Latest Post







Cuối tháng hai, đồng bọn trên Đà Lạt í ới gọi về bảo năm nay Mai Anh đào nở đẹp lắm, sao không lên mà ngắm cho thoả. Lại gặp dịp có cặp vợ chồng bà con của người bạn ở Hà Nội vào có việc lên Đà Lạt. Cũng đang muốn trốn cái nóng của Sài Gòn đang rực rỡ. Thế là mang máy hằm hở lên đường. Chương trình sẽ ghé Bảo Lộc trước khi lên Đà Lạt. Mà đích ở Bảo Lộc là chùa Linh Quy Pháp Ấn, một địa chỉ được truyền tụng nhiều gần đây trong giới trẻ mê du lịch và những người cầm máy ảnh. Hợp đồng với một cháu tài xế taxi trông cũng hiền lành sẽ lên đường vào 5:00 sáng, hi vọng sẽ đón bình minh, nhưng rồi thất vọng, sáng đó trời âm u, xám xịt, sương mù tuy không nhiều nhưng làm cảnh vật chẳng có chút ánh sáng nào. Thôi thì lên cho biết, chẳng mong có tấm hình ưng ý. Cháu tài xế bảo lúc này xe đến tận sân chùa, nghe thế tui cũng mừng vì vốn chân đau khớp, nghĩ đến việc leo trèo là oải chè đậu rồi. Trước đây nghe Lữ Đắc Long bảo cỡ tui thì lên không nổi chùa ấy đâu vì đường đi gian nan lắm. Giờ nghe tài xế bảo thế cũng khoái. Không ngờ đúng là đường sá có cải thiện nhưng đoạn cuối cũng phải leo bộ một khúc khá dài. Tui cũng làm hăng, cũng leo cùng với mọi người. Nhưng rồi lực bất tòng tâm, chỉ mới đi được hơn nửa đường, các khớp đầu gối và mắt cá chân bắt đầu đau, không theo sự chỉ đạo của tui nữa, tim lại đập nhanh, mệt rũ cả người. Đã thấy mình già và yếu sức vì thiếu tập luyện thường xuyên. May thay thấy phía bên kia có một con đường mòn nhỏ, thi thoảng có những chiếc xe gắn máy chở người dzọt lên. Tui lần ra con đường đó và may mắn gặp một cô xe ôm trống chỗ. Tui leo lên và cô ấy phóng đi. Tới lúc đó tui mới ân hận và thấy mình dại dột. Con đường bé tí vừa bánh xe qua, phần còn lại lổm nhổm đất đá và gai góc của những cành khô. Chỉ cần bất cẩn một chút là tui có thể bị quật xuống đường và hậu quả thì chắc là bi đát. Cô ấy bảo bác ôm chặt cháu đi, không sao đâu. Nhưng tui tay thì ôm chặt bụng cô ấy, miệng thì la oai oái, còn cô ấy thì cứ rú hết ga, xe nổ ầm ầm, phóng đi như xe đua công thức một. Ghê thật. Và cuối cùng thì cũng tới, trời không có nắng nên cũng chẳng chụp choẹt gì, nhưng hậu quả là các khớp gối của tui bắt đàu nhức. Đến trưa, vào quán cơm của gia đình một người em đang kinh doanh khách sạn ở Hội An, nhắn tin là chú đến gặp ba cháu, ba cháu và các em cháu ái mộ chú lắm. Một căn nhà lớn ở ngay mặt tiền của thành phố Bảo Lộc, ngang hơn 40m và sâu đến 165m, một tài sản lớn giữa thời rộn rịp bất động sản hiện nay. Đó là quán cơm Kim Huê ở đường Trần Phú và cũng là xưởng trà Kim Huê có tiếng ở Bảo Lộc. Được chiêu đãi bữa cơm trưa, lại còn được tặng túi quà mấy hộp trà mang về. Ngồi ăn cơm và nói chuyện với ông chủ xong, khi đứng lên tui không đi được nữa. Các khớp đau đớn vô cùng, mỗi bước đi là một cực hình. Lê thân leo lên được taxi, mồ hôi ướt đẫm mà các khớp đau xé ruột. Từ giờ phút đó, tui trở thành phế nhân, chuyến đi trở thành cơn ác mộng. Ngồi xe Thành Bưởi lên Đà Lạt, các khớp của tui đau nhức buốt tận óc, người như mê đi, lúc xuống xe phải có người dìu, không thể đứng thẳng được. Hai khớp sưng, hai bàn chân cũng sưng húp như bị phù, không xỏ vào sandal được nữa. Và cũng từ đó là chạy đua với thuốc men. Lúc đầu là Voltaren uống, rồi Voltaren nhét hậu môn, rồi thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, rồi Colcichin, rồi ông chủ khách sạn đưa cho một vỉ thuốc khớp gởi về từ bên Đức mà ông cũng đang uống. Tất cả không si nhê một chút nào, các khớp vẫn đau, vẫn không thể vận động, ngày hôm sau lại phát hiện cùi tay trái sưng đỏ, không nhấc tay lên được. Nạp thuốc quá nhiều nước tiểu vàng như nghệ lại đắng mồm không ăn chi được, các khớp nhức quá nên cũng chẳng ngủ được, người mệt rũ rượi như sắp tiêu. Như thế hai ngày ở Đà Lạt chỉ loay hoay trên chiếc giường của khách sạn, chẳng biết hoa Anh đào nở thế nào, đường hoa đẹp ra sao? Đến Đà Lạt lần này chỉ biết có cái giường. Trưa ra phi trường Liên Khương về lại Sài Gòn, gặp anh tài xế tốt bụng, khi thấy tui không đứng lên nổi, anh liền xốc cõng tui vào sảnh check in. Trước cảnh đó, hãng máy bay Vietnamairlines liền cung cấp cho tui một chiếc xe lăn với người phục vụ và được đưa lên bằng con đường riêng là cửa thoát hiểm đến tận ghế ngồi. Lúc máy bay xuống Tân Sơn Nhất cũng thế, được xe lăn đẩy ra tận đường đón taxi. Cũng nên biểu dương sự tận tình, chu đáo của hãng máy bay đối với người không thể tự mình di chuyển được như trường hợp của tui. Việc phục vụ này cũng không phải trả thêm một chi phí nào. Hoan nghênh Vietnamairlines một cái.
Thế là xong một chuyến đi. Đi đến và chẳng biết Đà Lạt có thay đổi gì và hoa Đà Lạt đẹp thế nào. Cũng buồn. Thấy mình như có lỗi vì cái chân đau của tui mà chuyến đi mất vui. Cũng rút được bài học là ở tuổi này rồi làm chi cũng phải biết lượng sức mình, không nên ráng.
25.2.2019
DODUYNGOC




Lá dưới nắng lá màu xanh rực rỡ
Tôi héo khô ngày đã cũ qua mùa
Chân không vững đấm cửa hoài không mở
Tiếc một thời qua bao dặm dường cua
Phố đông lắm chỉ mình tôi đơn lẻ
Đời như sông tôi cá lội ven bờ
Để một sớm nhìn bóng mình hỏi khẽ
Tôi là ai chỉ một thoáng bụi mờ
Đường trăm ngã quanh một vòng trở lại
Trưa bơ vơ quên mất lối đi về
Thân đã mỏi bao nhiêu điều trễ nải
Lần lửa hoài chẳng thoát khỏi cơn mê
Con chim nhỏ đứng ngây ngô dưới lá
Chẳng buồn kêu chiều rớt ở chân trời
Tôi quỳ xuống chờ một lời ân xá
Người muôn trùng xa tít chốn mù khơi
Ngày thứ bảy chuông giáo đường tắt ngúm
Chúa buồn hiu nhìn máu dưới chân mình
Tôi tội lỗi băng qua đời khúm núm
Xin ăn năn nên hứng chịu cực hình
Lá xanh mướt trên bóng cây rớm nắng
Cành héo hon lăn lóc ở bên đường
Cửa đã mở nhưng đọng đầy vết cắn
Tôi xanh rêu bám mãi ở chân tường
Có một lúc chợt giật mình ngó lại
Lá vẫn xanh mà mình đã tiêu điều
Và tự hỏi cớ sao mình tồn tại
Ôm bóng mình trăn trở một tình yêu
16.2.2019
DODUYNGOC


35 năm làm nghề thiết kế bìa sách, mấy chục năm liên tục nhận được giải thưởng bìa sách đẹp, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc đã trình bày cho hơn 10.000 tựa sách với đầy đủ các thể loại
Mới đây, họa sĩ 58 tuổi này đã góp vào triển lãm Mỹ thuật đồ họa (đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TPHCM, từ ngày 2 đến 9-7,) những “chiếc áo gấm” của sách, tạo một ấn tượng đặc biệt cho người thưởng lãm khi chứng kiến những sắc thái đa chiều trên những bìa sách do ông thiết kế.
Mỗi bìa sách, một tác phẩm nghệ thuật
27 tác phẩm chọn lọc của ông được trưng bày tại triển lãm lần này đủ nói lên một phong cách rất riêng của người thiết kế. Nổi trội nhất là tông màu đen-đỏ. Những đốm sáng lạ trong tác phẩm Hương sắc trong vườn văn (Nguyễn Hiến Lê), những khúc gãy trong Phản trắc (Hoàng Đình Quang), Trả giá (Triệu Xuân) hay cả nét dữ dội, sâu thẳm trong Bút máu (Vũ Hạnh), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác)... đều khiến người xem phải dừng lại để nhìn nhận sâu hơn những giá trị được chuyển tải trong tác phẩm.
Mỗi bìa sách luôn mang một giá trị thầm lặng, một bức thông điệp riêng. Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc nói: “Nếu không có kiến thức về văn học, không nhận diện được phong cách sáng tác của mỗi tác giả, hay ít nhất cũng là nắm được nội dung của tác phẩm thì người thiết kế rất khó vẽ một bìa sách có thể nói lên những giá trị nội dung của tác phẩm”. Quả vậy, bìa sách chính là khuôn mặt, phản ánh một phần giá trị của cuốn sách. Một bìa sách có thể khiến độc giả phải suy nghĩ nhiều về nội dung, trước khi đọc tác phẩm, thì mới mang đầy đủ giá trị của một tác phẩm nghệ thuật tạo hình.
Hơn 30 năm thiết kế bìa, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc đã nhìn nhận được những quy luật biến đổi về giá trị của tác phẩm, cũng như những nguyên tắc chung phổ biến của những bìa sách hiện nay. Có bìa sách chỉ mang yếu tố đẹp mặt như là một cánh đồng, một vườn hoa... nhưng lại không ăn nhập gì đến nội dung tác phẩm. Có những bìa sách gần như chỉ được làm cho có khiến cuốn sách bị giảm giá trị. Thậm chí có những đơn vị làm sách đưa những hình ảnh gây sốc lên bìa sách để câu khách lại gây phản cảm, khi bìa sách đi ngược lại với nội dung...
Những hình ảnh được thực hiện cho bìa sách cũng biến thiên theo thời gian, tác phẩm văn học có thể có một giá trị vĩnh cửu nhưng không có một quy luật bất biến nào cho việc thiết kế một bìa sách cho tác phẩm văn học. Người thiết kế cần phải luôn tìm tòi, sáng tạo để có những ý tưởng phong phú. Một bìa sách đẹp không phải được nhận định từ hình ảnh, màu sắc đẹp mà chính là vẻ đẹp được toát ra từ giá trị chiều sâu, phản ánh được một phần nội dung tác phẩm. Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc chia sẻ: “Trân trọng những giá trị, những bức thông điệp từ bìa sách cũng chính là trân trọng giá trị của tác phẩm văn học”.
Cuộc đời là những cuộc chơi...
“Cuộc đời chỉ là cuộc chơi, nên mình phải bày ra nhiều trò chơi với đời!” - người tự gọi mình trên blog là Bạch tu quái nhân - họa sĩ Đỗ Duy Ngọc đã nói như thế khi chia sẻ về những điểm dừng trong hành trình cuộc sống của mình.
Điểm dừng thứ nhất là vai trò một giáo viên giảng dạy văn học. Nhưng rồi ước vọng nghệ thuật đưa người con đất Quảng đi đến một hành trình xa hơn: một khóa tu nghiệp mỹ thuật tại Pháp. Trở về, thiết kế bìa sách, lại là một điểm dừng mà theo Đỗ Duy Ngọc tự nhận: “Chỉ vì cuộc sống”. Mặc dù luôn nói rằng mình làm bìa sách để kiếm sống, nhưng cái cách mà người họa sĩ có nhiều niềm đam mê - nhiều “trò chơi” với cuộc sống như những gì Đỗ Duy Ngọc nói về những bìa sách thì đủ hiểu ông rất thiết tha với những giá trị tinh tế mà mình tạo ra, góp phần tôn vinh mỗi tác phẩm.
Chưa bao giờ họa sĩ Đỗ Duy Ngọc chịu dừng lại, hài lòng với những sáng tạo của mình. Ông luôn muốn mình tạo ra những tác phẩm bìa sách chuyển tải được những giá trị sâu sắc hơn. Cũng như ông chưa bao giờ hài lòng với những điểm dừng trong hành trình cuộc sống của chính mình. Tuổi trẻ của ông miệt mài với giảng đường, học Đại học Mỹ thuật Huế, sau đó tốt nghiệp ban triết Đại học Văn khoa Sài Gòn, lại theo đuổi cho bằng được chuyên ngành Việt - Hán, Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, sau đó lại tốt nghiệp cả Đại học Sư phạm. Cho đến giờ, khi đã đi qua một chặng dài của cuộc đời, ông vẫn bước tiếp hành trình với những “trò chơi” mình “bày ra để chơi với đời”: sưu tập đồng hồ (từng được xác lập kỷ lục Người có bộ sưu tập đồng hồ nhiều nhất Việt Nam), chơi chim cảnh, chủ nhiệm câu lạc bộ nghệ thuật Breathingeyes, chụp ảnh nghệ thuật...
Thời điểm này, hình ảnh của những ngày tháng bôn ba vào Sài Gòn lập nghiệp đã lùi lại rất xa trong ký ức. Và cũng là lúc họa sĩ Đỗ Duy Ngọc góp nhặt những niềm vui cho riêng mình trong những chuyến từ thiện đến với các em thiếu nhi tại bệnh viện Ung bướu TPHCM. Với họa sĩ Đỗ Duy Ngọc, hành trình có ý nghĩa nhất của cuộc sống là phải sống có mục đích. Cứ như thế, niềm vui và giá trị của cuộc sống ở ông bắt đầu từ “những cuộc chơi có ý nghĩa”.
TIỂU QUYÊN
Việt Báo //


Trước tiên thì tui cũng xin nói cho rõ là ở đây tui chẳng phê phán ai, chế diễu ai bởi tui chẳng có cái quyền ấy. Đây chỉ là ý kiến riêng của tui, suy nghĩ của cá nhân tui về cái ngày gọi là ngày Thần Tài. Cái ngày này mới xuất hiện mới đây thôi, và tập trung tấp nập ở miền ngoài, đặc biệt là ở Hà Nội. Vào ngày này, người ta tin rằng sắm được vàng sẽ làm ăn thịnh vượng cả năm, buôn bán lời to, phát đạt. Nhìn qua là biết tục lệ này bắt nguồn từ Trung quốc và xuất hiện trở thành phong trào ở xứ Việt. Nó kết hợp với mấy tiệm buôn vàng và là dịp để các quầy vàng lời to. Theo phản ánh của báo chí, vàng mua xong chỉ thời gian ngắn sau đó là lỗ mất 500.000 đồng. Thế là chưa thấy thịnh vượng, phát đạt đâu mà đã thấy mất toi tiền, lại phải mất công chen lấn, năn nỉ và có người phải xếp hàng lấy số từ nửa đêm.
Tui không hiểu ở thời đại này rồi, thời đại ông thủ tướng Phúc và chính phủ của ông thường rêu rao về công nghệ 4.0 mà sao các ông tuyên truyền làm sao, giáo dục làm sao mà dân tình còn mê tín đến mức mông muội thế. Muốn làm giàu từ cổ chí kim người ta đã dạy là phải cần cù, chân thật, biết nắm thời cơ, biết thời biết thế cộng thêm may mắn do thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Bây giờ chuyên mua gian bán lận, buôn đồ giả, nói láo ăn tiền, cậy nhờ thế lực mà làm giàu, ỷ vào chiếc ghế quyền lực mà bóp cổ dân đen, bán rừng, bán đất và bán luôn cả đất nước thì cần chi phải xếp hàng từ nửa đêm để kiếm miếng vàng lấy hên nhỉ?
Nếu làm ăn lương thiện, sòng phẳng với người mua, vui lòng khách, chân thật, vui vẻ, hoà đồng, không mua gian bán lận thì chuyện thịnh vượng, hanh thông trong mua bán là chuyện tất nhiên, cần chi đến ông Thần Tài xa xôi tận bên Tàu? Làm nghề cho vay nặng lãi, bóp hầu bóp họng người ta đến tan cửa nát nhà. Làm nghề đâm thuê chém mướn, bảo kê, đòi nợ thuê. Giết người không ghê tay, bóp cổ dân không sợ sệt, hành hạ người chẳng ngại ngùng. Làm nghề đi cướp đất của dân, hút máu của dân đến tận xương tuỷ, tra tấn dánh đập dân lành đến chết mà đầu xuân vẫn đội hương hoa, bánh trái, tiền bạc vào chùa để xin lộc, để mong làm ăn phát đạt, chức vụ càng ngày càng cao thì Phật thánh đâu mà phò hộ, thần Tài nào dám giúp cho. Bởi đám đấy mà cầu được ước thấy thì dân đen càng khốn cùng, nhân dân càng khốn nạn. Đất nước càng đốn mạt, tiêu điều.
Người dân nghèo càng lúc càng nghèo, sống trong một nhà nước quên mất nhiệm vụ giúp dân, giúp nước cho nên họ chỉ còn tin vào thánh Phật, thần linh, tin vào những điều ma mị trong thế giới mơ hồ không thật. Đó cũng là biểu hiện một xã hội bế tắc, không lối thoát. Tuy nhiên, tui nghĩ số người nghèo không nằm trong số người đang chen lấn kia. Họ có tiền đâu mà sắm vàng, ăn còn không đủ nữa là. Thế có nghĩa những người đang cầu khẩn thần Tài là những người đang giàu lại muốn giàu thêm, là những người đầy lòng tham đang nhờ cậy thần linh. Mà lòng tham thì vốn không có đáy.
Sống phải có lòng tin nhưng không thể cứ mãi tin những điều nhảm nhí. Sống trong thời đại này biết bao điều hoang tưởng và vô lý, vô đạo của kẻ có quyền lực với luật lệ vô pháp vô thiên hiện diện rõ ràng trong cuộc sống chưa đủ thân tàn ma dại sao mà còn tin vào những điều mê tín, hoang đường để rồi chỉ nhận thêm khổ não?
Ngày Thần Tài 14.2.2019
DODUYNGOC


Một hôm ra đứng giữa trời
Dưới chân đầy gió tơi bời ruột gan
Gió tràn ngập cả trần gian
Nghiêng nghe gió thổi tiếng ngàn dặm xa
Một hôm đứng giữa quê nhà
Nắng hiu hắt rọi bến phà quạnh hiu
Tay run chân cẳng yếu xìu
Ta quên thân thế mỹ miều đánh rơi
Một hôm ra chợ dạo chơi
Muốn đem thân bán kiếm lời cho xong
Chẳng ai mua trở về không
Mới hay ta đã lưng cong mắt ghèn
Một hôm gặp một người quen
Tuổi tên chẳng nhớ rối beng cái đầu
Ô hô đúng cuộc bể dâu
Người chưa qua cửa phai màu nhân gian
Một hôm đứng giữa gian nan
Thấy chông chênh vỡ vô vàn nỗi đau
Từ đây cho đến ngàn sau
Quẩn quanh với đám cỏ lau trắng trời
Một hôm đứng giữa cuộc chơi
Ngộ trong ly biệt lại ngời biệt ly
Hư vô chắc chẳng có gì
Làm chi có chuyện ly kỳ hiện ra
Một hôm đứng ở sân ga
Nhìn tàu đi đến nhạt nhoà tóc sương
Sáng mai nhìn lại trong gương
Mới hay rêu phủ đầy tường tối qua
Một hôm lêu lồng về nhà
Mẹ cha đã khuất cửa nhòa bụi bay
Nén nhang đốt giữa bàn tay
Mịt mờ bóng ngã lung lay cuối vườn
Một hôm ngồi nghỉ bên đường
Nghe thân rã nát thịt xương rã rời
Hét lên một tiếng vang trời
Cười thêm ba tiếng đã đời đi hoang
Một hôm ngày tháng xếp hàng
Điểm danh cho hết phũ phàng trải qua
Nhìn quanh đời đã xế tà
Xin thêm một thoáng la cà cho vui
Một hôm trong giấc ngủ vùi
Chiêm bao hạnh ngộ đủ mùi trần gian
Bóng người thấp thoáng đi ngang
Mở to đôi mắt lỡ làng giấc mơ
Một hôm trong cuộc đợi chờ
Người xa biền biệt mịt mờ sương bay
Trăm năm đứt đoạn phương này
Ta về lẻ bóng chiều say một mình
Một hôm nghe giữa vô minh
Mưa trên mái ngói cựa mình xót đau
Câu kinh rớt xuống nhiệm màu
Từ bi chín rục những tàu lá xanh
Một hôm trở lại kinh thành
Dập dồn vó ngựa trên cành sứ xưa
Tiếng người cười vọng trong mưa
Ta buông gánh nặng chuyện xưa rụng rồi
Một hôm không đứng chẳng ngồi
Nghe thiên thu thổi bồi hồi thịt da
Loay hoay níu tuổi đang già
Xoay bên này lại la đà bên kia
13.2.2019
DODUYNGOC












Trước năm 1975, Tết Sài Gòn có đường hoa Nguyễn Huệ. Ở đó những ngày cận Tết, các thương lái, nhà vườn đem hoa của mình về đường hoa để trưng bày đồng thời để bán cho khách chơi xuán. Người đi rộn rịp ngắm hoa, chụp hình, mua bán tạo thành một không khí sinh động của một chợ hoa giữa chốn đô thành. Người Sài Gòn trước 75 ai cũng có kỷ niệm về đường hoa, ai cũng giữ cho mình một tấm hình kỷ niệm với những bông hoa thật, chậu hoa thật, nét đẹp thật sự của thiên nhiên với muôn hoa ngàn tía.
Sau năm 1975, được tiếp tục vài ba năm rồi sau đó là đường hoa với toàn cảnh giả, màu mè, quê kệch thiếu bóng dáng của thiên nhiên. Tất cả đều là nhân tạo với màu sắc sặc sỡ kèm theo những chủ đề nổ như đạn pháo. Người đi đường hoa không còn cái náo nức ngắm những cành hoa đẹp, không còn cái thú chọn được chậu hoa ưng ý chở về sau xe với tâm trạng rộn ràng sắc xuân, không còn chụp được những tấm hình hoa thật để giữ một kỷ niệm. Giờ đây họ chỉ là những người đi dạo ngắm những thứ đồ giả. Và hiệu ứng chưng đồ giả đó lan ra khắp nơi, đi đâu cũng thấy những sắc màu rực rỡ vô hồn. Người Sài Gòn bị đánh mất đường hoa và được thay thế những mô hình, những hình nộm khô cứng, rẻ tiền. Có thể chợ hoa ngày xưa không màu mè, phô trương như bây giờ, nhưng nó mang cái chân chất của chợ hoa, đường hoa. Là nơi để ngắm hoa chứ không phải đi vào một cái nhà trẻ khổng lồ với những mô hình giả.
Bây giờ cũng có những chợ hoa như ở công viên Lê Văn Tám, trước khách sạn New World và nhiều nơi khác. Thế nhưng người ta thích ở Nguyễn Huệ vì ở đó có phông nền là những ngôi nhà cao, xa xa có Tòa Đô chánh, biểu tượng của Sài Gòn. Chụp một tấm hình với muôn hoa và phông nền là một cảnh Sài Gòn như thế, ai mà không thích. Còn bây giờ, đường hoa như một công viên, chẳng có gì để háo hức.
Cái náo nức đợi chờ ngày đường hoa, chợ hoa Nguyễn Huệ khai trương không còn như xưa nữa. Ôi cái thời đồ giả lên ngôi. Những thứ màu mè loá mắt đó chỉ để nhìn vui mắt chứ bản thân nó là vật vô hồn. Ký ức chỉ được giữ lại khi nó mang đậm một hồn vía của một vùng đất, giữ được cái đẹp tự nhiên của muôn hoa, lưu lại cái chân chất thật thà của nhà vườn trong việc bán mua những bông hoa của ngày xuân. Và thời đó người ta không bao giờ nhìn thấy những giọt nước mắt của người bán hoa, cũng không bao giờ chứng kiến cảnh người ta đập chậu, bẻ cành chiều 30 Tết. Tiếc một đường hoa, ký ức của một thời.
Mồng một Tết Kỷ Hợi
5.2.2019
DODUYNGOC


Thế là Tết đang đến. Đang là trưa 30 Tết. Nhà toả mùi nhang trầm, bỗng nhớ nhiều về những cái Tết của những ngày xưa cũ. Tết của những năm xưa cứ hiện về, không quên được. Nhớ nhất là bàn thờ, ba tôi luôn chú trọng cái bàn thờ dù trong hoàn cảnh nào. Ngày thường đã chăm chút, ngày Tết lại càng chăm sóc nhiều hơn. Khoảng sau khi đưa ông Táo về trời, tôi và anh trai lớn phải bắt tay vào chùi cho bóng bộ tam sự bằng đồng. Bộ này gồm cặp đèn, bộ lư, bình bông. Tất cả đều có chạm trổ mai lan, hoa điểu nên chùi rất cực. Phải cho thuốc vào các kẽ cho thấm, phơi nắng rồi mới dùng giẻ lau cho bóng ngời lên. Trước đó mấy hôm, tôi phải đi mua cát trắng về thay bát nhang mới. Những chân nhang cũ đem đốt, bỏ cát cũ, thay cát mới trắng ngần. Nhà tôi thờ một bức tranh Quan Thế Âm làm bằng vải nổi, bức tranh tượng rất nghệ thuật mà sau này tôi không còn tìm thấy đâu nữa. Tranh làm bằng vải bóng có hoa văn chìm nên không rửa được, hàng năm chính tay ba tôi lau chùi một cách thận trọng. Không hiểu sao ba tôi rất thích hoa vạn thọ, năm nào ba tôi cũng mua vài chậu để trước sân, trên hồ cá, màu vàng của hoa sáng cả một vùng. Mạ tôi lại chỉ thích hoa huệ trắng và hoa lay dơn đỏ. Một người thì thích loại hoa bình dân quê mùa, người kia lại chuộng loài hoa quý tộc, sang trọng. Hai ý thích trái ngược nhau thế mà vẫn sống với nhau hơn sáu mấy năm và sinh cả đàn con. Thế mới hay.
Chiều 29 Tết, ba ngồi gói bánh chưng. Ba tôi theo Tây học, học Huế rồi ra Vinh, không biết ba học gói bánh ở đâu và lúc nào mà ba gói rất khéo, bánh chặt, vuông vức mà chẳng cần khuôn. Mạ thì lo làm mứt, nhà đông con, món mứt nào cũng làm cả thau lớn. Tôi chỉ chờ món nào xong là xin vét thau, sao mà ngon thế. Đường cháy vàng, miếng mứt sót hơi quá lửa nhưng thật là tuyêt cú mèo. Mạ làm đủ thứ bánh, bánh in bột trắng, bánh đậu xanh khô, ướt nén trong những cái khuôn gỗ, bánh nổi lên những chữ Phúc, cành hoa. Xong lại gói trong giấy kiếng xanh đỏ nhìn rực rỡ sắc màu. Mấy người giúp việc thì lao xao cắt tiết gà vịt. Tôi tránh mấy cảnh này vì thấy thương chúng quá nhưng ăn thịt chúng thì chẳng chê. Dưa món, dưa kiệu xếp đầy trên garde manger. Có mấy hủ thịt dầm nước mắm, thịt đã thấm trong veo miếng mỡ, mai mốt mới được ăn.
Tất bật thế nhưng Mạ vẫn khoan thai với những giọt mồ hôi. Bận rộn thế nhưng Ba lại bao dung không khó khăn la mắng các con như ngày thường. Tết mà.
Trưa 30, pháo nổ đì đẹt khắp nơi. Sân nhà đủ màu của bông hoa, giữa sân thêm chậu mai vàng. Nấu nướng đã xong, tôi không còn chực để vét nồi, bắt đầu chạy đi lượm pháo lẻ nhà hàng xóm. Cứ nghe đâu có tiếng pháo là chạy đến, pháo vừa dứt tiếng là ùa vô lượm mấy viên pháo lép. Ôi những viên pháo lép của ngày xưa, niềm vui ngày Tết của một thời không tìm thấy nữa. Những viên pháo với tiếng nổ, với khói xịt và mùi thuốc súng. Đó là mùi của Tết. Mùi thuốc súng, mùi nhang trầm, mùi thức ăn ngào ngạt tạo ra một mùi thật lạ lùng chỉ có trong những ngày Tết. Ba bận bộ áo the đen, trịnh trọng đốt đèn, lư đồng sáng ngời toả hương trầm, bàn thờ sáng rực ánh nến với ánh đèn chớp nháy quanh khung ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát. Năm nào tôi cũng thấy ba tôi khóc, những giọt nước mắt của người đàn ông thường ngày là kẻ quyền uy nhất trong gia đình. Ba tôi nhớ quê hương, nhớ ông bà, nhớ mồ mả của ông bà nội không biết bao giờ mới được nhìn lại vì lúc đó đất nước chia hai bờ, chiến tranh chẳng biết bao giờ mới chấm dứt. Ba đốt một tràng pháo dài, xác pháo hồng tràn ngập sân, Tết tràn khắp nơi trong căn nhà. Rước ông bà xong là bữa cơm chiều ba mươi của gia đình. Mười mấy đứa con, thêm ba mạ, người làm, bữa ăn như là bữa cúng giỗ. Thức ăn ê hề lắm món, mấy đứa nhỏ loay hoay chẳng biết chọn món nào trước món nào sau, ba rót thêm chén rượu, một bữa ăn đầy những tiếng cười. Vừa bỏ chén xuống là tôi lại chạy đi kiếm pháo lép, để đầy một bọc, cứ ngồi ở sân mà đốt đì đùng. Sao hôm nay chợt nhớ tiếng pháo lạ lùng. Tiếng pháo của thời tuổi nhỏ đã đi qua không ngoái lại.
Đem ba mươi chúng tôi được thức chờ giờ giao thừa. Gió xuân lành lạnh, có năm phải mang áo ấm. Đồng hồ điểm mười hai giờ, pháo nổ khắp nơi. Bàn cúng ở ngoài sân, ba lại mặc áo the dâng hương rồi đốt thêm phong pháo. Tụi tôi ăn mặc chỉnh tề, xúng xính trong bộ quần áo mới, cũng cúi lạy chào xuân mới, rồi xếp hàng chúc Tết, rồi lại ăn khuya. Món chè đậu xanh Mạ nấu ngon thiệt là ngon, sau này mấy đứa con dâu nào cũng học nấu chè đậu xanh ở Mạ. Giờ trong đầu tôi vẫn hiện ra mồn một những dãy chén chè đậu xanh xếp lớp ở trên bàn, những cái chén kiểu trắng ngần vẽ rồng xanh. Những chén chè khoai môn tím rịm. Ôi chao! Nghe như có vị ngọt đang nằm trên đầu lưỡi.
Sáng mồng một, Ba dậy sớm lại đốt thêm phong pháo dài. Mạ diện chiếc áo dài nhung hoặc gấm. Mạ đeo chuỗi ngọc trắng, có khi là chiếc kiềng vàng. Ba bận bộ veston xanh đậm, thắt cà vạt đỏ chở mạ đi chùa, hái lộc. Hoa mai nở vàng sân.
Nhớ tà áo dài của Mạ, nhớ dáng bước của Ba.
Tụi tôi ở nhà, diện đồ đẹp hớn hở đi ra đi vào chờ khách đến lì xì. Ngày thường muốn ăn gì phải xin, có phép mới được ăn. Mấy hôm Tết được ăn thả dàn, đi ra bốc miếng mứt, đi vào lấy miếng bánh, ăn suốt cả ngày. Chiều tối cả nhà ngồi quanh chơi bài Tới. Nào là con Ầm, con Tuyết, Nọc đượng, Mõ... Vui lắm. Những con bài tới là những miếng bìa dài trên vẽ những hình ngoằn nghèo như tranh trừu tượng, như totem của mấy dân tộc da đỏ. Rồi chuyển sang đánh bài các tê. Mạ tôi là bậc sư của mấy món cờ bạc này, mạ chơi chỉ thắng chứ không bao giờ thua, tài thế. Đứa thua mặt méo xẹo, đứa thắng thì hớn hở. Mấy món cờ bạc này kéo dài đến tận mồng năm Tết. Rồi mọi chuyện trở về như cũ. Tết đi qua.
Bây giờ đã vào tuổi già, đã gần đến bảy mươi. Con cháu cũng đã đủ đầy, ngày Tết chẳng còn không khí cũ. Ba Mạ lần lượt khuất bóng, người thân cũng mất dần. Tết bây giờ thiếu pháo nên Tết mất đi một nửa không khí Tết. Thức ăn bây giờ cũng chẳng thiếu nhưng lại thiếu cái hồn Tết của những ngày cũ. Chiều ba mươi đốt nén nhang tưởng nhớ mọi người đã khuất, nhớ những ngày Tết năm xưa, lòng bỗng rưng rưng.
30 Tết
4.2.2019
DODUYNGOC


Buồn quá ta lê ra quán chợ
Đã khuya đường vắng gió đâu về
Vài ba đống rác chưa ai dọn
Mấy ngọn đèn vàng bóng ủ ê
Tết đã đến gần hoa kín ngõ
Phố còn xao xác lắm người đi
Ở đây trống hoác không người đến
Quán chỉ mình ta ngó cũng kỳ
Chiếc ghế lung lay như muốn ngả
Rượu rót đầy ly chẳng muốn nâng
Cuối năm lòng rầu không thể tả
Sầu cứ đùn lên tận mấy tầng
Bạn bè rất đông giờ lại vắng
Giữa chợ đêm này một mình ta
Uống cạn hết ly nghe nghẹn đắng
Cũng ráng kêu lên một tiếng khà
Đâu đó có người đang quét chợ
Bụi bay dưới gió quẩn liên hồi
Mốt mai tất cả là tro bụi
Một kiếp con người chỉ thế thôi
Buồn quá ta lê ra quán chợ
Bóng đổ dài quanh một chỗ ngồi
Năm cùng tháng tận cười như khóc
Chợt tự thương mình phận mồ côi
31.1.2019
Hăm sáu Tết
DODUYNGOC

Chiều ngồi đợi năm cùng tháng tận
Chó sủa buồn một góc vườn hoang
Chân loạng quạng bước cùng lận đận
Gió tràn về cánh cửa mở toang
Chim biếng hót bên hiên rất vắng
Cứ bước lên đi xuống một mình
Có một khoảnh trời rơi giọt nắng
Phơi bàn tay nghe nắng lặng thinh
Không uống rượu rót đầy chén rượu
Nhấp đắng môi xót một phận đời
Chẳng chờ tân tiếc chi chuyện cựu
Đâu so đo tính chuyện lỗ lời
Cười một tiếng rung rinh mái ngói
Đám rêu xanh ngơ ngác giật mình
Nghe đất thở chợt lòng chột dạ
Thấy cờ bay tâm bỗng thất kinh
Ngày đã hết năm chờ để hết
Sông cạn nguồn suối cũng héo khô
Cả giang sơn ngóng giờ giẫy chết
Thân tan hoang ngồi tựa nấm mồ
Ngựa đã mỏi người như lau sậy
Lay ngả nghiêng trắng cả vũng trời
Chiều bối rối thân tàn đứng dậy
Ráng lê đời tiếp một cuộc chơi
30.1.2019
Hai lăm tháng chạp Mậu Tuất
DODUYNGOC







Hồi nhỏ ở miền Trung, ngày hăm ba đưa ông Táo về trời, chẳng thấy ai có phong tục thả cá chép xuống ao sông hồ, kênh rạch. Chỉ thấy nhà ai cũng có cúng một mâm bánh trái, thường là dĩa thèo lèo cứt chuột, cúng xong bọn trẻ con như tụi tui cũng chẳng khoái ăn. Có nhà cúng giấy tiền, vàng mã, ít thấy có chuyện thả cá chép. Lớn lên vô Sài Gòn cũng chẳng thấy lệ này dù dân Bắc Kỳ di cư ở Sài Gòn như khu Ông Tạ, Xóm Mới hay xa hơn là vùng Gia Kiệm , Long Khánh rất đông nhưng hình như cũng hiếm có hiện tượng này. Có khi người ta đốt hình con cá chép vàng mã với đôi hia đen bằng giấy màu với mũ cánh chuồn thì phải?
Cái vụ thả cá chép rầm rộ sau năm 1975, nhất là những thập niên gần đây khi dân miền ngoài đổ xô vào sống miền Nam mang theo nhiều phong tục và phổ biến chuyện thả cá. Thế là hàng năm, vào ngày hăm ba đưa ông Táo về trời người ta thi nhau thả xuống ao hồ, sông rạch biết bao nhiêu là cá chép. Và phải là cá chép mới được. Loại cá này họ mua ở các tiệm cá cảnh, những người bán hàng rong. Đó là loại cá lâu nay được nuôi trong môi trường được chọn lọc và được chăm sóc đặc biệt chứ không giống loại cá sống ở môi trường thiên nhiên. Do vậy số lượng cá được thả sẽ không có bao nhiêu con được tiếp tục sống được trong môi trường ô nhiễm tàn bạo hiện nay của hệ thống sông rạch thành phố. Ngày hăm ba mang tiếng phóng sinh lại trở thành ngày tàn sát cá chép. Đó là chưa kể một số lớn bịch ni lon, bao bì nhựa theo cá xuống nước làm tăng thêm sự ô nhiễm khó tiêu huỷ. Và cũng như những cuộc phóng sinh, có những kẻ sẽ ngồi đấy vớt lại những con cá lờ đờ và tiếp tục những cuộc bán mua, cuộc phóng sinh chỉ là vòng sinh mệnh luẩn quẩn của những con cá. Cá chép là loại cá biết chọn nước sạch để sống. Tui cũng có xây một hồ nuôi cá để lúc rảnh rang ngồi nhìn cá lội. Lâu nay tui chỉ châm thêm nước mà không súc hồ. Năm nay mấy ông con tui làm siêng tháo hết nước, thay nước sạch vào. Hậu quả thấy ngay, ngày nào cũng có chục con cá chết, có con nuôi cả chục năm, to bằng bắp chân người lớn, tiếc ơi là tiếc. Thay nước sạch chỉ quên khử clor mà đã thế, huống chi đem những con cá chép trong những trại nuôi cá đột ngột thả xuống môi trường ô nhiễm, sẽ sống được bao nhiêu? Hàng triệu con cá chép sẽ bị bức tử hôm hăm ba này. Tréo nghoe là cuộc thảm sát này có sự tiếp tay đắc lực của những người khoác áo nhà sư, có nơi làm cuộc lễ tụng kinh gõ mõ rầm rộ cho buổi lễ đưa ông Táo kết hợp với lễ phóng sanh.
Chuyện thả cá chép bắt nguồn từ câu chuyện ông Táo về trời, câu chuyện do con người hư cấu mà nên, trở thành phong tục. Thế thì con người cũng có thể chỉnh sửa lại, thay con cá chép bằng con cá lóc, cá trê, cá rô phi, cá diêu hồng, những lọai cá này đã quen với môi trường kênh rạch, ao hồ. Chúng được câu, thả lưới vớt lên, bán mua và được thả về môi trường cũ, chúng sẽ tiếp tục sống và sinh sôi nẩy nở, cứu được sinh mạng của hàng triệu con cá chép phải chết oan khiên vì một truyền thuyết truyền từ đời này qua đời nọ. Thay đổi một nếp nghĩ, một thói quen cũng là việc không dễ, nhưng tui nghĩ là có thể thực hiện được.
Ngày hăm ba tháng chạp Mậu Tuất
DODUYNGOC


Tết năm 1976, vợ tui chưa về, tui ở Sài Gòn trên căn gác nhỏ ở hẻm 220 Trương Minh Giảng với mấy người bạn cùng quê. Trong đó có nhân vật tui viết trong truyện Bước không qua số phận. Nhân vật trong truyện tên Nhân. Đã qua gần mười tháng sau ngày bộ đội miền Bắc vào tới Sài Gòn. Đồng hồ, mắt kính, quần áo, giày dép lần lượt ra đi ở chợ trời. Rồi đến sách vở cũng ra vỉa hè đổi lấy bữa cơm. Đã đến thời gian đói. Bữa có bữa không, có nhiều ngày nhịn, có bữa chỉ có củ khoai. Bạn bè bắt đầu tản mát, mỗi đứa đi một phương kiếm ăn. Tui chẳng biết đi đâu, bám trụ căn gác gỗ có cầu thang gãy. Trước 75 tui đi làm cũng có lương cao, thuê căn phòng lớn trong ngôi nhà nhiều phòng ở số 220/100. Bộ đội vào, phường ra lệnh tiếp quản ngôi nhà vì chủ đã di tản, chuyển tui qua căn gác này. Bạn bè thấy thế đi theo nên diện tích căn gác nhỏ xíu mà có lúc chứa cả chục thằng, kể cả hai cặp vợ chồng thằng bạn mới cưới vợ. Chen chúc nhau sống trong lặng lẽ.
Bình thường khi có chút tiền, tui mua gạo nấu ăn chung với Nhân. Món ăn thường xuyên là trứng vịt. Luộc chín, cắt làm tư, ngâm vô chén nước mắm dằm ớt thật cay. Mỗi bữa mỗi thằng ăn một phần tư hột vịt, như vậy, cái hột vịt luộc hai thằng ăn được hai bữa cơm sáng chiều. Được như vậy là ngon rồi, khỏi phải nhịn đói. Thế mà có giai đoạn gạo cũng chẳng có mà nấu, hột vịt cũng chẳng có mà ăn. Đói vàng cả mắt, người xanh như tàu lá, đi liêu xiêu thấy gì cũng thèm. Lúc đó tui đang sinh hoạt trong đoàn kịch của Hội Văn nghệ Thành phố, hôm nào cũng tập kịch ở ngôi nhà của mẹ ông Tổng thống Thiệu chỗ 81 Trương Minh Giảng. Trưởng đoàn văn nghệ lúc đó là chị Kim Hạnh, vốn là trưởng đoàn Văn nghệ Vạn Hạnh trước 1975, sau này chị chuyền qua làm báo. Lúc đó gần Tết, không biết ai biết chuyện tui đang đói, mấy người trong đoàn họp lại quyên góp mua gạo cứu đói cho tui. Sau này nghe kể chị Kim Hạnh bảo tui sĩ diện lắm nên nếu đưa trực tiếp tui sẽ không nhận đâu, do vậy bọn họ phải lên kế hoạch. Những người thực hiện kế hoạch này giờ đa số ở nước ngoài cả. Đó là Châu Bảo, Bích Nguyen đang ở Mỹ, Tô Công Tròn đang ở Pháp, Dục đã mất ở Úc..Họ canh tui vừa ra khỏi nhà là chạy lên để bao gạo, chai nước mắm và mấy món linh tinh nữa ngay góc cầu thang. Họ trốn ở mấy góc hẻm chờ tui đi về mang gói quà ấy vào nhà rồi mới tản hàng. Tui không quên gói quà ấy dù đã hơn bốn mấy năm rồi. Tình cảm của các bạn quý báu biết bao vì lúc đó ai cũng nghèo và khó khăn. Nhờ mấy kí gạo đấy, Tết năm 1976 tui có gạo ăn. Có gạo nhưng chẳng có tiền để sắm đồ ăn, Tết nên cũng chẳng kiếm được công việc gì để làm, cũng chẳng còn ai buôn bán để bán mua. Ngày mùng một Tết, vét trong lon guigoz còn muỗng mỡ, tui xé sách làm củi, tui chiên cơm. Năm đó còn pháo nổ ì xèo, trưa mùng một tui ngồi ăn chén cơm chiên mà nước mắt ướt cả mặt. Tui ngóng về Đà Nẵng, nơi đó Ba Mạ các em tui đang hân hoan đón Tết, dù đất nước đã bắt đầu nghèo, nhưng gia đình tui chắc chắn vẫn có những món ăn không thiếu của ngày Tết. Còn ở phương xa này, tui đón Tết bằng món cơm chiên độc nhất, chỉ có chén cơm chiên với mỡ và nước mắm. Tui tủi thân, thương thân mình nhưng vì hoàn cảnh cũng không dám về nhà vui Tết với gia đình.
Mấy mươi năm qua rồi, bao nhiêu dâu bể, bao nhiêu đổi thay. Ba Mạ mất, anh trai mất rồi vợ mất, anh em xao xác bốn phương trời. Bữa nay, lại một cái Tết nữa đang đến, bỗng dưng nhớ chén cơm chiên của cái Tết đã xa lăng lắc. Nhớ đến tình cảm của những người bạn một thời.
26.1.2019
DODUYNGOC


Tháng chạp mưa không ướt áo
Nén nhang leo lét hao gầy
Hai hàng đèn cầy hiu hắt
Trời buồn rớt rất nhiều mây
Đêm dài mong cho đến sáng
Ánh đèn soi hết nông sâu
Thấy mình như dầu đã cạn
Trăm năm nước chảy qua cầu
Tháng chạp thế gian chờ Tết
Sao ta cứ mãi mùa đông
Bên vườn đóa hoa nở sớm
Buồn như suối chảy thành dòng
Suốt đời toàn đi lạc bước
Chúa đành ngoảnh mặt làm ngơ
Phật cũng cúi đầu lảng tránh
Mình ta quay quắt bơ phờ
Tháng chạp mai vừa hé nụ
Phố phường rực rỡ đơm hoa
Bên đường còn ta lụ khụ
Lơ ngơ như kẻ không nhà
Ta chẳng còn ai thân thiết
Tuổi già khóc cảnh mồ côi
Nhớ mẹ lòng đau da diết
Thương cha ngực bỗng bồi hồi
Tháng chạp ta không còn quê
Không quê đâu chốn để về
Ngước mắt nhìn trời u ám
Giận mình còn lắm đường mê
Tháng chạp ta đứng một mình
Xót xa người ra đi mãi
Đốt nhang nhìn lại tấm hình
Mốt mai nghĩ mà kinh hãi
Nước mắt tràn đầy tháng chạp
Thấy mình trôi giữa mênh mông
Loay hoay đời thêm một tuổi
Lại thêm lắm nỗi chất chồng
26.1.2019
DODUYNGOC




Tối hôm qua, những người mê đá bóng Việt Nam đã xem một trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản. Xét về thực lực, đội Nhật Bản trên cơ chúng ta toàn diện. Nhưng diễn tiến trận đấu cũng cho thấy các cầu thủ trẻ của chúng ta chiến đấu dũng cảm với một niềm tin mãnh liệt và khát khao chiến thắng. Niềm khát khao đó như là một giấc mơ một ngày đội tuyển Việt Nam sẽ tham gia trận chung kết tranh cúp thế giới và chiến thắng. Giấc mơ không bị đánh thuế, nên có quyền mơ. Cách đây 52 năm(1967) ở miền Nam Việt Nam đã có một nhà văn mơ giấc mơ đó và viết thành cuốn sách có tên Bồn lừa. Bồn lừa là giấc mơ của tuổi trẻ Việt Nam, là niềm kiêu hãnh của tuổi thơ của mọi thời.
Thời kỳ đó chúng tôi mê đọc Bồn lừa và cùng Bồn lừa xây nên giấc mơ vô địch thế giới. Nhà văn Duyên Anh đã xây dựng nên một giấc chiêm bao cho những thằng nhóc mê đá banh của một nước nhược tiểu đang bị chiến tranh. Nhưng giấc mơ đó là khát vọng. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, nhà văn Duyên Anh khiến người đọc như thấy được một Bồn lừa có thật, một giấc mơ có thật làm bật lên niềm kiêu hãnh. Dạy cho lớp trẻ tự tin, mơ vinh quang cho tổ quốc thì những cuốn sách như Bồn lừa là cách giáo dục hiệu quả nhất.
Sau 1975, cũng có nhà văn bắt chước lối viết của Duyên Anh, nhưng đã là bản sao thì làm sao bằng bản chính. Hơn nữa trời cho mỗi nhà văn cái duyên, cái hồn riêng trong nhân vật và con chữ của họ, cái này thì không thể bắt chước được.
52 năm trôi qua, thế hệ Bồn lừa đã vào tuổi bảy mươi nhưng vẫn còn nguyên vẹn một giấc mơ.
25.1.2019
DODUYNGOC
BỒN LỪA TRONG THIÊN ĐƯỜNG MƠ ƯỚC
Tác phẩm Thằng Vũ của Duyên-Anh làm cho lớp độc giả người lớn thích thú bao nhiêu thì lớp thiếu niên cũng say mê Bồn lừa như thế (một văn phẩm viết cho tuổi trẻ, Búp Bê xuất bản, 1967). Mà chẳng những bọn thiếu niên say mê Bồn lừa, người lớn cũng cảm khoái không kém. Nhân vật Bồn lừa trước hết là niềm kiêu hãnh của tuổi thơ. Nó xuất hiện như một thần thoại.
“Bồn lừa nhận được ban. Giữ lại. Hất sang bên phải cho Quyên Tân-định. Tả nội Việt-nam thọc xuống góc. Nhóc con Hùng chồm lên đón bóng, qua mặt Zito, đẩy bóng vào giữa. Bồn lừa nhận bóng đúng tầm toan tính. Bóng đang nằm dưới chân Bồn lừa.
- Bồn lừa, Bồn lừa…
- Dứt đi !
- Rán mở tỷ số đi !
Mấy chục ngàn con mắt hướng về Bồn lừa. Bây giờ, Bồn lừa là người khổng lồ. Nó nổi bật cơ hồ đám mây xanh duy nhất trên nền trời trắng.”(trang 52).
Bồn lừa đã làm cho bao khán giả phải hồi hộp xúc động. Bồn lừa trở thành mặt trời. Và chỉ có một mặt trời trên sân cỏ này, vùng bình minh của tuổi thơ. Hôm ấy, trước khán giả, sự thắng bại của Bồn lừa đã gắn liền với niềm kiêu hãnh của quê hương được bộc lộ qua niềm phấn khởi và xúc động của đám quần chúng đầy nhiệt tình.
“Cầu trường nhộn nhịp hẳn lên. Khán giả đi muộn kéo vô. Khán giả đi sớm không muốn nhúc nhích. Chen nhau, cãi cọ, chửi thề, văng tục. Đó là sinh hoạt muôn đời ở khán đài bình dân. Ô, dù, đủ màu, đủ kiểu, trương lên che nắng cuối năm. Tiếng máy phóng thanh hứa hẹn:
- Mười phút nữa, hội tuyển Thiếu-niên Sài-gòn sẽ gặp hội tuyển Ba-tây.
Lời hứa hẹn đó thôi thúc khán giả mãnh liệt. Lại nhấp nhỏm, chen nhau, cãi cọ, chửi thề.” (trang 12).
Hội tuyển Ba-tây là một Hội quốc tế nổi đanh qui tụ 10 đứa con cưng của nền túc cầu nước này, quê hương của những thần tượng sân cỏ. Những vua phá lưới Pelé rổi những Vava, Garrincha… đều là kiện tướng, thuộc loại tay tổ. Hội nước bạn trở thành cái gai trước mắt. Một đe dọa tưởng không thể nào vượt qua. Cho nên, trước khi trận đấu diễn ra, đám khán giả Việt-nam đã sẵn mặc cảm thua cuộc. “Đi coi chân cẳng Ba-tây chứ tin gì hội nhà”(trang 13).
Với một thành kiến như vậy, Hội tuyển Thiếu-niên Sài-gòn cũng đã mất đi nhiều khích lệ cần thiết trong đám khán giả, tức chính đồng bào của mình đã mất lòng tin nơi “gà nhà” của mình. Cái thành kiến đáng ghét kia chỉ là cái bệnh chung của kẻ yếu, của kẻ đã từng thua cuộc. Bỗng dưng, tình thế đã thay đổi và xoay chiều. Sự xuất hiện của Bồn lừa trên sân cỏ trở thành cú sấm sét bất kỳ đã phá tan những thành kiến đáng ghét.
” Khán giả đang ngồi, nhất loạt đứng lên, gào la :
- Bravo Bồn lừa !
- Bồn lừa số dzách !
- Bồn lừa năm bờ oăn !
Hội tuyển Ba-tây chưa hết ngạc nhiên vì tài nghệ của Bồn lừa thì trọng tài rít còi. Pelé ngẩn ngơ nhìn theo Bồn lừa. Thằng nhóc mới thôi ngậm núm vú mà sao nó cừ thế ! (trang 17).
Tài nghệ của Bồn lừa làm cho giới mộ điệu phải hồi hộp ngưỡng mộ qua lời tường thuật của phái viên Huyền Vũ.
“Thưa quý vị, Bồn lừa đã cướp bóng từ đôi chân vàng của quái kiệt Pelé” (trang 24).
Trái tim giới mộ điệu trên khắp nước muốn nổ tung vì xúc cảm qua tiếng thét lớn của phái viên Huyền Vũ :
“Bồn lừa bắn bóng thủng lưới Gilmar mở tỷ số đầu tiên cho Việt-nam. Chúng tôi đang ở phút thứ 25 của hiệp nhì. Việt-nam dẫn trước tỷ số 1-0, Bồn lừa đã phá thủng lưới của Gilmar bằng cú sút lạ lùng nhất thế giới bóng tròn. ” (trang 53).
Trong phần đầu qua 56 trang, Duyên Anh làm cho người đọc như được thưởng thức một trận túc cầu sôi nổi. Tác giả phải là khách mộ điệu sân cỏ và có đủ cái óc tế nhận của một phái viên thể thao cho nên ông mới tả được một pha đầy hồi hộp và sôi động như thế. Nó như thực vì nó có đủ những khích động bén nhậy nhất, linh hoạt nhất. Rồi người đọc bỗng dưng như vừa qua một giấc mộng đầy thích thú vì qua phần thứ II của truyện người ta mói vỡ lẽ ra đó chỉ là giấc mơ kỳ thú của riêng Bồn lừa. Nghĩa là một sự thoát tục để lên tiên. Tiên giới của Bồn lừa không đâu khác hơn là sân cỏ.
“Bồn lừa toét miệng cười. Nó duỗi chân thoải mái trên vỉa hè xi măng, lưng vẫn dựa vào cột đèn. Trái bóng nằm ngoan ngoãn trong lòng nó, giờ tuột chạy. Quyên Tân-định nhấc gót chặn trái bóng….
Bồn lừa vươn vai :
– Tao ngồi chờ tụi mày lâu thấy mồ, ngủ bẵng lúc nào chả biết. Rồi tao chiêm bao, mày ơi !
Quyên Tân-định nheo mắt:
– Chiêm bao tào lao khỉ đột hả ?
Bồn lừa lắc đầu :
– Chiêm bao tụi mình đá với tụi Ba-tây. Tao sút tung lưới Ba-tây. Con nhà Pelé “cộp” gẫy ống chân tao.” (trang 58).
Cũng từ đó, Bồn lừa luôn luôn thắc mắc. Đôi mắt nó ngơ ngác long lanh hỏi bạn :
“ – Có bao giờ chiêm bao là thật không nhỉ ?
Hai thằng bạn trẻ của nó ngần ngơ giống nó. Chẳng đứa nào trả lời nòi câu hỏi của Bồn lừa. Một lát Chương còm nói :
– Để tao về tao hỏi bố tao nhé” (trang 81 – 82).
Đêm ấy Bồn lừa thao thức mãỉ theo giấc mơ chiều. Nó muốn được sống mãi với giấc chiêm bao kỳ thú. Giấc mơ hãy còn dang dở giữa phút gây cấn nhất. “Rồi Ba-tây làm sao giữ được cú sút “trồng cây chuối” của Bồn lừa ? Dứt trận đấu, quang cảnh vận động trường Cộng-hòa như thế nào ? Đội bóng của nó có bắt Gilmar vô lưới nhặt thêm vài trái nữa không ? Quyên Tân-định đúng là thằng oắt vô tích sự. Người ta đang chiêm bao thì nó phá đám” (trang 85).
Giấc chiêm bao đã in hình rõ rệt trong tâm trí Bồn lừa. Khắc sâu trong tâm khảm nó. Giấc mơ đã tạo cho nó thành một thứ Lưu Nguyễn muốn tìm về cõi Thiên Thai của Tuổi Trẻ. Thực sự giấc chiêm bao kia đã nhóm lửa trong tâm hồn Bồn lừa để từ đó “nó đã mơ ước hách hơn điều nó đã mơ ước” (trang 165). Dù hàng ngày nó phải đi bán bong bóng kiếm kế sinh nhai. Bồn lừa vẫn gắng công mài giũa nghệ thuật và ước mong một ngày kia đội bóng của nó được “Tổng Cuộc Túc Cầu công nhận và cấp thẻ” (trang 177), trong đám đó có Dzũng Đakao, Tí điên, Chương còm. Rồi niềm kiêu hãnh của nó mỗi ngày một lớn “Trái bóng đang nằm dưới chân Bồn lừa. Nó ngước nhìn cờ Việt-nam… Linh hồn Tổ-quốc không nói nhưng Bồn lừa mơ hồ nghe tiếng nói Việt-nam đầm ấm giục giã nó : “Hãy chiến thắng đi Bồn lừa !” (trang 204).
Giấc mơ của Bồn lừa đã nổi lửa đốt cháy tự ti để sáng tỏ niềm tự hào dân tộc nơi tuổi trẻ. Ta có thể nói, Bồn lừa ít nhất cũng là ngọn đuốc soi sáng cho tuổi thơ và đặt tuổi thơ trên chiếc nôi nhung gấm của tình tự dân tộc.
Xét về nghệ thuật, Duyên Anh đã thành công trong cách kết cấu và dựng truyện. Bồn lừa chỉ là giấc mơ. Ông đã làm sống lại giấc mơ đó như làm sống lại một niềm tin đang tàn lụi trong mỗi người nhất là đám thiếu niên. Duyên Anh đã khéo tay kiến trúc một sân cỏ trong ước mơ và làm nổi bật cái sống động của một sân cỏ Cộng-hòa. Và người, ta cứ đinh ninh Bồn lừa đang ở trước mặt, đang lao mình trên sân cỏ. Bồn lừa bằng xương bằng thịt chứ không phải Bồn lừa trong trí tưởng Duyên Anh.
Xét về phương diện giáo dục tuổi thơ thì Bồn lừa quả là cuốn sách phải đóng gáy vàng đặt trong thư viện của mỗi trường học để giục lòng yêu nước cho tuổi trẻ. Tưởng không có một cuốn sách Công-dân Giáo-dục nào cụ thể hơn, hữu hiệu hơn để dạy dỗ tuổi thơ thế nào là niềm tin dân tộc, thế nào là vinh quang của một dân tộc. Bồn lừa với nội dung của nó là một truyện tươi son nhất viết cho tuổi thơ trong lứa tuổi 15, 16. Nhưng nghệ thuật cùa nó vẫn là nghệ thuật đã được tôi luyện.
Tạp chí GIÁO DỤC trước 1975
Xem truyện click vào đây


Tôi vốn không phải là dân Sài Gòn. Tôi là thằng con trai miền Trung vô Sài Gòn kiếm cái chữ từ những năm cuối của thập niên sáu mươi, đầu bảy mươi của thế kỷ trước. Là thằng sinh viên nghèo tự lập chẳng ai nuôi nên tôi chỉ quanh quẩn ở những xóm lao động của Sài Gòn hoa lệ thời ấy. Để tiện việc học hành, và vì lúc đấy cũng chẳng có phương tiện di chuyển, tôi bám trụ khu Trương Minh Giảng suốt quãng đời đi học. Cho đến khi đi làm mua nhà, tôi vẫn quanh quẩn khu vực ấy. Thế nên Sài Gòn trong tôi là những xóm nghèo, Sài Gòn với tôi là những người lao động nghèo, những căn nhà nho nhỏ, lụp xụp bên bờ kinh Nhiêu Lộc mà bây giờ không còn nữa. Ngay đống rác ngay chân cầu Trương Minh Giảng thuở xưa cũng là nơi ghi dấu nhiều ký ức cùa tôi một thời đã đi qua không trở lại.
Lúc mới vào Sài Gòn, tôi mê những hàng cây. Những cây me đường Nguyễn Du với những quán cà phê ven vỉa hè. Tôi và bè bạn rong chơi ở đấy suốt đời sinh viên để ngắm những hàng me, để đón những lá me nhỏ xíu rớt trên vai mình, để nhìn những hạt mưa bay bay trên những vòm lá xanh biếc màu ngọc bích và để yêu một thành phố. Tôi cũng mê những buổi chiều đi lang thang sau giờ học ở Đại học Văn khoa, đến cuối đường Gia Long, ở gần nhà thương Grall để ngắm hai hàng cây giao nhau và cuối con đường là chủng viện Công giáo với tường màu gạch đỏ. Cảnh đó giống như một tác phẩm nghệ thuật và lúc đó tôi nghĩ đây là con đường đẹp nhất Sài Gòn. Đi thêm một đoạn nữa, ta ngỡ ngàng với hàng cây cổ thụ vươn cao từ khu Ba Son chạy ra Cường Để, những hàng cây thẳng tắp luôn khiến con đường nhiều bóng mát điểm những bóng nắng loang lổ như một bức ảnh đẹp được chụp bởi một tay máy nghệ sĩ.
Tôi cũng thích bách bộ lang thang đến đường Đoàn Thị Điểm(bây giờ là Trương Định) để ngắm những ngôi nhà sang trọng nhưng rất thanh lịch thấp thoáng sau hàng rào đầy hoa và con đường nhiều bóng râm.
Nhiều lần đi kiếm cơm ăn ké bạn bè ở Đại học xá Minh Mạng, tôi cũng ngắm nhìn những hàng cây cao vút cạnh ngôi nhà thờ màu đỏ như gợi nhớ một bức tranh nào đó đầy màu sắc của hoạ sĩ Đinh Cường.
Có nhiều đêm, đi qua ngôi nhà lớn ở đầu đường Trương Minh Giảng tôi nghe tiếng dế gáy ở bụi cỏ và hương ngọc lan thơm ngát từ ngững cây ngọc lan cổ thụ trong sân toà nhà dưới ánh đèn đường mờ đục.
Tiếng dế và hương thơm ngọc lan vẫn năm trong ký ức của tôi đến tận bây giờ bởi con đường đó gắn với tôi biết bao kỷ niệm của một mối tình không thể nào quên.
Kể nhiều vòm cây khóm lá để thấy ấn tượng đầu tiên của một chàng học trò tỉnh lẻ đến Sài Gòn chính là những con đường với những hàng cây rợp bóng.
Đến bây giờ, tôi đã ở Sài Gòn được gần nửa thế kỷ. Chưa bao giờ có ai hỏi tôi là người gốc Sài Gòn hay là dân Sài Gòn xịn, dù đã ở lâu xứ này, tôi vẫn nói giọng Quảng dù đã nhẹ hơn người chánh gồc Quảng. Ở đất này, ai đã đến và sinh sống ở đây đều là người Sài Gòn. Sài Gòn có nhiều người Bắc di cư năm 1954. Sài Gòn cũng có nhiều người miền Trung từ Quảng Nam, Ngãi, Quy nhơn, Bình Định. Sài Gòn còn có rất nhiều người miền Tây lên, từ miền Đông Nam bộ đến. Nhưng dù họ đến từ đâu, họ ở đây đã là dân Sài Gòn, chẳng có ai phân biệt, chẳng có ai thắc mắc. Và đó cũng là đặc điểm đặc biệt của người Sài Gòn khác với Hà Nội.
Đêm đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi ngủ trên ghế đá chỗ vườn hoa Tao Đàn. Nửa đêm tôi bị đánh thức bởi hai người cảnh sát. Bởi thời đó thiết quân luật từ nửa đêm, không ai được ra đường. Sau khi đưa giấy tờ và kể lể hoàn cảnh vừa mới từ miền Trung vào đi học, chưa kiếm được người quen. Một anh cảnh sát bảo: Miền Trung à? Ái chà chà, mấy ông sinh viên quê ngoài ấy khoái theo Việt cộng lắm. Tui chẳng biết nói sao đành chịu bị giải về cái bót cảnh sát ở ngay góc chợ Bến Thành. Tui nằm ở đó một đêm, sáng ra có một ông sĩ quan cảnh sát đến, bảo tôi đi học thì gắng mà học hành, đừng nghe lới mấy tay Việt Cộng mà tiêu đời. Ông ta móc bóp, cho tôi tiền ăn sáng và uống cà phê. Đó là cái tình của ngưởi Sài Gòn đầu tiên trong đời tôi và gây cho tôi ấn tượng về con người ở xứ này.
Trong những ngày đói rách, khó khăn của cuộc đời, những người Sài Gòn, những người nghèo Sài Gòn đã bảo bọc, giúp đỡ tôi qua cơn khốn khó. Tôi không quên được cô gái bán cơm ở chợ Trương Minh Giảng. Thuở đó, tôi thất nghiệp, chẳng kiếm ra tiền, chắt bóp, vơ vét túi chỉ đủ gọi dĩa cơm trắng rồi xin miếng xì dầu ăn qua bữa. Ăn được ba hôm như thế thì cô bán cơm hỏi sao không thấy anh ăn thức ăn, đành nói dối tôi ăn chay. Cô ấy chỉ cười, không nói. Nhưng mấy hôm sau, dĩa cơm xì đâu của tôi luôn có dưới lớp cơm trắng khi thì miếng đậu hủ, lúc thì miếng thịt hoặc cái hột vịt kho. Được mấy hôm, tôi mắc cỡ, không dám ra ăn nữa. Sau đó lại kiếm được việc bán báo ở tận đường Phạm Ngũ Lão, tôi không ăn cơm ở đó. Thời gian sau tìm lại thì quán đã đổi chủ rồi, tôi chẳng tìm được lại cô gái bán cơm có nụ cười rất tươi và tấm lòng nhân hậu.
Ăn uống thiếu thốn lại tạng người không khoẻ, tôi hay bệnh vặt. Chính những người hàng xóm rất nghèo của tôi đã giúp tôi qua được những cơn bệnh, giúp tôi có chén cháo, viên thuốc. Cái tình đó tôi làm sao quên. Sau này ở lâu, tôi mới hiểu ra đó là bản chất của người Sài Gòn. Là cái tính ưa giúp người hoạn nạn, giúp kẻ sa cơ, tính ưa làm việc thiện của người Sài Gòn.
Mỗi lần đi xa rời Sài Gòn lâu, nhớ về Sài Gòn tôi chỉ nhớ những hàng cây và những người Sài Gòn tôi đã gặp, đã sống chung với họ một quãng đời. Người ta hay khen Sài Gòn với những cao ốc, những dinh thự, những khu ăn chơi bốc trời, những hàng quán xa hoa, những chiếc xe đắt tiền, những thú vui hoan lạc. Riêng tôi, trong tôi, Sài Gòn là vòm cây xanh lá, là những ngôi nhà bên dòng nước đen và ở đó tôi tìm thấy tình người.
Bây giờ, Sài Gòn đã đổi tên. Thế nhưng tôi vẫn gọi là Sài Gòn như một thói quen, cái tên của ký ức không thể nhạt phai. Người ta đang tìm đủ cách để thành phố này không còn ký ức của Sài Gòn. Nhưng với người Sài Gòn, Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn mà không có một cái tên nào khác có thể thay thế được.
15.4.2018
DODUYNGOC


Hồi còn ở Đà Nẵng thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, tui là thằng con trai đang lớn mê vẽ vời, rảnh rỗi là chạy đến phòng vẽ của hoạ sĩ Nguyễn Viết Hậu ở đường Hùng Vương gần đường rầy xe lửa sau chợ Cồn hoặc lên chỗ gần rạp xi nê Kinh Đô đường Độc Lập nơi có phòng tranh của nữ hoạ sĩ Maria Mộng Hoa để xem tranh và học lóm cách thức vẽ các hoạ sĩ này.
Năm 1965, hoạ sĩ Đinh Cường triển lãm lần đầu tiên tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Đà Nẵng, tui đến xem và ngỡ ngàng, say đắm, vỡ ra nhiều điều về nghệ thuật. Trước đây, xem tranh của các hoạ sĩ sáng tác theo kiểu trường lớp, màu sắc na ná nhau, vẽ theo lối hiện thực hàn lâm, nay tui choáng ngợp với những bức tranh đầy sáng tạo, đầy ngẫu hứng và màu sắc, đường nét, bố cục rất mới, nội dung tranh phóng túng rất nghệ sĩ. Tôi bắt gặp một chút Marc Chagall, một phong vị Modigliani, những họa sĩ Pháp tui rất mê từ hồi học lycée, lại thêm một chút không gian bàng bạc rất Huế, rất Đông phương trong tranh của họa sĩ Đinh Cường. Hôm nào tui cũng đến, đứng nhìn say mê từng bức tranh. Hết tiến rồi lùi, rồi nhìn ngang nhìn dọc, rồi bạo gan sờ vào tranh để lấy cảm giác với lớp màu dầu sần trên sợi bố nham nhám. Đến xem suốt mấy ngày triển lãm, tui quá thích bức tranh vẽ thiếu nữ mặc áo dài tím quấn khăn quàng bay trong gió. Hỏi, giá khá cao, nhưng tui quyết mua. Quyết vậy thôi nhưng gom góp cũng mới chỉ được một nhúm, bí quá tui chạy mượn bạn bè, người quen. Ai cũng thắc mắc tui cần tiền làm gì, tui bảo: để mua tranh, ai cũng cười nhạo tui và đương nhiên cũng chẳng có ai cho mượn. Hôm bế mạc, tui rụt rè đến với mục đích nhìn lần nữa bức tranh thiếu nữ. Có lẽ quen mặt với cậu thanh niên ngày nào cũng lang thang trong phòng triển lãm, hoạ sĩ Đinh Cường có bắt tay tui. Tui sướng và hãnh diện lắm. Số tiền gom được chút chút định mua tranh, tui mua thuốc lá và rủ bạn bè đi cà phê hết nhẵn. Tui ái mộ tranh của hoạ sĩ Đinh Cường từ đấy.
Từ đó, tui bắt đầu tập vẽ tranh theo phong cách, màu sắc của ông. Trong lòng vẫn thầm tiếc chưa mua được tranh nào của hoạ sĩ Đinh Cường. Thời này, nhóm nghệ sĩ không những hút thuốc lá đen mà rất nhiều người còn hút pipe. Học đòi các nghệ sĩ đàn anh, tui cũng bắt đầu để râu tóc, đội nón bê rê, chôm của ba tui một cái tẩu đẹp, phì phèo suốt ngày với khói.
Đậu tú tài hai, tui thi vô trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Đậu và vào học mấy hôm, tui gặp hoạ sĩ Đinh Cường ở sân trường, tui chào ông, ông nhìn tui một hồi và bảo thấy mặt tui quen quen, tui nhắc ông về vụ triển lãm ở Đà Nẵng, ông gật gù và nhớ ra rồi cười hiền: nhớ rồi, cố gắng học hành nghe. Nhưng rồi tui không cố được như lời khuyên của ông, tui bỏ trường bay đi xa mong tìm những cơ hội mới.....
****
Một thời ở Sài Gòn, tui cũng vẽ vời, viết lách kiếm sống, cũng làm được triển lãm, cũng có mối quan hệ với nhiều nghệ sĩ tiếng tăm của đất Sài thành, nhưng trong tui, lòng ngưỡng mộ tài năng của hoạ sĩ Đinh Cường vẫn không phai nhạt. Tui vẫn thường xuyên đi xem triển lãm của ông, do không đủ điều kiện để mua tranh của ông, tui bắt đầu tìm cất những tác phẩm của ông trên báo chí, trên các catalogue triển lãm của ông và bạn bè. Sau này, nhờ có internet, tui tập hợp được hàng trăm ảnh tranh cùa ông. Một thời tui kiếm sống bằng nghề vẽ bìa sách, tui cũng học nhiều ở ông trong lãnh vực này.
Ông thường ngao du cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Trịnh Cung, hoạ sĩ Bửu Chỉ, nhà nghiên cứu Bửu Ý....Trong nhóm này, tui vẫn kính trọng ông hơn cả dù nhóm này đều là những người tài danh của nghệ thuật miền Nam. Theo nhận xét của tui, ông là người điềm đạm, khiêm tốn, nói năng chuẩn mực như một nhà giáo nhưng vẫn toát lên tính chất nghệ sĩ ẩn chứa từ bên trong. Những người kia, người thì khôn khéo quá, ông thì khệnh khạng quá, ông nữa thì điếm đàng quá nên nhiều khi giữa đám đông, thấy ông chỉ im lặng nhưng vẫn có một chỗ đứng nhất định không chìm khuất.
Tranh của ông cũng vậy, những tảng màu đè lấp lên nhau, tưởng như là một sự sắp đặt ngẫu nhiên, nhưng vẫn ngời lên ánh sáng rất lạ lùng. Ánh sáng đó khiến cho tranh ông có sức cám dỗ rất mạnh, giữ chân người xem lại và ngẫm ngợi. Nhiều khi trong đám màu trầm khuất, lại có một đốm đỏ của lửa, đốm đỏ của hoa hồng hay đốm đỏ của một đường cọ bay ngẫu hứng. Thế giới trong tranh của hoạ sĩ Đinh Cường là thế giới của hoài niệm một quá khứ vừa bay mất, nhưng ông đã giữ lại linh hồn của quá khứ đó và tranh ông rực lên lãng đãng hoài niệm khiến cho người xem đủ đắm say. Ông vẽ nhiều về Huế và Đà Lạt, dù quê ông ở Thủ Dầu Một. Hai địa danh đó thường đi với hình ảnh người thiếu nữ mong manh, "vai em gầy guộc nhỏ" với chiếc khăn quàng hững hờ trong gió. Một không khí lãng mạn, phiêu bồng. Hình như người ta thấy những ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn thấp thoáng trong tranh của hoạ sĩ Đinh Cường. Có lẽ đó cũng là mối lương duyên của một tình bạn.
Bên cạnh những tranh thiếu nữ, tui còn rất khoái loạt tranh chân dung nghệ sĩ của ông. Ông vẽ cho nhiều người, và theo tui được biết, ông chỉ vẽ khi ông thích vẽ, thế thôi, chứ không vẽ vì qui tắc nào cả. Những tranh chân dung của ông cũng khá lạ dù có chút hơi hám của danh hoạ Modigliani. Nhiều khi chỉ là vài nét đơn giản trên giấy, hay những đường cọ trên bố, tính cách nhân vật được bộc lộ, hình thái của nhân vật được hiện hình. Theo tui, mảng tranh chân dung của ông cũng là một tài sản quí báu trong nền mỹ thuật Việt Nam thời hiện đại.
Hoạ sĩ Đinh Cường thường sử dụng màu xanh ở trong tranh. Đôi khi là xanh biếc ngã tím, đôi khi lại hoá xanh của cây lá, lúc khác là xanh của trời xanh xanh pha chút hồng tươi, hay là màu xanh của giòng sông lặng lờ chuyển dịch. Cũng có nhiều tranh ông dùng màu xám chủ đạo, màu xám buồn của vách nhà, của khung cửa đang mở, màu xám của tảng đá u mặc, của con lộ vắng người hay nóc của giáo đường cao cao. Màu xám như sương, gợi chút buồn nhè nhẹ làm nao nao. Và hai màu xanh, xám ấy là hai màu rất riêng trong tranh của người hoạ sĩ tài hoa Đinh Cường.
Tui gặp ông nhiều lần, được hầu chuyện ông vài lần, nhưng không được là người thân tình của ông. Nhưng trong lòng tui, từ hồi mới lớn xem triển lãm đầu tiên của ông cho đến tận bây giờ, đã đến tuổi U70, tui vẫn ngưỡng mộ ông như ngày nào, và với tui, ông là một trong số ít những hoạ sĩ tài danh của đất Việt trong thế kỷ XX.
Biết tin ông mất, lòng nhiều tiếc thương, xin có vài hàng gọi là kỷ niệm, như là những nén nhang cuối cùng đốt lên trước khi thân xác ông vào lò thiêu và trở thành tro bụi.
Bái biệt ông, và tin rằng, những người hiền như ông, nhân hậu như ông, tài hoa như ông sẽ được đến và tiếp tục sáng tác trong một thế giới mới xinh tươi không hận thù, hiềm khích và lọc lừa.
Vĩnh biệt ông, người hoạ sĩ tui trọn đời kính mến.
Sài Gòn. 14.01.2016
ĐỖ DUY NGỌC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget