Latest Post


Chiều nay trời bỗng liu riu, gió lành lạnh, bỗng dưng thèm tô cháo vịt nóng hổi, múc một muỗng cháo, húp một hơi cháo, người ấm lên. Gắp một miếng vịt luộc, chấm chén nước mắm gừng với ớt cay cay. Cái chất béo của miếng da vịt, cái bùi ngọt của miếng thịt vịt trộn lẫn với nước mắm gừng. Ôi chao! Buổi chiều thú vị hỉ! Nhưng rồi lười đi. Ăn một mình cũng chẳng vui. Rủ bạn thì không biết ai rảnh mà gọi. Đành nằm nhà nghiên cứu về thịt vịt, hoá ra có lắm cái hay.
Theo Y học cổ truyền, thịt vịt được xếp vào loại món ăn - vị thuốc bổ, chữa được nhiều bệnh. Người ta thường thì dùng thịt vịt mái già để làm thuốc. He..he thế mà đi ăn thì lại hay chê mái già. Chọn phụ nữ người ta cũng không chọn mái già. Già cũng có cái quý của già chớ!
Mấy ông bà làm nghề dinh dưỡng rỗi hơi mới phân tích thành phần thịt vịt có chứa lượng lớn protein, sắt, canxi, phot pho, vitamin A, vitamin B1, vitamin D… cần thiết cho sức khỏe và quá trình tăng cân. Chính vì thế, ăn thịt vịt rất có lợi cho sức khỏe. Rứa mà lâu ni giang hồ cứ nói: Độc hơn thịt vịt. Oan cho thịt vịt quá chừng. Lại bảo ăn vịt xui nữa chứ ha..ha.
Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị).( Cái này phải lưu ý là hỗ trợ thôi)
Ăn thịt vịt có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít, khí hư bạch đới, sản phụ thiếu sữa. Lại còn để khắc phục tình trạng tăng huyết áp, ù tai, váng đầu, chóng mặt, mỗi buổi sáng, nên ăn 1 quả trứng vịt muối. Nếu trộn trứng vịt với bột sò biển để tráng lên ăn thì tác dụng chữa bệnh càng cao. Mấy ông bạn đồng môn, đồng tuế của tui nhớ cái vụ này nhen. Tuổi tụi mình cha nào cũng có vấn đề huyết áp, thành mạch máu bị hoen rỉ như ống nước lâu ngày rồi, nhớ hột vịt muối nghe mấy cha.
Vịt là loại gia súc được loài người thuần hoá lâu lắc lâu lơ. Ngoài vịt nhà nuôi còn có loại vịt trời, loại này hiếm nên ít phổ biến, thôi thì để dành cho mấy anh có súng đi săn. Vịt nuôi là món ăn phổ biến của người châu Á và cũng nhiều dân tộc trên thế giới. Ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường ăn thịt vịt vì nó có tính mát mà ngày mồng năm tháng năm lại là ngày nóng nhất trong năm.
Mấy ông bà dinh dưỡng không những phân tích thành phần trong thịt vịt mà còn đo đạc một cách khoa học giá trị dinh dưỡng có trong thịt vịt. Nếu ta bỏ vào mồm 100gr thịt vịt, tức là ta đã trang bị thêm cho ta 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng). Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, phốtpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acide nicotic… rất cao.
Không những thế, thịt vịt còn là vị thuốc có tác dụng tư âm, dưỡng vị. Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân ghi: Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thủy đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng, xương đen, mỏ đen càng tốt. Do thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn tạm thời chưa nên ăn. thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, giải độc.
Không biết ngày xưa người ta nghiên cứu thế nào nhưng theo các tài liệu y thư cổ, thịt vịt được coi là loại thuốc bổ thượng hạng, có tác dụng điều hoà ngũ tạng, lợi thuỷ, trừ nhiệt, bổ hư. Sách Nhật dụng bản thảo còn cho rằng thịt vịt giúp nuôi dưỡng dạ dày, sinh tân dịch, trấn định tâm thần. Vịt có nhiều loại được chọn dùng tuỳ theo mục đích: vịt trống đầu xanh mạnh về lợi tiểu tiện, vịt trắng xương đen trị hư lao nhiệt độc. Để làm thuốc nói chung thì nên dùng thịt vịt mái già và thịt vị thiên về bổ dương nên nam giới ăn sẽ bổ hơn phụ nữ. Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị). Nghe dữ thiệt chớ! Có lẽ là góp phần trong việc điều trị thôi, chứ không phải là chữa trị, chứ không thì người ta tưởng tui đang có bầy vịt ế nên viết quảng cáo he..he hổng có đâu à nghe!
Cái này nữa nè, thịt vịt có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn.
Quá dữ luôn, quá trời công dụng của thịt vịt, vừa ngon vừa chữa được khối bệnh. Đọc đến đây có ai mời tui đi ăn thịt vịt không? Điện thoại cho tui nhe. Gởi tin nhắn cũng đặng kkkkkk.
Có hai điều nên nhớ khi chế biến vịt. Đó là: Thịt vịt thường dai hơn thịt gà, heo, vì thế muốn thịt vịt mềm, hãy thái xéo thớ thịt, thịt sẽ vừa mềm, vừa đẹp mắt. Thịt vịt có mùi hôi khó chịu, nên phải khử mùi trước khi chế biến. Gừng và rượu là hai loại gia vị hữu hiệu để khử mùi vịt. Bóp vịt thật kỹ với gừng giã nhuyễn hoặc xát với rượu rồi rửa sạch là vịt hết mùi hôi. Nếu không có gừng hoặc rượu, có thể thay thế bằng muối và giấm.
Vịt có nhiều cách chế biến để thành món ăn hấp dẫn và ngon miệng. Đầu tiên là các món quay mà nổi tiếng nhất là món Vịt quay Bắc Kinh. Nhưng mà tui nói thiệt, tui hổng có khoái món này. Ăn ở nhà hàng Bắc Kinh thì đợi lâu mà giá đắt trên trời, mà tui không thấy ngon, ngoài ra còn dùng cho món cháo vịt, vịt tiềm hay vịt hầm, vịt nấu chao... Cháo vịt đậu xanh, vịt nấu rau lang, vịt om sấu, thịt vịt nước mía... có ích cho người suy nhược, chán ăn, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, phụ nữ kinh nguyệt ít, sản phụ thiếu sữa.
Khoảng năm 2000, tui có công việc làm ăn kết hợp đi học lóm thêm quốc họa Trung Hoa ở Quảng Châu, Tế Nam, Hồ Nam, Bắc Kinh, Thượng Hải...được một số người quen biết giới thiệu bốn món vịt nổi tiếng của ẩm thực Tàu, đó là vịt quay Bắc Kinh, vịt Quế Hoa, vịt Tứ Xuyên và vịt quay tiêu Macau là những món vịt ngon có tiếng với những hương vị riêng rất đặc trưng.
Vịt quay Bắc Kinh (Bắc Kinh khảo áp) là một món ăn đặc sản nổi tiếng từ Đông Bắc Trung Quốc, đặc biệt là ở Bắc Kinh. Đặc trưng của món vịt quay là da vịt mỏng, giòn, màu vàng sậm. 
Vịt Bắc Kinh to, béo sau khi được quay trong lò lửa lớn được nhà hàng lạng lấy thịt và da phục vụ cho khách, riêng phần xương còn lại được hầm để nấu món súp. Lai lịch món này có lẽ từ thời nhà Nguyên (1206-1368). Đến đầu thế kỷ XV, món vịt quay đã nổi tiếng được các vua chúa nhà Minh ưa thích. Vịt quay Bắc Kinh, cùng với môn Kinh Kịch được người Bắc Kinh tự hào làm thương hiệu riêng khi đề cập đến văn hóa thủ đô Bắc Kinh với người nước ngoài.
Thành phẩm là vịt quay có màu nâu đỏ đều, da giòn rụm, thịt mềm và ngọt. Da vịt được dùng như món khai vị, chúng sẽ được cắt miếng, cuốn chung với hành lá, dưa leo, bao bọc bên ngoài bằng lớp bánh tráng mềm. Thịt vịt ngọt, được chiên với cơm, xào với mì hay lăn bột chiên muối. Bộ xương con vịt còn lại thường được nấu thành canh, cũng ngọt và thơm không kém.
Có những đầu bếp cầu kỳ đã cho ra một bữa ngon gồm 5 món như: Da vịt cuốn, vịt quay cuốn xà lách, vịt quay xào mì giòn, cơm chiên vịt quay, súp… tất cả đều từ một con vịt quay mà không hề làm thực khách ngán ngẩm. Vì với 5 món đó, cũng hương vị và mùi thơm ấy lại có những cách thưởng thức khác nhau. Tuy cầu kỳ thế nhưng tui không thích lắm và chưa thấy ngon, có lẽ không hợp khẩu vị
Món thứ hai là Vịt "long não" Tứ Xuyên (Zhangcha duck hay tea-smoked duck)
Từ khẩu vị đến cách ăn của món vịt này đều khác xa với món vịt quay Bắc Kinh. Nếu vịt Bắc Kinh sử dụng loại vịt béo, có lớp mỡ dày do nuôi trong lồng và nhồi thức ăn thường xuyên thì "vịt long não" lại sử dụng vịt hồ, có đầu nhỏ, ốm. Đồng thời vịt để nấu món "vịt long não" phải là vịt cái, thịt mềm tươi hơn vịt đực.
Giai thoại gắn liền với món vịt long não này là vào thời Từ Hy thái hậu, bà đã cho mời vị đầu bếp nổi tiếng tại Thành Đô là Huỳnh Tấn Lâm vào dâng thiện. Vị đầu bếp này đã làm món vịt hun khói với lá long não và lá trà, vốn là những loại lá thường thấy ở Tứ Xuyên để làm món vịt hun khói lá long não. Món vịt với vị thơm đặc biệt của loại lá trà này được Từ Hy thái hậu khen ngợi hết lời. Sau khi trở về quê nhà Thành Đô, món ăn này cũng trở nên nổi tiếng và là một trong những món vịt đặc sản của tỉnh Tứ Xuyên. Tui ở Tứ Xuyên thời gian ngắn, nên dù được hẹn để thưởng thức món ăn độc đáo này nhưng vẫn chưa có dịp. Do vậy không có ý kiến với món này.
Món thứ ba là Vịt Quế Hoa Nam Kinh
Món vịt luộc Nam Kinh có tuổi đời trên hai nghìn năm lịch sử này lại gắn liền với tiết trời thu mát mẻ bởi vào thời điểm mùa thu, vịt thường nhiều thịt, ít mỡ và các thớ thịt chắc nịch. Ngoài cái tên dân dã vịt luộc Nam Kinh, món này còn có một tên khác là vịt Quế Hoa bởi loại vịt này đặc biệt thơm ngon vào mùa thu, khi hoa quế nở rộ, đồng thời khi nhắm cùng rượu Quế Hoa.
Người đầu bếp sẽ chọn ra những con vịt ngon nhất, làm sạch, xát muối khử mùi hôi rồi tiến hành ướp chúng trong hỗn hợp nước sốt khoảng 2 giờ để gia vị ngấm sâu vào mọi ngõ ngách. Khi ăn, vịt sẽ được hấp chín để có được hương vị thơm ngon, lôi cuốn kỳ lạ. Món vịt này có ngon hay không tùy thuộc vào tài canh độ lửa của bạn. Ngày nay, món vịt Quế Hoa còn được xem là món ăn truyền thống vào mùa trung thu ở Nam Kinh. Tui có được ăn thử món này vào mùa thu năm 2001. Đúng là lạ miệng và hấp dẫn. Miếng thịt được tẩm ướp đậm đà, thơm mát trong miệng. Không biết bao giờ mới được xơi lại món này. Nghe nói món này giá cũng không rẻ.
Và thứ tư là Vịt quay sốt tiêu đen Macau
Vào những năm đầu của thập niên 70, có người mang tên Trần Thụ Quang đi khắp Đông Nam Á khám phá các nền văn hóa ẩm thực khác nhau và tìm kiếm các bí kíp về nướng và quay. Vịt quay sốt tiêu đen trứ danh vùng Macau là món ăn được tìm kiếm nhiều nhất khi đến đây du lịch.
Và nay được mang đến Việt Nam và trở thành món ăn BÁN CHẠY NHẤT ở Trần Quang Ký, bởi các yếu tố: Chắc thịt, mềm mại, không bở, đậm đà - Sốt tiêu đen thơm lừng nhưng không cay - Da vịt giòn bùi, nâu bóng bởi kỹ thuật quay chín tới, chỉ có ở Trần Quang Ký.( phần này copy từ trang của vịt quay Trần Quang Ký nên khen một chút cho lịch sự)
Ngoài ra ở vùng Quảng Đông cũng có món vịt quay Quảng Đông cũng khá ngon, tui thích món này hơn vịt quay Bắc Kinh.Vịt được chọn là giống vịt ngon có trọng lượng tầm 3kg, sau khi được chính các đầu bếp Trung Hoa tẩm ướp công phu theo phương thức bí truyền và quay trong lu gốm đặc biệt từ 6 đến 8 tiếng( một mẻ vịt 10 con), vịt có trọng lượng sau khi quay xong từ 1,6kg đến 2kg
Da vịt giòn, căng vàng, chín đều đều nhờ sự đối lưu của lu kín
Thịt vịt mềm, riêng mùi vị lạ đặc trưng khác hoàn toàn với các sản phẩm vịt quay công nghiệp
Thấy bài đã dài quá rồi mà khám phá thêm cái này hay quá, nên phải cho vô luôn.
Nếu bạn bị đau lưng, viêm thận, hen hay phù dinh dưỡng, bạn hãy chế biến một số món ăn từ thịt vịt.
-Thịt vịt với đậu xanh chữa đau lưng: Thịt vịt nạc 200 gr, thái nhỏ, ướp gia vị. Đậu xanh 200 gr đun với 300 ml nước, khi sôi cho thịt vịt vào đảo đều đến chín. Ăn ba ngày liền, mỗi ngày ăn một lần.
-Thịt vịt với tỏi chữa viêm thận: Vịt một con làm sạch, bỏ lòng. Nhồi vào bụng vịt 50 gr tỏi đã bóc vỏ, khâu lại, nấu chín, ăn cái, uống nước. Khoảng 2 - 3 ngày ăn một con.
-Thịt vịt, đậu đỏ chữa phù dinh dưỡng: Thịt vịt 1 kg, đậu đỏ 50 gr, lạc 100 gr, vỏ bí đao 30 gr, nấu thành canh, tốt cho người thiếu máu.
-Thịt vịt, nước mía chữa hen suyễn: Thịt vịt nạc 300 gr, băm nhỏ, ướp gia vị, nước mía 300 ml, gạo tẻ 100 gr ninh nhừ. Khi thành cháo, cho thịt vịt vào đun chín. Ăn liền trong một tuần, mỗi ngày ăn cháo ra làm ba lần, ăn nóng.
-Vịt hầm sa sâm dưỡng da: vịt già một con, sa sâm 50g, ngọc trúc 50g. Vịt mổ bụng làm sạch (bỏ lòng) hai vị thuốc cho vào túi buộc miệng, nhét vào bụng, gập đầu vào bụng, buộc lại, hầm chín. Thích hợp với người da khô ráp, chảy máu cam, táo bón.
-Canh vịt đỗ trọng hạ huyết áp: thịt vịt 100g nấu 30 phút, gia đỗ trọng 30g, mộc nhĩ trắng 30g. Nấu thêm 15 phút. Ăn thịt vịt, mộc nhĩ, nước canh, bỏ đỗ trọng. Thích hợp với người bị huyết áp cao, đau đầu chóng mặt.
- Thịt vịt giảm lao phổi, ho sốt về chiều: vịt làm sạch hầm với chân giò heo hun (hoặc không) để ăn riêng, hoặc ăn với cháo. Có thể thêm mộc nhĩ trắng, củ cải.
- Vịt hầm bách hợp bổ phổi: vịt mái già một con, bách hợp tươi 300g. Vịt mổ bụng bỏ lòng, cho bách hợp vào bụng, tưới hai muỗng rượu, gia vị, bỏ đầu vịt vào bụng buộc chặt lại. Chưng cách thuỷ cho chín. Ăn thịt, lòng và bách hợp. Thích hợp với người bị viêm phế quản mãn, khạc ra máu, ho lao.
- Vịt chưng bổ thận: vịt trống già một con, đông trùng hạ thảo 10g, rượu, gừng, hành, muối tiêu vừa đủ. Vịt làm sạch, rạch từ đầu thẳng xuống cổ, cho 3g đông trùng hạ thảo vào, lấy dây buộc lại. Còn lại tất cả cho vào bụng (đã bỏ hết lòng), để vào bát lớn, đặt vào nồi chưng. Món này thích hợp với người di tinh, yếu dương, lưng gối yếu mỏi, ra mồ hôi nhiều.
- Canh vịt nấu đan sâm hoạt huyết: thịt vịt 100g, đan sâm 50g. Vịt làm sạch chặt miếng, nấu 60 phút cùng đan sâm bỏ vào túi vải, hoặc nấu đan sâm riêng 30 phút, chắt nước cho vào nồi canh vịt nấu thêm ít phút. Chia hai lần ăn sáng chiều. Thích hợp với người bị trúng phong bán thân bất toại.
- Vịt ngọc trúc giảm tiểu đường: vịt mái già một con (1,5kg), ngọc trúc 50g, mạch môn đông 50g, rượu vang 30g. Thuốc cho vào túi vải buộc miệng ngâm nước lạnh ba phút rồi bỏ vào bụng vịt. Đầu vịt gập vào bụng, lấy dây buộc lại đặt vào bát to rồi cho vào nồi chưng tới khi vịt chín mềm, bỏ túi thuốc ra vắt lấy nước. Thích hợp với người bị tiểu đường, âm hư miệng khát, uống nhiều nước.
Và đây là những món vịt dễ làm, ai cũng nấu được và cũng là món ngon nên thử qua cho biết:
-Cháo vịt đậu xanh: Vịt 1 con khoảng 1,5kg (đã làm sạch, xát rượu gừng cho thơm), gạo thơm 200g, đậu xanh nguyên hạt 200g, gừng tươi 3 củ, hành phi 50g, hành lá 100g, rau ngò. Gia vị gồm: hạt nêm, muối, tiêu, đường, nước mắm ngon. Rau ăn kèm gồm: rau đắng 200g, giá đậu 200g, cải xanh 200g.
Nguyên liệu pha nước mắm gồm: tỏi 2 tép, chanh 1 quả, ớt sừng 2 quả.
Cách làm: Luộc vịt chín, để nguội, chặt miếng mỏng vừa ăn. Nấu nước luộc vịt với gạo và đậu xanh thành cháo nhừ. Múc cháo ra bát lớn, rắc hành lá, rau ngò, tiêu, hành phi lên trên. Xếp thịt vịt ra đĩa lớn, dùng với cháo nóng, rau cải xanh, rau đắng, giá đậu, chấm kèm nước mắm gừng.
-Thịt vịt trộn rau lang: Thịt vịt (ức) 400g, rau lang non 400g. Gia vị gồm: tỏi bằm, tỏi phi, ngũ vị hương, dầu ăn, nước tương, chanh, muối, tiêu, đường. Thịt vịt làm sạch, ướp chút muối, đường, ít nước tương, hạt nêm, tỏi băm, ngũ vị hương, để khoảng 10 phút cho thịt thấm. Chanh vắt lấy nước cốt hòa tan với ít đường. Đun nóng chảo với dầu ăn. Cho ức vịt vào chiên áp chảo, chín đều hai mặt. Lấy thịt vịt ra, để nguội, xắt lát mỏng. Rau lang lặt những đọt, lá non rồi rửa sạch, để ráo. Đun nước sôi, cho rau lang vào luộc sơ qua, vớt ra, xả qua nước sôi để nguội.
Trộn thịt vịt với rau lang, rưới nước cốt chanh, nước tương vừa ăn. Bày ra đĩa, rắc thêm tỏi phi lên mặt. Dùng ăn trong bữa cơm.
-Vịt om sấu
Vịt già 1 con (1,5kg), sấu xanh 5 quả, nấm hương khô 50g, 1 nước dừa xiêm 1 lít, sa tế 1 thìa súp, tiêu hạt1 thìa cà phê, hạt nêm 2 thìa cà phê, muối 1 thìa cà phê, đường 1 thìa cà phê, ngò rí, hành lá.
Vịt già mua nguyên con đã làm sạch, chà xát nhiều lần qua muối cho bớt mùi hôi (để khử mùi hôi của vịt, ngoài việc dùng muối, có thể chà thêm gừng băm nhuyễn), chặt miếng vừa ăn. Ướp thịt với sa tế, hạt tiêu, hạt nêm, đường, để khoảng 15 phút cho thấm gia vị. Sấu xanh cạo vỏ, rửa sạch. Nấm hương rửa sạch, bỏ chân, ngâm với nước ấm, vớt ra, rửa lại với nước lạnh.
Bắc nồi, cho nước dừa vào, thả thịt vào nấu. Khi thịt sôi, cho sấu xanh vào, đun sôi lại, sau đó vặn nhỏ lửa, nấu đến khi vịt mềm. Cuối cùng, cho nấm hương vào, đun sôi khoảng 5 phút nữa là được. Lấy sấu ra, giầm lấy bột, cho trở lại vào nồi vịt, nêm muối, đường, hạt nêm vừa ăn, nhấc xuống. Múc ra tô, cho ngò rí, hành lá lên mặt.
Có thể làm theo cách khác như sau:
- Vịt 1 con làm sạch, chặt nhỏ vừa ăn. Khoai sọ cạo vỏ rửa sạch, bổ miếng. Sấu 3 - 5 quả, cạo vỏ. Rau rút + rau muống nhặt ngắn, rửa sạch. Hành khô bóc vỏ thái nhỏ.
Cho hành khô vào nồi phi thơm, cho tiếp thịt vịt vào đảo đều, nêm nước mắm, mì chính (có thể thay nước mắm bằng muối hoặc bột nêm tùy thích), sau đó cho nước vào đun cho tới khi sôi, vặn nhỏ lửa, hớt sạch bọt và váng mỡ, cho tiếp khoai sọ và sấu vào đun nhỏ lửa đậy hé vung khoảng 15 - 20 phút (khoai chín mềm là được)
Dầm sấu từ từ khi thấy vừa đủ độ chua thì ngừng, nêm nếm lại gia vị, thả rau vào, khi rau vừa chín tới thì bắc xuống. Nếu muốn để trên bếp như ăn lẩu thì khi ăn mới cho rau vào.
-Thịt vịt ram sả gừng
Thịt vịt 500g, gừng cắt sợi 50g, sả bào mỏng 50g. Ớt băm, hành tỏi băm, hành lá cắt nhỏ, hành lá tỉa xoăn, đường, nước mắm, tiêu, dầu điều, dầu ăn, bột tẩm khô chiên giòn. 
Thịt vịt sơ chế sạch, chặt miếng vuông 4cm, để ráo. Tẩm đều vịt với 1 gói bột tẩm khô chiên giòn, sau đó đem chiên vàng, vớt ra để ráo dầu.
Phi thơm ½ lượng gừng, sả, vớt ra để ráo dầu.
Phi thơm lượng gừng sả còn lại với 2 m hành tỏi băm, cho thịt vịt vào, thêm 1 chén nước, 2m nước mắm, 1m dầu điều, đậy nắp nấu khoảng 10 phút, mở nắp thêm 1m đường rồi đảo nhanh tay, cuối cùng cho hành lá và ớt băm vào đảo đều rồi tắt bếp.
Múc vịt ra dĩa, rắc gừng và sả phi lên trên, trang trí với hành lá tỉa xoăn.
-Vịt nấu chao
Vịt 1 con (khoảng 1,8kg), nên chọn vịt da mỏng, ít mỡ, thịt dày, khoai môn cau 400g, dừa nạo 400g. Ớt, rau om (ngổ), ngò gai (mùi tàu), hành băm, tỏi băm, dầu điều, chao trắng, chao đỏ, bột ngọt.
Vịt làm sạch, chặt miếng vừa ăn, đem ướp với tỏi băm, hành băm, dầu điều, 2 muỗng chao đỏ (để thịt vịt có màu đẹp mắt hơn), thêm 1 muỗng chao trắng, cho thêm hạt nêm, đường, tiêu vừa phải. Để cho vịt thấm gia vị trong vòng khoảng 30 phút.
Cắt lát khoai môn, cắt khúc rau om, ngò gai dài khoảng 2cm. Đập dập ớt, bỏ hạt, băm nhỏ. Cho khoai môn vào chảo chiên sơ cho đến khi hơi vàng. Cho dầu vào chảo đun nóng, chiên tỏi thơm rồi cho thịt vịt đã tẩm ướp vào xào cho săn lại. Cho thịt vịt, khoai môn vào nồi áp suất, cho thêm nước cốt dừa vào ninh khoảng 10 phút. Cho thêm 1 bát nước cốt dừa, rau om, ngò gai vào, đun tiếp cho đến khi nồi sôi lại thì thôi.
Múc ra tô và ăn với bún, rau muống cọng cắt khoảng 5cm và nước chấm.
Pha nước chấm: cho hai muỗng chao trắng, hành băm, tỏi băm, ớt băm, 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng bột ngọt vào bát, trộn đều.
Đặc điểm của món vịt nấu chao: thịt vịt mềm, khoai môn bùi, nước ngậy thơm của nước cốt dừa và chao. Thời gian chế biến khá nhanh, nguyên liệu dễ tìm kiếm.
-Đùi vịt hầm
Đùi vịt 3 cái, sả 4 cây, nước cốt dừa 250 ml, tỏi 2 củ, ớt đỏ 2 trái. Muối, hạt nêm, đường, dầu ăn và 1 gói cà ri dầu.
Đùi vịt xát muối kỹ, làm sạch, để ráo, dùng mũi dao nhọn xăm đều quanh đùi vịt. Cho dầu vào chảo đun nóng, phi thơm tỏi và ớt băm, cho tiếp gói cà ri vào, khuấy đều, đun sôi, bắc xuống. Cho muối, đường và đùi vịt vào nước cà ri và tỏi, ớt, ướp khoảng 1 giờ. Sả nhặt bỏ bẹ già, cắt xéo thành khúc dài.
Cho dầu vào chảo, cho đùi vịt vào xào khoảng 5 phút, cho tiếp nước cốt dừa, sả và một ít nước ấm vào, đậy vung hầm nhỏ lửa khoảng 1 giờ cho đến khi đùi vịt dậy mùi thơm và chín mềm. Nêm thêm gia vị vừa ăn, tắt bếp, dọn món ăn ra bát sâu lòng, trang trí vài lát ớt và sả lên trên.
-Thịt vịt nước mía
Thịt vịt nạc 300g, , gạo tẻ 100g, nước mía 300ml, gia vị các loại.
Thịt vịt băm nhỏ, ướp gia vị. Nấu cháo gạo tẻ với nước mía. Cháo chín nhừ thì cho thịt vịt vào, đảo đều, đun tiếp cho thịt vịt chín vịt.
Chia ăn ngày ba lần, liền một tuần. Tác dụng chữa hen suyễn.
-Thịt vịt hầm chân giò heo
Vịt mái già 1,5 - 1,8kg, chân giò heo 300g.
Vịt làm sạch hầm với chân giò heo hun (hoặc không) để ăn riêng, hoặc ăn với cháo. Có thể thêm mộc nhĩ trắng, củ cải.
-Bánh canh thịt vịt
1 con vịt tơ. 1 củ gừng.500 gr bột gạo.Nước cốt dừa.Hành lá, rau mùi (ngò).
Cách làm như sau:
Vịt nhổ lông, rửa sạch. Nếu muốn khử mùi hôi của vịt bạn hãy xát gừng lên mình vịt rồi rửa với rượu trắng.
Bắc nồi nước sôi lên bếp, thêm vài miếng gừng cắt lát, thả vịt vào luộc chín.
Trong lúc chờ vịt chín, bạn chuyển sang khâu làm sợi bánh canh. Bánh canh dùng cho món ăn này được làm hoàn toàn từ bột gạo. Cho bột gạo vào một thau nhỏ, chêm chừng 1 chén nước nóng và bắt đầu nhào bột. Bạn lưu ý, lượng nước cũng tùy thuộc vào loại bột gạo.
Nhào bột cho đến khi thấy bột mịn, dẻo, không dính tay là được.
Cho bột ra một mặt phẳng, sạch, trải lớp nylon lên trên cục bột. Sau đó, lấy ống cán bột, cán dẹt ra, càng mỏng càng tốt. 
Sau khi cán dẹt bột, bạn dùng dao thật sắc, cắt bột ra thành từng sợi. Nước cốt dừa chia làm hai phần, phần béo ở trên, bạn để riêng. Phần còn lại cho vào nồi nước sôi dùng để luộc bánh canh. Làm như vậy sẽ giúp cho sợi bánh canh thơm mùi dừa
Luộc bánh canh: Bạn đặt nồi nước lên bếp, đun sôi, cho sợi bánh canh vào, khi thấy bánh canh nổi lên là được. Bạn vớt ra, cho ngay vào thau nước lạnh.
Lúc này vịt đã chín, bạn vớt ra, chặt vịt thành từng miếng vừa ăn, xếp lên trên tô bánh canh, rắc hành, rau mùi lên trên bề mặt.
Món bánh canh thịt vịt nước cốt dừa có xuất xứ từ vùng miền Tây sông nước. Nếu ăn lần đầu có lẽ bạn sẽ thấy lạ vì món bánh canh vốn là món mặn sao lại có nước cốt dừa. Nhưng đối với những người con miền Tây thì chắc hẳn ai cũng nhớ món bánh canh này như một kỷ niệm đẹp của tuổi thơ.
Món bánh canh xắt nước cốt dừa - chỉ tên gọi thôi đã gợi nhớ ký ức về một món ăn dân dã. Tuy không phải là món cao lương mỹ vị, nhưng ai đi xa cũng đều nhớ về tô bánh canh thịt vịt nóng hổi, beo béo nước cốt dừa. Một món quà quê chở nặng nghĩa tình.
Trong tất cả các món vừa nêu, ăn gì thì ăn, không thể thiếu một tô cháo vịt. Muốn có tô cháo vịt ngon ư, nghe theo tui:
Nguyên liệu để nấu món cháo vịt
1 con vịt cỏ (nếu chọn được vịt cỏ càng tốt) 1 lon gạo (trộn cả gạo tẻ và gạo nếp) 6 củ tỏi 8 củ hành tím. 5 trái ớt. 1 nhánh gừng tươi
Rau ăn kèm: Tía tô, hành lá, hung quế, mùi tàu, rau mùi, hành lá và hành phi. Gia vị: muối, tiêu, nước mắm và dầu ăn
Cách nấu cháo vịt ngon
Bước 1: Chà sạch vịt với muối cho bớt mùi hôi, sau đó xát lại với rượu và gừng.
Bước 2: Nướng vài ba củ hành tím cho thơm và đập dập. Sau đó thả vào nồi nước sôi.
Bước 3: Khi nước trong nồi sôi, cho vịt vào nấu. Trong lúc nấu, nhớ hớt bọt để nước không bị đục và có mùi. Đây là một bí quyết nho nhỏ trong cách nấu cháo vịt để cháo thơm và có hình thức đẹp khi dọn dùng.
Bước 4: Vo gạo sạch, để ráo và rang sơ qua. Sau đó cho vào nồi cháo và nấu đến khi gạo nở búp. Với cách nấu cháo vịt như thế này, bạn sẽ làm cho hạt gạo bung nở vừa phải, không quá nhừ và nồi cháo cũng thơm ngon hơn.
Bước 5: Vớt con vịt ra ngoài và chặt thành miếng nhỏ. Nêm lại gia vị cho nồi cháo đậm đà.
Bước 6: Làm nước mắm gừng chấm vịt: Giã ớt, tỏi và gừng, sau đó hòa nước mắm đường theo tỷ lệ 2 mắm: 1 đường và trút gia vị vào khuấy đều. Có thể vắt thêm ít nước cốt chanh để làm mắm dịu.
Khi ăn, sắp thịt vịt và rau ăn kèm trong một đĩa nhỏ. Riêng cháo múc ra tô lớn, rắc thêm hành lá, hành phi, tiêu và ít đầu hành. Cách khác, bạn cũng có thể thái mỏng miếng thịt và sắp trên mặt bát cháo.
Hê..hê làm thử đi nghe. Ngon nhớ kêu tui.
Thịt vịt bổ và chế biến được nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, có một số người không nên ăn thịt vịt.
Dù thịt vịt bổ dưỡng nhưng nếu bạn rơi vào các trường hợp dưới đây thì hãy tránh xa món ăn này:
1. Người đang bị cảm
Theo Y học cổ truyền, thịt vịt tính hàn, hơi mặn, có vị ngọt, có nhiều tác dụng như bồi bổ cơ thể, bổ hư, lợi tiểu, ích tạng, giải nhiệt, hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh như bệnh tim mạch, lao phổi hay ung thư… Do có tính hàn cho nên người đang bị cảm tuyệt đối không nên dùng thịt vịt để tránh bệnh nặng hơn.
2. Người bị bệnh gout
Trong thịt vịt có chứa một lượng purin cao, nó có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. tinh thể uric lắng đọng trong. Là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân gout khó chịu mỗi khi ăn thịt vịt xong. Xem như tui bị cấm ăn thịt vịt vì bị gout mãn tính hic...hc
3. Người có hệ tiêu hóa kém
Người có hệ tiêu hóa kém cũng nên ăn ít thịt vịt. Vì thịt vịt có tính hàn dễ làm suy yếu hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch…
4. Người mới phẫu thuật
Đối với người mới phẫu thuật xong, vết thương chưa lành cũng không nên ăn thịt vịt. Vì thịt vịt có chất tanh làm làm cho lâu lành
Thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư, tỳ vị yếu, lạnh, người bị ngoại cảm chưa khỏi hẳn, tạm thời chưa nên ăn. Không ăn thịt vịt cùng với hồ đào (quả óc chó), mộc nhĩ, thịt ba ba, thịt rùa đen.
Định viết lai rai cho đỡ thèm thịt vịt, ai dè tư liệu quá nhiều thành bài viết dài ngoằng. Ai thích thì đọc. Không thích đọc thì ra quán vịt ở địa chỉ 281/26/9 Đường Lê Văn Sỹ, phường 1, Quận Tân Bình. Kêu một dĩa gỏi vịt, ở đáy không có cháo, chỉ có bún măng. Nhớ đi trong khoảng 15:30 đến 16:30. Đi trễ hết ráng chịu.
Thật ra vịt còn nhiều món ngon như mì vịt tiềm, vịt quay, hột vịt lộn, vịt lạp, vịt quay sốt tiêu đen, vịt nướng... Nhưng bài dài quá , nhét không vô, thôi hẹn dịp khác
17.8.2018
DODUYNGOC
(Cóp nhặt tứ phương)




Hôm nay là một ngày buồn. Buổi sáng không nghe tiếng hót của con chim sơn ca. Tôi thức giấc và đột ngột vùng dậy, linh tính có chuyện chẳng lành, vội vàng chạy ra ban công. Con chim sơn ca không còn trong lồng nữa. Cửa lồng vẫn đóng. Những hạt cát dưới đáy lồng vẫn còn trắng tinh. Chậu đựng thức ăn vẫn còn đầy ắp. Cống nước vẫn nguyên vẹn. Chiếc lồng không bị gãy nan nào. Thế thì mày ở đâu, con sơn ca của tôi. Mày ở đâu rồi sơn ca ơi. Ai đã bắt mày, con vật nào đã ăn thịt mày. Cửa nhà vẫn đóng kín then gài. Không có dấu hiệu của sự chết chóc. Tất cả còn nguyên. Chỉ không còn mày. Mày đang ở đâu, chim sơn ca ơi ???
Tao nuôi mày đã được tám năm nay. Nhưng mùa này là mùa hưng phấn nhất của mày. Gịong hót đã đủ độ chín, réo rắt vang xa ra tận đầu ngõ. Mỗi lần đi đâu về, chưa vào đến nhà, tao đã ngước lên trên ban công để nhìn mày đứng trên dù mà cất tiếng hót. Tiếng hót đủ mọi cung bậc bổng trầm và hai cánh bung ra và thăng ca. Nhưng bây giờ, tao biết nhìn vào đâu để thấy mày, nhìn vào đâu để nghe được tiếng hót của mày. Rồi tao sẽ lặng lẽ vào nhà không có tiếng hót đón chào của mày, tao buồn lắm sơn ca ơi.
Tao sẽ không quên được mày đâu. Mai mốt tao sẽ kiếm con chim sơn ca khác để thế chỗ của mày. Nhưng tao vẫn nhớ mày. Tao không tiếc công nuôi mày tám năm nay, nhưng tao đã gắn bó với mày lâu đến thế, mà mày lại bỏ tao mà đi, chẳng để lại dấu vết gì. Tao tiếc mày lắm, bao giờ mới kiếm lại được một con chim có tiếng hót, điệu múa như mày. Thà mày chết còn cái xác, tao sẽ chôn mày, tao sẽ buồn nhưng không buồn bằng bây giờ không biết số phận mày ra sao. Tao vừa mới cắt móng cho mày hôm qua, tao vừa rửa chân cho mày, tao vừa cho mày một cống sâu hôm trước, thế mà bây giờ mày đã không còn nữa rồi, sơn ca ơi.
Tao cầu mong cho mày vẫn còn sống ở đâu đó với bầu trời tự do. Tao mong là mày chỉ sổ lồng, chứ không phải bị người khác bắt hay con thú nào ăn thịt. Tao hi vọng mày sẽ tiếp tục hót, tiếp tục thăng ca giữa bầu trời xanh chứ không còn hót ở trong lồng chật. Nếu thực sự được như thế tao sẽ bớt buồn, tao sẽ bớt nhớ mày, tao sẽ vui khi biết mày đã được tự do ca hát giữa đồng lúa và trời cao. Và mỗi lần nghe tiếng đồng loại của mày, tao sẽ nghĩ rằng đó vẫn là tiếng hót của mày dành cho tao, dù tao biết một điều chắc chắn là tao đã mất mày rồi, sơn ca ơi...Suốt cả ngày hôm nay, nhìn chiếc lồng trống, tao chỉ nghĩ đến mày. Tao đã mở cửa lồng và để vào lồng mấy con cào cào non mày rất ưa thích, để hi vọng mày sẽ trở về mà không bị đói, dù biết đó chỉ là một hành động vô vọng.
Nhưng tao vẫn làm vì tao nhớ mày quá.
Vĩnh biệt mày, chú chim sơn ca nhỏ của tao.
DODUYNGOC.29.04.2007


Cầm chiếc vé của tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh, người Việt Nam nào còn ưu tư với vận nước đều cảm thấy căm phẫn và bị sỉ nhục. Một tuyến đường vừa giá quá cao phi thực tế, vừa thiếu thẫm mỹ, công nghệ lạc hậu, kéo dài thời gian xây dựng và lại đã có lúc phô ra cái lối trịch thượng, coi thường Việt Nam thông qua các bảng hiệu chỉ dẫn toàn chữ Tàu với chữ Việt nhỏ hơn ở dưới. Sự việc lùm xùm này rồi cũng rơi vào im lặng.
Bây giờ, tàu bắt dầu vận hành chạy thử lại lòi ra cái vé lên tàu. Tuyến đường xây trên đất Việt, để phục vụ người Việt, dù anh có cho vay tiền, thực hiện theo công nghệ của anh thì anh cũng chỉ là kẻ làm thuê cho đất Việt. Người Việt là chủ của công trình này, dù phải chấp nhận những thua thiệt bởi thói gian manh ngàn đời trở thành bản chất của Trung Hoa. Người Việt vẫn là chủ nhân của công trình, đó là sự thật không thể chối cãi.
Cái vé lên tàu bé tí toàn chữ Tàu trên và chữ Việt dưới, chữ nhỏ hơn. Cầm cái vé lên tàu, ta có cảm tưởng đang di chuyển trên đất Trung Hoa và ta là du khách.
Người Trung quốc đã thể hiện tư tưởng đại Hán ngay trong chiếc vé cỏn con này. Họ xem thường chúng ta và những người Việt có lương tri cảm thấy bị sỉ nhục khi cầm trên tay chiếc vé này. Họ làm chủ đất nước này bao giờ thế? Kiếm được khối tiền từ dự án này rồi lại trở thành chủ nhân của công trình này sao? Việt Nam là chủ công trình, có lãnh đạo là người Việt. Nhưng họ đang ở đâu? Họ lãnh lương, chia chác bổng lộc từ dự án, nhưng nhắm mắt làm ngơ, ngậm miệng ăn tiền, trở thành tay sai của những nhà thầu Trung Quốc. Khi xảy ra sự việc đều trả lời rất tiếc, sẽ khắc phục... Đều là lời nguỵ biện. Kẻ làm chủ trở thành tay sai đắc lực cho kẻ làm thuê, chuyện tréo ngoe chỉ có trong hàng ngũ quan chức Việt. Bất cứ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài nào hoạt động, làm ăn trên đất Việt cũng phải chấp hành luật pháp Việt Nam.
Cái vé tàu bé xíu ấy nhưng nó thể hiện chủ quyền của một quốc gia. Chúng chiếm biến đảo, chúng ung dung ra vào đất nước này với thái độ nghênh ngang và ngạo ngược, chúng xem đất nước này như một tỉnh tự trị của chúng, chúng đổ bao thứ độc hại vào mâm cơm của người Việt, chúng lèo lái, nhúng tay vào đường lối chính trị của quốc gia, chúng lũng đoạn kinh tế ...Đó là những việc lớn, ai cũng thấy, nhưng chúng cũng không từ những việc nhỏ để chứng tỏ âm mưu của chúng. Chiếc vé này là một minh chứng. Là người Việt, chúng ta phải có thái độ rõ ràng với việc này. Phải biết lòng tự trọng bị xúc phạm, phải thấy chủ quyền của đất nước đang bị xâm phạm để có cách hành xử với lũ bá quyền này. Không thể chấp nhận những cách thức ngạo ngược, coi thường dân Việt như thế này.
Hỡi những tên đang nhắm mắt nhận tiền để trở thành công cụ trong tay chúng, các người phải học để biết nhục, phải biết xấu hổ khi đứng trước cháu con, phải biết ngẩng đầu vì mình đang là chủ kia mà. Sao lại để chúng lộng quyền đến thế?
Từ chiếc vé lên tàu, ta thấy rõ một đám người có quyền lực nhưng hèn hạ và cam tâm làm con rối như thế nào. Ai đang là chủ của mảnh đất này? Âm mưu của lũ bá quyền thì thâm hiểm và chẳng lúc nào ngừng. Nhưng những người Việt liên quan thì thờ ơ, vô cảm, tắc trách trong công việc được giao phó.

Từ đó trong suy nghĩ lại có lo âu. Đất nước này sẽ đi về đâu? Không lẽ trong tương lai, mỗi người dân Việt phải trang bị cho mình thêm một ngôn ngữ là tiếng Tàu?
Buồn và căm phẫn.
13.8.2018
DODUYNGOC


Tui với anh học chung trường đại học, nhưng anh học trước tui hai khoá. Trước 1975, tui không biết anh dù tui là thằng lê la bậc nhất, lang thang bậc nhất ở hành lang đại học Vạn Hạnh. Khoá trước khoá sau tui quen tuốt, thế mà không quen anh. Mấy chục năm sau, lập ra ban liên lạc cựu sinh viên, tui mới biết anh, lúc ấy anh đã định cư khá lâu ở Mỹ. Anh về hưu, lại thấy cứ mãi có mặt ở Sài Gòn, lần nào anh em cựu sinh viên tụ hội anh đều có mặt, với cái máy quay phim nhỏ trên tay, anh ghi lại những sinh hoạt của mọi người. Quen nhau, chào nhau khi gặp nhưng cũng không thân lắm. Tui trân trọng anh vì anh hoà nhã, gắn kết với mọi người. Anh quý tui vì ba cái trò chơi vặt vãnh của tui với đời thường. Thế thôi. Cho nên cũng chẳng biết nhiều về nhau. Đùng một cái, nghe tin anh mất. Lại mất vì bệnh ngặt. Cũng lạ vì mới gặp anh tháng trước khi tiễn một người bạn cũng cùng trường đi định cư, thấy anh cũng bình thường. Ừ thì đời như giấc mộng mà, vô thường mà. Có rồi mất thì cũng là định luật của cuộc sống.
Vừa phát tang anh buổi sáng thì hôm sau có năm cô gái từ Mỹ bay về, vừa tới ngõ đã khóc thảm thiết, vào đến phòng vật vã ôm quan tài anh mà khóc không dứt. Nhìn hình chụp thấy cảm động lắm. Cô nhỏ nhất cũng đã hơn ba mấy, cô lớn nhất cũng chắc gần bốn chục. Tôi hỏi người bạn: Con ảnh à, năm đứa con gái, ối chà! Anh bạn tui ghé tai tui bảo: Ừa! Con mà không phải là con. Tôi ngạc nhiên: Nghĩa là sao? Khó hiểu bỏ mẹ. Và anh bạn tui giải thích cho tui hiểu.
Anh vốn xuất thân con nhà khá giả gốc Hà Nội, di cư vào Nam năm 54. Gia đình anh có mình anh là trai, sau anh có mấy cô con gái. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh động viên vào học trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường ở quân ngũ được năm sáu năm gì đó thì tan hàng, rồi vào trại học tập cải tạo mấy năm. Ra trại, cả nước đói nghèo, người thì đạp xích lô, kẻ bán chợ trời. Anh lại làm nghề bán cà phê vỉa hè. Những ngày tháng với nắng mưa bụi đời đó, anh gặp chị, cũng buôn bán vỉa hè như anh. Và hai người thương nhau. Khổ cái anh là trai tân, còn chị đang một nách năm đứa con, toàn gái. Vợ chồng chị vì lý do gì đó, không còn chung sống với nhau nữa. Mẹ anh phản ứng dữ dội. Người đàn bà Hà Nội quyền quý không chấp nhận cuộc hôn nhân đó cũng có cái lý của họ. Các em gái anh cũng cương quyết không vừa. Mẹ đòi từ anh nếu lập gia đình với người ấy. Em anh cũng bảo sẽ không nhìn mặt anh. Tiến thoái lưỡng nan. Cũng may chương trình HO đã giải thoát cho anh ấy. Anh hoàn tất hồ sơ với đàn con và vợ. Đến Mỹ cùng một đoàn thê tử, anh đi học, đi làm nuôi cả gia đình, đối xử, thương yêu các con riêng của vợ còn hơn con ruột. Đứa nào cũng học hành tử tế, nghề nghiệp ổn định. Mẹ anh từ anh, bảo rằng chết cũng không cho gặp mặt. Các em anh cũng định cư ở nước ngoài nhưng không cho anh địa chỉ liên lạc, cũng chẳng bao giờ có thư từ.
Đến tuổi hưu trí, các con cũng đã yên bề, hai vợ chồng anh về Việt Nam, mua căn nhà nhỏ, ngày ngày vui chơi với bè bạn. Không ngờ bệnh tật lại mang anh đi ở tuổi 72. Tui lại thấy có hình chụp hai thanh niên, cũng bịt khăn tang, thắp ngang quỳ lạy trước linh cửu của anh. Hỏi thì mấy anh bạn bảo là con trai của chồng trước của vợ anh. Thời gian ở Mỹ, biết gia đình đấy gặp khó khăn, anh cũng thường tằn tiện gởi về giúp, nên các cháu đó cũng thương quý anh lắm. Thế anh là Bồ Tát rồi anh ơi. Sao lại có người tốt đến thế! Cách đối xử như thế chắc là anh phải yêu thương chị ấy lắm, bởi chỉ có tình thương mới có những nghĩa cử đẹp đẽ như vậy. Anh tốt quá, tấm lòng anh đẹp quá. Anh là người có trái tim Bồ Tát, tiếc thay anh lại không được sống thọ để hưởng tuổi già, để những đứa con báo đáp lại tình thương bao la của anh. Anh hi sinh cho gia đình với những đứa con không máu mủ, cho đến khi anh qua đời, nhắn tìm mãi mới biết được địa chỉ của các em anh, nhưng họ không về, chỉ gởi vòng hoa. Anh mất gia đình, nhưng anh cũng có được một gia đình khác yêu thương quý trọng anh, bởi anh là người đáng quý và hiếm hoi ở cuộc đời này. Anh cư xử như tầng lớp quý tộc Âu châu.
Mong anh thanh thản.
Tháng 5.2018
DODUYNGOC


Thú thật là từ nhỏ cho đến tháng 4.1975, tui không hề biết trên đời này có con bù tọt. Ếch, nhái thì biết vì được ăn ếch chiên bơ, ếch kho nước dừa...cũng năm thì mười hoạ thôi vì mạ tui thấy lột da, ác nhơn quá, không làm. Chỉ khi nào được dẫn đi ăn nhà hàng thì mới thưởng thức mấy món này. Hơn nữa hình như người Huế, Đà Nẵng không khoái ăn món ếch nhái lắm.
Sau năm 1975, lý lịch đen thui, tui đành về Củ Chi dạy học. Thời đó cả nước đói nghèo, tiêu chuẩn một tháng được mấy lạng thịt heo, mấy con cá ươn bèo nhèo. Cơ thề thiếu đạm trầm trọng. Bột ngọt, tiêu được chia bằng muỗng, mỗi người một nhúm. Vải xấu mà mỗi năm chỉ được mấy mét, nữ có tiêu chuẩn vải mùng để làm vệ sinh hàng tháng. Nói gọn lại là quá nghèo khổ, lương thực thì chỉ có gạo mốc, bo bo và bột mì. Do thiếu thốn nên mỗi người tự tìm cách cải thiện. Vì ở nội trú nên người trồng thêm đám rau, kẻ nuôi con gà, nhà nuôi con thỏ...
Và trong hoàn cảnh sống đó, tui mới biết con bù tọt. Trong đám giáo viên có anh Phước, dạy môn Vật Lý, anh ốm và cao như tre miễu, là chuyên gia bắt bù tọt. Từ đó, ảnh có tên là Phước bù tọt. Cứ mỗi đợt mưa xuống, khoảng sáu, bảy giờ tối, trời ngoại thành đã nhập ngoạng, tiếng ếch, nhái, bù tọt ậm oạng vang trời. Đó là lúc chúng nhảy lên bờ ruộng hoặc gò cao để ăn mồi. Anh Phước mặc xà lỏn, đội đèn đi bắt bù tọt. Lần đầu tham gia, tui chẳng làm sao phân biệt con ếch, con nhái với con bù tọt. Ảnh phải giải thích cho tui là con bù tọt không có lớn bằng ếch, nhưng lại to hơn nhái một chút. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là có hai cái sọc xanh ở lưng, lại rất dễ bắt, chỉ cần rọi đèn là nó năm im cho ta bắt bỏ vào giỏ. Một đêm đi vài tiếng là bắt được cả giỏ đầy. Bù tọt bắt về lột da, làm sạch ruột, chỉ còn thịt thật nuột nà, đỏ au. Vì nó nhỏ be bé nên lột da từng con rất mất thì giờ, lích kích rất mất công, nhất là nó nhớt trơn còn hơn lươn nữa. Tụi tui mới nghĩ cách bỏ tro vào giỏ bù tọt, bù tọt bị cay mắt sẽ giãy giụa tróc ra hết nhớt, lắc cho sạch nhớt rồi bắt ra dùng kéo cắt đầu lột da, nhanh hơn nhiều. Món tụi tui hay nấu nhất là cháo bù tọt, bù tọt làm sạch để ráo, lấy dao bằm cả xương, xương bù tọt mềm, có thể nhai rau ráu. Bằm cho nát, nêm chút muối, trộn chút tiêu, viên thành từng viên nho nhỏ, sang chút nữa thì xào qua một chút với dầu hay mỡ. Nồi cháo chín, cho bù tọt vào, mùi thơm ngào ngạt, húp một miếng, nhai một miếng, thịt bùi bùi, ngọt đạm, tới đâu có cảm giác tới đó. Cứ tưởng tượng một thời gian dài chỉ có rau với cá hẩm, hôm nay được nhai rau ráu thịt con bù tọt, có chất đạm vào, cái mồm bớt nhạt, máu trong người cũng nghe như chảy mạnh hơn, chén cháo ngon vô số kể, tuyệt cú mèo. Nồi cháo to, cả túi bù tọt mấy kí lô mà chẳng bao giờ dư chút nhẽo nào, nồi, chén đều vét sạch như lau. Thế mới biết không phải cứ thức ăn sang trọng, đắt tiền, quý hiếm mới là ngon. Miếng ăn đúng lúc, đúng hoàn cảnh mới là món ăn ngon nhất. Sau này, tui còn biết thêm mấy món cũng ngon lạ lùng từ con bù tọt như bù tọt kho sả ớt, bù tọt làm sạch xào sơ với tỏi, mỡ heo cho săn lại, thêm chút nước mắm, cho sả băm vào, bỏ thêm vài trái ớt, bắt trên lửa riu riu cho đến khi sền sệt. Ôi chao! Gắp một miếng, và lùa thêm miếng cơm, ngon ôi là ngon, mấy cơm cũng hết. Lại có món bù tọt xào mướp, ngọt mà thơm, dân nhậu khoái lắm. Có vài lần được đãi bù tọt khìn nước dừa, ngon không kể siết. Bù tọt làm sạch, cắt làm đôi, ướp với sả xắt mịn, giã nát, ớt bằm nhuyễn, muối, bột ngọt, đường và một ít cà ri. Lấy dừa khô nạo nhuyễn vắt lấy 1 chén nước cốt, 1 chén nước gião. Cho bát gião vào nồi rồi để trên bếp kho cho bù tọt chín, nước sền sệt thì đổ chén nước cốt vào kho tiếp, nước sôi vài phút thì tắt lửa, đừng để lâu dừa thành dầu có mùi ăn không ngon. Món nầy ăn kèm rau sống đủ loại như chuối chát, bông súng, khế, rau muống, rau thơm đều là số dzách!
Mấy chục năm rồi, mấy hôm nay trời mưa, chợt nhớ đến con bù tọt của bốn mươi mấy năm trước, chợt nhớ đến một thời nghèo tận đáy mà vui, nhớ đến một ký ức, một đoạn đời không thể nào quên.
Bây giờ đô thị hoá nhanh quá, đất đai là vàng, là đô la, ruộng đồng thu hẹp dần, ao hồ cạn nước, mưa xuống, bản giao hưởng của đồng quê không còn vang vọng như xưa mà chỉ là những tiếng kêu lạc lõng. Lại thêm người dân sử dụng thuốc trừ sâu, trừ rầy dữ quá và do hạn mặn nên bù tọt cũng vắng bóng dần. Lại thèm một chén cháo bù tọt, với những bạn bè xưa cũ bên ánh đèn dầu và ngoài sân ếch nhái kêu rộn rã. Nhưng làm sao có được nữa, thời gian đẩy đưa người mất, người phiêu bạt phương trời, còn lại thì đã hưu trí hết rồi nên chỉ nhớ trong kỷ niệm thôi. Hơn nữa bây giờ kiếm sâm, bào ngư, vi cá hay dĩa beefsteak thì có ngay chứ muốn có liền nồi cháo bù tọt e hơi khó. Đành nhớ con bù tọt tưởng tượng vậy. Ôi nhớ ơi là nhớ!
30.7.2018
DODUYNGOC


Ngày 21.7 vừa qua, tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới đã đến Việt Nam để xác lập kỷ lục Tô phở bò ăn liền lớn nhất thế giới. Tô phở “khủng” này có đường kính 2,1m, nặng hơn 1,3 tấn, các nguyên liệu gồm 1.963 vắt phở bò ăn liền; 1200 lít nước dùng phở; 100 kg thịt bò organic; 22 kg gia vị phở; 8 kg dầu phở bò.

Trước đó vào tháng 5.2018, một chảo cơm chiên lớn nhất Việt Nam có đường kính 3m và dày 5mm, chiều cao 0,4m, nặng khoảng 300kg với quá trình chế biến diễn ra trong vòng 2 giờ, do 20 đầu bếp thực hiện dưới sự hướng dẫn của Vua đầu bếp Thanh Cường.

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2017 (10.3 Âm lịch), bên cạnh nhiều sản vật từ phương Nam, Công viên Văn hóa Đầm Sen (Sài Gòn) làm chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn để dâng lễ và thiết đãi khoảng 1.000 du khách tham quan tại công viên dịp này. Đây là 1 trong những chiếc bánh chưng có khối lượng khủng nhất Việt Nam.

Năm 2014, chiếc bánh chưng có kích thước 2,5mx2,5mx80cm, khối lượng nặng 5,7 tấn gói tại đền Quốc Mẫu Âu Cơ, xã Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là chiếc bánh chưng lớn nhất cả nước.

Chiếc bánh khoái có chu vi hơn 9m, nặng 200 kg với 20 kg bột, 5 kg thịt, 5 kg tôm nõn, 5 kg chả lụa, 120 quả trứng, 82 kg rau. Các đầu bếp Huế mất 2 tiếng để làm bánh.

Ngày 1.5.2018, tại TP Đà Nẵng, chiếc Bánh Xèo lớn nhất Việt Nam được chế biến với sự tham gia của gần 1.000 thanh niên công nhân.
Chiếc bánh xèo kỷ lục được làm từ khoảng 139 kg bột gạo xay, 50 kg tôm đất, 50 kg thịt heo, 100 kg tôm hùm,… và khi hoàn thành có đường kính lên đến 3,68m. Tuy được phóng lớn nhưng chiếc bánh xèo này vẫn giữ nguyên thành phần nguyên liệu, hương vị, nhờ việc chọn lựa kỹ càng nguồn nguyên liệu sạch từ những làng nghề truyền thống lâu đời xứ Quảng như: Rau sống từ làng rau Trà Quế, gạo Phong Thử, hải sản Cù Lao Chàm, bánh tráng Đại Lộc…

Bánh xôi chiên phồng ghi tên vào kỷ lục Việt Nam với chu vi bánh 187cm, đường kính 59,5cm và chiều cao 41,5cm.

Cây chả quế có đường kính 1,2 m, dài 2,5 m, sau khi nướng nặng 310 kg. 40 người thợ đã dùng 240 kg thịt lợn nạc, 60 kg thịt mỡ, 30 kg gia vị để làm ra cây chả quế này.

Tô mỳ Quảng Phú Chiêm này phục vụ cho 600 người ăn với các nguyên liệu: 105 kg mì Quảng, nước nhân gồm 18kg thịt ba chỉ, 25 kg tôm đất, 5kg cua đồng, rau sống được lấy từ làng rau Trà Quế,…

Đĩa bê thui Cầu Mống có đường kính 4,5m, cao 0,65m, phần đế 0,05m và được khảm sành cổ thời nhà Nguyễn. Nguyên liệu để thực hiện món ăn này là: bê thui, mắm nêm, các loại rau gia vị đi kèm.

Tô mì Quảng làm từ 10 con gà, 50 kg mì dành cho 250 người ăn.
Các đầu bếp đã phải mất hơn 4 giờ để chế biến.

Những cái kỷ lục này chỉ càng cho thấy người Việt hôm nay mang cái bệnh huyênh hoang khoe khoang những cái chẳng mang lại cái tích sự gì. Người ta khoe những sáng tạo có ích cho đời sống, những phát minh có lợi cho nhân loại, những thành tích khác người, những khả năng phi thường do rèn luyện mà có. Đó là những kỷ lục đáng tự hào. Thế giới cũng có những kỷ lục tào lao, không giống ai nhưng thường là do cá nhân và họ không là đại diện cho quốc gia.

Nước ta nên dẹp những thứ kỷ lục mà ai cũng làm được khi họ muốn làm này đi. Đã gọi kỷ lục là phải độc đáo không ai có, không ai bắt chước được. Chứ ba cái tào lao này, bất cứ ai có nguyên liệu thì đều làm được lại mang tiếng kỷ lục thế giới thì nghe có hơi buồn cười và phung phí không đúng chỗ.

Trong ngôn ngữ giao tiếp và hành chính của người Việt chúng ta hiện nay, nhiều từ đã bị sử dụng không chính xác, bị biến nghĩa hoặc ghép từ một cách kệch cỡm. Điều này thể hiện tư duy tạm bợ và tinh thần thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngôn từ. Việc đưa ra những khái niệm không chính xác này tạo thành một thói quen chấp nhận sự mù mờ trong định nghĩa từ, dễ gây hiểu lầm và tranh cãi, khiến cho văn bản kém tính chính xác. Đây là một bài chúng tôi sưu tầm, liệt kê các trường hợp sử dụng từ sai trong tiếng Việt hiện nay.
1.- Sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt.
CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt ví tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.
KHẢ NĂNG. “Khả năng” 可 能 là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng 可 能 (capacité, capable) với khả dĩ 可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.
QUÁ TRÌNH. Quá 過 là đã qua, trình 程 là đoạn đường. Quá trình là đọan đường đã đi qua. Nói thế nầy là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo câu đại loại thế nầy: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi”.Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp nầy, phải dùng chữ tiến trình, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.
HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pelé” “huyền thoại Maradona”.. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền 玄 là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại 話 là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 cầu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chữ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”
HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.
2.- Sai vì cố ý sửa nghĩa gốc Hán Việt
ĐỘC LẬP Độc 獨 là riêng một mình, Lập 立 là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt, độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Vậy từ độc lập là sai. Tôi thấy Cụ Trần Trọng Kim, Cụ Dương Quảng Hàm dùng từ tự chủ để thay thế từ độc lập. Như thế là rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ độc lập là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.
PHONG KIẾN.封建 Phong kiến gồm 2 chữ phong tước 封爵 (ban quan tước) và kiến địa 建地 (ban đất để dựng nước). Phong kiến chỉ chế độ hoàng đế phong tước cho người có công và cấp cho một vùng đất rất rộng để thành lập quốc gia, với quân đội, luật lệ và chế độ thuế má riêng biệt. Chế độ nầy hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong kiến bị bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ trung ương tập quyền. Chế độ phong kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi. Ở Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.
TIÊU CỰC, TÍCH CỰC 消極, 積極 Hiện nay, người ta gán vào hai từ nầy ý nghĩa tốt xấu hết sức rõ rệt. Hành động nào tốt thì được gọi là tích cực; trái lại, hành động xấu thì gọi là tiêu cực. Thực ra, suy từ nghĩa gốc Hán Việt thì sự gán ép như thế là sai. Tich cực, tiêu cực tự nó không có sẵn tính chất tốt hay xấu mà chỉ ấn định cường độ của hành động mà thôi. Thí dụ, trong một đoàn đi làm việc phước thiện thì ai tích cực là tốt và ai tiêu cực là không tốt. Nhưng trong một bọn côn đồ đi tổ chức ăn cướp thì đứa nào tích cực lại là đứa xấu nhất. Trong truyện Tam quốc của Tàu, Từ Thứ, mưu sĩ của Lưu Bị bắt buộc phải về phục vụ dưới trướng của kẻ thù là Tào Tháo. Từ Thứ đã giữ thái độ tiêu cực nghĩa là không hiến mưu kế gì cho Tào Tháo. Thái độ tiêu cực nầy của Từ Thứ, từ cổ chí kim luôn luôn được khen ngợi; vậy tiêu cực có xấu đâu.
3.- Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm).
QUỐC GIỖ. Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giố mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu, Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là kỵ nhật 忌日.Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.
GÓA PHỤ. Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng.
ĐỆ NHẤT THÁC. Ở ngõ đi vào của một địa điểm du lịch, có hàng chữ to tướng dùng để quảng cáo “Nơi đây có đệ nhất thác”. Viết như thế là sai. Đặt 2 chữ đệ nhất (tiếng thêm nghĩa) trước chữ thác (tiếng chính), là theo văn phạm Hán Việt thì cả hai chữ đều phải là tiếng Hán Việt mới được. Ở đây, tiếng thác là thuần Nôm, thế là bậy rồi. Không có` tiếng Hán Việt nào có nghĩa thác nước. Thác theo tiếng Hán là bộc bố 瀑 布, nhưng đó lại là tiếng Hán thuần túy nghĩa là chưa được Việt hóa thành tiếng Hán Việt nên chưa thể dùng được. Trong trường hợp nầy, nên viết “Nơi đây có thác đẹp nhất”, vừa đúng, vừa dễ hiểu lại vừa hấp dẫn khách du lịch.
4.- Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm.
X QUANG. Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang” Tôi khó chịu vì cái chữ X quang nầy phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi vể kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, quang là tiếng chính, X là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm nầy thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán Việt. Ở đây X là một mẫu tự latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, quang 光 có nghĩa là sáng, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia nầy chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0,1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chăn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên X QUANG đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như trước đây ở miền Nam, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?
BÊ TÔNG HÓA con đường. Bê tông là từ phụ, hóa là từ chính. Đây cũng là văn phạm Hán Việt. Để thành lập từ kép thì cả 2 từ đơn đều phải tiếng Hán Việt. Ở đây bê tông lại là tiếng Pháp (béton) phiên âm ra, do đó nói bê tông hóa là sai. Ngoài ra, nghĩa cũng sai vì từ bê tông hóa được dùng phải được hiểu là con đường đà được biến hóa thành một khối bê tông. Vì vậy, không nên nói bê tông hóa mà nói một cách bình thường: tráng bê tông con đường, vừa đúng lại vừa dễ hiểu.
Còn một lô HÓA rất bậy bạ trong sách vở báo chi, trong chương trình truyền thanh, truyền hình như : nghèo hóa, giàu hóa, no hóa, đói hóa, khôn hóa, dại hóa, vân vân. Tội nghiệp cho ngôn ngữ Việt Nam!
NỮ NHÀ BÁO Tôi còn nhớ, trong chiến tranh I rắc, sau khi lính Mỹ bắn nhầm nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình ở Việt Nam loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo. Thực là quá tệ! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói “nhà báo nữ” Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”. Ban biên tập các đài truyền hình không biết điều nầy sao?
TRIỀU CƯỜNG. Từ lâu rồi, tôi thấy xuất hiện rất thường xuyên hai từ triều cường khi người ta nói đến thủy triều trên song.. Hai chữ nầy có thể thay đổi vị trí trước sau và có hai ý nghĩa khác nhau. Cường triều 強 潮 gồm tính từ đứng trước danh từ thì tương đương với một danh từ và có nghĩa là con nước lớn (haute marée). Triều cường 潮 強 thì lại là một mệnh đề gồm một danh từ triều và một động từ cương và có nghĩa là con nước đang lớn lên (la marée monte). Lúc nào cũng dùng chữ triều cường thì có thể sai hơn phân nửa trường hợp rồi. Nhưng tại sao không nói con nước lớn (danh từ) và con nước đang lên (mệnh đề) vừa đúng lại vừa phù hợp với trình độ và thói quen của đại chúng.
HẠT NHÂN. Đây là từ vật lý học chỉ các hiện tượng xảy ra bên trong cái lõi hay cái nhân của nguyên tử. Miền Nam trước đây gọi là hạch tâm. Hạch 核 là cái hạt, tâm 心 là cái lõi hay cái nhân bên trong . Hạch tâm là cái nhân của hạt. Đó là từ ghép theo văn phạm Hán Việt vì cả 2 từ đều là Hán Việt. Bây giờ người ta chuyển sang dùng 2 từ Nôm thì phải theo văn phạm nôm và phải gọi là “nhân của hạt” hay nhân hạt, cũng như bên ngoài gọi “vỏ hạt” chứ không thể gọi là “hạt vỏ” được. Gọi phản ứng hạt nhân, là sai với văn phạm rồi. Cần phải sửa lại: phản ứng nhân hạt mới đúng. Tuy nhiên, theo tôi, nên giữ từ phản ứng hạch tâm thì hay hơn nhiều. Từ nầy không phải là từ của giới bình dân nên cứ giữ tiếng Hán Việt, không cần chuyển sang tiếng Nôm.
TẶC. Từ Hán Việt nầy đang được dùng một cách rất bậy bạ và rất thường xuyên như bọn tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, để chỉ những tên ăn trộm. Dùng như thế là phạm vào 2 điều sai. Thứ nhất là sai về ngữ pháp: một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép. Thứ hai là sai về nghĩa. Tặc 賊có nghĩa là ăn cướp, đạo 盜 mới có nghĩa là ăn trộm, thí dụ đạo văn 盜文 là ăn trộm văn của người khác. Tại sao người ta không nói một cách giản dị và đúng là: bọn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê. . . Cũng cần nói thêm về một từ đang được nhiều báo đem dùng. Đó là từ đinh tặc để chỉ bọn rải đinh trên đường phố. Đinh là một từ có gốc Hán Việt 釘 nhưng đã được Việt hóa hoàn toàn rồi nên ghép với từ tặc thì không ổn. Vả lại, nói đinh tặc là sai nghĩa vì từ đó có nghĩa là bọn ăn cướp đinh; thôi bỏ từ đó đi và nên nói một cách giản dị là “bọn rải đinh” thì hơn.
Còn vô số những từ sai khác cùng nguyên nhân trên đây như:
Lớp trưởng, phải sửa lại trưởng lớp,
Nhóm trưởng, phải sửa lại trưởng nhóm
Siêu rẻ, phải sửa lại rất rẻ
Siêu bền, phải sửa lại rất bên
Vi sóng, phải sửa lại vi ba hay sóng ngắn
Vân vân…
5.- Dùng từ vô nghĩa
Bệnh viện DA LIỄU. Lần đầu tiên, thấy bảng chữ nầy, thú thật tôi không hiểu là cái gì. Sau hỏi người bạn bác sĩ mới biết đó là “nhà thương chữa bịnh ngoài da và bệnh hoa liễu”. Trời đất! Da là từ thuần Việt. Hoa liễu là từ Hán Việt, sao lại nhập chung một cách kỳ cục như thế. Xét về nguồn gốc, chữ Hán Hoa liễu 花柳 có nghĩa là ổ điếm chứ không phải là một bịnh. Về sau, người ta dùng nhóm từ kép “bịnh hoa liễu” để chỉ cái bịnh lây qua đường tình dục cho những người hay lui tới các hoa liễu. Dùng riêng chữ hoa liễu cho một bịnh đã là sai rồi. Bỏ luôn chữ hoa, chỉ còn chữ liễu thôi thì càng tệ hơn nữa. Riêng chữ liễu 柳 thì có nghĩa là cây liễu. Bệnh viện da liễu tức là bệnh viện chuyên chữa cho bịnh ở da của cây liễu !!!
ĐẠI TRÀ. Tôi nhớ sau năm 1975, một người bạn dạy sử địa kể rằng, lần đầu tiên đọc sách giáo khoa từ miền Bắc đưa vào gặp câu: “Cây chè được trồng đại trà ở vùng nầy”. Anh ta hơi hoảng vì dạy sử địa bao năm mà bây giờ không hiểu đại trà là gì. Đại là lớn, còn trà là gì? Anh về lật nhiều tự điển kể cả tự điển Hán Việt ra tra thì chẳng thấy chữ đại trà ở đâu cả. Hỏi thăm mãi anh mới rõ trồng đại trà là trồng rộng rãi khắp nơi. Có lẽ ai đó nổi hứng bịa ra từ vô nghĩa đó để thay thế từ dễ hiểu và có sẵn, rồi sau đó những người khác bắt chước nói theo. Ngôn ngữ mà biến chuyển như thế thì cũng đáng buồn.
SỰ CỐ. Lại một từ vô nghĩa nữa nhưng đang được dùng một cách rộng rãi để chỉ một sự rắc rối vừa mới xảy ra. Trong tiếng tiếng Hán Việt có từ kép cố sự 故事 có nghĩa là chuyện cũ chứ làm gì có từ sự cố. Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được.
HOÀN CẢNH. Trong một bài báo, người ta viết: “Cô ây sống hoàn cảnh lắm”. Đố các bạn biết người ta muốn nói gì? Xin thưa, muốn nói “Cô ấy đang sống trong hoàn cảnh bi thảm”!!! Các bạn có chịu nổi với cách viết văn như thế đó không ?
ĐÔI CÔNG. Kể từ giải túc cầu thế giới tại Nam Phi, đài truyền hình ở Việt Nam bịa ra một từ mới, đó là từ đôi công và rất thường được lặp đi lặp lại. Theo dõi nhiều trận, tôi mới hiểu ý của các ông trời đó muốn nói: 2 đội chơi đôi công nghĩa là cả 2 đội đều chơi tấn công. Đôi là một cặp (tiếng Nôm), công là tấn công (tiếng Hán Việt). Vậy đôi công là một từ bậy bạ do người kém hiểu biết bịa ra mà hiệu quả rõ ràng là làm xấu đi ngôn ngữ của dân tộc mình. Có người nghĩ rằng, cứ bịa ra những từ mới là làm giàu cho ngôn ngữ. Quan niệm như thế là sai; cũng như muốn làm giàu thì kiếm được thực sự nhiều tiền chức không phải cứ nhét vào tủ các thứ giấy tờ bậy bạ mà gọi làm giàu được.
XÂY DỰNG. “Anh Hai tôi quyết định xây dựng với người yêu của mình” Các bạn đừng tưởng rằng 2 người quyết định đi xây nhà để ở nhé. Không, 2 người quyết định làm đám cưới dó. Viết văn như thế thì hết chỗ để phê bình rồi.
6.- Dùng sai nghĩa từ thuần Việt.
NGƯỠNG. Người ít học cũng biết ngưỡng là một giới hạn rất xác định, một gạch ngang rõ nét, và bước qua vạch ngang đó thì mọi việc sẽ thay đổi một cách căn bản. Thí dụ, ngưỡng cửa là một đường ngang, bên trong là phòng, bên ngoài là sân hay mái hiên chứ không còn là phòng nữa. Một thí dụ khác: khi lượng glucose trong máu tăng lên và vượt qua ngưỡng 1% thì đường thoát ra ngoài theo nước tiểu, còn dưới cái ngưỡng đó thì không hề gì. Ngưỡng có nghĩa rõ ràng như thế và học sinh nào cũng biết. Thế mà mổi đêm, trong mục dự báo thời tiết, xướng ngôn viên cứ lải nhải; nhiệt độ đạt ngưỡng từ 32 đô đến 35 độ. Nghe chịu hết nổi. Tôi không trách người xướng ngôn vì bản tin không phải do người xướng ngôn viết mà do các đấng đại trí thức trong ban biên tập viết nên.
KIÊU NGẠO. Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó :”Thằng A hay kiêu ngạo người khác.” Tôi không giải thích được vì không rõ câu nầy có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ kiêu ngạo như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được.
TRAO ĐỔI. Từ nầy có nghĩa là đưa qua đưa lại các vật với nhau. Ngày nay người ta lại dùng từ nầy một cách sai lầm để thay thế cho từ bàn bạc hay thảo luận. Thí dụ: “Để thực hiện chỉ thị, tôi đã trao đổi với đồng chí chủ tịch”
7.- Dùng từ thiếu chính xác
CHẤT LƯỢNG. Chất 質là cái khối chứa bên trong một vật (matière,) lượng 量là tính chất của cái gì có thể cân đo đếm được (quantité). Vậy chất lượng hay khối lượng là cái chất bên trong của một vật có thể đo lường được ( masse). Thí dụ: “khối lượng hay chất lượng của một vất là 1 kilo gramme”. Thế mà ngày nay người ta dung từ chất lượng để chỉ cái tính tốt xấu của một vật, không thể đo đếm được (qualité). Thí dụ: “Chất lượng của nước giải khát nầy kém lắm, uống không ngon má cò có hại cho sức khỏe nữa”.
CẢM GIÁC. 感覺 Đó là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác lạnh. Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm”. Ngày nay, người ta thường dùng từ cảm giác thay cho từ cảm nghĩ. Thí dụ: ‘Với tình hình nầy, anh có cảm giác thế nào?”. Thực là sai một cách trầm trọng.
THỐNG NHẤT. Thống nhất 統一 là làm biến mất tình trạng chia rẻ bắng cách gom các thứ về một mối. Ngày nay người ta lại thường dùng từ thống nhất để diễn tả sự đồng ý, cùng chung quan điểm. Thí dụ, người ta đã nói: “Để thực hiện tốt chỉ thị, tôi cần thống nhất đồng chí chủ tịch”. Nói như vậy là sai.
GIẢI PHÓNG . Giải phóng 解放 là một từ thường dùng trong lĩnh vực chính trị để chi công cuộc cởi bỏ áp bức, trói buộc cho con người. Ngày nay, người ta lại dùng một cách sai lầm từ nầy cho vật chất. Thí dụ: người ta nói giải phóng mặt bằng thay cho từ đúng là giải tỏa mặt bằng.
ĐĂNG KÝ. Đăng ký 登記 là chép vào sổ một vật được đưa đến. Thế mà ngày, người ta nói: “Tôi đã đăng ký đi nước ngoài” Nghe như người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói: ghi danh hay ghi tên mới đúng.
8.- Từ vựng lộn xộn.
LÁI XE. Đó rõ ràng là một động từ, hay đúng hơn là một từ kép gồm một động từ và một túc từ. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng dùng từ nầy để chỉ người lái xe, tức là danh từ. Vì vậy, người ta có thể nói: “Sáng nay, lái xe đang lái xe gặp một lái xe khác cũng lái xe, cả hai lái xe cùng lái xe về nhà.” Thực là buồn cười. Trước đây ở miền Nam, lái xe dứt khoát chỉ là động từ, còn danh từ phải là người lái xe hay muốn nói gọn hơn thì dùng từ phiên âm Quảng Đông (?), tài xế cũng được rõ ràng minh bạch.
YÊU CẦU. Đây là một động từ. Thí dụ: “Tôi yêu cầu anh đi ngay”. Sau 75, tôi gặp ngay trong giáo án (tài liệu chính thức để dạy học) 2 chữ: mục đích và yêu cầu. Động từ yêu cầu đã biến hẳn thành danh từ.
NGHIÊN CỨU SINH. Sinh 生 là tiếng Hán Việt. Dùng làm động từ thì sinh có nghĩa là sống, còn dùng làm danh từ thì sinh có nghĩa là con người đang sống. Thí dụ học sinh là người đi học, giáo sinh là người đi dạy. Nguyên cứu sinh là người đi nghiên cứu. Rõ ràng như vậy, thế mà tôi đã nghe người ta nói và đã thấy người ta viết những câu như “Con tôi được đi nghiên cứu sinh tại Trung quốc” Như thế là nói bậy vì lấy một danh từ làm động từ!
ẤN TƯỢNG. Theo cụ Đào Duy Anh, ấn tượng 印象(impression) là cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in sâu vào óc. Vậy ấn thượng là một danh từ của tâm lý học. Thế mà ngày nay người ta đem dùng làm tính từ như “cảnh đó rất ấn tượng”, và cả động từ nữa, như “tôi rất ấn tượng cảnh đó”. Hết sức bậy bạ
THẦN TƯỢNG. 神像 Từ nầy có nghĩa là hình tượng cao quý như thần. Vậy đây là danh từ nhưng, cũng như chữ trên đây, thần tượng được dùng như tính từ như “người đó rất thần tượng”, rồi cả động từ nữa “anh có thần tượng đồng chí đó không?”
TRÊN. Rõ ràng đây là một giới từ, bây giờ lại trở thành danh từ. Thí dự: “Cần phải báo cáo cho trên rõ” hay “trên bảo, dưới không nghe”.
LÀM TỐT. Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt. Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vi nói làm giỏi, học giỏi.
LÃNH ĐẠO. Tôi không tìm thấy chữ nầy trong các tự điển Hán Việt nhưng lại có trong tự điển của Tàu hiện nay 领导 và có nghĩa là điều khiển, hướng dẫn con đường đi. Vậy rõ ràng đây là một động từ. Tuy nhiên ngày nay người ta lại dùng làm danh từ. Thí dụ: “Lãnh đạo đã chỉ thị như thế”
Sự rối loạn về từ vựng trong ngôn ngữ thực là điều rất đáng tiếc. Từ đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của tiếng Pháp, ngôn ngữ Việt Nam dần dần được minh bạch về từ vựng nên trở nên sáng sủa và rõ nghĩa, nay có biểu hiện rối rắm về từ vựng và trở nên tối tăm, có lẽ do mấy ông đi học bên Tàu về. Tiếng Tàu thì rất lôi thôi về từ vựng, ai cũng rõ điều đó.
9.- Cóp tiếng Tàu đang dùng.
LƯU BAN. Học sinh kém quá không được lên lớp thì gọi là lưu ban. Trong tiếng Tàu hiện nay, ban 班 là lớp học nhưng với tiếng Hán Việt (gốc từ tiếng Tàu đời Đường) thì ban không phải là lớp học mà có nghĩa rất xa lạ (ban phát, hạng thứ, đem quân trở về). Do đó, dùng tiếng lưu ban để nói học sinh không được lên lớp thì không ổn chút nào. Dùng chữ lưu cấp 留級 thì gần đúng nghĩa hơn. Nhưng thôi, lưu ban, lưu cấp làm chi. Mình đã có chữ thuần Việt đã dùng từ lâu là ở lại lớp, rất hay vì phụ huynh học sinh nào cũng hiểu được.
TRANH THỦ. Đây là từ mới được đưa vào Nam sau 1975, và có nghĩa là lợi dụng tình hình để làm được việc gì đó. Thí dụ: “trong chuyến đi tham vừa qua, anh ấy đã tranh thủ kiếm chác được chút ít” Tôi đã cố tìm hiểu xuất xứ của từ nầy và nhận ra rằng từ tranh thủ không có trong tiếng Hán Việt nhưng hiện nay đang được dùng bên Tàu.
Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là đều điều không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa. Thí dụ,大家 , tiếng Hán Việt đọc đại gia và có nghĩa là người hay gia đình có vai vế trong xã hội, trong khi đó tiếng Tàu hiện đại đọc là dà jià và có nghĩa là tất cả mọi người. Một thí dụ khác: 東西 tiếng Hán Việt đọc là đông tây và có nghĩa là 2 phương hướng, trong khi tiếng Tàu hiện đại đọc là dòng xì và có nghĩa là hàng hóa. Cho nên tiếng Tàu ngày nay phải được xem là ngoại ngữ đối với ngôn ngữ Việt Nam và không nên nhập một cách bừa bãi vào tiếng Việt.
10.- Đảo ngược từ kép làm sai nghĩa.
ĐIỂM YẾU Từ kép nầy gồm 2 tiếng đơn ghép theo văn phạm Nôm có nghĩa là cái điểm không mạnh. Có người đem đảo ngược lại thành yếu điểm theo văn phạm Hán Việt thì lại có nghĩa hoàn toàn khác hẳn: điểm rất quan trọng.
THẤP ĐIỂM. Từ nầy thường được dùng sai một cách thực buồn cười. Cao là tiếng Hán đã được Việt hóa, nên có thể dùng theo văn phạm Hán hay Nôm cũng đều có một nghĩa duy nhất là “ở phía bên trên”. Thí dụ: điểm cao và cao điểm cùng một nghĩa. Trong khi đó thấp lại có hai nghĩa khác nhau tùy theo tiếng Hán hay Nôm. Theo tiếng Nôm thì thấp có nghĩa là ở bên dưới, nhưng với tiếng Hán thi thấp có nghĩa là ẩm ướt.. Vì vậy, khi nói điểm thấp thì đó là chỗ ở dưới thấp, nhưng khi đảo lại thành thấp điểm thì có nghĩa là nơi ẩm ướt. Thực là buồn cười khi đọc báo thấy: “giao thông giờ cao điểm, giao thông giờ thấp điểm” hay “dùng điện lúc cao điểm và dùng điện lúc thấp điểm”
11.- Đảo tư kép bừa bãi và không cần thiết.
XA XÓT. Tôi đọc được cách đảo kỳ cục trong một tác phẩm bán rất chạy trong thời gian gần đây. Nguyên câu đã viết là: “…ông Năm xa xót nhìn hai đứa trẻ….”. Đảo từ như thế là bừa bãi, chẳng nhằm lợi ích gì. Với văn vần thì có thể tạm chấp nhận sự đảo từ cho hợp thi luật; nhưng với văn xuôi thì không thể đảo từ một cách bừa bãi được.
Còn rất nhiều từ kép bị đảo xuôi đảo ngược vô tội vạ nữa: Nguy hiểm / hiểm nguy; đơn giản / giản đơn; khai triển / triển khai; từ chối / chối từ; bảo đảm / đảm bảo; bền vững / vững bền; minh chứng / chứng minh; phục hồi / hồi phục; biệt ly / ly biệt; tha thướt / thướt tha; thẩn thờ / thờ thẩn; tranh đấu / đấu tranh; thơ ngây / ngây thơ; xúc cảm / cảm xúc; quang vinh / vinh quang; kinh hoảng / hoảng kinh; ái ân / ân ái …..
Ôi thôi, nhiều quá, quá nhiều, không sao kể hết ngay tức thì được.
Có lẽ trên thế giới, không ngôn ngữ nào có các từ bị đảo ngược lung tung như ngôn ngữ Việt Nam hiện nay.
Cứ cái đà nầy, tôi e có ngày mình sẽ đọc được một câu thế nầy: “Người sĩ-chiến sinh-hi ngoài trận-mặt để vệ-bảo quốc-tổ, dân-nhân ở phương-hậu phải tỏ lòng ân-tri với các hùng-anh sĩ-liệt”!!!
12.- Ghép từ bừa bãi.
KÍCH CẦU. Đó là nhóm từ “kich thích nhu cầu tiêu thụ” được ghép cho ngắn lại làm cho nghĩa trở thành hết sức tối tăm. Nghe từ ghép “kích cầu”, tôi cứ tưởng công việc của mấy ông công chánh đang thực hiên ở dưới sông. Cách ghép nấy nghe rất chướng tai nhưng lại rất phổ biến hiện nay.
GIAO HỢP. Có một chuyện ghép từ rất khôi hài mà người ta thường hay kể lại. Chuyện thế nầy: Đồng chí giám đốc phài một nữ nhân viên qua một xí nghiệp bạn với lời dặn đò cẩn thận: “Cô hãy sang đó và cố gắng thuyết phục cho họ chịu giao hợp nhé”. Ý đồng chí giám đốc muốn nói giao hợp có nghĩa là giao thiệp và hợp tác; không biết cô nữ nhân viên có hiểu đúng ý đồng chí giám đốc hay không
13.- Dùng từ dao to búa lớn
CHIẾN. Đá bóng chỉ là một trò chơi thể thao thuần túy thế mà các xướng ngôn viên và bình luận viên của chúng ta luôn luôn gọi đó là cuộc chiến. Cuộc chiến thì phải có đổ máu, phải có quyết tâm tiêu diệt kẻ thù hay ít ra làm cho kẻ thù phải khốn đốn. Một hôm đi ngang qua sạp báo tôi thấy một tờ báo chạy một cái tựa rất lớn ở trang nhất: “nội chiến ở bán đảo Ibérique”. Tôi giật mình không hiểu tại sao giữa hai nước anh em Tây ban nha và Bồ đào nha lại nổ ra chiến tranh. Tôi vội vã móc tiền ra mua ngay tờ báo đó rồi chạy nhanh về nhà để đọc. Đọc xong, tôi ngã ngửa, Thì ra, trong một cuộc bốc thăm do FIFA tổ chức, hai đội tuyển bóng tròn của Tân ban nha và Bồ đào nha gặp nhau trong cuộc chơi play-off. Thế mà người ta dám gọi là nội chiến. Xin chào thua cách dùng ngôn từ Việt Nam ngày nay.
CHIẾN ĐẤU. Tôi đã từng nghe nói: “Chúng ta phải cương quyết chiến đấu với tư tưởng sai trái”. Nghe thực đáng sợ.
NGÀI. Đã có lúc, nhân danh lập trường giai cấp, lập trường ta bạn thù, người ta gọi các lãnh tụ của nước tư bản bằng thằng nọ thằng kia. Bây giờ, chúng ta chơi với tư bản thì ai người ta cũng gọi bằng “ngài”. Ngài thủ tướng, ngài đại sứ, ngài nghị sĩ, vân vân. Nghe có vẻ nịnh bợ quá đi thôi.
THAM QUAN. 參觀 Đi chơi để ngắm cảnh thì gọi là tham quan, có nghĩa là tham dự vào một công cuộc xem xét, nghiên cứu. Gọi thế mới hách chứ.
NGHIÊN CỨU SINH. Đi học thêm ở ngoại quốc, chuyện quá tầm thường, nhiều khi lợi dụng làm chuyện bậy bạ, lại tự tâng bốc mình là đi nghiên cứu.
14.- Dùng từ Hán Việt thay từ Nôm một cách kỳ cục.
KHẨN TRƯƠNG Một đồng nghiệp của tôi định cư tại Uc từ năm 1975. Cách đây vài năm, thầy về Việt Nam lần đầu tiên và dùng tàu hỏa ra Hà nội thăm quê. Giữa khuya, tàu đến ga Đồng hới thuộc tỉnh Quảng bình. Đang ngủ say, bỗng thầy giật mình tỉnh dậy vì tiếng loa “… hành khách khẩn trương lên”. Thầy hoảng hồn phóng xuống giường, chạy ra khỏi buồng của toa xe vì tưởng xe trật đường rầy hay có hỏa hoạn xảy ra. Nhưng không, nhân viên trên toa tàu chỉ nhắc nhở hành khách nào xuống tàu ở ga nầy thì nhanh lên, thế thôi! Tội nghiệp, thầy Phụng hoảng hồn cũng phải vì ở miền Nam trước đây, ngươi ta ăn nói một cách giản dị và chỉ hay dùng tiếng Hán Việt trong văn chương và khi có việc nghiêm trọng mà thôi.
BÁO CÁO. Một người bạn đã nói với tôi: “Báo cáo anh, chiều nay tôi phải lên xe về Hà nội”. Tôi nghe chữ báo cáo thì cứ tưởng anh ta đang nói với một vị tư lệnh trên chiến trường.
15.- Thay từ Hán Việt thông dụng bằng từ Nôm bất hợp lý.
MÁY BAY LÊN THẲNG. Cái loại máy bay có thể bay lên mà không cần phi đạo, ngày trước người miền Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ người có học đến người thất học, đều gọi bằng một cái tên rất gọn là trực thăng. Sau 1975, người ta sửa lại là máy bay lên thẳng, không hiểu lý do tại sao.
LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ. Ngày trước miền Nam có một binh chủng đặt tên là Thủy quân lục chiến. Đó gần như là một danh từ riêng. Sau 75 thì sửa lại là lính thủy đánh bộ cho có vẻ nôm na, dù thủy và bộ vẫn là tiếng Hán Việt. Có người bảo rằng cái gì của ta thì dùng tiếng Hán Việt mới bảnh, còn cái gì của kẻ thù thì dùng tiếng Nôm để làm giảm giá trị. Nếu quả đúng như thế thì đó thực là một quan niệm hết sức sai lầm và xúc phạm một cách trầm trọng đến giá trị tiếng thuần Việt của dân tộc mình.
16.- Chưa có được những từ thỏa đáng cho khoa học và kỷ thuật hiện đại.
COMPUTER dịch là máy vi tính là không thỏa đáng. Máy vi tính có nghĩa là máy dùng làm những phép tính rất nhỏ. Chức năng của computer không phải chỉ như thế. Xin để dành cho các nhà chuyên môn về kỷ thuật và các nhà ngôn ngữ nói chuyện với nhau để chọn từ cho chính xác.
INFORMATION TECHNOLOGIE dịch là tin học, cần xét lại 2 điểm. Thứ nhất, tecgnologie là một kỷ thuật, dịch bằng một chữ học trơ trọi thì không ổn. Thứ hai, muốn dùng từ kép “tin học” thì 2 từ đơn phải đều là tiếng Hán Việt. Nhưng tin là tiếng Nôm còn tín mới là tiếng Hán Việt. *ON LINE, OFF LINE, dịch là trực tuyến và ngoại tuyến thì e không ổn. Ở tiếng Mỹ, on và off là 2 từ đối nghịch nhau thì dịch sang tiếng Việt cũng cần 2 từ đối nghịch nhau mới được. Cho nên dùng 2 từ trực và ngoại thì chẳng ổn chút nào. Một lần nữa, chúng ta chờ đợi sự bàn bạc giữa các chuyên viên kỹ thuất và ngôn ngữ.(Magazine)




Trong chương trình Game show Ai là triệu phú trên đài VTV3, một giảng viên đại học đã không trả lời được câu hỏi liên quan đến nhóm Tự lực văn đoàn và các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Khái Hưng. Cô giảng viên này đã tiết lộ rằng chưa bao giờ nghe nói tới tên của nhóm này và bảo rằng tên Nhất Linh gợi trong cô đến một gánh cải lương. Xem đến đó bỗng dưng tôi thấy buồn một cách khủng khiếp, tôi cảm thấy tội nghiệp cho cô giáo ấy, tội nghiệp cho những sinh viên đang được cô ấy dạy dỗ và cũng tội nghiệp cho cả một thế hệ.
Lâu nay, báo chí và mọi người khi bàn đến vấn đề giáo dục thường đổ lỗi cho học sinh, nhất là khi bàn đến môn Văn học. Nhiều ý kiến cho rằng học sinh bây giờ thực dụng, chỉ lo học những môn sẽ thi vào các trường đại học mà lơ là những môn học khác. Rằng thì là học sinh bây giờ không còn tôn trọng văn chương, thi phú mà chỉ chuộng khoa học kỹ thuật và ngoại ngữ.....
Chẳng có mấy ai nhìn lại người Thầy và suy nghĩ cho kỹ xem người Thầy đã làm gì để cho nền giáo dục nước nhà sa sút trầm trọng đến như vậy. Chẳng có mấy người đặt vấn đề trách nhiệm của người Thầy đối với thảm họa giáo dục hiện nay.
Tôi đã có thời gian gần 25 năm đi dạy học qua hai chế độ và tôi có thể mạnh dạn mà phát biểu rằng ở trong nhà trường hiện nay, rất nhiều Thầy Cô giáo đã chọn lầm nghề và đã sai lầm khi còn đứng trên bục giảng. Hiện nay tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp rất phổ biến, hầu như tỉnh thành nào cũng có xảy ra, tại sao chúng ta không đặt thêm vấn đề Thầy Cô giáo đang ngồi nhầm chỗ.
Theo quan niệm giáo dục từ xưa đến nay, người dạy học phải có kiến thức cao hơn học sinh một cái đầu. Và khi đi dạy học, chỉ cần sử dụng hai ba phần kiến thức của mình có. Nói gọn lại là người dạy học phải trang bị một số kiến thức nhất định về môn học mà mình đang phụ trách, đồng thời phải có một số vốn kiến thức phổ thông mà bất kỳ người nào được gọi là trí thức trong xã hội cũng cần phải có.
Thế nhưng, than ôi ! !!!! rất nhiều người làm nghề dạy học mà chẳng có số vốn kiến thức gì ngoài mấy trang giáo án được viết lại từ sách hướng dẫn giảng dạy, hay lơ thơ số vốn kiến thức đã được học lỏm bõm ở nhà trường đại học. Và từ đó, họ như những cái máy bật lên khi vào lớp để nhồi vào những con robot đang hối hả ghi chép một cách thụ động để đối phó với trường với lớp, với cha với mẹ, với thầy với cô. Thế nên mới có chuyện cô giảng viên đã nói ở trên suy nghĩ rằng cái tên Nhất Linh gợi cho cô một cái gánh hát cải lương; và nhiều học sinh lẫn lộn giữa vua Càn Long viết chiếu Cần Vương.
Đối với người thầy, ngoài kiến thức đã được học ở nhà trường, phải được trang bị thêm rất nhiều từ cuộc sống và tự học. Tự làm cho kiến thức càng ngày càng phong phú và tiếp thu những cái hay cái mới đang thay đổi hàng ngày là trách nhiệm của người thầy. Bởi có được số vốn kiến thức như vậy thì người thầy mới có tự tin để giảng dạy và có sức thuyết phục đối với học trò. Có một lần tôi hỏi một cô giảng viên đại học dạy môn văn học Việt Nam hiện đại là khuynh hướng sáng tác của nhà văn VN hiện nay là gì và giới trẻ thường đọc loại sách nào? Cô ấy trả lời tỉnh rụi: Bận lắm Thầy ơi, có thì giờ đâu mà theo dõi với khảo sát. Tôi tự nghĩ thế thì cô giáo ấy dạy gì cho sinh viên?
Kiến thức bị thiếu hụt, một số người thầy hôm nay lại tự đánh mất nhân cách. Nghề dạy học rất cần sự phẩm hạnh, bởi ta gọi đó là những nhà mô phạm. Thế nhưng, những hiện tượng nhan nhản xảy ra trong các trường học mà báo chí liên tục đưa tin đã cho chúng ta thấy rằng đạo đức của nhiều người thầy hôm nay đang ở trong tình trạng báo động. Theo một cuộc khảo sát đã được công bố trong năm vừa qua thì ngành giáo dục lại là ngành có số người ăn nhậu, rượu bia nhiều nhất. Đó có phải là một nghịch lí chăng ?
Hiện tượng cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo dụ học sinh vào nhà trọ để cưỡng dâm, cô giáo đi chấm thi tráo bài tráo điểm, thầy cô đi học sử dụng tài liệu lúc đi thi, ban giám hiệu ăn hối lộ, sửa bài sửa điểm để ăn tiền, cả hội đồng thi rắp tâm để cho thí sinh tự tung tự tác vì đã nhận phong bao, phong bì, bán đề thi, làm bài thi hộ ..v..v...không chỉ là hiện tượng cá biệt mà nhiều nơi đã trở thành một hệ thống.
Đó là chưa kể đến những chuyện bình thường là những mánh khóe để bắt học sinh phải học thêm để cải thiện đời sống. Cứ đầu năm học, các thầy cô của những môn chính thường tổ chức cuộc thi khảo sát trình độ. Và kết quả thường là rất bi đát, thế là trong kì họp phụ huynh đầu năm, thầy cô giáo báo cáo tình trạng và khuyên phụ huynh nên cho các em đi học ngoài giờ để nắm vững kiến thức. Chỉ cần đi học thêm, kì họp phụ huynh cuối học kì một đã thấy những báo cáo khởi sắc hơn và các phụ huynh có cảm tưởng con cái mình học giỏi hơn qua những kết quả của kì thi học kì.
Nếu khó khăn thì nên kiếm nghề khác để sống, không nên kiếm chác bằng cái nghề dạy học.
Trong các kì thi dạy giỏi hay các buổi dự giờ, thầy cô giáo thường tổ chức như là một vở kịch khôi hài. Các câu hỏi được soạn rất kĩ lưỡng, và có khi được dạy trước đó nữa kia. Em nào sẽ giơ tay phát biểu, người giỏi giơ tay phải, người yếu tay trái....Buổi học chuẩn bị sẵn như vậy mà vẫn có những giờ dạy cười ra nước mắt. Nhà trường dạy các em phải trung thực và thật thà dũng cảm, nhưng thầy cô, đúng ra phải là tấm gương sáng thì lại đi dạy cho học sinh những dối trá và những báo cáo láo. Trách chi khi ra đời, các em lại tiếp tục làm những báo cáo không trung thực.
Không những thế, người thầy lại hèn nhát, không dám nói lên chính kiến của mình, không dám đấu tranh với những sai trái diễn ra trước mắt mình, cuối cùng trở thành những kẻ đồng loã với thối nát. Có khi họ lại đánh mất liêm sỉ của người mệnh danh trí thức, trốn tránh trách nhiệm với học sinh, đứng về phía kẻ ác để đày đoạ chính học trò của mình, truy tố kẻ lương thiện, lập phe cánh để ủng hộ cường quyền. Một số thầy cô trở thành kẻ hèn, vì quyển lợi được chia cũng có, vì sợ bị đì, bị mất việc cũng có mà cũng có khi vì đang phấn đấu để vào đảng vào đoàn để được lên lương, lên chức.
Những người cỏn chút lương tâm, còn chút liêm sỉ dám đấu tranh sẽ vị cô lập, sẽ bị bạc đãi và rất khó để sinh hoạt bình thường trong tập thể. Họ trở thành kẻ cô đơn. Điều đó nói lên thực trạng thối nát tồn tại ở trong môi trường giáo dục.
Bỗng dưng tôi chợt nhớ đến nhân vật giáo Thứ trong Sống mòn của nhà văn Nam Cao và tôi có cảm tưởng những ngừơi làm nghề giáo có cái vẻ hèn hèn và cam chịu.
Thiếu kiến thức, thiếu nhân cách, những người làm nghề dạy học vừa không được học trò nể phục mà còn làm cho học trò xem thường, bất kính. Lỗi đó là bởi tại chúng ta, những nhà giáo không đủ điều kiện để làm nghề.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
Sao chúng ta không soi lại mình mà cứ trách mãi học trò.
Lại nói đến chuyện dạy môn Văn
Trong các môn học, Văn học là một môn rất khó dạy. Bởi tuy người thầy giáo dạy môn văn học không phải là nhà văn, nhà thơ sáng tạo văn chương, nhưng họ là những ngưởi truyền thụ văn chương, do vậy họ phải là một người có tâm hồn nghệ sĩ. Bởi dạy Văn học không chỉ truyền đạt kiến thức mà chủ yếu là truyền sự rung động trước tác phẩm. Tức là người dạy Văn là người phải có cảm xúc về tác phẩm và truyền cảm xúc đó đến với học sinh. Người thầy như là người nhóm lửa, thổi lên ngọn lửa văn chương trong mỗi tâm hồn của những đứa học trò. Và muốn được như thế thì người dạy phải có sự rung cảm sâu sắc và bằng ngôn ngữ và kĩ thuật diễn đạt làm cho học trò rung động theo. Chẳng cần nhồi nhét chi cho nhiều, chẳng cần thuộc chi cho lắm ba cái đại ý và bố cục bài này chia làm mấy phần, một giờ dạy và học văn tốt là một giờ mà qua đó những tần số cảm thụ cùng rung lên và tự động tác phẩm đó, câu thơ đó, đoạn văn đó tự động thấm sâu vào tâm hồn của người học và trở thành hành trang đi suốt cuộc đời của chúng.
Dạy Văn mà giảng khô cứng, máy móc, chỉ mục đích truyền kiến thức, lúc nào cũng lên gân giáo dục này nọ thì làm sao chuyên chở những rung động văn chương.
Thật ra, trong chương trình học, không phải bài nào cũng làm ta rung cảm, không phải bài nào cũng hay, đôi khi quá dở nữa là khác. Gặp những tác phẩm như thế thì cũng chẳng biết trách ai, bởi không thể dạy tốt những tác phẩm như vậy vì không thể tìm được chỗ nào để gọi là văn chương mà rung cảm. Thôi thì đành trách sao mấy người sọan chương trình thiếu trình độ quá vậy?
Người ta hay bảo văn học là nhân học, là có ba chức năng hiện thực, thẩm mỹ và giáo dục, trong đó giáo dục là quan trọng nhất. Vì thế nên nhiều thầy cô cứ ép mà giáo dục. Dạy Kiều đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, cái ghen của Hoạn Thư, sự tráo trở của nhân vật Sở Khanh, sự bất lực của nhân vật Thúc Sinh... thì giáo dục cái gì mà cũng lồng ghép vô chuyện chống chế độ phong kiến với áp bức một cách xơ cứng và ngô nghê. Chuyện gì cũng phải có giáo dục, cố ghép cho nó một cách khiên cưỡng và làm người nghe nhàm chán và bất phục.
Dạy mà người nghe cảm động, học trò rớt nước mắt thương cho số phận nàng Kiều, thương cho cái Tý phải ăn cơm thừa của chó, cảm thương cho số phận Chí Phèo, xót cho chị Dậu phải đem sữa cho người khác bú khi con mình đang đói...tức là đã giáo dục rồi, cần chi phải lên gân đánh đổ thực dân phong kiến và lũ cường hào, ác bá, cần chi phải kêu gọi vùng lên. Mà thời bây giờ, giáo dục không khéo sẽ khiến cho những học sinh khá đặt ra câu hỏi gắn liền với những câu chuyện hiện thực đang diễn ra ở xã hội, người thầy sẽ chẳng biết cách trả lời. Bởi bây giờ có nhiều số phận đớn đau hơn Chị Dậu, nhiều kiếp người còn khốn nạn hơn Chí Phèo năm xưa.
Khi người ta yêu, người ta cảm thì tự khắc người ta sẽ có thái độ thôi, cần chi gắn gậy vào và bắt ép người ta phải có tính giai cấp, phải đấu tranh.
Đừng trách học sinh không thích học Văn mà hãy suy nghĩ sao chúng ta dạy Văn dở quá nên chúng nó chẳng yêu Văn.
Vì chúng ta biến văn chương thành chính trị và nhiều người dạy Văn chương chẳng khác nào những nhà đang rao giảng chính sách. Dạy bài văn nào cũng phải kết luận yêu chủ nghĩa xã hội, phấn đấu trở thành con người mới XHCN thì còn chi là văn chương?
Bao giờ chương trình Văn học trong nhà trường đều là những tác phẩm văn chương đích thực và người dạy Văn có cảm xúc và truyền được rung cảm đến cho học trò như những người ca sĩ diễn đạt được bài nhạc của người nhạc sĩ tài hoa, đọc xong câu chuyện như vừa được xem một vở kịch đời, thì lúc đó chắc chắn học trò sẽ yêu thích môn văn học và chúng sẽ tự động yêu văn chương thi phú.
Để nhớ những năm làm thầy. 
DODUYNGOC. 
18.4.2007

Chắp Tay Nỗi Nhớ (*)


Sóng vẫn vỗ ngàn đời tháp cổ
Mưa vẫn về thiếu bóng Diễm xưa
Trên quán trọ trăng vẫn già như cũ
Và bên đời chú dế gọi không thưa

Anh đến trần gian từ hạt bụi
Lắng tự nhân gian những ngậm ngùi
Làm chiếc lá quay hoài trong gió chướng
Lúc trở về hạt bụi hóa kim cương

Từ giữa thinh không làm cánh vạc
Kẻ độc hành xuyên suốt đêm trăng
Hàng long não ngày xưa không còn lá
Có còn chi nối tiếc nguyệt như rằm

Sóng vẫn vỗ ngàn đời tháp cổ
Mưa vẫn về thiếu bóng Diễm xưa
Trên quán trọ trăng vẫn già như cũ
Và bên đời chú dế gọi không thưa

Kẻ lãng du đi về phố cũ
Vẫy tay chào chốn trọ mù tăm
Vết trầm luân sáu mươi năm nếm đủ
Chốn trăm năm nắm đất chọn chỗ nằm

Hạt bụi lại về với hư vô
Tiếc thương chi còn lại nấm mồ
Trên vai nhật nguyệt không còn nặng
Tháng Tư về tôi chấp nguyện Nam Mô.

DODUYNGOC
Sài Gòn - 1.4.2007
* Đây là bài thơ của tác giả Đỗ Duy Ngọc sáng tác nhân ngày giỗ của Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài thơ đã được anh Trịnh Công Hà, em trai cố nhạc sĩ đọc tại lễ giỗ ông tổ chức ở San José, Mỹ.

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget