BAN NHẠC CỦA MỘT THỜI


Truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc.
(Theo lời kể của anh Thái Ngọc Sơn)
Hồi đó chúng tôi vừa mới lớn, giang hồ gặp nhau qua đàn ca xướng hát, kết thành một ban nhạc nho nhỏ. Lúc đầu kiếm ăn ở các tiệc cưới, lễ lạt, sinh nhật. Lâu lâu hiếm lắm cũng có show trên sân khấu nhưng năm thì mười hoạ lắm. Ban nhạc gồm bốn tên, bầu anh Thái Sơn làm trưởng nhóm vì anh lớn tuổi nhất bọn lại có vẻ chín chắn nhất. Vì chưa có tên tuổi gì nên tụi tôi bữa đói bữa no, ăn uống thất thường lắm. Có một thời, tụi tôi thất nghiệp, cả tháng không có show nào, đói meo. Cũng bởi hồi đó các ban nhạc thường theo kiểu Tây, hát lại mấy bài nhạc Pháp, nhạc Mỹ đang thịnh hành, còn tụi tôi thì cũng hát nhạc Tây nhưng thích âm hưởng âm nhạc dân tộc hơn, do vậy, các ban nhạc khác nhận trình diễn trong các trại lính Mỹ, các snack bar ào ào thì ban nhạc chúng tôi thất nghiệp dài dài, đói meo râu.
Thời may, trong lúc tuyệt vọng tưởng đã rã đám thì anh Thái Sơn mang về một tin vui. Anh có một người bạn mang lon đại uý, đang làm quận trưởng ở miệt Năm Căn, Cà Mau. Ông quận trưởng này có nhã ý mời ban nhạc về địa phương của ông trình diễn cho dân và lính xem, coi như làm công tác dân vận. Lại nghe ông ta sẽ trả tiền hậu hỉ, lại được ăn nhậu mút mùa, nghe khoái quá, bốn thằng ôm nhau nhảy cà tưng. Thế là thu dọn lên đường. Mỗi đứa cố kiếm một ít tiền làm lộ phí. Đường xa ngái, đi gần hết cả.ngày, lại cứ nơm nớp sợ mấy anh du kích Việt Cộng ra chận đầu xe, cũng sợ mìn với lựu đạn cũng của mấy ổng cài giữa đường. Cũng may chuyến đi trót lọt đến Cà Mau. Cả bọn hứng chí vì đã có công việc lâu dài nên suốt đoạn đường đi ăn nhậu thả dàn, bia bọt, cá nướng, chuột đồng, rắn rít làm láng. Khi chiếc xe jeep của ông quận trưởng chở đến Năm Căn, cả bọn chẳng còn bao nhiêu tiền dằn túi. Nhưng chẳng có ai lo vì ai cũng nghĩ rằng lên sân khấu là có tiền, so dây đờn gảy từng tưng là có tiền nên cả bọn cười vui hể hả.
Đêm đầu tiên, ông quận bố trí cho cả bọn xem một chương trình văn nghệ của huyện. Chương trình và sân khấu này sau đêm nay sẽ là nơi ban nhạc chúng tôi trình diễn thay thế ban nhạc của địa phương mà theo lời ông quận là đã cổ lỗ sĩ rồi. Màn kéo, ban nhạc xuất hiện. Ban nhạc cũng bốn người,cũng kèn cũng trống, nhưng bốn nhạc công lại được bốn người dìu ra. Mấy ông ấy lò dò, mò mẫm từng nhạc cụ. Hoá ra đây là ban nhạc của những người mù. Họ chỉnh nhạc, gảy vài tiếng, trống cũng vỗ vài tiếng, kèn cũng tò tí te. Cả bốn chúng tôi nhìn nhau và cùng một ý nghĩ, không lẽ mình đến đây đây để cướp chén cơm của những nhạc công mù này. Anh Thái Sơn nói nhỏ với cả bọn: Tụi mình sáng mắt, không chơi đàn, đánh trống, ca hát được thì còn kiếm việc khác làm để sống. Đối đế cũng đạp được chiếc xích lô để kiếm cơm, còn những nhạc công mù này, không đàn hát được, không được tiếp tục công việc họ đã làm lâu nay, họ sẽ sống thế nào? Là nghệ sĩ với nhau, ta không thể dành giật việc làm của họ, cướp chén cơm nuôi sống cả gia đình họ. Làm như thế thì quá tồi và tội lỗi quá. Ai lại đi cướp việc của người mù, đẩy họ vào con đường bế tắc vì mất việc.
Thế là chúng tôi quyết định sẽ không hoạt động ở đây nữa, ngày mai sẽ về lại Sài Gòn. Anh Thái Sơn nói hết lý do với ông đại uý quận trưởng, sau một hồi suy nghĩ, ông cũng đồng tình quyết định của chúng tôi. Ông ra lệnh cho anh hạ sĩ cận vệ của ông ấy chở tụi tôi ra bến xe, mua vé cho tụi tôi về. Trên đường về, cả bọn không nói với nhau câu nào, mỗi thằng mỗi ý nghĩ nhưng tựu trung là không biết ngày mai sẽ ra sao? Nhưng rồi tuổi trẻ chóng quên, xe chạy được vài tiếng đồng hồ là cả bọn lại nói cười. Ngày mai thì để mai tính.
Trên chuyến xe ở hàng ghế trước mặt chúng tôi có ba cô gái trẻ rất xinh, cười nói vui vẻ. Mấy thằng tôi sau mấy tiếng trầm tư bắt đầu dở trò tán tỉnh. Biết tụi tôi là ban nhạc, là nghệ sĩ thì các cô rất ái mộ, cả bọn chuyện trò, cười nói rất vui. Xe chạy đến trưa thì dừng lại ăn trưa. Cả bọn lúc ấy mới lo vì chẳng còn đủ tiền để cả bốn thằng có được bữa ăn trưa. Các cô gái thì cứ rủ chúng tôi đi ăn cơm cùng. Thân nam nhi vai năm tấc rộng ai lại để gái bao ăn, nhưng tiền của cả bọn gom lại cũng chỉ mua được ly cà phê đen. Biết tính sao giờ? Ăn mà để gái trả tiền thì quê quá! Cả bọn lo ra mặt. Anh Thái Sơn bảo các cô cứ đi trước, bọn này sẽ đến sau. Vừa nói anh vừa nháy mắt với bọn tôi, chẳng biết anh có âm mưu gì. Các cô vừa đi khuất, anh vẫy tay bảo: bọn mày đi theo tao. Anh dẫn ba thằng đi men sông, thấy mấy cái cầu tiêu cất ở mép nước, anh lần lượt bảo mỗi thằng vào mỗi cái rồi nói: Tụi bây ngồi yên đó nghe, khi nào nghe tao huýt sáo thì hẳn ra nghe, nhớ chưa. Ảnh cũng kiếm một cái cầu cá, ngồi vào. Chờ một lúc bằng thời gian ăn xong một bữa cơm, anh huýt sáo, cả bọn thẫn thờ đi ra. Anh lại bảo: tụi bây phải tươi lên, làm như vừa ăn xong một bữa no nê vậy. Đi ngang một quán cơm, anh vào xin mấy cây tăm, phát cho mỗi thằng một cái, vừa đi vừa xỉa răng. Vừa bước lên xe, thấy các cô gái cũng đã ăn cơm xong ngồi vào ghế, anh quay lưng bảo với tụi tôi: Quán cơm này nấu ngon ghê chứ tụi bây. Ba thằng tui hưởng ứng: Ừ, quán này vừa rẻ lại vừa ngon. Nói xong cả bọn cười hinh hích. Các cô trách chúng tôi: Mấy anh đi ăn quán ngon mà không rủ tụi em gì cả, xấu ghê! Anh Thái Sơn bảo: Lúc tụi này xuống xe thì không thấy các cô đâu hết, đợi mãi tụi này mới đi đấy chứ.
Chuyến xe về Sài Gòn cũng an toàn và sau đó ban nhạc của chúng tôi cũng rã đám, mỗi thằng một phương kiếm sống. Hai thằng đi đăng lính, cũng may về được tâm lý chiến, cũng tiếp tục đờn ca. Anh Thái Sơn lang bang thời gian rồi nhập vào ban nhạc khác, chơi được ở phòng trà. Riêng tôi, tôi ghi danh vào trường Đại học Văn khoa, quên chuyện ca hát, chúi đầu vào sách vở. Mộng thành anh nhạc sĩ vỡ tan tành.
14.7.2019
DODUYNGOC

BAN NHẠC CỦA MỘT THỜI

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget