Latest Post





















 NHỮNG TẤM LÒNG

Đã qua ngày thứ chín, Sài Gòn trong tình trạng phong toả. Biết bao chuyện bi hài kịch diễn ra, biết bao nước mắt nhưng cũng không thiếu niềm vui từ những tấm lòng của người đến với người trong cơn hoạn nạn. Sáng nay nhận được một tấm ảnh ghi lại những xác chết vì dịch được bó kín lại trước khi đem thiêu. Tấm ảnh gợi lại cảnh bi thảm ở Ấn Độ, ở Indonesia, ở Philipines... một bức ảnh đầy ám ảnh mà tôi cố quên đi như cố quên những con số người nhiễm bệnh và tử vong ở Sài Gòn trong tuần lễ vừa qua. Tôi tìm đọc những tấm lòng thiện nguyện, những nhà hảo tâm đang miệt mài tìm kiếm nguồn thực phẩm cho dân nghèo. Họ gặp không biết bao khó khăn và trở ngại, họ đụng rất nhiều cản trở nhưng họ vẫn thực hiện công việc bằng tấm lòng vì đồng bào. 

Một cô gái tôi thường xem như con gái của mình xông pha, điều động, liên hệ mọi nơi để có gạo, có rau cho người thiếu thốn. Thức đêm, dậy sớm, quên ăn quên ngủ để có nguồn thực phẩm. Thấy thương lắm mà  tôi không nhắn tin, không điện thoại cho cô ấy vì để cho cô không bị phân tán công việc. Chú viết mấy dòng ở đây như lời tán dương con và mong con giữ sức khoẻ. Hết dịch rồi chú cháu mình lại đi ăn Phở Dậu nha con. 

Một chị tourguide thất nghiệp đã lâu vì dịch, giờ đứng ra hô hào mọi người chung tay mua quạt máy, xe đẩy, vitamine C, dầu gió, bình nấu nước, lọc nước, ghế ngồi cho những người đang bị cách ly tập trung thiếu thốn mọi phương tiện sinh hoạt. Cảm động lắm, cả nhà chung tay vào, nhiều bạn bè góp sức vào, quên cả giờ cơm, lúc cần là có mặt. Cám ơn cô hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp nhưng đầy lòng nhân ái. 

Một anh đã từng là nhà thơ, thường xưng là kẻ chăn bò, cũng làm nghề mua bán online để sống. Khi được tin có một chiếc xe tải chạy không đang  trên đường từ Bảo Lộc về Sài Gòn đã liên lạc với người quen, bạn bè chuyển về được hàng tấn rau củ ủng hộ cho bà con. 

Cũng không quên anh chàng Minh râu xăm trổ đầy người, ăn nói bặm trợn hàng ngày đổ hàng đống rau, củ với tấm bảng viết nguệch ngoạc:" Bầu miễn phí, mỗi người 1-2 trái, trái to thì lấy 1 trái. Trái bự thì lấy 2 trái đủ ăn" hay:" Lấy đủ ăn, mai có tiếp, trừ không say hoặc mệt". "Bó rau 5000đồng, ai mua thì bán, ai sin thì cho" cái lỗi chính tả của chữ sin sao mà đáng yêu đến thế! Những dòng chữ không hoa hoè, hoa sói, không khẩu hiệu, quyết tâm mà đọc thấy thương lạ lùng. Khi nhiều người bảo anh đây là dịp kiếm tiền, anh khẳng khái bảo:"Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này”. Đúng cái giọng, cái chất của anh Hai Sài Gòn.

Hay tấm bìa với dòng chữ viết vội bằng bút bi: "Cần cứ lấy, mỗi người một túi. Gạo, một túi 5kg". Những dòng chữ đầy tình người. Và còn biết bao hình ảnh đẹp nữa không kể hết ra đây.

Một cặp vợ chồng ở Gò Vấp mỗi ngày nấu cả ngàn hộp cháo thịt mang đến những khu cách ly, phong tỏa sau hàng kẽm gai cho các em bé. Anh bảo người lớn cần cơm nhưng trẻ còn nhỏ cần cháo,sữa. Chu đáo, tận tuỵ đến thế mà không hoan hô, không cảm động sao được.

Mấy ngày phong toả, vì tuổi đã lớn, tôi không dám đi đâu. Nằm nhà tôi đọc nhiều báo, ghi nhận nhiều tin từ facebook, từ những trang mạng xã hội, từ youtube và thấy rằng có nhiều tấm lòng của người Sài Gòn đã rộng mở đến với người nghèo. Họ âm thầm làm,họ lặng lẽ làm, không dao to búa lớn, không kể lể, ban ơn. Họ chia sẻ thầm lặng. 

Sài Gòn nhiều cao ốc, nhiều biệt thự, nhiều đại gia với hột xoàn cả ký, đất đai mênh mông, xe hơi hàng chục tỷ. Sài Gòn là nơi khoe thời trang, khoe vàng bạc, khoe giàu sang và lắm kẻ tự hào về gia thế của mình. Nhưng Sài Gòn còn có những con hẻm lầy lội, những mái nhà xơ xác, những dãy nhà trọ nóng như lò bánh mì, những mái lều tranh trong ngõ cụt và ở đó có rất nhiều người lao động, người nhập cư đi thu gom phế liệu, người bán vé số, người thợ hồ tay làm hàm nhai, người công nhân tha hương kiếm sống, người buôn gánh bán bưng kiếm từng đồng bạc lẻ. Ở đó cũng có những người già yếu, bệnh tật nằm chờ con cháu đem về miếng cơm, tấm bánh. Ở đó cũng có những em bé mới lớn, những chàng trai cô gái mồ côi sống bám vỉa hè, gầm cầu....Giờ đây, tất cả không được ra đường, thành phố phong toả. Tiền hết, gạo hết, rau hết. Tiền trợ cấp của chính phủ chưa tới tay, nếu không có những tấm lòng nhân ái đó, chắc con số người chết vì đói cũng không kém người tử vong vì dịch. Nhiều, rất nhiều tổ chức, những nhà hảo tâm đã đến với họ dù gặp rất nhiều trở ngại. Và họ có được hộp cơm, bó rau, quả trứng, gói mì qua bữa. Những tấm lòng biết chia sẻ đó thật đáng trân trọng biết bao và nhiều không kể hết ở thành phố này.

Nhà nước cấm mua bán và nhà nước cũng rất quyết liệt đến độ hùng hổ bạo lực với những người mua bán nhỏ lẻ từ căn nhà, góc phố của mình. Nếu họ đã dư của ăn, họ sẽ không phải lấm lét, lén lút như thế. Ta có lệnh, vi phạm xử theo lệnh, nhưng giữa cơn hoạn nạn thế này, cái lý, cái tình đôi khi phải cùng đi với nhau, được thế dẹp lòng cả đôi bên thay vì nguyên tắc quá, mạnh bạo quá và tìm đủ mọi cách để phạt tiền. Nhà nước giao chuyện mua bán trong thời phong toả cho các siêu thị và luôn luôn cho rằng giá cả bình ổn và hàng không thiếu. Xin đề nghị lãnh đạo hãy đến các siêu thị, nhất là các cửa hàng Bách hoá xanh với tư cách là người đi mua hàng chứ không phải lãnh đạo đi thị sát. Quý vị sẽ biết sự thật và biết rõ hàng hoá đã bị tăng giá như thế nào. Ngày 14.7. báo Tuổi Trẻ ghi nhận giá của Bách hóa xanh là rau muống hạt baby tươi bán ra hơn 50.000 đồng/kg; xà lách búp mỡ 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 60.000 đồng/kg... Trong khi đó Big C chủ là người Thái Lan, bán bí 17.900 đồng/kg. Bách hóa xanh chủ là người Việt bán cho người Việt 55.000 đồng/kg. Khốn nạn chưa?

Một anh bán rau xăm trổ, một cô gái yếu đuối, một chị nhân viên công ty du lịch, một nhà thơ cá tính và hàng trăm, hàng nghìn người ở đất Sài Gòn đang tìm mọi cách đến với dân nghèo. Trong khi đó, một siêu thị lớn, một chuỗi Bách hoá xanh của một đại gia bán lẻ chắc hẳn là giàu, rất giàu nữa là khác, làm chủ cả một chuỗi siêu thị kia mà, lại thừa cơ bóp họng, vét những đồng bạc cuối cùng trong túi dân. Làm người ai lại làm thế! Rồi ông chủ lên báo phân bua, càng nói người ta càng giận. Rồi thành phố cử đoàn xuống thanh tra, đoàn vào lượn một vòng rồi đưa ra kết luận là không thấy tăng giá. Trò hề cả. Người mua hàng còn hoá đơn đây, các vị cứ xem cho rõ, so sánh cho kỹ rồi kết luận nhé. Có lời nói riêng với ông chủ siêu thị đó, thu vào những đồng tiền nâng giá, đầu cơ đó có thể ông sẽ giàu thêm một chút nhờ lợi dụng thời cơ. Nhưng rồi ông có sống mãi trên thế gian này không? Khi ra đi ông có mang được những đồng tiền tanh hôi đầy nguyền rủa đó qua bên kia thế giới chăng? Con vật còn xót xa trước hoàn cảnh của đồng loại, sao con người lại tàn nhẫn thế?

Hôm nay, khớp cổ tay lại sưng, đau lắm, lại là tay phải. Viết theo kiểu mổ cò bằng ngón tay trái, chậm rì. Định chỉ viết vài dòng để tri ân, để cám ơn những tấm lòng. Ai dè lại nhiều chuyện quá.

17.7.2021

Ngày lockdown thứ 9

DODUYNGOC


 TOÀN CHUYỆN KHÔNG VUI








Sáng vừa thức dậy đọc tin bạn Nguyễn Thanh Hương tức Hoạ sĩ Lê Thánh Thư vừa mới qua đời lúc 2:00 hôm nay 16.7.2021 vì vướng virus Vũ Hán. Lại biết cậu em nhà báo dính virus vẫn phải tiếp tục thở máy tại phòng chăm sóc đặc biệt BV Chợ Rẫy. Còn thở máy là còn lo. Tin trên báo thành phố số người nhiễm bệnh vẫn tăng cao, không thấy dấu hiệu giảm. Phó chủ tịch thành phố lại tuyên bố trong tuần tới con số nhiễm sẽ lên đến 9.000 người. Chỗ nào chứa hết đây? Rồi máy thở, bác sĩ, y tá đâu mà phục vụ, chăm sóc và điều trị. Hôm trước nghe tin thành phố cho phép chuyển đổi khu nội trú BV Ung Bướu vừa mới xây xong thành trung tâm chữa trị bệnh nhân virus Vũ Hán với 1.000 giường. Chưa kịp mừng đã thấy như muối bỏ biển. Hai, ba ngàn ca một ngày rồi sẽ đến con số chục ngàn như ước đoán sẽ đưa đến tình trạng quá tải, đáng lo chứ! Cũng hôm qua, báo chí đưa tin số ca tử vong ở thành phố lên đến 140 người, lâu nay chỉ quanh quẩn ba, bốn chục. Đùng một phát lên đến 140. Hoá ra lâu nay là con số giả. Con số tử vong mới nói lên thực trạng. Con số người nhiễm dù tăng cao cũng đáng lo nhưng không lo bằng con số tử vong. Chính con số tử vong cho thấy tình trạng dịch bệnh của thành phố như thế nào. Đồng thời cũng qua con số đó, người ta có thể hình dung sự bế tắc, thiếu trang thiết bị y tế của thành phố ra làm sao? Khi người bệnh trở nặng, máy thở là một trong những máy móc cần thiết để duy trì và giúp sự sống của bệnh nhân được kéo dài và thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Bệnh nhân người Anh ngày trước đã nhờ nó mà thoát chết. Giờ đây, số người mắc bệnh đông như thế, chắc chắn sẽ không có đủ máy cho mọi người. Và sẽ xảy ra tình trạng như đã từng xảy ra ở Mỹ, ở Châu Âu trước đây và Ấn Độ gần đây. Là buộc bác sĩ phải chọn lựa đành cho ai ra đi và dành máy thở cho ai để được sống?

Hôm qua cũng theo tin trên báo, tình trạng khan hiếm và tăng giá thực phẩm đã xuất hiện tại nhiều nơi. Nhiều gia đình có bà con, cha mẹ, anh em ở các vùng dịch chưa căng thẳng đã cố gắng đóng gói hàng hoá gởi cho người thân ở Sài Gòn cầm cự. Thế nhưng xe không được vào thành phố, hàng hoá bị dở xuống phơi nắng mưa. Một cô em là MC của đài truyền hình được người nhà từ Ninh Thuận gởi vào 6 thùng thực phẩm cũng bị cùng chung số phận. Hôm nay cô ấy đi lãnh thì thấy hàng chất đống giữa trời, mưa ướt nhem, thùng giấy rách tơi tả, trứng bị bể tung toé. Người nhận hàng tự đi tìm hàng của mình mà chở về, chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm cả. Cũng hôm nay qua tin nhắn của nhiều người bạn, khu vực của các bạn ấy đã bị giăng dây, quăng dây thép. Trước đây thành phố đã có gần 800 khu bị phong toả, giờ là bao nhiêu? Sài Gòn đầy lô cốt. Sài Gòn giống như thời Tết Mậu Thân, chỉ thiếu tiếng súng nổ và lửa cháy. Cũng lại vừa nhận được thông báo của chính quyền Bình Thuận ra lệnh tuyệt đối không cho phép người đến, người về từ các thành phố bị giãn cách vào thành phố kể từ 0:00 ngày 16.7.2021. Y chang xứ Huế thời gian trước vậy. Dịch bệnh cũng đáng sợ nhưng cách xử sự giữa người với người trong mùa dịch bệnh đôi lúc lại đáng sợ hơn nhiều.

Cũng sáng nay được tin quận đang lên danh sách những người trên 65 tuổi để chích ngừa, phường 8 của tui chẳng thấy động tĩnh gì. Lại lo không biết sẽ chích loại nào đây. Nga, Tàu, Mỹ hay Nhật? Thôi thì cứ chờ thôi, chẳng đi đâu mà vội. Lại cũng tin từ báo, ACV và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tổ chức xét nghiệm ngay tại khu vực nhà ga đi quốc nội cho các hành khách và nhân viên hàng không. Giá xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất: test nhanh (bộ KIT của ABBOTT - Mỹ): 540.000 đồng/mẫu/người; Realtime RT-PCR: 1,69 triệu đồng/mẫu/người; Realtime RT-PCR mẫu gộp 5 người: 3,95 triệu đồng/mẫu gộp 5 người. Chi phí này bao gồm lấy mẫu và trả kết quả tại sân bay. Đây là công ty tư nhân kết hợp với cơ sở nhà nước nhé! Hoá ra người ta bảo làm giàu không khó có lẽ đúng đấy chứ!

Sẽ còn giãn cách bao nhiêu ngày nữa, sẽ còn bao thông tư, thông báo, chỉ thị nữa. Sẽ còn bao khu phố phong toả giăng dây nữa? Sẽ có bao nhiêu người chết nữa?

Một buổi sáng mở đầu một ngày mà chẳng có tin nào vui.

Sài Gòn lockdown ngày thứ tám

16.7.2021

DODUYNGOC


 NGÀY BUỒN TÊNH.

Hôm trước có tin ngày hôm nay 15.7 sẽ đóng cửa thành phố và Sài Gòn giới nghiêm. Thiên hạ lại ùn ùn đi mua hàng tích trữ. Tui nghĩ đã chấp nhận nằm nhà, dù bình thường rất kén ăn nhưng giờ thì chấp nhận ăn gì cũng xong, miễn qua được những ngày khó quên này. Nên chẳng có chi phải lo lắng. Báo đài và lãnh đạo đã dứt khoát đó là tin giả. Bán tín bán nghi vì lúc này trên mạng thiên hạ cứ nhắc tên Cụ TT Nguyễn Văn Thiệu, dù Cụ qua đời đã lâu rồi. Cũng may, hôm nay chẳng có gì thay đổi. 

Trời Sài Gòn bữa nay buồn hiu, quá trưa lại mưa. Hôm qua tui có hai người bạn cũ vừa qua đời. Một người là bạn học, người kia là bạn nghề. Vẫn biết đời người rồi ai cũng phải ra đi nhưng vẫn thoáng buồn. Lại nghĩ đến đội ngũ y tế đang dần kiệt sức chống dịch. Nghĩ đến những người đã nhiễm virus trong các bệnh viện đang ở tình trạng quá tải. Nghĩ đến những khu tập trung cách ly thiếu thốn biết bao phương tiện sống và dịch bệnh tấn công bất cứ lúc nào. Nghĩ đến nhứng người lao động nghèo, những thân phận hắt hiu không còn đường sinh kế khi giãn cách kéo dài. Nghĩ đến những đứa bé mặc bộ đồ bảo hộ thùng thình xa cha mẹ đi cách ly vì dương tính. Nghĩ đến một thành phố náo nhiệt, đầy tiếng xe, tiếng cười, một thành phố năng động, không bao giờ ngủ giờ đìu hiu hoang vắng và con virus có thể tấn công bất cứ người nào. Nghĩ và buồn. Đủ thứ buồn. Buồn cho mọi thứ chung quanh đang diễn ra rồi cũng buồn cho riêng mình. Đã đến tuổi này, quỹ thời gian chẳng còn là bao mà đã mất đi hai năm rồi sống trong lo lắng và bị giam chân không được bay nhảy với những thú vui của tuổi già, không được thưởng thức những món ăn mình ưa thích, không được tham gia những cuộc tụ tập đầy những tiếng cười của bè bạn. Hai năm trôi đi thật vô vị. 

Thấy những người bạn lần lượt ra đi, những người tử vong hàng ngày vì dịch bệnh và càng thấm rõ một điều là cái danh, cái lợi của cuộc đời này chỉ là những thứ hư ảo, phù du. Có đó rồi mất đó. Con người đến với trần gian bằng đôi tay trắng và tiếng khóc. Lúc ra đi cũng trắng tay và để lại tiếng khóc cho mọi người. Chỉ vậy thôi. Danh tiếng cũng vùi trong ba tấc đất hay chỉ còn lại một nhúm tro gởi bay theo gió. Tiền tài ai mang được qua thế giới bên kia khi phút cuối cùng những hạt nút áo cũng bị cắt mất. Chiều mưa mùa dịch. Buồn tênh giữa những chênh vênh. Bật lên một tiếng hát với bài Tưởng niệm và lòng lại buồn hơn. Xin dành bài ca này cho hai người bạn cũ của tui vừa đi về phía bên kia thế giới.

15.7.2021

Ngày lockdown thứ bảy.

DODUYNGOC






NHỮNG CHUYỆN LINH TINH.

Đã bước qua ngày thứ sáu, mọi sự cứ rối tinh lên. Trong môn cờ tướng, người chơi giỏi là đi một nước đã nghĩ ra bốn, năm nước khác hoặc hơn nữa. Kẻ chơi kém là người đi một nước biết một nước, không nghĩ được bước tiếp theo.  Trong mọi chuyện khác cũng thế, nhất là việc điều hành cả một công ty, một thành phố hay một đất nước. Cái đó thời nay gọi là tầm. Tầm đi cùng được với tâm thì quá tốt. Tiếc thay, trong vụ chống dịch hiện nay ở Sài Gòn, bộ sậu điều hành thiếu cả hai thứ đấy. Tầm thì chỉ nghĩ được tới có một ngày, nhiều khi chỉ nửa ngày. Chỉ thị, thông báo thay xoành xoạch. Cán bộ cấp dưới chạy bở hơi tai vì những thay đổi ấy. Rồi dẫm chân nhau, ông nói gà, bà nói vịt. Vừa đưa ra thông báo bỏ chốt chặn, chưa kịp thi hành thì lại có tin là chỉ thay đổi cách quản lý. Bỏ chốt chặn nhưng dây vẫn giăng, kẽm gai vẫn rào, chướng ngại vật quăng đầy ngõ xóm khi phát hiện F0. Hôm trước mọi người vẫn đi làm bình thường, chỉ xuất trình giấy, hôm nay lại bảo chỉ có cơ quan, nhà máy có đủ điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho nhân viên, công nhân ở lại ngay nhà máy được hoạt động. Chỉ có đơn vị nào có xe đưa rước nhân viên, công nhân từ A đến B thì tiếp tục, còn không thì đóng cửa tất. Thế là đã bắt đầu hi sinh việc phát triển kép rồi, đành thế thôi. Nhưng vấn đề đối với các xí nghiệp, nhà máy đã ký những hợp đồng dang dở, giờ đành bỏ à? Kéo theo đó hàng loạt công nhân thất nghiệp, họ sẽ sống ra sao. Chính sách hỗ trợ mấy chục ngàn tỷ của chính phủ vẫn chưa đến người được thụ hưởng. Chỉ cần một tuần không làm ra tiền, nhiều người, nhiều gia đình trở thành kẻ thiếu ăn.

Nghe tin nhà nước đang tính đến chuyện F1 theo dõi tại nhà, đó là giải pháp tốt nhất đáng lẽ phải làm lâu rồi, ta lại cứ duy ý chí tập trung cách ly. Giờ tình hình ở các trung tâm cách ly đã quá tải rồi, đã loạn lắm rồi. Rất nhiều trung tâm không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu, cũng không đủ nhân lực để quản lý và chăm sóc. Họ trở thành như những tù nhân, tự xoay xở để sống. Ăn cơm tập thể thì không nuốt nổi dù tiêu chuẩn 80.000 đồng một ngày. Thì thôi cũng đành chấp nhận, thiếu thì có người nhà gởi vào thêm. Chỉ lo bệnh không có thuốc, không có người cứu chữa và hậu quả là trung tâm cách ly thành ổ dịch. Những con số ngàn hàng ngày nhiễm bệnh được công bố đều từ những khu cách ly. Đã có biết bao nhiêu tiếng kêu, tiếng khóc từ khu cách ly nhưng nhà nước đành bất lực. Bây giờ, nếu tính cho phép F1 cách ly tại nhà, mở cửa cho họ trở về nhà tự theo dõi. Nếu không có phương án hợp lý lại gây hỗn loạn xã hội. Thiết nghĩ phải cho về từng đợt chứ không mở toang cửa cho ai về nhà nấy được. Nếu làm thế sẽ bị ngoài vòng kiểm soát, thành phố sẽ loạn mất.

Khi một khu vực có người bị nhiễm bệnh, dù ngày hay đêm và thường là ban đêm. Còi hụ inh ỏi, loa hét oang oang xôn xao cả góc phố, con hẻm nhỏ. Người mắc bệnh bị giải đi như tội phạm và sáng hôm sau người ta phong toả bằng dây giăng, bằng dây kẽm không lối ra. Nhỡ như có chuyện như nhà cháy, người đau ốm thì đành bất lực đứng nhìn. Phong toả bằng dây kẽm nhìn không khác gì lô cốt quân sự thời chiến tranh, như cơ quan không phận sự cấm vào. Đội ngũ dân phòng, công an đôi khi nguyên tắc quá, hung hăng quá khiến cho việc giữ an ninh trật tự dễ đưa đến xô xát, mâu thuẫn, khiến cho bản thân người bị nhiễm dịch có cảm giác như mình là tội phạm.

Dù trong tình hình dịch bệnh, con người cũng phải ăn, phải uống để sống. Xã hội cũng cần có nơi cung cấp thực phẩm cho dân. Chọn cách chỉ mở cửa các siêu thị mà cấm tuyệt đối những nơi mua bán nhỏ lẻ có thể là một phương cách sai lầm. Siêu thị là nơi dễ truyền bệnh nhất. Nội chuyện chen nhau gởi xe lấy xe cũng đã là truyền bệnh được rồi, lại còn vào trong không gian bít bùng máy lạnh. Nên cho phép bán hàng ở nhà vì không khí thoáng hơn, số người mua ít hơn lại giúp cho người bán có kiếm được đồng ra đồng vào trong cơn khốn khó mà người mua cũng tiện lợi trong việc kiếm cho mình bó rau, quả trứng qua ngày. Nếu cứng nhắc quá trong việc giãn cách chỉ khó cho dân. Vừa rồi xuất hiện các bài báo và clip trên mạng tường thuật cảnh xông vào nhà, bắt người, tịch thu mấy bó rau, mấy củ cải ở một căn nhà dân ở quận hai thấy quá phản cảm, sử dụng bạo lực cách mạng trong thời điểm này là không cần thiết. Làm như thế khiến mọi người có suy nghĩ và đặt câu hỏi ta đang chống dịch hay chống dân đây? 

Sài Gòn mấy hôm nay đã xuất hiện ở những ngôi nhà góc phố, những căn nhà trong hẻm nhỏ mở cửa he hé để bán hoặc tặng rau củ cho người dân đang cần với những đôi mắt lấm lét như người buôn hàng quốc cấm và người đến mua, đến nhận cũng nhìn trước ngó sau như người buôn bạc giả. Buồn thay! Rất nhiều người có tiền vào siêu thị nhưng cũng rất âu lo và cũng tốn rất nhiều thời gian nên họ ngại. Người nghèo thì chẳng vào đó là đúng rồi, tiền đâu nữa mà mua.

Những gia đình có người bị nhiễm dịch mà gọi, mà báo có xe đến là may lắm rồi, dù rất căng thẳng. Có rất nhiều người nhiễm dịch gọi phường, gọi y tế mà không được trả lời, hay chỉ nhận được lời từ chối vì không còn chỗ nào nhận. Nghe đoạn audio đang râm ran trên mạng, nghe trao đổi mà thương cho cả hai bên. Một bên là người nhà nhiễm nặng, yếu rồi. Một bên ra sức phân trần như muốn khóc mong thông cảm vì bất lực, không còn chỗ nào chứa. Cậu em tôi bị dính cả nhà, bản thân đã xỉu vì yếu lắm rồi nhưng gọi phường thì phường cho số gọi y tế. Năm lần bảy lượt mới được nghe máy với lời bảo rằng nếu liên lạc được với bệnh viện nào nhận thì y tế sẽ cho xe đến chở đi. Đành phải sử dụng mọi quan hệ để tìm được bệnh viện nhận và nhập viện trong tư thế cấp cứu. Xe chở đi phải trả 1 triệu đồng, cũng chấp nhận vì nghĩ cũng hợp lý, tiền xăng, tiền lương tài xế, tiền chi phí nên cũng chẳng thắc mắc gì. Tất cả những hiện tượng đó nói lên điều gì? Sự quá tải. Không chỉ thiếu giường bệnh mà khó nhất bây giờ là thiếu nhân lực. Thiếu từ bác sĩ, y tá, điều dưỡng cho đến nhân viên, lao công. Đội ngũ này đã trân mình phục vụ gần hai tháng nay, đã có dấu hiệu kiệt sức và stress. Họ khó mà tiếp tục chiến đấu. Các thiết bị bảo hộ cũng tình trạng thiếu, một bác sĩ ,Tiến sĩ, Phó Giáo sư đã lên face kêu gọi mọi người hỗ trợ và đã có hơn trăm triệu gởi về để mua thêm trang bị cho đội ngũ y tế. Tình hình đã có những báo hiệu không ổn. Thiếu vaccine thì đúng rồi vì ta thiếu chuẩn bị nhưng thiếu khẩu trang và bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế làm việc phải kêu gọi đóng góp thì bó tay rồi. 

Trước những khó khăn và bất lực của nhiều bộ phận, con virus Vũ Hán lại không nguy hiểm bằng con virus sợ hãi đang hình thành trong đại bộ phận nhân dân và cả ở lãnh đạo. Chính con virus sợ hãi này làm cho đại bộ phận nhân dân lo âu vì không biết tình hình dịch rồi sẽ đi đến đâu và lúc nào sẽ dừng lại. Chỉ mong dừng chứ chắc là không thể chấm dứt và loài người đành phải sống chung với nó một thời gian rất dài nữa. Cho nên mọi khẩu hiệu đã trở thành lỗi thời và vô ích. Tương lai, kẻ nào, thế lực nào nắm được loại vaccine, loại thuốc hoàn hảo khống chế được con virus quái ác này, kẻ ấy, thế lực ấy sẽ điều khiển được cả thế giới, thống trị cả nhân loại.

Nhiều tin thật giả chen nhau tới tấp xuất hiện báo rằng bắt đầu từ ngày 15.7, tình hình sẽ căng thătng hơn, dịch bệnh ở thành phố sẽ lên cao điểm trong hai tuần nữa. Và từ bây giờ, các kho hàng, bến bãi sẽ đóng lại. Mai mốt sẽ cấm hẳn chuyện chuyển lưu hàng hoá, cuộc sống rồi sẽ thế nào đây? Sẽ kéo dài bao lâu nữa? Không chỉ đội ngũ y tế bị stress mà người dân kể cả trẻ con, người già cũng sẽ bị stress tập thể. Khi cơn dịch này đi qua, chắc chắn mỗi chúng ta sẽ sống khác, suy nghĩ khác và nhìn cuộc đời cũng khác đi nhiều. Cả xã hội đang stress, con virus Vũ Hán quanh quẩn khắp nơi và con virus sợ hãi đang xuất hiện trong lòng của mỗi người. Đây là lúc cần thiết các phương tiện truyền thông làm nhiệm vụ để trấn an mọi người, cũng là lúc những lãnh đạo chấn chỉnh lại cách chống dịch để cho dân có thêm lòng tin. Muốn thế, tất cả phải sáng suốt, sống có ý thức hơn và cố gắng chịu đựng những khó khăn trong những ngày sắp tới. Tất cả đang còn ở phía trước, mong mỗi ngày con số dịch bệnh được công bố càng lúc càng đi xuống và niềm hi vọng càng lúc càng được tăng lên.

14.7.2021

Ngày thứ năm Sài Gòn lockdown

DODUYNGOC









NÓI VỀ NHỮNG CON SỐ.

Tôi chủ trương khi những con số người nhiễm bệnh lên cao đến số ngàn, tôi không quan tâm đến số người mắc bệnh bao nhiêu nữa mà chỉ quan tâm số người chết vì virus Vũ Hán là bao nhiêu thôi. Tôi nghĩ con số người nhiễm bệnh chỉ nói lên được số ca nhiễm bệnh bị lan truyền trong xã hội chứ không nói được mức độ nguy hiểm hay trầm trọng của cơn dịch. Chính con số người chết mới lột tả được, biểu hiện được tình trạng của cơn dịch. Cả nước mấy hôm nay số người dương tính đã lên con số ngàn trong một ngày, tổng cộng Việt Nam đã có 30.724 ca ghi nhận trong nước và 1.941 ca nhập cảnh, nhưng số người chết tính đến ngày 12.7, Bộ Y tế đã thông báo ghi nhận 125 ca tử vong do virus Vũ Hán tính từ đầu dịch, và còn 4 bệnh nhân đã tử vong, đang tiếp tục được cập nhật (tổng số ca tử vong đến nay là 129 ca). Riêng thành phố đã có 25 ca tử vong.

Trong khi đó, Đông Nam Á đang trở thành một trong những khu vực bị dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, Indonesia đang trở thành ổ dịch kinh hoàng khi tình hình lây lan virus tiếp tục diễn biến xấu. 

Cả số ca mắc mới và số ca tử vong ở Indonesia đang quay đầu tăng vọt. Tính đến ngày 12.7, đất nước này ghi nhận thêm 40.427 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch và 891 ca tử vong, nhiều hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và vượt qua cả tâm dịch Ấn Độ, nơi bắt nguồn của biến thể virus Delta đang khiến nhiều nước khốn đốn. Cho đến nay, tổng số ca mắc virus Vũ Hán ở Indonesia đã vượt qua 2.567.000 trường hợp, và tử vong vượt 67.300 người.

Ở Hàn Quốc, cho đến nay đã có tổng số ca mắc bệnh lên 169.146 bệnh nhân và con số tử vong là 2.044 người, chiếm 1.21% tổng số ca bệnh.

Cũng trong thời điểm này, Campuchia đã có con số tử vong đã là 925 người. Số ca tử vong được mô tả là cao điểm trong hai tuần gần đây nhất với 30% tổng số người chết ghi nhận trong giai đoạn này. Hiện Campuchia đã có tổng số ca nhiễm lên 61.870 người.

Philippines đang là nước đứng thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia, về số ca nhiễm virus Vũ Hán. Số ca mắc mới ghi nhận ngày 12.7 là 5.204 ca, nâng tổng số lên 1.478.061 ca nhiễm. Bộ Y tế Philippines ngày 12.7 báo cáo thêm 100 ca tử vong, nâng số người chết vì dịch bệnh lên 26.015 người.

Myanmar ghi nhận 5.014 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua và 89 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên hơn 197 nghìn người.

Đưa ra những con số người nhiễm bệnh và tử vong của các nước chung quanh ta để thấy rằng tình hình dịch bệnh ở Việt Nam cũng chưa đến tình trạng phải lo âu và hốt hoảng quá đáng. Con virus này nguy hiểm nhưng không phải ai dính cũng chết để rồi như một nỗi ám ảnh đưa đến ức chế, sợ hãi đến bệnh hoạn. Không có chuyện "toang" ở Sài Gòn, đó là một thực tế. Nhiều khi chính những biện pháp sai lầm cùng các chỉ thị bất nhất của nhà chức trách khiến có cảm giác tình trạng đang ở thời điểm trầm trọng. Nhưng hãy so sánh những con số thống kê, ta sẽ thấy con số tử vong của Việt Nam rất thấp. Cả nước mới chỉ có 129 người và thành phố mới ở con số 25. Thế thì "bùng" cái gì, "toang" cái gì mà ầm ỹ, mà loay hoay mãi thế? 

Nếu so sánh với số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam, con số người chết vì virus Vũ Hán ở xứ ta từ trước đến nay chỉ là con số lẻ. Theo báo cáo ngày 24-5 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 5.182 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.656 người, bị thương 3.788 người. Theo thông tin từ Bộ Công an, từ năm 2009 đến tháng 5-2019, toàn quốc xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Riêng năm 2018 xảy ra 18.499 vụ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. Như vậy, trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. 

Đó là chưa nói đến số người chết do bệnh ung thư, theo báo cáo ngày 19-1 của Bệnh viện K cho hay so với năm 2018, số ca mắc, tử vong do ung thư ở Việt Nam tiếp tục gia tăng: đứng thứ 91 thế giới về số ca mắc, thứ 50 về số ca tử vong do ung thư trong 185 quốc gia. Theo báo cáo này, năm 2020 Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỉ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỉ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Trong năm 2020, Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Những con số khủng khiếp vì tai nạn giao thông và ung thư hàng năm như thế lại không làm hoang mang trong dân chúng thì tại sao trong cơn đại dịch giết chết hàng triệu người trên thế giới , khi đến Việt Nam mới chỉ chết 129 người mọi người đã lo âu quá đáng đến thế và nhà nước cũng luống cuống trong cách xử trí như thế.

Trong cơn đại dịch thế này, bình tĩnh và chấp hành đúng và đủ những quy định của y tế là cách đối phó tốt nhất. Nhiều người lo lắng thái quá và cũng không ít người quá chủ quan. Hãy tự bảo vệ mình, gia đình mình và cộng đồng. Hãy có thái độ tích cực và lòng tin. Trong hoàn cảnh này, những người khổ nhất trong xã hội là những người nghèo, làm công ăn lương hàng ngày, những người buôn gánh bán bưng, những người nhập cư bán vé số, mua bán ve chai, phế liệu, những kẻ không nhà sống bám vỉa hè kiếm cơm qua ngày....nên nhà nước cố gắng giúp họ sống được trong những ngày phong toả. Khi họ có miếng ăn, họ sẽ hạn chế việc ra đường sinh kế. Về phía chính quyền nên có những chính sách, biện pháp rõ ràng và nhất quán, tránh kiểu thay đổi liên tục như mấy hôm nay. Chận rồi bỏ chận. Xét giấy rồi bỏ xét. Cách lập hàng rào, chốt chận và cách ly tập trung đã cho thấy những bất cập và không hiệu quả. Đừng để người dân có suy nghĩ không chống dịch mà đang chống dân. Cần có một biện pháp khoa học và thực tế với hoàn cảnh hơn. Nhà nước luôn thông báo không thiếu hàng, không tăng giá. Nhưng quý vị hãy đến các siêu thị mà xem, giá thay đổi thế nào và hàng hoá có thiếu đủ ra sao. Trên mạng xã hội đã xuất hiện những clip tố cáo siêu thị Bách hoá xanh tăng giá vô tội vạ gấp mấy lần giá bình thường, dân cũng đành cam chịu vì không dễ kiếm một chỗ khác. Cũng thấy xuất hiện một văn bản không biết giả hay thật quy định mỗi chốt gác ở Uỷ ban phường, mỗi ca phải phạt 20 trường hợp và mỗi đội tuần tra mỗi ca phải phạt ít nhất 5 trường hợp. Tại sao phải có những con số quy định như thế? Hay là dịp để tạo quỹ cho phường? Đành rằng khi thành phố quy định giãn cách, vì sức khoẻ cộng đồng, người dân phải chấp hành. Tuy nhiên, ngoại trừ những kẻ thừa hơi khoái chạy ra đường như thói quen, nhiều kẻ có thói quen và cố giữ thói quen ấy nên vi phạm. Vẫn còn nhiều người vì sinh kế nên phải lén lút ra đường kiếm cơm cháo. Anh chàng đẩy xe bán hàng ở Tân Phú cũng nằm trong trường hợp đấy. Hàng đã lỡ mua, cả vốn liếng nằm trong đấy, không lẽ đành lòng nằm nhà để tiêu mất vốn và nhìn vợ con thiếu ăn, anh đành trở thành kẻ vi phạm. Tiếc thay, đội ngũ dân quân và những người thi hành luật lệ quá cứng nhắc và nguyên tắc lại cư xử không tế nhị nên mới xảy ra ẩu đả không nên có. Tại sao các anh công an và dân quân lại có thể kiên nhẫn đứng chờ một thanh niên ngoan cố cứ tiếp tục tập thể dục xem như chẳng có chuyện gì đáng quan tâm một thời gia khá lâu rồi mới đưa về phường phạt 4 triệu đồng. Thì tại sao không nhẹ nhàng giải thích và cảm thông trường hợp đặc biệt của anh xe lôi mà nặng lời và nguyên tắc đạt lý nhưng thiếu tình để đưa đến những đụng chạm không hay? Hãy giăng dây ở chốt chặn nhưng đừng giăng dây trong lòng dân.

Nhưng dù hoàn cảnh thế nào chăng nữa, chúng ta cố gắng vượt qua và mong chính phủ hỗ trợ thiết thực để mọi người cùng góp tay, góp sức ngăn chận dịch. Cơn dịch này đe doạ cuộc sống chung của toàn xã hội và nó cũng có thể không chừa một ai nếu không có ý thức phòng bệnh. Đừng nghĩ nó sẽ chừa ta ra rồi chủ quan tiếp tục những thói quen. Nó sẽ gạ gục người ta bất cứ lúc nào. Tuy so sánh con số người tử vong vì dịch ở Việt Nam với các nước như trên đã viết và vẫn bình tĩnh để chiến đấu. Nhưng cũng không vì thế mà xem thường chúng và ban ra những biện pháp, những chỉ thị thiếu khoa học và không hợp lý. Bởi nếu không có những biện pháp đúng đắn và hợp thời, con số tử vong chắc chắn sẽ không ngừng lại những con số đấy.

13.7.2021

Ngày phong toả thứ năm

DODUYNGOC










NỖI LO CÒN ĐÓ.
Tôi vốn là người lạc quan, trong những tình huống ngặt nghèo nhất của cuộc đời tôi vẫn luôn vững lòng tin. Khi Sài Gòn bùng phát dịch và trải qua những chuỗi ngày giãn cách và phong toả thành phố, tôi vẫn tin thành phố sẽ qua được cơn bệnh nặng, sẽ trở lại sinh hoạt bình thường trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, với những tin tức dồn dập mấy hôm nay, tôi lại lo.

Trước tiên là cách thức và các biện pháp của chính quyền để đối phó với dịch bệnh. Hình như càng ngày càng rối. Bác sĩ Trương Hữu Khánh, người lâu nay thường trả lời thắc mắc về virus Vũ Hán cho dân Sài Gòn, bây giờ đã phải thốt lên:"Cuộc chiến này đúng là khốc liệt , khi nhìn khuôn mặt tất cả nhà quản lý đều thấy sự lo toan đến phờ phạc". Đúng, các lãnh đạo đang lo, lo ghê lắm nhưng tiếc thay họ lại không đi đúng hướng. Để ngăn chận dịch không thể chống bằng nghị quyết, Không thể thiếu những ý kiến của các nhà chuyên môn và cũng không thể bỏ qua các kinh nghiệm của các nước. Có những việc chúng ta làm sai cách nên đưa đến hậu quả và tốn kém. Việc phun thuốc sát trùng thật sự không có tác dụng diệt virus chỉ khiến cho không khí càng ô nhiễm hơn và tốn kém. Tổ chức xét nghiệm toàn dân cũng thế vì người đến lấy xét nghiệm âm tính có thể ngay sau đó bị lây nhiễm mầm bệnh. Có thể vì tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc vì tập trung đông người mà lây bệnh. Tình trạng ở sân Phú Thọ và ở chợ Bình Điền đã cho thấy rõ điều đó. Và rồi sau đấy tờ giấy xác nhận âm tính trở thành giấy thông hành chỉ có hiệu lực trong vài ngày khiến cho việc đi lại khó khăn và một dịp cho những kẻ trục lợi. Hơn nữa nó lại gây tốn kém cho dân, đôi ba ngày lại phải đi xét nghiệm để có giấy kết quả mong có lá bùa để di chuyển kiếm ăn. Khi tờ giấy chứng nhận âm tính trở thành giấy thông hành thì việc tầm soát không còn nằm trong lãnh vực của y tế nữa mà nó mang một giá trị hành chánh vô nghĩa. Như thế nó vừa phản khoa học vừa ngăn cản việc đi lại và kiếm sống của người dân. Một lối ngăn sông cấm chợ mới. 

Cứ phát hiện một người dương tính là kéo theo hàng chục, hàng trăm người liên quan gọi là F1, và luôn cả F2. Thế là người nhiễm bệnh vào bệnh viện, người F1 vào khu cách ly. Biện pháp này mới đầu có vẻ thích hợp khi số người dương tính trong một ngày chỉ vài ba người. Thế nhưng khi số người mắc bệnh lên đến con số ngàn như hiện nay ở Sài Gòn và con số F1 lên đến vài chục ngàn thì sẽ vỡ trận vì không còn chỗ chứa. Ở đợt 1 và đợt 2 của dịch bệnh, người bị cách ly ít, được tập trung trong các doanh trại quân đội, những khu nhà vốn là nơi sinh hoạt của hàng trăm, hàng ngàn người nên có đủ điều kiện để sống. Lại được chăm sóc ăn uống, thuốc men chu đáo, được quân nhân và tình nguyện viên phục vụ hàng ngày. Bây giờ ở Sài Gòn người bị cách ly quá đông, không còn chỗ để chứa nên trở thành nhếch nhác và cũng là ổ dịch. Những clip đưa lên gần đây cho thấy rõ điều đó. Một khu cách ly ở trong một trường tiểu học ở phường 7 quận 8 cho thấy hàng núi rác, người bị cách ly già trẻ lớn bé nằm dưới sàn nhà, không có người quản lý, bệnh không có ai quan tâm. Một clip khác cho thấy hàng dãy xe bus và xe cứu thương xếp hàng chờ đưa người lên một chung cư ở quận 12 nhưng không sắp xếp được vì đã quá tải. Một clip khác nữa quay một khu cách ly ở quận 2, cũng trong một chung cư chưa xây xong, thiếu thốn mọi phương tiện, không giường, không thuốc men khi cần thiết. Nó còn tệ hại hơn là các trại tạm cư của thời chiến tranh.

Và trước cảnh nực nội trong mùa hè nhưng không có một phương tiện gì để giải quyết, một người bạn của tôi trước đây là một tour guide của một công ty du lịch lớn, giờ bị thất nghiệp nhưng động lòng bèn kêu gọi mọi người hỗ trợ để mua vài chục chiếc quạt máy giúp cho những người bị cách ly. 

Thật ra những người gọi là F1 đó vẫn là những người có nguy cơ nhiễm bệnh chứ chưa phải là người bệnh. Việc gây nhiễm cho người khác là rất nhỏ cho nên cách ly họ trong điều kiện không được chăm sóc và thiếu phương tiện sinh hoạt như thế là phản khoa học. Ăn uống, thuốc men không chu đáo, những người bị cách ly tập trung lại rất dễ yếu sức đề kháng, bệnh tật dễ nảy sinh. 

Theo nguyên tắc, đúng ra là nên chia nhỏ thành phần này để có thể quản lý và theo dõi, ta lại tập trung nên nguồn bệnh lây lan. Những con số đã cho thấy đa số người nhiễm bệnh đều nằm trong khu cách ly. Ta nên học các nước trong các cơn bùng phát dịch, họ yêu cầu những người đã nhiễm bệnh cách ly tại nhà có sự giám sát của các cơ sở y tế. Một việc làm đúng và ít tốn kém cho ngân sách.

Gần đây, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đề ra biện pháp cách ly tại nhà nhưng lại được viết ra bởi các ông quan bàn giấy, không nắm rõ thực tế của xã hội. Theo chỉ thị này, muốn cách ly tại nhà phải có một số điều kiện nghe qua chẳng hợp lý chút nào. Trước hết phải là nhà ở riêng lẻ, nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập. Nghe là không ổn rồi, nhà ở Sài Gòn chen chúc nhau, nhất là ở các xóm lao động, nhiều nhà còn chung vách lấy đâu ra nhà riêng lẻ như thế? Lại thêm phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Các ông đang mơ đã lên thiên đường cộng sản rồi à? Dân ta còn nghèo lắm các ông ơi, các ông sang chảnh, ở trong nhà như vậy nên các ông cứ tưởng dân ta giờ ai cũng có nhà như các ông sao? Chưa hết, các ông còn đòi cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Ô hô! Nằm mơ giữa ban ngày. Cũng chưa hết nữa, còn phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn. Trong phòng cách ly phải có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt....Thôi, tôi không kể thêm nữa dù còn nhiều yêu cầu xa xỉ các ông còn đòi hỏi. Toàn nói chuyện trên mây dù đang ngồi dưới đất. Để thoả mãn những điều kiện trên, hỏi mấy người đáp ứng được. Bộ thì yêu cầu quá đáng như thế trong khi khu cách ly tập trung của nhà nước thì đến cái chổi quét nhà, miếng giấy đi vệ sinh còn không có mà xài, rác ngập lối đi, cơm thì bữa sống, bữa khê, món ăn nhạt nhẽo dù chi phí cho các bữa ăn một ngày là 80.000 đồng, ngân sách chịu.

Nói tóm lại, khi chúng ta không đủ điều kiện để phục vụ cách ly tập trung, dù biết tập trung như thế là thành ổ nhiễm thì cách tốt nhất là cho cách ly tại nhà. Không nên bắt người F1 tập trung ồ ạt vì cơ bản vào tập trung thì khả năng nhiễm bệnh tăng lên và thực tế đã chứng minh điều đó. Ta có khẩu hiệu" Chống dịch như chống giặc". Nghe rất hay nhưng nghĩ kỹ nó rất vô lý và thiếu nhân văn. Dịch và giặc là hai cái khác nhau hoàn toàn. Giặc có thể nhìn thấy, có thể nhận biết còn dịch virus thì vô hình vô ảnh, nó lơ lửng trong không khí, biết đâu mà chống như chống giặc. Và từ khẩu hiệu đó, người nhiễm bệnh cứ bị xem như giặc, mấy đợt trước bị đem ra bêu rếu trên báo, trên mạng. Giờ thì không còn vậy nhưng người bệnh vẫn bị kỳ thị và xa lánh. Không nên xem họ là tội phạm vì bản thân họ cũng đâu muốn mình là người mắc bệnh. Kết án người nhiễm bệnh là hành vi thiếu nhân văn. Nếu cần, cũng nên cho phép người nhiễm bệnh không triệu chứng được cách ly tại nhà có sự theo dõi của cơ quan y tế. Khi bệnh bộc phát nặng thì đưa vào bệnh viện để chữa trị. Hiện nay hàng ngàn người nhiễm bệnh nằm trong các bệnh viện nhưng cũng chưa được chữa trị gì vì cũng chưa có các dấu hiệu nguy hiểm. Vừa tốn kém vừa gây bất an trong dân.

Sáng nay nhìn cảnh hàng ngàn người và xe chen chúc nhau ở các trạm ở Gò Vấp mà giật cả mình. Kiểu như thế thì bao giờ mới chống được dịch. Nhìn hình thấy anh công an mồ hôi ướt áo mà thương. Chúng ta tự làm khổ nhau, tự lan truyền bệnh cho nhau một cách vô ý thức. Một ngày phong toả là một ngày thiệt hại biết bao nhiêu, khổ sở cho dân biết bao nhiêu. Nếu không ý thức được thì giãn cách sẽ tiếp tục, thiệt hại vẫn tiếp tục và nỗi khổ lại kéo dài ra. Lãnh đạo thì luống cuống, loay hoay, người dân thì nhiều người thiếu ý thức nên mọi chuyện rối như tơ vò. Không phải vì trình độ dân trí nữa, rất nhiều người không phải không có trí nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để được ra đường trong ngày phong toả. Không nói đến những người cần phải đi làm việc, đến cơ quan, công sở, nhà máy. Nhiều người không có việc cũng muốn ra đường, kẻ thì chạy chơi cho biết Sài Gòn vắng vẻ thế nào, người thì để tập thể dục, người lại bảo mua vật dụng, thăm người quen, người vì cuồng cẳng ra đường như một thói quen đưa đến những xô xát, tranh cãi không đáng có với người thi hành phận sự. Tôi xem clip công an đứng chờ anh chàng coi thường mọi thứ cứ ung dung tập thể dục và không mang khẩu trang mà nóng hết cả mặt. Vừa xem thường luật pháp vừa thiếu ý thức.

Thế là dịch bệnh lại có dịp lan truyền vì những người thiếu ý thức. Nhìn cảnh ấy mà lo, mà buồn, mà tự hỏi rồi không biết bao giờ mới  hết dịch. Nhiều chuyên gia phát biểu rằng chỉ có vaccine và vaccine mới có thể ngăn chận dịch bệnh. Thế nhưng với số lượng vaccine phân phối hạn chế cho thành phố như hiện nay cũng như phương cách và chọn lựa đối tượng như đang làm thì dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Không thể là trận cuối cùng như một lãnh đạo thành phố đã tuyên bố. Chống dịch cần khoa học chứ không cần tuyên ngôn và khẩu hiệu.

Mới đây Bí thư thành phố đã gặp gỡ và lắng nghe các nhà chuyên môn tham vấn. Một việc đáng ra phải làm ngay từ đầu những ngày chớm dịch thay vì các quan ngồi bàn mãi với nhau. Nhưng thôi, có còn hơn không. Mong thành phố sẽ có những biện pháp mới hợp lý hơn khi tham khảo các ý kiến của các nhà khoa học và cũng mong các nhà chuyên môn nên nói thẳng, nói thật suy nghĩ của mình để đẩy lui được con virus quái ác và thành phố này sớm trở lại cuộc sống bình thường như vốn có.

12.7.2021

Ngày thứ tư lockdown Sài Gòn

DODUYNGOC


















Đã qua ba ngày theo yêu cầu giãn cách của thành phố, những con đường Sài Gòn nằm yên. Thế nhưng trong lòng của Sài Gòn không nằm yên. Đâu đó vẫn có những địa điểm phát rau, tặng gạo, tặng quà cho người nghèo. Đâu đó vẫn có những người mang hộp cơm trưa, chiều cho người túng đói. Đâu đó trên khắp thành phố này vẫn có hàng ngàn con người mang áo quần bảo hộ giữa cơn nắng gắt của mùa hè để xét nghiệm, để tiêm chủng, để cứu chữa cho những người bệnh. Vẫn còn hàng ngàn tình nguyện viên quên mình vì đồng bào của mình. Vẫn còn đó những người có trách nhiệm đứng giữa lộ, đầu đường để ngăn chận những người tìm đủ mọi cách để ra đường khi thành phố phong toả với mồ hôi đầm đìa.

Và trong những khu lao động, trong hẻm sâu vẫn còn đó những người nghèo và cũng không thiếu những tấm lòng tốt giúp người trong cơn hoạn nạn. Có thể chỉ là bớt hoặc không thu tiền trọ, có thể là bó rau, con cá nhưng chứa đầy tình thương yêu.

Sài Gòn đang cơn đau nhưng xin đừng viết ra những bài ca bi luỵ, khóc than. Sài Gòn không thích những giọt nước mắt. Sài Gòn cần những nụ cười lạc quan dù trong cảnh hiểm nghèo. Sài Gòn vẫn còn những người thiếu ăn trong mùa dịch cần lắm những bàn tay, tấm lòng giúp đỡ, những gói cơm, miếng bánh qua ngày. Nhưng Sài Gòn không chấp nhận kiểu từ thiện ban ơn, bố thí món quà với những lời chửi hạ nhục, bị xài xể. Có người làm từ thiện bằng đồng tiền của nhiều người đóng góp nhưng lúc nào cũng làm kẻ đứng bên trên ban ơn mưa móc cho người nghèo với những lời cay độc. Không cho cơm người mập, không phát cơm cho bụi đời, không cho người sơn móng tay lấy cơm...Nhìn thấy cụ già hom hem, áo quần xộc xệch, rách rưới, bệnh ghẻ lở, tay gãi liên tục, bạn lại tỏ vẻ ghê tởm, sợ lây ghẻ vào người. Bạn ơi! Trong mùa dịch càng lúc càng phức tạp, xã hội phong toả thế này thì vẻ bên ngoài của người ta không nói lên được điều gì về hoàn cảnh thật của họ. 

Bạn đang làm từ thiện kiểu gì vậy? Mập không có nghĩa là không đói, bụi đời lăn lóc vỉa hè mới cần xin ăn, mới túng đói lúc xã hội bị giãn cách, không cho cơm người bụi đời thế anh tặng cơm cho kẻ dư của ăn của để, nhà cao cửa rộng, nệm ấm chăn êm chăng? Làm từ thiện là chia sẻ, là cảm thông và đồng cảm với những số phận. Đằng này bạn tặng cho người nghèo hộp cơm mà bạn lại xỉa xói, móc họng, châm chọc bằng những lời khó nghe, với giọng kẻ cả như vậy là bạn lại tự tạo khẩu nghiệp cho mình. Khi người ta đã hạ mình xuống để đi nhận gói cơm ăn qua bữa, họ đã cảm thấy đau lòng lắm rồi, bạn lại dùng lời nói và hành động của mình làm cho nỗi đau bị xé to ra, nỗi buồn của người ta càng lớn. Bạn xử thế còn thua xa mấy em, mấy cháu tóc nhuộm, tai đeo khoen, những bạn trẻ tôi đã từng thấy tặng quà cho những người lăn lóc giữa đường phố bằng hai tay và cúi đầu chào họ. 

Người ta đã cúi mặt che dấu thân phận mình, bạn lại chọc ống kính sát mặt họ mà tuôn lời cay độc, ác khẩu. Đó không phải là cách làm từ thiện ở xứ này. Người Sài Gòn không có kiểu làm từ thiện như thế. Đó là hành xử của người không có tâm. Người Sài Gòn có người đói ăn nhưng họ khó lòng chịu nhục, và sẽ có lúc bạn sẽ bị chửi lại hay bị ném trả hộp cơm vào người thì mất mặt lắm đấy. Mọi người không quên công lao của bạn nhưng mọi người không thể có chút cảm tình với bạn nên bạn đừng thắc mắc mà than rằng hình như người ta đã bỏ quên câu cám ơn ở nhà rồi. Vẫn biết còn có nhiều người tham lam, cố lấy thật nhiều cho mình. Nhưng bạn ơi! Bạn đang làm chuyện nhân đức thì sao vẫn nặng lòng sân si để tuôn ra những lời nghe trái tai và đau lòng.

Xin cám ơn những người đang quên mình vì đồng loại. Xin cám ơn những hi sinh thầm lặng của những người mặc áo blouse trắng. Xin cám ơn những cô gái, chàng trai, những bà mẹ, bà chị thức khuya dậy sớm lo kiếm thực phẩm, đóng gói, nấu cơm, chế biến thức ăn và lặng lẽ trao tận tay những người đang thiếu thốn. Xin cám ơn những chuyến xe vất vả ngày đêm mang hàng về cho người thành phố. Cũng không quên những đội ngũ luôn gồng mình để giữ trật tự, an ninh phố phường trong những ngày phong toả. Và bên cạnh những lời cám ơn cũng có thêm lời trách và buồn lòng với những kẻ mang danh từ thiện mà vẫn còn ác tâm, xem thường và coi khinh những số phận không may. Khuyên những bạn ấy thật lòng, tốt nhất với kiểu cho như thế thì cũng chẳng nên cho nữa. Của cho không bằng cách cho. Cho kiểu đấy chỉ khiến cho bạn thêm nặng nghiệp.

11.7.2021

DODUYNGOC






NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐƯỜNG PHỐ TRONG THỜI ĐẠI DỊCH

Từ khi Sài Gòn bắt đầu bùng phát dịch đợt thứ tư, tui chỉ nằm nhà viết nhảm. Bạn bè, người thân ở xa gần biết hoàn cảnh của tui nên nhắn tin, điện thoại hỏi ăn uống hàng ngày thế nào? Nhất là khi thành phố giãn cách từng khu vực cả tháng trước, rồi đến lúc hàng quán không còn được mở của thì người hỏi thăm càng nhiều. Câu trả lời thường xuyên của tui là vẫn ổn, cám ơn. Không cơm hàng cháo chợ thì ăn cơm ở nhà, chẳng sao cả. Lâu rồi, đời mình cũng qua. Chỉ rầu là không được gặp anh em bạn bè tán gẫu. Không đi đến được những quán quen để ăn những món mình thích, không được rú xe chạy trên những con phố đầy nắng gió. Hôm nay cũng có mấy lời nhắn bảo giờ không có hàng quán bán mang đi, shipper cũng không có việc, bảo tui có cần chi không, sẽ tìm cách gởi đến ăn qua ngày. Tui nghĩ mình vẫn ổn, lại nhớ đến những đứa trẻ đường phố, trong tình cảnh này không biết sẽ sống ra sao?

Thường ngày tui hay lê la hàng quán, thường lang thang khắp nơi nên quen biết nhiều đứa trẻ đường phố Sài Gòn. Mỗi đứa mỗi hoàn cảnh, một tính nết khác nhau nhưng có điểm chung là phải ra đời sớm vì nghèo. Có đứa là trẻ không cha mẹ, người thân, sống lang thang, bơ vơ sống ở vỉa hè, góc phố gầm cầu. Cũng có đứa sinh ra trong gia đình cơ cực nên phải vào đời kiếm tiền phụ giúp mẹ cha. Cũng có đứa ở trong gia đình bất hạnh, cha hoặc mẹ chết, ở với ông bà đã lớn tuổi nên phải xuống đường kiếm sống. Cũng có đứa vừa đi học vừa đi làm thêm để nuôi cha bệnh hay mẹ ốm đau. Mỗi đứa mỗi số phận mà phận số nào cũng nghiệt ngã cả. Phần đông chọn nghề bán vé số hoặc đánh giày, các bé gái thì bán bông, kẹo cao su ở các quán ăn, quán nhậu, mấy đứa bệnh tật, nhất là mù mắt thì đi kèm người lớn hát ca và bán tăm, cây ngoáy tai. Có đứa mặc đồng phục đi học, có đứa áo thun quần đùi, có đứa nghiêm trang, cộc cằn, có đứa hồn nhiên xem chuyện bán buôn như một cuộc chơi. Tuy không có đứa gian ngoa, trộm cắp, nhưng đứa nào cũng có vẻ già trước tuổi và lọc lõi chuyện cuộc đời. Chính hè phố đã dạy cho chúng điều đó, không thì làm sao mà sống được.

Nghe chuyện của chúng người ta dễ não lòng vì đời đứa nào cũng buồn, số phận đứa nào cũng đầy tiếng khóc.

Bây giờ thành phố buồn hiu. Đường phố không người đi. Hàng quán đóng cửa. Không biết những đứa trẻ đường phố đó sẽ sống bằng gì cho qua cơn đại dịch khốn nạn này. Đâu còn vé số, đánh giày cho ai? Ai còn mua hoa để tặng, ai cần kẹo cao su để nhai, ai cần nghe tiếng hát của đứa bé mù với tiếng đàn não nề của ông cụ già? Trong những con hẻm hắt hiu ở xóm lao động nghèo, trong những dãy nhà trọ chật cứng người, trong những căn nhà tồi tàn, ẩm thấp ao tù nước đọng, ở những vỉa hè, gầm cầu giờ đây những đứa trẻ ấy lấy gì để cầm cự qua ngày. Nhà nước hỗ trợ cho người công nhân mất việc hay nghỉ việc vì cơn dịch. Trợ cấp cho nhiều giới khó khăn vì dịch. Chứ nhà nước có chính sách giúp gì cho các đứa trẻ đường phố đó đâu. Có thể những hộp cơm từ thiện, những gói quà của những người hảo tâm sẽ giúp các cháu cầm hơi qua bữa. Nhưng giờ thì khó thật rồi. Không cho phép người ra đường khi không có lý do chính đáng. Cho phép làm từ thiện nhưng không cho tụ tập trên hai người. Cho phép kiểu đó cũng như là cấm rồi. Tui nghĩ đến những khuôn mặt của chúng khi đến bữa mà không có chi ăn. Tui nghĩ đến những hoàn cảnh khắc nghiệt của từng đứa. Lúc bình thường kiếm miếng ăn đã khó, huống chi bây giờ cả thành phố như dừng lại mọi sinh hoạt của phố phường. Rồi lây nhiễm dịch bệnh nữa. Những đứa trẻ vỉa hè lăn lóc với nắng bụi sẽ là đối tượng rất dễ lây bệnh, ai sẽ giúp chúng? Những đứa trẻ đường phố ấy khi cùng đường rất dễ phạm tội và khi tay đã một lần nhúng chàm, những đứa trẻ ấy sẽ trượt dài vào con đường tội lỗi. Nghĩ đến chúng nhưng bất lực, chẳng biết phải làm gì? Con virus Vũ Hán không chỉ làm cho người ta bệnh, người ta chết vì nó mà còn khiến người ta kiệt sức vì đói, mà buồn nhất đó là những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Định dừng ở đây nhưng chợt nhớ ngày hôm qua trong một bài viết về ngày đầu tiên phong toả ở Sài Gòn, ở phần kết tui có viết: "Mặc cho những thiên vị, mặc cho những thiệt thòi phải gánh chịu dù là thành phố đóng nhiều nhất cho ngân sách, Sài Gòn vẫn cắn răng bước tới với tấm lòng bao dung và với nụ cười." Có một cô, một chị hay một bà nào đó tui không quen biết ở Hà Nội nhảy vào comment mắng tui rằng: ""Mặc cho những thiên vị những thiệt thòi ..." sai bet ..cả nuoc đang tập trung tiêm chủng cho thành phố Hồ Chí Minh đấy ...giờ này đừng nói giọng phân biệt vùng miền đó là những suy nghĩ của những ông già ấu trĩ tự ti .....lạc hậu lắm rồi" ( Tui chép nguyên văn nha). Ô hay, trong bài đó tui có câu nào, chữ nào phân biệt vùng miền đâu mà giãy giụa lên dữ thế? Mời chị, cô, bà đọc lại cho kỹ nhé.

Người xưa bảo: "Lục thập nhĩ thuận, Thất thập tòng tâm sở dục". Nay tui cũng đã cổ lai hy rồi nên cũng chẳng muốn đôi co, cãi lại với câu mắng của chị, của cô hay của bà ấy làm chi nữa.

10.7.2021

DODUYNGOC





Tôi là thanh niên từ miền Trung vào Sài Gòn kiếm cái chữ và lập thân ở đây đã hơn 50 năm rồi. Người Sài Gòn không phân biệt, bất cứ ai đã vào đây, sống ở đây đã là người Sài Gòn. Và tôi đã là người Sài Gòn đã hơn nửa thế kỷ. Tôi đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của Sài Gòn. Từ những năm chiến tranh, bom đạn ì ầm, tiếng phi cơ bay hàng đêm, một góc thành phố hoả châu thắp sáng rồi tiếng đại bác vọng về, đạn pháo kích vào thành phố nhiều đêm. Rất nhiều bạn bè tôi đã chết trong chiến tranh. Nhưng Sài Gòn trong tôi vẫn mạnh khoẻ, tươi vui. Người Sài Gòn vẫn thanh lịch lạc quan trong cuộc chiến. Tôi cũng đã chứng kiến Sài Gòn hấp hối trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh tương tàn. Người Sài Gòn hốt hoảng, lo âu, bi phẫn nhưng vẫn giữ được phong cách của mình. Tôi cũng đã sống với những ngày Sài Gòn nghèo thiếu điện, thiếu củi, thiếu gạo phải sống bằng bo bo với bột mì, cơm hẩm, cá thiu, bệnh không có thuốc chữa và đành ngậm ngùi nhìn những người quen biết lần lượt ra đi về phía biển, nhiều người mãi mãi không đến nơi, thân xác chìm vào giữa biển khơi. Nhưng trong những cơn khốn khó ấy, Sài Gòn không tuyệt vọng. Tôi cũng đã hoà mình vào thời mở cửa của các chính sách để kiếm tiền nuôi vợ con, người Sài Gòn nhiều sáng tạo để cố thoát nghèo với một tinh thần lạc quan tiến tới. 

Nhưng bây giờ thì Sài Gòn đang bệnh, bệnh nặng. Con virus quái ác lấn dần đe dọa làm cho Sài Gòn lo âu. Những con số thống kê hàng ngày làm cho Sài Gòn lo lắng. Ai cũng sợ rồi sẽ đến lượt mình. Và trong cơn đau, Sài Gòn vẫn vững tin, vẫn quên thân mình để chống dịch. Bây giờ là buổi trưa, trưa mùa hè nắng gắt, đâu đó trong các khu cách ly, trong những bệnh viện, trạm xá. Hàng ngàn nhân viên y tế, các bác sĩ, điều dưỡng và cũng hàng ngàn tình nguyện viên, chiến sĩ đang chấp nhận cái nóng nung người, mồ hôi khắp mặt, tạm xa lánh những tiện nghi của một cuộc sống bình thường để lao vào chống dịch. Biết bao bà mẹ đành xa con, xa gia đình suốt mấy tháng nay để bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng. Biết bao người cha, người con đành phải xa nhà, xa cha già, mẹ yếu để tham gia chống dịch. Nhân dân Sài Gòn không quên ơn họ. Hơn 800 điểm đã có virus xuất hiện, dây đã giăng, rào kẽm gai đã chận, biết bao con người đang ngày đêm làm nhiệm vụ của mình để ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh. Tất cả họ đang chiến đấu như những chiến sĩ ở tuyến đầu. Hàng đêm, họ nhường nhau một góc phòng, một tấm chiếu để ngã lưng rồi ngày mai lại lao vào công việc. Sài Gòn xót xa trước những hi sinh thầm lặng của biết bao người với một lòng tin vào chiến thắng. Tôi không thích trong tự điển tiếng Việt có chữ "bùng" với chữ "toang". Sài Gòn cũng không "toang" như nhiều người đang nói. Tôi tin rồi Sài Gòn vẫn đứng vững như rất nhiều lần đã trải qua bao biến cố. Vẫn biết Sài Gòn đang đau, Sài Gòn đang bệnh. Nhưng những tấm lòng của người Sài Gòn đã làm xoa dịu cơn đau. Sức mạnh tiềm tàng đã qua hơn 300 năm của thành phố này sẽ làm dứt cơn bệnh. Tôi tin như thế và mãi tin như thế. Chẳng có chi khuất phục được Sài Gòn.

Tôi đang nghe tiếng thở của Sài Gòn, tiếng thở của một thành phố trong cơn bệnh nặng. Phố đã vắng người đi. Hàng quán đã đóng cửa. 148 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố tạm ngưng hoạt động. Những chiếc xe cấp cứu hú còi liên tục trên các ngã phố. Rất nhiều người nghèo không còn phương sinh kế đang thiếu thốn bữa ăn. Trong những con hẻm ngoằn ngèo chật hẹp của thành phố này, biết bao con người đang cần phải sống chờ qua cơn đại dịch nhưng thiếu cơm, cần gạo. Trên vỉa hè biết bao người không nhà đang tự hỏi làm sao để sống tiếp ngày mai. Quá nhiều người đang lo âu vì bệnh tật và đói nghèo. Sài Gòn trống trải chỉ còn những con đường nằm phơi dưới nắng không có người đi. Nhưng cũng như nhiều lần, Sài Gòn vẫn không tuyệt vọng, vẫn tin vào ngày mai, vẫn tin với sức mạnh và sự lạc quan đã được trui rèn. Sài Gòn sẽ chiến thắng. Bởi Sài Gòn vẫn còn đó những con người biết quên mình để chống dịch. Bởi Sài Gòn vẫn còn đó những tấm lòng đến với mọi người bằng chén cơm, miếng bánh lúc ngặt nghèo. Tôi yêu mảnh đất này và gắn bó với nó vì những tính cách tốt đẹp đó.

Ngày đầu tiên của giãn cách, Sài Gòn như những ngày giới nghiêm trong chiến tranh. Dù không có tiếng nổ của bom đạn nhưng con virus Vũ Hán còn có sức nguy hiểm hơn đạn bom. Trước hòn tên mũi đạn, bom nổ đạn rơi con người phải tìm cho mình một hầm trú ẩn. Trong thời dịch vật này, hầm trú ẩn là những tấm lòng, là lòng tin, là thực hành những nguyên tắc cơ bản để phòng và chống dịch. Sài Gòn không bao giờ "toang", chẳng bao giờ "bùng" vì đất Sài Gòn, người dân Sài Gòn không bao giờ biết đầu hàng số phận. Mặc cho những thiên vị, mặc cho những thiệt thòi phải gánh chịu dù là thành phố đóng nhiều nhất cho ngân sách, Sài Gòn vẫn cắn răng bước tới với tấm lòng bao dung và với nụ cười.

Ngày phong toả thứ nhất ở Sài Gòn 9/7/2021

DODUYNGOC


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget