Latest Post


Nhân có phong trào xây lăng đắp mộ cho các lãnh đạo Việt Nam, những người đã qua đời và một số người đã sắp hết niên hạn. Đọc lại lịch sử để biết thêm tại sao Lăng Vua Tự Đức có tên là Khiêm lăng.
Lăng Tự Đức (嗣德陵) là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất Tự Đức, tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ (萬年基), sau cuộc Loạn Chày Vôi, Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung (謙宮). Sau khi Tự Đức băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng (謙陵).
Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia nhà Nguyễn.
Tự Đức, vị vua thứ tư của triều Nguyễn đã sớm nghĩ đến việc xây lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Vốn là một người giỏi thi phú, ông đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, địa điểm được chọn để xây lăng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh.
Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do công việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn, là nguồn gốc cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng.
Tương truyền, dân chúng ta thán:
"Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân"
Ngày 8-9 âm lịch năm Bính Dần (1866), tức năm Tự Đức thứ 19, do việc xây dựng Vạn niên cơ, quân sĩ và dân phu phải làm lụng khổ sở, có nhiều người oán giận. Nhân sự bất mãn đó, với lý do tôn phù Đinh Đạo (cháu ruột Tự Đức, nguyên tên là Ưng Đạo, do cha là An Phong công Hồng Bảo làm loạn nên phải đổi thành Đinh Đạo) lên ngôi vua, Đoàn Hữu Trưng cùng với các em là Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực, cùng các đồng chí là Trương Trọng Hòa, Phạm Lương, Tôn Thất Cúc, Tôn Thất Giác, Bùi Văn Liệu, Nguyễn Văn Quí phát động khởi nghĩa. Những người tham gia khởi nghĩa phần đông là nhân công đang uất hận vì bị bắt lao dịch khắc nghiệt để xây dựng Vạn niên cơ. Họ dùng chầy vôi - dụng cụ lao động - làm vũ khí nên tục gọi là "giặc chày vôi". Tuy nhiên, cuộc đảo chính thất bại. Cả nhà Ưng Đạo đều bị hại. Đoàn Hữu Trưng và hai người em bị giết lúc mới 22 tuổi.
Tuy nhiên, do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội. Năm 1873, Khiêm Cung mới được hoàn thành, vua Tự Đức vẫn sống thêm 10 năm nữa rồi mới qua đời.
(Wikipedia)
Vua Tự Đức, một ông vua phong kiến mà thấy được cái sai của mình nên viết biểu để tạ tội, điều đó cũng thể hiện cái hay của người xưa. Tiếc thay, ngày nay người ta vẫn muốn là vua sau khi chết, vẫn muốn lăng tẩm nguy nga, mồ mả bạt ngàn mấy chục ngàn thước đất trong khi người cày không có ruộng, người dân vẫn còn nghèo, có người chết phải bó chiếu để chôn. Mà nghĩ cho cùng, người đã chết thì chôn bằng bó chiếu hay lăng tẩm xa hoa cũng chẳng khác gì nhau. Rồi cũng thành cát bụi, giòi bọ đục khoét tấm thân. Cái để lại cho đời là bia miệng, là lúc còn sống bản thân đã làm được gì cho đất nước, cho Tổ quốc và nhân dân, cho những người quanh mình.
Xây lăng mộ cho to rồi trở thành nơi người ta đến chơi bời, ngoạn cảnh. Dần dần thành chốn vui chơi, mất vẻ trang nghiêm mà lại trở thành bia miệng cả trăm, cả ngàn năm nữa.
Mốt mai đây, suốt từ Nam chí Bắc, sẽ có biết bao nhiêu lăng nữa mọc lên. Sống biệt phủ, chết xây lăng. Người lấy đất ruộng, người chiếm cả ngọn núi, kẻ thì bạt cả đồi. Việt Nam trở thành địa điểm du lịch lăng mộ nổi tiếng thế giới. Tự hào thay!!!!

Tui xin thú thiệt, trên đời này có hai con vật mà tui sợ nhất là con chuột và con rắn. Tui ghê con chuột vì sự dơ dáy do sống trong cống rãnh của nó. Còn con rắn thì tui sợ vì nọc độc của nó quá kinh khiếp.

Thế nhưng người ta vẫn ăn thịt chuột một cách bình thản và xuýt xoa khen ngon. Dân miền Tây thì chỉ ăn chuột đồng vì theo họ, chuột đồng sống ngoài ruộng, chỉ ăn lúa nên sạch sẽ cũng như con lươn, con cá con gà. Họ cũng ăn con chuột dừa, còn gọi là con dúi, sống trên cây dừa cao, chỉ ăn đọt dừa. Và với chuột đồng, chuột dừa, người dân miền Tây chế biến nhiều món ăn nhìn rất hấp dẫn. Nhưng mà tui không dám ăn.

Giờ đây tui được biết thêm người dân miền ngoài ăn cả chuột cống. Ghê quá! Con chuột cống ở các bệnh viện, nhà xác nghe đồn ăn cả xác người. Kinh thật! Có con nặng gần kí lô. Lúc đầu nghe kể tui không tin. Nhưng xem xong mấy clip này thì tui thật sự kinh hãi. Có thể vì thói quen, có thể vì quan niệm. Mỗi vùng có khẩu vị và tập tục ăn uống khác nhau, tui không dám lên án hoặc có ý kiến gì. Nhưng riêng tui thì chịu, thà chết không ăn thịt chuột cống.

Tui vốn mang tiếng ba nhe từ nhỏ
Lớn lên hay nói ba lơn
Nhưng có răng mô
Cũng chỉ vui thôi mà
Mạ tui bảo tui ba trợn
Con gái nhà ai mà dám thương mi
Bởi rứa cho nên gần hai chục tuổi tui vẫn chưa có bồ
Mỗi ngày tui đi qua Đập Đá
Mùa hè nắng dội bể đầu
Mùa mưa lội bì bõm
Một mình tui
Tui vô Thành nội đi học vẽ
Người ta vẽ cô gái mặc áo dài
Tui toàn vẽ đàn bà ở lổ
Nhưng mà có ông Thầy khoái tui
Hai Thầy trò khi mô có tiền chạy ra Lạc Thiện ăn bánh khoái
Thầy bảo đàn bà đẹp khi không mặc gì
Rứa mà cứ bắt họ mặc đồ để lên tranh
Tiệm bánh khoái có mấy cô câm
Thầy tui bảo đàn bà không nói là đàn bà khôn lắm đó
Có hôm vô quán bún bò mụ Rớt
Thầy nói mi thấy màu đỏ trong tô bún ni không
Mi pha được màu ni là mi ngon rồi đó
Có bữa ra cồn Hến ăn cơm hến
Ớt cay thấy mụ nội
Ỉa rát lỗ đít
Nhưng mà ngon.
Chỉ có người Huế thấy cơm hến ngon
Lạ rứa đó
Một lần đi phía sân vận động Tự Do
Ăn cơm Âm phủ
Thầy tui nói ai cũng sợ chết
Mà lại khoái ăn cơm âm phủ
Rứa mới lạ đời
Tui ngồi ngó rồi ăn chẳng biết nói chi mô
Tui không có tiền tui đi làm thợ hồ
Thay vì trét màu lên tranh tui trét ciment để xây tường
Tui đạp xích lô
Thay vì nặn tượng
Ba tháng không vô trường
Người ta đuổi học
Tui hết dám nói ba lơn
Nhưng tui cũng không năn nỉ
Tui bỏ trường tui đi
Tui chỉ tiếc cây cổ thụ ở trước sân trường
Với mấy cô người mẫu vú thâm chảy dài như trái mướp
Tui nói dạng chân cho tui vẽ mà các cô cứ khép lại hoài
Tui bu tàu lửa vô Nam.
Ở đó họ không hiểu ba nhe là chi
Nên chẳng ai nói tui ba nhe
Tui ở xóm kinh nước đen
Họ thường nói Đù má
Tui cũng Đù má
Và tui học nói theo tiếng Sài Gòn
Mới đó mà đã năm chục năm.
Thầy tui đã chết vì đói từ năm bảy lăm
Gục trên cầu Tràng Tiền
Chiếc xe đạp chở đàng sau mấy lon sơn đi vẽ khẩu hiệu
Tranh chất đầy nhà chẳng ai mua
Vì bị cho là tranh đồi truỵ
Hôm ni nghe ai đó nói ba lơn
Tự nhiên tui nhớ Huế.
Nhớ Thầy tui
Tui muốn về mà ốt dột không dám về
Bởi vì chừ tui già rồi mà cũng chỉ là thằng đi làm thuê
Bi chừ tui vẽ đàn bà mặc áo
Vì chẳng có ai thuê vẽ tranh con gái ở truồng.
25.9.2018
DODUYNGOC

Chiều nhàn nhạt như đời qua bao tuổi
Phai dần đi những năm tháng trượt dài
Ta đã lăn như một hòn đá cuội
Tê tái chờ dừng lại ở mốt mai
Ta về lại nhánh sầu đông đã héo
Ngón tay gầy rên siết ở bờ vai
Hơi thở buồn níu kéo bước chân ai
Bờ môi mặn xác xơ trong khoảnh khắc
Ta về lại phố phường kia đã khác
Lá chết khô trên sắc những lá cờ
Hàng cột đèn ngơ ngác đứng bơ vơ
Đám bạn cũ đi bốn phương tám ngả
Ngôi nhà cũ bức tường xiêu ngói đổ
Con chó buồn giương mắt sủa vu vơ
Bóng hình xưa trong ký ức phai mờ
Trăng chợt héo báo tin giờ nguyệt tận
Ta về lại sau một đời lận đận
Suối đã khô và rừng cũng không còn
Thân ngựa già đã đến tuổi héo hon
Tay ôm mặt dấu hai hàng lệ chảy
Suốt một kiếp chạy đuổi theo hư ảo
Kiếm mênh mông mà quên mất nẻo về
Tìm lợi danh nên nuôi mãi si mê
Lúc tuyệt vọng biết thân mình nặng quá
Ta về lại đám tro tàn đã hoá
Dưới bùn đen hoa sen nở thắm màu
Nghe cỏ cây lên tiếng hỏi thăm nhau
Ta buông cả xác thân này nhẹ rỗng
22.9.2018
DODUYNGOC

Tui không ngờ gặp lại hắn và thật lòng tui cũng chẳng muốn gặp hắn tí nào. Nhưng sáng nay tui đã gặp hắn. Sáng nay anh bạn gọi ra cà phê ở đường Nguyễn Huệ, quán Ciao. Đến giờ hẹn, anh bạn vẫn chưa thấy đến. Tui lấy điện thoại ra đọc mấy tin buổi sáng. Đang chăm chú vào màn hình thì có tay ai đặt trên vai tui bóp nhẹ. Tui xoay lại thì bắt gặp một khuôn mặt vừa quen vừa lạ. Quen vì khuôn mặt ấy có những nét nhắc tui về một người bạn. Lạ vì khuôn mặt ấy lại có những nét lạ lẫm. Đó là một khuôn mặt bệnh hoạn, má hóp, da vàng ệch, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng, tóc trên đầu chỉ còn lơ thơ mà bạc trắng. Bàn tay đặt trên vai tui khẳng khiu, những ngón dài với màu da thâm thâm đen của người bệnh gan nặng. Anh ta cười, nụ cười nhăn nhúm lộ hàm răng rụng gần hết. Giọng anh khào khào, thì thào: Nhớ tao không? Huỳnh ở Văn khoa, nhớ không?
Huỳnh, Lê Văn Huỳnh. Sao quên được. Những năm cuối thập niên sáu mươi thế kỷ trước, ở đường Trương Minh Giảng Sài Gòn. Trong những căn nhà tạm bợ ở bờ kênh Nhiêu Lộc. Dưới là dòng kênh nước đen, bùn lầy và rác rến. Không khí lúc nào cũng có mùi, mùi của ao tù và xác chết lâu ngày của những con vật, mùi của chất thải đổ ra. Tụi tui, những sinh viên nghèo từ ngoài Trung vô đi học, tạm thuê căn phòng nhỏ ở đấy sống tạm. Bốn thằng trong căn phòng mười mấy thước vuông được dựng bằng gỗ tạp, có chỗ phẻn tre và trên đầu là tấm tôn rỉ, mùa nóng thì hầm hập như lò thiêu xác, mưa thì dột tứ tung. Bữa đói, bữa no. Sống nhờ cơm ở câu lạc bộ ở Đại Học Vạn Hạnh, giá rẻ. Đói nữa thì lê thân xuống cơm xã hội ở đường Trần Quốc Toản( bây giờ là đường Ba tháng Hai). Hết tiền thì vô Đại học xá Minh Mạng ăn ké. Chỉ mong có miếng cơm qua ngày. Thằng nào cũng gầy gò và xanh mướt. Tui và Huỳnh thuê chung phòng. Hắn dân Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Còn tui dân Đà Nẵng. Hắn và tui cùng học Văn Khoa. Tui học Ban Triết. Còn hắn học Ban Sử Địa. Hai thằng đều là con hoang, tức là chẳng có ai nuôi, hàng tháng chẳng được diễm phúc lãnh măng-đa người nhà gởi tiền. Bởi vậy hai thằng sống thiếu trước hụt sau, nhiều bữa đói vàng mắt.
Có một dạo tui xin được hai cái phiếu cấp bánh mì của tổ chức Caritas, một cơ quan từ thiện của Công giáo. Bánh mì ở đấy rất ngon, làm bằng bột mì viện trợ của Mỹ. Ổ bánh mì dài ngoằng, ăn được nửa ổ là no vật vã. Thế mà mỗi phiếu lại được phát mỗi ngày hai ổ. Tui giữ một phiếu, tui đưa cho Huỳnh một phiếu. Sáng sáng, hai thằng ra chỗ bô rác dốc cầu đường Trương Minh Giảng chờ xe buýt đi qua quận tư lãnh bánh mì. Hôm nào có tiền thì kiếm ghế ngồi. Bữa nào cháy túi thì lên cửa trước lẻn ra cửa sau trốn vé. Lãnh được bốn ổ bánh, hai thằng bán lại cho xe bánh mì quen. Hôm thì lấy tiền mua gạo nấu hoặc đi cơm quán vỉa hè. Có hôm thì đổi đồ ăn, lúc thì mấy miếng thịt, khi thì mấy cái trứng. Cũng được một thời gian. Sau đấy, tui tìm được việc làm trong một toà báo, còn Huỳnh thì biến đâu mất tăm. Nghe đồn hắn vô bưng. Tui biết hắn hoạt động cho Việt cộng lâu rồi, nhưng chẳng quan tâm vì tui nghĩ mỗi thằng có mỗi lý tưởng riêng, mục đích riêng để sống.
Tui được một học bổng du học. Một thời gian dài cũng chẳng liên lạc với bạn bè cũ. Đi rồi trở về. Rồi biến cố tháng 4.75. Một thời gian sau nghe tin Huỳnh khi vào bưng được đưa ra Bắc rồi đi học ở Nga vì ba hắn cũng là dân miền Nam tập kết đang giữ một chức vụ khá lớn trong chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau đó cũng nghe tin hắn về nước và đang ngồi vào một cái ghế kha khá ở một sở của thành phố này. Nhưng tui cũng không có dịp gặp.
Những năm tám mấy chín mươi, tui mê chơi tennis lắm. Suốt ngày vác vợt đi khắp sân của thành phố. Sáng sớm thì ở sân Phan Đình Phùng. Trưa thì chạy vào sân Đường sắt hoặc Lê thị Riêng. Chiều thì vào sân Dinh Độc Lập hoặc sân Quốc gia Hành chánh. Và tui gặp lại hắn ở sân Quốc gia Hành chánh. Hắn cũng đi đánh tennis với người bạn trong nhóm tui, một cán bộ của quận 10. Chắc hắn có chức vụ khá lớn bởi tui thấy ai cũng có vẻ nể hắn, đồng thời hắn lại có hai cậu phục vụ lúc nào cũng sẵn sàng chăm sóc lúc cái khăn, khi chai nước. Hắn bây giờ hồng hào, bệ vệ, mập mạp với cái bụng đã phệ. Hai thằng gặp nhau mừng lắm, huyên thuyên đủ chuyện. Nhưng khi tui nhắc đến giai đoạn hai thằng đi xe buýt lậu vé qua quận tư xin bánh mì Caritas thì hắn chối. Hắn dứt khoát là không có chuyện đó, hắn cãi cho bằng được không có là không. Bực quá, tui bảo: Thế thì tui xin lỗi, tui nhận nhầm người rồi. Và tui bỏ đi về trước sự ngạc nhiên của hắn. Tui đi và không ngoái đầu lại và cả tuần sau tui không đến sân đó nữa vì ngại sẽ gặp lại hắn. Khi tui trở lại sân, anh bạn cán bộ đánh chung nhóm bảo rằng hôm đó hắn ngạc nhiên và bực mình vì thái độ của tui. Tui cũng chẳng giải thích gì. Và cũng qua anh bạn đấy, tui biết hắn đang giữ chức Vụ trưởng của một bộ nào đấy, đặc trách phía Nam. Vợ hắn là con gái rượu của một thứ trưởng. Nghĩa là hắn đang làm quan lớn và lẽ dĩ nhiên là hắn rất giàu. Nhưng tui không chịu được những kẻ chối bỏ quá khứ. Ai lại không có thời khó khăn. Sao phải tránh né nó khi đã thành đạt và giàu sang? Kể từ đó, tui quên luôn hắn.
Hôm nay tui lại gặp hắn, đã mấy chục năm rồi chẳng liên lạc, chẳng tin tức. Bây giờ gặp lại hắn, thân thể tiều tuỵ, bệnh hoạn. Tự nhiên tui thấy thương hắn. Hắn bảo hắn ung thư gan giai đoạn cuối, thời gian sống chẳng còn bao nhiêu nữa dù đã qua Sing, sang Nhật, đến Mỹ chữa nhưng mọi nơi đều đã bó tay. Hắn xin lỗi tui vụ hắn chối chuyện đi xin bánh mì trong quá khứ. Hắn bảo lúc đó đông người, hắn đang là sếp bự nên không thể chấp nhận chuyện ấy, sợ mất mặt với đàn em. Thôi thì dù sao cũng là bạn bè ở thuở hàn vi, hơn nữa hắn đang bệnh sắp chết, tui cũng chẳng sân si, giận hờn chi nữa nên hai thằng ngồi nói lại rất nhiều kỷ niệm. Hắn cầm tay tui, nắm chặt và hắn khóc. Hắn đang nghĩ đến cái chết, hắn đang tiếc nuối cuộc sống. Tui cũng chẳng biết nói với hắn gì nữa. Mỗi người mỗi số phận. Sống chết là quy luật của đời sống, ai tránh được đâu. Tui bảo hắn cứ bình tĩnh, an nhiên cho đến phút cuối. Lo âu, bi quan càng dễ suy sụp hơn. Thấy hắn khóc, tui cũng không cầm được nước mắt.
Trưa nay, chạy xe về nhà, lòng tui nặng trĩu khi nghĩ đến cái chết của hắn trong nay mai. Thế là một người bạn nữa chuẩn bị ra đi. Tui không còn giận hắn nữa. Có một thời hắn chối bỏ quá khứ nhưng bây giờ hắn phải chấp nhận tương lai. Một tương lai tối thui trong nấm mộ.
22.9.2018
DODUYNGOC

Hắn nhặt được sợi xích trên đường về nhà. Trời mưa. Xe cộ nháo nhác. Mọi người dật dờ sau một ngày làm việc. Đường chật ứ mà mưa ào ạt. Ai cũng vội chỉ có mình hắn không vội. Hắn đang đi bộ trên vỉa hè. Đi trên vỉa hè nhưng lúc nào cũng cảnh giác để né tránh những chiếc xe chạy luôn trên đấy, một cách để thêm nhanh một chút, tranh thủ một chút. Hắn không vội vì hắn có nhiều thời gian. Gần bảy mươi tuổi rồi, có chi mà vội. Càng vội càng mau chết. Mà hắn thì còn ham sống lắm, nên cứ từ từ, bình tĩnh sống, cứ tà tà, vội chi. À, lại nói về sợi xích. Hắn đang đi thì thấy vướng dưới chân, nhìn xuống thì thấy nó. Một sợi xích đẹp. Màu inox, có lẽ dùng để xích chó. Loại chó cảnh. Mốt của nhà giàu bây giờ là nuôi mấy con chó nước ngoài be bé nhưng giá cao ngất trời. Hắn cúi xuống, nhặt lên. Cúi nghiêng đầu chứ không dám cúi chúc đầu xuống. Cúi mà cái đầu vẫn không ngiêng. Tuổi của hăn mà cúi chúc xuống có ngày chúi nhủi, máu tụ xuống đầu là có chuyện liền. Hắn cầm sợi xích trên tay, thấy nặng. Lúc đầu hắn quấn vào tay như các cô gái bây giờ hay làm để trang sức. Nhưng hắn thấy vướng nên gỡ ra quấn lại cầm tay. Cầm riết cũng mỏi, hắn để lọt vào túi của chiếc áo khoác tránh mưa hắn đang mặc, cảm thấy nặng một bên. Nhưng kệ. Chiều nay hắn đang ở tâm trạng chẳng vui vẻ gì. Hắn bực mình vì có người không chịu hiểu hắn. Một chuyện rất đơn giản mà biến thành quan trọng. Bực mình. Nếu trời khô ráo hắn sẽ kiếm một vật gì đó để vừa đi vừa đá lăn long lóc cho đỡ bực. Nhưng trời đang mưa, mọi thứ đều ẩm ướt.
Về đến nhà, lặng lẽ như cái bóng, hắn vào phòng riêng. Mặc áo khoác đi mưa nhưng người hắn vẫn âm ẩm nước. Hắn thấy hơi lạnh. Dòng nước nóng giúp hắn cảm thấy khoan khoái. Trời vẫn mưa ở ngoài cửa sổ. Trời xám ngoét. Hình như có bão đâu đó.
Hắn ngồi vào bàn. Ly nước còn bốc hơi nóng. Sợi xích để một bên. Hắn cầm sợi xích lên. Sợi dây dài hơn thước. Hắn tỉ mẩn mân mê từng khoen mong tìm thấy chi đó, một cái gì đó hắn cũng chẳng biết nữa. À! Một cái tên hay địa chỉ chẳng hạn. Chẳng thấy gì. Hắn vẫn lần như lần tràng hạt. Rồi hắn lại nghĩ đến sợi xích. Sao hắn lại thấy nó. Sao sợi xích lại vào tay hắn. Cuộc sống của hắn, cuộc đời của hắn chưa đủ xích xiềng sao? Hắn đang sống theo thời khoá biểu do người khác vạch ra cho hắn. Chân hắn vẫn đi như mọi người nhưng vẫn có sợi xích vô hình, bởi hắn chỉ được đi trong khoảng cách bao nhiêu đó thôi, nghĩa là quẩn quanh. Hắn vẫn được suy nghĩ, nhưng suy nghĩ giới hạn ở những vấn đề, đi ra ngoài sẽ bị tra vấn, hắn phải giải thích, phải nói rõ những suy nghĩ đó dành cho ai? Để làm gì? Riết rồi hắn đếch thèm suy nghĩ nữa, đầu rỗng tuếch. Nói thế thôi nhưng hấn vẫn suy tư chứ. Tôi suy tư là tôi tồn tại mà. Hắn vẫn muốn tồn tại. Những suy tư của riêng hắn, nhưng hắn không thèm nói, không cần viết ra. Hắn giữ riêng trong đầu hắn. Càng ngày càng đầy, chật cứng. Nó như cái ổ cứng của máy vi tính vậy, đã đủ dung lượng chứa rồi. Ổ cứng thì có thể delete, còn cái đầu hắn thì không thể làm vậy. Những điều hắn nghĩ bám cứng vào não hắn, không xoá được. Tất cả trộn lẫn lung tung, khiến hắn đôi khi nói cũng lung tung từ những thứ lung tung trong đầu hắn xì ra. Người ta bảo hắn hơi tưng. Ừ thì tưng. Điên được còn tốt chứ sá gì tưng. Khi được điên thì sẽ không bị tra vấn và tất cả điều làm ra có thể đổ thừa vì điên mà sinh ra. Khỏi phải phân trần, khỏi phải tranh luận. Hắn vẫn có tự do, nhưng là thứ tự do trong một thứ quy luật khắc nghiệt. Hắn trở thành kẻ sống cho người khác chứ không còn sống cho mình. Nhưng hắn đã già, hắn muốn thực hiện những giấc mơ dang dở. Hắn muốn đến nhứng nơi chốn hắn đã từng ước mơ mà thời trẻ hắn không đến được. Hắn muốn làm những điều hắn thích. Thế nhưng người ta không thích hắn làm thế. Hắn phải chìu. Đôi khi hắn cảm thấy mình hèn. Hắn xem mình là kẻ hèn mọn. Hắn đau lòng lắm nhưng rồi hắn cũng phải chấp nhận. Hắn cảm thấy mình sống vô nghĩa. Sống chẳng có mục đích gì. Đôi lần hắn muốn kết thúc cuộc sống. Nhưng hắn lại là kẻ sợ chết. Mâu thuẫn là thế cho nên hắn sống như chiếc bóng. Cười giả vờ, vui giả vờ, mang chiếc mặt nạ, đóng kịch để tiếp tục sống.
Hắn nhìn qua cửa sổ, mưa vừa tạnh nhưng vẫn đầy gió. Những hàng cây nghiêng ngã. Những khóm hoa trên khoảnh đất trước sân lắt lay theo gió. Chắc chúng chịu không nổi những cơn gió này. Chúng sẽ gãy và héo tàn. Công lao hắn vun trồng, bón phân. Mà thôi. Cũng chẳng tiếc gì. Đời mình còn không tiếc, tiếc chi hoa. Nhưng hắn chợt buồn. Cũng chẳng hiểu vì sao hắn buồn. Đời hắn thiếu chi chuyện buồn. Do vậy lúc nào cũng buồn được. Hắn nhấp ngụm nước trà nóng. Luồng nước nóng chầm chậm trôi xuống trong cổ họng. Một chút khoan khoái. Đời hắn có được bao nhiêu thời gian khoan khoái nhỉ. Chẳng là bao. Trẻ thì phải vật lộn kiếm cơm. Lập gia đình thì tìm đủ cách để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Đến khi có chút tuổi thì bệnh hoạn đủ thứ, cha mẹ lần lượt ra đi, đủ chuyện để buồn, đủ việc để bứt rứt, biết bao chuyện để thấy mình cô độc.
Hắn lại mân mê sợi dây xích, hắn kết thành cái thòng lọng. Cái thòng lọng ám ảnh hắn. Cái thòng lọng siết chặt. Cái thòng lọng làm cái cổ bị siết cứng không thở được. Lưỡi sẽ cố thè ra tìm hơi thở. Bao lâu? Sức người sẽ chịu được bao lâu? Những giây phút cuối sẽ đau đớn lắm. Hắn cố quên đi hình ảnh ấy. Nó gợi ra một hình ảnh kinh khủng. Nó gợi ra cái chết. Mà hắn thì sợ chết. Hắn cầm sợi xích trên tay. Sợi xích kết thành thòng lọng. Hắn nghĩ hãy ném nó qua cửa sổ. Ừ! Phải ném nó đi. Không để nó biến thành nỗi ám ảnh. Hắn dang tay. Nhưng mà, sao phải làm thế. Trốn chạy một hình ảnh do mình tự vẽ ra. Tránh né một ám ảnh cũng chính do mình tưởng tượng ra. Lại hèn nhát đến thế sao?
Hắn với tay lấy cái ống điếu đẹp nhất trong bộ sưu tập của hắn. Nhồi một cối thuốc. Bật quẹt, những sợi thuốc cháy đỏ và sợi khói xanh bay lên là đà. Mùi thuốc lan ra trong phòng, một mùi thơm rất nhẹ lan toả. Hắn nhìn vào bàn tay, sợi xích vẫn cuộn tròn trong đó. Sợi xích kết thành thòng lọng. Bỗng dưng chiếc thòng lọng bỗng hoá thành chục, thành trăm bay lên, bay lên nhảy múa trong phòng. Hắn không dám nhìn, đầu gục xuống, tẩu thuốc nóng trong lòng bàn tay, những sợi thuốc âm ỉ cháy. Hắn đứng lên, đi như người mộng du, đến bên cửa sổ, móc sợi xích vào thanh ngang của cái rèm cửa sổ. Sợi xích chảy xuống, phần thòng lọng đong đưa, đong đưa. Sợi xích như nam chám cứ hút hắn đến. Đầu tóc hắn bù xù, đôi mắt mở lớn, trợn ngược nhìn sợi xích như bị thôi miên. Hắn tiến tới. Sợi xích đong đưa, đong đưa.
Hắn đang ngồi cạnh cửa sổ, mưa đã tạnh hẳn, trời lại he hé chút ánh sáng cuối ngày.
20.9.2018
DODUYNGOC

Đó là món ăn đặt biệt của người Huế. Một món ăn bình dân mà tui tin là những người xứ khác sẽ cho rằng không có chi ngon. Nhưng phải là dân Huế mới thấy hết, cảm hết cái ngon của cơm hến. Đó là điều kỳ lạ của món ăn này.

Ở Huế ăn cơm hến ở bất kỳ mô cũng ngon. Thuận tiện, bạn có thể dừng xe ở một quán nhỏ ven đường, bên vỉa hè rồi cũng có thể tìm tới các quán đã có tên tuổi như Hoa Đông - 64/7 Ưng Bình, Chị Nhỏ - 28 Phạm Hồng Thái, bà Cam - 02 Trương Định, .... Vị mỗi nơi có khác nhau chút xíu thôi nhưng tất cả đều ngon, tròn vị. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các bạn, KNHT xin chia sẻ thông tin địa chỉ của hai quán trong phóng sự. Thông tin này không nhằm chủ đích quảng cáo cho một cơ sở thương mại nào.
Quán số 1:
Quán O Nguyên. 76 Thạch Hãn Huế
Quán số 2:
HOA ĐÔNG
Đặc Sản Cồn Hến
64/7 Ưng Bình Vỹ Dạ Huế



Bữa ni bất chợt vô Thành nội
Nhìn mớ rêu xanh phủ lối vào
Tóc thề áo tím O đâu mất
Tui ngẩn ngơ tìm ruột nôn nao
O bỏ Huế đi tự lúc nào
Tui về sen vẫn nở đầy ao
Đi mô O chẳng đưa lời nhắn
Mười mấy nhịp cầu mây trên cao
Mần răng thấy lại hai tà áo
Bay giữa sông Hương của một thời
Hôm trước đi về qua Thượng Tứ
Ngơ ngẩn bên hè lượm lá rơi
Bữa ni mưa phủ Phu Văn Lâu
Cờ rủ trời kia xám một màu
Nhớ O tui đứng cho mưa ướt
Giống mấy tượng buồn dưới bụi lau
Tui xuống Kim Long nhìn khóm trúc
Trở về Vỹ Dạ liếc hàng cau
Đi qua Đập đá tìm lối cũ
O mất tiêu rồi tui bỗng đau
Tui đợi O về góc quán quen
Có ly chè Huế màu cánh sen
Ngọt môi O giữ cho tình thắm
O đừng đi vội Huế hờn ghen
Bữa ni tui lại vô trong nớ
Không gặp được O thấy quá buồn
Xe qua đỉnh núi quay đầu lại
Huế ở xa mờ mưa vẫn tuôn.
17.9.2018
DODUYNGOC


Đôi khi thấy đời vô nghĩa quá. Không biết mình sống vì cái gì nữa. Chỉ loanh quanh như loài thú. Ăn và ngủ. Đã đi gần cuối con đường của một kiếp con người, và ý thức được rằng mình đang hoang phí những thời gian ít ỏi còn lại. Nhưng biết làm sao? Chân đã khoá, miệng bị bịt, ý nghĩ bị kiểm tra, thời gian bị theo dõi. Thời khoá biểu một ngày như mặc định. Như một kẻ bị giam tù nhưng không khoá cửa. Cửa mở đấy nhưng ta đi đâu, về đâu? Thân như củi mục nằm bơ vơ đâu đó. Một thứ thừa thải nhưng chưa bị quăng vào xe rác. Nên nó vẫn ở đấy. Đứng như một ông phỗng, một thứ trang trí có cũng như không. Quẩn quanh với chiếu giường, xoay khắp bốn phương tám hướng cũng chỉ là chiếc giường. Trốn thoát vào đâu. Ngoài kia là núi đồi, là biển sóng, là trời xanh, sông suối, là những cánh chim tung bay. Còn ta như kẻ bị xích xiềng. Sông suối là bồn rửa mặt, trời xanh là chiếc trần nhà, đất trời chỉ là giường chiếu hẹp. Ta đã làm chi đời ta?
16.9.2018


Cây đèo hoa đường chở nắng ban trưa
Lá hấp hối úa vàng xao xác gọi
Người héo hắt bước chân chừng đã mỏi
Đang loay hoay tìm một chỗ quay về
Môi hết thắm ngón tay gầy bóng xế
Tuổi thanh xuân đã úa một quãng đường
Qua nhà thờ Chúa cũng thế trơ xương
Tiếng chuông đổ héo dần trên thánh giá
Về lại phố tường hoang nghiêng mái lá
Vết xe đời nghiến nát những giấc mơ
Ngồi quán xưa đốt ánh nến mù mờ
Nhớ ánh mắt một thời còn rất trẻ
Bên mái ngói còn sót đàn chim sẻ
Ngơ ngác nhìn mây trắng thổi ngang qua
Ngó đôi tay ý thức được tuổi già
Chợt sợ hãi ta làm chi được nữa
Kim thời gian đi cài then chốt cửa
Chiều lướt trôi xóa những giấc chiêm bao
Tiếng tích tắc cùng chiếc dĩa dầu hao
Dần cạn kiệt máu khô hơi thở ngắn
Đời lộn xộn mưa nhiều trưa thiếu nắng
Một mình ta mệt mỏi kiếm nơi nằm
Trôi bềnh bồng lặng lẽ chốn mù tăm
Quên ý nghĩ lẫn lộn ngày với tháng
Vẫn còn đây tiếng kinh cầu mỗi sáng
Ta rời giường lụm cụm khắp châu thân
Chúa vẫn còn rướm máu ở bàn chân
Và giọt lệ ai gài trên khoé mắt
Không ai bẻ dùm ta qua khúc ngặt
Chỉ một mình đốt đuốc kiếm đường đi
Giờ trên tay không còn nắm được gì
Những hư ảo trả lại đời hết sạch
16.9.2018
DODUYNGOC
Tranh của Vishal Phasale Patil
(Indian artist, art teacher, and painter)


Hôm trước vô blog của Mặt trời, thấy có hình dĩa cá nục kho ngon quá, chợt nhớ đến nồi cá nục kho của mạ tôi nấu những ngày ấu thơ. Tự nhiên nhiều hình ảnh ngày xưa chợt ùa về. Hình ảnh bữa cơm gia đình thuở trước chợt hiện ra, mâm cơm với 10 anh chị em, với ba mạ, với nồi cá nục kho thơm phức, cay nồng. Sẽ không bao giờ có được hình ảnh như vậy nữa rồi. Ba đã mất hơn 4 năm nay, anh chị em tan tác mỗi người mỗi ngã, người Tây, kẻ Mỹ. Sẽ không sao có được những ngày xưa đã mất. Chiều hôm nay trời đổ mưa, những con cá nục làm liên tưởng quá khứ. Hóa ra hình ảnh cũng tác động vào ký ức của con người.
Có lẽ khi người ta bắt đầu bước qua bên kia của dốc đời, người ta thường ngoái nhìn lại quá khứ, và lúc đó, người ta đã bắt đầu già. Tôi đã bắt đầu nhìn lại và tiếc nuối. Cứ ước ao mình được trở về tuổi nhỏ, tuổi hồn nhiên sống và thản nhiên bước vào cuộc đời một cách thơ ngây. Bởi vậy, tôi rất sung sướng khi gặp lại những người bạn cũ, những người bạn một thời quá nhiều kỉ niệm. Chúng tôi gặp nhau và chỉ nói chuyện ngày xưa, có nhiều chuyện cười nhưng cũng lắm chuyện buồn. Và cũng rất nhiều lần chúng tôi cười với những giọt nước ở khóe mắt.
Chiều nay tháng bảy, bỗng dưng trong cuộc nói chuyện, có ai đó lại nhắc đến con cá nục, vì đây là tháng mà ở miền Trung có nhiều cá nục.
Tôi thích con cá nục từ màu xanh óng ánh rất đặc biệt của nó. Đó là một màu xanh lam lóng lánh pha chút xanh lá. Đó là màu chỉ tìm thấy ở con vật còn tươi roi rói, vừa từ biển khơi được kéo vào bờ. Người làm khoa học thì phân tích đó là màu của chất phốt pho, và họ phân tích là trong 100g cá nục có chứa 216mg chất đó. Nếu đúng như thế thì nếu con cá nục mà ở trên cạn, chắc là trong đêm nó sẽ lập lòe như những con đom đóm, mà như vậy thì quá đẹp, phải không????
Con cá nục không chỉ đẹp ở màu sắc tươi xanh, nó còn là một món ăn rất ngon. Cá nục có thể làm thành nhiều món. chiên, kho nước, kho khô, hấp, làm mắm...Mà món nào cũng ngon, món nào cũng làm cho ta phải chảy nước miếng vì thèm khi hình dung.
Này nhé, những con cá nục chuối, lớn khoảng hơn ngón tay, đem hấp ăn với bánh tráng, rau muống chẻ và chấm mắm nêm hay nước kho sanh sánh cay nồng mùi ớt tươi và ớt bột đò lòm. Mới nói mà đã thấy đã. Quấn miếng cá vào miếng bánh tráng nhúng nước, thêm cọng rau, chấm vô chén mắm, cắn một cái, nhồm nhoàm. Sao mà ngon thế, ngon từ chân răng đến kẽ tóc he...he...Chất bùi của bánh, chất béo của cá, chất dòn dòn của cọng rau, chất mằn mặn mà cay cay của chén nước chấm, tất cả trộn lại thành một hỗn hợp không lẫn vào đâu được.
Này nhé, những con cá nục nho nhỏ, xanh tươi, rửa sạch, ướp với chút nước mắm nhỉ, bẻ vài trái ớt đỏ, chút tiêu, chút đường, ướp cho con cá se se cứng, cho vào nồi kho sềnh sệch, nước kho cá màu hơi nâu đen, nồng nặc mùi ớt và mùi cá dậy mùi thơm phức. Nếu có vài sợi bún. lùa một cái. Đã. Suýt xoa. Mà không thì chén cơm trắng cũng đã, chan miếng nước cá, lùa một miếng với miếng cá ngọt bùi. Ngon. Bây giờ khó tìm lại cái cảm giác đó, dù đủ điều kiện để ăn sơn hào hải vị.
Này nhé, những con nục ướp sương sương, chảo dầu hay mỡ thật sôi, chiên con cá vàng chấm với nước mắm ngon dằm trái ớt đỏ. Miếng cá bỏ vào miệng dòn dòn beo béo. Cũng phải kêu lên một tiếng: Ngon hà...hà...
Dùng cá nục để làm mắm thì người Huế thường làm. Mắm nục nổi tiếng là ngon. Dân chuộng mắm mà chưa nếm được mắm nục do mấy O ở Huế làm thì chưa gọi là hiểu hết nghệ thuật của mắm Việt. Bà Trương Thị Bích, một nghệ nhân ẩm thực của xứ Huế đầu triều Nguyễn đã tóm tắt cách làm mắm nục như thế này: “Nục nhỏ làm nêm lắm kẻ ưa/Đong ngang chục cá, muối hai, vừa/Ghè khô nhận chặt phơi mươi bữa/Gió bay mùi thơm biết chi chưa.”
Lại nhớ đến món cá nục kho thơm, những miếng thơm xắt lát, bỏ kho chung với những con cá nục, chừa lại nhiều nước, nước cá cũng ngon mà miếng thơm cũng ngon không kém.
Mùa hè ở Đà nẵng nóng đổ lửa, buổi trưa húp một miếng canh cá nục nấu với cà chua, bỏ vô chút hành lá cắt khúc, chỉ đơn giản là cá với cà, sao mà nghe mát cả ruột, chẳng cần bột nêm, bột ngọt, cũng chẳng cần nước sốt nước dùng.
Nói chuyện ăn cá mà không nhắc đến mấy trái ớt của miền Trung, hay là loại ớt bột cay xé đít thì là một thiếu sót lớn. Bởi ăn cá mà không ớt thì cũng như ăn sushi mà không mù tạt. Chính những múi cay của ớt đó đã làm cho món cá thêm ngon, dịch vị tiết ra nhiều hơn, nước miếng nhả ra nhiều hơn và miếng ăn thêm thú vị. Mà cũng lạ, đi bốn phương tám hướng, cũng không đâu tìm được loại ớt cay xé lòng và thơm phức như loại ớt của miền Trung. Hèn gì, những tiệm ăn bán món ăn Trung bộ, tiệm nào cũng phải dùng máy bay đem ớt từ ngoài đó mang vào.
Con cá nục với con cá bạc má gần giống nhau, ở Sài Gòn nhiều tiệm bán con cá bạc má mà cứ bảo là con cá nục. Con cá bạc má to hơn và theo nhiều nhà dinh dưỡng thì có nhiều chất bổ hơn cá nục. Nhưng con cá nục vẫn là con cá nục, nó có giá trị riêng và có mùi vị rất riêng.
Mây hôm nay trời đổ mưa, tháng bảy lại về, đây cũng là mùa cá nục. Viết mấy dòng này từ những ký ức. Và tôi đang thưởng thức món cá nục của ký ức. Nói chuyện con cá nục nhưng lại ngậm ngùi vì thời gian đã đi qua không tìm lại được, không bao giờ tìm lại được nữa những bữa cơm sum họp của ngày xưa.
Tôi đang đi tìm thời gian đã mất qua hình tượng của con cá nục xanh óng ánh, da bóng ngời, những con cá nhìn thấy trong tranh của Nguyễn Trung một thời.
Và cũng từ con cá nục, tôi lại nhớ tuổi thơ đã đi qua, tôi lại nhớ ba tôi, nhớ vô cùng, Ba ơi!!
25.7.2007
DODUYNGOC


Tui vốn gốc dân mắm ruốc. Đi bốn bể năm châu rồi cũng thèm chén ruốc. Giờ bắt đầu tuổi già, nhiều khi chỉ cần chén ruốc với vài trái ớt cay là đủ xong một bữa. Tui dù không là đại gia, vẫn dư sức vào những nhà hàng sang chảnh nhưng cứ chỉ thèm chén ruốc. Ăn miếng ruốc không chỉ có cái mặn mòi của biển, cái ngọt của con ruốc mà còn ăn đề nhớ hình ảnh xa xưa những ngày Mạ mua con ruốc, (Mạ kêu là con khuyết, có thể thân hình nó cong như vầng trăng khuyết) từ chợ về, những con ruốc hồng hồng bé tí. Nếu phơi khô vải nắng, sàng sảy đem vào bắt chảo thật nóng, cho con ruốc vào, đảo nhanh bỏ vào mấy lát khế, tưới nước mắm tỏi ớt lên, có món khuyết khô trộn khế. Con khuyết tươi có thể nấu canh, có thể xào tươi với khế, món nào cũng ngon. Bây giờ ăn để nhớ Mạ đang ở trên trời cao, nhớ Mạ đứng xào ruốc trong gian bếp thơm lừng, nhớ dáng Mạ ngồi giã khuyết trong cái nón sắt lính bằng cái chày gỗ lên nước đen thui.
“Con ruốc sau khi rửa sạch đem xào sơ với muối hạt rồi đem phơi vài giờ cho ngấm. Sau đó, trộn ruốc với muối bột và cho vào cối quết thật nhuyễn. Xong, vắt hết nước của ruốc để lại phần xơ, lại rắc ít muối và đem ủ trong nồi, thau chừng 10 ngày. Khi ruốc chuyển từ màu tím sang màu đỏ tươi, có mùi thơm ngào ngạt là lúc muối đã “chín” có thể dùng được.”
Muốn chén ruốc ngon, phải giã ớt tỏi, xong trộn ruốc đánh đều, chỉ cần chút xíu ruốc cũng mần hết chén cơm. Trái vả cắt lát, cũng làm chén ruốc vậy, nếu không có ớt tươi trộn luôn muỗng ớt bột, chấm vả với ruốc, miếng ăn vào miệng có chút chát của vả, chút mặn mòi trộn ngọt ngào của ruốc pha lẫn mùi ớt cay xè, ăn vừa ngon vừa tốt cho cơ thể. Bởi Đông y cho rằng trái vả giúp nhiều thứ cho sức khoẻ con người. Trời mưa dầm dề miền Trung, kiếm chút thịt ba rọi với vài nhánh sả, đặt lên bếp làm món thịt heo xào mắm ruốc sả, thêm miếng dưa leo với cọng rau thơm, ăn ngon nhức xương.
Bún bò Huế đi khắp nơi, ra cả nước ngoài nhưng nấu bún bò Huế mà không có mắm ruốc coi như nồi bún đó vất đi. Ăn tô bún bò Huế, cay đổ mồ hôi, mùi ruốc, mùi sả dâng lên ngào ngạt, chẳng thấy món bún nào ngon hơn. Bởi thế, ăn bún bò Huế cho đúng điệu chỉ ăn bằng đôi đũa, bưng tô lên mà lùa mới cảm được cái mùi ngào ngạt ấy, mới thắy được miếng bún vào miệng cùng lúc với nước, với thịt, với mùi ruốc mùi cay, thú vị của cách ăn là ở đấy. Bây giờ người ta nấu bún bò Huế bằng bột nêm bột ngọt, ăn bằng muỗng như ăn phở, tào lao xịt bợp, trật lất hết trơn!
Kho con cá, nấu miếng canh, ruốc là món nêm cho đậm đà gia vị. Ruốc thế bột ngọt, bột nêm. Ăn tô cơm hến, rau hến tràn trề với cơm nguội mà không có ruốc thì chẳng thể gọi là cơm hến. Có ruốc mà thiếu ớt thì cũng không xong, mà phải là ớt ăn cay thấu lỗ đít thì mới đã.
Mùa mít non, đem cắt nhỏ, nấu tô canh mít non với tôm tươi, nêm vô chút ruốc. Ôi chao ôi! Húp chén canh mà thấy ngon chi ngon lạ ngon lùng.
Ăn rau lang, rau muống luộc mà thiếu chén ruốc pha loãng mà chấm thì làm răng mà ngon. Ruốc trộn ớt tỏi giã nhỏ, pha thêm mấy muỗng nước luộc rau là đã thành chén nước chấm rau ngon. Thịt heo luộc cắt mỏng, phải đi kèm chén ruốc, kẹp lát khế, lát chuối chát, có thêm miếng vả càng hay. Bỏ vào miệng, vừa nhai vừa thưởng thức lắm vị ở trong miệng, răng mà ngon dữ rứa!!!
Sơ sơ vậy đã thấy món ruốc có một địa vị rất quan trọng trong gian bếp của người Huế và cả người Trung từ Đà Nẵng trở ra. Nhờ có ruốc, những món ăn Huế luôn đậm đà và có mủi đặc biệt không lẫn vào đâu được. Trên bếp chỉ cần làm món ăn có ruốc, cả nhà sực nức mùi thơm.
Thế mà mấy hôm nay, bờ biển Quảng Bình con ruốc dạt vào bờ tràn ngập, những con ruốc tươi rói, hồng hào, ngư dân hốt vào nhưng chắng biết làm chi. Theo kiểm tra của lực lượng chức năng, ruốc còn nhiễm độc chưa ăn được. Thế rồi thương lái của Tàu đến thu mua với giá rẻ bèo, chúng mua làm gì, không ai biết, nhưng chắc chắn chúng mua về không phải để chúng ăn. Có thể chúng sẽ chế biến, biết đâu lại bán ngược lại cho dân mình ăn thức ăn nhiễm độc. Hậu quả của Formosa hiển hiện khắp nơi. Ôi con khuyết của ngày thơ, chén ruốc thơm tho của bữa cơm giản dị của tui rồi đây sẽ chấm dứt, tui đành ăn bột ngọt, bột nêm, muối nhập khẩu. Tui đành chấm rau với nước mắm Nam Ngư đầy chất hoá học không tên. Và rồi mốt mai, con cháu của xứ Huế, của miền Trung thân yêu sẽ không còn hình dung ra món ruốc Huế, không còn nhìn thấy nhừng con khuyết rang khô dòn bùi pha nước mắm tỏi trong những bữa cơm. Thiếu những món ăn của quê hương, tình quê hương hình như cũng bớt đậm đà.
Rồi cũng sẽ đến lúc những người già kể chuyện món ăn cho con cháu nghe với mở đầu: ngày xưa, có một món ruốc, là món ăn và gia vị ngon nhất trần đời, bây giờ không còn nữa vì biển Việt Nam đã là lò thuốc độc. Kẻ thù không chỉ cướp đất cướp biển mà còn cướp luôn món ăn của quê hương.
Nghĩ tới đó mà ngậm ngùi.
26.05.2018
DODUYNGOC


Tháng trước, tui có anh bạn học đang định cư ở Mỹ về chơi. Anh bảo xa quê lâu quá, thèm những món ăn của Sài Gòn. Anh nhờ tui dẫn anh đi mấy hôm để tìm lại hương vị của thức ăn Việt trên đất Việt. Khổ nỗi, đi đến đâu anh cũng chê quán có mùi thức ăn bám cả vào quần áo, đến đâu anh cũng chê bai nơi thì mất vệ sinh, nơi thì phục vụ không tốt, chỗ thì không ngon. Đi đường anh bảo bụi bẩn, vào xe taxi anh bảo có mùi hôi, vào quán cà phê anh bảo mùi người lợm cổ. Đặc biệt là anh rất khó chịu khi vào quán có mùi thức ăn. Nói chung là anh cho rằng thành phố này mất vệ sinh, môi trường không phù hợp cho cuộc sống của con người, thức ăn gây hại cho sức khoẻ. Nghe anh khó chịu thế, cứ tưởng anh thuộc tầng lớp giàu sang, quý tộc bên Mỹ. Hoá ra anh cũng chỉ là anh kỹ sư bình thường, lương cũng chỉ đủ sống. Tui kể bạn bè nghe, mọi người bảo thằng đấy làm màu, nổ cho khác người, để chứng tỏ mình ở thế giới khác, văn minh, vệ sinh hơn, nâng mình lên thế thôi. Một kiểu làm bộ làm tịch hợm mình. Kiểu đó xưa rồi Diễm!
Từ chuyện này, tui muốn nói đến Mùi của quán. Theo tui, một quán ăn để hấp dẫn thực khách, phải có mùi. Chính cái mùi đó là cách tiếp thị tốt nhất, hiệu quả nhất. Quán cơm tấm, người ta thường nướng thịt ngoài mặt tiền, khói bay, mùi thịt, mùi mỡ quyện với những gia vị tẩm ướp cháy trên lò than đỏ. Chính cái mùi ấy làm cho khách bị cám dỗ, bước vào và gọi ngay một dĩa. Quán bún chả, cũng thịt nướng, nhưng nếu tinh tế sẽ thấy mùi rất khác. Đó là do hương vị tẩm ướp khác nhau của món ăn. Quán bún chả mùi thơm của thịt nướng. Quán cơm tấm mùi của thịt nồng gia vị. Đến quán thịt chó, cũng lò than, cũng thịt nướng nhưng mùi đã khác đi nhiều. Củ riềng, củ sả làm cho miếng thịt chó nướng có mùi đặc biệt. Mới điểm qua ba món thịt nướng, đã thấy ba mùi khác nhau. Nếu kể thêm quán bún thịt nướng thì lại có mùi thịt khác nữa. Vào quán phở, phải có mùi béo của mỡ, mùi của hồi, của quế, của gừng nướng hoà lẫn mùi ngây ngây của mỡ bò. Ăn tô phở trong không khí đó mới cảm nhận hết cái ngon của phở. Đặc biệt vào tiệm bánh, ta phải ngửi được mùi thơm của bột với va ni, trứng, với nho, với mùi đường lên mùi bởi lửa. Tất cả lại trộn với mùi bột nở tạo thành một mùi vị mà chỉ có tiệm bánh ngọt mới có được. Thơm phưng phức, gợi cảm giác thèm ăn. Vào lò bánh mì cũng thế, những chiếc bánh dòn tan, nóng hổi vừa được kéo ra lò cũng có một mùi khó quên. Vào tiệm cà phê phải có mùi cà phê, nhất là những quán cà phê vợt còn sót lại từ xưa. Vào những quán này, ta sẽ bắt gặp mùi cà phê ngào ngạt, mùi cà phê đăng đắng ngập tràn cửa tiệm. Ngồi uống tách cà phê, đắm mình trong mùi cà phê, đó cũng là điều thú vị. Vào quán bún bò mà không thấy mùi hương của sả, mùi của ruốc rất nhẹ, ta sẽ cảm thấy thiếu gì đó trong tô bún. Vào quán ốc mà không có mùi của biển khơi trộn với mùi béo ngậy của nước dừa, của phô mai chảy trên con hàu, ta cũng chưa thấy đã. Vào quán bún ốc, bún riêu, bún mộc mà không nghe thoang thoảng mùi mắm tôm, cũng chưa đủ để gọi là quán bún ốc. Vào cửa hàng trái cây, ta được hít mùi trái chín, mùi những cây trái trộn lẫn vào nhau đưa đến một mùi vị thiên nhiên, thanh sạch và khiến ta như đang đứng giữa vườn cây đầy trái chín. Vào quán vịt quay, heo quay, xá xíu ta lại thấy ngây mỡ với mùi thơm đặc trưng của thịt quay. Màu đỏ của da heo quay, của miếng xá xíu, của con vịt treo lủng lẳng cộng với mùi beo béo, thơm thơm làm cho ta nóng lòng thưởng thức. Ăn món bò nướng lá lốt trong quán phải nức mùi gia vị trộn với mùi lá lốt vừa cháy tới. Ăn bò kho quán có mùi bò kho. Ăn cá lóc nướng phải có mùi khét cháy của da cá khét trên lửa lẫn mùi mắm trộn khóm thoang thoảng trên bàn. Vào quán thịt dê có mùi cà ri, vào quán chè có mùi thơm hoa bưởi, vào quán cháo lòng có mùi của lòng luộc, ngay cả vào quán chay, ta cũng có mùi của tàu hủ, nấm hương. ....
Tóm lại, quán ăn là phải có mùi, đó là mùi của quán. Mỗi quán có cách ướp, cách chế biến, công thức nấu riêng nên mỗi quán cũng có mùi khác biệt. Quán không mùi là quán vô hồn. Một quán ăn sạch là quán đạt tiêu chuẩn vệ sinh từ trong đến ngoài, từ cái bàn cho đến muỗng đũa, từ cánh cửa cho đến buồng toilet. Nhưng quán phải có mùi của quán, vệ sinh không có nghĩa tiệt mất cả mùi.
Không thể đem những mùi thơm hoá chất, mùi của những chất tạo mùi để làm quán có cái mùi khác mùi đặc trưng món ăn của quán. Làm thế nào để mùi của quán bàng bạc trong không gian quán mà không gây khó chịu cho khách cũng là một nghệ thuật. Càng làm cho mùi của quán tinh tế mà vẫn đậm đà, thoang thoảng mà vẫn gợi nhớ, nhẹ nhàng mà vẫn khiến cho khách thèm khát, thì mùi của quán sẽ ăn sâu vào tâm thức của người thưởng thức. Khách sành ăn không chỉ tận hưởng cái ngon trong dĩa của mình, họ còn ăn cả mùi của quán.
Thế cho nên, ăn theo kiểu anh bạn tui, cứ sợ mùi thức ăn bám áo quần, sợ mùi của quán thì cả đời anh ấy cũng là người chưa hưởng thụ hết cái tinh hoa và thú vị của chuyện ăn. Một cái thú đầu tiên trong bốn cái thú vị nhất của cõi đời này.
13.9.2018
DODUYNGOC


Ôi xanh xao đời hoang đi mau
Bụi trần gian thân thể nát nhàu
Tiếng chim khắc khoải trên triền núi
Kim thời gian nhích dần cơn đau
Khêu đèn khuya chập chờn bóng ngã
Xếp hai chân mong lòng buông xả
Ngọn gió đêm đứng tựa cửa chờ
Mở mắt ra thân này chợt lạ
Góc tường xiêu có một ánh nhìn
Giữa vô cùng chẳng còn niềm tin
Kê gối lẻ thấy lòng tuyệt vọng
Duỗi đôi tay bất giác giật mình
Khi tất cả đi về phía biển
Rừng âm u cháy sáng địa cầu
Cả nhân loại đợi giờ vinh hiển
Biền bi thương thuốc độc nhuộm màu
Có khoảnh khắc nào nghe tái tê
Giữa vô minh biết nẻo nào về
Ta ngụp lặn dưới làn giông bão
Lạc giữa dòng quên hết đường quê
Ta lang thang cõi đời tịch mịch
Chẳng còn ai làm người thân thích
Luồng dung nham đỏ một góc đời
Nhìn chung quanh một màu cô tịch
Ngang qua ngõ then cài cửa đóng
Thềm rêu phong chẳng dấu người đi
Bên cửa sổ làn nhang rất mỏng
Khắc trong lòng vết xước còn ghi
Chiều đã chín tuổi già đã tới
Bước chân này đang chạm hoàng hôn
Sắp xếp lại bao diều cũ mới
Lạnh bàn tay lá héo bên cồn
Ngày hoang phế long đong nhìn lại
Chẳng còn gì ngoài mấy ngón tay
Che kín mặt thấy mình tồn tại
Thân ta còn mà ta đâu hay
13.9.2018
DODUYNGOC


Có dòng sông cũ chảy ngang qua
Có nỗi buồn đau lệch mái nhà
Có người qua ngõ không nhìn lại
Có kẻ đợi hoài ở một ga
Người gởi lại đây một vết thương
Người bỏ ra đi lạnh chiếu giường
Người thêm son phấn xanh con mắt
Người tạc nụ cười in dấu gương
Ta lỡ một lần đứng ngóng mây
Ta hắt hiu mong mãi phương này
Ta dừng vó ngựa chờ trăng nở
Ta rót ly đầy để đợi say
Trăng héo mòn giữa thu trên cây
Trăng phân vân soi tấm thân này
Trăng ẩm ướt khuyết dần lệ đổ
Trăng tàn phai chỉ mình ta hay
Đời xô ta trôi giạt bốn phương
Đời rêu xanh trên bốn bức tường
Đời đốt thân tàn như ánh nến
Đời gọt phận này mòn thịt xương
Đi mãi không tìm ra dấu xưa
Đi bao năm tháng vẫn chưa vừa
Đi loanh quanh mỏi quay đầu lại
Đi đón ai về tiếng dạ thưa
Trả lại vỉa hè những hàng cây
Trả bao ân oán vướng thân gầy
Trả đêm tiều tuỵ đèn hắt bóng
Trả bước chân cuồng chiều ngất ngây
Đến chốn trần gian tưởng chỉ cười
Đến vườn cứ ngỡ lắm hoa tươi
Đến rồi chỉ thấy đầy nước mắt
Đến đợi cho xong một kiếp người
13.9.2018
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget