Latest Post



















Ông bạn tui là dân Bắc di cư năm 1954. Cả làng Sơn Tây của ông ôm thánh giá và tượng Chúa xuống tàu há mồm vào Nam để tránh Cộng sản.
Cùng với dòng người di cư vảo Nam, những người dân làng Sơn Tây được chia khu đất bỏ hoang đầy sình lầy, cỏ mọc quá đầu người thuộc xã Tân Sơn Hòa, Tân Bình mà khai phá. Cực nhọc trăm bề, cỏ ngút ngàn, bùn lầy bao la với muỗi mòng, rắn rít. Với tánh chịu thương chịu khó của người nông dân Bắc bộ, mỗi gia đình tự sức mình biến bùn lầy thành vườn rau xanh. Cánh đồng rau Sơn Tây hình thành từ đấy. Cho đến giờ là truyền được mấy đời.
Gia đình ông là thành viên của cộng đồng đấy, sau này người ta gọi là vườn rau Lộc Hưng, hồi ấy là vùng ngoại ô Sài Gòn. Gia đình ông cũng trồng rau và nhờ rau bố mẹ ông nuôi được đàn con ăn học, anh chị nào cũng đỗ Tú tài. Khu vực đó có giáo xứ Lộc Hưng, có nhà thờ cho các con chiên ngoan đạo, có chợ, có trường học. Họ mang cả phong tục, tập quán, nếp sống của làng quê Bắc bộ vào trời Nam.
Cuộc sống trôi đi, bỗng nhiên những năm 1969 – 1970, nhiều người tự xưng là thương phế binh đến cướp đất của bà con. Trước viễn cảnh khốn cùng của gia đình, người dân quyết giữ đất và bà con đã lập thành lực lượng chống những kẻ cướp đất. Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà bênh vực dân, không cho phép thương phế binh cướp đất, cuộc sống của nhân dân trở lại bình yên, vườn rau xanh mướt ngày ngày vẫn cung cấp rau xanh cho thành phố.
Năm 1968, sau vụ Mậu Thân, ông bạn tui nhập ngũ, học trường Võ Bi Đà Lạt. Ra trường tình nguyện vào lực lượng nhảy dù, đánh đấm như điên. Đến tháng tư bảy lăm, rã ngũ, đi học tập cải tạo bảy năm, trải qua bao vất vả, trầm luân, nhiều lần đói rét bệnh tật tưởng chết. Cải tạo về, đạp xích lô mấy năm thì đi Mỹ diện HO. Cũng yên thân. Gia đình anh chị em và bà mẹ già vẫn ở vườn rau Lộc Hưng, vẫn tiếp tục nghề trồng rau. Ở xứ người bạn tui đi học, đi làm chẳng chịu lập gia đình. Đến tuồi hưu lại đi làm bảo vệ cho một nhà hàng lớn ở phố Bolsa, Nam Cali.
Từ những năm 2001,2002 nhà nước đã ngấp nghé muốn quy hoạch vườn rau này, nhưng kế hoạch chưa thực hiện được. Năm 1999, theo Luật Đất đai sửa đổi và hưởng ứng Chỉ thị 24/1999/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tổng kiểm kê đất đai, người dân Lộc Hưng đã đến Ủy ban Nhân dân phường 6 và Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình xin xác nhận quá trình sử dụng đất. Tuy nhiên, họ đã bị chính quyền từ chối bởi mảnh đất này đang nằm trong âm mưu cưỡng đoạt của nhà nước.
Nhiều cuộc xung đột đã nổ ra giữa chính quyền và nhân dân và vào ngày 4/1/2019, công an thành phố Hồ Chí Minh đã cưỡng chế khu vực này. Lực lượng công an và dân quân phòng vệ đã tiến hành đập phá hơn 10 ngôi nhà của người dân và tạm giam gần 10 người đang sinh sống tại khu vực Vườn rau Lộc Hưng. Năm hết, Tết đến, dân Lộc Hưng còn chốn nào để dung thân.
Mảnh đất này tồn tại đã biết bao nhiêu năm, từ vùng đất hoang hoá, sình lầy trở thành khu thị tứ và vườn rau như ngày nay. Đã bao nhiêu nước mắt, mồ hôi và cả máu của người dân đã đổ ra để bây giờ đền bù mỗi mét vuông không mua được ổ bánh mì thịt. Người dân đã sống mấy đời ở đây, đã đóng thuế đầy đủ, chỉ chưa được cấp cái gọi là Sổ Đỏ nên không được công nhận quyền sử dụng và sở hữu. Dựa trên nguyên lý ”đất đai thuộc toàn dân, nhà nước đại diện quản lý” nên chính quyền đã tự tiện quy hoạch, tự tiện đuổi dân đi và tịch thu, cưỡng chế không cần lý do. Bài học Thủ Thiêm còn nóng hổi, nước mắt của dân Thủ Thiêm còn chảy. Nỗi oan khuất còn hiện diện chưa giải quyết xong. Bây giờ lại Lộc Hưng. Nỗi đau Lộc Hưng tiếp nối nỗi đau Thủ Thiêm. Năm hết, Tết đến, những người dân bị đuổi khỏi căn nhà của mình sẽ thắp nén nhang vào đâu, đốt cây đèn vào đâu để đón ông bà, để chào xuân mới khi ngôi nhà của họ chỉ còn là đống đổ nát. Nhà gia đình ông bạn tui giờ chỉ là đống gạch vụn. Ngày xưa trong chế độ cũ, bà con đã tranh đấu thành công khi thương phế binh đến cắm dùi. Họ chiến đấu thành công là nhờ chính phủ lúc ấy đồng lòng với dân. Bây giờ, trong chế dộ mới họ phải đầu hàng vì kẻ đi cướp đất của họ là chính quyền, họ biết dựa vào đâu nữa. Người dân Lộc Hưng nói:"Bà con vẫn ở trong tình thế rất là lo lắng, nhưng vẫn kiên định là đất đai tài sản ông bà để lại, dù không đủ sức lực chống lại sức mạnh của nhà cầm quyền nhưng sẽ cố hết sức có thể để giữ gìn,"
Rồi sẽ có thêm một Thủ Thiêm nữa ở Sài Gòn?
Ông bạn tui từ Mỹ về Sài Gòn ăn Tết, chứng kiến cảnh nhà bị đập phá tan hoang, chỉ sững sờ mà trào nước mắt. Ngồi với tui ở quán cà phê lề đường, ông nói với tui một câu, ngẫm đi ngẫm lại thấy có lý: "Đụ mẹ, năm 54 bỏ cộng sản vô đây, tưởng thoát rốt cuộc cũng phải sống với cộng sản. Bỏ ruộng đất ngoài quê cho cộng sản, vào đây làm được miếng vườn, rốt cuộc cũng bị cộng sản cưỡng chế. Thân tao trốn cộng sản, cầm súng chống cộng, rồi cũng bị bảy năm tù của nhà tù cộng sản. Đi qua Mỹ, tưởng đổi đời, cuối cùng lại đi làm thằng bảo vệ cho nhà hàng của mấy anh cộng sản qua Mỹ kinh doanh. Đúng là chạy trời không khỏi nắng. Đau thật"
8.1.2019
DODUYNGOC


Hồi nhỏ ba thằng tui hay đi chơi với nhau. Thằng Sửu lớn nhất trong ba đứa, hơn tui với thằng Lam một tuổi nhưng hắn khôn lanh hơn hai thằng tui nhiều. Hắn là thằng đầu têu, bày trò và hai đứa tui chỉ việc nghe theo. Hắn bắn chim, bắt rắn, bẫy kỳ đà cắc ké gì cũng giỏi. Thời đó bàu Thạc Gián rộng mênh mông, đi với thằng Sửu vô bàu làm gì cũng bắn được chim hay bắt được rắn. Hắn gan lắm, bắt rắn bằng tay không, bắn chim bằng cái ná cao su, giương ná lên là có chim gục. Hắn cũng ác lắm, con chim còn ngắc ngoải nó vặn cổ một cái là chết ngắc. Rắn cũng thế, hắn cầm đuôi, quay quay, lừa thế, túm cái đầu, xoay một cái, con rắn chết tươi, hết giẫy. Hắn gặp con gì cũng giết, nhiều khi gặp mấy con nhỏ xíu không ăn được hắn cũng dùng chân đạp, xéo cho chết và lấy đó làm vui. Thằng Lam thì ngược hẳn với hắn, thương yêu tất cả loài vật, cứ mỗi lần thấy thằng Sửu vặn cổ chim là hắn khóc, nhưng rồi cũng đi theo vì ham vui, nhưng khi thằng Sửu nướng chim, nướng rắn, thằng Lam không bao giờ đụng tới, hắn nhìn thằng Sửu nhai con chim rau ráu là hắn cứ lèm bèm, mi ác quá Sửu ơi, mang tội chết. Tui thì lâu lâu cũng cùng ăn với thằng Sửu, thấy cũng ngon. Con chim cu cườm nướng lên chấm muối ớt ăn giữa bàu lộng gió cũng có cái thú của nó, nhưng tui sợ rắn nên ít khi ăn rắn. Mà công nhận thằng Sứu siêu thiệt, con gì hắn cũng làm thịt dược. Mổ bụng, làm lông như một tay thợ săn lành nghề. Chắc là hắn học theo ba hắn, nhà hắn làm nghề mổ heo, mẹ hắn có sạp bán thịt ngoài chợ Cồn. Cứ thấy máu chảy và con vật quằn quại là hắn thích thú. Thằng Lam thì cứ thấy cảnh đó là bịt mắt. Nhà hắn tu mà. Ba hắn là cư sĩ tu tại gia, lại sinh hoạt trong gia đình Phật tử ở chùa, mỗi tháng ăn chay cả tuần lễ. Nhà hắn cũng hay tụng kinh, cả nhà tụng giọng lên bống xuống trầm hay lắm.
Tuổi vừa chớm lớn, Ba tui gởi tui ra Huế vô chủng viện, lâu lâu mới về, cũng ít gặp hai thằng bạn thuở nhỏ. Có lần về, ba thằng vô chùa chơi, trong chùa có hai tượng ông Thiện, ông Ác. Thằng Sửu đứng cạnh ông Ác, bảo thằng Lam đứng bên ông Thiện bảo tui chụp một tấm hình. Hắn bảo hiền lành như Lam sẽ chẳng làm được chuyện gì cho ra hồn. Tui giữ tấm hình đó khá lâu và nhiều khi nhớ bạn mở ra xem, thấy mặt thằng Sửu nhìn ác thiệt.
Học được mấy năm thì tui rời chủng viện ra học phổ thông. Lúc này chiến tranh đã căng thẳng lắm, ngày nào ở ngã tư chợ Cồn cũng có những chiếc xe GMC chở quan tài phủ cờ chạy qua, đêm đêm tiếng đại bác vọng về, hoả châu sáng cả bầu trời, lâu lâu lại có nổ mìn và truyền đơn rải ở ngã tư. Đến năm Mậu Thân, sau Tết thì tình hình chiến sự càng thêm máu lửa, bạn bè lần lượt vô quân trường. Thằng Sửu vắng bóng, ba hắn bị bắt sau Tết Mậu Thân vì hoạt động cho Việt Cộng, nghe nói bị đày đi Côn Đảo. Hắn lẩn trốn đâu đó, thoắt ẩn thoắt hiện một thời gian rồi biến mất. Nghe nói đã lên rừng. Thằng Lam thi rớt Tú Tài hai, xuất gia đi tu với một Thầy ở đâu trong Điện Bàn nên cũng không có dịp gặp. Tui xong hai cái Tú Tài, vô Sài Gòn. Từ đó cái tổ tam tam của tụi tui tan hàng, không có dịp gặp nhau nữa.
Năm 1980, sau mấy năm đi cải tạo, tui về Đà Nẵng gặp lại Lam, lúc này đã là thầy trụ trì một ngôi chùa nho nhỏ ở Quảng Nam. Chùa không lớn nhưng phong cảnh rất hữu tình, trước sông, sau núi, địa thế rất đẹp. Lam bây giờ trang nghiêm, đạo mạo, tu hành tinh tấn và được dân chúng ở đó vị nể lắm. Lam cho tui biết Sửu bây giờ làm giám đốc một Sở ở tỉnh, đường hoạn lộ thênh thang, ba hắn giờ cũng là cán bộ. Lam cũng kể tui nghe trong thời chiến tranh, ngôi chùa của Lam là nơi thường cho Sửu ẩn náu dù Lam không tham gia Việt Cộng. Lam chứa chấp Sửu vì tình bạn chứ không phải đồng chí. Ba thằng bạn ngày xưa bây giờ đi ba ngả khác nhau, Lam với tui gặp nhau chỉ nhắc chuyện xưa, Sửu chắc bộn bề công việc nên cũng ít khi có dịp gặp.
Một thời gian khá dài ba thằng tui không liên lạc với nhau, chỉ thoang thoáng Lam đã là Thượng toạ, Sửu đã là chủ tịch hay phó chủ tịch tỉnh gì đó. Ba thằng mấy chục năm không gặp. Vừa rồi có chuyện ra miền Trung, tui đi tìm Lam, vào quê nơi chùa của Lam thì chùa không còn nữa, khu vực đó trở thành một công trường xây cất một dự án gì lớn lắm. Hỏi người dân quanh đó thì biết chùa đã bị đập nát vì quy hoạch, Lam ra tận trung ương kiện cáo mà chẳng ăn thua, ngày cưỡng chế, Lam chống đối để giữ mấy trăm hủ cốt vong thờ trong chùa nhưng bất lực trước hàng loạt máy xúc, Lam đòi tự thiêu nhưng chính quyền can thiệp kịp và bắt Lam giam ở Đà Nẵng. Tui ra Đà Nẵng tìm Lam mà cũng biệt vô âm tín. Trong những ngày đi tìm Lam và tìm hiểu tình trạng của ngôi chùa của Lam tui mới phát hiện ra rằng, các quyết định tịch thu đất và cưỡng chế chùa của Lam đều có chữ ký của Sửu. Sửu là người chủ trì dự án này. Quyết định thu đất: Sửu ký. Quyết dịnh cưỡng chế: Sửu ký. Chủ dự án: Sửu. Sửu là quan đầu tỉnh.
Miếng đất quá đẹp, và trong cơn sốt đất trên cả nước, đất là vàng, là bạc, là đô la là hột soàn thì làm sao mà người ta làm ngơ cho được. Và một người như Sửu không thể bỏ lỡ miếng mồi ngon này.
Mấy năm nay tui cố ý tìm Lam mà vẫn chưa gặp được, không biết hắn trôi giạt phương nào. Cái hình chụp hai thằng ở trong chùa thuở nào, nhìn lại thấy mặt thằng Sửu càng ngày thấy càng ác nhơn, chẳng khác chi cái tượng kề bên hắn.
6.1.2018
DODUYNGOC



Ở đời đau gì cũng khổ. Bởi tiếng Việt thường đau đi với khổ. Mấy hôm rồi cái răng bị đau, nhức khiếp, sờ vào thấy đã lung lay. Người ta thường bảo răng chắc C...bền, răng tui đang muốn rụng tự hỏi C .. mình có còn bền không he...he. Cuối năm hết đám cưới dến đám giỗ, hết họp mặt hội hè đến tất niên rồi tân niên, ngày nào cũng có tiệc, mà cái răng đau thì chỉ vào ngồi cho có tụ rồi xin miếng cháo, miếng canh nuốt cho qua bữa, chẳng ăn gì được, nhai vô một cái thốn tận óc. Uống lạnh cũng đau, hớp miếng nước nóng cũng buốt. Mẹ nó, làm gì cũng đau.
Đi bác sĩ răng hàm mặt, chụp phim xong hẹn tuần tới mới nhổ, về uống thuốc cho bớt viêm, bớt sưng rồi tính tiếp. Thế là phải kéo dài đau khổ thêm mấy hôm nữa. Sợ đau răng lắm, nó buốt tận dây thần kinh trên não, nó nhức cả hàm răng, lâu lâu nó giật một cái rung cả người. Bác sĩ cho Alaxan với Dorogyne, uống ngày ba cữ mà chẳng thấy si nhê, chán thật. Đêm nằm nó nhức rên hừ hừ như thằng sốt rét. Tra trên google, thấy chỉ đủ cách, cũng làm theo đủ cách mà chưa thấy chuyển biến gì. Tiện thấy trên đầu giường chai rượu tỏi, ngậm một ngụm, súc qua súc lại, cha mẹ ơi nó như muốn bung cả lợi, rát muốn chết. Cuối cùng chơi thêm viên Voltaren giảm đau. Nghĩ sức chịu đựng của mình kém thật, nghe thằng bạn mình kể hồi nó ở tù cộng sản 19 năm, hắn dám mài cái nắp dầu cù là thành dao mổ để khoét cái vết thương ở chân, tui nể nó quá xá.
Nhớ hồi xưa còn nhỏ, mỗi lần đau răng, Ba dẫn vô Tổng y viện Duy Tân, nơi Ba làm việc. Khoái lắm vì được mọi người cho bánh kẹo, được ăn bánh mì lạp xưởng rồi mới nhổ răng. Nhổ xong ngậm cục bông gòn đầy máu, mếu máo khóc. Về nhà Mạ lại cho ăn cháo thịt bằm, uống sữa đá cho cầm máu. Cho nên mỗi lần đau răng thì sợ nhổ răng đau nhưng lại khoái vì được cưng chiều. Giờ già, răng bắt đầu lung lay như hồi trẻ nhỏ, nhưng chẳng còn ai cho quà, chẳng còn ai nấu cho tô cháo thịt bằm. Nghĩ cũng tủi thân. Già lại thành trẻ nít!



Tối đói bụng, chạy ra Lê Văn Sỹ kiếm gì ăn. Chợt thấy xe bánh ướt Minh Châu. Nhớ lần đầu tiên cách đây đã năm mươi năm, mới từ Đà Nẵng vô Sài Gòn đi học, được ông anh ruột dẫn đi ăn ở đây, hồi dó ăn sao mà ngon thế. Lúc ấy xe bánh này đậu trước rạp xi nê Minh Châu. Khu vực này trước 75 sầm uất lắm, hàng quán đủ thứ, nghêu sò ốc hến, hột vịt lộn, khô nướng, lại có tiệm hủ tiếu bò viên nổi tiếng. Ông chủ xe bánh ướt là người Hoa, bắt đầu bán vào buổi chiều. Tui còn nhớ như in dáng người to cao của ông, nhất là cái đầu chải láng mướt, phồng phồng đàng trước như một anh kép cải lương. Bánh ướt hồi đó ngon nhờ nước chấm, ngòn ngọt, hơi chua một tý chứ không như bây giờ. Ớt xay cũng ngon, có chế thêm tỏi bằm chứ không chỉ xay như giờ. Mỗi bàn có chai nước nắm và hủ ớt, khách muốn ăn bao nhiêu thì chan. Tui nhớ tui thường chan ngập bánh, cho nhiều ớt, vừa ăn vừa húp sao mà ngon thế, nhớ tới tận giờ. Sau đó thời kỳ lang thang héo úa ở đường Trương Minh Giảng, tui cũng thường thưởng thức món này khi trong túi rủng rỉnh chút tiền còm bởi món này là món ăn bình dân rẻ tiền. Thời nghèo khó cũng đã nhiều lần đi ngang qua mà không ngồi lại vì trong túi đã khô cạn máu chẳng còn dính một xu, ngang qua chỉ ngửi mùi.
Sau 75 thì chẳng mấy khi ăn và gần bốn chục năm nay không ăn lại. Giờ thì xe bánh đẩy qua bên kia đường, khách vắng tanh. Tối nay mua một dĩa, để nhớ người anh thương yêu không còn ở cõi trần, để nhớ một quãng đời đã đi qua và mong tìm lại hương vị của một thời. Nhưng mùi vị cũ không còn, nước chấm không còn vị cũ, hủ ớt cũng chẳng là chất ớt xưa, nhìn dĩa bánh tú hụ mà chẳng tìm thấy hương xưa. Ông già Tàu chắc cũng chẳng còn, người bán toàn là khuôn mặt lạ. Gần nửa thế kỷ đi qua còn gì, biết bao là bể dâu, biết bao là thay đổi. Nhìn dĩa bánh nhớ anh quá, nhớ ngày thằng thanh niên mới lớn ngỡ ngàng trước những cảnh vật, những món ăn lạ lẫm của Sài Gòn, nhớ chiếc xe gắn máy của anh, người Luật sư trẻ tuổi chở tui đi cho biết Sài Gòn. Tất cả đã xa quá rồi, vật đổi sao dời, cậu thanh niên ngơ ngác ngày xưa giờ đã là ông lão chớm tuổi bảy mươi, người thân lần lượt ra đi, người anh thân yêu đã nằm dưới ba thước đất. Tối nay ngồi nhìn dĩa bánh mà muốn khóc, năm tháng cũ ùa về. Em nhớ anh, anh ơi!
1.1.2019
DODUYNGOC


Một nhúm bụi thôi và chỉ còn là nhúm bụi
Một kiếp người giờ chỉ hủ tro
Chẳng còn lo âu chẳng còn hờn giận
Đốt những nén nhang gởi tới hư không
Chỉ thoáng mong manh giã từ hơi thở
Bóng khuất lên trời trong gió cuối năm
Sẽ chẳng còn thấy chẳng còn gặp nữa
Tiễn một phận người đến với thiên thu
Có đến có đi có sinh có diệt
Người bỏ ra đi để lại bụi mù
24.12.2018
DODUYNGOC



Có đôi lúc ngỡ đêm là huyệt mộ
Xương chưa khô mà đã thấy mỏi mòn
Máu đang chảy cứ ngỡ đang dừng lại
Tim ngập ngừng cú lỗi nhịp ho khan
Những cái khớp khô dần không xoay được
Bước chân đi chập choạng giữa hoang đường
Bò như thú thấy trần gian lộn ngược
Đau một mình đành nuốt lệ tự thương
Có đôi lúc thấy trời không ánh sáng
Mắt nhập nhèm sương trắng với bụi đen
Nhìn thế giới với một màu xam xám
Giữa nắng trưa lại đợi một ánh đèn
Nhìn vào sách thấy chữ nhoè như nước
Nhìn giai nhân nhưng không rõ môi cười
Nhìn vào gương tóc một màu như cước
Xem chân dung cứ tưởng gã đười ươi
Có đôi lúc chỉ là cơn gió thoảng
Nghe trong mình lạnh buốt hết xương da
Rất nhiều lúc đang giữa đường hốt hoảng
Bởi bỗng dưng quên mất lối về nhà
Có người bạn gặp nhau hoài ở quán
Bỗng một hôm quên phứt họ tên người
Ngồi nói chuyện trong đầu như giải toán
Nhớ được rồi miệng mới dám cười tươi
Đã đến lúc tiếc quãng đời đã mất
Biết làm sao cách thức ngược trở về
Nhìn phía trước đoạn đời đầy nước mắt
Lại trách mình hoang phí những u mê
Có đôi lúc nghe thời gian tích tắc
Và hai kim cứ thế mãi trôi đi
Cứ hối tiếc quỹ thời gian đã cắt
Mà trên tay chẳng nắm giữ được gì
Rồi mai mốt chỉ còn là đám bụi
Trong hư không chẳng biết sẽ về đâu
Nên cái tuổi dễ buồn hay hờn tủi
Cần bàn tay để có những nhịp cầu
3.11.2018
DODUYNGOC


Ta xếp bằng tịch mịch
Đợi nắng giọt trên đầu
Nghe đất trời lắng lại
Biết ta đi về đâu
Đời chỉ cuộc bể dâu
Là không không có có
Thở một hơi thật sâu
Thấy trăng về với gió
Có bài kệ lấp ló
Sau tàu chuối xanh rì
Thấy con đường trước ngõ
Dẫn đường cho ta đi
Sen nở chẳng nói chi
Cá bơi trong im lặng
Ta ôm hòn đá nặng
Nên suốt đời gian truân
Ta nằm nghe tịch liêu
Trong trăm ngàn sóng vỗ
Ta nhìn cây cột xiêu
Biết trần gian đã cổ
Hít thêm một hơi thở
Buông một hòn đá rơi
Biết cánh cửa đã mở
Chợt lòng rất thảnh thơi
Ôm những điều khổ nạn
Ghì ta xuống vực sâu
Như cá kia mắc cạn
Chờ nghe tiếng kinh cầu
Biết thở khi đang thở
Biết ăn khi đang ăn
Biết vui khi ăn năn
Là thoạt nhiên tỉnh ngộ
Trái tim từng lổ chổ
Tập thở lại cho đầy
Từng buồn như nấm mộ
Tập hồi sinh thơ ngây
Đi là vòng trở lại
Buông là nhẹ thân này
Hít vào thở ra mãi
Quên hết lời đắng cay
Xếp lại đời cuồng say
Sẽ thấy đời nhẹ nhõm
Thân giờ như đang bay
Thương một thời bì bõm
Đêm ngồi nghe gió động
Thấy tâm tĩnh như không
Bao nhiêu là cơn mộng
Giờ như gió qua đồng
Nhìn nụ cười của tượng
Ngó nước mắt chúng sinh
Đọc thêm một bài kệ
Giờ làm chủ đời mình
Biết bao lời vô minh
Vây quanh đời bể khổ
Chỉ một thoáng giật mình
Quên đi bao cuồng nộ
Đi qua bao trầm luân
Đày thân này khổ nhục
Trí não muôn mùa xuân
Thoát khỏi vòng thế tục
Nghiệm cho hết lẽ đời
Sống cho hết cuộc chơi
Lẽ tử sinh quên mất
Còn đọng lại chữ tình
2.12.2018
DODUYNGOC



Ta còn lại tấm thân này bé mọn
Trở về quê, quê đâu nữa mà về
Ta lặng lẽ thu thành viên sỏi nhỏ
Có đâu ngờ đá cũng chịu héo hon
Mùa thu hết gió đông ào ạt tới
Đêm trở mình nghe đau thấm thịt da
Trăng héo khô lơ lửng ở hiên nhà
Đèn leo lét bấc tàn trong góc tối
Bóng soi tường xám một bờ tóc rối
Tiếng kinh cầu rơi từng hạt âm u
Đêm trăn trở lệch xô giường với gối
Lòng băn khoăn đưa tới cảnh sa mù
Ta còn lại mắt nhìn đời ngơ ngác
Lũ thú hoang ngạo nghễ giữa phố đông
Sau song sắt treo ngập tràn những xác
Và thiên thu nghe máu chảy thành dòng
Cây đã chết hoa chẳng còn nở nữa
Những lá cờ rũ rượi dưới mưa tuôn
Những dãy nhà không bao giờ mở cửa
Lịch sử ghi lần lượt những trang buồn
Ta còn lại hai tay gầy thấm mệt
Bước chân về loạng quạng giữa trần gian
Chiếc lá rớt một chu kỳ chấm hết
Ta loay hoay ngồi đợi giữa gian nan
1.12.2018
DODUYNGOC
Tranh sơn dẩu cúa Denis Sarazhin

FANNY FERRE
Nghệ Sĩ điêu khắc người Pháp
Sinh ngày 6 tháng 6 năm 1963 tại Evreux
Học nghệ thuật ở Paris và Angers
"Khi tôi còn rất nhỏ, thú vui duy nhất của tôi là ở nhà và tạo ra một loạt các nhân vật nhỏ dưới nền đất. Tôi thật may mắn khi cha mẹ đã ủng hộ tôi. Họ đã chụp những bức ảnh đầu tiên của tôi để tạo album... sự quan tâm này đã khuyến khích tôi... "
Tác phẩm của bà mộc mạc, thô ráp, sần sùi nhưng rất sinh động. Đó là những bức tượng hoặc một nhóm tượng mô tả những sinh hoạt. Những nhóm tượng của bà như là một câu chuyện kể. Và từ đó ta nghe được tiếng nói của từng nhân vật. Chính cái không trau chuốt ở tượng của bà khiến cho các tác phẩm của bà gần gũi với cuộc sống, như cùng sống trong không gian cùng ta, thở chung không khí cùng ta. Tôi thích cái mộc mạc đậm chất dân gian đó.
DODUYNGOC

<<<Xem ảnh>>>

Nghệ Sĩ điêu khắc Đài Loan
Gaylord Ho sinh ngày 11 tháng 1950 tại Lam Wu, Đài Loan. Là một nhà điêu khắc bậc thầy và những tác phẩm của ông truyền cảm hứng cho người xem. Tác phẩm của ông lưu lại những cảm xúc của khoảnh khắc và tồn tại mãi.
Những bức tượng của ông là biểu tượng của sự vượt lên đấu tranh với cuộc sống. Nó đại diện cho lý tưởng trong mỗi con người chúng ta và đưa ta đến sự hoàn mỹ.
Gaylord tập Tai Chi và hành thiền mỗi buổi sáng. Ông là người tin tưởng vào sức mạnh của nội tâm , một người luôn bình tĩnh và chu đáo, là người luôn đối xử với bản thân và thế giới xung quanh bằng thái độ tôn trọng, khoan thai và tinh tế.
DODUYNGOC
<<<Xem ảnh>>>

Đối với nhiều người, sinh nhật đối với họ rất quan trọng, họ tổ chức rầm rộ, đàn ca sáo nhị vang trời, quà cáp tùm lum. Những người dư giả, giàu có, cán bộ đương chức lợi dụng cơ hội kiếm phong bì thì không nói làm gì. Nhiều người, nhất là giới trẻ, dù đang khó khăn cũng ráng làm tiệc tùng để khoe và vui với bè bạn. Mà cũng lạ, đã gọi là sinh nhật là ngày sinh rồi, dân ta cứ gọi là ngày sinh nhật, hoá ra dư một chữ ngày ha...ha.
Riêng tui, có thể nhiều người không đồng tình với tui, tui xem ngày tui sinh ra đời cũng bình thường như mọi ngày khác. Mà thật ra nghĩ cho cùng có gì là đặc biệt đâu. Cũng chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Con người sinh ra không hẹn trước và đôi khi cũng chỉ là sự tình cờ. Có người sinh ra trong sự ngóng đợi, trông chờ, nhưng cũng có người được sinh ra như là một sự bất đắc dĩ. Mừng vui trong ngày sinh cũng chỉ là hình thức của cuộc sống, những lời chúc tụng, nhất là hiện nay trên facebook cũng chỉ là những lời sáo rỗng, như là trách nhiệm, như là một nhiệm vụ, đôi khi là những lời vô cảm. Nhưng nhiều khi không có thì không được. Đạo Phật bảo: Đời là bể khổ. Sinh ra đời là để vẫy vùng trong bể khổ đó. Thế thì có gì mà mừng vui.


Mấy người là danh nhân, là anh hùng dân tộc, kỷ niệm ngày sinh như là cách ghi ơn. Còn như tui, phó thường dân, chỉ là cắc ké kỳ nhông, làm sinh nhật mần chi cho tốn kém.

Giấy tờ, khai sinh, chứng minh nhân dân, bằng cấp của tui đề ngày sinh của tui là 30.11. Nhưng thật sự tui có sinh đúng ngày đấy đâu. Lúc đấy Ba tui làm công chức cho nhà nước bảo hộ, quy chế là con cũng được hưởng lương, tui là con thứ ba, theo chế độ lương bổng thời bấy giờ, con thứ ba hưởng lương cao nhất. Do vậy, dù tui chưa được sinh ra, Ba tui đã làm cho tui giấy khai sinh để được lãnh lương trước một tháng. Thế thì ngày ghi trong giấy tờ không phải là ngày sinh của tui. Nhưng theo thói thường, người ta làm sinh nhật theo ngày ghi trong hồ sơ cá nhân. Cho nên ngày 30.11 mà tổ chức sinh nhật của tui là trật lấc. Và đó cũng là lý do tui không muốn có ngày sinh nhật. Tuổi đã già, làm sinh nhật là thêm một tuổi, điều ấy cũng chẳng có gì vui. Thêm tuổi là cuộc đời ngắn lại, hỏi có vui gì hê...hê.
28.11.2018
DODUYNGOC




Nghệ Sĩ, điêu khắc gia sống ại Pháp, sinh ra tại Ma Rốc
Sinh năm 1960 từ vùng Địa Trung Hải. Gia đình ông bị buộc phải sống lưu vong từ năm 1975. Định cư ở Marseilles, một thành phố cảng của nước Pháp. Hi vọng về một cuộc sống mới nhưng trong ký ức vẫn là nỗi đau của kẻ lưu vong.
Năm 18 tuổi ông gia nhập thuỷ thủ và làm thợ điện. Đam mê nghệ thuật ông nặn tượng bằng đất sét và mò mẫm với điêu khắc, mấy chục năm ông học hỏi thông qua những tác phẩm của Rodin, Giacomtti, Caesar...và từ dó dành trọn đời mình cho nghệ thuật.
Tác phẩm của ông thường là những nhân vật rỗng, thân đứt lìa. Đặt trong khung cảnh của thiên nhiên, nhân vật thể hiện nội tâm một cách sâu sắc và gây sững sờ cho người xem.
Hiện nay, ông là một nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng thế giới.
24.11.2018
DODUYNGOC

<<<Xem ảnh>>>



Nơi tôi ngồi nhìn ra phố mùa thu
Những vệt son môi những cái mông ưỡn ẹo
Mùa đông đang tới gần trên những chiếc khăn quàng
Và dáng ai lảm bộ co ro ở vỉa hè
Nơi tôi ngồi có hai chiếc bánh croissant
Một chiếc ngọt và một chiếc mặn
Tôi nhìn chúng chợt hình dung đôi môi
Đôi môi nằm trên chiếc dĩa
Nhớ Paris
Nhớ tuyết bùn lầy và đôi vớ đỏ
Tôi thấy nó buổi sáng ở khu Quartier Latin
Cô gái tóc đỏ và nụ cười rất đĩ
Nơi tôi ngồi có những cành hoa
Chúng dính vào kính bên kia bức tường trong suốt
Những bông hoa giả nhìn như thật
Như nụ cười của đàn bà
Giả và thật
Thật và giả
Có tiếng ly bể
Âm thanh trong suốt như lưỡi dao làm bằng thuỷ tinh
Đâm thấu óc
Nơi tôi ngồi nhìn thấu con đường bên kia
Có một quán ăn
Có một cửa hàng áo quần trẻ con
Có người đi sao tôi thấy ai cũng trần truồng
Trần truồng là sự thật
Hoá ra tất đều là lời nói láo
Lời nói láo ngay từ buổi gặp đầu tiên
Láo cũng là một sự thật
Nơi tôi ngồi bỗng có tiếng nổ phát ra từ khẩu súng
Máu phọt ra
Có tiếng nôn mửa
Nhiều tiếng la hét
Nhạc tung toé khắp phòng
Rồi im bặt
Tôi vẫn còn ngồi trên ghế
Ướt đẫm mồ hôi
Tôi nhìn đồng hồ
11:48 phút
Tôi phải về
Phố còn sót một mùa thu
22.11.2018
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget