Latest Post












Hôm nay dù cái gọi là "di biến động dân cư" không còn được thi hành nữa vì đã gây ùn ứ xe cộ trên các giao lộ có chốt chặn. Tuy nhiên, sáng nay, nhiều con đường vẫn kín xe ùn tắc vì kiểm tra giấy đi đường. Nguyên nhân là siết chặt thời hạn giấy đi đường khiến nhiều người dân buộc phải quay đầu xe. Lực lượng chức năng giải thích cho người dân giấy ra đường chỉ có hiệu lực trong 7 ngày gây bất ngờ cho mọi người vì hầu hết người dân cho rằng chưa được thông báo là giấy ra đường có hiệu lực chỉ trong 7 ngày nên không thể chủ động. Điều đó cho thấy rằng, trong các đợt giãn cách, không biết bao nhiêu là thông báo, bao nhiêu là chỉ thị, bao nhiêu là yêu cầu khiến cho dân cứ rối tinh lên, chẳng biết đường nào mà chuẩn bị. Không phải ai cũng có điều kiện theo dõi, ai cũng có phương tiện để nắm rõ những thay đổi xoành xoạch của các ban bệ nhà nước. Hết Uỷ ban đến công an, hết y tế đến công thương, hết tiêm chích, xét nghiệm đến thông báo đi siêu thị, mỗi bộ phận một kiểu, chẳng thống nhất lại nhiều khi tréo ngoe với nhau. Nội cái mã code không thôi người dân cũng đã rối trí rồi. Lại thêm là mã chích ngừa, mã sổ sức khoẻ điện tử, mã Bluezone, mã di biến động dân cư, mã xe chở hàng, mã cho shipper...không biết sắp tới còn cái mã code nào không nữa. Tại sao không thống nhất một Ban chống dịch của thành phố quy tụ các thành phần liên quan, mọi biện pháp, chỉ thị, yêu cầu đều do ban này đồng thuận để ra một thông báo chung và người dân chỉ cần tuân theo nội dung của ban ấy. Tránh cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như hiện nay.

Tình trạng các văn bản thay đổi liên tục xuất phát từ việc thực hiện giãn cách thiếu chuẩn bị và thiếu tầm nhìn. Người đưa ra văn bản và bộ phận trợ lý thiếu tầm và thiếu tư duy nên văn bản khi đưa ra thực hiện không khả thi và có nhiều lỗ hổng đành chỉnh sửa và ra văn bản tiếp. Nhưng thực chất văn bản kế tiếp đó cũng không phù hợp thực tế và cũng không triển khai được. Tiếp nữa, nhiều văn bản, thông báo thiếu cụ thể, nhiều chữ nhưng chung chung khiến bộ phận thi hành ở dưới xử lý theo cảm tính, cửa quyền, lạm dụng quyền lực và tuỳ tiện. Một quyết định sai, hàng triệu người lãnh hậu quả. Cho nên văn bản trong thời gian nước sôi lửa bỏng này phải rõ ràng, khoa học và khả thi. Tránh những kiểu đánh trống bỏ dùi và hô khẩu hiệu. Tất cả những hạn chế đó cuối cùng người dân là nạn nhân. Rất nhiều chủ trương, chính sách của thành phố vừa qua bị những hạn chế này khiến dân tình thêm lao đao.

Ngày hôm qua ở thành phố đã có hàng ngàn người tìm cách về quê bằng xe gắn máy đợt hai dù chính phủ đã ra chỉ thị cấm và thành phố yêu cầu ai ở đâu ở đó. Đoàn người bị chận lại và đêm hôm qua rất nhiều người trong đoàn đã ngủ qua đêm trên hành lang xa lộ. Nhìn những người nằm vạ vật bên đường trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em, ai lại không thấy đau lòng. Cũng may là không xảy ra tai nạn, nằm lề đường kiểu này lúc đang đêm rất dễ gây ra cảnh chết người. 

Họ còn biết về đâu? Lớp thì bị chủ nhà đuổi vì không còn tiền trả tiền thuê, người thì đã đành thu xếp lại để quy hương. Còn đâu chốn để trở về lại. Thì đành nằm giữa xa lộ này thôi. Cũng cám ơn trời đêm qua không mưa, lỡ có mưa không biết họ xoay xở thế nào nữa? Nhưng sương đêm, gió lạnh và không khí trong mùa dịch. Không biết đêm qua không biết rồi có ai phải dính dịch không? Còn 30 ngày nữa, ba mươi đêm nữa họ phải sống làm sao giữa đất trời như thế? Thật ra họ cũng đâu muốn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất như vậy, ai không muốn có giường có chiếu, ai lại không muốn có một mái nhà che thân. Nhưng hoàn cảnh buộc họ không còn chọn lựa nào khác. Họ phải tháo chạy để khỏi phải đói, khỏi phải thấy cái chết đang rình rập. Trong cơn dịch này, tầng lớp người dễ bị dính nhất là họ, nên họ phải lìa bỏ thành phố này để trở về. Lần quay về lần trước nhà nước đã có đề nghị cứu trợ khẩn cấp nhưng rồi đã ra lệnh chấm dứt từ 1.8.2021. Mà ngay lần trước việc cứu trợ cũng không hiệu quả và nhiều nơi không đúng đối tượng vì nhiêu khê về thủ tục. Đứng trước tình cảnh của hôm nay, đề nghị chính phủ nên có biện pháp hỗ trợ cho đồng bào.  Có thể tổ chức lại những chuyến xe tình nghĩa, có thể trợ cấp không qua các thủ tục rối rắm để họ có thể an tâm ở lại chờ ngày cuộc sống trở lại bình thường. Những người dù chỉ là tạm trú cũng nên được chích ngừa và được bình đẳng trong việc hỗ trợ lương thực cũng như khi vào bệnh viện. Đó không những là trách nhiệm của người lãnh đạo mà còn là nghĩa đồng bào.

Sáng hôm qua 15.8, thành phố tổ chức lễ “Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh”. Trong buổi lễ, Phó Bí thư Phan Văn Mãi có phát biểu: Với tinh thần “lấy sức dân chăm lo cho dân”, TP đã kêu gọi và nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ đầy nghĩa tình từ khắp nơi trong cả nước. Câu nói "lấy sức dân chăm lo cho dân” gây cho dân thêm nỗi lo âu. Giãn cách kéo dài, đời sống của nhân dân càng lúc càng khó khăn, nhất là tầng lớp nhân dân lao động nghèo. Dân còn sức đâu mà lấy chăm cho dân. Bản thân từng gia đình còn phải vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày không còn phương sinh kế, sức còn đâu nữa. Đây là dịp mà các doanh nghiệp lớn ra tay giúp dân. Cũng là cơ hội những cán bộ ở biệt phủ, đi xe đắt tiền, ăn chơi phung phí, tiền bạc, đô la, hột xoàn đầy túi nên mở hầu bao, két sắt giúp dân, cũng là một dịp để trả nợ cho dân. Hay là quý vị đã đem mua thẻ xanh, mua lâu đài, mua trang trại và cho vào trương mục nước ngoài hết rồi. Trải qua mấy cơn dịch, chưa thấy cán bộ nào bỏ tiền giúp dân một cắc bạc nào. Chỉ thấy mấy tên lợi dụng cơ hội mua bán nâng khống giá kiếm tiền. Lại cũng thấy nhiều quan an nhàn vác gậy đánh golf, hẹn hò tình tự ngoài luồng, ăn nhậu say khướt. Sống chết mặc bây. Tao có tiền tao có quyền. À mà giờ có tin báo đăng ông bà cán bộ nào đó bỏ tiền túi ra làm từ thiện chắc mọi người sẽ không tin đâu nhỉ!

Thời chiến tranh, không có dân lấy đâu có chiến thắng để có chức tước, tài sản như bây giờ. Khi nắm được chính quyền có mấy quan còn nghĩ đến dân, đến những người hi sinh thân mình, tài sản của mình để góp phần làm nên chế độ. Bây giờ, trong cơn hoạn nạn lại đòi lấy sức dân. Đây là lúc nhà nước thể hiện tinh thần vì dân, lo cho dân hợp tình, hợp lý nhất.

Từ hồi đại dịch đến nay, biết bao tổ chức, biết bao cá nhân đã hết lòng với dân nghèo. Một anh thanh niên 30 tuổi suốt ngày rong ruổi trên mọi nẻo phố để tặng cho những người nghèo hè phố những ổ bánh mì, những hộp khẩu trang, những chai dầu gió với những lời nói rất chân tình và vui nhộn. Khi ca nhiễm mới vẫn không ngừng tăng cao, số tử vong mỗi ngày một nhiều hơn. Không chỉ chết ở các bệnh viện mà số người qua đời ở ngay tại nhà cũng rất nhiều. Đa số người chết tại nhà ở trong các khu lao động nghèo, không có tiền và phương tiện để lo hậu sự và đem thiêu. Trong những khó khăn như thế, tình người và tinh thần đùm bọc lại có dịp phát huy khi gia đình có người qua đời vì dịch bệnh, nhóm hỗ trợ mai táng 0 đồng của chị Giang Thị Kim Cúc và các cộng sự đã rong ruổi trên nhiều tuyến đường của Sài Gòn giúp đỡ mai táng cho những hoàn cảnh không may qua đời trong thời gian này. Nhóm mai táng 0 đồng sẽ hỗ trợ trọn gói miễn phí 100% cho những bệnh nhân xấu số mắc bệnh dịch có hoàn cảnh khó khăn, từ khâu khâm liệm tới lúc mang tro cốt về cho gia đình hay gửi lên chùa. Có nhìn thấy những clip và hình ảnh công việc của nhóm người ta mới thấy tình người đẹp biết bao và nhiều người xem họ như Bồ Tát giữa đời thường. Bất kể ngày đêm, bất kể ở khu vực nào, khi có cuộc gọi, tất cả đều lên đường. Có nhiều người chết ở trong hẻm nhỏ chỉ một người qua lọt, có người chết trên tầng trên của một căn nhà chỉ 1.2 mét chiều ngang. Xác không mang xuống được, cả đội phải kê ván, ghép cây làm cầu thang ở hành lang để mang xác xuống. Các khâu tìm áo quan, tẩm liệm, đem thiêu với các thủ tục giấy tờ nhóm đều lo tất cả. Nhóm của chị Cúc có 5 thành viên là nữ, và 8 thành viên nam, mỗi người đều được phân một nhiệm vụ khác nhau. Họ có sợ không? Họ có ngại nhiễm bệnh không? Có chứ! Dù khi bắt tay vào công việc, ai cũng phải trang bị cho mình bảo hộ đầy đủ để tránh nhiễm dịch bệnh. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau, có người kinh doanh, có người tiếp viên máy bay, có người đang làm việc nhà nước, có kẻ làm ăn tư nhân nhưng họ cùng đồng lòng trong việc lo toan hậu sự cho những người đã mất. Ai trong nhóm cũng đều nghĩ rằng:

"Việc mà chúng mình làm đều xuất phát từ trái tim" và vì vậy họ không còn sợ hãi khi tiếp xúc với xác chết, sẵn sàng xông pha để giúp đỡ cộng đồng.

Phan Quế Chi, sinh năm 1996, là nữ tiếp viên hàng không của Bamboo Airways là một trong số những thành viên nữ của nhóm mai táng 0 đồng phát biểu:" Những việc chúng mình làm đều xuất phát từ trái tim, vì từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Mình rất xót xa khi mỗi ngày chứng kiến quá nhiều sự mất mát, đau thương. Bởi vậy, mình không nghĩ gì nhiều, cứ thế mà đi thôi, giúp được gì thì giúp, phụ được gì thì phụ. Mình không đủ sức khỏe để làm các công việc nặng thì mình sẽ làm những khâu giấy tờ, kiểm đếm vật tư. Mong muốn lớn nhất trong hành trình này của mình là có thể sát cánh với đồng đội giúp đỡ thêm được nhiều nhiều người hơn nữa. Ước gì có thể giúp được hết tất cả, mong dịch bệnh sẽ mau qua trả lại sự bình yên vốn có cho đất nước mình…". Xin trân trọng cám ơn các bạn trẻ với lòng cảm phục vô cùng. Tấm lòng của các bạn như những đoá hoa nở bùng trong màn đen tối của cơn đại dịch. Sài Gòn đang có những giọt nước mắt nhưng việc làm của các bạn đã khiến cho những giọt nước mắt đấy bớt bi thương.

Hiện nay ở thành phố không biết bao nhiêu tổ chức, hội nhóm, cá nhân lặng thầm làm từ thiện. Và SOSmap một bản đồ từ thiện ra đời như một sợi chỉ nối liền khoảng cách giữa những người khó khăn dù ở bất cứ nơi đâu trên tổ quốc với các mạnh thường quân luôn sẵn sàng dang tay cứu nguy. Dựa trên nền tảng của Google map, SOSmap đã định vị vị trí của những người cần nhận/ cho kèm theo một số thông tin cụ thể như số lượng hàng hóa cần cho/ nhận cũng như hoàn cảnh của người muốn nhận. Với sự giúp đỡ của SOSmap, chỉ qua một vài thao tác đơn giản, những người cần và người cho đã có thể kết nối được với nhau. Nhờ có SOSMap, các tổ chức từ thiện dễ dàng tìm thấy những khu vực, những hàng hoá người nghèo đang cần để đáp ứng một cách thiết thực và khẩn trương nhất. Trong khó khăn dịch bệnh, đã xuất hiện nhiều sáng kiến tiện lợi và có ích, giúp được cho cộng đồng. Tuy vậy cũng có những sáng kiến chỉ làm cho cộng đồng thêm rối rắm và cản trở công việc chống dịch. Khỏi nói ai cũng biết rồi.

Mặc dù SOSmap đã giúp đỡ được rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vượt qua cơn hoạn nạn bởi sự sẻ chia của các mạnh thường quân. Tuy nhiên, do số lượng người cần nhận hỗ trợ quá lớn cũng như hệ thống của SOSmap vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên không thể tránh khỏi những trường hợp chưa được nhận kịp thời, đầy tiếc nuối.

Kết thúc nhật ký hôm nay, xin đăng một status của một facebook cho thấy trách nhiệm của những lãnh đạo cấp địa phương vô cùng quan trọng. Hiện nay có nhiều nơi, lãnh đạo cấp phường và tổ trưởng dân phố vì lười biếng, vì thiếu trách nhiệm, vì sợ lây nhiễm nên không hoàn thành nhiệm vụ với dân nhiều khi gây hậu quả rất là nghiêm trọng.

CHẾT LÀ ĐIỀU KHÔNG ĐÁNG SỢ

THỜI GIAN CHỜ CHẾT MỚI LÀ ĐIỀU ĐÁNG SỢ

Cả gia đình 7 người ở giữa lòng SG ( Chung cư Tôn thất Thuyết, số 04 vĩnh hội, phường 4, quận 4 ), tự test nhanh dương tính từ ngày 11/8 thì báo cáo cho phường nhưng phường không có bất kỳ động thái gì nên gia đình tự tìm đến Medic Hoà Hảo làm PCR có kết quả hầu như CT<30 là F0 phải cách ly tập trung theo qui định

Nhưng đưa kết quả PCR cho phường thì phường cũng im re không hề có bất kỳ động thái gì không giám sát, không cách ly, không phong toả. ….Cho F0 tự do đi lại trong khi cả khu vực này F0 rất nhiều

Người nhà cũng tự điều trị đến 15/8 thì có Cụ lớn tuổi suy hô hấp và SpO2 chỉ 82% nên đã xử lý thở oxy để duy trì và song song gia đình vẫn tự liên hệ BV Dã Chiến số 4 ( Vĩnh Lộc - Bình Chánh ) đồng ý tiếp nhận nhưng yêu cầu phường phải đẩy số liệu dịch tể học lên cổng thông tin của hệ thống thì mới nhận b/n được. Phía phường thì nói không biết cổng gì cả ….và bệnh nhân thì ngày càng thoi thóp …

Khuyên người nhà cứ đưa ngay vào BV thì chắc chắn sẽ nhận … nhưng người nhà nói b/n yếu quá rồi nên phải có chỗ chịu nhận mới dám đưa đi - Nghe cũng phải thôi !

“ Con gà và quả trứng “ : Giữa lòng SG , biết kêu ai ? Hay cứ duy trì thở oxy tại nhà và chờ chết ?

Thật sự hết biết ? 

Càng triển khai mô hình điều trị F0 tại nhà nhưng phương án back up khi chuyển nặng không rõ ràng cụ thể cho cả hệ thống thì đúng là: “ ai còn sống trong lúc này chỉ là ơn trời “

Đúng là trong đại dịch, tất cả là ơn trời, hên xui.

16.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ ba mươi chín

DODUYNGOC





























Ngày hôm qua, Sài Gòn có nhiều biến động. Trước hết là tình trạng ùn tắc diễn ra ở nhiều đường trong thành phố. Xuất phát từ việc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã đưa vào thí điểm việc sử dụng ứng dụng khai báo y tế, quản lý di biến động công dân vùng dịch và quản lý tiêm vaccine trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Được gọi tên là DI BIẾN ĐỘNG DÂN CƯ. Theo chương trình này, người dân sẽ khai báo quá trình di chuyển của mình qua một hệ thống có mã code. Hệ thống sẽ lưu lại thông tin và tiến hành xác thực thông tin công dân qua kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hàng ngày, cán bộ công an được giao trách nhiệm thực hiện thống kê, báo cáo tình hình công dân ra/vào vùng dịch; truy vết đối với người nghi vấn F0, F1, F2 khi cần thiết. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch trên cả nước, việc quản lý di biến động, khai báo y tế của người dân và quản lý tiêm chủng vaccine đặt ra rất cấp bách. Tuy nhiên khi thực hiện lại gặp nhiều trở ngại. Trước hết là gây ùn tắc ở các giao lộ và tình trạng đó đã diễn ra từ hôm qua và tiếp tục sáng hôm nay. Có cần phải thực hiện gấp rút việc này không khi con số tử vong còn cao vùn vụt, khi tình trạng lây nhiễm lúc nào cũng dính vào người, khi cái chết luẩn quẩn khắp nơi?

Giá như thành phố yêu cầu từng địa phương phát giấy khai báo hoặc hướng dẫn cho mọi người thực hiện tại nhà cách đấy vài hôm, chắc là việc ùn ứ sẽ bớt đi nhiều vừa khổ cho dân mà cũng tội cho những lực lượng thi hành. Để có mã code, người dân sẽ phải qua 5 bước thực hiện, không phải ai cũng đủ kiến thức để tự thực hiện và cũng không phải ai cũng có điện thoại để làm cho mình một cái mã code. Mã QR code lại chỉ có giá trị sử dụng trong 72 giờ. Như vậy muốn di chuyển có lý do người ta phải cập nhật liên tục để có mã mới. Từ đó sinh ra nhiều rối rắm. Trong thời giãn cách, số người nhiễm bệnh chưa giảm được bao nhiêu, con virus biến thể Delta gây nhiễm rất lẹ mà tập trung kiểu này thì thua mất. Thiết nghĩ trong tình hình dàu sôi lửa bỏng thế này, càng đơn giản thủ tục thì càng tốt và có lợi cho việc kềm chế dịch bệnh. 

Sáng 15.8, khoảng 8 giờ 10 phút, người dân tập trung quá đông trước chốt nội thành TP.HCM chờ khai báo 'di biến động dân cư' nên chốt Gò Vấp tạm xả để các xe qua lại. Ngay sau đó, chốt kiểm tra lại bình thường. Hầu hết người dân đều tỏ ra lúng túng trước việc khai báo theo hình thức mới dẫn đến ùn ứ, tập trung đông tại các chốt kiểm soát. 

Theo lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch, hiện nay thành phố vẫn đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội nhưng không hiểu sao người dân vẫn ra đường quá nhiều. 

Hầu hết người dân qua chốt đều có các lý do như vận chuyển hàng hoá, đi khám bệnh, đi tiêm vaccine, đi mua nhu yếu phẩm... Ngoài ra, còn có những người đi giao nước, giao gas khiến lưu lượng xe trên đường vẫn còn quá đông đúc.

Việc tập trung thế này quá nguy hiểm. Ngày hôm qua đã diễn ra, hôm nay lại tái diễn. Hi vọng thành phố sẽ có phương cách khác hơn chứ cứ như thế này thì những nỗ lực mấy tháng nay để ngăn chận dịch sẽ dễ thành công cốc. 

Nhiều người hỏi tôi về nghĩa của cái cụm từ mới này, tôi cũng chịu vì cụm từ này không có trong ngôn ngữ sử dụng hàng ngày từ trước đến nay, cũng chẳng tìm thấy trong từ điển. Nó là một nhóm từ chắp vá gây khó hiểu cho người nghe và toàn chữ Hán. Sao không gọi là "Theo dõi sự di chuyển dân cư" mà phải dùng cái tên hắc búa thế nhỉ? Một cụm từ rất Tàu. Hay là cái app này của anh Hai môi hở răng lạnh?

Ngay khi thành phố thông báo chủ trương tiếp tục giãn cách cho đến 15.9, đã tái xuất hiện nhiều người dân mang theo hành lý chạy xe máy về quê. Khi qua các chốt, lực lượng chức năng đều yêu cầu người dân quay lại. Họ tụ tập cầu vượt Sóng Thần, ở quốc lộ 1 đoạn ở phường An Bình, TP Dĩ An (Bình Dương). Còn tại chân cầu vượt Linh Xuân, cả trăm người dân mang theo hành lý đứng thành đoàn. Lý do trước đây họ chưa quyết định về quê vì hi vọng tình hình sẽ khá hơn, giãn cách sẽ được bãi bỏ, họ sẽ tiếp tục có công ăn việc làm. Giờ đây hi vọng đó đã tiêu tan khi thành phố tiếp tục giãn cách. Cái đói đã xuất hiện, chút tiền tiết kiệm cũng không còn, không tiền đóng tiền trọ, họ sẽ phải ra lề đường, vỉa hè để sống. Họ sợ không được tiêm chủng, sợ lây bệnh, sợ không có bệnh viện nào nhận, họ sợ trở thành tro khi chết, họ sợ đủ thứ nên họ đành quay về nhà. Không còn cách chọn lựa nào khác là đành phải quy hương dù họ biết đường trở về nhà còn nhiều gian nan và bế tắc đang chực chờ phía trước. Nhà nước bắt quay đầu xe cũng có cái lý của họ, nhưng nhà nước lại không cho thấy một chính sách hỗ trợ cụ thể để họ có thể tin tưởng mà nằm lại chờ đợi. Đi không được, ở không xong, chẳng biết tương lai của họ sẽ thế nào. Không lẽ cứ mãi hàng ngày xếp hàng chờ những hộp cơm từ thiện?

Thành phố bắt đầu giãn cách nghiêm ngặt từ 9.7. Đã gần hai tháng trôi qua rồi, số người bệnh không giảm bao nhiêu, số tử vong vẫn còn cao. Bộ Y tế lần đầu tiên nhận định rằng số ca nhiễm tại thành phố có thể cao hơn mức ghi nhận gấp 4-5 lần. Và như thế con số tử vong cũng có thể cao hơn con số đã công bố hàng ngày. Mở facebook, người ta sẽ thấy nhiều khung avatar đen, nhiều lời chia buồn, nhiều hũ cốt xếp hàng. Sáng nay vừa được tin một giảng viên thanh nhạc, một ca sĩ lão thành vừa ra đi sau những ngày chiến đấu với virus. Hôm qua là một nhà báo mới 28 tuổi. Trước nữa là một bác sĩ tình nguyện viên và chàng ca sĩ trẻ. Cũng theo báo, đã có 900 nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm virus. Toàn những hình ảnh, tin tức và con số buồn lo. 

Và như thế chứng tỏ biện pháp giãn cách, hạn chế lưu thông hình như không hiệu quả mà lại gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Mong nhà nước và lãnh đạo thành phố sớm tìm ra một giải pháp thiết thực và có tác dụng hơn trong việc kềm chế dịch bệnh đồng thời giúp người dân có sinh hoạt tiện lợi hơn. Mọi người tin vào vaccine, trông chờ vaccine. Thành phố đã nỗ lực hết sức và đã có 3 quận hoàn thành chỉ tiêu là Phú Nhuận 94%, Quận 11 được 92% và Quận 5 cũng được 91% trên dân số. Nhưng bây giờ lại thiếu vaccine, chỉ còn Sinopharm của Tàu. Nhiều người dù cũng còn băn khoăn và nghi ngại nhưng đành chấp nhận tiêm chủng hi vọng thoát được con virus này. Chìa tay chích mà lòng cũng bất an.

Trong cuộc chiến đấu với con virus độc ác này, đã có nhiều cán bộ y tế hi sinh. Họ chiến đấu trong thầm lặng và ra đi trong thầm lặng. Lãnh đạo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, trường hợp y, bác sĩ tham gia các hoạt động phòng, chống dịch mà bị nhiễm bệnh dẫn tới hy sinh có thể được xem xét công nhận là liệt sĩ. Sao lại là có thể mà phải là đương nhiên được công nhận là liệt sĩ. Bởi họ cũng là chiến sĩ. Tại sao một chiến sĩ công an chết khi đang truy đuổi một người vi phạm giãn cách liền được phong ngay liệt sĩ mà y, bác sĩ tử vong vì ở tuyến đầu lại chỉ là có thể. Không hợp lý, hợp tình chút nào. Làm ơn bỏ chữ có thể trong văn bản đấy đi.

Những cảnh bi thương vẫn còn đó, những bệnh viện nghẹt người vẫn còn đó, những người bệnh cũng vẫn còn mong có được một hơi thở và những con số vẫn còn đầy ám ảnh. Hiện thành phố chưa công bố số liệu về tổng số ca tử vong kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, qua tổng hợp số liệu được công bố mỗi ngày cho thấy hôm 11.8 có 225 ca, đến 12.8 ghi nhận 223 ca, sang ngày 13.8 là 285 ca. Dù các bệnh viện, Trung tâm Hồi sức đang nỗ lực điều trị nhưng thực tế bệnh nhân tử vong vẫn tăng và duy trì ở mức cao.

Đôi khi tìm xem anh chàng đi phát bánh, tặng khẩu trang cho người ở vỉa hè với lối nói hoạt kê, với nụ cười niềm nở, với tấm lòng rất đẹp của anh để tạm quên những nỗi đau của một Sài Gòn trong cơn bệnh nặng.

Trong khi cả nước đang nỗ lực chống dịch và toàn dân đang khổ nạn vì dịch thì ngoài khơi hàng trăm tàu cá Trung Quốc chuẩn bị kéo xuống Biển Đông, vùng nước mà Bắc Kinh đơn phương thừa nhận chủ quyền trái phép. Nhiều tờ báo của nhà nước ta dẫn nguồn từ Nhật báo Tam Á đưa tin ngày 13.8 nhiều tàu cá của Tàu đang ồ ạt kéo xuống biển Đông và cho biết thêm, có hơn 400 tàu cá đã neo đậu ở phía nam thành phố Tam Á của đảo Hải Nam để chờ hết lệnh cấm đánh bắt kéo dài 3 tháng rưỡi. Dịch chưa yên biển cũng đang bị đe doạ, tham vọng của lũ cướp không bao giờ chấm dứt.

Lại thêm một tháng nữa đợi chờ và hi vọng. Thêm một tháng nữa tiếp tục chứng kiến nhiều sinh mạng ra đi. Thêm một tháng nữa bị trừ đi trong quãng đời ngắn ngủi còn lại của tuổi già. Con virus vẫn còn đó, nó tồn tại trong đời sống của chúng ta dù có thể trong tương lai, mọi người có thể ngăn chận được đại dịch. Con người vẫn tiếp tục sống trong âu lo. Người lạc quan cách mấy cũng khó mà không lo lắng. Thế giới vẫn hỗn loạn với những tin tức, những quan điểm khoa học trái ngược nhau về virus, về vaccine. Sau đại dịch người ta sẽ có cách sống khác, suy nghĩ khác. Và có lẽ định nghĩa hạnh phúc chắc cũng phải thay đổi.

15.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ ba mươi tám.

DODUYNGOC













Từ hôm qua đến giờ, người Sài Gòn lại chộn rộn cái vụ chích ngừa vaccine. Trên mạng đưa nhiều hình ảnh dân không đồng tình chích thuốc Sinopharm của Tàu. Có hình nói ở quận 7, có cái ở quận 12 và một clip quay ở quận 1. Báo chí đưa tin hình ảnh với những hàng ghế trống không ở quận 7 và 12 là tin giả. Clip ở quận 1 thì rõ ràng khó phủ nhận được nên thông tin cho biết đó là cảnh tiêm chủng ở số 1 đường Huyền Trân Công Chúa. Theo báo đăng ngày 13/8, TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm, tuy nhiên đã có một số người dân phản ứng bằng việc bỏ về không tiêm, trong khi không ít người dân đã đồng ý tiêm. Cũng theo lời giải thích của lãnh đạo Quận 1 xác định có xảy ra sự việc trên tại điểm tiêm phòng virus. Theo đó, UBND Quận 1 tổ chức tiêm vaccine AstraZeneca cho người dân, nhưng đến 9 giờ thì hết vaccine này và quận có tổ chức tuyên truyền người dân tiêm vaccine Sinopharm nhưng có một số người phản ứng và bỏ về như clip đã ghi nhận. Tuy nhiên, Quận vẫn tiếp tục tổ chức tiêm Sinopharm cho 52 người dân tại điểm này và trong chiều 13.8 Quận vẫn tiếp tục tiêm vaccine Sinopharm cho người dân tại đây.

Việc xuất hiện thuốc Sinopharm ở các điểm tiêm chủng ngày 13.8 làm cho nhiều người dân được có tên trong danh sách tiêm chủng bất ngờ và phản ứng. Bởi trước đó, thành phố chỉ chích Moderna cho người trên 65 tuổi và Astra Zeneca cho thành phần còn lại. Đồng thời xuất hiện trên mạng một Bảng cấp vaccine cho các quận huyện ký ngày 12.8. Trong đó có 44.000 liều vaccine Sinopharm chia đều cho tất cả quận huyện trong thành phố ngoại trừ quận Phú Nhuận, quận 5 và quận 11. Nhiều người thắc mắc về việc vắng mặt 3 quận này. Có người còn suy diễn tại sao vaccine của Tàu mà lại không phân phối chích cho quận 5 và 11, nơi có nhiều người Hoa sinh sống nhất? Và họ cho rằng vaccine của TQ có vấn đề nên không chích cho người Hoa là đồng bào của họ. Thực chất là quận 11 đã hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng hơn 75%, là đơn vị đầu tiên đạt chỉ tiêu tiêm chích vaccine. Quận Phú Nhuận đạt 85% và quận 5 cũng gần 75%, đã đạt yêu cầu cho nên không được phân bổ vaccine nữa chứ chẳng hề có chuyện ưu tiên hay phân biệt gì ở đây cả.

Theo báo cáo của thành phố, hiện nay lượng vaccine đang thiếu mà việc ngăn chận cơn đại dịch đang gần như đang ở điểm quan trọng và chỉ có vaccine mới là biện pháp hữu hiệu nhất. Và vì lý do đó vaccine Sinopharm được đem ra sử dụng dù trước đây thành phố còn chưa quyết và đợi sự thẩm định của Bộ Y tế. Hôm nay, Thêm một triệu liều vaccine Vero Cell về đến TP.HCM. Lô vaccine này nằm trong 5 triệu liều được Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu với sự cấp phép của Bộ Y tế.

Trước đó, ngày 31.7, khoảng 1 triệu vaccine Vero Cell cũng đã về đến TP.HCM. Ngày 10.8, Bộ Y tế có văn bản đồng ý cho thành phố sử dụng một triệu liều vaccine này.

Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 2 triệu liều vaccine Vero Cell trong tổng số 5 triệu liều trên về đến Việt Nam.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 13.8, thành phố đã tiêm vaccine cho 93.993 người. Trong đó, 17.916 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm đã được tiêm. 

Như vậy, để có độ bao phủ vaccine và có miễn dịch cộng đồng, thành phố chấp nhận sử dụng số vaccine này. Tuy nhiên, theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, người dân có quyền chọn lựa vaccine để tiêm. Ông cho rằng:"Việc này cần phải rút kinh nghiệm và cần thông tin trước loại vaccine, nếu người dân đồng ý thì đến tiêm". Ông cũng nhấn mạnh:"Thời gian qua, TP đã tiêm nhiều loại vaccine nhưng đó là từ nguồn hỗ trợ, phân bổ bao nhiêu TP tiêm bấy nhiêu chứ TP không lựa chọn. TP không có nhiều sự lựa chọn trong lúc này, khi tìm mua và đã tiếp cận rất nhiều nguồn, nhưng nguồn cung hiện nay rất hạn chế."

Người dân rất mong được tiêm chủng, nhưng người dân cũng rất đắn đo và băn khoăn trước vaccine Sinopharm. Dân Việt vốn không tin hàng Tàu, dân Việt cũng mang trong lòng ác cảm với Tàu, dịch virus Vũ Hán lại xuất phát từ Tàu cộng thêm những tư liệu khoa học về vaccine này còn quá tù mù nên dân chưa tin tưởng. Lại thêm, trước đây báo chí chính thống Việt Nam có quá nhiều bài viết về vaccine Sinopharm không hiệu quả bằng các bằng chứng ở các nước quanh ta như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và nhiều nước khác. Chính những yếu tố đó khiến cho dân hoài nghi và ngại ngần khi tiêm chủng thuốc Sinopharm. Việc nghi ngờ và quyền chọn lựa là quyền của mọi người. Vì đó gắn liền với sinh mạng của họ. Tuy nhiên, trong thời điểm này, theo như nội dung cái gọi là Phiếu đăng ký tham gia tiêm chủng gởi đến cho mọi nhà thì có ghi câu: Sau khi đã đọc các thông tin nêu trên, tôi đã hiểu về các nguy cơ và: Đồng ý tiêm chủng vaccine Sinopharm. Và mục thứ hai là: Không đồng ý tiêm chủng. Như thế nếu muốn tiêm thì chỉ có Sinopharm, còn không tức là không đồng ý tiêm chủng nói chung, không cụ thể loại vaccine nào. Gài chữ nghĩa như thế thì chỉ có chọn lựa có chích Sinopharm hoặc không tiêm chích gì nữa cả. Trong hoàn cảnh như thế, để giữ tính mạng khi cơn dịch đang cướp đi bao nhiêu sinh mạng thì đành chích thôi. Cho nên bảo chọn lựa nhưng thực chất chỉ có một con đường. Có lẽ sai lầm đầu tiên là thành phố chấp nhận Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ lô hàng này. Đây là tập đoàn có gắn bó mật thiết  làm ăn với Trung Quốc, họ lại vốn là người gốc Hoa đương nhiên họ mua hàng Tàu là phải rồi. Họ mua nhưng họ không cho nhân viên xài mà sử dụng Astra Zeneca. Đúng ra thành phố ghi nhận sự hỗ trợ của họ nhưng đề nghị không sử dụng thuốc Tàu ngay từ đầu, được thế giờ đã êm rồi.

Giữa lúc còn băn khoăn giữa hai dòng nước, người ta lại đọc được tin trên tờ Thể Thao & Văn Hóa ngày 13.8: MỘT DOANH NGHIỆP TỰ MUA 5 TRIỆU LIỀU VACCINE MODERNA TIÊM CHO NHÂN VIÊN VÀ HỖ TRỢ TP.HCM. Theo báo này, số vaccine Moderna sẽ được doanh nghiệp tiêm cho nhân viên của mình trước, sau đó sẽ hỗ trợ TP.HCM tiêm chủng cho các đối tượng khác thuộc diện ưu tiên.

Cũng theo Vietnamnet, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM ngày 13.8, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết, một doanh nghiệp trên địa bàn đã đứng ra đàm phán nhập khẩu 5 triệu liều vaccine Moderna để tiêm cho nhân viên.

Ông Đức nhận định đây là mô hình phi lợi nhuận, hợp tác công tư với sự đóng góp của doanh nghiệp để đảm bảo đủ vaccine cho nhân viên của mình trước. Sau khi hoàn thành, phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêm cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn.

Tất cả những người đăng kí tiêm vaccine sẽ được miễn hoàn toàn chi phí. Nếu đóng góp của doanh nghiệp vượt quá số kinh phí gồm giá mua, chi phí vận hành, tổ chức tiêm...thì số dư ra sẽ được tích lũy vào quỹ vaccine của thành phố để tiếp tục mua vaccine cho mọi người.

Nếu số vaccine này được về thành phố sớm, dân sẽ bớt âu lo khi phải chọn lựa vaccine để tiêm. Cũng mong điều này sẽ đến để việc chủng ngừa sớm đạt chỉ tiêu ở thành phố và cơn đại dịch sớm qua đi chứ giờ đã oải quá rồi.

Trước tình hình xuất hiện vaccine Sinopharm và trong tương lai còn mấy triệu liều nữa sắp về tới nơi. Phong phanh có tin sẽ chích dịch vụ. Tức là người dân được chọn lựa đơn vị, loại thuốc để tiêm chủng theo yêu cầu và sẽ trả tiền. Đó cũng là một giải pháp tốt. Những người có điều kiện nhưng không muốn chích thuốc mà mình không ưa, họ có thể tốn tiền để đạt yêu cầu của mình. Được như thế, chỉ tiêu tiêm chủng sớm hoàn thành và cũng bớt được phần nào bức xúc của dân. Chỉ có điều tội cho người nghèo, không tiền đành chấp nhận có gì xài đó, cho gì ăn nấy, có thuốc gì đành xài thuốc đấy, khỏi phải chọn lựa. Đời thế thôi, làm người nghèo thì phải chấp nhận thế rồi.

Sài Gòn vẫn là những ngày buồn. Trên face càng ngày càng nhiều avatar là một khung đen báo tang. Mỗi ngày gần 300 mạng người, những người quen và không quen đều trở về trong hũ cốt. Đã vào tháng bảy, tháng xá tội vong nhân, Vu Lan năm nay có thêm nhiều người cài hoa trắng.

14.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ ba mươi bảy.

DODUYNGOC


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget