đốm đen. Cái cổ ngẳng, quẹo một bên, thỉnh thoảng lại cố vươn lên, ngáp ngáp như người khó thở. Hai cái cánh bé xíu, cặp chân cũng nhỏ tí, co quắp lâu lâu lại giật giật như người mắc bệnh kinh phong. Cả thân hình trơ trụi, lông chưa lún phún. Nó nằm trong thùng giấy, trên mấy cọng rơm khoanh vội, rải thêm mấy giấy vụn. Lại gần nghe mùi thum thủm của phân. Có cảm tưởng như nó đang đói, cái mỏ cứ mở ra, nhưng chắc không thấy gì, khép lại sau cái giẫy. Bỗng dưng Linh thấy nó tội quá, anh quay qua hỏi tay chủ tiệm:
- Con chim gì ghê thế?
- À! Hoạ mi con. Mới vào từ Lạng Sơn một ổ mấy con, người ta lựa hết còn mình nó.
- Trông nó èo uột quá
- Ừ! Chắc không sống nổi đêm nay.
Linh chợt nghĩ đến một sinh linh đang đi đến một cái chết được báo trước. Chắc chắn nó sẽ chẳng thấy khổ đau thướng tiếc cuộc đời như con người, vì tất thảy sinh vật, chỉ có con người mới ý thức được sinh ra để rồi chết. Nhưng nó sẽ bị quăng vào chuồng của lũ chim ăn thịt, nó sẽ bị xé xác. Anh rùng mình khi nghĩ cảnh đó. Nó như đứa bé sơ sinh. Vốn Linh là người nhạy cảm, anh yêu cuộc sống và yêu những sinh vật có mặt trong đời sống. Giữa cuộc sống nháo nhào hôm nay, người như anh bị mọi người nhìn với cặp mắt kỳ dị, bởi anh nghĩ mọi sinh vật đều có quyền có được một cuộc sống, mọi sinh vật đều có một tâm hồn, đều khát khao sống. Không biết từ đâu khiến anh buột miệng:
- Nhiêu vậy?
- Gì? Con này hả, gần chết rổi, mua chi ông?
- Thì kệ tui, tui muốn lấy nó.
- Mua bán con mẹ gì, ông thích thì mang về, nhưng nó sắp đai rồi, nuôi không được đâu. Ông thích thì tui cho ông.
- Không có chuyện cho, mua bán đàng hoàng. Ông biết tánh tui mà, tui không thích lấy không của ai bao giờ
- Thôi được. Chiều ông. Năm chục. Nhưng tui nhắc lại là không sống nổi đâu, nó yếu quá rồi.
- Kệ!
Thế là Linh bỏ túi giấy mang về. Vẫn biết có thể nó không sống nổi, nhưng anh sẽ chôn nó dưới gốc cây nguyệt quế, còn hơn là để cho lũ diều hâu kia xé xác nó ra từng mảnh. Nó yếu quá rồi, nhưng Linh nghĩ với số vốn kiến thức dở dang mấy năm học trường Nông Lám Súc, biết đáu sẽ cứu được nó. Linh đang nuôi mấy con vẹt, con cockatoo mào vàng la hét suốt ngày, con Rainbow sặc sỡ và con xám đuôi đỏ Phi châu thông minh. Ái dà! Lại bận rộn rồi đây. Anh hoạ mi này phải theo dõi hăm bốn trên hăm bốn mới được. Nó dặt dẹo quá! Đang có sẵn mấy hộp sữa bột cho vẹt con, Linh đem ra khuấy thử cho nó ăn. Nó há mỏ, nhem nhép, sữa tràn ra đầy khoé, thêm chút nữa, nó nuốt, vô được miệng chút xíu, nuốt được là hi vọng sống. Tin vậy đi. Anh lấy cái rổ nhựa nhỏ, lót vải vụn, bỏ nó vào. Cầm trên tay thấy nó chút nị, nhẹ như không. Khoảng hơn giờ sau, thấy có chút phân, hi vọng sống tăng thêm một chút. Anh cockatoo đứng trên giàn ngó xuống, chắc ngạc nhiên nên cứ ngóng cổ hét làm con Rainbow nhảy cà tưng cà tưng.
Suốt tuần lễ Linh không làm được gì, cứ rảnh lúc nào là ngổi bên tồ nhựa, lúc thì bôm thức ăn, khi thì bôm chút nước, lâu lâu lại giọt cho chút thuốc bổ. Và nó sống được. Nó khoẻ ra từng ngày, cái cần cổ có thêm chút thịt, không còn quặt quẹo nữa. Sau hơn tuần lễ, hai cánh và đuôi đã thấy ló ra mấy cọng lông lún phún. Rồi đến lông đầu. Qua tuần thứ ba thì nó đứng được trên hai chân hai chân như cọng nhang, run rẩy bước từng bước nhỏ rồi bẹp xuống. Linh chắc chắn là nó đã được tái sinh. Cái mỏ đã bớt một chút khoé vàng, đã biết đòi ăn và lúc được hơn tháng thì hám ăn bất kể. Nó bắt đầu phổng phao, nhưng cái phổng phao của anh còi chậm lớn. Bộ lông bắt đầu mọc đầy, con mắt đã lộ dấu vết của giống nòi.
Linh bắt đầu chán mấy con vẹt, lần lượt cho chúng về chủ mới, chỉ còn lại chú hoạ mi còi cọt chậm lớn trong rổ nhựa.
Sau một năm, nó trổ hết lông đầu, lông cánh, lông đuôi, bộ lông màu vàng khoác lên thân mình bé bé. Nó vẫn là con chim còi cọc, nhưng rất khôn ngoan. Nó đã biết bay vòng vòng bằng đôi cánh nhỏ trong chiếc lồng tre. Mi mắt cũng bắt đầu lộ ra, xanh xanh khéo như một nét cọ vẽ. Mỗi lần thấy bóng Linh, nó kêu khèn khẹt, hai cánh đập liên hồi như quạt gió. Linh mở cửa lồng, nó bay ra đậu trên tay Linh, chiếc mỏ quẹt qua lại trên tay anh đòi ăn, anh cho
nó con cào cào non, nó nhận lấy bằng cú đớp rất lẹ. Anh mở băng cho nó nghe tiếng hót hàng ngày để hi vọng nó sẽ học giọng. Nó đã bắt đầu trổ mã của con chim mùa đầu, dáng cũng cao cầu, mi dài, mỏ dày, đầu xà, mắt trường mi xanh biếc chỉ tội nhỏ con, nhiều khi còn nhỏ hơn con chích choè than, kiểu này chỉ nuôi nghe hót chơi.
Một buổi trưa, đang nằm thiu thiu, nghe ngoài hiên có tiếng chim đi giọng gió. Thật ra ở giống chim, giọng gió của chúng nhiều khi nghe đã hơn giọng hót, bởi nó dìu dặt, đều đặn, không cao giọng chát chúa như giọng hót. Thế là anh chàng đã chuẩn bị trưởng thành, đã bắt đầu đi giọng. Và trưa trưa, thỉnh thoảng đã có mấy giọng hót ngắn. Mỗi lần bắt ra chơi, nó đã mở miệng nhay nháy kiểu của anh chàng trẻ tuổi muốn khoe giọng vỡ của mình. Từ lúc đấy, Linh thường mang nó vào mấy cội chim chơi, ai thấy nó cũng buồn cười vì trông nó dị dạng quá đỗi, lốt chim hoạ mi trong xác con chích choè.
Nhưng khi thay xong mùa lông thứ nhất, rồi đến hết mùa lông thứ hai thì mọi người quên mất thân hình bé nhỏ của nó mà cứ trầm trồ giọng hót. Linh cứ sợ nó hót giọng chim con, không ngờ oà nó hót giọng đặc rừng, lanh lảnh, vút cao, bộ ngực bé của nó sao lại chứa đựng hơi dài đến thế. Nó hót liên tục, lẹ miệng vô cùng, chỉ cần nghe tiếng chim hay chỉ nhảy lên tay là nó ngóng cổ hót, hót say sưa và không bao giờ có tiếng đề pa cạp cạp như những con chim khác. Khi hót đuôi nó xoè ra như cánh quạt, nhịp theo giọng hót, có khi lại lắc lư người, trông rất điệu. Mỗi lần đi chuyện cũng vậy, giọng nó véo von, trầm bổng, du dương nghe như một khúc nhạc giao hưởng của bầy chim trong rừng sâu. Đặc biệt, ẹt, tuy thân hán hình bé nhỏ ỉ, nhưng nó không oing bao giờ sợ iwj những con chim khác. Nhiều con chim to khoẻ nhưng nghe giọng nạt của kẻ mạnh hơn là xù đầu nhảy loạn trong lồng. Nó không bao giò, cứ nghe giọng nạt là nó nạt lại, giọng khè là nó khè lại, đưng vươn cồ trên cầu mà thảnh thơi hót. Đám chơi chim khoái nó lắm, bởi dễ gì kiếm được con hoạ mi đứng trên vai, trên tay hay trên nóc chuồng hót giọng rừng mà lại hót liên tu từ bắt đầu ra cho đến lúc về. Linh cưng nó lắm, ngày nào cũng có cào cào, thức ăn thì kiểu cách kê lột trộn trứng gà và chút gan heo sấy. Trưa nào cũng được tắm, thức ăn, thuốc men đầy đủ nên lông lúc nào cũng mượt mà. Anh bạn chủ tiệm cũng khiong ngờ nó sống nổi và càng ngạc nhiên khi nghe giọng hót của nó, giọng hót đầy chất hoang dã của núi rừng. Đám chơi chim thích nó, nhiều lần muốn mua, nhưng Linh không bán. Anh bảo:
- Tôi mua con chim này chỉ năm chục ngàn. Tôi mua để cứu sống nó, ai dè được có giọng hay. Tôi sẽ không bao giờ bán nó với bất cứ giá nào.
Linh lại đặt nó trên tay, nó cất cao giọng, anh nói với nó:
- Hoạ mi nhỉ! Ở với anh suốt đời nghe chú em!
*******
Cuối năm đó, bà chị ruột của Linh từ Canada về thăm quê sau ba mươi năm xa nhà. Linh bảo chị không được ở khách sạn, nhà Linh neo người mà phòng trống còn nhiều. Hai đứa con lớn Linh lấy vợ lấy chồng ra riêng cả, chỉ còn đứa út ở nhà. Hôm đầu tiên nói chuyện, Linh cứ ngờ ngợ về bà chị của mình. Ngày xưa, chị làm xướng ngôn viên truyền hình, quen toàn các ông to bà lớn thời ấy, cũng ăn chơi theo kiểu quý tộc. Bây giờ, chị toàn nói chuyện Phật pháp tu hành, nói toàn duyên với kiếp, toàn ngộ với vô thường, nghe phát mệt. Kiểu nói của các đạo hữu lúc nào cũng chắp tay Mô Phật liên hồi mà chẳng hiểu chút gì cái sâu xa của Phật pháp. Chi thấy Linh ngồi đùa với chim, chị bảo:
- Cậu biết nhốt con chim vào lồng là tàn ác không? Con chim thân của nó phải bay ngoài trời, phải tự do tung cánh. Cậu nhốt nó vào lồng, dù là lồng son, vẫn là nhà tù, tước đoạt cái quyền tự do bay nhảy của chim, như thế là cậu có tội
- Em chẳng thấy tội lỗi gì, em cứu sống nó, nó thán thiết với em, nó sống tự do trong khung trời của nó. Khái niệm tự do của nó là chiếc lồng này. Tự do đôi khi không phải là tung cánh trên bầu trời mà là cách cảm nhận tự do tuỳ mỗi hoàn cảnh.
- Cậu lý luận tào lao, làm gì có thứ ự do trong tù đày?
- Mỗi người tự chọn cho mình kiểu tự do theo ý mình. Khi người ta chấp nhận hôn nhân, có phải là người ta đã tự nguyện bỏ một kiểu tự do này để đến một kiểu tự do khác không?
- Thôi không nói lý sự cùn với cậu nữa, theo chị, cậu nên thả chim về với bầu trời của nó đi, chỉ có khoảng không gian rộng lớn ngoài kia mới là nơi chốn đi về của chúng
Linh cười ha hả:
- Nói chuyện với bà chị chẳng đi đến đâu, em với chị vẫn là hai đường thẳng song song.
Gần Tết, Linh phải bay ra Đà Nẵng năm ngày để thanh toán công nợ cho công ty, cũng như mọi lần, anh chuẩn bị cho con hoạ mi rất chu đáo. Anh gài thêm ba cóng nước, đổ đầy hai cóng thức ăn. Anh biết anh sẽ nhớ chim và con chim cũng sẽ buồn. Đừng nghĩ chim không có cảm xúc nhé. Chim cũng biết buồn, biết nhớ, cũng bị stress khi không được chăm sóc thường xuyên, không được chủ vuốt ve, lưu ý.
Công việc xong xuôi, Linh bay về ngay. Đến cửa anh huýt gió như mọi lần, bình thường chim sẽ vẫy cánh, hót một giọng dài trầm bổng như đón anh. Hôm nay im lặng như tờ, vợ anh nhìn anh khang khác. Anh bỏ va li, chạy lên balcon, lồng trống trơn. Anh huýt thẻm mấy đợt, không một vọng âm. Vợ anh cũng vừa lên, nói nhỏ:
- Chị Hai thả chim rồi, chị bảo anh sẽ đồng ý với chi thôi. Hồi nhỏ, chị bảo gì anh cũng nghe.
Linh muốn nổi đoá, muốn hét lên cho đỡ bực mà không hét được. Miệng anh há ra, hai tay anh ôm đầu rồi ngồi phịch xuống ghế. Anh hỏi vợ:
- Chị Hai đi đâu rồi?
- Chị lên chùa từ hồi sáng, chiều tối mới về
Linh ra lại bạcon, nhìn quanh quất, huýt mấy tiếng, cũng chẳng thấy bóng dáng chim.
- Quái, làm sao nó đi xa được, chỉ quanh quẩn đây thôi, hay là ai bắt nó rồi.?
Anh đem cào cào non đặt một hàng trên thành balcon. Anh rải thức ăn cũng một hàng dài. Anh mở rộng cửa lồng, châm thuốc ngồi đợi, hi vọng chim đói sẽ về. Mà chắc nó phải về thôi. Ra khỏi lồng, vào thiên nhiẻn chim làm sao sống được vì đã quen với thức ăn người nuôi, rồi mèo, rồi chuột cống, rồi con người tham lam và gian ác.
Buổi tối chị Hai về, Linh chỉ gượng chào, chị bảo:
- Chị thả chim là chị tạo nghiệp cho cậu đó. Cậu cứ ôm lấy nó, nhốt nó trong nhà tù của chú, nghiệp chú càng lúc càng nặng thêm
Linh chẳng buồn cãi, ngồi hút thuốc lá, nhả khói um.
Đến đêm, giờ chim về tổ, Linh mấy lần ra cũng chẳng thấy gì, đang ngủ, nghe lịch kịch ngoài hiên, anh cũng thức giấc rọi đèn ra xem khắp mà cũng chẳng thấy tăm hơi.
Đã hai hôm rồi, chẳng thấy bóng chim, đi làm về anh cứ ngồi nhìn chiếc lồng mà nhớ chim. Chắc nó đã bay xa rồi. Chắc nó đã gặp đàn đâu đó rồi. Thôi thì cũng cầu mong thế.
Sáng ba mươi, cây nguyệt quế nở bông trắng thơm ngát, Linh định lấy cái xẻng nhỏ xới gốc cây, châm thêm chút phân thì nhìn thấy con chim hoạ mi. Nó đã chết, chắc mấy hôm rồi, kiến bu đầy đã ăn hết khoang ngực. Màng trắng đầy mắt, hai chân co quắp với hân hình teo tóp, cánh rũ và thân đã có mùi. Nó đã chết mấy hôm rồi, nó đói, nó về nhưng cũng không tìm thấy thức ăn quen thuộc và nó gục chết dưới gốc cây nguyệt quế. Ngày xưa khi đem nó về, Linh cũng nghĩ nếu nó chết,anh sẽ chôn nó dưới gốc cây này. Bây giờ sau gần ba năm nuôi nó, nó đã chết vì cái tự do nó không cần thiết. Anh chôn nó và thầm nghĩ: Đôi khi con người cứ nghĩ rằng đang làm việc thiện nhưng thật ra đang làm kẻ ác. Mỗi người, mỗi sinh vật đều có cách sống riêng của nó. Cách sống đó tạo ra từ hoàn cảnh, từ thói quen. Anh bứt người ta ra khỏi thói quen đôi lúc anh trở thành kẻ sát nhân. Bởi vậy, đem những người dân tộc rời rừng để trở về cộng đồng văn minh, chưa chắc đã là việc tốt. Bứng họ ra khỏi đại ngàn lâu nay họ đã sống chính là cắt đứt mạch máu của họ. Họ cũng sẽ chết như con chim hoạ mi này. Chết vì lòng thiện nửa vời.
9.8.2016
DODUYNGOC


Hắn tên là V. Huy, thật ra tên đầy đủ của hắn là Nguyễn Phúc Vĩnh Huy, vốn là con cháu giòng họ vua chúa triều Nguyễn. Bố hắn là giáo sư tiến sĩ, từng chữa bệnh cho Cụ Hồ. Ông nội hắn là Thượng thư bộ Lại trong triều vua gì đó của nhà Nguyễn. Mẹ hắn cũng là giáo sư nhưng hình như bên ngành Luật, tốt nghiệp từ bên Tây, nghe lời dụ dỗ của Cụ Hồ về nước tham gia đánh giặc. Lí lịch của hắn quá ư là đẹp, vừa quí tộc vừa cộng sản, không chê vào đâu được. Hắn tốt nghiệp Tiến sĩ ngành ngoại giao ở Liên Xô, cũng nghe nói là bằng đỏ đàng hoàng, và chắc chắn là bằng thật. Thế mà hắn lại xổ toẹt cái lí lịch đó, đái lên cái truyền thống đẹp như mơ đó. Hắn không bao giờ chịu thổ lộ cái tên trong khai sinh cho bất kì ai, và luôn luôn tự xưng tên tôi là V. Huy, cắt đứt mọi liên hệ với cái gia đình danh giá. Cũng chẳng biết tại sao. Và mọi người cũng không rảnh thì giờ để điều tra chuyện đó.
Tôi gặp hắn lần đầu trong quán cà phê. Quen qua quen lại mà thành thân gần tám năm nay. Hắn là một thằng có cá tính. Mà lại là cá tính quái dị. Tôi cũng vốn là một người quái đản – theo mọi người chung quanh bảo thế – nên khi gặp hắn là thành thân ngay, đi đâu cũng có nhau. Ngưu tìm ngưu, mã tìm mã mà.
Hắn có khuôn mặt của John Lennon: ngây thơ mà tinh quái. Cũng nét mặt gầy, mũi thẳng, tóc xoăn để dài đến bờ vai, chỉ khác là tóc màu đen. Hắn cũng đeo kính cận gọng tròn, nặng độ, dày như đít chai. Lúc nào hắn cũng kè kè cái ba lô nặng trĩu chứa tùm lum nào sách, nào khăn, nào đủ thứ như một túi rác. Nhưng hắn bảo hắn chứa cả càn khôn trong đó.
Hắn chỉ có độc một bộ đồ, chiếc áo jean bạc màu, áo jacket màu cứt ngựa có nhiều túi và cũng nhiều fermature. Chiếc quần jean rách ở đầu gối và sờn ở hai mông đít. Đôi giày lính Mỹ cao cổ loang lổ và ám bụi đường. Hắn không bao giờ giặt áo quần, cứ mặc cho đến tả tơi lại đi tìm bộ khác cũng y như thế. Công nhận hắn cũng giỏi săn lùng vì suốt tám năm quen hắn, tôi có cảm tưởng hình như hắn chẳng bao giờ thay kiểu quần áo.
Hắn là một thằng thông minh, rất thông minh. Và cũng uyên bác, rất uyên bác. Tôi là người rất ngạo mạn, ít khen ai và cũng ít nể ai, luôn khinh khi những thằng tiến sĩ dỏm nhiều như quân Nguyên chạy đầy đường. Nhưng gặp hắn, quen hắn, biết hắn thì tôi phải khen ngợi hắn thật lòng. Hắn nói tiếng Anh như dân xuất thân từ Oxford , đúng giọng và ngữ điệu. Hắn vi vu tiếng Pháp giọng Paris và hơn thế nữa là dùng ngôn ngữ từ Sorbonne ra. Hắn nói tiếng Ý như mưa rào và tiếng Nga thì thôi rồi, nghe không khác gì Putin. Hắn cũng giỏi tiếng Hán, viết thư pháp như múa, đặc biệt là chữ thảo, đọc toàn sách cổ văn, đọc tiếng Đức ầm ầm như bão tố. Ngoài ra hắn còn giỏi tiếng Bồ Đào Nha, đọc kinh Phật bằng tiếng Pali và nói thông thuộc tiếng Khmer. Hay nhất là dù hắn có mười mấy năm ở nước ngoài, có bằng Tiến sĩ ở Nga nhưng lại nói tiếng Việt rất chuẩn, tròn vành rõ chữ và dùng từ thì không chê vào đâu được. Nói tóm lại, xét về mặt ngôn ngữ, hắn là thằng trùm thiên hạ.
Không biết chính xác hắn ở đâu. Lúc thì bảo ở quận tư, có khi lại ở quận tám. Tóm lại hắn là thằng giang hồ. Một thằng trí thức nhất trong những thằng trí thức đúng nghĩa của Việt Nam đang là kẻ không nhà. Hắn là thằng ma – cà – bông. Cứ khoảng chín giờ sáng là có mặt hắn ở quán cà phê, kêu li đen và ngồi rít thuốc liên tục. Bất cứ vấn đề gì hắn cũng có thể nói được, và nói rất sâu. Gặp những từ ngữ cần chính danh, hắn có thể lấy giải nghĩa từ nguyên chữ Hán và có khi từ chữ gốc của tiếng La tinh. Hắn có thể nói từ chuyện văn chương kim cổ cho đến những phát minh từ xưa đến nay của loài người. Hắn giảng về Socrate, Platon cho đến các triết gia cận đại. Hắn nói về Mác thì ai cũng ngóng cổ lên mà nghe bởi vì toàn những vần đề mà những ngài tuyên huấn cộng sản không bao giờ biết đến và phân tích nổi. Khi hắn phân tích cách mạng Trung Hoa, cách mạng Việt Nam, rồi tương lai của toàn thế giới thì mọi người há mỏ nghe không ngậm lại được, mặt ai cũng nghệch ra như ngỗng ỉa. Trong mọi cuộc bàn luận, hắn trở thành trung tâm. Khi chưa có mặt hắn ở khu vực này, tôi được mọi người phong cho là bách khoa toàn thư, chuyện gì cũng biết. Nhưng từ khi có hắn, tôi như đèn dầu le lói mà hắn thì sáng như đèn pha. Ngay như chuyện chó mèo, chim cò, rắn rít, thú hoang hắn cũng rành như ông giáo sư Võ Qúy. Chuyện gì hắn cũng biết, mà biết rõ ngọn ngành rành mạch mới siêu chứ. Khi hắn đã nói thì chẳng còn ai có thể cãi lại hắn được. Với cái đầu của hắn, nếu được làm lãnh đạo hắn có thể l à người lãnh đạo giỏi hay ít nhất đất nước sẽ nở mày nở mặt khi hắn tiếp xúc với năm châu bốn bể. Nhưng hắn lại là thằng lang thang, sống bằng những bài dịch tin nước ngoài cho mấy tờ báo lá cải. Trong khi mấy thằng ngu thì chức cao quyền trọng, ghế cao chót vót. Đời là vậy đấy! C’est la vie!!
Theo những tin tức vỉa hè thì hồi mới về nước thì hắn cũng đi làm ở bộ ngoại giao. Là nhân viên của một cục, một vụ gì đấy. Nhưng vì hắn quá giỏi lại quá ngông, không chịu nghe theo những chỉ thị ngu xuẩn của lãnh đạo nên cuối cùng bị đẩy xuống làm anh chạy văn thư. Vì cảm thấy nhục, hắn cũng kiện tụng tùm lum mà chẳng đi đến đâu nên bỏ sở mà làm kẻ lang thang. Tôi nghĩ tánh khí ngang tàng không khuất phục chính là nguyên nhân bi kịch chối từ gia đình của hắn.
Cách đây mấy năm, tôi có người bạn Pháp, một chuyên gia sưu tầm cổ vật Đông phương sang Việt Nam mua được một chậu sứ Trung Hoa rất cổ, hình như là đời đầu Minh. Chậu sứ vẽ cảnh mục đồng chăn trâu men xanh rất đẹp. Nét vẽ uyển chuyển và tinh tế của một nghệ nhân bậc thầy. Ông bạn tôi mấy lần mang về Pháp đều bị chận lại vì hải quan không cho mang cổ vật ra khỏi nước. Chuyện đến tai hắn, hắn bảo sẽ mang đi được với điều kiện bạn tôi mua vé khứ hồi cho hắn kèm theo 1500 Euro cho hắn tiêu mấy ngày ở bên đó. Bạn tôi ok ngay. Và hắn mang đi được thật mà chẳng cần xin xỏ, khai báo gì cả. Dịp đó hắn đi hết mấy nước châu Âu; gần hai tháng sau hắn mới về. Hỏi hắn làm sao, hắn bảo có khó đéo gì đâu, vào đến phi trường tớ đến ngay quầy bán hoa lan của Đà Lạt, mua một giỏ hoa lan có cả chậu, vào ngay phòng vệ sinh, bỏ chậu ra, lấy chậu sứ thay vào. Thế là ung dung xách giò lan bước lên máy bay chẳng thằng nào, con nào hỏi một tiếng. Ai cũng bảo hắn giỏi. Hỏi hắn ở bên đó hai tháng lấy gì mà ăn, hắn bảo hắn làm hướng dẫn viên du lịch. Đến thành phố nào cứ thấy mấy thằng du khách ngơ ngác thì hắn sấn tới làm quen sau đó hướng dẫn người ta đi tham quan. Hỏi hắn chưa bao giờ đi qua đó, biết đếch gì mà hướng dẫn. Hắn gào lên xin lỗi mọi người à, trước khi đi tôi đã học thuộc mấy cuốn sách hướng dẫn du lịch của hơn mười nước Châu Âu rồi. Nghe sợ chưa?
Có lần tôi với hắn đi nghe một tay giáo sư người Mỹ nói chuyện văn chương, trong giờ giải lao, hắn bước đến nói chuyện với tay giáo sư đó. Chẳng biết nó nói những gì mà khi trở lại sân khấu để tiếp tục câu chuyện, tay giáo sư người Mỹ mời hắn lên ngồi chung và giới thiệu hắn với cử tọa bằng những lời rất trân trọng. Lần đó hắn bị công an văn hóa mời lên mấy lần để nói rõ mối quan hệ giữa hắn và tay người Mỹ. Hắn chỉ bảo là hắn không đồng tình một số ý của diển giả và người giáo sư nể hắn. Thế thôi. Bắt nó làm tường trình, nó bảo chẳng có đéo gì mà phải tường với trình, không tin thì cứ đi hỏi tay giáo sư người Mỹ chứ tại sao lại hỏi hắn. Cuối cùng huề, chẳng có chuyện gì mà ầm ĩ.
Hắn chưa bao giờ kể cho tôi nghe về mối quan hệ của hắn với phụ nữ. Thế mà có một lần, có một người đàn bà đẹp đến tìm hắn ở quán cà phê. Tôi ngỡ ngàng khi gặp người phụ nữ này, bởi vì cô ấy quá đẹp. Một sắc đẹp đài các, duyên dáng và rất trí thức. Một khuôn mặt mà thi ca và hội họa suốt đời ca tụng. Bữa đó không có mặt hắn ở quán và tôi tiếp chuyện với người đàn bà đẹp đó. Nàng tên là Bạch Huệ – hoa huệ trắng- cái tên nghe có vẻ hơi cải lương, nhưng cô gái đó nói chuyện rất thông minh và rất có trình độ. Nàng đi tìm hắn đã lâu rồi, và rồi không biết ai đó đã hướng dẫn nàng đến đây. Cô gái kể sơ cho tôi nghe về mối quan hệ giữa hắn và nàng. Yêu nhau từ ngày còn ở bên Nga, nàng là con gái rượu của đại sứ Vệt Nam ở đó. Một mối tình đẹp và môn đăng hộ đối. Hai người về Việt Nam và dự định khi ổn định cuộc sống sẽ làm lễ cưới. Nhưng rồi hắn chửi lãnh đạo, mất việc, bị bố nàng nói nặng nhẹ đụng chạm tự ái sao đó, hắn chửi ông bố vợ tương lai một trận ra trò và bảo các ngài chỉ là một lũ ngu rồi bỏ đi không dấu vết. Nàng đau khổ đi tìm. Vô vọng. Mò kim đáy bể. Cuối cùng nghe theo lời bố lấy chồng. Chồng nàng bây giờ là thứ trưởng một bộ rất quan trọng. Tôi bảo thế thì bây giờ cô còn tìm hắn làm gì, khi đã trở thành hai tầng lớp khác nhau, vị trí xã hội cũng đã không còn như xưa nữa. Cô ấy bảo là tìm để xem hắn sống ra sao, tìm lại hình ảnh mối tình xưa đã không còn nữa và quan trọng nhất là cô ấy vẫn còn yêu hắn.
Khi tôi kể lại cho hắn nghe cuộc gặp gỡ, hắn không nói gì chỉ lẩm bẩm chửi thề, chửi thề là thói quen của hắn, nên tôi không biết hắn đang chửi cái gì. Chửi số phận hay chửi mối tình của hắn. Sau đó hắn lầm lì mấy ngày rồi vắng mặt gần mười mấy hôm, cũng chẳng biết hắn đi đâu…..
Hắn xuất hiện trở lại chốn giang hồ với một cọc tiền khá lớn, hắn bảo hắn vừa lãnh tiền công viết luận án tiến sĩ cho một đồng chí lãnh đạo thành phố. Hắn nói đây là đồng tiền tanh hôi, đồng tiền đã làm lụn bại đất nước, nhưng nếu hắn không nhận làm thì thằng khác cũng làm, xã hội bây giờ thiếu gì thằng trí thức sẵn sàng làm thuê. Hắn gom mấy đứa trẻ bán báo, đánh giày, bán vé số lại. Thuê một chiếc xe mười lăm chỗ ngồi, chở hết mấy đứa trẻ vào thành phố, mua sắm áo quần, đồ chơi, sách vở. Lại còn cho mỗi đứa mấy trăm ngàn. Cả đám trẻ sung sướng. Còn hắn thì hả hê. Chưa bao giờ thấy khuôn mặt của hắn sướng đến như vậy. Mấy bà bán dạo quanh quán cà phê bảo hắn điên, hắn cười sảng khoái, gật gù: điên, điên, đúng là điên.
Tối hôm đó hắn đi vào bar Mưa Rừng, vừa bước vào cửa, mấy gã bảo vệ nhìn bộ dạng của hắn, định ngăn không cho vào. Hắn rút ra mấy tờ bạc giúi vào tay chúng. Hai gã bảo vệ nghiêng mình, mở cửa. Hắn vào bàn, ngoắc một em phục vụ ăn mặc nóng bỏng lại, kêu cho ly sữa tươi. Em cave nhìn hắn định cười khi dễ thì hắn đã rút hai tờ năm trăm nhét vào tay cô gái và bảo, em mua giúp anh ly sữa tươi. Dĩ nhiên là cô gái thực hiện ngay. Ai dại gì từ chối bán ly sữa tươi giá một triệu bạc bao giờ. Hắn uống một hơi hết ly sữa. Lại ngoắc em gái lần nữa và rút thêm một xấp tiền, bảo: vú em nhỏ quá, anh cho em chục triệu đi bơm vú to lên mà làm cho đời thêm tươi. Cô gái há hốc mồm không kịp nói gì thì hắn đã lẳng lặng rời ghế, đi về. Chuyện này được kể lại với nhiều tình tiết ly kỳ hơn, kéo dài mấy tháng trong giới cave, sau này trở thành giai thoại, báo chí cũng có đăng. Mọi người kháo nhau hắn là tỷ phú đóng vai kẻ nghèo vì chán cảnh giàu sang nhung lụa. Bữa đó hắn đi bộ về, vừa đi vừa khóc, chẳng ai hiểu tại sao?
Hắn lại mất hút. Cả tháng rồi tôi không gặp hắn. Cho đến một hôm, lúc trưa, tôi nhận được điện thoại của công an hỏi tôi có phải là người thân của hắn không? Tôi ừ. Đồng chí công an bảo phát hiện hắn đã chết đêm hôm trước, trong tay có mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của tôi. Tôi chạy ngay đến đồn, họ chở tôi đến một căn nhà nhiều phòng ở một chung cư tại quận tư. Hắn nằm đó, khuôn mặt thanh thản và bình yên, trên môi phảng phất nụ cười. Chung quanh giường và tràn ngập căn phòng là những cành huệ trắng. Màu trắng của huệ, màu trắng của chiếc drap giường và bộ đồ trắng lần đầu tiên tôi thấy hắn mặc làm cho căn phòng tinh khiết lạ lùng và cũng tang tóc vô cùng. Trên đầu giường có một bức tranh sơn dầu nhỏ vẽ chân dung một cô gái cũng mặt chiếc váy trắng. Khuôn mặt trong hình rất quen. Đó là chân dung của Bạch Huệ. Thì ra hắn tự tử bằng hoa huệ. Hắn đã chất đầy căn phòng hoa huệ trắng, đóng kín cửa và hắn từ từ chết trong hương thơm ngào ngạt của loài hoa huệ trắng. Trong tờ giấy hắm nắm trong tay lúc ra đi, ngoài tên và số điện thoại của tôi, hắn còn ghi thêm hai dòng nữa. Dòng đầu hắn cho biết là hắn tự kết liễu đời mình, không liên lụy đến ai. Dòng sau hắn ghi là hắn không còn cha mẹ, anh em, bà con ruột thịt nên nhờ tôi hỏa tang thân xác hắn và rải tro xuống sông để cho hắn được trôi ra biển lớn. Tôi đưa tay chào như chiến sĩ, như một lời chia tay.
Ba hôm sau, tôi nhận được mail của hắn. Nhìn thấy tên hắn là tên người gởi, tôi lạnh dọc sống lưng. Sao hắn chết ba hôm rồi, than xác hắn đã thành tro bụi rải xuống sông rồi. Sao lại còn có thư của hắn gởi.
Hắn viết:
Gởi anh.
Đã đến lúc tôi cảm thấy mình thừa thãi trong cuộc đời này. Tôi không còn lí do để tồn tại nữa. Phải biết đúng lúc để rút lui là người khôn ngoan. Tôi đã làm tròn phận sự và tôi phải ra đi. Biết đâu ở thế giới khác sẽ vui hơn trần gian điên dại này? Xem như không có V.Huy ở cuộc đời này, quá khứ cũng như tương lai.
Anh ở lại hãy sống vui.
V.Huy
Tái bút: Tôi nhờ anh đến địa chỉ…lấy một số vật dụng của tôi và đốt tất cả giúp tôi. Đốt hết và đừng giữ lại gì. Cám ơn anh.
Anh đừng sợ hãi khi nhận được thư này. Tôi gởi thư theo chế độ hẹn. Tôi hẹn ba ngày sau khi tôi ra đi, máy mới gởi thư đi”
Tôi đến địa chỉ hắn đã ghi, người ta giao cho tôi một thùng to, vất vả lắm tôi mới chở được về nhà. Những gì trong đó làm tôi kinh ngạc đến sững sờ.
18 cuốn nhật ký hắn ghi từ lúc bảy tuổi cho đến trước ngày hắn chết một tuần lễ với nhiều suy nghĩ gây sửng sốt.
72 bản dịch những cuốn tiểu thuyết của nhiều nhà văn nổi tiếng trên thế giới.
4 bản dịch sang tiếng Đức cuốn Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Thơ các thiền sư đời Lý và cuốn Đoạn trường vô thanh.
3 tập phê bình và nhận định những sai lầm của chủ nghĩa Mác viết bằng tiếng Anh.
2 cuốn nói về sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thế kỉ 21 viết bằng tiếng Pháp.
43 cuốn phân tích và phê bình về các tác giả Việt Nam từ thơ ca đến tiểu thuyết.
12 cuốn viết về các danh nhân văn hóa Trung Quốc và sự ảnh hưởng của họ.
5 cuốn dịch thơ Đường sang tiếng Việt.
3 cuốn chép tay kinh Phật bằng tiếng Pali.
1 cuốn dịch nhạc Trịnh Công Sơn sang tiếng Tây Ban Nha.
8 tập thơ hắn viết từ hồi 15 tuổi cho đến năm ngoái, tức là cả năm nay hắn không còn làm thơ.
1 cuốn luận án tiến sĩ của hắn với tiêu đề: “Tìm hiểu chính sách ngoai giao của nhà nước Việt Nam từ đời Lý đến 1945”..với nhiều lời phê khen ngợi.
Và nhiều bằng cấp giấy khen của nhiều trường học, tổ chức trong và ngoài nước. Nhiều bài báo của hắn viết trên nhiều tạp chí chuyên ngành của nhiều tổ chức khoa học tiếng tăm trên thế giới.
Một gia tài đồ sộ chứng tỏ sự uyên thâm cùng sức làm việc khủng khiếp của hắn.
Tôi mất gần cả năm nay mà vẫn chưa đọc hết những gì hắn đã viết, và tôi sẽ tiếp tục đọc để hiểu hắn hơn, để càng thêm cảm phục hắn. Một thiên tài đã sinh nhầm nơi chốn. Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ.
Tôi không đốt như ý nguyện của hắn. Tôi đóng một tủ sách khá đẹp, đem tất cả tác phẩm hắn đã viết sắp xếp thứ tự. Ngoài mặt tủ, tôi đi thuê khắc dòng chữ: “CÓ MỘT NGƯỜI TÊN V.HUY “
Saigon 12g45 AM ngày 11.8.2010
DODUYNGOC


 



Một lần tôi trở lại đây
Nghe trong hơi gió chứa đầy dao găm
Có u uất có hờn căm
Còn đau nỗi nhục vẫn nằm dưới da
Tôi đi quanh quẩn hiên nhà
Nghe trăm lá thở mưa là đà bay
Thắp thêm đốm lửa giữa ngày
Giữa mùi nhang khói loay hoay lối về
Đôi lần nửa tỉnh nửa mê
Nghe như quá khứ cận kề ngón tay
Nâng chén rượu cứ ngỡ say
Bốn phương tám hướng biết quay ngả nào
Đêm nằm ngó mãi chòm sao
Đốt thêm điếu thuốc cồn cào phận đau
Gác tay nghĩ chuyện ngày sau
Thấy thiên thu với đủ màu bể dâu
Nhiều lần chẳng biết về đâu
Ngẩn ngơ phố thị chợt rầu buốt xương
Đi ngang quán ngó vào gương
Chân dung ai đó trên tường xác xơ
Nhiều khi tôi sống giả vờ
Giả điên giả dại ngu ngơ nói cười
Héo mòn làm bộ cười tươi
Nghe như dao bén cắt người làm đôi
Ừ thì thôi cũng đành thôi
Dặn mình chấp nhận mồ côi một mình
Nợ nhân gian cuộc hành hình
Biết đâu đao phủ thình lình hiện ra
Một lần tôi đứng ngã ba
Không quên không nhớ ta bà ở đâu
Bên kia có chuyện nhiệm mầu
Chắp hai tay biết nguyện cầu cho ai
Tôi làm kẻ chịu khổ sai
Quấn thêm dây xích buộc dài cổ chân
Bước lên tôi chẳng ngại ngần
Trăm năm tro bụi chỉ cần gió bay
5.6.2018
DODUYNGOC


Tui có thằng bạn chơi nhiếp ảnh năm chục năm nay, từ hồi máy phim cho đến bây giờ. Hắn chỉ chuyên chụp macro, ruồi, muỗi, kiến, gián, sâu bọ hắn chụp tuốt hết. Hắn còn có biệt tài nghe được ngôn ngữ của côn trùng, do vậy hắn có nhiều câu chuyện thật là thú vị về những con vật mà hắn chụp hình. Câu chuyện sau đây về ba con ruồi là một trong những câu chuyện độc đáo ấy.
“ Có một thời tao khoái chụp ruồi, con mắt ruồi kinh khủng lắm, chụp macro rồi mới thấy, nó được cấu tạo thật kỳ vĩ, cho nên suốt ngày tao đi săn ruồi về chụp. Hôm đó tao bắt được ba con. Có một con mập ú, người tròn quay nhìn đã lắm, chụp được mấy tấm hình rất đẹp. Trước khi thả bay đi, tao hỏi mày ăn gì mà béo thế. Nó bảo hôm đó nó bay lạc vào tô phở của một anh cán bộ đi ăn sáng, anh này ngoài tô phở bình thường còn chơi thêm chén tái, chén nước tiết, chén hột gà. Tui bay tà tà xuống, lọt vào tô phở hút cái chất béo ngon bổ đó. Phát hiện sự có mặt của tui, y liền sai phục vụ bỏ đi, làm tô mới, xem như hôm đấy tui chén tô phở no nê, thành béo như thế này đây. Hê..hê ngày nào cũng được thế chắc tui thành ruồi khủng long mất. Bye nhé. Nó bay lắc lư ra ngoài cửa sổ.
Con ruồi thứ hai thì thân hình bình thường thôi, hai cánh cũng loang loáng mỡ. Chưa kịp hỏi nó đã kể: Hôm trước, hắn lọt được vào tô hủ tíu, thịt thà đầy đủ, nước lèo ngọt lịm của một cô giáo đang ăn sáng chuẩn bị đi dạy học. Sà xuống vừa hút được mấy hơi, cô ấy phát hiện sự có mặt của em, liền lấy muỗng múc em ra, đổ xuống gầm bàn rồi ăn tiếp, em chỉ liếm láp được chút nước, không đói là may. Tao chụp cái cánh bóng của nó rồi thả nó bay, nó bay cái vù qua khung cửa.
Đến con thứ ba thì mới tội nghiệp, hình hài như xác ve, người trầy trụa khắp nơi, chân cẳng thì rụng hết mấy cái, râu chỉ còn một sợi, nhìn thương lắm. Gặng hỏi mãi, nó mới rầu rĩ kể: Xui quá mạng là xui, hôm đó mấy ngày không kiếm được mồi, bay đại vô nhà anh bán vé số đang ăn sáng. Trên bàn chỉ có bát cháo trắng với chén nước mắm ớt. Lúc đầu tui định nhảy vô chén cháo, nhưng nghĩ cháo nhạt mồm nên bay vào chén nước mắm. Vừa rớt vào thì anh chàng bán vé số phát hiện ra ngay, tui chưa kịp tung cánh thì bị anh ta túm lấy. Anh ta bỏ tui vào mồm mút mấy lần, sau mỗi lần mút anh lại đút một muỗng cháo. Anh ta mút tui cả bảy tám lần tui mới thoát, thân thể trầy trụa, ê ẩm hết trơn. Sống đến giờ cũng đã may rồi. Tui chỉ sợ anh ta nhai luôn tui hic..hic.
Tao thả nó ra, nó bay chập chờn chập chờn ra vườn, trông thiểu não quá chừng.
Kể xong anh ta kết luận: mày thấy không, đến con ruồi cũng có số phận, cũng có rủi may, phúc ai nấy hưởng, huống chi là con người hê..hê. Tui cũng nhờ nghe chuyện này mà ngộ he..he
8.6.2018
DODUYNGOC


Truyện tào lao của Đỗ Duy Ngọc
Năm nay hắn 42 tuổi, có bằng Tiến sĩ, nhìn cũng không đến nỗi nào, nhưng chưa lần nào có vợ. Đó là nỗi khổ tâm của hắn, cũng là nỗi buồn của bố mẹ hắn. Bố mẹ hắn là giáo sư trước 1975, bố dạy Vật lí, mẹ dạy Pháp văn, trường nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam thời ấy: Trường Pétrus Ký. Bố hắn dân Bắc Kỳ Hà Nội di cư bằng tàu há mồm 1954, con nhà vốn nề nếp gia phong ở xứ Tràng An. Mẹ hắn dân Sài Gòn thứ thiệt đã mấy đời, cũng thuộc giòng trâm anh thế phiệt, học trường Tây Marie Curie, đậu đủ Bac. un, Bac. deux của nền giáo dục thực dân Pháp, cộng thêm cái bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn ban Pháp văn.
Ngôi nhà hắn và bố mẹ hắn đang ở là một ngôi biệt thự xưa rộng ngàn thước vuông trên đường Bạch Đằng Bình Thạnh. Đây là căn villa do ông bà ngoại hắn để lại. Nói chung, hắn như là cậu công tử quý tộc, hội đủ tinh hoa của cả hai miền Nam Bắc. Nhưng hắn không được hưởng phú quý, vì hắn sinh vào tháng 11.1975, lúc bộ đội miền Bắc đã vào miền Nam, thống nhất đất nước. Hắn ra đời trong hoàn cảnh cả nước khó khăn, đói nghèo nên gia đình hắn cũng bị chút ảnh hưởng. Mẹ hắn bán dần đồ đạc để qua cơn ngặt nghèo, bắt đầu từ chiếc xe hơi VOLKSWAGEN của bố với giá đồng nát, rồi đến cái đàn piano của mẹ, rồi máy móc, đến một phần tủ sách quý của bố hắn cũng phải ra đi. Cũng may nhà hắn có cái để bán. Miền Nam đã thực hiện được một nửa lời dạy của lãnh tụ: Không có gì quý...khi bán đến mấy món nữ trang thì mẹ hắn khóc vì đó là những món của ông bà ngoại để lại, cũng như khi bán một phần tủ sách trốn thoát được qua vụ đốt sách trong chiến dịch bài trừ văn hoá đồi truỵ, phản động, bố hắn cũng rơm rớm nước mắt, bỏ ăn mấy bữa. Nhưng thật ra nhà hắn còn sung sướng hơn lắm người chung quanh, những người bên thua cuộc không còn gì để bán. Hắn vẫn còn sữa để uống, còn có chút thịt, cá trong những bữa cơm, dù ít ỏi.
Đúng ra là cả nhà hắn đã di tản từ những ngày cuối tháng 4.1975, nhưng lúc đó mẹ hắn đang mang thai hắn mới hai tháng, sợ hư thai đứa con cầu tự, bố mẹ hắn ở lại. Gia tộc hắn cũng ngộ. Ông nội hắn là con độc đinh, bố hắn cũng chẳng có anh chị em, ông bà ngoại cũng chỉ có mình mẹ hắn, đến đời hắn cũng vậy, chỉ sinh được mình hắn rồi hình như mẹ hắn hết trứng hay bố hắn khô mất tinh trùng, chẳng đẻ thêm đứa nào. Hắn được cưng chiều và bảo bọc tối đa. Từ lúc bắt đầu cắp sách đến trường, bố mẹ hắn nhồi nhét đủ thứ kiến thức vào cái đầu non nớt của hắn. Lúc nào cũng học và học. Hắn không có tuổi thơ, không biết những trò chơi của trẻ nhỏ. Hắn chỉ biết những con chữ và những bài toán, những công thức khô khan. Sách truyện được bố mẹ hắn chọn lựa kỹ càng và chỉ đọc những thứ đã được lựa chọn. Nhiều lần trong lớp học, hắn ngơ ngác khi nghe bạn bè hắn nói chuyện, trao đổi với nhau, hắn thấy hắn ở thế giới khác và bằng lòng với thế giới không giống mọi người đó. Và đương nhiên, hắn học rất giỏi, bất cứ học lớp nào, cấp học nào hay trường nào, hắn vẫn là đứa học trò xuất sắc nhất trường, nhưng đồng thời cũng là đứa học trò ngơ ngác nhất trường, hắn chẳng biết gì ở cuộc đời, hắn chỉ biết những điều có trong sách vở. Bố hắn chở hắn đi học tứ khi hắn vào nhà trẻ cho đến khi hắn lấy xong bằng thạc sĩ. Đều đều mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, lúc nào hai bố con cũng đi với nhau. Vì thế hắn không có bạn, hắn không bao giờ tham gia cắm trại, đi pic nic, sinh hoạt với bạn bè, bố mẹ hắn cấm triệt, sợ hắn bị lây những tật xấu, thói hư của đám trẻ.
Hắn lớn lên trong lối giáo dục ấy, hắn không có ý thức phản kháng, tinh thần tự lập, hắn được dạy phải vâng lời và như thế hắn cũng chẳng có một chút kiến thức nào về chuyện trai gái, bồ bịch hay chuyện tình dục. Ngay khi hắn lún phún lông tơ và lúc hắn phóng tinh trong giấc ngủ lần đầu tiên của tuổi dậy thì, hắn cũng báo cáo với bố mẹ và hai người bảo hắn đó là điều dơ bẩn, dâm ô, không nên tìm hiểu và lưu tâm đến. Hắn nghe lời và không quan tâm nữa.
Hắn đậu tốt nghiệp phổ thông năm mười tám tuổi, đương nhiên là hạng giỏi, thi đậu vào trường Bách khoa cũng ở thứ hạng cao. Trong những năm đi học, bố mẹ hắn cứ khuyên răn mãi điệp khúc là không được quen cô gái nào, phải chú tâm vào chuyện học hành, vì chuyện vợ con lúc nào cũng được, còn chuyện học hành là phải làm ngay, không được trễ nải. Và đương nhiên, hắn cũng vâng lời. Lấy xong cử nhân, hắn tròn 22 tuổi. Ra trường với bằng đỏ thủ khoa, hắn được học bổng làm nghiên cứu sinh ở Úc. Bố mẹ hắn bàn cãi mãi, đắn đo mãi, cuối cùng quyết định để hắn học Thạc sĩ ở Việt Nam, nhường suất đó cho người khác vì sợ hắn đi học xa, không ai kèm cặp, quan tâm, sợ hắn hư hỏng rồi mất tiêu đứa con ngọc con ngà. Thế là hắn ở lại, học xong thạc sĩ. Năm đó hắn đã 24 tuổi, kiến thức chuyên môn tràn trong óc hắn, nhưng với cuộc đời, hắn vẫn là một đứa bé mới lớn, chả biết quái gì. Suốt ngày chúi mũi vào sách vở, rảnh rỗi thì ra sân chơi với mấy con chó kiểng nhà nuôi. Và cũng chẳng biết gì về đàn bà, con gái. Bạn học của hắn gọi hắn là "Cha cố". Thật ra hắn còn kém hiểu thế giới phụ nữ còn thua các linh mục là cái chắc.
Hắn nộp đơn xin đi làm, với thành tích học tập của hắn, chuyện xin việc làm dễ ợt, ba bốn chỗ nhận hắn, hắn quyết định vào làm việc với tư cách kỹ sư tại Viện Khoa học Kỹ thuật thành phố. Đến lúc này, bố mẹ hắn mới đề cập chuyện vợ con của hắn. Đi làm về, sau bữa cơm, mẹ hắn hay mon men hỏi xem trong cơ quan hắn có bao nhiêu nữ, có cô nào đẹp không, có để ý cô nào không, hôm nào mời về nhà chơi...Lúc đầu hắn cũng lúng túng, rồi lưu tâm và phát hiện trong phòng của hắn có một cô bé có khuôn mặt xinh xinh, hay nhìn hắn cười cười. Cô gái nhìn cũng được mắt, chỉ tội hơi béo tí và hay cười nói hơi vô duyên. Nhưng hắn nhìn thấy chút da thịt hơi thừa ấy tươi tắn lắm và cái vô duyên ấy lại biến thành người vui tính. Và đến lúc đấy, cái giống đực ngủ quên lâu này trong người hắn mới bắt đầu mon men trỗi dậy. Hắn hay liếc trộm cặp vú đầy đà và cái mông lắc lư của cô gái. Hắn thấy thèm khát. Và chính sự trỗi dậy của giống đó khiến hắn liều lĩnh, hắn lấy hết can đảm rủ cô gái đi xuống căn tin uống nước. Cô gái nhận lời ngay bằng đôi mắt rất ướt nhìn hắn. Hắn vui và về kể với mẹ. Mẹ hắn bảo hôm nào dẫn về nhà ăn cơm một bữa để bố mẹ xem mặt. Sau ba lần đi uống nước, một lần nắm tay mà chẳng nói gì, hắn mời cô gái chủ nhật đến nhà hắn ăn cơm trưa. Cô gái mừng ra mặt, tíu tít nói cười, còn hắn thì hân hoan.
Hôm đó mẹ hắn đi chợ sớm, bố hắn tỉa lại mấy chậu hoa ngoài sân, ba con chó được nhốt vào chuồng kỹ lưỡng. Bữa ăn có gà luộc với lá chanh đúng điệu Bắc kỳ, có canh chua cá hú, có cá thu chiên xốt cà lại thêm tô cá kho tộ, một bữa cơm dung hoà Nam Bắc. Trong lúc mẹ hắn lúi húi dọn cơm, cô gái và hắn ngồi xem chương trình đi tìm gì đó trên truyền hình, chốc chốc lại cười sảng khoái. Đến lúc ăn cơm, ngồi vào bàn, cầm đũa chẳng mời ai, cô gái lật qua lật lai dĩa gà luộc, gắp ngay cái đùi và cười tít mắt: Con chỉ khoái ăn đùi gà hì..hì. Bố hắn cau mặt, bỏ đũa xuống rồi lại cầm lên, mẹ hắn hết nhìn bố hắn lại nhìn cô gái đang nhồm nhoàm cái đùi gà. Không khí yên lặng, chỉ nghe tiếng đũa và tiếng muỗng chạm vào tô. Khi cô gái ra về, bố hắn lắc đầu bảo gọn lỏn: không được. Mẹ hắn cũng dứt khoát: không chấp nhận được. Thế là cuộc tình tan, dù chỉ mới nắm tay và ba lần ngồi chung quán. Hắn buồn không phải vì thất tình, vì đã có gì sâu đậm đâu, nhưng hắn tiếc cặp vú căng và cái mông nẩy. Hắn bắt đầu thèm đàn bà. Cô gái thì vẫn đeo riết hắn, hắn tìm cách trốn mãi mà cũng không xong. Cũng may, lúc đó có một suất học Tiến sĩ, hắn nộp đơn và rời cơ quan, từ giã luôn cô gái có nụ cười vô duyên và cái mông nở.
Hắn lấy xong bằng Tiến sĩ lúc 28 tuổi, lo học hành nghiên cứu hắn quên luôn nỗi thèm khát đàn bà, bản chất của hắn và gia đình là học hành trên hết mà. Thêm cái bằng, mắt hắn tăng thêm cận hai độ nữa. Nhà hắn ai cũng đeo kính cận, bố hắn bốn độ, mẹ hắn ba độ, riêng hắn sáu độ, lòng kính dày như đít chai. Hắn được nhận vào một Viện nghiên cứu trực thuộc trung ương, lại nhận dạy thêm ở trường, thu nhập cũng khá. Hắn lại nghĩ đến chuyện kiếm vợ. Mẹ hắn lại hối, lại thúc, lại hỏi han, thăm dò.
Hắn bắt đầu để ý cô gái ấy từ khi cô ấy vào thực tập ở Viện. Người cao dong dỏng, nước da trắng, mặt hiền như mặt tượng Đức Mẹ. Hắn lại được phân công hướng dẫn cô ấy. Càng ngày hắn càng mê mệt. Cô ấy là một người rất chỉn chu trong chọn lựa trang phục, lại rất sạch sẽ từ thân thể cho đến ngôn tứ. Hắn lại biết thêm cô là con gái một của một giáo sư đầu ngành. Hắn mê tít thò lò, nghĩ mọi cách để chinh phục cho được. Rủi thay hắn chẳng có chút kiến thức và kinh nghiệm về chuyện ấy, nên cứ thập thò mãi. Cô gái thì sau một thời gian gần gũi cũng có chút cảm tình với hắn, một tiến sĩ trẻ nhiều năng lực, thừa cơ hội tiến thân. Nhan sắc cũng không đến nỗi nào, chỉ tội cái kính cận nặng quá và cử chỉ cứ ấp a ấp úng chẳng có chút dũng khí của các chàng trai si tình. Thế rồi cũng có được một cuộc hẹn chiếu chủ nhật. Hắn nôn nao suốt cả ngày, biết cô ấy rất thích sạch sẽ, hắn đã gội đầu nghiêm chỉnh, chơi luôn xà phòng Camay mua ở Chợ Cũ, diện bộ cánh đẹp nhất từ sớm, ngồi ngoài sân chờ đến gần giờ hẹn lên đường. Ngồi chờ lâu nóng ruột, bụng lại đói, thấy trước nhà bên lề đường có gánh bún riêu, hắn kêu một tô lớn, bún riêu mà thiếu mắm tôm thì hỏng bét, hắn chơi một muỗng lại thêm một nhúm ớt bằm. Ngon lạ lùng. Và hắn đến nơi đúng hẹn, vừa lúc cô ấy cũng có mặt. Chuyện qua lại rất trơn tru dù chỉ loanh quanh chuyện ở cơ quan, mà thật ra không nói chuyện cơ quan, hắn cũng chẳng biết chuyện gì để nói, ánh nhìn cả hai cũng tha thiết lắm rồi, bàn lại ngồi khuất sau tàn cây. Hắn thấy mình mạnh dạn hẳn lên, kéo ghế gần hơn chút và can đảm hôn lên đôi môi rất mọng và rất đẹp của nàng. Nàng cũng ngửa cổ ra đón nhận, nào ngờ, khi môi vừa chạm môi, cô ấy đã đẩy hắn ra, uống liền ngụm nước và từ lúc ấy im lặng cho đến lúc chia tay với nét mặt rất lạnh lùng. Hắn hoảng, chẳng biết vì sao cô ấy lại đổi ngay thái độ thế. Vốn là nhà khoa học, về đến nhà, hắn ghi hết diễn tiến buổi gặp gỡ ra giấy, ngồi phân tích từng công đoạn. Cuối cùng, hắn ôm đầu phát hiện ra thủ phạm giết chết tình yêu của hắn chính là mùi mắm tôm chưa được tẩy sạch và miếng ớt đỏ lòm dính vào kẽ răng của hắn. Hắn chỉ biết kêu trời. Cô trước vì cái đùi gà, cô này vì bát bún riêu. Sao vậy trời. Toàn miếng ăn làm hại hắn.
Hắn tiếp tục sống cô đơn, sức trai căng đầy nhựa, đêm nằm hắn thèm khát đàn bà, nhưng chẳng có đàn bà để hắn có thể trút nhựa sống đầy ứ trong cơ thể hắn. Hắn không ngao du với ai, bạn bè càng hiếm. Đi làm về lầm lũi đọc sách, rảnh nữa thì đùa với mấy con chó. Bố mẹ hắn đã vào tuổi già, cũng loay hoay với bệnh tật, nhưng cũng không quên nhắc khéo hắn đi tìm vợ. Nói mãi mà cứ thấy hắn im ỉm, mẹ hắn bảo hắn không tìm được thì mẹ hắn sẽ tìm cho hắn. Hắn nghĩ, cứ để mẹ lo, thế mà lại hay, chẳng sợ bị chê trách. Lúc này hắn chỉ cần có người đàn bà, để hắn khám phá, để hắn biết mùi hoan lạc của dục tình, chỉ cần thế là đủ.
Mẹ hắn sáng nào cũng ra công viên gần nhà đi bộ cho lưu thông máu huyết. Tụ tập nhau thành một nhóm đủ cả trẻ lẫn già. Đi riết thành quen, quen lâu thành thân. Mẹ hắn để ý được một cô trong nhóm, tuổi độ hăm mấy ba mươi, có khuôn mặt đẹp, người cao ráo nở nang. Tánh tình lại hoà đồng, tươi vui, thường giúp đỡ mọi người. Mẹ hắn ưa lắm rồi nên cứ sau buổi tập lại lân la nói chuyện, tìm hiểu. Rồi cũng lại một bữa chủ nhật đẹp trời, mời cô ấy về nhà cùng làm cơm ăn trưa. Khi mẹ hắn giới thiệu với hắn, cô ấy bảo biết anh rồi, gặp hoài đầu ngõ, lại nghe hàng xóm khen anh nhiều. Hắn thì mới gặp đã thấy run rẩy trong lòng, nụ cười cô ấy tươi quá, dáng người cô ấy đẹp quá, chẳng khác chi người mẫu, cặp vú căng sau làn áo chật, cặp mông nẩy như đít vịt, hắn nhìn mà lòng nao nao. Đôi mắt hắn lén nhìn cô gái mãi sau làn kính cận. Tự nhiên như người nhà, sau màn chào hỏi, giới thiệu, cô gái vào ngay bếp, lặt rau, rửa thịt, lăng xăng nhiệt tình như người thân đã lâu, mẹ hắn cười ưng ý. Bố hắn ngồi uống trà hút tẩu từ phòng khách nhìn ra theo dõi cô gái cũng tủm tỉm cười đồng thuận. Bữa ăn diễn ra trong không khí vui tươi và hân hoan của toàn thể mọi người. Bố hắn khen canh cua rau đay cô gái nấu khéo quá, cua tụ thành một tảng, không nát, nước ngọt dịu không tanh. Mẹ hắn khen dĩa cá rô chiên, bảo cô ấy hay quá, cá vàng ươm mà không cháy, ăn vào mồm cứ dòn rụm, chén nước mắm cũng quá khéo, thật vừa miệng. Hắn thì thấy món nào cũng ngon và đôi mắt lúng liếng của cô ấy làm hắn không uống rượu mà thấy chao đảo. Bố hắn nhìn mẹ hắn, mẹ hắn nhìn bố hắn gật gật, miệng cười như hoa. Cô gái đã vào vòng chung kết. Nhưng vòng chung kết không có kết quả cuối cùng, đúng là trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Xong bữa ăn, cô gái lại đi rửa chén. Nhà hắn không rửa chén ở bồn mà lại rửa ở sàn sân sau, sát cạnh bếp. Cô gái ngồi, cái lưng dài thon với chiếc áo thun bó sát. Cái lưng quần jean trễ xuống, cái áo thun bị kéo lên để trống một khoảng lưng. Trên khoảng da thịt ấy, có xăm một con bò cạp với hai màu xanh đỏ đang giương hai cái càng to đầy đe doạ, đuôi con bò cạp kéo xuống tận xương cụt. Bố hắn thấy đầu tiên, rồi tới mẹ hắn sững sờ. Hắn cũng thấy con bò cạp rõ ràng trên khoảng da thịt lồ lộ ra đấy. Con bọ cạp hung hăng. Mẹ hắn nhìn bố, bố hắn nhìn mẹ hắn, hai cái đầu cùng lắc một lượt với ánh mắt thiểu não. Nhìn thấy thế, hắn tuyệt vọng. Hình xăm con bọ cạp đã chấm dứt những rung động khát khao vừa rực lên trong cơ thể hắn. Cuộc tuyển lựa đã không thành. Cho mãi đến bây giờ, cô gái xinh xắn muốn làm dâu nhà hắn vẫn không hiểu vì sao chỉ có mấy phút vừa trôi qua, thái độ của cả nhà đã quay 180 độ. Hắn lại có thêm một lần thất vọng và nuối tiếc.
Hắn lại cô đơn, mẹ hắn càng lúc càng buồn, bố hắn đêm đêm vẫn thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên, vẫn lâm thâm khấn vái cầu xin ơn trên đừng bắt dòng họ này phải tuyệt tự, chẳng còn ai nối dõi.
Hắn vẫn ngày hai buổi đi làm, đi dạy, làm lũi đi và lầm lũi về, buồn chán trong nỗi khát khao. Một bữa, cơ quan hắn khám sức khoẻ định kỳ hàng năm. Một đòan bác sĩ bên bệnh viện đến cơ quan hắn khám và xét nghiệm tập thể. Có một cô bác sĩ khá xinh lấy máu cho hắn, cô này từ khi nhìn thấy hắn thì miệng cứ tủm tỉm cười mãi. Khi quấn dây vào bắp tay hắn để tìm ven, cô ấy bảo anh không nhớ em à? Hắn ngẩn ngơ, lục trí nhớ xem gặp cô gái xinh tươi này ở đâu mà không nhớ nổi. Hắn ngượng ngịu lắc đầu. Cô gái cười khanh khách và bảo: Ối trời ơi! Bạn hồi lớp mẫu giáo Sơn ca nhớ không, hồi đó cô giáo bắt anh song ca với em hôm tựu trường mà anh dứt khoát không chịu khiến em khóc suốt cả buổi lễ, nhớ không? À thì ra thế! Mấy chục năm rồi, nhớ chi nổi. Nhưng cô gái này có duyên quá, cười có cái răng khểnh sao mà xinh thế? Thế là kể chuyện cô giáo ngày xưa, nhắc mấy người bạn cũ. Rồi rủ xuống căn tin ăn trưa, rồi xin số điện thoại, rồi hẹn gặp lại. Hắn lại thấy vui, hắn lại nghĩ đến một mối tình đang đến thật nhẹ nhàng. Hai người hẹn nhau xem phim vào chiều chủ nhật. Hôm đó hắn nôn nao, vẽ ra trong đầu những giây phút thật lãng mạn trong rạp chiếu phim. Hắn sẽ cố gắng cầm tay nàng, hắn sẽ tỏ tình, và hắn sẽ hôn nàng, một cái hôn thật tuyệt vời. Một cái hôn thơm tho, chắc chắn sẽ không mùi mắm tôm làm cho tan vỡ. Hắn chuẩn bị sớm, tắm rửa sạch sẽ, mặc bộ đồ đẹp, bỏ giấc ngủ trưa, ra ngồi trước sân và chờ giờ lên đường đến chỗ hẹn. Hắn ngồi ở ghế đá trong sân dưới bóng cây mát rượi. Ba con chó chạy giỡn chung quanh hắn, chúng thải ra mấy bãi phân giữa sân. Gió mát, hắn bắt đầu lim dim và giấc ngủ đến hồi nào chẳng hay. Hắn chợt choàng tỉnh, nhìn đồng hồ đã thấy sát giờ, hắn lật đật chạy quanh sân tìm cái mũ bảo hiểm, rồ xe như ma đuồi đến nơi hẹn, cũng may chẳng trễ phút nào. Rạp thưa thớt người, phim chiếu nhưng hắn không quan tâm, hắn chờ giây phút thuận tiện để thực hiện những ý định. Cô gái bỗng phát hiện điều gì, cứ loay hoay nhìn xuống chân. Hắn lại lấy chân rà rà chân nàng, chân hắn chỉ quanh quẩn cái ống quần của nàng, nhưng hắn thấy vui. Cô ấy bảo hình như có mùi gì là lạ, hôi hôi. Hắn cũng ngửi thấy thế. Cả xuất phim hai người loanh quanh mãi cái mùi hôi đó, hắn chẳng thực hiện được gì. Hết phim, đèn bật sáng, cô gái lại cúi nhìn xuống và phát hiện trên ống quần của mình một vệt phân chó bốc mùi. Cũng đồng thời lúc ấy, hắn cũng phát giác đôi giày của mình dính đầy cứt chó. Cái mùi kinh khủng bắt nguồn từ đây, cái ống quần đầy cứt của cô ấy cũng từ đây mà có. Như thế là hắn đã đạp phải bãi cứt chó của nhà hắn rồi. Cô gái bỏ đi một nước. Hắn lại về một mình. Và cô gái đã không tìm hắn nữa. Cuộc tình chưa ngỏ đã bị bãi cứt chó làm cho tan nát, khốn nạn thật. Tủi phận thật! Cô ấy một đi không trở lại.
Mới đây, hắn lại có một cuộc hạnh ngộ ly kỳ. Buổi chiều đi làm về, trời bất chợt đổ mưa, loạng quạng thế nào mà xe hắn và xe của một cô gái đụng nhau ngay giữa ngã tư nước đang lênh láng tụ về. Hắn dựng xe cho nàng, hỏi han ân cần, cũng may chẳng ai thương tích gì. Hắn mời cô gái vào quán trốn mưa vì xe bị vào nước đầy bô, đề hoài không nổ. Nhìn cô ấy cũng xinh, nước mưa ướt hết dán vào để lộ cơ thể tròn lẳn, ngực như muốn bứt hàng nút chạy ra ngoài. Là nhân viên ngân hàng, đã ngoài ba mươi, chưa chồng, gái Huế. Hắn nghĩ thế là đạt yêu cầu. Và cũng như các cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên tiền định trong các tiểu thuyết ngôn tình, trong các cuốn phim rẻ tiền, Trai chưa vợ gái chưa chồng gặp nhau như định mệnh an bài, đưa đến tình yêu. Chàng và nàng hẹn hò nhau nhiều lần, lúc cà phê, khi nhà hàng, quán ăn, rạp hát. Lần nào hẹn hắn cũng kiểm tra kỹ cái mồm, kiểm tra cái đế giày, đến đúng giờ nghiêm chỉnh. Hắn luôn giữ tác phong thanh lịch, đứng đắn trong các buổi gặp gỡ, đôi khi chỉ là cái nắm tay nhẹ nhàng dù lòng hắn rạo rực như than đỏ. Hắn chưa dám kể với bố mẹ, sợ lại có chuyện xảy ra nghiêm trọng nguy hại đến mối tình đang hồi rực rỡ. Hắn thấy nàng hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, một dạ hai dạ, nghe sướng lắm. Nàng lại là con của một ông giáo cũng khá có danh ở miền Trung trước 75. Hắn nghĩ mọi dự kiến tiến triển thuận lợi, chỉ đợi đúng giờ G, hắn sẽ mang nàng về giới thiệu gia đình, tính chuyện cưới xin luôn, hắn như trái bom chờ nổ rồi, chắc khó đợi nổi. Bố mẹ hắn cũng mỏi mòn rồi, chắc sẽ cũng chẳng còn khắt khe lựa chọn. Một lần cuối tuần, hai người chở nhau đi về Long An chơi, trưa nắng gắt, mệt nhoài. Nàng chủ động gợi ý vào khách sạn nghỉ, hắn lưỡng lự một chút rồi ok bởi trong đời chưa một lần cùng phụ nữ vào nơi ấy. Vào đến nơi, nàng tắm, không khép cửa, hắn thấy cái quần lót màu đỏ thêu ren của nàng là hắn bắt đầu ngại. Trong trí tưởng tượng của hắn, chỉ có gái hư, gái làng chơi mới mang quần lót đỏ thêu ren. Sự rạo rực, háo hức bỗng giảm đi mất nửa. Hắn hơi ái ngại. Nàng tắm xong thì đến hắn tắm, đến khi ra thấy nàng tênh hênh giữa giường khát khao lại bùng cháy trở lại trong người hắn. Hai người quẫn chặt lấy nhau. Lần đầu tiên nó thấy toàn vẹn cơ thể đàn bà. Lần đầu tiên hắn sờ nắn những bộ phận kín đáo của người phụ nữ. Nàng cũng mãnh liệt không kém, hôn hít và sờ sẫm khắp cơ thể của hắn. Hắn như một lò lửa, như quả bom chờ nổ. Bỗng nàng ghé môi vào phần dưới của hắn, hắn hoảng. Từ bé đến lớn hắn không nghĩ ra kiểu này, hắn chưa hình dung cảnh này mà hắn cũng ghê ghê cái kiểu này. Hắn như bị tạt một xô nước đá. Hắn túm chặt lấy bộ phận đang đông cứng của hắn, hớt hãi chạy vào phòng tắm trước ánh mắt ngạc nhiên hết cỡ của cô gái. Hắn ngồi trong phòng tắm, trần truồng và kinh ngạc. Hắn thấy nàng sành sõi quá, hắn thấy nàng rành mạch và có vẻ quen thuộc mấy chuyện này quá, hắn sợ. Lại thẻm cái quần lót đỏ. Thôi rồi. Nàng đập cửa, hắn vẫn im. Cơn sợ hãi chưa qua hết. Thế là xong. Nàng bỏ đi. Hắn ngồi khóc rưng rức và thấy mình bất hạnh. Lúc này hắn mới cảm thấy chính cái hàng rào bố mẹ hắn quây chung quanh hắn từ lúc mới chào đời cho đến bây giờ đã khiến cuộc đời hắn áo não như hôm nay. Đã khiến hắn lạc lõng giữa cuộc đời, ngây ngô giữa cuộc sống. Hắn sống giữa trần gian như một kẻ xa lạ.
Hắn bảo với bố mẹ hắn là hắn muốn đi tu. Mẹ hắn khóc ngất. Bố hắn thắp nhang lạy mãi ở bàn thờ, miệng khấn vái lia lịa. Dòng họ nhà này thế là tuyệt tự rồi sao?
Tui là bạn bố hắn, tui thấy tình cảnh bạn tui mà thương quá. Năm nay hắn 42 tuổi rồi, có bằng Tiến sĩ, thu nhập ổn định, gia đình quý tộc, gia sản giàu có. Tui viết lên đây giới thiệu với mọi người, cô nào, bà nào thấy hợp với hắn cứu dùm bạn tui. Chứ kiểu này gia đình này tan hoang vì tuyệt vọng.
Muốn gặp hắn để tìm hiểu thêm cứ đến Viện khoa học thành phố, số...đường.., trong giờ làm việc, sẽ gặp một người đàn ông trung niên, dáng dong dỏng cao, mặt đẹp như trẻ con, đeo kiếng cận dày, mắt lúc nào cũng nhìn xa xăm, người như ở thế giới khác, đích thị là hắn. Ngoài giờ làm việc, có thể gặp hắn với bố mẹ ở biệt thự .., số ... đường..,,, ngôi nhà người ta đã đưa giá gần mấy trăm tỳ đồng mà bố mẹ hắn không chịu bán. Hắn là Tiến sĩ Trần Văn T. Ai cứu hắn không? Tui không muốn nhà chùa có thêm một tu sĩ và biệt thư to lớn kia không có người kế thừa. Và hơn hết, tui không muốn nhìn thấy một người đàn ông sắp qua tuổi ngũ thập tri thiên mệnh mà chưa biết tình yêu, chưa biết đàn bà.
3.2.2016
DODUYNGOC



Giờ về giũ bụi đường xa
Nghe thinh không hát nhạt nhoà cuối sông
Không còn tin cũng chẳng mong
Ngựa buông gối lỏng máu hồng nhạt phai
Giờ về quê chẳng còn ai
Bạn mồ xanh cỏ đường dài phủ rêu
Gọi đò chẳng vọng tiếng kêu
Quẩn quanh mái lá người thều thào đau
Giờ về thế cuộc bể dâu
Gươm cùn kiếm mỏi mái đầu phủ sương
Nhìn non sông lắm nhiễu nhương
Ngồi trong quán trọ nhiều phường tiện nhân
Giờ về cười giữa phù vân
Trăng xưa đã héo lá lần lượt khô
Thế gian lạnh tựa nấm mồ
Đời đầy ma quỷ khăn sô trắng trời
Giờ về bỏ dở cuộc chơi
Đường gươm xưa đã rụng rời chân tay
Mây đùn che khuất đường bay
Giang hồ thấm mệt rượu say nẻo về
Giờ về xoay xở cơn mê
Mỏi đôi tay trắng và tê tái lòng
Cuộc trăm năm chỉ còn không
Gối trên khối đá mà trông gió chiều
Giờ về tóc rụng bao nhiêu
Tàn phai một kiếp gánh nhiều xót xa
Dừng cương sững giữa giang hà
Bỗng dưng nước mắt nhạt nhoà mặn môi.
16.6.2018
DODUYNGOC


Chiều trôi máu nhuộm đỏ đường
Quắt quay xoay xở chiếu giường lạnh tanh
Hắt hiu rêu phủ cồ thành
Gươm khua dưới núi trăng vành vạnh treo

Bước cùng hết lối trông theo
Quán xưa đã cháy xóm nghèo lặng câm
Cười kiêu bạc loạn nẩy mầm
Mài gươm dưới núi sóng trầm uất reo

Mưa giăng kín nẻo đường đèo
Cửa nhân gian khép bao kèo cột xiêu
Ta về nằm giữa tiêu điều
Nghe trang sử khóc cuối chiều lá rung

Bó tay trong chốn mịt mùng
Bao nhiêu thân phận phục tùng quỷ ma
Cuối đường đi chẳng còn xa
Ngước lên trời đất vỡ òa nỗi đau
16.6.2018
DODUYNGOC



Ở phố Đông nước Sài có thương gia họ Nhân nức tiếng giàu có nhờ chuyên kiếm bản thảo mua rẻ bán đắt, một vốn bốn lời, lại chuyên xào xáo sách này qua sách nọ, buôn trốn thuế, in nối bản, làm lái sách nhưng chẳng bao giờ nhận mình là con buôn. Trên danh thiếp luôn đề tên là NHÂN ĐẠI NHÂN. Vốn xuất thân con nhà Nho học, nên miệng thường nói chữ, nhất là khi có vài ve vào bụng. Nhân tiên sinh thường dùng kiến thức uyên bác của mình để coi thường đám sĩ phu. Nhờ có của ăn của để, lại hay rủ rê bọn văn chương thi phú ăn nhậu, nên tiên sinh có một uy thế nhất định trong làng văn báo. Lúc nào tiên sinh cũng bảo thiên hạ lắm tiểu nhân, chỉ mình tiên sinh là người quân tử. Và để chứng thực cho tính quân tử của mình, tiên sinh thường bài bác bọn Nho học hủ lậu, chỉ ràng buộc vào đôi ba chữ mà nói chuyện tào lao, tiên sinh luôn dùng những chữ của thánh hiền mà răn dạy người chung quanh sống cho phải Đạo và thường lấy mình ra làm gương về việc hành Đạo. Đồng thời trong những cuộc chè chén lu bù, tiên sinh thường chi đẹp nên lâu la bộ hạ càng lúc càng đông, trong đó nhiều kẻ nịnh nọt so sánh tiên sinh với Mạnh Thường Quân ở bên Tàu. Mỗi lần được tâng bốc như thế, mặt tiên sinh vốn đã đỏ càng đỏ hơn và chữ nghĩa của tiên sinh lại phun ra dào dạt. Thế nhưng, đôi khi trong thiên hạ cũng xầm xì nghi ngờ cái mác quân tử của tiên sinh, mỗi lần nghe đàm tiếu như vậy, tiên sinh giận lắm, nhưng vẫn cười ruồi mà bảo rằng chấp chi cái lũ tiểu nhân đê tiện ấy. Một hôm có một anh cử nhân họ Lâm, cũng là người có tiếng tăm học thuật, đến phủ của Nhân tiên sinh rao bán một hòn non bộ. Theo lời của tên Lâm, đây là của gia bảo ba đời của giòng họ y, nay vì thiếu tiền mua thuốc chữa bệnh cho vợ nên cần bán. Và cũng theo lời của tên Lâm, chỉ có Nhân tiên sinh mới xứng đáng là chủ của hòn non bộ này, bởi hòn này có tên là hòn Thất Khiếu, tức là tảng đá có bảy lỗ, nếu chủ nhân là người chính nhân quân tử thì đầu mỗi canh, khói sẽ bay từ bay lỗ phun ra, hòn non sẽ được phủ những đám mây như sương khói. Nếu chủ nhân chỉ là kẻ bần tiện bất nhân thì hòn non kia chỉ là một cục đá vô hồn. Nay trong thiên hạ cho Nhân tiên sinh là kẻ quân tử đương thời, nên mới mạo muội đem đến bán cho tiên sinh, vì chỉ có tiên sinh mới làm cho tảng đá vô hồn kia trở thành hòn non sương khói. Nhân tiên sinh bán tín bán nghi, vì cũng đã nhiều lần nghe trong giới giang hồ đồn đại vật này, nay mới được trông thấy, tự nghĩ chắc mình có cơ duyên với báu vật. Cùng lúc đó, trống điểm sang canh, khói sương từ từ bay là đà từ bảy lỗ, hòn đá vô tri bỗng dưng như có thần sắc khác, người xem như đứng trước cảnh núi non hùng vĩ với những đám mây chiều lãng đãng. Vừa thấy vậy, tiên sinh như mở cờ trong bụng. Vậy là từ nay ta có vật để chứng minh tính quân tử của mình nên liền sai gia nhân mang ngay ngàn lạng giao cho tên Lâm. Tiên sinh hí hửng mang hòn đá vào chốn thư phòng, sai gia nhân đặt hòn non trên chiếc đôn gỗ thơm chạm tứ linh đời Càn Long. Tiên sinh khăn áo chỉnh tề, đốt lư trầm ngồi chờ giờ sang canh để thưởng thức báu vật. Nhưng thời gian trôi đi rất lâu rồi, đã tàn chín cây nhang rồi, mà chẳng thấy khói sương chi cả, nhìn vào mấy cái lỗ nông choèn chỉ thấy mấy cọng rong rêu. Nhân tiên sinh tự nghĩ hay mình đã bị tên Cử Lâm lừa. Nhưng lại nghĩ, chính mắt mình trông thấy rõ ràng, sao có thể qua mặt mình được, bèn sai gia nhân đi gọi Cử Lâm cho tiên sinh dạy việc. Cử Lâm đến, tiên sinh ởm ờ bảo vừa rồi thấy hòn non ưng ý quá mà Nhân phu nhân lại không ưa, nên có ý muốn gởi lại. Cử Lâm bảo lấy làm tiếc, vì chỉ có ngài mới xứng đáng là chủ nhân thôi, bèn bảo sẽ trở về mang tiền qua trả. Nhân tiên sinh thấy vật đã đổi lại chủ, nên trù trừ kéo dài thời gian, giả bộ hỏi thăm bệnh tật của Lâm phu nhân, hỏi thăm gia cảnh rồi chuyển qua nói chuyện văn chương. Mục đích là để xem hòn non đến giờ có phun khói lại không. Vừa tàn hai tuần nhang, từ bảy lỗ của hòn non, khói lại bay ra nhè nhẹ, rồi từ từ tuôn ra nhìn sướng mắt vô cùng. Nhân tiên sinh mới bảo với Cử Lâm rằng, thôi khỏi mang tiền sang trả, ta lại đổi ý rồi, vật như thế này mà vì lời phàn nàn của một mụ đàn bà mà làm hỏng việc sao. Lâm cử nhân lại bái biệt ra về. Nhân tiên sinh bèn đóng cửa buông rèm, lại chờ thời gian đi qua để được thấy sương khói để có thể chứng minh là người quân tử. Nhưng hết canh này sang canh khác, hòn đá vẫn trơ trơ. Nhân tiên sinh lo lắm. Vì chuyện này ngày mai sẽ đồn đại trong chốn giang hồ, mọi người sẽ kéo đến để xem hòn non thất khiếu, để được dịp ca ngợi Nhân tiên sinh, mà bây giờ nó tịt thế này, biết làm sao tránh được thế gian chê cười. Nhưng Nhân tiên sinh vốn là người đa mưu, liền nghĩ ra giải pháp. Hôm sau, Nhân tiên sinh đặt mấy bàn tiệc, mời nhiều thân hữu báo chí văn chương đến đàm đạo, đồng thời để chiêm ngưỡng báu vật có một không hai. Khách khứa đến đông đủ, kể cả nhiều kẻ không mời. Đến giờ khai mạc, trống vừa sang canh, Nhân tiên sinh kéo tấm lụa đào che hòn non bộ ra, khói sương mù mịt bay ra từ bảy lỗ. Khách khứa vỗ tay ầm ầm, rượu bia đổ tràn ra cả sàn nhà, tiếng chúc tụng vang lên không ngớt. Nhân tiên sinh thân hành cầm li đi đến từng người nhận những lời chúc tụng, mặt ngước lên tự đắc, nhủ thầm mình đúng là Gia Cát tái sinh. Sáng hôm sau, trên các tạp chí và trên những tờ báo ngày, không có báo nào là không có bài viết ca ngợi Nhân tiên sinh và rất nhiều tay văn báo tôn Nhân tiên sinh mới chính là Đại Nhân Quân tử của thời đại. Ngồi trong trướng phủ, Nhân tiên sinh vừa sướng vừa lo. Bởi khói sương là do tiên sinh mua máy phun khói ở chợ bán cá cảnh, đem về gắn thêm cái công tắc hẹn giờ. Thế là cứ đến giờ khói của hòn thất khiếu không tuôn ra thì đã có khói của máy bay ra lãng đãng. Sướng vì được tôn vinh, lo chỉ sợ kẻ nào biết được. Do vậy, kể từ hôm đó, thư phòng của tiên sinh đóng kín cửa, không ai được vào ra. Và cũng từ hôm đó, trong những cuộc yến tiệc, trong những cuộc vui lễ lạc, hội hè, Nhân tiên sinh đều được mời lên ngồi ghế đầu, được phát biểu dạy dỗ mọi người bằng những lời vàng ngọc, và được người đời đem so sánh với những hiền nhân quân tử trong sử sách. Cũng từ đó, Nhân tiên sinh quên mất khói trong đá tuôn ra là do máy, mà cứ tưởng là do mình là bâc quân tử nên khói mới bò ra. Tiên sinh sai gia nhân bỏ mấy chục thùng danh thiếp cũ, in lại ngàn thùng mới đề tên là NHÂN QUÂN TỬ. Cho đến khi tiên sinh mắc phong đòn gánh mà quy tiên, sự việc mới vỡ lẽ. Do vậy trên bia mộ của tiên sinh, khi người nhà cho khắc chữ Nhân quân tử, không biết thằng mất dạy nào lại thêm một chữ vô giữa, người đời sau chỉ thấy đề là NHÂN NGỤY QUÂN TỬ. Buồn thay.!!
DODUYNGOC. 
Tháng 4 ngày 25.2007


Tôi bắt đầu hút thuốc lá từ năm 14 tuổi, đang học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) lúc vừa rời chủng viện. Ở nội trú trong trường dòng, cấm triệt thuốc lá.
Thuở ấy, thuốc lá rẻ như cho, bởi vào những năm 1964-1965, miền Nam Việt Nam tràn ngập lính Mỹ, do vậy ở chợ Cồn-Đà Nẵng, chỗ nào cũng có bán những bao thuốc lá Mỹ, từ Salem, Malboro, Pall Mall, Winston...cho đến cả xì gà Havatampa... Tuổi mới bắt đầu lớn lại muốn làm người lớn, thêm cái vụ ham văn chương thi phú, cứ nghĩ phải có điếu thuốc lá mới là dấu hiệu của sự trưởng thành và có phong thái của anh nghệ sĩ. Do vậy là tập hút và ghiền lúc nào chẳng hay. Lớn lên một chút, lại bắt đầu để ý cô bạn cùng trường, lại càng hút dữ. Đến khi đậu tú tài, đi học Mỹ thuật, rồi học văn khoa, toàn kết bạn với mấy lũ âm binh học làm văn nghệ, nên càng hút dữ dội hơn. Lúc có tiền thì Ruby, Capstan,Lucky, Pall Mall..khi hết tiền thì hút Bastos đen và có nhiều khi hút cả thuốc Quân Tiếp vụ, gói thuốc có vẽ hình anh lính miền Nam Cộng hòa cầm súng. Đời sinh viên nghèo nhiều khi không có cả thuốc đen mà hút nên thỉnh thoảng lại đi lượm tàn thuốc còn rơi rớt ở ngóc ngách sàn nhà, vê lại bằng giấy báo mà hút cho đã thèm. Hồi đó lượm tàn thuốc hút gọi là đi tìm dế. Khi qua Tây học thì đỡ hơn chút, nhưng cũng toàn hút thuốc đen, khí hậu lạnh và thời đó chưa có vụ cấm hút thuốc nơi công cộng nên càng hút dữ.
Cho đến khi tốt nghiệp đại học, về nước đi làm có tiền thì mới chọn một gout mà hút, thuốc lúc nào cũng đầy bao tha hồ mà phì phèo,vì làm mấy tòa báo nên chẳng ai cấm hút cả.
Đến sau 1975, cả nước nghèo. Chỉ còn thuốc lá đen. Rồi đến thuốc lá sợi. Trở lại cái thời xa lắc nào. Tên nào cũng có cái túi nho nhỏ với mấy tờ giấy quấn. Bỏ thuốc vào, vê thành điếu rồi lấy lưỡi liếm một đường vê vê và đốt. Hồi đó hút được Thăng Long bao bạc, Thủ Đô đem từ miền Bắc XHCN vô là sang lắm. Sau đó là một thời của Samit nhập lậu từ Thái Lan. Thời kỳ này, đi dạy học, mỗi tháng mua được nhu yếu phẩm có mấy gói Hoa Mai hay Đà Lạt đen xì, thi đua nhau hút đến thâm cả môi, phù cả mỏ.
Rồi đến một thời, mấy ông xí nghiệp thuốc lá nhà nước ào ạt ra nhiều nhãn mới, cứ thế mà hồn nhiên hút chẳng chút ngại ngần âu lo gì. Đất nước mở cửa he hé, dân buôn lậu đi buôn thuốc từ biên giới về, đủ lọai thuốc ngoại, lại hút.
Cho đến khi xã hội bắt đầu văn minh hơn, cơm no áo ấm hơn, ăn ngon mặc đẹp hơn, lúc đó mới nghĩ đến sức khỏe, mới nghĩ đến những hậu quả của thuốc lá thì nicotine đã biến thành máu chảy trong người rồi, chẳng làm sao bỏ được nữa. Lúc đầu là bớt hút, ra chỉ tiêu và gọi là hút có kiểm soát. Nhưng rồi gặp bạn gặp bè, ngồi cà phê mà không có thuốc thì ngồi làm gì. Ngồi uống bia lại càng hút dữ, bởi rảnh quá, miệng nói, miệng uống, miệng hút, tha hồ, chẳng nghĩ chi hậu quả. Đến lúc khuya về nằm ngủ, ho sù sụ. Sáng ra cổ họng cứng như đóng băng, khạc ra một bãi đen ngòm. Lúc đó thì mới sợ. Tự nhủ hôm nay sẽ không hút nữa, nhưng rồi làm xong tô phở hay ăn bát bún riêu, bún bò xong mà không kéo một hơi thuốc thì cảm thấy như bữa ăn chưa trọn vẹn. Thế là lại hút. Nhiều khi thèm hút đến độ cố ăn cho mau để kéo một hơi cho đã. Lại thêm sáng nào cũng làm tô phở Dậu, vừa ăn xong bỏ đũa là anh chàng Lâm đã gắn vào tay điếu ba số, thế là hút.
Bỏ cả trăm lần và hút lại cả trăm lần. Mà mỗi lần bỏ xong hút lại, lại tăng đô mới chết mẹ chứ. Nên càng bỏ, càng hút nhiều hơn. Lại thêm chuyện mập, đang ngon lành bỏ thuốc lá, mới có mấy tuần đã tăng thêm mấy kilô, mà mập lên thì sợ lắm, đành hút lại. Cái thằng nghiện thì có trăm ngàn cái lí do để biện hộ cho việc hút. Anh không hút thì chỉ có một lí do là sức khoẻ, nên đã hút rồi thì khó bỏ. Có vậy mới thương cho mấy đứa xì ke, mình ghiện thuốc lá mà còn chưa bỏ nổi thì làm sao chúng bỏ được xì ke, thuốc phiện.
Được nhiều lần đi nước ngoài, đến các nước tiên tiến, thấy sao người ta lại ít hút thuốc hơn mình nhiều lắm. Nhất là những người Việt định cư ở nước ngoài. Gặp nhiều thằng bạn ngày xưa còn ở trong nước, hút thuốc phì phà như toa xe lửa suốt ngày, sang đến đây vài năm lại không hút thuốc nữa, giỏi thật. Nhưng đến khi biết được luật lệ nước của người ta, mới hiểu được là tại sao ít người hút thuốc. Họ cấm tuyệt đối ở những nơi công cộng, nhà hàng, rạp hát... và cả nhà của tư nhân nữa. Đến ở nhà bạn hay người thân, muốn hút thuốc. Ok, mời anh ra ngoài sân, ngoài vườn, tha hồ mà rít. Nửa đêm không ngủ được, nhớ nhà châm điếu thuốc, phải rón rén mở cửa ra sân, trời lạnh cắt da cắt thịt, đường vắng như nghĩa trang, rít điếu thuốc chẳng còn chi ngon lành nữa, hút như phản xạ có điều kiện vậy thôi. Được mời đi ăn nhà hàng, cuộc vui kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ, muốn hút một hơi phải xin phép ra ngoài, đi cách cửa mấy chục mét, hút một hơi. Buồn bỏ mẹ. Hút phải bầu có bạn, có hơi đưa qua, tiếng cười đưa lại, mới sướng. Đằng này hút thuốc mà như thằng ăn trộm, mất cả sướng. Hút như vậy, mấy thằng bạn âm binh của tôi bỏ hút là phải.
Lại thêm đi trên xe, cửa nẻo bít bùng, làm sao dám châm điếu thuốc mà hút được, họa may đó là xe của mình và đang chạy một mình. Nhưng xứ lạ quê người, đi đâu cũng nhờ người chở, lấy đâu mà hút được,khổ trăm bề. Nhiều đoạn đường dài cả năm sáu trăm cây số, đi ngót nghét năm sáu tiếng đồng hồ, thèm thuốc não nề mà có dám mở miệng đâu. Ở đó cỡ vài tháng là bỏ được thuốc lá ngay thôi, chứ có phải tài thánh, ý chí mạnh chó gì đâu mà mấy ông bạn cứ nói thánh nói tướng.
Ớn nhất là đi máy bay, đoạn đường kể cả transit là gần 18 tiếng đồng hồ, cái miệng nhạt phèo, lại chẳng biết làm chi cho hết giờ, lại cấm hút thuốc mới chán chứ. Nhịn thèm suốt cả thời gian bay, nhưng đến khi xuống phi trường còn cả một thời gian dài dằng dặc làm thủ tục hải quan, nên khi xổng được ra ngòai, mừng như cha chết sống lại, run run đốt điếu thuốc, kéo một hơi cho đã. Ở phi trường nào cũng có chỗ cho người hút thuốc, nhưng mấy thằng thiết kế cũng mất dạy lắm, chúng nó đặt phòng hút thuốc ở nơi xấu nhất, xa nhất, bẩn nhất và cái phòng thì nhỏ xíu. Vừa bước vào phòng chưa đến 20 mét vuông mà hàng chục người kéo thuốc, khói tuôn mù mịt thì làm sao chịu nổi, đành rít một hơi là từ giã ngay.
Đã bắt đầu qua tuối U70, lâu lâu lại đi đám tang của một vài ông bạn, có ông chết vì ung thư phổi, có thằng chết vì tim mạch. Đi đám về lại lo lo, cầm điếu thuốc cứ ngại ngần, nhưng rồi dăm hôm ba bữa lại rít liên tu. Tự trách mình thiếu ý chí, cứ trách mình thiếu dũng cảm, không thắng được mình. Nhưng rồi lại thấy nhiều bậc được cho là vĩ nhân, thiên hạ khen ngợi không tiếc lời cũng có bỏ thuốc lá được đâu, cũng thèm đến độ đề nghị đồng chí cần vụ cho tôi hút một điếu. Mình chỉ là kẻ hèn mọn, trách chi chẳng thắng được mình..
Có mấy thằng bạn làm bác sĩ, lâu lâu ghé qua, nó khuyên mình bỏ thuốc lá đi, hại sức khỏe lắm, thế nhưng chuyện trò một hồi hắn lại mở ngăn kéo mời mình điếu thuốc và hắn cũng một điếu, phì phèo. Thế mới biết khuyên người khác thì dễ, chứ mình làm được quá khó.
Lại có một anh bạn, làm nghề văn nhà báo, cũng có tiếng tăm, hút cũng đã lâu, môi cũng đã thâm xì. Một ngày đẹp trời, ý thức tác hại của thuốc lá, quyết tâm bỏ. Lại bỏ được mấy tháng mới giỏi chứ. Hỏi thèm không? bảo: Thèm chết mẹ, nhưng quyết. Mùa hè năm đó, hai cha con ra Phan Thiết tắm biển, gió đổi chiều sao đó cuốn hai cha con ra xa, suýt nữa chết nếu không có đám phụ trách ở bãi biển thấy nguy bơi ra kéo vào. Miệng đã sùi bọt, bụng đã đầy nước, cũng may cứu được cả hai cha con. Khi đã khỏe anh ta mới triết lí rằng: Nếu hút thuốc thì còn lâu mới chết, mà cuộc đời thì thiếu gì cái chết lãng xẹt khác, chết ngay, do vậy anh ta lại tiếp tục hút cho đến giờ, ngày càng nhiều điếu hơn.
Hơn 50 năm hút thuốc, chắc phổi mình khó mà sạch nổi, sợ lắm. Chắc lần này lại định bỏ thôi. Quỵết tâm đấy !!! Nhưng mà nghĩ lại, già rồi, chẳng có chi vui, thôi thì cứ hút nhỉ!
Và bây giờ là hơn nửa đêm rồi, không gian yên tĩnh quá, lại viết được những điều mình nghĩ đã lâu, tội gì mà không ĐỐT MỘT ĐIẾU THUỐC, rít một hơi cho nó đã. He...he...
Tới đâu thì tới. Hút đã.
DODUYNGOC .20.6.2007


ĐỌC CHUYỆN XƯA
Chuyện này xảy ra tính cho đến hôm nay là 41 năm rồi. Một thời gian hơn nửa đời người, nhưng đọc lại vẫn thấy xót xa. Xót xa không phải vì bị mất khoản tiền lương, mà xót xa cho thân phận một ông giáo thèm một tô phở bình dân mà không dám ăn, tiêu mấy đồng bạc tiền xe mà không dám tốn. Nghèo khiến cho người ta hèn. Ngày nay người ta cũng hèn nhưng hèn vì muốn sang, muốn giàu, muốn giữ cái ghế để thu vào tiền muôn bạc triệu. Còn thời đó con người hèn vì đói, vì thiếu ăn. Một thời đã đi qua, nhiều khi tự nghĩ sao mình có thể sống được đến bây giờ.
Truyện xảy ra năm 1977, viết lại năm 2007.
CHUYỆN CŨ
Trưa nay vào pharmacie mua thuốc, bỗng chứng kiến nỗi hốt hoảng và buồn rầu của một cậu thanh niên vừa mới bị móc túi hết số tiền đang có ở trong túi quần. Hình ảnh đó làm tôi nhớ lại tôi cách đây hơn 30 năm .
Tôi bị đày về Củ Chi dạy học sau năm 1975. Lý lịch xấu quá nên cũng đành, có việc là may rồi. Thời đó cả nước rất khó khăn, trường tôi dạy là một trường học sinh cấp ba nội trú. Nhiều lớp toàn là học trò của nội thành đa số có cha đi học tập cải tạo hoặc do nhiều hoàn cảnh phải đi học ở đây, vì học ở trường này sẽ được tiêu chuẩn gạo mỗi tháng 13 kg.
Phương tiện đi lại rất khó khăn, thường đón xe tử ngã tư Bảy Hiền hay là góc Bà Qụeo. Những chiếc xe chạy bằng than và lúc nào cũng đầy nghẹt người và mùi mồ hôi nồng nặc.
Thông thường khi thấy xe đến, chẳng phân biệt thầy trò, tất cả cùng nháo nhào kiếm chỗ để leo lên, có khi phải leo qua cửa sổ. Ăn thì toàn cơm độn với bột mì hoặc bo bo và thức ăn chỉ là cá ươn sình với canh lỏng bỏng nước. Mỗi tháng chỉ được mua giá phân phối vài lạng thịt. Do vậy thời ấy lúc nào cũng thèm ăn và chẳng có ai mập mạp và có bụng bự như bây giờ. Dù vậy, cuộc sống hồi ấy lại rất vui vì ai cũng khổ như ai và cũng chẳng có nhiều nhu cầu lắm cho cuộc sống. Và vì ít nhu cầu nên cũng chẳng có nhiều tham vọng. Mỗi tháng chỉ mong ngày lãnh lương và mua nhu yếu phẩm gồm mấy gói thuốc lá đen, ki lô đường, vài ba nhúm bột ngọt. Lâu lâu lại bốc thăm mua được thước vải hay chiếc quần đùi hoặc cái vỏ xe đạp.
Có một lần cuối tháng lãnh lương, sau khi trừ tiền nhu yếu phẩm, còn lại hơn 30 đồng. Tôi dự trù nhiều việc cho số tiền này và dự định sẽ ăn một bát phở ở ngã tư Bảy Hiền khi xuống trạm. Đã gần cả năm nay không được ăn phở, chỉ nghĩ đến là nước bọt đã trào ra đầy miệng. Lên xe ở ngã tư Tân Qui xuôi về Hóc Môn. Tôi cẩn thận để số tiền lương còm cõi vào túi áo với suy nghĩ rằng vị trí đó ở ngang tầm mắt dễ kiểm soát.
Xuống xe lam ở chợ Hóc Môn, lên xe búyt chật chội về Bảy Hiền,xe đông ứ người, chen lấn nhau kiếm một chỗ đứng. Tôi dùng một tay nắm lấy cây đà ngang trên xe, tay còn lại nắm chặt túi áo. Dù bị đẩy qua lại và bị xốc nhiều lần trên đường đi, tôi vẫn cố giữ tư thế này cho đến trạm cuối. Xuống xe, tôi bước băng qua đường định vào ngay tiệm phở, cơn thèm đã lên đến đỉnh rồi, mùi mỡ bò đã thấy ngất ngây ở đầu mũi, đã thấy những cây hành xanh biếc nổi trên máng mỡ vàng và những miếng thịt tái đo đỏ, đã nghĩ đến cảm giác húp một muỗng nước lèo, lùa một dây sợi phở trắng tinh vào miệng. Đã bắt gặp cảm giác khoan khoái ngọt ngào, beo béo. Nhưng rồi tôi lại lưỡng lự. Ăn tô phở này sẽ mất mấy ngày tiền chợ. Hay là về nhà ra chợ mua lạng thịt về nấu ở nhà cùng ăn. Nghĩ vậy nên tôi bước qua tiệm phở không vào. Nhưng cơn thèm lại dấy lên, mùi vị miếng thịt bò ngấm trên đầu lưỡi, vị ngọt của nước lèo ngào ngạt lại kéo tôi quay trở lại. Nhưng đến cửa quán lại lưỡng lự. Tôi qua lại mấy lần như vậy và cuối cùng tôi đã thắng, tôi hít một hơi mùi thơm của phở đầy lồng ngực và dứt khóat băng qua đường đi thẳng bỏ lại sau lưng mùi thơm sực nức của bát phở bốc khói.
Tôi đến trạm xe lam nằm bên hông trường Nguyễn Thượng Hiền, có chiếc xe đang chờ khách. Tôi leo lên và đợi. Chưa thấy thêm người khách nào. Tôi lại nghĩ chờ chắc phải còn lâu mới đầy xe, sao ta không đi bộ đến Lăng cha Cả, tiết kiệm thêm một ít tiền rồi từ đó đi xe buýt về nhà. Nghĩ là nhảy xuống, tôi kiểm tra lại túi áo, số tiền vẫn còn và đi bộ về Lăng. Tự nhủ với mình chiều nay mình đã thắng những cám dỗ và tiết kiệm được mấy đồng.
Lên xe búyt ở Lăng Cha Cả, chiếc xe đầy người và người, ai cũng cố len cho mình một chỗ và ngóng mặt ra chỗ trống để hớp một chút không khí. Tôi chỉ đứng được một chân ở tam cấp lên xuống nơi cửa.Nhìn bên cạnh thấy có một khuôn mặt có vẻ khả nghi, tay này hình như cứ nhìn vào túi áo mình. Tôi hơi chột dạ. Phải cảnh giác. Phía sau tôi, một bà mẹ trẻ tay dắt một em bé, túi xách lỉnh kỉnh. Nhìn cũng có vẻ đáng ngờ. Cũng phải cảnh giác. Tôi len lén thò tay vào túi áo, lấy mấy chục bạc ra và bỏ ngay vào túi quần, tay thọc vào đó giữ lại. Chắc ăn. Xe đến bệnh viện tai mũi họng ở đường Yên Đỗ,thời ấy bệnh viện này chưa dời qua vị trí bây giờ. Tôi định bước xuống, chỉ còn đi bộ một đoạn đường nữa là về đến nhà ở đường Nam Kỳ Khởi nghĩa. Bà mẹ trẻ luống cuống dắt đứa bé chen tôi bước xuống, túi xách lòng thòng, đứa bé bước đi chông chênh muốn ngã, tôi đưa tay ra đỡ em bé, dìu xuống đường. Bà mẹ lí nhí cám ơn, xe chạy sau một tiếng vỗ vào thùng xe của anh chàng lơ. Tôi định bước đi bỗng sực nhớ số tiền lương trong túi. Thọc tay vào túi quần, số tiền đã không còn ở đó. Ruột tôi thắt lại. Tim tôi đập loạn xạ.. đầu tôi choáng váng. Một cảm giác hụt hẫng như đang ngã xuống một vực sâu.Thăm thẳm. Tôi đưa tay một cách vô thức vẫy gọi chiếc xe đứng lại nhưng họng tôi bỗng khô cứng, không thốt ra được âm thanh nào ngoài tiếng ú ớ của người câm. Chiếc xe rồ ga để lại đám bụi mù. Tôi thẫn ngồi thờ sụp xuống bên vệ đường, lục lại các túi, túi áo, túi quần, túi sau túi trước. Mất thật rồi. Không còn đồng nào nữa rồi.
Những ngày tới gia đình tôi phải sống làm sao? Tôi phải nói sao với vợ với con đây ? Những người thân của tôi đang chờ tôi, đang ngóng đợi tôi cùng số lương hàng tháng mang về. Tôi thất thểu bước như kẻ mất hồn.Tôi lại nhủ phải chi hồi nãy vào ăn bát phở, có mất cũng được ăn còn hơn phải nhịn thèm. Giá như hồi nãy ngồi chờ đi xe lam, chưa chắc đã phải bị mất tiền. Khốn nạn, đã cảnh giác suốt cả đoạn đường dài mà cuối cùng cũng bị mất. Chúng nó gian ngoa thật. Nếu lúc đó không bỏ tay ra khỏi túi để đỡ đứa bé thì chắc là không bị mất. Biết bao cái giá như, biết bao cái tiếc nuối....
Chắc là khuôn mặt tôi lúc đó cũng giống như khuôn mặt của chàng thanh niên bị mất tiền hôm nay tôi đã gặp. Khốn nạn cuộc đời, đã nghèo lại gặp cái eo.
Chuyện xảy ra đã hơn 30 năm, những khốn khó rồi cũng qua đi, nhưng nỗi xót xa của anh nhà giáo nghèo mất tiền của 30 năm trước vẫn còn đắng trong buồng ngực
Tháng 6.2007

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget