Latest Post

Hôm trước gặp và cùng đi ăn trưa với người bạn mới quen. Anh định cư ở Mỹ mấy chục năm rồi. Thích đọc face của tui, về Sài Gòn tìm gặp. Trong lúc nói chuyện anh kể chuyến vượt biên của anh cách đây ba mươi mấy năm, nhờ những con cá chuồn mà cả tàu anh sống sót đến bến bờ tự do. Chợt nhớ mấy con cá chuồn chi lạ.
Những con cá chuồn xanh ngời ngời với đôi cánh như những con chuồn chuồn khổng lồ, có phải vì thế mà dân gian dặt tên cho nó là cá chuồn chăng? Nghe nhiều người đi biển kể, có nhiều chuyến ra khơi, cá chuồn bay theo tàu, rợp trời rớt xuống đầy khoang, tàu phải bỏ lại xuống biển và chạy đi vì sợ tàu chìm. Tui lại hình dung ra một cảnh đẹp vô cùng, ngoạn mục vô cùng diễn ra trên đại dương. Từng đoàn cá bay lên, cánh giương ra, vút lên, như một đám chuồn chuồn bay trên sóng vỗ. Tuyệt diệu! Thiên nhiên có những cảnh lãng mạn nhưng chẳng thiếu tính hùng tráng.
Tui vẫn có thắc mắc ở miền Nam sao không thấy cá chuồn, không lẽ biển phía Nam không có loại cá này. Chỉ thấy chúng ở ven biển miền Trung. Theo khoa học thì cá chuồn có nhiều loại cùng họ: Họ Cá chuồn (danh pháp hai phần: Exocoetidae) là một họ cá biển thuộc Bộ Cá nhói. Có khoảng 64 loài được phân nhóm trong 7-9 chi. Bộ Cá nhói, bộ Cá nhoái, bộ Cá nhái hay bộ Cá kìm (danh pháp khoa học: Beloniformes) là một bộ chứa 6 họ cá vây tia với khoảng 275 loài cá trong 34 chi, sống trong môi trường nước ngọt và nước mặn, bao gồm:
Adrianichthyidae (cá sóc, tên gọi này chia sẻ chung với nhiều loài trong bộ Cyprinidontiformes): 2 chi, 34 loài.
Họ Cá nhói (Belonidae): 10 chi, 47 loài.
Họ Cá chuồn (Exocoetidae): 7 chi, 68 loài.
Họ Cá kìm (Hemiramphidae): 8 chi, 63 loài.
Họ Cá thu đao (Scomberesocidae): 2 chi, 5 loài.
Họ Cá lìm kìm (Zenarchopteridae): 5 chi, 58 loài.(Wikipedia)
Họ cá chuồn sinh sống trong tất cả các đại dương, đặc biệt là trong vùng nước ấm nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đặc điểm nổi bật nhất của chúng là vây ngực lớn bất thường cho phép cá ẩn và thoát khỏi các kẻ săn mồi bằng cách nhảy ra khỏi mặt nước và bay qua không khí một vài mét trên bề mặt của nước. Chiều dài đường bay của chúng thường khoảng 50 mét. Để lướt lên khỏi mặt nước, cá chuồn di chuyển cái đuôi của nó lên đến 70 lần mỗi giây. Sau đó nó giăng vây ngực của nó và nghiêng nhẹ lên trên để cất lên.Vào đoạn cuối của cú lượn, nó gấp vây ngực để hạ cánh xuống biển, hoặc nhúng đuôi xuống nước để đẩy mạnh xuống mặt nước để thực hiện thêm một cú bay liệng nữa, có thể thay đổi hướng bay. Hình dạng cong của "cánh" sánh với hình dạng khí động học của cánh chim. Nó có thể tăng thời gian của nó trong không khí bằng cách bay thẳng vào hoặc ở một góc với hướng dương lên được tạo ra bởi sự kết hợp của các dòng không khí và dòng đại dương.
Vào tiết tháng 3 âm lịch, người đi biển thường được xem trò biểu diễn ngoạn mục. Ngoài khơi vịnh Xuân Đài, từng đàn cá chuồn tung tăng bơi lội đi ăn, bỗng rửng mỡ bay vút lên không trung như những mũi tên phóng xa, để rồi sau đó rớt lại biển cả.
Cá chuồn lớn, 2 con 1 ký, có khi 1 con/ký. Cá có 2 vây dài và nhọn hai bên lườn như 2 mái chèo, 2 mũi tên. Người ta bảo cá chuồn là cá duy nhất biết bay. Cá có sọc dưa, thịt trắng thơm và ngọt. Trứng cá chuồn thành bọc như một đoạn ruột non của gà, ăn vừa béo vừa bùi như trứng sam. Ngư dân dùng lưới đánh bắt cá theo luồng và mùa. Người ta nghĩ cá chuồn phát triển khả năng bay đặc biệt này là để trốn thoát kẻ thù mà chúng có rất nhiều. Những kẻ theo đuổi cá chuồn gồm cá thu, cá ngừ, cá kiếm, cá cờ và những con cá lớn khác. Về phần chúng, cá chuồn cũng ăn nhiều loại thức ăn, kể cả động vật phù du.
Cá chuồn bị thu hút bỡi ánh sáng, giống như một số sinh vật biển khác, và ngư dân đã lợi dụng hiệu quả đặc tính này. Những chiếc thuyền, chứa đủ nước để cá sống nhưng không đủ cho chúng thoát ra, được gắn đèn nhử cá vào ban đêm, có thể bắt được hàng tá cá chuồn. Mùa đẻ trứng vào tháng 3 – 4, kéo đàn vào gần bờ tìm bãi đẻ. Thịt trắng, ngon, trứng có vị hấp dẫn. Biển Việt Nam có nhiều loài cá chuồn (cá chuồn mít, cá chuồn gành), tập trung nhất ở biển Miền Trung, từ Đà Nẵng vào Bình Thuận.
Cá chuồn là món ăn bình dân, hồi bé ở Đà Nẵng, giá rất rẻ nên ai cũng ăn được, nhà nào cũng mua được. Lại thêm, cá chuồn là loại cá làm được nhiều món ăn. Nhớ ngày xưa, thường được Mạ tui nấu canh mít non với cá chuồn. Giờ đang viết mà lại thèm quá là thèm. Dân gian xứ Quảng có câu hát: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Câu này có nhiểu dị bản sửa đổi cho hợp với món thực phẩm muốn đề cập. Ở đây là cá chuồn với mít non. Nấu tô canh giữa mùa cá chuồn thì nồi canh lại càng quá đã vì lúc đó bụng cá đẩy trứng. Mà trong tất cả loại cá ở biển khơi, không có loại cá nào có trứng ngon như trứng cá chuồn. Tui đã từng ăn trứng cá Caviar của biển Đen, ăn trứng cá tầm, trứng cá hồi ở Pháp, nhưng mấy thứ trứng cá đó chẳng có cửa gì với trứng cá chuồn Việt Nam. Thật đấy!
Ở miền Trung, cá chuồn chỉ đánh bắt được vào độ chớm hè đến giữa năm, nên trong khoảng thời gian này, tha hồ mà húp canh mít non với cá chuồn. Cá chuồn tươi làm sạch, cắt từng khúc chừng lóng tay, ướp gia vị, nước mắm cho thấm rồi mới khử dầu phụng với vài hạt nén đập dập. Dầu phụng bốc mùi thơm, đổ cá vào um cho đến khi cá thật chín thì đổ vài bát nước sôi vào. Lại chờ cho nước sôi lại thì cho mít non cắt lát sẵn vào, theo dõi đừng cho mít chín quá, mít mềm nhũn ăn không ngon. Nồi canh mít non cá chuổn mà nêm bằng ruốc Huế thì tuyệt cú mèo. Độ mặn mòi của ruốc làm cho bát canh thêm ngon mà không vùng nào có được. Đừng quên cắt vài miếng lá lốt vào. Ôi chao ôi! Mới nhắc mà đã thấy miệng ứa nước miếng, mấy chục năm rồi không được ăn lại tô canh như ri, thèm quá là thèm, nhớ quá là nhớ. Nhà tui đông anh em, hơn chục người, cộng thêm Ba Mạ, người giúp việc nên tô canh to đùng chẳng khác nồi nước lèo của gánh bún. Mấy khúc cá chuồn gắp ra, thịt chắc mà thơm, muốn ăn mặn chấm thêm miếng nước mắm cay xè bởi ớt. Trời ơi răng mà ngon ri hè!!!!! Canh cá chuồn mít non phải ăn cay mới sướng. Nó vừa giúp bớt mùi tanh, nó vừa quyện với nhựa mít và nước ruốc tạo ra một vị rất đặc trưng, không thứ canh nào giống nó.
Duyên tình của mít non và cá chuồn không chỉ dừng lại ở món canh mà còn thêm món cá chuồn kho mít non cũng ngon hết biết. Cá chuồn tươi làm sạch, để cho ráo. Gập con cá chuồn lại và nhét hỗn hợp gồm nén giã dập, sả, ớt trái, muối, tiêu… vào bụng cá rồi lấy dây buộc lại. Mít dùng để kho cá chuồn phải là mít non, để vừa mềm thơm và không xơ cứng. Mít thường được cắt từng miếng bằng ngón tay cái để dễ kho thấm tháp lại gọn miệng ăn. Cho cá vào nồi, châm nước mắm vào. Kho vừa lửa, đến lúc hơi cạn nước và bốc mùi thơm là dọn ra ăn. Chất ngọt của cá, mặn của nước mắm tiêu hành thấm vào sợi mít, ăn với mấy chén cơm bụng no căng mà miệng vẫn thèm.
Như đã nói, cá chuồn làm được nhiều món, món nào cũng ngon.
Chiên, nướng, kho, nấu mặn, nấu ngọt, nấu cháo, hoặc nấu chua, lẩu với dứa, chiên sả bằm, nướng giấy bạc… hoặc làm mắm thính để ăn vào mùa mưa bão. Cá chuồn còn kho với dưa môn (dọc khoai sọ muối), ăn đậm và ngon cơm. Những con có trứng, nấu cháo ngọt hết biết, ăn không biết no. Măng le mà nấu với cá chuồn cũng đậm đà thú vị, bởi vậy Phú Yên có câu ca dao:
"Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”.
Măng le là măng rừng trổ từ cây trúc, cây tre, đặc ruột được đem bóc vỏ già, luộc rồi làm thực phẩm. Cá chuồn nấu măng cũng là món ăn hết sẩy!
Riêng tui, có ba món cá chuồn mà tui thích nhất và nhớ nhất là canh mít non cá chuồn và món cá chuồn chiên hay là nướng.
Để ăn món cá chuồn nướng, sau khi làm sạch con cá, để ráo, ướp sả, ớt, để vài chục phút cho thấm. Đặc biệt, nên nhét vào bụng cá một ít hạt nén đập dập, rưới chút dầu phụng. Thịt cá chuồn thêm ngon khi có nén và dầu phụng. Đặt cá trên bếp than đỏ, cá chuồn nướng chín thơm lừng, gắp một miếng cá, chấm chén nước măm ớt tỏi, lại cắn thêm trái ớt, càng cay càng ngon mà, kẹp thêm ít rau sống, béo thơm của cá chín than hồng vẫn giữ được độ ngọt của biển, chút mặn của nước chấm, mùi thơm đặc biệt của hạt nén với dẩu phụng, chát chát nồng nồng của rau. Cả một bầu trời hương vị nằm trong miệng. Ngon quá chừng chừng
Món chuồn nướng cũng có thể quấn với bánh tráng nướng nhúng nước. Kiểu này ăn kèm rau muống chẻ, cũng ngon chẳng thua gì.Trời mưa mưa, ngồi trong lều nhìn ra biển, nghe sóng vỗ ầm ào, gió biển ào ạt, đốt mấy cục than hồng, nướng con cá chuồn, nhấm nháp miếng cá chuồn nướng, đời thú vị quá đi chứ..he..he
Và rồi đến món cá chuồn chiên. Cũng như mấy món khác, làm sạch ruột, để ráo nguyên con. Vài trái ớt, tiêu, muối, tỏi, sả bằm và đặc biệt không thể thiếu là hạt nén đập dập. Trộn tất cả rồi lấy dao mổ đường theo bụng cá, nhét tất cả hỗn hợp đó vào. Lấy dây buộc cho hỗn hợp không bị rớt ra khi chiên. Cuốn con cá lại thành khoanh. Đổ dầu phụng vào chảo, khử cho thơm, bỏ cá vào, chiên cho đến khi vàng cá. Trời ơi, bao giờ mới được miếng cá chuồn chiên thơm phưng phức đây. Nhớ ơi là nhớ! Thèm ơi là thèm!
Nói chuyện cá chuồn mà không nhắc đến mắm thính cá chuồn là một thiếu sót vô cùng to lớn. Trong các loại mắm thính của người Việt, không thế nào thiếu thính. Thính là gạo rang vàng thơm rồi đem giã mịn như bột. Người ta cũng có thể làm thính bằng bắp, bánh tráng hoặc mè. Tất cả đều được giã mịn sau khi rang trên lửa cho thơm.
Thính là một phụ gia quan trọng trong chế biến một số thức ăn Việt Nam, đặc biệt là làm các loại mắm thính. Mắm thính cá chuồn được chườm với muối cho đến khi rục. Lúc muốn ăn, đem ra nêm nếm với chút đường, ớt, tỏi, hành, mỡ hoặc dầu rồi chưng cách thuỷ. Ăn với thịt ba chỉ luộc càng ngon. Mắm thính cá chuồn cũng là món ngon thần sầu trong những ngày mưa bão dai dẳng của miền Trung.
Chủ nhật vừa rồi ra nghĩa trang thắp nhang mộ Ba Mạ và anh trai. Chợt thèm da diết một bữa cơm có đầy đủ cả nhà, không thiếu một ai. Bữa cơm với những món ăn thật bình dân, thật đơn giản của một thời. Đã trải qua gần hết đời người, đi năm châu bốn bể, ăn không biết bao nhiêu món ngon vật lạ trên đời, tham gia bao nhiêu buổi tiệc tùng. Vẫn khát khao một bữa cơm của gia đình, với những thức ăn Mạ nấu, một ước mơ không bao giờ có được nữa. Gia đình ly tán hết rồi, Ba Mạ và anh Hai đã ở thế giới khác, anh em mỗi người mỗi ngả. Buồn quá. Nhắc con cá chuồn mà nước mắt cứ chảy theo dòng chữ. Ký ức ùa về như giông bão. Tui đã già quá rồi chăng sao cứ nhắc mãi một quá khứ đã đi vào hư vô?
Sài Gòn. 16.10.2018
DODUYNGOC

VIỆT BÁO WEEKEND SỐ 197 RA NGÀY 15.5.2006
BÁO DOANH NHÂN SÀI GÒN CUỐI TUẦN ĐĂNG LẠI
VÀI NÉT VỀ MỘT TAY CHƠI ĐỒ CỔ CỦA SAIGON...
“VUA ĐỒNG HỒ” đặt chân đến Mỹ tìm đồ cổ!
Học trung học kỹ thuật Huế, mò vào Saigon vào Cao đẳng Mỹ Thuật. Bỏ ngang sau 2 năm, lại theo môn Triết đại học văn khoa Saigon, rồi môn cổ ngữ Hán văn Vạn Hạnh. Học, làm, dạy kèm, rồi vẽ,lang thang, rồi học. Cuộc sống “giang hồ” như nhiều thanh niên Miền Trung cùng thời ấy trên đất hoa lệ Saigon, mà hậu vận lại “không đến nỗi nào” nói theo lời tâm sự của chính đương sự: tay sưu tầm đồ cổ Đỗ duy Ngọc. Ông tốt nghiệp cử nhân Việt Hán, trở thành ông thầy giáo gõ đầu trẻ được mấy năm, lại bỏ ngang nghề mô phạm, sống với cây cọ và tranh sơn dầu.
Những chặng đường tưởng là “dở dở ương ương”, theo giòng đời đưa đẩy, ông vào nghề làm bìa sách cho các nhà xuất bản Saigon, và “phất” nhanh! Đài truyền hình Saigon từng giới thiệu họa sĩ Đỗ duy Ngọc đã trình bày ngót 3,000 bìa sách cho các nhà xuất bản Văn Học, Văn Nghệ, PP/HCM, Trẻ, KHXH, Đà Nẵng, Tự Điển VN, ..v.v. Ông đi du lịch lung tung từ Tây Tàu, Nhật, và tuần qua, người ta thấy co mặt ở Phước Lộc Thọ, ngay trung tâm thương mại Quận Cam.
Đỗ duy Ngọc, trông dáng dấp phảng phất nét ước lệ của người họa sĩ và đôi nét giang hồ, một thứ giang hồ của những tay chơi “có của”.
–“Thì người ta vẫn gọi tôi là họa sĩ ấy mà !”, tay sưu tầm đồ cổ 56 tuổi này cười với tôi bên bàn cà phê sân trước Phước Lộc Thọ, nơi anh ta đang được Thầy cũ cùng bằng hữu trường Kỹ Thuật Huế đón tiếp, trong đó có vài người tôi biết tên: Gs Lê đình Thọ ,Gs Phổ, Gs Thiệu. Uống cà phê xong, họ kéo nhau đi thăm các thư viện và bảo tàng mang tên cố Tổng Thống Nixon, Reagan.
Là một trong không nhiều tay sưu tập đồ cổ của VN, anh Đỗ duy Ngọc mang cái sở thích sưu tầm những thứ mình thích, chớ không phải trữ những thứ cổ để buôn bán hầu hái ra tiền. Nên anh nói chưa có bán món nào cả, “cứ thấy lạ, cổ lổ sĩ hoặc tân thời, là mua về cất. Mua không nổi thì tìm đến xem cũng thích thú lắm rồi !”
-Thế mà tôi ở đây đọc báo từng thuật chuyện bên VN, nói anh là vua đồng hồ, vua lồng chim, có thực chăng ?
Tay sưu tập có bộ râu nửa đen nửa bạc trắng này cười nhỏ nhẹ: “Các báo mến mình, nói lên vậy thôi. Tôi chỉ thu thập được hàng trăm cái đồng hồ các loại xưa nay và lồng chim, một số tượng Phật, ché rượu, chén trà,đồ ngà ngọc linh tinh...”
Nghe chén trà, tôi chộp ngay: “có chén nào thuộc tầm cỡ bộ chén cổ uống rượu của Tổ Thiên Thu từng khoe trước mặt Đào Cốc Lục Tiên khoang thuyền chở Lệnh Hồ Xung trên giòng sông Hoàng Hà không ?”
Tay chơi đồ cổ vừa từ Saigon đến cười: “-họa hoằn ông văn sĩ Kim Dung mới có đủ trong thiên Tiếu Ngạo Giang Hồ !”.
Được yêu cầu, anh Ngọc rút trong túi ra cái DVD loại bỏ túi từng mua trên đường du lịch Nhật Bản năm trước. Anh bật cho tôi xem một phần gia sản đồ cổ của anh đang được bảo tàng tại tư thất là một căn nhà 3 tầng, mỗi tầng rộng 200 mét vuông tại thành phố Saigon. Tôi say sưa ngắm các loại đồng hồ qua lắc phát ra đủ thứ âm thanh như đang lạc vào lễ hội một buôn làng nào đó của người cổ sơ châu Phi từng xem đâu đó trong phim: Tiếng gõ kinh kông như tiếng cồng, tiếng đàn thánh thót như dương cầm hòa lẫn tiếng chim hót,tiếng gà gáy o o, tiếng lạch cạch, tiếng cụng ly, hay tiếng kẻng leng ken!. Mỗi loại đồng hồ cổ phát ra một âm thanh riêng, mà mình không thể nào có dịp bước chân vào các phòng khách căn nhà trưởng giả, quí phái thời xưa để thấy được những chiếc đồng hồ quí hiếm. Tất cả được lên giây cót, chứ thuở xưa mấy trăm năm về trước làm gì có cục pin” để thay. Liếc nhìn qua người khách lạ vừa viếng Little Saigon, tôi thấy anh Ngọc xem lại bộ sưu tập của mình (chắc là đến lần thứ...mấy mươi rồi) với ánh mắt say sưa, mê mẩn như ánh mắt thời mình thanh niên chiếu tướng một bóng hồng lần đầu gặp trong đời mà...hợp nhãn.
Anh cho xem hình ảnh bộ sưu tập lồng chim. Cái thú chơi lồng chim, tôi mới biết lần đầu. Tay chơi đồ cổ gật gù khi tôi hỏi: “liệu có cái lồng nào cổ xưa cỡ thế kỷ không?”, rồi cho biết thêm: “Có chiếc lồng hơn hai trăm năm xưa đó, anh à !”. Từ ngạc nhiên chất tre xưa sao mà giữ được bền lâu không mối mọt gậm nhấm, đến những đồ trang sức lỉnh kỉnh lạ mắt đính tòn teng quanh lồng, ngay trong lồng, tôi được biết tên của vài thứ lồng anh Ngọc sưu tập: đó là lồng chim kiểu Võ Tòng đả hổ, lồng Thập Bát La hán, lồng Bách hầu, .v.v. (tên đặt tùy theo hình hay vật chạm khắc bằng ngà voi trang trí trong lồng: Thập Bát tạc 108 vị la hán trong võ Thiếu Lâm, bách hầu tạc 100 con khỉ đùa giỡn trên rừng !..)
Tôi cứ ngỡ lồng chim nào có sơn son thếp vàng như đồ mộc trong hoàng cung, là quí hiếm. Họa sĩ Ngọc cho biết, anh có nhiều lồng chim cổ vài trăm năm, mà thuần túy làm bằng tre. Giá trị hơn, lồng kèm theo những vật trang trí bằng ngà voi được đẽo, chạm khắc tỉ mỉ của các nghệ nhân đời trước. Ngay cái chậu đựng thức ăn cho chim, cũng bằng ngà voi thứ thiệt. Tôi đoán, có lẽ loại lồng này nguyên thủy dành cho giới hoàng gia hay quan quyền, điền chủ thuở xưa chơi, chứ dân giả làm gì vói tới.Mà nếu có, làm sao tránh được trộm đạo viếng nhà.
Một trong những thân hữu tiếp đón tay họa sĩ chơi đồ cổ này tới Quận Cam, giáo sư Lê đình Thọ mô tả: “Tôi đã có dịp thăm ngôi nhà họa sĩ Ngọc, và quả thực thấy đó là nơi tồn trữ đồ cổ trong cảnh trí thơ mộng, tịch lặng nhuốm hương vị thiền. Căn nhà số 129 B đường Nguyễn đình Chính này được giới yêu nghệ thuật biết tới, bởi nhiều bài báo Saigon đã giới thiệu rồi. Vừa bước vô sân yên ắng, lòng mình thấy thanh thản khi nhìn hồ nước và con suối nhỏ chảy róc rách, tai nghe tiếng chim hót líu lo như chào khách.Chim thì chim thiệt, mà lồng thì lồng quí hiếm thời cổ xưa. Vào phòng khách, tôi nhìn mọi thứ trang trí toàn là đồ cổ, ngoại trừ các bức tranh sơn dầu là tác phẩm của Ngọc mới vẽ mươi năm lại đây. Tràng kỹ, kệ, tủ, đều là thứ cổ lỗ sỉ ! Bình hoa bằng sứ,chén, bình trà rượu cũng cổ, có cái từ thuở đời Khang Hy. Hàng loạt kiểu đồng hồ được chưng trước mắt, và khi bước lên lầu, mỗi bậc thang có treo một loại đồng hồ xưa đẹp mắt, lạ lùng. Trong nhiều thứ đồ cổ được sưu tầm, tôi nhận thấy họa sĩ Ngọc có nhiều đồng hồ nhất, nên người ta thường gọi đùa anh ta là ông... Vua Đồng Hồ cũ.”
Vì thời gian tiếp xúc không nhiều, (họa sĩ Ngọc còn phải đi tới các viện bảo tàng nổi tiếng để xem...đồng hồ, coi các bậc vương giả Mỹ chơi đồng hồ thứ gì, hiệu Thụy Sĩ hay Pháp, Anh,Mỹ, còn theo ông thầy cũ Lê đình Thọ lùng tìm đồ cổ bị vô tình đem bán garage sale hay trong các chợ trời Cali), nên tôi chỉ phỏng vấn được đôi câu.
-Họa sĩ chơi đồ cổ từ bao giờ rồi ?
-Tôi mê sưu tập từ nhỏ. Lúc niên thiếu, thấy đồng xu là đã để dành. Sau luân lạc rồi thất lạc. Thực sự bắt tay sưu tập đồ cổ chỉ mới 32 năm rồi. Ấy là năm 1974, lúc ấy tôi đang làm cho chương trình phát triển của Tổng cục gia cư Saigon. Tôi mê cái lồng chim quí hiếm ấy quá, dám bỏ 4 lượng vàng tậu cho được, và cất đến ngày nay. Sau 1975, cuộc sống thay đổi, nhiều đồ gia bảo được rao bán ngoài lề đường. Nhờ vốn liếng chữ Hán từng học, tôi vớ được những đồ cổ như bình sứ đời Khang Hy, các đồng hồ thời cổ Pháp, bộ tẩu thuốc lá, v.v.trong đó có một khối ngọc Miến Điện chạm trổ chùm hoa. Đẹp tuyệt nhưng thiệt là nặng!
-Vào nghề chơi đồ cổ, anh chuyên trị món nào?
-Tôi thấy cái nào đẹp và quí hiếm, đều chơi tuốt. Thế nên có báo ở Saigon nói tôi là “Người ham chơi lung tung”. Đúng ra, tôi sưu tập đồng hồ nhiều hơn. Anh sẽ thấy, ngắm, và nghe tiếng gõ của đồng hồ, như cảm nhận một linh hồn trong đó, không cái nào giống cái nào, và mỗi âm thanh nó phát ra đều nói lên một tâm hồn, một sở thích, một cá tính!
-Thế dân chơi đồ cổ Saigon có ai sưu tập đồng hồ như anh không?
-Mỗi người một sở thích khác nhau. Trong giới đồ cổ, có người chuyên sưu tầm đồ cổ Huế, có người đồ Tây, có người đồ sứ, có người đồ ngọc. Vài chục người trong giới chúng tôi biết nhau, trao đổi hiểu biết lẫn nhau, ngoài sách vở nghiên cứu.
Người Họa sĩ sống nghề vẽ bìa sách và chơi đồ cổ này có nhiều lúc cạn túi lúc còn là sinh viên giang hồ từ Trung vô Nam. Anh cũng từng ghé vô những quán cơm xã hội của Saigon hồi trước năm 1975, nơi chỉ cần 5 đồng là có bữa cơm ăn no mệt nghỉ. Anh từng qua quán cơm chay xã hội VN Quốc Tự nơi sinh viên miền Trung học trường kỹ thuật Phú Thọ và Vạn Hạnh, Sư Phạm, Văn Khoa thường đáo vào. “Có khi hai người chỉ tốn có một phiếu ăn, là thay nhau cầm khay đi nhận phần ăn cơm xã hội”, anh nhớ lại bước đường thời vận mạt. Cũng có lúc anh làm ông thầy cò (corecter) chữa bản vỗ cho báo Đại Dân Tộc.
“Thế làm sao anh vô làm ông co-rech-tơ được ?”.
Họa sĩ Ngọc đáp: “Nhờ Thầy Thích Mãn Giác giới thiệu, lúc đó tôi là sinh viên Vạn Hạnh, còn Thầy làm phó Viện trưởng. Tôi sẽ thu xếp để xin thăm Thầy, và sẽ tìm thăm vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức”
-Họa sĩ cùng thời với các họa sĩ Đức và Bé Ký?
-Đâu dám, tôi thuộc khóa đàn em, và chỉ học hai năm mỹ thuật Huế, rồi vô Nam.
Họa sĩ Hồ thành Đức là ân nhân của tôi trong những ngày tập tễnh vẽ tranh để bán dạo trong phố Saigon. Ông và họa sĩ Bé Ký từng cho tôi... mượn khung khi triển lãm tranh, cho nhiều ý kiến hội họa, và đôi lúc tôi buồn quá, ông bà rủ tôi đi uống cà phê!
Họa sĩ Đỗ duy Ngọc nói chỉ thích xem và sưu tập đồ cổ, chứ chưa có ý định bán ra bất cứ vật nào. Ông muốn giữ mãi những thứ mình thích cho riêng mình, mà mừng vì có người con trai là tài tử Huy Khánh, “cũng có máu sưu tập đồ cổ như cha”, anh cười nói.
Hỏi sao lại thích chơi đồng hồ nhiều hơn các thứ khác, anh nói nhỏ như lời thì thầm: “ chơi đồng hồ là chơi với thời gian. Nghe tiếng thời gian, giữ thời gian, níu thời gian lại, để biết giá trị của thời gian,..!”
Tôi có cảm tưởng như anh đang làm thơ. Hỏi ra, họa sĩ Ngọc còn có nhiều giây phút trong cuộc sống dành để làm thơ, và đã xuất bản được ba tập rồi...Trên đường du lịch qua Mỹ tìm đồng hồ quí hiếm, họa sĩ Ngọc tạm trú những ngày đầu tại nhà vị thầy học cũ là Gs Lê đình Thọ, số điện thoại 714-552-2652. Sau đó, ông đi một vài nơi để tìm ...những tiếng gõ tiếng ngân báo hiệu thời gian trôi.!
NGUYỄN HÙNG NHIÊN (CALIFORNIA)
Hình: Nhà văn Nhã Ca và Đỗ Duy Ngọc trước tòa soạn VIỆT BÁO

Ai trả lại mùa thu cho tôi
Mùa thu còn Mạ ở trên đời
Có Ba đang tỉa hoa ngoài ngõ
Và có Anh cười trong nắng mai
Ai trả lại mùa thu cho tôi
Trả lại cho tôi chỗ đứng ngồi
Vòng xe quanh phố vui bè bạn
Và nụ hôn chưa phai trên môi
Có nhiều mùa thu đi qua vai
Đường tôi đi trượt suốt quãng dài
Đời qua lắm gió bao lầm lỡ
Cúi mặt trần ai vẫn miệt mài
Còn lại mùa thu nào riêng tôi
Lá vàng theo tóc bạc da mồi
Nhấc chân bên trái đau chân phải
Chỉ cựa mình cũng đau đơn côi
Còn lại mùa thu vọng tiếng than
Tôi bò như sâu suốt mặt sàn
Cơn đau quật ngã tôi bầm mặt
Ước vọng hôm nào như băng tan
Còn chút mùa thu trên đôi tay
Tôi ôm mặt khóc như đang say
Tôi đau như lá rơi qua cửa
Và héo trăng tàn trong heo may
Ai trả lại mùa thu cho tôi
Tôi bay như chim theo mây trôi
Tôi đi như gió qua triền núi
Và sóng muôn trùng kêu tên tôi
Bây giờ tôi còn đâu mùa thu
Bao nhiêu quá khứ hoá sương mù
Tôi ngồi bó gối buồn hơi thở
Đốt cối thuốc chiều nghe âm u
Bây giờ tôi tìm đâu mùa thu
Tóc rụng chân run mắt đợi mù
Trần gian quanh quẩn đôi ba bước
Cánh cửa vài song hoá ngục tù
Bây giờ mùa thu như cơn đau
Bao nhiêu dao nhọn đâm trước sau
Đời xô tôi ngã nằm sấp mặt
Đợi đến thiên thu dạ nát nhàu
15.10.2018
DODUYNGOC

Sự cao quý của người Châu Âu
Đối với nhiều người Trung Quốc, sự quý phái có nghĩa là sống trong một ngôi biệt thự, lái xe Bentley, chơi gôn, làm một kẻ tiêu tiền hoang phí và xem người ta như đầy tớ. Trong thực tế, đó không phải là sự cao quý, mà là tâm thần của những kẻ mới giàu lên. Đối với những người Trung Quốc này, sự giàu có và sự quý phái có nghĩa như nhau. Thực ra thì, chúng hoàn toàn khác biệt. “Giàu có” liên quan đến sự sung túc về của cải vật chất trong khi đó “sự quý phái” liên quan đến sự sung túc về tâm hồn.
Hoàng tử nước Anh Harry là một ví dụ điển hình về sự quý phái. Sau khi tốt nghiệp Học viện quân đội Hoàng gia Anh quốc, ông được cử đến tiền tuyến Afghanistan để làm một xạ thủ súng máy. Gia đình hoàng gia biết rõ sự nguy hiểm ở nơi tiền tuyến, nhưng họ vẫn tin tưởng rằng phụng sự Tổ quốc là một trách nhiệm cao quý. Do vậy, việc làm đó là tất nhiên.
Trong suốt chiến tranh thế giới thứ II, một bức ảnh đã được lưu truyền rộng rãi tại nước Anh. Đó là bức ảnh chụp nhà vua George VI của nước Anh đang thăm khu nhà ổ chuột tại London. Ông đứng trước một căn nhà tồi tàn, nơi ở của một phụ nữ già nghèo xơ xác và hỏi, “Tôi có thể vào không?” Điều này phản ánh một sự tôn trọng đối với những người ở tầng lớp thấp hơn. Một người quý tộc thật sự biết cách tôn trọng người khác.
Vào ngày 21 tháng Giêng năm 1793 trong tòa lâu đài “Place de la Concorde” ở Paris, một tù nhân sắp sửa bị hành hình. Bước đến máy chém, người tù nhân vô tình dẫm lên chân của người đao phủ, ngay lập tức cô ấy nói: “Tôi xin lỗi, thưa ông.” Trong cùng ngày hôm đó, chồng của người phụ nữ ấy, vua Louis XVI đã để lại những lời nói điềm tĩnh và cao thượng khi đứng trước tên đồ tể tàn bạo: “Ta chết một cách vô tội bởi những tội danh được gán cho ta. Ta tha thứ cho kẻ đã gây ra cái chết của ta, và cầu Chúa rằng máu của ngươi sẽ không bao giờ rơi trên đất Pháp.” Một vài phút sau, vua Louis XVI và hoàng hậu của ông bị chém đầu. Hai thế kỷ sau, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, trong buổi lễ kỷ niệm 200 năm cuộc Cách mạng Pháp đã phát biểu một cách long trọng, “Vua Louis XVI là một người tuyệt vời, và cái chết của ông là một bi kịch.”
Vào ngày 28 tháng Mười năm 1910, một người đàn ông 83 tuổi quyết định hiến tặng tất cả tài sản của ông cho người nghèo để giải thoát linh hồn của họ khỏi cuộc sống đầy đau khổ. Ông bước ra khỏi ngôi biệt thự của mình, và cuối cùng ông chết như một người vô gia cư trong một sân ga nhỏ hoang vắng. Ông chính là nhà văn vĩ đại người Nga Leo Tolsoy. Nhiều năm sau, nhà văn nổi tiếng người Áo Stafan Zweig đã bình luận về Tolstoy, “Nếu ông không chịu đựng sự đau khổ thay cho chúng ta thì ông đã không có được tiếng thơm toàn nhân loại.”
Tất cả những người đã được đề cập ở trên đều có những số phận khác nhau, nhưng họ đều có chung một điểm: sự cao quý.
Sự cao quý đại diện cho phẩm giá và nhân cách cao cả
Ở phương Tây, cho đến thế kỉ thứ 18, giới quý tộc vẫn là chủ đạo và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. Thậm chí cho đến tận ngày nay, Vương quốc Anh vẫn phong tước và danh hiệu cho những người cao quý.
Khi xã hội quý tộc ở phương Tây trở thành xã hội của thường dân, tầng lớp trung lưu cũng không hề tạo ra làn sóng phủ nhận và phê phán văn hóa quý phái. Trái lại, họ còn gửi con em mình đến học ở những trường học ưu tú để học hỏi, để được tặng danh hiệu về tất cả các loại biểu chương hay trang phục, một huy hiệu và một tước vị cao quý, để qua đó họ có thể kế thừa hoàn chỉnh thể hiện của sự cao quý.
Nói về giới quý tộc Vương quốc Anh, một nhà báo người Trung Quốc là Chu An Bình đã từng nói rằng nguyên nhân giúp cho giới quý tộc Anh có thể tồn tại đến ngày nay là nhờ vào sự ủng hộ của dân chúng. Nhìn chung, người Anh luôn tin rằng tinh thần của giới quý tộc đại diện cho phẩm giá và nhân cách cao cả.
Khi vua Henry I của Anh mất năm 1135, cháu trai Stephen và cháu nội Henry II của ông đều tự nhận mình là người thừa kế ngai vàng hợp pháp. Khi đó, Stephen đang ở Vương quốc Anh nên đã được thừa kế ngai vàng. Henry II, lúc này lại đang ở lục địa châu Âu, đã rất tức giận khi nghe tin và tập hợp quân đội tấn công Stephen. Khi ấy, Henry II vẫn còn rất trẻ và chưa có kinh nghiệm nên không có kế hoạch tốt. Khi vừa mới tiến vào bờ biển Bristish Isles (quần đảo ở miền đông bắc Đại Tây Dương, ngăn cách với lục địa châu Âu bởi biển Bắc và biển Măng-sơ), đội quân của Henry II đã cạn kiệt tiền và lương thực.
Vậy Henry II đã làm gì sau đó? Ông đã làm một việc mà không có bất cứ người Trung Hoa nào có thể làm. Đó là viết thư cho Stephen để cầu cứu. Trong thư, ông nói với Stephen rằng ông đã không lên kế hoạch chu đáo và quân đội của ông giờ đây đã hết lương thực. Ông mong Stephen viện trợ để ông có thể đưa đội quân đánh thuê trở về châu Âu. Và Stephen đã rất hào phóng gửi tiền cho Henry II. Và ngay sau đó, Henry II lại phát động cuộc chiến tranh lần thứ 2 để giành lấy ngai vàng.
Người dân Trung Hoa sẽ nghĩ rằng Henry II là kẻ vô ơn bạc nghĩa. Một người vừa mới giúp bạn vượt qua khó khăn, và bây giờ bạn lại tấn công người ấy. Nhưng nhiều quý tộc châu Âu lại khoan dung với địch thủ của mình. Một vài năm sau, khi Henry II trưởng thành hơn, ông lại dẫn một đội quân khổng lồ tấn công Stephen một lần nữa. Và lần này, ông đã giành chiến thắng. Một kết quả thú vị ở đây là ông đã kí một hiệp ước với Stephen cho phép Stephen tiếp tục ngồi trên ngai vàng và Henry II sẽ chỉ lên làm vua sau khi Stephen qua đời.
Trong con mắt của người bình thường, một người cuối cùng giành chiến thắng mà lại không có được ngai vàng thì cũng chẳng có giá trị gì. Ở Trung Quốc, trong một trận chiến giành ngai vàng, một bên chắc chắn phải chết. Câu chuyện sau đây cũng để lại ấn tượng sâu sắc..
Hai người con trai của vua Edward III thuộc dòng họ Công tước xứ Lancaster của Anh và hậu duệ của Công tước xứ York đều mong muốn có được ngai vàng. Điều này đã dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai dòng họ. Nhưng rồi Henry VII của dòng họ Lancaster kết hôn với con gái của Công tước xứ York. Và sau khi hai người kết hôn, hai dòng họ hợp nhất thành một và lập ra Vương triều Tudor.
Những cuộc chiến tranh thời kì Trung cổ ở phương Tây cũng khá giống với những cuộc chiến trong thời kì Xuân Thu của Trung Quốc. Trên chiến trường là kẻ địch nhưng rời chiến trường thì vẫn là bạn hữu. Và cũng có rất nhiều cuộc chiến thời Trung cổ giống như những cuộc chơi của trẻ nhỏ ngày nay.
Một số chính trị gia châu Âu có truyền thống đặc biệt – một vị vua, dù đã bị lật đổ, vẫn luôn được đối xử một cách lịch sự đàng hoàng. Điều này đã phản ánh phong cách hiệp sỹ của người châu Âu. Đó cũng là lý do vì sao trong những cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Âu rất hiếm khi xảy ra việc tuyệt diệt kẻ thù – vốn thường xuyên xảy ra trong những cuộc chiến tại Trung Quốc.
Đây chính là sự thể hiện rõ nhất của tinh thần cao thượng, tinh thần ấy cho chúng ta biết được rằng đôi khi “cái chết” còn ý nghĩa hơn “cuộc sống tầm thường”.
Tranh giành địa vị một cách khoan hồng, rộng lượng
Giới quý tộc châu Âu thích để lại vấn đề để giải quyết sau đó hơn là đánh mất phong thái của mình. Vào năm 1688, khi tấn công người cha của vợ mình – James II, William III thấy rằng ngai vàng lẽ ra phải thuộc về mình. Và vì thế ông đã giành lấy ngai vàng và giam cầm James II. Ông đã giam lỏng người cha vợ của mình trong một lâu đài gần biển và đồng thời cũng để một chiếc thuyền nhỏ ở gần lâu đài đó. James II đã thấy chiếc thuyền ấy và dùng nó để chạy trốn đến châu Âu.
Sau khi phương Tây phát triển trở thành xã hội dân chủ, truyền thống quý tộc vẫn được duy trì trong những tầng lớp chính trị cao hơn. Chẳng hạn như, trong cuộc nội chiến của nước Mỹ, khi miền Nam phải đối mặt với việc bị đánh bại về lực lượng quân sự, một số quan chức đã đề xuất kế hoạch phân tán lực lượng – đưa binh lính sống cùng nhân dân và rời lên vùng đồi núi để tiến hành chiến tranh du kích. Nhưng chỉ huy trưởng, đại tướng Robert Lee không thông qua đề xuất này; ông nói rằng: “Chiến đấu là nghĩa vụ của quân lính. Nếu chúng ta làm như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta đẩy trách nhiệm ấy sang dân thường. Cho dù không phải là một chiến binh xuất sắc, tôi cũng sẽ không đồng ý làm như vậy. Tôi thà chết như một tù nhân chiến tranh để mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân”.
Kẻ thù của ông là vị tổng thống lừng danh, Abraham Lincoln. Tổng thống Lincoln cũng là người khoan hồng, rộng lượng như một nhà quý tộc. Ban đầu, theo quân pháp lẽ ra tổng thống đã nên bắt giam và xử tử tướng Robert Lee. Nhưng vì mong muốn xoa dịu lòng hận thù giữa 2 miền Bắc Nam nên tổng thống Lincoln đã nói với tướng Lee rằng: “Đã đến lúc ông về hưu rồi. Tại sao ông không về nhà đi?”. Và ngay sau đó, tướng Lee đã về hưu trong danh dự và bắt đầu viết ký sự về cuộc đời mình.
Có rất nhiều điều về tinh thần quý tộc mà chúng ta khó có thể hiểu được, ví như về đế quốc Rockefeller. Khi còn học đại học, John D. Rockefeller thường tự là ủi quần áo của mình, tự đơm khuy áo, không hút thuốc, cũng không uống rượu và hiếm khi đi xem phim. Ông ghi chép từng đồng xu đã chi tiêu. Gia đình Rockefeller sống rất tiết kiệm nhưng họ lại rất hào phóng trong việc quyên góp cho cộng đồng. Bill Gates cũng là một ví dụ tương tự. Ông đem những may mắn của ông dành tặng cho xã hội. Ban đầu, những con người này tiết kiệm rồi sau đó quay trở lại đóng góp cho xã hội và đó cũng là một điều rất đáng ngưỡng mộ về tinh thần cùa giới thượng lưu.
Từ một góc nhìn nào đó, tinh thần ấy có thể được xem như là sự hào phóng. Nhưng từ góc nhìn khác, nó lại được xem như là trách nhiệm với xã hội. Do đó, trong ý thức chủ đạo của xã hội phương Tây, ý thức trách nhiệm với xã hội rộng khắp ấy là một điều rất cảm động.
Một ví dụ khác là trong ngành công nghiệp biển phương Tây, có một quy định không thành văn là khi tàu gặp vấn đề và có thể sẽ bị đắm, thuyền trưởng sẽ là người cuối cùng rời khỏi tàu – một số thuyền trưởng thậm chí còn chọn chìm cùng con tàu của họ. Đó cũng chính là ý thức trách nhiệm xuất phát từ tinh thần cao thượng.
Trong bộ phim Titanic, khi con tàu sắp chìm, thuyền trưởng đến khoang điều khiển và quyết định sẽ chết cùng con tàu của mình. Đó chính là ý thức trách nhiệm. Khi tàu bắt đầu chìm dần, thuyền trưởng mời một ban nhạc nhỏ trên tàu chơi nhạc chỉ để giúp mọi người có thể bớt hoang mang lo sợ. Sau khi họ chơi nhạc xong, nhạc trưởng đứng nhìn những nhạc công khác bỏ đi. Và khi hành khách lại hoảng sợ, ông quay về vị trí của mình và chơi violon. Và rổi, tất cả các nhạc công khác cũng quay lại và tiếp tục chơi nhạc. Vào thời điểm trước khi con tàu chìm hẳn, họ bắt tay nhau và nói lời tạm biệt. Người nhạc trưởng nói rằng: “Niềm vinh dự trong cuộc đời tôi là được chơi nhạc với tất cả mọi người tối nay.”
Đây chính là sự thể hiện rõ nhất của tinh thần cao thượng, tinh thần ấy cho chúng ta biết được rằng đôi khi “cái chết” còn ý nghĩa hơn “cuộc sống tầm thường”.
Từ quan điểm đó, tinh thần cao quý không có liên hệ gì với sự giàu có. Những người có được một tâm hồn cao quý có thể không giàu và những người giàu sang có thể không cao quý.
Bản chất của tâm hồn cao quý
“Một quý ông thực sự là người xem nhẹ tiền bạc…“. Người Anh cho rằng một quý ông phải là một người quý phái với phẩm chất chính trực, sự công minh, không e sợ trước khó khăn và còn có khả năng hy sinh bản thân mình. Anh ta không chỉ là một người có danh dự, mà còn là một người có lương tâm. Cũng giống như học giả khoa học chính trị nước Pháp Alexis de Tocqueville đã nói: “Bản chất thực sự của tinh thần cao quý nằm ở danh dự”.
[.....]
Theo Nghiên cứu lịch sử/ The Epoch Times

Định không viết mà rồi cứ ấm ức trong lòng nên phải viết ra, để lâu sình bụng.
Hôm qua có mấy người quen rủ đến nhà cũng một người quen nhưng không biết nhiều lắm nhậu chơi. Tui vốn từ nhỏ đến lớn không biết nhậu, liên tục ngồi quán với bạn bè ngày này qua tháng nọ, nhưng chủ yếu là phá mồi, he...he ăn là chính. Hôm nay cũng thế, rót nửa ly bia, cho nhiều đá, lâu lâu ai mời cũng cụng một cái, hớp một hơi rồi bỏ xuống, ly bia thành ly trà đá. Và mọi người uống nhiều, hết bia đến rượu, hết rượu đến bia, nhiều người say mèm, bắt đầu nói năng vô trật tự, tui bắt đầu thấy khó chịu. Nhưng khó chịu nhất là phải liên tục nghe hát những vài nhạc chế. Có mấy người cầm đàn, thay phiên nhau hát. Nào là chế lời bài Tiểu đoàn 307, rồi đến Hòn Vọng phu, Lấy chồng xa xứ, Đắp mộ cuộc tình, rồi Huế tình yêu của tôi, rồi Huyền thoại mẹ....Đặc biệt là bài Huyền thoại mẹ đến mấy người hát, mỗi người một lời chế khác nhau. Tội nghiệp cho anh Trịnh Công Sơn, biến bài hát thành bài ca sợ vợ.
Hát đến đâu, mọi người vỗ tay tán thưởng đến đó, cười vui rộn cả lên. Mấy chàng ca sĩ chế tự hào, có vẻ rất tự đắc với các bài nhạc chế học lỏm của mình. Có anh xưng là hoạ sĩ, cán bộ của một trường đại học hát đến mấy bài, vừa hát vừa giảng nghe rất kinh, và cũng có vẻ hãnh diện lắm, mũi cứ phầp phồng nở to.
Tui thì tui thấy thiên hạ dễ dãi thật vì chẳng có chi đáng cười nếu không nói là đáng chê trách. Tui cảm thấy ngượng và tự hỏi tại sao mình lại ngồi đây để nghe những thứ nhảm nhí này? Tui bỗng nghĩ tác giả chính thức của các bài hát này chắc là buồn và xấu hổ lắm khi nghe tác phẩm của mình bị chế lại bằng những ca từ thô tục, đời thường như một câu chuyện tiếu lâm. Và tui cũng nghĩ rằng lấy một bài hát rồi chế lời đem phổ biến là một việc làm thô bỉ, thiếu văn hoá. Nó cũng giống như một cách chôm tác phẩm của người khác vậy. Không biết suy nghĩ của tui có khắt khe lắm không? Bởi suy cho cùng, để viết ra được một tác phẩm được phổ biến và quần chúng hâm mộ không phải là việc dễ dàng, đùng một cái, người ta dùng bài hát của mình sửa lời, tác phẩm không còn của mình nữa bởi ca từ lạ hoắc, lại thiếu tính văn học, toàn chứa những từ ngữ lề đường, những nội dung ô trọc, buồn lắm chứ!
Buồn một điều nữa là những bài nhạc chế này không chỉ phổ biến trong giới bình dân, mà cũng có trong những người vỗ ngực là trí thức, văn nghệ sĩ. Trong các cuộc gặp gỡ, rượu chè họ đem ra đãi nhau những bài nhạc chế ấy.
Tui được nghe mấy lần bài Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn do một anh đạo diễn và một anh diễn viên hát. Hai anh hoàn toàn không sửa lời nhưng lại hát theo giai điệu Tây nguyên. Nghe hay quá là hay. Tui nghĩ nhạc sĩ Bắc Sơn có sống dậy cũng vỗ tay hoan hô. Tui cho rằng đó không gọi là nhạc chế mà chỉ thay đổi điệu nhạc. Điều này là chuyện bình thường. Và nhờ vậy bài hát có sức hấp dẫn kỳ lạ và phải công nhận các nghệ sĩ đó quá tài tình hê...hê. Chế thế mới giỏi chứ. Nghĩ sao nói vậy, ai ném đá thì cứ ném nhé
14.10.2018
DODUYNGOC

Tôi không giống con sư tử về già mỗi đêm làm xiếc
Bởi tôi chưa bao giờ là sư tử
Tôi cũng chẳng là con hổ trong cũi sắt của nhà thơ Thế Lữ
Bởi tôi chưa được là hổ bao giờ
Tôi cũng không là con đại bàng trong tay người nuôi chim
Chờ tiếng còi bay đi săn mồi đem về cho chủ
Tôi bây giờ như chú gà què ăn quẩn cối xay
Như con chó cảnh bị buộc xích đi quanh trong vòng tròn cho phép
Như con chim hèn mọn thả trong lồng giới hạn bởi cánh cửa đóng lại lạnh lùng
Tôi như con cá cảnh nuôi trong chiếc hồ bé tí, quẫy đuôi bên này đụng phía bên kia
Tôi không từng là sư tử nhưng tôi nhớ rừng xanh
Tôi không là con hổ vằn nhưng tôi thèm suối nước
Tôi chưa từng là đại bàng nhưng tôi khát khao trời cao
Tôi chưa là cá nhưng vẫn thèm biển rộng
Tôi chẳng là chim nhưng ước mơ bát ngát với mây xanh
Giờ tôi là con gà, con chim trong lồng, con cá trong chậu
Đến giờ người ta cho ăn
Đến giờ người ta đổ nước
Lệnh vui tôi vui
Lệnh buồn tôi buồn
Lệnh cười tôi cười
Lệnh khóc tôi khóc
Tôi đánh rơi tôi ở chốn nào rồi
Tôi làm người tù không có án
Lúc tuổi đang già
Tôi thèm một tiếng gầm
Tôi cần một tiếng thét
Võ toang lồng ngực
Tôi thèm một phút giương cánh vút bay như tên rời cung
Tôi cần một cái vẫy đuôi cho sóng vỗ
Nhưng tất cả điểu này không làm được nữa
Bởi tôi là tù nhân
Chưa được xử bao giờ
Tôi nằm ủ rũ đợi thiên thu
Tôi giả mù, giả điếc giả câm
Để khỏi thấy, khỏi nghe, khỏi nói
Tôi đối diện với im lặng
Và đó là cách tôi trả lời
Tôi biết là tôi rất khó để làm lại, để đổi thay
Tôi chỉ tiếc tôi biết điều này quá trễ
11.10.2018
DODUYNGOC

Thật lòng, khi đọc tin trên báo đăng phát biểu của ông, tui thất vọng quá, bởi trước đây tui tin ông quá.
Lâu nay trên diễn đàn Quốc hội, những phát biểu của ông rất hợp lòng dân, dân thấy ông hiều họ, đồng lòng với họ, nói lên được khát vọng của dân. Người dân, trong đó có tui, trân trọng ông. Đùng một cái, ông quẹo cua 180 độ, cho rằng TP HCM phải có một nhà hát hiện đại và tương xứng với phát triển kinh tế. "Người dân TP đi quốc gia khác thấy nhà hát của người ta như thế mới thấy mình thiệt thòi".
Thưa với ông, nếu nói thiệt thòi thì dân Sài Gòn thiệt thòi vì mang tiếng là cư dân ở một thành phố lớn nhất nước, năng động nhất nước, đóng thuế cao nhất nước nhưng dân Sài Gòn vẫn phải nằm trên giường bệnh ba người, phải nằm dưới sàn nhà, phải nằm ở hành lang. Nếu ông chưa biết thì mời ông đến bệnh viện Ung bướu Thành phố, đến bệnh viện Nhi đồng để thấy những em bé, những người già, những người đang chống chọi với cái chết đang sống như thế nào?
Ông hãy đến Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện ND Gia Định và nhiều bệnh viện khác nữa để thấy bệnh nhân phải đến xếp hàng từ ba giờ sáng để lấy được một cái thẻ khám bệnh. Họ là những người nai lưng đóng thuế cả đấy, đáng lẽ ra họ phải được ung dung để được hưởng những phúc lợi xã hội, như thế có thiệt thòi không?
Người dân Sài Gòn phải lội bì bõm trong bể nước đầy rác rến và xác động vật chết trên những con đường ngập nước sau một ngày làm việc vất vả. Những con đường ngàn tỷ đầy những ổ voi chỉ cần sơ sẩy tay lái là có thể cướp đi sinh mạng.
Người dân Sài Gòn thiệt thòi vì hàng ngày phải thở trong bầu không khí đầy khói bụi, đưa vào cơ thể những thực phẩm ô nhiễm và toàn chất độc có thể đưa đến bệnh tật chết người. Phải đi trên những con lộ không bóng cây xanh.
Người dân Sài Gòn thiệt thòi vì cuộc sống không được bảo vệ, đi ra đường với nhiều đe doạ của nạn cướp giật, kẻ cướp có thể tước đoạt cuộc sống và tài sản của họ bất cứ lúc nào nhưng chính quyền bất lực.
Người dân Sài Gòn thiệt thòi vì không hưởng được cuộc sống đáng lẽ họ đáng được hưởng vì dân Sài Gòn đã hi sinh quá nhiều rồi, đáng được hưởng những cơ sở hạ tầng tốt hơn, an ninh hơn nhưng thành phố này lại bị hạn chế phát triển và không được ưu tiên phát triển dù đóng góp cao nhất.
Mang tiếng là công dân thành phố, nhưng còn rất nhiều lớp học nhồi nhét đến năm sáu chục học sinh trong căn phòng bé tý nhưng tiền đóng hàng tháng không phải là ít. Đó mới là thiệt thòi.
Người Sài Gòn cảm thấy thiệt thòi vì dần dần những di sản biểu tượng hồn vía của thành phố này, những hàng cây lưu niên ghi nhiều ký ức một thời của họ bị đập bỏ, bị đốn hạ. Họ thiệt thòi vì bị đánh cắp những kỷ niệm. Những dòng sông bờ kinh, cây cầu, ngôi chùa, nhà thờ của quá khứ bị bức tử cũng là thiệt thòi của cư dân Sài Gòn.
Và nổi bật là những người dân ở Thủ Thiêm, nơi sẽ xây dựng nhà hát 1.500 tỷ mà ông đang cổ vũ là những nạn nhân mà suốt gần hai mươi năm nay, tiếng kêu oán hận ngất trời của họ vẫn là tiếng kêu vô vọng. Người ta đã dùng quyền lực và thủ đọan tàn nhẫn để cướp đất đai, nhà cửa của họ, đẩy họ trở thành những người vô gia cư, đầu đường xó chợ. Biết bao lời hứa, biết bao lời hẹn và cả lời xin lỗi, nhưng họ vẫn là những kẻ thiệt thòi. Họ không những thiệt thòi và tài sản, họ đã thiệt thòi cả tính mạng. Và với cách giải quyết như thế này, họ sẽ thiệt thòi cả tương lai.
Người dân Sài Gòn, người dân Thủ Thiêm chưa bao giờ và không bao giờ cảm thấy thiệt thòi vì thành phố này chưa có một nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ. Họ cũng chưa bao giờ so sánh với Singapore, với Úc, với Pháp vì chưa có nhà hát như các nước. Bởi họ chưa cần những thứ đấy, họ đang vật lộn với đời sống, họ đang kêu oan vì bị cướp đất, họ đang cố kiếm tiền để mua thuốc chữa bệnh, kiếm gạo để có chén cơm.
Hơn nữa, họ biết rõ rằng, khi nhà hát đó hoàn thành, nơi đó cũng không phải là chỗ dành cho họ. Họ không đủ tiền để có thể mua chiếc vé hàng triệu đồng để vào nghe loại hình nghệ thuật mà họ chẳng hiểu chút gì. Họ cũng không có những bộ áo quần đắt tiền, sang trọng để vào chốn ấy. Và như thế họ vẫn tiếp tục bị thiệt thòi.
Người dân Sài Gòn chịu lắm thiệt thòi, nhưng không cảm thấy thiệt thòi vì thiếu nhà hát như ông phát biểu. Ông nên nhớ điều đó. Ông đang ngộ nhận rồi, ông Trương Trọng Nghĩa ạ. Tui thất vọng về ông, tui cảm thấy buồn vì ông quẹo cua lẹ quá. Cũng tiếc thật!


DODUYNGOC

Con chim ngậm đắng nỗi buồn
Cất bay cao mãi không tuôn khỏi trời
Thả về dưới phố giọt rơi
Máu tuôn khoé mắt tơi bời ruột gan
Gặp mây tan chảy giữa đàng
Gặp người tơi tả hoang mang lưu đày
Gặp lá vàng chết trên cây
Con chim ngã quỵ gió gầy guộc theo
Cuối đời còn dốc cheo leo
Bước thêm bước nữa gắng trèo đến nơi
Ô hay chỉ một cuộc chơi
Người bôi mặt diễn nhập thời cuồng điên
Con chim về lại đầu hiên
Nghe trong mái ngói mấy miền âm u
Từ đây đến cõi sa mù
Người và chim chịu ngục tù buộc nhau
9.10.2018
DODUYNGOC

Sau khi thi sĩ Bùi Giáng qua đời, truyền thông, báo chí có rất nhiều bài viết về người thi sĩ dị thường này. Người nào cũng thể hiện sự thân quen, gần gũi của mình với nhà thơ. Ông nào cũng quàng vai, bá cổ nhà thơ. Hàng năm tổ chức họp mặt tưởng nhớ, nhắc nhở kỷ niệm gắn bó.v...v và v..v.
Trong đó rất nhiều người tui biết rất rõ trước đó họ chưa từng biết Bùi Giáng là ai, cũng có nhiều người chưa từng đọc tác phẩm nào của Bùi Giáng hoặc đọc thuộc lỏm bỏm vài ba câu thơ ông. Một số khác cũng chỉ là biết Trung niên thi sĩ trên những vỉa hè, đường phố. Một số nữa thì cũng đôi lúc cụng ly với ông, ngồi với ông tếu táo đôi ba lần. Thế nhưng trong bài viết của họ, họ viết như là thân hữu, thâm giao, tri kỷ, thân thuộc với ông từ lâu lắm. Họ nhắc nhiều kỷ niệm với ông rồi tự khoe mình. Nhiều khi đọc cũng bật cười. Gần đây trên mạng lại truyền đi bài thơ Đánh cho Mỹ cút nguỵ nhào và Đừng tưởng gán cho tác giả là Bùi Giáng, mọi người cứ lan truyền và tin sái cổ, thơ Bùi Giáng gì mà tào lao thế?
Ngay cả nhiều văn thi sĩ ngoài Bắc, chắc một điều trước 1975 cũng chẳng biết gì về Bùi Giáng cũng viết nhiều về ông, người ca ngợi, kẻ chê bai. Có người hỏi tui đã từng ăn ở, lang thang ở hành lang Đại học Vạn Hạnh, cũng có lúc gần gũi với ông sao chẳng thấy tui nói gì? Tui bảo rằng, tui biết ông, quen ông, nhưng chưa hiểu hết con người phi thường và cũng dị thường đó thì làm sao tui dám nói. Quan niệm của tui là muốn nói về ai thì phải hiểu rõ họ, cảm nhận được về họ thì mới dám viết về họ. Tui hiểu không hết Bùi Giáng. Tui ngậm miệng cho thiên hạ viết là hợp lý rồi. Tui cũng bảo với mọi người rằng, nếu viết về cuộc sống điên điên, tưng tửng của Bùi Giáng thì chỉ có một người có thể viết chính xác nhất, trung thực nhất là anh Văn Công Tuấn. Bởi Văn Công Tuấn là người ở chung phòng với thi sĩ Bùi Giáng suốt ba năm trước 1975 ở trong Đại Học Vạn Hạnh. Văn Công Tuấn là bạn học cùng thời với tui, là người tui quen và biết. Hiện anh định cư ở Đức.
Tui dám khẳng định Tuấn viết về đời sống và cách sống của Bùi Giáng là chính xác nhất. Chỉ tiếc là chưa thấy anh viết về những năm tháng ấy. May thay, hôm nay tui đọc được bài viết của anh về Bùi Giáng. Đọc bài viết của anh mới thấy thiên hạ toàn viết tưởng tượng về Bùi Giáng. Đồng thời cũng trả lời được câu hỏi mà nhà văn Mai Thảo và cả nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cùng nhiều người thắc mắc là cái ông Bùi Giáng ấy suốt ngày rong chơi với khỉ, chó, mèo mà sao khi cần bài đăng là có bài ngay, khi cần bản thảo sách in là là có ngay từng xấp viết tay. Đồng thời, qua lời kể của anh Văn Công Tuấn, soi rõ Bùi Giáng không điên, không bao giờ là người điên. Ông sống trong thế giới của ông và thế giới ấy không giống như chúng ta thường quan niệm. Nên ông khác người bình thường.
Tui xin đăng lại bài viết của Văn Công Tuấn, đồng thời rất cám ơn anh về bài viết này, một bài viết mà tui trông đợi từ lâu rồi.
TỲ HẢI ĐÌU HIU
05/10/2018
Văn Công Tuấn
Kính nhớ Lão Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ
Bay về ổ chín tầng cao
Con chim giã biệt quên chào mái hiên
(Bùi Giáng)
Viết về anh Bùi Giáng là một việc làm cần lòng can đảm. Thậm chí cần rất nhiều can đảm, có khi phải nói nôm na là liều mạng mới dám viết. Những người có thời gần gũi và thương mến anh ai cũng có lần cảm nhận điều đó. Anh thích người ta đọc sách anh, thưởng thức thơ văn anh, nghiền ngẫm tư tưởng của anh. Nhưng ngược lại anh hay nổi nóng nếu ai hiểu sai ý anh. Anh rất giận khi có ai viết sai một chữ, kể cả sai một dấu phẩy, những câu thơ của anh. Có rất nhiều khi anh cho đó là một sự xuyên tạc có hậu ý. Dù sao, anh và tôi đã từng sống chung gần ba năm trời ở Vạn Hạnh chả lẽ không có gì để nói, lâu nay tuy rất muốn viết nhưng tôi vẫn cố tránh, cho đến khi có người nhắc.
Trước tiên phải nói rõ, tôi không phải là người trong làng văn nghệ. Cũng có thể do vậy nên trong gần ba năm ở chung với anh chúng tôi khá gần gũi bình yên bên nhau và dẫu “phải nghe” anh rất nhiều. Dù sao những câu chuyện trong những buổi chiều ngủ gà ngủ gật ấy anh đã gởi gắm đến tôi rất nhiều, mặc kệ tôi có muốn nghe hay không.
Tôi cũng đã phải lưu lạc nhiều nơi. Hoàn cảnh và cuộc sống đã đẩy tôi đi. Tôi đã gặp và đã lao vào sống cùng, đã tiếp xúc với rất nhiều người nhiều tầng lớp khắp cùng đất nước và cả trên cả mọi miền châu lục. Rốt cuộc ở tuổi bóng xế mới bình tĩnh ngồi điểm quanh lại những kẻ thân người sơ. Trong rừng người thân sơ ấy có những người mình rất thân, thật thân. Trong rừng người rất thân lại có những người mình rất mến. Trong số những người mình rất mến ấy có những người mình rất phục. Rồi trong những người mình rất phục kia có những người mình rất kính trọng. Và lại còn có, tuy rất ít, những người mình vừa phục vừa kính trọng. Tâm phục khẩu phục. Đếm lại con số những người ấy chỉ vỏn vẹn trên đầu ngón tay. Và trong số họ có tên anh Bùi Giáng.
Tôi đã thật sự bàng hoàng khi hay tin anh Bùi Giáng ra đi, dù biết rằng lúc nào đấy ngày ấy chắc chắc sẽ đến. Anh đã vung tay phung phí sức khỏe của anh quá nhiều cho những cuộc du hí. Tôi cũng đã thật sự ngạc nhiên khi thấy thiên hạ viết rất nhiều về anh, về văn nghiệp, về thi nghiệp, về “điên-đảo-nghiệp” của anh. Thiên hạ còn tổ chức hội thảo về anh, tại đại học dù anh chưa hề là giáo sư đại học bao giờ. Đối với con người anh Bùi Giáng thật quá xứng đáng, không thể nói lời nào được nữa. Cũng như có thời một tờ báo văn nghệ nổi tiếng của miền Nam đã từng trang trọng có số báo đặc biệt về anh. Đây là một biệt lệ: đến ngày ấy báo Văn chưa hề có số đặc biệt viết về một người còn đang sống. Tất cả những điều đó chứng tỏ thiên hạ rất trân quý tài năng và con người Bùi Giáng. Chưa có một văn nhân, thi sĩ nào ở Việt Nam có được sự trân trọng ấy!
Nhưng tôi cũng quá đỗi ngạc nhiên khi thấy bên cạnh những người xưng là bạn, là người quen, là đủ thứ quan hệ thân thiết gì gì đó với anh, tôi không thấy ai từ Vạn Hạnh xưa viết về anh. Dù sao, không ai có thể chối cãi được, giai đoạn ở tại Đại học Vạn Hạnh ở Trương Minh Giảng là giai đoạn “đẹp” nhất, giai đoạn “tiên” nhất và quan trọng nhất của cuộc đời ông Trung Niên Thi Sĩ họ Bùi này. Nhưng không, sau một thời gian dài chờ đợi, tôi thấy đã có hai người làm việc đó. Thầy Chơn Nguyên đã viết bài: Bùi Giáng, những chuyện chưa kể và anh Nguyễn Hiền bỏ công “làm” một sưu tập “Hoàng Tử Bé Bùi Giáng”, dù chỉ để cho mình đọc. Sau này tôi nghe nói Thầy Phước An có viết nhưng tôi chưa đọc được. Trong những tháng ngày “đẹp” ấy, theo thiển ý, cũng có chút dấu vết của bước chân tôi. Bởi vậy tôi sẽ cố không nói gì về chuyện văn chương thơ phú của anh mà – như Thầy Chơn Nguyên – chỉ nhắc vài kỷ niệm về/với anh.
Giờ khép mắt nhớ một lần ngẫu nhĩ (BG)
Tôi gặp anh Bùi Giáng vào năm 1972, nhưng phải nói thật là trước đó tôi biết rất ít về anh. Lúc đầu anh ở một phòng riêng nên thỉnh thoảng tôi gặp anh ở cầu thang và chỉ chào hỏi bâng quơ như chào một người hàng xóm. Giữa bầu trời nhiều những vì sao lớn của Vạn Hạnh thời ấy thì thêm một vì sao cũng không lấy gì làm mình chói mắt cho lắm. Mãi đến khi anh dọn vào ở chung phòng với tôi, hai chiếc giường đặt kế song song thì mới có dịp chuyện trò nhiều hơn. Nói đúng hơn, anh nói và tôi nghe, dù giai đoạn này anh rất ít nói, ít đi chơi, ít tiếp khách.
Thật ra trước đó tôi đã có đọc một vài bài thơ, và một cuốn sách do anh dịch. Những bài thơ dù quá hay, nhưng đọc rồi cũng thoáng qua. Ở tuổi mười tám hai mươi, khi vừa biết yêu người ta thích học thuộc thơ tình của Nguyễn Bính, của Nguyên Sa… hay nhiều nhất là của Hoài Khanh hơn. Đọc thuộc vanh vách những bài thơ tình như “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc…” của Nguyên Sa, rồi chép trộm vài câu nhét vào những lá thư tình vụng trộm. Cái tên Bùi Giáng bất đầu rõ nét trong tôi là lúc tôi đọc được tác phẩm “Khung Cửa Hẹp” của André Gide do anh dịch. Cuốn sách tình cờ do một người quen cầm trong tay và tôi lật thử ra xem, đọc một mạch hết hai trang Lời Nói Đầu. Những ngôn ngữ tuyệt vời và rất lạ của dịch giả đã gây chú ý cho tôi. Sau này có dịp đọc hết tác phẩm tôi lại càng thích thú hơn. Nói rõ hơn, cái tôi đắc ý nhất vẫn là Lời Nói Đầu của tác phẩm ấy. Bài này tôi còn thuộc lòng đến bây giờ. Mở đầu bài viết (và dĩ nhiên là mở đầu cuốn sách) anh viết: “Ai đẩy Thúy Kiều vào lầu xanh? Ai xô Alissa vào khung cửa hẹp? Định mệnh hay nghi ngẫu?”. Chỉ chừng ấy chữ cho câu hỏi nọ, đã đeo đuổi tôi suốt mấy mươi năm rồi. Chỉ có Bùi Giáng mới có thể đặt ra một nghi vấn như thế để mở đầu cho một cuốn sách của một ông André Gide ở tận bên Pháp quốc. Hai chữ đẩy và xô ở đây anh dùng một cách tài tình, tuyệt diệu.
Thời đó, tôi vừa bước chân vào đại học. Khung trời đại học không những đã mở mắt, đã cho tôi chân trời mới mà nếp sống sinh viên xa nhà cũng mang cho tôi những khoảnh tự do đầy hứng thú. Tôi một thân một mình giữa cái hòn ngọc viễn đông, tha hồ khám phá thế giới và khung trời mới mà không phải lo về đúng giờ hay ai chờ cửa. Rồi may mắn tôi được ở Vạn Hạnh cùng anh Bùi Giáng và một vị giáo sư cơ hữu của Viện ở phòng 412. Đây là phòng duy nhất trong nội xá cho cư sĩ, chứ không có vị sư nào trong phòng chúng tôi như một vài vị đã viết lầm. Căn phòng ước chừng hơn ba mươi thước vuông, khá tiện nghi và mát mẻ, yên tĩnh. Vào cửa, phía bên phải là góc của vị giáo sư kia, bên trái kê hai giường của anh Giáng và của tôi kế sát bên nhau. Cũng như tôi, anh có một chiếc giường đặt sát cửa sổ, một chiếc bàn và một kệ sách, tất cả đều của Viện cấp. Chỉ có điểm đặc biệt là trên bàn anh để những đồ lỉnh kỉnh, như nồi cơm, ly tách. Kể cả hai ngăn kệ sách anh cũng không để sách mà để nồi niêu, hũ lọ, chén bát v.v… Vậy sách vở để đâu? Anh để tất cả dưới gầm giường và anh chỉ ngồi dựa trên giường để viết hay đọc. Tôi cũng ít quan tâm anh viết gì đọc gì, chỉ khi nào anh nhờ thì tôi chở anh đi đâu đó, ví dụ như đi đến các nhà xuất bản để “xin” sách và mang đi bán, hay đi thuê sách kiếm hiệp ở Chợ Lớn thì tôi giúp anh. Trong những năm này anh Bùi Giáng không tiếp khách, không giao du ra ngoài, cũng không uống rượu (có chăng chỉ một chai bia lave), không đi lang thang. Anh chỉ lủi thủi trong phòng, đọc và viết, thường là đọc kiếm hiệp của Kim Dung và Ngọa Long Sinh. Anh đọc bằng chữ Hoa, tôi thường chở anh đi vào Chợ Lớn và thuê sách ở đó. Có khi khách đến viếng anh, anh chỉ ngước nhìn rồi cuối xuống đọc tiếp, coi như người kia không có mặt ở đó. Lúc có tôi ở trong phòng thường tôi hay tiếp những vị đó (một thói quen lịch sự thông thường), mời họ ly nước, mời ngồi rồi cũng lo học. Ngay cả với những vị có tiếng tăm (anh nói tôi nghe sau khi họ đã đi) anh cũng làm vậy. Có một thời gian tôi để ý chỉ có hai người đến thăm là anh cùng đi uống cà phê với họ ngay, đó là thi sĩ Nam Chữ và một người tên là Ký mà anh giới thiệu là em của anh. Những người khác thì cạy miệng anh cũng không nói mà rủ đi đâu anh cũng không đi.
Trước khi anh Giáng dọn vào chung phòng với tôi thì buổi tối tôi đi ăn cơm tháng tại nhà anh chị Tư ở hẻm 220 Trương Minh Giảng. Khi anh giáo sư từ Pháp về cùng ở chung phòng ba người thì anh ta cũng cùng đi ăn cơm tháng ở đấy chung với tôi. Sau tuần đầu nhận thấy trên bàn ăn mười người chỉ toàn là sinh viên, anh thấy không tiện nên mới mua cà-men và trả tiền giao cơm tận phòng. Tôi vẫn tiếp tục đi ăn cơm ở ngoài (buổi trưa thì ăn ở câu lạc bộ Vạn Hạnh). Có khi ăn còn dư anh giáo sư hỏi anh Giáng có muốn dùng không, anh Giáng nhận lấy và nấu thêm cơm để ăn. Một lần nhìn thấy cảnh ấy, tôi quyết định cũng mang phần cơm của mình về phòng và anh Giáng nấu thêm chút cơm rồi chúng tôi cùng chia nhau phần thức ăn của tôi. Những bữa cơm tối chúng tôi vẫn thường ăn chung với nhau (chỉ những trường hợp đặc biệt thì người ăn trước và dành phần lại kẻ ăn sau). Khi anh chị Tư biết việc ấy họ cũng rất rộng rãi cho thêm vài muỗng nước kho, nước sốt hay nước canh để hai chúng tôi đủ ăn. Gia đình tôi biết chuyện này, mới đầu cũng ái ngại sợ tôi ăn không đủ, nhưng sau thấy tôi vẫn khỏe mạnh nên không nói gì. Giai đoạn ấy nghĩ lại thấy cực khổ thật nhưng rất vui và kéo dài cả năm.
Có lần tôi dịch được hơn nửa cuốn sách. Lý do là tôi nghe có người khuyên, tự dịch sách là cách trau dồi vốn Anh văn hữu hiệu nhất. Mà cũng đúng vậy. Tôi chọn cuốn sách viết về Vua A Dục của một vị Thượng Tọa và là giáo sư đại học ở Ấn Độ. Dịch đã gần 2/3 cuốn sách, nhân một hôm nói chuyện vui tôi có tâm đắc kể về việc ấy và một vài giai thoại về Vua A Dục. Trong số những người ngồi chơi hôm ấy có một vị làm nhà xuất bản. Anh ta lật lật vài trang và đọc say sưa thêm chừng mười trang rồi nói: “chú mày đưa anh Bùi Giáng đọc và xin ý kiến, nói ảnh viết vài lời giới thiệu và tôi sẽ cho xuất bản”. Tuy không quan tâm chuyện ấy lắm nhưng cũng vui nên ngay hôm đó tôi kể anh Bùi Giáng nghe và đưa tập bản thảo cho anh. Anh nhận, yên lặng không nói gì và để tập bản thảo dưới gầm giường. Sau một tuần, rồi hai, ba, bốn tuần không thấy anh nói gì tôi mới hỏi, anh cũng chẳng trả lời trả vốn gì. Tôi hơi tự ái nên cũng không thèm hỏi nữa, bản thảo cứ để anh giữ và tôi vẫn cứ làm những việc của tôi, dù mỗi ngày chúng tôi vẫn gặp nhau và ăn cơm chung với nhau. Gần hai tháng sau, anh kêu tôi dậy lúc tôi ngủ trưa, trả bản thảo ấy cho tôi và nói: Chú mày viết khá, không tuyệt vời nhưng cũng thơ mộng, nhưng để làm chi? In sách là đặt chân vào giới văn gừng văn nghệ. Mà lũ tụi tao là nòi đã mang lấy nghiệp vào thân. Chú mày còn trẻ, đẹp-trai-con-nhà-giàu-học-giỏi không có nghiệp ấy thì đừng lết vào. Nó không đẹp đẽ như chú mày tưởng đâu. Dù có mang nghiệp ấy thì chú cũng còn quá trẻ, đủ thì giờ để giải nghiệp. Tao thương chú mày nên tao nói thế. Chừng nào chú mày “lục thập nhi nhĩ thuận” thì muốn viết chi hãy viết. Tôi hiểu và tin ngay lời ấy, đó là những lời nói chí tình. Tôi hứa sẽ không nói đến chuyện viết lách gì nữa và chỉ lo học. Bởi vậy khi Giai Phẩm Văn đặc biệt Bùi Giáng năm 1973 ra đời, có người hỏi sao tôi không kể gì về những kỷ niệm sống chung với Bùi Giáng, tôi chỉ cười và trả lời: xin hai chữ bình an.
Gần ba năm trời sống chung với anh, cũng có đôi mươi lần anh nói huyên thuyên với tôi đủ thứ chuyện, những tâm sự của anh. Cũng có thể anh cần có một người để nghe, dù tôi ít quan tâm hay ít hiểu những nỗi niềm của anh. Dù sao vẫn hơn là nói với đầu gối. Vả lại anh biết tôi rất thương mến và kính trọng anh.
Những lần nói chuyện say sưa như thế có vài lần anh nhắc về một vùng Tỳ Hải.
– Chú mày có biết sao tao gọi là Trăng Tỳ Hải không?
– Không, làm sao tôi biết được.
– Chú mày thử tưởng tượng. Trăm sông, sông cái sông con sông lớn sông bé đều chảy về biển cả. Sông có nước ngọt và biển có nước mặn, đúng không?
– Đúng. Tôi gật gù nửa tỉnh nửa mơ ngủ.
– Vậy chú mày biết chỗ nào là ranh giới, là biên địa giữa sông và biển? Chỗ ấy có vầng trăng nhìn suốt thấy sông là sông và biển là biển. Chú mày có hiểu không?
– Dạ …
– Chỗ đó là Tỳ Hải. Ông Trăng cũng sẽ thấy sông cũng là biển mà biển cũng là sông. Ông Trăng còn thấy Nước là Nước và Nước không phải là Nước.
Lúc đó nghe chỉ để nghe vì lịch sự. Giờ nghĩ lại, hay anh muốn nói về một lý duyên khởi của nhà Phật? Sóng với nước nhìn theo kiểu thơ mộng của thi sĩ: sông và biển. Đến giờ này tôi vẫn chưa có cơ hội lục tìm thử kịch tác gia William Shakespeare người Anh viết gì trong nguyên văn tác phẩm Antony & Cleopatra mà anh Bùi Giáng dịch là Trăng Tỳ Hải.
Đại khái những câu chuyện như vậy rất thường. Có khi mỗi tuần, có khi ba bốn tuần một lần. Thường là vào những buổi chiều, lúc tôi đang ngủ trưa và bị anh dựng đầu dậy. Anh gọi dậy theo kiểu gọi riêng của anh: Này chú thanh niên, dậy nói chuyện đi, đừng ngủ nữa. Mai mốt chú sẽ có một giấc miên trường, tha hồ! (và cũng từ đó mấy vị ở Vạn Hạnh gọi tôi là Thanh Niên Tuấn). Rồi tôi phải thức dậy nói chuyện, mà thật ra chỉ anh ấy nói và tôi chỉ nghe thôi, chỉ thỉnh thoảng mới có đôi lần cãi lại. Anh thường đi qua đi lại lúc nói. Tôi ngồi ở giường tôi, nhìn sang hướng giường anh phía cửa sổ, trước làn nắng chiều chiếu sang tôi thấy anh râu tóc bù xù mặt căng thẳng, miệng nói say sưa. Hình ảnh tuyệt đẹp, ánh sáng mặt trời chiếu từ sau đến, như đèn sân khấu chiếu vào diễn viên, khán giả chỉ nhìn thấy bóng mà thôi. Tiếc là tôi không biết vẽ!
Rồi mấy hôm sau lại tỳ hải, lần này không phải Trăng mà là Sương Tỳ Hải. Những vùng sương khói ảo mờ trên một vùng tỳ hải. Sương Tỳ Hải là một tuyển tập những tiểu luận và tùy bút của ba tác giả: Albert Camus, André Gide, Martin Heidegger. Anh chọn lựa và dịch theo kiểu phiêu bồng của anh. Tôi biết chắc rằng, những tác giả kia nếu hiểu được tiếng Việt chắc cũng sẽ giật mình vì không biết mình từng viết thơ lục bát tiếng Việt lúc nào. Hay nói như Albert Camus (tôi chỉ biết câu tiếng Đức): Diejenigen, die wirklich etwas zu sagen haben, sprechen nie davon – chính những kẻ có thẩm quyền phát biểu thì họ chẳng hề nói gì cả.
Dĩ nhiên có lúc anh còn nói về những chuyện khác, chuyện thơ văn, chuyện triết học, chuyện dĩa bay đến từ hành tinh lạ, chuyện bom nguyên tử nổ, chuyện ông Khổng ông Trang ông Lão rồi cả ông Công Tôn Long bên Tàu, chuyện mấy ông triết gia bên Tây, kể luôn chuyện mấy “thằng” Quảng Nam cứ lo mấy chuyện hội hè gì đâu… Anh nói chỉ để nói, có thể cho anh nhiều hơn là cho tôi. Có khi anh nói say sưa, quay lại thì tôi đã nằm xuống ngủ lại lúc nào. Anh lại kêu dậy, lại nhắc chuyện giấc miên trường!
Cũng có những khi chúng tôi “nói chuyện” với nhau mà không có một tiếng động, không một âm thanh. Đó là những hôm tôi thấy anh rất buồn. Anh gọi tôi, rồi không hiểu sao cứ ngồi thừ người ra yên lặng. Còn tôi thì ngồi trên giường của mình nhìn sang giường bên kia lim dim ngủ gà ngủ gật. Với một thanh niên hiếu động mà ngồi yên như thế thật không dễ chút nào. Nhưng tôi phần vì lịch sự, phần vì tôn trọng anh nên cứ ngồi như thế cho đến lúc có ai tới, hay cháu Ti con chị Tư mang cơm chiều đến. Thật ra thì tôi cũng ít khi có mặt ở phòng mình. Tôi đi làm ở thư viện nửa buổi, lại đi dạy kèm thêm, rồi rảnh thì đi chu du qua những phòng khác (Vạn Hạnh vui lắm) hay xách xe Honda chạy khắp nẻo Sài Gòn, hoặc có khi đi chơi thể thao. Dĩ nhiên chuyện chính của tôi là còn phải học, phải thi nữa nên lúc nào mệt thì mới về phòng. Tuổi thanh niên mười chín hai mươi ai mà chẳng làm như thế! Giờ nghĩ và nhớ lại, đa số nội dung những cuộc nói chuyện như thế tôi đã quên tuốt luốt từ lâu, nhưng những buổi ngồi yên lặng, ngồi không làm gì cả đã “thấm” vào tôi. Từ nhiều năm nay ở hải ngoại, tôi vẫn còn mãi thói quen vào mỗi buổi sáng, chỉ ngồi yên lặng thật lâu như thế trước khi ra xe đi làm.
Sẽ đi cùng bước chân mùa (BG)
Cuộc đời anh Bùi Giáng có hai “biến cố” vô cùng quan trọng. Biến cố thứ nhất là người vợ yêu quý của anh, bà Phạm Thị Ninh, đã mất khi lâm bồn sinh đứa con đầu lòng (chết cả hai mẹ con) lúc mới hai mươi mốt tuổi. Thơ anh viết về vợ mình cũng nhiều, nhưng tôi thích nhất là hai câu:
Mình ơi! tôi gọi bằng nhà
Nhà ơi! tôi gọi mình là nhà tôi.
Làm sao có thể hiểu được hết trọn nghĩa hai chữ “nhà tôi” này. Ấy là một cõi lòng, một khối tình hay là một tổ ấm, một nơi quay về khi vừa bước đi thì đã thấy “nhớ nhà”? Hay là tất cả những thứ đó? Những từ ngữ quá ư đơn giản nhưng khi dệt thành thơ thì vô cùng tuyệt diệu.
Biến cố thứ hai là vụ cháy nhà ở đường Trương Tấn Bửu Sài Gòn, cháy hết cả tủ sách và bản thảo, đẩy anh vào cơn khủng hoảng. Với một tâm hồn và thể chất nhạy cảm thì chuyện buồn chuyện vui gì cũng có thể tạo ra những khúc quanh đáng nói trong cuộc sống. Cho nên nếu sự kiện nhà cháy làm tiêu bao nhiêu bản thảo là một khúc quanh quan trọng, thì việc tạp chí (bị đổi thành “giai phẩm”) Văn số 11 thực hiện một số đặc biệt về Thi Sĩ Bùi Giáng vào tháng 5 năm 1973 cũng là một khúc quẹo đáng kể của cuộc đời ông Trung Niên Thi Sĩ. Giai đoạn này là thời gian tôi ở rất gần anh.
Ở đây xin mở ngoặc nói thêm là ở miền Nam Việt Nam trước 1975 tạp chí Văn là một trong những tờ tạp chí hàng đầu trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Tờ bán nguyệt san Văn ra số đầu tiên vào ngày 01.01.64 với chủ đề “Tuyển tập thơ văn”. Số cuối cùng phát hành ở trong nước mang tên Giai phẩm Văn có phần đặc biệt: “Văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại”. Trang cuối tờ giai phẩm Văn số này có ghi: “Sàigòn ngày 13.03.75. Phát hành ngày 26.03.75. Số lượng in 6.000 cuốn”. Bán nguyệt san Văn do ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm. Thời kỳ đầu (1964- 1971) thư ký tòa soạn là ông Trần Phong Giao. Từ 1972, thư ký tòa soạn là ông Nguyễn Xuân Hoàng. Tạp chí Văn từng ra nhiều số đặc biệt về những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, nhưng hầu hết đã quá cố. Lần đầu tiên Văn ra số đặc biệt về một nhà thơ còn sống, ở tuổi trung niên (47 tuổi) là Bùi Giáng. Thật tình hôm tôi nghe anh kể lại việc ông Nguyễn Xuân Hoàng tiếp xúc trao đổi về việc thực hiện số này tôi cứ tưởng anh nói đùa (vì anh vẫn thường hay đùa vui như vậy, như chuyện anh gặp và uống trà với Nguyễn Du hay Khổng Tử, Trang Tử v.v…). Đây là một quyết định táo bạo của Văn và cũng xứng đáng khi họ chọn ông thi sĩ họ Bùi cho số đặc biệt này. Anh bồn chồn hồi hộp lắm. Anh cứ bâng khuâng và tò mò hỏi tôi mãi rằng Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Phước An (Trần Hữu Cư) viết gì về anh, nhưng làm sao tôi biết được. Tôi cũng đâu hỏi hai vị ấy được.
Cuối cùng Giai Phẩm Văn số 11, ra ngày 15.05.1973 số đặc biệt về Nhà Thơ Bùi Giáng gồm những bài viết của các tác giả: Thanh Tâm Tuyền, Tuệ Sỹ, Nam Chữ, Cao Huy Khanh, Trần Hữu Cư, Thục Khưu, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Xuân Hoàng ra đời. Trang bìa in hình chân dung lớn của anh. Thật là một Giai Phẩm tuyệt vời với những bài viết công phu của nhiều cây viết gạo cội của văn học Việt Nam lúc ấy.
Như những người xem đá banh vui cùng cực khi đội bóng nhà thắng trận, nhất là những trận gay go. Có thể họ la hét, đập phá điên cuồng, có khi sinh tử thương. Thi hào Nguyễn Du từng lo rằng không biết ba trăm năm sau có ai khóc mình không. Anh Bùi Giáng không có nỗi lo như thi hào Nguyễn Du vì báo Văn đã khiến tên tuổi anh trong văn học sử Việt Nam, từ trước vốn đã nổi danh nay lại càng nổi danh hơn. Cái niềm vui ấy đến với anh chầm chậm, nhưng miệng núi lửa của ngọn hỏa diệm sơn chôn kín bên dưới đã hé mở để rồi bộc phát dữ dội. Những xúc cảm tưởng chôn vùi mấy năm nay bây giờ thức dậy đã đẩy, đã xô anh vào trận rong chơi mới không biết mỏi mệt. Chỉ sau vài tháng anh bắt đầu đi lang thang khắp Sài Gòn Chợ Lớn rồi khắp luôn đến lục tỉnh. Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi, đi lên đi xuống đã đời du côn (BG). Anh mang theo trong túi rất nhiều số báo này, biếu cho những ân nhân dọc đường. Họ là những bà bán hàng xén, anh xích lô, em bé bán cà rem… Anh đi chơi cả trong những giờ giới nghiêm, gặp cảnh sát hay quân cảnh hỏi giấy thì thay vì trình căn cước, anh chỉ vào hình bìa tờ báo Văn và nói “ta không có căn cước chỉ có cái này”.
Và từ đó bắt đầu cuộc du hí của Thần Tiên Xuống Núi (trước kia là Thần Tiên Trên Núi, như anh viết). Sau lúc đi lang thang, dần dần vui quá anh mua thêm chó và khỉ dắt đi cả bầy, lúc hứng chí múa may quay cuồng. Chỉ thời gian ấy, lúc nào tôi gặp anh nhảy múa giữa đường thì tôi thấy xót lắm nên đến nhắc anh và gọi anh về (anh dùng chữ: tôi la anh), thì anh lại nghe và không nhảy múa nữa. Chúng tôi lại cùng về phòng, anh tắm rửa tử tế và chúng tôi lại ăn cơm chung. Vài hôm sau lại đi tiếp. Tôi biết, không phải anh “sợ” gì tôi nhưng anh biết những tình cảm và những lo lắng của tôi, một con người rất bình thường, không ham những trò thần tiên du hí, có khi tôi còn thấy quê nữa là khác.
Rồi ngày 30 tháng tư 1975 đến, chúng tôi mỗi người mỗi ngã.
Nghĩ lại từ ngày ấy đến lúc anh mất là hai mươi ba năm. Hơn hai mươi năm ấy anh mặc tình lang thang du hí, và không biết bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu chùa chiền sư sãi đã thương, đã quý, đã đón tiếp nồng hậu anh. Tôi biết làm việc ấy không phải dễ vì tiếp một vị khách dị thường như thế cần phải có nhiều kiên nhẫn và dũng cảm. Kể cả nghệ sĩ Kim Cương cũng một mặt lo lắng chăm sóc cho anh. Rồi gia đình người cháu rể là anh Nguyễn Thanh Hoài đã lo lắng chăm sóc những khi anh đã mỏi mệt sau những cuộc đi hoang. Việc ấy không phải ai cũng làm được. Thật đáng phục.
***
Tôi còn muốn ghi lại một kỷ niệm nữa, một câu chuyện nhiều ấn tượng, một câu hỏi chưa tìm ra đáp án và cứ vang đọng mãi trong tôi.
Một buổi chiều kia, anh Giáng dặn tôi hôm sau cố gắng về để anh có việc muốn hỏi. Tôi y theo lời về sớm hơn thường lệ.
– Chú mày có đọc truyện Kiều không?
– Dạ không, à mà có. Nghĩa là tôi chỉ học ở trung học thôi.Tôi đậu tú tài đàng hoàng mà anh.
– Vậy là chú mày cũng kém như lũ ấy. Ông Nguyễn Du sống dậy cũng sẽ ngã lăn ra chết tức tưởi ngay vì chúng mày.
– Nghĩa là sao?
– Mới chỉ hơn hai trăm năm mà chúng bay không hiểu gì về Nguyễn Du. Một trăm năm nữa sẽ không còn ai khóc Nguyễn Du là cái chắc. Ông Tố Như đã đoán biết như thế.
Giọng anh trở nên giận dữ.
– Làm sao tôi biết là chuyện gì?
– Tại sao nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường, chú mày nói tao nghe thử?
Anh Bùi Giáng hỏi gằn giọng.
– Tại vì nàng ta muốn chết. Tôi trả lời ngay không cần suy nghĩ (thì muốn chết mới tự tử chứ).
– Tao biết, chú mày khá lắm.
– Tôi khá làm sao? Tôi chỉ học như vậy và nói lại thôi.
– Chú mày khá là chú mày biết được, cụ Nguyễn Du muốn Thúy Kiều chết. Thúy Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường là nàng muốn chôn vùi cuộc đời nàng ở đó. Chuyện ngư ông giăng lưới vớt nàng, rồi đem về Am Chiêu Ẩn chỉ là trò giả ngụy. Sông ơi em bỏ sa mù, đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau.
Rồi anh tiếp tục sang sảng đọc thơ, giảng thơ. Lúc ấy tôi chỉ lơ mơ, nghĩ trong bụng rằng may là tôi không học Việt văn của ông Thầy nầy chứ viết văn như ông nói thì Bộ Quốc Gia Giáo Dục sẽ cho tôi rớt tú tài và sẽ phải xách gói đi Thủ Đức nhập ngũ, không biết chừng đã gởi thây nơi chiến địa. Những năm ấy cuộc chiến đã lên cao độ, biết bao nhiêu bạn học thời trung học của tôi đã bỏ mình trên các mặt trận.
Bây giờ ngồi đọc lại cuốn “Sương Tỳ Hải” do anh dịch, phần thứ ba của Martin Heidegger, giúp tôi hiểu thêm ra ít nhiều về điều ấy. Anh viết như sau (tr.166):
Dặm khuya ngất lạnh mù khơi
Bóng hoa đầy đất ngang trời vẻ ngân
Mây Tỳ Hải dội lên ngàn
Càn khôn ở lại bên làn Tồn Lưu.
Cõi người Mặt Đất ưu tư…
Bên mình phố thị Lan ừ hay vâng?
Was soll das heissen? Nichts weniger als: “der Weite des Himmels sich öffnen und zugleich in das Dunkel der Erde wurzeln… “
Tôi (Thanh Niên Tuấn) xin tạm dịch nguyên ngữ đoạn tiếng Đức: Điều đó nghĩa là gì? Chẳng qua nó chỉ là: cái cõi Thiên Không kia tuy thênh thang rộng mở, nhưng cùng lúc Bóng Tối cũng đã cắm rễ sâu vào miền Đại Địa ấy rồi.
Thúy Kiều đã kinh qua tận cùng khắp cõi những nỗi đau của nhân thế, khi đã trầm mình vào dòng Tiền Đường thì nàng đã chết. Đây là trạm cuối cùng. Vở kịch đã đến hồi kết thúc. Màn phải kéo lại. Chuyện chết đi sống lại chỉ là chuyện dựng ra trong một vở kịch thường tình kiểu Happy End. Một giải pháp hình nhi hạ. Cụ Tố Như đã quá lịch sự và từ bi nên phóng bút thêm mấy trăm câu thơ phỏng theo Kim Vân Kiều Truyện chứ theo anh Bùi Giáng thì cụ đã cho Thúy Kiều chết ở đấy rồi.
Nghĩ ra vậy, tôi mới hiểu thêm tại sao anh Bùi Giáng đã chọn cuộc rong chơi điên đảo nhảy múa khắp Sài Gòn để hứng chịu bao nhiêu đắng cay và đau đớn khi thiên hạ đánh đập la mắng hay bị bắt bớ. Anh đã sống tận cùng để cảm nhận những điều anh suy tư. Có triết gia nào, có thi sĩ nào đã can đảm làm như thế? Nghĩ ra vậy, tôi mới hiểu được tấm lòng Chúa Giê-Su khi chịu đóng đinh trên Thập Tự Giá. Nghĩ ra vậy tôi mới cảm nhận được tâm tình của Thái Tử Tất Đạt Đa khi rời bỏ cung vàng điện ngọc đi vào rừng sâu thực hành khổ hạnh cho đến lúc chỉ còn da với xương.
Thể nghiệm bước tận cùng của khổ đau cũng chính là lúc trở mình chuyển sang bước thăng hoa.
Dặm hồng vàng ai đứng lại nhìn nhau (BG)
Mới mấy tháng trước, có người bạn phương xa gọi điện thoại hỏi thăm, rồi câu chuyện tự nhiên đậu lại những câu thơ tuyệt vời của Bùi Giáng.Bạn hỏi tôi: tao hỏi thật, ông ấy có điên không? Sợ bạn buồn nên tôi im lặng không trả lời, nhưng lại nghĩ thầm trong bụng: bộ mày điên rồi hay sao mà hỏi vậy?
Trong cuộc sống quanh ta, một cuộc sống bình thường, có những con người rất bình thường (tôi cũng thuộc vào số đó). Rồi trong số những người bình thường ấy cũng có những người không bình thường, ta gọi là bất thường. Trong số những người bất thường kia rồi sẽ có những người phi thường. Những con người phi thường lại có khi sống bất thường và hành động thất thường. Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng của chúng ta là tổng thể của những con người ấy. Vui chơi nhảy múa viết văn làm thơ cho đời vì cuộc đời vốn vô thường. Hay ta gọi ấy là một người dị thường? Chắc cũng không đúng! Xin bình tâm đọc lại.
Ai đẩy Thúy Kiều vào lầu xanh? Ai xô Alissa vào khung cửa hẹp? Định mệnh hay nghi ngẫu? Hoàn cảnh xã hội, tư tưởng tôn giáo, hay ý thức quyết tuyển tự do của con người, hay tâm thức của thiên tài sáng tác? Hay mọi thứ đó phối hợp?
Một lần nữa ngồi đọc kỹ những câu văn ấy, tôi chợt nhận rõ ra rằng, trần gian không phải chỉ có những khung cửa hẹp. Đằng sau những khung của hẹp còn có rất nhiều những chấn song. Con người tự do là người dám vượt thoát ra khỏi cả những chấn song sau những khung cửa hẹp ấy. Và những con người can đảm ấy thường bị người đời gán cho tên gọi là “những người điên”.
Xưa, thời chiến quốc bên Tàu, có chuyện ông thần y tên là Văn Chí chữa bệnh cho ông Long Thúc. Thần y Văn Chí nổi tiếng một thời, từng chữa khỏi cơn bệnh hiểm nghèo cho Tề Hy Vương. Cụ Nguyễn Hiến Lê kể lại trong tác phẩm Liệt Tử – Dương Tử (tr.172-177) câu chuyện ấy như sau:
Long Thúc bảo Văn Chí: Y thuật của ông thật huyền diệu! Tôi bị một bệnh, ông trị cho được không?
Văn Chí đáp: Xin vâng, nhưng ông cho biết bệnh gì đã.
Long Thúc đáp: Người trong làng khen tôi, tôi không lấy làm vinh, người trong nước chê tôi, tôi không lấy làm nhục; được đã không mừng, mất cũng không buồn; tôi coi sống chết như nhau, giàu nghèo như nhau; coi mọi người khác như loài heo, mà tự coi tôi cũng như mọi loài khác. Tôi ở trong nhà tôi mà tự coi là quán trọ, coi làng tôi như nước ngoài. Ngoài mấy tật đó, tôi lại còn coi thường tước quí, chẳng sợ hình phạt; thịnh suy lợi hại không làm thay đổi được lòng tôi, vui buồn cũng không động được lòng tôi, cho nên tôi không thể thờ vua giúp nước được, không thể thân với bà con bạn bè được, kiềm chế vợ con, sai khiến tôi tớ được. Tôi có bệnh gì vậy ông? Có phương nào trị được không?
Văn Chí bảo Long Thúc quay lưng ra chỗ sáng, rồi mình đứng ở phía sau hướng ra phía sáng mà xem xét.
Xem kĩ rồi bảo: A! Tôi thấy con tim của ông rồi, nó rỗng như một tấc vuông, gần như tim một bậc thánh. Sáu lỗ tim của ông đều thông, chỉ có một lỗ nghẹt thôi. Ngày nay người ta cho cái trí sáng suốt của thánh nhân là một thứ bệnh, có lẽ đó là bệnh của ông chăng? Y thuật của tôi không trị được thứ bệnh đó.
(Chú thích của cụ Nguyễn Hiến Lê: Người thời đó cho rằng trái tim bậc thánh chỉ có bảy lỗ, đều thông cả nên rất minh trí)
Bởi thế, ai nói gì mặc ai. Có kẻ nói Bùi Giáng là người điên, thậm chí còn nói là giả điên. Có người nói ông là thiên tài, là tiên ông, là thiền sư thi sĩ, là thi thánh, là kỳ nhân. Và là gì đó nhiều tên nhiều chữ khác nữa. Với tôi, anh luôn là “người hàng xóm” ít lời và dễ thương. Còn nếu nói về văn nghiệp hay thi nghiệp của anh, thì tôi chỉ có thể mượn chữ của anh thôi: “Ông Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ”. Gọi thế để tôi vẫn còn là “Thanh Niên Tuấn” của năm nào còn ở Vạn Hạnh, dù đã bước vào lục thập.
Thác là thể phách còn là tinh anh (Nguyễn Du)
Anh Giáng ơi! Giờ anh lại xách gói ra đi. Lần này anh đi thiệt và đi lâu.
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về (BG).
Ai biết anh sẽ đi đâu? Chính anh còn không biết nữa thì ai biết.
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu (BG).
Có điều tôi biết chắc, đi đâu anh cũng cứ vui đùa du hí chọc phá theo thể điệu đười ươi cho đến khi ngã quỵ. Những điều anh muốn và những điều tôi hứa với anh ngày ấy năm 73 tôi đã làm. Giờ, vào đã đến tuổi lục thập nhi nhĩ thuận tôi mới thu hết can đảm ngồi ghi lại lai rai những sự việc xảy ra trong đời mình (mình đã ngoéo tay như vậy). Tôi không còn phải lo học hành thi cử gì nữa, có chăng thì chỉ lo tu tập thôi. Và rồi sẽ có một hôm đẹp trời nào đó tôi cũng sẽ không đọc không viết luôn, để thì giờ làm một việc gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời mình hơn.
Tôi thương nhớ và trân quý những ngày ấy lắm. Ngẫm lại, thời gian ngắn ngủi chỉ khoảng một ngàn ngày ở Vạn Hạnh ấy chính là khoảng thời gian đẹp nhất đời tôi. Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ; Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau (BG). Xó chợ kia là góc chợ Trương Minh Giảng ngày nào hay cũng chính là những xó chợ đời?
Bây giờ anh làm một giấc “miên trường”, thật bình yên và thơ mộng tại nghĩa trang Gò Dưa ở Thủ Đức sát bên chùa Quảng Bình. Mộ anh còn nằm sát mộ thi sĩ Tạ Ký và gần mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rốt cuộc rồi anh cũng về nằm gần chùa để khuya sớm được nghe tiếng mõ câu kinh.
Trước mộ chí, tôi đã cung kính đốt một nén hương trước và rồi một điếu thuốc lá đặt vào bức tượng đá của anh sau (dù tôi đã bỏ hút thuốc 25 năm nay rồi). Bỗng dưng lòng tôi chợt vui vô hạn. Tôi nhớ ngay hai câu thơ đã từng nghe anh đọc và nằm kín đâu đó trong xó ký ức tôi (tiếc là bây giờ tôi không có tài liệu tra cứu nguồn và lời thơ cho chính xác. Xin cứ ghi ra, nếu không đúng hẳn xin anh đừng trách, chỉ một lần này thôi).
Du hí thần thông tam muội tận
Hồi đầu ngộ kiến Thích Ca thân. (BG)
Nghĩa: Dạo chơi đến tận cùng cõi thần thông tam muội, lúc quay về chợt gặp pháp thân (tượng) Thích Ca đã nằm ở đó.
———–
(*) Ghi chú:
Tấm hình bìa báo Giai phẩm Văn phía trước tôi tìm thấy trên mạng và tải xuống giữ trong máy như một kỷ niệm trân quý với thi sĩ Bùi Giáng và sơ ý quên ghi nguồn. Bây giờ cần trích dẫn đi tìm lại thì không còn thấy nữa. Nguyên gốc hình hơi mờ, có con dấu đóng tên người cũng mờ, có thể là Phan Kim Thịnh và ghi chồng một chữ lên, hình như là chữ “bỏ”. Thấy phiền nên tôi đã tẩy nó đi và chỉnh sửa lại cho đẹp. Xin cáo lỗi cùng chủ nhân.
(**) Tất cả những nhan đề tiểu mục trong bài này là các câu thơ của Bùi Giáng, có ghi chữ BG trong ngoặc.
Viết thêm:
Bài viết vừa xong thì anh Nguyễn Hiền gởi Email cho biết thêm, vào năm 1997 tập san Thời Văn trong nước cũng có ra một số đặc biệt về Bùi Giáng. Thời Văn viết trong “Thay Lời Vào Tập”: Ở đây, Thời Văn chỉ mạo muội nhìn thi sĩ như ngắm một hiện tượng văn học. Lúc ấy ở hải ngoại tôi không biết và không đọc được đặc san này. Nhưng, sao lại gọi là một “hiện tượng văn học” và lại “nhìn” rồi “ngắm” ??? Không biết trong năm cuối đời này anh Giáng đã nghĩ sao (anh mất năm 1998) nhưng khi tôi đọc những chữ này thấy sao chua xót quá. Tôi một lần nữa cám ơn ông Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ họ Bùi ngày ấy đã chận không cho tôi lún chân vào làng văn nghệ.
Ơn ấy lớn lắm!
Thôi, tôi xin học hạnh “ngồi yên lặng” của anh.
Tôi cũng đang buồn lắm đây!
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau.
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
(Bùi Giáng – Chào Nguyên Xuân)
Văn Công Tuấn
(Trích từ tác phẩm Cổ Thụ Lặng Bóng Soi. NXB Tôn Giáo, 2016)
Nguồn: Fb Gia Nguyễn

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget