CHUYỆN CÁ CHÉP NGÀY HĂM BA







Hồi nhỏ ở miền Trung, ngày hăm ba đưa ông Táo về trời, chẳng thấy ai có phong tục thả cá chép xuống ao sông hồ, kênh rạch. Chỉ thấy nhà ai cũng có cúng một mâm bánh trái, thường là dĩa thèo lèo cứt chuột, cúng xong bọn trẻ con như tụi tui cũng chẳng khoái ăn. Có nhà cúng giấy tiền, vàng mã, ít thấy có chuyện thả cá chép. Lớn lên vô Sài Gòn cũng chẳng thấy lệ này dù dân Bắc Kỳ di cư ở Sài Gòn như khu Ông Tạ, Xóm Mới hay xa hơn là vùng Gia Kiệm , Long Khánh rất đông nhưng hình như cũng hiếm có hiện tượng này. Có khi người ta đốt hình con cá chép vàng mã với đôi hia đen bằng giấy màu với mũ cánh chuồn thì phải?
Cái vụ thả cá chép rầm rộ sau năm 1975, nhất là những thập niên gần đây khi dân miền ngoài đổ xô vào sống miền Nam mang theo nhiều phong tục và phổ biến chuyện thả cá. Thế là hàng năm, vào ngày hăm ba đưa ông Táo về trời người ta thi nhau thả xuống ao hồ, sông rạch biết bao nhiêu là cá chép. Và phải là cá chép mới được. Loại cá này họ mua ở các tiệm cá cảnh, những người bán hàng rong. Đó là loại cá lâu nay được nuôi trong môi trường được chọn lọc và được chăm sóc đặc biệt chứ không giống loại cá sống ở môi trường thiên nhiên. Do vậy số lượng cá được thả sẽ không có bao nhiêu con được tiếp tục sống được trong môi trường ô nhiễm tàn bạo hiện nay của hệ thống sông rạch thành phố. Ngày hăm ba mang tiếng phóng sinh lại trở thành ngày tàn sát cá chép. Đó là chưa kể một số lớn bịch ni lon, bao bì nhựa theo cá xuống nước làm tăng thêm sự ô nhiễm khó tiêu huỷ. Và cũng như những cuộc phóng sinh, có những kẻ sẽ ngồi đấy vớt lại những con cá lờ đờ và tiếp tục những cuộc bán mua, cuộc phóng sinh chỉ là vòng sinh mệnh luẩn quẩn của những con cá. Cá chép là loại cá biết chọn nước sạch để sống. Tui cũng có xây một hồ nuôi cá để lúc rảnh rang ngồi nhìn cá lội. Lâu nay tui chỉ châm thêm nước mà không súc hồ. Năm nay mấy ông con tui làm siêng tháo hết nước, thay nước sạch vào. Hậu quả thấy ngay, ngày nào cũng có chục con cá chết, có con nuôi cả chục năm, to bằng bắp chân người lớn, tiếc ơi là tiếc. Thay nước sạch chỉ quên khử clor mà đã thế, huống chi đem những con cá chép trong những trại nuôi cá đột ngột thả xuống môi trường ô nhiễm, sẽ sống được bao nhiêu? Hàng triệu con cá chép sẽ bị bức tử hôm hăm ba này. Tréo nghoe là cuộc thảm sát này có sự tiếp tay đắc lực của những người khoác áo nhà sư, có nơi làm cuộc lễ tụng kinh gõ mõ rầm rộ cho buổi lễ đưa ông Táo kết hợp với lễ phóng sanh.
Chuyện thả cá chép bắt nguồn từ câu chuyện ông Táo về trời, câu chuyện do con người hư cấu mà nên, trở thành phong tục. Thế thì con người cũng có thể chỉnh sửa lại, thay con cá chép bằng con cá lóc, cá trê, cá rô phi, cá diêu hồng, những lọai cá này đã quen với môi trường kênh rạch, ao hồ. Chúng được câu, thả lưới vớt lên, bán mua và được thả về môi trường cũ, chúng sẽ tiếp tục sống và sinh sôi nẩy nở, cứu được sinh mạng của hàng triệu con cá chép phải chết oan khiên vì một truyền thuyết truyền từ đời này qua đời nọ. Thay đổi một nếp nghĩ, một thói quen cũng là việc không dễ, nhưng tui nghĩ là có thể thực hiện được.
Ngày hăm ba tháng chạp Mậu Tuất
DODUYNGOC

CHUYỆN CÁ CHÉP NGÀY HĂM BA

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget