Chiều qua được tin hai người quen vừa mới qua đời. Cả hai đều là nhà văn xuất thân từ bộ đội. Một là nhà văn doanh nhân Lê Thành Chơn, người nổi tiếng với nhiều tác phẩm văn học về đề tài bộ đội không quân năm nay đã 83 tuổi, một thời làm giám đốc khách sạn Sài Gòn. Còn nhớ anh Chơn đến gặp tôi lần đầu đi cùng với nhà văn Trầm Hương để đặt thiết kế bìa sách của anh. Sau đó tôi cũng vẽ bìa cho anh ấy mấy cuốn nữa. Nhà văn Lê Thành Chơn vốn là sĩ quan không quân nên người cao to nhưng chân chất, bản tính của người Nam Bộ. Anh mất vì tuổi già trong thời dịch bệnh nên cũng không được tổ chức tang lễ theo đủ những lễ nghi. Người thứ hai là nhà văn, Đại tá bộ đội Nguyễn Quốc Trung, tôi biết anh lần đầu khoảng thập niên 90 khi anh ở chiến trường Campuchia về. Anh người Hà Tĩnh, nói giọng rất nặng và rất nhanh nên cũng khó nghe dù tôi vốn cũng là gốc dân Bọ. Anh cũng đến tôi để vẽ bìa cuốn sách của anh. Anh cao, gầy, khuôn mặt góc cạnh, khắc khổ, nước da đen nhẻm, lụng thụng trong quân phục bộ đội. Tôi cũng đã đọc nhiều truyện ngắn của anh, có một truyện rất thú vị khiến tôi vẫn nhớ là câu chuyện anh viết về những đổi thay của người nông dân bán đất thời kỳ đất đai vùng ngoại ô Sài Gòn đang lên cơn sốt và kiểu sinh hoạt trưởng giả học làm sang của tầng lớp cán bộ mới giàu lên. Anh vừa chích mũi tiêm ngừa virus Vũ Hán thứ 2 thì dính bệnh và ra đi khi mới tuổi 65. Cơn đại dịch giết nhiều người quá. Trong đó cũng có lắm người tài hoa. Nghĩ đến những người đã mất trong cơn đại dịch mà buồn và tiếc.
Sáng thức dậy, cứ nghĩ chắc là sẽ có một số quán ăn mở cửa bán mang về nên điện thoại kiếm gì ăn sáng. Mấy tháng rồi giãn cách, chỉ ăn mấy món có sẵn ở nhà và lắm khi nhịn luôn ăn sáng. Gọi liên hệ mấy chỗ nhưng chẳng có quán nào mở cửa. Chủ quán nào cũng còn e dè chưa muốn đăng ký hoạt động trở lại. Nhà nước yêu cầu "3 tại chỗ", tự xét nghiệm virus khiến họ bối rối, không biết xoay xở thế nào. Lại thêm đa số người lao động, nhân viên văn phòng, cơ quan thường ăn ở các quán vỉa hè, quán trong những xóm nhỏ bán đầu ngõ. Tất cả những gánh hàng, xe đẩy, quán dựng đầu đường này đâu có giấy phép kinh doanh, do vậy đúng theo văn bản, họ chưa được phép mở cửa. Giờ muốn mở quán phải liên hệ phường, quận báo cáo xác nhận, chờ xin giấy đi đường để đến quán, rồi ngoáy mũi 2 ngày một lần cho nhân viên, nhiều thủ tục nhiêu khê quá nên ai cũng ngại. Chưa kể là chỉ được giao hàng trong khu vực quận nên đơn hàng bị hạn chế, những cửa hàng tạp hoá, hàng ăn nhỏ lại chưa sử dụng cách bán hàng qua App nên không hoạt động được. Do vậy, chỉ một số đơn vị ăn uống trước đây đã liên kết với các App giao hàng thì họ có thể mở được, còn các cơ sở chưa đủ điều kiện thì đành chịu.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương thừa nhận hiện nay tình hình mở lại quán ăn rất thấp so với số lượng 7.500 doanh nghiệp kinh doanh ăn uống và hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể có giấy phép đăng ký. Bởi vậy, dù đã được cho phép mở cửa bán mang về nhưng người tiêu dùng cũng chưa thể mua theo ý của mình được, thôi thì chờ xem thời gian tới thế nào.
Giảm giãn cách đi đôi với việc tiêm chủng. Khi tiêm chủng đạt tỷ lệ cao thì mới bảo đảm cho việc giãn cách an toàn. Vaccine ở Việt Nam có được từ nhiều nguồn, viện trợ có, xin được có, mua có nên có lẽ nước ta là nước xài nhiều chủng loại vaccine nhất. Cho đến nay, Việt Nam có 7 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng và đang triển khai tiêm chủng trong nước gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất) , SputnikV (Viện nghiên cứu Nga), Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax ( Moderna), Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/ Sinopharm) và mới đây Bộ Y tế đã cho phép Hayat - Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), sản xuất bán thành phẩm, sau đó các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đóng gói và xuất xưởng. Đây là vaccine thứ 7 được phê duyệt khẩn cấp tại Việt Nam cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Hiện Việt Nam đã tiếp nhận hơn 30 triệu liều vaccine phòng dịch và tính đến ngày 8.9, nước ta đã tiêm được 24.781.185 liều vaccine. Trong đó, tiêm 1 mũi là 20.591.403 liều, tiêm mũi 2 là 4.189.782 liều. Như vậy, mũi 2 tỷ lệ tiêm chủng còn thấp nên phải nhanh chóng tổ chức tiêm để đến 15.9, số người được tiêm đủ 2 mũi nhiều hơn mới có thể giảm giãn cách một cách dứt khoát và an toàn.
Dù được tiêm chủng đầy đủ, vẫn có những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc virus sau khi tiêm chủng. Hai tuần sau liều vaccine thứ 2, tác dụng bảo vệ của việc tiêm chủng sẽ đạt mức cao nhất. Tại thời điểm này, dù đã được tiêm phòng đầy đủ song vẫn có thể bị nhiễm trùng đột phá.
Theo nghiên cứu về triệu chứng, có 5 triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm trùng đột phá là nhức đầu, chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng và mất khứu giác. Trong đó, đau đầu, đau họng và chảy nước mũi là những triệu chứng giống như những người chưa tiêm vaccine. Tuy nhiên, 2 triệu chứng nhiễm dịch "cổ điển” là sốt và ho dai dẳng ở người chưa được tiêm chủng lại trở nên ít phổ biến hơn nhiều khi đã chủng ngừa.
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị nhiễm trùng đột phá có nguy cơ bị sốt thấp hơn 58% so với những người không được tiêm chủng. Những người đã tiêm phòng cũng ít có khả năng phải nhập viện hơn, có ít triệu chứng hơn trong giai đoạn đầu của bệnh và ít có khả năng phát triển nhiễm bệnh kéo dài nếu họ mắc virus Vũ Hán.
Có 4 lý do có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sau khi tiêm chủng là: Loại vaccine, Thời gian kể từ khi tiêm chủng, Các biến thể và Hệ thống miễn dịch của bạn. Dù đã tiêm chủng 2 liều, nguy cơ nhiễm bệnh cũng vẫn còn đe doạ dù các triệu chứng sẽ nhẹ hơn và hiếm khi tử vong.
Thế nhưng, ở Việt Nam đôi khi lúc tiêm chủng cũng là khi bị nhiễm bệnh vì lúc đó chưa có đủ kháng thể trong người, chỉ cần tiếp xúc với virus là dính ngay. Máy đo huyết áp, tổ chức đông người và thiếu khoa học cũng là cơ hội cho virus xâm nhập. Điều này đã được lên tiếng lâu nay và cũng đã có đề nghị không cần đo huyết áp khi tiêm chủng, nhưng phần nhiều chẳng chấp hành. Mới đây, vào ngày 10.9, Bộ Y tế đã ban hành quyết định Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc tiêm vaccine phòng virus. Tại hướng dẫn này chỉ rõ, việc đo huyết áp được thực hiện với một số trường hợp nhất định thay vì tất cả người dân trước khi tiêm chủng. Không biết đội ngũ thực hiện tiêm chích có nghe lời không? Khâu đo huyết áp và khâu sàng lọc là hai khâu không cần thiết và mất thì giờ chờ đợi vô ích.
Cũng vẫn là chuyện vaccine, vừa qua có đề xuất trích Quỹ vaccine để dùng cho nghiên cứu gây bất bình trong dư luận. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã từng gửi lời kêu gọi đến dân chúng Việt Nam:
“Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng. Để một lần nữa, chúng ta lại ghi danh viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Chiến thắng đại dịch COVID-19.” Nghe sướng tai dễ sợ. Nhưng giờ thì ta đành chấp nhận sống chung với con virus này rồi. Và cũng chỉ con đường đấy thôi.
Số tiền của quỹ này thu được tính tới 5 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm 2021 là 8.662 tỷ đồng. Việt Nam vẫn còn nằm trong những nước có tỷ lệ chính ngừa thấp nhất thế giới. Lý do là vì thiếu vaccine. Dân chưa được chích đủ, vaccine chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì tại sao Bộ Tài chính và Bộ Y tế đề xuất phương án sử dụng Quỹ vaccine cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước, một việc làm hết sức vô lý. Tiền nào ra tiền đó, nhất là tiền huy động trong các doanh nghiệp và nhân dân. Đóng góp là để mua vaccine chống dịch chứ không phải dùng để nghiên cứu vaccine. Hai mục đích hoàn toàn khác nhau, không thể nhập nhằng thế được. Đến ngày 7.9.2021, quỹ đã trích 373 tỉ đồng để mua vaccine. Số còn lại đang được gửi tại bốn ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 3,3%/năm và 3%/năm tương ứng kỳ hạn gửi tiền là ba tháng và một tháng. Rõ ràng là dùng quỹ vaccine huy động được để gởi ngân hàng lấy lãi và chuyển qua hỗ trợ nghiên cứu vaccine nội địa là sử dụng sai mục đích ban đầu, khó chấp nhận. Hơn nữa, cho đến nay vaccine Nano Covax là do công ty NANOGEN, một công ty tư nhân nghiên cứu và sản xuất. Khi được cho phép sử dụng, công ty này thu lợi thì không có lý do gì phải dùng tiền của Quỹ vaccine để hỗ trợ. Mà việc nghiên cứu cũng đã qua 3 giai đoạn thử nghiệm rồi, vaccine này chỉ cần chờ được phép thì tung ra, đâu cần tiền để nghiên cứu nữa. Nếu sau này, Bộ Y tế có chương trình nghiên cứu và sản xuất loại vaccine nào khác nữa, chuyện ấy sẽ tính sau. Tiền của mua vaccine mà chưa đủ để dùng lại đi làm chuyện khác là sao? Các ngài lãnh đạo đang tính chuyện gì vậy? Cũng nể các ông các bà thật đấy! Dân đang chờ minh bạch chuyện này.
Nhiều khi không hiểu nổi kiểu điều hành của nhà nước. Ngày hôm qua, Việt Nam lại đưa thêm app khai báo y tế VNEID vào hoạt động để truy vết F0. App này vừa được Bộ Công an Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động, với mục đích truy vết người nhiễm dịch. Ứng dụng khai báo y tế điện tử có tên gọi VNEID được nói ra đời trên cơ sở hệ thống khai báo di chuyển nội địa, lấy mã QR do Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) của Bộ Công an triển khai trước đó.
Việt Nam hiện có rất nhiều ứng dụng khai báo y tế cùng hoạt động như ‘tokhaiyte.vn’, NCOVI, Sổ sức khỏe điện tử, Health declaration, Bluezone...đang được Bộ Y tế sử dụng để khai báo y tế. Bây giờ lại thêm cái nữa do Bộ Công An quản lý. Dân rối không biết đường nào mà lần.
Trong khi đó, chiều 10.9, tại cuộc họp với Bộ Công an, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải về ứng dụng công nghệ tin học phục vụ chống dịch. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lại chỉ đạo trong thời gian sớm nhất phải có ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng.
Phó thủ tướng nêu rõ phải có một ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu. Thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây sẽ được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải thực hiện lại. Hiện nay có quá nhiều ứng dụng phục vụ chống dịch. Lại thêm nhiều tỉnh, thành cũng xây dựng các ứng dụng riêng. Các ứng dụng này không liên thông, gây khó khăn cho người dân. Đúng là mạnh ai nấy làm, không có một thống nhất nào. Người dân đang khổ vì miếng cơm hàng ngày, lại càng khổ với mấy thứ giấy tờ rắc rối. Nhiều App, nhiều tờ khai quá đến độ ngay nhà nước bây giờ cũng không nắm hết, biết hết chứ đừng nói người dân, người lao động không rành chữ nghĩa, người lớn tuổi không biết gì về các thiết bị điện tử, mỗi lần khai báo là mò mẫm, nhờ vả mọi người.
Một vấn đề đang gây khó khăn cho các bà nội trợ là hiện nay tại thành phố một số mặt hànɡ thựᴄ phẩm ᴄhế Ƅiến ᴄó hiện tượnɡ thiếᴜ hànɡ. Cáᴄ nhà ᴄᴜnɡ ứnɡ ᴄhᴏ Ƅiết ɡặp khó khăn về nɡᴜyên liệᴜ và lɑᴏ độnɡ nên khó đáp ứnɡ đủ nhᴜ ᴄầᴜ thị tɾườnɡ. Thựᴄ tế, ɡần 2 tᴜần tɾở lại đây, nhiềᴜ nɡười tiêᴜ dùnɡ tại thành phố ᴄhᴏ Ƅiết phải mᴜɑ một số lᴏại mì ɡói, miến khô, nᴜi, Ƅột mì, Ƅột nănɡ… tɾên ᴄhợ mạnɡ với ɡiá tănɡ ᴄɑᴏ. Tɾᴏnɡ khi đó, tại một số siêᴜ thị, ᴄửɑ hànɡ tiện lợi ᴄó tình tɾạnɡ thiếᴜ hànɡ, khó mᴜɑ.
Đại diện một hệ thốnɡ thừɑ nhận ɡần một thánɡ nɑy ᴄáᴄ lᴏại đậᴜ, Ƅột, mì, hủ tiếᴜ, phở khô, Ƅún khô đềᴜ đɑnɡ ᴄó nɡᴜy ᴄơ đứt hànɡ. Đặᴄ Ƅiệt là ᴄáᴄ mặt hànɡ Ƅột ɾất khɑn hiếm, một số nhà ᴄᴜnɡ ᴄấp khônɡ đủ lượnɡ hànɡ ᴄᴜnɡ ứnɡ ᴄhᴏ siêᴜ thị. Phong toả quá dài, nhà máy giảm công suất, công nhân bị hạn chế đến xưởng, hàng hoá, thực phẩm khan hiếm là chuyện dễ thấy. Bây giờ cho phép nhà hàng, quán ăn mở cửa lại, nguyên liệu khó kiếm, phải mua giá cao lại thêm tiền ship. Mọi khó khăn ấy cuối cùng dồn lên đầu người tiêu dùng, người dân chịu gánh hết. Tô phở, tô bún giờ muốn ăn phải mua online, giá cộng thêm tiền shipper sẽ tăng gấp đôi. Chủ cửa hàng cũng ngại mà người dùng cũng thấy ớn lúc trả tiền.
Sau cơn đại dịch này, thế giới và cả Việt Nam cũng sẽ có nhiều đổi thay. Một cuốn sách rất hay mang tên "Tương lai sau đại dịch Covid” đưa ra kỳ vọng của Jason Schenker về những thay đổi, thách thức và cơ hội sau đại dịch có quy mô toàn cầu. Đó là một cuốn sách Dự báo tương lai sau đại dịch. Cuốn sách này đã được xuất bản tiếng Việt với tên Tương lai sau đại dịch Covid (Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành).
Jason Schenker là nhà tương lai học, Chủ tịch Viện Tương lai học, Mỹ. Ông có bằng thạc sĩ về kinh tế ứng dụng, ngữ văn Đức và đàm phán. Bloomberg xếp ông là chuyên gia dự báo số một thế giới trong 25 hạng mục, trong đó có nhiều hạng mục thuộc lĩnh vực tài chính.
Ông là tác giả của một số sách: Robot-Proof Yourself, Recession-Proof, Jobs For Robots.
Jason Schenker nói về tương lai xa, tương lai của nhân loại. Còn chúng ta đang muốn bàn về tương lai gần, tương lai trước mắt là làm sao để có một cuộc sống bình thường, thật bình thường như đã từng đã sống. Đôi khi hạnh phúc chỉ là điều rất giản đơn, được còn khoẻ và sống sót sau cơn đau của thành phố, được thanh thản dạo chơi, được làm việc, được nhìn nhau, nắm tay nhau không nghi ngại. Được thở bằng chính lồng ngực và hơi thở của chính mình. Cũng đôi khi, qua biến cố, mọi người nên tận hưởng cuộc sống, muốn làm gì thì làm ngay, muốn đi đâu thì đi ngay, muốn yêu thương thì hãy yêu thương. Hãy làm những gì ta đang nghĩ kể cả những chuyện không cần giống ai, muốn nhuộm tóc, cứ nhuộm, muốn xăm mình, cứ xăm, muốn ăn gì cứ ăn, muốn sắm gì cứ sắm miễn trong túi còn có tiền. Muốn thổ lộ với ai thì đừng chần chừ. Muốn trả thù ai cứ thực hiện. Tha thứ được thì cứ tha thứ, khóc được cứ khóc, cười được cứ cười. Đi đường gặp ai cứ cười vẫy chào khi họ nhìn ta. Biết đâu ngày mai họ không còn trên cõi đời này nữa. Còn cha mẹ thì cứ ôm cha, ôm mẹ và bảo rằng con thương cha mẹ, con yêu cha mẹ. Bởi tuổi già như trái chín cây, một hôm nào đó có muốn nói cũng chẳng còn kịp nữa.
Bởi qua cơn dịch, ai cũng thấy đời vô thường quá. Lâu nay cứ nói đến vô thường nhưng không thấm hết cho đến khi thấy người chết xếp lớp trong thùng lạnh, cho đến khi người thân, bạn bè đột ngột ra đi, ta mới hiểu hết cái lẽ vô thường. Quá khứ qua rồi, tương lai chưa thấy, hãy sống cho hôm nay. Sống hết mình để khỏi tiếc nuối và ân hận. Và giờ đây, chúng ta còn phải sống thay cho hơn chục ngàn người đã chết oan khuất vì con virus khủng khiếp kia. Sống cho một Sài Gòn đang dần hồi sinh qua cơn đau quá nặng. Đừng trách móc ai, đừng đổ lỗi cho ai, đừng gánh thêm thù hận. Cứ bước tới, với dáng đi của Sài Gòn.
11.9.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ sáu mươi lăm.
DODUYNGOC
Đăng nhận xét