Có mấy anh bạn trẻ, thích thơ Bùi Giáng, thấy thiên hạ ca ngợi thi sĩ, nhưng các bạn ấy bảo rằng, đọc nghe thì thích mà không hiểu hết ý tác giả. Bởi có nhiều từ lạ quá, tra từ điển Tiếng Việt cũng không thấy. Các bạn trẻ đưa ra nhiều từ, nhưng đa số là nhắc đến “miên trường” và “tà huy”. Sở dĩ như thế đây là hai từ xuất hiện trong hai bài thơ rất nổi tiếng của Bùi Giáng là bài Chào Nguyên Xuân và bài Chùm thơ Cảm đề La porte étroite được in trong phần Phụ lục của truyện dài Khung cửa hẹp (La porte étroite, tác giả André Gide) do Bùi Giáng dịch.
Hai câu trong bài Chào Nguyên Xuân:
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”
Và hai câu có chữ tà huy
“Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay”
Đây là những câu thơ mà người yêu thơ Bùi Giáng hay nhắc tới và được cho là những câu thơ hay nhất của ông.
Thi sĩ Bùi Giáng sinh năm 1926 là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn. Từ bé được hấp thụ nền giáo dục Hán học rồi mới học quốc ngữ và đậu bằng Tú tài 2 ban Văn chương năm 1952. Ông giỏi nhiều ngoại ngữ và là một dịch giả tiếng tăm của văn chương miền Nam trước 1975. Cái đáng nể của ông là dịch lời tựa rất hay và tận cùng của ngôn ngữ. Điều đó chứng tỏ ông nắm rất vững tiếng Việt với ý nghĩa sâu xa của nó.
Ông dịch Terre des Hommes của Saint - Exupery là Cõi người ta thì đúng là hết chữ để dịch rồi. Cuốn La Porte étroite của André Gide cũng vậy, ông dịch là Khung cửa hẹp thì đúng là quá hay. Le Malentendu của Albert Camus ông dịch là Ngộ nhận cũng quá xá hay. Hay nữa là ông dịch Le Petit Prince thành Hoàng tử bé, nghe thơ mộng tuyệt vời đúng chất của Antoine de Saint-Exupéry. Cuốn L’Immoraliste của André Gide, ông dịch là Kẻ vô luân, quá tài, chuyển ngữ như thế là bậc sư rồi.
Trở lại với thơ. Ta thấy trong thơ Bùi Giáng có rất nhiều từ chữ Hán. Ông bắt đầu nồi tiếng từ năm 1962. Thời kỳ này, ở miền Nam, chỉ còn vài người làm thơ sử dụng nhiều điển cố Trung Hoa và từ Hán Việt như Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Tchya Đái Đức Tuấn, Đông Hồ, Đinh Hùng.....Thế hệ thi sĩ mới xuất hiện và được nhiều độc giả ái mộ như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê, Tô Thuỳ Yên và sau này thập niên 70 như Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn... đều làm thơ toàn ngôn ngữ Việt, ít thấy điển cố cũng như dùng chữ Hán trong thơ. Cho đến thập niên 70, khi thơ Bùi Giáng được giới trẻ thời ấy hâm mộ, lại thấy xuất hiện nhiều nhà thơ trẻ bắt chước hơi thơ của Bùi Giáng, đặc biệt là ưa dùng lại những từ ngữ Bùi Giáng thường dùng. Đặc biệt là sau 75 ở miền Nam, khuynh hướng đó tràn lan, trở thành như mốt thời thượng trong ngôn ngữ thơ. Ta bắt gặp miên trường với tà huy xuất hiện càng ngày càng nhiều, cùng với vô thường, vô ưu với những danh từ của nhà Phật cho có vẻ mang hơi hám Thiền.
Thật ra, thơ Bùi Giáng không phải bài nào cũng hay. Ông thường viết vội trên con đường ngao du của mình, nên cũng có nhiều từ, lắm ý lập đi lập lại. Có nhiều bài giống như kiểu xếp chữ chơi, chẳng có ý nghĩa gì cả, làm người đọc điên cả đầu. Kiểu làm thơ này có nhiều làm thơ trẻ bắt chước, viết mà chẳng biết viết gì, đọc nghe vần điệu xuôi tai, chữ nghĩa kêu rổn rảng.
Đây là một bài thơ của Bùi Giáng trong tập thơ “Ngàn thu rớt hột”:
“Lạc về đầu rú khe truông
Vốc năm ngón nhỏ gieo buồn rã riêng
Tuổi xanh nhiếp dẫn sai miền
Đổ xiêu phấn bướm phi tuyền vọng âm
Tuần trăng quẩy gánh đau ngầm
Cõi bờ phôi dựng gió nhầm tin hoa
Em về rắc cỏ tháng ba
Xuống trang hồng hạnh tin già in rêu.”
Có cao nhân nào bình giúp tui với, chứ nói thật lòng là tui dốt, chẳng hiểu thi sĩ Bùi Giáng muốn viết cái gì?
Giờ lại nói về chữ “tà huy” trong câu thơ của Bùi Giáng.
“Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay”
Có một ông tán hai câu này ra như sau:
“Khi đi em áo lụa quần là với đời. Khi về em giũ trút, chỉ còn thịt da với riêng mình. Khi em về giũ áo là buông bỏ, là thay tà áo, giũ tung những mù sa bụi đường sau cuộc rong chơi. (Hay mù sa là những khát vọng mơ hồ không hồi kết.) Trút quần phong nhụy là không ngại ngần thay quần. Chiếc quần phong kín nhụy hoa trinh nguyên con gái. Nhụy hoa ẩn giấu nhiều háo hức bất khả tư nghì. Nhưng trút bỏ xiêm y, khỏa thân để cho tà huy bay thì thật là ngất ngây thần ý…”
https://vietbao.com/a227214/cho-ta-huy-bayTán sao cũng được, nhưng phải bám vào thơ. Ông bỏ quên tà huy, mà đó lại là hình ảnh rất là quan trọng của câu thơ. Nói tóm lại là nhiều người đọc thơ Bùi Giáng, gặp mấy chữ Hán đều ngọng cả. Thế nhưng cũng cố lôi mấy chữ ấy vào thơ mình cho nó thời thượng.
Theo từ điển, tà huy là ánh mặt trời buổi chiều
“Cầu lệ thuỷ ngồi trơ cổ độ, quán thu phong đứng rủ tà huy” (Cung Oán Ngâm Khúc)
Nó còn có nghĩa đời người lúc tuổi già.
斜暉
Từ điển trích dẫn
1. Ánh mặt trời chiều ngả về tây. ◇Tây sương kí 西廂記: “Liễu ti trường ngọc thông nan hệ, Hận bất sai sơ lâm quải trụ tà huy” 柳絲長玉驄難繫, 恨不倩疏林挂住斜暉 (Đệ tứ bổn 第四本, Đệ tam chiết) Tơ liễu dài nhưng khó buộc được ngựa chạy, Giận không biết nhờ ai níu lại bóng chiều rừng thưa. § Nhượng Tống dịch thơ: Tơ liễu dài, dài có ích chi? Buộc sao được gót ngựa phi dặm trường? (...) Rừng thưa ơi! có thương ta? Vì ta, mi níu bóng tà lại nao!
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Ánh nắng nghiêng của buổi chiều.
Thật ra, từ xưa đến nay, thơ chữ Hán rất nhiều người sử dụng chữ tà huy trong thơ của mình. Nhưng khi có ông Bùi Giáng mở màn đem chữ Hán ấy nhét vào câu thơ Việt và sau đó thiên hạ rùng rùng làm theo mà chẳng mấy ai hiểu cho đúng nghĩa nguyên gốc của nó, cứ cố nhét vào câu thơ cho có hơi của ông Giáng.
Trong bài Bát thanh canh châu của Trình Cai cách đây đã vài trăm năm
八聲甘州
問東君、
既解遣花開,
不合放花飛。
念春風枝上,
一分花減,
一半春歸。
忍見千紅萬翠,
容易漲桃溪。
花自隨流水,
無計追隨。
不忍憑高南望,
記舊時行處,
芳意菲菲。
歎年來春減,
花與故人非。
總使、梁園賦在,
奈長卿、老去亦何為。
空搔首,
亂雲堆裏,
立盡斜暉。
Bát thanh Cam Châu
Vấn đông quân,
Ký giải khiển hoa khai,
Bất hợp phóng hoa phi.
Niệm xuân phong chi thượng,
Nhất phần hoa giảm,
Nhất bán xuân quy.
Nhẫn kiến thiên hồng vạn tử,
Dị trướng đào khê.
Hoa tự tuỳ lưu thuỷ,
Vô kế truy tuỳ.
Bất nhẫn bằng cao nam vọng,
Ký cựu thời hành xứ,
Phương ý phi phi.
Thán niên lai xuân giảm,
Hoa dữ cố nhân phi.
Túng sử, Lương Viên phú do tại,
Nại Trường Khanh, lão khứ diệc hà vi.
Không tao thủ,
Loạn vân đồi lý,
Lập tận tà huy
Nhà thơ Nguyễn Du cũng đã dùng chữ tà huy trong bài thơ chữ Hán Há than hỷ phú:
下灘喜賦
心香拜禱將軍祠,
一掉中流肆所之。
到處江山如識趣,
喜人蛇虎不施威。
萬株松樹僧人屋,
一帶寒煙燕子磯。
寂寂船窗無箇事,
漁歌江上看斜暉。
Há than hỷ phú
Tâm hương bái đảo tướng quân tỳ (từ),
Nhất trạo trung lưu tứ sở chi.
Ðáo xứ giang sơn như thức thú,
Hỷ nhân xà hổ bất thi uy.
Vạn châu tùng thụ tăng nhân ốc,
Nhất đới hàn yên Yến Tử ky (cơ).
Tịch tịch thuyền song vô cá sự,
Ngư ca giang thượng khán tà huy.
Dịch nghĩa
Tấm lòng thành dâng hương khấn trước đền tướng quân
Một thuyền giữa dòng nước mặc cho trôi đi
Ðến đâu cũng thấy sông núi như đã quen biết
Mừng cho người, hùm rắn đã không ra oai
Muôn cụm tùng kia là nơi nhà sư ở
Một dải khói lạnh, đó là Hòn Én
Lặng lẽ ngồi bên cửa thuyền, không làm gì cả
Nghe thuyền chài hát, ngắm chiều tà
Hay là bài thơ của ông quan xứ Huế Nguyễn Phúc Ưng Bình
日麗江晚眺
鍪麗清高右直畿,
景撩人處是斜暉。
山城鳥道穿雲去,
海國漁帆逐浪歸。
長壘當年謀畫在,
平關舊路往來稀。
此間定有賢居士,
未老煙霞拂釣磯。
Nhật Lệ giang vãn diểu
Mâu Lệ thanh cao hữu Trực kỳ,
Cảnh liêu nhân xứ thị tà huy.
Sơn thành điểu đạo xuyên vân khứ,
Hải quốc ngư phàm trục lãng quy.
Trường luỹ đương niên mưu hoạch tại,
Bình quan cựu lộ vãng lai hy.
Thử gian định hữu hiền cư sĩ,
Vị lão yên hà phất điếu ky.
Dịch nghĩa
Núi Ðâu Mâu cao, sông Nhật Lệ xanh bên phải chảy về hướng phố
Nơi phong cảnh rực rỡ là nơi bóng xế chiều
Phố trên núi, đường chim bay xuyên qua mây
Trên sông buồm thuyền chài quay hướng trở về
Luỹ Trường Dục là mưu chước năm xưa còn lại
Ðường cũ đến ải Quảng Bình người qua lại thưa thớt
Ở đây nhất định có người hiền về ở ẩn
Mây khói còn rực rỡ phản chiếu nơi bãi câu
Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh
Núi Mâu sông Lệ hướng về dinh
Rực rỡ chiều sang cảnh hữu tình
Chim liệng đường mây qua phố núi
Buồm về theo sóng vượt sông xanh
Chước mưu năm cũ xây thành Dục
Thưa thớt đường xưa đến ải Bình
Ðây chốn người hiền về ở ẩn
Bãi câu phản chiếu ráng chiều xinh
Đưa ra một số bài thơ của người xưa để thấy người xưa dùng chữ tà huy đúng lúc đúng chỗ, không giống bây giờ nhiều người làm thơ không hiểu hết nghĩa của chữ, cố nhét vào câu thơ, câu thơ thành vô nghĩa.
Chữ “miên trường” trong câu:
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”
Theo chữ Hán, miên có nhiều nghĩa, ở đây ta có thể chọn hai nghĩa.
綿長
miên trường
Từ điển trích dẫn
1. Tiếp tục lâu dài. ◇Tây du kí 西遊記: “Phổ dụ thế nhân vi thiện, quản giáo nhĩ hậu đại miên trường” 普諭世人為善, 管教你後代綿長 (Đệ thập nhất hồi).
2. Xa, dằng dặc. ◇Lưu Tri Cơ 劉知幾: “Cương vũ tu khoát, đạo lộ miên trường” 疆宇修闊, 道路綿長 (Sử thông 史通, Tự truyện 序傳).
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
眠
miên
Từ điển phổ thông
ngủ
Từ điển trích dẫn
(Động) Ngủ. ◎Như “thất miên” 失眠 mất ngủ. ◇Vi Ứng Vật 韋應物: “Sơn không tùng tử lạc, U nhân ưng vị miên” 山空松子落, 幽人應未眠 Núi vắng trái thông rụng, Người buồn chưa ngủ yên.
Từ điển Trần Văn Chánh
Ngủ: 失眠 Mất ngủ; 長眠 Giấc nghìn thu; 愁眠 Giấc ngủ buồn;
(Động vật) ngủ đông;
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Ngủ. Td: Cô miên ( ngủ một mình ) — Tình trạng bất động của côn trùng khi thay xác, hoặc của thú vật trong mùa đông. ( Td: Đông miên ) .
綿
Miên
Từ điển phổ thông
1. tơ tằm
2. kéo dài, liền
3. mềm mại
Từ điển trích dẫn
Liên tục không dứt. ◎Như: “miên diên” 綿延 dài dặc, “liên miên” 連綿 liên tiếp không ngừng.
Từ điển Thiều Chửu
Dài dặc, như miên duyên 綿延 dài dặc, miên viễn 綿遠 dài xa, v.v.
Từ điển Trần Văn Chánh
Kéo dài, liên tục: 綿長 Dài dằng dặc;
Ràng rịt.【纏綿】triền miên [chánmián] (văn) Bịn rịn, vướng víu, vương vấn, dày vò, triền miên (thường nói về bệnh tật hay tình cảm).
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Dài. Lâu dài — Nối tiếp không dứt. Td: Liên miên, Triền miên.
長
trường
Từ điển phổ thông
1. dài
2. lâu
Từ điển trích dẫn
(Tính) Dài. § Đối lại với “đoản” 短 ngắn. ◎Như: “trường kiều ngọa ba” 長橋臥波 cầu dài nằm trên sóng nước.
(Tính) Lâu. ◎Như: “trường thọ” 長壽 sống lâu.
(Tính) Xa. ◎Như: “trường đồ” 長途 đường xa.
Từ điển Thiều Chửu
Dài, so hai đầu với nhau, bên nào thừa hơn gọi là trường.
Lâu dài. Như trường thọ 長壽 sống lâu.
Xa. Như trường đồ 長途 đường xa.
Lại một âm là trướng. Chiều dài, nhiều, thừa. Như trướng nhất thân hữu bán 長一身有半 đo chiều dài hơn một thân rưỡi.
Từ điển Trần Văn Chánh
① Dài, xa, chiều dài: 這段路全長約二千公里 Đoạn đường này dài độ 2.000 thước; 長途 Đường xa;
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Dài. Xa xôi. Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc: » Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ « — Lâu. Lâu dài. Đoạn trường tân thanh : » Bấm tay mười mấy năm trường «
Như vậy, có thể tóm tắt lại Trường: có nghĩa là dài. Chữ Miên nhiều nghĩa, ta chọn được hai nghĩa có thể lý giải câu thơ: nghĩa thứ nhất là ngủ, giấc ngủ. Nghĩa thứ hai là dài.
Vậy xét trong câu thơ của Bùi Giáng, miên trường là dài , dài lắm, dài dằng dặc. Bơi dài lại nối tiếp với dài tức dài ghê lắm.
Trong câu thơ này, không thể hiểu Miên là giấc ngủ. Để rồi hiểu miên trường là giấc ngủ dài. Người ta thường viết cô miên: ngủ một mình. Ngữ pháp của tiếng Hán cũng giống tiếng Anh, giấc ngủ dài phải là trường miên mới đúng, tính từ mới đến danh từ, chớ không phải như ngữ pháp Việt, tính từ thường là đứng sau. Hiểu “miên” là “giấc ngủ” là cách hiểu sai.
Thơ bây giờ lắm chữ miên trường. Ví dụ như những câu thơ sau đây tình cờ đọc được:
“Quê tôi có áo me bay.
Có con thuyền nhỏ chở đầy nhớ thương.
Có hàng dừa đứng trong sương.
Mẹ ra gặt gió miên trường về phơi.
Quê tôi lất phất mưa rơi.
Đàn cò nghiêng liệng cuối trời xa xa.”
Tui không hiểu gặt gió miên trường về phơi là nghĩa gì nữa
Chỉ có hai chữ trong hai câu thơ mà dài dòng văn tự quá. Ừ thì rảnh rỗi viết chơi thôi. Chỉ mong các nhà thơ khi dùng chữ trong thơ của mình, nên hiểu chữ trước khi dùng. Chẳng nên bắt chước dùng chữ nghe rất thời trang, rất thiền mà thật ra trở thành vô nghĩa mà câu thơ cũng trượt dài vào chỗ tối tăm.
He..he Mua vui cũng được một vài trống canh. Viết bậy, ai buồn lòng ráng chịu vậy kkkk
18.4.2018
DODUYNGOC