Latest Post

Thật lòng, khi đọc tin trên báo đăng phát biểu của ông, tui thất vọng quá, bởi trước đây tui tin ông quá.
Lâu nay trên diễn đàn Quốc hội, những phát biểu của ông rất hợp lòng dân, dân thấy ông hiều họ, đồng lòng với họ, nói lên được khát vọng của dân. Người dân, trong đó có tui, trân trọng ông. Đùng một cái, ông quẹo cua 180 độ, cho rằng TP HCM phải có một nhà hát hiện đại và tương xứng với phát triển kinh tế. "Người dân TP đi quốc gia khác thấy nhà hát của người ta như thế mới thấy mình thiệt thòi".
Thưa với ông, nếu nói thiệt thòi thì dân Sài Gòn thiệt thòi vì mang tiếng là cư dân ở một thành phố lớn nhất nước, năng động nhất nước, đóng thuế cao nhất nước nhưng dân Sài Gòn vẫn phải nằm trên giường bệnh ba người, phải nằm dưới sàn nhà, phải nằm ở hành lang. Nếu ông chưa biết thì mời ông đến bệnh viện Ung bướu Thành phố, đến bệnh viện Nhi đồng để thấy những em bé, những người già, những người đang chống chọi với cái chết đang sống như thế nào?
Ông hãy đến Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện ND Gia Định và nhiều bệnh viện khác nữa để thấy bệnh nhân phải đến xếp hàng từ ba giờ sáng để lấy được một cái thẻ khám bệnh. Họ là những người nai lưng đóng thuế cả đấy, đáng lẽ ra họ phải được ung dung để được hưởng những phúc lợi xã hội, như thế có thiệt thòi không?
Người dân Sài Gòn phải lội bì bõm trong bể nước đầy rác rến và xác động vật chết trên những con đường ngập nước sau một ngày làm việc vất vả. Những con đường ngàn tỷ đầy những ổ voi chỉ cần sơ sẩy tay lái là có thể cướp đi sinh mạng.
Người dân Sài Gòn thiệt thòi vì hàng ngày phải thở trong bầu không khí đầy khói bụi, đưa vào cơ thể những thực phẩm ô nhiễm và toàn chất độc có thể đưa đến bệnh tật chết người. Phải đi trên những con lộ không bóng cây xanh.
Người dân Sài Gòn thiệt thòi vì cuộc sống không được bảo vệ, đi ra đường với nhiều đe doạ của nạn cướp giật, kẻ cướp có thể tước đoạt cuộc sống và tài sản của họ bất cứ lúc nào nhưng chính quyền bất lực.
Người dân Sài Gòn thiệt thòi vì không hưởng được cuộc sống đáng lẽ họ đáng được hưởng vì dân Sài Gòn đã hi sinh quá nhiều rồi, đáng được hưởng những cơ sở hạ tầng tốt hơn, an ninh hơn nhưng thành phố này lại bị hạn chế phát triển và không được ưu tiên phát triển dù đóng góp cao nhất.
Mang tiếng là công dân thành phố, nhưng còn rất nhiều lớp học nhồi nhét đến năm sáu chục học sinh trong căn phòng bé tý nhưng tiền đóng hàng tháng không phải là ít. Đó mới là thiệt thòi.
Người Sài Gòn cảm thấy thiệt thòi vì dần dần những di sản biểu tượng hồn vía của thành phố này, những hàng cây lưu niên ghi nhiều ký ức một thời của họ bị đập bỏ, bị đốn hạ. Họ thiệt thòi vì bị đánh cắp những kỷ niệm. Những dòng sông bờ kinh, cây cầu, ngôi chùa, nhà thờ của quá khứ bị bức tử cũng là thiệt thòi của cư dân Sài Gòn.
Và nổi bật là những người dân ở Thủ Thiêm, nơi sẽ xây dựng nhà hát 1.500 tỷ mà ông đang cổ vũ là những nạn nhân mà suốt gần hai mươi năm nay, tiếng kêu oán hận ngất trời của họ vẫn là tiếng kêu vô vọng. Người ta đã dùng quyền lực và thủ đọan tàn nhẫn để cướp đất đai, nhà cửa của họ, đẩy họ trở thành những người vô gia cư, đầu đường xó chợ. Biết bao lời hứa, biết bao lời hẹn và cả lời xin lỗi, nhưng họ vẫn là những kẻ thiệt thòi. Họ không những thiệt thòi và tài sản, họ đã thiệt thòi cả tính mạng. Và với cách giải quyết như thế này, họ sẽ thiệt thòi cả tương lai.
Người dân Sài Gòn, người dân Thủ Thiêm chưa bao giờ và không bao giờ cảm thấy thiệt thòi vì thành phố này chưa có một nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ. Họ cũng chưa bao giờ so sánh với Singapore, với Úc, với Pháp vì chưa có nhà hát như các nước. Bởi họ chưa cần những thứ đấy, họ đang vật lộn với đời sống, họ đang kêu oan vì bị cướp đất, họ đang cố kiếm tiền để mua thuốc chữa bệnh, kiếm gạo để có chén cơm.
Hơn nữa, họ biết rõ rằng, khi nhà hát đó hoàn thành, nơi đó cũng không phải là chỗ dành cho họ. Họ không đủ tiền để có thể mua chiếc vé hàng triệu đồng để vào nghe loại hình nghệ thuật mà họ chẳng hiểu chút gì. Họ cũng không có những bộ áo quần đắt tiền, sang trọng để vào chốn ấy. Và như thế họ vẫn tiếp tục bị thiệt thòi.
Người dân Sài Gòn chịu lắm thiệt thòi, nhưng không cảm thấy thiệt thòi vì thiếu nhà hát như ông phát biểu. Ông nên nhớ điều đó. Ông đang ngộ nhận rồi, ông Trương Trọng Nghĩa ạ. Tui thất vọng về ông, tui cảm thấy buồn vì ông quẹo cua lẹ quá. Cũng tiếc thật!


DODUYNGOC

Con chim ngậm đắng nỗi buồn
Cất bay cao mãi không tuôn khỏi trời
Thả về dưới phố giọt rơi
Máu tuôn khoé mắt tơi bời ruột gan
Gặp mây tan chảy giữa đàng
Gặp người tơi tả hoang mang lưu đày
Gặp lá vàng chết trên cây
Con chim ngã quỵ gió gầy guộc theo
Cuối đời còn dốc cheo leo
Bước thêm bước nữa gắng trèo đến nơi
Ô hay chỉ một cuộc chơi
Người bôi mặt diễn nhập thời cuồng điên
Con chim về lại đầu hiên
Nghe trong mái ngói mấy miền âm u
Từ đây đến cõi sa mù
Người và chim chịu ngục tù buộc nhau
9.10.2018
DODUYNGOC

Sau khi thi sĩ Bùi Giáng qua đời, truyền thông, báo chí có rất nhiều bài viết về người thi sĩ dị thường này. Người nào cũng thể hiện sự thân quen, gần gũi của mình với nhà thơ. Ông nào cũng quàng vai, bá cổ nhà thơ. Hàng năm tổ chức họp mặt tưởng nhớ, nhắc nhở kỷ niệm gắn bó.v...v và v..v.
Trong đó rất nhiều người tui biết rất rõ trước đó họ chưa từng biết Bùi Giáng là ai, cũng có nhiều người chưa từng đọc tác phẩm nào của Bùi Giáng hoặc đọc thuộc lỏm bỏm vài ba câu thơ ông. Một số khác cũng chỉ là biết Trung niên thi sĩ trên những vỉa hè, đường phố. Một số nữa thì cũng đôi lúc cụng ly với ông, ngồi với ông tếu táo đôi ba lần. Thế nhưng trong bài viết của họ, họ viết như là thân hữu, thâm giao, tri kỷ, thân thuộc với ông từ lâu lắm. Họ nhắc nhiều kỷ niệm với ông rồi tự khoe mình. Nhiều khi đọc cũng bật cười. Gần đây trên mạng lại truyền đi bài thơ Đánh cho Mỹ cút nguỵ nhào và Đừng tưởng gán cho tác giả là Bùi Giáng, mọi người cứ lan truyền và tin sái cổ, thơ Bùi Giáng gì mà tào lao thế?
Ngay cả nhiều văn thi sĩ ngoài Bắc, chắc một điều trước 1975 cũng chẳng biết gì về Bùi Giáng cũng viết nhiều về ông, người ca ngợi, kẻ chê bai. Có người hỏi tui đã từng ăn ở, lang thang ở hành lang Đại học Vạn Hạnh, cũng có lúc gần gũi với ông sao chẳng thấy tui nói gì? Tui bảo rằng, tui biết ông, quen ông, nhưng chưa hiểu hết con người phi thường và cũng dị thường đó thì làm sao tui dám nói. Quan niệm của tui là muốn nói về ai thì phải hiểu rõ họ, cảm nhận được về họ thì mới dám viết về họ. Tui hiểu không hết Bùi Giáng. Tui ngậm miệng cho thiên hạ viết là hợp lý rồi. Tui cũng bảo với mọi người rằng, nếu viết về cuộc sống điên điên, tưng tửng của Bùi Giáng thì chỉ có một người có thể viết chính xác nhất, trung thực nhất là anh Văn Công Tuấn. Bởi Văn Công Tuấn là người ở chung phòng với thi sĩ Bùi Giáng suốt ba năm trước 1975 ở trong Đại Học Vạn Hạnh. Văn Công Tuấn là bạn học cùng thời với tui, là người tui quen và biết. Hiện anh định cư ở Đức.
Tui dám khẳng định Tuấn viết về đời sống và cách sống của Bùi Giáng là chính xác nhất. Chỉ tiếc là chưa thấy anh viết về những năm tháng ấy. May thay, hôm nay tui đọc được bài viết của anh về Bùi Giáng. Đọc bài viết của anh mới thấy thiên hạ toàn viết tưởng tượng về Bùi Giáng. Đồng thời cũng trả lời được câu hỏi mà nhà văn Mai Thảo và cả nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cùng nhiều người thắc mắc là cái ông Bùi Giáng ấy suốt ngày rong chơi với khỉ, chó, mèo mà sao khi cần bài đăng là có bài ngay, khi cần bản thảo sách in là là có ngay từng xấp viết tay. Đồng thời, qua lời kể của anh Văn Công Tuấn, soi rõ Bùi Giáng không điên, không bao giờ là người điên. Ông sống trong thế giới của ông và thế giới ấy không giống như chúng ta thường quan niệm. Nên ông khác người bình thường.
Tui xin đăng lại bài viết của Văn Công Tuấn, đồng thời rất cám ơn anh về bài viết này, một bài viết mà tui trông đợi từ lâu rồi.
TỲ HẢI ĐÌU HIU
05/10/2018
Văn Công Tuấn
Kính nhớ Lão Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ
Bay về ổ chín tầng cao
Con chim giã biệt quên chào mái hiên
(Bùi Giáng)
Viết về anh Bùi Giáng là một việc làm cần lòng can đảm. Thậm chí cần rất nhiều can đảm, có khi phải nói nôm na là liều mạng mới dám viết. Những người có thời gần gũi và thương mến anh ai cũng có lần cảm nhận điều đó. Anh thích người ta đọc sách anh, thưởng thức thơ văn anh, nghiền ngẫm tư tưởng của anh. Nhưng ngược lại anh hay nổi nóng nếu ai hiểu sai ý anh. Anh rất giận khi có ai viết sai một chữ, kể cả sai một dấu phẩy, những câu thơ của anh. Có rất nhiều khi anh cho đó là một sự xuyên tạc có hậu ý. Dù sao, anh và tôi đã từng sống chung gần ba năm trời ở Vạn Hạnh chả lẽ không có gì để nói, lâu nay tuy rất muốn viết nhưng tôi vẫn cố tránh, cho đến khi có người nhắc.
Trước tiên phải nói rõ, tôi không phải là người trong làng văn nghệ. Cũng có thể do vậy nên trong gần ba năm ở chung với anh chúng tôi khá gần gũi bình yên bên nhau và dẫu “phải nghe” anh rất nhiều. Dù sao những câu chuyện trong những buổi chiều ngủ gà ngủ gật ấy anh đã gởi gắm đến tôi rất nhiều, mặc kệ tôi có muốn nghe hay không.
Tôi cũng đã phải lưu lạc nhiều nơi. Hoàn cảnh và cuộc sống đã đẩy tôi đi. Tôi đã gặp và đã lao vào sống cùng, đã tiếp xúc với rất nhiều người nhiều tầng lớp khắp cùng đất nước và cả trên cả mọi miền châu lục. Rốt cuộc ở tuổi bóng xế mới bình tĩnh ngồi điểm quanh lại những kẻ thân người sơ. Trong rừng người thân sơ ấy có những người mình rất thân, thật thân. Trong rừng người rất thân lại có những người mình rất mến. Trong số những người mình rất mến ấy có những người mình rất phục. Rồi trong những người mình rất phục kia có những người mình rất kính trọng. Và lại còn có, tuy rất ít, những người mình vừa phục vừa kính trọng. Tâm phục khẩu phục. Đếm lại con số những người ấy chỉ vỏn vẹn trên đầu ngón tay. Và trong số họ có tên anh Bùi Giáng.
Tôi đã thật sự bàng hoàng khi hay tin anh Bùi Giáng ra đi, dù biết rằng lúc nào đấy ngày ấy chắc chắc sẽ đến. Anh đã vung tay phung phí sức khỏe của anh quá nhiều cho những cuộc du hí. Tôi cũng đã thật sự ngạc nhiên khi thấy thiên hạ viết rất nhiều về anh, về văn nghiệp, về thi nghiệp, về “điên-đảo-nghiệp” của anh. Thiên hạ còn tổ chức hội thảo về anh, tại đại học dù anh chưa hề là giáo sư đại học bao giờ. Đối với con người anh Bùi Giáng thật quá xứng đáng, không thể nói lời nào được nữa. Cũng như có thời một tờ báo văn nghệ nổi tiếng của miền Nam đã từng trang trọng có số báo đặc biệt về anh. Đây là một biệt lệ: đến ngày ấy báo Văn chưa hề có số đặc biệt viết về một người còn đang sống. Tất cả những điều đó chứng tỏ thiên hạ rất trân quý tài năng và con người Bùi Giáng. Chưa có một văn nhân, thi sĩ nào ở Việt Nam có được sự trân trọng ấy!
Nhưng tôi cũng quá đỗi ngạc nhiên khi thấy bên cạnh những người xưng là bạn, là người quen, là đủ thứ quan hệ thân thiết gì gì đó với anh, tôi không thấy ai từ Vạn Hạnh xưa viết về anh. Dù sao, không ai có thể chối cãi được, giai đoạn ở tại Đại học Vạn Hạnh ở Trương Minh Giảng là giai đoạn “đẹp” nhất, giai đoạn “tiên” nhất và quan trọng nhất của cuộc đời ông Trung Niên Thi Sĩ họ Bùi này. Nhưng không, sau một thời gian dài chờ đợi, tôi thấy đã có hai người làm việc đó. Thầy Chơn Nguyên đã viết bài: Bùi Giáng, những chuyện chưa kể và anh Nguyễn Hiền bỏ công “làm” một sưu tập “Hoàng Tử Bé Bùi Giáng”, dù chỉ để cho mình đọc. Sau này tôi nghe nói Thầy Phước An có viết nhưng tôi chưa đọc được. Trong những tháng ngày “đẹp” ấy, theo thiển ý, cũng có chút dấu vết của bước chân tôi. Bởi vậy tôi sẽ cố không nói gì về chuyện văn chương thơ phú của anh mà – như Thầy Chơn Nguyên – chỉ nhắc vài kỷ niệm về/với anh.
Giờ khép mắt nhớ một lần ngẫu nhĩ (BG)
Tôi gặp anh Bùi Giáng vào năm 1972, nhưng phải nói thật là trước đó tôi biết rất ít về anh. Lúc đầu anh ở một phòng riêng nên thỉnh thoảng tôi gặp anh ở cầu thang và chỉ chào hỏi bâng quơ như chào một người hàng xóm. Giữa bầu trời nhiều những vì sao lớn của Vạn Hạnh thời ấy thì thêm một vì sao cũng không lấy gì làm mình chói mắt cho lắm. Mãi đến khi anh dọn vào ở chung phòng với tôi, hai chiếc giường đặt kế song song thì mới có dịp chuyện trò nhiều hơn. Nói đúng hơn, anh nói và tôi nghe, dù giai đoạn này anh rất ít nói, ít đi chơi, ít tiếp khách.
Thật ra trước đó tôi đã có đọc một vài bài thơ, và một cuốn sách do anh dịch. Những bài thơ dù quá hay, nhưng đọc rồi cũng thoáng qua. Ở tuổi mười tám hai mươi, khi vừa biết yêu người ta thích học thuộc thơ tình của Nguyễn Bính, của Nguyên Sa… hay nhiều nhất là của Hoài Khanh hơn. Đọc thuộc vanh vách những bài thơ tình như “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc…” của Nguyên Sa, rồi chép trộm vài câu nhét vào những lá thư tình vụng trộm. Cái tên Bùi Giáng bất đầu rõ nét trong tôi là lúc tôi đọc được tác phẩm “Khung Cửa Hẹp” của André Gide do anh dịch. Cuốn sách tình cờ do một người quen cầm trong tay và tôi lật thử ra xem, đọc một mạch hết hai trang Lời Nói Đầu. Những ngôn ngữ tuyệt vời và rất lạ của dịch giả đã gây chú ý cho tôi. Sau này có dịp đọc hết tác phẩm tôi lại càng thích thú hơn. Nói rõ hơn, cái tôi đắc ý nhất vẫn là Lời Nói Đầu của tác phẩm ấy. Bài này tôi còn thuộc lòng đến bây giờ. Mở đầu bài viết (và dĩ nhiên là mở đầu cuốn sách) anh viết: “Ai đẩy Thúy Kiều vào lầu xanh? Ai xô Alissa vào khung cửa hẹp? Định mệnh hay nghi ngẫu?”. Chỉ chừng ấy chữ cho câu hỏi nọ, đã đeo đuổi tôi suốt mấy mươi năm rồi. Chỉ có Bùi Giáng mới có thể đặt ra một nghi vấn như thế để mở đầu cho một cuốn sách của một ông André Gide ở tận bên Pháp quốc. Hai chữ đẩy và xô ở đây anh dùng một cách tài tình, tuyệt diệu.
Thời đó, tôi vừa bước chân vào đại học. Khung trời đại học không những đã mở mắt, đã cho tôi chân trời mới mà nếp sống sinh viên xa nhà cũng mang cho tôi những khoảnh tự do đầy hứng thú. Tôi một thân một mình giữa cái hòn ngọc viễn đông, tha hồ khám phá thế giới và khung trời mới mà không phải lo về đúng giờ hay ai chờ cửa. Rồi may mắn tôi được ở Vạn Hạnh cùng anh Bùi Giáng và một vị giáo sư cơ hữu của Viện ở phòng 412. Đây là phòng duy nhất trong nội xá cho cư sĩ, chứ không có vị sư nào trong phòng chúng tôi như một vài vị đã viết lầm. Căn phòng ước chừng hơn ba mươi thước vuông, khá tiện nghi và mát mẻ, yên tĩnh. Vào cửa, phía bên phải là góc của vị giáo sư kia, bên trái kê hai giường của anh Giáng và của tôi kế sát bên nhau. Cũng như tôi, anh có một chiếc giường đặt sát cửa sổ, một chiếc bàn và một kệ sách, tất cả đều của Viện cấp. Chỉ có điểm đặc biệt là trên bàn anh để những đồ lỉnh kỉnh, như nồi cơm, ly tách. Kể cả hai ngăn kệ sách anh cũng không để sách mà để nồi niêu, hũ lọ, chén bát v.v… Vậy sách vở để đâu? Anh để tất cả dưới gầm giường và anh chỉ ngồi dựa trên giường để viết hay đọc. Tôi cũng ít quan tâm anh viết gì đọc gì, chỉ khi nào anh nhờ thì tôi chở anh đi đâu đó, ví dụ như đi đến các nhà xuất bản để “xin” sách và mang đi bán, hay đi thuê sách kiếm hiệp ở Chợ Lớn thì tôi giúp anh. Trong những năm này anh Bùi Giáng không tiếp khách, không giao du ra ngoài, cũng không uống rượu (có chăng chỉ một chai bia lave), không đi lang thang. Anh chỉ lủi thủi trong phòng, đọc và viết, thường là đọc kiếm hiệp của Kim Dung và Ngọa Long Sinh. Anh đọc bằng chữ Hoa, tôi thường chở anh đi vào Chợ Lớn và thuê sách ở đó. Có khi khách đến viếng anh, anh chỉ ngước nhìn rồi cuối xuống đọc tiếp, coi như người kia không có mặt ở đó. Lúc có tôi ở trong phòng thường tôi hay tiếp những vị đó (một thói quen lịch sự thông thường), mời họ ly nước, mời ngồi rồi cũng lo học. Ngay cả với những vị có tiếng tăm (anh nói tôi nghe sau khi họ đã đi) anh cũng làm vậy. Có một thời gian tôi để ý chỉ có hai người đến thăm là anh cùng đi uống cà phê với họ ngay, đó là thi sĩ Nam Chữ và một người tên là Ký mà anh giới thiệu là em của anh. Những người khác thì cạy miệng anh cũng không nói mà rủ đi đâu anh cũng không đi.
Trước khi anh Giáng dọn vào chung phòng với tôi thì buổi tối tôi đi ăn cơm tháng tại nhà anh chị Tư ở hẻm 220 Trương Minh Giảng. Khi anh giáo sư từ Pháp về cùng ở chung phòng ba người thì anh ta cũng cùng đi ăn cơm tháng ở đấy chung với tôi. Sau tuần đầu nhận thấy trên bàn ăn mười người chỉ toàn là sinh viên, anh thấy không tiện nên mới mua cà-men và trả tiền giao cơm tận phòng. Tôi vẫn tiếp tục đi ăn cơm ở ngoài (buổi trưa thì ăn ở câu lạc bộ Vạn Hạnh). Có khi ăn còn dư anh giáo sư hỏi anh Giáng có muốn dùng không, anh Giáng nhận lấy và nấu thêm cơm để ăn. Một lần nhìn thấy cảnh ấy, tôi quyết định cũng mang phần cơm của mình về phòng và anh Giáng nấu thêm chút cơm rồi chúng tôi cùng chia nhau phần thức ăn của tôi. Những bữa cơm tối chúng tôi vẫn thường ăn chung với nhau (chỉ những trường hợp đặc biệt thì người ăn trước và dành phần lại kẻ ăn sau). Khi anh chị Tư biết việc ấy họ cũng rất rộng rãi cho thêm vài muỗng nước kho, nước sốt hay nước canh để hai chúng tôi đủ ăn. Gia đình tôi biết chuyện này, mới đầu cũng ái ngại sợ tôi ăn không đủ, nhưng sau thấy tôi vẫn khỏe mạnh nên không nói gì. Giai đoạn ấy nghĩ lại thấy cực khổ thật nhưng rất vui và kéo dài cả năm.
Có lần tôi dịch được hơn nửa cuốn sách. Lý do là tôi nghe có người khuyên, tự dịch sách là cách trau dồi vốn Anh văn hữu hiệu nhất. Mà cũng đúng vậy. Tôi chọn cuốn sách viết về Vua A Dục của một vị Thượng Tọa và là giáo sư đại học ở Ấn Độ. Dịch đã gần 2/3 cuốn sách, nhân một hôm nói chuyện vui tôi có tâm đắc kể về việc ấy và một vài giai thoại về Vua A Dục. Trong số những người ngồi chơi hôm ấy có một vị làm nhà xuất bản. Anh ta lật lật vài trang và đọc say sưa thêm chừng mười trang rồi nói: “chú mày đưa anh Bùi Giáng đọc và xin ý kiến, nói ảnh viết vài lời giới thiệu và tôi sẽ cho xuất bản”. Tuy không quan tâm chuyện ấy lắm nhưng cũng vui nên ngay hôm đó tôi kể anh Bùi Giáng nghe và đưa tập bản thảo cho anh. Anh nhận, yên lặng không nói gì và để tập bản thảo dưới gầm giường. Sau một tuần, rồi hai, ba, bốn tuần không thấy anh nói gì tôi mới hỏi, anh cũng chẳng trả lời trả vốn gì. Tôi hơi tự ái nên cũng không thèm hỏi nữa, bản thảo cứ để anh giữ và tôi vẫn cứ làm những việc của tôi, dù mỗi ngày chúng tôi vẫn gặp nhau và ăn cơm chung với nhau. Gần hai tháng sau, anh kêu tôi dậy lúc tôi ngủ trưa, trả bản thảo ấy cho tôi và nói: Chú mày viết khá, không tuyệt vời nhưng cũng thơ mộng, nhưng để làm chi? In sách là đặt chân vào giới văn gừng văn nghệ. Mà lũ tụi tao là nòi đã mang lấy nghiệp vào thân. Chú mày còn trẻ, đẹp-trai-con-nhà-giàu-học-giỏi không có nghiệp ấy thì đừng lết vào. Nó không đẹp đẽ như chú mày tưởng đâu. Dù có mang nghiệp ấy thì chú cũng còn quá trẻ, đủ thì giờ để giải nghiệp. Tao thương chú mày nên tao nói thế. Chừng nào chú mày “lục thập nhi nhĩ thuận” thì muốn viết chi hãy viết. Tôi hiểu và tin ngay lời ấy, đó là những lời nói chí tình. Tôi hứa sẽ không nói đến chuyện viết lách gì nữa và chỉ lo học. Bởi vậy khi Giai Phẩm Văn đặc biệt Bùi Giáng năm 1973 ra đời, có người hỏi sao tôi không kể gì về những kỷ niệm sống chung với Bùi Giáng, tôi chỉ cười và trả lời: xin hai chữ bình an.
Gần ba năm trời sống chung với anh, cũng có đôi mươi lần anh nói huyên thuyên với tôi đủ thứ chuyện, những tâm sự của anh. Cũng có thể anh cần có một người để nghe, dù tôi ít quan tâm hay ít hiểu những nỗi niềm của anh. Dù sao vẫn hơn là nói với đầu gối. Vả lại anh biết tôi rất thương mến và kính trọng anh.
Những lần nói chuyện say sưa như thế có vài lần anh nhắc về một vùng Tỳ Hải.
– Chú mày có biết sao tao gọi là Trăng Tỳ Hải không?
– Không, làm sao tôi biết được.
– Chú mày thử tưởng tượng. Trăm sông, sông cái sông con sông lớn sông bé đều chảy về biển cả. Sông có nước ngọt và biển có nước mặn, đúng không?
– Đúng. Tôi gật gù nửa tỉnh nửa mơ ngủ.
– Vậy chú mày biết chỗ nào là ranh giới, là biên địa giữa sông và biển? Chỗ ấy có vầng trăng nhìn suốt thấy sông là sông và biển là biển. Chú mày có hiểu không?
– Dạ …
– Chỗ đó là Tỳ Hải. Ông Trăng cũng sẽ thấy sông cũng là biển mà biển cũng là sông. Ông Trăng còn thấy Nước là Nước và Nước không phải là Nước.
Lúc đó nghe chỉ để nghe vì lịch sự. Giờ nghĩ lại, hay anh muốn nói về một lý duyên khởi của nhà Phật? Sóng với nước nhìn theo kiểu thơ mộng của thi sĩ: sông và biển. Đến giờ này tôi vẫn chưa có cơ hội lục tìm thử kịch tác gia William Shakespeare người Anh viết gì trong nguyên văn tác phẩm Antony & Cleopatra mà anh Bùi Giáng dịch là Trăng Tỳ Hải.
Đại khái những câu chuyện như vậy rất thường. Có khi mỗi tuần, có khi ba bốn tuần một lần. Thường là vào những buổi chiều, lúc tôi đang ngủ trưa và bị anh dựng đầu dậy. Anh gọi dậy theo kiểu gọi riêng của anh: Này chú thanh niên, dậy nói chuyện đi, đừng ngủ nữa. Mai mốt chú sẽ có một giấc miên trường, tha hồ! (và cũng từ đó mấy vị ở Vạn Hạnh gọi tôi là Thanh Niên Tuấn). Rồi tôi phải thức dậy nói chuyện, mà thật ra chỉ anh ấy nói và tôi chỉ nghe thôi, chỉ thỉnh thoảng mới có đôi lần cãi lại. Anh thường đi qua đi lại lúc nói. Tôi ngồi ở giường tôi, nhìn sang hướng giường anh phía cửa sổ, trước làn nắng chiều chiếu sang tôi thấy anh râu tóc bù xù mặt căng thẳng, miệng nói say sưa. Hình ảnh tuyệt đẹp, ánh sáng mặt trời chiếu từ sau đến, như đèn sân khấu chiếu vào diễn viên, khán giả chỉ nhìn thấy bóng mà thôi. Tiếc là tôi không biết vẽ!
Rồi mấy hôm sau lại tỳ hải, lần này không phải Trăng mà là Sương Tỳ Hải. Những vùng sương khói ảo mờ trên một vùng tỳ hải. Sương Tỳ Hải là một tuyển tập những tiểu luận và tùy bút của ba tác giả: Albert Camus, André Gide, Martin Heidegger. Anh chọn lựa và dịch theo kiểu phiêu bồng của anh. Tôi biết chắc rằng, những tác giả kia nếu hiểu được tiếng Việt chắc cũng sẽ giật mình vì không biết mình từng viết thơ lục bát tiếng Việt lúc nào. Hay nói như Albert Camus (tôi chỉ biết câu tiếng Đức): Diejenigen, die wirklich etwas zu sagen haben, sprechen nie davon – chính những kẻ có thẩm quyền phát biểu thì họ chẳng hề nói gì cả.
Dĩ nhiên có lúc anh còn nói về những chuyện khác, chuyện thơ văn, chuyện triết học, chuyện dĩa bay đến từ hành tinh lạ, chuyện bom nguyên tử nổ, chuyện ông Khổng ông Trang ông Lão rồi cả ông Công Tôn Long bên Tàu, chuyện mấy ông triết gia bên Tây, kể luôn chuyện mấy “thằng” Quảng Nam cứ lo mấy chuyện hội hè gì đâu… Anh nói chỉ để nói, có thể cho anh nhiều hơn là cho tôi. Có khi anh nói say sưa, quay lại thì tôi đã nằm xuống ngủ lại lúc nào. Anh lại kêu dậy, lại nhắc chuyện giấc miên trường!
Cũng có những khi chúng tôi “nói chuyện” với nhau mà không có một tiếng động, không một âm thanh. Đó là những hôm tôi thấy anh rất buồn. Anh gọi tôi, rồi không hiểu sao cứ ngồi thừ người ra yên lặng. Còn tôi thì ngồi trên giường của mình nhìn sang giường bên kia lim dim ngủ gà ngủ gật. Với một thanh niên hiếu động mà ngồi yên như thế thật không dễ chút nào. Nhưng tôi phần vì lịch sự, phần vì tôn trọng anh nên cứ ngồi như thế cho đến lúc có ai tới, hay cháu Ti con chị Tư mang cơm chiều đến. Thật ra thì tôi cũng ít khi có mặt ở phòng mình. Tôi đi làm ở thư viện nửa buổi, lại đi dạy kèm thêm, rồi rảnh thì đi chu du qua những phòng khác (Vạn Hạnh vui lắm) hay xách xe Honda chạy khắp nẻo Sài Gòn, hoặc có khi đi chơi thể thao. Dĩ nhiên chuyện chính của tôi là còn phải học, phải thi nữa nên lúc nào mệt thì mới về phòng. Tuổi thanh niên mười chín hai mươi ai mà chẳng làm như thế! Giờ nghĩ và nhớ lại, đa số nội dung những cuộc nói chuyện như thế tôi đã quên tuốt luốt từ lâu, nhưng những buổi ngồi yên lặng, ngồi không làm gì cả đã “thấm” vào tôi. Từ nhiều năm nay ở hải ngoại, tôi vẫn còn mãi thói quen vào mỗi buổi sáng, chỉ ngồi yên lặng thật lâu như thế trước khi ra xe đi làm.
Sẽ đi cùng bước chân mùa (BG)
Cuộc đời anh Bùi Giáng có hai “biến cố” vô cùng quan trọng. Biến cố thứ nhất là người vợ yêu quý của anh, bà Phạm Thị Ninh, đã mất khi lâm bồn sinh đứa con đầu lòng (chết cả hai mẹ con) lúc mới hai mươi mốt tuổi. Thơ anh viết về vợ mình cũng nhiều, nhưng tôi thích nhất là hai câu:
Mình ơi! tôi gọi bằng nhà
Nhà ơi! tôi gọi mình là nhà tôi.
Làm sao có thể hiểu được hết trọn nghĩa hai chữ “nhà tôi” này. Ấy là một cõi lòng, một khối tình hay là một tổ ấm, một nơi quay về khi vừa bước đi thì đã thấy “nhớ nhà”? Hay là tất cả những thứ đó? Những từ ngữ quá ư đơn giản nhưng khi dệt thành thơ thì vô cùng tuyệt diệu.
Biến cố thứ hai là vụ cháy nhà ở đường Trương Tấn Bửu Sài Gòn, cháy hết cả tủ sách và bản thảo, đẩy anh vào cơn khủng hoảng. Với một tâm hồn và thể chất nhạy cảm thì chuyện buồn chuyện vui gì cũng có thể tạo ra những khúc quanh đáng nói trong cuộc sống. Cho nên nếu sự kiện nhà cháy làm tiêu bao nhiêu bản thảo là một khúc quanh quan trọng, thì việc tạp chí (bị đổi thành “giai phẩm”) Văn số 11 thực hiện một số đặc biệt về Thi Sĩ Bùi Giáng vào tháng 5 năm 1973 cũng là một khúc quẹo đáng kể của cuộc đời ông Trung Niên Thi Sĩ. Giai đoạn này là thời gian tôi ở rất gần anh.
Ở đây xin mở ngoặc nói thêm là ở miền Nam Việt Nam trước 1975 tạp chí Văn là một trong những tờ tạp chí hàng đầu trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Tờ bán nguyệt san Văn ra số đầu tiên vào ngày 01.01.64 với chủ đề “Tuyển tập thơ văn”. Số cuối cùng phát hành ở trong nước mang tên Giai phẩm Văn có phần đặc biệt: “Văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại”. Trang cuối tờ giai phẩm Văn số này có ghi: “Sàigòn ngày 13.03.75. Phát hành ngày 26.03.75. Số lượng in 6.000 cuốn”. Bán nguyệt san Văn do ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm. Thời kỳ đầu (1964- 1971) thư ký tòa soạn là ông Trần Phong Giao. Từ 1972, thư ký tòa soạn là ông Nguyễn Xuân Hoàng. Tạp chí Văn từng ra nhiều số đặc biệt về những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, nhưng hầu hết đã quá cố. Lần đầu tiên Văn ra số đặc biệt về một nhà thơ còn sống, ở tuổi trung niên (47 tuổi) là Bùi Giáng. Thật tình hôm tôi nghe anh kể lại việc ông Nguyễn Xuân Hoàng tiếp xúc trao đổi về việc thực hiện số này tôi cứ tưởng anh nói đùa (vì anh vẫn thường hay đùa vui như vậy, như chuyện anh gặp và uống trà với Nguyễn Du hay Khổng Tử, Trang Tử v.v…). Đây là một quyết định táo bạo của Văn và cũng xứng đáng khi họ chọn ông thi sĩ họ Bùi cho số đặc biệt này. Anh bồn chồn hồi hộp lắm. Anh cứ bâng khuâng và tò mò hỏi tôi mãi rằng Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Phước An (Trần Hữu Cư) viết gì về anh, nhưng làm sao tôi biết được. Tôi cũng đâu hỏi hai vị ấy được.
Cuối cùng Giai Phẩm Văn số 11, ra ngày 15.05.1973 số đặc biệt về Nhà Thơ Bùi Giáng gồm những bài viết của các tác giả: Thanh Tâm Tuyền, Tuệ Sỹ, Nam Chữ, Cao Huy Khanh, Trần Hữu Cư, Thục Khưu, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Xuân Hoàng ra đời. Trang bìa in hình chân dung lớn của anh. Thật là một Giai Phẩm tuyệt vời với những bài viết công phu của nhiều cây viết gạo cội của văn học Việt Nam lúc ấy.
Như những người xem đá banh vui cùng cực khi đội bóng nhà thắng trận, nhất là những trận gay go. Có thể họ la hét, đập phá điên cuồng, có khi sinh tử thương. Thi hào Nguyễn Du từng lo rằng không biết ba trăm năm sau có ai khóc mình không. Anh Bùi Giáng không có nỗi lo như thi hào Nguyễn Du vì báo Văn đã khiến tên tuổi anh trong văn học sử Việt Nam, từ trước vốn đã nổi danh nay lại càng nổi danh hơn. Cái niềm vui ấy đến với anh chầm chậm, nhưng miệng núi lửa của ngọn hỏa diệm sơn chôn kín bên dưới đã hé mở để rồi bộc phát dữ dội. Những xúc cảm tưởng chôn vùi mấy năm nay bây giờ thức dậy đã đẩy, đã xô anh vào trận rong chơi mới không biết mỏi mệt. Chỉ sau vài tháng anh bắt đầu đi lang thang khắp Sài Gòn Chợ Lớn rồi khắp luôn đến lục tỉnh. Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi, đi lên đi xuống đã đời du côn (BG). Anh mang theo trong túi rất nhiều số báo này, biếu cho những ân nhân dọc đường. Họ là những bà bán hàng xén, anh xích lô, em bé bán cà rem… Anh đi chơi cả trong những giờ giới nghiêm, gặp cảnh sát hay quân cảnh hỏi giấy thì thay vì trình căn cước, anh chỉ vào hình bìa tờ báo Văn và nói “ta không có căn cước chỉ có cái này”.
Và từ đó bắt đầu cuộc du hí của Thần Tiên Xuống Núi (trước kia là Thần Tiên Trên Núi, như anh viết). Sau lúc đi lang thang, dần dần vui quá anh mua thêm chó và khỉ dắt đi cả bầy, lúc hứng chí múa may quay cuồng. Chỉ thời gian ấy, lúc nào tôi gặp anh nhảy múa giữa đường thì tôi thấy xót lắm nên đến nhắc anh và gọi anh về (anh dùng chữ: tôi la anh), thì anh lại nghe và không nhảy múa nữa. Chúng tôi lại cùng về phòng, anh tắm rửa tử tế và chúng tôi lại ăn cơm chung. Vài hôm sau lại đi tiếp. Tôi biết, không phải anh “sợ” gì tôi nhưng anh biết những tình cảm và những lo lắng của tôi, một con người rất bình thường, không ham những trò thần tiên du hí, có khi tôi còn thấy quê nữa là khác.
Rồi ngày 30 tháng tư 1975 đến, chúng tôi mỗi người mỗi ngã.
Nghĩ lại từ ngày ấy đến lúc anh mất là hai mươi ba năm. Hơn hai mươi năm ấy anh mặc tình lang thang du hí, và không biết bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu chùa chiền sư sãi đã thương, đã quý, đã đón tiếp nồng hậu anh. Tôi biết làm việc ấy không phải dễ vì tiếp một vị khách dị thường như thế cần phải có nhiều kiên nhẫn và dũng cảm. Kể cả nghệ sĩ Kim Cương cũng một mặt lo lắng chăm sóc cho anh. Rồi gia đình người cháu rể là anh Nguyễn Thanh Hoài đã lo lắng chăm sóc những khi anh đã mỏi mệt sau những cuộc đi hoang. Việc ấy không phải ai cũng làm được. Thật đáng phục.
***
Tôi còn muốn ghi lại một kỷ niệm nữa, một câu chuyện nhiều ấn tượng, một câu hỏi chưa tìm ra đáp án và cứ vang đọng mãi trong tôi.
Một buổi chiều kia, anh Giáng dặn tôi hôm sau cố gắng về để anh có việc muốn hỏi. Tôi y theo lời về sớm hơn thường lệ.
– Chú mày có đọc truyện Kiều không?
– Dạ không, à mà có. Nghĩa là tôi chỉ học ở trung học thôi.Tôi đậu tú tài đàng hoàng mà anh.
– Vậy là chú mày cũng kém như lũ ấy. Ông Nguyễn Du sống dậy cũng sẽ ngã lăn ra chết tức tưởi ngay vì chúng mày.
– Nghĩa là sao?
– Mới chỉ hơn hai trăm năm mà chúng bay không hiểu gì về Nguyễn Du. Một trăm năm nữa sẽ không còn ai khóc Nguyễn Du là cái chắc. Ông Tố Như đã đoán biết như thế.
Giọng anh trở nên giận dữ.
– Làm sao tôi biết là chuyện gì?
– Tại sao nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường, chú mày nói tao nghe thử?
Anh Bùi Giáng hỏi gằn giọng.
– Tại vì nàng ta muốn chết. Tôi trả lời ngay không cần suy nghĩ (thì muốn chết mới tự tử chứ).
– Tao biết, chú mày khá lắm.
– Tôi khá làm sao? Tôi chỉ học như vậy và nói lại thôi.
– Chú mày khá là chú mày biết được, cụ Nguyễn Du muốn Thúy Kiều chết. Thúy Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường là nàng muốn chôn vùi cuộc đời nàng ở đó. Chuyện ngư ông giăng lưới vớt nàng, rồi đem về Am Chiêu Ẩn chỉ là trò giả ngụy. Sông ơi em bỏ sa mù, đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau.
Rồi anh tiếp tục sang sảng đọc thơ, giảng thơ. Lúc ấy tôi chỉ lơ mơ, nghĩ trong bụng rằng may là tôi không học Việt văn của ông Thầy nầy chứ viết văn như ông nói thì Bộ Quốc Gia Giáo Dục sẽ cho tôi rớt tú tài và sẽ phải xách gói đi Thủ Đức nhập ngũ, không biết chừng đã gởi thây nơi chiến địa. Những năm ấy cuộc chiến đã lên cao độ, biết bao nhiêu bạn học thời trung học của tôi đã bỏ mình trên các mặt trận.
Bây giờ ngồi đọc lại cuốn “Sương Tỳ Hải” do anh dịch, phần thứ ba của Martin Heidegger, giúp tôi hiểu thêm ra ít nhiều về điều ấy. Anh viết như sau (tr.166):
Dặm khuya ngất lạnh mù khơi
Bóng hoa đầy đất ngang trời vẻ ngân
Mây Tỳ Hải dội lên ngàn
Càn khôn ở lại bên làn Tồn Lưu.
Cõi người Mặt Đất ưu tư…
Bên mình phố thị Lan ừ hay vâng?
Was soll das heissen? Nichts weniger als: “der Weite des Himmels sich öffnen und zugleich in das Dunkel der Erde wurzeln… “
Tôi (Thanh Niên Tuấn) xin tạm dịch nguyên ngữ đoạn tiếng Đức: Điều đó nghĩa là gì? Chẳng qua nó chỉ là: cái cõi Thiên Không kia tuy thênh thang rộng mở, nhưng cùng lúc Bóng Tối cũng đã cắm rễ sâu vào miền Đại Địa ấy rồi.
Thúy Kiều đã kinh qua tận cùng khắp cõi những nỗi đau của nhân thế, khi đã trầm mình vào dòng Tiền Đường thì nàng đã chết. Đây là trạm cuối cùng. Vở kịch đã đến hồi kết thúc. Màn phải kéo lại. Chuyện chết đi sống lại chỉ là chuyện dựng ra trong một vở kịch thường tình kiểu Happy End. Một giải pháp hình nhi hạ. Cụ Tố Như đã quá lịch sự và từ bi nên phóng bút thêm mấy trăm câu thơ phỏng theo Kim Vân Kiều Truyện chứ theo anh Bùi Giáng thì cụ đã cho Thúy Kiều chết ở đấy rồi.
Nghĩ ra vậy, tôi mới hiểu thêm tại sao anh Bùi Giáng đã chọn cuộc rong chơi điên đảo nhảy múa khắp Sài Gòn để hứng chịu bao nhiêu đắng cay và đau đớn khi thiên hạ đánh đập la mắng hay bị bắt bớ. Anh đã sống tận cùng để cảm nhận những điều anh suy tư. Có triết gia nào, có thi sĩ nào đã can đảm làm như thế? Nghĩ ra vậy, tôi mới hiểu được tấm lòng Chúa Giê-Su khi chịu đóng đinh trên Thập Tự Giá. Nghĩ ra vậy tôi mới cảm nhận được tâm tình của Thái Tử Tất Đạt Đa khi rời bỏ cung vàng điện ngọc đi vào rừng sâu thực hành khổ hạnh cho đến lúc chỉ còn da với xương.
Thể nghiệm bước tận cùng của khổ đau cũng chính là lúc trở mình chuyển sang bước thăng hoa.
Dặm hồng vàng ai đứng lại nhìn nhau (BG)
Mới mấy tháng trước, có người bạn phương xa gọi điện thoại hỏi thăm, rồi câu chuyện tự nhiên đậu lại những câu thơ tuyệt vời của Bùi Giáng.Bạn hỏi tôi: tao hỏi thật, ông ấy có điên không? Sợ bạn buồn nên tôi im lặng không trả lời, nhưng lại nghĩ thầm trong bụng: bộ mày điên rồi hay sao mà hỏi vậy?
Trong cuộc sống quanh ta, một cuộc sống bình thường, có những con người rất bình thường (tôi cũng thuộc vào số đó). Rồi trong số những người bình thường ấy cũng có những người không bình thường, ta gọi là bất thường. Trong số những người bất thường kia rồi sẽ có những người phi thường. Những con người phi thường lại có khi sống bất thường và hành động thất thường. Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng của chúng ta là tổng thể của những con người ấy. Vui chơi nhảy múa viết văn làm thơ cho đời vì cuộc đời vốn vô thường. Hay ta gọi ấy là một người dị thường? Chắc cũng không đúng! Xin bình tâm đọc lại.
Ai đẩy Thúy Kiều vào lầu xanh? Ai xô Alissa vào khung cửa hẹp? Định mệnh hay nghi ngẫu? Hoàn cảnh xã hội, tư tưởng tôn giáo, hay ý thức quyết tuyển tự do của con người, hay tâm thức của thiên tài sáng tác? Hay mọi thứ đó phối hợp?
Một lần nữa ngồi đọc kỹ những câu văn ấy, tôi chợt nhận rõ ra rằng, trần gian không phải chỉ có những khung cửa hẹp. Đằng sau những khung của hẹp còn có rất nhiều những chấn song. Con người tự do là người dám vượt thoát ra khỏi cả những chấn song sau những khung cửa hẹp ấy. Và những con người can đảm ấy thường bị người đời gán cho tên gọi là “những người điên”.
Xưa, thời chiến quốc bên Tàu, có chuyện ông thần y tên là Văn Chí chữa bệnh cho ông Long Thúc. Thần y Văn Chí nổi tiếng một thời, từng chữa khỏi cơn bệnh hiểm nghèo cho Tề Hy Vương. Cụ Nguyễn Hiến Lê kể lại trong tác phẩm Liệt Tử – Dương Tử (tr.172-177) câu chuyện ấy như sau:
Long Thúc bảo Văn Chí: Y thuật của ông thật huyền diệu! Tôi bị một bệnh, ông trị cho được không?
Văn Chí đáp: Xin vâng, nhưng ông cho biết bệnh gì đã.
Long Thúc đáp: Người trong làng khen tôi, tôi không lấy làm vinh, người trong nước chê tôi, tôi không lấy làm nhục; được đã không mừng, mất cũng không buồn; tôi coi sống chết như nhau, giàu nghèo như nhau; coi mọi người khác như loài heo, mà tự coi tôi cũng như mọi loài khác. Tôi ở trong nhà tôi mà tự coi là quán trọ, coi làng tôi như nước ngoài. Ngoài mấy tật đó, tôi lại còn coi thường tước quí, chẳng sợ hình phạt; thịnh suy lợi hại không làm thay đổi được lòng tôi, vui buồn cũng không động được lòng tôi, cho nên tôi không thể thờ vua giúp nước được, không thể thân với bà con bạn bè được, kiềm chế vợ con, sai khiến tôi tớ được. Tôi có bệnh gì vậy ông? Có phương nào trị được không?
Văn Chí bảo Long Thúc quay lưng ra chỗ sáng, rồi mình đứng ở phía sau hướng ra phía sáng mà xem xét.
Xem kĩ rồi bảo: A! Tôi thấy con tim của ông rồi, nó rỗng như một tấc vuông, gần như tim một bậc thánh. Sáu lỗ tim của ông đều thông, chỉ có một lỗ nghẹt thôi. Ngày nay người ta cho cái trí sáng suốt của thánh nhân là một thứ bệnh, có lẽ đó là bệnh của ông chăng? Y thuật của tôi không trị được thứ bệnh đó.
(Chú thích của cụ Nguyễn Hiến Lê: Người thời đó cho rằng trái tim bậc thánh chỉ có bảy lỗ, đều thông cả nên rất minh trí)
Bởi thế, ai nói gì mặc ai. Có kẻ nói Bùi Giáng là người điên, thậm chí còn nói là giả điên. Có người nói ông là thiên tài, là tiên ông, là thiền sư thi sĩ, là thi thánh, là kỳ nhân. Và là gì đó nhiều tên nhiều chữ khác nữa. Với tôi, anh luôn là “người hàng xóm” ít lời và dễ thương. Còn nếu nói về văn nghiệp hay thi nghiệp của anh, thì tôi chỉ có thể mượn chữ của anh thôi: “Ông Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ”. Gọi thế để tôi vẫn còn là “Thanh Niên Tuấn” của năm nào còn ở Vạn Hạnh, dù đã bước vào lục thập.
Thác là thể phách còn là tinh anh (Nguyễn Du)
Anh Giáng ơi! Giờ anh lại xách gói ra đi. Lần này anh đi thiệt và đi lâu.
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về (BG).
Ai biết anh sẽ đi đâu? Chính anh còn không biết nữa thì ai biết.
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu (BG).
Có điều tôi biết chắc, đi đâu anh cũng cứ vui đùa du hí chọc phá theo thể điệu đười ươi cho đến khi ngã quỵ. Những điều anh muốn và những điều tôi hứa với anh ngày ấy năm 73 tôi đã làm. Giờ, vào đã đến tuổi lục thập nhi nhĩ thuận tôi mới thu hết can đảm ngồi ghi lại lai rai những sự việc xảy ra trong đời mình (mình đã ngoéo tay như vậy). Tôi không còn phải lo học hành thi cử gì nữa, có chăng thì chỉ lo tu tập thôi. Và rồi sẽ có một hôm đẹp trời nào đó tôi cũng sẽ không đọc không viết luôn, để thì giờ làm một việc gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời mình hơn.
Tôi thương nhớ và trân quý những ngày ấy lắm. Ngẫm lại, thời gian ngắn ngủi chỉ khoảng một ngàn ngày ở Vạn Hạnh ấy chính là khoảng thời gian đẹp nhất đời tôi. Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ; Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau (BG). Xó chợ kia là góc chợ Trương Minh Giảng ngày nào hay cũng chính là những xó chợ đời?
Bây giờ anh làm một giấc “miên trường”, thật bình yên và thơ mộng tại nghĩa trang Gò Dưa ở Thủ Đức sát bên chùa Quảng Bình. Mộ anh còn nằm sát mộ thi sĩ Tạ Ký và gần mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rốt cuộc rồi anh cũng về nằm gần chùa để khuya sớm được nghe tiếng mõ câu kinh.
Trước mộ chí, tôi đã cung kính đốt một nén hương trước và rồi một điếu thuốc lá đặt vào bức tượng đá của anh sau (dù tôi đã bỏ hút thuốc 25 năm nay rồi). Bỗng dưng lòng tôi chợt vui vô hạn. Tôi nhớ ngay hai câu thơ đã từng nghe anh đọc và nằm kín đâu đó trong xó ký ức tôi (tiếc là bây giờ tôi không có tài liệu tra cứu nguồn và lời thơ cho chính xác. Xin cứ ghi ra, nếu không đúng hẳn xin anh đừng trách, chỉ một lần này thôi).
Du hí thần thông tam muội tận
Hồi đầu ngộ kiến Thích Ca thân. (BG)
Nghĩa: Dạo chơi đến tận cùng cõi thần thông tam muội, lúc quay về chợt gặp pháp thân (tượng) Thích Ca đã nằm ở đó.
———–
(*) Ghi chú:
Tấm hình bìa báo Giai phẩm Văn phía trước tôi tìm thấy trên mạng và tải xuống giữ trong máy như một kỷ niệm trân quý với thi sĩ Bùi Giáng và sơ ý quên ghi nguồn. Bây giờ cần trích dẫn đi tìm lại thì không còn thấy nữa. Nguyên gốc hình hơi mờ, có con dấu đóng tên người cũng mờ, có thể là Phan Kim Thịnh và ghi chồng một chữ lên, hình như là chữ “bỏ”. Thấy phiền nên tôi đã tẩy nó đi và chỉnh sửa lại cho đẹp. Xin cáo lỗi cùng chủ nhân.
(**) Tất cả những nhan đề tiểu mục trong bài này là các câu thơ của Bùi Giáng, có ghi chữ BG trong ngoặc.
Viết thêm:
Bài viết vừa xong thì anh Nguyễn Hiền gởi Email cho biết thêm, vào năm 1997 tập san Thời Văn trong nước cũng có ra một số đặc biệt về Bùi Giáng. Thời Văn viết trong “Thay Lời Vào Tập”: Ở đây, Thời Văn chỉ mạo muội nhìn thi sĩ như ngắm một hiện tượng văn học. Lúc ấy ở hải ngoại tôi không biết và không đọc được đặc san này. Nhưng, sao lại gọi là một “hiện tượng văn học” và lại “nhìn” rồi “ngắm” ??? Không biết trong năm cuối đời này anh Giáng đã nghĩ sao (anh mất năm 1998) nhưng khi tôi đọc những chữ này thấy sao chua xót quá. Tôi một lần nữa cám ơn ông Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ họ Bùi ngày ấy đã chận không cho tôi lún chân vào làng văn nghệ.
Ơn ấy lớn lắm!
Thôi, tôi xin học hạnh “ngồi yên lặng” của anh.
Tôi cũng đang buồn lắm đây!
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau.
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
(Bùi Giáng – Chào Nguyên Xuân)
Văn Công Tuấn
(Trích từ tác phẩm Cổ Thụ Lặng Bóng Soi. NXB Tôn Giáo, 2016)
Nguồn: Fb Gia Nguyễn

Hắn tên Tuấn, Trần Đức Tuấn, bạn bè thường gọi hắn là Tuấn lé. Bởi con mắt hắn lé xệ. Người ra lé kim có duyên, hơi le lé cũng duyên ngầm, đằng này hắn lé kiểu bồ câu con bay con đậu. Bởi con mắt thế cho nên mỗi lần nói chuyện với ai, hắn không nhìn thẳng vào người đối diện được, nói chuyện với thằng này mà mắt thì ngó thằng kia. Mỗi lần như thế, sẽ có thằng la lên: Ê! Mi nói chuyện với thằng kia sao ngó tau hoài rứa mi.. He..he. Tội nghiệp, hắn thường là đầu đề để bạn bè chọc ghẹo mỗi lần gặp nhau, từ hồi trẻ cho đến bây gìờ bạc tóc. Nhưng hắn lại vui, hắn bảo: Bạn bè thương mình, nhớ tới mình mới chọc ghẹo mình. Và mỗi lúc như thế hắn cố làm cho con mắt hắn xệ hơn, méo miệng chọc cười thiên hạ.
Hắn là dân Bắc di cư. Mẹ hắn người dân tộc, lấy bố hắn theo phong tục tảo hôn, nên bố hắn thua mẹ hắn cả chục tuổi. Nhà hắn cả đống chị em gái, có mình hắn và một đứa em trai nhưng bị bệnh down, mất sớm. Bố hắn cũng mất sớm nên hắn trở thành chỉ huy trưởng của gia đình có một đám đàn bà.
Tụi tui gặp nhau năm học đệ ngũ vào những năm giữa thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, tính cho đến giờ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Thế nhưng mỗi lần gặp nhau, vẫn trẻ con như thời đi học. Hồi đấy, tụi tui nghịch ngợm vô cùng. Học trường Kỹ thuật mà lại học ban chuyên nghiệp cơ khí ô tô, nửa tuần học văn hoá, nửa tuần học thực hành và lý thuyết ở xưởng. Xưởng cơ khí nằm cuối cùng của dãy xưởng, gần sát với hàng rào nhà dân 13 căn bên cạnh. Cuối giờ là thay bộ áo quần học xưởng lấm lem dầu mỡ, vào phòng tắm rồi mới mặc đồng phục đi về. Hắn là thằng đầu têu, cởi truồng trong phòng tắm, đu cửa sổ nhìn ra ngoài trêu mọi người. Hắn cũng là thằng có giọng hát hay, tình cảm. Thời đi học hắn với Lang và Quý lập ra ban tam ca, hát trong dịp hội hè của học sinh. Sau này, lớn tuổi, hắn khoái đến quán hát với nhau. Mỗi lần lên sân khấu luôn kèm trên tay điếu thuốc lá, vừa hút vừa hát như ca sĩ trình diễn. Hắn khoái nhậu, uống không nhiều nhưng đặc biệt là rất ít khi gắp mồi, đi nhậu chén của hắn lúc nào cũng sạch boong. Hắn uống là đà năm bảy chai, xong lại kẻu thêm mấy chai nhưng bia đem ra lại tuyên bố không uống nữa, lúc đó là hắn đã say. Mà hắn say thì thường bá cổ bạn bè, hôn một vài cái và bảo: thương mi lắm, quý mi lắm, nể mi lắm. Hôm sau hắn quên mất hắn đã nói gì.
Cuối thập niên sáu mươi, cả khoá tụi tui bị một tay giáo sư vì tư thù với ban giám hiệu, đổi ra Huế dạy nhưng lại vào làm giám khảo để tụi này thi vào Công nghệ Phú Thọ, tìm cách đánh rớt cả khoá. Tên nào còn tuổi hoãn dịch thì chuyển qua ban Toán, tên nào đến tuổi thì đi lính, thằng nào học nhảy, học băng thì vào Sài Gòn tiếp tục con đường học vấn. Hắn đi lính, đi chuyên viên không quân, thì cũng chỉ mang lon đơ dem cùi bắp thôi, nhưng được học sinh ngữ và khỏi ra mặt trận. Nhờ vậy mà hắn có vốn tiếng Anh kha khá, sau này khi mất Sài Gòn, rã ngũ, hắn đi dạy kèm tiếng Anh sống qua ngày.
Sau 1975, có một thời tôi bị khủng hoảng tâm lý nặng nề đưa đến trầm cảm, hắn cứ sợ tôi tự tử. Lúc đó vợ chồng hắn bán thuốc lá sợi ở Cư xá Đô thành, hắn cứ theo dõi tôi miết đến độ bực mình. Hắn là thằng có nhiều tính quái, cũng hơi khác người, nhưng tốt tính. Bạn bè, hội đoàn có cần chi, kêu hắn, hắn chẳng nề hà. Cho nên nhiều khi bực hắn lắm mà vẫn thương hắn.
Cách đây 20 năm, hắn bị bệnh nặng, tưởng đã chết rồi. Vào bệnh viện thăm hắn, thấy hắn hấp hối, chắc không qua nổi. Hắn bị siêu vi C tàn phá. Lúc đó bạn bè tưởng hắn sẽ chết, nên phân công, phân việc hậu sự cho hắn. Nhưng rồi hắn lại sống lại bình thường, vẫn hàng tuần đi nhậu. Lúc đó, bạn bè ghẹo hắn: chắc tại cái mặt mi xấu quá nên quỷ dưới địa phủ không nhận đuổi mi lên phải không? Hắn cười, gục gặc đầu: chắc vậy he..he. Tuy xấu người nhưng hắn lại rất đắt đào, thế mới tài. Nhờ hắn khéo nói, cái giọng Bắc Kỳ di cư mà chịu ngọt ngào thì đàn bà dễ ngã lắm. Đàn bà yêu bằng tai mà. Hắn lại khéo chiều chuộng phụ nữ. Bởi vậy đến đâu hắn cũng có tình.
Tuần trước, mẹ vợ hắn mất, bạn bè đến viếng thấy hắn mặt vàng như nghệ, mắt cũng kéo màn đục. Ai cũng khuyên hắn đi khám. Hắn bảo không khám, có bệnh cũng chẳng chữa, khỏi đau đớn thân xác. Sáng nay nghe tin hắn hấp hối, bệnh viện cho về nhà, bác sĩ chê. Chiều nay lúc 18:30, nghe tin hắn mất. Nhanh quá. Vi rút siêu vi C đã làm hư gan hắn, ăn qua đến thận. Bác sĩ bảo là sức tàn phá cuối cùng của siêu vi C. Thôi thì hắn đi như thế cũng nhẹ nhàng, không làm khổ vợ con, chẳng đày đoạ thán xác, chỉ chịu đau đớn có mấy hôm. Nguyện vọng vủa hắn là đem thiêu và rải tro xuống sông. Cũng xong một kiếp người.
Tuấn lé ơi! Lúc sinh thời, có lần mi bảo muốn tau viết điếu văn cho mi lúc mi chết. Cuộc đời mi nghĩ cho cùng cũng chẳng sóng gió chi, mi cũng chẳng là vương là tướng gì. Cho nên điếu văn cho mi là bài viết này đây, một bài điếu văn thật là kỳ cục phải không? Nhưng tau nghĩ là mi cũng thuận tình.
Cuộc đời vốn vô thường, rồi ai cũng phải đi đến cuối con đường của mình, ai mà tránh được. Chỉ là đi trước hay sau thôi. Mi mất trước, tụi tau còn thắp được cho mi cây nhang, tiễn mi một đoạn đường, như thế cũng là niềm an ủi. Từ nay, trong mỗi lần gặp mặt sẽ không còn ai đem mi ra chọc ghẹo, rồi có người sẽ rót thêm một ly, để trống một chỗ ngồi để nhớ đến mi, như mi đã từng làm trước đó cho những thằng bạn đã ra đi. Tụi tau, những thằng còn ở lại sẽ nhắc nhiều đến mi, sẽ nhớ nhiều đến mi, thằng bạn kỳ khôi ạ.
Bạn bè không khóc tiễn mi về cõi vĩnh hằng, nhưng bạn bè vô cùng thương tiếc.
Vĩnh biệt mi, Tuấn lé
Hãy đi đến nơi an lành
Hãy sớm siêu thoát.



- Đỗ Duy Ngọc cười: "Không có mình, cuộc đời vẫn vui, chỉ thiếu mình thôi. Nhưng cuộc đời vui như thế sao lại bỏ đi được".
Trích ngang lý lịch Đỗ Duy Ngọc: sinh 1950, tuổi Dần, cung Nhân Mã. Thử tiếp cận với tay họa sĩ từ ký hiệu chiêm tinh hình đầu người mình ngựa đang giương cung mà anh ta đang mang này. Nói chuyện họa sĩ Đỗ Duy Ngọc chơi đồng hồ cổ với hàng trăm chiếc trong bộ sưu tập, thì chính anh cũng đã ngán.
Nhân Mã rong chơi
"Cuộc đời vui như thế, bỏ đi sao được"
Đàn ông cung Nhân Mã như ngựa hoang, khó nắm bắt, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Đỗ Duy Ngọc nheo mắt: "Thật ra thì tôi thấy mình cũng là người... dễ hiểu. Chỉ có vẻ ngoài là tỉnh rụi, phớt đời, giấu được tình cảm một chút thôi".
Nhưng cá tính bộc trực thì anh thừa nhận mình hay nói, phê phán thẳng. "Tôi không nể người có lắm kiến thức, thời đại này thông tin có đầy trên mạng, quan trọng là sử dụng kiến thức như thế nào. Tôi nể người biết cư xử. Đi ngoài đường, chỉ một động tác vặn tay ga là xe vọt lên dốc nhưng nhiều người đi xe máy vẫn không nhường người đạp xích lô, người gánh nặng, những người mà để vượt dốc họ phải gắng hết sức. Tôi ghét cả những người không quen biết như thế".
Cá tính thẳng thắn khó chịu nhưng Đỗ Duy Ngọc không thiếu bạn, nếu không nói là rất nhiều, bạn đủ thành phần, nghề nghiệp. Ngồi quán cà phê, thấy anh nói chuyện tiếu lâm với một nhóm đủ cả già trẻ lẫn sồn sồn. Bữa khác, lại thấy anh rút chiếc USB chứa mấy món bửu bối ra cài chương trình máy tính cho những người trẻ hơn rất nhiều nhưng lại không sành kỹ thuật bằng anh. Đến nhà anh, ngoài la liệt đồng hồ cổ treo từ phòng khách đến phòng ngủ, đặt dưới sàn đến ngoài cầu thang, mà còn... la liệt bạn đến chơi.
Một người bạn trong nhóm sáng tác ảnh của anh đến chơi nhà, "phát hiện": "Bi kịch nhất là ngồi trong ngôi nhà có hàng trăm cái đồng hồ, nhưng không biết chính xác bây giờ là mấy giờ". Có hề chi, chủ nhân luôn chào đón chiến hữu đến để đàm đạo, tán phét, thì giờ giấc không còn quan trọng.
"Ngay từ thời đi học, tôi đã tỏ ra có năng lực tập hợp anh em, người ta hay nghe tôi, tôi thuyết phục được mọi người. Tôi nghĩ người lãnh đạo phải biết hy sinh, đi vào rừng phải đi trước, vượt thác phải vượt trước thì anh em mới tin, phục được".
Nhưng chính vì tính cực đoan nên dù học nhiều (Đại học Mỹ thuật Huế, Văn Khoa, Vạn Hạnh Sài Gòn, Đại học Sư phạm TP.HCM, tu nghiệp mỹ thuật tại Pháp), đọc nhiều, Đỗ Duy Ngọc thừa nhận mình là kẻ không bước được trên con đường thăng quan tiến chức.
Lại trở về với "con nhân mã" trong người Đỗ Duy Ngọc. "Nó" là một "con" đa tình. Anh đi nhiều, yêu nhiều. Sinh ra ở Quảng Bình, lần lượt lang bạt vào Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, làm nhiều nghề để tự nuôi mình, sau đó nuôi vợ con, nên dù thừa nhận đa tình, anh biết mình phải dừng ở lằn ranh "gia đình hạnh phúc".
"Thấy cái đẹp không thể không rung động, thấy nhan sắc không thể không muốn yêu. Nhưng vì thương gia đình, lại là thần tượng trong mắt con, lỡ mà sụp đổ thì hỏng, nên không thể đi quá giới hạn. Tôi là người có trách nhiệm, không muốn gắn mình với người đẹp để thêm... trách nhiệm, những mối tình tưởng tượng chỉ là chất xúc tác để làm thơ, vẽ tranh".
"Nhân Mã" Đỗ Duy Ngọc
Từng giành một giải thưởng thơ năm 14 tuổi nên Đỗ Duy Ngọc khi ấy cứ ngông cuồng cho rằng mình là vĩ nhân. Dứt áo rời gia đình khá giả đi xa mà nghĩ rằng tài văn thơ của mình dư sức nuôi sống mình nơi đất lạ. Đói trắng mắt. "Tôi từng bị đói nhiều ngày ở Sài Gòn, đói đến mức nghĩ đến chuyện ăn cắp, thấy chiếc xe đạp muốn dắt trộm đi bán, nhưng kìm lại được".
Anh tỉnh cơn cuồng vĩ nhân nhờ hai mẹ con người qua đường. Đứa bé đòi ăn bánh, mẹ nó mua cho bánh chuối nhưng nó lại vùng vằng làm rớt, anh lượm bánh chui vào hốc tối ngồi ăn.
Chuyện xảy ra đã hàng chục năm nhưng kể lại, anh vẫn ứa nước mắt: "Miếng bánh như mảnh chai đâm vào cổ họng mình. Tôi nghĩ mình phải thay đổi". Anh làm đủ nghề để sống sót. Được nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu chỗ làm gia sư nhưng thầy giáo trẻ bỏ ngang vì người ta bắt làm cả việc nhà cho đứa học trò.
Sau giải phóng, anh đi dạy học (học trò của anh có nữ diễn viên Kim Khánh, tay guitar Nguyễn Đạt, ca sĩ Yu Sô...), nhà trường đề nghị đăng ký tiết học tốt, anh nói tiết nào của mình cũng tốt, nếu báo trước 5 phút; ban giám hiệu đề nghị cắt mái tóc dài, anh không cắt, thế rồi năm 1991 thầy giáo ngang tàng bỏ nghề...
Nhân Mã vội vã
Sau đận chạm bờ sinh tử, vào bệnh viện để bác sĩ cắt phăng một đoạn trực tràng vì có khối u chưa biết lành hay ác, Đỗ Duy Ngọc ngẫm ngợi nhiều điều. Buổi sáng lên bàn mổ, trời còn nhờ nhờ, tiếng lách cách mở cửa phòng, hành lang hun hút, nhìn vào mắt những người bệnh ung thư không có mấy sự lạc quan, anh nghĩ ánh mắt của con người có lẽ buồn nhất là lúc này, trước ranh giới sinh tử mỏng manh như sợi tóc.
"Cuộc sống cũng cần gia vị, chắc chỉ có thể giảm hút thuốc thôi"
Cao to, khỏe, chưa từng "bắt" được con bệnh nào trong người ngoài chứng cao huyết áp, nhưng chẳng ngờ một ngày Đỗ Duy Ngọc lại vào bệnh viện Ung Bướu nơi anh thường xuyên làm từ thiện, giờ với tư thế của một bệnh nhân.
Anh làm từ thiện một mình, lặng lẽ với suy nghĩ rằng mình còn có ích cho đời. "Người già, ít ra họ cũng đã được hưởng thụ cuộc sống dù vui hay buồn, vinh hay nhục, còn trẻ em, có em sinh ra còn chưa có tên, chưa hưởng được một ngày vui, không được đi học, đá bóng mà phải mang trong mình căn bệnh ung thư".
Đồng bệnh, anh càng thấm thía nỗi đau của những người mà anh từng giúp đỡ, cảm phục sự nhẫn nại của những y bác sĩ đang chăm sóc những bệnh nhân dễ cáu giận. Mười ngày ở đây, người quen mặt ở bệnh viện vẫn nghĩ anh vào... tặng quà cho trẻ em như mọi khi.
Lẽ thường tình sau cơn bạo bệnh, nhiều người bỗng thấy cuộc đời nhẹ tênh. Những tranh giành, bon chen, danh lợi, vinh hoa phú quý, áo mũ cân đai đều là những món trang điểm, phù du. Đỗ Duy Ngọc cười: "Không có mình, cuộc đời vẫn vui, chỉ thiếu mình thôi. Nhưng cuộc đời vui như thế sao lại bỏ đi được". Anh cũng không thể bỏ thuốc. Bỏ được một thời gian, hút lại, bệnh, dự định bỏ. "Nhưng chết vì hút thuốc thì còn lâu, trong khi cái u này mà ác thì có mấy tháng. Cuộc đời cũng cần gia vị, chắc chỉ có thể giảm hút thôi".
Đã có lần ném cọ ngưng vẽ tranh dù đây là nguồn thu nhập quan trọng của cả gia đình, thôi làm thơ, buông máy ảnh vì những cái gọi là "nhiễu nhương" trong nghề, nhưng rồi anh cũng không bỏ được cái nào. Lại đèo bòng thêm thú sưu tập đồng hồ. Còn chứng cao huyết áp thì ảnh hưởng từ công việc chính của anh hiện nay là làm quảng cáo, vẽ bìa sách, phải thường xuyên thức khuya để trao đổi với đối tác. Bấy lâu vẫn làm việc nhưng cứ tuần tự nhi tiến, còn giờ thì anh đã phải chọn lựa và tranh thủ làm được điều mong muốn vì cuộc đời bỗng thấy đã ngắn hẳn.
Từng bị móc túi mất toi một tháng lương thời khốn khó đến đờ người không nhớ đường về nhà, song có những mất mát khác còn đắt hơn ngay cả đối với một Đỗ Duy Ngọc khá giả hôm nay. Đó là tình bạn, cụ thể là vài người bạn. Một người sống nhiệt thành với bạn bè, vì hiểu lầm, vì quan điểm mà mất bạn thì đáng để buồn. Có người bạn từng chia nhau những ổ bánh mì từ thiện với anh, sau mấy mươi năm gặp lại, bạn đã có chức tước vai vế trong xã hội, vẫn tay bắt mặt mừng nhưng chối bỏ thời khốn khổ. Tình bạn có thể không mất nhưng làm anh buồn.
Ông bố Đỗ Duy Ngọc đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với những đứa con, trong đó có người con nổi tiếng là diễn viên Huy Khánh, nhưng với cha mình, Đỗ Duy Ngọc vẫn chưa làm được điều ông cụ muốn. Sau hàng chục năm dài dằng dặc xa quê kể từ ngày anh dứt áo ra đi từ thời trai trẻ, cha anh muốn anh một lần về quê trong tư thế áo gấm về làng, nhưng anh mới chỉ... đi ngang quê. Người cha mất khi đứa con chưa làm được điều mình mong muốn, anh nặng lòng thấy mình bất hiếu với cha, bất nghĩa với quê nhà. Anh rút ra "kết luận": muốn làm gì thì phải làm ngay, không nên chần chừ, kể cả chuyện... trả thù, nếu chưa kịp học cách tha thứ.
Đàn ông cung Nhân Mã là người thương con, đìều đó đã đúng với Đỗ Duy Ngọc. Nhưng có nhân mã nào biết học cách tha thứ cho người khác, mà không biết người khác có tha thứ cho mình không, như Nhân Mã Đỗ Duy Ngọc?
21/12/2008 (GMT+7)
Võ Tiến (VIETNAMNET)

Có vị quan nhỏ trong triều, chỉ chuyên lo việc chuẩn bị giấy, mực cho vua viết chiếu chỉ. Chức không lớn nhưng được cái thường kề cận vua, nên các quan lớn, quan bé cũng có phần vị nể. Ông quan này có nuôi một con vẹt rất khôn, nói được tiếng người. Ông để cái cành nuôi vẹt trước sân nhà. Các quan thường sau khi chầu vua đều đi ngang qua đường này. Con vẹt khi thấy quan nào đi ngang qua thường thầm thì: Ổng biết hết rồi nha. Nếu quan nào có hỏi: Ông nào. Vẹt thường trả lời: Ông chủ đó. Rồi đưa mắt vào trong nhà quan. Ông quan nào của triều đại đấy cũng có tham nhũng, hối lộ, bóp cổ dân lành. Do vậy, khi nghe vậy thì sợ hãi liền đem tiền bạc, châu báu, ngọc ngà đến biếu tặng cho ông quan nhỏ này lấy lòng, sợ ông ta dèm pha với vua thì hết đất sống. Con vẹt này rất lanh, đã nói với ông nào thì nửa năm sau mới nói lại. Cứ lần lượt hết quan trong triều đều bị vẹt chơi trò thế. Nhờ vẹt mà quan nhỏ này giàu nứt đố đổ vách, tài sản không thua kém gì các quan lớn, nhiều khi có thể giàu hơn nữa là khác. Ông ta cứ thế mà ung dung hưởng lộc.
Nhà vua lúc này bị mắc căn bệnh lạ sau khi tuyển một cô tỳ thiếp đến từ miền núi. Sau nhiều lần giao hoan với cô tỳ thiếp này, dương vật nhà vua mọc rất nhiều mụn nhọt, chảy máu mủ hôi tanh. Vua chưa dám thổ lộ với ai kể cả quan ngự y, cắn răng chịu đau đớn một mình. Một hôm vua chuẩn bị vi hành, đi ngang qua con vẹt, nghe nó nói lảm nhảm, vua đến gần nghe nó nói gì. Con vẹt kề tai vua: Ổng biết hết rồi nha. Vua giật mình hỏi lại: Ông nào? Như mọi khi, vẹt bảo: Ông chủ đó. Rồi đưa mắt vào trong nhà quan.
Vua nghĩ bệnh bí mật chẳng ai biết sao thằng này biết, con vẹt biết. Tức thời vua ra lệnh bắt trói ngay tên quan nhỏ cùng với con vẹt, rồi ra lệnh chém đầu. Tên quan chết mà không biết mình mắc tội gì. Con vẹt cũng bị cắt cổ. Trước khi bị lìa đầu khỏi cổ, giữa đám đông người, nó vẫn lải nhải: Ổng biết hết rồi nha! Ổng biết hết rồi nha! Kiếm sắc lia nhanh, đầu vẹt bay khỏi cổ, máu phun có vòi.
Từ chuyện này, người ra có lời khuyên không nên biết nhiều, biết nhiều dễ chết. Nhất là lộ cái biết tào lao trên facebook. Hê...hê
DODUYNGOC

Hồi mới vô Sài Gòn, tôi thuê căn nhà nhỏ trên kênh Nhiêu Lộc. Đầu hẻm ở mặt tiền đường có một tiệm tạp hoá của một gia đình người Hoa. Có người gọi là tiệm chạp phô. Chắc là gọi theo tiếng Quảng.
Chủ tiệm là một người đàn ông trung niên, lúc nào cũng mặc chiếc áo thun ba lỗ với cái quần chỉ ngắn đến đầu gối. Chú đi chiếc xe Honda Dame màu đỏ, loại bán cho quân nhân hồi xe Honda mới nhập vào miền Nam. Có hai lí do mà đám sinh viên chúng tôi để ý đến tiệm tạp hoá này. Thứ nhất tiệm này cần mua gì cũng có, bán giá rẻ hơn nơi khác, dù chỉ vài đồng, nhưng sinh viên nghèo mà, rẻ hơn đồng nào đỡ đồng đó. Tiệm lại luôn mở cửa để bán hàng cho khách. Nhiều lần đi chơi đêm về khuya lắc lơ, muốn mua mấy gói mì hay chai bia con cọp, đập cửa rầm rầm, chú vẫn vui vẻ mở cửa bán hàng. Thứ hai là chú có cô con gái khá dễ thương. Tóc bím hai bên, da trắng hồng, lại hay mặc áo cắt theo kiểu người Hoa, nhìn ngộ lắm. Cô bé chắc nhỏ hơn tụi tôi vài tuổi. Thằng nào đi đâu về trước khi vào hẻm cũng liếc vào xem cô bé có ở tiệm không, dù chưa đứa nào tán được cô bé một câu. Chú tên A Tỷ, cô bé tên Tiểu Thanh. Biết tên cô bé là do công của tôi. Một lần vào tiệm mua đồ, chú A Tỷ lấy hàng, cô bé ngồi học bài ở gần kệ thu tiền, tôi thấy trên nhãn vở đề tên Tiểu Thanh bằng tiếng Hoa. Tôi là dân học Việt Hán, hai chữ này cũng dễ đọc nên tôi đọc được ngay. Tôi hỏi: Em tên Tiểu Thanh à? Cô bé ngước lên nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên, cười rồi lại cúi xuống không trả lời. Chú A Tỷ đưa hàng, tôi không có lý do gi nán lại đành đi về. Về nhà, tôi nổ với mấy đứa cùng phòng là đã nói chuyện được với cô bé, biết được tên cô bé, mấy đứa phục tôi lắm.
Chú A Tỷ cũng được mọi người chung quanh và cả những người ở trong xóm sâu thương yêu vì chú lúc nào cũng nhẹ nhàng, mua bán đàng hoàng, biết gia đình nào khó khăn có khi chú không lấy tiền, lại cho thêm vài món. Nhờ thế, chú buôn bán phát đạt, hàng hoá càng ngày càng phong phú. Tết đến, chú mang tặng những gia đình nghèo trong xóm bờ kênh nước đen gói quà có mứt, bánh và lạp xưởng. Họ biết ơn chú lắm nên mua gì cũng ra tiệm của chú. Ăn Tết xong chú sửa nhà, xây thêm hai tầng, cửa tiệm bây giờ không còn là tiệm tạp hoá nho nhỏ nữa mà là một cửa hàng rộng rãi với hàng hoá chất đầy. Đàng sau chú làm cái kho, chứa gạo, đường , sữa... đầy nhóc. Mà quên, chưa nói đến vợ chú. Đó là người đàn bà Hoa có khuôn mặt phúc hậu, ít nói nhưng hay cười. Cũng là người tốt như chú. Chiều chiều, ngồi bán hàng thấy mấy đứa nhỏ đi học về, bà hay kêu vào lúc cho cái bánh, khi cho cái kẹo nên mấy đứa nhỏ thương bà lắm. Lúc nào gặp bà cũng vòng tay chào rất lễ phép.
Từ hôm biết tên cô bé là Tiểu Thanh, tôi lại càng siêng ghé tiệm của chú mua đồ, có khi mấy đứa bạn cần mua gì tôi lại xung phong đi mua giúp. Nhưng cũng hiếm khi gặp cô bé, nhất là khi nhà có thêm tầng lầu, chắc là cô bé ngồi học trên đó. Mà hoạ hoằn có gặp, tôi cười chào thì cô bé cũng chỉ nhoẻn cái miệng rất xinh cười lại thôi, chứ chẳng nói được gì. Nhưng rồi tôi cũng gặp may một lần. Hôm đó trên đường từ Đại học Văn Khoa về, xe bus thả tôi xuống đầu đường Trương Minh Giảng. Vừa xuống xe thì gặp Tiểu Thanh đang loay hoay với chiếc xe đạp tuột xích. Trưa nắng gắt, cô bé sửa hoài mà không gắn được sợi xích vào ổ líp, mặt đầy mồ hôi, má ửng hồng vì nóng. Thế là tôi ra tay hiệp sĩ, sửa xe cho nàng rồi luôn tiện xin đi ké chở nàng về luôn. Từ đó, tôi thường gặp cô bé hơn qua những cuộc hẹn. Thì cũng chỉ đi loanh quanh bằng chiếc xe đạp của Tiểu Thanh, bởi lúc đấy tôi chẳng có xe xiếc gì, đi đâu cũng cuốc bộ hay đi xa hơn thì có xe bus vàng. Đi ngồi quán thì cũng chỉ là những quán chè, quán nước bên đường hay mấy quán gỏi đu đủ, bột chiên. Có lẽ cô bé cũng biết tôi là sinh viên nghèo nên em chẳng bao giờ có ý kiến chi. Nói chuyện với nhau thì cũng là chuyện nắng mưa, chuyện học hành, luẩn quẩn lần nào cũng từng đấy chuyện. Tôi cũng hay hỏi em về những chữ Hán, những bài thơ Đường dù lúc đấy em mới học lớp mười một theo chương trình của Đài Loan. Tình thì cũng đã bén rồi, nhưng cả hai chẳng ai đề cập đến. Đến cái nắm tay, cái vuốt ve cũng chưa có dù cả hai đã có mấy lần vào Rex xem phim. Thế nhưng mấy đứa trong phòng thường được nghe tôi kể xạo như trong tiểu thuyết Quỳnh Giao, lãng mạn lắm, tình cảm lắm, thằng nào cũng phục lăn, lè lưỡi thèm thuồng.
Cuối năm đấy, tôi có được một học bổng của Trung tâm Học liệu Bộ Giáo Dục đi du học ở Pháp. Mừng vì được đi nước ngoài học nhưng cũng buồn vì xa Tiểu Thanh dù tình cảm cũng đang lửng lơ nửa vời. Tôi và Tiểu Thanh ngồi với nhau ở kem Bạch Đằng, đây là lần đầu tiên tôi xài sang thế. Và cũng lần đầu tôi cầm tay Tiểu Thanh để thông báo cho nàng tôi sắp đi học xa. Tiểu Thanh vẫn để yên bàn tay của em trong bàn tay tôi và em khóc. Tôi hỏi: Em chờ anh được không? Em bảo: Em chờ, bao lâu em cũng chờ. Ba em đang chuẩn bị cho em sang Đài Loan học Đại học, nhưng chắc em không đi. Em không muốn sống xa Ba Má, không nỡ để Ba Má ở một mình. Em ở lại Việt Nam chờ anh về.
Và thế là tôi đi. Hành trang tôi mang theo chẳng có gì chỉ là chiếc va li nhỏ. Tiểu Thanh gởi tôi món quà là chiếc khăn tay có thêu tên tôi và tên nàng và một lá bùa nhỏ gói trong chiếc khăn màu đỏ rực. Nàng bảo đó là lá bùa hộ mệnh giúp tôi luôn được mạnh khoẻ và sẽ thành công. Mấy năm ở Pháp, tuần nào tôi cũng gởi thư về cho nàng, và tuần nào tôi cũng nhận được thư của Tiểu Thanh. Tôi cũng thường gởi quà cho em, sinh viên nghèo, học bổng chẳng là bao chỉ đủ chi tiêu tằn tiện nên quà cũng chỉ là những món đồ kỷ niệm ít tiền, nhưng Tiểu Thanh rất vui. Nàng cũng báo tin là Ba Má nàng đã chấp nhận không qua Đài Loan học nữa. Và Tiểu Thanh trông ngóng tôi về.
Giáng sinh năm 1974, tôi về nước. Tiểu Thanh bây giờ là một cô gái hăm mốt tuổi, xinh hơn nhiều trong ý nghĩ của tôi. Chú A Tỷ vẫn vậy, vẫn cái áo thun ba lỗ và chiếc quần ngắn ngang đầu gối và vẫn cỡi chiếc xe Honda Dame màu đỏ. Tôi và Tiểu Thanh bàn cách để nói chuyện với chú A Tỷ xin cưới Tiểu Thanh làm vợ. Bởi phong tục người Hoa không muốn con gái lấy trai Việt, nên đó là cản trở lớn nhất của chúng tôi. Chưa có dịp để nói chuyện thì chiến sự càng ngày càng gay cấn. Và rồi 30.4.75, bộ đội miền Bắc chiếm được Sài Gòn. Chú A Tỷ vẫn bình thản vì chú bảo mình làm ăn lương thiện, chế độ nào cũng cần phải ăn để sống, chú cũng chẳng tham gia chính quyền cũ, chú sống tốt với mọi người, chú không có kẻ thù, chú không có gì phải ngại chính quyền chế độ mới. Nhưng rồi tai hoạ ập xuống gia đình chú. Vợ chú bị đau ruột thừa, vào bệnh viện, tình hình đang lộn xộn, bác sĩ cũ lớp thì di tản, lớp thì còn đang e ngại, lớp thì đi học tập chưa về, đa số là các bác sĩ và y tá trong rừng ra và ngoài Bắc vào. Chẳng biết họ chữa làm sao mà thím A Tỷ bị vỡ phúc mạc, chết trên bàn mổ. Tiểu Thanh khóc sưng cả mắt, chú A Tỷ thì như người mất hồn cứ đi ra đi vào và hỏi sao lại thế, sao lại thế? Lúc đấy xã hội lộn xộn lắm, ai cũng thu mình lại, dấu mình đi vì sợ. Bang hội của chú cũng đến giúp tang ma. Tôi cùng bạn bè và bà con trong xóm cũng lặng lẽ đến để đám tang được trọn vẹn. Chú A Tỷ ngơ ngẩn cả tháng trời, Tiểu Thanh cũng buồn bỏ cả ăn uống, người gầy rạc đi. Thế là chúng tôi chưa có dịp để nói chuyện cưới xin, mà phải đợi ít năm nữa sau khi mãn tang mới bàn tính được
Nhưng tai hoạ không chỉ dừng lại đó, mấy tháng sau gần ngày tết Trung thu năm bảy lăm, lúc đó khoảng bảy giờ tối, Tiểu Thanh hốt hoảng đạp xe đến báo cho tôi hay là bộ đội vào nhà, đang kiểm kê và niêm phong hàng hoá, kết tôi chú A Tỷ là tư sản bóc lột, làm giàu trên xương máu nhân dân. Tôi chở nàng chạy về thì thấy bộ đội súng ống kè kè đi với một đám tay đeo băng đỏ cũng rần rộ súng ống đang lùng sục trong cửa hàng, mặt ai cũng đằng đằng sát khí. Chú A Tỷ thì vẫn áo ba lỗ và quần ngắn thường ngày, ngồi gục đầu như tượng, họ bảo ký vào đâu thì ký vào đó, không nói một lời. Tiểu Thanh thì run rẩy đứng tựa vào người tôi, đôi mắt mở to, uất hận đầy nước mắt nhưng cũng chẳng nói gì. Đến nửa đêm thì họ đọc quyết định tịch thu hàng hoá và căn nhà, ra lệnh gia định chuẩn bị để đi vùng kinh tế mới. Lúc đó chú A Tỷ ngã ra bất tỉnh, Tiểu Thanh cũng gục trên vai tôi, mặt xanh như xác chết. Cả một đời gầy dựng, cả một đời làm ăn lương thiện chỉ một lời quyết định, người ta đã lấy hết, tịch thu hết lại còn kết án là kẻ bóc lột, đuổi đi vùng kinh tế mới. Chú A Tỷ vừa lai tỉnh, chú nhìn quanh, hét lên một tiếng lớn, đẩy căm hờn như tiếng thú trong cơn tuyệt vọng cùng đường rồi lại ngã ra sàn bất tỉnh lần nữa. Tiểu Thanh cũng thét lên tiếng thét ai oán: Ba ơi! rồi gục trên thân thể lạnh giá của cha. Tình trạng thảm thương đó chẳng làm động lòng đám người thi hành lệnh, họ vẫn mặt lạnh như tiền, súng gờm gờm trên tay như sẵn sàng nhả đạn những ai có hành động phản kháng. Hàng hóa ngổn ngang, không khí như nén lại. Tôi bất lực chẳng biết phải làm gì ngoài việc cứ xức dầu cho chú A Tỷ.
Sáng hôm sau, đoàn xe đến chở người đi vùng kinh tế mới. Tiếng loa oang oang như nhói vào tai, bộ đội, du kích súng ống kè kè đưa từng hộ gia đình lên xe. Những người bị đưa đi ngơ ngác nhìn, đau khổ nhìn, uất ức nhìn nhà cửa, tài sản của mình đóng dấu niêm phong với dấu đỏ loè loẹt như những vết máu. Tôi ngồi theo xe cùng chú A Tỷ và Tiểu Thanh, đồ đạc chỉ được phép lầy mang theo là mấy cái nồi niêu, xong chảo và mùng mền chiếu gối. Tài sản bao nhiêu năm giờ chỉ là một đống đồ chẳng giá trị gì. Chú A Tỷ vẫn im lặng gục đầu. Tiểu Thanh vẫn đầy nước mắt, ngơ ngác không biết ngày mai sẽ ra sao? Nhiều người quay đầu nhìn lại, họ biết tất cả sẽ chẳng còn gì, tất cả đã bị tịch thu.
Xe chạy gần một ngày, qua những đoạn đường đầy bụi, xe dằn xốc liên tục, mặt mũi ai cũng bơ phờ đầy bụi đỏ. Đến chiều khi mặt trời đỏ như máu đang dần xuống ở đầu ngọn cây thì đoàn xe dừng lại. Mọi người bị lùa xuống một khoảng rừng thưa, trước là một bãi đất đầy cỏ dại ngút ngàn, khô cằn, hoang vu trong hoàng hôn. Có lác đác mấy lều tạm bợ đã được dựng sẵn. Loa lại kêu từng hộ gia đình vào lều, nhìn cảnh tượng như cảnh nhập trại tù binh của người Do Thái thời phát xít Đức. Buổi cơm tối được nấu tạm bợ trong chập choạng mờ tối với những ánh lửa hiu hắt. Nhưng chẳng ai nuốt nổi. Cả ngày đi đường quá mệt, tâm trạng lại rối bời, lại nhìn cánh rừng mà mốt mai phải sống ở đây, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Nghe mọi người bảo đây là vùng Đắc Nông, Phước Long gì đó. Nghe như chốn xa vạn dặm nào. Tôi thu xếp cho Tiểu Thanh và chú A Tỷ có một chỗ tạm ngụ, sáng hôm sau tôi lại bu mấy xe đò chạy than về lại thành phố.
Lúc này tôi đã nộp đơn xin đi làm mấy cơ quan, nhưng chẳng chỗ nào nhận. Họ bảo lý lịch của tôi có nhiều điểm bất minh, cần làm rõ. Đặc biệt là sao tôi lại trở về Việt Nam vào tháng 12 năm 1974. Họ cho công an điều tra xem tôi trở về để làm gì? Có nhận nhiệm vụ gì của tổ chức nào không v..v? Cũng may, cuối cùng tôi cũng được Sở Giáo dục nhận, nhưng cũng do lý lịch, họ đẩy tôi về dạy học ở Củ Chi. Có lẽ lúc này nhà nước đang thiếu giáo viên quá. Nhìn ngôi trường, tôi quá ngao ngán. Đó là một ngôi trường quê, chỉ có một dãy khoảng năm phòng làm lớp học, một dãy nhà lợp tole khác gồm hai phòng làm phòng ban giám hiệu và kho chứa đồ. Ban đêm thầy cô giáo xếp bàn làm giường, giăng mùng nằm ngủ. Các tiện nghi sinh hoạt thiếu thốn trầm trọng. Tôi tự nhủ cố gắng cho qua rồi tính tiếp.
Tôi không có giờ dạy ngày thứ hai, nên hai tuần một lần thứ bảy tôi qua mấy chặng xe lên Bù Đăng thăm Tiểu Thanh và chú A Tỷ, sáng thứ hai hoặc tối chủ nhật lại bu mấy chặng xe về. Có mấy thứ nhu yếu phẩm cỏn con, có khi chỉ vài muỗng bột ngọt, miếng vải mùng, nhúm hạt tiêu, vài ba gói thuốc lá đen, tôi cũng để dành mang lên cho họ. Họ sống khó khăn quá. Toàn dân thành phố mà bây giờ phải vào rừng chặt cây dựng nhà, học cách trồng cây, gieo mạ, cấy lúa trên miếng đất khô cằn. Lác đác đã có người trốn về. Nhưng về thành phố rồi làm gì, ở đâu? Họ biến thành những kẻ đầu đường xó chợ. Lương thiện thì đi ăn xin, bất lương thì đi ăn trộm, móc túi để sống. Tôi thấy Tiểu Thanh và chú A Tỷ ở đây không ổn rồi, tôi đang tính cách để đưa họ về lại thành phố mà tính mãi chưa ra. Tính chưa xong thì lần thứ ba tôi lên lại Đắc Nông, tôi chứng kiến Tiểu Thanh bị rắn độc cắn cùng hai người khác khi đi rừng. Ba nạn nhân được dân chúng gánh về bệnh viện bằng cái võng và thân cây tre làm đòn khiêng. Chẳng có phương tiện nào khác. Tôi vừa chạy theo vừa niệm khẩn cầu Quan Thế Âm Bồ Tát, nhưng người không đoái hoài. Và cả ba đã chết trên đường đi. Nửa người của Tiểu Thanh tím đen vì nọc độc, mắt Tiểu Thanh không nhắm, mở trừng trừng như muốn nhìn thấu nỗi oan khiên. Chú A Tỷ một lần nữa ngã quỵ, chú bây giờ như bộ xương khô, đôi mắt lạc thần, khuôn mặt như kẻ điên dại. Tiểu Thanh được chôn trong nghĩa địa vừa mới hình thành, lác đác đã có gần chục nấm mồ mới mọc, cỏ chưa kịp xanh vì tuần nào cũng có người chết. Kẻ bị rắn cắn, người bị cây đè, người khác bị bom mìn còn sót nổ khi cuốc đất, người thì thấy bế tắc quá, tự tử chết, đủ cách để chết. Tôi khuyên chú A Tỷ trốn về, nhưng chú bảo bây giờ còn mộ Tiểu Thanh ở đây, con mới mất, chú đi không đành, ở lại để chiều chiều, sáng sáng thắp cho nó cây nhang, đêm đêm chuyện trò với nó, kẻo nó buồn, nó tủi thân. Tôi chỉ biết khóc, tội nghiệp Tiểu Thanh quá. Và tội cho chú A Tỷ nữa. Cũng tội nghiệp cho mọi người bị lùa lên đây. Họ làm gì nên tội. Đã lấy tài sản một đời gom góp của họ, đã cướp nhà của họ, có người chồng đã đi vào trại cải tạo không có ngày về, sao lại đày đoạ họ đến đây với rừng rú, với hoang địa, với đói nghèo và cận kề cái chết như thế này? Cùng một dòng máu đỏ da vàng mà sao người ta tàn nhẫn thế, ác nhân thế? Mà thật ra có thù hằn gì nhau đâu mà phải trả thù. Họ có tội gì đâu mà bắt họ đền tội.
Tôi vẫn tiếp tục đi dạy học ở trường quê đấy. Hàng ngày phải gào giọng rao giảng những điều giả dối, hàng ngày phải tuôn ra những lời ca tụng thời đại đẹp nhất trong lịch sử, ca ngợi những con người đang đày đoạ nhân dân mình trong đói nghèo và lạc hậu. Thỉnh thoảng đôi tuần, tôi lại bu xe về Đắc Nông thăm chú A Tỷ. Có nhiều đêm hai chú cháu nằm nói chuyện suốt đêm trong nước mắt. Chú bảo chú biết con và Tiểu Thanh thương nhau, nếu ngày xưa chắc hôn sự khó thành, nhưng thời buổi đảo điên này, chú định bỏ qua lệ ấy mà tác thành cho hai đứa, không ngờ mẹ nó chết rồi đến nó cũng không sống được. Chú quý con lắm, thôi thì số phận đã thế thì mình phải chịu phần số thế thôi. Rồi chú lại khóc. Chú ôm chặt vai tôi mà khóc, nước mắt đẫm vai tôi, rồi chú uống rượu, uống nhiều lắm dù trước đây chú chưa bao giờ biết đến rượu bia.
Mấy tháng cuối năm học, luyện cho học trò thi tốt nghiệp, rồi bận gác thi, chấm thi, tôi không ghé thăm chú được. Lúc công việc đã vãn, lên thăm thì nghe người ta bảo chú bị lên cơn điên, đưa vào bệnh viện huyện rồi chú trốn về mất biệt, không biết đi đâu. Tôi về thành phố, tìm khắp không gặp chú. Cuối cùng tôi nghĩ bụng chắc chú về khu nhà cũ. Đúng y như thế. Chú về căn nhà cũ, tối nằm ở vỉa hè trước nhà, ngày đi lượm ve chai, đói ai cho gì ăn đấy. Căn nhà của chú cấp cho gia đình cán bộ ngoài Bắc vào. Cũng có vài lần họ đuổi chú đi, nhưng chú lại về, ngủ ở đấy mặc họ la hét, chửi rủa, riết rồi họ chán, họ im. Lâu lâu có dịp về thành phố, tôi lại tìm đến chú, hai chú cháu ra quán, kêu vài món, vài ly bia hơi nhạt nhẽo, lần nào chú cũng khóc. Chú càng ngày càng gầy, áo quần rách rưới. Giờ chú không còn mặc áo thun ba lỗ với chiếc quần ngắn đến đầu gối nữa. Chú mặc bất cứ thứ gì kiếm được hoặc của mọi người mang đến cho. Dân ở khu đấy đã từng biết chú cũng hay giúp chú miếng ăn khi đói, viên thuốc khi bệnh. Nhưng mà lúc đấy ai cũng khó khăn,ai cũng túng bấn, không có gạo trắng để ăn, lương thực toàn bo bo với bột khoai mì với vài ba ký gạo hẩm. Nhiều khi nhiều người muốn giúp chú mà cũng chẳng có gì để giúp.
Mùa mưa năm 1977, không hiểu sao Sài Gòn cứ mưa mãi thế. Nhiều lúc mua từ nửa khuya cho đến hết ngày. Mưa như trút nước. Mưa như trời giận dữ loài người. Lại thêm bệnh ghẻ ngứa. Không biết sao mà người bị bệnh đó lắm thế. Mọi người cứ gãi sồn sột. Gãi đến tróc da, chảy máu. Con nít ngứa khóc suốt đêm, người lớn ngứa không ngủ được. Vào bệnh viện toàn cho thuốc xuyên tâm liên. Bệnh gì cũng xuyên tâm liên. Xuyên tâm liên là thuốc tiên, chữa bá bệnh.
Buổi chiều hôm đấy trời mưa, một trận mưa lịch sử. Đường sá Sài Gòn ngập lên đến bụng, cả thành phố như một biển nước. Lại thêm gió ào ạt, nghe đâu có bão rớt. Lo cho chú A Tỷ, đêm hôm sau tôi ghé chú vì chú chỉ về đó ban đêm. Đến nơi không thấy chú, hỏi thăm thì mọi người bảo chú chết rồi, chết đêm qua, trong cơn mưa bão. Xác chú dập dềnh suốt đêm trước cửa nhà. Sáng sớm bà giúp việc mở cửa định tát nước ra thì thấy xác chú lừng lững trôi vào nhà. Bà giúp việc hoảng quá la hét rầm trời bỏ chạy. Bà chủ nhà trên lầu bước xuống thấy xác chú vào đến giữa nhà, xoay mòng mòng theo con nước dội vào nhà khi có xe qua, bà sợ quá hét lên một tiếng rồi ngất xỉu. Ông chủ nhà là một cán bộ lãnh đạo của thành phố cũng từ trên lầu chạy xuống, thấy xác chú quay tròn giữa phòng khách thì cũng cứng đơ người, sai bà giúp việc lấy cây đẩy ra, nhưng càng đẩy ra, xác lại giạt vào. Ông ta hoảng quá gọi công an. Một giờ sau công an có mặt, xác vẫn xoay tròn. Công an làm biên bản, gọi xe cứu thương đến nhận xác. Lúc đấy, nước bắt đầu rút, xác chú A Tỷ xoay dến chân câu thang, nằm lại đó, đôi chân như muốn bước lên. Người ta chở xác chú đi đâu không rõ.
Từ đấy, người ta đồn nhà ấy có ma. Đêm đêm có người đàn ông đi lên đi xuống cầu thang. Có người còn kể thấy chú đứng ở balcon, mặc áo thun ba lỗ với chiếc quần ngắn đến đầu gối nhìn xuống đường. Gia đình cán bộ hãi quá, xin đổi nhà khác. Những gia đình đến sau đấy cũng ở không yên, đêm thì nghe tiếng khóc, đêm thì nghe tiếng người đi, đêm thì thấy bóng người ngồi thu lu trên ghế. Người không ở được, nhà nước chuyển thành văn phòng của ủy ban phường, sau đó thành đồn công an phường. Mấy anh công an kể đêm nào cũng thấy ma.
Đến thời kỳ đổi mới, nhà nước bán cho một công ty nước ngoài đập bỏ xây cao ốc. Không biết chú còn vất vưởng ở đó không hay đầu thai kiếp khác rồi. Và cũng từ đấy, ngôi nhà, cơ nghiệp cả đời của chú A Tỷ đã biến mất, chẳng còn dấu tích gì trên cõi đời này nữa
Saigon. Tháng mười.
DODUYNGOC




Quán trưa một đống tôi ngồi
Sờn vai quần rách lôi thôi quá chừng
Nhìn quanh thiên hạ dửng dưng
Nhồi thêm cối thuốc lừng khừng khói bay
Đau bàn chân nhức ngón tay
Cắn răng gắng chịu đời bày cuộc chơi
Cánh hoa tàn rụng tả tơi
Chẳng ai ngồi lại phơi bày ruột gan
Phố phường nắng dọi chang chang
Sao nghe rét buốt phũ phàng thịt da
Đường đâu quên lối về nhà
Buổi trưa ngã bảy vỡ oà ngựa xe
Giữa đường dừng lại lắng nghe
Con chim cà chớn lè nhè ngọn cây
Phanh hàng nút lộ ngực gầy
Quơ tay nhốt hết đám mây bềnh bồng
Rú ga tưởng cỡi ngựa hồng
Bờm tung khói toả một vòng lắc lư
Thôi đành cất chuyện riêng tư
Buông vào cát bụi từ từ cũng xong
1.10.2018
DODUYNGOC
L'Homme la Pipe Le Fumeur 
Tranh của hoạ sĩ Cezanne

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget