SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BẢY MƯƠI.



Bắt đầu từ ngày 9.7, ngày chính quyền siết chặt phong toả Sài Gòn để ngăn chận dịch bệnh. Hôm nay viết đến bài thứ bảy mươi như là nhật ký những ngày đại dịch tàn phá thành phố này. Đã có hơn 12.000 người đã chết vì dịch, chưa kể những số người khác mắc các bệnh thông thường nhưng vì trong mùa dịch không có phương tiện đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, không được bệnh viện nhận, không được chăm dóc chu đáo như bình thường, bệnh mãn tính không được tái khám và nhận thuốc đúng hẹn..và những người bệnh đó cũng đã ra đi một cách oan uổng. Một người mất, bao nhiêu người thân thuộc buồn đau, tiếc nuối. Trong những ngày cao điểm nhiều gia đình chết đến vài ba người nhiều thế hệ. Cho đến nay dù con số tử vong có giảm hàng ngày nhưng số người nhiễm bệnh vẫn cao. Do vậy, chính quyền thành phố vẫn phân vân khi chuẩn bị mở cửa một phần, giảm giãn cách một phần chứ chưa dám có quyết định để thành phố trở lại bình thường. "Bình thường mới" là chữ mà lãnh đạo thành phố sử dụng, có nghĩa không thể bình thường như cũ khi chưa đạt được những tiêu chí của Bộ Y tế đề ra. 

Càng kéo dài giãn cách thiệt hại kinh tế rất lớn và lòng dân thì bất an. Nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài ở Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai đang tính đường rút chuyển qua Mexico hay Brazil vì không thể chờ đợi. Đa số là doanh nghiệp may mặc và sản xuất giày dép. Họ chuẩn bị để phục vụ Giáng Sinh, nhưng nhà máy phải ngưng hoạt động vì dịch nên phải tìm cách chuyển. Một doanh nghiệp ở Bình Tân với 56.000 công nhân mấy tháng nay cũng đành bó tay ngồi chờ. Nhà máy đóng cửa không những thiệt hại về kinh tế mà còn kéo theo biết bao công nhân thất nghiệp. Họ trở thành người thiếu ăn, con cái cũng khó đến trường đành dở dang việc học hành, cha mẹ, người thân đau ốm không tiền mua thuốc chữa bệnh. Những tổ chức từ thiện, thiện nguyện, những nhà hảo tâm cũng rút dần vì thời gian quá dài, vì những thị phi, vì những khó khăn trong công việc đưa đến tâm lý chán nản, buông tay. Và kẻ bị thiệt thòi là những người nghèo. Kéo dài giãn cách càng lâu không những thiệt hại về kinh tế mà ảnh hưởng đến xã hội rất lớn. Không những thế gây tâm trạng bất an và tạo ra những sang chấn tâm lý cho rất nhiều người. Sau mùa dịch chắc là an ninh trật tự của thành phố sẽ nảy sinh lắm vấn đề.

Chính quyền thành phố cũng đã đưa ra lộ trình để có thể đến đầu tháng 10, mở dần từng phần để bình thường hoá sinh hoạt. Để chuẩn bị bị kịch bản phục hồi kinh tế và bình thường mới phải cần những yếu tố cơ bản. Đầu tiên là phải có và chuẩn bị đủ vaccine cho toàn dân, đồng thời cũng nên thay đổi quy trình tổ chức tiêm chủng sao cho nhanh chóng, an toàn và khoa học. Phải sắp xếp lại các bệnh viện và các khu điều trị virus Vũ Hán, đặc biệt là nhân lực và thiết bị. Sắp tới, đội ngũ chi viện từ khắp nơi sẽ rút dần về, nhân lực sẽ thiếu hụt vì con số nhiễm bệnh vẫn còn cao. Cũng cần thuốc để chữa bệnh và phương án túi thuốc cho người F0 chữa tại nhà vẫn là cách tốt nhất để giảm tải cho các bệnh viện. Lâu nay con số tử vong cao là bởi thiếu nhân lực và không được cấp cứu kịp thời. Theo Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc trung tâm Hồi sức Covid Bình Dương, đơn vị hiện cấp cứu các ca nặng đến hấp hối. "Sự nguy hiểm của virus không phải nằm ở tải lượng virus cao hay thấp, âm tính hay dương tính mà nằm ở chỗ virus này khi xâm nhập cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch phản ứng mãnh liệt tạo nên "Bão Cytokine" làm viêm phổi cấp, viêm và suy đa tạng.

Bão Cytokine không chừa một ai hết, bất kể có bệnh nền hay không có bệnh nền, già hay trẻ. Khi đã xảy ra bão Cytokine thì đang cười nói bình thường thì F0 bỗng chuyển sang mệt mỏi, khó thở tụt Oxy nhanh chóng. Diễn biến xảy ra cực nhanh chỉ trong 3-4 tiếng hoặc chỉ qua đêm ngủ các cơ quan bị viêm nặng rồi sáng dậy...đi luôn." Như vậy khi người bệnh không được chăm sóc chu đáo, không được theo dõi thường xuyên thì chuyện tử vong là đương nhiên và con số người tử vong cao ở thành phố trong thời gian vừa qua đã chứng minh điều đó.

Giúp cho người dân những kiến thức cơ bản để tự phòng chống dịch cũng là một yêu cầu cần thiết. Hiện nay trên các mạng xã hội, trên hệ thống truyền thông, trên youtube tràn lan đủ mọi thứ thuốc chữa, đủ mọi cách để tự chữa bệnh, không biết bao nhiêu tin tức về virus cũng như về vaccine. Người dân đọc và truyền đi khiến rất nhiều người hoang mang vì có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tin tức mâu thuẫn với nhau. Ngay trên báo chí chính thống cũng không thiếu những thông tin ngược với nhau. Dân nhiều khi tin những tin giả, tin tào lao hơn tin thật. Một phần cũng do trình độ dân trí, phần khác do lo sợ, hoang mang và phần lớn là nhà nước không có một kênh thống nhất trang bị cho dân những kiến thức cơ bản về dịch, về virus, về vaccine. Đồng thời với những tin nhảm, hệ thống thông tin của nhà nước phải phản bác tức thì giúp cho người dân có nhận thức đúng về bệnh.

Có lẽ đến thời gian này, thành phố cũng nên giảm bớt các chốt chặn, xoá bớt những khu vực cách ly, bỏ dây giăng, gỡ bớt những khung, những cuộn dây kẽm cho các con phố, các ngõ hẻm, các khu dân cư thông thoáng và bớt không khí căng thẳng. Ừ thì vẫn chấp nhận mỗi khu phố, mỗi phường xã là một pháo đài. Nhưng pháo đài được hiểu theo nghĩa là được theo dõi và kiểm soát chặt những gì dính líu đến dịch bệnh chứ không nên rào chắn với chận đường mãi thế. 

Vừa rồi, Phó Chủ tịch UBND Lê Hòa Bình thông tin sau ngày 30.9, không áp dụng giấy đi đường nữa mà sẽ có một app di chuyển do công an quản lý. Thế là có thêm một cái app nữa trong số hơn hai chục cái nữa rồi. Dân cứ hỏi là tại sao không có được một app thống nhất giữa các ban ngành như Y tế, Công an và Giao thông mà phải tách ra làm khổ dân như thế?

Trong buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố diễn ra tối 15.9, Phó chủ tịch Lê Hòa Bình cho biết thành phố cho phép các sinh hoạt thể dục thể thao tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc các “vùng xanh” được mở cửa trở lại, kể từ ngày 16.9. Thế nhưng sáng nay, nhiều người đi tập thể dục trong những khu quy định cũng bị nhắc nhở không cho phép cũng như các chốt chặn không cho di chuyển. Thế nên việc cho phép này cũng như không.

Rất nhiều doanh nghiệp kêu than vì không chuyển hàng được do các thủ tục hạn chế và nhiêu khê. Nhất là những doanh nghiệp chuyên phân phối hàng hoá. Có doanh nghiệp chuyên giao thuốc chữa bệnh nhưng đành bất lực khi hệ thống nhà thuốc đặt hàng mà không thể di chuyển được. Muốn bình thường hoá thì cũng phải ưu tiên gỡ khâu lưu thông này.

Chiều 15.9, trong cuộc họp trực tuyến với địa phương trên cả nước và các bộ để tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển hàng hóa , Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết tuần qua cá biệt xảy ra ùn ứ tại một số chốt kiểm soát do địa phương áp dụng quy định chưa thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ GTVT.

Theo đại diện Sở GTVT thành phố, từ nay đến cuối tháng 9, thành phố vẫn giữ nguyên tình hình giãn cách. Đến 1.10 có thể tạm thời chia 3 giai đoạn: Từ ngày 1.10 đến 31.10, 1.11 đến 15.1.2022 và sau 15.1.2022 để điều chỉnh, tuy nhiên tất cả mọi vấn đề phụ thuộc vào diễn tiến tình hình dịch bệnh. Như vậy, nếu theo chuẩn bị của Sở Giao thông, Vận tải thì tình hình lưu thông còn khó khăn kéo dài đến tận đầu năm 2022.

Trở lại chuyện vaccine, hôm qua có mấy tin khiến dân lại lo lắng. Trước hết là tin Nhật Bản thu hồi số vaccine Pfizer có dị vật. Theo tin, thành phố Sagamihara thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản đã quyết định thu hồi một lượng vaccine Pfizer sau khi phát hiện có dị vật màu trắng. Thành phố ta cũng rất nhiều người được chích vaccine Pfizer, nghe tin này cũng hơi ớn. Một tin nữa là yêu cầu giám định hoạt chất, hàm lượng một số lô vắc xin Vero Cell nhập khẩu. Lý do, theo Tổng cục Hải quan, qua xem xét hồ sơ hải quan một số lô hàng vắc xin Vero Cell do Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu theo Giấy phép số 7929/QLD-KD ngày 8.7.2021 của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho thấy hoạt chất, hàm lượng/nồng độ trên Giấy phép số 7929/QLD-KD là 6.5 U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt, nhưng trên phiếu kiểm nghiệm có kết quả là 7,2 U; 7,4 U; 7,8 U hoặc 6,9 U..

Rất nhiều người đã mạnh dạn đồng ý chích mũi 1 Sinopharm trong trạng thái tâm lý không tin tưởng lắm. Giờ nghe tin này cũng thêm lo. Không biết mũi 2 có chích tiếp Sinopharm và cũng chẳng biết rồi có vấn đề gì không nữa.

Đã có một số dịch vụ ăn uống mở cửa bán mang đi, nhưng giá cả gây choáng cho người tiêu dùng. Trên thị trường hiện nay, mặt hàng nào cũng tăng giá, từ ổ bánh mì, tô bún bò cho tới thùng mì gói, bao bột chiên  hay chai nước mắm. Không biết rồi đây làm thế nào để bình ổn giá cả đây. Giá tăng cao mà tiền thì càng lúc càng cạn. Người thất nghiệp không còn tiền. Người có chút tiền để dành thì cũng sắp hết vì giãn cách kéo dài. Nhiều người còn tiền trong tài khoản nhưng không đi rút được. Người có vàng muốn bán có tiền mặt tiêu xài cũng không có nơi mua. Đủ thứ khổ vì dịch bệnh.

Trung thu năm nay trẻ sẽ không còn được đón Trung thu như mọi năm. Các hãng bánh chắc sẽ chẳng có mấy khách. Một mùa Vu Lan buồn vừa đã đi qua. Một Trung thu chẳng gì vui đang tới. Thôi thì đành giam mình trong nhà mà ngắm trăng trong mưa vậy.

Đây là bài viết thứ bảy mươi và cũng là bài chót tôi viết về những ngày phong toả ở Sài Gòn. Nhật ký phong toả sẽ dừng lại ở đây. Tuy không còn viết với hình thức nhật ký hàng ngày, tôi vẫn viết trên Facebook những suy nghĩ, cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn của tôi về cuộc sống, về thành phố Sài Gòn rất thân thương này.

Mong các bạn bè, các anh chị em đã từng đọc các bài viết của tôi vẫn tiếp tục đọc và gởi đến tôi những ý kiến, tình cảm của quý vị. Tôi rất cám ơn.

Tôi định viết bài chót này sẽ có phần về những quán ăn sẽ đến sau khi thành phố mở cửa để thoả mãn thèm khát mấy tháng nay và cũng theo yêu cầu của rất nhiều người. Nhưng bài này nhiều chuyện quá, dài dòng quá rồi nên sẽ hẹn với anh chị em một bài khác viết về chuyện ăn uống ở Sài Gòn. Ăn thôi chứ không có chơi. Dzậy đi nhe.

16.9.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ bảy mươi

DODUYNGOC


SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BẢY MƯƠI.

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget