Sáng nay có chút nắng, nhìn xuống đường vẫn con đường vắng, quán cà phê bên đường vẫn đóng cửa im ỉm mấy tháng rồi. Cuộc sống ngưng trệ và thấy đời cũng như ngưng lại. Có phải bây giờ đang là mùa thu? Giãn cách kéo dài làm cho người ta không còn nhớ thứ và ngày, chẳng còn nhớ mùa nào đang đến. Nhờ viết nhật ký nên còn nhớ ngày chứ không chắc chẳng để ý làm chi khi một ngày như mọi ngày. Uể oải, cảm thấy bị tù hãm, cảm giác bị đánh cắp tháng năm. Ngày nào cũng nghe tin người quen biết ra đi trong lặng lẽ. Nghĩ về đời người lại nhớ đến một bài thơ của Lý Bạch:
Xuân nhật tuý khởi ngôn chí
Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh!
Sở dĩ chung nhật tuý,
Đồi nhiên ngoạ tiền doanh.
Giác lai miên đình tiền,
Nhất điểu hoa gian minh.
Tá vấn thử hà nhật,
Xuân phong ngữ lưu oanh.
Cảm chi dục thán tức,
Đối tửu hoàn tự khuynh.
Hạo ca đãi minh nguyệt,
Khúc tận dĩ vong tình.
Đúng quá! Xử thế nhược đại mộng: cuộc đời như một giấc mộng lớn. Rồi buông tay còn lại chỉ nhúm tro tàn. Giờ ta cũng nằm ở hiên nhà nghe tiếng chim hót và cũng như ông Lý Bạch, buông ra câu hỏi: Tá vấn thử hà nhật: Xin hỏi hôm nay là ngày nào? Chỉ khác là ta không biết uống rượu nên không "Đối tửu hoàn tự khuynh". Thôi đành nằm nhìn mây bay và gió thổi để mơ về một ngày lại được tung tăng.
Hôm qua, 9.9, Sở Y tế cho biết đã có tờ trình gửi UBND TP về việc ban hành kế hoạch phòng chống dịch giai đoạn sau ngày 15.9 sẽ sử dụng "thẻ xanh" để người dân tham gia các hoạt động lao động sản xuất. Cụ thể là người có thẻ xanh là người đã được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến nghị của hãng vắc xin và đủ thời gian để tạo kháng thể. Người đã nhiễm bệnh trong vòng 6 tháng cũng là đối tượng được sử dụng thẻ xanh. Người có thẻ xanh sẽ được tham gia sinh hoạt xã hội tuỳ theo mức độ kiểm soát dịch. Có thêm cái này nữa nè, F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch; người chỉ tiêm 1 mũi thì được tham gia các hoạt động nơi công cộng ngoài trời, được đi học, đi làm nhưng cần bố trí công việc hạn chế tiếp xúc nhiều người, có thể đi du lịch, đi công tác nội địa nhưng cần tuân thủ 5K, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc trực tiếp. Như vậy là lứa tuổi như tôi dù được tiêm đủ hai mũi vẫn bị hạn chế, không cho tiếp xúc nhiều người. Thế là đồ quá date rồi. Cũng chấp nhận thôi. Chỉ buồn là có kẻ quá hạn sử dụng lâu rồi mà vẫn ngồi trên nóc cũng có sao đâu.
Câu hỏi được đặt ra là thẻ xanh này sẽ được cấp như thế nào và do ai cấp? Nếu tổ chức không tốt sẽ tạo ra cảnh chen chúc nhau để nhận thẻ xanh lại tạo cơ hội cho virus lây nhiễm. Thông thường khi được tiêm chủng sẽ có một tấm giấy mỏng xác nhận, nhưng nếu dùng giấy này để đi đường thì chỉ vài hôm là rách bươm, không còn sử dụng được nữa. Hay nhất là Sổ sức khoẻ điện tử trong điện thoại. Nhưng tiếc thay cái sổ này làm việc chẳng ra hồn. Có người chích rồi mà sổ không thấy báo, có người chích đủ 2 mũi thì sổ báo chỉ một mũi, lung tung cả. Hình như nó đã quá tải nên không cập nhật được. Thế thì tại sao không giao việc cập nhật về từng tỉnh thành. Địa phương nào tự cập nhật theo địa phương đó sẽ chính xác và nhanh chóng hơn. Khi làm tốt sổ này, lúc cần chỉ đưa điện thoại ra là xong và nếu sau này đi nước ngoài cũng dễ dàng và tiện lợi. Xứ nào, vùng nào cũng hiểu được.
Trong ngày 08.9 có 778.673 liều vắc xin phòng virus được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm cho đến 8.9 là 24.781.185 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 20.591.403 liều, tiêm mũi 2 là 4.189.782 liều. Với những con số như thế và sẽ tăng hơn nữa trong những ngày sắp tới, chỉ có bộ phận của Bộ Y tế làm ăn kiểu này thì sẽ không bao giờ làm nổi và cuối cùng Sổ sức khoẻ điện tử trở thành thứ trang trí cho vui, chẳng mang lại ích lợi gì. Chỉ một việc như thế mà không tổ chức được thì chứng tỏ đội ngũ IT của Bộ Y tế quá tệ, làm sao mà đòi 4.0.
Vừa qua, thành phố cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về, đặt hằng qua app công nghệ, sử dụng shipper để đúng điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, với nhiều chủ quán việc buôn bán trở lại trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn. Ngày hôm qua dù đã được phép nhưng hầu như chưa quán nào hoạt động. Nguyên nhân đầu tiên là các chợ vẫn còn đóng cửa, tìm mua nguyên liệu rất khó. Trong khi đó, giá nguyên liệu lại quá đắt đỏ, người chủ cửa hàng cũng không biết làm cách nào để có giấy đi đường để ra ngoài mua nguyên liệu cần thiết. Một lý do nữa theo một chủ quán cho biết rằng: "Thịt giá tăng, rồi thêm tiền ship cũng quá cao, tôi đâu thể nào bán cho khách một tô bún chả giá 100.000 đồng, trong khi bình thường chỉ có 50.000 đồng”. Bên cạnh đó, khó khăn nữa là vấn đề shipper, hiện người giao hàng không dễ kiếm mà nếu có thì giá lại quá cao, nhiều khi bằng giá mua của một món thức ăn nên khó để khách chấp nhận. Mở cửa được là điều những người buôn bán mừng vui. Nhưng nếu không đồng bộ, kế hoạch này cũng khó đạt hiệu quả. Chưa kể nhiều chủ cửa hàng lo lắng tình hình dịch chưa êm, mở ra rồi lại có chỉ thị đóng lại thì mệt mỏi và tốn kém lắm. Cho nên họ chủ trương sẽ mở cửa vào lúc thích hợp nhất.
Hôm qua thèm phở, điện thoại cho ông chủ phở Dậu, ông bảo còn lâu anh ơi, chưa dám ấn định ngày nào mở lại vì còn cảm thấy phập phù quá. Có lẽ những quán đông khách khác cũng thế. Thôi thì đành nhịn thèm tiếp. Chờ thôi.
Khi có thông tin báo động về đội ngũ nhân viên y tế bỏ việc vì thời gian chịu đựng quá dài và không có đãi ngộ xứng đáng. Tiếp đó có văn thư của Bộ Y tế về việc kỷ luật và tước giấy hành nghề thì xã hội đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Sau đó, Thủ tướng yêu cầu có ngay chính sách với đội ngũ y, bác sĩ chống dịch. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương có giải pháp kịp thời, cụ thể về vấn đề chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y, bác sĩ tham gia chống dịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa vào nghị quyết phiên họp về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân. Đề xuất này phù hợp với thực tế tuy hơi trễ nhưng dù sao cũng để cứu vãn được tình trạng thiếu nhân lực, một trong những nguyên nhân đưa đến tử vong cao. Thực tế trước đây đội ngũ nhân viên y tế và cả lực lượng tình nguyện không được quan tâm. Nhiều người ở tuyến đầu chưa được chích ngừa hay chỉ được một mũi, đồng thời trang bị bảo hộ thiếu thốn. Nhất là những người ở các bệnh viện tư và những y bác sĩ về hưu tình nguyện tham gia. Tình trạng này đưa đến số ca phơi nhiễm ở lực lượng y tế rất cao, gây khó khăn rất lớn cho việc chống dịch.
Sau đó, ngày 9.9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, lực lượng y tế gặp không ít khó khăn, phải chịu sự hy sinh, mất mát, phải đối mặt với các nguy cơ đe doạ sức khoẻ và tính mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Để bù đắp phần nào những khó khăn và động viên các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, ngày 9.9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng chống dịch. Đặc biệt trong đó là chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung, các phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng không cho biết chính sách đó cụ thể như thế nào, phụ cấp ra sao, ăn uống, sinh hoạt được tổ chức với hình thức nào? Lực lượng y tế mong được cụ thể hoá những điều này bằng văn bản chính thức và các bệnh viện, trung tám điều trị phải thực thi nghiêm chỉnh để mọi người được an tâm tiếp tục công tác.
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố đến nay đơn vị đã huy động tổng số 17.653 người (trong đó bác sĩ: 4.897 người; điều dưỡng: 3.600 người; kỹ thuật viên: 1.206 người và nhóm Khác: 2.950 người) từ các cơ sở y tế trên địa bàn.
Ngoài ra, Bộ Y tế huy động lực lượng hỗ trợ đến nay có 6.627 nhân viên y tế của 37 bệnh viện bộ ngành, trung ương và 37 sở y tế các tỉnh. Tất cả tham gia công tác điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị, trung tâm hồi sức, các khu cách ly F0 quận huyện, trạm y tế lưu động.
Bên cạnh đó còn huy động 1.883 tình nguyện viên trên địa bàn TP và các tỉnh thành khác (sinh viên, nhân viên y tế về hưu, tôn giáo…) tham gia.
Như vậy, lực lượng này rất đông đảo góp công sức để thành phố chống dịch. Tuy nhiên theo khảo sát mới đây của Sở Y tế với 60 bệnh viện, ghi nhận có 36 bệnh viện hài lòng về suất ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, 19 bệnh viện đánh giá bình thường và 5 bệnh viện không hài lòng. Không biết khảo sát này có chính xác không nhưng thực tế là các y bác sĩ kêu ca chuyện ăn uống này dữ lắm. Họ cho rằng suất ăn không đủ chất, không đủ lượng; không hợp khẩu vị, món ăn không phong phú, đa dạng và giao trễ giờ cơm…Ăn không tốt thì làm sao làm việc tốt được. Nhất là làm việc trong không khí căng thẳng, dồn dập và giữa ranh giới của sống chết.
Trời lại muốn mưa, xám xịt một màu tang. Cảm 4 câu cuối của nhà thơ Lý Bạch được Tản Đà viết lại:
"Ngậm ngùi cám cảnh sinh tình,
Nghiêng bầu, mình lại với mình làm vui.
Hát ran, chờ tấm trăng soi,
Thoạt xong câu hát thời rồi đã quên".
Thời đại dịch này, lắm chuyện muốn quên mà dễ gì quên được. Nó khốc liệt, bi thương và đau đớn quá mà. Làm sao quên.
10.9.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ sáu mươi bốn.
DODUYNGOC
Đăng nhận xét