Latest Post




Món bún bò Huế bây giờ có mặt khắp nơi, trong và ngoài nước. Tuy không nổi tiếng như Phở, nhưng bún bò Huế cũng được người dân mọi miền ưa chuộng. Nhưng phải nói thật một điều là bún bò Huế bây giờ lần lần mất chất Huế. Tô bún bò Huế bây giờ đã mất đi cái hương vị truyền thống. Bún bò Huế phải có hai thứ không thể thiếu là ruốc và sả. Mà phải là ruốc Huế chánh hiệu và loại sả nhiều tinh dầu. Đi vào quán bún bò bây giờ rất nhiều quán chẳng có mùi ruốc mà cũng không có mùi sả, thế thì sao gọi là bún bò Huế. Nhiều quán ở miền Nam xài ruốc Vũng Tàu, nhưng ruốc Vũng Tàu mùi không giống mùi ruốc Huế nên tô bún bỗng vô duyên. Sợi bún cũng không còn như xưa, ngày trước ở Huế, mấy lò bún đục cối ép bín bằng đinh ba phân, sợi bún ép ra lớn hơn sợi bún để ăn bún thịt nướng. Không phải bún nào cũng ăn với gì cũng được. Sợi bún ăn bún bò khác, sợi bún ăn bún mộc cũng khác với sợi bún ăn thịt nướng. Loại nào phải đúng với loại ấy. Bây giờ lại còn chế thêm thịt bò tái, bò viên ở tô bún bò, biến tô bún bò có một phần của phở. Trật lất hết. Bún bò đúng chỉ là bò, ngon nhất là bò bắp luộc chín. Heo thì dùng giò, giò sau mới ngon. Mà dân Huế cũng lạ, nếu đi biếu thì thường là biếu giò trước mà ăn thì chỉ chọn giò sau. Cái lạ nữa la trong kho tàng ẩm thực Việt Nam chẳng có món ăn nào là sự hỗn hợp của bò và heo. Bò là bò, heo là heo. Người Huế khéo chọn bò vốn nấu thì teo, heo hầm lâu thì nở thành một món ăn ngon. Lạ rứa hỉ? Giò thì có giò nạc, giò gân, giò khoanh, giò móng, giò búp. Giò khoanh là phần trên có thịt, có xương, có da, giò móng là phần dưới cùng của cái giò, có móng, gió búp là chỉ có thịt và da, giò gân là phần gần móng có xương nhỏ và gân, ăn nghe sần sật, giò nạc là miếng thịt trên cùng của giò, toàn thịt nạc, ăn ớn ghê lắm. Mỗi loại giò có vị ngon riêng tuỳ khẩu vị của mỗi người. Xưa nữa thì người ta gọi là bún bò giò heo. Nghĩa là chỉ có bò với heo trong nồi bún. Dần dần người ta thêm chả cua, chả tôm, huyết heo hầm bà lằng, bún bò không còn là bún bò giò heo mà là bún thập cẩm. Nhưng sợ nhất vẫn là thịt bò tái trong tô bún bò, một sự cách tân, pha trộn khó chấp nhận.

Bún bò ngày xưa nấu trong nồi nhôm tròn không quai, người ta bảo nồi đất nấu cơm, nồi đồng nấu cháo và nồi nhôm nấu bún. Nấu nồi nhôm mau sôi mà nóng giữ được lâu. Giờ thấy quán nào còn cái nồi nhôm đó thì hầu hết chủ là gốc Huế. Pha ruốc trong nồi bún bò cũng là một nghệ thuật, làm sao tô bún vẫn còn hơi ruốc mà không nồng mùi ruốc, không phải ai cũng làm được. Cũng có người sau khi chặt và rửa sạch giò, để ráo rồi ướp với ít nước ruốc, trước khi đem nấu, làm thế miếng thịt đậm đà, ăn không ngấy.

Nồi bún bò ngày xưa cũng đỏ au, không chỉ có ớt mà còn do dầu điều. Giờ tô bún trắng nhách như nước phở, nhìn hết muốn ăn. Màu đỏ hoà với màu xanh của hành, màu nâu của thịt bò thái mỏng cộng với khoanh giò khiến tô bún bò chánh hiệu nhìn hấp dẫn làm sao, nhìn mới ngon làm sao. Còn một điều nữa mà giờ người ta ăn bún bò trật bậy. Đó là không ai ăn bún bò bằng muỗng. Chỉ với đôi đũa, người ăn húp sủm sụp vừa bún, vừa thịt, vừa nước vào miệng, tất cả mới thành hương vị đủ thứ quyện lại của món bún bò. Ăn kiểu bây giờ, thịt đi đằng thịt, bún đi đường bún, nước đi đường nước, chẳng giống cái chi cả. Người ta cho rằng ăn như thế là kiểu ăn của người nhà quê, không sang. Nhưng ăn như thế mới đúng kiểu, cũng như người Pháp ăn gà phải dùng tay, ai ăn bằng nĩa người ta cười cho là không biết ăn. Người ta còn bảo:
Thịt gà, cá nướng, đàn bà.
Cả ba thứ ấy đều dùng bằng tay he..he

Húp một hỗn hợp như thế mà cắn thêm miếng ớt nghe cái bụp nữa thì đúng là thưởng thức trọn vẹn cái ngon của món bún bò. Ăn bánh bột lọc cũng vậy, chỉ chấm bánh với nước mắm xáy trái ớt xanh cũng chưa đã miệng, ăn cái bánh, cầm chén nước mắm, mà phải nước mắm nhỉ mặn nha, không phải thứ nước chấm lờ lợ chua chua ngọt ngọt bây giờ người ta hay dùng, cầm chén nước mắm mặn đó mà húp một miếng, ôi chao ôi! Cay, mặn cộng với béo, bùi, dai của cái bánh bột lọc, ngon thấu trời! Cái ngon của sự húp là vậy đó.

Bây chừ đi mô cũng thấy quán bún bò Huế, nhưng khó thấy quán bún ngon, cũng chẳng tìm thấy tô bún Huế chính gốc không pha tạp. Bún bò Huế bây giờ nhiều nột nêm, bột ngọt mà thiếu cái ngọt thanh của xương, của ruốc.
Bún bò ở miền Nam thì ngọt đường, bún bó ở Bắc thì mì chính. Miếng giò không còn thơm, ngậy, béo mà không ngán như xưa, có lẽ bây giờ nuôi heo tăng trọng. Nước lại trong veo như nước lèo của phở hay hủ tíu. Lại thêm đủ thứ rau. Bún bò xưa không ăn với rau, bây giờ thì tía tô, chuối xắt, rau muống chẻ, chẳng khác chi bún riêu. Ngay ở Huế, ở trong tiệm tô bún bò cũng lai căng và chẳng còn ngon. Người ta lại bảo ăn bún bò Huế ở Sài Gòn đôi khi cũng còn chất Huế hơn ở Huế. Nói thế thôi chứ muốn ăn bún bò Huế còn chút hương xưa, nên tìm gánh bún của mấy O, mấy Mệ đi bán rao ở đường phố, ở vỉa hè xứ Huế. Lớp người bình dân đó ít lai tạp, cũng ít chạy theo thị hiếu nên ít nhất cũng còn chút truyền thống ở gánh bún của mình. Dừng chân ở bên đường, bẻn đôi quang gánh có nồi bún đỏ lòm .nghi ngút khói thoảng mùi ruốc Huế lẫn mùi sả hăng hăng. Cầm tô bún một tay, tay kia cầm đôi đũa, húp một miếng, cắn miếng ớt cay thấu đít, ôi chao, ngon lạ ngon lùng. Rứa mới là bún bò Huế.

Xã hội thay đổi, cuộc sống đổi thay, đời sống cũng theo đà tiến hoá mà không còn như cũ. Nhưng có một thứ không nên thay đổi, không nên chạy theo thị hiếu đó là những món ăn truyền thống. Thế giới phẳng, người Việt toả ra khắp nơi trên thế giới. Họ không mang được ngôi nhà đi theo. Họ không mang được cây đa, giếng nước, ngôi làng đi theo. Cái mà con người ly hương mang theo được là những món ăn của quê nhà, món ăn của kỷ niệm, món ăn của ký ức. Thế nên đừng biến tấu nó, đừng lai tạp nó, đừngcanh tân nó mà cứ nên giữ cái chất, cái hương, cái mùi, cái vị của một thời xưa cũ. Đấy cũng là một cách để yêu quê hương, cũng là một cách giữ quê nhà trong lòng mình
Sài Gòn, chiều chủ nhật 18.8.2019
DODUYNGOC

Nghe đồn ở Huế bây giờ có bún bò Mệ Kéo rất ngon. Hôm nào có dịp ăn thử xem sao
https://youtu.be/ZZoteDnf6xo



















Chiều bỗng buồn miệng, muốn đi kiếm gì ăn mà lười đi xa. Chợt nhớ gần nhà có quán phở gà đường Kỳ Đồng. Vô tới đó thì lại nhớ trong hẻm này có quán bún ốc, đổi ý chạy vô quán bún ốc Thanh Hải. Ngồi ăn tô bún, nhìn cả dãy nhà sáu, bảy căn của quán mới thấm câu Phi thương bất phú của người xưa.

Vào thập niên tám mươi của thế kỷ trước, bên vỉa hè đường Kỳ Đồng xuất hiện một gánh bún ốc. Chủ gánh là một phụ nữ miền ngoài vẫn còn mang phong cách của người nhà quê Bắc bộ. Dáng người lam lũ, áo quần luộm thuộm, nói giọng khó nghe. Gánh bún ốc của bà đơn giản nhưng cũng nhếch nhác lắm. Bàn không có, chỉ mấy cái ghế thấp. Nổi bật là nồi nước bốc khói, có màu đỏ của cà chua và lềnh bềnh riêu cua. Thuở đó mọi người đều thiếu ăn, cả nước đều nghèo, thịt cá, gạo muối đều mua bằng tiêu chuẩn tem phiếu, nên tô bún ốc chẳng bao nhiêu tiền cũng là món ăn ngon. Người ta bảo nhạt như nước ốc, con ốc luộc thì nước có chi gọi là ngon, may nhờ riêu cua, con cua đồng nhỏ xíu giã nát cho chất ngọt của nồi bún, còn thịt ốc sần sật, bùi bùi làm cho khoái khẩu. Gánh ốc bình dân vỉa hè đó giúp cho bà nuôi mấy đứa con và ông chồng bộ đội vừa phục viên không muốn về quê vỉ ngoài đó nghèo quá chẳng có cái ăn. Gánh bún đông khách dần, thu nhập càng ngày càng khá mà vốn tính người miền ngoài tằn tiện, ăn mắm muối cũng qua bữa cơm nên khi có một món tiền kha khá bà vào con hẻm bên đường mua căn nhà nhỏ. Quán càng ngày càng phình ra, hễ có tiền là bà mua nhà, mà toàn mua nhà kế bên quán, giá mấy cũng mua. Thời ấy nhà rẻ, người đi định cư, kẻ chuẩn bị vượt biên bán nhà nên bà lần lượt thâu tóm và bây giờ là một dãy nhà với cái tên quán bún ốc riêu cua Thanh Hải bề thế chiếm cả khu đất rộng. Bà bán bún ốc lam lũ ngày xưa bây giờ là bà chủ tỷ phú tay đeo hột soàn, cổ đeo dây chuỗi ngọc, mang váy hoa hoè sặc sỡ. Tuy vậy cái chất thôn quê vẫn không gột sạch, cách ăn nói, đi đứng vẫn là cách của người đàn bà năm xưa rời quê theo chồng vào Sài Gòn với gánh bún ốc bên đường. Quán cũng vậy, tuy nổi tiếng và rộng rãi nhưng điều kiện vệ sinh không tốt, rau và thức ăn bỏ dưới sàn sát với nhà vệ sinh, khiến cho khách nào đã thấy cảnh đó cũng hơi khó nuốt.
Đất Sài Gòn, người Sài Gòn đã giúp bà từ một người phụ nữ thôn quê nghèo đất Bắc thành bà chủ tỷ phú ngày nay. Đúng là đất lành chim đậu.

Đi ra một chút ngay ngã ba hẻm là quán phở, miến gà cũng đông khách và nổi tiếng không kém. Quán này khai sinh cùng thời với bà bún ốc Thanh Hải, tức cũng đầu thập niên tám mươi. Lúc đó bún ốc phía bên kia đường, xéo xéo một chút về phía Trần Quốc Thảo bây giờ, chỗ đó là quán phở gà. Cũng là quán vỉa hè. Khác chăng chủ quán phở gà là gia đình chính gốc Sài Gòn. Có lẽ cuộc sống khó khăn, vợ chồng mới mở ra gánh phở làm kế sinh nhai nuôi đàn con. Quán phở gà do người Sài Gòn bán nên nhìn gọn gàng, chu tất hơn gánh bún ốc bên kia. Quán có bàn với mấy ghế nhựa cho khách. Có kệ để tô chén, có bếp nấu nước lèo, có lon guigoz để đũa muỗng. Chồng vợ và cô con gái lớn thay nhau phục vụ khách.
So với hồi đó, đây là quán có món phở gà khá ngon và tuy bán lề đường nhưng cũng khá chỉnh chu và sạch sẽ. Nước lèo thanh, trong, thịt gà ngọt thơm, da gà vàng óng tạo thành một tô phở gà hấp dẫn và gợi cơn thèm giữa thời buổi ai ai cũng thèm thịt vì thiếu chất đạm. Nhờ thế, khách càng ngày càng đông, quán càng ngày càng lấn rộng ra chiếm cả hè đường. Cũng may thời đó chưa có chiến dịch giải toả, làm đẹp lòng lề đường, nên mọi người tha hồ chiếm vỉa hè mà sống. Một thời kỳ ai cũng phải bám vỉa hè để tồn tại. Rồi cũng từ vỉa hè ấy, gánh phở phát triển dọn vào nhà làm thành quán phở. Khách càng lúc càng đông, tên tuổi đồn xa, khách ra vào nườm nượp, tiền cũng thu vào như nước, quán lại thay địa điểm gần đấy, lúc này quán thành một tiệm lớn, có tên tuổi, số má ở đất Sài Gòn, bán từ sáng đến khuya lắc lơ, khách lúc nào cũng đông, gà luộc sẵn chất la liệt, rau, phở, miến tràn lan, ú hụ, một ngày không biết giết mấy trăm con. Bây giờ là quán Phở, miến gà Kỳ Đồng, khách tấp nập cả ngày lẫn đêm. Chủ giờ cũng đã là tỷ phú. Ông già khai sinh ra quán chắc đã mất vì tuổi già, bà vợ chặt thịt bên hè ngày xưa bây giờ cũng đã lọm khọm, quán giao lại cho các con, cô con gái lớn làm chủ. Cô cũng chẳng có chi thay đổi, vẫn bộ áo quần giản dị của người dân miền Nam tuy vải tốt hơn xưa và tay đeo nhiều nhẫn vàng hơn.

Ngồi ăn tô bún ốc, nhớ lịch sử của hai quán này, thời gian đã ba mấy bốn chục năm, thấy người ta giỏi thật. Từ gánh vỉa hè để rồi trở thành quán ăn có thương hiệu, có thu nhập cao như hôm nay, ngoài yếu tố may mắn cũng còn phải tốn nhiều công lao, thức đêm, dậy sớm, cực khổ trăm bề, tảo tần, chịu khó, tằn tiện mới có cơ ngơi, tên tuổi như hôm nay. Còn tui mấy chục năm qua vẫn là anh nghệ sĩ nghèo, vẫn là người bám cây cọ, cây bút mà sống, quăng bút đi thì đói rã họng.
Thành công như họ thì cũng phải nể chứ!!
12.8.2019
DODUYNGOC


(Viết tặng Chị Thiện, Châu, Thành, Trâm, Trà, Liên, Loan, Thuận và anh Lượng đã ở trên trời)

Hồi còn bé, cách đây đã hơn sáu chục năm, ở Đà Nẵng có món bún Suông. Món này không có bán ở tiệm mà chỉ là gánh đi bán rong. Mấy chục năm đi qua, tui vẫn không giải thích được tại sao người ta gọi món này là bún Suông. Theo giải thích của tự điển thì Suông trong tiếng Việt là:Thiếu hẳn đi cái thật ra là nội dung quan trọng, nên gây cảm giác nhạt nhẽo, vô vị. Uống rượu suông (không có thức nhắm). Nấu canh suông. Nghèo quá, ăn Tết suông.
(Ánh trăng) Sáng mà không tỏ, không trông thấy mặt trăng, gây cảm giác lạnh lẽo, buồn tẻ. Bầu trời bàng bạc ánh trăng suông.
Chỉ nói mà không làm. Hứa suông. Lí thuyết suông. Chỉ được cái tài nói suông.
Tất cả giải thích trên đều không đúng với món bún Suông. Hay là người ta gọi là bún Suông vì món này chẳng có thịt thà chi ngoại trừ miếng chả.

Bún Suông là món ăn dân dã, món ăn đơn giản và bình dân. Món này ở miền Trung người ta nấu với ít xương heo, hay nước luộc cá với cà rốt, bắp cải. Nước ngọt thanh, hơi đục. Tô bún Suông gồm bún, vài lát cà rốt và đôi miếng bắp cải cộng miếng chả tôm, có khi là miếng chả cá hoặc chả cua. Chế thêm vài giọt nước mắm ngon và vài lát ớt đỏ.Thế là xong bát bún Suông. Thế nhưng trong ký ức của tui, đó là bát bún ngon đọng mãi trong trí nhớ. Gia đình tui đông anh em, mạ tui sinh mười bốn, nuôi được hơn chục, nên ít khi ăn kiểu mỗi người một tô rồi tính tiền. Thường là chị bán bún khi còn gần nửa nồi hoặc góc nồi, đến đứng ngoài hàng rào nhà tui gọi vọng vào: Bác K.ơi, còn nửa nồi bác mua giúp cháu, cháu về sớm lo mấy cháu. Thế là tụi tui ùa ra mở cửa, chị gánh gánh vào, mạ tui kêu người làm đem nồi ra sang nước lèo, đem rổ ra đựng bún, đem dĩa ra lấy chả tôm. Hôm đấy cả nhà ăn một bữa no. Lần nào chị bán bún cũng cám ơn mạ tui rối rít. Tui nhớ chị có khuôn mặt phúc hậu, nhìn cũng xinh theo kiểu thôn quê. Chị thường mặc áo dài nâu thâm, có mấy miếng vá, cũng có khi chị mặc áo dài lam, cũng có lúc chị mặc dài trắng đã ngã màu cháo lòng, nhưng lúc nào cũng sạch sẽ và gọn gàng.

Sau này đi vào Nam, tui cũng tìm ăn món ăn cũng gọi là bún Suông nhưng lại hoàn toàn khác món bún mà tui đã từng ăn thời trẻ nhỏ. Bún Suông miền Nam cầu kỳ hơn nhiều. Bún suông miền Nam còn được gọi là bún đuông. Món ăn có xuất xứ từ Trà Vinh. Sở dĩ món ăn này có tên gọi như vậy là xuất phát từ chả tôm vừa tươi ngon và mềm mịn được tạo hình như những con đuông. Sự hấp dẫn của món này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh. Nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn. Món này hiện đang được ưa chuộng ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn. Trong chợ Bến Thành có quán bún này, cũng đông khách lắm. Tui ăn vì cái tên của món ăn ký ức chứ thật ra nó chẳng có hương vị gì của món ăn ngày xưa.

Một món bún nữa mà tui không còn tìm thấy mấy chục năm rồi. Đó là món bún nước xuýt. Tra từ điển thi thấy giải thích là nước luộc thịt hay nước hầm gà. Có người cầu kỳ hơn thì lan man rằng: Nó là cái gì mà thần diệu đến thế? Chỉ đơn giản là một nồi nước hấp thu những tinh túy của nguyên liệu qua thời gian, một nồi nước xuýt nếu đun càng lâu sẽ càng ngọt, một hỗn hợp nước suýt làm từ xương cá, xương gà và xương bò có công dụng làm chắc xương, bớt đau họng, giúp cơ thể cường tráng và sung mãn hơn… Đối với đầu bếp, tôi tin rằng nước xuýt giống như một loại nước Cam Lộ – một loại nước có thể trị bách bệnh cũng như là gốc rễ cho hàng ngàn món ăn ngon.
Nước xuýt (stock) hiện hữu như một kiến thức cơ bản trong mọi món ăn các nước: Pháp, Ý, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu phi, Nam Mỹ… Ở Mỹ thì nước suýt biến thể thành nhiều loại hơn, đa dạng hơn như: broth – nước xuýt dạng đặc, súp… nhưng về nguyên tắc thì vẫn như nhau: Xương ống, móng, khớp sụn, xương sườn… cùng với gân hoặc gầu đều có thể trở thành một nồi nước xuýt tuyệt vời. Một điều đáng buồn là những miếng phile không xương hay thịt gà công nghiệp đang làm mất dần đi giá trị của xương, ở nhiều nơi trên thế giới bây giờ đã không dùng đến nước xuýt trong các món ăn nữa.
Trải qua năm tháng, nước xuýt đã được biến hóa trong bàn tay của những đầu bếp trên toàn thế giới và tạo thành những đặc sản mang đậm bản sắc dân tộc, văn hóa:
_ Ở đông Á, Nhật Bản có loại nước xuýt truyền thống làm từ tảo bẹ (kombudashi).
_ Ở Maldives có loại nước xuýt đặc hiệu mang tên garudiya được chế biến từ cá ngừ.
_ Trong cộng đồng người dân ở bang Louisiana một loại nước xuýt phổ biến được làm từ móng giò lợn có tên Ham stock…
_ Ở nhiều nơi trên thế giới, nước xuýt làm từ cá (cá ngừ, cá hồi, cá lăng…) được pha chế và sử dụng trong các món hải sản.
_ Fond blanc: một loại nước xuýt trắng của pháp dược làm từ xương và hỗn hợp hành tây cần tây và cà rốt.
_ Nước xuýt cừu là một loại nước xuýt khá lạ miệng khi kết hợp giữa nước xuýt gà và xương cừu non nướng ninh trong 8 tiếng.
Còn rất nhiều loại nước xuýt nữa như nước xuýt tôm, nước xuýt bê, nước xuýt chay…(Theo Mann up)

Đọc thấy rắc rối quá. Đối với tui, đơn giản hơn nhiều, nước xuýt là nước béo từ cơ thể con heo trong quá trình quay chảy ra, đơn giản thế thôi. Ngày xưa người ta quay heo nguyên con, ít khi quay từng miếng thịt như bây giờ, nên nước xuýt rất nhiều và là tinh tuý của con heo. Hồi xưa sau lưng nhà tui là một lò heo quay. Ông chủ tên Thừa. Ba tui chữa bệnh cho cả nhà ông ấy, ông lại câu điện của nhà tui, thuở đó điện cũng hiếm lắm, cho nên ông ấy rất kính nể ba tui. Thường vào ngày chủ nhật, cả nhà dậy trễ một chút vì chẳng ai đi học, đi làm, hơn nữa cả tuần ăn sáng bằng bánh mì rồi nên tụi tui muốn đổi món, ăn bún nước xuýt. Hôm trước đã dặn bác Thừa để cho nồi nước xuýt. Tui thường có nhiệm vụ qua lò heo quay khệ nệ mang về. Mạ sai mua cả rồ bún. Chỉ cần hâm cho nóng rồi chan với bún, bảo đảm ngon hơn nước lèo của bất cứ tiệm phở nổi tiếng nào. Chẳng cần nêm bột ngọt bột nêm, cái vị ngọt ngào, beo béo tinh chất từ con heo chảy ra thấm đẫm trên đầu lưỡi. Hôm nào sang thì có thêm gan, lòng hay vài miếng heo quay. Nêm chít nước mắm nhỉ Nam Ô, rắc chút ớt bột cay xé lưỡi. Ôi chao ôi, ngon không biết sao mà kể. Cả nhà hơn chục đứa, với ba mạ và mấy người giúp việc thanh toán sạch sẽ cả một nồi to nước xuýt với rổ bún lớn, no lặc lè.

Hôm trước đọc bài Hương vị Ngã ba Ông Tạ của anh Phạm Công Luận có đoạn viết: "Đi từ ngã ba, qua bên kia cầu ông Tạ còn có tiệm bán cháo lòng tiết canh heo rất ngon của ông Nho. Qua cầu, đi bộ chừng năm phút thì tới. Một tô cháo ông bán có để giá bên dưới, cháo lòng và tiết bên trên xong mấy miếng dồi và tìm, gan heo, ông thái mỏng đặt bên trên và rắc thêm hành ngò, rất là hấp dẫn. Thời đó, không ai ngại món tiết canh như bây giờ và không thấy ai bị bệnh vì món này. Những đĩa tiết canh heo ông đánh lên cho đông lại rất ngon, trên lát mấy miếng gan heo thái mỏng, ăn với rau húng quế. Nước nấu cháo lòng của ông Nho là nước thịt heo quay, không biết là mua hay xin ở nhà ông Nhạ mà người ta bảo là anh em ruột của ông, trong ngõ ấp Hàng Dầu. Ngày nào nhà ông Nhạ cũng làm heo quay bỏ mối hoặc bán ở chợ ông Tạ. Khi quay thịt, ông xâu một thanh sắt qua con heo từ đầu xuống đuôi rồi máng trên hai cây. Bên dưới là một lò bếp than củi, giữa bếp lò và thanh ngang xiên con heo có đặt một nồi nước thật to. Ông quay thịt heo bằng hơi nước chứ không trực tiếp bằng than lửa nên khi thịt heo chín dần, nước mỡ từ thân heo chảy xuống cái nồi phía dưới. Khi quay xong mấy con heo thì nồi nước “lèo” phía dưới toàn là nước cốt từ thịt heo chảy xuống. Heo chín xong, da vàng ươm, giòn rụm còn thịt bên trong trắng tinh đậm đà, mềm và béo. Thịt heo đã ngon. Cháo lòng nấu từ nước cốt nhà ông Nhạ càng ngon. Nhà nào trong khu này muốn ăn cháo lòng cho đã thì đến nhà ông Nhạ mua nước thịt heo quay. Ai quen thì ông chỉ cho, không bán.Xong, ra tiệm ông Nho mua tiết, lòng heo, dồi, gan, tim, dầu cháo quẩy, giá về cho vào cháo ăn."(Phạm Công Luận)

Cái thứ nước mà anh Phạm Công Luạn viết ở trên là nước xuýt đấy. Trời ơi! Nước xuýt đó mà đi với lòng, dồi, gan, tim, bánh quẩy nữa thì ngon kể chi cho siết hỡi trời!

Mấy hôm nay trời Sài Gòn mưa dầm, chẳng đi đâu, chợt nhớ mấy món ngày xưa còn bé giờ chẳng biết tìm đâu. Chỉ là món ăn đơn sơ, giản dị nhưng không còn tìm thấy nữa. Đã qua hơn nửa đời người rồi, có thể bây giờ có tìm được mấy món này, ăn sẽ không còn thấy ngon như xưa nữa, chắc thế rồi. Đành để mấy món bún dân dã này nằm trong ký ức để vẫn thấy nó ngon như hơn sáu mươi năm trước. Để nó thành kỷ niệm không phai của cuộc đời mình. Để nhớ và tiếc nuối hình ảnh gia đình sum họp trên bàn ăn dài ngoằng còn có Ba, có Mạ có đông đủ anh chị em quây quần bên nhau. Tất cả đã trôi đivà mất dần theo thời gian, theo định luật bể dâu. Viết về hai món ăn mà lòng buồn và nước mắt cứ chảy theo từng con chữ. Ngày chủ nhật buồn hiu.
11.8.2019
DODUYNGOC


Tháng tám đẩy cửa vào buồng
Ô hô tui vẫn ở truồng Tám ơi
Tháng tám đứng ở ngoài chơi
Tui xong quần áo sẽ mời Tám vô
Phòng tui lắm thứ xô bồ
Âm u hang ổ như mồ quạnh hiu
Đất trời thu lại bấy nhiêu
Có con chim rũ đến chiều lại bay
Tui ngồi trên ghế loay hoay
Đôi khi thiếu thuốc trời quay mòng mòng
Nhớ quê thèm nghệ xào lòng
Nhớ thêm quá khứ bóng hồng hôm nao
Tháng tám trời đất xôn xao
Riêng tui tháng tám cồn cào xác thân
Buồn buồn nằm ngửa ở trần
Cởi thêm quần lót thấy gần hư vô
Nghe trong gió chuyện mơ hồ
Nắng nơi kẹt cửa hàm hồ chửi nhau
Tháng tám rồi cũng qua mau
Quanh đi quẩn lại đời nhàu mất tiêu
16.8.2019
DODUYNGOC


Lão già tóc bạc phủ bờ vai
Quẩn áo lôi thôi bóng đổ dài
Đã quên quê cũ bên kia núi
Vẽ mặt bôi râu diễn vở hài
Đi xuống đi lên hoài một chỗ
Sách vở mối đùn lên thành tổ
Hai con chó đói sủa suốt ngày
Ngồi nhấp trà suông bàn chữ cổ
Đến bữa kiếm cơm hàng cháo chợ
Loay hoay chồng chất đời lắm nợ
Nghe tiếng chuông chiều bỗng ngẩn ngơ
Đốt ngọn đèn khuya lòng thấy sợ
Loanh quanh đi mãi đoạn đường dài
Giữa phố phường không thấy quen ai
Hai bàn tay héo che lấp mặt
Dấu hết chân dung kẻ bất tài
Trưa ngắm mây bay về khuất nẻo
Khuya nhìn trăng khóc giữa mù tăm
Đọc hết pho kinh đêm đã héo
Ôm gối mênh mông một chỗ nằm
Nhà lắm nhện giăng giường lắm bụi
Sân phủ rêu xanh chẳng kẻ vào
Đốt thêm điếu thuốc chờ mưa tới
Xoá những tàn phai mở lối rào
8.2019
DODUYNGOC


Ta chống gậy về trong đêm sương
Cỏ hoa khép nép ngã bên đường
Núi kia đá dựng sầu muôn kiếp
Gió hoang mang mắt trừng vỡ gương
Ta bò lên dốc lăn xuống dốc
Vó ngựa mệt nhoài khua lóc cóc
Lác đác ngọn đèn đêm vắng tanh
Nhìn đám mây bay buồn muốn khóc
Quê nhà còn ai mà trở lại
Tất cả thành tro bụi cả rồi
Thân tàn muốn tìm ngày thơ dại
Chợt nhớ ra, đời đã mồ côi
Văng vẳng từ đâu tiếng vọng về
Giục người xa xứ nhớ hương quê
Năm mươi năm bỏ đi biền biệt
Vết sẹo mòn, lòng còn tái tê
Ta ngồi dựa gốc cây già cỗi
Nhựa khô héo hắt lá không xanh
Đời ta có biết bao lầm lỗi
Tuổi già nua chịu kiếp độc hành
Đêm giữa đường nghe chó tru trăng
Bỏ cả càn khôn chọn chỗ nằm
Không khóc sao môi nghe mặn đắng
Thở hơi dài nghĩ chuyện trăm năm
Trăng héo bên hiên nhìn thăm thẳm
Trời cao đất rộng ngó mênh mông
Ta nghe sao rụng trên tàn lá
Vọng tiếng thời gian nát cả lòng
Ta thất thểu về trong ban mai
Nắng vấn vương cất tiếng thở dài
Mỏi chân ngồi lại con đường cũ
Chờ hoàng hôn về với thiên tai
Bốn vách nhện giăng bụi phủ mờ
Thế sự thăng trầm chỉ giấc mơ
Chiếu giường trăn trở không tròn giấc
Trói chết tương lai bởi ngọn cờ
Kẻ sĩ không còn chốn dung thân
Lối về rêu đã phủ đầy sân
Gươm cùn ánh nến còn leo lét
Trời đã hoá xa đất lại gần
Ta gõ chén hát một bài ca
Thương đời rồi lại khóc thương ta
Ô hô! Kẻ sĩ không còn chữ
Biết viết chi đây bút đã tà
4.8.2019
DODUYNGOC


1.

Tui có anh bạn quen hồi học Văn Khoa Sài Gòn, anh là dân Bắc di cư 54, là dân kỳ cựu ở Ngã ba Ông Tạ. Một bữa ngồi cà phê, anh kể về vùng đất anh đã gắn bó với nó gần 66 năm rồi, anh bảo kể cho tui nghe để tui có tư liệu viết về vùng đất nổi tiếng ấy. Tui vốn không phải là dân ở đó, cũng chẳng có chút kỷ niệm gì về nó nên mãi mà vẫn chưa có cảm xúc để viết. Thời may, tui đọc được bài viết này, bài viết quá đủ về một miền đất và những con người ở đấy. Có điều bài viết bỏ qua một chi tiết rất quan trọng của chợ Ông Tạ, đó là ngày xưa ở đây là nơi có các sạp hàng bán thịt chó nhiều nhất Sài Gòn, bây giờ đã giảm nhiều lắm rồi vì người ta đã bớt ăn thịt chó.
Cho nên anh bạn tui ơi, đã có người viết thay tui rồi đó.
HƯƠNG VỊ NGÃ BA ÔNG TẠ .
Từ năm 1954, khu ngã ba Ông Tạ đang vắng vẻ thay đổi hẳn vì cộng đồng người Bắc di cư vào hình thành khu dân cư đông đúc. Nhà thờ, chợ búa, tiệm quán, trường học nhanh chóng xuất hiện. Người dân Ông Tạ mang vào Nam phong cách ẩm thực quê hương miền Bắc và tiếp tục giữ gìn, phát triển nhờ có thực khách đồng hương. Họ mở quán xá ngoài mặt phố, trong chợ, trên vỉa hè. Một số nhà trong hẻm biến thành nơi chế biến thực phẩm cung cấp cho các chợ và quán ăn, từ lò mổ heo, làm giò chả, làm bún, quay thịt heo... Rau củ chợ Ông Tạ luôn tươi mới vì được đưa từ vùng Bà Quẹo, Hóc Môn xuống bằng xe ngựa vào mỗi sáng sớm. Chợ Ông Tạ và khu phố chung quanh trở thành nơi giới thiệu và thưởng thức món ngon vật lạ, cũng là nơi bình phẩm, đánh giá thực phẩm từ các bà nội trợ sành ăn.
Nói về hàng ăn, trước hết, phải nhắc đến món giò chả, đặc sản khu này. Trong đó, có nhà làm giò chả của ông Trùm Bệ, nằm giữa rạp Đại Lợi và ngõ vào cổng nhà thờ Tân Chí Linh.
Ông Trùm Bệ có một người con trai và hai cô con gái. Hai cô gái ở hai nhà riêng, đều làm giò chả để hằng ngày đem bán ở chợ Vườn Chuối và chợ Hòa Hưng. Giò chả của hai cô từ một gốc mà ra nhưng mỗi người có một hương vị riêng, đều ngon nổi tiếng ở hai khu chợ họ bỏ mối. Ông Trùm Bệ ở với con trai nhưng hàng ngày đến nhà cô gái nhỏ là cô Nghĩa để phụ làm giò. Ông giúp cô gói những cái giò lụa hay nướng những khuôn chả quế. Đôi khi ông cũng gói những cái bánh giò trong lá chuối rồi hấp nóng, ăn thơm và giòn. Giò chả của cô có tiếng là ngon vì chọn thịt heo và thịt bò tươi rất kỹ, được bỏ mối đến nhà hàng ngày từ lò mổ heo bò gần chợ ông Tạ. Công-xi heo này rất coi trọng khách hàng quen từ chợ và các nhà chế biến giò gần đó. Mỗi ngày họ giao hàng trăm cân thịt loại ngon nhất tớI nhà cô, thịt heo cho giò lụa, chả chiên, chả quế, giò gân và thịt bò cho giò bò, giò gân. Vì chế biến bằng thịt tươi, giò chả của hai cô thơm, ăn rất giòn. Khi chế biến, thịt được thái mỏng cho vào máy điện xay cho nhuyễn. Thêm nước mắm nhỉ nguyên chất từ Phú Quốc và tiêu, hành, bột nổi, gia vị cho đậm đà. Sau khi xay xong, những khối giò sống lại được cho vào cối đá giã cho thịt nhuyễn đều. Với vài khách quen, ông Trùm Bệ thường kể rằng ngày xưa ở miền Bắc chưa có máy xay thịt nên thịt heo phải thái mỏng xong cho vào cối giã cho nhuyễn rồi mới trộn chung với gia vị. Vào Sài Gòn, lúc đầu ông vẫn giữ cách làm xưa, cho vào cối giã. Mãi đến khi có máy xay thịt thì đỡ công giã, sản xuất được nhiều giò hơn hẳn. Tuy nhiên, cối đá vẫn được dùng để giã giò sống cho thịt quyện chắc vào nhau. Giò lụa được gói trong lá chuối tùy theo trọng lượng, nửa ký, một ký hoặc hai ký tùy khách hàng đặt hoặc để bán cho các bà đi chợ. Hai cô cũng bán những cân giò sống cho các bà làm bún mọc hoặc cho các bà đi chợ mua về làm mọc nấu canh.
Kha, anh bạn tôi ở Mỹ hồi xưa sống cùng gia đình trên đường Thoại Ngọc Hầu, đoạn gần cầu, có kỷ niệm về ông Trùm Bệ này. Kha nhớ nhiều lần mẹ sai đến nhà cô Nghĩa mua vài ký mọc sống để về nhà làm bún mọc, nhồi gà tần hoặc nấu món vịt tiềm đãi khách, hoặc làm mọc nấu canh bí, canh rau ngót. Lúc khác, bà sai sang mua vài ký giò bò sống để làm bò viên ăn mì hay phở, chả chiên để ăn bánh cuốn. Dịp Tết thì mua vài kí chả quế, mấy cây giò lụa để ăn dần mấy ngày Tết. Những lần như vậy, Kha được xem cô Nghĩa xay giò và ông Trùm Bệ gói giò.Ông xúc thịt cho vào lá chuối đặt lên cân đúng trọng lượng rồi cuộn tròn cái giò lại, lấy dây lạt bằng tre gói từng vòng xong xếp vào trong cái vạc lớn để luộc cho đầy một mẻ. Khi làm chả chiên, ông cũng xúc từng nửa cân thịt đặt trên miếng lá chuối rồi thả vào trong vạc dầu sôi sùng sục khoảng chừng mười phút thì chín. Những miếng chả chiên vàng ươm khi chín thì nổi lên trong vạc dầu. Ông vớt ra cho vào cái sọt đan bằng tre và đậy nắp lại để giữ nóng cho tới khi mang ra chợ bán.
Khi làm chả quế, ông xúc những miếng thịt heo xay có trộn quế đắp lên cái khuôn hình ống dài khoảng chừng sáu tấc, đường kính khoảng chừng hai tấc. Ông đắp thịt cho dầy khoảng chừng ba phân. Sau đó ông đặt cái khuôn chả quế lên quay bên trên bếp lửa than hồng. Làm món này lắm công phu, vì phải quay chậm rãi cho đều chừng hơn một tiếng đồng hồ đến khi chả chín vàng ươm chung quanh. Nếu làm không đúng cách, chả quế có chỗ sẽ bị cháy hoặc có chỗ không chín. Chả quế làm đúng cách khi ăn sẽ cảm thấy trên bề mặt dòn tan như thịt heo quay, nhưng bên trong mềm và dẻo lại thơm mùi quế. Chỉ có những dịp lễ hội đặc biệt hoặc có đám xá, nhất là đám cưới thì người ta mới đặt mua cả cây chả quế về cắt ra từng miếng hình con thoi xếp vào đĩa trông như những ngôi sao rất hấp dẫn. Nhiều lần đến mua giò chả, Kha thấy ông Bệ làm những cái bánh giò gói trong lá chuối cột thành từng xâu cho vô trong cái nồi to để hấp. Khi đi về, ông thường dúi vào tay Kha một hai cái bánh giò hay một cái giò lụa nho nhỏ mà ông vét cối vét chày cho vào lá chuối gói để làm quà cho mấy đứa cháu.
Mỗi sáng, ông Trùm Bệ đi bộ đến nhà Kha chơi và để uống nước chè xanh. Có lúc ông mang qua cái giò con con cho thằng em của Kha. Mỗi lần đưa cho nó, ông cắn nhẹ tay thằng bé một cái. Miệng ông nhai trầu nên dấu răng ông cắn có vết vôi đỏ lòm, thằng bé tưởng là máu thật. Sau này hai cô con gái của ông sang Mỹ sống nhưng một cô cháu ngoại của ông ở lại Sài Gòn tiếp tục làm giò chả thay mẹ. Giò chả của cô này cũng bán chạy, thậm chí đắt hàng hơn.
Những tiệm thuốc Bắc có nhiều ở khu Ông Tạ, của người Việt và người Hoa. Đối với con nít khu này, thuốc Bắc không có gì để ham nhưng trong tiệm cũng có vài thứ để nhấm nháp.
Bên kia cầu ông Tạ, phía chợ Phạm Văn Hai có nhà thuốc bắc Nhơn Tâm Tế tồn tại khá lâu. Chủ tiệm Nhơn Tâm Tế là người Hoa, biết nói tiếng Việt lơ lớ, hiền và tử tế. Tiệm thuốc của chú cũng có cái để ăn, là có bán cam thảo, táo tàu, ô mai. Kha kể có lần đi mua cam thảo, thấy một thằng bé mang một xâu chuỗi vỏ quít khô vô tiệm chú và đổi lấy ô mai. Kha hỏi nếu có vỏ quít khô có thể đổi được lấy ô mai hay cam thảo ăn không. Chú ấy nói: “Nếu có, cứ mang đến tiệm đổi lấy cam thảo, ô mai, táo tàu hay quế, cũng được!”. Biết vậy, ăn quýt xong, Kha giữ lại vỏ, đi xin vỏ quýt của người khác nữa mang về xâu vào dây thép, cột lại một vòng rồi phơi nắng trên mái tôn, xong đem đổi lấy ô mai, xí muội hay cam thảo về ăn... Lớn lên một chút, mới biết vỏ quýt là trần bì cũng là một vị thuốc Bắc.
Một tiệm thuốc Bắc khác cũng có liên quan đến hàng ăn là tiệm Vạn Hòa Xuân, gần ngõ Cổng Bom. Bà chủ tiệm cũng là người Hoa, do không ai biết tên thật nên chỉ gọi là bà Tàu. Trước cửa tiệm, bà đặt một xe bán nước mía do mấy cô con gái đảm nhiệm. Mỗi tối, mấy cô này thay nhau ra bán nước mía. Lúc đó, nam thanh nữ tú sau khi coi chiếu bóng, cải lương hoặc kịch ở rạp Đại Lợi xong là tà tà đi dạo đường Thoại Ngọc Hầu ra ngã ba ông Tạ. Mỏi chân, họ ghé hàng quán ăn. Mấy cô con chủ tiệm thuốc còn có quầy bán khô mực, khô thiều nướng. Mía được róc vỏ sẵn để một bên, khi có khách gọi nước mía, mấy cây mía được chụm lại đẩy qua máy xay ra nước, kẹp thêm trái tắc cho thơm. Nước mía được xay ra màu vàng bơ tươi thêm vài cục đá lạnh uống vào mát cả ruột. Bên cạnh xe nước mía là một cái bếp than hồng để nướng khô mực, khô thiều. Những con mực khô hoặc cá thiều khô được treo trên sợi dây thép ngay cái bàn bên cạnh. Ai muốn ăn con nào, lựa con đó rồi đưa cho chị bán hàng nướng. Nướng xong đưa vô máy cán cho dẹp, dài ra rồi chấm với nước tương ớt.
Nếu nói về món chè bánh lọt đậu xanh đậu đỏ, thì có lẽ nhà bà Tầu là người đầu tiên đã mở tiệm bán món chè ở khu này. Bà để trên xe những hũ đậu xanh đậu đỏ bằng thủy tinh, hũ nước dừa bánh lọt thêm đá bào từ cái máy xay để cho vào ly chè. Về sau, mấy cô con gái còn chế thêm mấy món chè đậu ván, chè cốm xanh, chè sương sa, sâm bổ lượng và nhiều loại chè khác nữa.
Ngày đó khu ông Tạ về chiều là sầm uất nhất. Những người khác thấy quán chè nhà bà Tầu đông khách, đua nhau mở những quán chè trên vỉa hè vào buổi chiều. Đối diện nhà bà Tầu, nhà ông Thạnh và nhà cô Chín, cô Mì cũng có xe bán nước mía và bán chè đậu xanh đậu đỏ. Đầu ngõ Tứ Hải cũng có những quán chè, bên kia cầu ông Tạ cũng vậy. Quán bên kia cầu của mấy chị em có dung nhan khá xinh khiến trai trẻ dọc đường Thoại Ngọc Hầu tấp vô ăn chè hoài để tán tỉnh dù chả tới đâu. Nhớ lại, chè không ngon gì mấy, nhưng luôn luôn đông, là điều dễ hiểu.
Bốn mươi năm trước, trong ngõ ấp Hàng Dầu có gia đình bác Nhâm bán khoai luộc và bắp luộc rất ngon, ngay trước cổng ấp Hàng Dầu. Mấy chị em nhà này ngày nào cũng nấu khoai, luộc bắp đem bán ở đầu ngõ. Khoai mì được bóc vỏ, ngâm trong nước cho hết chất nhựa chảy ra, sau đó được cắt thành từng khúc và luộc cho chín. Có hai loại khoai mì bở, và dẻo. Khoai mì bở có nhiều chất bột ngon hơn khoai mì dẻo. Trong khi đợi luộc khoai chín, hai chị ngồi bào cùi dừa, xong ép lấy nước cốt để sang một bên. Khi khoai mì được luộc chín, gắp từng miếng khoai ra, nhúng vào nước cốt dừa béo. Sau đó xếp khoai vào một cái nồi khác rồi rắc lên những sợi dừa bào trắng tinh. Cái nồi này không dùng nấu than củi nên bên ngoài bóng loáng sạch sẽ. Xong xếp vào quang gánh, đưa ra đầu ngõ bán. Nghĩ lại, củ khoai mì rẻ tiền mà nhiều công dụng, có thể luộc ăn hoặc bào ra làm đủ thứ bánh, từ bánh cay, bánh khoai mì bọc nhân dừa hoặc nhân đậu xanh.
Nhà bác Nhâm cũng luộc bắp ngô bán, ngon nhất là bắp nếp. Những trái bắp hạt no tròn, luộc lên hơi nước dâng lên thơm phức. Nhà bác còn bán thêm bắp nướng than, rất hấp dẫn khi quẹt thêm chút mỡ hành để nhâm nhi sau bữa cơm chiều. Có cả khoai lang luộc nóng, loại khoai lang mật Đà Lạt hay khoai lang tím còn gọi là khoai lang Dương Ngọc. Củ khoai tím luộc lên màu tím bên trong, nhưng đến khi cắn một miếng, thì bên ngoài chỗ cắn đổi màu dần thành màu ngọc bích.
Trong xóm Ấp Hàng Dầu có nhà ông bà Cừ làm bún tươi bán hàng ngày. Nhà nào cuối tuần muốn đổi món, làm nồi bún mọc, bún riêu hay ăn bún chả giò, bún thịt nướng thì sai con nít vào nhà bà Cừ mua bún tươi. Khách đến, bà lấy vắt bún cho vào lá chuối để khách mang về nhà vì bún không bị dính vào lá chuối. Buổi trưa, người nhà bà Cừ giã gạo bằng cái cối đá và chày gỗ to. Cối đá bà xây gắn vào nền nhà, chày thì phải dùng chân mới đủ sức để giã gạo.
Bà Cừ mua gạo ngon, ngâm qua đêm trong những chậu sành lớn, sau đó để róc nước và cho vào cối đem giã thành những cục bột. Xong, cho bột vào những chậu sành ngâm qua ngày hôm sau. Từ chậu bột đó, bà xúc bột cho vào cái túi vải. Phía dưới túi vải có đặt một cái khung sắt tròn có những hàng lỗ đinh nhỏ để cho những sợi bột lọt xuống. Khi bột được cho đầy túi, bà ngồi vắt những sợi bún vào cái nồi nước to sôi sùng sục. Chừng dăm ba phút sau, bún được luộc chín. Bà lấy cái muôi xúc bún ra, vẩy cho khô nước và đặt lên cái sạp làm bằng tre để bún khô dần. Khoảng xế chiều, bún được mang đi bỏ mối ở ngoài chợ hay cho những bà bán bún mọc, bún riêu, vân vân... Vì làm bằng gạo ngon, làm tươi mỗi ngày nên bún của bà Cừ bao giờ cũng thơm tho, không bị chua như bún người khác bán. Đã vậy, bà có bí quyết riêng nên bún rất tơi, không dính vào nhau.
Đi từ ngã ba, qua bên kia cầu ông Tạ còn có tiệm bán cháo lòng tiết canh heo rất ngon của ông Nho. Qua cầu, đi bộ chừng năm phút thì tới. Một tô cháo ông bán có để giá bên dưới, cháo lòng và tiết bên trên xong mấy miếng dồi và tìm, gan heo, ông thái mỏng đặt bên trên và rắc thêm hành ngò, rất là hấp dẫn. Thời đó, không ai ngại món tiết canh như bây giờ và không thấy ai bị bệnh vì món này. Những đĩa tiết canh heo ông đánh lên cho đông lại rất ngon, trên lát mấy miếng gan heo thái mỏng, ăn với rau húng quế. Nước nấu cháo lòng của ông Nho là nước thịt heo quay, không biết là mua hay xin ở nhà ông Nhạ mà người ta bảo là anh em ruột của ông, trong ngõ ấp Hàng Dầu. Ngày nào nhà ông Nhạ cũng làm heo quay bỏ mối hoặc bán ở chợ ông Tạ. Khi quay thịt, ông xâu một thanh sắt qua con heo từ đầu xuống đuôi rồi máng trên hai cây. Bên dưới là một lò bếp than củi, giữa bếp lò và thanh ngang xiên con heo có đặt một nồi nước thật to. Ông quay thịt heo bằng hơi nước chứ không trực tiếp bằng than lửa nên khi thịt heo chín dần, nước mỡ từ thân heo chảy xuống cái nồi phía dưới. Khi quay xong mấy con heo thì nồi nước “lèo” phía dưới toàn là nước cốt từ thịt heo chảy xuống. Heo chín xong, da vàng ươm, giòn rụm còn thịt bên trong trắng tinh đậm đà, mềm và béo. Thịt heo đã ngon. Cháo lòng nấu từ nước cốt nhà ông Nhạ càng ngon. Nhà nào trong khu này muốn ăn cháo lòng cho đã thì đến nhà ông Nhạ mua nước thịt heo quay. Ai quen thì ông chỉ cho, không bán.Xong, ra tiệm ông Nho mua tiết, lòng heo, dồi, gan, tim, dầu cháo quẩy, giá về cho vào cháo ăn.
Kha kể rằng ở bên Mỹ, người lớn tuổi khi nhắc đến Sài Gòn là nhớ nhà hàng Kim Sơn, Thanh Thế, Bát Đạt… còn mình là con nít thời đó nên chỉ nhớ mấy cái quán bán nước mía, xe phở vỉa hè và cái quầy bán bánh kẹo trong mấy nhà gần chợ. Vậy mà khi nhắc lại trong một buổi họp mặt toàn những người U.60, ai cũng tranh nhau kể chuyện ăn vặt thời con nít. Giữa những giọng nói râm ran, Kha cảm thấy như đang đi lại khu phố chợ tuổi nhỏ đông đúc, đoạn từ ngã ba Ông Tạ về phía rạp Đại Lơi, đi ngang qua các quán xá vỉa hè đầy màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngon ngọt của các món ăn trong một buổi tối nay đã xa thật xa.
Phạm Công Luận

2.

Sau khi đăng bài viết về Ngã ba Ông Tạ của tác giả Phạm Công Luận, có người hỏi tại sao lại có tên là Ông Tạ. Anh Phạm Công Luận trong bài viết “Thăm nhà ông Tạ” và những chuyện liên quan trong cuốn “Sài gòn chuyện đời của phố” tập 1 ra 2014 có đề cập vấn đề này.
Tui lại có viết bài về vùng đất đó nhưng còn dở dang, chỉ mới viết phần đầu giải thích tại sao vùng đất này mang tên Ông Tạ, tui tiếc phần đầu này của tui nên đăng lên luôn đọc cho vui.
TẠI SAO GỌI LÀ NGÃ BA ÔNG TẠ?
Trước năm 1954, khu Ông Tạ bây giờ là một vùng hoang vu, thưa thớt người ở. Trước đó thời kỳ còn người Pháp đô hộ, ở ngã ba có dựng lên một cái tháp cao để người dân từ các khu vực Củ Chi, Hóc Môn vào Sài Gòn buộc phải qua đây để lính kiểm soát, gọi là ngã ba Tháp.
Lúc đấy có một ông thầy thuốc tên là Trần Văn Bỉ (1918 - 1983) quê Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) sau khi tu luyện và học nghề bốc thuốc chữa bệnh ở núi Bà Đen, ông về Sài Gòn và xây cất một ngôi nhà nhỏ để chữa bệnh cứu người vì nhận thấy khu vực này thuận lợi giao thông, dân các vùng dễ tìm đến. Hơn nữa khu vực này có chùa, đất đai còn rộng, lại gần trung tâm thành phố. Ông là một lương y giỏi về y thuật, lại nổi tiếng thương người. Ông chuyên trị bệnh cho phụ nữ và trẻ con, tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến phòng mạch của ông rất đông, có người ở xa như Long An, Định Tường, Tây Ninh cũng tìm đến ông khi có bệnh. Người ta kể rằng, trước nhà ông luôn có một thùng nhỏ đựng tiền lẻ để giúp cho những người nghèo lỡ đường. Có nhiều người bệnh nghèo quá, ông chữa bệnh, hốt thuốc không lấy tiền mà còn cho thêm tiền về quê và tiền xe, tiền đi đường. Mọi người rất kính trọng ông nhưng ít ai biết ông thầy tu bốc thuốc Nam tên thật là gì, thấy ông trụ trì trong am lại nghe mọi người gọi là Thầy Thủ Tạ nên gọi riết thành Ông Tạ.
Có người lại cho rằng không ai biết ông thầy tu tên gì, thấy ông ở trong một cái am nên gọi ông là thầy Thủ Tọa, đọc theo giọng bình dân Nam Bộ là “Thủ Tạ”, rồi lâu dần bà con chỉ gọi “Ông Tạ”. Có lẽ chi tiết này không đúng vì vốn ông Thầy đã xưng mình là Thủ Tạ, tức là cánh tay cứu người.
Sau năm 1954, làn sóng người Bắc di cư vào Nam cả triệu người. Chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã phân phối bà con về những vùng đất hoang sơ, ít nhà cừa để sinh sống trong đó có khu vực này. Kể từ đó, vùng này trở nên phát triển tấp nập. Khi những di dân người Bắc mà hầu hết là đồng bào Công giáo đến, vùng này chỉ lèo tèo mấy căn nhà nhỏ, trong đỏ có cái am chữa bệnh của ông Trần Văn Bỉ. Lúc đấy vùng này chưa có tên ngoài cái tên ngã ba Tháp có từ thời Pháp. Khi khu vực này trở nên sầm uất, người ta lẩy tên ông đặt cho ngã ba nên có tên là ngã ba Ông Tạ. Sau đó khi chợ mở ra, người ta cũng gọi là Chợ Ông Tạ.
Điều này cũng là chuyện đặc biệt bởi người được gọi tên cho cả vùng đất, ngã ba và ngôi chợ chắng phải là một danh nhân, cũng không là anh hùng, không là danh tướng mà chỉ là một thầy tu, một thầy thuốc Nam. Và lại được đặt tên khi ông còn sống. Ông mất năm 1983, đám ma ông người đi tiễn rất đông dù thời điểm dó cuộc sống của cả nước rất khó khăn và đói nghèo..Quan tài được kéo bằng cỗ xe ngựa 6 con, chạy từ ngã ba Õng Tạ lên ngã tư Bảy Hiền xuống vòng xoay Lăng Cha Cả và về chôn trong vườn nhà. Sau khi ông mất, hiệu thuốc được truyền lại cho con cháu tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.
DODUYNGOC


Truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc.
(Theo lời kể của anh Thái Ngọc Sơn)
Hồi đó chúng tôi vừa mới lớn, giang hồ gặp nhau qua đàn ca xướng hát, kết thành một ban nhạc nho nhỏ. Lúc đầu kiếm ăn ở các tiệc cưới, lễ lạt, sinh nhật. Lâu lâu hiếm lắm cũng có show trên sân khấu nhưng năm thì mười hoạ lắm. Ban nhạc gồm bốn tên, bầu anh Thái Sơn làm trưởng nhóm vì anh lớn tuổi nhất bọn lại có vẻ chín chắn nhất. Vì chưa có tên tuổi gì nên tụi tôi bữa đói bữa no, ăn uống thất thường lắm. Có một thời, tụi tôi thất nghiệp, cả tháng không có show nào, đói meo. Cũng bởi hồi đó các ban nhạc thường theo kiểu Tây, hát lại mấy bài nhạc Pháp, nhạc Mỹ đang thịnh hành, còn tụi tôi thì cũng hát nhạc Tây nhưng thích âm hưởng âm nhạc dân tộc hơn, do vậy, các ban nhạc khác nhận trình diễn trong các trại lính Mỹ, các snack bar ào ào thì ban nhạc chúng tôi thất nghiệp dài dài, đói meo râu.
Thời may, trong lúc tuyệt vọng tưởng đã rã đám thì anh Thái Sơn mang về một tin vui. Anh có một người bạn mang lon đại uý, đang làm quận trưởng ở miệt Năm Căn, Cà Mau. Ông quận trưởng này có nhã ý mời ban nhạc về địa phương của ông trình diễn cho dân và lính xem, coi như làm công tác dân vận. Lại nghe ông ta sẽ trả tiền hậu hỉ, lại được ăn nhậu mút mùa, nghe khoái quá, bốn thằng ôm nhau nhảy cà tưng. Thế là thu dọn lên đường. Mỗi đứa cố kiếm một ít tiền làm lộ phí. Đường xa ngái, đi gần hết cả.ngày, lại cứ nơm nớp sợ mấy anh du kích Việt Cộng ra chận đầu xe, cũng sợ mìn với lựu đạn cũng của mấy ổng cài giữa đường. Cũng may chuyến đi trót lọt đến Cà Mau. Cả bọn hứng chí vì đã có công việc lâu dài nên suốt đoạn đường đi ăn nhậu thả dàn, bia bọt, cá nướng, chuột đồng, rắn rít làm láng. Khi chiếc xe jeep của ông quận trưởng chở đến Năm Căn, cả bọn chẳng còn bao nhiêu tiền dằn túi. Nhưng chẳng có ai lo vì ai cũng nghĩ rằng lên sân khấu là có tiền, so dây đờn gảy từng tưng là có tiền nên cả bọn cười vui hể hả.
Đêm đầu tiên, ông quận bố trí cho cả bọn xem một chương trình văn nghệ của huyện. Chương trình và sân khấu này sau đêm nay sẽ là nơi ban nhạc chúng tôi trình diễn thay thế ban nhạc của địa phương mà theo lời ông quận là đã cổ lỗ sĩ rồi. Màn kéo, ban nhạc xuất hiện. Ban nhạc cũng bốn người,cũng kèn cũng trống, nhưng bốn nhạc công lại được bốn người dìu ra. Mấy ông ấy lò dò, mò mẫm từng nhạc cụ. Hoá ra đây là ban nhạc của những người mù. Họ chỉnh nhạc, gảy vài tiếng, trống cũng vỗ vài tiếng, kèn cũng tò tí te. Cả bốn chúng tôi nhìn nhau và cùng một ý nghĩ, không lẽ mình đến đây đây để cướp chén cơm của những nhạc công mù này. Anh Thái Sơn nói nhỏ với cả bọn: Tụi mình sáng mắt, không chơi đàn, đánh trống, ca hát được thì còn kiếm việc khác làm để sống. Đối đế cũng đạp được chiếc xích lô để kiếm cơm, còn những nhạc công mù này, không đàn hát được, không được tiếp tục công việc họ đã làm lâu nay, họ sẽ sống thế nào? Là nghệ sĩ với nhau, ta không thể dành giật việc làm của họ, cướp chén cơm nuôi sống cả gia đình họ. Làm như thế thì quá tồi và tội lỗi quá. Ai lại đi cướp việc của người mù, đẩy họ vào con đường bế tắc vì mất việc.
Thế là chúng tôi quyết định sẽ không hoạt động ở đây nữa, ngày mai sẽ về lại Sài Gòn. Anh Thái Sơn nói hết lý do với ông đại uý quận trưởng, sau một hồi suy nghĩ, ông cũng đồng tình quyết định của chúng tôi. Ông ra lệnh cho anh hạ sĩ cận vệ của ông ấy chở tụi tôi ra bến xe, mua vé cho tụi tôi về. Trên đường về, cả bọn không nói với nhau câu nào, mỗi thằng mỗi ý nghĩ nhưng tựu trung là không biết ngày mai sẽ ra sao? Nhưng rồi tuổi trẻ chóng quên, xe chạy được vài tiếng đồng hồ là cả bọn lại nói cười. Ngày mai thì để mai tính.
Trên chuyến xe ở hàng ghế trước mặt chúng tôi có ba cô gái trẻ rất xinh, cười nói vui vẻ. Mấy thằng tôi sau mấy tiếng trầm tư bắt đầu dở trò tán tỉnh. Biết tụi tôi là ban nhạc, là nghệ sĩ thì các cô rất ái mộ, cả bọn chuyện trò, cười nói rất vui. Xe chạy đến trưa thì dừng lại ăn trưa. Cả bọn lúc ấy mới lo vì chẳng còn đủ tiền để cả bốn thằng có được bữa ăn trưa. Các cô gái thì cứ rủ chúng tôi đi ăn cơm cùng. Thân nam nhi vai năm tấc rộng ai lại để gái bao ăn, nhưng tiền của cả bọn gom lại cũng chỉ mua được ly cà phê đen. Biết tính sao giờ? Ăn mà để gái trả tiền thì quê quá! Cả bọn lo ra mặt. Anh Thái Sơn bảo các cô cứ đi trước, bọn này sẽ đến sau. Vừa nói anh vừa nháy mắt với bọn tôi, chẳng biết anh có âm mưu gì. Các cô vừa đi khuất, anh vẫy tay bảo: bọn mày đi theo tao. Anh dẫn ba thằng đi men sông, thấy mấy cái cầu tiêu cất ở mép nước, anh lần lượt bảo mỗi thằng vào mỗi cái rồi nói: Tụi bây ngồi yên đó nghe, khi nào nghe tao huýt sáo thì hẳn ra nghe, nhớ chưa. Ảnh cũng kiếm một cái cầu cá, ngồi vào. Chờ một lúc bằng thời gian ăn xong một bữa cơm, anh huýt sáo, cả bọn thẫn thờ đi ra. Anh lại bảo: tụi bây phải tươi lên, làm như vừa ăn xong một bữa no nê vậy. Đi ngang một quán cơm, anh vào xin mấy cây tăm, phát cho mỗi thằng một cái, vừa đi vừa xỉa răng. Vừa bước lên xe, thấy các cô gái cũng đã ăn cơm xong ngồi vào ghế, anh quay lưng bảo với tụi tôi: Quán cơm này nấu ngon ghê chứ tụi bây. Ba thằng tui hưởng ứng: Ừ, quán này vừa rẻ lại vừa ngon. Nói xong cả bọn cười hinh hích. Các cô trách chúng tôi: Mấy anh đi ăn quán ngon mà không rủ tụi em gì cả, xấu ghê! Anh Thái Sơn bảo: Lúc tụi này xuống xe thì không thấy các cô đâu hết, đợi mãi tụi này mới đi đấy chứ.
Chuyến xe về Sài Gòn cũng an toàn và sau đó ban nhạc của chúng tôi cũng rã đám, mỗi thằng một phương kiếm sống. Hai thằng đi đăng lính, cũng may về được tâm lý chiến, cũng tiếp tục đờn ca. Anh Thái Sơn lang bang thời gian rồi nhập vào ban nhạc khác, chơi được ở phòng trà. Riêng tôi, tôi ghi danh vào trường Đại học Văn khoa, quên chuyện ca hát, chúi đầu vào sách vở. Mộng thành anh nhạc sĩ vỡ tan tành.
14.7.2019
DODUYNGOC

Sương đọng buồn tênh trên chiếc lá
Chiều đến người đi bóng đổ dài
Phố lên đèn trong cơn hấp hối
Những ngôi nhà chẳng đợi tương lai
Cây thập giá nằm nghiêng tiếng nấc
Chúa u sầu với vết đinh găm
Ta mỏi chân tìm một chỗ nằm
Nghe quá khứ dội về tức ngực
Bức tường rêu mưa cào rã nát
Ngựa già nua bờm rũ chân chồn
Sông vẫn chảy thầm thì tiếng hát
Ta trở về đào một hố chôn
Tiếng chuông đổ kinh cầu thê thiết
Giữa hồ sâu sen nở trắng ngần
Ta ôm mặt thương đôi mắt biếc
Chiếc lá vàng trơ trọi cuối sân
Ta trở lại hai vai thấm lạnh
Tim cô đơn rét buốt thân mình
Con phố cũ càng thêm cô quạnh
Đứng giữa đường cây cỏ lặng thinh
Ồ tháng bảy đã về lấp ló
Chút tội tình chịu đã nửa năm
Có buổi chiều ra hiên đứng ngó
Chờ con trăng tròn giữa đêm rằm
Người bỏ mặc trần gian bất hạnh
Người đi đâu mất hút chân trời
Chút nhang khói chờ cơn mưa tạnh
Ta giã từ phiêu lãng rong chơi
3.7.2019
DODUYNGOC


Chỉ mình tôi thôi chiều vương trên áo
Ngọn gió thổi về khuất mất lối đi
Tháng sáu vụt qua mưa nắng lỡ thì
Ngày sinh nhật em nâu sòng khép cửa
Mây tím hôm nay không trôi qua nữa
Lá úa vàng rụng mất phía sau lưng
Tiếng kinh sầu gõ nhịp những bước chân
Con chim trắng đậu hàng hiên ủ rũ
Chỉ mình tôi thôi buổi chiều rất cũ
Những chuyến xe âu yếm đợi nhau về
Ở bên này ngóng mãi phía bên tê
Chờ áo lụa vai gầy đôi mắt ướt
Chiều hôm ấy giữa phố phường sũng nước
Có bàn tay tìm gặp một bàn tay
Mắt nhìn nhau khiến trời đất bỗng say
Nhiều quyến luyến lúc giã từ cuối ngỏ
Chỉ mình tôi thôi ngồi trên vệ cỏ
Nhớ chuyện hôm xưa tháng sáu trời mưa
Em giờ câu kinh thỉnh chuông gõ mõ
Tôi chịu tội tình gọi mãi không thưa
Chỉ mình tôi thôi đêm về tựa cửa
Chẳng có ai về tôi khép vườn hoang
Cuộc tình hôm nao giờ tìm đâu nữa
Đốt ngọn đèn lên đợi bấc lụi tàn
Con trăng hắt hiu chờ phút trăng tan
Chữ nghĩa trong thư đã chấm xuống hàng
Chỉ mình tôi thôi còn chi để đợi
Tôi giang hai tay nhận hết bẽ bàng
16.6.2019
DODUYNGOC

Lee Jeffries sống một cuộc sống hai mặt: một là tay kế toán toàn thời gian làm việc ở gần Manchester, và thứ hai là trong lúc rảnh rỗi với tư cách là một nhiếp ảnh gia của những người vô gia cư trên toàn thế giới.
Anh là một nhiếp ảnh gia tự học, từ là một người chụp ảnh cổ phiếu trong một cửa hàng xe đạp, cho đến vào tháng 4 năm 2008 khi trong một đêm chạy London Marathon, anh đã chụp được một tấm hình bằng ống kính tele một cô gái vô gia cư đang lẩn quẩn ở một ô cửa, và anh thấy cần phải xin lỗi cô ấy khi cô ấy gọi anh. Cuộc trò chuyện này đã thay đổi không chỉ cách tiếp cận nhiếp ảnh của anh mà nó đã thay đổi cuộc đời anh.
Kể từ ngày đó, Lee đã thực hiện nhiệm vụ nâng cao nhận thức về việc tài trợ cho người vô gia cư. Tác phẩm của anh là những khuôn mặt của những người vô gia cư ở đường phố từ Anh, Châu Âu và Hoa Kỳ những nơi mà anh làm quen họ bằng cách sống chung với họ, mối quan hệ với họ cho phép anh có sự thân mật và nắm bắt sự chân thực trong những bức chân dung của anh. Anh đã xuất bản hai cuốn sách gây quỹ được đánh giá cao là Lost Angels và Homeless, anh làm việc cùng với Salvation Army trong một dự án lớn và tặng nửa tá máy ảnh mà anh giành được trong các cuộc thi cho các tổ chức từ thiện. Anh đã tặng hàng ngàn đô la để giúp những người anh đã chụp ảnh họ.
Tuy đã nổi tiếng thế giới, anh vẫn tự nhận mỉnh chỉ là 'một kẻ nghiệp dư'
Ở xứ ta thì khác, cầm chiếc máy ảnh, có vài ba tấm có giải tào lao, đã tự phong mình là nhiếp ảnh gia, đi đến đâu cũng ưỡn ngực, vênh vênh, khệnh khạng xem trời bằng vung. Khổ thế!
10.6.2019
DODUYNGOC

Xem


Tui biết anh ta khi tham gia vào chiến dịch X1, chiến dịch đánh tư sản đầu tiên của chính quyền Cộng Sản tại miền Nam sau 1975. Tui hồi đó thất nghiệp dài cồ, chẳng làm chi ra tiền, đói nhăn răng, cơm chẳng có mà ăn, bán hết áo quần, giày dép rồi tới sách báo, đến lúc chẳng còn gì để bán, nên khi được gợi ý tham gia có cơm ăn là ghi tên ngay. Bọn tui bị tập trung vào tối 9.9.1975, xe đưa đến trường Pétrus Ký. Ngồi chờ dài cổ mà không biết tập trung để làm gì? Đến nửa đêm thì được chia thành từng nhóm nhỏ, có xe chở đi. Nhóm của tui có tui với Lượng là gốc sinh viên Đại học Vạn Hạnh, bổ sung thêm một tên ở Đại Học Khoa Học tên Trung, thêm hai người nữa đến giờ chẳng nhớ tên. Tổ trưởng của toán là anh ta, một sĩ quan quân đội Bắc Việt. Anh ta nói tiếng Bắc giọng nhà quê, tụi tui nghe tiếng được tiếng mất. Lại thêm có nhiều từ nghe hơi lạ tai như khắc phục, tranh thủ, phấn đấu...nên nhiều khi tụi tui đoán ra yêu cầu của anh ta mà thực hiện. Tổ của tụi tui đóng quân ở trên lầu của một khách sạn của người Hoa ở đường Đồng Khánh, nhiệm vụ giữ một điện đài liên lạc, nhưng cũng ít khi thấy có ai gọi hoặc nhắn nhủ chi. Công việc chẳng có gì, chỉ quanh quẩn trong phòng, rồi chia nhau đi lang thang mấy căn phố đìu hiu, những hàng quán chắc hẳn ngày xưa rất nhộn nhịp. Anh bộ đội chỉ huy của tụi tui thấy cái gì cũng lạ, nhìn cái gì cũng thắc mắc. Nhiều hôm anh đứng ở balcon, mắt cứ ngước nhìn những toà nhà cao tầng và bảo với tụi tui, sao họ có thể xây được những cái nhà cao và to thế. Có lần tui đi ra phố Lê Lợi, mua về mấy ổ bánh mì thịt với paté, mời anh ta ăn, anh ăn mà miệng cứ xuýt xoa họ làm bằng thứ gì sao nó ngon quá vậy! Thật ra bánh mì lúc đó chẳng còn ngon như bánh hồi trước 75 vì thực phẩm đã bắt đầu khan hiếm rồi, dù bộ đội mới chiếm Sài Gòn hơn bốn tháng. Nói tóm lại là anh ta hoàn toàn xa lạ với những sản phẩm và cuộc sống văn minh của Sài Gòn. Anh bảo từ bé đến ngày đi bộ đội vào Nam, anh chỉ ở quê, mò cua bắt ốc, nhiều khi không đủ gạo mà ăn, độn khoai sắn, có lúc độn rau, sống rất thiếu thốn. Thịt bò, thịt heo là những món ăn mơ ước chỉ có ngày Tết hay ngày kỵ giỗ mới có một miếng trơn mồm. Anh chỉ mong đủ lớn để được vào bộ đội, có cơm ăn. Chiều chiều anh hay rủ tui đi ngắm hàng hóa, anh nhìn những món hàng với ánh mắt khát khao, thèm thuồng. Anh nói với tui là anh mê nhất đồng hồ không người lái có hai cừa sổ và cái đài có band hát nhạc. Anh thổ lộ là muốn mua quà gởi về cho bố mẹ và các em ngoài ấy mà chẳng có tiền. Anh ta thật thà, không có bệnh nổ như những anh bộ đội miền Bắc khác, nên tụi tui cũng có chút cảm tình. Tình cảm này xuất phát từ lòng thương hại nhiều hơn, dù anh đang là kẻ chiến thắng và đang là người chỉ huy tụi tui.
Một hôm phòng chúng tôi xuất hiện một tù nhân. Ông ta người Hoa, dáng to lớn, bị trói thúc ké vào một chiếc ghế. Nghe thoang thoáng ông ta là một tay tư sản giàu lắm ở Chợ Lớn, khai báo tài sản chưa đầy đủ nên bị bắt tạm giam để điều tra tiếp. Thế là tụi tui trở thành những tên lính canh, thay phiên nhau canh gác với khẩu súng carbine của nhân dân tự vệ. Đêm đó, tui được phân công gác từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng, tui ngồi canh mà mắt cứ díu lại, chập chờn. Bỗng có tiếng gọi khẽ: Nị à, nị à.... Tui choàng ngay dậy, ông Tàu gật gật đầu, có vẻ muốn nói gì với tui. Tui ngần ngừ đi lại, ông ta nói nhỏ: "Nị cởi trói cho ngộ, rồi mở cửa sổ. Ngộ thoát được sẽ gởi cho nị 5 lượng vàng, bảo đảm sẽ có người đưa tận tay nị." Thấy tui có vẻ không tin, ông ta nói tiếp, giọng cầu khẩn: "Tin ngộ đi, ở Chợ Lớn này ai cũng biết tên ngộ, ngộ không nói láo đâu, mở trói cho ngộ, ngày mai sẽ có người mang vàng trao tận tay nị" Thời điểm đó, đối với tui, vàng chẳng có giá trị gì, mà thật ra tui cũng chẳng biết trị giá của nó thì đúng hơn. Hơn nữa, tui vốn nhát gan, nên sợ nếu tên này trốn, chắc tui phải lãnh đủ. Nghe nói mấy ông cộng sản này kỉ luật nghiêm lắm, nên tui càng sợ. Tui lắc đầu, đưa tay ngang cổ, ra dấu cắt đầu, sợ lắm. Ông nhìn tui, thất vọng...
Người gác kế tui là anh ta, anh sĩ quan Việt cộng. Tui về giường nằm mà cứ nghĩ về ông Tàu, tự hỏi từ lầu ba này mà ông ta nhảy xuống thì không chết cũng què, sao ông ta tính chuyện gan trời vậy. Lan man nghĩ thế thôi, tui đi vào giấc ngủ lúc nào chẳng biết. Đang say ngủ thì bỗng tui nghe một tiếng rầm như vật gì bị rớt, hốt hoảng choàng dậy, tui thấy cửa sổ mở toang, ông Tàu biến đâu mất, anh ta thì đang loay hoay với cây súng, lên đạn lốp cốp rồi mới hô lớn: Đứng lại, đứng lại không tao bắn... Thế rồi anh chìa súng ra cửa sổ, chĩa súng lên trời bắn một tràng, rồi mới chạy xuống cầu thang. Tụi tui tỉnh ngủ hẳn, lật đật chạy theo anh. Xuống đến sân, thấy một chiếc xe hơi rồ máy chạy như bay ra đường....
Tui không biết anh ta có bị cấp trên kỉ luật gì không, hôm sau vẫn thấy anh ta sinh hoạt bình thường, cũng chẳng nhắc gì tới vụ ông Tàu trốn thoát. Thế nhưng trong lòng tôi vẫn dấy lên một nỗi nghi ngờ, tui tin chính anh là kẻ cởi trói và mở cửa cho tù nhân trốn thoát. Nghi vậy thôi, nhưng tui chẳng kể với ai.
Mấy bữa sau, vào buổi chiều, anh ta ôm về một cái máy radio cassette, tay đeo một chiếc đồng hồ Seiko. Nhìn những vật này, tui càng tin chắc anh ta chính là người giúp ông Tàu trốn chạy. Suốt ngày anh ra cứ loay hoay với chiếc máy và cái đồng hồ. Mấy thằng tui hướng dẫn cách sử dụng máy cassette, dạy anh ta cách lấy giờ, cách chuyển lịch cho đồng hồ. Bày đủ cách mà anh ta chẳng nhở gì, chỉ có nút tắt mở, bấm play, bấm chuyển band qua lại, từng đó thôi mà anh ta cứ mãi quên, không nhớ. Cứ mỗi lần mở máy là một lần hỏi. Bực mình quá, tụi tui bảo trong đầu anh chứa gì mà sao anh ngu thế. Anh ta chỉ cười, phô hết hàm răng hô rồi bẽn lẽn: "Thì tại tớ vốn nhà quê mà..." Thấy tội nghiệp, tụi tui lại bày cho anh.
Hơn tháng sau thì tổ chúng tôi giải tán, ai về nhà nấy. Ở chung nhau gần hai tháng, nhưng thật sự chẳng gắn bó gì với nhau lắm, vì trong mỗi người đều mang mỗi tâm trạng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, toan tính khác nhau, nên cũng chẳng có tiễn đưa, tan hàng trong lặng lẽ.
*********
*********
Năm 1998, công ty tui mở thêm một nhà máy in và một xưởng chế bản điện tử, xin giấy phép khó khăn, phải ra tận Hà Nội. Tui là giám đốc nên lãnh trách nhiệm ra ngoài đó để vận động kiếm cho được tờ giấy phép. Người phụ trách ký giấy cho tui là một cán bộ cấp cục trưởng của Bộ Văn Hoá. Tay này rất quan cách, ăn nói, đi đứng rất bệ vệ, ra dáng lãnh đạo lắm. Dù đã có thư gởi gắm, có ngay phong bì lần gặp đầu tiên nhưng y cứ chần chừ, chưa chịu ký. Mời đi ăn mấy lần mà ông quan này vẫn chưa nhận lời, sau phải nhờ qua một quan lớn khác, y mới chịu đi. Vào tiệc, y gọi món rất sành sỏi, gọi rượu toàn thứ cao cấp, chứng tỏ y là dân chơi thứ thiệt. Khi ăn, y còn dạy cho cả bàn là ăn bào ngư phải ăn như thế này, rùa vàng, vi cá phải ăn như thế kia, ăn món nào với rượu nào, y biểu diễn khui rượu, rót rượu rất nhuần nhuyễn, cả bàn há mỏ ra nghe, tui chỉ cười nhạt. Y nói nhiều, nhưng chẳng ăn gì, mời mãi cũng chỉ động đũa đôi ba miếng gọi là, y bảo nhà hàng này làm món ăn chưa đúng điệu, mặc dù bữa tiệc đó tui phải thanh toán cả đống tiền. Vì tờ giấy phép đó, tui phải bám ở Hà Nội suốt gần ba tuần lễ. Và ngày nào cũng nhậu nhẹt, ăn chơi. Càng tiếp cận ông quan này, tui cứ ngờ ngợ, thấy có nét hao hao một người nào đó mà mình đã gặp trong đời. Nghĩ mãi mà chẳng nhớ ra. Cuối cùng thì tôi cũng nhận được tờ giấy phép, đổi lại, tui cũng hao khá bộn. Ngày cuối trước khi về lại Sài Gòn, tui được y chiếu cố mời về nhà nhậu như để trả lễ, vì theo y, không đâu nhậu ngon bằng ở nhà y, có đầu bếp riêng, thức ăn nhập khẩu tươi ngon, có rượu xịn, và hơn hết, theo lời y khoe, ở Hà Nội này, không có nhà hàng nào có dàn máy nghe nhạc so sánh được với dàn máy của y.
Nhà y không lớn lắm, nhưng nằm trên con đường đẹp với những hàng cây. Nhà nhỏ, nhưng trang trí toàn những vật đắt tiền. Sập gụ, tủ chè, tượng đứng, tượng ngồi, đồ sứ, ngà voi, ngọc xanh, ngọc đỏ lủ khủ. Tui choáng với tủ đồng hồ đeo tay của y, toàn thứ dữ: Patek Philippe, Omega Constellation, Jaeger Lecoultre, Constantin, Piguet, Longines...nhưng đúng như y nói, dàn máy nghe nhạc của y mới sợ, to đùng, sáng lóa, chắc phải vài trăm ngàn đô. Làm quan giàu thật. Dàn máy khủng đặt trên chiếc tủ bằng gỗ quý, chạm trổ tinh vi, đánh verni màu nâu nhạt trông rất đẹp. Trên chiếc loa lớn đen tuyền có một khung ảnh bằng vàng cũng chạm trổ khá cầu kỳ. Trong ảnh là hình của một anh bộ đội, đàng sau lưng là chợ Bến Thành, tấm hình đã úa màu thời gian, nhìn không hợp lắm với cái khung. Thoáng nhìn hình, tôi nhận ra ngay khuôn mặt của người sĩ quan chỉ huy tụi tui hồi đi chiến dịch X1. Hàm răng hô, khuôn mặt hiền hiền, ngu ngu. Tui buột miệng: Hình ai đây anh? Y cười rổn rảng: "Tớ đấy, chụp hồi mới giải phóng Sài Gòn, nhìn khác quá, phải không? Hồi đấy chẳng còn giữ được tấm hình nào, chỉ còn duy nhất tấm này. Kỷ niệm đấy, quý lắm đấy!" Tui suýt kêu lên, nhận người quen cũ, nhưng kịp dừng lại. Thời gian đã đổi thay, cuộc đời đã đổi thay, vị trí cũng đổi thay, liệu y còn nhớ thời kỳ đó không? Hay y cố tình quên đi rồi, nhắc lại thật tình là không có lợi. Nhưng tui cứ băn khoăn mãi là y làm cách nào mà có được sự thay đổi lạ lùng quá xá vậy. Tui hình dung lại khuôn mặt của anh ta, nhớ lại ánh mắt thèm thuồng của anh ta trước những hàng hoá của Sài Gòn, sự nhẫn nhịn của anh ta khi tụi tui bảo anh ngu vì dạy mãi mà vẫn không sử dụng được cái máy cassette. Cuộc đời chuyển biến kinh thật, đúng là đổi đời. Thấy tui đứng ngẩn ngơ trước dàn máy, anh nói lớn:" Sao? Dàn máy ngon chứ? Âm thanh tuyệt hảo. Mở ra nghe đi rồi sẽ thấy. Ông nhấn nút đi, nút trắng đấy". Tui nhìn hàng nút, thấy nút nào cũng lấp lánh, nút nào cũng một màu nên lưỡng lự chưa biết phải nhấn nút nào thì lại nghe y với một giọng đầy quyền lực pha chút chế giễu: "Thôi vào ngồi nhậu đi ông nội, sao mà nhà quê thế, đến cái nút mà cũng không biết bấm"
Tui tự nhủ, hoá ra cuộc đời là một vòng tròn, luân chuyển thế vai nhau.
Saigon. Tháng 4.2015
DODUYNGOC


Nợ ánh sáng que diêm
Xua phút giây bóng tối
Nợ một đêm tóc rối
Sợi tóc vướng vào tay
Nợ chiếc lá vàng bay
Giữa mùa hè hôm trước
Đường đi về lướt thướt
Còn nợ một cơn mưa
Nợ con đường ngày xưa
Tôi cùng em qua đó
Hương ngọc lan dưới gió
Quanh quẩn mãi đời tôi
Nợ những đêm đơn côi
Giấc mơ nào ru ngủ
Nợ nụ cười đã cũ
Trong dạ vẫn tươi xanh
Nợ hoa nở trên cành
Con chim lười tiếng hót
Nợ những lời mật ngọt
Đã trót dối lừa nhau
Nợ cả những đớn đau
Chia đời đi hai ngả
Nợ những hôm tất tả
Luống cuống nắm tay nhau
Nợ nải chuối buồng cau
Đã không thành lễ cưới
Nợ làng trên xóm dưới
Ly rượu lễ thành hôn
Nợ vết sẹo trong hồn
Trăm năm không lành được
Nợ những liều độc dược
Chẳng kết liễu đời mau
Nợ một kiếp nát nhàu
Không tìm ra tiếng khóc
Nợ nhịp đời lóc cóc
Vó ngựa nào đi qua
Còn nợ một sân ga
Không một người đưa tiễn
Con én nào đã liệng
Làm không nổi mùa xuân
Bước gần tuổi tứ tuần
Nợ thời gian còn lại
Biết bao điều ái ngại
Nợ chưa dám nói ra
Còn nợ một mái nhà
Trước khi thành tro bụi
Nợ bao nhiêu hờn tủi
Để làm kiếp con người
Còn nợ một nụ cười
Tiễn đưa nhau phút cuối
Còn nợ vài hạt muối
Để làm mặn cho đời
Còn nợ một trò chơi
Cả hai cùng thất bại
Còn đâu để làm lại
Trả hết nợ chốn này
Tôi xin buông hai tay
Tụng phiến kinh xoá nợ
Saigon. Tháng tám. 1980
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget