Latest Post

Nghệ Sĩ, điêu khắc gia sống ại Pháp, sinh ra tại Ma Rốc
Sinh năm 1960 từ vùng Địa Trung Hải. Gia đình ông bị buộc phải sống lưu vong từ năm 1975. Định cư ở Marseilles, một thành phố cảng của nước Pháp. Hi vọng về một cuộc sống mới nhưng trong ký ức vẫn là nỗi đau của kẻ lưu vong.
Năm 18 tuổi ông gia nhập thuỷ thủ và làm thợ điện. Đam mê nghệ thuật ông nặn tượng bằng đất sét và mò mẫm với điêu khắc, mấy chục năm ông học hỏi thông qua những tác phẩm của Rodin, Giacomtti, Caesar...và từ dó dành trọn đời mình cho nghệ thuật.
Tác phẩm của ông thường là những nhân vật rỗng, thân đứt lìa. Đặt trong khung cảnh của thiên nhiên, nhân vật thể hiện nội tâm một cách sâu sắc và gây sững sờ cho người xem.
Hiện nay, ông là một nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng thế giới.
24.11.2018
DODUYNGOC

<<<Xem ảnh>>>



Nơi tôi ngồi nhìn ra phố mùa thu
Những vệt son môi những cái mông ưỡn ẹo
Mùa đông đang tới gần trên những chiếc khăn quàng
Và dáng ai lảm bộ co ro ở vỉa hè
Nơi tôi ngồi có hai chiếc bánh croissant
Một chiếc ngọt và một chiếc mặn
Tôi nhìn chúng chợt hình dung đôi môi
Đôi môi nằm trên chiếc dĩa
Nhớ Paris
Nhớ tuyết bùn lầy và đôi vớ đỏ
Tôi thấy nó buổi sáng ở khu Quartier Latin
Cô gái tóc đỏ và nụ cười rất đĩ
Nơi tôi ngồi có những cành hoa
Chúng dính vào kính bên kia bức tường trong suốt
Những bông hoa giả nhìn như thật
Như nụ cười của đàn bà
Giả và thật
Thật và giả
Có tiếng ly bể
Âm thanh trong suốt như lưỡi dao làm bằng thuỷ tinh
Đâm thấu óc
Nơi tôi ngồi nhìn thấu con đường bên kia
Có một quán ăn
Có một cửa hàng áo quần trẻ con
Có người đi sao tôi thấy ai cũng trần truồng
Trần truồng là sự thật
Hoá ra tất đều là lời nói láo
Lời nói láo ngay từ buổi gặp đầu tiên
Láo cũng là một sự thật
Nơi tôi ngồi bỗng có tiếng nổ phát ra từ khẩu súng
Máu phọt ra
Có tiếng nôn mửa
Nhiều tiếng la hét
Nhạc tung toé khắp phòng
Rồi im bặt
Tôi vẫn còn ngồi trên ghế
Ướt đẫm mồ hôi
Tôi nhìn đồng hồ
11:48 phút
Tôi phải về
Phố còn sót một mùa thu
22.11.2018
DODUYNGOC



Có một ngày nắng trôi trên sông
Có người đi lúa trĩu cánh đồng
Chim sơn ca thăng ca đỉnh gió
Nụ cười ai bay đầy thinh không
Có một thời mưa giội hàng hiên
Giọt mưa thu ướt mái tóc huyền
Hoa muốn nở trong đêm trăng ấy
Người ôm đàn ngồi hát liên miên
Có một mùa lá rụng đầy tay
Đi song đôi không rượu mà say
Đèn ngã bóng ngọc lan thơm ngát
Đường hút dài đâu biết rủi may
Cũng ngày đấy nắng không còn sáng
Ta đoạ đày trong cõi u mê
Ngày với tháng kéo đời khổ nạn
Mắt nhìn nhau không chỗ trở về
Cũng thời ấy bão giông cuốn mất
Hai phận đời đi ngược chiều nhau
Trăng hiu hắt chứa điều khuất tất
Mảnh tình xưa như tấm vải nhàu
Cũng mùa ấy thu không đến nữa
Lá ngỡ ngàng chẳng biết về đâu
Ta trôi giạt thân không nhà cửa
Lòng chẳng quên được mối tình đầu
Chợt chiều nay nhớ tà áo lụa
Bước chân run ra ngõ ngó trời
Kỷ niệm xưa đã thành goá bụa
Mới hôm nào giờ hoá ngàn khơi
19.11.2018
DODUYNGOC



Trăng héo tàn vách núi
Chim lẻ bạn giọng buồn
Ta một thời hờn tủi
Hứng hết giọt mưa tuôn
Chiều vàng như lá héo
Mặt trời cháy phương tây
Ta trôi từ mọi nẻo
Giờ ngã ở góc này
Cửa nhà chưa khép chặt
Mái ngói ngập rêu phong
Chưa hết cơn túng ngặt
Đã đến lúc lưng còng
Một tờ kinh rớt xuống
Rợn cả một góc trời
Cành hoa nào héo cuống
Mở một đời tả tơi
Đi hết bờ đá đỏ
Bóng ngã trên đường đèo
Gió tràn trên lá cỏ
Thân ta nằm chèo queo
Mây bay không níu lại
Giọt nắng chẳng người nâng
Cứ ngỡ ta tồn tại
Chờ mưa bão mòn dần
Quạnh hiu bên tường trắng
Thấy ta như cành khô
Xác xơ phơi dưới nắng
Đời vắng tựa nấm mồ
Chờ một cành hoa nở
Đợi một tiếng chim kêu
Cửa ai vừa hé mở
Lại tiếp cảnh tiêu điều
Ta về chờ trăng mọc
Đêm tối tận vô cùng
Chịu làm thân còi cọc
Đậu giữa đời mông lung
Chờ tiếng chuông đổ xuống
Đợi tiếng mõ tràn lên
Tuổi già thêm luống cuống
Thân già thêm tiếng rên
Ngựa chồn chân đã mỏi
Xương cốt rã rời nhiều
Lưng đã còng dấu hỏi
Chỉ còn bước liêu xiêu
Tiếc một thời phiêu bạt
Gió lộng với trời cao
Giờ thế gian ngột ngạt
Chẳng biết sống thế nào
Quẩn quanh nơi góc phố
Nhìn thời gian đi qua
Còn chút gì vẫn cố
Mốt mai sẽ xoá nhoà
Sẽ còn vầng trăng lạnh
Hiu hắt giữa màn đêm
Hỏi còn ai đứng cạnh
Để xin chút êm đềm
19.11.2018
DODUYNGOC


MARINA CANO
Nghệ Sĩ nhiếp ảnh Tây Ban Nha về thế giới tự nhiên, hoang dã
Marina Cano là một nhiếp ảnh gia về thế giới và động vật hoang dã, vùng Cantabria, ở phía bắc Tây Ban Nha. Cô đã chụp ảnh từ khi còn là thiếu niên. Tác phẩm của Marina Cano đã được công bố khắp thế giới và giành nhiều giải thưởng quốc tế.
Năm 2009 Marina Cano xuất bản một cuốn sách với nhan đề Cabarceno, với những hình ảnh cô đã chụp trong ba năm ở công viên thú hoang dã lớn nhất ở châu Âu.
Năm 2012, Marina in cuốn sách thứ hai: "Kịch tính & thân mật", với những tấm ảnh được chọn lựa kỹ lưỡng trong nhiều bức ảnh cô chụp ở Nam Phi, Kenya, Anh và Cabarceno
Cô cũng đã triển lãm ảnh ở Cape Town, London, Tây Ban Nha....
DODUYNGOC

<<<Xem ảnh>>>



Có một mùa thu tạt qua áo ta
Rớt đọng trên vai một mùi rất ngọt
Ghi vội vào tay chữ yêu nắn nót
Lá cuốn đi rồi ta gởi vào đâu
Có một mùa trăng đêm sâu quá sâu
Ngồi buông hơi thở chẳng sắc không màu
Tiếng chuông thinh không lạc vào ngõ tối
Đọng ngón tay buồn xanh xao rất đau
Có thời gian nào giữ cho mai sau
Áo lụa vàng bay sáng giữa bãi lau
Ánh mặt trời kia rớt trên đèo vắng
Con chim ngứa cổ hót mãi hàng cau
Có một mùa đông chọn đường nương náu
Lạc giữa đồi sương đốt lửa lên trời
Ta sẽ một lần chịu thân củi mục
Cháy rã úa tàn ánh sáng ma trơi
Có phải người đang làm cuộc rong chơi
Thả phấn hương thơm ngát cả bầu trời
Dụ bao ong bướm bay về dưới núi
Bỏ lại mình ta làm hòn đá rơi
Ta làm hạt bụi ta trôi chơi vơi
Những mùa đi qua thôi chẳng đón mời
Rồi một ngày kia gục trên bờ suối
Sóng biển ngược dòng cuốn ta ra khơi
Viết vội vài dòng giữa cơn mộng mị
Con dã tràng kia lăn tròn hạt cát
Cũng có một ngày thế gian rã nát
Đời cuốn ta đi ta chọn chốn về
19.2.2015
DODUYNGOC
Tranh của Irik Musin (Hoạ sĩ Nga)

Anna Bocek sinh năm 1973 tại Gdansk Ba Lan. Cô được đào tạo tại Học viện nghệ thuật quốc gia. Năm 1997, cô đã thắng giải thiết lập dự án nhà thiết kế quỹ Gedanene ở Gdansk
Tranh của cô đa phần là chân dung phụ nữ. Những bức tranh mang nét hiện thực đầy màu sắc và đậm chất hội hoạ. Nhân vật của cô đầy suy tư nhưng như những trái bom đợi nổ, chất chứa những sức công phá mãnh liệt. Những mảng màu tung tóe như rối tung lên cho thấy một phong cách rất đặc biệt ở người đàn bà họa sĩ này
DODUYNGOC
<<<Xem ảnh>>>

SOPHIE MOUTON-PÉRAT VÀ FREDERIC GUIBRUNET:
NGHỆ SĨ TẠO HÌNH VÀ TRANG TRÍ NỘI THẤT NGƯỜI PHÁP
Trong gần 10 năm, Sophie Mouton-Pérat và Frederic Guibrunet bằng chất liệu giấy kết hợp với ánh sáng êm dịu đã sáng tạo những bức tượng mang tính nghệ thuật lung linh và huyền ảo. Chỉ với chất liệu giấy, bộ đôi nghệ sĩ làm ra những con vật sinh động, những tượng người suy tư, những phụ nữ có kích thước như thật với những bộ trang phục sang trọng và y như đang sống. Dưới ánh đèn, những bức tượng giấy đưa chúng ta bước vào một thế giới ảo diệu mang tính nghệ thuật cao.
DODUYNGOC

ĐỌC CHO VUI
Một ông Tây đi du lịch Trung quốc.
Ở đâu không biết chứ ở xứ Tàu thì gái ê hề, cô nào cũng xinh, em nào cũng đẹp mà giá lại rẻ bèo. Ông Tây khoái da vàng ngăm ngăm, mắt xếch, tóc lông đen rậm, nên ngày nào cũng đi thăm các nàng.
Trở về Pháp, ông phát hiện mình bị bệnh hoa liễu. Cái ấy của ông sưng vủ, xanh lét. Ông dấu vợ, đi khám bác sĩ chuyên khoa.
Ông bác sĩ vừa nhìn thấy của quý của ông, liền nói ngay:
" Ông vừa đi Trung quốc về phải không? Lại dính chưởng của mấy cô nương xinh đẹp rồi.
" Dạ đúng thế. Tui xui gì đâu."
" Bệnh này thuốc men không ăn thua, chỉ còn một cách là cắt bỏ"
Ông Tây nghe thế toát mồ hôi:
" Có cách nào khác không bác sĩ"
" Chịu chết. Cắt thôi"
Ông bàng hoàng chạy ra khỏi cửa, mặt xanh lè cắt không ra hột máu.
Chưa tin, ông tìm bác sĩ thứ hai, nghe đồn ông này cũng rất giỏi về mấy vụ này.
Ông này cũng vậy, vừa thấy cái đó đang xanh lè sưng vù của ông đã phán ngay:
" Thua! Cái này chỉ còn cách cắt thôi"
Ông cũng ù té chạy
Ông hãi quá, tìm tới ông giáo sư nổi tiếng khoa niệu, dù giá khám bệnh của lão này rất đắt. Cũng như những bác sĩ trước, vị giáo sư này sau khi xem xét rất kỹ lưỡng cũng tuyên bố: "Cắt!"
Ông bế tắc quá đành thú thật với vợ. Vừa nghe chuyện, bà chửi ông một trận tơi bời hoa lá hẹ. Nhưng rồi, thương chồng mà cũng vì tương lai hai đứa chúng ta, bà mới bảo ông:
" Anh hãy trở lại Trung quốc kiếm thầy mà chữa. Chúng gây bệnh thì làm gì cũng có cách chữa bệnh"
Ông Tây nghe có lý, mua vé bay qua Trung quốc ngay với niềm hi vọng đã vươn lên.
Ông nhờ người giới thiệu cho một lương y nổi tiếng nhất Bắc Kinh.
Ông thầy Tàu già khám , lấy cây lật qua lật lại cái của quý của ông rồi bảo:
"Cái lị qua chơi ở lây, bị mấy cô nương truyền pệnh cho lị rồi.
Cái lị ti khám Pác sĩ ...Pác sĩ Tây lói phải cắt cũng có cái lí của họ. Pây giờ thì ngộ đã khám dzồi. Ngộ pảo lị là không phải CẮT!!!"
Ông Tây nghe mừng chảy nước mắt, run giọng bảo. "Tạ ơn Thầy...Thầy cứu dùm tôi!
Ông thầy Tàu tủm tỉm cười và bảo:
"Không phải cắt ..vì tự ló sẽ RỤNG!!!!
A ha...ha!!!!!
(Chuyện bên Tây, tui chỉ kể lại he..he)
DODUYNGOC

Vừa rồi tui có viết mấy bài về mấy địa danh ở Đà Nẵng và vài món ăn bình dân của xứ Quảng Nam. Có mấy ông bạn Quảng Nam nhắn tin cho tui hỏi sao không viết món Canh cá giếc rau răm, cũng là món nổi tiếng của xứ Quảng Nam hay cãi he..he. Thôi thì có người nhắc thì cũng cố viết bài nữa vậy.
Thật ra tui cũng không khoái món này lắm, hơn nữa con cá giếc lắm xương, không hiểu sao từ bé mỗi lần anh em tui có đứa nào bị bệnh, mạ tui lại hay nấu cháo cá giếc cho ăn. Có lẽ cá giếc bổ theo Đông y, nó lại loài cá lành, mát nên bị sốt nóng thỉ nhớ đến nó. Phân tích từ góc độ dinh dưỡng, cá Giếc có những ưu điểm sau: Các thành phần axit amin và protein có sự tương đồng rất lớn với những tổ chức protein và axit amin mà cơ thể con người cần.
Đây đều là những protein chất lượng cao; dạng sợi ngắn nên rất tốt cơ bắp, hàm lượng độ ẩm cao hơn, vì vậy mà phần thịt cá thật mềm mại và tinh tế hơn so với thịt gia súc gia cầm, từ đó giúp cho cơ thể tiêu hóa và hấp thụ dễ dàng hơn.
Trong thành phần thịt cá Giếc còn có chất béo và axit béo không bão hòa đa, chủ yếu là omega-3 axit béo không bão hòa đa, axit eicosapentaenoic (EPA) hypolipidemic,… các chất này đều có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa và điều trị xơ vữa động mạch, ung thư và các loại bệnh lý tương tự.
Ngoài ra, thịt cá Giếc còn chứa một lượng khá lớn chất vitamin A, vitamin D và vitamin B2, đây cũng là một nguồn thực phẩm quan trọng giàu vitamin E, vitamin B1, niacin với hàm lượng tương đối cao
Theo Đại Nam quấc âm tự vị chỉ có từ giếc (𩹹), không có từ diếc. Cho nên viết con cá diếc là sai chính tả rồi nhưng nhiều người quen viết thế nên cũng đành chấp nhận
Cá giếc tên khoa học Carassius là một chi trong họ Cá chép. Các loài trong chi này có tên gọi thông thường là cá giếc hay cá diếc mặc dù các tên gọi này về cơ bản thường được dùng để chỉ loài C. carassius. Được biết đến nhiều nhất có lẽ là cá vàng được chọn giống từ cá giếc Phổ. Các loài trong chi này có sự phân bố trên khắp đại lục Á-Âu, dường như bắt nguồn xa hơn về phía tây so với các loài có dạng cá chép điển hình bao gồm cả cá chép.
Ở Việt Nam cá Giếc có mặt từ Bắc chí Nam. Cá giếc thường sống ở ao, đầm tự nhiên, thịt trắng mềm nhưng xương lại khá cứng; đặc biệt là xương ở phần bụng, nhiều và cứng hơn hết, do vậy ăn cá Giếc rất dễ bị hóc xương. Vì dễ mắc xương nên cá Giếc không thường xuyên được lựa chọn trong bữa cơm gia đình và cũng không có nhiều cách chế biến. Tuy nhiên, người Quảng Nam lại khoái ăn món cá Giếc nấu canh rau răm. Có lẽ khí hậu mùa hè xứ Quảng nóng vô cùng, tô canh cá Giếc nấu với rau răm ăn mát lòng nên được dân Quảng ưa chuộng chăng?
Cá Giếc là loại cá trắng sống ở vùng nước ngọt, thân dẹt hai bên, dài khoảng 15 – 30cm; đầu và đuôi thuôn, miệng cá hướng lên trên, mắt thì có viền màu đỏ, có lưng nhô cao. Vây lưng của cá dài nhỏ dần về phía đuôi và vây đuôi xòe hai thùy nhọn xiên bằng nhau. Toàn thân có màu bạc, phần bụng màu nhạt hơn phía lưng.
Cá Giếc là món ăn bình dân nên tìm mua cũng rất dễ dàng ở các chợ. Chợ càng quê thì cá Giếc càng dễ kiếm. Mua vài con cá Giếc tươi roi rói, nên mua cá lớn sẽ có nhiều thịt tránh được xương. Nếu được cá còn giẫy, thịt sẽ ngọt ngon hơn cá chếf do vậy chỉ chọn mua cá sống. Nếu cá loại gần bằng bàn tay người lớn thì mua chừng 5-6 con, loại vừa cỡ 3 ngón tay thì mua chục con. Rau răm mua chừng 3-4 mớ, tùy khẩu vị mỗi người mà khi nấu cho nhiều hay ít rau; mua thêm vài cọng hành ngò, một quả ớt tươi. Món canh cá Giếc nấu rau răm ai cũng nấu được vì đơn giản, chẳng chút cầu kỳ. Cá Giếc mua về làm sạch, không đánh vảy, để ráo nước rồi cho vào ướp một ít nước mắm, một chút tiêu, ít ớt bột.
Cho chảo lên bếp cùng với chút dầu ăn, đợi dầu nóng lên cho hành khô vào phi đến khi có hành có màu vàng đẹp, mùi thơm thì cho tiếp cà chua vào xào sau đó cho thêm tô nước nhỏ vừa với lượng canh nhà hay ăn và đun sôi.
Cá Giếc cũng có thể để nguyên con, rửa sạch rồi cho vào nồi nấu, như vậy canh sẽ ngọt nhất; tuy nhiên như vậy mật cá sẽ dễ vỡ khiến canh bị đắng. Do vậy trước khi nấu nhớ bỏ mật cá. Có người thích ăn cái đăng đắng của mật cá vì họ cho rằng mật làm cơ thể mát. Rau răm làm sạch, chọn lấy phần non; tuỳ khẩu vị mỗi người cũng có thể cho nhiều hoặc ít rau. Nhiều rau răm quá thì nước canh sẽ bị chát vị của rau; ít rau răm quá thì sẽ khó khử được vị tanh của cá. Khi nấu, sau khi phi hành thơm, cho nước vào nồi vừa ăn. Nước đun sôi, cho cá đã ướp vào, đun sôi chừng nào cá chín tới là được, sau đó cho rau răm vào, đun sôi lại. Khi đun sôi lại thì nếm gia vị cho vừa ăn; nếu ăn cay thì cho vào vài lát ớt tươi, bát canh sẽ càng ngon, lưu ý với canh cá, nếm hơi mặn một chút bát canh sẽ càng ngon. Nấu canh cá Giểc,đề trên bếp lâu thì khiến cá chín rục, sẽ làm nước canh bị đục, rau răm bị vàng , bát canh nhìn không ngon. Tô canh cá Giếc ngon là nước canh trong, mà cá không bị sống; rau răm cũng còn xanh. Canh nấu được, múc ra ăn ngay, có thể điểm thêm vài cọng hành ngò, rắc thêm chút tiêu bột, điểm thêm vài lát ớt đỏ.
Món canh cá Giếc rau răm để cảm nhận vị thanh mát của canh cùng vị thơm lừng khó tả của rau răm hòa quyện trong đó, hoặc không thì bạn có thể chuyển sang món kho với cách nấu cá Giếc kho tương cũng là món ăn ngon.
Cũng có thể nấu cá Giếc với ngải cứu ăn cho lạ miệng mà cũng là món ăn chữa bệnh. Cũng có thể kho cá Giếc với khế. Nếu có dưa chua thì om dưa chua với cá Giếc cũng ngon nhưng để ý xương cá.
Tuy cá Giếc bổ và tốt cho sức khoẻ nhưng có 4 nhóm người không nên ăn cá Giếc:
1. Bệnh nhân gút (Gout)
Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng purine trong mỗi 100 gram cá Giếc có tới 137,1 mg, đây là món ăn xếp vào nhóm thực phẩm chứa mức purine thứ hai.
Người bị bệnh gút trong giai đoạn phát bệnh, khống chế mỗi ngày không được hấp thụ quá 150 mg purine. Vì vậy, đây là lý do bạn không nên ăn cá Giếc.
2. Những người bị dị ứng với cá
Một số người có cơ địa thuộc về nhóm mẫn cảm, dễ bị dị ứng, mỗi lần ăn cá có thể gây dị ứng. Những người này tốt nhất là không ăn cá Giếc.
3. Bệnh nhân mắc bệnh gan và bệnh thận
Một số bệnh nhân bị sỏi phải được kiểm soát mức acid uric niệu.
Do đó, những bệnh nhân này muốn hạn chế hấp thụ vào cơ thể số lượng purine lớn thì cách tốt nhất là không nên ăn quá nhiều cá. Bởi vì cá rất giàu kali, bệnh nhân bị suy thận cấp tính cũng không nên ăn, nếu không nó sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.
4. Nhóm người bị rối loạn chảy máu
Cá Giếc rất giàu axit eicosapentaenoic, thành phần này có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu và chống huyết khối.
Trong khi những người bệnh bị rối loạn chảy máu, bao gồm phát ban xuất huyết dị ứng, chứng thiếu hụt vitamin C, bệnh nhân ưa chảy máu,. Khi mắc bệnh này, tốt nhất là bạn không nên ăn cá Giếc.
Trưa nóng mồ hôi nhễ nhại, húp miếng canh cá Giếc nấu với rau răm thấy mát cả lòng. Nên nhắc tô canh cá Giếc là nhớ cái nắng khô cháy của xứ Quảng, để nhớ quê nhà. Ở cái tuổi thất thập, xa quê cũng đã lâu, đi bốn phương tám hướng rồi, thưởng thức biết bao nhiêu là món ăn vật lạ rồi, chắc chắn ăn miếng canh cá Giếc rau răm sẽ chẳng còn ngon như xưa nữa. Nhưng vẫn thèm, không phải thèm bát canh con cá mà thèm cái tuổi trẻ đã qua đi với con cá đầy xương với mớ rau răm, nó biểu tượng một ký ức đã trôi đi. Nhắc chỉ để mà nhớ. Nhớ gia đình sum họp, nhớ Ba nhớ Mạ nhớ anh em giờ mỗi người mỗi phương trời. Gợi tô canh để nhớ một gia đình, một quê nhà, một thời tuổi trẻ. Con cá Giếc ngày xưa đã bay lên trời với Mạ. Ai cũng bảo món ăn của Mạ là món ăn ngon nhất. Mạ đã qua thế giới khác, nhắc các món ăn của một thời thật ra để nhắc đến Mạ mình, nhắc một ký ức.
11.11.2018
DODUYNGOC


Con chó già đứng ở ngả năm
Trời xanh xao rất nắng
Người lại quá đông
Con chó già không biết chọn ngả nào để về nhà
Nó không biết đã bị bỏ rơi
Bởi nó đã già
Nó nhớ ngày xưa người ta nâng niu, người ta vuốt ve, người ta chăm sóc
Mấy tháng rồi nằm ở xó nhà chẳng ai quan tâm
Nó ngước nhìn từng người nhà đi qua
Chẳng ai thèm ngó
Nó rên khe khẽ cũng chẳng ai nghe
Nó rút tàn hơi lên tiếng sủa cũng chẳng ai thèm thấy
Bây giờ nó ở đây
Giữa ngả năm
Đầy bụi
Không còn chốn để về
Con mắt đổ ghèn nhìn đâu cũng chỉ lờ mờ
Thế giới lộn xộn lướt nhanh
Mọi người xa lạ quá
Nó biến thành con chó hoang
Chó hoang sợ nhất tuổi già
Con chó giang hồ không còn vũ khí
Chỉ lượm những thức ăn thừa chẳng còn ai tranh giành
Thế giới loài chó chỉ cần sức mạnh
Chẳng cần kinh nghiệm, không cần từng trải
Nó không còn sức mạnh
Nó sẽ khó tồn tại
Một mai nó sẽ là cái xác trương phình bên bờ cỏ
Nghĩ đến đó nó khóc
Nó chẳng dám trách ai
Nó chỉ buồn tuổi già đến mau không kịp nghĩ
Giữa buổi trưa trời xanh và rất nắng
Có con chó già đứng khóc giữa ngã năm
10.11.2018
DODUYNGOC

MARK DUMBLETON
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam phi
Mark Dumbleton là nhiếp ảnh gia chuyên chụp thế giới hoang dã và phong cảnh.
Ông sống ở JOHANNESBURG , NAM PHI.
Ông đam mê thiên nhiên, thích sống ngoài trời và chụp ảnh, ông đã du lịch qua nhiều vùng đất của Châu Phi và đã có rất nhiều ảnh chụp thiên nhiên, các sự kiện và thể hiện được những sắc thái của vùng đất này.
DODUYNGOC

Ngày đó hợp tác xã ra một chiến dịch thu gom phân bắc (cứt người), mỗi gia đình một tháng phải đóng đủ mười cân, nếu không đóng đủ thì bị cắt gạo. Thật là một chiến dịch có một không hai trong xã hội loài người.

Vậy nên, khi chiến dịch ra đời, cái cầu tiêu trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết. Người người, nhà nhà mua xi măng mua gạch về xây cầu tiêu. Cầu tiêu phải làm bằng xi măng thì cứt mới không bị phân huỷ, chứ ỉa xuống đất vài ngày là bọ hung ăn hết, lấy gì mà đóng cho nhà nước. Vậy nên, cái cầu tiêu quan trọng hơn cái nhà. Chuyện ỉa đái lúc này cũng cực kỳ quan trọng, dù ai đó có bị tào tháo rượt ở đâu thì cũng phải nhanh nhanh ba chân bốn cẳng chạy thẳng về cầu tiêu nhà mình mà giải quyết chứ để mất đi một cục là mất đi lon gạo chứ chẳng chơi. Nhiều người đi làm ngoài đồng, ngày trước, khi mắc ỉa thì chạy vô bờ, vô bụi làm đại cho xong, nhưng bây giờ, làm như vậy có mà đói chết. Vậy nên, phải tìm cách, có người làm đại vào bao ni lông, có người cuộn trong lá chuối, có người cẩn thận hơn đi vào trong cái càmèn đựng cơm để mang về cho an toàn mà đổ xuống cầu. Có nhiều chuyện dở khóc dở cười trong chiến dịch này lắm, ai sống thời đó chắc biết. Khi chiến dịch ra đời thì cũng là lúc không biết bao nhiêu con chó phải chết. Chó chết vì đói, cơm khoai đã không có ăn, đến cục cứt cũng bị nhà nước giành mất thì lấy gì mà sống. Nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, cố gắng lắm không để thất thoát cục nào, vậy mà đến tháng vẫn không đủ cân nộp, má tôi sai anh em chúng tôi đi tìm đá sỏi bỏ vào cho đủ. Khi mang lên cân người ta kiểm tra và phát hiện nhà tôi gian lận nên lập biên bản và làm kiểm điểm. Họ còn ghi rõ ràng trong biên bản gian lận như thế nào, có bao nhiêu cục cứt và bao nhiêu cục đá sỏi.

Quả đúng không sai, cái đời người nông dân u tối làm sao mà lừa được mấy ông nhà nước, mấy ông tinh vi vô cùng. Kết quả là nhà tôi bị cấm không cho nhận gạo một tháng. Trong một buổi họp người ta đưa tên má tôi ra kiểm điểm trước dân về việc gian lận lấy đá sỏi trộn với cứt để nộp cho nhà nước. Họ không cho má tôi phân bua gì hết. Nhưng không đành lòng nhìn cảnh con đói, bà đứng dậy thẳng thừng, dứt khoát. Bà nói: Việc tôi làm gian lận tôi chịu trách nhiệm trước toàn thể mọi người, nhưng các người nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, nhìn ngược thì cũng phải nhìn xuôi, các người có nhìn vào nhà tôi không, nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, tôi thì suốt ngày đi làm ngoài hợp tác xã, có cục nào tôi đã ỉa ngoài hợp tác xã hết rồi, còn con tôi ở nhà, nó là con nít nó ăn bao nhiêu, ỉa bao nhiêu, nó ỉa ra cục nào chó lủm cục đó thì lấy đâu đủ cứt để mà nộp cho mấy ông. Vậy mà bây giờ mấy ông kiểm điểm tôi, cắt gạo thì lấy gì tôi nuôi con, lấy gì ăn để mà ỉa mà đem cứt nộp cho mấy ông.

Nói gì thì nói, la gì thì la, nhà tôi vẫn bị cắt gạo tháng đó. Không còn gì khốn nạn hơn thế. Nói thiệt, đến bây giờ trong hồ sơ giấy tờ ở kho lưu trữ quốc gia thì nhà tôi vẫn còn một món nợ lớn với nhà nước mà không thể nào trả nổi, đó là nợ cứt.

Phạm Thế Việt




MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget