Latest Post




Ba con cá chết nằm trên bàn giương mắt đục lờ
Mặt bàn màu nâu với những vết xước
Một con đã bị mổ bụng
Có một dòng nước rỉ ra
Cái bát vẽ những bông hoa đỏ
Sao không là hai mà là ba con cá chết
Chẳng ai giải thích
Cuộc đời có những điều không giải thích
Có một người đàn ông ngồi tựa ghế
Chiếc ghế cũ với những vết dao
Người đàn ông chờ đợi gì
Ông ta không biết được
Những con cá đã chết
Người đàn ông biết tại sao chúng chết
Vì không có nước
Rồi người ta cũng sẽ chết vì không còn nước
Buổi chiều như ổ bánh mì bị gặm dần
Ói ra tia nắng héo
Bên kia đường không lối rẽ
Con chó hoang không biết đường về
Có một đám mây trôi bềnh bồng chẳng có ai níu lại
Những cành cây khẳng khiu mùa đông
Những con thú đi tìm giấc ngủ
Người đàn ông ngồi nhìn ba con cá chết
Chẳng biết làm gì
Không có sự hồi sinh cho những cái chết
Đám đông đốt cháy buổi chiều
Cơn mơ bị đốn ngã
Khói thuốc câm lặng thế giới im lặng
Những con cá chết lặng yên
Người đàn ông hoá câm trên chiếc ghế đầy những nhát dao
Con cá chết vì thiếu nước
Con người chết vì không còn nước
Người đàn ông xách ba con cá chết
Đi về phía chân trời
8.11.2018
DODUYNGOC



Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung (Cha Leung Yung), báo chí Pháp gọi ông là Louis Cha và bút hiệu của ông người Pháp gọi là Jin Yong
Louis Cha là nhà văn Hong Kong viết tiểu thuyết võ thuật. Louis Cha nổi tiếng khắp thế giới với các tác phầm về các anh hùng lịch sử thú vị với cái tên Jin Yong (Kim Dung). Là người sáng lập tờ Ming Pao, ông cũng là một nhân vật rất được kính trọng ở Hồng Kông. Ông vừa qua đời hôm thứ hai.
"Bất cứ nơi nào bạn tìm thấy người Trung Quốc, bạn sẽ tìm thấy tiểu thuyết của Kim Dung" bởi vì ông là tiểu thuyết gia võ thuật Trung Quốc nổi tiếng nhất và đọc nhiều nhất trong thế giới người Trung Quốc.
Ở phương Tây, rất ít người biết tên của nhà văn Hồng Kông này - ngoại trừ các nhà tội phạm học. Tuy nhiên nó sẽ khiến cho người Trung quốc ánh lên ánh mắt tự hào, phấn khích khi được nhắc đến những tác phẩm của ông
Louis Cha hay Kim Dung chắc chắn là một trong những tiểu thuyết gia được đọc nhiều nhất trên thế giới. Từ trong mỗi ngôi nhà ở Trung Quốc từ Bắc Kinh đến Hồng Kông, từ Singapore đến Đài Loan, ai cũng nghe thấy tên của ông. Hơn 90 bộ phim truyền hình và phim ảnh, như Bruce Lee, King Hu, Wong Kar-wai và Jackie Chan được truyền cảm hứng hoặc đôi khi trực tiếp thích ứng với các tập phim từ tác phẩm của ông.
Kim Dung thuộc về truyền thống vĩ đại của văn học Trung Quốc, được gọi là tiểu thuyết võ thuật hay, đơn giản hơn, tiểu thuyết Kung Fu. Văn học dân gian Trung Quốc đã được sinh ra cách đây hơn mười thế kỷ, những câu chuyện về những người kể chuyện và những kẻ giang hổ đi lang thang ở Trung Quốc trong các hội chợ, mang đến những niềm vui, tụ họp công chúng nghe câu chuyện của họ, và với bất kỳ vật dụng nào, như là một chiếc khăn tay hay một khối gỗ gõ vào bàn đánh thức sự chú ý của công chúng. Các vật dụng đó gấp lại có thể trở thành một cây gậy, một thứ vũ khí, một roi da hoặc, mở ra, một lá thư.
Bối cảnh thời nhà Tống, với sự phát triển của báo chí in ấn, những câu chuyện này sẽ trở thành tiểu thuyết, mà không làm mất đi hiện thực của nó. Tác phầm dựng lên từ một cây bút sống động trên nền tảng hiện thực lịch sử, nhân vật thề hiện cách cư xử, phê phán của xã hội, các sự kiện võ thuật làm nên một bộ sưu tập các nhân vật đầy màu sắc. Một trong những ví dụ điển hình nhất, được viết trong đời Yuan và Ming, là Au Bord de l'eau ( Thuỷ Hử), được dịch bởi The Jacques Dars, kể về câu chuyện của 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn bạc. Kim Dung là người thừa kế truyền thống này và là người duy nhất hiện đang tồn tại với chất lượng văn bản và trí tưởng tượng được công nhận dưới bút danh Kim Dung
Kim Dung với 15 tiểu thuyết và hơn 100 triệu độc giả
Louis Cha (Cha Leung Yung) sinh ngày 6 tháng 2 năm 1924, là hậu duệ của một gia tộc truyền thống gồm các học giả, quan chức và nhà thơ Trung Quốc. Khi còn là một đứa trẻ, ông đọc, trong các tô giới của Pháp ở Thượng Hải, hầu như tất cả các tác phẩm của Victor Hugo và Alexandre Dumas. Kể từ khi đến Hồng Kông năm 1948, ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề của xã hội, bao gồm cả việc thành lập một nhóm báo chí, trong đó có tờ Ming Pao, một trong những tờ báo lớn tiếng Trung.
Luôn trau dồi và tự hào về di sản văn hóa của mình, ông đã duy trì truyền thống lãng mạn này bằng cách viết trong nửa thế kỷ, giữa năm 1955 và 1972, một sự nghiệp khổng lồ gồm 15 cuốn tiểu thuyết chứa đầy 36 tập mỗi tập hơn 400 trang. Cuốn sách đầu tiên, The Book and the Sword, được xuất bản với tư cách là một seri vào năm 1955 trong The New Evening Post.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó tại tạp chí Paroles. Ông nói: "Các tiểu thuyết võ thuật là về các hiệp sĩ Trung Quốc không có nhân vật như vậy trong truyền thống phương Tây, nhưng chúng ta có thể so sánh chúng với các tác phẩm của Walter Scott hoặc Alexander Dumas cha, nhưng với sự khác biệt lớn bởi vì các hiệp sĩ phương Tây tin vào đức tin Kitô giáo, khái niệm của họ về thiện và ác được xác định bởi Thiên Chúa và được giải thích bởi các linh mục của họ, người Trung Quốc không có một ý thức mạnh mẽ về tôn giáo. Ngay cả khi đối mặt với sự bất công, kẻ yếu sẽ nộp, nhưng kẻ mạnh sẽ chống lại, sẽ giúp người khác, và sẽ không ngần ngại hi sinh bản thân. Đây là tinh thần của hiệp sĩ giang hồ Trung Quốc và các môn võ thuật lả đề thề hiện sự hào hiệp và vị tha. "
Các anh hùng của tôi luôn luôn chiến đấu với các nhà độc tài, tất cả những người lạm dụng quyền lực, tất cả bọn tham nhũng.
Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, được viết vào năm 1969 và 1972, mang tên The Deer and the Cauldron (Lộc Đỉnh ký) được dịch ra tiếng Anh bởi John Minford và được xuất bản tại Oxford University Press. Bối cảnh này nằm ở giữa thế kỷ XVIII, trong khi người Mãn châu, những kẻ áp bức, vừa mới nắm quyền tại Trung Quốc và một xã hội có sự phản đối, sự kháng cự ngầm. Kim Dung vừa là một nhà sử học tỉ mỉ, vừa chỉ trích chính quyền với tư cách là một người viết truyện sắc bén, hài hước, nhanh nhạy. Tình yêu lý tưởng giữa các anh hùng của ông , người đã rời khỏi thế giới bình thường để sống một cách mãnh liệt, mê hoặc độc giả. Bối cảnh là của một Trung Quốc đầy ắp hơi thở cuộc sống, nơi các nhà văn, nhà thơ, chủ quán trọ và nông dân. Anh hùng của mình, các hiệp khách giang hồ, ai cũng rảnh võ thuật. Nhân vật chính là một cậu bé gặp rắc rối với bố mẹ, sinh ra bởi một ca kỷ, là một kẻ trân tráo, ma mãnh nhưng nhờ những câu chuyện cười của y và hành động của y lại mang toàn bộ tinh thần của một Trung Quốc bất hòa.
Các cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã bán được khoảng 300 triệu bản tại châu Á, nhưng đến nay mới chỉ có 3 tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh lả Lộc đỉnh ký, tên bản tiếng Anh là The Deer and the Cauldron, do John Minford dịch, xuất bản từ năm 1997 đến 2002. Thứ hai là Thư kiếm ân cừu lục, tên bản tiếng Anh là The Book and the Sword, do Graham Earnshaw dịch, xuất bản năm 2004. Cuốn thứ ba là Xạ điêu anh hùng truyện, tên bản tiếng Anh là A Hero Born, do Anna Holmwood dịch, mới lên kệ tại Anh hồi tháng 2/2018. Báo Guardian dẫn lời ông Peter Buckman, người trung gian bán bản quyền Xạ điêu anh hùng truyện cho nhà xuất bản Anh McLehose Press, thừa nhận bản thân ông cũng chẳng biết gì về Kim Dung.
Ba cuốn tiểu thuyết của ông đã được dịch sang tiếng Pháp tại nhà xuất bản You Feng, tại Paris: Anh hùng xạ điêu, Thần điệu đại hiệp và Thiên Long Bát bộ. Kim Dung dạy chúng tôi về Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ sách giáo khoa lịch sử nào có thể làm được. Mỗi độc giả của mình, cho dù người sử học, nhà thơ hay người yêu kung-fu dường như tìm thấy tư liệu của mình. Và nếu nó được so sánh với một nhà văn phương Tây, người ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến Alexandre Dumas cha và Ba người lính ngự lâm.
Truyện Kim Dung chứa đựng nhiều thông tin về lịch sử, phong tục, triết học Trung Quốc, và độc giả bình thường ở phương Tây có thể không hiếu nếu không có nghiên cứu. Hơn nữa, dịch giả Earnshaw cho rằng độc giả châu Á dễ hình dung ra khung cảnh, trang phục và các tình huống trong truyện Kim Dung hơn là độc giả phương Tây.
Có rất nhiều chi tiết trong truyện Kim Dung dễ hiểu với độc giả Trung Quốc và châu Á, nhưng lại gây thắc mắc với người phương Tây vốn không quen thuộc với nền văn hóa khu vực.
“Không dễ để đưa các tác phẩm của Kim Dung vượt qua được khoảng cách văn hóa và đến với độc giả phương Tây. Các bộ truyện này đều rất nổi tiếng ở châu Á, nhưng quá đậm chất văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử và sắc thái Trung Hoa”, dịch giả Earnshaw kết luận.
5.11.2018
DODUYNGOC


Thuốc lá hết từ sáng mà hôm nay lại không đi đâu, đành nhịn. Nhồi hút hai tẩu thuốc định nhịn đến chiều, sẽ chơi hai cối nữa là đủ đô thuốc pipe. Nhưng thèm điếu thuốc lá quá nên đành mặc quần ngắn ra đầu phố kiếm bao thuốc. Suốt con đường chẳng có xe bán thuốc lại gặp ông xe ôm thường chở tui đi. Biết tui tìm thuốc lá, ông bạn đưa bao Esthe bảo hút đỡ, lấy điếu thuốc không lẽ đi liền, thế là đứng nói chuyện.
Ông bạn cũng dân Quảng Nam, cũng đã qua tuổi 67, tự nhiên lại khơi mấy món ăn xứ Quảng. Đầu tiẻn là nhắc đến canh cá nấu ngót, ông bạn bảo trời oi oi nóng nực kiểu ni mà có bát canh cá nấu ngót ăn mới thú hỉ? Sáng sáng ra chợ Hội An hay ra men sông mua vài con cá thuyền vừa đánh bắt, con cá tươi xanh mắt trong veo. Chỉ cẩn bắt nồi nước, nước sôi thả cá đã làm sạch vào, cho trái cà chua với mấy cọng hành là có canh ăn. Nêm chút muối hay muỗng nước mắm ngon là có bát canh ngọt ngào chẳng cần bột ngọt, bột nêm, "reng mà hén ngon rứa hỉ! Giờ ở trong ni không làm sao có miếng canh đơn giản mà thú vị đến thế. Rồi bắt con cá chuồn nhét nghệ, hạt nén chiên lên vàng ruộm. Hai thằng già nghe như có mùi thơm của cá bay trong không gian đầy tiếng xe và mù bụi của đất Sài Gòn. Hết cá chuồn lại chạy qua con cá nục cuốn bánh tráng, mà phải bánh tráng mè ở ngoài mình ăn mới sướng chứ cái loại bánh trắng mỏng te như tờ giấy quyến trong này thì làm reng mà ngon hỉ! Rồi đến con cá bã trầu, ôi con cá màu hồng hồng thịt thơm mà chiên lên hỉ, kho cũng ngon mà. Qua con cá hố dài thòng kho với dưa cải chua, mấy cơm cũng hết. Đến bò thì nhắc bò tái Cầu Mống, thịt mềm, vừa tái chấm mắm nêm, thịt ngọt, rau thơm.
Ông bạn bảo tui có biết con lịch không? Giỡn hoài cha, tui ăn mòn răng con ni rồi. Loại này chỉ có ở vùng Câu Lâu, mà khi lũ về mới có, nó dính chùm từ trên suối trên nguồn ở rừng sâu trôi về, quần vô mấy chân cầu Câu Lâu, người dân dùng thúng mà bắt chúng. Cái con lịch này làm được nhiều món, món nào cũng ngon nhức răng. Ông bạn bảo: Chỗ đó là quê tui đó. Nhắc con lịch tự nhiên nhớ quê. Lại nhắc hồi nhỏ đi câu cá đối, đem về chiên dòn, ngon hết biết. Hai thằng già bảo nhau, cá ngoài mình nhiều thứ làm chi cũng ngon nhưng mà chỉ ăn cá vừa vừa thôi, cá lớn quá không ngon. Nói rứa đúng hỉ.
Lăng quăng một chặp lại nhắc đến tô mì Quảng. Ừ! Nói chuyện món ăn Quảng Nam mà không nhắc mì Quảng là thiếu sót lớn rồi. Mì Quảng giờ lai dữ quá, ngay xứ sản sinh ra nó cũng không còn nguyên thuỷ. Nước dùng cho mì Quảng là nước kho chứ không phải nước lèo, đậm đà, béo ngậy của dầu phụng, ngày trước ăn tô mì Quảng là ăn sạch bách, ăn xong trong tô chẳng còn lại thứ gì, kể cả cọng rau. Bởi tô ăn mì là tô đít nhỏ, ngoài Bắc gọi là bát chiết yêu. Tuổi đang ăn đang lớn phải ăn hai ba tô mới đã thèm. Bây giờ chơi cái tô như tô phở, mùi vị cũng chẳng còn phảng phất là bao, người Quảng Nam ăn tô mì Quảng Nam cũng chẳng còn biết mình đang ăn tô mì xứ Quảng, nước lèo lênh láng, nhàn nhạt như nước bún bò xứ Huế. Nhớ đến tô canh mít non nấu cá chuồn nêm ruốc Huế, đậm đà khó quên. Ông bạn lại nhắc phải có chút lá lốt nữa, tô canh mới hoàn chỉnh. Ừ! Đúng là thế.
Ông bạn xe ôm lại bảo đi qua cầu đến Cẩm Nam, đến quán Bà già ăn bánh tráng đập chấm mắm cái làm tui ứa nước miếng. Sang hơn chút nữa là cuộn thêm mấy miếng thịt heo ba chỉ hỉ, mà thịt heo nuôi kia, ăn mới ngon, mới đúng là thịt heo. Mặn của mắm, cay của ớt, bùi của bánh tráng rắc mè, cộng với cái mượt như lụa là của bánh ướt với thơm béo của thịt heo. Ôi chao. Ngon dữ bây! Lại nói chuyện rau xứ Quảng, mấy loại rau thơm hăng hắc, lá nhỏ nhưng lại chứa nhiều hương vị. Ở giữa sông Hoài xưa có cái cồn nổi giữa sông, giờ người đem bê tông cốt sắt phá hư rồi. Xưa cồn đó trồng bắp nổi tiếng ngon. Bắp luộc chở bán tận Đà Nẵng. Lại có món chả bắp cũng ngon có tiếng. Giờ thì còn đâu.
Nhắc đến Phở Liến ở đường Lê Lợi, giờ hết ngon rồi. Phở Liến mà gọi là phở nhiều khi nghe sai sai vì nó chẳng giống phở Bắc mà cũng chẳng phải phở biến hoá của Nam Bộ. Nó cũng chẳng giống tô phở ở Đà Nẵng cách đó 30 cây số. Nó chỉ là Phở Liến của ông Liến một thời xa lắc, nó là phở Hội An, ăn với đu đủ ngâm hườm hườm chấm với tương ớt cũng có mùi riêng của Liến. Nước phở cũng khác, bánh phở cũng chẳng giống phở. Nhưng nó là tiệm phở thuộc loại sang của phố Hội ngày xưa. Hồi đó chỉ người có tiền mới ăn được phở Liến. Giờ thì tệ rồi, chẳng thấy có chi ngon.
Chiều Sài Gòn oi nồng đứng gió, phố cuối tuần vẫn lộn xộn xe với cộ và người, tiếng còi xe vẫn inh ỏi. Ở góc đường phố thị nhộn nhịp có hai người già sắp đến tuổi bảy mươi nhắc nhớ những món ăn của một vùng xa tít. Nhắc món ăn để nhớ quê nhà, để tiếc nuối một thời tuổi trẻ đã trôi đi mất rồi không còn tìm lại được. Đốt thêm điếu thuốc nữa lại lái qua chuyện bệnh của tuổi già. Bỗng buồn. Có ai thắng được hai chiếc kim bé tí của thời gian đâu nhỉ?
4.11.2018
DODUYNGOC


Sau gần cả thế kỷ với nhiều trường phái khác nhau, nào là Siêu thực, Ấn tượng, Đa đa, Lập thể....Hội hoạ thế giới, đặc biệt là một số hoạ sĩ trẻ lại quay về với trường phái hiện thực. Tranh của họ thể hiện cái thực còn hơn thực. Và cái hiện thực đó lại tượng trưng cho cuộc sống. Trường phái này yêu cầu hoạ sĩ phải cần mẫn, chi tiết và kiên trì. Nét cọ phải được chăm chút cẩn thận, hoạ sĩ phải tốn nhiều công sức để hoàn thành tác phẩm của mình.
Họa sĩ người Peru Johnny Palacios Hidalgo là một hoạ sĩ như thế. Anh sinh ra ở Lima, Peru và học nghệ thuật từ năm 1988-1998 tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia và Trường Mỹ thuật Quốc gia.
Anh đã tham gia triển lãm thường xuyên từ năm 1984, phát triển phong cách siêu thực với những hình ảnh mạnh mẽ độc đáo đầy sắc màu, trong đó nhấn mạnh vẻ đẹp nữ tính và những động vật chung quanh chúng ta.
Anh trò chuyện với thiên nhiên, vẻ đẹp và tính thiêng liêng của hình dạng con người (được thể hiện bởi các hình tượng đa dạng). Bốn năm sống ở Puerto Rico chắc chắn đã ảnh hưởng đến công việc của anh. Palacios phát biểu: “Những bức tranh được vẽ trên hòn đảo này và tôi cảm thấy rằng kết quả công việc của tôi đã thay đổi so với thời điểm tôi không sống ở đây, khi tôi tạo ra nhiều tác phẩm hơn”.
Anh cho rằng "Ở Lima (Peru) thiên nhiên không giống như ở đây; mọi thứ đều nguyên sơ, khác với đây; mặt trời mạnh hơn, có nhiều màu sắc và ánh sáng khiến chúng sôi động". Tóm lại, "vùng biển Caribbean và hòn đảo đã khiến tôi nhìn thấy những ảo tưởng dưới ánh sáng khác .."
DODUYNGOC
<<<Xem ảnh>>>


Raceanu Mihai Adrian (còn được gọi là ishyndar) là nghệ sĩ Romanie, sinh năm 1976 tại Contanta Romania. Adrian trở thành họa sĩ từ 1995-2000 khi tham gia vẽ một bức tranh lớn ở nước anh.
Năm 2001, anh bỏ công trình này và tập trung vào công việc sáng tác solo.
Xem tranh Raceanu Mihai Adrian, gọi chúng ta nhớ lại những tác phẩm của Savador Dali. Tuy nhiên tranh của Raceanu Mihai Adrian hình ảnh hiện đại hơn, màu sắc rực rỡ hơn nhưng chiều sâu của ý nghĩa không sánh bằng Dali.
DODUYNGOC
<<<Xem ảnh>>>


ALEGRA ALLY, nhiếp ảnh gia tài liệu Úc và thành viên của câu lạc bộ nhà thám hiểm / nhiếp ảnh gia tài liệu Úc.
Ally đã làm việc với một số bộ lạc nhỏ nhất, bao gồm cả kosua của núi lửa bosavi, với một nhóm bán hàng đang chiếm các khu vực trú ẩn bằng đá và hang động là những nơi trú ẩn săn bắn theo mùa.
Lần đầu tiên cô du lịch một mình vùng Papa New Guinea vào năm 1997, ở tuổi 17, nơi cô ấy đã dành nhiều tháng sống với những bộ lạc cô lập. Cô ấy đã vượt qua sông sepik bằng cano hai lần và được vào tham gia sinh hoạt trong bộ lạc sepik cũng như vào bộ lạc kosua. Cuốn sách đầu tiên của cô mô tả chuyến đi du lịch ở pa, "Xúc cảm genesis", đã được công bố năm 2001.
Trong bốn năm qua Ally đã tiến hành cho dự án "Hoang sinh". qua phim, nhiếp ảnh và bài viết, dự án này cho thấy tài liệu những cách sống cổ xưa, những nghi lễ gần gũi và những nghi lễ thiêng liêng xung quanh việc sinh con trong các bộ lạc.
Cùng với chồng, cô Ally đề xuất nhiều vấn đề để nâng cao nhận thức về đại dương và cuộc sống dưới nứớc, trên cạn thông qua kinh nghiệm cá nhân đã từng tương tác với những con cá voi để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự bảo tồn cuộc sống dưới nước và đại dương.
DODUYNGOC
<<<Xem ảnh>>>


Rey Sta nghệ sĩ người Philippine, nhiếp ảnh gia thế giới tự nhiên và cuộc sống hoang dã.
Sinh năm 1958, Anh bắt đầu tham gia nhiếp ảnh từ những năm 1990. Năm 2006, được truyền cảm hứng bởi vẻ đẹp của cuộc sống hoang dã của philippine, anh chuyên chụp hình động vật và chim, trở thành một nhiếp ảnh gia được công nhận và nhiều người hâm mộ
Anh sử dụng những hình ảnh của mình để quảng bá và nâng cao nhận thức về sự bảo vệ chim và động vật ở Philippines.
Với tư cách là một người kêu gọi bảo vệ môi trường, anh thực hiện các dự án nhiếp ảnh bảo tồn đồng thời sử dụng những bức ảnh xuất sắc và tuyệt vời của anh để quảng bá nhận thức về sự bảo vệ và bảo tồn các loài chim philippine.
Khác hẳn một số các nhà nhiếp ảnh chụp chim và động vặt của Việt Nam, họ thường phá tổ chim, bắt chim dàn cảnh để chụp hình, dán keo đề dựng hình làm hỏng môi trường sống và đưa đến cái chết của một tổ chim non. Filippino chụp hình hoàn toàn ở môi trường tự nhiên, đúng nghĩa là một cuộc săn hình.
DODUYNGOC

Ellen được sinh ra ở Markham Ontario, Canada.
Năm 2007 Ellen đã tốt nghiệp khoa nhân loại học và nghệ thuật tại trường đại học Mcmaster.
Người ta biết Ellen là một nghệ sĩ bầm sinh, Ellen sáng tác như một nghệ sĩ chuyên nghiệp trong khi vẫn còn ở trường trung học, dành những ngày cuối tuần cùa mùa hè để đi du lịch và tham gia triển lãm. Là một con người tò mò, khám phá thế giới. Ellen đã tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật và khoa học tương ứng, thông qua việc học tiếp trường đại học nghệ thuật Guelph.
Hiện nay công việc của Ellen xuất hiện thường xuyên trên internet với những thành công rực rỡ. Những trang web phổ biến tác phẩm của Ellen gây nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn.
Những bức tượng của Ellen được đặt ở nhiều nơi công cộng và nằm trong các bộ sưu tập cá nhân trên toàn thế giới.
DODUYNGOC

Nghệ sĩ Trung quốc, họa sĩ và nhà điêu khắc đang sống tại Hoa Kỳ.
Dan chen sinh tại Trung quốc, tỉnh Quảng Châu. Anh di cư cùng với bố mẹ của mình đến Hoa Kỳ năm 1984 và học thiết kế đồ họa, minh họa tại viện Hàn Lâm Nghệ Thuật San Francisco. Kể từ thời điểm đó, sự nghiệp chuyên nghiệp của Dan đã tập trung thể hiện nghệ thuật hoang dã trong cả tranh và tượng. Dan hoà trộn nghệ thuật Đông Phương và kỹ thuật Phương Tây tạo phong cách cực kỳ ấn tượng . Cho dù phương tiện là sơn dầu, pastel, hoặc điêu khắc, mỗi tác phẩm Dan tạo ra là những sáng tạo tinh tế và cao cấp. Màu sắc, ánh sáng và năng lượng toát ra mang dấu ấn của riêng mình. Nghệ thuật của Dan Chen là một cuộc hôn nhân toàn vẹn giữa phẩm chất tốt nhất của phương Đông và phong cách nghệ thuật, kỹ thuật Phương Tây.
2.11.2018
DODUYNGOC

Chiều nay ông bạn chủ quán món Quảng Nam lại mời ăn món Quảng. Trong những món ăn hôm nay có món cá đối cồi om dưa cải chua. Cá đối là thứ cá thông dụng ở Việt Nam, nhiều vùng đếu có loại cá này. Đó là loài sống và sinh trưởng tốt trong môi trường nước lợ, lợ mặn và nước mặn. Ở các vùng cận nhiệt đới, cá giống nhỏ và cá giống thường tập trung quanh năm trong môi trường nước ngọt hoặc lợ nhạt. Ở các đầm, phá người ta tìm thấy nhiều loại cá đối ngon.
Đối với cá trưởng thành, môi trường sống của chúng thay đổi tuỳ theo mùa và nó liên quan tới quá trình di cư sinh sản, khi chúng bắt đầu sinh đẻ thì thường có khuynh hướng tránh các dòng nước ngọt. Cá đối có tập tính sống quần đàn, và tập tính này thể hiện mạnh nhất vào mùa sinh , cá thường tập trung thành từng bầy lớn di cư ra các vùng nước sâu ngoài biển để đẻ. Cá đối là loài sinh sản theo mùa và mùa sinh sản của cá kéo dài từ tháng 10 tới tháng 4 năm sau.
Ở Việt Nam có khoảng 16-17 loài cá đối đã biết, trong đó ở Nam bộ có ít nhất 5 loài: cá đối mục, cá đối đất, cá đối cháng, cá đối đuôi bằng và cá đối lá vùng cửa sông thường gặp từ 5-7 loài có giá trị.
Ngoài ra còn có cá đối cháng, cá đối vảy to, cá đối bạc, cá đối gành, cá đối đất, cá đối môi ria, cá đối môi dày, cá đối ria ngắn, cá đối đuôi bằng, cá đối đuôi phẳng, cá đối vây trước, cá đối lưng gờ., cá đối nhồng, cá đối mắt đỏ, cá đối lá, cá đối đầu nhọn, cá đối anh, cá đối mục, cá đối vảy thưa, cá đối xanh, cá đối mình xanh, cá đối xám. Cá dối hôm nay tui được thưởng thức là con cá đối cồi, còn gọi là cá đối cỏ (tên khoa học là Moolgarda seheli ). Đây là loại cá đối đặc biệt vì dưới miệng cá có một cái cồi như sụn, ăn rất ngon, sần sật và béo. Nhưng thường người đánh bắt cá khi lưới hoặc câu lên liền lấy ngay cái cồi này, do đó người ăn cá rất ít khi thưởng thức được miếng ngon này của con cá đối cồi.
Cá đối nấu được nhiều món như : Cá đối kho cà chua, Canh cá đối nấu riêu, Cháo cá đối, Cá đối chiên giòn và Cá đối om dưa cải chua cay. Chiều nay tui được ăn món Cá đối om dưa cải chua cay này, một món ăn đượm chất Quảng trong cách nấu.
Cá đối cồi đánh vảy, làm sạch ruột, bỏ mang. Ướp cá với muối, nước mắm, đường, hành tím băm để thấm gia vị. Đặt nồi lên bếp, cho muỗng dầu phụng dầu vào, phi thơm hành tỏi. Xếp cá vào nồi chung với cải chua, nấu riu riu cạn bớt nước. Thêm nước, đậy nắp nồi, để lửa liu riu kho cho cá và cải chua thấm gia vị. Khi nước trong nồi cạn bớt còn xăm xắp nước, nêm gia vị vừa ăn. Đợi nước kho sôi trở lại, cho hành lá cắt khúc vào đảo đều, nhắc xuống. Nhớ khi kho hay ôm cá hãy bỏ vào nồi vài trái ớt xanh xứ Quảng. Khi nồi cá chín, trái ớt thấm nước kho cá cộng hưởng chất cay của ớt cũng là miếng ngon, cay cay, beo béo, thơm thơm cũng đưa thêm được miếng cơm.
Thịt cá đối cồi mềm ngọt, không béo lắm nhưng thịt thơm. Miếng cá ăn kèm với dưa chua thấm đẫm nước kho cá, lùa thêm miếng cơm nóng, tất cả tạo thành một hương vị ngọt ngào, mằn mặn thấm đẫm non nước quê nhà. Người Quảng Nam thường om, kho cá với dưa cải chua, ăn không ngán mà miếng cá như đậm đà hơn, nhiều cảm giác hơn. Con cá đối cồi chiều nay cho tui cảm giác đó để tui nhớ lại một vùng quê, nhớ lại những chiều theo người ta đi lưới, những buổi sáng đi câu. Để nhớ tiếng reo mừng khi nhìn thấy con cá vẫy vùng ánh bạc và biến thành nồi cá trong bữa ăn sum họp. Bỗng dưng ăn miếng cá lại nhớ một quãng đời.
Các bạn muốn thưởng thức hương vị của con cá đối cồi, hãy đến quán bạn tui, Quán Phú Hương 21 Sao Mai, Tân Bình hay Phú Chiêm 52 Trần Bình Trọng, Bình Thạnh. Nhớ gọi thêm nhiều món Quảng Nam bên cạnh con cá đối cồi om dưa cải. Bận sẽ có một bữa ăn thú vị he..he
2.11.2018
DODUYNGOC



Có vết lõm nằm trong não 
Cơn giông giập nát khoảng trời
Chim kêu thảng thốt
Người đi tìm lại lối về
Trưa cô quạnh sũng nước
Có một sự thật lẫn trong gian trá
Lịch sử hộc ra toàn máu
Méo mó thảm thương
Cả dân tộc gánh lấy tai ương
Khổ nạn tràn khoé mắt
Chân lý nằm sau song sắt
Khản giọng kêu gào
Có một mùa thu đi ngang đầy lá úa
Tiếng kinh cầu thầm thì
Giáo đường đóng cửa
Tiếng chuông lịm giữa trời xanh
Chúa khóc trên thánh giá
Người về bên dốc đá dựng
Thấy mình đã xanh rêu
Có một tuổi trẻ đã bỏ lại sau lưng
Với lắm điều hối tiếc
Những ban mai xanh và hoàng hôn hồng
Tưới những khát vọng
Tươi thêm những nụ hôn
Thời thế quật ngã chặt đứt mầm xanh vừa mới nhú
Bình minh với hoàng hôn đầy những máu bầm
Trí óc buộc những chiếc còng
Không còn tiếng nói
Có một mùa đông ở mãi không chịu đi
Mầm không mọc được
Máu khô đọng thành khối như băng
Người trở về lòng như nhện giăng
Ngơ ngác nhìn biển đen kịt đẩy độc dược
Gọi tên tổ quốc mình
Nhưng chẳng còn tiếng vọng.
Có một người thân thể rỗng không
Chẳng còn tim không còn máu chảy
Về lại những dấu tích vỡ nát
Muốn kêu tên mình mà quên mất
Đành viết lên bức tường xưa của kinh thành thuở nọ
Tôi là ai?
2.11.2018
DODUYNGOC



Cả đám vào quán gọi con gà chọi làm ba món
Ngồi chờ uống gần hết chai rượu và một thùng bia
Những cô gái phục vụ ỡm ờ
Nói năng lượn lẹo đa nghĩa
Nghĩa nào cũng đụng chiếu giường
Mắt liếc vào túi sắc như gươm
Gần ba tiếng đồng hồ con gà chọi vẫn chưa thấy mặt
Bàn ngổn ngang li đổ
Vung vãi thức ăn
Gà chọi ba món chỉ có trong cuốn sổ
Nó vắng mặt vì cuộc đấu chưa kết thúc
Chưa có con nào chết
Bữa tiệc tàn trong lời xuýt xoa rối rít xin lỗi của những tên quản lí ngờ nghệch
Bầy phục vụ ngơ ngác chẳng có tiền típ
Khách buồn không hứng chi tiền
Cơn mưa bắt đầu ướt phố
Xe vẫn chạy nghìn nghịt nối đuôi nhau
Bữa tiệc vô duyên như ăn cỗ đám giữa chừng hết món
Lại ơi ới kiếm cơm vỉa hè
Đám quan chức về hưu tìm cơm sang đặc sản
Mấy thằng gốc nhà giáo nhà báo kiếm thịt bò nhiều đạm
Thằng thất nghiệp lầm lũi cúi mặt
Sau cuộc họp mặt bạn cũ lại trở về vị trí
Quan về chỗ quan và thằng dân nghèo về lại chỗ của dân
Đội hình trong tiệc tan tành sau những lời đẩy đưa
Có bạn làm quan nhưng quan vẫn là quan
Thằng dân đen vẫn đen
Những số phận ngược chiều 
Ngồi chung chiếu một lát thôi
Rồi trở lại đội ngũ
Thằng sửa xe ra lại đầu đường vá xe
Thằng giáo viên chờ ca dạy thêm buổi chiều trong cảnh giác cao độ
Thằng thi sĩ ra ngồi quán vỉa hè nhìn trời rặn tiếp bài thơ dang dở
Tôi tiến thoái lưỡng nan chọn đi hay ở
Đám quan lại chụm đầu vào nhau bàn áp phe tiền tỉ
Rỉ tai nhau phe nọ đánh phe kia
Bày nhau cách chuyển tiền và kiếm cái thẻ xanh
Ngày xưa thuở sinh viên họ là những tay Việt cộng nằm vùng đấu tranh chống Mỹ
Giờ tìm đường qua Tây
Qua đấy bây chống ai?
Mà giờ còn chi để chống
Thời nay đảng viên thì nhiều mà chẳng còn đứa nào là cộng sản
Chúng chơi hơn đại gia và đô la nhiều hơn giấy vụn
Hèn chi đất nước nghèo và thằng bạn tiến sĩ phải dấu bằng khai là thất học
Bởi hắn là bằng thật và đám kia toàn đồ giả, bằng mua
Chén kiểu đụng chén đất sao chịu thấu, làm gì cũng sứt trán bêu đầu, chắc chắn thua.
Hắn làm như thế là khôn quá xá!
Bạn bè gặp nhau nhiều thằng lần nào cũng hứa giúp thằng nghèo đời đang đắng như kiếp sầu đâu
"Mày về làm lính tao đi
Cho hết số ăn nhờ ở đậu"
Nhưng rồi như món gà kêu mãi mà không thấy dáng hình
Vì chúng đang đấu nhau.
Nên chưa có con phải chết
Lời hứa như gió bay nghe hoài phát mệt
Lời hứa thêm một lần vắng mặt.
Lại mưa
Mỗi đứa đi về mỗi ngã khác nhau
Tôi đứng lại bên hiên nghĩ về bữa tiệc vừa tan
Sau chiến tranh đất nước có nhiều bên
Bên thắng cuộc và bên thua cuộc
Bây giờ thêm bên bỏ cuộc nửa chừng
Bên thua cuộc chẳng còn gì để bán
Bên bỏ cuộc chỉ còn quá khứ chẳng ai mua
Chỉ còn lại đám mang hình hài kẻ phản trắc Giu Da đã từng bán Chúa
Chúa đã bị bán rồi
Nên chúng bán lẫn nhau.
Do Duy Ngoc
1.11.2016

Ba giờ rưỡi chiều. Trời âm u, những đám mây đi đâu mất chỉ còn một nền trời xám xịt. Lại chưa thấy mưa. Lâm ngồi ở góc quán này từ trưa. Một khúc bánh mì thịt cho một bữa ăn trưa. Thế cũng đủ. Lại thêm cối thuốc và mấy điếu thuốc lẻ. Cũng xong một bữa. Rồi cũng qua một ngày. Những ngày của tuổi hưu trôi đi dật dờ, chậm chạp. Lúc nào trước mắt cũng có một khoảng trống. Đồng nghiệp của Lâm về hưu vẫn tiếp tục công việc dạy dỗ hàng ngày, họ tiếp tục những lớp dạy thêm, luyện thi như lúc đang còn đứng lớp. Bí mật hơn một chút, khéo léo che đậy kín đáo hơn một chút. Họ dạy những môn học sinh cần để đi thi tốt nghiệp, để vào Đại học. Còn Lâm là giáo viên môn Sử, chẳng ma nào lại đi học thêm Sử. Thi cũng chẳng cần mà đời sống cũng không cần. Lịch sử là những trang ứa máu lại bị méo mó bởi thời thế. Chẳng ai cần nhắc nữa, bởi nó đang là đồ mã, nó đang là đồ giả. Người ta cần răng giả, vú giả, mông giả, mũi giả, bằng cấp giả chứ cần đéo gì thứ lịch sử giả. Lâm chợt bật cười với ý nghĩ chợt đến đấy.
Quán vắng. Tiếng nhạc Boléro nhừa nhựa, thành phố buồn, biết không em? Buồn hồi nào, nhộn nhịp, xáo xào, xe rú, còi kêu inh ỏi thế kia. Buồn đâu? Có thể chỉ có lòng người buồn. Lâm thấy trống trải, chẳng còn chút ước vọng, khát khao gì. Cứ sống và nhìn ngày qua đi, đời trôi đi. Đã qua tuổi sáu mươi, cuộc đời lại chẳng có gì đặc biệt. Chỉ là người thầy giáo qua hai chế độ, nghề lương còm cõi chẳng đủ sống, một gia đình nhiều sóng gió, một cuộc hôn nhân chỉ là sự chịu đựng lẫn nhau. Thế nhưng cuộc đời vẫn trôi đi, cuộc sống cứ đi qua với những lặng lẽ và sự nhẫn nhục. Những ngày còn đi dạy học, Lâm mượn lớp học, sân trường, nấy đứa học trò làm niềm vui dù thật ra anh chẳng còn hứng thú gì khi phải rao giảng những điều không thật. Nhưng đến trường, lên lớp anh lấp được những khoảng trống. Từ khi về hưu, Lâm thấy mình như người thừa, đi ra đi vào, đi lên đi xuống, thời gian của một ngày kéo lê thê. Anh muốn viết một cái gì đó nhưng rồi chẳng biết viết gì. Xã hội cứ nháo nhào biết bao nhiêu chuyện, con người thay đổi đến chóng mặt, cuộc sống lắm chuyện đảo lộn đến không ngờ, đạo lý, truyền thống bị bôi đen, mọi giá trị bị thay đổi. Biết bao chuyện của cả một thời thổ tả tràn lan ra đấy, nhưng anh không dám viết, anh nhát gan, anh sợ đủ thứ. Nghề thầy giáo là nghề của những người an phận, của những người làm lũi để sống, khó kiếm kẻ gan dạ để nổi loạn. Có lần anh làm thơ, thơ tình hẳn hoi, mà thơ tình thì phải buồn, phải thất vọng, phải là tâm trạng của kẻ thất tình. Vợ anh đọc được, nghi ngờ tình cảm của anh, sinh ra ghen tuông, cuộc sống gia đình vốn đã chẳng yên lại thêm sóng gió. Thế là anh tịt. Bỏ luôn thơ phú, chữ nghĩa. Suốt ngày ngồi góc quán, nhìn thiên hạ, nghĩ vẩn vơ, cười một mình, rồi về nhà, rồi ăn, rồi ngủ chờ qua một ngày khác. Cũng có lúc Lâm muốn đi một nơi nào đó. Thời tuổi trẻ anh là một kẻ lãng du, nhưng hôn nhán là dây xích buộc anh lại. Giờ về già, anh lại thèm khát những chuyến đi đến những vùng xa lạ, gặp những con người có phong tục khác, cách sống khác, trang phục khác. Nhưng hoàn cảnh không cho anh thực hiện. Rồi thời gian đến, chân bắt đầu run, tim bắt đầu lạc nhịp, óc đã chuẩn bị lú lẫn, còn đi đâu làm chi nữa.
Trời nổi gió, đường cuốn bụi mù, mấy chiếc lá vàng xoắn rơi xuống mặt đường. Rồi mưa. Cơn mưa đến nhanh như bão. Khách đi đường lướt thướt, vội vã. Mưa xối xả trên mái quán, đổ những đợt nước xuống hàng hiên. Lâm mồi lại cối thuốc hút dang dở. Một người đàn bà bán vé số chạy vào quán trú mưa, người ướt át, tóc rối tung đầy nước. Đốm lửa sáng lên trên cối thuốc gây sự chú ý của người đàn bà. Bà bước tới, rút từ trong lớp áo ra mấy tờ vé số bọc trong bao ni lông. Mời. Anh rít hơi thuốc, nhìn qua hướng khác tránh lời mời như là một thái độ từ chối.
- Ông mua giúp cháu, còn hơn chục tờ mà giờ xổ gần đến rồi, giúp cháu đi ông.
- Cám ơn chị, tôi không chơi số
- Giúp cháu đi mà. Còn mấy tờ thôi mà.
Lâm không can đảm nhìn vào khuôn mặt đầy nước mưa và ánh mắt mang vẻ van xin ấy. Anh sợ mình xiêu lòng. Anh nhìn ra bầu trời u ám, nhìn những dòng nước mưa xối xả và những con người vội vã trên đường. Bất chợt, anh nghĩ đến số phận của những tờ vé số trên tay người đàn bà đang chìa ra cạnh anh. Nó sẽ khiến cho người đàn bà này thiệt hại một số vốn, nó trở thành nỗi xót xa và buồn khổ của bà này, nó có thể khiến bữa ăn của một gia đình sẽ vắng bóng vài món thức ăn, một bữa ăn không toàn vẹn. Và chắc sẽ có những giọt nước mắt, giọt nước mắt của người nghèo bị lâm vào cảnh nghiệt ngã. Anh quay lại ánh nhìn.
- Còn bao nhiêu tờ vậy
- Dạ, khoảng chục tờ
- Tôi mua giúp chị
Người đàn bà miệng xuýt xoa cám ơn, tay lột bao ni lông lấy ra và đếm mấy tờ vé số.
- Dạ, còn đúng mười tờ vé cặp, chắc trúng độc đắc đó ông. Ông mua giúp con, trời thương sẽ cho ông trúng.
Lâm chẳng trả lời, anh lục túi đưa tiền rồi nhận xấp vé bỏ vào túi áo, anh cũng chẳng quan tâm bao nhiêu vé và vé mang con số gì. Nhận tiền xong, người đàn bà bán vé số vội vã rời quán dù trời vẫn còn mưa. Nhìn chị băng trong mưa anh thấy thương quá. Chắc chị mừng đã bán được hết vé. Chắc chị sẽ ra chợ mua miếng thịt nho nhỏ, con cá be bé, bó rau xanh xanh để trở về nhà lo bữa cơm chiều. Chị vội vã để mong một buổi sum họp.
Anh nghĩ mua là mua giúp người ta thôi, anh không quen chơi vé số và cũng chưa bao giờ có ý nghĩ trúng số. Anh không thích chuyện may rủi mà cũng không ưa chờ đợi sự rủi may. Nhưng rồi, một ý nghĩ chợt lên. À mà lỡ như lát nữa trúng số thì sao nhỉ? Anh sẽ làm gì với số tiền đó. Sắm chiếc xe mới thay cho chiếc xe cà tàng? Sửa lại cái cầu tiêu mưa tạt với những thiết bị cũ mèm? Mua dàn máy hát về nghe cho đã? Hay đưa cho vợ sắm nấy cây vàng, chắc cô ấy sẽ bớt càm ràm, nhăn nhó. Hoặc là đi du lịch, á hà! Đi tour nước ngoài cho nó sang, cho nó mở tầm nhìn? Ôi chao! Biết bao nhiêu chuyện để làm khi trúng số nhỉ! Hoá ra anh cũng có những thứ để mơ ước đấy chứ. Chẳng qua chưa có điều kiện, chất xúc tác đề nó dậy men thôi. Anh cảm thấy vui vui. Cuộc đời thật lạ, đang thấy lòng trống trải, vô vị, bỗng dưng mấy tờ vé số lại khiến cho lòng vui với những dự tính.
Mưa tạnh nhanh như lúc nó đến. Gió cũng lặng. Lâm đến quầy, để những tờ tiền lên quầy rồi đi ra. Anh chợt quay lại nhìn bình hoa để trên kệ, cả buổi ngồi đây sao anh lại không để ý đến nó nhỉ? Bình hoa rực rỡ lạ thường, he..he màu sắc kiểu này chắc là hên, hi vọng trong túi anh là những tờ vé số trúng. Đã quá giờ xổ số rồi, những bông hoa đang chúc mừng anh. Anh tin thế!
Anh rú xe đi, đến ngã tư anh nhìn thấy một bàn bán vé số góc đường dưới cáy dù lớn. Có người đàn ông đang ngồi hút thuốc, đốm lửa lập loè trong buổi chiều chạng vạng. Anh ghé vào, anh không quen dò số vì có bao giờ mua vé số đâu. Anh rút hết tập vé đưa cho người đàn ông.
- Ông chủ dò giúp, mắt kém quá không nhìn rõ
- Ok. Chuyện nhỏ
Người đàn ông cầm tập vé số, nhìn vào rồi nói như quát:
- Giỡn mặt hả cha nội! Vé cũ xổ từ hôm qua giờ đưa dò là sao?


Bỗng dưng trời lại mưa.
1.11.2018
DODUYNGOC

Đài BBC Việt ngữ có đề nghi tui phát biểu về suy nghĩ của tui trước việc nhà văn Kim Dung vừa qua đời. Đành viết vội mấy dòng như ghi lại những ký ức về những tháng năm tuổi trẻ mê đắm truyện Kim Dung
MẤY SUY NGHĨ VỀ TIỂU THUYẾT KIẾM HIỆP CỦA KIM DUNG
Tài năng đầu tiên người đọc cảm phục nhà văn Kim Dung là khả năng xây dựng tính cách nhân vật. Tiểu thuyết của ông có hàng trăm hàng ngàn nhân vật, nhưng mỗi người có một tính cách riêng, khó lẫn vào nhau, trở thành tên hiệu nhiều độc giả dùng làm biệt hiệu để thể hiện tính chất của riêng mình. Trong Thiên Long bát bộ có 230 nhân vật, trong đó có nhân vật như Đoàn Dự, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Minh, Liêu Đạo Tông và Kim Thái Tổ được dựa trên các nhân vật có thật. Phần còn lại là hư cấu. Nhân vật của Kim Dung có đủ loại hạng người. Chính có, tà có. Có kẻ vừa chính vừa tà như Vi Tiểu Bảo. Có kẻ nguỵ quân tử như Nhạc Bất Quần. Khi nhận xét với "Quân Tử Kiếm" Nhạc Bất Quần, Nhậm Ngã Hành có một câu nói nổi tiếng:
"Ðối phó với kẻ chân tiểu nhân là một chuyện dễ, nhưng đối phó với người "ngụy" quân tử thật khiến cho người ta phải điên đầu." Mà loại người như Nhạc Bất Quần thì thời nào cũng có.
Từ Quách Tĩnh, Hoàng Dung trong Anh hùng xạ điêu cho đến Kiều Phong, Đoàn Dự trong Thiên Long Bát Bộ, rồi Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ và Trương Vô Kỵ trong Ỷ thiên Đồ Long ký, tất cả họ đều là những kẻ tài nghệ vô song, thế nhưng họ gặp nhiều nghịch cảnh. Và nổi bật hơn cả đó là nỗi cô đơn của kẻ anh hùng. Trong chốn giang hồ, họ lắm kết giao nhưng vẫn là những người đi trên hành trình cô độc với những tính chất chẳng có nhân vật nào trùng lắp.
Nổi bật lên là nhân vật Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký, một trong hai cuốn sách cuối cùng của Kim Dung. Đó là một nhâm vật đặc biệt mà có người cho rằng đó là nhân vật hay nhất, thành công nhất của Kim Dung. Cũng có người không e ngại mà tôn Lộc Đỉnh Ký là kỳ thư.
Xuất thân từ kỹ viện lại lớn lên ở hoàng cung, Vi Tiểu Bảo là người khôn lanh, giảo hoạt. Y gian manh mà không ác độc, xảo quyệt mà không hèn hạ, tham lam nhưng lúc cần chẳng tiếc của. Y ít học, chẳng có võ công, ăn tục nói phét, nói năng tục tĩu, chửi thề luôn miệng nhưng người ta khoái y chửi vì y chửi đúng người, đúng lúc, đúng tội. Y cũng là người có nghĩa khí và trọng nghĩa. Những mâu thuẫn về mặt tính cách của Vi Tiểu Bảo cho thấy nhân vật này thật gần gũi trong đời sống, bình thường dễ bắt gặp, khác xa những nhân vật lý tưởng trong những cuốn khác của Kim Dung.
Hành trình xây dựng nhân vật của nhà văn Kim Dung là một tiến trình có nhiều thay đổi đáng kể. Từ một Trương Vô Kỵ, nhân vật anh hùng võ công thượng thừa, có những tính chất của một hảo hán lý tưởng đến Lệnh Hồ Xung giao thoa giữa chính tà, sống tự do như cánh chim, vượt ra khỏi khuôn mẫu để được sống như một kẻ giang hồ thứ thiệt. Lệnh Hồ Xung cũng là một nhân vật đẹp khá toàn vẹn của Kim Dung. Và cuối cùng là Vi Tiểu Bảo, nhân vật châm biếm, ba trợn hoàn toàn khác với những nhân vật trước đó nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc.
Đọc Kim Dung, người đọc còn học nhiều điều từ tác phẩm của ông ngoài chuyện nghĩa khí, chung thuỷ, hi sinh vì đồng đội, sẵn sàng chết vì chính nghĩa, tiêu chuẩn của một bậc trượng phu...Người đọc cỏn được trang bị thêm nhiều kiến thức về võ học, tôn giáo, trà đạo, tửu đạo, triết học, thơ ca, tâm lý, thiên văn, y học, tướng số, phong thủy, hội hoạ, lịch sử...Đọc sách của ông người đọc như được khám phá một kho tàng khổng lồ của văn hoá Á đông và đặc biệt là văn hoá Trung Hoa. Bởi nhà văn là một kho kiến thức khổng lồ, mênh mông.
Sau khi ông qua đời, có lẽ khó tìm được một nhà văn viết kiếm hiệp nào để sánh bước ngang hàng với ông.
31.10.2018
DODUYNGOC

Xem thêm bài viết của Nhà văn Nguyễn Đông Thức về kỷ với nhà văn Kim Dung

Đến tuổi sáu mươi thì anh mới qua Pháp định cư. Hồ sơ hoàn tất từ hồi tuổi năm mươi, không hiểu sao cứ kéo dài mãi. Toà lãnh sự kêu lên năm lần bảy lượt hết hỏi này nói nọ lại bổ túc hồ sơ. Anh thấy nản, chẳng muốn đi nữa, bỏ ngang. Sau khi vợ anh mất, anh lại càng không nghĩ đến chuyện đấy nữa. Nhưng cô em gái bảo lãnh cho anh, thương ông anh ruột côi cút một mình, cứ thúc anh mãi. Anh cứ lần khân vì anh không muốn làm gánh nặng cho cô em.
Hơn nữa, anh thích sống ở Việt Nam hơn. Ở đây có bạn bè, hàng xóm, bà con. Đi đến đâu cũng có người để nói chuyện. Mà anh lại là người thích chuyện trò. Ra quán cà phê đầu ngõ mỗi ngày, anh gặp bao người, đa số là quen cả, đủ thứ chuyện để nói với nhau. Hôm nào lười nói thì ngồi nghe, nghe người khác nói cũng là một cái thú. Đi sửa cái xe, bắt chuyện với anh thợ trẻ, nghe anh kể tâm trạng nhớ quê, nhớ vợ, thương cho hoàn cảnh của anh. Gặp anh thợ già lại nghe chuyện đời, chuyện lòng người, hiểu thêm nhiều cảnh ngộ. Vợ chồng anh sống giản dị, gắn bó với mọi người nên gặp ai trong phố cũng chào hỏi, nói cười rôm rả. Cho nên khi nhận được giấy tờ định cư, rồi mua vé máy bay, anh buồn lắm, tâm trạng chẳng muốn đi. Nhưng anh cứ lấn cấn chuyện ở đây thì vui nhưng lắm chuyện để nghĩ. Anh là người siêng năng nghe đài, xem báo, đọc mạng, biết nhiều chuyện quá buồn của đất nước, nhìn thấy bế tắc không có lối ra của nền kinh tế đang có dấu hiệu sụp đổ. Hàng ngày chứng kiến những tên tham ô, nhũng nhiễu, cướp của dân nghèo, anh xót xa thấy mình bất lực. Anh rùng mình sợ hãi với cách sống tàn nhẫn nhan nhản trong xã hội, con người tàn sát lẫn nhau để tồn tại, lừa gạt nhau để sống, đầu độc nhau để thủ lợi. Những điều đó làm anh trăn trở và anh nghĩ rời đất nước để không còn phải làm một kẻ chứng nhân và cũng là nạn nhân của sự tàn mạt đó. Anh biết qua đấy sẽ buồn nhiều hơn vui, vì anh đã có thời gian đi học ở đấy, nhưng ít ra anh khỏi phải là người chứng kiến một sự đứt gãy và sụp đổ những giá trị văn hoá mà anh đã một thời tôn thờ và ngưỡng vọng. Anh không muốn nhìn thấy những nền nếp lâu đời của một dân tộc đang rã nát. Và vì thế anh đi.
Khi máy bay tăng tốc để rời phi đạo, anh khóc khi nhìn qua cửa sổ và phía dưới kia là những con đường, những nóc nhà, những địa điểm quen thuộc. Và bỗng dưng anh tự nghĩ mình quyết định thế này có đúng không?
Nước Pháp đón anh với những cơn gió lạnh mùa đông tái tê. Anh thấy mình cô dộc hơn bao giờ với mớ hành trang lỉnh kỉnh. Những ánh đèn màu lung linh trên phố, tiếng người xôn xao nhưng không có giọng nói của quê hương khiến anh bơ vơ.
Ở chung với gia đình cô em được mấy tháng, anh thấy không được thoải mái lắm, lại thêm chẳng muốn làm phiền. Anh đi thuê một căn phòng nhỏ ở khu Saint Denis, một vùng ngoại ô và giá bình dân, nhưng khá lộn xộn. Cả ngày chẳng biết làm gì, anh lang thang ra công viên, vào quán cà phê bên đường, sáng ăn cái bánh croissant, uống ly cà phê sữa, trưa ăn khúc bánh mì mong có găp một người Việt để cùng nói chuyện năm ba câu. Cũng có khi gặp, nhưng ai cũng vội, chỉ mình anh không vội nên chỉ nói hai ba câu xã giao hờ hững. Anh thèm được nói chuyện, được nghe tiếng Việt như những ngày ở quê nhà, nhưng khó quá. Có nhiều đêm trong căn phòng nhỏ, không ngủ được, anh nhồi cho mình một cối thuốc đầy, thắp một ánh nến, rót một ly rượu rồi ngồi nói một mình như kẻ điên. Sau những lần độc thoại như thế, anh lại cảm thấy mình cô đơn hơn, chán nản hơn. Đối diện phòng anh là phòng của một tay Mỹ già. Ông ta vốn là một thuỷ thủ tàu buôn, đến lúc tuổi già thì rời vùng đất đầy gió biển Marseille về Paris chứ nhất định không về Mỹ. Lão bảo cứ xuống phi trường, đặt chân lên đất Mỹ là lão buồn ói. Ở lâu, hai lão già thành bạn, lâu lâu cũng ngồi với nhau nhấm nháp ly rượu, nhai một chút xúc xích, nói với nhau bằng hai thứ ngôn ngữ lơ lớ nhưng cũng hiểu nhau. Lão già Mỹ nói tiếng Mỹ pha chút tiếng Pháp, lão già Việt nói tiếng Pháp pha chút Mỹ, lâu lâu lại chêm tiếng Việt khiến tay người Mỹ ngẩn ngơ. Mỗi lần như thế, anh lại xin lỗi và bảo tại nhớ tiếng Việt quá.
Anh tìm đến cộng đồng người Việt, tham gia nhiều sinh hoạt với họ, được dịp nghe và nói tiếng Việt. Những cuộc gặp gỡ như thế thường chỉ tổ chức vào cuối tuần hoặc dịp lễ lạc. Thời gian đầu anh thấy thú vị và sung sướng lắm. Nhưng rồi lần hồi, anh nhận ra mấy tổ chức này lung tung quá, nhiều khuynh hướng chính trị quá lại cứ cãi nhau như mổ bò, tranh dành danh hão, gặp nhau là dịp để khoe đủ thứ trên đời, nói xấu thiên hạ. Anh nản nên rút lui dần, chỉ còn mỗi tuần đi nhà thờ ở cuối phố, gặp mấy bà già Việt qua đây từ thuở nào, chào nhau, nói vài chuyện. Các bà qua lâu quá rồi nên cũng chẳng có nhớ chuyện gì để nói ngoại trừ nhắc lại mấy chuyện xa lắc lơ của thập kỷ bốn mươi của thế kỷ trước ở vùng quê chiêm trũng Bắc bộ.
Và rồi anh phát hiện có bà cụ nuôi một con nhồng biết nói tiếng Việt. Cũng tình cờ thôi, hôm đó lễ xong trên đường về thì anh cùng đường với bà cụ. Bà cụ khoe anh là vừa được cậu cháu vừa đi Việt Nam về biếu cho con nhồng nói được. Cụ bảo gian truân, ma mãnh lắm mới đem được con chim qua đây. Thế là anh ghé nhà bà xem thử, con nhồng nói được thật, nhưng chỉ nói được "Trời ơi" và nhiều tiếng ậm ừ trong họng. Nhưng thế cũng là tốt rồi. Anh chợt nghĩ, giá mà anh có con chim thế này nuôi trong phòng, anh sẽ dạy nó nói thêm nhiều tiếng nữa, suốt ngày chim và người nói qua lại với nhau, cũng là điều quá thú vị. Từ đó, anh siêng đến thăm bà, để nghe bà ngọng nghịu nói vài tiếng Việt và chủ yếu là nghe con nhồng hét lên "Trời ơi". Bà cụ già, lười biếng nên chuồng chim lúc nào cũng đầy phân chua loét, lần nào ghé anh cũng dọn sạch lồng cho chim nẻn lần hồi chim cũng quen anh, mỗi lần thấy bóng anh là nó ngước mỏ lên mà la "Trời ơi". Bỗng một hôm bà cụ bảo anh: Anh ạ! Tôi thấy anh quý chim, tôi cũng thích nó nhưng không khoẻ để chăm sóc nó cho tốt. Hay là tôi xin tặng anh, anh đem về chăm sóc nó tốt hơn tôi. Nghe thế anh mừng húm, anh bảo gởi cho cụ ít tiền, cứ xem như anh mua lại con chim của bà cụ.
Từ đó, anh có con nhồng làm bạn. Anh đặt cái lồng giữa phòng, chùi rửa mỗi ngày, thức ăn, tắm rửa đầy đủ nên chim càng ngày càng phổng phao, bộ lông đen nhánh như nhung, cái mỏ với đôi tai lủng lẳng vàng choé như múi mít chín. Và cũng nhờ khoẻ nên chim siêng nói, nhưng chưa học thêm từ nào mới, vẫn cứ vểnh mỏ mà la "Trời ơi". Anh cũng trời ơi với nó, nói qua nói lại suốt ngày. Anh muốn dạy nó nói "Mẹ ơi", " Ba ơi", "Việt Nam ơi". Nhưng nó vẫn ầm ào trong miệng, phát âm chẳng rõ ràng. Anh bớt đi lang thang. Sáng pha cà phê, cắt cho chim miếng chuối, cho miếng croissant, chim kêu "Trời ơi". Anh hớn hở cười, nói lại "Trời ơi". Suốt ngày không biết chán. Chim và người cứ đối thoại với nhau như thế và anh thấm hơn cái nghĩa của chữ trời ơi của người Việt. Anh định viết một bài nghiên cứu về "Trời ơi" trong phong tục và ngôn ngữ của dân Việt, anh nghĩ chắc cũng lắm cái hay. Anh sẽ phân tích cái chữ trời ơi trong mọi hoàn cảnh mà người Việt thường dùng khi sung sướng cũng như lúc đau khổ, lúc ngạc nhiên cũng như lúc bế tắc của số phận. Anh khám phá ra triết lý của chữ trời ơi nó phong phú quá, nó sâu xa quá.
Mấy người bạn cũ của anh nay đang định cư ở Mỹ rủ anh qua Mỹ chơi nhân dịp họp mặt truyền thống trường học xưa thời trung học. Chuyến đi dự định một tháng. Anh chỉ một mình, đi đâu cũng được, ở đáu cũng thế nên chuyện đi đối với anh, anh chẳng có gì phải băn khoăn. Chỉ cần mua vé, xách vali lên là đi thôi. Nhưng anh ngại không ai chăm sóc con nhồng, cũng chẳng biết gởi ở đâu trong những ngày anh vắng mặt. Thời may, khi biết nỗi âu lo của anh, anh bạn Mỹ già mở lời sẽ chăm sóc chim chu đáo như lời anh dặn dò và khẳng định sẽ chẳng có chuyện gì có thể xảy đến cho chim.
Tin tưởng lời hứa của bạn già, anh đi Mỹ một tháng mà lòng cũng lo âu, vài hôm điện về Pháp hỏi thăm, biết chim vẫn khoẻ là an tâm rồi.
Lão bạn già người Mỹ đón anh ở phi trường lúc anh về lại Pháp. Câu hỏi đầu tiên của anh là chim sao rồi, khoẻ chứ. Lão Mỹ nhìn anh tủm tỉm cười: Khoẻ và hay hơn trước nhiều. Trong mắt lão ánh lên một tia nhìn tinh quái đầy vẻ bí mật. Anh hỏi lão chỉ cười: Về biết liền. Mở cửa phòng, thả cái vali, anh kêu: "Trời ơi" như lời chào. Con chim ngóng mỏ chào lại:"Oh my God". Cái gì thế này? Anh lập lại:"Trời ơi". Chim cũng trả lời:"Oh my God". Anh lập lại nhiều lần, chim vẫn trả lời :"Oh my God". Anh quay nhìn lão Mỹ, lão cười ha hả với giọng đắc thắng: "Mày thấy tao giỏi không? Chỉ một tháng, tao đã dạy nó nói được tiếng Mỹ, chưa đâu, nó còn biết chào Hello nữa kia, rồi mày sẽ nghe". Anh điên tiết nhìn hắn với cặp mắt toé lửa: "Tao chỉ muốn nó nói tiếng Việt, mày hiểu chưa, tao không muốn nó nói tiếng Mỹ". Lão Mỹ cười khùng khục: "Tiếng nào cũng thế thôi, mày phải cám ơn tao vì đã dạy được nó nói". Anh quắc mắt la lẻn: "Cám ơn cái con cặc, đụ má mày, mày làm hư con chim của tao rồi. Cút mẹ mày đi". Lão Mỹ nhìn anh ngạc nhiên, đôi mắt xanh mở to như mắt khỉ, ra dấu chẳng hiểu gì. Mà làm sao nó hiểu, làm sao giải thích cho nó biết anh chỉ cần chim nói tiếng của dân tộc anh, của quê hương xa tít của anh, để anh cảm thấy gần gũi với quê nhà. Anh chỉ cần nghe tiếng trời ơi, chỉ cần thế thôi. Lão thuỷ thủ già không hiểu điều đó, lão không có ý niệm quê hương, lão buồn ói khi nói về đất nước của lão, không có chút đồng cảm trong chuyện này thì làm sao để gỉải thích.
Anh đứng giữa phòng la to:"Trời ơi". Nhồng trả lời:" Oh my God". Cuộc đối thoại nhàm chán suốt như thế cho đến khi anh khản cả cổ. Chim đã quên tiếng Việt. Suốt cả tuần, trừ lúc ngủ, lúc ăn, anh cứ đứng với lồng chim mà kêu:"Trời ơi". Và chim mãi trả lời : "Oh! My God". Không biết tay Mỹ già dạy sao hay thế. Lần hồi, anh khám phá ra lão già cho chim ăn Hamburger. Anh chỉ cho nó ăn bánh Croissant. Lão cho Hamburger có thịt, chim khoái nghe lời lão. Anh lại biết thêm lão cho chim uống rượu Whisky, trong khi anh chỉ cho chim uống nước lã. Hèn gì, anh châm nước cho nó, nó chấm mỏ vào rồi vung vẩy, lấy mỏ kẹp nghiêng hủ nước cho đổ lênh láng. Hoá ra nó đòi Whisky. Lão này mất dạy thật. Con chim đã hư rồi. Bây giờ nó chào Hello khi muốn ăn, nó kêu Whisky khi muốn uống, lúc anh hét trời ơi, nó trả lời Oh! My God! Việc đó làm anh phát điên. Anh bỏ mấy tuần để dạy lại tiếng trời ơi cho nó, nhưng nó làm như đã quên rồi. Nó chỉ Oh! My God. Nhiều lần, tức quá anh đập mạnh trên nóc lồng rầm ràm, nó bay loạn xạ, dáng điệu ngạc nhiên, sợ hãi nhưng vẫn kêu : Oh! My God! Tức không chứ. Giờ thì nó chỉ ăn Hamburger, uống rượu và nói tiếng Mỹ.
Chịu hết nỗi, anh túm lấy chân nó, mở cửa sổ, tung nó ra ngoài trời. Anh nói: "Bay đi, tao không cần mày nữa". Nó chao một vòng. Paris đang mùa thu, lá vàng trên cây, lá đỏ dưới đất. Con chim màu đen lượn mấy vòng trong sắc thu rồi trở lại đậu trên bậu cửa sổ. Anh bảo: Trời ơi. Nó: Oh! My God. Nhiều lần như thế, bực mình anh xua nó bay đi, đóng cửa sổ lại, ngồi vào ghế nhồi cối thuốc. Nó quay lại, lại đậu trên bậu cửa, mỏ gõ cành cạch vào cửa kính. Nó kêu Hello, Hello!
Anh hét: Trời ơi! 
Nó trả lời: Oh! My God!
Anh ném mạnh tẩu thuốc đang hút vào cửa, chim hoảng hồn bay đi, vừa bay vừa kêu: Oh! My God!
Không biết nó kiếm ăn ở đâu, đêm có lẽ nó ngủ trên cành cây phía bên kia đường. Nhưng suốt cả tháng, sáng nào nó cũng đậu nơi cửa sổ phòng anh, dùng cái mỏ vàng gõ cành cạch vào cửa kiếng mà Hello với Oh! My God!
Thế rồi một hôm nó mất hút, mấy ngày không thấy bóng dáng nó. Anh mở cửa sổ, ngước lên cây gọi liên tục: Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi!. Chẳng có tiếng vọng nào. Anh vẫn gọi, lớn hơn: Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Những người đi đường nhìn lên, cứ nghĩ có một lão già cháu Á đang bị điên, có lẽ vì lão nhớ quê hương.
Con chim Trời ơi của anh đã vỗ cánh bay mất, suốt cả buổi anh cứ gọi mãi trời ơi, hi vọng nó sẽ bay về. Nhưng nó đã mất biệt. Giọng anh lạc đi với hai hàng nước mắt. Nó đã nói tiếng Mỹ rồi. Nó đã quên tiếng Việt rồi. Thôi! Anh cũng đành quên nó đi.
26.10.2018
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget