Latest Post


Nói thiệt tình thì tui không rành về kinh tế, nhất là cái học thuyết Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một thứ lý thuyết ông chằng bà chuộc mà tui nghĩ ngay những kẻ sáng tạo ra nó cũng chẳng chính danh được. Nhưng cái vụ rửa tiền của những tay tài phiệt Việt Nam thì tui biết một số chuyện. Và hình như chuyện rửa tiền cũng nằm trong cái vòng luẩn quẩn của Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải.
Tui có một anh bạn có cái nhà lớn ở Phú Mỹ Hưng rao bán để đi định cư. Kêu giá 29 tỷ đồng. Sáu tháng trôi qua mà không bán được, người mua chỉ trả đến 26 tỷ rồi ngưng. Một buổi sáng đẹp trời anh ta dẫn chó đi ỉa, vừa mở cổng thì có một chiếc xe hơi rất sang trờ tới. Một anh chàng trung niên ăn bận rất thời trang và sang trọng, tay xách cặp da bước xuống cất tiếng chào với giọng miền ngoài. Thằng bạn tui có tánh rất lạ là rất kỳ thị với dân miền ngoài, nên không muốn chào lại. Người khách muốn mua nhà. Thằng bạn tui đang khó chịu với giọng nói, lại mới sáng sớm nên định từ chối. Nhưng không hiểu sao hôm đó bà nhập sao đó mà hắn lại mở cửa mời vào. Xem nhà, xem giấy tờ xong, khách hỏi giá. Thằng bạn tui nghĩ nói cho bỏ ghét nên bảo giá là 32 tỷ. Khách hỏi có bớt không, hắn bảo không. Và khách đồng ý mua 32 tỷ. Một thương vụ nhanh chóng đến không ngờ, chỉ diễn ra vỏn vẹn 30 phút. Đặt cọc chục tỷ và chỉ nhận một tờ giấy xác nhận thằng bạn tui có nhận cọc thuận tình bán nhà. Đơn giản như uống ly nước mía. Hắn kể cho tui nghe mà cứ chắc lưỡi: ĐM, chúng nó giàu thật, giao tiền đô mới cứng còn thứ tự sê ri với dây buộc của ngân hàng. Giấy tờ nhờ luật sư nên chỉ 10 ngày là xong, giao ngay nhà. Sáu tháng sau, chủ mới bán lại 26 tỷ rưỡi. Ai biết chuyện cũng bảo thằng này điên. Nhưng người rành chuyện thì bảo thằng này khôn, rửa được hơn cả triệu đô la từ tiền không nguồn gốc thành tiền sạch, đem ra nước ngoài ung dung sử dụng.
Vừa rồi lại nghe một thằng em báo một căn nhà ở đường LCT trước đây là quán cơm tấm, diện tích không bao nhiêu, cũng chẳng nằm trong khu đất vàng lại bán được đến 85 tỷ đồng, ghê thật. Người mua cũng là dân miền ngoài. Tiền mà nghe như giấy.
Đi trên phố, chúng ta sẽ thấy có nhiều cửa hàng rất sang trọng và hoành tráng, nhưng hình như chẳng bao giờ có khách. Thế mà cửa hàng vẫn tồn tại tháng này qua năm khác, vẫn có doanh số hàng chục tỷ, vẫn đóng thuế đầy đủ. Nói đến đây thì ta đã hiểu họ mở cửa hàng để làm gì rồi.
Một chuyện nữa tui nghe một thằng bạn kể trong một bữa cà phê rỗi chuyện. Hắn bảo ông chú hắn là một cán bộ lãnh đạo cấp trung ương, vừa rồi con gái ổng trúng XỔ SỐ ĐIỆN TOÁN VIETLOTT 41 tỷ. Qua tháng sau em gái ổng cũng trúng số loại này giải 39 tỷ. Con gái ông ta ở miền Bắc. Em gái ông ở miền Nam. Tui buột miệng: Sao gia đình này hên thế. Chắc tu mấy đời nên giờ được phước. Hắn cười khẩy: Hên con mẹ gì, mua giải để rửa tiền đó mày ơi. Tui chẳng tin, bởi nghe nói loại xổ số này nhà nước với một tay tài phiệt nước ngoài nào đó liên doanh, dễ gì mua chuộc. Nhưng nghĩ lại, đời này có chuyện gì mà không xảy ra, nhất là ở xứ này, có tiền thì muốn gì cũng xong. Hèn gì ở Việt Nam tuần nào cũng có người trúng, khác hẳn xứ người ta năm thì mười hoạ mới có người trúng số. Nghe kể thế thôi, thật giả tui không dám chắc.
Lại nghe, có một đường dây chuyển tiền và hợp pháp hoá đồng tiền ở Việt Nam với quy mô lớn liên quan đến nhiều quan chức và tài phiệt nước ngoài. Nghe tin vỉa hè thế thôi, chứ loại người như tui trong túi có chưa đầy trăm đô la thì sức mấy mà bén mảng vô đó. Hê...hê
Tại đọc báo thấy nhà nước đang muốn huy động tiền trong dân nên mới nhớ mấy vụ này. Đất nước nghèo, dân tình khổ mà các ông tai to mặt lớn cứ chơi kiểu rửa tiền chuyển đi hết kiểu này thì chỉ có nước mạt, ngóc đầu không nổi. Nhà nước có biện pháp đánh tham nhũng hữu hiệu và quyết tâm thì còn chút hi vọng, chứ cứ như hiện nay thì thua là cái chắc.



TO THẾ MÀ LẠI RỈ!

Có một cặp trai gái kia nhà chung vách, yêu nhau tha thiết nhưng vì bà mẹ cô gái cấm đoán dữ quá nên đành phải quan hệ lén lút. Cuối cùng, chàng trai cũng nghĩ ra một cách tuyệt vời đó là đục một lỗ tròn ở trên tường và đưa hàng qua… Chỗ đục lỗ vào ngay nhà bếp của cô gái.
Vì vậy cô gái rất chăm nấu nướng, mỗi lần cô đi nấu nướng là họ lại ACB ACB… Đi đêm có ngày gặp ma, một lần đang XXX thì bà mẹ cô gái xuống bếp, sợ quá, cô gái kéo váy xuống rồi dzông tuốt mà không kịp báo cho người yêu. Anh chàng vẫn thẳng đơ, không biết gì…
Bà mẹ cô gái nấu nướng một hồi thì tìm chỗ để treo cái chảo nóng lên, tìm mãi bà mới thấy một cây định ở trên tường. Bà vừa treo chiếc chảo lên thì một tiếng la thảm thiết, cây đinh biến mất và cái chảo rớt cái coong.
Chẳng hiểu mô tê gì, bà lẩm bẩm: “Quái, cây đinh to thế mà lại rỉ nhỉ???”

SỢ CÁI CON C.....

Ngày xửa ngày xưa, có một con hổ đi kiếm mồi. Nó đến nhà một đôi vơ chồng trẻ nọ đúng vào lúc họ đang ân ái với nhau. Hổ ta tò mò nấp ở ngoài nghe ngóng xem họ nói chuyện gì, rồi mới tính chuyện vào ăn thịt.
Trong lúc ái ân, để thử lòng dũng cảm cũng như say đắm của chồng, vợ hỏi chồng :
- Nếu bây giờ có một con hổ vào đây thì mình có sợ không?
Anh chồng đang lúc đam mê nói :
- Sợ cái con C......
Chồng lại hỏi vợ :
- Thế mình có sợ hổ nó vào đây không?
Chị vợ cũng đang say đắm nên quên hết mọi thứ trên đời, kể cả hổ, chị ta đáp :
- C....còn chả sợ nữa là hổ.
Hổ ta nghe thấy rất là ngạc nhiên. Nó tự nhủ : Con C…là con gì mà gớm ghiếc hơn cả mình? Nó định bụng sẽ vẫn vào ăn thịt đôi vợ chồng nọ, những rồi lại chần chừ không dám vào, và cuối cùng nó quyết định bỏ đi để tìm hiểu xem đó là con gì. Trên đường đi nó gặp một bà già. Bà già nhìn thấy hổ thì sợ hãi vô cùng, toan bỏ chạy nhưng cuống qua ngã lăn quay. Hổ đi đến và nói :
- Bà đừng sợ. Tôi sẽ không ăn thịt bà nếu bà nói cho tôi biết con C........là con gì mà nó đáng sợ hơn cả tôi thế? Bà già nhanh trí hiểu ra vấn đề, liền trả lời :
- Ối trời ơi, ông ấy ghớm ghiếc lắm, đáng sợ hơn ông nhiều.
Rồi bà vén váy lên, chỉ vào cái ấy của mình và nói tiếp :
- Đây ông xem, ông ấy cắn tôi cách đây 30 năm mà đến nay vết cắn vẫn chưa lành Hồ nhìn vào “vết cắn” thấy quả là đáng sợ. Nó vô cùng kinh hãi và lập tức phóng thật nhanh vào rừng. Thế là con C…đã cứu sống được 3 mạng người.

XƯNG HÔ CHO ĐÚNG CÁCH.

Trong một quán thịt chó cuối tháng, một ông khách sành ăn phàn nàn với chủ quán:
- Này ông chủ, con chó này thế nào mà vừa già vừa cứng, ăn gãy cả răng!
Chủ quán quay ra mắng:
- Anh kia, ăn nói phải có lễ phép một chút chứ, không được hỗn!
Ông khách rất bực mình, bèn vặc lại: - Ông bảo ai hỗn? Mọi người xem tôi nói có sai không nào?
Lúc này, chủ quán mới lên tiếng:
- Anh phải gọi là “cụ chó” chứ!

LẦM

Thiếu phụ đang làm cơm trong bếp. Có tiếng gõ cửa. Bà bỏ dở việc bếp núc chạy ra.
Một người đàn ông gật đầu chào lễ phép rồi hỏi:
- Thưa bà, bà có nghĩ rằng bà có một thân hình rất đẹp và khiêu gợi hay không?
Bị hỏi một câu quá bất ngờ, người đàn bà sững sờ trong giây lát. Khi đã bình tĩnh trở lại bà liền đóng sập cửa lại không thèm trả lời. Chiều hôm sau lại có tiếng gõ cửa. Vẫn người đàn ông hôm trước, vẫn câu hỏi cũ. Thiếu phụ lại trả lời bằng thái độ lặng thinh. Câu chuyện đó diễn ra suốt một tuần lễ liền. Người đàn bà không chịu nổi nữa bèn kể đầu đuôi với chồng để tìm cách đối phó. Người chồng hôm sau bèn nấp sau cánh cửa khi nghe tiếng gõ cửa. Người vợ mở cửa:
- Chào bà, bà có nghĩ rằng bà có một thân hình rất đẹp và khiêu gợi hay không?
Yên chí có chồng đứng sau cánh cửa, người đàn bà trả lời mạnh bạo:
- Đúng, như vậy thì có sao không?
- Thưa, nếu vậy xin bà nói với ông nhà là hãy dùng đồ nhà chứ đừng sang ve vãn vợ tôi nữa.
Hê...hê

CHUYỆN VỀ THÁM TỬ SHERLOCK HOLMES

Sherlock Holmes và bác sĩ Watson đi cắm trại. Hai người nằm ngủ cạnh nhau. Gần sáng, Holmes lay bạn dậy và hỏi:
- Watson, nhìn xem, anh thấy cái gì?
- Tôi thấy rất nhiều sao.
- Vậy theo anh, điều này có nghĩa là gì?
- Nghĩa là chúng ta sẽ có một ngày đẹp trời. Còn anh?
- Theo tôi, điều này có nghĩa là ai đó đã đánh cắp cái lều của chúng ta.

CON VẸT MẤT DẠY

Mary hay đi ngang qua một tiệm bán thú nuôi. Có một con vẹt trong tiệm thấy Mary, nó ré lên:
- Ê, cô kia!
Mary quay lại hỏi:
- Gì?
- Cô xấu hoắc!
Mary rất tức giận. Hôm sau, cô đi ngang, con vẹt lại ré lên:
- Ê, cô kia. Cô xấu hoắc!
Mary tức giận lắm. Chuyện này lặp lại đến lần thứ ba thì Mary không chịu nổi. Cô vào tiệm và nói với chủ tiệm: Con vẹt này xúc phạm tôi. nếu ông không dạy dỗ nó đàng hoàng, tôi sẽ kiện!
Hôm sau, Mary đi ngang qua, con vẹt vẫn ré lên:
- Ê, cô kia!
Mary quay lại, thách thức:
- Gì?
Con vẹt cười nham nhở:
- Cô biết rồi còn hỏi!

ĐỂ Ở ĐÂU?

Một phụ nữ, thuộc phe quá khích đòi quyền nam nữ bình đẳng, đã cởi hết quần áo bước vào quán bar và gọi bia ra uống. Sau ly bia thứ ba, cô ta phát hiện người bồi bàn cứ nhìn mình soi mói. Đây là thời cơ tốt để cô này phát biểu chủ đề.
- Nhìn gì mà nhìn, bộ chưa từng thấy sao? Đây đâu phải là chuyện kỳ lạ hay quái dị. Các ông đã có thể không mặc áo nơi công cộng thì phụ nữ cũng có quyền như vậy và còn có thể làm hơn nữa…
Người bồi bàn ngắt lời cô ta:
- Rất tiếc là tôi không quan tâm đến chuyện đó. Tôi chỉ nhìn xem bà để tiền ở chỗ nào để thanh toán cho những ly bia thôi.

Hắn đang đi trên đường. Phố chật. Mùi xăng, mùi người, mùi cống rãnh, mùi rác rưởi, mùi khói xe bay lên nồng nặc. Tất cả quyện lại, hoà lẫn vào nhau thành mùi trần gian. Hắn còn ngửi thấy mùi nắng, khen khét trong không khí. Hắn buồn nôn. Có một cái gì đó cựa quậy trong bao tử, muốn trào ra. Hắn vẫn đang đi. Trên vỉa hè. Bây giờ người ta chạy xe lên luôn ở vỉa hè nên hắn vừa đi vừa né. Đi trên vỉa hè cũng chẳng khác gì đi trên lòng đường. Còn phải tránh những viên gạch vỡ. Nhiều lúc cả đống gạch vỡ. Năm nào người ta cũng lót gạch vỉa hè mới, sao chúng mau vỡ thế? Chẳng bù hồi xưa. Hắn lại nhớ ngày xưa. Hắn tiếc. Giá như cho trở lại ngày xưa, hắn sẽ sống khác bây giờ. Đương nhiên rồi. Bây giờ hắn sống kỳ cục quá. Mà cả xã hội kỳ cục chứ phải mình hắn đâu. Giờ thì không còn chọn lựa. Ừ! Cứ thế mà sống cho đến hết đời. Hắn quẹo qua một ngã tư, mấy hàng cây cụt đầu không còn bóng mát. Người ta đang muốn chặt hết cây cối trong thành phố này. Phố không có cây như người ở truồng, trông nham nhở tợn. Hắn mỉm cười với ý nghĩ này. Và hắn chợt nghĩ giá như bây giờ tất cả mọi người đều trần truồng đi giữa phố nhỉ? Chắc là vui. Ai to ai nhỏ, ai lớn ai bé, ai rậm rạp ai trơn láng đều lồ lộ ra hết. Nhưng mà cả thế gian trần trụi thì lại chẳng có gì đặc biệt, vì ai cũng trụi lủi như nhau. Thế thì chẳng vui, chẳng có chi khác biệt. Hắn đốt một điếu thuốc, rít một hơi thật sâu và rồi hắn muốn đứng lại.
Hắn muốn đứng lại, không muốn đi nữa. Đứng lại hẳn ở vị trí này. Đứng lại không phải vì mệt mỏi, không phải vì chán đi. Mà chỉ vì muốn đứng lại. Thế thôi. Hắn sẽ nhìn từng người đi ngang qua. Hắn sẽ nhìn từng chiếc xe đi ngang qua. Hắn sẽ quan sát người cảnh sát giao thông bên góc ngã tư làm chuyện mà ai cũng ghét nhưng rồi ai cũng tình nguyện làm khi phạm lỗi. Hắn sẽ phân tích thủ thuật bỏ tiền vào túi của anh công an. Anh chàng này nghĩ rằng sẽ không ai thấy, nhưng hắn thấy và thấy rất rõ. Ở cuộc đời này chẳng ai dấu diếm được điều gì, không người này biết thì cũng có kẻ khác thấy he..he. Hắn sẽ đứng đó nhìn qua bên đường để nhìn cô gái khá đẹp mặc cái váy ôm bó sát người để lộ cái mông to. Cái mông gợi tình, cái mông khiêu khích đàn ông và cái mông khiến hắn suy nghĩ về cái nằm sau lớp vải căng cứng đó. Nghĩ đến đó, hắn quay mặt đi, cảm thấy ngượng với ý nghĩ dâm dục của mình. Nếu tưởng tượng thêm chút nửa, phần dưới của hắn sẽ căng cứng. Không được thế. Hắn nhìn vào ông già sửa khoá bên vệ đường. Ông ta


đang dũa chiếc khoá kẹp trong cái ê tô. Ông làm với một vẻ say sưa. Dũa vài đường, ông lại thổi bụi, mở lấy cái chìa khoá, ngắm ngắm, soi soi. Đời hắn chẳng bao giờ say sưa làm việc như ông già ấy. Cả đời hắn làm việc gì cũng hời hợt, chẳng chú tâm. Hắn sống chẳng đam mê, chẳng khát vọng, chẳng ước ao, chẳng mục đích. Sống là sống cho qua ngày, thế thôi. Hắn hờ hững với chung quanh, có thể cho hắn là kẻ ích kỷ, cũng đúng. Vì hắn chẳng quan tâm đến ai và cũng chẳng mong ai quan tâm đến hắn.
Hắn vẫn đứng bên đường. Hắn vẫn chưa muốn đi. Hắn đứng lại không phải vì chân mỏi, cũng chẳng phải chán đi. Chẳng qua hắn muốn đứng lại. Hắn đã nhìn và bây giờ hắn cũng chán nhìn. Đầu hắn giờ trống rỗng, chẳng còn một ý nghĩ. Những thứ cứ như trôi tuột đi.
Đúng lúc ấy thì hắn nghe tiếng xe rú. Tiếng bánh xe siết thắng kéo trên mặt đường một thứ âm thanh ken két. Có tiếng thét, tiếng la ở phía sau. Rồi hắn thấy có bóng một chiếc xe lướt nhanh qua trước mặt hắn. Đằng sau một đám người rú xe đuổi theo. Rồi bỗng dưng có một vật gì ném về phía hắn. Hắn chụp lấy theo bản năng và ôm vào lòng theo quán tính. Chưa kịp xem đó là vật gì thì hắn thấy cổ áo hắn bị tóm lấy, siết mạnh. Có một cái chân ai đó gạt mạnh vào chân hắn, hắn té chúi nhủi. Vật hắn đang ôm văng ra. Cái kiếng cận thị cũng văng ra. Hắn bỗng thấy cảnh vật lờ mờ. Có ai đó quặt hai tay hắn vào sau lưng. Đau điếng. Mặt hắn gục xuống hè phố, hắn thấy có cát trong miệng. Lại có cánh tay ai đè đầu hắn xuống. Hăn muốn hét mà cổ họng đông cứng. Hắn muốn ngẩng đầu lên để xem chuyện gì đang xảy ra mà không ngóc đầu lên được. Có tiếng người xôn xao: Thằng này là đồng bọn của bọn cướp mà không kịp thoát. Lại có người cao giọng hét lên từ bên kia đường: Đồ ăn cướp, đánh chết nó đi. Hắn vùng vẫy, càng vùng vẫy hắn có cảm giác tê buốt cánh tay, đầu như muốn vỡ tung và thân người như ai bóp vặn. Hắn hiểu mang máng là người ta cho hắn là thằng ăn cướp vì hắn đang cầm tang vật vụ cướp trong tay. Hết đường chối cãi.
Hắn đang ở trong đồn công an, tay bị trói quặt ra sau bằng chiếc áo sơ mi của hắn. Chiếc áo vừa thay hồi sáng để đi dự lễ khai giảng. Hắn ở trần, những chiếc xương nhô ra, xương ở hai hốc vai giương lên nhìn thảm hại. Trên người hắn có mấy vết bầm.
Một người mặc sắc phục công an bảo hắn:
- Có giấy tờ tùy thân không?
- Trong túi quần
- Lấy ra xem
- Tay tôi bị trói thế này thì làm sao tự lấy được. Các anh cứ lầy mà xem
Anh chàng công an cười hô hố:
- À quên, tay mày bị trói thì làm sao lấy ha..ha
Chiếc ví được lấy ra, y rút ra những giấy tờ của hắn. Đầu tiên là cái chứng minh cong queo, hắn chợt nhớ cái giấy này đã hết hạn cả năm rồi, hắn định làm mà lần lữa mãi. Anh chàng công an nhìn vào tấm ảnh trong giấy, rồi ngước nhìn hắn, gật gật.
Anh ta rút tiếp một thẻ nữa, và đọc rồi hất hàm:
- Giảng viên đại học lại đi ăn cướp, hay đấy. Phải báo cho bọn nhà báo mới được.
- Tôi chẳng ăn cướp. Tôi chỉ là kẻ đứng bên đường
Anh ta trợn mắt:
- Không ăn cướp mà đứng đó cả gần tiếng đồng hồ để chờ đồng bọn.
- Tôi chẳng có đồng bọn nào cả, chẳng qua là tình cờ thôi
- Người dân ở đấy nói với chúng tôi là anh đứng đó lâu lắm, mắt thì láo liên chẳng khác chi kẻ cắp. Anh chối sao được. Camera ở đó cũng có hình ảnh của anh.
Hắn có suy nghĩ là tay này khi biết hắn là giảng viên đại học thì có vẻ bớt căng thẳng và tôn trọng hắn chút chút vì đã xưng hắn bằng anh thay vì mày như lúc đầu. Giọng hắn mạnh và cương quyết hơn:
- Các anh nghĩ sai rồi. Tôi là giáo viên, tôi vừa đi dự lễ khai giảng từ trường về. Tôi làm sao là kẻ cướp được. Các anh phải biết suy nghĩ chứ. Tôi sẽ kiện các anh đấy.
- Ha...ha kiện à? Xin lỗi anh nhé. Giáo viên là cái đéo gì mà không thể là kẻ cướp. Thầy gíao thời nay là ở thu nhập ở tầng cuối của xã hội đấy hê...hê. Bây giờ xã hội này ai cũng có thể là quân ăn cướp cả. Kể cả giáo viên.
Hăn vươn tới, gào lên:
- Anh nói đúng, ngay những người quyền cao chức trọng cao quý hơn cái nghề giáo viên của tôi cũng là kẻ cướp đấy. Cuộc đời này bây giờ toàn kẻ cướp, nhưng phải chừa tôi ra, biết không? Phải chừa tôi ra.
Hắn gục đầu, cảm thấy nhục và tức tối. Tự nhiên bị cái chuyện thị phi oan ức mà không cãi được. Hắn thèm một điếu thuốc. Hắn tiếc cái mắt kiếng bị bể một tròng. Hắn giận mình sao lại đứng đó làm chi.
Tay công an bỏ đi bàn bạc với ai đó. Hắn nghiêng đầu trên mặt bàn. Có giọt nước mắt chảy xuống. Hắn uất. Tình ngay lý gian. Hắn lơ mơ chẳng biết bao lâu thì anh chàng công an trở lại. Y đi vòng sau ghế, cởi trói cho hắn.
- Thôi thì xem như bỏ qua cho anh. Chúng tôi xét thấy hình như anh chẳng liên quan với đám cướp
- Các anh bắt lầm người thì phải xin lỗi tôi chứ đâu phải muốn bắt thì bắt, muốn tha thì tha. Luật pháp ở đâu mà kỳ lạ thế.
Tay công an đâp mạnh tay lèn bàn, dí sát đầu gần mặt hắn, cười khẩy:
- Thế bây giờ anh muốn gì? Muốn về hay muốn ở nhà giam. Đây chẳng hề biết xin lỗi ai. Luật là ở trong tay chúng tôi, nhớ lấy điều đó.
Rồi y ném cho hắn chiếc áo. Chiếc áo nhăn nhúm. Hắn mặc vào và đi ra cửa sau khi nhận lại chiếc ví.
Ra đến cửa, tay công an níu tay hắn lại hỏi:
- Nè anh, tui cứ thắc mắc là anh không dính dáng chi bọn cướp, thế sao anh lại đứng cả giờ đồng hồ ở đấy nhìn qua nhìn lại làm gì? Sao anh không đi? Anh có bị tưng không vậy?
- ANH KHÔNG HIỂU ĐƯỢC ĐÂU? CHỈ VÌ TÔI MUỐN ĐỨNG LẠI.
Tháng 3.2017
DODUYNGOC


Trời xanh xanh và nắng trong veo
Những cặp mông ưỡn ẹo
Những câu thơ cong queo khó hiểu
Quán chật trong phố vắng
Mùi thuốc tẩu thơm như bánh biscuit
Khói bay như cánh bướm
Tiếng ai cười như ly vỡ
Ngày mồng một hai ngàn mười sáu
Thời gian đi quá mau
Ta đứng lại
Cơn đau bụng quằn quại
Cô gái đẹp đi ngang quay đầu ái ngại
Bình hoa vàng chói trên bàn gỗ nâu
Sự chờ đợi đã lên màu
Nhớ thảm thiết.
Ôi màu vàng hoa hướng dương tranh Van Gogh
Chúng ta chỉ là lũ ngốc
Nhìn lịch sử trôi đi trong đáy cốc
Lịch sử kín bưng đêm đen
Lãnh tụ sợ dân hơn sợ kẻ thù
Mother fuck
Đốt lại tẩu thuốc
Ừ.
Mười một giờ ba mươi ngày một hai ngàn mười sáu
Đồng hồ thêm tiếng gõ
Chột dạ với đám người
Khạc ra những câu thơ bí hiểm và tự xưng là thi thánh
Chỉ là giòi bọ chờ thành ruồi
Lại tưởng mình vĩ đại
Lại nhớ con ruồi của gã tiến sĩ dỏm
Thời đại gì kỳ cục
Toàn lũ dở hơi xưng là tay chơi
Toàn mưa không ướt đất
Mười hai giờ ngày một hai ngàn mười sáu
Rầu như xác ve
Băng qua đường trốn nắng
Tự nhiên toát mồ hôi miệng đắng
Thấy sợ tuổi già
Mới được tin anh hai hộc máu đang cấp cứu ở nhà thương
Thấy dáng mình trong gương
Quặt quẹo và dị hợm râu ria tóc bết
Rồi tất cả cũng đi về cái chết
Chỉ có loài người mới ý thức được sinh ra để chết
Rồi hết
Có con cá nhà táng há miệng đầy răng nhọn
Cắn vào túi quần
Chuông điện thoại reo
Một giờ trưa ngày một hai ngàn mười sáu
Còn chỗ nào nương náu
Giữa phố hoang vu cỏ cây xanh mét gục đầu
Nhếch mép nhìn pho tượng vẫy tay
Tượng đen xì
Chẳng có ai chào lại
Nỗi buồn như tượng
Thấy thốn giữa háng
Tiếng còi xe thúc sau đít
Một giờ mười lăm ngày một hai ngàn mười sáu
Chán như con gián
Đi về thôi.
1.1.2016
DODUYNGOC




Một đêm chợt buốt lạnh xương da
Trăng úa đầu hiên gió vỡ oà
Chiếu chăn hiu hắt tàn cơn mộng
Bóng ngã bên đường ta bước qua
Một sáng chim buồn trên lá héo
Mắt nâu trôi mất giữa mù tăm
Hơi ấm đong đầy tràn khung cửa
Trơ trọi mình ta một chỗ nằm
Một tối mây tràn qua khe gió
Cuối trời thấp thoáng bóng chim bay
Thoi thóp trong tim còn đốm lửa
Ai đốt dùm ta ngọn nến này
Thôi hết từ nay thôi tưởng nhớ
Vết sẹo thời gian chẳng thể lành
Sông vẫn lạnh lùng trôi hết kiếp
Xin làm tảng đá mốc rêu xanh
Saigon.31.3.2016
DODUYNGOC




Giấc mơ nào đẩy tôi đi tận cuối trời
Chạy hụt hơi gần hết cuộc đời
Tôi không tìm thấy
Những lầu cao đè bóng người
Hàng dây điện thắt vào cổ
Cây quật đổ
Tôi đi như mộng du
Cơn mơ nào xúi tôi đi về phía biển
Sóng hung hãn nuốt đàn hải âu
Tôi đứng trên ghềnh đá và tuôn nước mắt
Biển toàn xương người
Sự thật tàn nhẫn bóp chết ngôn ngữ
Tôi không còn tiếng kêu
Ngoài khơi không bóng thuyền
Cá tôm bị đầu độc
Biển mênh mông chứa độc dược
Trầm luân kiếp người và trăn trở làm người
Sự thật nào vẽ cho tôi lối trở về
Tôi muốn ngồi trên bờ ao nghe cá quẫy
Tôi xin chia lìa giấc mơ
Giã từ bóng tối
Nửa đêm nghe gió xao xác bên cánh cửa
Chợt giật mình nghe tiếng chim kêu
Biết mình đang còn ở quê nhà
Chờ gà gáy sáng
Lủi thủi đi ra biển
Lại chờ những cơn mơ
23.8.2018
DODUYNGOC


Hắn ở tầng bảy của một chung cư cao cấp. Từ cửa sổ phòng hắn nhìn xuống thấy một vạt cỏ xanh rì của công viên. Ngay tầm nhìn của hắn là chiếc ghế đá trắng phau. Bãi cỏ và chiếc ghế đá gợi một khung cảnh lãng mạn như một cuốn phim nào đó hắn đã từng xem. Hắn thích đứng từ trên cao nhìn xuống đó và nghĩ nhiều chuyện.
Sáng nay như lệ thường, hắn nhấm nháp ly cà phê và nhìn xuống. Vạt cỏ vẫn xanh rì và chiếc ghế vẫn trắng phau. Nhưng linh tính lại cho hắn có cảm giác sẽ xảy ra một cuộc án mạng. Sẽ có một cái chết. Ngay vạt cỏ đó. Ngay chiếc ghế đá đó. Hắn có năng khiếu của một con thú, đánh hơi được những cái chết. Hắn đã từng thoát chết nhờ cái linh tính trời ban này. Hắn là dân tình báo. Làm cái nghề mà cái chết luôn rình rập, sự may mắn và cảm giác luôn là lối thoát để có thể sống sót trước những hiểm nguy. Đã có lần hắn huỷ một chuyến bay vì đánh hơi được mùi tử khí. Chuyến bay nổ tan xác khi vừa cất cánh. Một lần khác, trong một quán ăn ở Tây Ban Nha, hắn ngửi thấy mùi chết chóc nên vội vã rời quán. Nửa tiếng đồng hồ sau, quán bị đánh bom. Ở Berlin, một lần hắn định qua đường, linh tính báo có sự nguy hiểm, hắn rẽ lối khác và đã có một vụ đụng xe với nhiều người đi bộ tử vong vì xe cháy. Linh tính là năng khiếu trời cho, cộng với những bài học về nghề ở Đông Đức, lại thêm kinh nghiệm hơn chục năm làm nghề nhiều nước trên thế giới giúp cho hắn có một bề dày đánh hơi được những bất trắc có thể xảy đến. Hắn có thể ngửi được mùi tử khí khi chưa có án mạng xảy ra. Và hôm nay hắn đã thấy điều đó. Ngay tầm nhìn của hắn từ trên cửa sổ. Sẽ có người chết hôm nay trên vạt cỏ. Có thể trên ghế đá. Hắn thấy máu chảy.
Hắn uống hết ly cà phê, điện thoại cho văn phòng báo hôm nay hắn không đến cơ quan. Hắn cởi áo quần đi làm thường ngày, mặc bộ đồ ngủ. Đứng nhìn xuống vạt cỏ và chờ.
Nghĩ vẩn vơ hắn lại nhớ vợ con. Đợt trước hắn làm việc trong sứ quán Việt Nam ở Đức. Hắn mang vợ con qua đó và tìm cách cho vợ con định cư. Hắn muốn con hắn có một nền giáo dục tốt hơn ở quê nhà. Hắn muốn vợ hắn có một cuộc sống an lành và tốt đẹp hơn. Hết thời hạn công tác ở sứ quán, hắn bị điều về Việt Nam, làm công việc chuyên theo dõi các người nước ngoài có số má nhập cảnh và hoạt động ở Việt Nam. Công việc cũng nhàn nhã nhưng chán phèo. Hắn chờ để lại đi.
Hắn mở máy nghe nhạc. Một bài hát quen thuộc cất lên. Bài Le Beau Danube Bleu của Johann Strauss Jr.Hắn thích nghe bài này vì giai điệu êm đềm du dương của nó. Hắn lẩm bẩm hát theo. Hắn lại nhìn xuống vạt cỏ. Có một cặp vợ chồng già đang ngồi trên ghế đá. Hai người đang cười vui. Hắn nghĩ không lẽ một trong hai người này là nạn nhân? Hắn đến gần bên cửa sổ, nhìn. Bà cụ đang cười khoe hàm răng giả trắng phau. Ông cụ ngồi nhả khói từ ống pipe. Họ đang hạnh phúc. Những thời gian hạnh phúc cuối cùng của một đời người. Cả hai đang dắt tay nhau đi về chân trời hoàng hôn. Họ không phải là nạn nhân. Hắn tin thế.
Vạt cỏ đầy nắng. Chiếc ghế trắng chói chang. Hắn lấy một cuốn sách ra đọc. Thỉnh thoảng lại nhìn xuống. Yên tĩnh. Có mấy con chim sà xuống ghế, chúng lượm mấy mẩu bánh vụn ông bà cụ làm rơi rớt. Có tiếng gõ cửa. Cô bé mang cơm trưa cho hắn. Hắn ngồi ăn bên thành cửa sổ, mắt nhìn xuống bãi cỏ thưa người. Có một lão hành khất đi tới, nằm dài trên ghế. Ngủ. Những món phế liệu linh tinh vây quanh lão. Hắn vẫn ngửi thấy cái chết lăng quăng đâu đó. Thoang thoảng mùi máu. Hắn ăn không hết phần cơm. Rót một ly rượu, hắn nhấm nháp. Hắn cảm thấy buồn ngủ, mắt muốn đip lại. Hắn ngả người trên ghế, lim dim.
Có tiếng xao xác phía dưới, hắn choàng tỉnh, nhìn xuống. Lão hành khất đã đi từ lúc nào. Ghế trống trơn. Vạt cỏ có nắng chiếu dìu dịu vẫn xanh biêng biếc. Hắn pha một ly cà phê. Nhấm nháp và cười một mình. Không lẽ linh tính của hắn sai. Hắn vẫn ngửi thấy mùi máu. Hắn vẫn tin sẽ có án mạng. Ngay chỗ đấy. Chỗ vạt cỏ đấy. Chỗ chiếc ghế trắng đấy. Chắc chắn là như thế. Và hắn ngồi đợi.
Chiều đến vàng ệch một góc trời. Những đám mây ngũ sắc khiến cho bầu trời pha chút ma quái. Hắn vẫn ngồi đó, nhìn xuống, trong đầu hắn mùi chết chóc vẫn chập chờn. Hắn rót thẻm một ly rượu, bỏ thêm viên đá. Căn phòng im như nấm mồ. Hắn lại mở nhạc, vẫn bài hát ấy, vẫn giai điệu du dương ấy. Có một dòng sông đang chảy giữa căn nhà.
Hắn nhìn xuống, vạt cỏ đã biến màu sẫm hơn, có thằng bé mon men đến ghế đá. Mẹ nó đứng bên cạnh. Thằng bé cười rất tươi trên khuôn mặt mũm mĩm. Hắn lẩm bẩm, không phải là thằng bé này nhé, không thể. Đừng nhé! Nhưng hắn vẫn ngửi thấy mùi máu. Hăn đứng bên cửa sổ, khoát tay như trong vô thức: Đi đi, đừng ngồi đày. Đi đi! Chẳng ai nghe thấy. Nhưng rồi hai mẹ con cũng rời đi. Ghế lại trống. Hắn cảm thấy nực nội. Nóng. Bứt rứt. Chắc phải tắm mới xong.
Lúc hắn rời phòng tắm thì trời đã tối. Mặt trời đã khuất ở chân trời, đèn đường đã bật. Hắn định xuống phố ăn tối, nhưng hắn vãn ngửi thấy mùi máu, hắn vẫn nghĩ sẽ có án mạng. Ngay tại vạt cỏ. Ngay tại chiếc ghế đá. Hắn mở tủ lạnh lấy hộp bánh. Đến bên cửa sổ nhìn xuống. Chiếc ghế đá trắng phau phản chiếu ánh đèn nằm trên vạt cỏ đã sẫm màu tối. Nó nằm nổi bật giữa bãi cỏ. Trống trơn. Hắn mong đừng ai đến đó đêm nay và linh tính của hắn sai. Và sẽ không có người chết. Hắn mở ti vi xem một lát, chẳng có gì ngoài mấy trò nhảm nhí. Hắn lại nhìn xuống, ghế đá chẳng có ai ngồi, vạt cỏ bây giờ là một tấm màn nhung đen tuyền. Hắn vẫn thấy thoang thoảng mùi máu. Nhưng ghế đá không người, đêm đã tới, ngày sắp hết.
Hăn buồn ngủ. Hắn sắp xếp để ngủ. Theo thói quen của nghề nghiệp, hắn lấy khẩu súng ngắm nghía một thoáng rồi để dưới gối. Luôn là như vậy. Nghề của hắn phải luôn đề phòng. Phải luôn có vũ khí bên cạnh. Cần là nổ. Hắn ngủ một giấc ngon.
Hắn thức dậy khi ánh sáng đầu tiên lẻn vào phòng. Hắn bật dạy, chạy nhanh đến cửa sổ nhìn xuống. Mùi máu nồng nặc, trong gió có mùi xác chết. Vạt cỏ vẫn xanh rì. Nhưng trên chiếc ghế đá, một dòng máu đỏ cháy dài từ lưng ghế xuống mặt ghế. Dòng máu như chiếc khăn quàng đỏ thắm ai vắt ngang cái ghế đá trắng phau. Hắn tái mặt, hoảng hốt. Thế là linh tính hắn không sai. Ai đã chết đêm qua? Và ai là kẻ giết người?
Hắn đến bên giường lật gối lấy khẩu súng. Hắn ngửi thấy mùi thuốc súng từ nòng khẩu súng hắn cầm trên tay. Gỡ băng đạn ra đếm, hắn thấy thiếu một viên đạn.
23.8.2018
DODUYNGOC


Người đàn ông đi ngang bờ sông
Vị sư già gieo câu kinh cuối cùng
Hạt chẳng nẩy mầm
Rơi xuống đất
Tiếng chuông nào rớt giữa thinh không
Người đàn ông nhặt lời rao ở vỉa hè
Thay bài Chú Đại Bi
Đêm thăm thẳm
Vầng trăng ai lấy mất
Bầu trời có lổ thủng
Người đàn ông đi ngang bờ sông
Chiếc lá rơi tiếc cành cây vừa lìa bỏ
Mùa thu vàng chín ngõ
Người đàn ông đi ngang bờ sông
Thở một làn khói trắng
Vỡ nát đêm đen ánh sáng lập loè
Những con ma trơi cười khanh khách
Tiếng cú kêu dội vào kè đá
Người đàn ông di ngang bờ sông
Không bóng thuyền không sóng vỗ
Thế giới như nấm mồ
Không bia mộ
Người đàn ông đi ngang bờ sông
Dốc đá dựng
Người đàn ông đứng lại
Hoá đá ở ven đường.
23.8.2018
DODUYNGOC

Con người ta hình như đến một tuổi nào đó sẽ ngộ ra rằng cuộc đời thật ra chẳng có gì quan trọng. Cuối cùng rồi như nhau cả. Bạn có thể có một cuộc đời sung sướng, hạnh phúc hay bạn đã phải lầm than, nghèo túng, khổ đau. Cuối con đường có khác gì nhau đâu. Lúc xuôi tay, quân vương hay kẻ cơ hàn đều là sự giã biệt. Có thể có kẻ sẽ có tiền hô hậu ủng, kèn trống vang trời. Có người bó trong chiếc chiếc chiếu rách đi giữa mưa rơi. Nhưng cả hai đều chẳng còn biết gì, tất cả đều đang làm cho người sống.
Đến một tuổi nào đó, người ra sẽ nghiệm thấy rằng cuộc đời chỉ là con số không to tướng. Sinh ra, lớn lên, già đi rồi mất hút. Mọi thứ danh vọng chỉ là trò hư ảo. Mọi thứ của cải làm ra cũng chỉ là thứ phù phiếm có rồi mất. Mọi thứ hoan lạc hay khổ ải cũng chỉ là gia vị của cuộc đời. Sinh ra thì phải sống, phải chiến đấu để tồn tại, phải khát vọng để vươn lên. Thế rồi, khi tuổi già đã tới, những bi kịch của tàn phai tác động đến mỗi người, sẽ thấy hoá ra mình đã bỏ cả tuổi thanh xuân để chạy theo toàn những thứ ảo vọng. Tranh dành nhau cái danh, lấn lướt nhau đoạt lợi. Được danh lợi rồi lại tham vọng nhiều hơn, lớn hơn. Cuối cùng cũng chỉ là một cuộc chơi, để rồi trắng tay lúc trở về cát bụi.
Đến một thời điểm nào đó của cuộc sống, nhìn lại đọn đường ta đã đi, ta phát hiện ta chỉ để lại lắm điều lầm lỗi. Lầm lỗi với cha mẹ, với những người thân yêu. Lầm lỗi với bạn bè, với xã hội. Lầm lỗi với những người ta đã gặp, những người đã đi qua đời ta. Tất cả đều do cái tôi quá lớn của mỗi người. Không biết quên mình mà chỉ sống cho mình. Do vậy, những suy nghĩ và hành động ích kỷ cứ mãi quẩn quanh để đưa đến lỗi lầm.
Sống đến tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng tự thắng được mình mới là điều quan trọng. Tuổi trẻ háo thắng chỉ chăm chăm thắng người, hơn người. Cảm thấy tự mãn và sung sướng trong thắng lợi. Có biết đâu rằng cái thắng lợi mình có là cái thất bại và đớn đau cho người khác. Đâu có biết rằng chính cái thắng lợi ấy là chiếc bẫy tiếp theo của cuộc đời mình. Trong mọi hoàn cảnh, tự thắng chính mình là điều khó nhất. Làm được điều đó là ta đã có thể tự hào.
Đến một tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng lắng nghe mới là điều cần thiết. Biết lắng nghe là biết thu thập cả thế giới cho riêng mình. Biết lắng nghe thì mới phân biệt được phải trái phân minh. Biết lắng nghe thì mới có sẻ chia. Muốn lắng nghe thì phải học im lặng. Con người ta chỉ mất vài năm để học nói, nhưng mất cả đời để học im lặng. Im lặng để lắng nghe. Không chỉ lắng nghe ngôn ngữ của con người, ta phải tập lắng nghe tiếng của thiên nhiên, tiếng của cỏ cây, giun dế, của gió, của nắng, của mưa bão. Tiếng sóng vỗ, tiếng chim kêu đều mang lại cho ta những cảm xúc của cuộc đời. Thiếu chúng nó, cuộc đời chỉ là khoảng trống vô vị.
Tới một tuổi nào đó, con người nên đến với thế nhân bằng những nụ cười. Hãy cười với nhau bằng tâm hồn mở tất cả các cửa, với tấm lòng thân thiện. Hãy chào nhau dù chỉ gặp một lần vì biết đâu ngày mai không còn cơ hội để gặp, không còn dịp để gởi nhau nụ cười. Sinh tử là ranh giới mỏng manh. Đời vốn vô thường. Già sẽ đưa đến tật bệnh, bệnh làm cho người ta héo úa, đau đớn khó chịu. Nếu lạc quan và trang bị nụ cười với mọi người, nỗi đau sẽ giảm đi, héo úa sẽ bớt đi, nụ cười chính là son phấn trang điểm cho tuổi già.
Đến một tuổi nào đó, con người sẽ hiểu được rằng điều cơ bản của con người là sự cô đơn. Con người sinh ra một mình và mất đi cũng chỉ một mình. Không ai sống thay ta và cũng chẳng ai chết thay ta. Gia đình, chồng vợ, con cái, bạn bè đều là người thân đấy, nhưng mỗi người có một cuộc sống, mỗi người có mỗi số phận và định mệnh riêng. Do vậy, mỗi người phải tự quyết định đời mình, không chờ đợi một ai có thể thay mình. Trong hành trình sống, con người là một thực thể cô độc, không ai hoán đổi được. Tới tuổi già chính là lúc gặm nhấm nỗi cô đơn nhiều nhất.
Tới một lúc nào đó, người ta hiểu được là sống là để làm cho đủ bốn bổn phận đối với cuộc đời. Bổn phận với quá khứ là trả hiếu với mẹ cha. Bổn phận với tương lai là nuôi dạy con cái. Bổn phận với cuộc sống là giúp đỡ kẻ hoạn nạn, yêu thương mọi người và cuối cùng là bổn phận lấp đầy đời mình bằng tiêu pha, sinh hoạt hàng ngày. Con người làm ra tiền dù ít hay nhiều cũng chỉ quẩn quanh từng đó bổn phận. Có kẻ làm không đủ thì là thiếu trách nhiệm. Thế cho nên làm người là làm tròn bổn phận. Tới tuổi già, làm xong bổn phận ta có thể ung dung để hưởng những ngày còn lại trong sự thanh thản.
Đên một lúc nào đó người ta sẽ có những nuối tiếc. Tiếc vì chưa làm được những điều muốn làm, chưa đến được những nơi muốn đến. Quỹ thời gian không còn, chuyến tàu sầm sập đến hoàng hôn. Chợt giật mình thời gian quá ngắn. Bởi thế nên muốn làm gì thì làm ngay, muốn đi đâu thì đừng lần lửa. Có ước muốn thì hãy thực hiện, kể cả việc trả thù một ai đó. Nhưng mà nếu tha thứ được thì nên tha thứ, nếu quên được thì nên quên. Sống tập quên cái cần quên cũng là một thứ thuốc chữa tâm hồn. Nhớ nhiều chỉ vác nặng. Sống mà mang nặng quá chỉ khổ thân.
22.8.2018
DODUYNGOC

Lúc còn bé, nhiều khi nửa đêm dậy đi tiểu hay xuống bếp uống nước, thỉnh thoảng thấy ba mạ tui ăn khuya. Khi thì bồ cáu hầm đậu xanh, lúc thì chén yến huyết, có lúc lại thấy cháo tim cật và rất nhiều lần có món hột vịt lộn. Và thường tui được ké một hột vịt lộn rồi lại lên giường ngủ tiếp. Tuổi còn nhỏ nên cũng chẳng biết tại sao có những món ăn khuya đặc biệt của mgười lớn ấy. Sau này lớn lên mới biết rằng đó là những món ăn tẩm bổ của người lớn sau cuộc chiến đấu hê..hê. Và tui biết thêm đó là những món ăn bổ dưỡng. Thế nhưng trong mấy món đó, tui chỉ khoái hột vịt lộn. Cái khoái đó theo tui tới tận bây giờ.
Bây giờ già rồi lại càng biết thêm hột vịt lộn là một loại sâm nhung nhiều chất bổ. Cũng hợp lý thôi. Ăn một cái hột vịt lộn là ăn cả một con vịt mà. Mà thịt vịt vốn lại là loại thịt bổ dưỡng chữa được lắm bệnh.
Đối với người phương Tây, hột vịt lộn là món ăn kinh dị và người ta rất kinh hãi món này. Khách du lịch phương Tây và những người lần đầu nhìn thấy trứng vịt lộn thường thấy e ngại và không dám ăn trứng vịt lộn. Nguyên nhân có lẽ là do hình con vịt đã rõ ràng đủ hết mọi bộ phận, lông cánh khiến họ thấy kinh sợ đến nỗi món ăn này thường xuyên xuất hiện trong chương trình thử thách lòng can đảm Fear Factor (chương trình TV mà người tham gia còn phải ăn giun xay và các thứ tương tự khác). Ngoài ra hột vịt lộn còn xuất hiện 2 lần trong Survivor: Palau, 1 lần trong Survivor: China.
Thế hột vịt lộn là gì? Giải thích thế này với người Việt thì chắc người ta sẽ cười cho. Nhưng mà đã nói thì nói luôn cho rõ. Trứng vịt lộn hay hột vịt lộn là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam... và được coi là món ăn bổ dưỡng. Trứng được bán rong, hoặc tại các góc phố, các hàng ăn nhỏ. Món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như là Trung Quốc, Philippines và Campuchia, tuy cách chế biến có khác nhau một chút. Tại Philippines, trứng vịt lộn (gọi là Balut theo ngôn ngữ địa phương) cũng được thưởng thức rộng rãi ở tại mọi tầng lớp nhân dân, có điều trứng thường chỉ được ấp đến 17 ngày và không dùng rau răm, trong khi trứng vịt lộn tại Việt Nam thường già hơn một chút, từ 19 ngày tuổi và luôn có rau răm đi kèm. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các món trứng vịt lộn chiên, trứng gà lộn và trứng cút lộn.(WIkipedia)
Theo phân tích của các chuyên gia dinh dưỡng thì trong trứng vịt lộn có chứa 13,6g protein , 12,4g lipit, 82mg canxi , 212mg phốtpho, 600mg cholesterol, 182kcal năng lượng…
Ngoài ra, trong mỗi quả trứng còn chứa rất nhiều vitamin A, tiền vitamin A, chất sắt, gluxit, vitamin B1 và C. Quá trời chất cần thiết cho sức khoẻ con người.
Do vậy khi sử dụng trứng vịt lộn trong bữa ăn, chúng ta nên lưu ý giảm bớt các món ăn giàu đạm như thịt, trứng, tôm, cua, nội tạng như tim, gan, cật…, các món xào rán nhiều dầu mỡ để tránh gây quá tải chất đạm, chất béo dẫn đến các triệu chứng đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa… không có lợi cho sức khỏe.
Còn theo Đông y, trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng.
Khi dùng chung với gia vị như rau răm, gừng tươi, trứng vịt lộn trở thành một bài thuốc chữa bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể, còi cọc, đau đầu, chóng mặt, yếu sinh lý…
Để phát huy hết công dụng của trứng vịt lộn, người ta thường ăn kèm với rau răm, gừng tươi và 1 chút muối. Đây cũng chính là những vị thuốc Đông y giàu dược tính.
Gừng tươi có tác dụng kích thích tiêu hóa, giải độc thực phẩm. Trong khi đó, rau răm tính ấm có tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn, ích trí, mạnh gân cốt, chữa lạnh bụng, say nắng…Đọc đến đây bảo đảm quý ông sẽ có khát khao chạy ra quán làm mấy cái cho nó sung he..he. Đàn ông thằng nào lại không muốn sung. Bởi có sung thì mới sướng. Tiếng Việt mình hay lắm, thường gọi chung là sung sướng, chứ tách ra thì giảm hiệu quả rồi. Giới giang hồ thì thường nói giỡn là hột vọt lộn nên ăn chung với thì là. Ha..ha chị em ta đừng có la lên: Ôi trời! Ai lại ăn thế? Bé cái lầm rồi các bà ơi, mấy gã đó chơi chữ đấy. Ý của mấy gã là muốn nói đến lộn là. Mà dân gian ta đã bảo rằng: "Thấy ... lạ như được tạ đường phèn. Hểu chửa?"
Mà tại sao ăn hột vịt lộn thì phải ăn với rau răm?
Rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Loại rau này nổi tiếng là kẻ thù của “chuyện ấy”. Từ xa xưa nhiều người còn truyền miệng nhau rằng, các nhà tu hành trong các nhà chùa thường sử dụng rau răm để giảm bớt ham muốn đời thường. Nó thường được dùng ăn kèm với trứng vịt lộn. Tác dụng của rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, tiêu thực, sát trùng, tán hàn. Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt. Rau răm có vị cay ấm, khu hàn, trừ thấp, ôn ấm tỳ vị, tiêu thực, trừ chướng thống, cầm tả lỵ. Bản thảo cương mục nói: rau răm trừ độc trong tôm cá. Nó còn trừ cước khí sưng chân, chữa rắn, rết, côn trùng cắn, chàm, ghẻ (để đắp, rửa). Các sách về sau còn dùng rau răm để trừ giun sán, chữa thiếu máu do thiếu sắt, điều hòa kinh nguyệt. Người có thai cấm dùng vì có thể sẩy thai. Người dân Campuchia cũng dùng rau răm làm gia vị, ngoài ra còn dùng để lợi tiểu, hạ sốt, chống nôn…
Ăn rau răm nhiều sinh nóng rét, giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, suy yếu tình dục. Phụ nữ những ngày thấy tháng (kinh nguyệt) không nên ăn rau răm dễ bị rong huyết.
Tuy rau răm không độc nhưng nếu dùng rau răm thường xuyên, dung lượng rau răm nhiều sẽ làm giảm tình dục, giảm ham muốn cả đàn ông lẫn đàn bà, kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi, phụ nữ có thể trở nên vô kinh (mất chu kỳ kinh nguyệt).
Do vậy, sử dụng rau răm để tránh những cơn bốc dương, an tâm tu hành để đắc đạo là chuyện có thật diễn ra từ lâu trong đời sống nhà chùa.
Việc ăn trứng vịt lộn với rau răm không rõ bắt nguồn từ đâu, từ bao giờ nhưng theo truyền miệng trong dân gian. Mỗi khi ăn hột vịt lộn, chắc chắn bạn phải có rau răm làm gia vị cùng với mấy lát gừng và muối tiêu. Vì ăn trứng vịt lộn cường dương nên phải ăn kèm rau răm vì rau răm giảm bớt ham muốn tình dục do trứng vịt lộn gây nên. Thật ra rau thơm này phải chịu tiếng là kẻ thù của “chuyện ấy” nhưng đây chỉ là truyền miệng, chưa được xác minh.
Theo đông y thì điều này là sự cân bằng Âm – Dương của thiên nhiên, tạo ra những món ăn hoàn hảo.
Đồng thời hột vịt lộn thì tính hàn và đại bổ dưỡng nên ăn với rau răm gừng và tiêu làm cho thức ăn ấm lại, chống được hậu quả lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hóa.
Thế nên các ông ăn hột vịt lộn nhớ kèm rau răm, nhưng chỉ vài lá cho thêm ngon miệng, chớ nên ăn nhiều quá trở thành phản tác dụng, chơi mấy quả vịt lộn liền sao vẫn thấy bèo nhèo hi..hi ..hic
Có lần mấy ông bạn tui cãi nhau về chuyện ăn hột vịt lộn lúc nào là tốt nhất. Ông thì bảo đã bổ thì ăn lúc nào chả bổ, ông thì bảo ăn buổi sáng tốt, ông khác lại cho ăn buổi tối mới tốt. Ngồi uống bia với hột vịt lộn mà, nên cãi nhau om xòm. Tìm hiểu thì cáu trả lời sẽ là: ăn buổi sáng là tốt nhất.
Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng là tốt nhất, đặc biệt là từ 10-12h bởi nguồn năng lượng từ trứng rất thích hợp để tăng cường hoạt động thể chất, cũng như tinh thần của chúng ta trong 1 ngày dài. Tránh ăn vào buổi tối vì đây là món ăn khó tiêu, nếu ăn trứng vào buổi tối xong, khi đi ngủ sẽ bị khó chịu, đôi khi dẫn tới đầy hơi, không tiêu hóa được. Thế là hết cãi. Thế nhưng lại chuyển hướng là ăn bao nhiêu thì đúng, bởi hột vịt lộn thuộc loại khó tiêu, ăn nhiều trướng bụng. Câu trả lời có ngay đây:
-Trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn do sự chuyển hóa các chất của hệ thống tiêu hóa chưa hoàn thiện, dễ sình bụng, tiêu chảy…Các bà mẹ nên lưu tâm điều này
– Trẻ 5 – 12 tuổi chỉ nên ăn nửa quả trứng vịt lộn mỗi ngày (1/2 quả trứng vịt lộn tương đương 4-5 trứng cút lộn). Mỗi tuần ăn 1 – 2 quả, và cũng chỉ ăn 15 ngày liền/đợt.
– Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn có thể dùng 1-2 quả trứng vịt lộn /ngày.
Hột vịt lộn là món ăn bổ dưỡng, điều đó ai cũng biết. Thế nhưng không phải ai ăn cũng tốt. Có một số người không nên ăn hột vịt lộn. Đó là: Những người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch, gút… cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều trứng vịt lộn vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Đối với các bà bầu, cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai phát triển. Tuy nhiên, nếu sử dụng trứng vịt lộn cũng chỉ nên 2 quả/tuần và ăn vào bữa sáng để tránh đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt, trứng lộn khi ăn thường được bày kèm rau răm, bà bầu nên tránh loại rau này để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Bác sĩ cho biết thêm: “Trẻ nhỏ cũng là nhóm đối tượng nên hạn chế món ăn này để tránh bị khó tiêu, đầy bụng dẫn đến dễ bỏ bữa chính. Nên cho bé sử dụng trứng tươi thay vì trứng lộn để có thể tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn.
Trứng vịt khi phôi thành hình: rửa sạch trứng, luộc lên, để sôi kỹ 8 phút, tắt bếp và để nguyên đó 20 phút, rồi mới lấy ra, đập vỏ, ăn phần bên trong ngay lúc còn nóng.
Tuy nhiên, đất Việt rộng chẳng bao nhiêu nhưng cách ăn uống nhiều khi lại khác nhau lạ lùng. Ví dụ như ăn hột vịt lộn. Ba miền Bắc, Trung, Nam cách ăn và gia vị khác nhau. Thể hiện văn hoá vùng miền khác nhau.
Người Hà Nội thường ăn hột vịt lộn vào buổi sáng, trong khi người Miền Nam nói chung ăn hột vịt lộn vào buổi tối sau khi ăn cơm. Người Hà Nội bóc, bỏ hết vỏ quả trứng cho ra đĩa hoắc bát nhỏ, rồi dùng thìa nhỏ sắn miếng ở đầu nào, chỗ nào cũng được để ăn và có thể sắn miếng to, miếng nhỏ tùy ý, ăn nhanh, ăn chậm tùy ý, nhưng có lẽ nếu ăn chậm quá thì trứng sẽ nguội, vịt lộn sẽ tanh, nên cách ăn này phù hợp với cách ăn nhanh, uống nhanh của người Miền Bắc. Còn người ở trong Nam thì để quả trứng lên một ly nhỏ, dựng đứng quả trứng lên và bóc một tý đầu vỏ phía kia rồi dùng một thìa nhỏ ăn múc trứng dần, cách đó làm người ăn trứng không ăn nhanh được, phải sắn từng thìa nhỏ ăn dần từ trên xuống dưới. Nó thể hiện phù hợp với phong cách ăn chơi buổi tối, ăn kiểu nhậu, lai rai, hột vịt vẫn ở trong vỏ vẫn được giữ nóng. Ở Đà Nẵng, phần gia vị ăn kèm cũng có khác hơn so với những nơi khác. Người ta thường làm nước mắm và đu đủ chua ngọt, thêm vào những chất cay và nóng như rau răm, ớt hiểm, gừng để giảm vị tanh của trứng. Ở Phan Thiết, ngoài các gia vị thông thường,người ta còn ăn kèm trứng vịt lộn với đồ chua ngọt làm từ cà rốt và củ cải. Cách thức ăn thì giống như của Hà Nội và miền Nam.
Hột vịt lộn là một loại thực phẩm kích, tăng cường Dương lực rất mạnh, nếu nói về khoa học: ăn chất bổ vào buổi tối sẽ dễ béo phì, nhưng mặt khác nếu ăn trứng vịt lộn giúp tăng Cường dương thì ăn trứng vịt lộn vào buổi tối là rất phù hợp cho viêc gần gũi nam, nữ. Đời tréo ngoe vậy đấy. Ăn sáng thì tốt nhưng ai lại gần được vợ buổi sáng, nên chơi hột vịt lộn buổi tối chịu một chút béo phì mà thuận lợi chuyện kia hơn he..he.
Thế nhưng, mới đây các chuyên gia dinh dưỡng lại tuyên bố gây sốc. Họ cho rằng: Trứng là một hệ thống gần như khép kín nên một quả trứng tươi và một quả trứng vịt lộn sẽ tương đồng về tỷ lệ các nguyên tố, sự khác biệt ở đây là biến đổi cấu trúc của các đại phân tử. Nhiều người thường có quan niệm cho rằng trứng vị lộn có giá trị dinh dưỡng cao hơn trứng gà hoặc trứng vịt thường. Tuy nhiên,xét trên một quả trứng thì giữa chúng chênh lệch nhau không đáng kể, xét tổng thể thì chúng có cùng giá trị dinh dưỡng. Nói thế thì trớt quớt, thôi thì ăn cho ngon cũng đã là sướng rồi.
Ở Châu Á, ngoài Việt Nam ra, Philippines là đất nước khoái ăn hột vịt lộn nhất. Nó có tên gọi là Balut, món ăn vặt này rất phổ biến ở Philippines nhưng không ăn kèm với rau răm và gừng như trứng vịt lộn ở Việt Nam. Một điểm khác biệt là balut của Philippines trứng non hơn ở Việt Nam một chút. Thông thường trứng vịt ở Philippines được ấp tối đa khoảng 17 ngày, còn trứng vịt ở Việt Nam được ấp từ 17 đến 19 ngày.
Đây cũng là lý do tại sao người Philippines gọi trứng vịt lộn là Balut, lấy từ cụm “Balut sa puti”, nghĩa là “được bọc trong màu trắng”. Trứng khi đó còn non, vịt chưa phát triển mỏ, lông và móng, còn xương thì đang manh nha.
Người Philippines thường ăn trứng vịt lộn kèm với muối trắng, hoặc dấm pha tỏi, ớt và hành tây. Họ ăn bằng cách khéo léo đập dập và bóc phần đầu của trứng bằng một chiếc thìa nhỏ, sau đó húp nước còn ấm nóng rồi lách thìa vào bên trong để xúc trứng ra.
Ngoài cách luộc đơn thuần, người Philippines còn biến tấu món trứng vịt lộn bằng cách kho, rán cùng trứng, hoặc làm nhân bánh.
Một trong những nơi nổi tiếng nhất vì món Balut là Pateros, một thành phố nhỏ ở Metro Manila. Nhiều người nói rằng món trứng vịt lộn ở đây ngon nhất thế giới. Người dân ở thành phố bắt đầu chế biến món trứng vịt lộn từ nhiều năm nay, với kỹ thuật nấu được truyền từ đời này qua đời khác.
Món ăn này còn được người Philippines mang đi phổ biến ở New York. Cuộc thi ăn trứng vịt lộn nhanh thường niên lần thứ 3 vừa được tổ chức tại New York hồi tháng 9 tại hội chợ đường phố Hester. Người thắng cuộc là người ăn số trứng nhiều nhất trong vòng 5 phút. Giành vị trí á quân, người đàn ông 61 tuổi đến từ Manila có tên là Thomas Canaria cho biết, ông cảm thấy rất nóng ruột sau khi ăn hết 35 quả trứng vịt lộn. Trong khi đó, quán quân Wayne Algenio lần thứ 3 giành chức vô địch với kỷ lục mới là 40 quả trứng.
Trứng vịt lộn là món ăn phổ biến không chỉ ở Việt Nam, Philippines, mà còn cả ở Campuchia và Lào.
Tui dân nhà quê đã sống gần nửa thế kỷ ở Nam Bộ nên chỉ thích ăn hột vịt lộn vào buổi chiều tối. Ghé một quán vỉa hè, ngồi trên cái ghế nhựa xiêu xiêu, gọi một cái hột vịt lộn ấp mề, tức là trứng chưa già ngày. Lấy cái muỗng gõ vào đầu lớn trứng, bẻ mấy miếng vỏ, đưa lên miệng húp chút nước từ trong trứng, ngon làm sao, khoái làm sao, cứ ngỡ như nước sâm. Thế rồi dùng cái muỗng nhỏ xíu ấy múc một miếng, chấm chút muối tiêu đã vắt thêm chút tắc, đưa vào miệng. Ôi chao ôi! beo béo, thơm thơm, bùi bùi có cảm giác như ăn trứng mà không phải là trứng, ăn con vịt mà không phải là vịt. Hai cái tám lý ấy đẩy miếng ngon vào mồm, ngắt một cánh lá rau răm, nhai cho kỹ để tận hưởng cho hết cái ngon của miếng hột vịt lộn, của con vịt vừa mới tượng hình. Tui thích trứng non nên nhiều khi miếng thịt chỉ là bé tý, nhưng cái béo cái ngon cũng đủ đầy. Cuối cùng của cái trứng luôn là một cục trắng có dáng như viên sỏi đẹp trắng có gân đen. Nếu trứng già thì cái này nên bỏ đi vì cứng và xảm lắm. Nhưng với trứng non thì nhai nó mềm mềm, bùi bùi cũng đã. Trước đây, chiều chiều khi công chức bãi sở, nhiều người ngồi vào quán nhắm la de với hột vịt lộn. Đó là một lối tiêu khiển của giới công chức trung lưu thời ấy. Cũng là một buổi chiều thú vị sau một ngày làm việc.
Trước đây chỉ có món hột vịt lộn luộc. Bây giờ thêm biết bao nhiêu món biến tấu từ hột vịt lộn như : Hột vịt lộn um bầu, Trứng Vịt Lộn Chiên Giòn, Hột vịt lộn xào me, Vịt lộn bọc mộc chiên giòn, Trứng Vịt Lộn Hầm Rau Ngải Cứu, Trứng Vịt Lộn Xào Me Tươi....
Ngày xưa xưa lắc lơ, có nhiều người bán hột vịt lộn đêm, tiếng rao buồn của họ vang lên trong khuya vắng. Chỉ cần thúng trấu đựng trứng, mớ rau răm, lọ muối tiêu, tay cầm cây đèn dầu hột vịt, họ đi từ đầu ngõ đến cuối xóm, đem đến cho khách thèm ăn nửa đêm cái khoan khoái lạ lùng. Tiếng rao hột vịt lộn đêm không còn nữa, đành ra quán vỉa hè nhìn ngắm người đi và xơi vài cái rồi về tìm giấc ngủ. Đã tới tuổi chẳng còn cần hột vịt lộn làm tăng dương lực, lại thêm mỡ máu, gout, nhưng ăn nó vì vị ngon và cũng nhớ những hột vịt lộn được ăn ké nửa đêm với ba mạ, những người giờ đang ở trên trời.
21.8.2018
DODUYNGOC
( Cóp nhặt muôn phương)

Nhức chân không ngủ được
Trăn trở với chiếu giường
Nhìn kim ba giờ sáng
Khập khiễng với tai ương
Lê lết soi vào gương
Tóc râu đầy một mớ
Cơn đau gặm vào xương
Ôm gối lên tiếng thở
Lại đốt thêm cối thuốc
Khói trùm xanh mắt môi
Cơn đau chưa đứng lại
Ngực đánh nhịp bồi hồi
Vái cơn đau dừng thôi
Gối chăn chờ giấc ngủ
Muốn cưa mẹ cái chân
Để đời thôi ủ rũ
DODUYNGOC
20.8.2018

Đêm trước con cá chết ngoài khơi.
Sóng miên man đưa cá lên trời
Có hàng lau trắng nghiêng tiễn biệt
Chàng ngư phủ đẩy thuyền ra phơi
Đi về phía biển ta nằm chơi
Trái đất triệu năm rách tả tơi
Nước non hoảng hốt ngàn tiếng thét
Địa ngục lên đường loạn đến nơi
17.8.2018
DODUYNGOC


Đi về kiếm những bình yên
Tìm con diều nhỏ trên triền đê bay
Con bò phơi nắng ngủ say
Năm ba đứa bé níu tay giữa trời
Sóng dịu dàng vỗ trùng khơi
Con chim cánh đỏ hót mời ngày xanh
Lá hân hoan nhảy trên cành
Nước xuôi dưới bến mộng lành dưới hoa
Khua tay mưa dội nhạt nhoà
Tìm ngày thơ bé đứng hoà với mưa
Trái cây cất tiếng dạ thưa
Láng giềng nhẹ bước cho vừa lòng nhau
Đi về lòng chợt thấy đau
Cái năm xưa đã phai màu thời gian
Giờ về chỉ thấy gian nan
Con chim khắc khoải phàn nàn cô liêu
Quê nhà nóc dột mái xiêu
Sông không còn chảy tiêu điều suối xa
Trần gian lắm kẻ không nhà
Phố đông san sát toàn là quỷ ma
Đi về ôm mặt khóc oà
Gươm đao giáo mác làm quà tặng nhau
Vỉa hè máu đổ thắm màu
Thế gian gánh chịu cơn đau đoạn trường
Kiếp người quằn quại tai ương
Đồng tiền phất phới luân thường bỏ đi
Thiện lương chốn ấy còn chi
Đi về ta biết làm gì nữa đây?
Về đeo mặt nạ giả ngây
Sống cho hết đoạn đường mây kéo về
Đi về để tỉnh giấc mê
Tiếc thời đã cũ rồi tê tái nhiều
Thôi đời còn chẳng bao nhiêu
Thương đời chi lắm cho tiều tuỵ thêm
Cứ nghĩ ngày rồi nghĩ đêm
Bình minh chưa đến đã mềm thịt da
Đi về làm kẻ không nhà
Chiều cô đơn đứng bến phà tịch liêu
Nắng buồn xô bóng xiêu xiêu
Cỏ cây mây xám cũng nhiều nỗi đau
Bạn bè gặp mặt nhìn nhau
Vết thời gian đã làm nhàu xác thân
Cầm tay tiếc tuồi thanh tân
Nhớ đôi mắt ướt thuở tần ngần yêu
Giờ giọng nói lắm lời điêu
Bao nhiêu phong thái mỹ miều vất đi
Một thời sử sách quên ghi
Đoạn đường lắm ngả biết đi lối nào?
Hết đường nằm ngửa ngắm sao
Thiên thu chộn rộn xôn xao chân trời
Đi về trời đất hỡi ơi
Hắt hiu gãy bóng thân hời hợt theo
Đi về thiên hạ vắng teo
Ta làm tảng đá giữa đèo ngóng mây
Trăm năm phủ tấm thân gầy
Mưa rơi rớt hột nẩy cây hoá rừng
19.8.2018
DODUYNGOC


Tui là tín đồ của Phở. Mà phải là Phở Bắc kia. Phở Hoà, Phở Lệ, Phở Phú Vương tui chê. Tui chỉ ăn Phở Dậu. Tui chơi Phở Dậu đã gần năm chục năm nay, từ hồi tui xấp xỉ hai mươi cho đến giờ đã gần bảy chục, cũng là loại tín đồ ngoan đạo đấy chứ. Hồi xưa nó chưa gọi là Dậu. Hồi đó chỉ là một quán phở lợp tôn, trên có chừa một khoảng trống lớn, nắng dọi vào làm thành một vệt ánh sáng mà mấy cha nhiếp ảnh rất mê. Luồng sáng dọi xuống trên người hai bà cụ với làn khói xanh từ bếp củi bay lên rất là nhiếp ảnh. Người bán là hai bà cụ già, nên tui gọi là Phở bà cụ. Ngày trước dân văn nghệ thường ăn sáng ở đây. Tui thường gặp hoạ sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn....
Thời đó Ông Nguyễn Cao Kỳ đang làm quan to, cũng thường ghé ăn, cũng chẳng tiền hô hậu ủng gì, chỉ đi ăn với vợ là bà Tuyết Mai, có lúc đi với bạn, có khi đi một mình, nên giang hồ gọi là Phở Ông Kỳ. Ở ngoài sân có cây trứng cá, nên lại có người kêu là Phở cây trứng cá. Sau 75, khu này gọi là khu phố bốn nên gọi là Phở Khu phố bốn. Chủ nhân cho dựng bảng đặt tên là Phở Dậu. Và quán phở này có thể gọi là quán phở đắt khách nhất của Sài Gòn bây giờ. Khách cứ đông nườm nượp, nhất là ngày thứ bảy và chủ nhật.
Phở Dậu không có rau, chỉ có bát hành tây xắt mỏng. Cũng không có tương đen, chỉ có tương Bắc cay màu đỏ. Phở Dậu ngon nhờ nước. Nước phở ở đây trong và thanh, là nước hầm xương, những khúc xương dài lóc hết thịt được đun từ hôm trước thoang thoáng mùi quế với hồi, nhạt thôi, tinh ý lắm mới ngửi thấy. Có thể cho điểm cao nhờ nước phở. Bánh cũng được, không nát, không dày quá. Thịt thì không ngon như ngày xưa, có lẽ bò bây giờ chất lượng không bằng. Lát nạm xảm không thấy chất thịt, vè vụn và dai. Ăn phở bò thì phải có gầu, nhưng gầu bây giờ trắng nhách, không có màu vàng như hồi xưa, miếng gầu ngày cũ nhai sần sật mà không dai, béo mà không ngậy, nhai miếng gẩu thấy sướng mồm. Giờ nhai gầu như nhai miếng thịt bị dai, miếng gầu như kẹo cao su, chẳng thấy ngọt mà cứ nhờn nhợt trong miệng, đành phải nhả.
Nghe kể hồi mới di cư ở ngoài Bắc vào, gia đình này ở bên bến tắm ngựa ở Huỳnh Tịnh Của bây giờ, chưa biết làm ăn gì thì được một người quen dạy cho cách nấu phở. Sau đó dọn về xóm chuồng ngựa dưới dốc đường Công Lý gần Yên Đổ, sau mới về đây. Ông chủ bây giờ là đời thứ hai. Nhân viên lo việc hầm xương, cứ bốn giờ sáng ông vào nêm nếm theo bí quyết của mẹ truyền lại. Ông bà chủ này buôn bán thế này mấy chục năm nay, khách khứa như thế, hẳn là giàu. Nhưng ông bà rất giản dị và gần gũi. Ông ra vào kiêm luôn việc điều hành xe cộ của khách. Ông này có trí nhớ rất đặc biệt. Khách đi xe máy chỉ ghé ăn vài lần là ông nhớ số xe. Chẳng sai bao giờ. Do tánh tình bình dán và gắn bó, vui vẻ với khách nên khách nào cũng quý ông. Khách ở xa về ông nhớ mặt, chuyện trò thân mật, khách quen lâu không ghé, ông hỏi thăm. Khách thích ghé quán vì phở ngon nhưng cũng ưa ghé vì cái tình giao hảo ấy.
Mấy chục năm ăn phở mỗi sáng ở đây, tui thành như người nhà. Hồi còn trẻ, khoẻ, ngày nào cũng ăn. Giờ có tuổi, lại bị Gout nên mỗi tuần chỉ ghé một hai lần. Có nhiều khi tui bỏ thuốc lá, nhưng cứ theo thói quen tui chưa ăn xong thì đã có người mang bao thuốc ba số để lên bàn, thế là rút một điếu. Ăn tô phở xong mà chưa có điếu thuốc cũng chưa gọi là hoàn tất bữa ăn. Thế là hút. Hê..hê thành ra mang tiếng bỏ thuốc lá cũng vài chục lần mà không bỏ được. Ăn lâu năm nên cũng quen mặt nhiều khách cũng ăn thường xuyên giống tui. Gặp nhau cười chào mà chẳng biết tên gì. Mà cũng lạ lắm nghe. Khách ăn thường xuyên cũng thường chọn một chỗ thường xuyên, đôi khi chỉ xê xích vài chiếc ghế. Khách ngồi ngoài sân thì luôn luôn ngồi ngoài sân. Khách ngồi gian giữa cũng luôn ngồi gian giữa. Khách ngồi nhà bên thì cũng luôn chọn nhà bên để ngồi. Như một thói quen. Lại biết cách ăn của từng người. Có người mang theo chai giấm tỏi, có người không ăn hành, có người nhiểu bánh, có người ít, có người thêm béo có người nước trong. Lâu ngày tui nhớ hết, gần năm mươi năm còn gì, nửa thế kỷ chứ ít sao.
Ăn lâu một quán đôi khi cũng chán, nên khi nghe ai nói có quán phở nào ngon là đi tìm ăn thử, nhưng rồi cũng châu về hợp phố, làm như đã quen cái mùi cái vị đó rồi, thấy chỗ nào cũng chẳng vừa lòng. Tui có anh bạn chơi Piano nổi tiếng, cũng thuộc loại ghiền phở ở đây, cũng là khách thường xuyên. Đi trình diễn ở nước ngoài, vừa xuống máy bay, hành lý cồng kềnh nhưng bao giờ cũng ráng kêu taxi đến đây chơi một tô trước khi về nhà vì nhớ quá he..he.
Mấy hôm rồi có người giới thiệu một quán phở ở Cao Thắng, anh ta khen ngon nên tui có ý định đến ăn xem thử. Sáng nay rú xe đến đấy. Thứ bảy mà quán vắng hoe. Chỉ có một bàn có khách là một đôi nam nữ còn trẻ. Tui ngồi kế bàn đấy. Phải công nhận quán sạch sẽ, bàn ghế, đũa muỗng ngăn nắp. Bước vào quán có mùi phở, đã xứng cho một sao. Tui quan niệm quán phở phải có mùi phở. Cái mùi ngậy chút của hồi, của quế, của gừng nướng quệnh với mùi bò. Đương nhiên là thoang thoảng thôi chứ không nồng nặc như quầy thịt bò ngoài chợ. Nhưng phải có mùi phở, cái mùi nhè nhẹ thoang thoảng ấy đánh thức cái khứu giác của người ăn, gợi cho họ cái cảm giác thèm được thưởng thức. Rau, ớt, chanh được để trong dĩa trắng tinh có lớp nhựa mỏng bọc ngoài. Lại nghe bảo tương ớt tự nhà làm. Tui cho thêm một sao nữa. Ở đây có món đặc biệt là phở đuôi bò. Cũng hay, thay đổi thử xem thế nào? Tui gọi một tô phở đuôi bò. Phở chỉ nên ăn thịt chín, bắp, nạm, gầu, vè. Phở mà ăn thịt tái là sai cách rồi, nhưng nhiều người thích thế.
Đôi nam nữ bàn kế bên vừa nhận hai tô phở đã bắt đầu hành trình trang bị. Cả hai xịt tương đỏ, rồi chơi luôn tương đen. Sau đó là động tác vặt rau, rồi trút cả dĩa giá trụng. Nhìn quanh, anh chị chơi luôn mấy muỗng tỏi ngâm dấm. Xong nhìn quanh xem còn thiếu gì không. À! Nước mắm thêm vài ba giọt rồi vắt vào miếng chanh. Tô phở bây giờ tú hụ, như nồi lẫu thập cẩm nhìn là hết muốn ăn. Cái thanh cảnh của người thưởng thức phở như tui bỗng ngao ngán cho cách ăn của họ. Ăn thế thì còn chi là phở. Tui quan niệm người biết ăn phở là khi tô phở bưng ra, nghi ngút khói, người ăn hít cái mùi thơm của phở, sau đó dùng muỗng múc một muỗng nước phở, húp để đánh gia nước phở ngọt ngon, mặn nhạt thế nào, lúc ấy mới nêm nếm theo ý mình. Cách ăn này cũng dùng cho hủ tíu, mì, bún nước ....chứ ăn mà bỏ đủ thứ vào một tô như nồi cám lợn thế kia thì mất mẹ cái thú thưởng thức thi vị món ăn rồi.
Tô phở đuôi bò của tui được bưng ra, cũng vừa thôi, không lớn lắm, được đựng trong bát sành có vẽ men xanh, nhìn cũng bắt mắt. Có bốn khoanh đuôi bò mỏng. Nước phở cũng tạm, không thể gọi là ngon, nhưng có vẻ nêm ít bột ngọt. Đuôi bò mềm nhưng không nhũn, thịt cũng tạm, có thể cho thêm một sao nữa. Bánh phở dày quá, thiếu cái nuột nà khi cho trôi vào cổ họng.
Nhìn chung là mới ngưỡng trung bình, tô phở chưa có gì xuất sắc. Quẩy làm theo kiểu Bắc kỳ, nho nhỏ và cứng, phải ngâm trong nước lèo một lát mới mềm để ăn. Xin thêm ớt và gọi ly trà đá. Phục vụ nhanh, lễ phép, tui cho thêm nửa sao. Tổng cộng được ba sao rưỡi. Tức là trên trung bình một chút. Điểm đặc biệt ở quán này là trên tường dán một bảng công khai các gia vị sử dụng từ địa chỉ rau sạch, hãng nước mắm sử dụng cho đến chai nước suối và những gia vị với tên nhãn hàng. Người khách vào đây có thể biết rõ mình đang được phục vụ bởi các nhãn hàng nào, đó cũng là điều hay khi các hàng quán bây giờ có nhiều quán toàn sử dụng các loại gia vị và rau, nước chấm rẻ tiền hoặc không tên. Tui cho thêm nửa điểm về sự minh bạch này của chủ quán. Thế nhưng, khi tính tiền, tui lại trừ đi nửa điểm vì tính giá khá cao, không xứng với chất lượng của tô phở. Giá một tồ phở đuôi bò với bốn khoanh mỏng leo lét mà tính 85.000 đồng là chưa hợp lý. Giờ thì tui hiểu nguyên nhân quán vắng. Quán không có khách vì giá cao. Điểm cuối cùng còn lại là ba điểm rưỡi. Chưa ưng ý.
Thế là sẽ vẫn quay về với Phở Dậu. Đi loanh quanh lại về chốn cũ hê..hê
18.8.2018
DODUYNGOC
[pgallery] [img src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEglQzcqDpIVVu8ryzCRYNOXJ_g4aQEC4oZuRX-7IRAVUvJrzRUtoiRz54F41ZhI1IcZHqcYW_acgnWiQtFiFFP1uTfmJO0jiTUjeJY3f24kQ3AIuV7_Kgypf6XOEKOJVoVuKzleiKhm0u4/s1600/2.jpg"][/img] [img src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiPyTFIHtC-yuSsF5iZX8BKznjMqEPmMBu6j9QvOgP_W3D4m5JCOi0VqDB2xzHO-JVWE8DkxO2fqAEUuHJBbF3LCKFHwLXBzqmHB61MLnorgbAbVJChoxcCHqUqDUROlftczyzds1niEGM/s1600/3.jpg"][/img] [img src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhZlyX2xD8w7K6d5XoSRoU9-p6CDf-kmfDl29gEULqOGUAwKNYQ5dZpom3iu8jxLVGJdvgrHUUwP0F4QtsqFksgW_fiZBa-Z5YF7ZQMeJbnJeHxL1Xze3TE2ccYxTPcZznBr5yWXAzPpE8/s1600/4.jpg"][/img] [img src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhwQHX5c00v7PA3GrISUgVNrqex1H9bZ-IOREEOL_zEXuDJN9oLuNZiq88Sv0zpwF7jhXiP4g26baZQQm4GzXWi8C6S8U8mnpPuUEWVn0_tnM23FY4MtVq3w45p7misEg2N9MMK0iJSPGE/s1600/5.jpg"][/img] [/pgallery]


TRỞ LẠI TRƯỜNG XƯA
tặng bạn bè tôi

Tôi run rẩy bước lên cầu thang vắng
Hành lang xưa hun hút bóng thân gầy
Em đâu mất áo dài bay giữa nắng
Gió bỗng buồn lặng ngắt dưới hàng cây

Tôi trở lại đoạn đường xưa tới lớp
Tuổi sáu mươi năm tháng hững hờ trôi
Khung trời đó vẫn xanh ngoài cửa chớp
Tôi giật mình bóng đổ một mình tôi

Bàn học cũ phai rồi hình xưa khắc
Bài thơ tình thuở ấy ngập ngừng yêu
Vệt nắng quái vô tình như muốn nhắc
Ánh mắt nhìn và tiếng trái tim kêu

Tôi thơ thẩn giữa sân trường lặng lẽ
Ngó trúc vàng vơ vẩn nhớ hôm xưa
Khi quay lại bỗng thấy mình cô lẻ
Quá khứ đầy, sao gọi mãi không thưa!!!

Em chắc hẳn tóc mây giờ điểm bạc
Bước chân run môi thiếu bớt nụ cười
Tôi tiều tuỵ bởi đời nhiều lầm lạc
Vẫn nghĩ rằng em mãi tuổi đôi mươi

Bạn bè cũ bây chừ tan tác cả
Đứa xanh rêu thằng viễn xứ chim trời
Tôi đứng lại giữa con đường lắm ngả
Có ngả nào về lại tuổi rong chơi
Sài Gòn, 24.11.2011

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget