Latest Post
















TANG THƯƠNG

Dù là người lạc quan, không chấp nhận chữ "toang" và "bùng" ở Sài Gòn, nhưng đến hôm nay, phải chấp nhận một sự thật là Sài Gòn tang thương như chưa bao giờ thấy. Kể cả trong thời chiến tranh và trong thời điểm đói nghèo sau 1975. 

Đã qua thời gian dài giãn cách rồi giới nghiêm, từ chỉ thị 15, rồi 16 rồi phong toả, con số người nhiễm bệnh và tử vong ở Sài Gòn vẫn không ngừng tăng. Rất nhiều khu vực bị cách ly dài ngày, rất nhiều biện pháp, chỉ thị được đưa ra, nhưng bất lực. Không biết bao nhiêu clip, bao nhiêu tin nhắn, bao nhiêu hình ảnh đã cho thấy một Sài Gòn với nhiều bi kịch. Cảnh nhếch nhác, thiếu phương tiện ở các khu cách ly, cảnh người chết đắp chiếu, người bệnh hấp hối trong phòng của bệnh viện chuyên điều trị người vướng virus Vũ Hán mà không có một ai chăm sóc, tiếng kêu vô vọng của người đàn ông trong căn phòng đầy những người chờ chết. Cảnh hàng đoàn xe chở xác người chờ vào lò thiêu ở Bình Hưng Hoà. Tiếng kêu tuyệt vọng của một cô gái bên xác mẹ vừa qua đời. Câu nhắn tin cuối cùng của một cô gái thiện nguyện trước lúc lìa đời. Cảnh một thanh niên được để trên xe đẩy hàng đưa ra từ con hẻm nhỏ ở quận tư, anh ta yếu lắm rồi, không thở nổi, xe đón anh là một chiếc xe vận tải nhỏ chở hàng do y tế đưa xuống, không bình oxy, không có một thiết bị cấp cứu nào, anh được dìu lên xe và ngồi thở dốc. Nghe nói sau đó anh đã không qua nổi và đã tử vong. Cảnh ba chiếc quan tài được đưa ra từ con hẻm nhỏ lên xe đi thiêu giữa buổi chiều nặng hạt. Cảnh người mẹ kêu gào xin cứu con trong khu cách ly...và biết bao cảnh đau thương nữa không viết ra hết. Và cảnh những người sống lê lết bên vỉa hè nhận hộp cơm từ thiện, ánh mắt ai cũng buồn, nụ cười của ai cũng méo xệch. Những cảnh bi đát ấy không thể tìm thấy trên báo chí hàng ngày, cũng sẽ không thấy trên ti vi. Nhưng đó là những cảnh đời thực đang xảy ra hàng giờ trong lòng thành phố này. Đêm ở Sài Gòn giờ lặng im một cách đáng sợ và đêm Sài Gòn trong nhiều căn nhà, ngõ hẻm, góc phố, trong các khu cách ly, trong các bệnh viện có những con người lần lượt lìa trần trong lặng lẽ, những cảnh đau thương đầm đìa nước mắt.

Cơn đại dịch như một trận cuồng phong kéo dài, nhà nước loay hoay với những kịch bản đối phó nhưng hình như chưa tìm được một liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn chận cơn dịch. Cứ cách ly, phong toả, giới nghiêm, giãn cách với các chỉ thị không còn giá trị với cuộc khủng hoảng. Đã đến lúc lựa chọn tập trung giảm tử vong, giảm người nhiễm bệnh. Chuyện tăng trưởng, phát triển phục hồi kinh tế cho chậm lại hoặc cũng có thể dừng lại khi không thể bắt cá hai tay trong thời kỳ dầu sôi lửa bỏng này, cứu người là chuyện khẩn cấp nhất. 

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định thành lập Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế với 8 thành viên do TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam làm Tổ trưởng.

Tổ tư vấn có nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp, biện pháp cho Chủ tịch UBND TP.HCM để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chống dịch, phục hồi sản xuất, qua đó góp phần thực hiện “mục tiêu kép”. Và đây là danh sách tổ tư vấn đó: 

TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam (Tổ trưởng)

TS Trương Minh Huy Vũ, Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM (Tổ phó)

PGS.TS Trần Hoàng Hải, giảng viên cao cấp, quyền Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM

TS Nguyễn Ngọc Nhã Nam, VNTI và Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM

Với ý kiến cá nhân, tôi nghĩ nên tách ra hai mục tiêu và hai tổ tư vấn khác nhau dù cả hai có thể tiến hành song song. Tổ chống dịch gồm các bác sĩ, các nhà khoa học tư vấn cho uỷ ban các biện pháp chống dịch hiệu quả, nhanh chóng và thiết thực nhất. Tổ tư vấn kinh tế gồm các chuyên gia kinh tế đưa ra những ý kiến để phát triển kinh tế sau cơn dịch. Ở đây nhìn vào tổ tư vấn chống dịch, phục hồi sản xuất 8 người mà chỉ có một bác sĩ, còn lại toàn chuyên gia quản lý, giáo sư kinh tế với Tiến sĩ phần mềm. Thế thì tư vấn chống dịch cái gì khi nhiệm vụ trước mắt là chống dịch. Các nhà lãnh đạo vẫn băn khoăn và đặt nặng việc phát triển, phục hồi kinh tế hơn là việc chống dịch. Bởi vậy việc đối phó với đại dịch cứ chạy loanh quanh và lâm vào bế tắc.

Mới đây, khi làm việc với chủ tịch nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến nay TP.HCM đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau. Đánh giá việc thực hiện chỉ thị 16 tăng cường, chủ tịch UBND TP cho biết việc hạn chế ra đường từ sau 18h đến 6h sáng được thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, từ 6h sáng đến trước 18h, nhiều người vẫn ra đường mà không có lý do cần thiết.

Ông Phong nhận định khi thực hiện chỉ thị 10 trên cơ sở chỉ thị 15, số ca nhiễm tăng 6,1 lần so với khi áp dụng chỉ thị 19. Khi áp dụng chỉ thị 16, số ca mắc tăng bình quân 7,7 lần/ngày so với áp dụng chỉ thị 10. Khi tiếp tục áp dụng chỉ thị 10 thì số ca mắc bình quân tăng 1,5 lần so với khi áp dụng chỉ thị 16. Như vậy, khi tiếp tục áp dụng chỉ thị 16 thì tốc độ tăng ca mắc bình quân đã chậm lại, chỉ tăng 1,5 lần.

Thế nhưng, nếu xem con số thống kê người nhiễm bệnh và số tử vong thực tế, người ta sẽ có kết quả khác. Ngày 18.7 có 4693 ca, ngày 19.7 có 3074 ca, ngày 20.7 có 3322 ca, ngày 21.7 có 3556 ca, ngày 22.7 có 4218 ca, ngày 24.7 có 5396 ca, ngày 25.7 có 4555 ca, ngày 26.7 có 5997 ca, ngày 27.7 có 6318 ca, ngày 28.7 có 4449 ca, ngày 29.7 có 4592 ca. Qua những con số đó, ta thấy chỉ qua 11 ngày từ 18.7 đến 29.7, con số người nhiễm bệnh không hề giảm dù thành phố đã dùng nhiều biện pháp để đối phó. Tính đến sáng 30.7, trên địa bàn thành phố đã có 85.288 trường hợp mắc virus Vũ Hán được Bộ Y tế công bố. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 36.378 bệnh nhân dương tính, trong đó có 847 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 1.057 bệnh nhân tử vong sau khi mắc virus, một con số không nhỏ. Và từ con số đó ta hình dung ra nỗi tang thương của nhiều gia đình ở thành phố này trong cơn đại dịch.

Nhưng thật ra con số tử vong ở thành phố không chỉ là con số người chết vì virus mà mỗi ngày còn biết bao nhiêu bệnh nhân chết vì những bệnh tật khác nhưng không được thống kê. Vì cách ly, phong toả, giới nghiêm và hệ thống liên lạc với các bộ phận y tế, với bệnh viện tắc nghẽn không liên lạc được hoặc chuông reo không ai trả lời. Vì hạn chế lưu thông cùng các phương tiện giao thông công cộng không được phép hoạt động. Rất nhiều người mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tai biến, ruột thừa, viêm gan cấp tính, viêm cầu thận, tai nạn...không thể đến bệnh viện để cứu chữa kịp thời và họ đành lìa đời trong đau đớn và uất hận của thân nhân. Con số người chết này cũng liên quan gián tiếp từ virus Vũ Hán. Bệnh viện vắng hẳn người đến thăm khám, người bệnh mãn tính cũng không được tái khám, ngay cả người trong tình trạng cấp cứu khó khăn lắm mới đến được bệnh viện nhưng cũng không được quan tâm chữa trị như bình thường mà phải qua biết bao thủ tục và việc từ chối người bệnh là chuyện đã từng xảy ra.

Cách ly, phong toả kéo dài đã hai tháng, nhiều người, nhiều gia đình chẳng còn chi để sống qua ngày. Đã có hiện tượng lây nhiễm tập thể ở các khu dưỡng lão. Những trung tâm nuôi người già, trẻ em lâu nay sống nhờ lòng hảo tâm của bá tánh giờ đây lâm vào cảnh thiếu ăn. Đã đến lúc nhà nước nên tìm ra giải pháp tốt hơn là ra lệnh cấm đoán và giới nghiêm. Càng siết mạnh càng gây hoang mang và âu lo. Bữa cơm càng lúc càng vơi dần đi vì không còn phương sinh kế, ức chế vì bị tù túng và bế tắc vì không kiếm ra tiền mua rau gạo. Những thứ ấy khiến cho người dân dễ sinh ra bất mãn và có những hành vi thiếu kiểm soát.

Những đoàn người tìm cách bỏ thành phố lại sau lưng càng lúc càng nhiều. Họ ra đi với nhiều phương tiện có sẵn để tìm đường về quê. Họ rời thành phố với giọt nước mắt nhưng ngày về nhiều khi cũng chẳng có nụ cười. Quê nhà nhiều nơi cũng chẳng muốn đón nhận họ và nơi quê nhà họ cũng khó kiếm được bữa cơm. 

Tang thương không chỉ ở số người nhiễm bệnh, số  người tử vong hàng ngày mà tang thương còn phủ lên đời sống của nhưng người đang còn lành mạnh đang thấp thỏm âu lo chẳng biết số phận của mình trong mốt mai.

Cũng chẳng hiểu về công văn hoả tốc của Bộ trưởng Bộ Y tế gởi cho chủ tịch thành phố ngày hôm qua. Thúc hối tiến trình chích vaccine vì có cảm giác thành phố tiêm chủng quá chậm chạp? Trong khi đó thành phố lại khẩn thiết yêu cầu tăng cường lượng vaccine. Thực tế là thành phố tiêm chủng quá chậm, số lượng người được chích chẳng là bao so với dân số gần chục triệu người. Thiếu vaccine hay thiếu tổ chức, trách nhiệm? Người dân không cần biết lỗi của ai, chỉ mong được chích vaccine để bớt sợ hãi và hi vọng cơn dịch sẽ sớm qua đi. Lúc này chỉ mong làm sao giảm được người nhiễm dịch và con số tử vong. Bởi thế giới cũng đã biết rằng không bao giờ diệt được con virus khốn nạn này mà chỉ là ngăn chận nó, sống chung với nó bằng vaccine và những viên thuốc của tương lai.

Theo HCDC, tính từ 18h30 ngày 29.7 đến 6h ngày 30.7, thành phố ghi nhận thêm 2.740 bệnh nhân mới được Bộ Y tế công bố sáng nay.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27.4 đến sáng 30.7, thành phố có tổng cộng hơn 84.500 người mắc virus Vũ Hán.

Những con số chẳng có chi vui, nỗi lo còn đó.

30.7.2021

Sài Gòn ngày lockdown thứ hai mươi hai

DODUYNGOC



















CHUYỆN SHIPPER.

Đã qua mấy kỳ giãn cách rồi giới nghiêm, tình hình thành phố vẫn chưa ổn, nghe nói sẽ tiếp tục giới nghiêm với nhiều biện pháp khắt khe hơn. Có lẽ kéo dài đến tháng chín. Bèn kiểm tra lại lương thực, thực phẩm trong tủ lạnh. Thấy đã vơi đi nhiều, tủ đã có nhiều khoảng trống. Xem hủ gạo, coi lại mì gói, toàn chỉ còn lưng lửng. Gọi mấy mối quen, mối nào cũng ngại không có shipper, kiểu này thì kẹt rồi. Thành phố làm gắt gao kiểm soát người đi đường, nhưng không có giải pháp để hàng hoá được lưu thông khiến cho cuộc sống của dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong lúc giãn cách với thời gian quá dài như thế này, chợ không mở, hàng quán đóng cửa, đến siêu thị thì mất quá nhiều thời gian đợi chờ và cũng dễ lây nhiễm trong không gian bít bùng máy lạnh. Mua hàng online là một giải pháp tốt nhất, nhưng lại gặp trở ngại về chuyên chở. 

Chiều ngày 26.7, Ủy ban thành phố có văn bản khẩn về việc hướng dẫn hoạt động cho dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô 2 bánh có ứng dụng công nghệ kết nối với khách hàng. Yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh bổ sung các giải pháp phòng, chống dịch, với 8 yêu cầu phải thực hiện ngay.

Thứ nhất là giảm 10% số lượng nhân viên. Thứ hai là làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR. Cụ thể, phải hiển thị đầy đủ các thông tin về shipper, phương tiện, địa chỉ, nơi cư trú của shipper, giao hàng, người đặt hàng, lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu, chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển… Thêm vào đó, phải thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ “shipper” màu trắng. Thứ 3 là chỉ được hoạt động trong khu vực một quận. Thứ tư là xét nghiệm cho đội ngũ shipper  7 ngày một lần. Thứ 5, phải thường xuyên nhắc nhở tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời trang bị xịt khuẩn cho shipper để khử khuẩn trong quá trình giao nhận hàng hóa. Thứ 6, định kỳ hàng ngày thực hiện đăng ký danh sách đội ngũ shipper và địa bàn hoạt động về Sở Công thương và Sở Giao thông Vận tải..v..v..

Như vậy, theo yêu cầu của thành phố, các công ty vận chuyển và các shipper phải tuân thủ những yêu cầu trên. Tất cả đều hợp lý để giúp cho việc lưu thông hàng hoá được đến tay người cần và an toàn cho mọi người. Tuy nhiên ở điều thứ 3 và thứ 4 khiến cho đội ngũ shipper rất khó thực hiện. Chỉ được lưu thông trong một quận thì khó quá. Hàng hoá đôi khi không nằm trong quận, khách hàng mua bán online thường có những địa chỉ tin cậy, uy tín và họ chỉ muốn mua hàng ở đấy. Nếu địa điểm ấy khác quận thì đành chịu. Chưa kể những người trong gia đình, bạn bè thân thuộc muốn gởi giúp nhau những mặt hàng thiết yếu hỗ trợ trong mùa dịch nhưng khác quận thì cũng thua luôn. Con muốn gởi cho Bố Mẹ, giúp anh em là chuyện thường tình, nhưng rồi không thực hiện được vì khác quận. Quy định chỉ chạy được trong quận là một khó khăn lớn cho người chuyển hàng cũng như nhận hàng. Nhiều khi cần thiết quá, người ta đành chọn phương án như chạy tiếp sức trong thể thao. Tức là sẽ có nhiều shipper. Bắt đầu từ quận này, đến ranh giới của quận kia, có người nhận hàng đi tiếp, chuyển qua nhiều địa điểm như thế để món hàng đến được tay người nhận. Giá ship sẽ tăng cao, nhiều lúc còn nhiều hơn cả giá trị món hàng. Thứ nữa yêu cầu shipper phải xét nghiệm một tuần một lần. Mỗi lần mất ít nhất là 330.000 đồng, đương nhiên là shipper chịu chứ chắc chắn công ty sẽ không hỗ trợ chuyện này. Hao tốn quá dù việc đấy là cần thiết. Chưa kể, việc xét nghiệm của ta đôi chỗ chưa hoàn hảo, dương tính giả, âm tính giả cộng thêm người thực hiện không thay hoặc không sát trùng bao tay sau mỗi lần xét cũng là nguy cơ truyền virus. 

Kết quả là một lượng lớn shipper đành tắt ứng dụng, không hoạt động khiến các siêu thị, người bán online và cả doanh nghiệp vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Lý do nghỉ của shipper là chạy một cuốc chẳng được bao nhiêu vì công ty chia vùng lại và giảm tiền thu nhập mà đổi lại nguy cơ nhiễm bệnh rồi bị phạt tiền. Nếu cứ đi xét nghiệm thì hụt thu nhập khá lớn, nên đành thôi. Tất cả đều cảm thấy lúng túng trước nhiều quy định của thành phố trong hoạt động giao hàng.

Trưa nay tôi mua một ít thịt ướp sẵn của một người quen bên quận 8. Chờ gần một tiếng rưỡi thì đội ngũ chạy tiếp sức đó mới mang hàng tới nơi và đương nhiên qua nhiều anh em như thế, tiền vận chuyển lên đến trăm ngàn đồng. Phải chịu thôi. Có lẽ thành phố cũng nên xem lại những quy định về việc chuyển giao hàng hoá bằng xe gắn máy để việc lưu thông dễ dàng hơn, giúp cho đời sống của đại bộ phận nhân dân bớt khó khăn hơn trong mùa dịch.

Nói đến chuyện lưu thông hàng hoá lại đụng đến định nghĩa thế nào là mặt hàng thiết yếu. Anh em shipper rất sợ chuyện này. Mỗi chốt có suy nghĩ mỗi khác về cái chữ thiết yếu. Cũng không thể có một văn bản nào có thể liệt kê được hết những thứ gọi là thiết yếu. Thời gian giãn cách, phong toả càng dài thì cái gọi là thiết yếu ấy càng nhiều. Đã bảo cái gì phục vụ cho đời sống đều là thiết yếu. Ngay trong những ngày dài chỉ loay hoay trong nhà, cái kim, sợi chỉ, bông băng cũng là thiết yếu. Khi đã ngăn không cho ra đường, người dân như kẻ bị tù giam lỏng. Thời gian dài thì xuất hiện nhiều nhu cầu phục vụ cho sinh hoạt. Nên chăng có một văn bản liệt kê những mặt hàng không cho phép lưu thông, còn lại đều là thiết yếu để các chốt chặn khỏi phải khó xử và người mua hàng được thuận lợi, anh shipper cũng dễ dàng trong việc vận chuyển.

Trong ngày 29.7, thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu rằng: "Với chiến lược mới, mục tiêu không phải truy tìm, phát hiện nữa mà tập trung cho điều trị để cứu chữa các bệnh nhân, bảo vệ những người có bệnh lý nền, người già, giảm tỉ lệ tử vong". Như vậy, trong thời gian tới, con số ca nhiễm bệnh dịch được công bố có thể giảm đi nhưng điều đó không có nghĩa là Sài Gòn đã qua đỉnh dịch. Thật sự là tình hình dịch bệnh ở thành phố đang khó kiểm soát vì nhiều lý do, vì thiếu khả năng, chủ quan, thiếu tính khoa học đưa đến lúng túng trong cách xử lý và đưa ra những biện pháp không phù hợp. Cũng vì thiếu chuyên môn, cũng vì thiếu nhân lực, thiết bị trước sự bùng phát quá bất ngờ của dịch bệnh. Cũng có một phần những người thiếu ý thức, không chấp hành những yêu cầu của nhà nước đưa đến tình trạng nhiều F0 lang thang. Do vậy, thời gian giãn cách, giới nghiêm sắp tới có thể kéo dài, đừng nên thấy con số nhiễm bệnh giảm mà lơ là cảnh giác. Người ta vẫn thấy những người ung dung đi tập thể dục, dắt chó đi dạo, vợ chồng chở nhau đi chơi, người không mang khẩu trang ra ngoài ngồi thêu áo...khi bị nhắc nhở thì gây gỗ, xung đột với những người đang thi hành nhiệm vụ. Biến thể Delta tấn công rất nhanh, lây nhiễm rất lẹ, nếu cứ để thoả mãn thói quen của riêng mình, đến khi dính virus, không thở được còn lây cho người khác, lúc đó ân hận cũng chẳng kịp.

Thông tin về một loại thuốc mới trị covid đang mở ra tia hi vọng cho thế giới; Công ty Merck của Hoa Kỳ (MSD) đã cùng Ridgeback Biotherapeutics của Đức phát triển Molnupiravir và đang trong thời gian thử nghiệm cuối cùng.

MSD có chi nhánh tại Nhật Bản, và cũng như vaccine, Nhật Bản đã nhanh chóng tham gia đợt thử nghiệm lâm sàng này, có nghĩa khi được cấp phép tại Hoa Kỳ, Nhật cũng sẽ có thuốc.

Merck & Co., Inc Nhật Bản đã đăng ký đối tượng tại Nhật cho nghiên cứu chung quốc tế giai đoạn 3 về molnupiravir (tên chung, mã phát triển: MK-4482) từ ngày 23-6, còn gọi là MOVe-OUT. Kết quả dữ liệu dự kiến sẽ có vào tháng 9 hoặc tháng 10. Nếu không có vấn đề hy vọng đầu sang năm sẽ tung ra trên thị trường. Nhân loại có thêm niềm hi vọng.

Nhớ lại hồi chuông báo động đầu tiên về virus Vũ Hán đã gióng lên trước khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, chính xác là ngày 30-12-2019. Sau đó là 76 ngày phong toả khắt khe. Theo báo cáo của chính quyền Trung Quốc, tổng số ca tử vong sau nhiều lần được điều chỉnh lên 3.869 và tổng số ca nhiễm điều chỉnh lên 50.333. Với thành phố 11 triệu dân, con số thiệt hại ở Vũ Hán chắc chắn không như báo cáo mà phải nhiều gấp mấy lần. Nhưng tạm tin để so sánh một chút. 

Nhìn lại thành phố ta, số người nhiễm đã gần gấp đôi số báo cáo của Vũ Hán. Rất may là số tử vong của thành phố không nhiều như Vũ Hán. Thế nhưng tình cảnh bi thương thì cũng chẳng khác nhau là mấy. Nhưng giờ đây, Vũ Hán đã hồi sinh qua cơn bão táp của dịch bệnh. Tuy vẫn còn đó những nỗi đau cần thời gian để xoá lấp. Cũng hi vọng Sài Gòn sẽ qua hết cơn đau để trở lại bình thường như Sài Gòn đã từng có. 

29.7.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ hăm mốt

DODUYNGOC











ĐAU THƯƠNG VÀ NGHĨA TÌNH.

Đêm hôm qua không ngủ được. Nằm lắng nghe tiếng của đêm. Đêm Sài Gòn không còn âm thanh. Hình như có cảm giác tiếng dế giờ không cất tiếng nữa, chó cũng không sủa, tiếng mèo gọi đực cũng không còn trên những mái nhà. Không khí như đông đặc lại, nén chặt đầy bất trắc. Ánh đèn đường rọi xuống căn phố vắng, xuống con đường không bóng đổ của người đi. Giống như cảnh trong một cuốn phim mô tả một khu phố ma không tiếng thở. Thỉnh thoảng một chiếc xe cứu thương hú còi chạy vội vã, âm thanh như tiếng của tử thần. Giờ phút này, nếu dính bệnh mà được nằm trong chiếc xe cấp cứu là một diễm phúc. Bởi dù nặng hay nhẹ, dù bệnh dữ hay bị nhiễm virus, dù hấp hối hay còn thoi thóp thở mà liên lạc được xe, liên lạc được bộ phận có trách nhiệm, liên lạc được một bệnh viện nào đó đồng ý nhận có nghĩa là còn cơ hội sống. Trong những bộn bề và quá tải của các bệnh viện, chuyện sống chết bây giờ chỉ trông vào hên xui của số mệnh.

Vừa đọc một đoạn viết rất ngắn của một bác sĩ trẻ trên tuyến đầu chống dịch. Anh kể về một gia đình gồm hai vợ chồng và một đứa con. Cả nhà bị dính dương tính, đưa vào khu cách ly. Chồng 50 tuổi, khoẻ mạnh, không bệnh nền nhưng chỉ vài ngày sau bệnh trở nặng, đưa vào viện nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, nội khí quản thở máy chỉ số SpO2 cải thiện rất ít, phổi như nát bét, trắng xoá, bệnh nhân không thở được. Các bác sĩ đã cố gắng tìm mọi cách để liên hệ đưa bệnh nhân lên tuyến cao hơn nhưng tất cả đều đang chật kín không còn chỗ trống. Bệnh nhân đã không chờ đợi được và không qua khỏi chỉ sau 72h nhập viện. Mọi thứ diễn ra quá chóng vánh. Anh bác sĩ báo tin cho người vợ và bàn chuyện hậu sự cho anh. Người vợ bệnh nhân vừa khóc vừa nói vọng trong điện thoại : Cầu xin bác sĩ tìm cách cứu con gái tôi, vì cháu nó ở khu cách ly và cũng đang diễn biến nặng lên, sốt cao, khó thở đã hai hôm nay rồi mà không được thở oxy, không có nhân viên y tế thăm khám, càng không có bệnh viện nào còn giường để chuyển đi. Bác sĩ liên lạc mãi mà không còn chỗ cho bé, đành chịu. Người vợ gần như gục xuống, năn nỉ: Các bác sĩ ở đây đã liên hệ khắp nơi mấy ngày rồi, nhưng không có nơi nào còn giường cho cháu, bình oxy ở đây cũng đã hết rồi cháu không có oxy để thở, bố cháu mới mất, bác sĩ đưa bố cháu đi thế là còn 1 giường, nhờ bác sĩ cho cháu được “nằm thế chỗ” vào đấy ...Tôi đã mất chồng rồi, chỉ còn mỗi đứa con gái thôi, mất nó nữa thì tôi không sống nổi mất". 

Đọc đến đấy thì tôi khóc không đọc tiếp được nữa, buồn quá, bi đát quá. Không biết rồi số phận em bé sẽ ra sao? Cứ ngỡ như là những tình tiết trong một vở bi kịch trong hồi cao trào đầy nước mắt, khó có ở ngoài đời. Một chiếc giường, chỉ cần một chiếc giường để ở đó một mạng người có thể được chăm sóc và cũng có thể được sống. Một chiếc giường thôi. Nhưng khó quá!

Trong đại dịch này, nhiều gia đình có nhiều người liên tiếp ra đi. Hai vợ chồng bị cách ly, vợ vừa mới sinh, con chết. Còn đứa con ở nhà đành gởi cho bà ngoại. Bà ngoại cũng bị dính và tử vong. Kêu bà nội chăm con giúp, bà nội cũng đi luôn vì cúm Tàu. Chỉ trong vòng nửa tháng, ba người chết. Thê thảm quá! Hình ảnh 5 anh em mặc đồ bảo hộ từ khu cách ly về đưa tang cha. Người vợ tự lái xe đến bệnh viện sinh con một mình vì chồng đang bận đi chống dịch. Hình một cô gái thiện nguyện với nụ cười tươi trên môi vừa qua đời vì dính dịch với lời nhắn nhủ cuối cùng. Tất cả đều là những hình ảnh không thể nào quên trong mùa dịch này.

Hồi thành phố Vũ Hán vừa bị cơn dịch tấn công, đọc tin trên báo, xem đài, thấy những cảnh tượng bi ai. Có một đoạn clip thu những tiếng thét đầy ai oán xé trời lúc nửa đêm từ những chung cư. Tôi rùng mình và cũng không hình dung nổi những đau thương mà con người phải gánh chịu trong cơn đại dịch này. Giờ nó đang ở đây, nó đang có mặt ở đây và những đau thương hiện diện. Gọi Chúa, kêu Phật, cúi xin các thánh thần. Tất cả đều vắng mặt trước những nỗi đau của con người. Kiếp nạn này giờ chẳng biết kêu ai, trách ai, chửi mắng ai. Chỉ biết nhẫn nhục mà gánh chịu. Thương người nhiễm bệnh ra đi và không được sống trở về.

Trở về. Mấy hôm nay cũng có nhiều người đang tìm mọi cách để trở về nhà. Họ là những người tha phương vào miền Nam kiếm sống. Người làm lao công, phu hồ, công nhân trong các nhà máy. Kẻ đi bán vé số, bán hàng rong khắp vỉa hè, lượm ve chai, mua phế liệu...Họ làm đủ mọi nghề để có miếng cơm qua ngày, còn để nuôi con đi học, để giúp cha mẹ già viên thuốc lúc bệnh, miếng cháo lúc đói. Họ lam lũ, miệt mài vì sinh kế nhưng không thoát nổi cảnh nghèo. Rồi dịch đến, rồi cách ly, giãn cách, phong toả. Đường phố không người buôn bán cho ai. Nhà máy đóng cửa, thất nghiệp. Đã mấy tháng sống nhờ hộp cơm, bao gạo của các nhà hảo tâm. Cũng đã có người lâm vào cảnh đói. Tiền hết, gạo hết, không việc làm, vọ chồng chỉ biết nhìn nhau thở dài và không biết tương lai, mai mốt sẽ ra sao. Muốn về quê mà không có tiền, lại chẳng còn xe chạy. May thay, trong bế tắc cùng cực đó, các Hội đồng hương, các nhà hảo tâm đã tổ chức cho họ quy hương. Đà Nẵng có xe, Hà Tĩnh có máy bay, Bình Định có nhiều chuyến bay, Phú Yên có xe Phương Trang tài trợ, còn cho tiền tiêu. Hãng xe Phương Trang có kế hoạch sẽ sử dụng 5000 chuyến xe để chở người lao động miền Trung, miền Tây về quê. Quý hoá biết bao những tấm lòng, những bàn tay chìa ra đúng lúc. Nhìn những người lao động tha hương trở về mà chạnh lòng. Nhìn ai cũng lam lũ, ai cũng khắc khổ trên nét mặt. Họ mừng vui vì được giúp nhưng nụ cười vẫn hiu hắt, héo hon. Hai vợ chồng già đã vào Sài Gòn bán vé số mấy chục năm, ngày trở về gia tài chỉ là hai chiếc xe đạp cũ với hai túi xách nhẹ tênh. Hai vợ chồng người dân tộc mừng rớt nước mắt vì được về nhà, cả đêm không ngủ được vì nóng lòng, gia tài lỉnh kỉnh cũng chỉ áo quần và cái quạt máy trên vai người chồng. Tất cả đều khóc vì mừng, vì vui ngày quy hương. Ai cũng bảo được về quê, cháo rau gì cũng được, cứ được ở nhà mình, quê mình là hạnh phúc rồi.

Cũng có hàng đoàn người trên xe gắn máy vượt đường về quê. Họ đội nắng, dầm mưa và có người chịu đói để trở về. Ngày trước xuôi về Nam kiếm sống, giờ đây lại ngược đường để về trong gian khó và thiếu thốn. May mắn trên đường đi, họ được nhiều địa phương giúp đỡ. Có nơi là cả đoàn xe hộ tống để không cho dịch bệnh lan tràn. Có nơi tặng xăng, gởi thức ăn với lời chúc an lành. Cũng có nơi đem quà bánh, cơm xôi ra đầu ranh giới tỉnh để phát cho đoàn xe hơn trăm chiếc. Những món quà đầy tình thương và trên hết là nghĩa đồng bào. Nghĩa tình đó làm cho ta cảm động. Không đánh trống khua chiêng, không cờ xí khẩu hiệu, nhưng sao nghe mát lòng làm sao, cảm xúc làm sao. Nhìn tấm ảnh mấy mẹ con trên hành trình về quê ở Lào Kai đang dừng chân ở Đà Nẵng mà thấy cay trong mắt. Đường xa còn diệu vợi, những đôi chân trần liệu có về được nhà không? Dân ta còn khổ quá. Người nghèo còn nhiều quá. Nước ta có lắm Hội đoàn, lắm tổ chức hàng năm ăn hàng chục ngàn tỷ của ngân sách. Nhưng trong tình cảnh thế này chẳng thấy đâu. Chỉ có dân giúp dân. Chỉ có dân biết thương dân. Lá rách đùm lá nát. Đâu rồi những biệt phủ, những lâu đài? Đâu rồi những thúng hột soàn, những va li đô la? Đâu rồi những chiếc xe tiền tỷ, những cặp đầy sổ đỏ? Đâu rồi những cuộc ăn chơi xem tiền như rác, những lễ hội, những cổng chào, những tượng đài hoành tráng, những dự án bỏ không hàng ngàn tỷ? Tất cả cũng từ tiền dân mà có, đây là lúc đưa bàn tay giúp dân qua cơn ngặt nghèo. Như là một cách để trả nợ cho dân, trả nợ cuộc đời, là dịp để thấy cái tình, cái nghĩa với đồng bào. Sao chẳng thấy?

Sống trong thời kỳ đầy âu lo của dịch bệnh, chứng kiến nhiều bi thương nhưng cũng được nhìn thấy những nghĩa tình. Ngày lại trôi qua. Giãn cách còn đó, giới nghiêm còn đó, cách ly vẫn còn đó và con virus hàng ngày đã tiêm nhiễm hàng ngàn người. Vaccine chậm quá mà lại nẩy sinh lắm bất công và tiêu cực. Báo hôm nay đăng đình chỉ một cán bộ phường ưu ái cho người thân được ưu tiên chích vaccine ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Có lẽ trên đất nước này, chuyện như vậy chắc là không hiếm, chẳng qua không phát hiện hay bỏ qua thôi. Cho nên những người trong danh sách ưu tiên đành chờ vậy? Cũng có điều lạ là hôm qua Bộ Y tế lại đề nghi ngân sách sẽ không mua thêm vaccine nữa và thực hiện tiêm xã hội hoá. Cái vụ này tui có hơi thắc mắc. Thứ nhất là hình như, tôi nói hình như vì nhiều khi có chỉ thị mật thì làm sao dân đen như tôi biết được, là từ trước đến nay đã dùng ngân sách để mua vaccine đâu mà giờ bảo thế? Đa số vaccine đang có ở Việt Nam đều là viện trợ và của chương trình Covax. 14 triệu liều vaccine toàn viện trợ, nhà nước đã mua đâu? Hơn nữa, khi bùng dịch, nhà nước đã kêu gọi nhân dân, doanh nghiệp đóng góp thành Quỹ Vaccine, và theo báo chí thì cũng đã thu gần chục ngàn tỷ đồng, số tiền đó giờ đang nằm ở đâu và đang dùng để làm gì? Dân chịu thua, không hề biết. Bây giờ đề nghị xã hội hoá, tốt thôi, dân đang cần chích, xã hội đang cần có nhiều người chích để cuộc sống sớm bình thường hoá. Đành chịu trả tiền để được chích vậy. Cán bộ chích rồi, con ông cháu cha chích rồi, quan hệ tốt cũng chích hết rồi bằng toàn thuốc tốt. Giờ đến dân không ưu tiên thì móc hầu bao ra trả để bảo vệ sinh mạng mình thôi. Người nghèo không có cơm ăn thì tiền đâu mà chích dịch vụ, thôi đành chịu vậy. Chấp nhận nhưng cũng ức chứ!

Nếu ức thì lắm chuyện để ức. Như chuyện shipper. Khi chợ búa, hàng quán đóng cửa, xe cộ lưu thông bị khống chế thì shipper trở thành huyết mạch để hàng hoá, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được lưu thông. Không ra khỏi nhà, siêu thị thì chờ đợi rất mất thời gian mà đôi khi lại không có món hàng muốn mua thì online là tiện nhất, lợi nhất. Và lúc đó shipper là cầu mối liên lạc. Nhưng rồi chính shipper cũng gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển hàng hoá. Cấm di chuyẽn quận này qua quận khác. Thắc mắc mãi với nhau thế nào là thiết yếu. Lại thêm người mua cũng ngại tiếp xúc với những shipper vì sợ dính bệnh khi trao đổi với người lạ. Để giải quyết những khó khăn trong việc lưu thông hàng hoá, thực phẩm trong mùa giãn cách, nhà nước nên có một chính sách riêng ưu tiên và thuận lợi cho các công ty vận chuyển thông qua các shipper. Đồng thời cá nhân những người vận chuyển này được ưu tiên chích vaccine đầu tiên. Họ là người đi lại nhiều, đến nhiều khu vực, tiếp xúc nhiều người nên là đối tượng dễ dính bệnh và truyền bệnh nhất. Giảm các thủ tục cho các tài xế và xe chở lương thực, thực phẩm từ các nơi về thành phố. Trong nội đô, tạo điều kiện tốt nhất cho các shipper. Được như vậy, Sài Gòn sẽ không thiếu hàng hoá và việc lưu thông, phân phối sẽ thuận tiện hơn nhiều. Rất mong đề nghị này được giới lãnh đạo lưu tâm.

Số ca mắc virus Vũ Hán trong cộng đồng tiếp tục tăng cao nhưng các bệnh viện hiện hữu đã quá tải, thành phố gấp rút huy động lực lượng xây dựng và đưa vào sử dụng Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị virus Vũ Hán số 16 tại quận 7.

Tính đến ngày 28.7 tại TPHCM đã có 73.911 trường hợp mắc dịch được Bộ Y tế công bố. Các bệnh viện hiện đang điều trị 39.114 bệnh nhân dương tính, trong đó có 744 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay toàn thành phố đã có 815 bệnh nhân tử vong. Để tăng khả năng đáp ứng điều trị, các bệnh viện dã chiến đang được gấp rút xây dựng, đưa vào vận hành.

Tình hình vẫn buồn tênh ở con số người chết.

29.7.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ hai mươi

DODUYNGOC








GIỚI NGHIÊM VÀ NHỮNG CHUYỆN KHÁC.

Thế là Sài Gòn trải qua đêm giới nghiêm đầu tiên thời đại dịch. Đường vắng tanh, không còn một Sài Gòn, thành phố không ngủ của những năm tháng bình yên ngày cũ. Nó gợi nhớ Sài Gòn giới nghiêm của một thời chiến tranh đã đi qua hơn bốn mấy năm rồi. Nhưng giới nghiêm thời chiến khác hẳn giới nghiêm thời dịch. Giới nghiêm thời chiến tranh mang không khí bi tráng còn thời dịch thì bi thương. Hình ảnh chiếc xe gắn máy cô độc trên phố vắng nửa đêm chở theo chiếc quan tài ván đơn sơ làm nhức nhối lòng người. Nó như là một biểu tượng của đêm Sài Gòn mùa đại dịch. Đau thương, mất mát, chết chóc, chia ly và bi ai. Sẽ chẳng có nén nhang nào, cành hoa nào, tiếng kinh cầu nào, ánh nến nào cho người chết vì dịch. Xác chết bị đưa vào lò thiêu lặng lẽ không một người thân đưa tiễn. Chiến tranh cũng không đến nỗi bi đát như thế cho một người nằm xuống. Mùa dịch đã đưa đến cái chết cho hàng triệu người trên thế giới và hơn 500 người ở xứ này. Họ rời nhà trong cơn đau và trở về nhà trong hủ cốt. Chợt như nghe trong đêm tác  phẩm Requiem của Wolfgang Amadeus Mozart . Tựa như tiếng cầu hồn cho những linh hồn đã khuất qua lời ca mở đầu và đoạn kết của Requiem( Cầu siêu hay Thánh lễ cho người chết)

Requiem aeternam dona eis, Domine,

et lux perpetua luceat eis.

Te decet hymnus, Deus, in Sion,

et tibi reddetur votum in Jerusalem.

Exaudi orationem meam,

ad te omnis caro veniet.

Requiem aeternam dona eis, Domine,

et lux perpetua luceat eis.

Requiem aeternam dona eis, Domine,

et lux perpetua luceat eis,

cum santis tuis in aeternum,

quia plus es.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời

và được hưởng ánh sáng ngàn thu.

Từ núi Sion, chúng con ca tụng Chúa.

Trong đền Jerusalem phải dâng lễ vật tiến Chúa,

Xin nghe lời chúng con cầu,

xin cho mọi người được về cùng Chúa.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời

và được hưởng ánh sáng ngàn thu.

Xin chiếu ánh sáng đời đời cho các linh hồn ấy

cùng với các thánh trên chốn đời đời,

vì Chúa là Đấng hay thương xót.

Sau một thời gian dài giãn cách nhưng không hiệu quả. Con số người nhiễm bệnh càng lúc càng cao, số người chết càng ngày càng nhiều, cuộc sống gặp lắm khó khăn. Lãnh đạo thành phố cũng đã nhìn thấy sự lúng túng và khiếm khuyết của mình. Bí thư thành phố cũng đã xin nhân dân lượng thứ và người Sài Gòn mong đợi nhà nước sẽ có những biện pháp mới hơn, khoa học hơn, tích cực hơn để chống dịch chứ không phải trông chờ biện pháp giới nghiêm sau 18:00 hàng ngày. Bởi giới nghiêm chỉ là một cách làm thừa và không hiệu quả, nó không làm giảm đi số người nhiễm dịch. Khi đã giãn cách, người ra đường phải có giấy cho phép hoặc có nhu cầu chính đáng. Như vậy số người lưu thông trên đường đã giảm đi rất nhiều ngay cả ban ngày. Thế thì ban đêm còn có mấy ai cần thiết phải ra đường để mà giới nghiêm. Nếu xã hội vẫn còn mở hàng quán, tiệm ăn, quán nhậu ban ngày thì giới nghiêm ban đêm là hợp lý. Còn bây giờ tất cả đều đóng cửa ngày đêm, mọi việc bán mua đều cấm tuyệt đối thì xin hỏi giới nghiêm ban đêm có tác dụng chi không? Hay chỉ cản những người có chút máu điên thích lang thang trong đêm trên đường vắng? Sài Gòn vẫn còn nhiều người sống vỉa hè, góc phố, gầm cầu, hàng hiên, trong thời gian dài giãn cách vừa qua, họ sống nhờ những hộp cơm, gói xôi, cái bánh của những tổ chức thiện nguyện, sống qua bữa bằng sự giúp đỡ của những cá nhân, những toán người lưu động hàng đêm. Giờ giới nghiêm, nguồn hỗ trợ bị cắt đứt, những người này sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có miếng cơm vì họ chẳng có cách nào để kiếm tiền trong cơn đại dịch. Thái Lan cũng từng giới nghiêm sau 21:00, nhưng vì Bangkok và 5 tỉnh lân cận là Nonthaburi, Pathum Thani, Nakhon Pathom, Samut Prakan và Samut Sakhon các cửa hàng, quán ăn nhậu vẫn mở cửa ban ngày và vẫn có du khách. Giới nghiêm ban đêm là hợp lý. Bồ Đào Nha, một số tỉnh ở Đức hay Campuchia gần ta cũng thế, họ giới nghiêm ban đêm vì ban ngày không cấm đi lại và buôn bán. Ta đã giãn cách cực độ rồi thì chẳng cần lệnh giới nghiêm, sinh ra rách việc.

Việc làm cấp thiết bây giờ là phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine. Cho đến nay, việc tiêm chủng còn chậm quá. Số người được tiêm chủng còn ít quá. Có một bác sĩ cho rằng với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, 3 năm nữa Việt Nam mới có thể hoàn thành chỉ tiêu chích ngừa được 70% dân số. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay số người được tiêm chủng là gần 4,75 triệu liều vaccine chỉ được 5%, vẫn là nước có tỷ kệ tiêm chủng thấp nhất thế giới trong khi cũng theo Bộ Y tế, nước ta đã nhận hơn 12 triệu liều vaccine của các nước và chương trình Covax viện trợ. Nếu không khẩn trương tiến hành việc tiêm chủng, dịch bệnh khó lòng giải quyết và các con số vẫn lên cao hàng ngày. Chưa kể chúng ta không có đủ các cơ sở âm sâu để lưu giữ vaccine theo đúng nhiệt độ của các loại thuốc chủng yêu cầu. Việc hư hỏng và quá hạn có thể xảy đến gây tổn thất, thiệt hại không đáng có.

Giải pháp tiếp để giải quyết dịch bệnh là giảm tải các khu cách ly gọi là tập trung. Ta nhận thấy rằng số lớn người mắc bệnh hàng ngày đều xuất phát từ những khu cách ly này. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp để giải quyết. Những khu cách ly thiếu thốn mọi thứ, từ sinh hoạt cho đến chữa trị và nhân lực. Nó biến thành ổ dịch với hàng ngàn người không được chăm sóc và ăn ngủ kỹ càng, sức đề kháng càng yếu và virus rất dễ xâm nhập trong một cuộc sống tập thể như thế. Đã có rất nhiều tiếng kêu của những người trong khu cách ly kể cả của nhân dân lẫn đội ngũ y tế, nhưng vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Cũng đã có một số rất nhỏ được cho về nhà, họ xem mình như từ cõi chết trở về. Và cũng vì hiện trạng những khu cách ly như thế nên nhiều người nhiễm bệnh trốn khai báo để tránh vào khu cách ly, gây nguy hiểm cho cộng đồng vì không được kiểm soát. Người bị tập trung lúc nào cũng sẵn sàng để chửi, trong khi đó các bác sĩ, y tá, người phục vụ cũng đã đuối hơi và thiếu mọi phương tiện. Thế là sinh ra mâu thuẫn đáng lẽ không nên có. Đó là nỗi đau của những người có trách nhiệm và sự ấm ức của những người bị cách ly.

Hôm qua cũng có chuyện râm ran trên cộng đồng mạng. Một cô Nguyễn Hằng nào đấy lên face viết bôi xấu người Sài Gòn không biết tự lập mà kiếm miếng ăn hàng ngày mà cứ ăn đồ từ thiện của dân nghèo, mọi miền khó khăn của đất nước. Cô ta còn bảo như vậy là "nhục lắm chứ chẳng hay ho gì đâu".

Cô ta ca ngợi người Hà Nội không ồn ào chen chúc siêu thị hay ra chợ vơ vét, Hà Nội của một thời đạn bom một thời hoà bình, Hà Nội của mùa đông năm 46, Hà Nội 12 ngày đêm. Nói tóm lại là cô không ngớt lời ca tụng người Hà Nội biết lo toan , lịch sự và có truyền thống. Và Sài Gòn "nhục nhã vì phải sống nhờ từ thiện, cố lấy tấm lòng tương trợ của khắp nơi để tự che lấp xấu hổ và tự trọng". Một bài chửi khá nặng nề về Sài Gòn. Một điều khẳng định với cô này và những người có suy nghĩ như cô này là Sài Gòn chưa bao giờ mở lời xin ai cả. Đất Sài Gòn từ xưa đến nay chỉ cho đi chứ không cầu nhận lại. Người Sài Gòn cũng thế, đó là lối sống Thi ân bất cầu báo. Ngay những năm tháng khổ cực nhất, khó khăn nhất của Sài Gòn sau 1975, người Sài Gòn, đất Sài Gòn chỉ biết cho đi hoặc bị lấy đi chứ chưa bao giờ xin cũng không bao giờ được nhận. Hãy nhớ lại đi, sau khi thống nhất đất nước, người ta chỉ biết mang ra chứ có ai mang vào. Bây giờ Sài Gòn gặp khó khăn. Mà khó khăn này không phải vì thiếu thốn mà do những chủ trương không hợp lý, thiếu suy xét, thiếu tầm nhìn khiến thành phố đã có lúc phải lâm cảnh ngặt nghèo. Báo chí đôi khi vì tuyên truyền mà trở thành lố bịch và gây phẫn nộ. Đưa hình ảnh em bé mới mấy tuổi với 2 trái bí cứu trợ Sài Gòn, đưa bà mẹ già góp cân rau, con cá chỉ là mục đích tuyên truyền nhưng bất nhẫn. Đó chỉ là những hình ảnh tượng trưng nhưng biến thành phản tuyên truyền. Gây ác cảm trong lòng người đọc, người xem. Đó cũng là một lối tuyên truyền ấu trĩ và phản cảm. Người Sài Gòn không cướp những trái bí của cậu bé, không giật con cá, cân rau của bà mẹ già. Những thứ đó chỉ là tượng trưng cho những tấm lòng của đồng bào, Sài Gòn không xin vì Sài Gòn thật ra chỉ cần tấm lòng chia sẻ khi đớn đau, khi lâm bệnh chứ Sài Gòn chưa đến lúc phải cần những thứ vật chất ấy. Sài Gòn cảm tạ những tình cảm của nhân dân cả nước trong cái nghĩa đồng bào chứ Sài Gòn không cần bố thí. Người ta bảo văn tức là người, cái cô viết lên những lời ấy thể hiện tâm địa hẹp hòi, ích kỷ của kẻ ti tiện. Trong khi nhân dân mình, đồng bào mình đang đau đớn vì tật bệnh thì lại có người viết lên những lời đắc thắng, hả hê, sung sướng và tự mãn. Đó là một thứ tội ác. Thú vật còn quan tâm đến nỗi đau của đồng loại thì tại sao lại có kẻ mang lốt con người mà lại tệ bạc đến thế? Vẫn biết đó chỉ là thiểu số nhưng cách thể hiện như thế cũng là suy nghĩ của một số người. Sài Gòn bao dung, Sài Gòn độ lượng, đất Sài Gòn rộng mở cho muôn phương nhưng Sài Gòn cũng khó tha thứ những kẻ nào nhục mạ Sài Gòn, những kẻ sống bám Sài Gòn mà ăn cháo đá bát, Sài Gòn cũng không ưa cái kiểu cho một ít mà nổ vang trời, kể lể khắp nơi. Sài Gòn biết ơn nhưng Sài Gòn cũng biết phẫn nộ. Cái kiểu viết:" mấy thằng miền Nam nghèo rách ăn bám tiền viện trợ của bọn tao, giờ thì chịu chết đi con...." không phải là lối viết, lối nói của người Việt. Đó là kiểu ngạo nghễ, kiêu ngạo của lũ súc vật đội lốt người, vui mừng, hân hoan, nhảy múa trước nỗi đau của đồng loại. Đúng ra cũng không nên đối thoại và nhắc đến chúng cũng như không nên dính với phân, với rác rưởi. Thế nhưng cũng nên có một đôi lời để mọi người cùng biết bộ mặt thật sự của chúng, những kẻ không đồng chủng. Một bài viết của một cô nàng MC ưỡn ẹo về đoàn sinh viên Hải Dương bị Bộ 4T đòi đưa giấy phạt. Xin hỏi các ngài ở cái Bộ ấy những bài viết thế này có đáng bị cảnh cáo và phạt tiền không? Hay là các ngài cũng đồng tình và vỗ tay?

Sáng nay cũng vừa xem được một clip của "Tin mới hôm nay" ghi lại cảnh một anh shipper bị phạt vì đi đường giao một cục charge điện thoại cho khách. Anh công an cho rằng đây không phải là vật thiết yếu nên phạt. Lại trở lại với cái chữ này. Chính cái chữ thiết yếu được hiểu mông lung mà sinh ra nhiều chuyện. Tôi đã từng giải thích rằng những thứ cần thiết để phục vụ cho đời sống con người đều gọi là những thứ thiết yếu. Trong khi giãn cách như thế này, cái điện thoại chính là vật dụng để có thể liên lạc với thế giới bên ngoài. Mua hàng online, liên lạc y tế, gọi cấp cứu, nhận tin xét nghiệm, chích ngừa, nghe yêu cầu của phường, của quận, theo dõi tin tức, liên lạc với gia đình...đều cần đến điện thoại. Nếu vì lý do nào đấy mất điện, máy hết pin thì cục charge chính là cứu tinh, là nguồn điện cho máy được tiếp tục hoạt động, không có cục charge thì lấy gì mà dùng. Vậy thì nó thiết yếu chứ! Sao lại bảo nó không cần. Cứ máy móc thiết yếu chỉ là cơm, là gạo dầu mắm muối thì còn cãi nhau hoài. Thông minh một chút đi, động não một chút đi, thưa quý vị.

Trưa 27/7, HCDC cho biết, trong ngày 26/7, TP. HCM hiện đang điều trị 37,714 bệnh nhân dương tính, trong đó, 696 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Cộng dồn đến nay có 698 bệnh nhân tử vong.

Theo HCDC, thành phố khoanh vùng, giám sát 38 chuỗi lây nhiễm, đồng thời phát hiện thêm 1 chuỗi lây nhiễm virus Vũ Hán mới tại một khu dân cư ở quận Tân Bình.

Con số vẫn nhảy múa chưa dừng lại, vẫn còn lắm nỗi lo.

27.7.2021

Sài Gòn ngày lockdown thứ mười chín.

DODUYNGOC





Sài Gòn hôm nay vắng hơn mọi hôm, các lực lượng vẫn có mặt trên các chốt chặn.

Vừa xem một clip không biết quay ở quận nào nhưng chắc chắn là ở thành phố này. Một bà trung niên chở một đứa con khoảng năm, sáu tuổi đi ngang qua một chốt chặn của dân quân và công an. Bà không trình được một giấy tờ gì nhưng dứt khoát muốn vượt qua chốt. Anh em thi hành phận sự ở chốt rất ôn tồn và nhẹ nhàng giải thích rồi yêu cầu bà quay xe lại. Thế nhưng bà ta không chấp hành mà chửi như tát nước vào mặt những người đang làm việc. Bà ta khoe gia đình bà là Việt Cộng từng hoạt động ở thành phố này và có 2 liệt sĩ. Thú thật là tôi cũng công nhận những anh em có bổn phận ở đây nhẫn nhịn thật. Theo tôi, những người như thế này nên đưa về đồn giải quyết, không thể nhỏ nhẹ như thế được. Bà ta không nói lý do bà đi ra đường mà chỉ chửi. Tuy nhà nước yêu cầu nhân dân hạn chế ra đường, nhưng những trường hợp có lý do chính đáng hoặc có giấy cho phép di chuyển thì cũng chẳng ai làm khó dễ. Nếu đủ điều kiện như thế mà bị các chốt chặn cản trở thì phản ứng là hợp lý rồi. Nhưng trong trường hợp của bà này thì rõ ràng bà không có lý do chính đáng để ra đường, nhưng vẫn bướng bỉnh cho rằng đường này là do tiền bà đóng thuế mà có, bà có quyền đi, không ai có quyền ngăn chận bà. Bà bảo những người có phận sự ở đây là một lũ cướp. Cách nói năng như người có vấn đề trí não vậy hay là bà đang bị ẩn ức mà tuôn ra như thế. Thế mới rõ là để đối phó với dịch bệnh lan tràn mà lý luận như bà này thì hết thuốc chữa. Nhiều chỗ thì anh em dân phòng lạm dụng quyền lực quá, ra oai quá, làm khó người dân quá. Lại có nơi người dân lại thiếu ý thức như người đàn bà này. 

Tình hình càng lúc càng căng, dù hôm qua số người bị nhiễm giảm nhưng con số vẫn còn cao. Nếu người dân cứ tiếp tục không tuân theo những biện pháp của thành phố đưa ra thì làm sao có thể dập được dịch. Cuộc sống của người dân, sinh hoạt của một thành phố lớn như Sài Gòn, hoạt động của nhiều doanh nghiệp, nhà máy không thể kéo dài như thế này mãi. Muốn sớm trở lại cuộc sống bình thường không chỉ có trách nhiệm của những người đứng đầu thành phố mà còn rất cần ý thức chấp hành của mọi người. Đã đành là giãn cách với giới nghiêm kiểu này khiến cho cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị xáo trộn ghê gớm. Chưa kể những bực bội, những ức chế phát sinh. Thế nhưng trong hoàn cảnh như thế này, mọi người nên hi sinh thói quen, chịu đựng những bực bội để chúng ta sớm trở lại cuộc sống bình thường. Hàng ngày, biết bao nhân viên y tế, bác sĩ, tình nguyện viên đang trực tiếp chiến đấu với virus. Họ cũng có gia đình, con cái, cha mẹ. Họ cũng sợ bị lây nhiễm, họ cũng sợ chết như tất cả mọi người. Nhưng họ cắn răng chịu đựng trong tình cảnh khắc nghiệt và thiếu thốn mọi bề. Mỗi lần ta khó chịu, ta cảm thấy bị tù túng, bị ức chế vì giãn cách, ta hãy nghĩ đến họ, nghĩ về những hi sinh của họ để thấy ta còn được hạnh phúc bên gia đình, vợ con và người thân. Mỗi khi ta mệt mỏi vì bị giam lâu ngày trong nhà, hãy nghĩ đến những người đã chết vì dịch bệnh, quấn trong mấy tấm vải liệm và đem thiêu. Không một lời tiễn đưa, không một người thân gặp mặt, không một ánh nến, không một nén nhang, không một nhánh hoa tiễn biệt và trở về nhà trong hũ cốt. Và sắp tới, con số tử vong sẽ không ngừng lại. Nghĩ được như thế, ta cố gắng vui vẻ chấp hành, tạm quên những thói quen để thành phố sớm hết dịch, thành phố trở lại an vui.

Trong ngày hôm qua, Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị lực lượng công an, quân sự và chính quyền địa phương phải tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24h; đồng thời kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại các khu dân cư, trên đường phố và xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí tạm giữ hành chính nếu chống đối lực lượng chức năng. Các cá nhân vi phạm quy định, gây lây lan dịch, cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

"Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm giải quyết phản ánh của người dân, dẫn đến dịch lây lan tại nơi mình quản lý".

Cũng trong ngày qua, Bí thư thành phố Nguyễn Văn Nên cũng đã có một số nhận định khá chân thật và ông cũng đã công nhận thành phố cũng đã có lúc bối rối, lúng trúng trước sự bùng phát quá dữ dội của dịch bệnh. Ông Nên cho rằng trước diễn biến phức tạp của dịch, không thể tránh khỏi những bị động, lúng túng, hạn chế, khuyết điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện. Việc giãn cách của người dân có lúc có nơi không nghiêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch.

Tất cả công sức, hy sinh những ngày qua chỉ nhằm mục tiêu tối thượng là giữ mạng sống con người, giảm tỉ lệ tử vong, bảo vệ hệ thống y tế không bị suy kiệt. Đồng thời bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, hệ thống an sinh xã hội, không để gánh chịu một di chứng lâu dài, để TP sớm trở lại nhịp sống bình thường mới.

"16 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ". 

Một lời xin lỗi nhận khuyết điểm của người đứng đầu thành phố đã cho thấy lãnh đạo đã có suy nghĩ khác hơn, tư duy khá hơn trong công cuộc ngăn chận đại dịch. Dân Sài Gòn dễ giận trước bất công, sai trái nhưng người Sài Gòn cũng rất bao dung và rộng lượng. Lãnh đạo đã thấy được khuyết điểm của mình thì dân mong sao thành phố sẽ có những biện pháp, những chính sách hợp lý hơn, khoa học hơn, hợp lòng dân hơn để dân Sài Gòn cùng sánh vai với nhà nước chung sức dập dịch.

Mọi nghị quyết, khẩu hiệu đã không có tác dụng gì với con virus. Người dân bây giờ chỉ nóng lòng được chích vaccine. Trước nhất khi được chích, người dân sẽ an tâm hơn, tự tin hơn trước biến chủng Delta của con virus Vũ Hán. Chứ tiến trình chích ngừa quá chậm và rề rà như bây giờ thì dân không đồng tình. Hàng ngày nghe, thấy những đối tượng không được trong diện ưu tiên nhưng được chích sớm và chích thuốc tốt, lòng dân bất bình, không yên. Dân có thể chờ đợi vì thiếu thuốc chứ không chấp nhận được sự bất công, thiếu công bằng. Số lượng vaccine phân phối đã không hợp lý rồi lại thêm những khuất tất trong việc tiêm chủng làm dân phẫn uất. Đóng góp nhiều nhất mà lại được phân phối thiếu thốn không bằng những nơi khác đã khiến cho người ta rất khó chịu, giờ lại phải đợi chờ không biết bao giờ đến lượt trong lúc con virus lởn vởn chung quanh lấy mạng bất cứ lúc nào. Bực quá đi chứ!

Mấy hôm nay, hàng hoá, thực phẩm có vẻ bớt căng thẳng chắc là nhờ có cách thông đường để những mặt hàng cần thiết đến được nơi cần đến. Nhưng cũng đã xuất hiện những lời phàn nàn các chốt chặn ở những khu vực dân cư bị cách ly làm khó dễ khi gởi hàng vào, có nơi lại còn nghe phải chung chi thì hàng mới được đến tay người nhận. Hi vọng là những lời đồn đãi này không có thật. Các lãnh đạo cấp phường, cấp quận mà dung túng cho những kẻ lợi dụng nhiệm vụ mà đem cách xử sự của giang hồ bến bãi với dân thì phải chịu trách nhiệm để có thể chấm dứt tình trạng kiêu binh này.

Có lẽ đã đến lúc không nên liệt kê từng thứ cho phép người đi ra đường để mua. Cũng nên quan niệm như ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là không cần phải có bản danh sách các mặt hàng thiết yếu, phiền hà và tốn thì giờ. Bởi đời sống không chỉ là gạo, cơm, rau cá. Đã gọi là thiết yếu thì tất cả những gì phục vụ cho đời sống và sinh hoạt của con người cũng đều là mặt hàng thiết yếu. Từ điển cũng giải thích rõ ràng nghĩa của thiết yếu là rất cần thiết và không thể thiếu được như nhu cầu thiết yếu, mặt hàng thiết yếu. Giãn cách dài ngày, con người còn có những nhu cầu cần thiết không khác chi gạo, rau, thịt cá. Lâu ngày, bữa cơm cũng phải thay đổi món ăn. Bánh giò, bánh chưng, chả lụa, chả bò, gói bún, gói miến, bánh mì hay chai nước rửa chén, nước chùi bàn cầu cũng là thiết yếu chứ, sao lại cấm rồi phạt. Rồi bao cao su, tã cho trẻ con, bỉm cho người già, chai dầu gió cho người bệnh có thiết yếu cho đời sống không? Một đôi hôm thì còn chấp nhận thiếu được chứ kéo dài cả tháng như thế này mà cứ đóng khung một số mặt hàng gọi là cần thiết để cho phép ra đường mua sắm thì không hợp lý hợp tình chút nào. Cũng đành phải có chế tài, cảnh cáo, đóng phạt khi có người vi phạm. Nhưng không nên vì mục đích thu tiền là chính. Cũng không nên phô trương trên báo chí, truyền thông số tiền thu được của người dân vi phạm. Mục đích chính là ngăn người ra đường không lý do chứ không phải mục đích của giãn cách là thu được 35 tỷ chỉ trong một đợt giãn cách. Nghe nó trật mục đích rồi. Và nghe cũng phản cảm lắm, ai cũng nghĩ là chặn đường để kiếm tiền. Đôi khi trong những lúc thế này, hướng dẫn, giúp dân ý thức là điều quan trọng dù những người thiếu ý thức và ngoan cố cũng không phải là không có. Những kẻ cố tình vi phạm lại chống đối thì phải phạt thật nặng nhưng nhiều trường hợp thì cũng nên lấy tình mà xử cho trọn lòng đôi bên. Với tình trạng dịch bệnh như thế này, thời gian giãn cách, phong toả sẽ còn dài, đời sống sẽ cần thêm nhiều nhu cầu hơn. Cho nên các biện pháp, chính sách cần nghiêm ngặt nhưng cũng phải linh hoạt để tránh được những ngày căng thẳng dễ đưa đến mâu thuẫn giữa đôi bên. Xứng đáng là thành phố văn mình, lịch sự như nó đã từng có.

Một vấn nạn liên quan đại dịch virus Vũ Hán liên tục tăng là những tin giả, tin nhảm xuất hiện càng lúc càng nhiều. Tin giả đang khiến các nỗ lực của nhà nước và giới y tế chịu tác động tiêu cực, mặt khác có thể khiến người dân gặp nguy hiểm về sức khỏe.Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã liên tục nhấn mạnh tin giả đang giết người khi Mỹ đương đầu với cuộc chiến chống virus Vũ Hán. Tin giả, bài thuốc giả tràn ngập trên các mạng, trên face và cả trên báo chí khắp thế giới. Việt Nam cũng không thiếu. Những bài như "Mọi người ơi, mình có thuốc Nam trị COVID-19…”. hay "Ăn trứng gà chữa được dịch COVID-19”. Rồi hít dầu xanh, dùng máy sấy tóc thổi vào mồm cho chết virus. Lại có tin mà nhiều người dễ làm theo là các nhà khoa học Singapore đã giải phẫu các xác chết vì dịch bệnh và phát hiện toàn mạch máu đều bị các cục máu đông. Do vậy ta có thể điều trị virus bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu như Aspirin. Dân tình truyền nhau tin này như vết dầu loang. Cũng xuất hiện nhiều bài thuốc hướng dẫn dùng lá, rễ cây, gan heo, ruột bò, nội tạng động vật trong sách đỏ. Cũng có bùa chú để kháng virus. Bài nào cũng viết như mình từng là bệnh nhân, là người trong cuộc. Lại giới thiệu là thuốc cổ truyền, nhiều đời là lương y, bác sĩ. Những bài viết thế này thu hút nhiều người tin theo khi ai cũng biết rằng hiện nay trên thế giới chưa hề có loại thuốc nào chữa được bệnh này.

Nhiều bài viết được cho là của các Viện khoa học chuyên nghiên cứu vaccine, là công trình của các nhà bác học với nội dung như: “Virus SARS-CoV-2 chỉ gây bệnh cúm thường, trong khi vaccine thật ra lại là chất độc”; “vaccine có thể khiến phần lớn phụ nữ có thai bị sảy thai”; “vaccine Trung Quốc có thể khiến người tiêm bị theo dõi, điều khiển”; “người tiêm vaccine phần lớn có thể thiệt mạng vì bị đông máu”; hoặc “tiêm vaccine có thể bị nhiễm bệnh vì virus bất hoạt trong vaccine có thể “sống lại””.

Có nơi lại phao tin uống rượu với nồng độ cao có thể giết chết virus, hay uống nước sát trùng, nước rửa tay sẽ làm con virus chết ngắc. Hoặc ngâm cà độc dược với rượu uống sẽ ngừa được dịch. Và kết quả là 800 người chết, 60 người trở nên mù lòa và gần 5.900 người nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu để phòng bệnh ở Iran. Và 12 người bị nhiễm độc khi uống rượu cà độc dược ở Ấn Độ. Những tin này trích theo công bố của tạp chí The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene (Mỹ).

Vừa rồi, Bộ Y tế Việt Nam cũng thu hồi công văn liên quan đến 12 loại thuốc đông y phòng chống Virus Vũ Hán vì lý do các loại thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu không phù hợp.

Để bảo vệ tính mạng của mình và người thân, ta không nên tin vào những hướng dẫn và các bài thuốc phản khoa học. Không nên tin và làm theo các lời đồn. Đại dịch diễn ra trên toàn thế giới, nhiều nước bỏ ra hàng tỷ đô la để nghiên cứu và tìm ra thuốc chữa mà vẫn chưa xong thì làm sao những thứ tào lao trên mạng mà có thể diệt được virus. Khi bị dương tính, theo thống kê có khoảng 85% là bình thường như cảm cúm, 10% có dấu hiệu của bệnh và 5% có thể tử vong nếu bệnh nhân có bệnh nền. Như thế, nhiều người mắc bệnh nhưng nằm trong 85% thì không cần chữa hoặc chỉ uống thuốc cảm cúm, thêm vitamine hàng ngày thì bệnh tự khỏi. Thế nhưng nhiều người trong số đó lại uống cây này, lá nọ, làm thêm một số phương pháp chữa bệnh cổ truyền rồi tin nhờ đó mà hết bệnh nên tuyên truyền tùm lum đến mọi người. Có dính dịch là phải xét nghiệm, có bác sĩ khám và theo dõi, điều trị. Cứ tin vào những tin nhảm thì chỉ mang hoạ vào thân và có khi mất mạng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế sáng nay 26. 7 có 2.708 bệnh nhân mắc mới với 2.704 trường hợp ghi nhận trong nước, 4 ca nhập cảnh. Tổng số mắc tại Việt Nam đã có 101.173 người. Trong đó sáng nay thành phố có 1.714 ca.

Vẫn chưa có tín hiệu gì mang lại mừng vui.

26.7.2021

Sài Gòn ngày lockdown thứ mười tám

DODUYNGOC







CHUYỆN LINH TINH.

Đọc trên trang face của một cô em đang làm thiện nguyện ở những khu cách ly và bệnh viện dã chiến mà đau lòng. Một bé 2 tuổi cùng mẹ là F0 bị đưa vào bệnh viện được mấy hôm. Người mẹ chết bị bó xác đem thiêu và không biết rồi em bé sẽ sống sao đây? Đọc những lời kể của những người trong cuộc, đang hàng ngày trực tiếp với những người bị cách ly, đang nằm trong bệnh viện mới thấy hết sự tàn khốc và đau thương của virus Vũ Hán đối với con người. Sống chết chỉ là một gang tấc. Khi con số tử vong được công bố lên đến gần 500 người, ta mới thấy sự khủng khiếp của cơn dịch đến với chúng ta. Thế mà, oái ăm thay, có những người đã và đang nằm trong lằn ranh sinh tử ấy vẫn không buông được lòng tham. Hôm qua, thành phố xét và giải toả một số lượng ca F0, F1 được về nhà và theo dõi tại nhà. Trước đây, khi đến khu cách ly, họ bị thiếu thốn nhiều phương tiện và đồ dùng sinh hoạt. Những nhóm thiện nguyện đã bỏ tiền túi, ngược xuôi trong thời giãn cách để mua được những xô, thau, ấm siêu tốc, quạt máy....phụ với những vật dụng hiếm hoi của khu cách ly cung cấp chỉ với mục đích là giúp những người đang được điều trị ở đây có phương tiện sinh hoạt tốt hơn, thoải mái hơn. Như vậy, những vật dụng này là của tập thể, không cho riêng một ai. Thế mà, khi được cho phép rời khu cách ly, rất nhiều người gom góp những vật dụng này làm thành của riêng  và thoải mái mang về nhà như là chiến lợi phẩm. Lòng tham khiến cho những người chứng kiến cảm thấy ngao ngán. Họ vừa rời cõi chết nhưng vẫn chất chứa lòng tham dù chỉ là những vật dụng nhỏ nhặt. Rồi những người còn ở lại và những người đến sau lại lâm vào cảnh thiếu thốn.  Lòng tham lam và sự ích kỷ của con người khiến cho tình cảnh của dịch bệnh càng phủ thêm màu đen tối. Chắc chắn cái ấm nấu nước, cái xô, cái chậu họ lấy về cũng không giúp họ giàu hơn hay thay đổi cuộc sống của họ. Nhưng hành động chỉ nghĩ đến bản thân mình, tham những thứ không phải của mình khiến cho nhiều người bất nhẫn. Hãy đọc một đoạn trong status của cô này để hiểu tâm trạng của họ: 

"Hôm nay có nhiều người được xuất viện về ...mà trong số đó cũng có người khiêng luôn quạt,ấm đun siêu tốc mang về..

Tôi khóc vì tức nghẹn, tôi khóc vì Bạn tui trong đó đành bất lực xin lại mà các người không cho.

Tôi khóc vì các Bạn tui,dù thất nghiệp vẫn móc những đồng xu cuối để gởi cho nhóm,mua từng cây quạt,cái ấm vì sợ trong đó trời oi nóng không chịu được ,hay không đủ nước ấm để uống thuốc..

Tôi khóc vì sự ích kỷ đến nhẫn tâm như thế này. 

Tôi khóc vì chúng tôi không còn tiền để mua ấm mới ,quạt mới cho người đến sau."

Cũng hôm qua nhìn thấy những tấm ảnh của những người lao động từ nhiều miền xa xôi tha hương vào miền Nam kiếm sống. Dịch kéo dài, nhà máy đóng cửa, không có việc làm để có cơm ăn. Xe cộ trong thời giãn cách cũng không hoạt động mà cũng chẳng có tiền để mua được cái vé về nhà. Thế là quy hương bằng những chiếc xe gắn máy. Họ đi thành từng đoàn, khoẻ đi, mệt nghỉ, ăn ngủ lăn lóc bờ bụi mong được về nhà. Những tấm ảnh đau lòng. Biết bao giờ dân ta mới hết khổ. Nào rừng vàng biển bạc, nào tổ quốc bao giờ đẹp như hôm nay, nào chỉ số hạnh phúc của dân Việt nằm top cao của thế giới, nào cơm no, áo ấm, nào công bằng, hạnh phúc. Tất cả bị xoá sạch khi nhìn những người công nhân lăn lóc bên vệ đường khi trên đường trở về quê. Cuộc sống khốn khó cứ vây quanh đời họ, bế tắc không lối thoát. Bình thường đã là khổ lắm rồi, giật gấu vá vai, kiếm được đồng lương không phải dễ dàng chi, giờ thêm dịch vật lại càng khốn khó hơn nhiều nữa. Dắt díu nhau về quê là con đường chẳng đặng đừng nhưng họ đành phải chọn lựa. Bao nhiêu cổng chào, bao nhiêu tượng đài, bao nhiêu dự án hàng ngàn tỷ, những công trình không biết bao nhiêu là tiền làm lễ om xòm rồi bỏ hoang phế, bao nhiêu lễ hội, họp hội vô bổ ngốn ngân sách một cách vô ích, cũng biết bao nhiêu cán bộ tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng, bao nhiêu công trình vẽ trên giấy để rút ruột ngân sách. Chính đấy là những lý do mà người dân phải đành tha phương cầu thực, ruộng vườn, biển cả chẳng còn chi để sống, cũng chính những thứ đó đã khiến cho người dân nghèo mãi trong khi một số người quyền cao, chức trọng sống xa hoa như lãnh chúa, nhà cửa, biệt thự, xe cộ, vàng bạc, châu báu, hột soàn, đô la ngập mặt. Bất công và hố sâu ngăn cách giàu nghèo, giữa dân với quan càng lúc càng rộng ra, càng sâu hơn.

Con số người nhiễm dịch và tử vong càng ngày càng cao. Ai cũng biết chỉ có vaccine mới giải quyết được cơn dịch này. Và vaccine là nỗi trông đợi của hàng triệu người Việt hiện nay. Chúng ta đang sử dụng toàn hàng viện trợ. Thuốc của Mỹ như Pfizer, Moderna đòi hỏi điều kiện lưu trữ rất nghiêm ngặt. Nghe nói phải âm 75độ C. Theo báo cáo của hệ thống tiêm chủng VNVC thì hệ thống này rất tự hào là hệ thống tiêm chủng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có kho bảo quản vaccine âm sâu đến -86°C, tại mỗi kho lạnh âm sâu đều có một kho rã đông được kiểm soát nhiệt độ luôn dưới 8oC để đảm bảo vaccine được rã đông an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Cũng theo báo cáo, với sức chứa mỗi tủ gần 100.000 liều vaccine, 3 kho lạnh âm sâu của VNVC tại khu vực TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng với 30 tủ âm sâu (18 tủ tại TP.HCM, 5 tủ tại Đà Nẵng và 7 tủ tại Hà Nội) có thể lưu trữ lên tới 3 triệu liều vaccine cùng lúc.

Thế nhưng, cũng trên báo chí chính thống của nhà nước như VTV trong chương trình thời sự lại cho rằng:" Vấn đề khó khăn nhất hiện nay của Hà Nội là không có hệ thống kho lạnh bảo quản các loại vaccine như Pfizer và Moderna có nhiệt độ âm sâu. Năng lực tối đa của cả hệ thống cũng chỉ bảo quản được gần 1,3 triệu liều vaccine với nhiệt độ từ 2-8 độ C. Điều này sẽ gây khó khăn khi số lượng vaccine về lớn và nhiều loại". Bỏ mẹ rồi, Hà Nội mà còn thế thì Sài Gòn lấy chi mà bảo quản. Đồ người ta cho mà lại không có điều kiện để giữ, có thể đưa đến hư hỏng thì quá phí trong khi dân đang chờ đang đợi. Đọc tin lại thêm lo. Lỡ như vaccine vì không bảo quản tốt, nó hư rồi đem ra chích thì sao ta? Phải lo chứ. Mà sao cái vụ tiêm vaccine này rề rà quá, một ngày thấy chẳng chích được bao nhiêu người. Kiểu này thì bao giờ mới chích đủ như chỉ tiêu đưa ra là 70% dân. Hay là phát cho mỗi người một liều đem về tự chích cho nó xong cái chỉ tiêu chứ để mà không bảo quản tốt được thì phí quá là phí. Nói thế thôi chứ chuyện tiêm chích này không đơn giản đâu, làm sao mà tự chích như chích ma tuý được. Khó xử à! Mà thôi, ai chích được thì mừng. Nếu xã hội chích hết cả, ai cũng có kháng thể thì dù mình không được chích cũng chẳng có gì phải lo vì lúc đó con virus đã đầu hàng rồi còn đâu.

Bình thường lúc nào mọi người cũng mong tăng trưởng với con số đi lên. Riêng cái vụ virus Vũ Hán này, chỉ mong con số đi xuống càng sâu càng tốt. Hi vọng bắt đầu ngày mai, những con số lạnh lùng đầy đe doạ ấy sẽ chỉ còn là con số lẻ. Mong thay! 

25.7.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ mười bảy

DODUYNGOC






LẠC QUAN ĐỂ TỒN TẠI???

Thành phố lại tiếp tục bị phong toả, nghiêm ngặt hơn nhưng những con số vẫn theo đường đi lên không biết bao giờ mới xuống thành biểu đồ parabol. Đọc trên mạng, xem clip, đọc tin nhắn của bạn bè và ngay cả khi xem báo chí chính thống. Toàn những chuyện không vui, toàn những thứ làm cho người ta bi quan. Mới tức thì đọc trên face của một cô MC lúc nào cũng nhí nhảnh, lúc nào cũng tươi cười khoe dáng, trình diễn áo quần thời trang một status thế này: "Chú tôi sốt 4 ngày liên tục ko một ai hỏi han. Không một viên hạ sốt. Ngày chú tôi về nhà chỉ là nắm tro nằm trong hủ. Còn bao nhiêu người chết ở KCL nữa các người mới dừng việc vô nghĩa này lại ?!". Cũng không muốn nhắc chuyện buồn nữa, tìm những chuyện vui để lạc quan thêm một tý, để có thêm chút nụ cười giữa những ngổn ngang. Nhưng khó quá. Thấy trên báo cũ có tin nói người hút thuốc lá khó bị virus tấn công hơn. Không tin nhưng cũng đọc và đưa thành một cái status để cho vui, để tìm chút thắng lợi tinh thần vì tôi cũng là dân nghiện thuốc lá nặng. Tìm xem những clip giúp người nghèo trong cơn hoạn nạn của những ngày phong toả để thấy đời vẫn còn đẹp với những tấm lòng. Nhưng rồi lại quá xót xa cho những thân phận. Vẫn còn có những hình ảnh khoe giàu, khoe ăn chơi, khoe thân thế con ông cháu cha, khoe những ưu tiên mà mình có được nhờ những quan hệ. Nhưng cũng vẫn còn đó hình ảnh của anh thanh niên thất nghiệp thiếu ăn, không còn tiền để sống. Vẫn còn đó ông lão bò ra đường xin ăn, mấy mẹ con chở nhau bằng xe đạp về quê xa tít cả ngàn cây số. Vẫn còn đó những gia đình công nhân mất việc làm đành ngồi chờ hộp cơm cứu trợ, hộp cháo cho con nhỏ của những người thiện nguyện. Vẫn còn đó cảnh nheo nhóc, thiếu mọi tiện nghi của những người bị vào khu cách ly. Vẫn còn đó những con ngõ bị bao vây bởi những vòng thép gai như công sự thời chiến. Vẫn còn đó hình ảnh người bác sĩ kiệt sức nằm dài trên sàn nhà sau thời gian quá dài chiến đấu cứu chữa cho người dịch bệnh. Vẫn còn đó một thành phố đìu hiu dưới ánh đèn hiu hắt trong cơn mưa tối qua khi tôi nhìn xuống đường, còn đâu một Sài Gòn nhộn nhịp đầy sức sống của những ngày cũ. Tất cả hiện ra trước mắt nên dù có muốn lạc quan một chút, thắp lên một niềm tin cũng khó với hiện thực.

Cho đến nay, Sài Gòn đã có 3.057 điểm phong tỏa, trong đó TP Thủ Đức có gần 500 điểm phong tỏa, quận 8 có 313 điểm, huyện Hóc Môn 262 điểm, quận 12 có 232 điểm... Trong số các địa phương, TP Thủ Đức có số điểm phong tỏa nhiều nhất với gần 500 điểm. Nơi đây cũng có nhiều phường phải phong tỏa hoàn toàn để chống dịch, với tổng cộng 12 phường tính đến 16h ngày 21.7. Trong đó, phường mới nhất bị phong tỏa là phường Tam Phú rộng khoảng 311ha với dân số khoảng 30.400 người, phong tỏa từ 12h ngày 20.7.

Trong khi đó, UBND quận Bình Thạnh cũng vừa có thông báo quyết định phong tỏa toàn bộ phường 19 từ 0h ngày 22. 7 đến khi có thông báo mới. Phường 19 có hơn 19.000 dân. Nơi đây có các cụm khu vực đông dân như chung cư Phạm Viết Chánh, chung cư Nguyễn Ngọc Phương, chợ Thị Nghè...Nếu nhìn trên bản đồ phong toả của thành phố, ta có cảm tưởng Sài Gòn đã bị vây hãm, không đường cựa quậy. Có lạc quan được chăng?

Theo thông tin của Thông Tấn Xã Việt Nam, virus Vũ Hán đang dẫn đến những thay đổi lớn với ước tính thiệt hại về kinh tế toàn cầu lên tới 28.000 tỷ USD tính tới năm 2025.

Với những hậu quả nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu như vậy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho toàn bộ việc này? Ai có lợi trong cơn đại dịch làm xáo trộn cả thế giới? Cho đến giờ, chẳng có ai trả lời được câu hỏi này. Nghĩ đến tương lai hậu cơn đại dịch cũng khó mà lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam và cả thế giới.

Một cô học trò cũ giờ là một bác sĩ hôm qua điện cho tôi nói rằng nguy hiểm nhất là việc xét nghiệm tầm soát. Việc này có cái lợi là phát hiện được F0 trong cộng đồng, tuy nhiên trong quá trình xét nghiệm có một chi tiết rất nguy cần lưu ý là chiếc găng tay của lực lượng xét nghiệm. Chi tiết này tôi cũng đã nhìn thấy, có suy nghĩ mà chưa tiện nói. Về nguyên tắc, không nên sử dụng một chiếc găng tay y tế đấy suốt quá trình xét nghiệm. Bởi khi chọc que vào họng hay vào mũi của người được xét, nhân viên y tế thường se đầu que, tay để sát mũi người được xét, hơi thở của họ chắn chắn thở vào găng tay. Găng tay tiếp xúc trực tiếp vào hơi thở, mũi và họng của người được xét nghiệm. Chỉ cần trong số đó có một người đang là F0, nói như một lãnh đạo thành phố, trong lúc này ai cũng có thể là F0. Thế là virus sẽ dính vào găng tay của nhân viên xét nghiệm và suốt buổi hôm đó, ai qua tay người này đều có thể dính virus. Có cách nào để thay đổi quá trình này không? Nếu cứ sau khi xét một người lại thay găng tay thì quá tốn kém và mất thời gian. Hay là ta chồng thêm một bao tay nhựa thông dụng rẻ tiền thường dùng cho các bà nội trợ, bán hàng ăn dùng một lần rồi bỏ. Vừa giải quyết được việc lan truyền virus mà giá cũng chẳng tốn bao nhiêu. Được như thế, người được xét nghiệm bớt lo âu mà tình trạng lan truyền virus cũng bị hạn chế phần nào. Con virus biến thể Delta này lây nhiễm rất nhanh, chỉ cần mấy giây tiếp xúc đã có thể dính bệnh. Nếu cứ tiếp tục xét nghiệm theo lối cũ với chiếc găng tay không được thay, nguy cơ truyền nhiễm rất cao.

Ngày đầu tiên giãn cách nghiêm, mà dân mạng đặt tên là 16 plus hay 16+, theo lãnh đạo thành phố sẽ tăng cường, siết chặt hơn nữa tình trạng giãn cách. Thế nhưng vẫn còn nhiều người dân xem thường những chỉ thị của nhà nước. Vẫn có người đạp xe thể dục với lý do ở nhà cuồng cẳng, có người bảo đến một địa chỉ khác để chăm sóc cho mấy con chó, người thì buồn quá đi long nhong chơi nghĩ là chẳng hại đến ai, người thì đi chục cây số để mua mấy trứng vịt....Xem một clip quay sáng nay ở một chốt tại quận Phú Nhuận mà ngao ngán với mấy người này. Bộ phận thi hành rất ôn tồn, nhỏ nhẹ giải thích với những người vi phạm và dưới comment, ai cũng đồng tình với cách giải quyết của trạm này. Rất nhiều người lên án những người ra đường không lý do hay những lý do vớ vẩn. Ai cũng muốn dịch sẽ được chấm dứt nhưng vẫn còn những người không tuân thủ lệnh giãn cách như thế này thì ngày yên bình sẽ còn xa lắm. Sau những đụng chạm không ai muốn giữa lực lượng thi hành và những người vi phạm bị cộng đồng phê phán. Lực lượng có trách nhiệm có vẻ đã mềm mỏng hơn, tế nhị hơn và lịch sự hơn đối với những trường hợp vi phạm. Không biết trên các chốt chặn khác ở thành phố có được vậy không? Đó cũng là một bước tiến đáng ghi nhận. Và những người dân chúng ta, nếu không có những nhu cầu thật sự để đi ra đường thì cũng nên cố gắng ở nhà, giữ cho mình cũng là giữ cho cộng đồng để sớm chấm dứt dịch bệnh. Trong cơn khủng hoảng dịch bệnh trước đây ở các nước Âu châu và Hoa Kỳ, người dân cũng phải chấp nhận tuân thủ lockdown thôi. Vẫn biết tình trạng xã hội ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt với các nước và chính phủ chưa lo hết được cho dân trong những ngày phong toả. Nhưng tuân thủ theo những yêu cầu cũng là một cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để chống dịch.

Đọc trên face của anh Nguyễn Ngọc Trân, một nhà báo kỳ cựu có nhắc đến cuốn sách "Chère mamie au pays du confinement” của Virginie Grimaldi. Cuốn sách ghi lại những bức thư của tác giả gởi cho bà của mình trong thời gian 55 ngày phong toả để ngăn chận virus Vũ Hán năm trước khi nước Pháp bị đe doạ bởi dịch bệnh và số người chết tăng nhanh. Những bức thư ghi lại những sinh hoạt hàng ngày của tác giả và gia đình ở thành phố Bordeaux với giọng văn vui vẻ, hài hước và cảm động. Đó là sự lạc quan cần có trong những ngày điều kiện sống bị bó hẹp và sinh mạng bị đe doạ. Những câu chuyện khiến người đọc quên đi sợ hãi, bởi nhiều khi con virus sợ hãi đánh gục ta trước khi virus Vũ Hán đến tìm. Cũng đang cố lạc quan như tác giả Virginie Grimaldi. Nhưng đôi lúc sự cố gắng hình như bất khả.

Cũng ngày hôm qua râm ran trên mạng tin một tập đoàn lớn ở thành phố mượn 5.000 liều vaccine Moderna để về chích cho nhân viên tập đoàn. Đây cũng là một doanh nghiệp đóng góp khá nhiều vào quỹ mua vaccine của chính phủ và cũng là tập đoàn có nhiều đóng góp âm thầm cho việc ngăn ngừa và dập tắt dịch virus Vũ Hán. Người dân tri ân và không quên tấm lòng của họ. Thế nhưng cũng theo quan niệm của dân, việc nào ra việc đó. Trong khi nhân dân thành phố, nhất là những người trong diện ưu tiên vẫn chưa được chích mũi nào, giờ thành phố lại ưu tiên cho một doanh nghiệp mượn về chích cho nhân viên của họ. Tuy có thể chưa đến bất bình nhưng cũng cảm thấy tủi thân. Người trên tuyến đầu, những người già trên 65 tuổi cảm thấy mình đã bị tước mất cơ hội. Buồn nhiều hơn tức.

Sài Gòn cũng đang vào chiến dịch phun thuốc toàn thành phố. Nếu tôi nhớ không lầm, WHO và rất nhiều nhà khoa học khác đều cho rằng việc phun thuốc sát trùng không có ảnh hưởng, tác dụng gì tới con virus Vũ Hán. Virus nằm trong họng, trong miệng, trong nước bọt người bệnh chứ có nằm trên đường, trên phố đâu mà xịt. Hơn nữa, ở Việt Nam, nhiều hẻm, nhiều kiệt, nhiều ngõ chi chít đan xen nhau với số lượng người rất đông ở trong đó. Xe có vào được đấy đâu. Xịt ngoài đường phố thì cũng như phơn phớt ngoài da còn vết thương bên trong vẫn rỉ máu. Đã không diệt được virus mà thuốc sát trùng ấy còn làm ảnh hưởng sức khoẻ, tốn kém tiền bạc một cách vô bổ. Dư luận đã nói nhiều sao chẳng có ai nghe.

Sau một thời gian khá dài bị cách ly, giãn cách, phong toả người Sài Gòn có vẻ nhẫn hơn, chấp nhận chịu đựng hơn. Thế nhưng những cảnh nhếch nhác trong khu cách ly, số người tử vong càng lúc càng nhiều, những tiếng kêu tuyệt vọng của nhiều người mắc bệnh không được xe cứu thương giúp chở đi, những thiếu thốn thiết bị y tế và những khó khăn trong đời sống hàng ngày vẫn là nỗi ám ảnh trong lòng người Sài Gòn. Vẫn tin Sài Gòn không thể quỵ ngã, vẫn tin Sài Gòn vẫn đứng vững trước nguy nan. Tin thì vẫn còn tin nhưng xót xa quá những diều đang xảy ra và những đau thương đang đến. Đã có 16 plus, xin đừng có thêm 16 Max với 16 Max Pro. Lúc này thì không còn biết phải trách ai, giận dữ với ai nữa. Nhưng xin tất cả hãy làm tròn trách nhiệm của mình, trách nhiệm và bổn phận của những người cầm đầu một thành phố, một quốc gia trước cơn nguy khốn và khốn khó của nhân dân. Công bằng, minh bạch, sáng suốt, không dấu diếm và vì lợi ích phe nhóm để cho dân tin. Người dân cũng nên tuân thủ những yêu cầu của nhà nước, chấp nhận những điều không muốn để cơn đại dịch sớm qua đi. Đây không phải là lúc để đổ tội cho nhau mà cần có sự đồng lòng.

24.7.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ mười sáu

DODUYNGOC


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget