Hồi còn ở Đà Nẵng thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, tui là thằng con trai đang lớn mê vẽ vời, rảnh rỗi là chạy đến phòng vẽ của hoạ sĩ Nguyễn Viết Hậu ở đường Hùng Vương gần đường rầy xe lửa sau chợ Cồn hoặc lên chỗ gần rạp xi nê Kinh Đô đường Độc Lập nơi có phòng tranh của nữ hoạ sĩ Maria Mộng Hoa để xem tranh và học lóm cách thức vẽ các hoạ sĩ này.
Năm 1965, hoạ sĩ Đinh Cường triển lãm lần đầu tiên tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Đà Nẵng, tui đến xem và ngỡ ngàng, say đắm, vỡ ra nhiều điều về nghệ thuật. Trước đây, xem tranh của các hoạ sĩ sáng tác theo kiểu trường lớp, màu sắc na ná nhau, vẽ theo lối hiện thực hàn lâm, nay tui choáng ngợp với những bức tranh đầy sáng tạo, đầy ngẫu hứng và màu sắc, đường nét, bố cục rất mới, nội dung tranh phóng túng rất nghệ sĩ. Tôi bắt gặp một chút Marc Chagall, một phong vị Modigliani, những họa sĩ Pháp tui rất mê từ hồi học lycée, lại thêm một chút không gian bàng bạc rất Huế, rất Đông phương trong tranh của họa sĩ Đinh Cường. Hôm nào tui cũng đến, đứng nhìn say mê từng bức tranh. Hết tiến rồi lùi, rồi nhìn ngang nhìn dọc, rồi bạo gan sờ vào tranh để lấy cảm giác với lớp màu dầu sần trên sợi bố nham nhám. Đến xem suốt mấy ngày triển lãm, tui quá thích bức tranh vẽ thiếu nữ mặc áo dài tím quấn khăn quàng bay trong gió. Hỏi, giá khá cao, nhưng tui quyết mua. Quyết vậy thôi nhưng gom góp cũng mới chỉ được một nhúm, bí quá tui chạy mượn bạn bè, người quen. Ai cũng thắc mắc tui cần tiền làm gì, tui bảo: để mua tranh, ai cũng cười nhạo tui và đương nhiên cũng chẳng có ai cho mượn. Hôm bế mạc, tui rụt rè đến với mục đích nhìn lần nữa bức tranh thiếu nữ. Có lẽ quen mặt với cậu thanh niên ngày nào cũng lang thang trong phòng triển lãm, hoạ sĩ Đinh Cường có bắt tay tui. Tui sướng và hãnh diện lắm. Số tiền gom được chút chút định mua tranh, tui mua thuốc lá và rủ bạn bè đi cà phê hết nhẵn. Tui ái mộ tranh của hoạ sĩ Đinh Cường từ đấy.
Từ đó, tui bắt đầu tập vẽ tranh theo phong cách, màu sắc của ông. Trong lòng vẫn thầm tiếc chưa mua được tranh nào của hoạ sĩ Đinh Cường. Thời này, nhóm nghệ sĩ không những hút thuốc lá đen mà rất nhiều người còn hút pipe. Học đòi các nghệ sĩ đàn anh, tui cũng bắt đầu để râu tóc, đội nón bê rê, chôm của ba tui một cái tẩu đẹp, phì phèo suốt ngày với khói.
Đậu tú tài hai, tui thi vô trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Đậu và vào học mấy hôm, tui gặp hoạ sĩ Đinh Cường ở sân trường, tui chào ông, ông nhìn tui một hồi và bảo thấy mặt tui quen quen, tui nhắc ông về vụ triển lãm ở Đà Nẵng, ông gật gù và nhớ ra rồi cười hiền: nhớ rồi, cố gắng học hành nghe. Nhưng rồi tui không cố được như lời khuyên của ông, tui bỏ trường bay đi xa mong tìm những cơ hội mới.....
****
Một thời ở Sài Gòn, tui cũng vẽ vời, viết lách kiếm sống, cũng làm được triển lãm, cũng có mối quan hệ với nhiều nghệ sĩ tiếng tăm của đất Sài thành, nhưng trong tui, lòng ngưỡng mộ tài năng của hoạ sĩ Đinh Cường vẫn không phai nhạt. Tui vẫn thường xuyên đi xem triển lãm của ông, do không đủ điều kiện để mua tranh của ông, tui bắt đầu tìm cất những tác phẩm của ông trên báo chí, trên các catalogue triển lãm của ông và bạn bè. Sau này, nhờ có internet, tui tập hợp được hàng trăm ảnh tranh cùa ông. Một thời tui kiếm sống bằng nghề vẽ bìa sách, tui cũng học nhiều ở ông trong lãnh vực này.
Ông thường ngao du cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Trịnh Cung, hoạ sĩ Bửu Chỉ, nhà nghiên cứu Bửu Ý....Trong nhóm này, tui vẫn kính trọng ông hơn cả dù nhóm này đều là những người tài danh của nghệ thuật miền Nam. Theo nhận xét của tui, ông là người điềm đạm, khiêm tốn, nói năng chuẩn mực như một nhà giáo nhưng vẫn toát lên tính chất nghệ sĩ ẩn chứa từ bên trong. Những người kia, người thì khôn khéo quá, ông thì khệnh khạng quá, ông nữa thì điếm đàng quá nên nhiều khi giữa đám đông, thấy ông chỉ im lặng nhưng vẫn có một chỗ đứng nhất định không chìm khuất.
Tranh của ông cũng vậy, những tảng màu đè lấp lên nhau, tưởng như là một sự sắp đặt ngẫu nhiên, nhưng vẫn ngời lên ánh sáng rất lạ lùng. Ánh sáng đó khiến cho tranh ông có sức cám dỗ rất mạnh, giữ chân người xem lại và ngẫm ngợi. Nhiều khi trong đám màu trầm khuất, lại có một đốm đỏ của lửa, đốm đỏ của hoa hồng hay đốm đỏ của một đường cọ bay ngẫu hứng. Thế giới trong tranh của hoạ sĩ Đinh Cường là thế giới của hoài niệm một quá khứ vừa bay mất, nhưng ông đã giữ lại linh hồn của quá khứ đó và tranh ông rực lên lãng đãng hoài niệm khiến cho người xem đủ đắm say. Ông vẽ nhiều về Huế và Đà Lạt, dù quê ông ở Thủ Dầu Một. Hai địa danh đó thường đi với hình ảnh người thiếu nữ mong manh, "vai em gầy guộc nhỏ" với chiếc khăn quàng hững hờ trong gió. Một không khí lãng mạn, phiêu bồng. Hình như người ta thấy những ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn thấp thoáng trong tranh của hoạ sĩ Đinh Cường. Có lẽ đó cũng là mối lương duyên của một tình bạn.
Bên cạnh những tranh thiếu nữ, tui còn rất khoái loạt tranh chân dung nghệ sĩ của ông. Ông vẽ cho nhiều người, và theo tui được biết, ông chỉ vẽ khi ông thích vẽ, thế thôi, chứ không vẽ vì qui tắc nào cả. Những tranh chân dung của ông cũng khá lạ dù có chút hơi hám của danh hoạ Modigliani. Nhiều khi chỉ là vài nét đơn giản trên giấy, hay những đường cọ trên bố, tính cách nhân vật được bộc lộ, hình thái của nhân vật được hiện hình. Theo tui, mảng tranh chân dung của ông cũng là một tài sản quí báu trong nền mỹ thuật Việt Nam thời hiện đại.
Hoạ sĩ Đinh Cường thường sử dụng màu xanh ở trong tranh. Đôi khi là xanh biếc ngã tím, đôi khi lại hoá xanh của cây lá, lúc khác là xanh của trời xanh xanh pha chút hồng tươi, hay là màu xanh của giòng sông lặng lờ chuyển dịch. Cũng có nhiều tranh ông dùng màu xám chủ đạo, màu xám buồn của vách nhà, của khung cửa đang mở, màu xám của tảng đá u mặc, của con lộ vắng người hay nóc của giáo đường cao cao. Màu xám như sương, gợi chút buồn nhè nhẹ làm nao nao. Và hai màu xanh, xám ấy là hai màu rất riêng trong tranh của người hoạ sĩ tài hoa Đinh Cường.
Tui gặp ông nhiều lần, được hầu chuyện ông vài lần, nhưng không được là người thân tình của ông. Nhưng trong lòng tui, từ hồi mới lớn xem triển lãm đầu tiên của ông cho đến tận bây giờ, đã đến tuổi U70, tui vẫn ngưỡng mộ ông như ngày nào, và với tui, ông là một trong số ít những hoạ sĩ tài danh của đất Việt trong thế kỷ XX.
Biết tin ông mất, lòng nhiều tiếc thương, xin có vài hàng gọi là kỷ niệm, như là những nén nhang cuối cùng đốt lên trước khi thân xác ông vào lò thiêu và trở thành tro bụi.
Bái biệt ông, và tin rằng, những người hiền như ông, nhân hậu như ông, tài hoa như ông sẽ được đến và tiếp tục sáng tác trong một thế giới mới xinh tươi không hận thù, hiềm khích và lọc lừa.
Vĩnh biệt ông, người hoạ sĩ tui trọn đời kính mến.
Sài Gòn. 14.01.2016
ĐỖ DUY NGỌC
Sài Gòn. 14.01.2016
ĐỖ DUY NGỌC
Đăng nhận xét