Latest Post












Từ hôm qua đến giờ, người Sài Gòn lại chộn rộn cái vụ chích ngừa vaccine. Trên mạng đưa nhiều hình ảnh dân không đồng tình chích thuốc Sinopharm của Tàu. Có hình nói ở quận 7, có cái ở quận 12 và một clip quay ở quận 1. Báo chí đưa tin hình ảnh với những hàng ghế trống không ở quận 7 và 12 là tin giả. Clip ở quận 1 thì rõ ràng khó phủ nhận được nên thông tin cho biết đó là cảnh tiêm chủng ở số 1 đường Huyền Trân Công Chúa. Theo báo đăng ngày 13/8, TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm, tuy nhiên đã có một số người dân phản ứng bằng việc bỏ về không tiêm, trong khi không ít người dân đã đồng ý tiêm. Cũng theo lời giải thích của lãnh đạo Quận 1 xác định có xảy ra sự việc trên tại điểm tiêm phòng virus. Theo đó, UBND Quận 1 tổ chức tiêm vaccine AstraZeneca cho người dân, nhưng đến 9 giờ thì hết vaccine này và quận có tổ chức tuyên truyền người dân tiêm vaccine Sinopharm nhưng có một số người phản ứng và bỏ về như clip đã ghi nhận. Tuy nhiên, Quận vẫn tiếp tục tổ chức tiêm Sinopharm cho 52 người dân tại điểm này và trong chiều 13.8 Quận vẫn tiếp tục tiêm vaccine Sinopharm cho người dân tại đây.

Việc xuất hiện thuốc Sinopharm ở các điểm tiêm chủng ngày 13.8 làm cho nhiều người dân được có tên trong danh sách tiêm chủng bất ngờ và phản ứng. Bởi trước đó, thành phố chỉ chích Moderna cho người trên 65 tuổi và Astra Zeneca cho thành phần còn lại. Đồng thời xuất hiện trên mạng một Bảng cấp vaccine cho các quận huyện ký ngày 12.8. Trong đó có 44.000 liều vaccine Sinopharm chia đều cho tất cả quận huyện trong thành phố ngoại trừ quận Phú Nhuận, quận 5 và quận 11. Nhiều người thắc mắc về việc vắng mặt 3 quận này. Có người còn suy diễn tại sao vaccine của Tàu mà lại không phân phối chích cho quận 5 và 11, nơi có nhiều người Hoa sinh sống nhất? Và họ cho rằng vaccine của TQ có vấn đề nên không chích cho người Hoa là đồng bào của họ. Thực chất là quận 11 đã hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng hơn 75%, là đơn vị đầu tiên đạt chỉ tiêu tiêm chích vaccine. Quận Phú Nhuận đạt 85% và quận 5 cũng gần 75%, đã đạt yêu cầu cho nên không được phân bổ vaccine nữa chứ chẳng hề có chuyện ưu tiên hay phân biệt gì ở đây cả.

Theo báo cáo của thành phố, hiện nay lượng vaccine đang thiếu mà việc ngăn chận cơn đại dịch đang gần như đang ở điểm quan trọng và chỉ có vaccine mới là biện pháp hữu hiệu nhất. Và vì lý do đó vaccine Sinopharm được đem ra sử dụng dù trước đây thành phố còn chưa quyết và đợi sự thẩm định của Bộ Y tế. Hôm nay, Thêm một triệu liều vaccine Vero Cell về đến TP.HCM. Lô vaccine này nằm trong 5 triệu liều được Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu với sự cấp phép của Bộ Y tế.

Trước đó, ngày 31.7, khoảng 1 triệu vaccine Vero Cell cũng đã về đến TP.HCM. Ngày 10.8, Bộ Y tế có văn bản đồng ý cho thành phố sử dụng một triệu liều vaccine này.

Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 2 triệu liều vaccine Vero Cell trong tổng số 5 triệu liều trên về đến Việt Nam.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 13.8, thành phố đã tiêm vaccine cho 93.993 người. Trong đó, 17.916 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm đã được tiêm. 

Như vậy, để có độ bao phủ vaccine và có miễn dịch cộng đồng, thành phố chấp nhận sử dụng số vaccine này. Tuy nhiên, theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, người dân có quyền chọn lựa vaccine để tiêm. Ông cho rằng:"Việc này cần phải rút kinh nghiệm và cần thông tin trước loại vaccine, nếu người dân đồng ý thì đến tiêm". Ông cũng nhấn mạnh:"Thời gian qua, TP đã tiêm nhiều loại vaccine nhưng đó là từ nguồn hỗ trợ, phân bổ bao nhiêu TP tiêm bấy nhiêu chứ TP không lựa chọn. TP không có nhiều sự lựa chọn trong lúc này, khi tìm mua và đã tiếp cận rất nhiều nguồn, nhưng nguồn cung hiện nay rất hạn chế."

Người dân rất mong được tiêm chủng, nhưng người dân cũng rất đắn đo và băn khoăn trước vaccine Sinopharm. Dân Việt vốn không tin hàng Tàu, dân Việt cũng mang trong lòng ác cảm với Tàu, dịch virus Vũ Hán lại xuất phát từ Tàu cộng thêm những tư liệu khoa học về vaccine này còn quá tù mù nên dân chưa tin tưởng. Lại thêm, trước đây báo chí chính thống Việt Nam có quá nhiều bài viết về vaccine Sinopharm không hiệu quả bằng các bằng chứng ở các nước quanh ta như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và nhiều nước khác. Chính những yếu tố đó khiến cho dân hoài nghi và ngại ngần khi tiêm chủng thuốc Sinopharm. Việc nghi ngờ và quyền chọn lựa là quyền của mọi người. Vì đó gắn liền với sinh mạng của họ. Tuy nhiên, trong thời điểm này, theo như nội dung cái gọi là Phiếu đăng ký tham gia tiêm chủng gởi đến cho mọi nhà thì có ghi câu: Sau khi đã đọc các thông tin nêu trên, tôi đã hiểu về các nguy cơ và: Đồng ý tiêm chủng vaccine Sinopharm. Và mục thứ hai là: Không đồng ý tiêm chủng. Như thế nếu muốn tiêm thì chỉ có Sinopharm, còn không tức là không đồng ý tiêm chủng nói chung, không cụ thể loại vaccine nào. Gài chữ nghĩa như thế thì chỉ có chọn lựa có chích Sinopharm hoặc không tiêm chích gì nữa cả. Trong hoàn cảnh như thế, để giữ tính mạng khi cơn dịch đang cướp đi bao nhiêu sinh mạng thì đành chích thôi. Cho nên bảo chọn lựa nhưng thực chất chỉ có một con đường. Có lẽ sai lầm đầu tiên là thành phố chấp nhận Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ lô hàng này. Đây là tập đoàn có gắn bó mật thiết  làm ăn với Trung Quốc, họ lại vốn là người gốc Hoa đương nhiên họ mua hàng Tàu là phải rồi. Họ mua nhưng họ không cho nhân viên xài mà sử dụng Astra Zeneca. Đúng ra thành phố ghi nhận sự hỗ trợ của họ nhưng đề nghị không sử dụng thuốc Tàu ngay từ đầu, được thế giờ đã êm rồi.

Giữa lúc còn băn khoăn giữa hai dòng nước, người ta lại đọc được tin trên tờ Thể Thao & Văn Hóa ngày 13.8: MỘT DOANH NGHIỆP TỰ MUA 5 TRIỆU LIỀU VACCINE MODERNA TIÊM CHO NHÂN VIÊN VÀ HỖ TRỢ TP.HCM. Theo báo này, số vaccine Moderna sẽ được doanh nghiệp tiêm cho nhân viên của mình trước, sau đó sẽ hỗ trợ TP.HCM tiêm chủng cho các đối tượng khác thuộc diện ưu tiên.

Cũng theo Vietnamnet, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM ngày 13.8, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết, một doanh nghiệp trên địa bàn đã đứng ra đàm phán nhập khẩu 5 triệu liều vaccine Moderna để tiêm cho nhân viên.

Ông Đức nhận định đây là mô hình phi lợi nhuận, hợp tác công tư với sự đóng góp của doanh nghiệp để đảm bảo đủ vaccine cho nhân viên của mình trước. Sau khi hoàn thành, phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêm cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn.

Tất cả những người đăng kí tiêm vaccine sẽ được miễn hoàn toàn chi phí. Nếu đóng góp của doanh nghiệp vượt quá số kinh phí gồm giá mua, chi phí vận hành, tổ chức tiêm...thì số dư ra sẽ được tích lũy vào quỹ vaccine của thành phố để tiếp tục mua vaccine cho mọi người.

Nếu số vaccine này được về thành phố sớm, dân sẽ bớt âu lo khi phải chọn lựa vaccine để tiêm. Cũng mong điều này sẽ đến để việc chủng ngừa sớm đạt chỉ tiêu ở thành phố và cơn đại dịch sớm qua đi chứ giờ đã oải quá rồi.

Trước tình hình xuất hiện vaccine Sinopharm và trong tương lai còn mấy triệu liều nữa sắp về tới nơi. Phong phanh có tin sẽ chích dịch vụ. Tức là người dân được chọn lựa đơn vị, loại thuốc để tiêm chủng theo yêu cầu và sẽ trả tiền. Đó cũng là một giải pháp tốt. Những người có điều kiện nhưng không muốn chích thuốc mà mình không ưa, họ có thể tốn tiền để đạt yêu cầu của mình. Được như thế, chỉ tiêu tiêm chủng sớm hoàn thành và cũng bớt được phần nào bức xúc của dân. Chỉ có điều tội cho người nghèo, không tiền đành chấp nhận có gì xài đó, cho gì ăn nấy, có thuốc gì đành xài thuốc đấy, khỏi phải chọn lựa. Đời thế thôi, làm người nghèo thì phải chấp nhận thế rồi.

Sài Gòn vẫn là những ngày buồn. Trên face càng ngày càng nhiều avatar là một khung đen báo tang. Mỗi ngày gần 300 mạng người, những người quen và không quen đều trở về trong hũ cốt. Đã vào tháng bảy, tháng xá tội vong nhân, Vu Lan năm nay có thêm nhiều người cài hoa trắng.

14.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ ba mươi bảy.

DODUYNGOC
































NHỮNG ĐỨA TRẺ TRONG MÙA ĐẠI DỊCH

Mùa đại dịch, ai cũng có thể là nạn nhân, gia đình nào cũng có thể dính bệnh. Người già là một nỗi lo âu, nhưng bất hạnh nhất vẫn là những đứa trẻ. Nhiều cháu mới đôi ba tuổi, chưa ý thức được những gì đang xảy ra nhưng bị cách chia cha mẹ, ông bà. Chúng ngơ ngác với bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, chúng lạc lõng trong những khu cách ly và buồn bã vì không được gần cha mẹ. Những hình ảnh các cháu được đăng trên báo chí làm người xem xót lòng, rơi nước mắt.

Hôm kia, trên mạng có một đoạn clip ghi lại cảnh một gia đình phải chia ly vì dương tính với virus Vũ Hán. Người quay clip là một nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên đón các F0 mặc đồ bảo hộ xanh đến khu cách ly. Trong cảnh chộn rộn đưa người đi cách ly, người ta nhìn thấy một thanh niên đứng nhìn theo trên tay ẵm một đứa bé còn nhỏ xíu mới 3 tháng tuổi. Bố mẹ là F0 phải đi cách ly, bé 3 tháng tuổi đành gửi lại cho hàng xóm vì chẳng có ai là người thân. Anh hàng xóm không biết đã có gia đình hay chưa, có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em hay không, vì nhìn anh có vẻ hoang mang lắm và ngơ ngác lắm. Có lẽ anh không ngờ phải chấp nhận tình cảnh này. Anh chỉ nhận vì tình làng nghĩa xóm. Anh cũng có thể nhiễm bệnh vì tiếp xúc như thế này. Nhân viên y tế bảo với anh:  "Ôm nó chạy về đi, chứ để nó ở đây chi tội nó", và động viên cha mẹ em bé: "Mới bây lớn như này, để nó ở nhà đi, chứ ẵm vô cách ly còn không chịu nổi nữa"

Người này cũng nhiệt tình hướng dẫn anh hàng xóm cách pha sữa bột để cho em bé ăn trong những ngày xa mẹ. Người thanh niên vẫn lóng ngóng trước cảnh ly biệt này. Người mẹ chuẩn bị lên xe nhưng vẫn nấn ná không nỡ xa con, muốn cho con bú cho no trước khi đi. Biết đâu đó là cữ bú cuối cùng vì dịch bệnh chẳng ai biết trước sẽ xảy đến kết cục như thế nào? Người mẹ cầm theo chai cồn, đón con từ anh hàng xóm rồi ẵm bé đi ra khu vực xa xa để cho con bú. Giao con cho người mẹ, người thanh niên cũng xịt cồn trên tay mình, tuân thủ yêu cầu của y tế quy định. Cảnh trao nhận của mẹ con làm ai cũng xót xa và sợ mẹ sẽ lây cho người khác. Tuy vậy, nhân viên y tế cũng căn dặn người thanh niên:  "Anh về nhà cũng cẩn thận, né mấy người xung quanh đi nha". Không biết những ngày tới, cháu bé sẽ sống thế nào khi đã xa bầu sữa mẹ. Anh thanh niên kia sẽ xoay xở thế nào khi chẳng có chút kinh nghiệm nuôi trẻ? Mong tất cả sẽ bình an, người mẹ sẽ được trở về nhà với đứa con thơ. Nghĩ dại, lỡ như người mẹ có mệnh hệ gì, đời của bé sẽ ra sao?

Cũng một gia đình khác, bố mẹ đều nhiễm virus, đi cách ly để lại một đứa con nhỏ ở nhà. Nhờ bà nội trông nom, bà nhiễm bệnh qua đời. Bà ngoại thế chỗ, bà ngoại cũng dính bệnh mà mất. Ông nội đành đến nuôi cháu. Kết cuộc như thế nào chẳng biết. Không biết bố mẹ có an toàn trong bệnh viện hay chăng? Đúng là bi kịch chỉ có trong mùa đại dịch. Nhưng hũ tro xếp hàng lần lượt trên bàn thờ và nước mắt của những đứa trẻ trong phút chốc thành kẻ bơ vơ.

Cũng nhói lòng khi nhìn những cháu bé phải bị đi cách ly. Một clip trên báo ghi lại cảnh một gia đình thuộc F1 gồm người mẹ và những đứa con trùm kín những bộ đồ chống dịch và được lực lượng hỗ trợ đưa đi cách ly y tế vào lúc nửa đêm đăng trên báo Người Lao Động. Đoạn video ghi vào thời điểm khoảng gần 24 giờ tại hẻm Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4. Con hẻm này với hàng trăm hộ dân đã được phong tỏa nghiêm ngặt sau khi ngành y tế phát hiện nơi đây có đến 50 ca nhiễm. Một gia đình thuộc F1 gồm người mẹ và những đứa con nhỏ trùm kín những bộ đồ chống dịch rời nhà để được lực lượng hỗ trợ đưa đi cách ly y tế vào lúc nửa đêm. 

Chứng kiến hình ảnh những đứa bé ôm đồ dùng cá nhân, gối mền lỉnh khỉnh leo lên xe cộng thêm tiếng quấy của bé nhỏ tuổi nhất do sợ hãi lạ lẫm khiến không ít người nhói tim, xé lòng.

Người ta vẫn chưa quên hình ảnh cháu bé mới 5 tuổi trong trang phục bảo hộ rộng thùng thình, tự giác leo lên xe cấp cứu đi điều trị dịch bệnh tại huyện Bình Chánh đã khiến mọi người rất xúc động. Hình dáng nhỏ bé trong trang phục phòng hộ cá nhân rộng hơn thân thể, một mình leo lên chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện huyện Bình Chánh để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị thật sự khiến mọi người phải rưng rưng nước mắt. Trước đó, ba của bé có kết quả dương tính với  virus Vũ Hán và đã được đưa đi điều trị tại một cơ sở y tế. Mẹ bé là F1 được đưa đi cách ly tập trung. Sau khi đánh giá nguy cơ, bé được cách ly ở nhà với bà ngoại và dì. Tuy nhiên, sau đó bà ngoại của bé cũng có kết quả dương tính nên được chuyển đi điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Sau đó, bé có triệu chứng và được làm xét nghiệm cũng có kết quả dương tính nên được các cô chú nhân viên y tế đưa đi điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương cùng với bà ngoại.

Một bộ ảnh với các cháu nhỏ mặc đồ bảo hộ đi cách ly ở Phú Yên cũng là hình ảnh nhói lòng. Lãnh đạo địa phương cho biết:" Có 17 cháu cùng ở với cha mẹ tại khu cách ly tập trung của H.Sơn Hòa và 4 cháu khác theo ba mẹ cách ly tại Bệnh viện (BV) dã chiến Đông Hòa (Phú Yên). Do không có người thân chăm sóc các cháu nên bất đắc dĩ cha mẹ đem các cháu đi cùng vào khu cách ly”. Một vị bác sĩ cũng cho biết trong bức ảnh chụp có 6 cháu, lớn nhất 5 tuổi và nhỏ nhất 15 tháng tuổi. Trong hình có thể thấy 4 cháu mặc đồ bảo hộ, trong đó 1 cháu là F0, còn lại 3 cháu là F1. Các cháu đi theo bố mẹ vì trong gia đình chỉ có những người đó thôi. Đây là vùng nông thôn nên không ai chăm sóc các cháu. Nhiều người cũng nghi ngại khi các cháu chưa nhiễm bệnh mà đưa vào khu cách ly, nguy cơ dính bệnh rất cao. Nhưng cũng khó, để ở nhà thì không có người trông giữ, vào đây sẽ dính bệnh cả chùm.

Người ta cũng chưa quên câu chuyện của một bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân trong một bệnh viện dã chiến ở Sài Gòn. Cả gia đình hai vợ chồng và đứa con bị dương tính. Người chồng nặng không qua khỏi. Khi bàn chuyện hậu sự với người vợ, cô ta khẩn thiết xin bác sĩ cứu cho con gái của cô cũng đang ở trong tình trạng nặng. Bác sĩ không tìm ra chỗ để chuyển đi. Người mẹ xin bác sĩ cho con được chuyển lên chiếc giường mà chồng cô vừa mất, có lẽ xác chưa chuyển đi và chưa có người chuyển đến. Chỉ cần có một cái giường thôi, chỉ cần có một hơi thở đưa vào đúng lúc thôi, một mạng người sẽ được cứu, bi đát quá. Xót xa quá nhưng đành bất lực thôi.

Một hình ảnh khác ghi lại một em bé 7 tuổi trong trang phục phòng hộ cá nhân ở thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) cùng mẹ và anh trai lên xe y tế đi cách ly cũng gây xúc động cho cộng đồng mạng. Cha em là tài xế lái xe chở hàng chạy tuyến Quảng Ngãi-Quảng Ninh, khi đến cổng Bệnh viện Minh An, tỉnh Nghệ Anh, sau khi test nhanh, kết quả dương tính 2 lần. Sau đó, mẹ em, anh trai cùng em bé 7 tuổi trên thuộc trường hợp F1 nên đã theo xe y tế chở đi cách ly tập trung trong bộ đồ bảo hộ.

Những ngày qua, hình ảnh bé trai khoảng 5 tuổi lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, ôm đồ đạc, hồn nhiên thả bước dọc hành lang rời khỏi khu cách ly cũng gây chú ý ở mọi người. Được biết, đây là khoảnh khắc bé trai cùng mẹ thu dọn đồ đạc, rời khu cách ly Quận Gò Vấp lên đường đến một bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố để điều trị virus Vũ Hán. Bé trai nói trên sinh năm 2016 đang sinh sống cùng cha mẹ tại khu nhà trọ trên địa bàn phường 9, Quận Gò Vấp. Ngày 14.6, bố của bé có kết quả dương tính với virus do tiếp xúc với F0 cùng khu trọ và được đưa đi cách ly. Ngay sau đó, bé trai và mẹ được đưa vào cách ly tập trung tại Khu cách ly Quận Gò Vấp. Sáng 18.6, kết quả xét nghiệm của bé trai dương tính. Do vậy, bé được chuyển đến một bệnh viện trên địa bàn thành phố để cách ly, điều trị. Chứng kiến hình ảnh dù cơ thể bị trùm kín bởi bộ đồ bảo hộ, bé trai vẫn hồn nhiên, bình tĩnh khi rời khu cách ly, nhiều người đã gọi vui bé là “chiến binh” 5 tuổi.

“Trông cách thả bước, ôm đồ đi trên hành lang khu cách ly thật hồn nhiên, bình tĩnh. Bé không tỏ vẻ sợ hãi, buồn bã. Bé sẽ là “chiến binh” 5 tuổi trong hành trình chống lại bệnh tật sắp tới. Chúc 2 mẹ con sớm bình phục”, một tài khoản mạng xã hội chia sẻ.

Và hình ảnh người mẹ ôm mặt khóc nức nở, kêu gào khi nhìn đứa con nhỏ của mình sốt 39 độ đang nằm dưới sàn nhà lạnh lẽo không người quan tâm, không có được viên thuốc ở trong khu cách ly là một trường học ở quận 8 dành cho những người bị nghi nhiễm ở chợ Bình Điền cứ ảm ảnh mãi trong lòng người xem.

Còn nhiều, nhiều lắm không kể hết được những đưa trẻ bị cách ly trong mùa dịch. Nhưng bất hạnh nhất là những đứa trẻ bị mồ côi khi cha mẹ đã bị tử vong vì dịch bệnh. Các cháu chưa ý thức được chuyện sống chết nhưng khi nhận hũ cốt của cha mẹ, các cháu cũng đã thoáng biết rằng từ nay tất cả đã cách chia. Nỗi đau này sẽ theo suốt cả cuộc đời các cháu. Một gia đình đang đoàn tụ, ấm êm, bỗng chốc dịch bệnh ào tới mang theo nỗi bất hạnh. Tổ ấm chia lìa, tan tác, còn nỗi đau nào hơn nữa.

Có ý kiến cho rằng, cách ly như thế này là biện pháp không hiệu quả. Trong một chương trình giao lưu trực tuyến, ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em xác nhận trên tờ Tuổi Trẻ rằng có đến hơn bốn ngàn trẻ em chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh phải đi cách ly tập trung, không có gia đình cạnh nên có thể gặp phải rất nhiều sang chấn về mặt tâm lý.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết nêu ý kiến của ông: 

“Tôi thấy rằng chủ trương cách ly hiện nay là để ngăn chặn những đối tượng lây nhiễm. Có hai hình thức cách ly: tại nhà và tại nơi tập trung. Khi ban hành chủ trương như thế thì rất nhiều người đồng tình. Theo tôi, cách ly tại nhà nếu có điều kiện thì vẫn hay hơn vì sử dụng riêng những vật dụng, nhà vệ sinh…không chung đụng như khu cách ly tập trung.

Những ai có điều kiện thì nên cho họ cách ly tại nhà, Nhà nước cần cho họ cơ chế để họ thực hiện thì tình hình dịch bệnh sẽ giảm trong khi chờ vaccine”.

Tình trạng tách những đứa trẻ còn quá nhỏ để đi cách ly gây nhiều phản ứng trong dư luận. Nhiều người cho rằng đây là qui định mất nhân tính, dã man và không thuyết phục vì nếu các bé là F1 thì đương nhiên cả nhà (ba mẹ và các thành viên khác là F2) thì tại sao không áp dụng cách ly cả gia đình tại chỗ.

Theo Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch được Bộ Y tế ban hành hôm 12 tháng ba năm 2020, đối tượng bị cách ly là người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch. Người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc virus trong trường hợp vượt khả năng tiếp nhận của cơ sở y tế. Như vậy, nếu trẻ em có bố mẹ được xác định mắc virus thì những đứa trẻ trong nhà thuộc diện cách ly tập trung, không phân biệt tuổi tác. Nhà nước đã quy định như thế, dù ta thấy cảnh các bé còn quá nhỏ mà phải cách ly thì cũng phải chấp hành thôi dù rất bất nhẫn và nguy hiểm. 

Cảnh các em bé bị trùm kín trong bộ đồ bảo hộ kín mít, được bố trí ở những nơi thiếu nhiều phương tiện sinh hoạt, ăn uống không đạt tiêu chuẩn, không được chăm sóc đúng mức sẽ khiến cho sức đề kháng yếu, đồng thời ở trong môi trường cách ly, tình trạng lây nhiễm chéo rất dễ xảy ra. Cho đến nay, chưa có thống kê nào ở Việt Nam cho biết có bao nhiêu trẻ em bị nhiễm bệnh và tử vong. Tuy nhiên, những đứa trẻ bị cách ly, những cháu bị mất cha mẹ, ông bà trong cơn đại dịch này sẽ bị sang chấn tâm lý rất nặng nề.

*******

Ngày hôm nay, 13.8, một số điểm tiêm chủng ở thành phố đã gặp phản ứng của người dân khi biết được chích Sinopharm, một loại thuốc của Tàu.

"Trên mạng xã hội lan truyền clip được cho là điểm tiêm phòng Covid-19 tại sân Tao Đàn, Quận 1, một số người dân phản ứng và bỏ về khi nghe thông báo là chuẩn bị tiêm vaccine Sinopharm.

Sau khi video được lan truyền trên mạng và truyền tải, lãnh đạo Quận 1 xác định có xảy ra sự việc trên tại điểm tiêm phòng Covid-19 số 1 Huyền Trân Công Chúa. Sáng 13/8, UBND Quận 1 tổ chức tiêm vaccine AstraZeneca cho người dân, nhưng đến 9 giờ thì hết vaccine này và Quận có tổ chức tuyên truyền người dân tiêm vaccine Sinopharm thì có một số người phản ứng và bỏ về như clip. Tuy nhiên, Quận vẫn tiếp tục tổ chức tiêm Sinopharm cho 52 người dân tại điểm này và trong chiều 13/8 Quận vẫn tiếp tục tiêm vaccine Sinopharm cho người dân tại đây".(trích Thông tin Đảng bộ Thành phố)

Phần lớn người dân không chấp nhận chích thuốc này dù báo chí, truyền thông và nhiều chỉ thị của nhà nước khuyến khích sử dụng thuốc này khi tình hình thiếu vaccine đang diễn ra ở thành phố. Người dân có quyền chọn lựa và họ đã lựa chọn bằng cách thà không chích chứ không chích thuốc Tàu. Việc này cũng khiến cho thành phố lâm vào tình thế khó xử. Không tiêm chủng đủ cho dân thì không thể ngăn chận được dịch. Mà chích thì dân không đồng tình với thuốc. Tình hình này, giãn cách chắc còn phải kéo dài và thành phố lại lâm vào bế tắc trong các phương án giảm dịch. Con số người nhiễm ở thành phố đang nằm ngang, con số tử vong vẫn còn tăng cao, không biết sắp tới, lãnh đạo thành phố và trung ương có biện pháp nào mới không? Chứ như thế này, xin nói thật, người dân đã ngán lắm rồi, đã hết chịu nổi rồi. Nhất là những người nghèo và nhân dân lao động.

Hôm nay 13, thứ sáu, mùa dịch thứ tư, không biết cuối ngày, có những báo hiệu gì khả quan không chứ lòng tin đã bắt đầu giảm và nỗi đau về một thành phố trong cơn đại dịch đã trở thành đã trở thành vết thương khá lớn trong lòng của mỗi người rồi.

13.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ ba mươi sáu

DODUYNGOC






Bị nhốt trong nhà suốt hơn hai tháng trời vì đại dịch, nhiều khi cũng cảm thấy bí bách. Ông BS Đỗ Hồng Ngọc bảo "đi ra ngoài không được thì đi vô trong". Ý ông bác sĩ này là hãy nhìn lại mình để hiểu mình thêm, lắng đọng tâm thức để thiền quán, để sống chậm lại và từ đó sẽ tìm ra nhiều điều thú vị. Tôi phục ông, tôi cũng phục nhiều người đã nhân thời gian rảnh rỗi mà chiêm nghiệm, mà suy ngẫm, mà sống khác, tìm niềm vui trong những công việc. Tôi lại không làm được vậy, suốt ngày cứ loay hoay với những tin tức, những mảnh đời, những số phận trong thời đại dịch. Cũng có tuổi rồi, không vẫy vùng, hoạt động như người trẻ nữa. Thôi thì tìm nơi đóng góp một chút trong khả năng hiện có của mình, như là sự sẻ chia cho lòng bớt áy náy thôi. Phê phán cũng nhiều rồi, trách móc cũng lắm rồi, cũng chỉ để bớt ẩn ức trong lòng mình thôi. Có khi cũng nên để cho lòng lắng lại. 

Tôi cũng suy nghĩ nhiều về thân phận con người, về lẽ sinh tử và vô thường của cuộc đời. Nhưng suy nghĩ của tôi thực tế hơn, gắn liền với thực tại và những biến chuyển dồn dập ngoài kia. Thời gian đầu, tôi theo dõi hàng giờ những con số người nhiễm bệnh, những địa điểm bị cách ly, phong toả như người chơi chứng khoán theo dõi những màu xanh đỏ nhảy múa cạnh những số liệu. Những con số bất an. Khi số người dính dịch lên đến năm, sáu ngàn, tôi không lưu tâm nữa mà chỉ để ý đến số người tử vong, và thấy kinh hoàng, sợ hãi. Số lượng người chết càng ngày càng tăng chứng tỏ đại dịch vẫn hành hoành đe doạ đời sống mỗi người. Và kèm theo những số liệu khô khan là những bi kịch, bi kịch của từng cá nhân và tang thương của mỗi gia đình. Nhiều nhà có ba, bốn người ra đi từ ông bà, cha mẹ cho đến con cháu. Nhiều người quen, bạn bè mới đấy giờ đã là nắm tro tàn. Chưa bao giờ thành phố này bi thương đến vậy kể cả những ngày chiến tranh leo thang trong cuộc chiến Nam Bắc cách đây gần nửa thế kỷ. Và ngay trong những ngày đói kém sau 1975, thành phố cũng không xơ xác như bây giờ dù giờ đây Sài Gòn lắm cao ốc và cũng lắm tỷ phú. 

Nhiều đêm không ngủ được, tôi có cảm giác đâu đó những tiếng thét, tiếng la của những con người đang không thở được, đang cận kề với cái chết. Tiếng thét như âm thanh của im lặng nhưng xoáy sâu vào tim cộng với tiếng hú còi của những chiếc xe cấp cứu chạy hết tốc độ trong đêm vắng khiến cho đêm Sài Gòn bất an và bi thiết. Khuya Sài Gòn vắng đến rợn người, những con đường vàng vọt dưới bóng đèn không bóng người đi, tiếng dế cũng không còn gáy, tiếng những con mèo hoang thường ngày đi lang thang trên những mái nhà cũng vắng bóng. Nhưng tôi hiểu rằng ở một nơi chốn khác, giống một thế giới khác có biết bao nhiêu người đang đau đớn, đang vật vã và cũng có bao người đang cố gắng làm hết sức mình để giành giật sự sống cho người bệnh. Đó là đêm ở bệnh viện, là nơi có tử thần chực chờ ở mỗi giường bệnh để cướp đi sinh mạng của họ. Trước nỗi đau của con người, tôi bất lực. Chỉ biết nguyện cầu nhưng chẳng biết cầu xin với ai. Có lẽ trong nỗi đau lớn lao này, Phật, Chúa cũng đành cúi đầu. Bởi suy cho cùng những nỗi thống khổ của con người cũng đều do con người tạo dựng. Gieo khổ đau thì gặt lấy đau khổ, gieo tai ương thì gặt lấy tai ương. Tất cả đều do con người gieo rắc và đưa đến kết quả như thế này. Người lãnh đạo và quản trị xã hội trong những thời kỳ khủng hoảng phải tìm ngay giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để đối phó. Khi thế giới vướng đại dịch, nhiều người lãnh đạo kể cả những nước giàu có và tiến bộ cũng lúng túng và bế tắc trong thời kỳ đầu. Hãy nhìn lại thành phố Vũ Hán của những ngày tháng đầu tiên của dịch bệnh, người ta hình dung ra địa ngục ở trần gian. Những hình ảnh những chiếc xe bắt người, những ngôi nhà bị niêm phong, những xác người nằm chết bên đường, những ống khói của lò thiêu. Khủng khiếp! Nhưng rồi ai cũng nghĩ đó chỉ là xứ người ta, chắc chẳng bao giờ đến mình. Đến khi cả thế giới bùng dịch, hàng triệu người đã chết thì nhân loại mới thức tỉnh. Và cuối cùng người ta cũng tìm thấy giải pháp hợp lý để chống dịch và sống chung với dịch. Bởi con virus khốn kiếp này từ đây sẽ sống mãi bên cạnh con người.

Rảnh rỗi, tôi lang thang trên mạng và phát hiện nhiều điều thú vị. Những ngày đầu phong toả, nhiều ngõ ngách, nhiều con phố bị giăng dây, dựng hàng rào, các cửa hàng đóng cửa, chợ bị bỏ hoang. Nhiều chuyến xe chở hàng không vào được phố. Những chính sách sai lầm đã khiến Sài Gòn khủng hoảng vì thiếu thực phẩm. Kiểu phát phiếu đi chợ và xếp hàng dài ở siêu thị để được mua hàng không còn hiệu quả. Và trong cái khó ló cái khôn. Những chợ mọc lên đầy không gian mạng. Chợ mang tên từng quận và ở đó người ta có thể tìm thấy bất cứ thứ gì cần thiết cho cuộc sống bình thường. Không khí mua bán rộn rịp hơn, hàng hoá phong phú hơn. Chỉ có điều vấn đề là có tiền để mua sắm không thôi. Giãn cách quá lâu, nhiều gia đình không kế sinh nhai đã lâm vào kiệt quệ. Gói hỗ trợ của chính phủ không thấm vào đâu nhưng không phải ai cũng được hưởng. Dịch có thể chưa đến nhưng cái đói đã kề cận một bên. Ở tận hang cùng ngõ hẻm, ở các dãy nhà trọ, ở các vùng dân cư lao động, ở các gầm cầu, vỉa hè, góc phố đã thấy cái đói hiện diện. Rất nhiều tổ chức, nhiều nhà hảo tâm đã giúp họ qua mấy bữa nhưng tương lai mai mốt thì sao? Mù mịt chẳng lối ra. Nên chăng nhà nước tìm ra một chính sách, một biện pháp khác với cách ly, phong toả để đời sống dễ thở hơn là ngồi nhìn ra dây giăng và hàng rào kẽm.  Thành phố hiện giờ có hơn 800 điểm cách ly như thế. 800 khu dân cư ngồi nhìn thời gian trôi đi với những héo mòn. Nhìn những đốm đỏ chi chít trên bản đồ thành phố, hình dung thành phố này như đang bị bao vây không lối thoát. Bi quan ư? Có lẽ cứ kéo dài thế này sẽ sinh tâm lý bi quan.

Và tâm lý bi quan này càng nặng nề hơn khi từ hôm qua đến nay người dân thấy xuất hiện vaccine Sinopharm của Trung Quốc trong các điểm chích. Vẫn biết nhà nước có thông báo là người dân có quyền chọn lựa tiêm hay không tiêm. Nhưng không tiêm thì lo sẽ bị nhiễm dịch. Chọn cách nào đây?

Theo tin nhà nước, Việt Nam đã phê duyệt 6 loại vaccine gồm AstraZeneca, Gam-Covid-Vac (Sputnik V), Vero Cell (Sinopharm), Comirnaty(Pfizer/BioNTech), Spikevax (Moderna), Janssen (do Bỉ và Hà Lan sản xuất). Đây đều là các loại vaccine đã được WHO cấp phép trong tình trạng khẩn cấp. Trước đây, dân Sài Gòn được chích Moderna cho người già và Astra Zeneca cho người trẻ. Giờ thấy Sinopharm, người ta lo vì dân không tin vaccine Tàu. Có người bảo thà chích vaccine Việt Nam chứ không chích thuốc Tàu. Mỗi người có quyền chọn lựa chích hay không chích hoặc chọn thuốc để chích, đó là quyền của mỗi người. Bởi chuyện chích ngừa và thuốc chích gắn liền với sinh mạng của mỗi người. Không ai có quyền quyết định sinh mạng của người khác. Cho nên khi bị thiếu hụt vaccine, nhà nước phải có kế hoạch như thế nào để có thể đạt chỉ tiêu 70% người dân được tiêm chủng. Chưa được chích cũng lo mà chích loại thuốc còn nghi ngờ thì lại càng bất an hơn. Đã có địa phương như quận Phú Nhuận theo báo cáo là đã chích ngừa được gần 90% dân số, đó là điều mừng cho quận này. Nhưng cũng còn nhiều quận tỷ lệ còn thấp quá, nếu không giải quyết cho dân an tâm về vaccine, chuyện ngăn chận dịch là điều khó thực hiện.

Có những điều bình thường trong cuộc sống bình thường như thở, như vào quán uống ly cà phê sáng, ghé quán ăn tô phở, bát bún. Bắt tay với người bạn, hôn người yêu, ôm người thân thương, gần gũi với bạn bè. Tất cả bây giờ là điều xa xỉ và cấm kỵ. Người mang bệnh chỉ cần hơi thở, nếu được thở có nghĩa là còn được sống. Khi phổi chưa đóng băng, máu chưa bị đông, hơi thở còn ở trên mũi, miệng tức là còn hi vọng. Giờ mới thấy hạnh phúc chẳng có chi cao xa, hạnh phúc chỉ là làm được những điều bình thường, rất bình thường. Chắc hẳn rằng sau mùa dịch, người ta sẽ quý những cảm xúc và hành động bình thường đó nhiều hơn. Dịch đã cướp của con người nhiều thứ, từ sinh mạng cho đến tự do được sống, được gần gũi, yêu thương. Nó vẫn là bóng ma đang đè lên mỗi số phận con người.

Theo thông báo của Bộ Y tế từ 18 giờ 30 ngày 11.8 đến 6 giờ sáng nay, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.642 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 4.639 ca ghi nhận trong nước tại 24 tỉnh, thành. Riêng TP.HCM 2.318 bệnh nhân, không tìm thấy con số tử vong. Vẫn chưa thấy gì khả quan, các tỉnh lân cận như Bình Dương 911 ca, Đồng Nai 425 ca, Long An 354 ca. Những con số bất an.

Còn đó nỗi buồn biết đến bao giờ?

12.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ ba mươi lăm

DODUYNGOC














Mở đầu một ngày là cơn giận khi đọc tin lũ người táng tận lương tâm, tàn nhẫn tận cùng khi bóc lột, chặt chém người bệnh vướng dịch virus Vũ Hán. Lũ người này lợi dụng cấp cứu, sử dụng xe cứu thương dỏm chở người bệnh đi và đòi tiền rất cao. Xe dán thông tin là chạy tình nguyện, danh nghĩa là miễn phí nhưng đến nơi giở giọng thu tiền với giá trên trời. Cũng có nhiều xe tử tỉnh lên thành phố đội mác vận chuyển cấp cứu kiếm ăn. Rất nhiều chiếc xe 16 chỗ được cải tạo thành xe cứu thương rồi đăng lên mạng, nhiều khi là đăng như của các đội tình nguyện. Khi có bệnh nhân cần cấp cứu, những người này chặt giá 3-4 triệu đồng một chuyến dù quãng đường có khi chỉ là một đoạn ngắn.

Khi người nhà nguy kịch, liên hệ cấp cứu khó khăn, ai cũng tìm đủ mọi cách để kiếm xe nên khi có xe đến là đã quá mừng. Do vậy, lợi dụng tâm lý này, những kẻ kiếm ăn trên nỗi đau của đồng loại kêu giá bao nhiêu người ta cũng đồng ý. Sinh mạng là trên hết, thời giờ là sinh tử cho nên giữa giờ phút ấy, chẳng ai còn quan tâm đắt rẻ. Trong lúc dịch bệnh tăng cao ở thành phố, các phương tiện lưu thông công cộng không được phép hoạt động. Nhu cầu vận chuyển người nhiễm dịch lẫn người bệnh là rất lớn. Trước tình hình này, nhà nước cho phép nhiều xe cứu thương từ nhiều đơn vị tư nhận được huy động vận chuyển cấp cứu và đều có logo và thẻ nhận dạng để phân biệt. Chủ trương của chính quyền là miễn phí và đội quân chạy cấp cứu là tự nguyện. Danh nghĩa là thế, nhưng đôi khi người nhà bệnh nhân bồi dưỡng một ít thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng đội lốt cấp cứu mà bóp cổ dân như thế thì quá bất nhẫn, ăn trên xác người. Cái dở của bộ phận phụ trách trực điện thoại để dân có thể liên lạc khi cần là hầu như rất khó để liên hệ. Địa phương nào, ban bệ nào cũng có lực lượng túc trực nghe điện thoại để kịp thời tư vấn hướng dẫn cho người dân. Nhưng bộ phận này chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình, có khi là do thiếu xe cấp cứu nhưng đa phần là chưa làm hết trách nhiệm được giao. Chưa kể số cuộc gọi đến quá đông, không thể giải quyết được. Đã có nhiều người chết vì xe cấp cứu không gọi được hay đến trễ nên bệnh nhân không qua khỏi.
Mùa dịch bệnh, rất nhiều cá nhân, nhiều hội đoàn đã hết mình hỗ trợ cho dân nghèo, giúp thêm thiết bị cho các bệnh viện, giúp cho nhiều gia đình có người mấy thuận tiện trong việc thiêu xác...Họ làm thiện nguyện từ lòng nhân đạo, tình đồng bào, bằng cái tâm sáng. Thế nhưng đâu đó vẫn có những con kền kền đợi dịp để ăn xác người, những con thú đội lốt hút máu người. Chúng lập ra những tổ chức từ thiện, chúng tạo ra những hoàn cảnh bi thương, chúng vẽ ra những tiếng kêu khẩn thiết để kêu gọi các nhà tài trợ, thu được tiền chúng không làm từ thiện bao nhiêu mà đa phần là bỏ vào túi riêng. Ta cũng sẽ không làm ngạc nhiên khi nhiều kẻ chuyên làm từ thiện, từ thiện là nghề nghiệp chính của họ, ngoài ra họ chẳng làm gì khác nhưng rất giàu có, nhà cửa, xe cộ ngon lành. Tiền của bá tánh cả. Hút máu người nghèo, ăn trên xác đồng loại, không biết rồi họ có vui sướng gì trên những đồng tiền bất lương đó không nữa? Một xã hội mà kẻ có chức ăn không chừa thứ gì và kẻ đội lốt từ thiện làm giàu trên máu mủ của đồng loại. Xã hội đó nên gọi tên là gì nhỉ? Thời nay quả báo nhãn tiền, những loại người này cũng không tránh được tai ương đâu.
Từ hôm qua, đường phố Sài Gòn bất ngờ đông đúc, nhiều con đường lắm xe cộ, nhiều người đi. Hiện tượng này khiến nhiều người lo lắng cho thành quả phòng chống dịch trong suốt thời gian qua của Sài Gòn trở thành vô ích. Trên một số tuyến đường trung tâm TP HCM như Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Ngô Gia Tự, nút giao Lý Thái Tổ (quận 10), Hồng Bàng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Tri Phương (quận 5), Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận)..., suốt từ trưa đến chiều 10.8, lượng xe cộ khá tấp nập. Ngoài những phương tiện cấp cứu, chở hàng hóa thiết yếu, vẫn còn nhiều người đi lại như bình thường, nếu bị xét hỏi chắc chắn sẽ vi phạm quy định phong toả. Có lẽ thời gian giãn cách quá dài, nhiều người bị tâm lý tù hãm nên cố tìm cách ra đường dù không có nhu cầu cần thiết. Có những nhu cầu bình thường nhưng trong mùa dịch lại trở thành quan trọng như nhu cầu được thở của những người vướng virus, như nhu cầu được đi lại, nhu cầu được gặp gỡ, nhu cầu được ăn uống hàng quán, tập thể dục như là một thói quen của người bình thường. Giờ thì giam chân cuồng cẳng suốt hai tháng trời, các nhu cầu ấy trở nên cấp bách. Cũng có thể một số người đã được chích ngừa, cứ nghĩ chích rồi là sẽ không nhiễm bệnh, sinh ra chủ quan, ra đường mà không còn sợ dính bệnh nên cứ rồ ga mà đi cho đỡ cuồng chân. Một suy nghĩ khá là nguy hiểm.
Với tình hình này, thời gian giãn cách có thể còn kéo dài và sẽ phát sinh những biểu hiện tâm lý bất lợi cho con người. Có thể gọi đó là Hội chứng tâm lý trong đại dịch. Không chỉ vì bị tù hãm trong thời gian dài, nhiều gia đình vướng bệnh cả gia đình từ ông bà, con cái và cả cháu, rồi có đến ba bốn người bị mất mạng trong mùa dịch. Rồi khó khăn trong đời sống, thiếu thốn gạo cơm, không có tiền để sinh hoạt mà tương lai thì mù mịt. Hỏi làm sao không bị sang chấn tâm lý?
Theo báo cáo, mấy hôm nay số người nhiễm dịch ở Sài Gòn đã có giảm dù không nhiều. Vẫn luẩn quẩn ở con số trên dưới 4000ca/ ngày. Tuy nhiên con số tử vong vẫn chưa giảm và có thể tăng lên trong những ngày sắp tới. Số người tử vong hôm qua là 308 người. Chiều nay là 342. Riêng thành phố là 261 người. Vừa rồi, chùa Vĩnh Nghiêm có chương trình Hỗ trợ áo quan để hoả táng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đợt đầu về kho ở chùa 1.000 cái, chỉ làm bằng cây và bìa cứng, ván ép. Nhìn thấy chất đống trong kho mà lạnh người. Con số cả ngàn đấy mà cấp cho hết số người chết thì chỉ cần ba, bốn hôm là hết. Ghê thật. Cứ nhìn cảnh ở lò thiêu Bình Hưng Hoà, cảnh bận rộn không nghỉ của các nhà đòn mới thấy sự tổn thất nhân mạng trong cơn dịch này ở Sài Gòn nó tang thương, mất mát biết chừng nào!
Cũng mấy hôm nay, trước tin thành phố đang trong tình trạng thiếu vaccine, rất nhiều người chưa được tiêm chủng rất lo âu vì sợ phải chích thuốc Sinopharm. Ngày 10.8, thành phố đã tiêm vaccine Vero Cell dựa trên văn bản đề xuất của các đơn vị, trong đó có Tập đoàn FPT. Vaccine này được Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM vào ngày 6.7 với 19.000 liều. Và hôm nay, thành phố đã triển khai tiêm 19.000 liều vaccine Vero Cell. Đây là vaccine nằm trong số lượng 500.000 liều được tài trợ trước đó. Tin này khiến nhiều người lo sợ phải chích Sinopharm.
Tuy nhiên, cũng theo tin của nhà nước, số lượng 19.000 liều vaccine Vero Cell được phân bổ từ nguồn tài trợ trước đó. Số vaccine này được tiêm cho 3 nhóm người gồm: Công dân nước CHND Trung Hoa làm việc tại Việt Nam; người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc, kinh doanh tại nước CHND Trung Hoa; người dân có nhu cầu sử dụng vaccine này, đặc biệt ở các địa phương sát biên giới với nước CHND Trung Hoa. Như vậy, vẫn chưa có chủ trương chích phổ biến trong dân loại thuốc này.
Qua tin báo như trên, có lẽ người dân sẽ bớt ngại ngùng hơn khi đi chích ngừa, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn nên khi đến chích, đòi xem cho được lọ thuốc mới an tâm. Nhưng cũng theo phát biểu của người có trách nhiệm, vaccine Vero Cell cũng như các loại khác, người dân sẽ được chọn thuốc chích với tinh thần “tự nguyện và miễn phí, ai đồng ý mới thực hiện”. Nhưng nếu thiếu các loại Astra, Pfizer hay Moderna thì sao? Chỉ còn một loại thì chắc khỏi chọn lựa.
Trong cuộc họp hôm qua, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, báo cáo rằng tình hình dịch tại Thành phố đã ở mức độ được kiểm soát và có xu hướng giảm dần, dao động ở mức 3.000 - 4.000 ca nhiễm/ngày; hệ số lây nhiễm chung giảm mạnh từ mức 3-3,5 xuống còn 0,78. Lãnh đạo nhìn nhận như thế, nhưng trong thực tế lượng F0 ở thành phố này vẫn đang quá tải. Các bệnh viện vẫn chật cứng người bệnh và con số tử vong hàng ngày vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm.
Trời Sài Gòn vẫn chưa sáng nổi.
11.8.2021
Sài Gòn lockdown ngày ba mươi bốn.
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget