Latest Post


Buồn quá ta lê ra quán chợ
Đã khuya đường vắng gió đâu về
Vài ba đống rác chưa ai dọn
Mấy ngọn đèn vàng bóng ủ ê
Tết đã đến gần hoa kín ngõ
Phố còn xao xác lắm người đi
Ở đây trống hoác không người đến
Quán chỉ mình ta ngó cũng kỳ
Chiếc ghế lung lay như muốn ngả
Rượu rót đầy ly chẳng muốn nâng
Cuối năm lòng rầu không thể tả
Sầu cứ đùn lên tận mấy tầng
Bạn bè rất đông giờ lại vắng
Giữa chợ đêm này một mình ta
Uống cạn hết ly nghe nghẹn đắng
Cũng ráng kêu lên một tiếng khà
Đâu đó có người đang quét chợ
Bụi bay dưới gió quẩn liên hồi
Mốt mai tất cả là tro bụi
Một kiếp con người chỉ thế thôi
Buồn quá ta lê ra quán chợ
Bóng đổ dài quanh một chỗ ngồi
Năm cùng tháng tận cười như khóc
Chợt tự thương mình phận mồ côi
31.1.2019
Hăm sáu Tết
DODUYNGOC

Chiều ngồi đợi năm cùng tháng tận
Chó sủa buồn một góc vườn hoang
Chân loạng quạng bước cùng lận đận
Gió tràn về cánh cửa mở toang
Chim biếng hót bên hiên rất vắng
Cứ bước lên đi xuống một mình
Có một khoảnh trời rơi giọt nắng
Phơi bàn tay nghe nắng lặng thinh
Không uống rượu rót đầy chén rượu
Nhấp đắng môi xót một phận đời
Chẳng chờ tân tiếc chi chuyện cựu
Đâu so đo tính chuyện lỗ lời
Cười một tiếng rung rinh mái ngói
Đám rêu xanh ngơ ngác giật mình
Nghe đất thở chợt lòng chột dạ
Thấy cờ bay tâm bỗng thất kinh
Ngày đã hết năm chờ để hết
Sông cạn nguồn suối cũng héo khô
Cả giang sơn ngóng giờ giẫy chết
Thân tan hoang ngồi tựa nấm mồ
Ngựa đã mỏi người như lau sậy
Lay ngả nghiêng trắng cả vũng trời
Chiều bối rối thân tàn đứng dậy
Ráng lê đời tiếp một cuộc chơi
30.1.2019
Hai lăm tháng chạp Mậu Tuất
DODUYNGOC







Hồi nhỏ ở miền Trung, ngày hăm ba đưa ông Táo về trời, chẳng thấy ai có phong tục thả cá chép xuống ao sông hồ, kênh rạch. Chỉ thấy nhà ai cũng có cúng một mâm bánh trái, thường là dĩa thèo lèo cứt chuột, cúng xong bọn trẻ con như tụi tui cũng chẳng khoái ăn. Có nhà cúng giấy tiền, vàng mã, ít thấy có chuyện thả cá chép. Lớn lên vô Sài Gòn cũng chẳng thấy lệ này dù dân Bắc Kỳ di cư ở Sài Gòn như khu Ông Tạ, Xóm Mới hay xa hơn là vùng Gia Kiệm , Long Khánh rất đông nhưng hình như cũng hiếm có hiện tượng này. Có khi người ta đốt hình con cá chép vàng mã với đôi hia đen bằng giấy màu với mũ cánh chuồn thì phải?
Cái vụ thả cá chép rầm rộ sau năm 1975, nhất là những thập niên gần đây khi dân miền ngoài đổ xô vào sống miền Nam mang theo nhiều phong tục và phổ biến chuyện thả cá. Thế là hàng năm, vào ngày hăm ba đưa ông Táo về trời người ta thi nhau thả xuống ao hồ, sông rạch biết bao nhiêu là cá chép. Và phải là cá chép mới được. Loại cá này họ mua ở các tiệm cá cảnh, những người bán hàng rong. Đó là loại cá lâu nay được nuôi trong môi trường được chọn lọc và được chăm sóc đặc biệt chứ không giống loại cá sống ở môi trường thiên nhiên. Do vậy số lượng cá được thả sẽ không có bao nhiêu con được tiếp tục sống được trong môi trường ô nhiễm tàn bạo hiện nay của hệ thống sông rạch thành phố. Ngày hăm ba mang tiếng phóng sinh lại trở thành ngày tàn sát cá chép. Đó là chưa kể một số lớn bịch ni lon, bao bì nhựa theo cá xuống nước làm tăng thêm sự ô nhiễm khó tiêu huỷ. Và cũng như những cuộc phóng sinh, có những kẻ sẽ ngồi đấy vớt lại những con cá lờ đờ và tiếp tục những cuộc bán mua, cuộc phóng sinh chỉ là vòng sinh mệnh luẩn quẩn của những con cá. Cá chép là loại cá biết chọn nước sạch để sống. Tui cũng có xây một hồ nuôi cá để lúc rảnh rang ngồi nhìn cá lội. Lâu nay tui chỉ châm thêm nước mà không súc hồ. Năm nay mấy ông con tui làm siêng tháo hết nước, thay nước sạch vào. Hậu quả thấy ngay, ngày nào cũng có chục con cá chết, có con nuôi cả chục năm, to bằng bắp chân người lớn, tiếc ơi là tiếc. Thay nước sạch chỉ quên khử clor mà đã thế, huống chi đem những con cá chép trong những trại nuôi cá đột ngột thả xuống môi trường ô nhiễm, sẽ sống được bao nhiêu? Hàng triệu con cá chép sẽ bị bức tử hôm hăm ba này. Tréo nghoe là cuộc thảm sát này có sự tiếp tay đắc lực của những người khoác áo nhà sư, có nơi làm cuộc lễ tụng kinh gõ mõ rầm rộ cho buổi lễ đưa ông Táo kết hợp với lễ phóng sanh.
Chuyện thả cá chép bắt nguồn từ câu chuyện ông Táo về trời, câu chuyện do con người hư cấu mà nên, trở thành phong tục. Thế thì con người cũng có thể chỉnh sửa lại, thay con cá chép bằng con cá lóc, cá trê, cá rô phi, cá diêu hồng, những lọai cá này đã quen với môi trường kênh rạch, ao hồ. Chúng được câu, thả lưới vớt lên, bán mua và được thả về môi trường cũ, chúng sẽ tiếp tục sống và sinh sôi nẩy nở, cứu được sinh mạng của hàng triệu con cá chép phải chết oan khiên vì một truyền thuyết truyền từ đời này qua đời nọ. Thay đổi một nếp nghĩ, một thói quen cũng là việc không dễ, nhưng tui nghĩ là có thể thực hiện được.
Ngày hăm ba tháng chạp Mậu Tuất
DODUYNGOC


Tết năm 1976, vợ tui chưa về, tui ở Sài Gòn trên căn gác nhỏ ở hẻm 220 Trương Minh Giảng với mấy người bạn cùng quê. Trong đó có nhân vật tui viết trong truyện Bước không qua số phận. Nhân vật trong truyện tên Nhân. Đã qua gần mười tháng sau ngày bộ đội miền Bắc vào tới Sài Gòn. Đồng hồ, mắt kính, quần áo, giày dép lần lượt ra đi ở chợ trời. Rồi đến sách vở cũng ra vỉa hè đổi lấy bữa cơm. Đã đến thời gian đói. Bữa có bữa không, có nhiều ngày nhịn, có bữa chỉ có củ khoai. Bạn bè bắt đầu tản mát, mỗi đứa đi một phương kiếm ăn. Tui chẳng biết đi đâu, bám trụ căn gác gỗ có cầu thang gãy. Trước 75 tui đi làm cũng có lương cao, thuê căn phòng lớn trong ngôi nhà nhiều phòng ở số 220/100. Bộ đội vào, phường ra lệnh tiếp quản ngôi nhà vì chủ đã di tản, chuyển tui qua căn gác này. Bạn bè thấy thế đi theo nên diện tích căn gác nhỏ xíu mà có lúc chứa cả chục thằng, kể cả hai cặp vợ chồng thằng bạn mới cưới vợ. Chen chúc nhau sống trong lặng lẽ.
Bình thường khi có chút tiền, tui mua gạo nấu ăn chung với Nhân. Món ăn thường xuyên là trứng vịt. Luộc chín, cắt làm tư, ngâm vô chén nước mắm dằm ớt thật cay. Mỗi bữa mỗi thằng ăn một phần tư hột vịt, như vậy, cái hột vịt luộc hai thằng ăn được hai bữa cơm sáng chiều. Được như vậy là ngon rồi, khỏi phải nhịn đói. Thế mà có giai đoạn gạo cũng chẳng có mà nấu, hột vịt cũng chẳng có mà ăn. Đói vàng cả mắt, người xanh như tàu lá, đi liêu xiêu thấy gì cũng thèm. Lúc đó tui đang sinh hoạt trong đoàn kịch của Hội Văn nghệ Thành phố, hôm nào cũng tập kịch ở ngôi nhà của mẹ ông Tổng thống Thiệu chỗ 81 Trương Minh Giảng. Trưởng đoàn văn nghệ lúc đó là chị Kim Hạnh, vốn là trưởng đoàn Văn nghệ Vạn Hạnh trước 1975, sau này chị chuyền qua làm báo. Lúc đó gần Tết, không biết ai biết chuyện tui đang đói, mấy người trong đoàn họp lại quyên góp mua gạo cứu đói cho tui. Sau này nghe kể chị Kim Hạnh bảo tui sĩ diện lắm nên nếu đưa trực tiếp tui sẽ không nhận đâu, do vậy bọn họ phải lên kế hoạch. Những người thực hiện kế hoạch này giờ đa số ở nước ngoài cả. Đó là Châu Bảo, Bích Nguyen đang ở Mỹ, Tô Công Tròn đang ở Pháp, Dục đã mất ở Úc..Họ canh tui vừa ra khỏi nhà là chạy lên để bao gạo, chai nước mắm và mấy món linh tinh nữa ngay góc cầu thang. Họ trốn ở mấy góc hẻm chờ tui đi về mang gói quà ấy vào nhà rồi mới tản hàng. Tui không quên gói quà ấy dù đã hơn bốn mấy năm rồi. Tình cảm của các bạn quý báu biết bao vì lúc đó ai cũng nghèo và khó khăn. Nhờ mấy kí gạo đấy, Tết năm 1976 tui có gạo ăn. Có gạo nhưng chẳng có tiền để sắm đồ ăn, Tết nên cũng chẳng kiếm được công việc gì để làm, cũng chẳng còn ai buôn bán để bán mua. Ngày mùng một Tết, vét trong lon guigoz còn muỗng mỡ, tui xé sách làm củi, tui chiên cơm. Năm đó còn pháo nổ ì xèo, trưa mùng một tui ngồi ăn chén cơm chiên mà nước mắt ướt cả mặt. Tui ngóng về Đà Nẵng, nơi đó Ba Mạ các em tui đang hân hoan đón Tết, dù đất nước đã bắt đầu nghèo, nhưng gia đình tui chắc chắn vẫn có những món ăn không thiếu của ngày Tết. Còn ở phương xa này, tui đón Tết bằng món cơm chiên độc nhất, chỉ có chén cơm chiên với mỡ và nước mắm. Tui tủi thân, thương thân mình nhưng vì hoàn cảnh cũng không dám về nhà vui Tết với gia đình.
Mấy mươi năm qua rồi, bao nhiêu dâu bể, bao nhiêu đổi thay. Ba Mạ mất, anh trai mất rồi vợ mất, anh em xao xác bốn phương trời. Bữa nay, lại một cái Tết nữa đang đến, bỗng dưng nhớ chén cơm chiên của cái Tết đã xa lăng lắc. Nhớ đến tình cảm của những người bạn một thời.
26.1.2019
DODUYNGOC


Tháng chạp mưa không ướt áo
Nén nhang leo lét hao gầy
Hai hàng đèn cầy hiu hắt
Trời buồn rớt rất nhiều mây
Đêm dài mong cho đến sáng
Ánh đèn soi hết nông sâu
Thấy mình như dầu đã cạn
Trăm năm nước chảy qua cầu
Tháng chạp thế gian chờ Tết
Sao ta cứ mãi mùa đông
Bên vườn đóa hoa nở sớm
Buồn như suối chảy thành dòng
Suốt đời toàn đi lạc bước
Chúa đành ngoảnh mặt làm ngơ
Phật cũng cúi đầu lảng tránh
Mình ta quay quắt bơ phờ
Tháng chạp mai vừa hé nụ
Phố phường rực rỡ đơm hoa
Bên đường còn ta lụ khụ
Lơ ngơ như kẻ không nhà
Ta chẳng còn ai thân thiết
Tuổi già khóc cảnh mồ côi
Nhớ mẹ lòng đau da diết
Thương cha ngực bỗng bồi hồi
Tháng chạp ta không còn quê
Không quê đâu chốn để về
Ngước mắt nhìn trời u ám
Giận mình còn lắm đường mê
Tháng chạp ta đứng một mình
Xót xa người ra đi mãi
Đốt nhang nhìn lại tấm hình
Mốt mai nghĩ mà kinh hãi
Nước mắt tràn đầy tháng chạp
Thấy mình trôi giữa mênh mông
Loay hoay đời thêm một tuổi
Lại thêm lắm nỗi chất chồng
26.1.2019
DODUYNGOC




Tối hôm qua, những người mê đá bóng Việt Nam đã xem một trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản. Xét về thực lực, đội Nhật Bản trên cơ chúng ta toàn diện. Nhưng diễn tiến trận đấu cũng cho thấy các cầu thủ trẻ của chúng ta chiến đấu dũng cảm với một niềm tin mãnh liệt và khát khao chiến thắng. Niềm khát khao đó như là một giấc mơ một ngày đội tuyển Việt Nam sẽ tham gia trận chung kết tranh cúp thế giới và chiến thắng. Giấc mơ không bị đánh thuế, nên có quyền mơ. Cách đây 52 năm(1967) ở miền Nam Việt Nam đã có một nhà văn mơ giấc mơ đó và viết thành cuốn sách có tên Bồn lừa. Bồn lừa là giấc mơ của tuổi trẻ Việt Nam, là niềm kiêu hãnh của tuổi thơ của mọi thời.
Thời kỳ đó chúng tôi mê đọc Bồn lừa và cùng Bồn lừa xây nên giấc mơ vô địch thế giới. Nhà văn Duyên Anh đã xây dựng nên một giấc chiêm bao cho những thằng nhóc mê đá banh của một nước nhược tiểu đang bị chiến tranh. Nhưng giấc mơ đó là khát vọng. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, nhà văn Duyên Anh khiến người đọc như thấy được một Bồn lừa có thật, một giấc mơ có thật làm bật lên niềm kiêu hãnh. Dạy cho lớp trẻ tự tin, mơ vinh quang cho tổ quốc thì những cuốn sách như Bồn lừa là cách giáo dục hiệu quả nhất.
Sau 1975, cũng có nhà văn bắt chước lối viết của Duyên Anh, nhưng đã là bản sao thì làm sao bằng bản chính. Hơn nữa trời cho mỗi nhà văn cái duyên, cái hồn riêng trong nhân vật và con chữ của họ, cái này thì không thể bắt chước được.
52 năm trôi qua, thế hệ Bồn lừa đã vào tuổi bảy mươi nhưng vẫn còn nguyên vẹn một giấc mơ.
25.1.2019
DODUYNGOC
BỒN LỪA TRONG THIÊN ĐƯỜNG MƠ ƯỚC
Tác phẩm Thằng Vũ của Duyên-Anh làm cho lớp độc giả người lớn thích thú bao nhiêu thì lớp thiếu niên cũng say mê Bồn lừa như thế (một văn phẩm viết cho tuổi trẻ, Búp Bê xuất bản, 1967). Mà chẳng những bọn thiếu niên say mê Bồn lừa, người lớn cũng cảm khoái không kém. Nhân vật Bồn lừa trước hết là niềm kiêu hãnh của tuổi thơ. Nó xuất hiện như một thần thoại.
“Bồn lừa nhận được ban. Giữ lại. Hất sang bên phải cho Quyên Tân-định. Tả nội Việt-nam thọc xuống góc. Nhóc con Hùng chồm lên đón bóng, qua mặt Zito, đẩy bóng vào giữa. Bồn lừa nhận bóng đúng tầm toan tính. Bóng đang nằm dưới chân Bồn lừa.
- Bồn lừa, Bồn lừa…
- Dứt đi !
- Rán mở tỷ số đi !
Mấy chục ngàn con mắt hướng về Bồn lừa. Bây giờ, Bồn lừa là người khổng lồ. Nó nổi bật cơ hồ đám mây xanh duy nhất trên nền trời trắng.”(trang 52).
Bồn lừa đã làm cho bao khán giả phải hồi hộp xúc động. Bồn lừa trở thành mặt trời. Và chỉ có một mặt trời trên sân cỏ này, vùng bình minh của tuổi thơ. Hôm ấy, trước khán giả, sự thắng bại của Bồn lừa đã gắn liền với niềm kiêu hãnh của quê hương được bộc lộ qua niềm phấn khởi và xúc động của đám quần chúng đầy nhiệt tình.
“Cầu trường nhộn nhịp hẳn lên. Khán giả đi muộn kéo vô. Khán giả đi sớm không muốn nhúc nhích. Chen nhau, cãi cọ, chửi thề, văng tục. Đó là sinh hoạt muôn đời ở khán đài bình dân. Ô, dù, đủ màu, đủ kiểu, trương lên che nắng cuối năm. Tiếng máy phóng thanh hứa hẹn:
- Mười phút nữa, hội tuyển Thiếu-niên Sài-gòn sẽ gặp hội tuyển Ba-tây.
Lời hứa hẹn đó thôi thúc khán giả mãnh liệt. Lại nhấp nhỏm, chen nhau, cãi cọ, chửi thề.” (trang 12).
Hội tuyển Ba-tây là một Hội quốc tế nổi đanh qui tụ 10 đứa con cưng của nền túc cầu nước này, quê hương của những thần tượng sân cỏ. Những vua phá lưới Pelé rổi những Vava, Garrincha… đều là kiện tướng, thuộc loại tay tổ. Hội nước bạn trở thành cái gai trước mắt. Một đe dọa tưởng không thể nào vượt qua. Cho nên, trước khi trận đấu diễn ra, đám khán giả Việt-nam đã sẵn mặc cảm thua cuộc. “Đi coi chân cẳng Ba-tây chứ tin gì hội nhà”(trang 13).
Với một thành kiến như vậy, Hội tuyển Thiếu-niên Sài-gòn cũng đã mất đi nhiều khích lệ cần thiết trong đám khán giả, tức chính đồng bào của mình đã mất lòng tin nơi “gà nhà” của mình. Cái thành kiến đáng ghét kia chỉ là cái bệnh chung của kẻ yếu, của kẻ đã từng thua cuộc. Bỗng dưng, tình thế đã thay đổi và xoay chiều. Sự xuất hiện của Bồn lừa trên sân cỏ trở thành cú sấm sét bất kỳ đã phá tan những thành kiến đáng ghét.
” Khán giả đang ngồi, nhất loạt đứng lên, gào la :
- Bravo Bồn lừa !
- Bồn lừa số dzách !
- Bồn lừa năm bờ oăn !
Hội tuyển Ba-tây chưa hết ngạc nhiên vì tài nghệ của Bồn lừa thì trọng tài rít còi. Pelé ngẩn ngơ nhìn theo Bồn lừa. Thằng nhóc mới thôi ngậm núm vú mà sao nó cừ thế ! (trang 17).
Tài nghệ của Bồn lừa làm cho giới mộ điệu phải hồi hộp ngưỡng mộ qua lời tường thuật của phái viên Huyền Vũ.
“Thưa quý vị, Bồn lừa đã cướp bóng từ đôi chân vàng của quái kiệt Pelé” (trang 24).
Trái tim giới mộ điệu trên khắp nước muốn nổ tung vì xúc cảm qua tiếng thét lớn của phái viên Huyền Vũ :
“Bồn lừa bắn bóng thủng lưới Gilmar mở tỷ số đầu tiên cho Việt-nam. Chúng tôi đang ở phút thứ 25 của hiệp nhì. Việt-nam dẫn trước tỷ số 1-0, Bồn lừa đã phá thủng lưới của Gilmar bằng cú sút lạ lùng nhất thế giới bóng tròn. ” (trang 53).
Trong phần đầu qua 56 trang, Duyên Anh làm cho người đọc như được thưởng thức một trận túc cầu sôi nổi. Tác giả phải là khách mộ điệu sân cỏ và có đủ cái óc tế nhận của một phái viên thể thao cho nên ông mới tả được một pha đầy hồi hộp và sôi động như thế. Nó như thực vì nó có đủ những khích động bén nhậy nhất, linh hoạt nhất. Rồi người đọc bỗng dưng như vừa qua một giấc mộng đầy thích thú vì qua phần thứ II của truyện người ta mói vỡ lẽ ra đó chỉ là giấc mơ kỳ thú của riêng Bồn lừa. Nghĩa là một sự thoát tục để lên tiên. Tiên giới của Bồn lừa không đâu khác hơn là sân cỏ.
“Bồn lừa toét miệng cười. Nó duỗi chân thoải mái trên vỉa hè xi măng, lưng vẫn dựa vào cột đèn. Trái bóng nằm ngoan ngoãn trong lòng nó, giờ tuột chạy. Quyên Tân-định nhấc gót chặn trái bóng….
Bồn lừa vươn vai :
– Tao ngồi chờ tụi mày lâu thấy mồ, ngủ bẵng lúc nào chả biết. Rồi tao chiêm bao, mày ơi !
Quyên Tân-định nheo mắt:
– Chiêm bao tào lao khỉ đột hả ?
Bồn lừa lắc đầu :
– Chiêm bao tụi mình đá với tụi Ba-tây. Tao sút tung lưới Ba-tây. Con nhà Pelé “cộp” gẫy ống chân tao.” (trang 58).
Cũng từ đó, Bồn lừa luôn luôn thắc mắc. Đôi mắt nó ngơ ngác long lanh hỏi bạn :
“ – Có bao giờ chiêm bao là thật không nhỉ ?
Hai thằng bạn trẻ của nó ngần ngơ giống nó. Chẳng đứa nào trả lời nòi câu hỏi của Bồn lừa. Một lát Chương còm nói :
– Để tao về tao hỏi bố tao nhé” (trang 81 – 82).
Đêm ấy Bồn lừa thao thức mãỉ theo giấc mơ chiều. Nó muốn được sống mãi với giấc chiêm bao kỳ thú. Giấc mơ hãy còn dang dở giữa phút gây cấn nhất. “Rồi Ba-tây làm sao giữ được cú sút “trồng cây chuối” của Bồn lừa ? Dứt trận đấu, quang cảnh vận động trường Cộng-hòa như thế nào ? Đội bóng của nó có bắt Gilmar vô lưới nhặt thêm vài trái nữa không ? Quyên Tân-định đúng là thằng oắt vô tích sự. Người ta đang chiêm bao thì nó phá đám” (trang 85).
Giấc chiêm bao đã in hình rõ rệt trong tâm trí Bồn lừa. Khắc sâu trong tâm khảm nó. Giấc mơ đã tạo cho nó thành một thứ Lưu Nguyễn muốn tìm về cõi Thiên Thai của Tuổi Trẻ. Thực sự giấc chiêm bao kia đã nhóm lửa trong tâm hồn Bồn lừa để từ đó “nó đã mơ ước hách hơn điều nó đã mơ ước” (trang 165). Dù hàng ngày nó phải đi bán bong bóng kiếm kế sinh nhai. Bồn lừa vẫn gắng công mài giũa nghệ thuật và ước mong một ngày kia đội bóng của nó được “Tổng Cuộc Túc Cầu công nhận và cấp thẻ” (trang 177), trong đám đó có Dzũng Đakao, Tí điên, Chương còm. Rồi niềm kiêu hãnh của nó mỗi ngày một lớn “Trái bóng đang nằm dưới chân Bồn lừa. Nó ngước nhìn cờ Việt-nam… Linh hồn Tổ-quốc không nói nhưng Bồn lừa mơ hồ nghe tiếng nói Việt-nam đầm ấm giục giã nó : “Hãy chiến thắng đi Bồn lừa !” (trang 204).
Giấc mơ của Bồn lừa đã nổi lửa đốt cháy tự ti để sáng tỏ niềm tự hào dân tộc nơi tuổi trẻ. Ta có thể nói, Bồn lừa ít nhất cũng là ngọn đuốc soi sáng cho tuổi thơ và đặt tuổi thơ trên chiếc nôi nhung gấm của tình tự dân tộc.
Xét về nghệ thuật, Duyên Anh đã thành công trong cách kết cấu và dựng truyện. Bồn lừa chỉ là giấc mơ. Ông đã làm sống lại giấc mơ đó như làm sống lại một niềm tin đang tàn lụi trong mỗi người nhất là đám thiếu niên. Duyên Anh đã khéo tay kiến trúc một sân cỏ trong ước mơ và làm nổi bật cái sống động của một sân cỏ Cộng-hòa. Và người, ta cứ đinh ninh Bồn lừa đang ở trước mặt, đang lao mình trên sân cỏ. Bồn lừa bằng xương bằng thịt chứ không phải Bồn lừa trong trí tưởng Duyên Anh.
Xét về phương diện giáo dục tuổi thơ thì Bồn lừa quả là cuốn sách phải đóng gáy vàng đặt trong thư viện của mỗi trường học để giục lòng yêu nước cho tuổi trẻ. Tưởng không có một cuốn sách Công-dân Giáo-dục nào cụ thể hơn, hữu hiệu hơn để dạy dỗ tuổi thơ thế nào là niềm tin dân tộc, thế nào là vinh quang của một dân tộc. Bồn lừa với nội dung của nó là một truyện tươi son nhất viết cho tuổi thơ trong lứa tuổi 15, 16. Nhưng nghệ thuật cùa nó vẫn là nghệ thuật đã được tôi luyện.
Tạp chí GIÁO DỤC trước 1975
Xem truyện click vào đây


Tôi vốn không phải là dân Sài Gòn. Tôi là thằng con trai miền Trung vô Sài Gòn kiếm cái chữ từ những năm cuối của thập niên sáu mươi, đầu bảy mươi của thế kỷ trước. Là thằng sinh viên nghèo tự lập chẳng ai nuôi nên tôi chỉ quanh quẩn ở những xóm lao động của Sài Gòn hoa lệ thời ấy. Để tiện việc học hành, và vì lúc đấy cũng chẳng có phương tiện di chuyển, tôi bám trụ khu Trương Minh Giảng suốt quãng đời đi học. Cho đến khi đi làm mua nhà, tôi vẫn quanh quẩn khu vực ấy. Thế nên Sài Gòn trong tôi là những xóm nghèo, Sài Gòn với tôi là những người lao động nghèo, những căn nhà nho nhỏ, lụp xụp bên bờ kinh Nhiêu Lộc mà bây giờ không còn nữa. Ngay đống rác ngay chân cầu Trương Minh Giảng thuở xưa cũng là nơi ghi dấu nhiều ký ức cùa tôi một thời đã đi qua không trở lại.
Lúc mới vào Sài Gòn, tôi mê những hàng cây. Những cây me đường Nguyễn Du với những quán cà phê ven vỉa hè. Tôi và bè bạn rong chơi ở đấy suốt đời sinh viên để ngắm những hàng me, để đón những lá me nhỏ xíu rớt trên vai mình, để nhìn những hạt mưa bay bay trên những vòm lá xanh biếc màu ngọc bích và để yêu một thành phố. Tôi cũng mê những buổi chiều đi lang thang sau giờ học ở Đại học Văn khoa, đến cuối đường Gia Long, ở gần nhà thương Grall để ngắm hai hàng cây giao nhau và cuối con đường là chủng viện Công giáo với tường màu gạch đỏ. Cảnh đó giống như một tác phẩm nghệ thuật và lúc đó tôi nghĩ đây là con đường đẹp nhất Sài Gòn. Đi thêm một đoạn nữa, ta ngỡ ngàng với hàng cây cổ thụ vươn cao từ khu Ba Son chạy ra Cường Để, những hàng cây thẳng tắp luôn khiến con đường nhiều bóng mát điểm những bóng nắng loang lổ như một bức ảnh đẹp được chụp bởi một tay máy nghệ sĩ.
Tôi cũng thích bách bộ lang thang đến đường Đoàn Thị Điểm(bây giờ là Trương Định) để ngắm những ngôi nhà sang trọng nhưng rất thanh lịch thấp thoáng sau hàng rào đầy hoa và con đường nhiều bóng râm.
Nhiều lần đi kiếm cơm ăn ké bạn bè ở Đại học xá Minh Mạng, tôi cũng ngắm nhìn những hàng cây cao vút cạnh ngôi nhà thờ màu đỏ như gợi nhớ một bức tranh nào đó đầy màu sắc của hoạ sĩ Đinh Cường.
Có nhiều đêm, đi qua ngôi nhà lớn ở đầu đường Trương Minh Giảng tôi nghe tiếng dế gáy ở bụi cỏ và hương ngọc lan thơm ngát từ ngững cây ngọc lan cổ thụ trong sân toà nhà dưới ánh đèn đường mờ đục.
Tiếng dế và hương thơm ngọc lan vẫn năm trong ký ức của tôi đến tận bây giờ bởi con đường đó gắn với tôi biết bao kỷ niệm của một mối tình không thể nào quên.
Kể nhiều vòm cây khóm lá để thấy ấn tượng đầu tiên của một chàng học trò tỉnh lẻ đến Sài Gòn chính là những con đường với những hàng cây rợp bóng.
Đến bây giờ, tôi đã ở Sài Gòn được gần nửa thế kỷ. Chưa bao giờ có ai hỏi tôi là người gốc Sài Gòn hay là dân Sài Gòn xịn, dù đã ở lâu xứ này, tôi vẫn nói giọng Quảng dù đã nhẹ hơn người chánh gồc Quảng. Ở đất này, ai đã đến và sinh sống ở đây đều là người Sài Gòn. Sài Gòn có nhiều người Bắc di cư năm 1954. Sài Gòn cũng có nhiều người miền Trung từ Quảng Nam, Ngãi, Quy nhơn, Bình Định. Sài Gòn còn có rất nhiều người miền Tây lên, từ miền Đông Nam bộ đến. Nhưng dù họ đến từ đâu, họ ở đây đã là dân Sài Gòn, chẳng có ai phân biệt, chẳng có ai thắc mắc. Và đó cũng là đặc điểm đặc biệt của người Sài Gòn khác với Hà Nội.
Đêm đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi ngủ trên ghế đá chỗ vườn hoa Tao Đàn. Nửa đêm tôi bị đánh thức bởi hai người cảnh sát. Bởi thời đó thiết quân luật từ nửa đêm, không ai được ra đường. Sau khi đưa giấy tờ và kể lể hoàn cảnh vừa mới từ miền Trung vào đi học, chưa kiếm được người quen. Một anh cảnh sát bảo: Miền Trung à? Ái chà chà, mấy ông sinh viên quê ngoài ấy khoái theo Việt cộng lắm. Tui chẳng biết nói sao đành chịu bị giải về cái bót cảnh sát ở ngay góc chợ Bến Thành. Tui nằm ở đó một đêm, sáng ra có một ông sĩ quan cảnh sát đến, bảo tôi đi học thì gắng mà học hành, đừng nghe lới mấy tay Việt Cộng mà tiêu đời. Ông ta móc bóp, cho tôi tiền ăn sáng và uống cà phê. Đó là cái tình của ngưởi Sài Gòn đầu tiên trong đời tôi và gây cho tôi ấn tượng về con người ở xứ này.
Trong những ngày đói rách, khó khăn của cuộc đời, những người Sài Gòn, những người nghèo Sài Gòn đã bảo bọc, giúp đỡ tôi qua cơn khốn khó. Tôi không quên được cô gái bán cơm ở chợ Trương Minh Giảng. Thuở đó, tôi thất nghiệp, chẳng kiếm ra tiền, chắt bóp, vơ vét túi chỉ đủ gọi dĩa cơm trắng rồi xin miếng xì dầu ăn qua bữa. Ăn được ba hôm như thế thì cô bán cơm hỏi sao không thấy anh ăn thức ăn, đành nói dối tôi ăn chay. Cô ấy chỉ cười, không nói. Nhưng mấy hôm sau, dĩa cơm xì đâu của tôi luôn có dưới lớp cơm trắng khi thì miếng đậu hủ, lúc thì miếng thịt hoặc cái hột vịt kho. Được mấy hôm, tôi mắc cỡ, không dám ra ăn nữa. Sau đó lại kiếm được việc bán báo ở tận đường Phạm Ngũ Lão, tôi không ăn cơm ở đó. Thời gian sau tìm lại thì quán đã đổi chủ rồi, tôi chẳng tìm được lại cô gái bán cơm có nụ cười rất tươi và tấm lòng nhân hậu.
Ăn uống thiếu thốn lại tạng người không khoẻ, tôi hay bệnh vặt. Chính những người hàng xóm rất nghèo của tôi đã giúp tôi qua được những cơn bệnh, giúp tôi có chén cháo, viên thuốc. Cái tình đó tôi làm sao quên. Sau này ở lâu, tôi mới hiểu ra đó là bản chất của người Sài Gòn. Là cái tính ưa giúp người hoạn nạn, giúp kẻ sa cơ, tính ưa làm việc thiện của người Sài Gòn.
Mỗi lần đi xa rời Sài Gòn lâu, nhớ về Sài Gòn tôi chỉ nhớ những hàng cây và những người Sài Gòn tôi đã gặp, đã sống chung với họ một quãng đời. Người ta hay khen Sài Gòn với những cao ốc, những dinh thự, những khu ăn chơi bốc trời, những hàng quán xa hoa, những chiếc xe đắt tiền, những thú vui hoan lạc. Riêng tôi, trong tôi, Sài Gòn là vòm cây xanh lá, là những ngôi nhà bên dòng nước đen và ở đó tôi tìm thấy tình người.
Bây giờ, Sài Gòn đã đổi tên. Thế nhưng tôi vẫn gọi là Sài Gòn như một thói quen, cái tên của ký ức không thể nhạt phai. Người ta đang tìm đủ cách để thành phố này không còn ký ức của Sài Gòn. Nhưng với người Sài Gòn, Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn mà không có một cái tên nào khác có thể thay thế được.
15.4.2018
DODUYNGOC


Hồi còn ở Đà Nẵng thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, tui là thằng con trai đang lớn mê vẽ vời, rảnh rỗi là chạy đến phòng vẽ của hoạ sĩ Nguyễn Viết Hậu ở đường Hùng Vương gần đường rầy xe lửa sau chợ Cồn hoặc lên chỗ gần rạp xi nê Kinh Đô đường Độc Lập nơi có phòng tranh của nữ hoạ sĩ Maria Mộng Hoa để xem tranh và học lóm cách thức vẽ các hoạ sĩ này.
Năm 1965, hoạ sĩ Đinh Cường triển lãm lần đầu tiên tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Đà Nẵng, tui đến xem và ngỡ ngàng, say đắm, vỡ ra nhiều điều về nghệ thuật. Trước đây, xem tranh của các hoạ sĩ sáng tác theo kiểu trường lớp, màu sắc na ná nhau, vẽ theo lối hiện thực hàn lâm, nay tui choáng ngợp với những bức tranh đầy sáng tạo, đầy ngẫu hứng và màu sắc, đường nét, bố cục rất mới, nội dung tranh phóng túng rất nghệ sĩ. Tôi bắt gặp một chút Marc Chagall, một phong vị Modigliani, những họa sĩ Pháp tui rất mê từ hồi học lycée, lại thêm một chút không gian bàng bạc rất Huế, rất Đông phương trong tranh của họa sĩ Đinh Cường. Hôm nào tui cũng đến, đứng nhìn say mê từng bức tranh. Hết tiến rồi lùi, rồi nhìn ngang nhìn dọc, rồi bạo gan sờ vào tranh để lấy cảm giác với lớp màu dầu sần trên sợi bố nham nhám. Đến xem suốt mấy ngày triển lãm, tui quá thích bức tranh vẽ thiếu nữ mặc áo dài tím quấn khăn quàng bay trong gió. Hỏi, giá khá cao, nhưng tui quyết mua. Quyết vậy thôi nhưng gom góp cũng mới chỉ được một nhúm, bí quá tui chạy mượn bạn bè, người quen. Ai cũng thắc mắc tui cần tiền làm gì, tui bảo: để mua tranh, ai cũng cười nhạo tui và đương nhiên cũng chẳng có ai cho mượn. Hôm bế mạc, tui rụt rè đến với mục đích nhìn lần nữa bức tranh thiếu nữ. Có lẽ quen mặt với cậu thanh niên ngày nào cũng lang thang trong phòng triển lãm, hoạ sĩ Đinh Cường có bắt tay tui. Tui sướng và hãnh diện lắm. Số tiền gom được chút chút định mua tranh, tui mua thuốc lá và rủ bạn bè đi cà phê hết nhẵn. Tui ái mộ tranh của hoạ sĩ Đinh Cường từ đấy.
Từ đó, tui bắt đầu tập vẽ tranh theo phong cách, màu sắc của ông. Trong lòng vẫn thầm tiếc chưa mua được tranh nào của hoạ sĩ Đinh Cường. Thời này, nhóm nghệ sĩ không những hút thuốc lá đen mà rất nhiều người còn hút pipe. Học đòi các nghệ sĩ đàn anh, tui cũng bắt đầu để râu tóc, đội nón bê rê, chôm của ba tui một cái tẩu đẹp, phì phèo suốt ngày với khói.
Đậu tú tài hai, tui thi vô trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Đậu và vào học mấy hôm, tui gặp hoạ sĩ Đinh Cường ở sân trường, tui chào ông, ông nhìn tui một hồi và bảo thấy mặt tui quen quen, tui nhắc ông về vụ triển lãm ở Đà Nẵng, ông gật gù và nhớ ra rồi cười hiền: nhớ rồi, cố gắng học hành nghe. Nhưng rồi tui không cố được như lời khuyên của ông, tui bỏ trường bay đi xa mong tìm những cơ hội mới.....
****
Một thời ở Sài Gòn, tui cũng vẽ vời, viết lách kiếm sống, cũng làm được triển lãm, cũng có mối quan hệ với nhiều nghệ sĩ tiếng tăm của đất Sài thành, nhưng trong tui, lòng ngưỡng mộ tài năng của hoạ sĩ Đinh Cường vẫn không phai nhạt. Tui vẫn thường xuyên đi xem triển lãm của ông, do không đủ điều kiện để mua tranh của ông, tui bắt đầu tìm cất những tác phẩm của ông trên báo chí, trên các catalogue triển lãm của ông và bạn bè. Sau này, nhờ có internet, tui tập hợp được hàng trăm ảnh tranh cùa ông. Một thời tui kiếm sống bằng nghề vẽ bìa sách, tui cũng học nhiều ở ông trong lãnh vực này.
Ông thường ngao du cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Trịnh Cung, hoạ sĩ Bửu Chỉ, nhà nghiên cứu Bửu Ý....Trong nhóm này, tui vẫn kính trọng ông hơn cả dù nhóm này đều là những người tài danh của nghệ thuật miền Nam. Theo nhận xét của tui, ông là người điềm đạm, khiêm tốn, nói năng chuẩn mực như một nhà giáo nhưng vẫn toát lên tính chất nghệ sĩ ẩn chứa từ bên trong. Những người kia, người thì khôn khéo quá, ông thì khệnh khạng quá, ông nữa thì điếm đàng quá nên nhiều khi giữa đám đông, thấy ông chỉ im lặng nhưng vẫn có một chỗ đứng nhất định không chìm khuất.
Tranh của ông cũng vậy, những tảng màu đè lấp lên nhau, tưởng như là một sự sắp đặt ngẫu nhiên, nhưng vẫn ngời lên ánh sáng rất lạ lùng. Ánh sáng đó khiến cho tranh ông có sức cám dỗ rất mạnh, giữ chân người xem lại và ngẫm ngợi. Nhiều khi trong đám màu trầm khuất, lại có một đốm đỏ của lửa, đốm đỏ của hoa hồng hay đốm đỏ của một đường cọ bay ngẫu hứng. Thế giới trong tranh của hoạ sĩ Đinh Cường là thế giới của hoài niệm một quá khứ vừa bay mất, nhưng ông đã giữ lại linh hồn của quá khứ đó và tranh ông rực lên lãng đãng hoài niệm khiến cho người xem đủ đắm say. Ông vẽ nhiều về Huế và Đà Lạt, dù quê ông ở Thủ Dầu Một. Hai địa danh đó thường đi với hình ảnh người thiếu nữ mong manh, "vai em gầy guộc nhỏ" với chiếc khăn quàng hững hờ trong gió. Một không khí lãng mạn, phiêu bồng. Hình như người ta thấy những ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn thấp thoáng trong tranh của hoạ sĩ Đinh Cường. Có lẽ đó cũng là mối lương duyên của một tình bạn.
Bên cạnh những tranh thiếu nữ, tui còn rất khoái loạt tranh chân dung nghệ sĩ của ông. Ông vẽ cho nhiều người, và theo tui được biết, ông chỉ vẽ khi ông thích vẽ, thế thôi, chứ không vẽ vì qui tắc nào cả. Những tranh chân dung của ông cũng khá lạ dù có chút hơi hám của danh hoạ Modigliani. Nhiều khi chỉ là vài nét đơn giản trên giấy, hay những đường cọ trên bố, tính cách nhân vật được bộc lộ, hình thái của nhân vật được hiện hình. Theo tui, mảng tranh chân dung của ông cũng là một tài sản quí báu trong nền mỹ thuật Việt Nam thời hiện đại.
Hoạ sĩ Đinh Cường thường sử dụng màu xanh ở trong tranh. Đôi khi là xanh biếc ngã tím, đôi khi lại hoá xanh của cây lá, lúc khác là xanh của trời xanh xanh pha chút hồng tươi, hay là màu xanh của giòng sông lặng lờ chuyển dịch. Cũng có nhiều tranh ông dùng màu xám chủ đạo, màu xám buồn của vách nhà, của khung cửa đang mở, màu xám của tảng đá u mặc, của con lộ vắng người hay nóc của giáo đường cao cao. Màu xám như sương, gợi chút buồn nhè nhẹ làm nao nao. Và hai màu xanh, xám ấy là hai màu rất riêng trong tranh của người hoạ sĩ tài hoa Đinh Cường.
Tui gặp ông nhiều lần, được hầu chuyện ông vài lần, nhưng không được là người thân tình của ông. Nhưng trong lòng tui, từ hồi mới lớn xem triển lãm đầu tiên của ông cho đến tận bây giờ, đã đến tuổi U70, tui vẫn ngưỡng mộ ông như ngày nào, và với tui, ông là một trong số ít những hoạ sĩ tài danh của đất Việt trong thế kỷ XX.
Biết tin ông mất, lòng nhiều tiếc thương, xin có vài hàng gọi là kỷ niệm, như là những nén nhang cuối cùng đốt lên trước khi thân xác ông vào lò thiêu và trở thành tro bụi.
Bái biệt ông, và tin rằng, những người hiền như ông, nhân hậu như ông, tài hoa như ông sẽ được đến và tiếp tục sáng tác trong một thế giới mới xinh tươi không hận thù, hiềm khích và lọc lừa.
Vĩnh biệt ông, người hoạ sĩ tui trọn đời kính mến.
Sài Gòn. 14.01.2016
ĐỖ DUY NGỌC

CUỘC GẶP GỠ BUỔI CHIỀU Ở BÙNG BINH NGÃ SÁU
Truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc
Chiều âm u, gió lành lạnh của mùa đông dù là mùa đông Sài Gòn những ngày giáp Tết cũng khiến cho người đi đường ơn ớn ở hai tay. Xe cộ vẫn đông cứng ở bùng binh lắm ngả. Cứ nhích được từng chút. Chỗ ngả sáu này là nơi một lần tui bị choáng buổi trưa đường vắng, xe tự ngã. Từ đó tui không còn phóng năm sáu chục cây số giờ ở đường phố Sài Gòn nữa mà đi chậm hơn và cũng thường lái xe sát lề đường để tránh nguy hiểm. Hôm nay cũng thế, xe cộ chen lấn nhau, tui đi cặp hè đường trước trường Lê Lợi để quẹo Lý Chính Thắng. Và cũng nhờ thế mà tui thấy hắn. Ban đầu là tui nhìn thấy một ông lão bán bóng bay bên lề, khuôn mặt nhìn quen lắm, nhang nhác người bạn cũ từ thuở nhỏ dù giờ già hơn, hom hem hơn, móm mém hơn. Tui có một khả năng rất lạ là chuyện xưa chuyện cũ, bạn bè cũ mèm cũng không quên, gặp bạn từ thời tiểu học cách đây sáu chục năm, tui còn kể vanh vách nó ngồi bàn nào, cạnh thằng nào. Trong khi những chuyện mới xảy ra gần đây thì quên tuốt luốt. Tui thấy lão này giống y thằng Tùng, thằng bạn học lớp cuối tiểu học và mấy năm đệ nhất cấp ở Đà Nẵng. Tui cố chen qua mấy luồng xe, đến cạnh lão và hét lên: Tùng phải không? Tùng ở Đà Nẵng phải không? Ông lão nhìn tui, ngơ ngác, e ngại, hoang mang một lát và lắc đầu: Anh lộn người rồi, tui không phải Tùng. Nhưng mà cái giọng Quảng Nam đặc sệt ấy, cái giọng khào khào ấy, khuôn mặt với con mắt hơi lé kim ấy, đích thị là Tùng.
Ông chối mần chi, tui nhìn là nhận ra ông liền. Tui là Ngọc, học chung với ông ở trường Nam.
Hắn nhìn tui với ánh mắt e dè, lo âu rổi lắc đầu: Tui không phải là Tùng mà. Anh lộn người rồi
Tui ngơ ngác một lát, tự nghĩ sao mình lầm được ta. Là thằng Tùng mà.
Lúc đó dòng xe xô đẩy, tui đành rú xe đi. Nhưng vừa quẹo qua, tui dừng xe một lát, quay đầu lại nhìn hắn thì bắt gặp ánh mắt hắn đang nhìn theo tui. Thế là tui chắc hắn là thằng Tùng. Có lẽ hắn đang muốn dấu diếm thân phận, hắn đang tự ti cái nghề hắn đang làm. Hắn không dám nhận bạn bè cũ. Tui quay xe lại, túm chùm bong bóng còn xum xuê trên tay hắn: Ông chối nữa đi, ông là Tùng lé kim bạn học của tui. Hắn nhìn tui, ngập ngừng, khoé mắt ươn ướt: Sao ông nhìn hay vậy. Đã sáu chục năm rồi mà ông còn nhớ sao? Tui kéo tay hắn ngồi lên xe, phố vẫn đông với đoàn xe cuồn cuộn.
------------
Với tui, thằng Tùng này có hai kỷ niệm cũng là hai cái ơn mà tui không quên được. Một lần đá banh ở sân vận động Chi Lăng, hồi đó chân còn bé, đá cái banh nhỏ xíu và đá chân không. Tui bị đạp cái đinh khá bự, máu chảy dầm dề, đỏ loét nhìn sợ lắm. Tùng là thằng cõng tui đến bệnh viện, trên đường đi máu chảy ròng ròng ướt cả cái quần hắn. Hắn đợi tui băng bó, chích thuốc ngừa xong mới chạy về nhà tui kêu ba tui đến. Lần khác năm học đệ lục, hôm đó thầy dạy toán bệnh, tụi tui cúp luôn hai giờ sau ra biển Mỹ Khê tắm. Ham vui cả bọn nằm trên phao bị cuốn ra xa, khi phao lật thì nước đã cao hụt chân rồi, Tùng là thằng kéo tui vô, đến bờ thì hắn bất tỉnh, phải nằm bệnh viện mất hai hôm. Do vậy mà hai thằng tui thân nhau lắm, Ba Mạ tui cũng xem Tùng như con. Ba thằng Tùng là đại uý Biệt Động quân, cứ đi hành quân miết, mẹ hắn có sạp vải ở Chợ Cồn, gia đình khá giả, hắn lại là con một, hắn chỉ buồn vì ba hắn cứ đi biền biệt. Vui buồn chi hắn với tui cũng kể cho nhau nghe. Hồi nhỏ tui bị đòn hoài, Ba tui đánh đòn ghê lắm, cũng chỉ cái tội thả diều, vô bàu Thạc gián câu cá, bắt chuồn chuồn. Đôi lần biết tui bị đánh dữ quá, hắn đến xin lỗi Ba tui và nói xạo hắn là thằng kéo tui đi theo chứ không phải vì tui ham chơi mà về trễ. Đến năm đệ ngũ thì tui thi vô trường Kỹ thuật, hắn vẫn tiếp tục học tiếp phổ thông. Dù không gần nhau như trước nhưng hai thằng lâu lâu cũng đi chơi với nhau. Ngồi cà phê, đi đánh bi da, đi ăn bánh bèo chén Quan thuế, bún thịt nướng Lao động. Lớn chút nữa thì hai thằng chở nhau theo tán tỉnh mấy nữ sinh trường nữ Trung học, trường Bồ Đề, trường Thánh Tâm. Tui là thằng chuyên môn viết thư tình cho hắn, bởi hắn chẳng có chút khiếu văn chương nào. Hắn có số đào hoa nên lắm bồ bịch, có lẽ tui đã viết giúp cho hắn hàng trăm lá thư tình mùi mẫn và sến chảy nước theo kiểu truyện Quỳnh Dao và bà Tùng Long. Đến năm thi tú tài hai thì hắn rớt, bị động viên vào trường Bộ binh Thủ Đức, tui đậu, vào Sài Gòn rồi đi du học xa, không còn gặp và nghe tin hắn nữa.
------------
Bây giờ gặp nhau đây sau mấy chục năm không tin tức, đời mỗi đứa mỗi khác, ngồi nghe hắn kể đời hắn mà rớt nước mắt. Hắn học Thủ Đức ra, mang lon Chuẩn uý cũng về lực lượng Biệt Động quân như Ba hắn. Nhưng dù Ba hắn chọn cho hắn một đơn vị ở văn phòng hậu cứ lo chuyện lương bổng của binh sĩ, nhưng hắn không nhận, tình nguyện về đơn vị chiến đấu, đánh nhau ra trò, mấy lần bị thương tưởng chết. Chỉ mấy năm hắn đã đeo lon trung uý và chuẩn bị nhận huy chương gì đấy thì tan hàng năm 1975. Lúc đó ba hắn đã là trung tá. Hắn đi học tập cải tạo ở miền Nam, ba hắn lại bị đưa ra Bắc. Học được hơn năm rưỡi thì trong một lần đi lao động hắn trốn trại, về nhà thì mới biết mẹ hắn lấy chồng khác, bán nhà, vượt biên. Hắn lang thang xó chợ, làm đủ nghề để sống, lúc nào cũng sợ bị bắt. Hắn đạp xích lô, lại thấy nghề xích lô lúc nào cũng chường mặt ra phố, dễ bị tóm quá, hắn chuyển qua làm thợ cho một lò bún, suốt ngày ở trong lò, yên thân. Nhưng rồi chẳng yên thân như hắn nghĩ. Bà chủ lò bún dù đang ở với chồng đã có hai mặt con lại si mê hắn. Một đêm bà lẻn vào phòng hắn, sức trai khoẻ như voi, hắn quần bà đến mấy lần, bà ta lại càng cuồng si hắn, lẻn vào phòng hắn liên tục. Đi đêm ắt có ngày gặp ma, ông chủ lò bún phát hiện vợ mình đang cỡi trên bụng hắn, phi như phi ngựa đường trường. Hắn bị phang mấy gậy, một cú vào chân gãy ngay ống quyển, băng bột mấy tháng trời và đành từ giã lò bún, giã từ người đàn bà dâm loạn. Cũng may cho hắn, tay chủ lò bún không tố cáo hắn, nếu không hắn cũng tù mút chỉ cà tha. Thế là hắn lại lang thang bụi đời.
Hắn không dám làm những việc phải chường mặt ra với cuộc đời vì cái án trốn trại cứ lẽo đẽo theo đời hắn. Hắn biết tin ba hắn đang học tập cải tạo ở Hà Nam Ninh mà cũng không dám liên lạc, cũng chẳng dám đi thăm. Thế rồi hắn đi lên núi, theo đám đào vàng. Làm ăn cũng khá, thời ấy chính quyền chưa siết lắm, quặng vàng nhiều, dân đào vàng cũng không nhiều nên làm ăn được. Nhưng rồi lại một lần nữa nó tiêu đời vì đàn bà. Thường kiếm được vàng vụn, hắn về thị xã bán cho một tiệm vàng quen. Ở tiệm có cô cháu con bà chủ, tuổi khoảng hăm mấy ba mươi, trước đó có chồng chưa thì không biết, hiện tại thì chỉ có một mình. Cũng khá xinh, mắt lúc nào cũng long lanh khi gặp hắn. Có khi lại khen hắn đẹp trai, ráu tóc trông như mấy diễn viên phim Tây. Có lúc lại nắn bắp tay hắn mà khen nhìn anh khoẻ quá. Thế là cái máu đào hoa của hắn nổi lên, tán tỉnh rề rà vài bận, rủ đi cà phê hai lượt, đến lần thứ ba là dẫn thẳng vào phòng ngủ, quất luôn. Mối tình kéo dài được chưa đầy ba tháng, bà chủ tiệm phát hiện, bắt cưới ngay vì sợ cô cháu mang bầu. Thế là hắn có vợ. Hai vợ chồng cưới nhau xong thì thuê một căn phòng nhỏ ở trung tám thị xã, vợ vẫn làm công cho bà chủ, hắn vẫn lên núi đào vàng. Hai vợ chồng bàn với nhau tằn tiện gom góp kiếm đủ mấy cây vàng tìm đường vượt biên. Mỗi lẩn ở rừng về, hắn lại nghe thiẻn hạ xì xào con vợ hắn lẳng lơ, đi chơi vỡi đủ thằng dân chơi ở thị xã trong những ngày hắn vắng mặt. Hắn có hỏi vợ, nhưng vợ hắn chối, chối là phải thôi, ai lại đi khai khi hắn chưa nắm được chút gì bằng chứng. Một lần từ rừng về, đến tiệm không thấy vợ, về nhà thấy tủ mở, quần áo đổ đạc vợ trống trơn. Nghi ngờ vợ đã bỏ đi mang theo mấy cây vàng gom góp mấy năm. Hắn tức tối cầm xà beng với cây mã tấu đến tiệm vàng hỏi chuyện. Ai cũng bảo không biết, chuyện vợ mày thì mày biết sao lại hỏi chúng tao. Hắn đập nát một chiếc xe Hon da và một cánh cửa sắt thì công an đén dẫn hắn về đồn. Vô đồn công an là hắn teo rồi, sợ bị phát hiện là dân trốn trại, nên nó nhũn như con chi chi, hỏi đâu dạ đấy, làm gì thưa đấy, nỉ non kể chuyện bị vợ lừa, có lẽ đám công an cũng tội nghiệp cho hoàn cảnh hắn nên chỉ giữ trong đồn có một đêm rồi thả. Hắn lại làm lại từ đầu với nỗi căm hận khó nguôi. Hắn lại bơ vơ, hắn bỏ chuyện lên rừng, mò về lại Đà Nẵng.
Về đến Đà Nẵng thì hắn biết tin cách đó một tháng có người bạn tù với ba hắn được ra tù, có đến nhắn tin là ba hắn đã chết ở trong trại vì thiếu ăn và kiết lỵ. Suốt mấy năm ở trại cải tạo, ông là tù mồ côi vì chẳng có ai thăm và tiếp tế. Hắn kiếm tìm mua được một cái giấy chứng minh nhân dân tên Hoàng Lê. Kể từ đó hắn là Hoàng Lê chứ không còn là Lê Văn Tùng nữa. Lê Văn Tùng xem như đã bị xoá sổ bụi đời, không còn ở trần gian này nữa. Hèn chi lúc gặp hắn, tụi gọi tên Tùng, hắn có vẻ hoảng. Có giấy tờ nhân thân mới, hắn đi ra Bắc tìm mộ ba hắn. Nhờ có bản đồ dẫn đường của người bạn ba hắn, hắn tìm mộ cũng không khó lắm. Ngôi mộ chỉ là nắm đất lưa thưa cỏ giữa một cánh rừng, trên có một tấm ván mỏng đề tên Lê Văn Định. Xin cải táng mang cốt về không được, hắn đành phải để ba hắn nằm lại cô quạnh nơi chốn xa xôi không biết lúc nào mới đem về cố quận. Trên đường về, ghé Hà Nội hắn lại gặp một thằng bạn khoá đàn em ở Thủ Đức. Thằng này vốn quê ở Nam Định, di cư vào Nam năm 1954 bằng tàu há mồm. Sau 75 nhờ có họ hàng, anh em làm quan lớn ở trung ương nên bảo lãnh nó, đưa về quê. Rồi lên Hà Nội, giờ đang làm bảo vệ chợ, biết hoàn cảnh của hắn, nó bảo làm ăn được lắm, hay huynh trưởng ở lại đây làm ăn với đàn em đi. Chẳng chút ngần ngừ, hắn ô kê ngay. Và thế từ hôm đó hắn trở thành tên bảo vệ chợ, suốt ngày lang thang trong chợ, thu tiền bảo kê, giữ trật tự bằng cái còi luôn gắn trên miệng. Ăn uống phủ phê, đêm nào cũng nhậu. Với quá khứ sĩ quan BĐQ hắn không kém liều lĩnh và gan dạ. Lại thêm sau khi buông súng, hắn sống đầu đường xó chợ nên hắn bộc lộ một tính cách chịu chơi, chơi đẹp với anh em, bản lĩnh với các đối tượng nên đại ca ở chợ khoái hắn lắm. Chúng cứ khen Hoàng Lê Nam kỳ chơi được. Hơn hai năm sống ấm êm xứ Bắc, hắn khoẻ hơn, trắng trẻo mập mạp hơn, hắn nghĩ sẽ tạm sống lâu dài ở đây, sống được, lâu lâu lại nhảy xe lên Hà Nam Ninh thăm mộ ba hắn, thắp cho ông vài cây nhang, đốt cho ông mớ đô la âm phủ, hắn nghĩ chắc ông cũng vui dưới suối vàng. Thế nhưng cuộc đời nghiệt ngã lại không cho hắn yên. Bởi hắn được lòng anh em, đại ca cũng thương yêu hắn nên thằng đàn em Thủ Đức của hắn cảm thấy bị bỏ rơi vì trước đó nó là đàn em thân tín của đại ca. Thằng này bèn đi báo công an về quá khứ sĩ quan BĐQ của hắn, cũng may là nó không biết hắn là thằng trốn trại, vì chuyện hệ trọng như thế hắn giữ kín như mèo dấu cứt, chẳng bao giờ hé lộ với ai.
Một đội công an nửa đêm kéo xuống chỗ trú ngụ của anh em bảo vệ, hôm đó cả bọn đang nhậu quắc cần câu. Hắn mắc đái nên phải ra cầu tiêu tuốt ở bãi ruộng để xả nước cứu thân. Trong này đám công an nhỏ to với tay đại ca. Đại ca bảo nó lên Hà Nam Ninh thăm mộ ba hắn từ hồi sáng sớm, chưa thấy về. Một mặt đại ca sai người chạy ra ruộng báo cho hắn trốn đi. Hắn tỉnh rượu ngay tắp lự. Hắn chạy một mạch ra đường cái, đón xe chạy thẳng ra bến xe, mua vé vào ngay Đà Nẵng trong đêm, người còn sặc sụa hơi men.
Hắn lại thất nghiệp, sống lang thang như thằng ăn mày. Bạn bè cũng còn, bà con cũng rải rác nhưng hắn ngại. Đang sa cơ thất thế, hào quang của một thời gia đình danh giá, giàu sang đã qua rồi. Gặp người quen chỉ khiến cho người ta thương hại, chẳng ích gì. Có khi người ta lại rủa thầm: Ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Bởi vậy nên hắn cố tránh người quen, bè bạn. Có mấy chỗ thân tình lắm lúc đối đế quá hắn mới ghé qua kiếm bữa cơm hay một đêm ngủ ngắn. Suốt ngày lê chân đi tìm việc. Cuối cùng hắn cũng nhận được một chân tài xế lái xe tải chở hàng biên giới Lào Việt. Được công việc thơm như mít này cũng có bàn tay đàn bà. Hôm hắn đến công ty vận tải này, hắn gặp tay giám đốc người Nghệ An. Tay này từ chối hắn và bảo chỉ nhận người cùng quê. Hắn tiu nghỉu đứng lên định về thì bà vợ xuất hiện. Một cô gái trẻ, đẹp, có vẻ thực quyền hơn ông chủ. Khi nghe hắn muốn kiếm việc, cô chủ nhìn hắn từ đầu đến chân. Râu ria có vẻ giang hồ, cái miệng cười nhếch mép khinh bạc, con mắt lé kim rất duyên, thân hình cường tráng. Cô ấy duyệt. Và hắn trở thành tài xế xuyên biên giới. Những chuyến hàng toàn đồ lậu: thuốc lá Samit, ba số năm, Jet, đồ nhựa Thái Lan và đôi khi còn có cả thịt thú rừng quý hiếm. Sau thời gian nắm đường đi nước bước, mỗi chuyến hắn cũng ké thêm vài thùng hàng, cô chủ chắc biết nhưng cũng lơ cho hắn kiếm ăn thêm. Hắn để dành một tài sản kha khá, lại tính chuyện vượt biên. Hắn muốn qua Mỹ không phải khát khao xứ Mỹ như lẩn trước, hắn chỉ muốn gặp mẹ hắn một lần, một lần rồi thôi. Để nghe mẹ hắn sẽ nói gì, để hắn biết cho rõ tại sao mẹ hắn lại đối xử với ba hắn, với hắn tàn tệ thế.
Vẫn đều đều những chuyến đi vượt biên giới, chất lính BĐQ công với năm tháng giang hồ đã biến hắn là thằng có bản lĩnh, sống chết với anh em nên cánh lái xe quý và nể hắn lắm. Chuyến nào cũng kiếm được mấy chỉ vàng, hắn cũng dự định dành dụm mua chiếc xe, làm ăn riêng, chẳng lệ thuộc ai và hi vọng sẽ làm giàu. Nhưng người tính chẳng bằng trời, có lần cô chủ đòi đi theo chuyến hàng vì cô bảo đây là chuyến hàng đặc biệt, phải có mặt chủ hàng để thuận việc làm ăn. Nhưng hắn thì biết rõ cô chủ xinh đẹp đang muốn gì nơi hắn.
Thế là trong suốt chuyến đi, con thú bị giam hãm bấy nay trong người hắn được dịp cháy bùng lên, cháy ngùn ngụt. Hắn và cô chủ lái xe thì chớ, còn rảnh giờ nào là quấn lấy nhau, một bên sức trẻ thèm khát, một bên là thằng đàn ông mạnh mẽ như núi rừng, nóng rực như lò than đang cháy. Không biết có phải vì hơi hám của chuyện gối chăn như người ta thường bảo đen bạc đỏ tình không? Lúc về, chuyến hàng bị chận ở hải quan biên giới. Bị tịch thu lại còn bị kết án buôn lậu hàng cấm. Hắn và cô chủ bị giải về Nghệ An. Cô chủ lắm tiền biết chỗ chạy chọt, thoát nạn. Hắn thân cô thế cô, bị đổ hết tội, kết án mấy năm. Nằm trong tù, hắn ngoan ngoãn chấp hành tốt nội quy, sống lặng lẽ dưới cái lốt của tên Hoàng Lê nào đó nên được đặc xá, phóng thích sớm hơn thời gian kết án. Cũng may trước đây làm được bao nhiêu hắn thu vén gởi ngân hàng, nên vốn liếng của hắn cũng chẳng sứt mẻ gì. Cầm giấy ra trại, hắn cũng chưa biết làm gì, thuê cái phòng nho nhỏ, sáng sáng ra ngồi quán cà phê, nhìn phố xá, chào người quen, lang thang mấy tháng trời như thế. Với cái quá khứ tù tội, cũng chẳng dễ để kiếm việc làm lương thiện. Hắn tìm mối vượt biên. Lần đầu bãi ở cửa Đại, bể ngay phút đầu. Lần hai chạy ra Thuận An ngoài Huế, nửa đêm đi thuyền nhỏ ra thì bị biên phòng dí, súng nổ ì xèo, hắn và mọi người chạy trối chết, có mấy người bị bắt, hắn trốn thoát được nhưng cũng bị mất ít vàng chồng trước, tàu lớn đến giờ hẹn không chờ, chạy thoát dược đến Hồng Kong. Hắn về lại Đà Nẵng, gom góp món tiền còn lại cũng được gần hai chục cây vàng, bỏ vô Sài Gòn làm lại cuộc đời.
---------
Vào Sài Gòn, hắn nghĩ phải an cư mới lạc nghiệp được nên đi kiếm miếng đất, xây cái nhà, mọi việc tính sau. Thế là suốt ngày đi làm thợ hồ, rảnh rỗi hắn đi tìm mua đất. Được cò giới thiệu miếng đất ở Thủ Thiêm, hơn trăm mét mà chỉ có mấy trăm triệu, hắn vừa ý lắm. Nhưng hắn nghe phong phanh vùng này đang có kế hoạch quy hoạch. Để chắc ăn, hắn ra hỏi uỷ ban. Phòng nhà đất của quận bảo hắn khu vực đấy ngoài ranh, quy hoạch chẳng ảnh hưởng gì, thế là hắn chồng tiền, nhận đất, mua bán có giấy tờ đàng hoàng. Hắn xây cái nhà nho nhỏ hai phòng ngủ, cắc củm mua vài cây hoa, mấy giò lan, xây cái hồ cá be bé trước hiên nhà, vui thú với cỏ cây. Từ thằng phụ hồ, sơn nước, hắn tiến lên nhận thầu xây những căn nhà cấp bốn, thu nhập cũng không đến nỗi nào. Hắn mừng vì cuộc sống đã ổn định, đã đến gần tuổi sáu mươi, hắn chỉ mong ổn định và chẳng còn sóng gió. Và do vậy hắn không dám dính với người đàn bà nào, hắn nghiệm ra đời hắn mà dính với đàn bà là có chuyện, nên cố tránh xa. Làm thợ xây dựng, thầu khoán, dù chỉ là anh thầu nhỏ cũng không thể thiếu rượu chè, gái gú. Nhưng hắn chỉ ăn bánh trả tiền với đám gái bia ôm hay gái làm nghề, tránh xa mấy chị em đang thèm khát đàn ông. Nhưng rồi số phận bất hạnh vẫn đeo đẳng đời hắn. Trong một lần đang xây cất nhà, giàn giáo bị sập, một thằng lính của hắn vỡ sọ chết, hắn bị một cây sắt đâm thủng phổi, thập tử nhất sinh mấy tháng trong bệnh viện, tưởng chết. Hắn sút gần hai chục kí, người bắt đầu teo tóp, chân cũng không vững nữa. Hắn về nằm dưỡng bệnh tại nhà. Thu nhập không còn, hắn dự định sửa căn nhà, xây thêm mấy phòng làm nhà trọ cho công nhân và sinh viên. Dự định chưa thực hiện thì hắn nhận được giấy báo nhà và đất hắn đang sở hữu phải bị giải toả vì nằm trong vùng quy hoạch. Hắn lên quận, quận bảo kế hoạch quy hoạch đã được thay đổi, vùng hắn ở sẽ giải toả trắng. Hắn làm dữ lắm, cãi cọ dữ lắm nhưng chẳng được gì. Thế rồi một buổi sáng, lúc hắn đang nằm thở dốc vì vết thương hành hạ và tràn dịch màn phổi, chính quyền đem xe ủi ủi sạch nhà hắn. Hắn đứng dậy không nổi, người ta khiêng hắn ra bờ hè và đánh sập nhà hắn. Hắn gào thét và bất tỉnh. Cũng chẳng ai để ý hắn trong mù mịt bụi khói. Đến khi hắn tỉnh dậy, căn nhà hắn chỉ còn là đống gạch vụn, hoang tàn như vừa bị bỏ bom. Những giò lan mất hút, hồ cá không còn thấy, chỉ còn bụi mù và tiếng than khóc dậy trời của những người dân, tiếng ầm ì của những chiếc xe ủi. Thế là hắn mất nhà. Hắn chẳng còn chi nữa. Thân tàn, bệnh tật. Hắn có ý định tự tử. Hắn che tạm cái lều trên miếng đất tan tành của hắn, sống qua ngày. Và trong phút tuyệt vọng hắn viết đơn tố cáo chính quyền cướp đất của dân rồi uống mấy chục viên thuốc ngủ, nhưng hắn chưa tới số chết, người ta phát hiện hắn ngất ngư, chở hắn vô bệnh viện súc ruột, và thế là hắn vẫn sống, sống trong nỗi tuyệt vọng khốn cùng.
Hắn cùng một số nạn nhân bị cướp đất kéo nhau ra Hà Nội. Họ nghĩ phải ra kêu cứu tận trung ương may ra. Hắn sống vất vưởng ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng mấy năm, bệnh lên cơn thì vào bệnh viện, khoẻ thì lại ra làm dân oan. Thế nhưng, hàng kí lô đơn, rồi hàng chục kí lô đơn gởi đi mà không tiếng vọng. Chẳng có cơ quan, đoàn thể nào trả lời cụ thể cho họ, trong lúc đó những cán bộ cướp đất của hắn thì càng ngày càng lên chức, ngôi vị, ghế ngồi càng lúc càng vững chải hơn. Họ lại kéo về mảnh đất xưa. Người thì lợp mái lều sống tạm. Người thì thuê phòng ở tiếp tục kêu oan. Hắn cũng vậy, sau mấy năm làm dân oan không ai trả lời, lại trở về mái lều trên nảnh đất cũ không còn phải của mình, ngày ngày lê thân bệnh hoạn đi bán vé số nuôi thân. Có người mách bán bong bóng có lời hơn, hắn chuyển qua bán bong bóng. Gần đây, báo chí, truyền thông nói nhiều về nỗi oan khiên của người dân Thủ Thiêm. Một số lãnh đạo đã tiếp xúc với dân. Hắn hi vọng cuối đời sẽ có một chốn yên thân. Hắn mong kết thúc sẽ như hắn mong.
---------
Hắn ngồi kể chuyện đời hắn mà hắn tỉnh như kể chuyện của người nào khác. Chốc chốc lại rót đầy ly bia, uống cái ực rồi kể tiếp với cái giọng khàn khàn, đều đều. Tui ngồi nghe, chẳng nói câu gì chỉ đốt thuốc liên tục nghe chuyện đời hắn. Hắn nói đến đó thì lặng im. Ngồi nhìn ra khoảng trống trước quán như một kẻ không hồn. Tui cũng lặng im, đau đớn với những nghiệt ngã mà hắn đã trải qua. Từ cậu công tử con nhà giàu đến lão bán bóng bay hôm nay là một cuộc đói. Một cuộc đời của một con người, chẳng ai biết được tương lai. Số phận của con người lại gắn liền với số phận của một dân tộc. Nỗi đau của đất nước chi phối cuộc đời của mỗi cá nhân. Hắn, tui và tất cả mọi người đều như vậy. Và mỗi cá nhân lại chịu chi phối của phần số đời mình. Khoảng lặng im rồi cũng trôi qua, tui nắm chặt tay hắn: Thôi thì, tất cả cũng đang qua, đời tau, đời mi rồi cũng sẽ qua. Bây giờ tau tính vầy, mi về ở với gia đình tau, tau thu xếp cho mi một phòng, ban ngày mi muốn làm chi, mua bán chi là việc của mi, tối mi về với tau. Khi nào vụ đất đai của mi giải quyết, lúc đó tính sau.
Hắn nhìn tui, con mắt lé kim lim dim đầy những nếp nhăn: Không được, tau không thể làm cho sinh hoạt gia đình mi xáo trộn, tau lại bệnh hoạn liên miên, nhà mi sẽ khổ với tau lắm. Tau cám ơn mi đã không quên thằng bạn cũ nhiều bất hạnh này, được vậy là tau đã sướng rồi.
Cả hai lại lặng im. Cả hai lại rót đầy ly và đốt thêm điếu thuốc. Đêm đã về khuya. Đường đã bắt đầu vắng. Quán cũng lần lượt thưa khách.
Tui bảo hắn: Thôi được! Mi không về nhà tau ở cũng được, nhưng tau sẽ thuê cho mi một căn phòng ở gần nhà tau, có chi chạy qua chạy lại cho gần. Khi nào đất mi xong thì lại tính. Khỏi bàn nữa. Uống ly nữa rồi về.
Hắn bảo: Thế cũng được, nhưng có chuyện này nghĩ nãy giờ, giờ mới nói, tau muốn nhờ mi, bác sĩ bảo tau bị viêm gan siêu vi C, lại thêm vết thương trong phổi, chắc cũng sống không bao lâu nữa. Nếu mi biết tau chết, mi dem tau đi thiêu rồi rải tro xuống sông, mi giúp tau lần cuối vì tau chẳng còn ai. Nhưng mà nhớ, có ghi tên tuổi tau, có vái cho tau thì nhớ vái tên Lê Văn Tùng, nhớ chưa. Trung uý BĐQ Lê Văn Tùng, con Trung tá BĐQ Lê Văn Định. Nhớ rứa nghe.
Tui gật đầu, nắm chặt tay hắn thấy nghèn nghẹn nơi cổ.
Hắn có vẻ đã say, tui cũng không đứng vững nữa. Ra đến sân, tui gỡ chùm bong bóng thả lên trời, những chiếc bong bóng đủ màu bay lấp loá dưới ánh đèn. Bỗng dưng hắn ôm lấy tui, khóc rưng rức. Từ lúc gặp hắn cho đến giờ, giờ hắn mới biểu lộ tình cảm bằng nước mắt.
Tui cũng ôm lấy hắn và cũng khóc. Nước mắt hắn ướt đẫm vai tui và nước mắt tui ướt nhoè vai hắn.
Gió và sương xuống lành lạnh. Đèn đường vẫn rực sáng. Chỉ còn ba tuần nữa là Tết.
17.1.2019
DODUYNGOC



















Ông bạn tui là dân Bắc di cư năm 1954. Cả làng Sơn Tây của ông ôm thánh giá và tượng Chúa xuống tàu há mồm vào Nam để tránh Cộng sản.
Cùng với dòng người di cư vảo Nam, những người dân làng Sơn Tây được chia khu đất bỏ hoang đầy sình lầy, cỏ mọc quá đầu người thuộc xã Tân Sơn Hòa, Tân Bình mà khai phá. Cực nhọc trăm bề, cỏ ngút ngàn, bùn lầy bao la với muỗi mòng, rắn rít. Với tánh chịu thương chịu khó của người nông dân Bắc bộ, mỗi gia đình tự sức mình biến bùn lầy thành vườn rau xanh. Cánh đồng rau Sơn Tây hình thành từ đấy. Cho đến giờ là truyền được mấy đời.
Gia đình ông là thành viên của cộng đồng đấy, sau này người ta gọi là vườn rau Lộc Hưng, hồi ấy là vùng ngoại ô Sài Gòn. Gia đình ông cũng trồng rau và nhờ rau bố mẹ ông nuôi được đàn con ăn học, anh chị nào cũng đỗ Tú tài. Khu vực đó có giáo xứ Lộc Hưng, có nhà thờ cho các con chiên ngoan đạo, có chợ, có trường học. Họ mang cả phong tục, tập quán, nếp sống của làng quê Bắc bộ vào trời Nam.
Cuộc sống trôi đi, bỗng nhiên những năm 1969 – 1970, nhiều người tự xưng là thương phế binh đến cướp đất của bà con. Trước viễn cảnh khốn cùng của gia đình, người dân quyết giữ đất và bà con đã lập thành lực lượng chống những kẻ cướp đất. Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà bênh vực dân, không cho phép thương phế binh cướp đất, cuộc sống của nhân dân trở lại bình yên, vườn rau xanh mướt ngày ngày vẫn cung cấp rau xanh cho thành phố.
Năm 1968, sau vụ Mậu Thân, ông bạn tui nhập ngũ, học trường Võ Bi Đà Lạt. Ra trường tình nguyện vào lực lượng nhảy dù, đánh đấm như điên. Đến tháng tư bảy lăm, rã ngũ, đi học tập cải tạo bảy năm, trải qua bao vất vả, trầm luân, nhiều lần đói rét bệnh tật tưởng chết. Cải tạo về, đạp xích lô mấy năm thì đi Mỹ diện HO. Cũng yên thân. Gia đình anh chị em và bà mẹ già vẫn ở vườn rau Lộc Hưng, vẫn tiếp tục nghề trồng rau. Ở xứ người bạn tui đi học, đi làm chẳng chịu lập gia đình. Đến tuồi hưu lại đi làm bảo vệ cho một nhà hàng lớn ở phố Bolsa, Nam Cali.
Từ những năm 2001,2002 nhà nước đã ngấp nghé muốn quy hoạch vườn rau này, nhưng kế hoạch chưa thực hiện được. Năm 1999, theo Luật Đất đai sửa đổi và hưởng ứng Chỉ thị 24/1999/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tổng kiểm kê đất đai, người dân Lộc Hưng đã đến Ủy ban Nhân dân phường 6 và Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình xin xác nhận quá trình sử dụng đất. Tuy nhiên, họ đã bị chính quyền từ chối bởi mảnh đất này đang nằm trong âm mưu cưỡng đoạt của nhà nước.
Nhiều cuộc xung đột đã nổ ra giữa chính quyền và nhân dân và vào ngày 4/1/2019, công an thành phố Hồ Chí Minh đã cưỡng chế khu vực này. Lực lượng công an và dân quân phòng vệ đã tiến hành đập phá hơn 10 ngôi nhà của người dân và tạm giam gần 10 người đang sinh sống tại khu vực Vườn rau Lộc Hưng. Năm hết, Tết đến, dân Lộc Hưng còn chốn nào để dung thân.
Mảnh đất này tồn tại đã biết bao nhiêu năm, từ vùng đất hoang hoá, sình lầy trở thành khu thị tứ và vườn rau như ngày nay. Đã bao nhiêu nước mắt, mồ hôi và cả máu của người dân đã đổ ra để bây giờ đền bù mỗi mét vuông không mua được ổ bánh mì thịt. Người dân đã sống mấy đời ở đây, đã đóng thuế đầy đủ, chỉ chưa được cấp cái gọi là Sổ Đỏ nên không được công nhận quyền sử dụng và sở hữu. Dựa trên nguyên lý ”đất đai thuộc toàn dân, nhà nước đại diện quản lý” nên chính quyền đã tự tiện quy hoạch, tự tiện đuổi dân đi và tịch thu, cưỡng chế không cần lý do. Bài học Thủ Thiêm còn nóng hổi, nước mắt của dân Thủ Thiêm còn chảy. Nỗi oan khuất còn hiện diện chưa giải quyết xong. Bây giờ lại Lộc Hưng. Nỗi đau Lộc Hưng tiếp nối nỗi đau Thủ Thiêm. Năm hết, Tết đến, những người dân bị đuổi khỏi căn nhà của mình sẽ thắp nén nhang vào đâu, đốt cây đèn vào đâu để đón ông bà, để chào xuân mới khi ngôi nhà của họ chỉ còn là đống đổ nát. Nhà gia đình ông bạn tui giờ chỉ là đống gạch vụn. Ngày xưa trong chế độ cũ, bà con đã tranh đấu thành công khi thương phế binh đến cắm dùi. Họ chiến đấu thành công là nhờ chính phủ lúc ấy đồng lòng với dân. Bây giờ, trong chế dộ mới họ phải đầu hàng vì kẻ đi cướp đất của họ là chính quyền, họ biết dựa vào đâu nữa. Người dân Lộc Hưng nói:"Bà con vẫn ở trong tình thế rất là lo lắng, nhưng vẫn kiên định là đất đai tài sản ông bà để lại, dù không đủ sức lực chống lại sức mạnh của nhà cầm quyền nhưng sẽ cố hết sức có thể để giữ gìn,"
Rồi sẽ có thêm một Thủ Thiêm nữa ở Sài Gòn?
Ông bạn tui từ Mỹ về Sài Gòn ăn Tết, chứng kiến cảnh nhà bị đập phá tan hoang, chỉ sững sờ mà trào nước mắt. Ngồi với tui ở quán cà phê lề đường, ông nói với tui một câu, ngẫm đi ngẫm lại thấy có lý: "Đụ mẹ, năm 54 bỏ cộng sản vô đây, tưởng thoát rốt cuộc cũng phải sống với cộng sản. Bỏ ruộng đất ngoài quê cho cộng sản, vào đây làm được miếng vườn, rốt cuộc cũng bị cộng sản cưỡng chế. Thân tao trốn cộng sản, cầm súng chống cộng, rồi cũng bị bảy năm tù của nhà tù cộng sản. Đi qua Mỹ, tưởng đổi đời, cuối cùng lại đi làm thằng bảo vệ cho nhà hàng của mấy anh cộng sản qua Mỹ kinh doanh. Đúng là chạy trời không khỏi nắng. Đau thật"
8.1.2019
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget