SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BA MƯƠI HAI.













Báo chí sáng hôm nay lại rộ lên tin về vaccine. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định hiện TP chỉ còn hơn 600.000 liều vắc xin ngừa virus Vũ Hán trong khi Bộ Y tế lại nói TP còn 1,7 triệu liều và TP cần phải rà soát lại các kho vắc xin của mình.

Theo Bộ Y tế, thành phố đã tiêm khoảng 2,3 triệu liều, trong khi số vaccine được được cấp là hơn 4 triệu liều. Như vậy so với số đã tiêm và số đã được phân bổ, có thể thấy TP.HCM còn khoảng 1,7 triệu liều (tính số liệu đến ngày 7.8)đề nghị TP.HCM có thể rà soát lại các kho vắc xin của mình vì thực chất số vắc xin TP.HCM được cấp vẫn còn. Theo số liệu từ cổng thông tin tiêm chủng cập nhật sáng nay 9.8, số liều vắc xin đã tiêm tại TP.HCM đúng là 2,3 triệu. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết kể từ đợt 1 đến nay, TP đã nhận 4,1 triệu liều vắc xin do Bộ Y tế phân bổ và đã tiêm được khoảng 3,4 triệu liều. Trong đó riêng đợt 5 tiếp nối đến nay là 2,6 triệu liều. 

Ông Nam khẳng định, sau khi tiêm vắc xin trong ngày 8-8, TP chỉ còn một ít vắc xin phòng dịch. Sáng nay 9. 8, TP.HCM đã nhận 600.000 liều vắc xin AstraZeneca từ Viện Pasteur TP.HCM. Ngay khi nhận được số vaccine này, TP sẽ phân bổ cho các quận huyện, TP Thủ Đức trong ngày để công tác tiêm chủng tại TP không bị "đứt quãng".

Với tốc độ tiêm của TP hiện nay (khoảng 260.000 liều/ngày) thì chỉ sau hơn 2 ngày nữa, nếu không được phân bổ tiếp vắc xin, TP tiếp tục có nguy cơ thiếu vắc xin trên diện rộng.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM trưa 9.8, trong ngày 8.8, TP đã tiêm 187.587 liều, giảm 74.884 liều so với ngày 7.8.

Như vậy từ khi bắt đầu đợt 5 (ngày 22.7) đến hết ngày 8.8, TP đã tiêm được 2.295.773 liều.

Cũng theo bà Nguyễn Minh Hằng - phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết tính đến ngày 3-8, Bộ Y tế đã có 18 đợt phân bổ vaccine. Tổng 18 đợt cho đến nay TP.HCM 4.075.270 liều, Hà Nội 2.943.770 liều, số này bao gồm cả lượng vắc xin phân bổ cho các đơn vị trung ương trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và cũng dùng tiêm chủng cho công dân, người cư trú tại 2 TP này. 

Tính theo tỉ lệ phân bổ vắc xin/dân số 18 tuổi trở lên, TP.HCM đã đạt 29%, Hà Nội 26%. Đây là tỉ lệ cao so với các tỉnh thành khác trong cả nước.

"Vẫn còn"…

Tóm lại, cho đến hôm nay, thành phố báo chỉ còn hơn 600.000 liều, trong khi Bộ Y tể cương quyết khẳng định thành phố còn khoảng 1,7 triệu liều. Thế khoảng chênh lệch 1 triệu liều đấy đang nằm ở đâu? Ta tin con số nào. Có giả thuyết đặt ra: Có lẽ, tôi nói có lẽ thôi nhé, Bộ Y tế cộng 1 triệu liều Sinopharm của Vạn Thịnh Phát vào trong con số phân bổ cho thành phố chăng? Nhưng thành phố cho rằng số vaccine này nằm ngoài kế hoạch được phân bổ nên không tính và cũng chưa tính kế hoạch sử dụng số vaccine này. Việc chưa sử dụng số vaccine Sinopharm được đông đảo nhân dân thành phố đồng tình. Và cũng mong lãnh đạo thành phố nên suy xét kỹ nguyện vọng của dân. Thứ nữa, Bộ Y tế thì bảo thành phố mới chích được 2,3 triệu liều, còn thành phố thì báo cáo đã chích được 3,4 triệu liều. Con số nào là con số chính xác. Thật sự, thống kê của Bộ Y tế cập nhật rất chậm. Nhiều khi muốn biết con số lây nhiễm và con số tử vong vì dịch bệnh thì chỉ tìm được của những con số của mấy ngày trước. Rốt cuộc ông nói gà, bà nói vịt, lung tung chắc biết đường nào mà mò.

Nếu đúng như báo cáo về con số vaccine còn lại của thành phố là chính xác, và với tốc độ 300.000 liều/ngày, thành phố này chỉ còn đủ vaccine tiêm chủng cho 2 ngày nữa. Mấy hôm nay, những người dân chưa được tiêm chủng đang lo lắng. Họ không ngại được chích trễ đôi ba hôm, thậm chí một tuần. Nhưng họ lo sẽ không còn thuốc để chích và phải chích Sinopharm. Và tin tức báo chí hôm nay đã cho thấy nỗi lo lắng của dân đã là sự thật. Nếu không được phân phối bổ sung, kế hoạch tiêm chủng của thành phố sẽ bị ngưng lại và hậu quả như thế nào cũng đã thấy rõ. Không những không ngăn chận được tốc độ lây nhiễm và tử vong mà còn gây hoang mang và phẫn nộ trong dân chúng, gây mất lòng tin. Đồng thời cũng khiến cho những nỗ lực của lãnh đạo, của hàng ngàn cán bộ y tế, tình nguyện viên đang ngày đêm hi sinh trên tuyến đầu lâm vào bế tắc. Thành phố cũng như trung ương khẩn cấp giải quyết vấn đề này ngay trong hôm nay. Đó là điều người dân mong đợi. Không chỉ dứt điểm đợt này mà còn chuẩn bị đợt tiêm chủng lần 2. Nếu không giải quyết kịp thời, vấn đề tiêm chủng trở thành công cốc. 

Câu hỏi đặt ra là hiện nay việt Nam có đang thiếu vaccine không? Chúng ta trở lại những con số nhé. Trong tháng 7, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine phòng dịch thông qua các nguồn khác nhau, trong đó có 7.493.300 liều vaccine với 4 lô hàng từ Cơ chế COVAX bao gồm 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 2.493.200 liều AstraZeneca…Trong ngày 6.8, thêm gần 600.000 liều vaccine của AstraZeneca đã về đến Việt Nam và đây là lần giao vaccine thứ 7 thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Như vậy bỏ qua những con số khác, ta có thể xem như Việt Nam ta đã có 15 triệu liều của Anh, Mỹ và 5 triệu liều của Sinopharm. Bỏ qua 5 triệu của Sinopharm, ta còn 15 triệu.

Bản tin sáng 6.8 của Bộ Y tế cho biết trong ngày 5.8 có 442.422 liều vaccine phòng virus được tiêm. Như thế tính đến 6.8, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 8.061.116 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 7.241.093 liều, tiêm mũi 2 là 820.023 liều. Vậy thì số lượng vaccine còn lại trong kho là khoảng 7 triệu liều. Trong tình thế cấp bách như hiện nay cũng như thông báo của Bộ Y tế, sắp tới ta sẽ có khoảng 50 triệu liều Pfizer sắp về, Mỹ tặng Việt Nam 77 tủ âm sâu, ta chưa cần phải có kế hoạch dự trữ vaccine. Mạnh dạn phân phối cho các địa phương đang bùng phát dịch, có nguy cơ lan rộng và đưa đến tử vong cao là việc làm hợp lý và đúng đắn trong lúc này. Có lẽ đây là lúc không nên ngồi cãi nhau về những con số. Cái cần thiết nhất hiện nay là ngăn chận được dịch, giảm con số tử vong. Muốn được như thế thì vaccine là giải pháp. Nếu không cung ứng đủ vaccine cho Sài Gòn, dịch không những không ngăn chận được mà còn có thể bùng phát mạnh mẽ hơn và những tang thương sẽ còn nhiều chia ly và tang tóc.

Cách đây gần một tuần, UBND TP đã đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế trong tháng 8 cấp cho TP.HCM khoảng 5 - 5,5 triệu liều vaccine. TP đặt mục tiêu trong tháng 8 này sẽ có 70-80% dân số trên 18 tuổi được tiêm vắc xin để đạt được tỉ lệ bao phủ vắc xin diện rộng. Thế nhưng đề xuất này vẫn chưa được đáp ứng vì Bộ Y tế vẫn cho rằng thành phố chưa dùng hết vaccine. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Nhưng ở đây là dân, là con người, là những sinh mạng trong tay các ngài chứ không là ruồi muỗi. Nhớ dùm cho.

Tỉnh Bình Dương, một tỉnh sát nách Sài Gòn cũng đang bùng phát dịch, nếu so sánh tỷ lệ dân số, số người mắc bệnh cao hơn Sài Gòn. Bình Dương không ngăn chận được dịch cũng ảnh hưởng đến thành phố rất lớn và cũng sẽ khó khăn cho Sài Gòn rút ngắn thời gian giãn cách. Ngày 8.8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế về việc phân bổ thêm vaccine cho tỉnh Bình Dương.

Theo công văn, đến nay, Bình Dương được Bộ Y tế phân bổ 544.060 liều vaccine (từ đợt 1-16). Tuy nhiên, với quy mô dân số hơn 2,6 triệu người và trong thời gian tới (tháng 8, 9/2021) tỉnh phải tiến hành tiêm vaccine cho khoảng hơn 2 triệu người trên địa bàn nhằm đảm bảo đủ lực lượng lao động. Để đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước 30.8, UBND tỉnh đề nghị Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ phân bổ thêm vaccine để thực hiện tiêm cho số người còn lại.

Đáng chú ý, trong ngày 8.8, nhiều phường, xã tại Bình Dương thông báo tạm hoãn tiêm do chưa có vaccine khiến người dân không khỏi hụt hẫng.

Với tình hình thiếu hụt vaccine tiêu biểu là Sài Gòn và Bình Dương. Bộ Y tế nên xem xét và chỉnh lại vấn đề cung cấp vaccine. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ dịch virus Vũ Hán khó mà ngăn chận và thiệt hại về người và kinh tế là rất lớn, không bù đắp được.

Trong bài viết hôm qua, tôi cũng đã đề cập đến phát biểu của ông Nguyễn Văn Nên về việc TP Hồ Chí Minh sẽ lo chu toàn việc hậu sự cho người chết vì virus Vũ Hán. 

Theo đó, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận tro cốt người chết vì COVID-19, tạm lo chuyện thờ cúng và sau đó chuyển đến từng gia đình một cách chu đáo. Ban Tôn giáo TP tiếp nhận tro cốt, thờ cúng đối với những gia đình chưa có điều kiện nhận chuyển giao. Chi phí hậu sự cho các trường hợp tử vong do COVID-19 sẽ được trích từ ngân sách thành phố. Thành phố cũng chỉ đạo Trung tâm hỏa táng không được tự tổ chức chuyển giao tro cốt cho bất cứ trường hợp nào. Đây là một quyết định hợp lòng dân chứng tỏ lãnh đạo thành phố đã có cái nhìn nhanh nhạy trước diễn biến và hậu quả của dịch bệnh để đề ra biện pháp hợp lý, hợp tình và mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, khi thực hiện cũng gặp nhiều trở ngại, nhất là đối với người nhiễm dịch tử vong tại nhà riêng. Quyết định rất hợp lòng dân của lãnh đạo thành phố cần phải có nhiều biện pháp thực hiện chi tiết và đồng bộ, càng sớm càng tốt trong lúc nầy.

Trước tiên là nói về đường dây nóng để liên hệ khi có xác chết ở nhà. Để liên lạc không phải là chuyện dễ dàng bốc máy là sẽ được trả lời. Cũng như số máy 1022 dành cho người gặp khó khăn trong cuộc sống vậy. Ít ra phải có những người có trách nhiệm, có nhiệt tình, có lòng thương đồng bào mình thay phiên trực máy để có thể dễ dàng liên lạc. Chứ không thì chỉ nghe tút tút. Khi người nhà có người tử vong, báo với xã, phường lên đến quận, thành phố và ban phụ trách việc này là một con đường dài dù chỉ là các cuộc gọi. Khi đã được đáp ứng, đội mai táng sẽ đến lo mọi việc thế chi phí đầu tiên người nhà phải ứng ra hay nhà nước lo ngay từ đầu. Nếu người nhà ứng trước thì sẽ có trường hợp gia đình quá nghèo, mà trường hợp này chiếm đa số thì xác sẽ được thực hiện ra sao? Trường hợp nhà ứng trước tiền thì sau đó mà đi nhận lại cũng là một hành trình khó khăn và gian nan với đủ loại giấy tờ và hành là chính đấy! Cũng có người thắc mắc là những người mất vì dịch trước ngày ban bố quyết định này là 7.8, có xin lại được chi phí đã bỏ ra không? Có được nhận 17 triệu của nhà nước không? Con số tử vong vì dịch hiện nay ở thành phố  nằm trong khoảng trên dưới 2000. Nếu cứ cho tình hình bi đát đến khi dập được dịch, con số có thể lên đến 3000 thì số tiền chi ra nằm trong khoảng 50 tỷ, con số cũng không quá lớn so với những chi phí khác của thành phố. Cho nên việc hoàn chi lại cho những gia đình có người tử vong vì dịch bệnh cũng nên được thực hiện thể hiện sự đồng cảm với những mất mát to lớn của các gia đình. Việc nhận lãnh 1,5 triệu đồng dành cho người lao động nghèo cũng đôi chỗ còn trục trặc, nên e rằng việc nhận lại 17 triệu chắc cũng lắm gian nan.

Thời gian này, các dịch vụ mai táng cũng đang tình trạng quá tải. Xe thiếu, quan tài không đóng kịp, nhân viên tẩm liệm, khiêng vác, tài xế không tìm được. Nếu có cũng phải thuê giá cao vì ai cũng ngại nhiễm bệnh, ai cũng sợ hãi. Do đó các dịch vụ mai táng phải tính giá cao hơn giá của nhà nước đưa ra. Việc nhà nước lo liệu cho người tử vong vì không nhà đòn nào dám nhận thầu với giá ấy. Nhà nước thì không có sẵn bộ phận nào lo liệu được khoản ấy. Có chăng chắc phải nhờ đến quân đội.

Hiện nay, nhiều gia đình có người chết vì virus Vũ Hán tại nhà rất khó khăn trong việc liên hệ các ban ngành có trách nhiệm. Ví dụ như một bức thư kêu cứu dưới đây:

KÍNH THƯA UBND P13 QUẬN 10 

Tại địa chỉ 493A/38 CMT8 p13.Q10 đang có 2 tử thi chết đã lâu. Bà dưới trệt chúng tôi làm được. Nhưng bà thứ 2 trên lầu  XÁC BÀ ĐÃ RỮA RA KHÔNG THỂ BỐC THI HÀI XUỐNG LẦU ĐƯỢC. QUÁ TỘI NGHIỆP . NHÓM Giang Kim Cúc và các Cộng Sự KO CHUYÊN MÔN ĐÀNH RA VỀ. 

Kính xin các ngài hãy xuống. Các ngài còn bảo là xác minh . Gọi công an bảo qua tt y tế . Y tế bảo mướn trại bên ngoài. Trong nhà đang còn 1 bà đang dương tính . TÔI CẦU XIN ÔNG BÀ HÃY RỦ LÒNG THƯƠNG MÀ XUỐNG VỚI NGƯỜI DÂN CHẾT KO XONG MÀ SỐNG KO YÊN .

Thầy tôi là Trụ trì chùa mà cũng chấp tay lạy van xin . Xin hãy nhủ lòng thương.

GIANG KIM CÚC 0949050789

Xin kết thúc nhật ký lockdown hôm nay bằng hai hình ảnh ghi được qua báo chí và trên mạng xã hội. Hình ảnh đầu tiên là hình một anh shipper quỳ lạy CSGT tha lỗi vì vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh của TP.HCM khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Anh shipper tên V 25 tuổi, nhà ở Quận 8 bị lực lượng chức năng tạm giữ xe tại ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh (Quận 1) do di chuyển giao hàng ra khỏi Quận 8 và GPLX (Giấy phép lái xe) bị mất chỉ có Hồ sơ gốc. Phạt giam xe và phạt tiền. Anh này có hoàn cảnh khó khăn cha mẹ V. thất nghiệp, em gái đang đi học, V. thì cày mùa dịch cả ngày cao nhất được 500 ngàn để nuôi 4 miệng ăn.

Nhìn đôi mắt bạn đỏ hoe vì suy nghĩ những ngày tới không có phương tiện sẽ làm gì nuôi cả nhà khiến người chứng kiến cũng chạnh lòng. Lực lượng chức năng đã làm đúng trách nhiệm của mình. Lý hoàn toàn đúng nhưng nhiều người cho rằng cũng nên có cái tình. Có thể cảnh cáo, nhắc nhở. Đừng nên nghĩ là giải quyết bằng tình sẽ tạo tiền lệ không tốt và khiến nhiều kẻ sẽ ỷ y mà vi phạm. Mỗi trường hợp mỗi hoàn cảnh, vì kế sinh nhai, vì để có chút thu nhập để nuôi sống gia đình trong thời buổi khó khăn, người ta mới phải chấp nhận ra đường bươn chải kiếm cơm với bao nguy hiểm có thể nhiễm bệnh rồi phải đối phó với các chốt chặn. Kiếm đồng tiền cũng lắm khó khăn. Tôi lên án những kẻ rỗi hơi tìm cách ra đường không lý do, chỉ để rong chơi hay thoả mãn những thói quen của cá nhân. Đó là những người vô ý thức. Nhưng tôi đồng cảm với những người vì hoàn cảnh mà phải chấp nhận nhiều nguy hiểm như anh chàng shipper này. Họ cũng là những người trên tuyến đầu cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân trong thời gian dài phong toả.

Hình ảnh thứ hai muốn nhắc đến hôm nay là khuôn mặt của người bác sĩ với dấu vết khẩu trang siết chặt hằn dấu trên khuôn mặt của anh. Người hằn rõ vết khẩu trang trên mặt là BSCK2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức. Vết hằn đó cho thấy người bác sĩ này đã tốn rất nhiều thời gian để chăm sóc, cấp cứu người bệnh. Anh chắc đã mệt nhoài. Đã mấy tháng nay, biết bao nhiêu bác sĩ, cán bộ y tế đã gồng mình đến kiệt sức, đã chấp nhận xa gia đình, xa cha mẹ, con cái để vào chốn nguy hiểm chực chờ nếu chỉ cần một chút sơ sẩy sẽ trở thành người bệnh và có thể qua đời. Suốt ngày họ chấp nhận nóng nực, bí hơi trong bộ đồ bảo hộ, không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống không theo một giờ nhất định và nhiều lúc ngất đi khi đang thi hành nhiệm vụ. Chưa kể họ lúc nào cũng bị than phiền, chửi rủa bởi những bệnh nhân khó tính hay vì quá đau đớn. Họ chấp nhận tất cả vì nghề nghiệp, vì đồng bào. Hãy tri ân họ, hãy cám ơn họ dù biết rằng bao nhiêu lời cũng không đủ cho những hi sinh.

Chỉ biết cầu mong cho đại dịch sớm qua đi, cho những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, người tình nguyện, những bệnh nhân được trở về gia đình, được đoàn tụ với những người thân. Cha, mẹ được gặp các con, được ôm con vào lòng sau bao ngày cách chia. Được nhìn lại cha mẹ già đã lâu trông ngóng, cầu nguyện cho con cái được bình an trong chốn hiểm nguy. Được ngồi ăn bữa cơm với gia đình, được ngã lưng trên chiếc giường quen thuộc. Được trở về với cuộc sống bình thường. Mong thay!

9.8.2021

Sài Gòn ngày lockdown thứ ba mươi hai

DODUYNGOC


SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BA MƯƠI HAI.

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget