Latest Post









NỖI LO CÒN ĐÓ.
Tôi vốn là người lạc quan, trong những tình huống ngặt nghèo nhất của cuộc đời tôi vẫn luôn vững lòng tin. Khi Sài Gòn bùng phát dịch và trải qua những chuỗi ngày giãn cách và phong toả thành phố, tôi vẫn tin thành phố sẽ qua được cơn bệnh nặng, sẽ trở lại sinh hoạt bình thường trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, với những tin tức dồn dập mấy hôm nay, tôi lại lo.

Trước tiên là cách thức và các biện pháp của chính quyền để đối phó với dịch bệnh. Hình như càng ngày càng rối. Bác sĩ Trương Hữu Khánh, người lâu nay thường trả lời thắc mắc về virus Vũ Hán cho dân Sài Gòn, bây giờ đã phải thốt lên:"Cuộc chiến này đúng là khốc liệt , khi nhìn khuôn mặt tất cả nhà quản lý đều thấy sự lo toan đến phờ phạc". Đúng, các lãnh đạo đang lo, lo ghê lắm nhưng tiếc thay họ lại không đi đúng hướng. Để ngăn chận dịch không thể chống bằng nghị quyết, Không thể thiếu những ý kiến của các nhà chuyên môn và cũng không thể bỏ qua các kinh nghiệm của các nước. Có những việc chúng ta làm sai cách nên đưa đến hậu quả và tốn kém. Việc phun thuốc sát trùng thật sự không có tác dụng diệt virus chỉ khiến cho không khí càng ô nhiễm hơn và tốn kém. Tổ chức xét nghiệm toàn dân cũng thế vì người đến lấy xét nghiệm âm tính có thể ngay sau đó bị lây nhiễm mầm bệnh. Có thể vì tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc vì tập trung đông người mà lây bệnh. Tình trạng ở sân Phú Thọ và ở chợ Bình Điền đã cho thấy rõ điều đó. Và rồi sau đấy tờ giấy xác nhận âm tính trở thành giấy thông hành chỉ có hiệu lực trong vài ngày khiến cho việc đi lại khó khăn và một dịp cho những kẻ trục lợi. Hơn nữa nó lại gây tốn kém cho dân, đôi ba ngày lại phải đi xét nghiệm để có giấy kết quả mong có lá bùa để di chuyển kiếm ăn. Khi tờ giấy chứng nhận âm tính trở thành giấy thông hành thì việc tầm soát không còn nằm trong lãnh vực của y tế nữa mà nó mang một giá trị hành chánh vô nghĩa. Như thế nó vừa phản khoa học vừa ngăn cản việc đi lại và kiếm sống của người dân. Một lối ngăn sông cấm chợ mới. 

Cứ phát hiện một người dương tính là kéo theo hàng chục, hàng trăm người liên quan gọi là F1, và luôn cả F2. Thế là người nhiễm bệnh vào bệnh viện, người F1 vào khu cách ly. Biện pháp này mới đầu có vẻ thích hợp khi số người dương tính trong một ngày chỉ vài ba người. Thế nhưng khi số người mắc bệnh lên đến con số ngàn như hiện nay ở Sài Gòn và con số F1 lên đến vài chục ngàn thì sẽ vỡ trận vì không còn chỗ chứa. Ở đợt 1 và đợt 2 của dịch bệnh, người bị cách ly ít, được tập trung trong các doanh trại quân đội, những khu nhà vốn là nơi sinh hoạt của hàng trăm, hàng ngàn người nên có đủ điều kiện để sống. Lại được chăm sóc ăn uống, thuốc men chu đáo, được quân nhân và tình nguyện viên phục vụ hàng ngày. Bây giờ ở Sài Gòn người bị cách ly quá đông, không còn chỗ để chứa nên trở thành nhếch nhác và cũng là ổ dịch. Những clip đưa lên gần đây cho thấy rõ điều đó. Một khu cách ly ở trong một trường tiểu học ở phường 7 quận 8 cho thấy hàng núi rác, người bị cách ly già trẻ lớn bé nằm dưới sàn nhà, không có người quản lý, bệnh không có ai quan tâm. Một clip khác cho thấy hàng dãy xe bus và xe cứu thương xếp hàng chờ đưa người lên một chung cư ở quận 12 nhưng không sắp xếp được vì đã quá tải. Một clip khác nữa quay một khu cách ly ở quận 2, cũng trong một chung cư chưa xây xong, thiếu thốn mọi phương tiện, không giường, không thuốc men khi cần thiết. Nó còn tệ hại hơn là các trại tạm cư của thời chiến tranh.

Và trước cảnh nực nội trong mùa hè nhưng không có một phương tiện gì để giải quyết, một người bạn của tôi trước đây là một tour guide của một công ty du lịch lớn, giờ bị thất nghiệp nhưng động lòng bèn kêu gọi mọi người hỗ trợ để mua vài chục chiếc quạt máy giúp cho những người bị cách ly. 

Thật ra những người gọi là F1 đó vẫn là những người có nguy cơ nhiễm bệnh chứ chưa phải là người bệnh. Việc gây nhiễm cho người khác là rất nhỏ cho nên cách ly họ trong điều kiện không được chăm sóc và thiếu phương tiện sinh hoạt như thế là phản khoa học. Ăn uống, thuốc men không chu đáo, những người bị cách ly tập trung lại rất dễ yếu sức đề kháng, bệnh tật dễ nảy sinh. 

Theo nguyên tắc, đúng ra là nên chia nhỏ thành phần này để có thể quản lý và theo dõi, ta lại tập trung nên nguồn bệnh lây lan. Những con số đã cho thấy đa số người nhiễm bệnh đều nằm trong khu cách ly. Ta nên học các nước trong các cơn bùng phát dịch, họ yêu cầu những người đã nhiễm bệnh cách ly tại nhà có sự giám sát của các cơ sở y tế. Một việc làm đúng và ít tốn kém cho ngân sách.

Gần đây, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đề ra biện pháp cách ly tại nhà nhưng lại được viết ra bởi các ông quan bàn giấy, không nắm rõ thực tế của xã hội. Theo chỉ thị này, muốn cách ly tại nhà phải có một số điều kiện nghe qua chẳng hợp lý chút nào. Trước hết phải là nhà ở riêng lẻ, nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập. Nghe là không ổn rồi, nhà ở Sài Gòn chen chúc nhau, nhất là ở các xóm lao động, nhiều nhà còn chung vách lấy đâu ra nhà riêng lẻ như thế? Lại thêm phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Các ông đang mơ đã lên thiên đường cộng sản rồi à? Dân ta còn nghèo lắm các ông ơi, các ông sang chảnh, ở trong nhà như vậy nên các ông cứ tưởng dân ta giờ ai cũng có nhà như các ông sao? Chưa hết, các ông còn đòi cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Ô hô! Nằm mơ giữa ban ngày. Cũng chưa hết nữa, còn phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn. Trong phòng cách ly phải có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt....Thôi, tôi không kể thêm nữa dù còn nhiều yêu cầu xa xỉ các ông còn đòi hỏi. Toàn nói chuyện trên mây dù đang ngồi dưới đất. Để thoả mãn những điều kiện trên, hỏi mấy người đáp ứng được. Bộ thì yêu cầu quá đáng như thế trong khi khu cách ly tập trung của nhà nước thì đến cái chổi quét nhà, miếng giấy đi vệ sinh còn không có mà xài, rác ngập lối đi, cơm thì bữa sống, bữa khê, món ăn nhạt nhẽo dù chi phí cho các bữa ăn một ngày là 80.000 đồng, ngân sách chịu.

Nói tóm lại, khi chúng ta không đủ điều kiện để phục vụ cách ly tập trung, dù biết tập trung như thế là thành ổ nhiễm thì cách tốt nhất là cho cách ly tại nhà. Không nên bắt người F1 tập trung ồ ạt vì cơ bản vào tập trung thì khả năng nhiễm bệnh tăng lên và thực tế đã chứng minh điều đó. Ta có khẩu hiệu" Chống dịch như chống giặc". Nghe rất hay nhưng nghĩ kỹ nó rất vô lý và thiếu nhân văn. Dịch và giặc là hai cái khác nhau hoàn toàn. Giặc có thể nhìn thấy, có thể nhận biết còn dịch virus thì vô hình vô ảnh, nó lơ lửng trong không khí, biết đâu mà chống như chống giặc. Và từ khẩu hiệu đó, người nhiễm bệnh cứ bị xem như giặc, mấy đợt trước bị đem ra bêu rếu trên báo, trên mạng. Giờ thì không còn vậy nhưng người bệnh vẫn bị kỳ thị và xa lánh. Không nên xem họ là tội phạm vì bản thân họ cũng đâu muốn mình là người mắc bệnh. Kết án người nhiễm bệnh là hành vi thiếu nhân văn. Nếu cần, cũng nên cho phép người nhiễm bệnh không triệu chứng được cách ly tại nhà có sự theo dõi của cơ quan y tế. Khi bệnh bộc phát nặng thì đưa vào bệnh viện để chữa trị. Hiện nay hàng ngàn người nhiễm bệnh nằm trong các bệnh viện nhưng cũng chưa được chữa trị gì vì cũng chưa có các dấu hiệu nguy hiểm. Vừa tốn kém vừa gây bất an trong dân.

Sáng nay nhìn cảnh hàng ngàn người và xe chen chúc nhau ở các trạm ở Gò Vấp mà giật cả mình. Kiểu như thế thì bao giờ mới chống được dịch. Nhìn hình thấy anh công an mồ hôi ướt áo mà thương. Chúng ta tự làm khổ nhau, tự lan truyền bệnh cho nhau một cách vô ý thức. Một ngày phong toả là một ngày thiệt hại biết bao nhiêu, khổ sở cho dân biết bao nhiêu. Nếu không ý thức được thì giãn cách sẽ tiếp tục, thiệt hại vẫn tiếp tục và nỗi khổ lại kéo dài ra. Lãnh đạo thì luống cuống, loay hoay, người dân thì nhiều người thiếu ý thức nên mọi chuyện rối như tơ vò. Không phải vì trình độ dân trí nữa, rất nhiều người không phải không có trí nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để được ra đường trong ngày phong toả. Không nói đến những người cần phải đi làm việc, đến cơ quan, công sở, nhà máy. Nhiều người không có việc cũng muốn ra đường, kẻ thì chạy chơi cho biết Sài Gòn vắng vẻ thế nào, người thì để tập thể dục, người lại bảo mua vật dụng, thăm người quen, người vì cuồng cẳng ra đường như một thói quen đưa đến những xô xát, tranh cãi không đáng có với người thi hành phận sự. Tôi xem clip công an đứng chờ anh chàng coi thường mọi thứ cứ ung dung tập thể dục và không mang khẩu trang mà nóng hết cả mặt. Vừa xem thường luật pháp vừa thiếu ý thức.

Thế là dịch bệnh lại có dịp lan truyền vì những người thiếu ý thức. Nhìn cảnh ấy mà lo, mà buồn, mà tự hỏi rồi không biết bao giờ mới  hết dịch. Nhiều chuyên gia phát biểu rằng chỉ có vaccine và vaccine mới có thể ngăn chận dịch bệnh. Thế nhưng với số lượng vaccine phân phối hạn chế cho thành phố như hiện nay cũng như phương cách và chọn lựa đối tượng như đang làm thì dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Không thể là trận cuối cùng như một lãnh đạo thành phố đã tuyên bố. Chống dịch cần khoa học chứ không cần tuyên ngôn và khẩu hiệu.

Mới đây Bí thư thành phố đã gặp gỡ và lắng nghe các nhà chuyên môn tham vấn. Một việc đáng ra phải làm ngay từ đầu những ngày chớm dịch thay vì các quan ngồi bàn mãi với nhau. Nhưng thôi, có còn hơn không. Mong thành phố sẽ có những biện pháp mới hợp lý hơn khi tham khảo các ý kiến của các nhà khoa học và cũng mong các nhà chuyên môn nên nói thẳng, nói thật suy nghĩ của mình để đẩy lui được con virus quái ác và thành phố này sớm trở lại cuộc sống bình thường như vốn có.

12.7.2021

Ngày thứ tư lockdown Sài Gòn

DODUYNGOC


















Đã qua ba ngày theo yêu cầu giãn cách của thành phố, những con đường Sài Gòn nằm yên. Thế nhưng trong lòng của Sài Gòn không nằm yên. Đâu đó vẫn có những địa điểm phát rau, tặng gạo, tặng quà cho người nghèo. Đâu đó vẫn có những người mang hộp cơm trưa, chiều cho người túng đói. Đâu đó trên khắp thành phố này vẫn có hàng ngàn con người mang áo quần bảo hộ giữa cơn nắng gắt của mùa hè để xét nghiệm, để tiêm chủng, để cứu chữa cho những người bệnh. Vẫn còn hàng ngàn tình nguyện viên quên mình vì đồng bào của mình. Vẫn còn đó những người có trách nhiệm đứng giữa lộ, đầu đường để ngăn chận những người tìm đủ mọi cách để ra đường khi thành phố phong toả với mồ hôi đầm đìa.

Và trong những khu lao động, trong hẻm sâu vẫn còn đó những người nghèo và cũng không thiếu những tấm lòng tốt giúp người trong cơn hoạn nạn. Có thể chỉ là bớt hoặc không thu tiền trọ, có thể là bó rau, con cá nhưng chứa đầy tình thương yêu.

Sài Gòn đang cơn đau nhưng xin đừng viết ra những bài ca bi luỵ, khóc than. Sài Gòn không thích những giọt nước mắt. Sài Gòn cần những nụ cười lạc quan dù trong cảnh hiểm nghèo. Sài Gòn vẫn còn những người thiếu ăn trong mùa dịch cần lắm những bàn tay, tấm lòng giúp đỡ, những gói cơm, miếng bánh qua ngày. Nhưng Sài Gòn không chấp nhận kiểu từ thiện ban ơn, bố thí món quà với những lời chửi hạ nhục, bị xài xể. Có người làm từ thiện bằng đồng tiền của nhiều người đóng góp nhưng lúc nào cũng làm kẻ đứng bên trên ban ơn mưa móc cho người nghèo với những lời cay độc. Không cho cơm người mập, không phát cơm cho bụi đời, không cho người sơn móng tay lấy cơm...Nhìn thấy cụ già hom hem, áo quần xộc xệch, rách rưới, bệnh ghẻ lở, tay gãi liên tục, bạn lại tỏ vẻ ghê tởm, sợ lây ghẻ vào người. Bạn ơi! Trong mùa dịch càng lúc càng phức tạp, xã hội phong toả thế này thì vẻ bên ngoài của người ta không nói lên được điều gì về hoàn cảnh thật của họ. 

Bạn đang làm từ thiện kiểu gì vậy? Mập không có nghĩa là không đói, bụi đời lăn lóc vỉa hè mới cần xin ăn, mới túng đói lúc xã hội bị giãn cách, không cho cơm người bụi đời thế anh tặng cơm cho kẻ dư của ăn của để, nhà cao cửa rộng, nệm ấm chăn êm chăng? Làm từ thiện là chia sẻ, là cảm thông và đồng cảm với những số phận. Đằng này bạn tặng cho người nghèo hộp cơm mà bạn lại xỉa xói, móc họng, châm chọc bằng những lời khó nghe, với giọng kẻ cả như vậy là bạn lại tự tạo khẩu nghiệp cho mình. Khi người ta đã hạ mình xuống để đi nhận gói cơm ăn qua bữa, họ đã cảm thấy đau lòng lắm rồi, bạn lại dùng lời nói và hành động của mình làm cho nỗi đau bị xé to ra, nỗi buồn của người ta càng lớn. Bạn xử thế còn thua xa mấy em, mấy cháu tóc nhuộm, tai đeo khoen, những bạn trẻ tôi đã từng thấy tặng quà cho những người lăn lóc giữa đường phố bằng hai tay và cúi đầu chào họ. 

Người ta đã cúi mặt che dấu thân phận mình, bạn lại chọc ống kính sát mặt họ mà tuôn lời cay độc, ác khẩu. Đó không phải là cách làm từ thiện ở xứ này. Người Sài Gòn không có kiểu làm từ thiện như thế. Đó là hành xử của người không có tâm. Người Sài Gòn có người đói ăn nhưng họ khó lòng chịu nhục, và sẽ có lúc bạn sẽ bị chửi lại hay bị ném trả hộp cơm vào người thì mất mặt lắm đấy. Mọi người không quên công lao của bạn nhưng mọi người không thể có chút cảm tình với bạn nên bạn đừng thắc mắc mà than rằng hình như người ta đã bỏ quên câu cám ơn ở nhà rồi. Vẫn biết còn có nhiều người tham lam, cố lấy thật nhiều cho mình. Nhưng bạn ơi! Bạn đang làm chuyện nhân đức thì sao vẫn nặng lòng sân si để tuôn ra những lời nghe trái tai và đau lòng.

Xin cám ơn những người đang quên mình vì đồng loại. Xin cám ơn những hi sinh thầm lặng của những người mặc áo blouse trắng. Xin cám ơn những cô gái, chàng trai, những bà mẹ, bà chị thức khuya dậy sớm lo kiếm thực phẩm, đóng gói, nấu cơm, chế biến thức ăn và lặng lẽ trao tận tay những người đang thiếu thốn. Xin cám ơn những chuyến xe vất vả ngày đêm mang hàng về cho người thành phố. Cũng không quên những đội ngũ luôn gồng mình để giữ trật tự, an ninh phố phường trong những ngày phong toả. Và bên cạnh những lời cám ơn cũng có thêm lời trách và buồn lòng với những kẻ mang danh từ thiện mà vẫn còn ác tâm, xem thường và coi khinh những số phận không may. Khuyên những bạn ấy thật lòng, tốt nhất với kiểu cho như thế thì cũng chẳng nên cho nữa. Của cho không bằng cách cho. Cho kiểu đấy chỉ khiến cho bạn thêm nặng nghiệp.

11.7.2021

DODUYNGOC






NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐƯỜNG PHỐ TRONG THỜI ĐẠI DỊCH

Từ khi Sài Gòn bắt đầu bùng phát dịch đợt thứ tư, tui chỉ nằm nhà viết nhảm. Bạn bè, người thân ở xa gần biết hoàn cảnh của tui nên nhắn tin, điện thoại hỏi ăn uống hàng ngày thế nào? Nhất là khi thành phố giãn cách từng khu vực cả tháng trước, rồi đến lúc hàng quán không còn được mở của thì người hỏi thăm càng nhiều. Câu trả lời thường xuyên của tui là vẫn ổn, cám ơn. Không cơm hàng cháo chợ thì ăn cơm ở nhà, chẳng sao cả. Lâu rồi, đời mình cũng qua. Chỉ rầu là không được gặp anh em bạn bè tán gẫu. Không đi đến được những quán quen để ăn những món mình thích, không được rú xe chạy trên những con phố đầy nắng gió. Hôm nay cũng có mấy lời nhắn bảo giờ không có hàng quán bán mang đi, shipper cũng không có việc, bảo tui có cần chi không, sẽ tìm cách gởi đến ăn qua ngày. Tui nghĩ mình vẫn ổn, lại nhớ đến những đứa trẻ đường phố, trong tình cảnh này không biết sẽ sống ra sao?

Thường ngày tui hay lê la hàng quán, thường lang thang khắp nơi nên quen biết nhiều đứa trẻ đường phố Sài Gòn. Mỗi đứa mỗi hoàn cảnh, một tính nết khác nhau nhưng có điểm chung là phải ra đời sớm vì nghèo. Có đứa là trẻ không cha mẹ, người thân, sống lang thang, bơ vơ sống ở vỉa hè, góc phố gầm cầu. Cũng có đứa sinh ra trong gia đình cơ cực nên phải vào đời kiếm tiền phụ giúp mẹ cha. Cũng có đứa ở trong gia đình bất hạnh, cha hoặc mẹ chết, ở với ông bà đã lớn tuổi nên phải xuống đường kiếm sống. Cũng có đứa vừa đi học vừa đi làm thêm để nuôi cha bệnh hay mẹ ốm đau. Mỗi đứa mỗi số phận mà phận số nào cũng nghiệt ngã cả. Phần đông chọn nghề bán vé số hoặc đánh giày, các bé gái thì bán bông, kẹo cao su ở các quán ăn, quán nhậu, mấy đứa bệnh tật, nhất là mù mắt thì đi kèm người lớn hát ca và bán tăm, cây ngoáy tai. Có đứa mặc đồng phục đi học, có đứa áo thun quần đùi, có đứa nghiêm trang, cộc cằn, có đứa hồn nhiên xem chuyện bán buôn như một cuộc chơi. Tuy không có đứa gian ngoa, trộm cắp, nhưng đứa nào cũng có vẻ già trước tuổi và lọc lõi chuyện cuộc đời. Chính hè phố đã dạy cho chúng điều đó, không thì làm sao mà sống được.

Nghe chuyện của chúng người ta dễ não lòng vì đời đứa nào cũng buồn, số phận đứa nào cũng đầy tiếng khóc.

Bây giờ thành phố buồn hiu. Đường phố không người đi. Hàng quán đóng cửa. Không biết những đứa trẻ đường phố đó sẽ sống bằng gì cho qua cơn đại dịch khốn nạn này. Đâu còn vé số, đánh giày cho ai? Ai còn mua hoa để tặng, ai cần kẹo cao su để nhai, ai cần nghe tiếng hát của đứa bé mù với tiếng đàn não nề của ông cụ già? Trong những con hẻm hắt hiu ở xóm lao động nghèo, trong những dãy nhà trọ chật cứng người, trong những căn nhà tồi tàn, ẩm thấp ao tù nước đọng, ở những vỉa hè, gầm cầu giờ đây những đứa trẻ ấy lấy gì để cầm cự qua ngày. Nhà nước hỗ trợ cho người công nhân mất việc hay nghỉ việc vì cơn dịch. Trợ cấp cho nhiều giới khó khăn vì dịch. Chứ nhà nước có chính sách giúp gì cho các đứa trẻ đường phố đó đâu. Có thể những hộp cơm từ thiện, những gói quà của những người hảo tâm sẽ giúp các cháu cầm hơi qua bữa. Nhưng giờ thì khó thật rồi. Không cho phép người ra đường khi không có lý do chính đáng. Cho phép làm từ thiện nhưng không cho tụ tập trên hai người. Cho phép kiểu đó cũng như là cấm rồi. Tui nghĩ đến những khuôn mặt của chúng khi đến bữa mà không có chi ăn. Tui nghĩ đến những hoàn cảnh khắc nghiệt của từng đứa. Lúc bình thường kiếm miếng ăn đã khó, huống chi bây giờ cả thành phố như dừng lại mọi sinh hoạt của phố phường. Rồi lây nhiễm dịch bệnh nữa. Những đứa trẻ vỉa hè lăn lóc với nắng bụi sẽ là đối tượng rất dễ lây bệnh, ai sẽ giúp chúng? Những đứa trẻ đường phố ấy khi cùng đường rất dễ phạm tội và khi tay đã một lần nhúng chàm, những đứa trẻ ấy sẽ trượt dài vào con đường tội lỗi. Nghĩ đến chúng nhưng bất lực, chẳng biết phải làm gì? Con virus Vũ Hán không chỉ làm cho người ta bệnh, người ta chết vì nó mà còn khiến người ta kiệt sức vì đói, mà buồn nhất đó là những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Định dừng ở đây nhưng chợt nhớ ngày hôm qua trong một bài viết về ngày đầu tiên phong toả ở Sài Gòn, ở phần kết tui có viết: "Mặc cho những thiên vị, mặc cho những thiệt thòi phải gánh chịu dù là thành phố đóng nhiều nhất cho ngân sách, Sài Gòn vẫn cắn răng bước tới với tấm lòng bao dung và với nụ cười." Có một cô, một chị hay một bà nào đó tui không quen biết ở Hà Nội nhảy vào comment mắng tui rằng: ""Mặc cho những thiên vị những thiệt thòi ..." sai bet ..cả nuoc đang tập trung tiêm chủng cho thành phố Hồ Chí Minh đấy ...giờ này đừng nói giọng phân biệt vùng miền đó là những suy nghĩ của những ông già ấu trĩ tự ti .....lạc hậu lắm rồi" ( Tui chép nguyên văn nha). Ô hay, trong bài đó tui có câu nào, chữ nào phân biệt vùng miền đâu mà giãy giụa lên dữ thế? Mời chị, cô, bà đọc lại cho kỹ nhé.

Người xưa bảo: "Lục thập nhĩ thuận, Thất thập tòng tâm sở dục". Nay tui cũng đã cổ lai hy rồi nên cũng chẳng muốn đôi co, cãi lại với câu mắng của chị, của cô hay của bà ấy làm chi nữa.

10.7.2021

DODUYNGOC





Tôi là thanh niên từ miền Trung vào Sài Gòn kiếm cái chữ và lập thân ở đây đã hơn 50 năm rồi. Người Sài Gòn không phân biệt, bất cứ ai đã vào đây, sống ở đây đã là người Sài Gòn. Và tôi đã là người Sài Gòn đã hơn nửa thế kỷ. Tôi đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của Sài Gòn. Từ những năm chiến tranh, bom đạn ì ầm, tiếng phi cơ bay hàng đêm, một góc thành phố hoả châu thắp sáng rồi tiếng đại bác vọng về, đạn pháo kích vào thành phố nhiều đêm. Rất nhiều bạn bè tôi đã chết trong chiến tranh. Nhưng Sài Gòn trong tôi vẫn mạnh khoẻ, tươi vui. Người Sài Gòn vẫn thanh lịch lạc quan trong cuộc chiến. Tôi cũng đã chứng kiến Sài Gòn hấp hối trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh tương tàn. Người Sài Gòn hốt hoảng, lo âu, bi phẫn nhưng vẫn giữ được phong cách của mình. Tôi cũng đã sống với những ngày Sài Gòn nghèo thiếu điện, thiếu củi, thiếu gạo phải sống bằng bo bo với bột mì, cơm hẩm, cá thiu, bệnh không có thuốc chữa và đành ngậm ngùi nhìn những người quen biết lần lượt ra đi về phía biển, nhiều người mãi mãi không đến nơi, thân xác chìm vào giữa biển khơi. Nhưng trong những cơn khốn khó ấy, Sài Gòn không tuyệt vọng. Tôi cũng đã hoà mình vào thời mở cửa của các chính sách để kiếm tiền nuôi vợ con, người Sài Gòn nhiều sáng tạo để cố thoát nghèo với một tinh thần lạc quan tiến tới. 

Nhưng bây giờ thì Sài Gòn đang bệnh, bệnh nặng. Con virus quái ác lấn dần đe dọa làm cho Sài Gòn lo âu. Những con số thống kê hàng ngày làm cho Sài Gòn lo lắng. Ai cũng sợ rồi sẽ đến lượt mình. Và trong cơn đau, Sài Gòn vẫn vững tin, vẫn quên thân mình để chống dịch. Bây giờ là buổi trưa, trưa mùa hè nắng gắt, đâu đó trong các khu cách ly, trong những bệnh viện, trạm xá. Hàng ngàn nhân viên y tế, các bác sĩ, điều dưỡng và cũng hàng ngàn tình nguyện viên, chiến sĩ đang chấp nhận cái nóng nung người, mồ hôi khắp mặt, tạm xa lánh những tiện nghi của một cuộc sống bình thường để lao vào chống dịch. Biết bao bà mẹ đành xa con, xa gia đình suốt mấy tháng nay để bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng. Biết bao người cha, người con đành phải xa nhà, xa cha già, mẹ yếu để tham gia chống dịch. Nhân dân Sài Gòn không quên ơn họ. Hơn 800 điểm đã có virus xuất hiện, dây đã giăng, rào kẽm gai đã chận, biết bao con người đang ngày đêm làm nhiệm vụ của mình để ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh. Tất cả họ đang chiến đấu như những chiến sĩ ở tuyến đầu. Hàng đêm, họ nhường nhau một góc phòng, một tấm chiếu để ngã lưng rồi ngày mai lại lao vào công việc. Sài Gòn xót xa trước những hi sinh thầm lặng của biết bao người với một lòng tin vào chiến thắng. Tôi không thích trong tự điển tiếng Việt có chữ "bùng" với chữ "toang". Sài Gòn cũng không "toang" như nhiều người đang nói. Tôi tin rồi Sài Gòn vẫn đứng vững như rất nhiều lần đã trải qua bao biến cố. Vẫn biết Sài Gòn đang đau, Sài Gòn đang bệnh. Nhưng những tấm lòng của người Sài Gòn đã làm xoa dịu cơn đau. Sức mạnh tiềm tàng đã qua hơn 300 năm của thành phố này sẽ làm dứt cơn bệnh. Tôi tin như thế và mãi tin như thế. Chẳng có chi khuất phục được Sài Gòn.

Tôi đang nghe tiếng thở của Sài Gòn, tiếng thở của một thành phố trong cơn bệnh nặng. Phố đã vắng người đi. Hàng quán đã đóng cửa. 148 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố tạm ngưng hoạt động. Những chiếc xe cấp cứu hú còi liên tục trên các ngã phố. Rất nhiều người nghèo không còn phương sinh kế đang thiếu thốn bữa ăn. Trong những con hẻm ngoằn ngèo chật hẹp của thành phố này, biết bao con người đang cần phải sống chờ qua cơn đại dịch nhưng thiếu cơm, cần gạo. Trên vỉa hè biết bao người không nhà đang tự hỏi làm sao để sống tiếp ngày mai. Quá nhiều người đang lo âu vì bệnh tật và đói nghèo. Sài Gòn trống trải chỉ còn những con đường nằm phơi dưới nắng không có người đi. Nhưng cũng như nhiều lần, Sài Gòn vẫn không tuyệt vọng, vẫn tin vào ngày mai, vẫn tin với sức mạnh và sự lạc quan đã được trui rèn. Sài Gòn sẽ chiến thắng. Bởi Sài Gòn vẫn còn đó những con người biết quên mình để chống dịch. Bởi Sài Gòn vẫn còn đó những tấm lòng đến với mọi người bằng chén cơm, miếng bánh lúc ngặt nghèo. Tôi yêu mảnh đất này và gắn bó với nó vì những tính cách tốt đẹp đó.

Ngày đầu tiên của giãn cách, Sài Gòn như những ngày giới nghiêm trong chiến tranh. Dù không có tiếng nổ của bom đạn nhưng con virus Vũ Hán còn có sức nguy hiểm hơn đạn bom. Trước hòn tên mũi đạn, bom nổ đạn rơi con người phải tìm cho mình một hầm trú ẩn. Trong thời dịch vật này, hầm trú ẩn là những tấm lòng, là lòng tin, là thực hành những nguyên tắc cơ bản để phòng và chống dịch. Sài Gòn không bao giờ "toang", chẳng bao giờ "bùng" vì đất Sài Gòn, người dân Sài Gòn không bao giờ biết đầu hàng số phận. Mặc cho những thiên vị, mặc cho những thiệt thòi phải gánh chịu dù là thành phố đóng nhiều nhất cho ngân sách, Sài Gòn vẫn cắn răng bước tới với tấm lòng bao dung và với nụ cười.

Ngày phong toả thứ nhất ở Sài Gòn 9/7/2021

DODUYNGOC






















Nằm yên đi thành phố của tôi ơi

Vết thương đau giờ đã trở nặng rồi

Dây giăng mắc và ngõ kê dây kẽm

Xóm buồn hiu những con hẻm mồ côi

Nằm yên đi tất cả sẽ qua thôi

Anh lại chở em về thăm quê mẹ

Em lại dẫn con đi vào nhà trẻ

Và chúng mình ghé quán uống cà phê

Nằm yên đi xem như một cơn mê

Lúc tỉnh giấc phố phường xưa vẫn đẹp

Đưa em ra chợ Bến Thành mua dép

Luôn có đôi đâu lẻ bạn bao giờ

Nằm yên đi thành phố với giấc mơ

Qua cơn bão trời sẽ trong xanh lắm

Dứt cơn mưa phố sẽ đầy nắng ấm

Bạn bè ôm nhau tay nắm bàn tay

Nằm yên đi đừng sợ hãi đắng cay

Nghe còi rú cũng chẳng nên hốt hoảng

Mọi chuyện xảy ra đều là gió thoảng

Người sẽ lại về sau bệnh thôi em

Nằm yên đi vết thương rồi sẽ êm

Những tấm lòng ta cùng nhau góp lại

Ta sẽ làm lành nỗi đau sợ hãi

Trôi qua hết rồi còn lại trái tim

Nằm yên đi mai mốt ghé phở Minh

Vô hẻm thân quen ta lại gặp mình

Trưa đến ta về gốc cây đầu phố

Vào quán bình dân không khí rất tình

********

Nằm yên đi thành phố của tôi ơi

Buổi sáng hôm nay lòng thấy bồi hồi

Con phố vắng người gió cô đơn lạ

Ngồi ở bậc thềm thấy đắng đầu môi

Nằm yên đi trại đã chật người rồi

Người áo trắng đã không còn sức nữa

Những hàng quán nay phải đành đóng cửa

Mắt mẹ già nhìn mãi phía xa xôi

Nằm thật yên đi tất cả rồi thôi

Chấm dứt cơn đau thu đã đâm chồi

Cả thành phố này sẽ cùng đứng dậy

Bệnh dứt rồi cây cỏ cũng hoan ca

Anh lại đưa em hai đứa về nhà

Thắp thêm nén nhang cám ơn mẹ cha

Cám ơn cuộc đời qua rồi bão tố

Thành phố trường tồn giữa những phong ba

Nằm yên đi mọi chuyện rồi cũng qua

Sài Gòn năm xưa chắc trở lại mà 

Nghe đâu đó một bài ca thật cũ

Mọi người cùng cười ô hay quá ta!

Sài Gòn từ xưa khoái nghe hát ca

Sài Gòn vui tươi không ưa nước mắt

Sài Gòn lạc quan trong cơn túng ngặt

Sài Gòn bao dung ôm cả sơn hà

9.7.2021

Lockdown Saigon

DODUYNGOC

Ảnh lượm trên báo


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget