Latest Post













Báo chí sáng hôm nay lại rộ lên tin về vaccine. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định hiện TP chỉ còn hơn 600.000 liều vắc xin ngừa virus Vũ Hán trong khi Bộ Y tế lại nói TP còn 1,7 triệu liều và TP cần phải rà soát lại các kho vắc xin của mình.

Theo Bộ Y tế, thành phố đã tiêm khoảng 2,3 triệu liều, trong khi số vaccine được được cấp là hơn 4 triệu liều. Như vậy so với số đã tiêm và số đã được phân bổ, có thể thấy TP.HCM còn khoảng 1,7 triệu liều (tính số liệu đến ngày 7.8)đề nghị TP.HCM có thể rà soát lại các kho vắc xin của mình vì thực chất số vắc xin TP.HCM được cấp vẫn còn. Theo số liệu từ cổng thông tin tiêm chủng cập nhật sáng nay 9.8, số liều vắc xin đã tiêm tại TP.HCM đúng là 2,3 triệu. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết kể từ đợt 1 đến nay, TP đã nhận 4,1 triệu liều vắc xin do Bộ Y tế phân bổ và đã tiêm được khoảng 3,4 triệu liều. Trong đó riêng đợt 5 tiếp nối đến nay là 2,6 triệu liều. 

Ông Nam khẳng định, sau khi tiêm vắc xin trong ngày 8-8, TP chỉ còn một ít vắc xin phòng dịch. Sáng nay 9. 8, TP.HCM đã nhận 600.000 liều vắc xin AstraZeneca từ Viện Pasteur TP.HCM. Ngay khi nhận được số vaccine này, TP sẽ phân bổ cho các quận huyện, TP Thủ Đức trong ngày để công tác tiêm chủng tại TP không bị "đứt quãng".

Với tốc độ tiêm của TP hiện nay (khoảng 260.000 liều/ngày) thì chỉ sau hơn 2 ngày nữa, nếu không được phân bổ tiếp vắc xin, TP tiếp tục có nguy cơ thiếu vắc xin trên diện rộng.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM trưa 9.8, trong ngày 8.8, TP đã tiêm 187.587 liều, giảm 74.884 liều so với ngày 7.8.

Như vậy từ khi bắt đầu đợt 5 (ngày 22.7) đến hết ngày 8.8, TP đã tiêm được 2.295.773 liều.

Cũng theo bà Nguyễn Minh Hằng - phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết tính đến ngày 3-8, Bộ Y tế đã có 18 đợt phân bổ vaccine. Tổng 18 đợt cho đến nay TP.HCM 4.075.270 liều, Hà Nội 2.943.770 liều, số này bao gồm cả lượng vắc xin phân bổ cho các đơn vị trung ương trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và cũng dùng tiêm chủng cho công dân, người cư trú tại 2 TP này. 

Tính theo tỉ lệ phân bổ vắc xin/dân số 18 tuổi trở lên, TP.HCM đã đạt 29%, Hà Nội 26%. Đây là tỉ lệ cao so với các tỉnh thành khác trong cả nước.

"Vẫn còn"…

Tóm lại, cho đến hôm nay, thành phố báo chỉ còn hơn 600.000 liều, trong khi Bộ Y tể cương quyết khẳng định thành phố còn khoảng 1,7 triệu liều. Thế khoảng chênh lệch 1 triệu liều đấy đang nằm ở đâu? Ta tin con số nào. Có giả thuyết đặt ra: Có lẽ, tôi nói có lẽ thôi nhé, Bộ Y tế cộng 1 triệu liều Sinopharm của Vạn Thịnh Phát vào trong con số phân bổ cho thành phố chăng? Nhưng thành phố cho rằng số vaccine này nằm ngoài kế hoạch được phân bổ nên không tính và cũng chưa tính kế hoạch sử dụng số vaccine này. Việc chưa sử dụng số vaccine Sinopharm được đông đảo nhân dân thành phố đồng tình. Và cũng mong lãnh đạo thành phố nên suy xét kỹ nguyện vọng của dân. Thứ nữa, Bộ Y tế thì bảo thành phố mới chích được 2,3 triệu liều, còn thành phố thì báo cáo đã chích được 3,4 triệu liều. Con số nào là con số chính xác. Thật sự, thống kê của Bộ Y tế cập nhật rất chậm. Nhiều khi muốn biết con số lây nhiễm và con số tử vong vì dịch bệnh thì chỉ tìm được của những con số của mấy ngày trước. Rốt cuộc ông nói gà, bà nói vịt, lung tung chắc biết đường nào mà mò.

Nếu đúng như báo cáo về con số vaccine còn lại của thành phố là chính xác, và với tốc độ 300.000 liều/ngày, thành phố này chỉ còn đủ vaccine tiêm chủng cho 2 ngày nữa. Mấy hôm nay, những người dân chưa được tiêm chủng đang lo lắng. Họ không ngại được chích trễ đôi ba hôm, thậm chí một tuần. Nhưng họ lo sẽ không còn thuốc để chích và phải chích Sinopharm. Và tin tức báo chí hôm nay đã cho thấy nỗi lo lắng của dân đã là sự thật. Nếu không được phân phối bổ sung, kế hoạch tiêm chủng của thành phố sẽ bị ngưng lại và hậu quả như thế nào cũng đã thấy rõ. Không những không ngăn chận được tốc độ lây nhiễm và tử vong mà còn gây hoang mang và phẫn nộ trong dân chúng, gây mất lòng tin. Đồng thời cũng khiến cho những nỗ lực của lãnh đạo, của hàng ngàn cán bộ y tế, tình nguyện viên đang ngày đêm hi sinh trên tuyến đầu lâm vào bế tắc. Thành phố cũng như trung ương khẩn cấp giải quyết vấn đề này ngay trong hôm nay. Đó là điều người dân mong đợi. Không chỉ dứt điểm đợt này mà còn chuẩn bị đợt tiêm chủng lần 2. Nếu không giải quyết kịp thời, vấn đề tiêm chủng trở thành công cốc. 

Câu hỏi đặt ra là hiện nay việt Nam có đang thiếu vaccine không? Chúng ta trở lại những con số nhé. Trong tháng 7, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine phòng dịch thông qua các nguồn khác nhau, trong đó có 7.493.300 liều vaccine với 4 lô hàng từ Cơ chế COVAX bao gồm 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 2.493.200 liều AstraZeneca…Trong ngày 6.8, thêm gần 600.000 liều vaccine của AstraZeneca đã về đến Việt Nam và đây là lần giao vaccine thứ 7 thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Như vậy bỏ qua những con số khác, ta có thể xem như Việt Nam ta đã có 15 triệu liều của Anh, Mỹ và 5 triệu liều của Sinopharm. Bỏ qua 5 triệu của Sinopharm, ta còn 15 triệu.

Bản tin sáng 6.8 của Bộ Y tế cho biết trong ngày 5.8 có 442.422 liều vaccine phòng virus được tiêm. Như thế tính đến 6.8, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 8.061.116 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 7.241.093 liều, tiêm mũi 2 là 820.023 liều. Vậy thì số lượng vaccine còn lại trong kho là khoảng 7 triệu liều. Trong tình thế cấp bách như hiện nay cũng như thông báo của Bộ Y tế, sắp tới ta sẽ có khoảng 50 triệu liều Pfizer sắp về, Mỹ tặng Việt Nam 77 tủ âm sâu, ta chưa cần phải có kế hoạch dự trữ vaccine. Mạnh dạn phân phối cho các địa phương đang bùng phát dịch, có nguy cơ lan rộng và đưa đến tử vong cao là việc làm hợp lý và đúng đắn trong lúc này. Có lẽ đây là lúc không nên ngồi cãi nhau về những con số. Cái cần thiết nhất hiện nay là ngăn chận được dịch, giảm con số tử vong. Muốn được như thế thì vaccine là giải pháp. Nếu không cung ứng đủ vaccine cho Sài Gòn, dịch không những không ngăn chận được mà còn có thể bùng phát mạnh mẽ hơn và những tang thương sẽ còn nhiều chia ly và tang tóc.

Cách đây gần một tuần, UBND TP đã đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế trong tháng 8 cấp cho TP.HCM khoảng 5 - 5,5 triệu liều vaccine. TP đặt mục tiêu trong tháng 8 này sẽ có 70-80% dân số trên 18 tuổi được tiêm vắc xin để đạt được tỉ lệ bao phủ vắc xin diện rộng. Thế nhưng đề xuất này vẫn chưa được đáp ứng vì Bộ Y tế vẫn cho rằng thành phố chưa dùng hết vaccine. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Nhưng ở đây là dân, là con người, là những sinh mạng trong tay các ngài chứ không là ruồi muỗi. Nhớ dùm cho.

Tỉnh Bình Dương, một tỉnh sát nách Sài Gòn cũng đang bùng phát dịch, nếu so sánh tỷ lệ dân số, số người mắc bệnh cao hơn Sài Gòn. Bình Dương không ngăn chận được dịch cũng ảnh hưởng đến thành phố rất lớn và cũng sẽ khó khăn cho Sài Gòn rút ngắn thời gian giãn cách. Ngày 8.8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế về việc phân bổ thêm vaccine cho tỉnh Bình Dương.

Theo công văn, đến nay, Bình Dương được Bộ Y tế phân bổ 544.060 liều vaccine (từ đợt 1-16). Tuy nhiên, với quy mô dân số hơn 2,6 triệu người và trong thời gian tới (tháng 8, 9/2021) tỉnh phải tiến hành tiêm vaccine cho khoảng hơn 2 triệu người trên địa bàn nhằm đảm bảo đủ lực lượng lao động. Để đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước 30.8, UBND tỉnh đề nghị Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ phân bổ thêm vaccine để thực hiện tiêm cho số người còn lại.

Đáng chú ý, trong ngày 8.8, nhiều phường, xã tại Bình Dương thông báo tạm hoãn tiêm do chưa có vaccine khiến người dân không khỏi hụt hẫng.

Với tình hình thiếu hụt vaccine tiêu biểu là Sài Gòn và Bình Dương. Bộ Y tế nên xem xét và chỉnh lại vấn đề cung cấp vaccine. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ dịch virus Vũ Hán khó mà ngăn chận và thiệt hại về người và kinh tế là rất lớn, không bù đắp được.

Trong bài viết hôm qua, tôi cũng đã đề cập đến phát biểu của ông Nguyễn Văn Nên về việc TP Hồ Chí Minh sẽ lo chu toàn việc hậu sự cho người chết vì virus Vũ Hán. 

Theo đó, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận tro cốt người chết vì COVID-19, tạm lo chuyện thờ cúng và sau đó chuyển đến từng gia đình một cách chu đáo. Ban Tôn giáo TP tiếp nhận tro cốt, thờ cúng đối với những gia đình chưa có điều kiện nhận chuyển giao. Chi phí hậu sự cho các trường hợp tử vong do COVID-19 sẽ được trích từ ngân sách thành phố. Thành phố cũng chỉ đạo Trung tâm hỏa táng không được tự tổ chức chuyển giao tro cốt cho bất cứ trường hợp nào. Đây là một quyết định hợp lòng dân chứng tỏ lãnh đạo thành phố đã có cái nhìn nhanh nhạy trước diễn biến và hậu quả của dịch bệnh để đề ra biện pháp hợp lý, hợp tình và mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, khi thực hiện cũng gặp nhiều trở ngại, nhất là đối với người nhiễm dịch tử vong tại nhà riêng. Quyết định rất hợp lòng dân của lãnh đạo thành phố cần phải có nhiều biện pháp thực hiện chi tiết và đồng bộ, càng sớm càng tốt trong lúc nầy.

Trước tiên là nói về đường dây nóng để liên hệ khi có xác chết ở nhà. Để liên lạc không phải là chuyện dễ dàng bốc máy là sẽ được trả lời. Cũng như số máy 1022 dành cho người gặp khó khăn trong cuộc sống vậy. Ít ra phải có những người có trách nhiệm, có nhiệt tình, có lòng thương đồng bào mình thay phiên trực máy để có thể dễ dàng liên lạc. Chứ không thì chỉ nghe tút tút. Khi người nhà có người tử vong, báo với xã, phường lên đến quận, thành phố và ban phụ trách việc này là một con đường dài dù chỉ là các cuộc gọi. Khi đã được đáp ứng, đội mai táng sẽ đến lo mọi việc thế chi phí đầu tiên người nhà phải ứng ra hay nhà nước lo ngay từ đầu. Nếu người nhà ứng trước thì sẽ có trường hợp gia đình quá nghèo, mà trường hợp này chiếm đa số thì xác sẽ được thực hiện ra sao? Trường hợp nhà ứng trước tiền thì sau đó mà đi nhận lại cũng là một hành trình khó khăn và gian nan với đủ loại giấy tờ và hành là chính đấy! Cũng có người thắc mắc là những người mất vì dịch trước ngày ban bố quyết định này là 7.8, có xin lại được chi phí đã bỏ ra không? Có được nhận 17 triệu của nhà nước không? Con số tử vong vì dịch hiện nay ở thành phố  nằm trong khoảng trên dưới 2000. Nếu cứ cho tình hình bi đát đến khi dập được dịch, con số có thể lên đến 3000 thì số tiền chi ra nằm trong khoảng 50 tỷ, con số cũng không quá lớn so với những chi phí khác của thành phố. Cho nên việc hoàn chi lại cho những gia đình có người tử vong vì dịch bệnh cũng nên được thực hiện thể hiện sự đồng cảm với những mất mát to lớn của các gia đình. Việc nhận lãnh 1,5 triệu đồng dành cho người lao động nghèo cũng đôi chỗ còn trục trặc, nên e rằng việc nhận lại 17 triệu chắc cũng lắm gian nan.

Thời gian này, các dịch vụ mai táng cũng đang tình trạng quá tải. Xe thiếu, quan tài không đóng kịp, nhân viên tẩm liệm, khiêng vác, tài xế không tìm được. Nếu có cũng phải thuê giá cao vì ai cũng ngại nhiễm bệnh, ai cũng sợ hãi. Do đó các dịch vụ mai táng phải tính giá cao hơn giá của nhà nước đưa ra. Việc nhà nước lo liệu cho người tử vong vì không nhà đòn nào dám nhận thầu với giá ấy. Nhà nước thì không có sẵn bộ phận nào lo liệu được khoản ấy. Có chăng chắc phải nhờ đến quân đội.

Hiện nay, nhiều gia đình có người chết vì virus Vũ Hán tại nhà rất khó khăn trong việc liên hệ các ban ngành có trách nhiệm. Ví dụ như một bức thư kêu cứu dưới đây:

KÍNH THƯA UBND P13 QUẬN 10 

Tại địa chỉ 493A/38 CMT8 p13.Q10 đang có 2 tử thi chết đã lâu. Bà dưới trệt chúng tôi làm được. Nhưng bà thứ 2 trên lầu  XÁC BÀ ĐÃ RỮA RA KHÔNG THỂ BỐC THI HÀI XUỐNG LẦU ĐƯỢC. QUÁ TỘI NGHIỆP . NHÓM Giang Kim Cúc và các Cộng Sự KO CHUYÊN MÔN ĐÀNH RA VỀ. 

Kính xin các ngài hãy xuống. Các ngài còn bảo là xác minh . Gọi công an bảo qua tt y tế . Y tế bảo mướn trại bên ngoài. Trong nhà đang còn 1 bà đang dương tính . TÔI CẦU XIN ÔNG BÀ HÃY RỦ LÒNG THƯƠNG MÀ XUỐNG VỚI NGƯỜI DÂN CHẾT KO XONG MÀ SỐNG KO YÊN .

Thầy tôi là Trụ trì chùa mà cũng chấp tay lạy van xin . Xin hãy nhủ lòng thương.

GIANG KIM CÚC 0949050789

Xin kết thúc nhật ký lockdown hôm nay bằng hai hình ảnh ghi được qua báo chí và trên mạng xã hội. Hình ảnh đầu tiên là hình một anh shipper quỳ lạy CSGT tha lỗi vì vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh của TP.HCM khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Anh shipper tên V 25 tuổi, nhà ở Quận 8 bị lực lượng chức năng tạm giữ xe tại ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh (Quận 1) do di chuyển giao hàng ra khỏi Quận 8 và GPLX (Giấy phép lái xe) bị mất chỉ có Hồ sơ gốc. Phạt giam xe và phạt tiền. Anh này có hoàn cảnh khó khăn cha mẹ V. thất nghiệp, em gái đang đi học, V. thì cày mùa dịch cả ngày cao nhất được 500 ngàn để nuôi 4 miệng ăn.

Nhìn đôi mắt bạn đỏ hoe vì suy nghĩ những ngày tới không có phương tiện sẽ làm gì nuôi cả nhà khiến người chứng kiến cũng chạnh lòng. Lực lượng chức năng đã làm đúng trách nhiệm của mình. Lý hoàn toàn đúng nhưng nhiều người cho rằng cũng nên có cái tình. Có thể cảnh cáo, nhắc nhở. Đừng nên nghĩ là giải quyết bằng tình sẽ tạo tiền lệ không tốt và khiến nhiều kẻ sẽ ỷ y mà vi phạm. Mỗi trường hợp mỗi hoàn cảnh, vì kế sinh nhai, vì để có chút thu nhập để nuôi sống gia đình trong thời buổi khó khăn, người ta mới phải chấp nhận ra đường bươn chải kiếm cơm với bao nguy hiểm có thể nhiễm bệnh rồi phải đối phó với các chốt chặn. Kiếm đồng tiền cũng lắm khó khăn. Tôi lên án những kẻ rỗi hơi tìm cách ra đường không lý do, chỉ để rong chơi hay thoả mãn những thói quen của cá nhân. Đó là những người vô ý thức. Nhưng tôi đồng cảm với những người vì hoàn cảnh mà phải chấp nhận nhiều nguy hiểm như anh chàng shipper này. Họ cũng là những người trên tuyến đầu cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân trong thời gian dài phong toả.

Hình ảnh thứ hai muốn nhắc đến hôm nay là khuôn mặt của người bác sĩ với dấu vết khẩu trang siết chặt hằn dấu trên khuôn mặt của anh. Người hằn rõ vết khẩu trang trên mặt là BSCK2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức. Vết hằn đó cho thấy người bác sĩ này đã tốn rất nhiều thời gian để chăm sóc, cấp cứu người bệnh. Anh chắc đã mệt nhoài. Đã mấy tháng nay, biết bao nhiêu bác sĩ, cán bộ y tế đã gồng mình đến kiệt sức, đã chấp nhận xa gia đình, xa cha mẹ, con cái để vào chốn nguy hiểm chực chờ nếu chỉ cần một chút sơ sẩy sẽ trở thành người bệnh và có thể qua đời. Suốt ngày họ chấp nhận nóng nực, bí hơi trong bộ đồ bảo hộ, không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống không theo một giờ nhất định và nhiều lúc ngất đi khi đang thi hành nhiệm vụ. Chưa kể họ lúc nào cũng bị than phiền, chửi rủa bởi những bệnh nhân khó tính hay vì quá đau đớn. Họ chấp nhận tất cả vì nghề nghiệp, vì đồng bào. Hãy tri ân họ, hãy cám ơn họ dù biết rằng bao nhiêu lời cũng không đủ cho những hi sinh.

Chỉ biết cầu mong cho đại dịch sớm qua đi, cho những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, người tình nguyện, những bệnh nhân được trở về gia đình, được đoàn tụ với những người thân. Cha, mẹ được gặp các con, được ôm con vào lòng sau bao ngày cách chia. Được nhìn lại cha mẹ già đã lâu trông ngóng, cầu nguyện cho con cái được bình an trong chốn hiểm nguy. Được ngồi ăn bữa cơm với gia đình, được ngã lưng trên chiếc giường quen thuộc. Được trở về với cuộc sống bình thường. Mong thay!

9.8.2021

Sài Gòn ngày lockdown thứ ba mươi hai

DODUYNGOC














 Hôm qua cộng đồng mạng dậy sóng về bài viết của một bác sĩ tên Khoa. Theo lời kể của anh thì anh đang là bác sĩ tuyến đầu chống dịch trong một bệnh viện nào đó không nêu tên. Ba Mẹ anh cũng là bác sĩ, dù tuổi đã cao nhưng cũng tình nguyện tham gia chống dịch và rồi cả hai nhiễm bệnh lại nằm điều trị trong bệnh viện của anh đang làm việc. Ba Mẹ anh trở nặng, phải sử dụng máy thở. Cạnh đó cũng có một sản phụ nhiễm bệnh sắp sinh đôi. Anh bác sĩ này đã lấy máy thở của cha mẹ mình để giành sự sống cho sản phụ. Và sản phụ đã sinh mẹ tròn con vuông sau ca mổ nhưng cha mẹ anh ta đã qua đời. Bài viết lại được một người đang là Phó Tổng biên tập một tờ báo lớn thêm mắm dặm muối trên trang face của mình. Ông này từ lâu trong làng báo gọi là ông Năm mực, Năm nổ vì ông đã từng viết bài ngồi ăn mực với Bộ trưởng môi trường và Bộ trưởng Thông tin thời Formosa đang nóng bỏng để chứng minh cá tôm không bị nhiễm độc do nhà máy Formosa thải ra. Hai bài viết đã gây nhiều xúc động và trên mạng nhiều người nhỏ lệ, khen không hết lời hành động đầy tính nhân văn và lòng nhân đạo của người bác sĩ. Chấp nhận để cha mẹ mình qua đời để cứu lấy người sản phụ. Lâm ly quá chứ. Hi sinh quá chứ. Đọc nghe như chuyện của Tâm hồn cao thượng hay Hạt giống tâm hồn. Đáng để cho mọi người ngưỡng mộ và có thể thành bài học trong sách giáo khoa để dạy cho con trẻ biết sống vì mọi người. Lòng tốt thời này quá hiếm hoi, lòng cao thượng trong những ngày tang thương thế này quá ít. Cho nên khi đọc câu chuyện này, ai cũng cảm động, ai cũng xót xa và mọi người xem anh chàng bác sĩ đó như một anh hùng trong mùa dịch.

 Nhưng không phải thế! Sáng nay cũng trên không gian mạng, nhiều người đã bóc trần sự thật. Anh chàng bác sĩ đã xoá bài, khoá trang. Ông nhà báo đăng lời xin lỗi. Người ta tự hỏi mục đích những bài viết này là gì? Anh bác sĩ đành đoạn bịa ra cái chết của cha mẹ mình và cứu sống sản phụ để đánh bóng cá nhân mình ư? Để kêu gọi các nhà tài trợ tặng thêm máy thở? Để kiếm lòng thương hại? Nếu thế thì bí ổi và tàn nhẫn quá. Viết một cái tin giả như thế thì vô đạo đức quá! 

Anh nhà báo ngồi phòng lạnh dựa vào đó để viết một status lâm li lấy nước mắt người đọc khi chưa kiểm chứng gì. Câu view, câu like? Từ chuyện này, người ta nghi ngờ chuyện hôm kia cũng do anh chàng nhà báo này kể về một trường hợp một cậu thanh niên nhiễm dịch trở nặng nhưng không bệnh viện nào nhận, cuối cùng chết trên đường chuyển viện. Có lẽ chuyện này cũng nằm trong chuỗi chuyện hư cấu khi ngồi trong phòng máy lạnh viết bài? Tiêu chí quan trọng và cần thiết của một nhà báo là sự trung thực khi viết tin. Anh quan chức báo chí này toàn đưa tin phịa, không kiểm chứng, lại viết toàn như đúng rồi. Ngày xưa người ta đọc báo để lấy tin tức chính xác, còn bây giờ nhiều nhà báo viết đọc không thấy tin mà chỉ thấy tức mình. Trong lúc cả nước và thành phố này mọi người đang lo âu vì dịch bệnh, đang khó khăn trong cuộc sống vì bị giãn cách quá dài. Trong lúc các lãnh đạo bù đầu tìm biện pháp đối phó để lấy lại lòng tin của nhân dân. Thì một bộ phận những người trong cuộc lại chế ra những tin giả, tin phịa khiến cho dân hoang mang, làm cho dân thêm sợ hãi. Kiếm những giọt nước mắt của người đọc bằng cách cho cha mẹ mình chết đi dưới bàn tay của mình, đó có phải là tội ác không? Có phải là thứ con bất hiếu không dù chuyện đó không có thật. Nhà báo mà tung tin nhảm thì có thể xử lý bằng luật pháp được không? Không thể chỉ là một lời xin lỗi. Làm quan chức của một tờ báo mà liên tục xin lỗi thế này thì có nên ngồi tiếp ở vị trí đấy không? Báo với chả chí, toàn chấy rận.

Cũng hôm qua trên báo chí, người ta cũng đọc được một tin mang tính nhân văn khác. Đó là tin thật chứ không phải tin nhảm như trên. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên chỉ đạo lo hậu sự cho các trường hợp tử vong do víu Vũ Hán. Theo tin, Bộ Tư lệnh TP sẽ tiếp nhận tro cốt người chết vì dịch bệnh, tạm lo chuyện thờ cúng và sau đó chuyển đến từng gia đình một cách chu đáo. Ban Tôn giáo TP tiếp nhận tro cốt, thờ cúng đối với những gia đình chưa có điều kiện nhận chuyển giao. Chi phí hậu sự cho các trường hợp tử vong do virus Vũ Hán sẽ được trích từ ngân sách thành phố. Thành phố cũng chỉ đạo Trung tâm hỏa táng không được tự tổ chức chuyển giao tro cốt cho bất cứ trường hợp nào. Dân tộc ta vẫn quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận, nhất là thời kỳ dịch vật thế này. Người mất đi trong lặng lẽ, không một lời đưa tiễn của người thân, không một ánh nến, chẳng một vòng hoa. Chủ trương của thành phố như thế là hợp lý. Dù chỉ còn là hũ tro cốt, nhưng đó cũng là một sinh mệnh, là một con người. Tôn trọng, thờ phụng là một việc làm cần thiết và mang tính nhân văn phù hợp với đạo lý của dân tộc. Việc bàn giao tro cốt cho thân nhân đến tận gia đình cũng làm cho người chết cũng như người sống được ấm lòng. Hôm trước thấy nhà đòn giao hũ cốt chứa lăn lóc trong giỏ nhựa thấy đau lòng quá. Chết mà vẫn chưa yên. Nếu thực hiện được như lời của ông Nên, gia đình của người mất sẽ an tâm, ghi ơn khi công việc đến từng nhà được chu toàn.

Một công việc đáng ghi nhân nữa là chuyện cô gái 9X tài xế nhóm "mai táng 0 đồng" ở TP.HCM: Chúng tôi không cần tiền, chỉ cần người phụ giúp. Theo nhóm thiện nguyện, mỗi nạn nhân xấu số có hoàn cảnh khó khăn không may qua đời, gia đình cần cung cấp giấy chứng tử và các giấy tờ liên quan cho nhóm, sau đó mọi công việc còn lại nhóm sẽ tự làm tới khâu cuối cùng là bàn giao tro cốt cho gia đình.

Cô gái ấy tên Hà Nhi, cô nói: "Người mất vì dịch rất cô đơn, không có người thân và anh em bạn bè hàng xóm tiễn đưa. Thật sự mỗi khi đến nhà đưa người mất vô hòm là em khóc nhiều lắm. Thương bà con lúc này lắm, vì virus Vũ Hán mà họ phải ra đi trong sự cô đơn và đau đớn vì bệnh tật, xót lắm".

Đội mai táng 0 đồng của Hà Nhi dù mới hoạt động được 3 ngày đã nhận trợ giúp của nghệ sĩ Việt Hương khi tặng 1 chiếc xe cứu thương để thuận lợi hơn trong công việc. Với 2 chiếc xe, nhóm đã hỗ trợ được gần 10 ca tử vong. Một hành động đẹp và thiết thực của những người trẻ tuổi mong được lan toả để mang niềm vui đến bao gia đình. Hiện nay, thành phố hạn chế cho phép tư nhân đưa hũ cốt về nhà dân, nhóm này vẫn tiếp tục làm công việc giúp gia đình người chết các khâu lo quan tài, liệm xác và đem thiêu. Đây là công việc vất vả và rất nguy hiểm. Hi vọng những người trẻ sẽ vượt qua những khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt công việc giúp đời của mình.

Tình hình tiêm vaccine ở thành phố đang tiến triển thuận lợi, nhiều người đã đăng ký với địa phương nhưng chưa được gọi cũng nóng ruột. Họ không sợ chích trễ nhưng họ sợ nếu chích muộn sẽ bị chích vaccine Tàu. Và chuyện vaccine Tàu vẫn râm ran, bàn cãi trong cộng đồng. Mới đây, một anh diễn viên hết thời bị tố giả tạo khi kêu gọi tiêm vaccine loại nào cũng được, miễn là được cấp phép. Rất nhiều người phê bình anh ta vì miệng anh này kêu gọi như thế nhưng thực chất anh và gia đình đã âm thầm chọn vaccine của Mỹ để tiêm từ lâu rồi. Có người còn đặt câu hỏi: "Anh lấy tư cách gì mà được tiêm Pfizer sớm thế, trong khi nhiều nhân viên y tế trên tuyến đầu vẫn chưa được tiêm mũi nào? Chích vaccine là việc cần thiết để có thể giảm thương vong vì dịch, nhưng người dân cũng có quyền chọn lựa và quyết định. Không ai xúi giục và bắt ép phải chích cái này hay không chích cái kia. Và bản thân là người của công chúng cũng nên cẩn trọng trong phát ngôn và trong hành động. Tại sao mình chọn thứ tốt cho bản thân và gia đình mà lại đi xúi người khác chọn thứ mà người ta không thích? Anh cũng không thể nhân danh bất cứ cái gì để kêu gọi người khác làm những diều người ta không muốn.

Theo thống kê, hiện nay quận Phú Nhuận có tỷ lệ người được tiêm chủng cao nhất thành phố, đạt 51% và cũng có số người nhiễm bệnh ít nhất chỉ hơn huyện Cần Giờ là 1241 trên số dân 163.961 người. Đã có 82.867 người được tiêm chủng cho đến hôm qua. Hôm nay vẫn thấy trong phường người ta gọi nhau đi chích.

Hi vọng đến cuối tháng 8, số người được tiêm chích đạt chỉ tiêu, bóng ma dịch bệnh sẽ bị đuổi đi để Sài Gòn trở lại những ngày tháng cũ. Tang thương lắm rồi, xin ngừng lại.

8.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ ba mốt

DODUYNGOC














Sáng nay vừa thức giấc thì nhận được một tin nhắn của Uỷ ban Phường 8, Phú Nhuận thông báo có hai chiếc xe tải đậu ở địa chỉ 131 Trần Huy Liệu để bán hàng cho bà con trong phường. Giờ mua được chia theo từng tổ dân phố. Gần sát bên nhà nên con tôi ra mua đúng giờ quy định, hàng xóm í ới gọi nhau. Hàng có thịt heo, thịt bò, cam, khóm...Người mua không đông, trật tự, người bán nhã nhặn, không khí tươi vui. Đúng ra biện pháp này nếu thực hiện ngay từ đầu thì tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm ở Sài Gòn chắc hẳn sẽ không xảy ra gây phiền phức và bực bội trong dân. Khi chỉ tập trung vào vài ba siêu thị với kiểu phát phiếu đi chợ định kỳ không còn phù hợp thì nên chọn ngay biện pháp đem hàng đến với dân theo từng khu phố là hay và thuận lợi nhất. Nhìn những bao thực phẩm các con tôi mua về, tôi lại nghĩ đến những người nghèo ở trong những hẻm sâu, hẻm xa. Có thể họ nghe hoặc không nghe thấy tin này, nhưng chắc là có nhiều gia đình sẽ chẳng còn tiền để mua vì đã mấy tháng rồi họ chẳng kiếm được đồng nào, chỉ ngồi không.

Từ khi dịch bùng phát cho đến nay ở Sài Gòn, lãnh đạo thành phố đã loay hoay và bế tắc trong việc cung ứng hàng hoá, nhất là trong những ngày giãn cách, phong toả không ai được ra đường. Những chuyến xe lưu động mang hàng đến với dân thực ra cũng không phải là điều khó thực hiện. Nếu không đủ phương tiện, có thể sử dụng xe quân sự. Sở Công thương có thể bàn với quân khu hỗ trợ xe quân đội để biến thành những cửa hàng lưu động. Không những thế, xe quân sự cũng có thể tăng cường để biến thành phương tiện chuyên chở người bệnh đi cấp cứu ở các bệnh viện. Nếu bố trí mỗi khu cách ly một phương tiện vận chuyển và bệnh viện nào cũng sẵn sàng nhận bệnh chắc chắn con số tử vong sẽ giảm đi. Bởi không chỉ người nhiễm dịch cần được đến bệnh viện gấp mà còn nhiều bệnh tật khác nữa cũng phải cần cấp cứu để có thể giữ được mạng sống. Lực lượng quân đội bổ sung thêm phương tiện giao thông khi các loại hình taxi, xe bus, xe Grabcar không được hoạt động là giúp rất nhiều người dân khi hữu sự. Có điều trở ngại là hiện nay các bệnh viện chữa trị dịch bệnh đã không còn chỗ chứa và cũng không đủ nhân lực để làm việc. Một bài viết mới đây của một Phó Tổng biên tập một tờ báo lớn có viết rằng, anh nhận được mấy lời kêu cứu của những người thân xin chuyển lên tuyến trên vì tình hình khá nguy kịch. Nhưng bằng quan hệ sẵn có của mình, anh liên hệ khắp nơi nhưng không có nơi nào còn chỗ trống. Cuối cùng, khu điều trị bệnh dịch bệnh viện ĐHYD thành phố đồng ý nhận nhưng vì người bệnh quá nặng đã tử vong trên đường chuyển viện. Bệnh nhân là thanh niên cao 1m8, nặng 80 kg, trở nặng không cứu kịp là chết ngay.

Bên cạnh đó, những ca bệnh nặng rất cần phải có nhân viên hoặc bác sĩ chuyên môn của khoa hồi sức tích cực. Tuy nhiên, theo báo cáo của một lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay cả nước chỉ có hơn 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa hồi sức tích cực. Đặc biệt, tại một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, chỉ có 1 bác sĩ thuộc chuyên khoa này. Trong khi đó, số bệnh nhân nhiễm dịch ngày càng gia tăng, nhân lực y tế đang chịu một sức ép khổng lồ. 

Số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh ngày càng tăng cao. Nhiều bệnh viện có giường nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén, do đó không thể sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm... Điều này đang gây khó khăn cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh virus Vũ Hán nặng. Đó chính là nỗi băn khoăn của nhiều người bệnh, từ bệnh dịch cho đến những bệnh bình thường xảy đến thường ngày trong cuộc sống. Có rất nhiều cái chết oan ức vì không được chuyển đi kịp thời, không được cấp cứu kịp thời. Hàng ngàn bác sĩ, nhân viên y tế từ khắp cả nước đã chi viện cho Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, nhưng tất cả đều phải chấp nhận thực tế là bất lực trước hiện thực đang diễn ra. Không những thiếu nhân lực chuyên môn mà ngay khẩu trang y tế, máy thở, giường nằm cũng không trang bị kịp. Cũng có lời kêu gọi hỗ trợ bao đựng tử thi. Bệnh viện mới mở ra là đầy ắp người. Nhân lực bổ sung bao nhiêu cũng không đáp ứng đủ. Thử hỏi một ngày ở thành phố này có đến bốn, năm ngàn người nhiễm bệnh thì nơi nào chứa cho đủ.

Hiện trạng Bình Dương cũng đang lâm vào nguy khốn, số người mắc bệnh và tử vong cũng tăng cao chóng mặt. Nếu đem so với số dân thì tỷ lệ mắc bệnh ở Bình Dương rất cao. Nếu không rút kinh nghiệm từ Sài Gòn, chính quyền Bình Dương cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bình Dương sát nách Sài Gòn, Bình Dương bệnh nặng cũng ảnh hưởng rất lớn đến Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

Trở lại việc cung ứng hàng hoá, tuy nhà nước và các doanh nghiệp đã và đang cố gắng để tìm mọi cách hàng hoá đến tay người tiêu dùng thuận tiện và nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại xảy ra. Ngày 3.8 vừa qua, chia sẻ tại cuộc họp với Ủy ban NDTP, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA) Lý Kim Chi cho biết, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó trong vận chuyển hàng hoá.

Theo quy định của TP HCM, từ 18h đến 6h sáng hôm sau, người dân bị hạn chế ra đường nhưng các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp giao hàng thiết yếu như thịt, trứng... cho biết thực tế vẫn xảy ra các tình huống bị làm khó. Ví dụ, tại chốt kiểm dịch đường M1 từ khu công nghiệp Tân Bình ra quốc lộ, xe không qua được dù có mã QR và báo với chốt là "chở hàng thiết yếu".

Một trường hợp khác là xe chở hàng thiết yếu đã giao nhận và có giấy tờ xác nhận cũng không thể qua chốt vì trên xe lúc đi nhận không có hàng, lúc giao hết hàng xe trống cũng không cho đi, buộc tài xế phải ngủ lại trên xe.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cũng cho biết, khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16+, xe tải có nhận diện của Vissan di chuyển được nhưng xe của các đơn vị tư nhân khác lại gặp khó khăn. Giấy tờ Vissan đăng ký cho các xe chở hàng này có nơi cho qua, nơi lại không.

"Đặc thù của công ty hoạt động vào ban đêm, tức là heo giết mổ xong khoảng 1-2h sáng phải vận chuyển ra điểm bán. Tại điểm bán mới pha lóc thịt để 5-6h sáng có hàng bán nên buộc phải đi khung giờ trên"

Bên cạnh khó khăn trong việc lưu thông, nhiều doanh nghiệp sản xuất trứng, bánh mỳ còn gặp nhiều trở ngại khác khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16+.

Như doanh nghiệp trứng, họ gặp khó trong việc khống chế thời gian giao nhận, nhiều siêu thị chỉ nhận hàng đến 15h trong khi doanh nghiệp chỉ có 8 tiếng làm việc nên giao không kịp và tồn đọng hàng.

Còn các cơ sở sản xuất bánh mỳ, vẫn còn tình trạng, các địa phương bắt đóng cửa vì cho rằng đó không phải là thực phẩm thiết yếu.( trích báo)

Tương tự, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, Hàng triệu tấn nông sản Nam Bộ, Tây Nguyên tìm cửa tiêu thụ nhưng không vận chuyển được. 5 triệu tấn lúa, gần 4 triệu tấn rau củ, 400 triệu quả trứng... của 26 tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên đang tìm đầu ra. Theo ông, các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên cũng đang vào mùa thu hoạch trái cây (thanh long, bưởi, nhãn, bơ, sầu riêng...) nên số lượng cần tiêu thụ lên tới 4 triệu tấn. Ngoài ra còn 600.000 tấn thịt gà, 120.000 tấn hải sản, 80.000 tấn thịt heo hơi... đang cần tìm đầu ra, nhưng bế tắc. Lượng hàng cung ứng dồi dào, nhưng việc 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội khiến lưu thông hàng hoá gặp khó. Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo, ưu tiên cho xe luồng xanh vận chuyển hàng hóa, song thực tế mỗi địa phương vẫn đưa ra quy định riêng trong phòng, chống dịch, khiến lưu thông hàng vô cùng khó khăn. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất được nhiều đại diện địa phương nêu. Như thế tự ta làm khó ta chứ thật sự hàng hoá đang dư thừa chứ không có chuyện khan hiếm. Chính cách thực hiện những yêu cầu giãn cách không đúng ở một vài nơi đã làm khổ dân.

Trong khi siêu thị Bách Hoá Xanh liên tục bị nhân dân kêu ca, phản ánh lẫn chửi rủa vì cách làm vô nhân và lừa dối của mình. Không hiểu sao các phiếu đi chợ của người dân đều được chỉ định đến Bách Hoá Xanh. Nhiều người kêu gọi tẩy chay nhãn hiệu này nhưng rồi thế chẳng đặng đừng cũng đành phải xếp hàng kiếm chút rau củ. Giờ nếu những xe hàng lưu động này được đến với từng địa phương, chắc là Bách Hoá Xanh đóng cửa là vừa. 

Trong khi chủ nhân Bách Hoá Xanh tìm mọi cách để vơ vét thì bà Ba Huân, trùm cung cấp trứng ở nhiều tỉnh thành miền Nam, trong đó chủ yếu là ở Sài Gòn đã tuyên bố: "Dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay. Anh Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) gọi điện và nói tôi hỗ trợ, tôi nói các anh đừng tăng giá, tôi cũng sẽ không tăng và đảm bảo cung ứng”. Như vậy dù Sở Công Thương TPHCM đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường, nhưng bà Ba Huân không đồng ý và từ chối đề nghị nâng giá.

Được biết, Công ty Ba Huân cung cấp khoảng 1 triệu trứng mỗi ngày. Dù có tình trạng thiếu trứng cục bộ trong những ngày đầu giãn cách, hiện các hệ thống phân phối đã đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Đó là cử chỉ đẹp trong mùa đại dịch. Hoan hô Ba Huân!

Hội Lương thực, Thực phẩm thành phố qua buổi làm việc với UBND đã cho biết các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng bánh mì, bún, đậu phụ... gặp khó khăn trong sản xuất, lưu thông. Và kết luận buổi gặp gỡ,  thành phố cho rằng không có bất kì văn bản nào quy định cấm các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội.

Các mặt hàng này là hàng lương thực thực phẩm nên được phép hoạt động, sản xuất và lưu thông, khi đảm bảo sản xuất an toàn, đáp ứng các điều kiện về phòng chống dịch. Hội Lương thực, Thực  phẩm bày tỏ mong muốn phòng Kinh tế TP. Thủ Đức và các quận, huyện, nhanh chóng hỗ trợ thông báo đến các phường, xã trên địa bàn có cơ sở sản xuất bánh mì, bún, đâu phụ,…Từ đó để các cơ sở có thể nắm bắt, và tạo điều kiện để người dân được sản xuất bởi các cơ sở này đa phần đều kinh doanh nhỏ lẻ nên việc tiếp cận thông tin chưa được cụ thể.

Ngày hôm qua, dân mạng xôn xao về bài đăng kèm hình ảnh một người mặc đồng phục công ty mai táng màu trắng đi giao những hũ cốt. Theo người đăng tải bài viết, những hũ đó được cho là đựng tro cốt của người chết vì dịch và người này nhận nhiệm vụ đi giao cho thân nhân. Sau đó có nhiều bài báo giải thích để dân không hoang mang. Theo bà Lê Thị Tuyết Nhung, chủ tịch UBND phường Phú Trung, quận Tân Phú thì trong khu vực của bà phụ trách không có nhiều người chết vì dịch như thế. Đồng thời công ty mai táng nhận nhiệm vụ chuyển giao hũ cốt cũng cho rằng chỉ có khoảng 10 hũ thôi chứ không đến 27 hũ. Và người đàn ông giao gaz người viết bài trên face Lan Nguyen Van cũng khẳng định: " "Câu chuyện tôi đăng trên Facebook của tôi là câu chuyện tôi chứng kiến sao viết theo cảm xúc như thế". Về số lượng hũ tro cốt, anh Lân nhấn mạnh: "Tôi thấy sao nói vậy, đếm sao nói vậy. 50 tuổi rồi, không phải thằng con nít mà đếm nhầm". Như vậy, có thể kết luận câu chuyện trao hũ cốt trên xe gắn máy là có thật. Những hũ cốt được đựng trong giỏ nhựa sau xe cũng là có thật, không dàn dựng. Chỉ còn thắc mắc số lượng hũ cốt và tình tiết cả gia đình có 4 người mất vì dịch bệnh là chưa rõ lắm thôi. Nếu còn thắc mắc thì đọc thêm trên báo nhà nước nhé.

Tiến trình tiêm chủng các quận ở Sài Gòn đang tiến hành gấp rút và đạt những con số đáng khích lệ. Thông tin từ cổng thông tin Covid-19 TP HCM, ngày hôm qua quận Gò Vấp tiêm vaccine cho gần 9.000 người, tổng luỹ kế từ trước đến nay đạt gần 90.000 người, là một trong những địa phương có tốc độ tiêm nhanh nhất thành phố. Mong rằng đến cuối tháng 8, chỉ tiêu tiêm chủng 70% dân số sẽ đạt được, mang lại yên tâm cho người dân và dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.

Hôm nay là ngày ba mươi từ khi Sài Gòn bị phong toả, lại thấy tin viết về mấy ông ba mươi, tức những con hổ ở Nghệ An. Báo viết: Sau giải cứu và tịch thu tang vật 17 con hổ tịch thu tại hai hộ dân nuôi nhốt ở Nghệ An thì đến nay có 8 con đã chết, chưa rõ nguyên nhân. Tất cả 8 con hổ đã chết đang được cấp đông lạnh để chờ công tác điều tra và xử lý tang vật. Số hổ còn lại đang còn sống thì đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Mới bị giữ có một hôm mà đã có 8 con chết. Chắc mấy con này bị virus Vũ Hán quá. Thịt hổ chắc chắn là chẳng ai ăn rồi, cũng không ai ngu chi mà đem chôn. Thế thì cách xử lý hợp lý nhất là đem nấu cao. Dễ gì một lần có được 8 con hổ trưởng thành nấu cao hổ cốt. Ai được lợi thì không nói ai cũng biết rồi. Lại có kẻ thu được tiền tỷ trong vụ này. Tính toán như vậy là quá hay. Việt Nam ta và cả xứ Đông Dương này giờ trong rừng còn được bao nhiêu con hổ mà một ngày làm chết đến 8 con. Tiếc quá là tiếc.

Kết thúc, xin đăng lại Bản tin dịch virus Vũ Hán sáng 7/8 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3.794 ca tại TP Hồ Chí Minh và 16 tỉnh, thành khác. Đến sáng nay đã có trên 8,5 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm chủng ở nước ta.

Tính từ 18h30 ngày 06.8 đến 6h ngày 07.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh virus Vũ Hán ghi nhận 3.794 ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (1.836), Bình Dương (882), Đồng Nai (466), Tiền Giang (165), Long An (160).

Hi vọng hôm nay tổng kết cuối ngày sẽ là con số nằm ngang hoặc đi xuống. Mong vậy lắm.

7.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ ba mươi.

DODUYNGOC












TIN VUI VÀ NỖI BUỒN MÙA ĐẠI DỊCH.

Một cô em của tôi định cư ở Mỹ đã lâu, hôm nay có gởi cho tôi một đường link của một người tên Phong Tran tức Tran Nhật Phong, bảo tôi vào nghe xem có đúng vậy không? Tôi nghe và buồn cười cho cái tin của anh này. Anh ta bảo rằng vợ anh phải gởi về Việt Nam cho cô em số tiền tương đương 3 triệu đồng Việt Nam để cô này có thể chủng ngừa vì ở Việt Nam, muốn tiêm thuốc Pfizer, Moderna hay Astra Zeneca là phải trả 3 triệu đồng. Hơn nữa phải đặt cọc trước mới được gọi khi có thuốc đến tiêm. Thật là một sự bịa đặt trơ tráo. Tôi là người đang ở Sài Gòn, tôi, các con tôi, bạn bè tôi, hàng xóm của tôi đều được chích ngừa mà không tốn một xu nào cả. Hoàn toàn miễn phí và được phục vụ rất chu đáo. Người trên 65 tuổi như tôi thì được chích Moderna, trẻ dưới 65 thì chích Astra Zeneca. Còn Pfizer thì hầu như rất ít người được chích. Ngoài những diện ưu tiên, có nhiều cách để lên danh sách tiêm chủng. Nếu làm việc ở cơ quan, công ty thì đăng ký ở công ty, cơ quan. Người lớn tuổi hay người không làm cơ quan, công ty thì đăng ký ở tổ dân phố và lần lượt gọi đi chích theo thứ tự ngay tại địa phương. Ưu tiên cho người có tuổi trước và gọi theo danh sách đã đăng ký. Và theo chủ trương của thành phố, tất cả mọi người trên 18 tuổi đều lần lượt được tiêm. Kế hoạch tiêm theo thứ tự ưu tiên về độ tuổi (nhóm trên 50 tuổi, nhóm trên 35 tuổi, nhóm trên 18 tuổi). Nhiều người nước ngoài sinh sống tại Sài Gòn cũng được tiêm chủng miễn phí. Chiều 5-8, quận 7 tổ chức thí điểm 4 điểm tiêm vaccine cho 18.000 người nước ngoài sinh sống, làm việc trên địa bàn.

Đó là một cố gắng lớn của thành phố để có thể ngăn chặn được dịch và mong đạt chỉ tiêu 70% dân số Sài Gòn được tiêm chủng.

Tốc độ tiêm chủng những ngày gần đây rất cao sau một thời gian rề rà và hơi chậm vì nhiều thiếu nhân lực và lúng túng trong công tác tổ chức. Hôm nay lại có công văn yêu cầu phải chích nhanh hơn nữa trước ngày 8.8 để thanh toán cho hết số vaccine đã được trung ương phân phối. Cho đến hôm nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm trong nước là 8.061.116 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 7.241.093 liều, tiêm mũi 2 là 820.023 liều.

Đấy là nội dung tôi trả lời cho cô em của tôi đang thắc mắc. Tôi chỉ nói điều trung thực và cũng muốn nhắn với anh Phong Tran đấy rằng, muốn tuyên truyền cho người ta tin thì yếu tố trung thực đặt lên hàng đầu. Ở Mỹ, những người Việt Nam đang định cư bên ấy hầu như ai cũng có bà con, anh em, bạn bè đang còn ở Việt Nam. Họ sẽ biết rõ thông qua thân nhân đang ở  Sài Gòn và lúc đấy sẽ thấy anh đang nói dối trắng trợn. Một lần bất tín, vạn lần bất tin, anh bịa chuyện không bằng cớ, sau này còn ai tin anh nữa. 

Tôi là người sòng phẳng, công bằng, chuyện nào ra chuyện nấy. Ai làm tốt thì khen, ai làm bậy, có hại cho dân, cho nước thì tôi lên án, bất kể người đó là ai và thuộc khuynh hướng chính trị thế nào. Dù có thích hay không ưa chế độ này, ta cũng không nên phủ nhận những hi sinh của đội ngũ y tế và tình nguyện viên đã gần như kiệt sức trong chuỗi ngày dài gồng mình làm công tác điều trị cho bệnh nhân, xét nghiệm và chủng ngừa cho hàng triệu người ở khắp cả nước cũng như ở Sài Gòn trong cơn đại dịch. Cũng không nên dựng chuyện để tuyên truyền chống đối lố bịch khi thành phố đang đau buồn và hàng triệu người đang chịu đựng cơn đại dịch, cả nước đang âu lo.

Khi đại dịch bắt đầu tấn công mạnh vào Sài Gòn từ những ngày cuối tháng tư. Chính quyền đã lúng túng trong chỉ đạo và điều hành. Những biện pháp được đưa ra kể cả những nghị quyết và khẩu hiệu. Tuy nhiên con số nhiễm bệnh và tử vong càng lúc càng cao. Những sai lầm như tập trung xét nghiệm toàn dân, mở những khu cách ly để tập trung những người F1, dồn hết người bệnh vào bệnh viện, cách ly khu vực, phong toả rộng những nơi có mầm dịch khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn và nhiều ổ dịch bùng phát như sân Phú Thọ, chợ Bình Điền. Chính quyền đã nhận thấy những bất cập trong chỉ đạo nên Bí thư thành phố Nguyễn Văn Nên đã phát biểu xin người dân lượng thứ. Sau đấy đã có những chủ trương quyết liệt hơn với sự trợ giúp của nhiều nhà chuyên môn khắp cả nước, thành phố đã có vẻ làm chủ được tình hình dù con số tử vong còn tăng cao. Bây giờ, bằng chủ trương chích vaccine càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt, mọi người đều được tiêm chủng, hi vọng thành phố sẽ sớm ổn định tuy cũng còn cần nhiều thời gian nữa.

Chích được vaccine, dù có thể chưa biết hiệu lực thế nào nhưng đã giải toả được phần nào tâm lý sợ hãi. Chích vaccine virus Vũ Hán cũng đồng thời tiêm vào đầu người chích virus ngăn ngừa hoảng sợ. Tuy nhiên, không vì đã được chích mà chủ quan không quan tâm các biện pháp ngăn ngừa. Những con số người nhiễm gần đây ở Mỹ và Châu Âu giúp ta nên luôn luôn cảnh giác.

Trong những tuần đầu của dịch bệnh, cứ bệnh viện nào phát hiện dương tính là đóng cửa, giăng dây bệnh viện đó. Cho nên rất nhiều bệnh viện chọn biện pháp đóng cửa, không tiếp nhận bệnh nhân hoặc phải xét nghiệm trước khi chẩn bệnh và điều trị gây rất nhiều khó khăn cho người bệnh. Nhiều bệnh nhân mang bệnh nặng nhưng cấp cứu không nhận hoặc trì hoãn khiến người bệnh phải tử vong một cách oan ức. Một người em trong nghề của tôi bị phát hiện bệnh, ngất xỉu nhưng gọi y tế không có xe chở. Khi liên lạc được, bên kia đầu dây bảo nếu có bệnh viện nào nhận mới điều xe chở đi. Nhờ quen biết nên được bệnh viện Nguyễn Trãi nhận vào cấp cứu. Ở đó sau xét nghiệm phát hiện dương tính và rồi nhờ một số anh em nghệ sĩ quen biết giúp gởi anh vào khoa chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bác sĩ khám cho anh phát hiện phổi đã bắt đầu xơ cứng, nếu không chữa kịp sẽ mất mạng. Qua chuyện đó cho thấy nếu không được nhận vào bệnh viện giờ này anh chỉ còn là một đám tro cốt. Trước tình trạng này, hôm qua 5.8, Sở Y tế đã có một công văn gởi đến các bệnh viện, các trung tâm y tế và các cơ sở cách ly tập trung với nội dung phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7. Đảm bảo trực 24/7, luôn mở cổng bệnh viện và tiếp nhận người bệnh và cấp cứu đặc biệt vào ban đêm. Tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh...Công văn tuy trễ nhưng còn hơn không, đồng  thời cũng tiếc thương cho những người trong thời gian vừa qua đã chết vì những kiểu làm tắc trách của một số bệnh viện. Nhìn tấm hình chụp cái bảng đề HẾT GIỜ CẤP CỨU mà đau lòng và nổi giận. Khi công văn này xuất hiện, có người đã viết rằng nếu công văn này ra đời sớm vài hôm, cô em của anh chắc là không phải chết. Oan khiên quá!

Hôm nay cũng có nhiều tin vui, Tập đoàn Vingroup đã đưa lô thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên về Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt - 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị COVID-19, do Công ty dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Hoa Kỳ.

Hôm qua, lô thuốc Remdesivir đầu tiên đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Do tình hình vận chuyển khó khăn, các lô hàng phải chia thành từng đợt nhỏ, nên thuốc sẽ về liên tục nhiều đợt.

Dự kiến, đến tuần sau, sẽ có khoảng 100.000 lọ tiếp theo về tới Việt Nam để kịp chuyển cho Bộ Y tế phục vụ khẩn cấp việc điều trị cho bệnh nhân nặng.

Sáng 6/8, gần 600.000 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca được đưa về sân bay Tân Sơn Nhứt. Đây là lần giao vaccine thứ 7 thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Như vậy, trong 5 tuần, gần 4 triệu vaccine AstraZeneca trong hợp đồng đặt mua 30 triệu liều của VNVC đã về đến Việt Nam, nâng tổng số vaccine đã nhận theo hợp đồng này lên gần 4,4 triệu liều (tương đương khoảng 37% tổng lượng vaccine AstraZeneca trong nước).

Thêm một tin vui nữa là mới đây, 2 báo cáo khoa học của Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9, BV Bạch Mai và ThS, Bác sĩ Thân Sơn Tùng, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang, về kỹ thuật lọc máu hấp phụ (HP) trên bệnh nhân virus Vũ Hán đã cho kết quả khả quan. Theo đó, với những kết quả rút ra từ kinh nghiệm điều trị thực tế, phương pháp lọc máu hấp phụ đang được kỳ vọng là bước ngoặt lớn trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm dịch nặng.

Theo Bộ trưởng Bô Y tế, trong quý IV/2021, có khoảng 50 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam, cần tăng tốc độ tiêm chủng. Đấy cũng là một tin vui.

Đang lạc quan đôi chút vì những tin vui thì nhận được một bài viết được gởi từ một người bạn. Bài viết của một anh đi giao gaz trên đường và gặp một cảnh buồn, buồn đến đau nát cả lòng, một cảnh tượng nói lên nỗi đau thương, mất mát của người Sài Gòn trong mùa dịch. Đăng lại ở đây để kết thúc bài viết hôm nay vì đọc xong bài viết của anh ta, tôi không viết thêm được gì nữa.

"Gần hai chục năm kiếm ăn ở đất Sài Gòn, chưa bao giờ mình chứng kiến không khí ảm đạm, thê lương như lúc này. Khắp mọi nơi nhà nhà đóng cửa, hàng quán đóng cửa. Cả một quãng đường đi làm thường ngày mình phải mất 1h15' lái xe, nay chỉ cần thong thả 40 phút là đến nơi. 

Ơn trời, cái nghề gas tưởng như xa xôi, không duyên nợ nay lại là một trong những ngành nghề thiết yếu còn được phép ra đường. 

Trưa nay đúng là rảnh thực sự. Sau khi điều phối cho các em giao hàng buổi chiều, mình lên xe về nhà. Ngang qua ngã tư Âu Cơ- Lạc Long Quân tự nhiên thấy một bạn "shipper" trong đồng phục trắng tinh. Phía sau là một cần xé nhựa chất 3 lớp hũ đựng tro cốt. Vội thoáng nghĩ, cha nội này giờ làm ăn phát tài nhỉ! Nhưng nhìn kỹ lại thì thấy trên mỗi hũ sành lại có dán một nhãn tem ghi họ tên. Thế là tò mò, chạy theo. Em ấy bỗng chạy chậm lại, móc điện thoại gọi cho ai đó. Thì ra em ấy đang chở 27 hũ tro cốt đi giao cho các gia đình không may có người chết trong dịch bệnh Covid này. 

Mình rà xe lẽo đẽo bám sau. Trên một đoạn chưa đầy 2km thuộc phường Phú Trung, quận Tân Phú mà em ấy đã giao hết một nửa. Phần lớn là dừng xe trước mỗi đầu hẻm nhỏ bị giăng dây cách ly phong tỏa. Rất thành thạo y như giao một món hàng bình thường. Em ấy dừng xe, móc điện thoại gọi ai đó, chờ, khoảng 3 phút sau là có người ra ký nhận vô cái biên bản in sẵn. 

Mình vẫn lẽo đẽo theo sau. Đến hẻm 42 Âu Cơ, hẻm cũng bị giăng dây. Mình đứng bên này đường quan sát. Trước hẻm chỉ có một vị cựu chiến binh mang hàm thượng tá trông coi. Thấy em "shipper" sau một hồi cố phân trần nhưng vị cựu chiến binh kia vẫn khoát tay lia lịa. Thì ra vị cựu chiến binh cũng có lý khi hai hũ cốt không có người đủ trách nhiệm nhận bởi cả gia đình trong hẻm kia đều rất hoàn cảnh. Bất chợt từ bên trong có thằng bé tầm 10-12 tuổi đi cùng một bà già tiến ra đầu hẻm. Bà già vội vắn tắt giới thiệu mà nghe rùng mình: "Giờ nhà còn một mình nó ở đây thôi đó, đi cách ly hết rồi. Hôm trước hai hũ của ông bà nội nó mang về đã thờ tự được gì đâu, vẫn để tạm trong nhà. Nay tui dẫn nó ra nhận thêm hai hũ này nữa, cha mẹ nó đó, chắc  mang vô tạm rồi sau dịch tính tiếp.". Vậy là bà hàng xóm bất đắc dĩ phải thò bút ký nhận  cho thằng bé. Mặt nó trông vô hồn khi hai tay xách hai hũ cốt như cách người ta bỏ trái dừa trong bao ni lông lẽo đẽo theo bà già quay trở vô. 

Trời chợt đổ cơn giông, mình vội vàng giúp em "shipper" lấy tấm áo mưa che tạm cho mười mấy hũ cốt chưa giao kịp. Liếc vội vào những cái tem dán sẵn, đa số có địa chỉ Tân Phú, Tân Bình. Núp dưới hiên nhà hút thuốc chờ mưa tạnh, em "shipper" chợt hỏi: Anh làm nghề gì mà rảnh dữ vậy? 

Mình không trả lời, chỉ thầm nghĩ, ờ anh đang rất rảnh, rảnh lắm, rảnh mới cảm nhận được một Sài Gòn đang rất buồn thương hơn lúc nào hết đây em ạ."

Đoạn văn kể trên của anh Nguyễn Văn Lân, một người đi giao gaz, đăng trên facebook của nhà báo Hà Thạch Hãn.

6.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ hai mươi chín

DODUYNGOC



Hôm qua tôi có nói đến trường hợp của anh bạn tôi khi cầm giấy cho phép đi chợ phải mất cả một buổi sáng mới vào được siêu thị. Nhưng rồi cũng chẳng có bao nhiêu hàng để mua, các quầy hàng đều trống, nhất là mặt hàng thịt và rau. Điều này trái ngược với các hình ảnh đầy ắp hàng hoá tươi ngon trong các cửa hàng thường xuất hiện trên báo đài hàng ngày. Bây giờ trong dân gian thường có câu: lên ti vi mà mua, lên ti vi mà lãnh. Có những sự thật diễn ra trong mùa dịch nhưng báo chí không nên đưa lên như cảnh trong các bệnh viện điều trị người bị dịch bệnh, cảnh người chết, cảnh đoàn xe chở những quan tài đi thiêu xác, cảnh những nỗi đau của bệnh nhân. Những hình ảnh sẽ gây hoang mang trong nhân dân, gây dư luận không tốt, không nên đưa lên báo thì cũng đành. Còn những cảnh xếp hàng chờ đợi đến khi đến lượt thì các quầy hàng trống rỗng, báo chí nên có bài viết, bài phóng sự, hình ảnh để các cấp lãnh đạo có biện pháp tốt hơn, có giải pháp hay hơn trong việc cung ứng hàng hoá thiết yếu cho cuộc sống trong thời gian giãn cách kéo dài chưa biết lúc nào mới chấm dứt. Bởi đó là một sự thật mà người dân thành phố đang trải qua. Nhiệm vụ của báo chí là phản ánh những hiện thực xã hội, có những hiện thực không tiện nói vì không có lợi, nhưng cũng có những sự thật phải phô bày để người dân còn tin vào các phương tiện truyền thông. Hiện thực việc thiếu thốn hàng hoá trong các siêu thị, cửa hàng được chỉ định là có thật. Hàng hoá, thực phẩm ở các tỉnh lân cận Sài Gòn dư thừa cũng có thật. Nhưng dân lại thiếu hàng. Những tắc trách và nguyên nhân đưa đến hiện tượng thừa thiếu đấy ai cũng thấy và ai cũng biết, chỉ có báo chí là tránh đề tài này vì nghĩ là nhạy cảm? Việt Nam có 779 cơ quan báo chí trên cả nước. Trong số 779 cơ quan báo chí có 142 tờ báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập và có 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ này. Thế nhưng chưa thấy bài báo nào nói cho chính xác, thể hiện cho đúng những nhu cầu cấp bách của người dân khi thành phố bị giãn cách, cuộc sống bị xáo trộn. Khi thành phố bị đại dịch, có những góc khuất của số phận bị bỏ quên, những khu nhà ở trong hóc hẻm sâu không được phát hiện, nhiệm vụ của người phóng viên là tìm đến, đưa tin để xã hội quan tâm giúp đỡ, nhà nước lưu ý để hỗ trợ. Lâu nay, những số phận hẩm hiu đó đều do dân tìm thấy, đưa lên mạng và đến khi đó báo mới nhảy vào khai thác, viết bài. Hệ thống báo chí thiếu năng động cũng như thiếu nhiệt tình trong trách nhiệm của mình. Ngày nay, nhiều người không còn tin ở báo chí nữa. Hôm trước đăng bài toàn nói đến sự không hiệu quả của vaccine Tàu, đưa minh hoạ từ Indo, Thái Lan, Chi lê...Giờ thì quay ngoắt 180 độ, ca ngợi vaccine Tàu theo định hướng. Bản thân và gia đình tiêm chủng thuốc Mỹ, thuốc Anh nhưng viết bài kêu gọi mọi người chích thuốc Tàu. 

Hiện nay, theo báo cáo của Sở Lao động, theo chuẩn của thành phố thì còn 3.767 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% và 22.882 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,15% dân số thành phố. Giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo của TP Hồ Chí Minh là hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu đồng/năm), hộ cận nghèo dưới 28 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là 12 triệu đồng/năm). Đó là con số thống kê trên những hộ gia đình đã định cư chính thức có hộ khẩu ở thành phố. Bên cạnh đó còn hàng ngàn người từ các nơi đến thành phố kiếm ăn, buôn bán hàng rong, làm công nhân, lao động làm thuê, tìm mọi cách kiếm kế sinh nhai. Họ cũng đều là hộ nghèo. Do đấy con số người nghèo ở thành phố không phải là ít. Người nghèo bình thường đã khó khăn, giật gấu vá vai, kiếm sống từng ngày, tay làm hàm nhai. Dịch bệnh kéo dài đã tước mất nguồn sống của họ, một số đã đành gạt nước mắt về quê, số còn lại sống trong điều kiện rất khó khăn rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng và nhà nước. Báo chí cần phản ánh những trường hợp đấy để cả xã hội góp tay vào giúp họ qua cơn túng quẫn. Lực lượng sinh viên các tỉnh đến thành phố học hành cũng không ít, tình cảnh của các sinh viên ấy cũng rất bi đát. Không tiền đóng học phí, không tiền trả tiền nhà trọ, không tiền để ăn uống qua ngày. Nếu không được báo chí hay cộng đồng đề cập đến, họ rất dễ bị bỏ quên. Hàng xóm, người quen, bạn bè có thể giúp đỡ một thời gian ngắn chứ không giúp được mãi. Cánh cửa tương lai đang khép dần lại, những ước mơ, hoài bão đành xếp xó. Đau lắm! Người nghèo thiếu ăn, sức đề kháng yếu, rất dễ vướng bệnh tật và cũng dễ nhiễm virus. Lúc đấy đã nghèo còn gặp cái eo.

Hiện nay, ở Sài Gòn rất nhiều nhóm, nhiều hội đoàn thiện nguyện giúp đỡ rất nhiều cho những người nghèo khổ gặp khó khăn. Nhưng tất cả đều là những tổ chức nhỏ lẻ, tự phát, chỉ hoạt động trong một khu vực, một địa bàn nhất định. Chúng ta thiếu những tổ chức từ thiện có tầm vóc hay có sự giúp đỡ của chính phủ để có thể toả rộng đến khắp nơi, đến với tất cả mọi người. Cho nên, trong mùa dịch dai dẳng này, sẽ có những số phận bị bỏ quên, những vùng đất bị bỏ sót. Và từ đó sẽ có những vùng hàng từ thiện ăn không hết, nhưng cũng sẽ có nhiều nơi không nhận được chút gì.

Ở thời điểm hiện tại, người dân mong ước các chợ được mở lại. Có thể không cần nhiều quầy, hàng hoá phong phú như xưa, chỉ cần thuận tiện mua bán, có chút hàng hoá phục vụ cho bữa cơm hàng ngày. Được như thế, đời sống sẽ giảm nhiều ức chế, không khí bớt căng thẳng hơn nhiều. 

Ngày 5.8, Sở Công thương TPHCM cho biết, trong những ngày đầu tháng 8.2021, Sở đã mở lại nhiều chợ truyền thống như chợ Bình Thới, chợ Thới An, chợ Hiệp Thành và chợ Phước Thạnh.

Riêng trong ngày 4.8, 2 chợ tại quận 10 là Nguyễn Tri Phương (25 tiểu thương) và Hòa Hưng (15 tiểu thương) cũng đã hoạt động trở lại, chủ yếu bán các mặt hàng thịt, cá, rau, củ các loại. 

Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 33/237 chợ hoạt động. Số chợ tạm ngưng hoạt động là 204/237 chợ, bao gồm cả 3 chợ đầu mối.

Một số địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn gồm Thành phố Thủ Đức, quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Nhà Bè. Một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) đã khôi phục hoạt động như: chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Hưng Long, chợ Thạnh Xuân, chợ Thái Bình, chợ Đa Kao, chợ Tân Thông Hội. Hi vọng những ngày tới, sẽ có thêm nhiều chợ được tiếp tục mở, hàng hoá sẽ được thông thương và phong phú hơn cho người dân đỡ mệt mỏi khi thực hiện bữa ăn hàng ngày.

Trong lúc cả nước từ lãnh đạo cho đến nhân dân đang lo âu vì dịch bệnh, lại có những quan chức và một số người tỉnh bơ vi phạm chỉ thị 15 của chính phủ, ung dung vác gậy chơi golf và dính virus Vũ Hán. Theo thông tin từ cơ quan chức năng của TP Quy Nhơn, 4 trường hợp gồm: ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Công Thành - công tác tại Cục thuế tỉnh Bình Định và 2 người khác (làm việc tại 2 doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn).

Bốn trường hợp kể trên tường trình từ ngày 31.7 đến 1.8, họ chơi tại một sân golf ở TP Quy Nhơn.

Tại đây, 4 người này có tiếp xúc gần với nhân viên sân golf và chị này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 3.8. Dù trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu tạm dừng hoạt động quán ăn uống vỉa hè, hoạt động văn hóa thể thao, giải trí tại các điểm công cộng kể từ 0h ngày 1.6. Từ ngày 1.8, tỉnh này cũng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19. Quan chức kiểu này thì nên cho về vườn là vừa, cách chức tạm thời không phải là hình thức kỷ luật thích đáng. Loại quan chức vô cảm, vi phạm quy định của nhà nước thì phải xử thật nặng để làm gương và để dân còn chút lòng tin. Không thể có kiểu dân đen thì bắt tội mà quan chức thì ung dung. Xui là mấy ông này bị dương tính thì mọi người mới biết mấy quan vác gậy đi chơi, chứ không thì chẳng ai hay. Và trên cả nước, trong những ngày thê lương và dịch bệnh thế này, còn có biết bao quan chức ung dung, thảnh thơi đi chơi như mấy ông này. Lại nhớ đến truyện ngắn "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn, bố của nhạc sĩ Phạm Duy. Truyện lên án gay gắt tên quan phủ lòng lang dạ thú của đám quan phụ mẫu cùng với nha lại đương vui cuộc tổ tôm ở trong đình mặc cho đê sắp vỡ và đám dân đen đang "nghìn sầu muôn thảm" do thiên tai đang ập đến. Đó là lối sống vô trách nhiệm của những người làm lãnh đạo.

Người ra đường tập thể dục, đi đường vì những nhu cầu thiết yếu đều bị phạt tiền và bị gọi là vô ý thức. Những người này còn bị Đài Truyền hình Quốc gia gọi là não loại bò sát, não thú. Một kiểu chửi vô văn hoá của Đài truyền hình trong chương trình Chuyển động 24h của VTV.

"Có một điểm chung của tất cả các vận động viên tại giả tranh tài “Vài môn phối hợp” của Hà Nội này đó là, họ không sợ Covid-19 thì phải. Tuy nhiên, nếu mà nghĩ rằng họ không sợ thì chưa được xác đáng cho lắm. Để mà hiểu rõ hơn thì có lẽ chúng ta phải nhìn vào bộ não con người. Về cơ bản thì não con người có thể chia thành ba phần như sau: phần thứ nhất là não bò sát, phần thứ hai là não thú và phần thứ ba là não người. Nỗi sợ của ba khu vực này cũng có những khác biệt riêng. Ở phẫn não bò sát thì nỗi sợ sẽ biến thành bản năng ngay lập tức và vô điều kiện, ví dụ như là nhìn thấy lực lượng chức năng thì chạy ngay chẳng hạn; ở phần não thú thì nỗi sợ sẽ chi phối hành vi của con người ở dạng cảm xúc, ví dụ như là “ở nhà chán quá hay là ra ngoài một tí xem nó như thế nào”; và cuối cùng ở phần não người, nỗi sợ sẽ đi kèm với tuy duy trừu tượng, với ý thức với trách nhiệm với những mối nguy có thể có trong tương lại. Vâng, tóm lại thì mỗi người lại đang dùng một phần não khác nhau để đối diện với covid-19 thế nên là mới có người ở nhà và có người ra ngoài không có lý do chính đáng”.

(VTV, Chuyển động 24h, 11h:15,ngày 31/7/2021)

Ai cho phép Đài VTV dùng những từ ngữ như thế? Và nhân danh cái gì mà Đài truyền hình có quyền mạt sát người vi phạm như thế. Một lối lạm quyền, một kiểu phát ngôn vô văn hoá từ một cơ quan văn hoá của nhà nước. VTV phải có lời xin lỗi công khai trên hệ thống truyền thông dù không nói đến một cá nhân cụ thể nào nhưng kiểu nói năng như thế không bao giờ và tuyệt đối không được sử dụng trên hệ thống của một Đài Truyền hình Quốc gia.

Con số người nhiễm bệnh mấy hôm nay ở Sài Gòn đang là hàng ngang và đang có chiều hướng đi xuống. Tuy nhiên con số tử vong vẫn còn cao. Đó vẫn là nỗi lo. Số người nhiễm giảm chưa hẳn là cơn dịch đang dứt. Chính con số người chết mỗi ngày sẽ nói lên thực trạng. Và nỗi đau còn đó. 

Hãy đọc một đoạn ghi lại của một Soeur tình nguyện viên trong một bệnh viện dã chiến:

"Vừa nằm xuống thì cảnh tượng các bệnh nhân thở thoi thóp với bao nhiêu dây nhợ xung quanh lại hiện ra trước mắt. Hơi thở là gì mà khiến cho biết bao người phải khổ sở vì nó? Tiền bạc, địa vị, danh vọng...phải chăng có thể mua được sự sống?

Suy nghĩ đến đây, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được dùng “máy thở tự nhiên” mà Chúa ban tặng; hạnh phúc vì được chứng kiến những hình ảnh cảm động của các bác sĩ thức suốt đêm lo cho bệnh nhân; hạnh phúc vì mình được góp một phần nhỏ bé vào việc phục vụ các bệnh nhân covid. Nơi đây thật sự là gia đình, không phải vì có ba có mẹ, có người thân yêu, nhưng vì nó chứa đựng tình yêu thương nhân loại đong đầy. Đó là nơi các bác sĩ tận tâm vì bệnh nhân, nơi các nhà hảo tâm đổ tràn tình thương bằng cách lo những bữa cơm cho các tình nguyện viên. Đây cũng là nơi các bác tài vui vẻ đưa đón tình nguyện viên đi làm, nơi các bác bảo vệ ngày đêm chờ các đoàn xe đi về, nơi không còn sự phân biệt tôn giáo nhưng tất cả vì bệnh nhân thân yêu, nơi biết bao lời cầu nguyện và lời thăm hỏi từ hậu phương gởi đến để khích lệ tinh thần chúng tôi. Tôi đã lặng người và cảm thấy xót xa khi nhìn thấy túi đồ của bệnh nhân vì bên trong chỉ vỏn vẹn mấy hộp sữa và mấy cái mền có lẽ do quá vội nên chưa kịp xếp gọn gàng. Tôi đã bàng hoàng khi vừa bước vào ca trực thì một bệnh nhân đã ra đi...

Làm sao có thể ngủ khi xung quanh các bệnh nhân còn sống cũng như đã ra đi không có sự chăm sóc hay tiếng khóc than của người thân mà chỉ có tiếng máy “pin...pin..pin”. Tài sản duy nhất của họ chỉ có một chiếc điện thoại bỏ trong túi nilon, không người thân, không địa chỉ. Có những bệnh nhân ra đi mà tìm một lúc mới thấy địa chỉ và số điện thoại, nhưng bác sĩ chỉ kịp báo cho người nhà một câu ngắn gọn: “Bệnh nhân T.. đã ra đi rồi nha”. Khi các bệnh nhân ra đi, họ chỉ được đặt vào một cái túi đựng thi hài rồi chuyển ra xe. Tôi tưởng tượng cảnh người nhà đau khổ thế nào khi đưa bệnh nhân đi là thân hình nguyên vẹn nhưng khi nhận về chỉ là hũ tro. Nghĩ tới đó tôi không dám tưởng tượng tiếp, nước mắt tôi chảy dài trên má mà tôi cứ ngỡ đó là mồ hôi.

Trở về với công việc của mình, tôi nhớ: Mỗi khi tiễn đưa bệnh nhân xong thì ai vào việc nấy. Tôi lau người cho từng bệnh nhân. Khi lau người cho họ, tôi cảm nhận được nhịp thở của họ thật yếu, có người hoàn toàn bất động. Những người này khi còn khỏe đều tự làm mọi thứ, tự tắm rửa, tự ăn uống. Bây giờ, họ phải phó thác số phận cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc. Trong phòng tôi làm có hai người còn tỉnh táo. Một bác nhắn: Nếu nhắn về được cho gia đình, xin báo cho gia đình bác biết là bác vẫn bình an. Tôi thấy thương bác quá! Bản thân bị bệnh nặng mà còn nghĩ cho người khác. Còn một bác khác là cựu chiến binh, bác nói: "Là cựu chiến binh, bao nhiêu khổ cực bác cũng chịu được nhưng nay lại không thể chịu nổi một con virus bé tí. Nó hành hạ bác đau lắm, nóng lắm, trong phổi và cổ họng như lửa đốt". Hèn chi tôi thấy bác cứ gồng lên từng cơn mỗi khi nhiệt độ tăng. Tôi đã tưởng mình làm bác đau nên hỏi: "Con làm bác đau hả?" Bác trả lời: "Không đau...con làm nhẹ nhàng mà...cảm ơn con nhiều lắm".

Tôi cũng nhìn thấy hình ảnh của các anh chị em thiện nguyện khác đang lau người bệnh nhân. Hình ảnh ấy thật đẹp, giống như các chị em của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đang chăm sóc bệnh nhân vậy. Tôi tự hỏi, nếu những người đang nằm đây là người thân hay bản thân mình thì sẽ ra sao nhỉ??? Kì lạ, thay vì cảm giác lo lắng tôi lại cảm thấy thật bình an. Bình an vì tin rằng có Chúa luôn đồng hành. Bình an bởi nơi đây có những người chị em mới, tuy không cùng dòng tu, không cùng tôn giáo nhưng chung một chí hướng. Bình an vì tôi tin ở nhà - “hậu phương vững chắc” - vẫn không ngừng cầu nguyện cho tôi.

Thủ Đức, ngày 25.7

Teresa Nguyễn Thị Vui,

Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục

Những dòng chữ của Soeur được khép lại bài viết hôm nay với lòng tin đại dịch sẽ sớm qua đi và sẽ không còn người phải đau đớn vì không còn thở được, những người trong cơn đau chỉ khát khao một hơi thở. Một hơi thở của chính mình.

Thứ năm.5.8.2021

Sài Gòn ngày lockdown thứ hai mươi tám

DODUYNGOC











Sáng nay đang còn nằm ngủ nướng thì điện thoại của anh bạn điện hỏi thăm đã được chích ngừa chưa? Bạn bảo đang xếp hàng chờ vào mua hàng ở siêu thị chỗ chung cư Rạch Miễu gần nhà. Ra từ 4:30 sáng đã thấy người xếp hàng, đầu tiên là phải theo thứ tự để được hẹn giờ vào mua hàng. Đi sớm thế mà anh được hẹn 9:30. Đúng giờ, anh lại tiếp tục xếp hàng để vào siêu thị. Cũng một hàng dài, giờ đang chờ đây, không biết lúc nào mới đến lượt mình và cũng không biết lúc đấy có còn hàng hoá gì không nữa. Hình dung ra cảnh anh mô tả, lại nhớ đến Sài Gòn sau 1975, thời bao cấp. Đi mua gạo, mua dầu lửa, mua thịt heo, mua nước mắm...cũng xếp hàng chẳng khác hôm nay. Nhưng bây giờ đang mùa đại dịch, cứ thấy tập trung đông người là ớn lạnh, không biết con virus quái ác đó có luẩn quẩn đâu đây. Cho nên đứng trong hàng người ngoài cái lo có hàng để mua khi đến lượt mình, còn canh cánh nỗi lo sợ lây bệnh. Trên truyền hình, báo chí lúc nào cũng nghe, cũng thấy nói không thiếu hàng hoá, lương thực, thực phẩm. Hình chiếu lên những gian hàng đầy ắp, trái cây, rau củ tươi ngon, thịt heo, thịt bò tươi rói. Thế nhưng có qua cầu mới hay, đi sớm, được vào sớm thì còn hi vọng chứ vào trễ thì xem như xong. Thật sự là hàng hoá không thiếu nhưng cách thức cung ứng đã khiến cho thừa thành thiếu. Khi các chợ không được hoạt động, chị em tiểu thương đã thành lập những nhóm bán qua mạng, qua những trang: Tôi là dân Phú Nhuận, Tôi là dân Gò Vấp, Tôi là dân Bình Thạnh. Họ cũng có những trang chợ trên mạng. Những tiểu thương này đã có nhiều kinh nghiệm và quen biết những đầu mối hàng hoá, rau củ, thịt thà nên họ có số lượng hàng không nhỏ đủ cung cấp cho người dân, chủ yếu là cùng quận. Nhưng gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng. Shipper chỉ chạy luẩn quẩn trong quận, ra khỏi quận gặp quá nhiều chốt chận. Mà mỗi chốt có mỗi cách hiểu vấn đề khác nhau, toàn giải quyết theo cảm tính nên mất rất nhiều công sức và thời gian.

Nếu giải quyết được khâu ách tắc này, tin rằng sẽ không còn những cảnh xếp hàng dài chờ đợi và thiếu nguồn hàng như ở các siêu thị được chỉ định. Nhu cầu ăn uống là quan trọng và cấp thiết trong những ngày giãn cách đối với mỗi hộ gia đình cho nên việc mất quá nhiều thời gian để được mua hàng hoá gây nhiều khó chịu và ức chế trong dân. Một điểm cần quan tâm nữa là trong các khu nhà trọ, trong những căn nhà thuê, mướn đa số hầu như không có hộ khẩu tại địa phương. Và theo nguyên tắc, họ sẽ không được phát phiếu đi chợ, thế nên họ không được quyền mua hàng như những công dân khác, đó cũng là điều thiệt thòi và bất công. Bởi họ cũng cần ăn, cần được sống như mọi người. 

Bạn hỏi tôi về chuyện tiêm vaccine và bạn cũng nôn nao vì vẫn chưa được địa phương gọi chích dù đã làm giấy đăng ký. Bản thân bạn mới trên 50, không nằm trong diện ưu tiên thì cứ nên kiên nhẫn đợi chủ trương của thành phố sẽ chích cho tất cả mọi công dân trên 18 tuổi. Bạn sợ chích trễ thì sẽ bị tiêm thuốc Tàu, tôi bảo đọc báo đi, lãnh đạo thành phố đã nói với dân là chưa tiêm thuốc ấy vì đang chờ thời gian thẩm định. Đọc rồi tin hay không là tuỳ mỗi người nhé. Nhưng qua đợt tiêm chủng ở thành phố những ngày gần đây, phải công nhận là tốc độ tiêm chủng của thành phố này đã đạt được con số đáng khen ngợi dù trước đó tiến hành và tốc độ có chậm, đôi khi rất rề rà. Đang lúc thiếu nhân lực, dịch bộc phát dữ dội, người nhiễm và người chết cao nhất cả nước, bị hạn chế về nhiều mặt trong việc hỗ trợ từ trung ương nhưng tốc độ tiêm chủng trên 100.000 liều một ngày là điều chứng tỏ sự nỗ lực rất lớn. Theo ông Phó Chủ tịch thành phố Dương Anh Đức cho biết, Bộ Y tế cho phép TP Hồ Chí Minh tháo gỡ một số vướng mắc để tăng tốc tiến độ tiêm vaccine. Trong đó, Thành phố tổ chức tiêm chủng cho tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, nhưng vẫn duy trì ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền và đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine.

Ông Dương Anh Đức còn cho biết, trước đây, TP Hồ Chí Minh yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký đúng đối tượng được tiêm, nhưng lần này Thành phố không giới hạn đối tượng tiêm vaccine. Tất cả người dân đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh trên 18 tuổi đều được tiêm vaccine.

"Việc tổ chức tiêm không quá ràng buộc vào các đối tượng nữa mà quan trọng chúng ta phải tiêm để tạo độ bao phủ nhanh. Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ có nhiệm vụ tổ chức tiêm sao cho phù hợp, quy củ để cho việc tiêm vaccine này được kết thúc nhanh nhất có thể". Với việc mở rộng đối tượng được tiêm chủng, phấn đấu đến cuối tháng 8/2021, có khoảng 70% dân số thành phố (trên 18 tuổi) được tiếp cận vắc xin mũi 1. Đó là con số cần thiết để sớm ngăn chận sự bùng nổ của dịch bệnh. Tuy việc đăng ký và tổ chức nơi này nơi khác cũng còn một số điểm phải khắc phục. Nhưng trong nhiều khó khăn về địa điểm, về nhân lực, về việc phân phối thuốc, thành phố đã tổ chức được việc tiêm chủng như những ngày gần đây là một nỗ lực đáng khen. Được tiêm chủng càng sớm càng tốt là mong đợi thiết tha và chính đáng của người dân. Được chọn lựa và yêu cầu được chích loại thuốc mà mọi người tin tưởng cũng là một yêu cầu chính đáng không có gì phải bàn cãi. Nhiều người cứ cho rằng trong lúc đói thì không nên chọn lựa, phải giải quyết cơn đói trước đã. Thưa rằng chuyện đói và chuyện sinh mạng khác nhau. Khó có thể thuyết phục người ta chọn lựa thứ thuốc người ta không tin tưởng, cũng khó mà cưỡng ép khi người ta chưa thông. Vaccine rất cần, cần lắm và ai cũng nhận thức điều đó. Nhưng cần không có nghĩa là chấp nhận bất cứ thứ gì được ban phát. Dân có quyền được chọn lựa và họ tin tưởng và trách nhiệm với sự chọn lựa của mình. Nếu toàn quốc đều chích một loại thuốc giống nhau, mọi người, mọi tầng lớp đều tiêm chủng chỉ một loại thuốc, lúc đó sẽ không còn tranh cãi về việc chọn lựa. Lúc đó mới gọi là công bằng và bình đẳng.

Những ngày qua, đã có nhiều clip rất cảm động, rất đẹp lòng của nhiều cá nhân, tổ chức và có cả lực lượng công an, dân phòng ở các chốt xuất hiện trên mạng xã hội. Một chị ở Phan Thiết dù chẳng giàu có gì đem 120 triệu ra phân phát cho những người đi xe máy về quê. Một người già gốc Quảng Nam bỏ tiền túi thuê hai chuyến bay cho những người đồng hương được về nhà. Một anh đem chiếc SH của gia đình tặng cho một cậu shipper bị mất xe. Hai vợ chồng đội mưa chạy trên chiếc xe gắn máy đem cơm cho những người sống ở vỉa hè. Một anh cảnh sát giao thông mở đường cho một sản phụ đi sinh. Diễn viên Quyền Linh xông pha khắp chốn hỗ trợ cho người nghèo. Những nhà hảo tâm đến với bốn người thợ xây dựng gốc Thanh Hoá đói ăn, chỉ ăn được mì tôm đã hai tuần vì thất nghiệp, không còn tiền và phương tiện về quê. Một lời kêu gọi giúp cho một cô sinh viên bị mất cha không tiền mua quan tài để tiến hành tang lễ. Và còn nhiều, nhiều lắm những cảnh đời và những vòng tay yêu thương mở ra trong cơn ngặt nghèo giữa đại dịch. Cũng không thiếu những người giàu có lặng lẽ bỏ tiền giúp cho các bệnh viện có thêm máy thở, thêm thuốc men để chữa bệnh. Tất cả đều âm thầm, lặng lẽ làm, không khoa trương, không khoe khoang. Nhưng mọi người đều thấy rõ tình đồng bào của họ. Mọi người tri ân và vô cùng biết ơn. Người Sài Gòn vốn rạch ròi, khí khái và trọng ơn nghĩa, sẽ không bao giờ quên ơn những người đã giúp mình. Bàn tay chìa ra lúc khó khăn có giá trị biết bao lần. Tấm lòng mở ra đúng lúc đem lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao người.

Lãnh đạo từ trung ương đến thành phố và đặc biệt là ở thành phố đã nhìn thấy những quyết định không hiệu quả và quyết tâm thay đổi. Đã thấy xịt khuẩn là chuyện vô ích. Đã thấy không nên chú ý đến con số người dính bệnh mà tập trung để giảm con số tử vong. Đã biết chọn lựa, phân biệt và đưa ra hướng giải quyết cho những F0 có triệu chứng và không triệu chứng để giảm tải cho các khu điều trị và bệnh viện. Giải phóng các khu cách ly, tránh tập trung những đối tượng F1. Giảm gánh nặng cho lực lượng y tế đã đến hồi kiệt sức. Tin rằng với những thay đổi và có cách nhìn mới về biện pháp ngăn chặn dịch và nhanh chóng hoàn tất việc tiêm chủng toàn thành, thành phố sẽ sớm hồi phục.

Mong lắm Sài Gòn ngày bình phục. Mong lắm những ngõ hẻm, vùng sâu của thành phố này không còn ai phải đói. Mong lắm ngày Sài Gòn không còn cảnh khóc thương đưa tiễn người ra đi vì dịch bệnh. Mong chỉ viết về niềm vui và hân hoan chứ không còn những lời than đau đớn. Và cũng mong một ngày rất gần, người Sài Gòn lại có nụ cười, cầm tay nhau, hôn nhau mà không còn e ngại con virus khốn nạn nữa.

4.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ hai mươi bảy.

DODUYNGOC


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget