Thế là đã qua đến ngày thứ năm mươi Sài Gòn bị phong toả. Giờ là giới nghiêm. Gần hai tháng nằm yên một chỗ, thèm được ngắm phố phường mà không dám đi mà cũng chẳng ai cho phép đi. Nhiều anh em cầm máy ảnh cũng giống tôi muốn ghi lại hình ảnh của một Sài Gòn vắng lặng với nhiều cảnh đau thương. Những hình ảnh hiếm có của cơn đại dịch đi qua thành phố này. Nó sẽ là những tư liệu rất quý giá sau này. Nhưng tiếc là không làm được. Kiếm cái giấy để đi đường cũng không khó, nhưng tuổi đã lớn nên xông pha ra ngoài cũng ngại đành ôm cục tiếc suốt ngày xem hình của nhiều bạn nhà báo trẻ. Chỉ riêng chụp tất cả những chỗ giăng dây, kẽm gai, chốt chặn cũng đã có trong tay một kho tư liệu quý. Hay chỉ cần chụp những con phố Sài Gòn ban ngày và ban đêm, những cảnh một Sài Gòn đìu hiu, vắng lặng chưa từng có trong lịch sử của thành phố này kể cả thời chiến tranh căng thẳng nhất. Những tấm ảnh tang thương của những người tử vong, cảnh thiêu xác, cảnh ngập người trong những bệnh viện, trong những khu cách ly. Cảnh những con hẻm, xóm nghèo với những người đang đói chờ hộp cơm của người thiện nguyện. Tất cả đều là đề tài để có được những bộ ảnh có giá trị tư liệu cao. Đành ngồi lưu giữ những hình ảnh thấy được trên báo, trên mạng cất giữ. Hồi nạn đói năm Ất Dậu 1945, nếu không có những tấm ảnh ghi lại của Cụ Nguyễn An Ninh, người ta sẽ khó hình dung thời kỳ khốn khổ đó của miền Bắc Việt Nam. Đại dịch bây giờ cũng thế, những tấm ảnh chụp được trong những ngày này sẽ là những tấm ảnh lịch sử. Có nhiều tổ chức của nhà nước phát động phong trào sáng tác nghệ thuật về cơn đại dịch này. Thế nhưng, dù chưa có kết quả các cuộc thi, người ta cũng đoán biết trước những tấm ảnh, những bài ca, những bài thơ, những bức tranh được giải sẽ không nói được thực tế của những góc khuất, nhưng đau thương và mất mát của những người đau đớn trong cơn đại dịch. Và những tác phẩm đấy chỉ là sản phẩm để tuyên truyền chứ không nói lên được không khí và hậu quả thê lương và số phận bi ai của người dân trong mùa dịch.
Trở lại chuyện đi chợ hộ cho dân. Hôm qua, trên báo chính thống cũng như trên mạng xã hội rộ lên nhiều tin cho thấy mô hình này mới triển khai đã bộc lộ nhiều lúng túng, nảy sinh những tình huống mà cả cán bộ đi mua hàng hộ lẫn người dân không mong muốn. Kết hợp công nghệ, trong đó có liên lạc qua Zalo nhưng công việc của các thành viên vẫn rất vất vả. Cách thức tiến hành qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên, tổ chốt đơn sẽ nghe điện thoại tiếp nhận thông tin từ người dân và lên đơn. Sau đó, tổ giao hàng mang đơn đến các siêu thị, phối hợp cùng nhân viên siêu thị lựa chọn, thanh toán và giao đến tận tay người dân. Các công đoạn tưởng giản đơn vậy nhưng khi thực hiện lại vướng nhiều trở ngại. Bộ phận nhận đơn suốt ngày đêm phải trực máy dù sáng sớm hay đêm khuya. Nhiều nơi chưa gắn với công nghệ, cán bộ phụ trách in các mẫu yêu cầu, phát tay cho người dân. Sau khi điền xong, người dân chụp lại và gửi cho các đầu mối. Cách làm này được nhiều người dân góp ý tốn thời gian, vừa cực công cho các cán bộ phụ trách. Khi mua hàng, lại thiếu sự đồng bộ giữa các siêu thị, cửa hàng với cán bộ đi chợ hộ cũng là một vấn đề, đặc biệt với địa phương không áp dụng mua hàng theo combo. Người đi mua hàng hộ ngoài việc phải lựa chọn hàng hoá đúng yêu cầu nhưng lại thiếu kinh nghiệm, họ còn phải mất rất nhiều thời gian để trao đổi với người mua nếu siêu thị hết hàng hay không có mặt hàng theo yêu cầu. Lại có dư luận khi giao hàng, các thành viên đội hình đi chợ hộ đối mặt với nguy cơ bị "bom" tiền và hàng. Nếu chuyện này có thật, thiết nghĩ tổ công tác của tổ dân phố, của phường sẽ nắm rõ cá nhân người mua và có biện pháp ngay chứ. Làm sao có chuyện đặt hàng rồi bỏ không nhận hàng cũng không trả tiền được. Theo quy định, người mua phải chuyển tiền qua tài khoản để tránh sử dụng tiền mặt dễ truyền virus. Nhưng rất nhiều hộ gia đình, nhất là người ở khu lao động, vốn nghèo thì làm gì có tài khoản mà chuyển, hoặc trong tài khoản cũng chẳng còn tiền sau mấy tháng thất nghiệp. Cho nên cũng có thể có cảnh cán bộ phụ trách ứng tiền trước cho các đơn hàng. Đến khi người dân nhận được, họ mới chuyển khoản trả lại. Việc này có thể có, nhưng chắc hiếm vì tổ công tác làm gì có sẵn tiền mà trả trước cho cả trăm cái đơn hàng. Bởi vậy, việc bom hàng hay đặt hàng xem thử cho vui thiết nghĩ cũng khó xảy ra. Nếu thật sự có việc này thì có thể xem hành vi này không chỉ là vô ý thức mà còn là trò đùa độc ác, có tính phá hoại cần phải có ngay biện pháp xử lý.
Hôm qua, 26.8 TP.HCM ra mắt đội shipper tình nguyện. Đội tình nguyện viên có vai trò hỗ trợ nhận, vận chuyển hàng hóa đến người dân khó khăn do dịch tại thành phố. Đội này do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Trung tâm An sinh TP tổ chức với 700 thành viên.
Mỗi nhóm có 10-14 thành viên, phân công nhóm trưởng, trực thuộc đội theo quận, huyện, TP Thủ Đức. Mỗi phường, thị trấn có tối thiểu 2 và mỗi xã có 3 shipper tình nguyện. Mỗi shipper tình nguyện được hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng; cung cấp suất ăn trưa, tối và 500.000 đồng/người/tháng phụ cấp xăng xe, điện thoại.
Nhiệm vụ của đội shipper tình nguyện là giao lương thực, thực phẩm từ tổ an sinh các phường, xã, thị trấn trên địa bàn đến từng hộ dân.
Đọc tin này, nhiều người tự hỏi thế đội quân của quân đội mấy hôm rồi rầm rộ xuất hiện trên báo chí, truyền hình ghi cảnh đi trao hàng cho dân rồi sẽ làm gì khi đã có 700 shipper tình nguyện viên này. Nếu vẫn giữ lực lượng quân đội thì có chuyện giẫm chân nhau hay thừa thãi hay không? Thực ra, quân đội nên nhận trách nhiệm bảo vệ an ninh, trật tự là phù hợp nhất. Làm việc đi chợ và phát hàng hoá cho dân không đúng việc của quân đội và họ sẽ chắc chắn không làm tốt công việc này như các shipper. Một điều khó hiểu nữa là thành phố đã có một lực lượng shipper chuyên nghiệp, lành nghề và nhiều kinh nghiệm của 5 công ty vận chuyển hàng. Tại sao không tận dụng lực lượng đó mà phải tổ chức thêm một đội shipper tình nguyện. Gọi là tình nguyện nhưng họ vẫn có tiêu chuẩn, vẫn có lương và phụ cấp chứ đâu phải làm không công. Luẩn quẩn, loanh quanh khó hiểu quá!
Từ chuyện shipper lại qua chuyện đồng phục cho công chức để đi đường trong thời kỳ thành phố giới nghiêm. Theo công văn số 2850 ban hành tối 23.8 của Ủy ban NDTP công chức nhà nước khi di chuyển phải mặc đồng phục và việc lo trang bị và phân bố đồng phục nhận diện cho công chức trong những ngày tới theo Công văn 2976 vẫn được nhắc lại để triển khai. Công văn này do Phó chủ tịch Lê Hòa Bình ký, có nêu việc trang bị và phân bổ áo nhận diện cho cơ quan, đơn vị có liên quan được thực hiện như sau: Đối với cấp thành phố, UBND TP giao cho Sở Công thương, Bộ tư lệnh TP chuẩn bị số lượng áo nhận diện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Công văn 2796 ngày 21.8.2021. Giao cho Sở Nội vụ chịu trách nhiệm phân bổ cho các cơ quan khối Đảng, Đoàn thể, các sở, ban ngành thành phố và các ban quản lý trực thuộc UBND TP; giao cho các sở ban ngành thành phố chịu trách nhiệm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc.
Không hiểu chính quyền sao bày lắm việc thừa thãi thế này? Các ông định kéo dài giới nghiêm bao lâu nữa mà nghĩ ra đồng phục cho công chức. Theo chỉ thị thì thành phố sẽ giới nghiêm trễ nhất là đến 15.9 và quyết tâm đến đó là ổn định được tình hình. Thế chỉ còn hơn nửa tháng nữa thôi, bày ra may sắm đồng phục để làm gì? Vừa tốn kém lại vừa chẳng có lợi chi cả. Trong lúc nhiều khó khăn như thế này, thử hỏi nguồn lực, nhân lực đâu giờ này để may áo quần nhận diện cho công chức? Đúng ra, nhiều ban ngành, cơ quan nhà nước lâu nay đã có đồng phục riêng cho đơn vị mình, mỗi cá nhân công chức cũng đã có thẻ, có giấy đi đường cả rồi, sắm thêm bộ đồng phục làm gì nữa, đúng là vẽ rắn thêm chân. Mấy hôm rồi việc quy định giấy đi đường thay đổi xoành xoạch đã khiến cơ quan, doanh nghiệp đau đầu, giờ lại thêm cái bộ đồng phục. Việc cần thiết lúc này là tìm phương kế để kềm hãm dịch, là tập trung cho việc cứu đói, là tìm cách ổn định xã hội, an dân. Chuyện đồng phục nên quên đi các vị ạ. Số tiền dùng để may đồng phục nên đem vào quỹ cứu nghèo, cứu đói thì phù hợp hơn nhiều.
Cho đến nay, việc lưu thông hàng hoá cũng vẫn gặp nhiều vướng mắc. Nhiều địa phương tự ra luật riêng của địa phương mình, không tuân thủ các chỉ thị của chính phủ. Chiều 25.8 một cuộc họp trực tuyến cùng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các tỉnh, thành về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nông sản. Rất nhiều ý kiến phản ánh, sau khi một số địa phương áp dụng biện pháp giãn cách tăng cường, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đang có nhiều khó khăn khiến chỗ thì thừa hàng hoá phải huỷ bỏ, nơi thì thiếu hàng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng tất cả hàng hóa đều là thiết yếu, trừ hàng cấm, tất cả đều quan trọng. Thế nhưng sau đó, mọi việc vẫn như cũ, mỗi địa phương vẫn có một luật riêng.
Ngày 26. 8: Có thêm 11.575 ca virus Vũ Hán, cả nước giảm 524 ca, thành phố giảm 1.360 ca so với ngày hôm qua. Cũng trong ngày 26.8, lực lượng Công an đã tiến hành xét nghiệp sàng lọc cho hơn 800 người sống lang thang tại TPHCM và phát hiện có 69 trường hợp dương tính với virus Vũ Hán.
Hôm nay 27.8, thành phố có thêm 2.121 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện đến nay là 97.719 bệnh nhân. TP tiếp tục không ghi nhận ổ dịch mới cần theo dõi. Hiện còn 16 ổ dịch đang diễn tiến.
Trưa 27-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) cho biết tính đến thời điểm này TP có 194.596 trường hợp mắc virus Vũ Hán, trong đó 194.159 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 437 trường hợp nhập cảnh.
Mong cho các con số càng ngày càng giảm, mong cho cuộc sống bình an đến với mọi người.
27.8.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi
DODUYNGOC
Đăng nhận xét