Latest Post



Sau một hồi nói chuyện qua điện thoại, Dung báo cho tôi:
“Bác biết chuyện gì xảy ra cho ba cháu chưa?”
“Chưa. Chuyện gì?“
“Ba cháu đã vào chùa, xuống tóc đi tu từ hơn nửa năm nay. Ba cháu hiện tu ở một chùa gần thành phố bác ở. Ba cháu không cho ai biết chuyện ông đi tu. Giấu không cho biết tu ở chùa nào. Cháu mới tìm ra. Cháu định tháng tới qua thăm, và rủ bác cùng đi thăm luôn. Gặp bác chắc Ba cháu mừng lắm.”
“Bác cũng mong gặp ba cháu. Lâu rồi, ba cháu và bác chưa gặp lại nhau. À, mà sao ba cháu có quyết định đi tu? Tại sao lại phải giấu chuyện tu hành. Ði tu, chứ có phải đi tù đâu mà giấu diếm. Còn mẹ cháu thì sao?”
Dung ậm ừ, như không muốn nói. Một lúc sau mới trả lời:
“Mẹ cháu vẫn bình thường. Vẫn oai phong như cũ. Thật ra ba cháu không cho ai biết tu nơi nào, vì sợ mẹ cháu đến phá đám. Bốn tháng trước, ba cháu tu tại một chùa gần West Virginia, mẹ cháu đến làm ồn ào, bắt ba cháu trở về. La mắng cả sư cụ, xỉ vả ông ta đủ điều, còn phao vu lên là sư cụ đồng tính luyến ái với ba cháu. Thiệt tình! Mẹ cháu nói rằng, ba cháu đức mỏng, đừng tu làm chi cho phí công. Lỡ có lên được niết bàn, cũng chỉ đi bưng ống nhổ cho thiên hạ, vì kém công đức. Về địa ngục, may ra còn được đi làm thơ ký, gác gian, đỡ nhọc nhằn hơn, bởi tội lỗi cũng không nhiều lắm. Nhà chùa khuyên ba cháu đi tìm nơi khác mà tu. Ý họ muốn đuổi khéo. Ba cháu ra đi, như đi trốn. Thật buồn.”
Tôi cười khà khà, rồi an ủi Dung, người con gái út của bạn cũ:
“Thôi, cháu đừng buồn. Ði tu là giải thoát khỏi mọi khổ đau, hệ lụy. Biết đâu rồi Ba cháu cũng thành một Đức Phật nho nhỏ nào đó. Cháu biết không, ngày xưa Ðức Thích Ca Mâu Ni nửa đêm cũng trốn hoàng cung ra đi, bỏ lại vợ con, ngai vàng, để tìm đạo. Trường hợp ba cháu, sao cũng có phần tương tự.”
“Thôi, để gặp bác, cháu sẽ nói nhiều hơn. Không chừng bác có thể khuyên ba cháu trở về. Ba cháu chỉ còn có bác là bạn thân nhất, chưa buồn giận ba cháu mà thôi. Ba cháu thường hay nhắc đến bác với giọng thân thiết lắm.”
Hai tuần sau, tôi lên phi trường San Francisco đón Dung, con gái út của Hùng, người bạn cũ từ thời còn cắp sách đến trường. Hai bác cháu từ nhiều năm không gặp, mà nhận ra nhau ngay. Dung giống mẹ của cháu thời còn con gái. Nhỏ nhắn, trắng trẻo, mặt hơi xương, có nụ cười toét hai vành môi ra đến mang tai, nụ cười tinh nghịch, dí dỏm. Ba mẹ của Dung đều là bạn cũ ngày xưa. Thật ra, thì mẹ Dung là em gái của bạn tôi. Tôi biết bà từ khi mũi xanh còn hít vào trồi ra và dùng tay áo mà quẹt mũi. Bà xem tôi như ông anh trong gia đình, hay vòi vĩnh bánh quà.
Dung ôm ngang người tôi và nói:
“Lạ thật, bác không thay đổi gì cả, cháu nhận ra bác ngay. Tóc bác còn dày và đen. Ðầu ba cháu hói láng, chỉ còn cái vành tóc thưa sau đầu mà thôi”.
Tôi cười với cháu:
“Ðầu bác là ‘phồn vinh giả tạo’ cháu à. Bác nhuộm tóc. Còn ba cháu, thì có tóc đâu mà gọi là xuống tóc đi tu? Ông ta đã là sư cụ từ lâu rồi mà!”
Hai bác cháu cùng về trên con đường xa lộ có xe cộ nêm cứng và khói bụi lù mù. Cái giọng nói nhão nhẹt, ướt rượt kéo dài những tiếng sau cùng của Dung, làm tôi nhớ đến bà Thu, mẹ của Dung. Bà là người con gái út trong một gia đình toàn anh trai, nên được cưng chìu, và nhõng nhẽo với các anh, với cha mẹ, và cả với mọi người chung quanh. Bà thông minh, học giỏi, ganh đua với bạn bè, không chịu thua ai. Khi lên đại học, bà đỗ ba cái bằng cử nhân cùng một năm. Thông minh, học giỏi nên bà thường kiêu hãnh. Bà lạm bàn cả chuyện chính trị, kinh tế. Nhiều khi bà nói hăng say đến nước bọt đóng trắng bên mép. Mỗi lần có vấn đề lâm vào một cuộc tranh luận với bà, thì tôi thường thoái thác:
“Thôi, anh chịu thua cô. Khi nào cô cũng có lý hơn người khác cả. Tội gì mà tranh luận thắng cô, để cô nhè nước mắt ra, ai mà dỗ cho được.”
“Thua thì phải có chầu phở, bún bò gì chớ. Thua không thôi thì ai mà chịu cho.”
Rồi bà cười hăng hắc thích thú, không giữ gìn ý tứ gì cả.
Tôi liếc nhìn qua cô cháu gái đang ngồi, hai tay đan nhau, tôi nói:
“Cháu giống mẹ cháu quá. Từ dáng điệu cho đến giọng nói.”
Dung có vẻ không bằng lòng sự so sánh của tôi. Mặt cháu hơi buồn. Im lặng một lát, Dung nói nho nhỏ:
“Không giống đâu bác à. Mẹ cháu cứng rắn lắm. Cháu thì mềm yếu, có lẽ cháu giống ba cháu nhiều hơn.” Tôi nói nho nhỏ:
“Ðúng. Mẹ cháu cứng rắn. Bác biết điều đó từ thời bà còn nhỏ. Nhưng có chết ai đâu?” Dung nói nhỏ như hơi thở:
“Có. Chết một đời ba cháu.”
Hai bác cháu im lặng cho đến khi về đến nhà. Vợ tôi đón và thân mật ôm lấy Dung: “Trời, cháu giống hệt mẹ cháu.” Dung lại thoái thác:
“Không giống đâu bác.”
Vợ tôi không hiểu ý nói tiếp:
“Giống hệt như đúc ra từ một khuôn. Từ dáng điệu, cử chỉ, và nhất là giọng nói, ướt và ngọt như mật đổ ra đầy bàn. Thôi cháu thay áo quần, tắm rửa đi mà ăn cơm. Ðường xa, bay nhiều giờ mệt nhọc. Tiếc hai thằng con trai của bác lấy vợ sớm quá, không thì cháu về làm dâu nhà bác cũng vui.”
Trong bữa ăn tối, Dung đưa nhận xét:
“Hai bác sao hạnh phúc quá. Tâm đầu ý hợp. Bác trai nói gì, bác gái cũng đồng ý vui vẻ. Bác gái nói gì, bác trai cũng phụ họa, thân mật. Ba mẹ cháu không được như vậy. Mẹ cháu khi nào cũng đầy cả uy quyền. Khi nào cũng khích bác, chê bai. Ba cháu thì có khi im lặng đến rợn người.”
Vợ tôi nói với cháu:
“Cãi nhau làm chi hở cháu? Vợ chồng tranh hơn thua làm chi? Hơn thì được cái gì, mà thua thì bực mình, và gia đình mất vui. Ngày xưa, bác cũng thích cãi vã, hay cằn nhằn, nhưng rồi học được trong sách vở, học được từ bạn bè, thay đổi dần dần, và thấy không khí gia đình vui vẻ, thân mật, ấm cúng hơn. Hạnh phúc gia đình phải tạo ra, không phải tự nhiên mà nó đến với mình. Trồng cây cũng phải tưới bón đều đặn, hạnh phúc gia đình cũng phải xây dựng, chăm bón không ngừng.”
Dung nhìn vợ tôi với ánh mắt hơi buồn và hỏi:
“Mục tiêu tối thượng của con người trên thế gian nầy là đi tìm hạnh phúc, thế mà sao không có một ngôi trường nào mở ra, để dạy cách sống hạnh phúc cho mọi người? Trường dạy về khoa học, nhân văn, xã hội thì quá nhiều. Nhưng cái môn học quan trọng nhất là sống sao cho hạnh phúc, thì không có một ngôi trường nào cả, cũng không là một bộ môn nhỏ của những trường lớn. Sao vậy hở bác?”
Nghe câu hỏi ngộ nghĩnh, tôi cười:
“Có chứ, có khắp nơi. Ðó là nhà chùa, nhà thờ, đền thánh. Ở những nơi đó, các vị tu sĩ cũng giảng dạy tín đồ, sống sao cho hạnh phúc. Tìm hạnh phúc cho riêng mình, và đem hạnh phúc rải rắc cho những người bất hạnh chung quanh. Kinh điển dạy con người làm lành, tránh ác. Ðem kiếp sau ra hù dọa, để ngăn ngừa cái ác, cái xấu. Phải biết kiêng, biết sợ một cái gì đó, mới dễ dàng ngăn cản cái xấu trong mỗi người bùng dậy. Ngoài ra, còn có những khóa hội thảo, sách viết về hạnh phúc cũng tràn đầy trên thị trường, đọc không hết, sợ không đủ tiền để mua. Ngay cả kinh Phật, kinh Thánh, kinh Koran cũng là những cuốn sách dạy về hạnh phúc đó cháu à.“
“Không. Cháu muốn nói đến một ngôi trường chính thức, để người ta theo học một cách nghiêm chỉnh. Có cấp bằng, có thi cử đàng hoàng. Có học kỹ mới thấm, chứ đọc qua, nghe qua, thì mau quên lắm, và chỉ biết lơ mơ, nhớ lơ mơ cho nên không thi hành những điều học được. Bởi vậy, nên trên thế gian nầy, chính con người làm khổ con người nhiều nhất. Con người gây rắc rối cho con người nhiều nhất. Bác có đồng ý không?”
Tôi nhìn Dung, tuổi trẻ mà có những ý nghĩ chín chắn, lạ lùng. Chuyện gì đã xẩy ra trong đời cháu, để cháu có những suy tư đó? Dung ngần ngại nhìn hai vợ chồng tôi và tiếp:
“Bác không đồng ý là chính con người gây tai vạ, gây khổ đau cho con người nhiều hơn là thiên tai, thú dữ và các thứ khác sao? Từ tranh chấp thế giới, chiến tranh, cho đến tranh chấp chính trị, tranh chấp quyền hành. Con người bày ra để làm khổ nhau, trong lúc đó, khi nào cũng hô hào, tuyên bố rằng nhân danh hạnh phúc, để tạo ra những khổ đau, khó khăn cho người khác. Cháu thấy trong các cơ sở chính phủ, cơ sở kinh doanh thương mãi, và cả những người hành nghề tư nữa, lâu lâu cũng có một khóa tu nghiệp. Ðể người ta ôn lại nghề nghiệp, và theo kịp các kỹ thuật tân tiến, để khỏi thụt lùi và lạc hậu. Nhưng không có lớp tu nghiệp nào về hạnh phúc gia đình. Ðể người ta nhắc nhở và dạy bảo đúng cách làm cha mẹ, làm con cái, làm anh em, làm chồng làm vợ. Không trường, không lớp, cho nên mỗi người tự học lấy, tự tìm lấy, có người may mắn học được những điều hay, tốt, có người thiếu may mắn, không học được gì cả, hoặc học được toàn điều xấu xa, mà không biết đó là xấu, là nguy hại, là phá vỡ hạnh phúc mà họ đang kiếm tìm. Cháu nghĩ là phải có những khóa tu nghiệp thường xuyên về gây dựng hạnh phúc, mà mỗi người làm cha, làm mẹ, làm con, làm chồng làm vợ, phải tham dự hàng năm, hoặc hàng hai năm một lần. Ðể đừng quên, để nhắc nhở, để học thêm. Bởi cuộc đời nầy, tiền bạc, danh vọng, tiếng tăm, cũng chỉ để mà tìm kiếm và vun xới cho hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình mà thôi. Quan trọng như vậy, mà thiên hạ không đặt thành vấn đề. Những người cầm quyền, nhân danh đem lại hạnh phúc cho nhân dân, cũng không có một ngân khoản, một cơ quan chính thức nào chăm lo cho vấn đề quan trọng nầy.“ Tôi nói đùa:
“Hay là cháu mở một cơ sở kinh doanh, một trường đại học dạy hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cá nhân. Kêu gọi các nhà đầu tư, bán cổ phiếu sinh lời. Một ngôi trường đại học mới, cho tất cả mọi công dân, là môn học bắt buộc, là môn tu nghiệp phải có hằng năm, không thì bị phạt vạ.”
Cả ba chúng tôi đều cười vui vẻ. Dung nói tiếp trong ánh mắt tinh nghịch:
“Phải đó bác à. Gia đình lục đục, li dị, con cái hư hỏng, gây tội ác, vợ chồng giết nhau, tốn kém ngân sách của quốc gia nhiều lắm, dân chúng phải đóng thuế để trang trải cho cái thiếu hạnh phúc trong xã hội. Phí tiền quá. Bác nói trường đại học? Cháu nghĩ rằng, phải mở lớp từ sơ đẳng trở đi. Vì cháu thấy nhiều gia đình, nhiều người lớn tuổi, có đủ thứ bằng cấp, bằng cấp cao, mà xử thế như một kẻ không có chút hiểu biết nào về ý niệm hạnh phúc. Phải xem họ như những kẻ thất học về bộ môn xây dựng hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc cho người chung quanh. Có thể họ thông thái về khoa học, nhân văn, xã hội, nhưng họ là một kẻ thất học về thứ khác, thứ mà họ cố công theo đuổi trong đời người: hạnh phúc.”
Vợ tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn Dung. Buổi tối trước khi ngủ, vợ tôi thầm thì:
“Khổ đau nào đã làm cho con bé chừng đó tuổi có những ý nghĩ lạ lùng kia? Tội nghiệp. Trường dạy hạnh phúc? Ðâu phải là vô lý. Ðời cũng là một trường học, mà phải vấp ngã, phải đớn đau, mới nhận chân ra ý nghĩa, tìm được phần chân lý.”
Tôi thao thức nghĩ đến bà nội tôi, học vấn của bà rất ít, chỉ đọc được năm ba chục chữ nho. Bà dạy con, dạy cháu qua ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ. Việc nào cũng có một câu thích ứng, khôn ngoan để nói ra. Nhắc đi nhắc lại mãi, làm nó len vào ký ức của con cháu, không thể quên, không phai được. Những câu như: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Chồng giận thì vợ làm ngơ, đừng đổ thêm dầu lửa vở nhà thiêu. Một câu nhịn là chín câu lành. Thương người như thể thương thân. Ðiều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Anh em như thể tay chân. Ðược mùa chớ phụ môn khoai. Vân vân và vân vân.” Trong đầu bà tôi, có cả một kho tàng ca dao, những câu nói khôn ngoan của người xưa, mỗi ngày bà nhắc đi nhắc lại cho con cháu nghe, như những lời hướng dẫn cách ứng xử trong cuộc đời thường. Ông anh con bác tôi, thường chế nhạo bà, sửa câu nói của bà, mà cười, và nói thầm với tôi: “Một lần nhịn là chín lần nó cưỡi lên đầu mình. Anh em như thể râu ria. Ðược mùa thì tội gì mà đớp môn khoai...” Ðó là thời anh còn nhỏ, lớn lên, tôi cũng nghe anh dạy con cái bằng những ca dao mà mà bà tôi thường nói ngày xưa.
Buổi sáng thứ bảy, sau bữa điểm tâm, tôi chở Dung lên chùa thăm ba của cháu. Trời mát, nắng vàng, cỏ cây xanh tươi. Xa lộ vắng, ít xe, tay lái khoan thai, và trí óc thư dãn. Tôi vặn nhạc. Tiếng nhạc vui tươi, dồn dập, như đổ thêm nguồn sống đất trời.
“Trời đẹp quá bác nhỉ. Nhạc vui làm tinh thần hăng hái thêm. Có khi nào bác nghe nhạc buồn không? Nhạc Việt Nam mình, nhiều bài nghe buồn đứt ruột, buồn đến rã rời thân xác, mềm nhũn tâm trí ra.”
“Có, thỉnh thoảng bác cũng nghe nhạc buồn. Ðể khơi một chút đau đớn, một chút nhớ thương, đưa hồn đi lạc về kỷ niệm xa xưa. Cũng là một chút khoái lạc trong xa xót mênh mang. Nhưng chỉ thoáng chốc thôi và không thường xuyên. Hai bác thường ngày nhắc nhủ nhau rằng chuyện không vui thì quên liền đi, chuyên bực mình đừng than vãn, rán nói với nhau những chuyện vui, những lời tử tế.“
“Lạ thật, chưa ai dạy cho nháu những điều bác vừa nói. Ba mẹ cháu ít khi nói chuyện với nhau bằng giọng tử tế cả. Có thể nào ... bác khuyên khéo ba cháu trở về với gia đình không? Mẹ cháu buồn lắm, cứ ngẫn người ra, cháu sợ mẹ buồn mà phát bệnh, thì khổ lắm.”
“Ðể xem, bác không dám hứa, nhưng thuận tiện thì bác sẽ nói.”
Hai bác cháu vào chùa. Chùa là một đơn vị gia cư được sửa lại, phòng khách lớn làm niệm Phật đường. Có một tượng Phật ngồi mà cái đầu quá to và dài so với thân mình. Phần nhà xe được nới rộng, che mái chạy dài ra ngoài sân sau, làm trai phòng. Sư cụ đưa chúng tôi ra sau vườn. Hùng, bạn tôi, bố của Dung, mang bà-ba màu tro nhạt, đang ngồi giặt áo quần bằng tay, bên vòi nước. Hùng ngững đầu lên nhìn, với vẻ ngạc nhiên. Hai tay anh còn dính đầy bọt xà phòng. Anh vội vã đứng dậy, ôm chầm Dung và tôi vào hai vòng tay mừng vui, nói: “Khỉ. Ai cho các người tới đây quấy rầy kẻ tu hành!”
Tôi trả lời:
“Phật có cấp giấy phép cho tôi đến thăm ông. Ðừng lộn xộn. Tu là bỏ hết bạn bè, bỏ con cái hay sao?”
Bạn tôi xả xà phòng bộ áo quần nâu, và treo lên dây phơi nắng, như ngày xưa còn ở Việt Nam. Dung nhìn theo bố với ánh mắt thương cảm:
“Ở đây không có máy giặt hay sao?”
“Chùa không có. Chỉ giặt một bộ thôi, giặt tay cho mau. Ba chỉ có hai bộ quần áo để thay đổi. Hai ngày, thay ra thì giặt liền.”
Hùng đưa chúng tôi vào trai phòng, ngồi trên băng dài nói chuyện. Trà đậm chát trong bình thủy được rót ra ba chén nhỏ. Hùng cười, nụ cười rất hiền và đầy thương mến, hỏi Dung:
“Cả nhà vẫn bình thường chứ?”
Dung nhìn bố, chớp mắt, buồn buồn, giọng hơi hạ xuống:
“Không bình thường ba ạ. Mẹ con xuống tinh thần, và mong ba trở về sớm.”
Hùng nhìn con gái, rồi nhìn tôi. Hơi lúng túng, sau một tiếng thở dài, Hùng nói một hơi dài:
“Dung à. Nhân sẵn có bác đây, ba nói ra cho con nghe, cũng để bác chia sẻ tâm sự của ba. Ba muốn nói với bác từ lâu, mà chưa có dịp. Ðời ba, có ba lần sung sướng nhất, xem như chết đi sống lại. Lần thứ nhất là ra khỏi trại tù cọng sản. Ðược ra tù, ai mà không sung sướng cho được, nhất là thứ tù mà không có án, không có thời hạn giam giữ. Lần thứ hai là khi vượt biên, đặt chân lên đất Mã Lai, dù bị dân họ đánh đập, xua đuổi, nhưng thấy được ánh sáng tự do trước mắt. Mừng đến khóc. Và lần thứ ba, ra khỏi chính nhà mình, vào chùa đi tu. Ba thấy mình như một tên tù chung thân thoát được ngục tù. Trong ba lần đó, đem so sánh, thì lần sau cùng nầy là sung sướng nhất, khoan khoái nhất. Ba là một kẻ nhu nhược, hèn nhát. Ba tên là Nguyễn Hổ Hùng, ba xấu hổ với cái tên của mình. Chẳng có hùng hổ tí ti nào cả. Ðáng ra, phải đổi thành Nguyễn Dun Dế mới đúng. Chính ba cũng tự khinh mình. Tại sao? Tại vì ba thương các con, không muốn các con thấy gia đình lục đục, mất hạnh phúc. Không muốn gieo vào tâm trí non nớt của các con những muộn phiền về một gia đình thiếu hòa thuận. Nó sẽ có thể ảnh hưởng đến suốt đời, ảnh hưởng tới việc học, tới tương lai sau nầy của các con. Nhưng ba cũng đã làm gương xấu cho các con về sự bất lực, yếu đuối, bị ức hiếp, chèn nén mà nín lặng chịu đựng. Mẹ con đã ức chế ba trong mấy chục năm nay. Nói ra thì xấu hổ, nhưng có thực, ban đầu thì vì muốn yên nhà yên cửa mà chịu nhịn, nhưng dần dà về sau, nó thành nỗi hèn nhát, sợ hãi. Cái sợ nó xâm chiếm trong ba, không biết từ bao giờ, nhưng lo sợ thường trực. Sợ mẹ con. Khi nào cũng nơm nớp sợ. Nghe tiếng mẹ con ho cũng giật mình, nghe tiếng dép của mẹ con, trong lòng cũng không yên. Nghe tiếng mẹ con nói gì đó với ai, cũng lo là lỡ mẹ nói với ba, mà ba không nghe kịp, thì sẽ có gây gỗ, có lôi thôi. Trở thành phản xạ có điều kiện, như con chó trong thí nghiệm tâm lý, cứ nghe tiếng chuông là chảy nước miếng. Ba sợ mẹ con gây gỗ, khóc lóc, cằn nhằn, nói những điều khinh bạc làm ba đau đớn, gán cho ba những tội lỗi mà ba không sai phạm. Sự lấn ép của mẹ con, mỗi ngày một chút, từ từ, tiệm tiến, nhưng vững chắc và quá đáng.
Ngay từ khi ba mới bảo lãnh được cho mẹ và các con từ trại tị nạn đến Mỹ, mẹ con ngày đêm khóc lóc, tra hỏi ba làm gì trong bao nhiêu năm, mà không mua được căn nhà, phải đi ở thuê. Mẹ con còn nói là ba không gởi tiền về giúp đỡ. Không gởi tiền về, làm sao mà mẹ sống phong lưu, và đi vượt biên mấy lần mất tiền, bị lừa. Không gởi tiền về thì làm sao mà đi vượt biên được. Hồi ba mới đến Mỹ, tiếng Anh tiếng u còn ấm ớ, nghe không được, nói không ra hơi, phải đi làm lao động chân tay, lương tối thiểu. Công việc thì khi có, khi không. Làm một lúc ba việc, ba nơi khác nhau. Ngày đi làm thợ gói hàng, tối đi làm an ninh canh gác, thứ bảy chủ nhật theo các nhóm người xứ Nam Mỹ đi hái trái ớt, hái dâu cho các nông trại. Trời nóng như lửa đốt trên lưng. Làm việc lãnh lương theo khối lượng dâu, ớt hái được. Cong lưng trên ruộng dâu suốt ngày, cái lưng đau như muốn gãy đôi. Hai tay thì đen kịt như nhúng bùn vì màu nhựa cây, phải chờ lột da mới hết đen điu. Mỗi đêm chỉ ngủ có ba bốn giờ. Bao nhiêu tiền làm được gom góp gởi về cho mẹ con, hy vọng có ngày gia đình sớm đoàn tụ. Ba chỉ ăn mì gói, hột gà, gà kho quanh năm. Nhà cũng không dám thuê, chỉ chia phòng ở trọ. Thế mà mẹ con cứ khóc lóc, cả ban ngày, ban đêm, những khi đi chợ, đi chơi, hỏi tiền để đâu cả. Ðem cho con bồ nào. Những dằn vặt nầy, kéo dài cho đến gần cả chục năm cũng chưa dứt. Ba khổ tâm lắm, giải thích cách nào mẹ con cũng không nghe, không chịu hiểu. Ban đầu thì không hiểu, nhưng về sau, thì giả vờ không hiểu. Ba cũng thông cảm, vì không phải chỉ mình ba bị ở trong hoàn cảnh nầy, mà nhiều bạn bè ba cũng phải chịu cái dằn vặt tương tự của những người vợ qua sau. Hỏi sao ai cũng mua nhà cả, mà ba không mua được. Tiền để đâu? Phải cả hai vợ chồng cùng đi làm, và làm công việc có đồng lương kha khá, mới gồng mình lên mua được căn nhà. Chứ mới qua Mỹ, chưa có việc chuyên môn, chưa có việc lương khá, và bao nhiêu tiền dể dành, thì lo chuyển về Việt Nam cho vợ con cả. Lấy gì mà mua nhà. Ai bán cho. Ngân hàng nào cho vay. Mà có mua được, cũng làm sao có tiền trả hàng tháng? Mẹ con than vãn, so sánh với những gia đình khác. Khi nào cũng thở dài, thở ngắn, cằn nhằn và chê bai. Ba cũng đã làm hết sức mình, nhưng không làm sao cho mẹ con bằng lòng. Có lẽ ba cũng có phần lỗi, vì không đủ tài cán, không đủ may mắn để làm ra thật nhiều tiền, và có những phương tiện vật chất như mẹ con mong muốn.
Trong nhà, ba như một tù nhân, một tên đầy tớ, một tên nô lệ. Mẹ con như một bà chủ, một bà mẹ chồng khắc nghiệt đời xưa, luôn luôn dòm ngó, phê bình, nạt nộ ba. Ba co rúm người lại trước cái nhìn quắc mắt của mẹ con. Trong bữa ăn, nếu ba vô tình làm rớt hạt cơm, hay chút thức ăn ra bàn, là mẹ con mắng ba xối xả, chê bai và nói những lời tàn nhẫn trước mặt con cái, trước mặt bà con, họ hàng. Bởi vậy, nên trong mỗi bữa cơm, trong lòng ba cũng không yên, cũng lo lắng sợ vô tình làm rớt giọt canh, rơi cọng rau. Mất hết cả tự nhiên, mất hết cả sinh thú trong khi ẩm thực. Lo lắng, khi nào cũng lo lắng không nguôi. Còn mẹ con thì làm đổ cả tô canh, làm rớt cả dĩa thức ăn ra sàn nhà, vỡ tan tành, cũng không ai dám nói một lời nhỏ. Những lúc nầy, ba chỉ an ủi mẹ con là không can gì, ai cũng có lúc sẩy tay. Nói lời an ủi, mà cũng sợ bị quật lại bằng những câu nói đau lòng.
Khi ba quét nhà, lau chùi bàn ghế, mẹ con cũng đưa mắt dòm ngó vào các hốc kẹt để tìm cọng rác bỏ sót, đưa ngón tay quẹt vào góc bàn, xem có còn bụi bám hay không. Ðể rầy rà ba, chê ba cẩu thả, làm biếng. Và bắt ba phải quét lại, chùi lại. Khi ba rửa chén bát, mẹ con cũng đứng chỉ huy và cằn nhằn, tại sao không rửa cái nầy trước, cái kia sau, và giảng giải về cách tổ chức công việc cho khoa học. Ba đã từng rửa chén bát nồi niêu ở nhà hàng, cả ngàn cái mỗi ngày, chưa có ông chủ bà chủ nào chê bai than phiền cả. Những khi ba đang dở tay làm một công việc gì đó, như đang đứng trên thang cưa cây, hoặc sơn lại bức tường, mà mẹ con nhờ làm việc khác, dù việc nhỏ nhặt đến đâu, cũng phải buông tay mà làm ngay, không làm liền là có ồn ào, làm liền thì mẹ con lại chê bai trách mắng ba tại sao không dẹp cái thang, tại sao còn để thùng sơn đó. Việc gì ba làm, mẹ con cũng trách móc, uống nước chưa xong, mẹ con cũng lườm mắt hỏi sao không cất cái ly ngay, và chê ba làm biếng. Cất con dao vào chạn, mẹ con cũng kiếm cớ mà phàn nàn, nhăn nhó. Áo quần đang thay, chưa cất kịp, cũng la hoảng lên. Con biết hết những điều đó. Ba nhắc lại cho bác nghe, để bác biết cho tình cảnh của ba. Mỗi lần lái xe cho mẹ con đi đâu, là cả một cực hình, dọc đường, cứ thế mà mẹ con ra rả than vãn đủ chuyện, chê trách ba đủ điều, bới móc chuyện xưa từ mấy chục năm trước để mắng mỏ ba, dù cho ba không hề sai phạm. Khi lái xe trên đường, thì mẹ con như ông tướng ra lệnh, với giọng hách dịch sai bảo, lái mau, lái chậm lại, quẹo phải, quẹo trái. Chưa nghe mẹ con ra lệnh với cái giọng dịu dàng bao giờ. Ba là chồng, không phải là tài xế, không phải là kẻ nô lệ.
Tài xế mà nói với giọng hách dịch như vậy, thì họ cũng bỏ việc, hoặc chửi lại cho nhục nhã. Mỗi khi lái xe, ba vừa bực mình vì những lời khó nghe của mẹ, vừa lo lắng sợ đi lạc đường. Nếu chỉ lạc đường một đoạn ngắn, thì mẹ con làm như trời đất long lở, làm như ba phạm tội sát nhân không bằng. Mấy lần, người khác bất cẩn, cọ quẹt vào xe mình, thế là ba lãnh đủ, bị mẹ con cằn nhằn, xỉ vả, nhiếc móc ba cả năm trời. Và thỉnh thoảng cũng còn nhắc lại. Và khi mẹ con đọc báo, xem truyền hình, thấy những chuyện xấu xa xẩy ra trong xã hội, là mẹ con xỉ vả, chửi bới, trách móc, làm như chính ba là kẻ tội phạm. Có khi ba phát cáu, gắt lên, mà mẹ con cũng không tha, cứ tiếp tục hành hạ ba bằng những ngôn từ không tử tế. Vào tiệm ăn, bao giờ mẹ con cũng giận ba, vì không lấy đũa muỗng kịp thời cho mẹ, vì không lấy đủ khăn giấy, hoặc pha trà cho mẹ con quá đầy, quá vơi. Chưa bao giờ đi ăn tiệm chung với mẹ con, mà ba được quyền lựa chọn món ăn mình thích. Bởi vậy, những buổi trưa đi làm, ba thích ngồi ăn một mình trong tiệm, thấy lòng thanh thản, nhàn nhã, và sung sướng lắm. Thế nhưng nhiều khi mẹ con cứ bắt ba bới cơm theo, để tiết kiệm tiền. Mỗi sáng đi ra khỏi nhà, đến sở, ba cảm thấy bình yên, sung sướng, và thấy bạn bè, đồng nghiệp tử tế với mình quá. Ngồi trong sở, ba thấy vui hơn ngồi trong chính ngôi nhà mình. Trong sở, ba được xem là người cẩn thận, chăm chỉ, thường được giao đảm trách những dự án khó khăn. Thế nhưng, mẹ con xem ba là người cẩu thả, làm biếng, cái gì ba làm, mẹ cũng chê bai. Mỗi buổi chiều tan sở, ba nấn ná để về nhà chậm hơn, lái xe chậm hơn, vì về đến nhà là nỗi lo sợ dâng lên trong lòng. Mở cửa nhà, mà lòng không vui, nghe tiếng mẹ con nói là giật mình, hoảng hốt. Có khi về nhà, phải đi nhè nhẹ, sợ mẹ con biết ba đã về. Mỗi đêm, ba cũng không có quyền thức đêm đọc sách, xem truyền hình, mẹ con ra lệnh đi ngủ, là phải gấp gấp thi hành. Không thì tru tréo lên, làm ầm nhà ầm cửa. Ba như một đứa bé hai tuổi, phải tuân phục tuyệt đối. Ba đọc sách, xem truyền hình, mẹ con cũng kiểm soát, cũng bảo là phải đọc loại sách nầy, sách kia, phải xem đài nầy, đài kia. Không cho ba xem, đọc những sách, những chương trình truyền hình mà ba thích. Ðêm nằm ngủ bên mẹ con, cũng không dám trở mình nhiều, sợ mẹ con mất ngủ, thức giấc dậy phàn nàn, cau có. Giấc ngủ cũng không hết lo, và nhiều đêm ác mộng thấy bị mẹ con dằn vặt, cằn nhằn. Ngay cả bây giờ, xa mẹ con vạn dặm, những giấc ác mộng đó vẫn chưa thôi.
Áo quần của ba, cũng phải mặc những thứ mẹ con mua, ba không có quyền lựa chọn áo quần cho ba. Tự mua cái áo là có chuyện rầy rà, mỗi lần đem cái áo đó ra mặc, là mẹ con kiếm cớ chỉ trích, gây gỗ, và nói những lời đau lòng khó nghe. Bởi vậy, có những cái áo mà ba không dám đụng đến. Ba phải mặc những thứ áo quần mẹ mua cho, dù không ưa, không thoải mái.
Mỗi khi mua xe, mua nhà, là ba không dám có ý kiến, cứ đưa ý kiến ra, thì trước hết là bị chê bai, khích bác. Nếu không, thì sau nầy, có bất cứ chuyện gì nhỏ nhặt xẩy ra cho căn nhà, cho chiếc xe, thì mẹ con níu lấy ba mà đổ lỗi, làm tình, làm tội từ năm nầy qua năm kia. Khổ lắm. Ba cứ để cho mẹ con toàn quyền quyết định. Làm gì thì làm. Nhưng cũng có khi chẳng được yên đâu. Nếu có chuyện bất trắc, thì mẹ con trách cứ ba là vô trách nhiệm, để mẹ con phải gánh vác một mình. Những khi trong nhà có thứ gì hư hỏng, ba phải sửa chữa, và làm với nỗi lo lắng, bất an, sợ sửa không được thì mẹ con chê bai, nhục mạ, nói những lời hỗn láo khó nghe. Mà kêu thợ sửa những thứ lặt vặt, thì mẹ con cứ lãi nhãi là bất tài, vô dụng, vụng về.
Mẹ con phong tỏa kinh tế, không cho ba giữ tiền, mỗi khi tìm thấy tiền trong túi ba, là mẹ con gây gổ, ồn ào. Hàng tháng, khi nhận được kết toán chương mục của ngân hàng, là mẹ con dò tìm, hạch xách hỏi ba với giọng tra hỏi, tại sao có mục nầy, tại sao có mục kia, trong lúc chỉ có mẹ con ký ngân phiếu và lấy tiền mà thôi. Ba chỉ nói là cứ đến hỏi ngân hàng, còn ba không biết. Nói thế cũng bị mắng mỏ, là không biết gì cả. Mẹ con sợ ba gởi tiền giúp đỡ những người bà con bên quê nhà. Ðã giữ hết tiền, mà mẹ con khi nào cũng xa gần chửi bới bà con, bạn bè ba, là ăn bám, là làm biếng, là tham lam. Khi ba nghèo khó, ba chịu ơn không biết bao nhiêu người, khi ba có chút tiền bạc, khá lên, thì không ai nhờ vả ba được một xu nào. Ba tự xấu hổ với lương tâm. Có những bà con bên nhà đau yếu, khó khăn, ba phải mượn tiền bạn bè mà gởi về giúp đỡ. Ba còn nợ của bác đây mấy ngàn đồng, đã nhiều năm, chưa trả được một xu. Ba đợi đến sang năm, đủ tuổi lãnh non tiền an sinh xã hội, rồi thanh toán luôn.
Ba sợ nhất là thất nghiệp. Mỗi lần thất nghiệp phải chịu đựng sự dày vò của mẹ con. Mẹ con chê bai ba, đổ cho ba nhiều tội, cho rằng vì ba vô trách nhiệm, làm biếng, nên bị cho nghỉ việc. Mẹ con nói rằng, nếu ba khá hơn, thì người ta cho người khác nghỉ, chứ không phải là ba. Mẹ con đằn vặt ba ngày đêm, và thúc hối ba đi tìm việc, làm như ba không muốn tìm ra việc. Chưa xong, mẹ con còn bêu rếu, đi đâu, gặp ai, cũng rêu rao là ba bị cho nghỉ việc vì kém cỏi. Dù cho cái sở của ba làm có bị phá sản, mẹ con cũng đổ lỗi cho ba. Những khi nầy, mẹ con cho rằng ba ăn bám vào vợ. Ba tin rằng, đời ba chưa hề ăn được của mẹ con một miếng cơm nào. Có ăn của mẹ con được một miếng cơm, thì e cũng phải hộc ra ba bụm máu.
Ba còn nhớ cái thời mà mẹ con được công ty cho một chức vụ nhỏ, làm trưởng toán, có ba người nhân viên làm việc dưới quyền. Cái thời nầy, mẹ con càng hùng hổ hơn.
Làm như bà là chỉ huy tất cả mọi người. Miệng phán ra toàn mệnh lệnh. Ba càng sợ hãi hơn. Bà con quen biết cũng phải khó chịu lây.
Một điều, mà cho đến ngày nhắm mắt, ba cũng còn ân hận, là chuyện bà nội con. Ông nội con mất khi ba còn bé. Bà buôn tảo bán tần, nuôi ba học hành đến nơi đến chốn. Có nghề nghiệp vững vàng, có chút địa vị trong xã hội. Biết bao nhiêu là công phu, khó khăn, hy sinh để nuôi nấng ba. Thế mà khi ba bảo lãnh được bà nội qua đây, mẹ con hất hủi, dằn vặt, nói nặng, nói nhẹ bà, để bà không sống nổi với con cháu, mà phải về lại bên quê nhà. Rồi bà mất, mà ba không về được. Ba khổ tâm lắm lắm. Không có gì bù đắp, không có gì chuộc lại những mất mát trong lòng ba. Ba hèn nhát, để vợ đối xử với mẹ như vậy. Không ai có thể dung thứ cho ba cả. Ba có tu mấy mươi kiếp cũng không chuộc lại được tội của ba. Ba biết bà nội đứt ruột đứt gan khi thấy ba đớn hèn, sợ mẹ con như sợ cọp dữ. Ba đã nói, cái sợ như một phản ứng có điều kiện, nó nhập vào trong tiềm thức, ăn sâu vào trong trí. Lý trí không điều khiển được cái nỗi sợ trong lòng.
Còn tình thương yêu, thì cái sợ nó che khuất cả tình thương yêu vợ chồng. Ðiều nầy, đáng ra ba chỉ nói riêng với bác, nhưng con có thể nghe để học kinh nghiệm cho đời sống gia đình sau nầy. Không còn tình nữa, những khi vợ chồng gần gũi nhau, chỉ là một việc trả nợ quỷ thần, làm cho xong bổn phận, và khó khăn lắm mới có thể khởi đầu. Ðôi khi tưởng mình đã bất lực.
Bạn bè gần của ba, thì ai cũng biết và tránh không muốn đến nhà. Cái thái độ của mẹ con làm họ khó chịu. Những khi có bạn bè từ xa đến thăm, là ba lo lắng lắm. Mẹ con chỉ nấu giúp bình trà, hay làm một tô mì gói, cũng than vãn, cằn nhằn là không có sức để hầu hạ bạn của ba. Có khi mẹ con không ra chào bạn của ba. Khách cũng buồn vì nghĩ là chủ nhà không muốn tiếp mình.
Sau khi khách về, là lúc ba lo lắng nhất, sợ sóng gió dậy lên trong gia đình.
Bà con xa gần bên nội đều lánh mặt, không muốn giao tiếp với gia đình mình. Vì thái độ thiếu lịch sự của mẹ con. Gia đình bên nội khinh ba bạc nhược, hèn nhát. Họ đúng . Nhưng con biết nguyên nhân sâu xa nào, làm ba trở thành yếu đuối, bạc nhược như vậy? Có lẽ vì ba mồ côi cha sớm, suốt một đời ba tha thiết tình phụ tử mà không có. Ba không muốn các con phải thiếu mất tình thương của cha, hoặc của mẹ trong khi tuổi còn thơ ấu. Ba thấy nhiều gia đình, cha mẹ li tán, con cái bơ vơ đau khổ tội nghiệp lắm, có đứa phải bỏ học, những đứa khác có thể thành công trong cuộc đời, nhưng vết thương, niềm đau trong lòng không bao giờ vơi lấp được. Ðó là lý do chính yếu. Bởi vậy, nên ba nguyện là khi nào con học xong, kiếm được việc làm tốt, thì ba vào chùa tu, rũ sạch lo âu phiền muộn. Ðể hết nhà cửa, tiền bạc, tài sản lại cho mẹ con, ba không cần mang theo một xu. Ba đã già, đời không còn bao năm nữa, tại sao lại phải sống trong lo âu, sợ hãi, bực bội, không vui? Ba muốn những năm ngắn ngủi còn lại trong đời mình, là những ngày tháng thảnh thơi, dễ chịu, thong dong, không bị kềm kẹp, không bị kiểm soát, không bị dằn vặt, đay nghiến bởi bất cứ ai. Ba bây giờ như kẻ bị tù chung thân, đã thoát được ngục tù. Con đừng bắt giam lại, tội nghiệp ba lắm.“
Hùng bưng trà, chiêu một hơi dài cạn chén, nở một nụ cười thỏa mãn, có lẽ vì đã nói ra được hết nỗi niềm chất chứa trong lòng từ lâu. Tôi thở dài. Dung thì nước mắt rưng rưng nắm lấy tay bố.
Tôi đưa tay vò cái đầu láng bóng của Hùng và nói đùa:
“Cái đầu của ông trơn quá, e bụi cũng không bám vào được. Không ngờ đời ông mà cay đắng đến thế. Ngày xưa, khi còn sinh viên, mỗi lần biểu tình, bãi khóa, ông đi đầu cầm biểu ngữ, la hét hùng dũng lắm, chẳng sợ trời đất gì cả. Ra làm việc, ông cũng chẳng coi thượng cấp ra một kí lô nào. Thế mà lớn lên, chỉ sợ vợ thôi. Thiệt đời cũng lạ.”
Chúng tôi cùng cười. Dung đưa tay lau nước mắt và hỏi:
“Ở đây ba thấy sao? Có dễ chịu không? “
“Thiên đường. Ba sung sướng lắm. Trong lòng ba nhẹ nhàng, cái niềm lo âu đè nặng mấy mươi năm nay nó tuột đi, nhẹ bỗng lâng lâng. Mỗi sáng thức dậy, vui sướng. Mỗi giờ mỗi khắc không có một chút lo âu, lòng yên ổn. Chỉ riêng cái ý thức là mình hết lo, hết sợ hãi, cũng đã là sung sướng lắm rồi.”
“Con hỏi, ba có tin đi tu là sẽ được ... cái gì đó, để mai sau về niết bàn hay ... gì gì đó không?”
“Ba chẳng tin cái gì cả. Có lẽ chết là hết, tan thành tro bụi. Nhưng đọc kinh Phật, ba tìm được rất nhiều an ủi, nhiều thanh thản cho tâm hồn, cởi ra được nhiều sân si còn ẩn náu trong mình. Càng đọc, càng thấy mình nhẹ nhàng, thanh thoát. Chỉ có thế thôi.”
Buổi trưa, tôi mời Hùng ra tiệm ăn cơm chay, Hùng không chịu, và mời ở lại ăn cơm chùa. Chúng tôi ăn vào lúc gần một giờ chiều. Cơm ba món, canh bí đỏ, rau luộc, và dưa kho. Tôi ăn được ba chén đầy. Tôi nói với Hùng:
“Cơm ngon quá. Món ăn thanh đạm, giản dị, nhưng rất ngon. Tôi làm một lúc ba chén đầy. Ở nhà, chỉ ăn được hai chén là nhiều lắm.”
Hùng cười, nụ cười lém lỉnh thân thiết ngày xưa khi chúng tôi còn đi học, và trả lời:
“Ðể cho đói đến đắng miệng, thì ăn cơm nguội cũng ngon. Ðây là chủ trương của nhà chùa. Không khi nào dọn cơm đúng bữa, mà phải dọn cơm cho khách thập phương càng trễ càng tốt.”
Tôi chèo kéo và năn nỉ lắm, Hùng mới chịu theo chúng tôi về nhà thăm, ở lại đêm chơi. Hùng mang áo cà sa vàng, cổ quàng một chuỗi hạt màu nâu, đem theo một bộ áo quần ngủ. Về đến nhà, vợ tôi mở cửa, chắp tay vái, và nói:
“Bây giờ thì chúng tôi phải kêu anh là gì cho đúng nhỉ? Thượng tọa, đại đức hay thầy ...”
“Chẳng thượng tọa, đại đức gì cả. Tôi mới vào tu, chẳng có chức vị gì. Mà cũng chẳng cần chức vị. Ði tu để tìm thanh thản cho tâm hồn. Tránh đau phiền nơi tục lụy. Ðược vậy là đã xem như đốn ngộ rồi.”
Vợ tôi rót nước, pha trà, và dọn bánh mời khách. Chúng tôi ngồi nói chuyện xưa, hàn huyên, nhắc đến bạn bè cũ. Kẻ mất người còn. Nhắc đến những kỷ niệm xưa, khi chúng tôi còn đi học, còn ở tỉnh lỵ nhỏ. Vợ tôi lấy xe ra đi. Một lúc sau xách về nhiều bao thức ăn, rau, cải, tàu hủ, nước tương, chao. Chúng tôi phụ mang vào trong bếp.
Buổi tối, khi vợ tôi mời vào bàn ăn, thấy trên bàn dọn sẵn gần chục món chay khác nhau, màu sắc xanh đỏ, ngon lành. Có món canh khổ qua dồn thịt chay, chả cua chay vàng ruộm, thịt gà xào sả ớt chay, thịt heo hầm chay, giả cầy chay, miến xào, xà lách bát bửu, cá trê nướng chay, tôm kho nước dừa chay.
Hùng có vẻ ái ngại, nói:
“Ðể chị phải mất công mệt nhọc như thế nầy, tôi áy náy quá. Ðáng ra tôi phải nói trước, chỉ cần cho tôi chai nước tương tưới vào cơm ăn là đủ rồi.” Vợ tôi cười vui vẻ:
“Thôi, anh đừng khách sáo. Mấy khi tôi được dịp ôn lại cách nấu cơm chay của mẹ tôi ngày xưa. Tôi phải cám ơn anh mới phải, nhờ có anh đến chơi, tôi mới có cơ hội nấu đồ chay. Ngày mai, có cháo gà ăn điểm tâm. Cháo gà đặc biệt lắm, cháo chay mà không nói trước, thì tưởng như cháo gà thật.” Tôi cười :
“Ðã ăn chay rồi, mà còn vọng mặn. Kìa, con cá chiên kia là chay hay mặn, mà giống thế, còn dĩa tôm kho nầy nữa. Toàn cả lừa mị thánh thần.” Vợ tôi cười nói:
“Ðấy, thế gian nầy đầy cả giả dối. Ngang nhiên lừa mị thánh thần mà còn hiu hiu tự đắc. Không chừng, biết là bị đánh lừa, mà mấy ổng lại khoái!”
Khi mở bia mời khách, vợ tôi mới biết là không còn nước đá trong ngăn lạnh. Bên ngoài trời đổ mưa tầm tã, vợ tôi hơi bối rối, rồi chạy vào lấy dù ra xe đi mua nước đá. Tôi ngăn lại, cả Hùng cũng cản, vì uống bia không có nước đá cũng chẳng sao. Vợ tôi cười:
“Các anh uống bia không có nước đá mất ngon đi”.
“Nhưng trời mưa to quá, vã lại, đi làm chi cho ướt át, khổ thân.”
“Ðể em đi, lỗi tại em không làm đá sẵn, và quên để bia vào tủ lạnh. Các anh và cháu chờ nhé.”
Hùng áy náy nhìn theo vợ tôi đang xách dù mở cửa nhà xe ra đi. Mười lăm phút sau, vợ tôi chạy về với nét mặt vui vẻ, hớn hở, mang theo một bịch nước đá lớn. Bỏ nước đá vào ly của Hùng và tôi, vợ tôi nhẹ nhàng:
“Không có nước đá, bữa ăn cũng mất ngon phần nào, uổng công tôi làm bếp.“
Vợ tôi tắt đèn điện, bưng ra ba đế đèn cầy, ánh sáng vàng tỏa ra trong nhà ấm cúng. Chúng tôi nâng đũa. Hùng cười đùa:
“Bây giờ tôi mới hiểu câu nói ‘ thân trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu’. Nầy ông Nguyên, ông có vợ hiền, gia đình thật là ấm cúng hạnh phúc. Không tu mà được hưởng phước đấy.” Tôi đùa lại:
“Không phải trong nhờ, đục chịu đâu. Có đục cũng phải gạn lọc cho thành trong. Phải là ‘Dạy con từ thuở còn thơ, dạy nhau từ thuở bơ vơ mới về.’ Ðể trễ quá, thì chỉ còn có nước vô chùa lánh nạn như ông mà thôi.”
“Lánh nạn thì đâu cần phải vào chùa hở ba? Lánh nạn thì ở đâu mà chẳng được? Sao ba không qua Hawaii hoặc về Florida mà ở, vừa ấm áp vừa vui.” Hùng trả lời:
“Vào chùa, là xem như dứt khoát hơn, mình dễ làm quen với kinh kệ hơn. Ở ngoài thì ham cái khác, còn vọng động. Mà mục đích chính, là các con còn lấy chồng, lấy vợ. Ba không muốn các con mang tiếng có cha mẹ li dị. Ba đi tu, không ai có thể dị nghị chi các con cả. Người ta nghĩ là ba làm việc tốt. Bây giờ các con lớn rồi, ba có cơ hội để sống thêm ít năm trong yên bình tâm trí, mà không ái ngại. Nếu từ đầu mà không vì các con, thì ba đã lấy quyết định dứt khoát ngay. Ba đâu phải là một kẻ ngu đần để cắn răng chịu đựng mấy mươi năm nay. Khi nào các con có gia đình hết rồi, và nếu ba không tìm được an nhiên tự tại trong khi ở chùa, thì ba sẽ xét lại việc đi tu. Nhưng hiện nay, như ba đã nói với con, là thiên đường đã tìm thấy, không cần phải chờ qua kiếp sau, hoặc đi đâu xa vời.”
Dung thở dài nói như khóc:
“Con biết ba khổ lâu nay, nhưng không ngờ trong lòng ba khổ đến thế. Con thương mẹ, nên mù quáng, không thấy hết uẩn khúc trong ba. Con qua đây để thăm ba, cũng định để thuyết phục ba trở về với mẹ. Nhưng bây giờ, con tin, ba ở lại tu hành là đúng, không có lý do gì để ba phải chịu đựng cay cực nhiều hơn nữa.”
Ngày chủ nhật, vợ chồng tôi đưa Hùng và cháu Dung đi thăm San Francisco. Chúng tôi đi bằng xe điện tốc hành, rồi lấy xe bus, ra bến tàu, đi thăm cầu Golden Gate đỏ chói phơi mình một nửa ngoài nắng, một nửa chìm trong mây mù. Chụp mấy tấm hình kỷ niệm. Về phố Tàu ăn “tỉm xấm” và qua thăm vườn Nhật. Buổi tối đi nghe nhạc hòa tấu đến khuya mới về đến nhà. Chúng tôi pha trà, ngồi nói chuyện cho đến khuya.
Hùng cảm động nói với vợ tôi:
“Bây giờ, tôi tin là hạnh phúc gia đình có thật trên đời nầy. Ở nhà anh chị hai hôm, đi chơi với anh chị suốt ngày, mà chưa hề nghe vợ chồng gay gắt nhau một lời. Người xướng, người họa, vui vẻ, hòa đồng, khi nào cũng ngọt ngào, tử tế, dịu dàng. Ðời sống thật hạnh phúc. Khi đủ ăn, đủ mặc, không túng thiếu, mà cuộc sống có hạnhphúc, thì đâu cần đi tìm thiên đàng cho xa xôi.” Dung nhìn vợ tôi và hỏi:
“Bác cho con một lời khuyên, sau nầy làm sao để tạo được một gia đình hạnh phúc?”
Vợ tôi cười và trả lời:
“Cả hai người đều phải biết cho nhiều hơn nhận. Ðừng đòi hỏi ai phải có bổn phận đối với mình. Nên luôn luôn tự hỏi mình đã làm được gì cho người khác chưa , đừng hỏi tại sao người khác chưa làm việc nầy, việc kia cho mình. Biết chấp nhận và thương cả cái ưu điểm, lẫn khuyết điểm của người mình thương”.

Tràm Cà Mau. 

 


Bàn tay che vết nhăn đời

Nghe trong bão tố tiếng thời gian trôi

Cuối đời chịu phận mồ côi

Trang kinh rỏ máu bồi hồi tiếng chuông

Chẳng còn chi chấp nhận buông

Hoang vu nhịp thở gió tuôn hiên ngoài

Chắp tay niệm phiến u hoài

Nghe mưa trăn trở đầu thai mây về

Suốt đời làm gã nhà quê

Yêu sông nhớ núi si mê khói chiều

Thôn làng xơ xác tiêu điều

Khuya ngồi bó gối nhớ nhiều mộng xưa

Ao giờ cạn khóm tre thưa

Đêm đầy mộng mị người vừa lướt qua

Nhiều khi giống kẻ không nhà

Giữa đường quanh quẩn la cà quẩn quanh

Đưa tay khuất lấp trời xanh

Con chim ủ rũ trên cành trụi bông

Ta giờ củi mục trôi sông

Nhớ người ta níu chút nồng nàn xưa

Đôi khi chân cẳng hoá thừa

Bước đi loạng quạng giữa mưa bàng hoàng

Thân này nhận phận đi hoang

Bao nhiêu giông bão phủ quàng lòng đau

Giờ đâu còn gọi tên nhau

Hoàng hôn vội đến phủ màu xám tro

Chiếu giường bề bộn nằm co

Ta nằm ôm ngực cơn ho rung người

Thế gian đầy giọng nói cười

Ta rưng tiếng khóc hỏi người về đâu

Nhớ người tim chợt nhói đau

Nhìn quanh bàn ghế một màu quạnh hiu

Chút hương thừa phải chắt chiu

Ta ngồi như bát cơm thiu trên bàn

Bếp hoang lạnh nhà hoang tàng

Bao nhiêu cây cỏ xếp hàng đợi mưa

Ta giờ còn kiếp sống thừa

Gom bao kỷ niệm ôm vừa đôi tay

Cũng đành chờ những rủi may

Hóa thân làm đám mây bay cuối trời

24.10.2020

DODUYNGOC



Mưa dầm dề ta trú mái hiên
Ngực lao xao gió thổi mọi miền
Mây cuối trời người đi xa lắc
Nhớ môi cười lòng bỗng cuồng điên
Người xa rồi ta về trong mưa
Tim ta vang những hợp âm thừa
Chân ta bước mà đầu trống rỗng
Lá cũng rầu tựa đôi mắt xưa
Con đường buồn người trôi như ma
Ta ôm mưa rụng giữa chiều tà
Ngày tắt vội không lời trăn trối
Người đi rồi người đi rất xa
Ta về đâu, đâu gọi là nhà?
Chiếu chăn giờ còn chỉ mình ta
Mưa vẫn phủ ướt nhoè râu tóc
Bàn tay run nước mắt nhạt nhoà
Người xa rồi bóng đọng thiên thu
Chiều thu mưa phố tựa sương mù
Ta lạc lõng bên bờ hiu hắt
Rơi giữa đường nốt nhạc âm u
Ta cô đơn như thú lạc bầy
Để phận mình trôi như mây bay
Đời quẩn quanh một màu khói ám
Còn yêu người mà người đâu hay
17.10.2020
Sài Gòn mưa
DODUYNGOC

 




Nobel Văn chương 2020 thuộc về nữ thi sĩ người Mỹ Louise Glück . Ủy ban Nobel vinh danh Louise Glück vì “âm điệu đầy chất thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp đơn sơ khiến sự hiện hữu của cá nhân trở nên một điều phổ quát”.
Nobel Văn chương 2020 thuộc về nữ thi sĩ người Mỹ Louise Glück
Louise Glück, sinh năm 1943, từng giành nhiều giải thưởng văn chương lớn ở Mỹ, bao gồm Huy chương Nhân văn quốc gia, giải Pulitzer, giải Sách Quốc gia, giải Phê bình Sách Quốc gia, và giải Bollingen. 
Các năm 2003 và 2004, bà được vinh danh là Thi sĩ Hoa Kỳ, tức nhà thơ chính thức đại diện cho nước Mỹ và nền thi ca Mỹ.
Thi ca của Louise Glück thường được mô tả là mang tính tự truyện; tác phẩm của bà đậm đặc cảm xúc và thường xuyên dựa vào những huyền tích, lịch sử, hay tự nhiên để truyền tải những trải nghiệm cá nhân và đời sống hiện đại.
Thơ của Louise Glück còn mô tả những khía cạnh của sang chấn, khát khao, và bản thể, với đặc trưng là cách biểu đạt thẳng thắng nỗi buồn và sự cô độc. Giới phê bình cũng nói nhiều về việc xây dựng “nhân cách thơ” và mối quan hệ giữa tiểu sử cá nhân và huyền tích cổ điển trong thi ca của Louise Glück.
Louise Glück sinh ở Thành phố New York và từng mắc chứng chán ăn bệnh lý khi học cấp ba, dù sau này đã khỏi bệnh. Hiện bà là giáo sư ở Đại học Yale và sống ở Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ.
Lựa chọn này của Ủy ban Nobel có lẽ như một lời nhắc nhở rằng giữa thời đại đầy bối rối và hoang mang của dịch bệnh, mạng xã hội, sự chia rẽ và phân cực có lẽ chưa từng thấy khắp thế giới hiện giờ, thi ca không chỉ vẫn có chỗ đứng, mà có thể sẽ là hy vọng cứu rỗi - thậm chí là hy vọng duy nhất - cho nhân sinh, dù mong manh thế nào.
Hôn nhân
Một bài thơ của Louise Glück - Vũ Hoàng Linh dịch
Cả tuần, họ lại ra biển
và âm thanh của biển phủ màu lên mọi vật.
Bầu trời xanh lấp tràn khung cửa sổ.
Nhưng tiếng động duy nhất là tiếng sóng vỗ bờ-
giận dữ. Giận dữ vì gì đó. Vì điều gì đó
khiến anh ngoảnh mặt đi. Giận dữ, dù anh không bao giờ đánh nàng,
và có thể chưa bao giờ anh nói đến.
Và nàng phải tự tìm câu trả lời theo một cách khác,
từ biển, có thể, hoặc từ những đám mây xám bất chợt
hiện bên trên. Mùi của biển ở trong chăn đệm,
mùi của nắng và gió, mùi khách sạn, dịu ngọt và tươi mới
bởi họ thay chúng mỗi ngày.
Không bao giờ anh nói. Từ ngữ, với anh, là để thỏa thuận, để làm ăn.
Không bao giờ cho giận dữ, không bao giờ cho trìu mến.
Nàng vuốt ve lưng anh. Nàng vùi mặt mình lên đấy,
như thể đang vùi mặt mình lên một bức tường.
Và im lặng giữa họ cổ xưa: nó nói
có những biên giới.
Anh không ngủ, cũng không vờ đang ngủ.
Hơi thở anh không đều đặn: anh hít vào lưỡng lự;
anh không muốn cam kết mình với cuộc sống.
Và anh thở ra nhanh, như vị vua xua đuổi tên hầu.
Ở phía dưới im lặng, tiếng biển,
sự dữ dội của biển lan đi khắp nơi, không kết thúc, không kết thúc,
hơi thở của anh đẩy đi những ngọn sóng-
Nhưng nàng biết nàng là ai và nàng biết điều mình muốn.
Chừng nào điều đó đúng, một cái gì tự nhiên như vậy không thể khiến nàng đau.
_______________
Ngày 27-11-1895, Alfred Nobel ký bản chúc thư cuối cùng của ông dành phần lớn tài sản thừa kế của ông để trao giải Nobel.
Trong chúc thư, Nobel Văn chương được quy định sẽ trao cho "người sản sinh ra trong lĩnh vực văn chương tác phẩm xuất chúng nhất hướng về những lý tưởng cao đẹp".
Tính từ lần đầu là năm 1901 tới nay, Nobel Văn chương đã được trao 112 lần cho 116 tác giả. Có 6 năm giải không được trao vì các cuộc Thế chiến: 1914, 1918, 1940, 1941, 1942, và 1943. Giải cũng không được trao năm 1935, nhưng lý do chính thức không bao giờ được công bố.
Một lời giải thích là năm đó, Ủy ban Nobel đã cân nhắc trao giải cho tiểu thuyết gia người Pháp Roger Martin du Gard, nhưng ông này đang viết tập bảy một trường thiên tiểu thuyết và ủy ban đã hoãn chưa quyết định vội.
Tác phẩm cuối cùng in vào tháng 11-1936 và đến 1937, Du Gard mới được trao Nobel Văn chương danh giá.
Cũng có 4 lần giải Nobel được chia sẻ cho hai cá nhân.
Cụ thể là vào các năm:
- 1904: Frédéric Mistral (người Pháp) và José Echegaray (Tây Ban Nha)
- 1917: Karl Gjellerup và Henrik Pontoppidan (đều Đan Mạch)
- 1966: Shmuel Agnon (Israel) và Nelly Sachs (Đức - Thụy Điển)
- 1974: Eyvind Johnson và Harry Martinson (đều Thụy Điển).
1974 cũng là lần cuối cùng Nobel Văn chương được trao cho hai người. Lý do khiến giải này hiếm khi được chia sẻ hơn hẳn so với các giải Nobel khác "có lẽ là vì bản chất của văn chương.
Các giải khoa học thường được trao chung, vì thành tựu là chung, hay cho những người có các nghiên cứu gần gũi với nhau", trang web của giải Nobel giải thích.
Tác giả trẻ nhất từng được trao giải là nhà thơ - nhà văn người Anh Rudyard Kipling (nổi tiếng nhất với truyện The Jungle Book): ông nhận giải vào năm 1907 khi mới 41 tuổi.
Người cao tuổi nhất là Doris Lessing, tác giả người Anh - Zimbabwe, 88 tuổi khi nhận giải năm 2007.
Có 15 phụ nữ đã nhận Nobel Văn chương, người đầu tiên là nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlöf năm 1909 (5 năm sau, chính Lagerlöf được bầu vào Viện Hàn lâm Thụy Điển). Nữ tác giả gần nhất được trao giải là Olga Tokarczuk, người Ba Lan, năm 2018.
Cũng đã có hai nhà văn từng từ chối giải Nobel, Boris Pasternak vào năm 1958, người lúc đầu "đã nhận giải, nhưng sau đó bị chính quyền nước ông ép phải từ chối".
Tiểu thuyết gia hiện sinh người Pháp Jean Paul Sartre từ chối Nobel Văn chương 1964 vì "lập trường nhất quán của tôi là từ chối mọi sự tôn vinh chính thức" (dù có nguồn tin nói Sartre vẫn hỏi xem ông vẫn nhận tiền thưởng thì có được không).
Lần duy nhất giải Nobel được trao cho tác giả đã qua đời là năm 1931, cho nhà thơ Thụy Điển Erik Axel Karlfeldt. Karlfeldt mất tháng 4-1931, 6 tháng trước khi giải được công bố. Từ năm 1974, Quỹ Nobel chính thức quy định giải sẽ không thể trao cho người đã khuất.
Trong quá khứ, một vấn đề gai góc với quá trình đề cử và lựa chọn giải là các ứng viên đồng thời là viện sĩ Viện Hàn lâm, tức "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Cả sáu tác giả người Thụy Điển từng nhận giải Nobel đều là thành viên Viện Hàn lâm.
Alfred Nobel ngay từ đầu đã có tầm nhìn quốc tế trong di chúc của ông, nêu rõ vấn đề quốc tịch của người được trao giải không quan trọng: giải thưởng sẽ được trao cho người xứng đáng nhất, "dù có phải người Scandinavia hay không".
Dẫu vậy, Nobel Văn chương cho tới giờ đã được trao cho 29 tác giả viết bằng tiếng Anh, 15 bằng tiếng Pháp, và 14 bằng tiếng Đức - cũng là ba ngôn ngữ dẫn đầu trong danh sách trao giải.
Một trong những sự thật thú vị về Nobel Văn chương nữa là trong khi nhiều người vẫn nghĩ cố Thủ tướng Anh Winston Churchill được trao Nobel Hòa bình, thật ra ông nhận giải Nobel Văn chương vào năm 1953.
Giai đoạn 1945-1953, Churchill được đề cử 21 lần cho Nobel Văn chương, nhưng chỉ 2 lần cho Nobel Hòa bình.
Trong khi Nobel Văn chương trao cho tác giả, có 9 lần Viện Hàn lâm đã nêu đích danh tác phẩm khi trao giải, cụ thể là:
Mikhail Sholokhov (Nga, 1965) - Sông Đông êm đềm (tiểu thuyết)
Ernest Hemingway (Mỹ, 1954) - Ông già và biển cả (tiểu thuyết)
Roger Martin Du Gard (Pháp, 1937) - Gia đình Thibault (tiểu thuyết)
John Galsworthy (Anh, 1932) - Truyện gia đình Forsyte (tiểu thuyết)
Thomas Mann (Đức, 1929) - Gia đình Buddenbrooks (tiểu thuyết)
Wladyslaw Reymont (Ba Lan, 1924) - Nông dân (tiểu thuyết)
Knut Hamsun (Na Uy, 1920) - Phúc lành của đất (tiểu thuyết)
Carl Spitteler (Thụy Sĩ, 1919) - Mùa xuân Olympia (trường ca)
Theodor Mommsen (Đức, 1902) - Lịch sử La Mã (tổng tập lịch sử)
(Báo Tuổi Trẻ)

 


18 năm trước, tôi viết truyện ngắn này. Tôi xem nó như những dòng tâm sự bởi trong đó loáng thoáng có bóng mình. Tôi nghĩ sẽ chẳng cho ai đọc những gì mình đã viết, giữ lại cho riêng mình như những lời độc thoại với hư vô. Và rồi bản thảo truyện này biến mất, suốt một thời gian dài cả chục năm tôi tìm hoài mà không thấy. Hôm nay lục mấy tấm hình rửa cho một chị bạn học cùng trường đại học, lại tìm lại được truyện này. Nằm đọc lại cũng chỉ thấy buồn. Truyện viết đã gần hai mươi năm, nhân vật cũng đã vào tuổi xế chiều. Gần hai mươi năm biết bao biến cố đổi thay của một đời người nhưng câu chuyện vẫn còn đó, ghi lại một ký ức khó có thể quên. Tôi quyết định đăng trên facebook sau một thời gian dài chỉ giữ riêng cho mình để mọi người cùng đọc. Cũng chẳng để làm chi nhưng hi vọng nhiều người đọc sẽ thấm được nỗi đau của nhân vật trong một giai đoạn bi kịch của xã hội và lịch sử.

CHÚT LÃNG MẠN CUỐI CÙNG

Truyện ngắn của ĐỖ DUY NGỌC

Có trầu mà chẳng có cau

Thì đành không đỏ môi nhau kiếp này

Buổi chiều ở Blao sương xuống sớm, những ngọn gió thổi về làm rung những cành thông non trong vườn, trời nhờ nhờ tối, không gian chùng xuống nặng nề. Ba người đàn ông ngồi uống rượu trong căn nhà nhỏ trên sườn đồi, li rượu được rót ra nhưng chẳng ai nâng chén, bởi rượu chỉ là cái cớ để níu chân nhau ngồi lại. Ngọn đèn cầy trắng cắm trên chiếc giá đồng cổ rất sang trọng hắt ánh sáng trên ba khuôn mặt tạo thành bức tranh mang phong cách thời Phục Hưng. Trong buổi chiều ấy và trong khung cảnh ấy, tôi được người bạn già kể lại câu chuyện này, đây là câu chuyện có thực, và là một đoạn đời của ông. Những con người trong câu chuyện này cũng đang còn hiện hữu, và đang là người nổi tiếng, nên khi kể lại chuyện này, tôi xin đổi tên của các nhân vật chính.

*********

Chị Lê là con gái đầu của O Hiếu, mẹ chị Lê là anh em chú bác với ba tôi, chị Lê hơn tôi mười tuổi. Lúc tôi khoảng mười hai tuổi đang học lớp đệ thất thì chị Lê đã là một cô gái đang học năm thứ nhất sư phạm Qui Nhơn. Chị là một cô gái đảm đang, rất giỏi việc nữ công, nội trợ. Chị có khuôn mặt hiền, thánh thiện, tóc chị dài thoang thoảng mùi bồ kết thường được kẹp bằng chiếc kẹp đồi mồi, nước da trắng, không chút son phấn và chính những nét tự nhiên đã làm cho khuôn mặt chị lúc nào cũng sáng lên một thứ ánh sáng mộc mạc mà đằm thắm rất Việt Nam. Chị không có nhan sắc rực rỡ, nhưng đôi mắt chị trong veo, những ngón tay thon nhỏ với các móng lúc nào cũng được cắt, sạch, cộng với những cử chỉ, lời nói luôn dịu dàng đầy nữ tính gây thiện cảm với người chung quanh. Tôi chưa bao giờ nghe chị nói nặng lời hay lớn tiếng với ai, dù đó là người ăn kẻ ở trong nhà. Chị thường đội nón lá, đi guốc mộc, mặc chiếc áo bà ba cổ trái tim bằng vải lụa mềm. Thời đó, tôi đọc rất nhiều tác phẩm của Tự lực văn đoàn trong tủ sách khổng lồ của ba tôi nên tôi hình dung chị chính là những nhân vật trong các tác phẩm đó, chị là cô Mai trong Thừa tự, trong Nửa chừng xuân… Nhà tôi lúc ấy là một ngôi nhà lớn, trước nhà có sân rộng lát gạch tàu, ba tôi cho xây một hồ cá to và trồng một giàn thiên lí xanh mướt mắt. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh chị Lê ngồi làm mứt gừng dưới giàn thiên lí lúc ánh sáng chiều chênh chếch len qua những kẽ lá xanh um chiếu trên khuôn mặt rám hồng vì sức nóng của bếp lò và ánh sáng phản chiếu của những viên gạch tàu. Trong tâm thức của một đứa trẻ mười hai tuổi, bỗng tự nhủ, mai sau tôi chỉ yêu người con gái nào giống chị Lê, phải giống từ khuôn mặt, dáng người cho đến những nét đảm đang rất Việt Nam như chi.

********

Rồi tôi lớn dần lên, đến tuổi biết yêu, tôi đi tìm bóng hình của chị qua những người bạn gái, nhưng không tìm thấy được. Xã hội càng lúc càng đổi thay, lính Mỹ vào Việt Nam làm đảo lộn mọi giá trị của cuộc sống, son phấn nhòe nhoẹt và đủ thứ thời trang kệch cỡm làm cho tôi khó mà tìm được người con gái như mộng tưởng. Những cuộc tình thời mới lớn cũng qua đi chẳng để lại ấn tượng gì.

Tôi vào Sài Gòn học đại học, cuộc sống tự lập của người con trai miền Trung ở Sài Gòn gặp quá nhiều khó khăn, tôi luôn mặc cảm về cái nghèo túng của mình nên chẳng dám yêu ai, thật ra tôi cũng khó tìm ra giữa Sài Gòn này một cô gái như mình đang tìm kiếm. Tôi như gã con trai đi tìm lá diêu bông không có thực trên đời. Cũng có nhiều cô gái đến với tôi, nhiều cô rất đẹp và giàu có, cũng có cô rất quí phái sang trọng, nhất là khi tôi bắt đầu có chút tiếng tăm và tiền bạc qua mấy lần triển lãm tranh và nhiều bài báo gây ấn tượng trong giới sinh viên. Nhưng sao tôi vẫn thấy dửng dưng, vẫn chưa thề nói với ai về tình cảm của mình. Tôi vẫn đi tìm một bóng hình không có thực, nhưng tâm tôi vẫn bảo hãy tìm đi và sẽ gặp, giống như điều Chúa đã dạy là hãy gõ cửa thì cửa sẽ mở. Tôi sẽ tiếp tục đi tìm và tôi sẽ tiếp tục gõ cửa suốt cuộc đời bởi tình yêu có sự lựa chọn riêng của nó.

*******

Đội quân mới, chính quyền mới như một cơn gió lốc thổi nhanh giữa Sài Gòn, cuốn phăng đi mọi trật tự có sẵn, đảo lộn và đổi thay đến từng ngõ ngách, từng con người. Tôi cũng bị xoáy vào vòng xoáy đó, không kịp rút số tiền dành dụm được của những mấy năm cực nhọc vừa học vừa làm gởi ở ngân hàng. Tôi trở lại thời vừa mới vào đất này, trắng tay và đói rách, lại xếp hàng ăn những bữa cơm đạm bạc tập thể ở căn tin, chờ đợi những thay đổi mới. Ở thời kỳ đó, chẳng có việc làm gì rõ rệt, kẻ đi bán cà phê, người ra lập chợ trời, tôi không làm được những việc ấy nên ngày hai bữa lang thang với bạn bè văn nghệ của Sài Gòn cũ, làm những người rảnh nhất thế giới, chờ đợi.

Chúng tôi được phép đi học lại, sinh viên từ nhiều trường tập trung thành trường Đại học Sư phạm thành phố, sinh hoạt hát hò và suốt ngày làm quen với đường lối, chủ trương và nền giáo dục mới. 

Tôi chẳng có hứng thú gì việc học hành bởi cái đói luôn hành hạ, hờ hững đến giảng đường mà chẳng chú ý đến ai, nhưng cũng phải ráng ghi ghi chép chép hi vọng nay mai được ra trường, có việc làm để ổn định cuộc sống, hướng tới tương lai. Tôi tham gia vào những sinh hoạt của nhà trường bằng những tài vặt đàn ca xướng hát, và cũng bởi rảnh quá chẳng biết làm gì cho hết thì giờ. Được sự gợi ý của chi đoàn, tôi thành lập nhóm kịch của khoa Văn, và ngay bữa họp đầu tiên của nhóm tôi đã gặp cô gái mang một cái tên là lạ: Trân Cầm. Trân Cầm học ở Văn khoa chuyển qua cùng lớp nhưng vì tôi chẳng để ý đến ai nên chưa gặp lần nào, hay có thể đã gặp mà không thấy. Cảm giác đầu tiên khi tôi nhìn thấy Trân Cầm là như có một chiếc búa lớn bổ vào ngực, đè nặng trái tim và nhịp tim tôi như ngừng lại, bởi cô ấy chính là lá diêu bông mà tôi đã tìm kiếm lâu nay. Vóc dáng ấy, đôi mắt ấy, giọng nói ấy, tiếng cười ấy, khuôn mặt ấy chính là những hình ảnh liên tục hiện về trong những giấc mơ của tôi. Khi ánh nắng buổi chiều chiếu vào cửa sổ hắt vệt sáng trên mái tóc buộc túm bằng chiếc kẹp đồi mồi và làm rực lên nửa khuôn mặt của Trân Cầm, thì hình ảnh chị Lê ngồi dưới giàn thiên lí trong tiềm thức tôi hiện lên rõ rệt. Thế là tôi đã tìm thấy. Tôi đã gõ cửa và Chúa đã mở cửa cho tôi bắt gặp định mệnh của đời mình. Tối hôm đó trở về nhà trọ, dù chẳng có gì bỏ bụng tôi vẫn ôm đàn hát nghêu nghao cho đến khi trăng tàn trên những vòm cây.

Mấy năm lưu lạc học hành ở miền Nam tôi làm đủ thứ nghề, từ bán báo đến sửa morasse nhà in, rồi trở thành người viết báo, trình bày báo, vẽ tranh, làm thơ, đi hát, diễn kịch… cũng để dành được một số tiền khá lớn, đủ để bảo đảm một cuộc sống sung túc, nhưng cứ nghĩ mình còn trẻ, lại chưa lập gia đình nên gởi hết vào nhà băng. Ai ngờ thời thế đổi thay, trong cơn cuống quít của chuyện ra đi hay ở lại, tôi không rút được đồng nào, từ triệu phú trở thành kẻ đói cơm giữa Sài Gòn đầy lộn xộn, phải bán luôn chiếc xe hơi vừa mới mua chưa đầy ba tháng với một giá rẻ mạt như cho, để tồn tại, nên chẳng còn phương tiện nào để di chuyển ngoài đôi chân mệt mỏi. May thay, từ khi quen với Trân Cầm, tôi thường dùng chiếc xe đạp của Trân Cầm để chở cô ấy đi học, đi về, đi sinh hoạt hát ca. Tôi không biết ngỏ lời với Trân Cầm như thế nào để tỏ hết lòng mình, nên thông thường tôi chỉ biết lắng nghe những câu chuyện buồn vui của cô ấy kể bằng một giọng Bắc kỳ Hà Nội di cư, một giọng kể nhẹ nhàng duyên dáng với những nhận xét thông minh, những tình tiết đầy nữ tính.

Một hôm sau buổi diễn kịch ở trường về, trời đã khuya, con đường Trương Minh Giảng vắng rộng thênh thang chỉ còn tiếng dế gáy bên vệ đường và hương ngọc lan từ những biệt thự đầu đường ngào ngạt trong gió đêm, một không gian thật lãng mạn cho những đôi tình nhân. Có lẽ không gian đó cũng làm cho Trân Cầm xao xuyến, Trân Cầm ngả đầu vào lưng tôi. Một cảm giác lạ lùng đến với tôi, một tín hiệu tốt của tình yêu chưa dám nói? Tôi muốn con đường dài ra mãi, đi hoài không tới, để tôi giữ mãi được giây phút thần tiên ấy, để chúng tôi là dấu chấm của đời nhau, được đi cùng nhau suốt cả cuộc đời. Sau này, liên tục mấy mươi năm, hôm nào đi qua cảnh cũ tôi cũng thường lái xe đi chậm lại để mong được hít thở hương ngọc lan bay rất mỏng, để nhớ cái đêm đầu tiên ấy, để hưởng lại cảm giác ngọt ngào và hạnh phúc của ngày xưa đã mất. Nhưng những cây ngọc lan xưa không còn ra hoa nữa và người xưa cũng như cánh chim bay xa tít. 

Sau đêm đó, cả hai cũng chẳng có tín hiệu gì thêm nên chúng tôi vẫn là hai người bạn cùng lớp, cùng nhau trên một lối về.

*******

Tháng Sáu, Trân Cầm muốn ghé qua nhà trọ của tôi cho biết cuộc sống của những kẻ xa nhà. Khi chúng tôi vừa bước chân vào căn gác nhỏ thì trời đổ mưa như trút, mưa tháng Sáu của miền Nam, mưa tháng Sáu của Sài Gòn. Chúng tôi đứng nhìn mưa qua cửa sổ, những hạt mưa bay làm ướt nhè nhẹ trên khuôn mặt của hai đứa, và chúng tôi chụm đầu vào nhau, hai bàn tay không hẹn mà tìm nhau nắm chặt, hai bàn tay nóng bỏng giữa chiều mưa. Cái hôn đầu tiên đến quá bất ngờ nên cả hai đều sượng sùng khi nhìn vào mắt nhau, đôi mắt trong veo hình như ánh lên câu hỏi, trời vẫn mưa xối xả, chúng tôi quên mất đất trời chạy xuống cầu thang đội mưa đi, mưa ướt đẫm trên khuôn mặt, ướt hết hai tấm thân gầy, hai đứa lâu lâu lại nhìn nhau cười dưới cơn mưa như những người mất trí. Đó là nụ hôn đầu tiên và duy nhất của chúng tôi dành cho nhau suốt cả một cuộc tình dài. Khi nhìn Trân Cầm đạp xe đi về, bầu trời u ám, những dây điện giăng ngang cắt nát mảnh trời, dáng mong manh của Trân Cầm nổi lên khung trời xám đó như cánh chim nhỏ nhoi đang cố bay lên. Tôi buột miệng hát một đoạn trong bài Như cánh vạc bay của Trịnh Công Sơn: "Nắng có hồng bằng đôi môi em. Mưa có buồn bằng đôi mắt em. Tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống đời làm sóng lênh đênh… Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi… " Từ đó tội gọi Trân Cầm là Vạc, bởi em gầy với áo lụa bay, và cũng bởi tôi rất yêu cánh vạc, những con vạc mảnh mai bay về trong ánh mặt trời là hình ảnh thanh thoát và lãng mạn. Cũng từ đó cho đến nay, trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu đổi thay, tuổi càng ngày càng chồng chất, nhưng cứ đến những cơn mưa đầu mùa tháng Sáu hàng năm tôi lại đội mưa đi lang thang, đi trong mưa để nhớ ngày mưa tháng Sáu ngày xưa, tháng Sáu có ngày sinh nhật của Trân Cầm; và để nhớ về loài chim vạc, nhớ về nụ hôn duy nhất của một cuộc tình buồn.

Những buổi học sau đó là những ngày vui, tôi không còn hờ hững với giảng đường và bài giảng nữa, bởi đã có động cơ để tôi phải cố gắng, và những giờ học là dịp để được gặp nhau, để chào đón nhau, gởi cho nhau những bài thơ viết vội, hoặc những lời nhắn gởi vu vơ. Nhưng cũng từ bữa ấy, những đôi mắt sau lưng chúng tôi hình như có chứa đựng những ánh mắt ganh ghét, đố kỵ, lúc đầu còn kín đáo nhưng càng ngày càng lộ rõ. Tôi hồn nhiên sống và hồn nhiên yêu, không hình dung ra những đợt sóng ngầm đang chuẩn bị để vùi dập mình xuống tận đáy của cuộc đời. Tôi cũng không nghĩ tới cái ác của con người, chỉ nghĩ tới thiện tâm và không nghĩ rằng trên đời này lại có thể có những con người lúc nào cũng tính toán, âm mưu để xé xác đồng loại, để gài bẫy bạn bè. Tôi vô tư nên không nghĩ tới những hậu quả đang chực chờ đẩy tôi đến ngả rẽ làm thay đổi cả đời tôi.

Sau kỳ thi tốt nghiệp, chúng tôi phải đi một chuyến lao động ở nông trường, sống một tuần lễ với một đơn vị Thanh niên xung phong. Tôi chỉ tham dự chuyến lao động thực tế này đúng một ngày một đêm, bởi hồi ấy tôi còn tham gia vào đội kịch của thành phố, chuyến lưu diễn của đoàn trùng với thời gian đi lao động. Đêm ở lại duy nhất tại nông trường, tôi chỉ một lần nắm tay của Trân Cầm trong giấc ngủ, bởi chúng tôi ở cùng chung một lán trại. 

Lao động xong, chúng tôi được nghỉ hè chờ quyết định phân công công tác. Chúng tôi ít được dịp để gặp nhau, tôi suốt ngày lang thang ở sân trường lượm những chiếc lá vàng đề những câu thơ để tặng cho cánh chim Vạc của tôi, nhưng ít khi được gặp. Khi làm hồ sơ để ra trường, trong mục nguyện vọng, tôi mong được phân về dạy ở một thị trấn nhỏ miền núi, tôi hình dung ra một thị trấn cao nguyên, đầy những rừng chè và sương trắng. Và mỗi tuần tôi lại đến đợi Trân Cầm dưới chân đồi, cùng nhau dạo trong trảng cỏ đầy hoa dại và gió lạnh, Trân Cầm sẽ mang chiếc áo ấm màu rượu chát, chiếc kẹp đồi mồi giữ tóc không bay và chiếc khăn quàng ôm kín bờ vai gầy. Tôi hạnh phúc trong giấc mơ tưởng tượng.

Giấc mơ đẹp không thành sự thật, lần lượt bạn bè đều nhận được quyết định, chỉ mình tôi, Trân Cầm và vài người có lí lịch xấu không được đoái hoài, không một lời thông báo. Tôi bắt đầu tuyệt vọng trong sự đợi chờ, lúc ấy, đối với tôi lúc ấy việc được đi dạy học là con đường tốt nhất, bởi đó là ước mộng của tôi khi chọn trường sư phạm, và cũng là việc làm duy nhất có thể cứu tôi ra khỏi cảnh lông bông. Tôi ngu ngơ không hiểu được rằng còn có quá nhiều con đường khác để đi, còn rất nhiều nghề khác để chọn. Tôi hoang mang không hiểu lí do nào đã không cho phép tôi và Trân Cầm không được phân công tác. Phong phanh có dư luận cho rằng tôi và Trân Cầm phạm vào một lỗi rất nặng, nhưng chẳng có ai trả lời cụ thể tội gì, chỉ có những cặp mắt hả hê, những cái nhìn hằn học có cả những thái độ xa lánh làm cho tôi càng lúc càng bế tắc. Tôi quá dại khờ và hồn nhiên không nghĩ đến việc có ai đó đã rắp tâm hại mình và càng không nghĩ đến việc cả một nhóm người đang hè nhau để xô chúng tôi xuống bùn đen bằng những tội lỗi mà mình không bao giờ mắc phải. Một hôm, lúc đang lang thang ở sân trường, tôi gặp Hoàng, một bạn học cùng lớp, hắn rủ tôi vào quán cà phê, và rồi bằng một ánh mắt thương hại hỗn xược, những ngôn từ tiểu thuyết rẻ tiền hắn cho tôi biết hắn và Trân Cầm đã yêu nhau, rằng hai người đã có những thề ước hẹn hò, hắn chìa cho tôi xem nhiều mảnh giấy trong đó có chữ của Trân Cầm và bảo đó là những bức thư nàng gởi cho hắn trong suốt tuần lễ lao động ở nông trường, hắn khuyên tôi nên quên cô ấy đi, hãy về quê kiếm một việc làm khác mà sống vì hắn chắc chắn rằng, tôi sẽ không bao giờ được phân công và tỏ lòng xót xa cho cảnh ngộ của tôi. Tôi hèn nhát đến độ ngồi im cho hắn nói. Rồi lặng lẽ ra về với một chút hoài nghi. Tôi tin Trân Cầm, nhưng tôi cũng hơi tin những lời lẽ của Hoàng, bởi hắn nói với một thái độ hết sức tự tin và những vật chứng rõ ràng. Tôi đau khổ viết cho Trân Cầm một bức thư dài như một lời từ giã, một bức thư kể hết lòng mình. Tôi dự định sẽ lên cao nguyên, ẩn mình chờ cuộc đời trôi đi để quên hết. Tôi không nghĩ đến chuyện về quê, bởi không lẽ sau năm năm ra đi lại trở về ăn bám gia đình, trở thành một thằng vô nghề nghiệp, làm xấu một gia đình có nề nếp, có tiếng tăm trong thị xã nhỏ bé. Tôi đang đến bờ vực của kẻ cùng đường. Mối tình đẹp đẽ sau năm tháng kiếm tìm đã mất, người con gái mà từ tuổi mới lớn, tôi đã tâm nguyện sẽ đi tìm cũng bỏ tôi mà đi, công lao học hành trong khó khăn giờ đây đã bị khước từ một cách khó hiểu, tôi cô đơn gặm nhấm nỗi đau. Trân Cầm gởi trả bức thư dài của tôi không một lời giải thích, tôi càng đau hơn khi chính Trân Cầm đã cắt thêm nhát dao vào vết thương của tôi, tôi đâu ngờ rằng Trân Cầm lúc ấy cũng đang là một nạn nhân của một màn kịch bỉ ổi và đê tiện.

Có nhiều đêm tôi nằm mơ toàn những cơn ác mộng, tôi mơ tôi đang đi với Trân Cầm trong một thung lũng đầy hoa và bướm, bỗng dưng có một nhóm người, toàn là bè bạn nhảy vào xô tôi ngã xuống, đâm tôi bằng những nhát dao, tôi sắp ngất đi, ngửa mặt giữa trời xanh hiện lên hình ảnh của Trân Cầm nhìn tôi bị dày xéo một cách dửng dưng, tôi không đau nỗi đau thân xác, tôi đau vì ánh mắt lạnh nhạt của Trân Cầm. "Lẫn trong cái chết vẫn còn nỗi đau.(1) "

Tôi được gọi vào phòng tổ chức gặp một ông thầy hom hem nhìn tôi chằm chặp, ánh mắt không có chút hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Ông lơ đãng giở từng trang giấy trong đống hồ sơ dày cộp, đọc lẩm bẩm đôi dòng rồi ngước cặp mắt giễu cợt nhìn tôi. Tôi hồi hộp đợi chờ câu hỏi của ông, nhưng hình như ông không vội. Tôi như kẻ tội đồ đang đứng trước vành móng ngựa chờ tuyên án. Cuối cùng thì ông cũng buông được một câu: Cậu không thể đi dạy học được, hãy lập gia đình và kiếm lấy nghề khác mà sống . Tôi ngạc nhiên tột độ, tôi không hiểu gì cả.Tôi ngây người nhìn ông, ông đưa tay ngoắc ngoắc, ra dấu tôi về. Tôi sững lại một giây, rồi ngoan ngoãn trở ra cửa không một lời thưa. Gió ở đâu thổi về ào ạt, tôi đi lên dốc cầu Trương Minh Giảng, đứng nhìn xuống dòng nước đen ngòm đầy rác rưởi, đầu óc rối tung lên. Câu nói của người cán bộ phòng tổ chức có nghĩa gì? Sao lại khuyên tôi lập gia đình? Sao tôi lại không thể dạy học được. Tôi học tốt, bài làm ra trường rất tốt, khả năng diễn đạt của tôi cũng rất khá. Vậy tại sao tôi lại không thể. Tôi miên man với nhiều câu hỏi không có cách trả lời. Tôi nhìn dòng nước đen rồi hình dung đời mình rồi cũng sẽ như dòng nước kia, đen kịt vì tù đọng và hôi thối. Và rồi tôi cũng ý thức được rằng, tôi đã bị từ chối, người ta đã không chấp nhận tôi vì một lí do bí ẩn nào đó, chứ không phải vì khả năng hay do kết quả học tập của tôi. Gió lại thổi dữ dội, rồi những cơn mưa nặng hạt trút xuống. Tôi dầm mưa đi suốt con đường, con đường có rất nhiều ngả rẽ, nhưng không có ngả nào dành cho tôi, tôi đi mãi cho đến khi đường vắng không còn một bóng người qua rồi ngã gục trước hiên của một ngôi nhà lạ vì lạnh và đói.

******

Tôi gặp Trân Cầm trên sân trường đầy nắng, những cánh phượng đỏ như những giọt máu rỏ xuống sân trường, Trân Cầm hình như muốn tránh mặt tôi, ngôn từ mang tính xã giao, xa lạ, nụ cười không còn tươi trên mặt nàng, đôi mắt như có khói, buồn lặng lẽ. Chúng tôi chia tay trước sân trường không một lời chào. Hình như giữa chúng tôi đang có một bàn tay vô hình ngăn chặn. Tôi lại một mình đi lại những con dường chúng tôi đã từng đi qua, đi dưới những con đường có hàng dây điện giăng ngang cắt nát trời chiều. Cánh Vạc đã bay về, một mình với đôi vai gầy. Tôi biết đi đâu, cũng chỉ còn một mình nhìn quanh chỗ nào cũng chứa đầy kỷ niệm, tôi liêu xiêu một bóng đến con hẻm hun hút gió của nhà nàng. Và tôi gặp hắn - thằng Hoàng -ngay cửa ngõ nhà Trân Cầm. Ngôi nhà có giàn cây huỳnh hoa vàng rực rỡ. Hắn đứng đó, bên cạnh Trân Cầm, hình như hai người đang vui. Hình như có một nụ cười đang hiện ra trên khuôn mặt nàng. Hoàng có vẻ toại nguyện, hắn chào nàng bằng cái vẫy tay. Tôi nhìn lên những cánh hoa vàng trước ngõ nhà Trân Cầm, những cánh hoa vàng rực, vẫn những cánh hoa hôm trước nhưng hôm nay thấy chúng mới vô duyên, trơ trẽn làm sao? Tôi là người thua cuộc, trong cuộc chơi, kẻ thua cuộc phải rời vị trí, đó là qui luật. Tôi trở thành kẻ đứng xem cuộc đời tiếp tục, đó cũng là điều đúng với qui luật.

Thế là chúng tôi mất nhau, sao kết thúc lại nhạt nhẽo đến thế. Chúng tôi lặng lẽ xa nhau không một lời giải thích, cũng chẳng do một lí do nào. Một kết thúc vô lí, đến hàng chục năm sau tôi vẫn thấy vô cùng phi lí.

Trở về gác trọ, đầu tôi ngổn ngang nhiều câu hỏi. Tôi sẽ phải làm gì đây? Tôi sẽ đi về đâu đây? Khi tất cả mong ước, khi những giấc mơ nhỏ nhoi cũng không đạt được. Tôi đã phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn mới gắng gượng đến lúc được ra trường. Những ngày đến lớp đói quặn lòng, những tuần lễ sống chỉ bằng nước lã và khoai lang, những đêm mưa trong căn gác không đủ che những cơn gió giật, chỉ có tình yêu của Trân Cầm đã làm cho tôi hi vọng, bởi đời còn có Trân Cầm nên tôi còn nghị lực để đến trường và tin rằng lúc ra trường cuộc sống sẽ đỡ hơn, bởi tôi chỉ cần cuộc sống bình thường, tôi đã mất hết số tiền lớn vì những thay đổi của thời cuộc, nên chẳng tin có ngày mình sẽ làm lại được như xưa. Nhưng tôi đã bị từ chối, người ta đã lấy cắp ước mơ của tôi, tôi sẽ không có được những buổi chiều cuối tuần đón đợi dưới chân đồi, tôi sẽ không bao giờ được trở về cùng với Trân Cầm trong đồng cỏ đầy hoa dại, sẽ không có dấu chấm nào để đặt dấu cuối cùng cho một tình yêu. "Gió đã thổi chiếc khăn quàng xuống cỏ, nụ cười xưa đã tắt dưới chân đồi. Tôi bất lực bị đời xô ngã quị, cuộc tao phùng còn li biệt mà thôi.(2)"

Tôi bỏ mất năm ngày ngồi ở nhà xếp năm trăm con Vạc giấy, những con Vạc nhỏ nằm ngổn ngang giữa sàn nhà trước cặp mắt ngạc nhiên của đám bạn cùng phòng, tôi cắn chặt răng xếp cho đến khi mấy đầu ngón tay sưng phồng, tóe máu, mất hết cảm giác. Những con Vạc lần lượt ra đời lẫn với những vết máu của tôi, những cánh chim tôi yêu và là hình ảnh của Trân Cầm. Nhưng rồi tôi chất các con Vạc giấy thành một đống lớn, châm lửa đốt. Lửa cháy, những cánh Vạc thành tro tàn bay trong buổi chiều u ám chờ mưa. Tôi cứ tưởng sẽ là quên được hết trong ngọn lửa ấy, nhưng không ngờ bóng Vạc mãi bay trong tôi suốt cuộc đời.

Buổi chiều cuối năm, nhìn gia đình hàng xóm đang quây quần sum họp trong nhà, bất giác tôi thèm một hơi ấm gia đình mãnh liệt, đứa con đi hoang bỗng dưng chạnh lòng nhớ tới ngôi nhà xưa, ở đó đang có cha mẹ, các em vây quanh chiếc bàn ăn tối, có không khí đầm ấm và những ánh mắt cảm thông, tôi thèm một gia đình. Và từ buổi chiều nhớ nhà, cần một hơi ấm sẻ chia những thất vọng, cần có nơi chốn để đi về, để quên đi những mơ ước cũ, quên đi hình bóng tôi đã mang theo từ thuở còn rong chơi, quên đi những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình, quên đi những cơn mơ dữ, tôi đi đến quyết định làm thay đổi đời mình: lấy vợ. Tôi muốn làm một con người khác, tôi muốn rũ bỏ tôi xưa, tôi sẽ không còn là tôi nữa, tôi bỏ lại ngàn cánh Vạc trên bầu trời mơ ước cũ, bỏ luôn những kỷ niệm và ước mơ của một thời ngây dại. Người tôi lấy làm vợ là cô gái đã cứu tôi trong buổi chiều tôi đi trong mưa và ngã quị trước hiên nhà cô ấy. "Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa, mộng trùng lai không có bao giờ.(3)"

*******

Khi chuyện cưới hỏi đã xong, tôi gửi đơn xin cứu xét trường hợp của tôi tới phòng tổ chức. Tôi làm việc này theo sự gợi ý của một cô bạn học cùng khóa vô tình gặp trên sân trường. Cô bạn này đang có quan hệ tình cảm với ông hiệu phó, nên có điều kiện để giúp đỡ tôi toại nguyện. Kết quả đến nhanh hơn tôi tưởng, tôi cầm được quyết định phân công tác đi về vùng tận cùng của đất nước. Dù không được đến vùng cao nguyên như mong đợi, nhưng tờ giấy đó đã đem đến cho tôi niềm vui khôn xiết, chỉ có điều không có Trân Cầm để chia vui với tôi, để được nói lời chia tay với nàng.

Nhưng suốt ba tháng trường, không biết bao lần tôi lên xuống tỉnh lỵ heo hút đó trong thời điểm xe cộ đi lại rất khó khăn, Sở giáo dục của tỉnh không có một dấu hiệu gì đả động đến việc trình diện của tôi. Ngày hai bữa báo cơm tập thể, đi ngu ngơ khắp thị trấn nhỏ bé, chẳng có ai hỏi han đến mình. Tôi lại bắt đầu lâm vào một ngõ bí mới. Khi tất cả trường học đã khai giảng gần hai tháng rồi, không kiên nhẫn được nữa tôi xin gặp cán bộ phụ trách ở sở. Tiếp tôi là một đồng chí nữ nhỏ bé, mặc chiếc áo bà ba và chiếc quần đen ngắn đến mắt cá chân. Sau một hồi hỏi chuyện bâng quơ, bà ta bảo với tôi bằng một thái độ rất nghiêm nghị: Sở chúng tôi rất cần những giáo viên được đào tạo chính qui như anh, nhưng sở không thể nhận một giáo viên có tư cách như anh được. Tôi ngạc nhiên: nhưng thưa, tôi đã tốt nghiệp với đầy đủ các môn học, tôi không vi phạm chính trị, tôi không chống đối lại đường lối, chính sách của nhà nước, thế tại sao tôi lại không đủ tư cách để dạy học. Bằng cái nhìn soi mói pha lẫn khinh rẻ, bà cao giọng: Anh có đủ trình độ để dạy học nhưng anh không đủ đạo đức để làm người thầy. Tôi bắt đầu thấy máu nóng bốc lên mặt: Sao lại không đủ đạo đức… Không đợi tôi nói hết câu, bà cán bộ rút từ trong ngăn kéo ra một bọc hồ sơ, đẩy đến trước mặt tôi và nói với giọng có vẻ dịu hơn: có lẽ anh không biết thật, vậy thì tôi nói rõ cho anh biết, trong hồ sơ của trường sư phạm chuyển về, có một biên bản của một buổi họp gồm hơn chục trang giấy kết luận anh đạo đức hạng C, là hạng không thể chấp nhận ngoài xã hội chứ đừng nói ở trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Anh bị lên án là có quan hệ nam nữ bất chính, không trong sáng trong quá trình học tập, là người kiêu căng, tự mãn, có tư tưởng chống đối tập thể.

Tôi há hốc miệng, không nói được câu nào, máu nóng không biết từ đâu trào lên làm cho mặt nóng bừng như có lửa. Tay nắm chặt tôi giơ lên định đấm mạnh xuống bàn, nhưng tôi kịp trấn tĩnh, bàn tay kịp dừng lại. Bây giờ thì tôi đã hiểu hết, đã nhìn thấy được hết, đã biết được mọi nguyên do. Mối tình đẹp như bài thơ của chúng tôi bị kết án là cuộc tình bất chính, không trong sáng. Những lời góp ý, phát biểu để hiểu hơn bài giảng trong sinh hoạt chính trị của tôi là những tư tưởng chống đối mọi người. Thế thì cuộc đời này còn có chi là đẹp đẽ, có chi là trung thực. Mọi giá trị đã bị đảo lộn, mọi qui ước đã bị đổi thay. Nhân danh ai, nhân danh cái gì để kết án chúng tôi. Suốt cả cuộc tình chúng tôi chỉ một lần hôn phớt môi nhau trong buổi chiều mưa tháng Sáu, chỉ một lần cầm tay trong giấc ngủ ở nông trường, đó là bất chính, là phạm vào điều tối kỵ sao?  Bỗng dưng tôi chợt nhớ có một câu thơ rất hay: "Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người". (4)Sao chúng tôi yêu nhau lại bị tước mất quyền làm người tử tế? Chúng tôi cố giữ cho cuộc tình thật thánh thiện, thật đẹp đẽ lại bị loài người gán cho là mối quan hệ không trong sáng, bất chính, phải hủy diệt, phải chối từ, phải bị lên án.

Tôi được đọc chục trang biên bản đó, đó là buổi họp chi đoàn khoa Văn. Người chủ trì, những người tham dự đều là những người bạn học chung lớp, những người hàng ngày chứng kiến cuộc tình của chúng tôi, những người hàng ngày ngồi chung bàn, cười chung chuyện với chúng tôi. Bây giờ họ trở thành những quan tòa tố cáo, kết án chúng tôi. Lúc này tôi càng hiểu hơn những ánh mắt hằn học, đố kỵ thường lóe lên sau lưng tôi. Họ nhân danh đạo đức khi họ đang làm chuyện phi đạo đức. Họ thêm thắt, thêu dệt những điều không có, họ gán cho tôi những tội lỗi mà tôi không hề phạm, những tội lỗi mà tôi chưa hề nghĩ đến, nói chi chuyện thực hiện. Họ tưởng tượng ra cảnh chúng tôi hò hẹn với nhau trong những đêm ở nông trường, xa lánh mọi người để hưởng thụ xác thân với nhau trong nhiều đêm đi lao động, sao họ không biết rằng thời gian đó tôi không có mặt ở nơi người ta dựng lên cảnh giả, lúc đó tôi đang ở một tỉnh lỵ xa nơi đó hàng trăm cây số. Thương cho Trân Cầm, nếu cô ấy biết được chuyện này, Trân Cầm làm sao chống chọi được với dư luận khắc nghiệt, làm sao chịu được mối oan khiên này. Tôi đã hiểu được sao mắt Trân Cầm như có khói, nguyên do nàng cố tránh tôi. Trân Cầm đang cố tránh những lời dị nghị, những dư luận bắt nguồn từ một vở bi hài kịch. Một vở kịch rất tồi nhưng mọi người đều cố tin và cùng nhau vỗ tay. Họ có nghĩ gì không khi buông lời kết án một con người, họ có nghĩ tới một hậu quả vô cùng tai hại khi họ gieo xuống một mầm ác, họ nghĩ gì khi xô người khác xuống bùn đen. Tôi hiểu và thông cảm thái độ và quyết định của người cán bộ sở. Họ là người chỉ biết căn cứ vào biên bản, vào những báo cáo. Và khi tiếp nhận báo cáo như vậy thì ai có thể dám nhận một người đạo đức hạng C như tôi làm giáo viên để giảng dạy cho thế hệ trẻ.

Tôi trở về thành phố ngay trong đêm với bọc hồ sơ người cán bộ tin tưởng giao cho. Bọc hồ sơ hơn chục trang đầy kín chữ chứa những lời kết án đã đóng tôi vào thập tự.

Sau nhiều lần tìm đủ mọi cách để được gặp cán bộ phòng tổ chức, nhiều lần dùng đủ mọi lý lẽ, mọi bằng chứng chứng minh mình là người bị oan khuất, những lời kết tội là không đúng sự thật, tôi đã được bố trí về dạy học ở một trường xa tít ở ngoại thành.

*******

Con đường đến trường thật lắm gian nan, sau gần năm tiếng đồng hồ chuyển từ xe buýt qua xe lam, rồi lên xe ngựa, rồi một chuyến xe lam nữa đi qua nhiều chiếc cầu nhỏ, nhiều đồng lúa trơ gốc rạ tôi mới đến được ngôi trường. Đó là những dãy nhà thấp lè tè lợp tôn, vách tường nham nhở những vết thương. Sân trường đọng những vũng bùn với hàng cây điệp vàng quắt queo, hàng cây bã đậu xù xì gai góc. Đêm đêm tiếng ễnh ương kêu buồn não nuột. Nhưng tôi rất vui vì đã được đón nhận. Có lẽ người ta đã hủy bản án của tôi rồi, tôi nhủ thầm sẽ cố gắng phấn đấu để chứng minh rằng tôi vẫn là người còn có ích, tôi sẽ cố gắng dạy học và sống thật tốt để minh chứng cho cuộc đời thấy rằng những lời kết tội kia là những điều dối trá. Dù thời gian đầu gần sáu tháng, tôi không được lãnh lương, hàng tháng tôi chỉ lãnh được vài kí gạo độn bo bo, người ta muốn dò xét, hoặc thử lòng tôi chăng? Những năm tháng đó là giai đoạn khó khăn về kinh tế của cả nước, bữa cơm tập thể luôn độn bo bo hoặc bột mì, món ăn quanh năm là tô canh rau hay bầu bí lỏng bỏng nước và miếng cá tanh tưởi , nát nhừ, ươn thối. Những ngày ấy tôi sống không ham muốn, không lo âu, chỉ biết làm việc và cống hiến. Tôi chấp nhận cuộc sống ở miền quê này, tìm thấy niềm vui trước những tình cảm rất chân thật của các học trò nhỏ. Tôi xung phong dạy hết ba cấp lớp, dạy suốt tuần không nghỉ mong quên được hình bóng của Trân Cầm, hình ảnh của mối tình đã mất. Quên đi cay đắng cuộc đời dành cho.

Đôi khi, trong mùa đi chấm thi, tôi cũng có gặp Trân Cầm, chúng tôi cũng có nhiều câu chuyện để nói với nhau, nhưng rồi mỗi đứa lại đi mỗi ngả, để lại trong tôi nhiều nỗi nhớ hơn. Tôi ở đấy gần năm năm, gần như không biết những đổi thay của thế giới, bởi không điện, không truyền hình, truyền thanh, thỉnh thoảng chỉ đọc một vài tờ báo cũ. Tôi như người tù nhân tự nguyện bị giam lỏng nơi chốn xa xôi, xa nền văn minh đương đại. Bạn bè tôi ở thành phố không gặp được tôi nên một số cứ đinh ninh tôi đã vượt biên, bởi lúc này phong trào vượt biên rầm rộ lắm. Tôi trở thành anh nhà quê ngơ ngác khi có dịp về chốn thị thành, mà thật ra chốn thị thành thì cũng nghèo nàn, thiếu thốn, mọi người ai cũng lao lực kiếm ăn, chỉ biết làm sao để có ăn cho no là hạnh phúc. Hạnh phúc là được mua được tấm vải, chiếc vỏ xe, lạng thịt theo giá phân phối. Hạnh phúc rất giản đơn. Còn tôi thì cứ quắt quay tìm kiếm một thứ hạnh phúc xa vời không có thực.

*******

Những khó khăn trong cuộc sống, những mâu thuẫn gia đình càng ngày càng lớn dần lên đưa tới kết cuộc là vợ chồng tôi phải đi tới cảnh chia tay, tôi trở lại cuộc sống độc thân, lại ngày ngày nhận thau cơm ở bếp ăn tập thể, lại hàng đêm đối diện với bóng mình. Nhưng ở nơi xa xôi này, người ta vẫn chưa quên chuyện cũ, đã có lần chuyện đạo đức hạng C của tôi lại được đem ra bàn cãi, đó là lúc chi đoàn định kết nạp đoàn viên cho tôi. Qúa khứ đó cộng với việc tôi vừa ly dị đã khiến cho mọi người không đồng ý cho tôi cùng đứng chung hàng ngũ, tôi vẫn là người có không đủ đạo đức để tiến lên. Tôi cũng chẳng lấy chuyện đó làm buồn, bởi tôi hiểu mình đã bị vết chàm bôi bẩn, dễ gì được tẩy trắng lại đâu. Tôi chỉ mong sự bình yên.

Đủ thời gian công tác ở ngoại thành, tôi được trở về thành phố. Trân Cầm lập gia đình khi tôi vừa có quyết định li hôn. Âu đó cũng là số trời, bởi chúng tôi có duyên gặp nhau nhưng không có nợ để trói nhau. Tôi cầu mong cho Trân Cầm được hạnh phúc, có lẽ chúng tôi sẽ không nên gặp nhau nữa, mỗi người đã có một phần số của mình.

Tôi cố thu mình lại để sống, lạnh nhạt với mọi người, xa lánh chốn đông vui, một mình gặm nhấm những éo le và bất hạnh. Nhiều đồng nghiệp nữ có cảm tình với tôi, có lẽ do sự lạnh lùng xa cách không giống ai khiến họ tò mò muốn tìm một cuộc phiêu lưu, khám phá. Nhưng tôi không cùng tham dự được bằng trái tim nguội lạnh với con người.

Rồi Trân Cầm đi xa, tôi biết tin này chỉ một ngày trước khi nàng bay. Tôi viết vội vài dòng thay cho lời đưa tiễn. Ngày Trân Cầm đi, tôi đến sân bay kiếm góc kín đứng nhìn nàng lặng lẽ. Và khi nàng bước ra máy bay, tôi lên phòng lầu dành cho khách tiễn đưa nhau, nhìn xuống sân bay mênh mông, tìm một khung cửa sổ, buộc vào một chiếc khăn bay trong gió và hi vọng rằng từ khung cửa máy bay Trân Cầm sẽ nhìn thấy chiếc khăn như bàn tay vẫy vĩnh biệt. "Môi cười ở cuối sân ga, chùm bông tuyết mỏng pha màu vĩnh ly (5)". Ở đây trưa nắng, không có tuyết, nhưng sao tôi thấy lạnh vô cùng. Thế là từ nay tôi sẽ không bao giờ gặp Trân Cầm được nữa. Chiếc khăn đã bị gió cuốn đi. Dòng đời cũng đã cuốn chúng tôi đi. Vĩnh biệt!

Từ ngày đó, khi đi đường, tôi cứ khao khát tìm theo những người như có dáng như Trân Cầm, những người tóc xõa, vai gầy, đi guốc mộc, đội nón lá, hi vọng tìm được Trân Cầm giữa phố đông, để chào nhau giữa con đường, để cho nhau nụ cười giữa phố phường ngựa xe. Nhưng hình bóng đó không còn tìm thấy được bởi người đã đi xa, mà phố xá bây giờ có ai dùng nón lá và guốc mộc. Ngỡ như là tuyệt vọng.

Nhưng rồi Trân Cầm lại trở về, với mái tóc bạc trắng vì những ngày tháng cực nhọc nơi xứ lạ. Tôi gặp Trân Cầm giữa phố, nỗi mừng vui pha lẫn chút xót xa. Cuộc hạnh ngộ rất ngắn nhưng làm cho tôi quá sững sờ. Dấu thời gian đã bắt đầu hiện diện trên nhan sắc. Hòn đá lăn không đóng rêu, thời gian làm rong rêu những bậc  thềm vắng. Thời gian làm rong rêu trái tim tôi, trái tim tù đọng mệt mỏi vì yêu người. Cả hai chúng tôi đã bắt đầu của tuổi già. Nhưng vẫn chưa được yêu nhau trọn vẹn.

***********

Tôi từ bỏ nghề giáo, nhảy vào nghề buôn, bởi nghề buôn chỉ cần chữ tín, người ta không xét lí lịch, thương trường không xét đạo đức hạng nào mà chỉ cần anh năng động và biết nắm bắt cơ hội. Tôi buôn bằng chất xám của mình, lấy tim óc đổi thành tiền bạc, lấy tiền bạc đổi thành ngựa xe, nhà cửa. Tôi trở thành anh nhà giàu trong thời kỳ đổi mới. Tôi lại có chức danh, có nhiều kẻ xoay quanh xu nịnh, có nhiều thứ trong tay, chỉ thiếu có tình yêu của Trân Cầm. Tôi chạy theo cơn lốc làm giàu suốt một thời gian dài, bỗng có lúc ngồi nhìn lại, trái tim bệnh hoạn mệt mỏi của tôi lên tiếng, nỗi khát khao về ngôi nhà trên đồi nhìn xuống cánh đồng hoa vàng trên thành phố đầy sương trắng của ngày xưa lại cháy bỏng trở về. Tôi lên Blao, mua trang trại này, trồng những khóm hoa vàng trên đồi, như để ghi nhớ một cuộc tình thời tuổi trẻ, một mối tình sẽ đi mãi suốt cuộc đời tôi. Một cuộc tình lãng mạn kéo dài qua hai thế kỷ.

Mới đây, tôi đọc được những bài viết của Trân Cầm ghi lại những ngày tháng năm nàng lao động ở xứ người, những nỗi cô đơn, nhớ quê nhà của cô ấy, bỗng tôi chợt có ý nghĩ lãng mạn cuối cùng, tôi sẽ bay qua xứ lạ đó. Tôi sẽ đi trên những con đường Trân Cầm đã đi, thở không khí Trân Cầm đã thở, để nghe trong bão cát vàng, trong gió tuyết những nỗi cô đơn của một kẻ xa nhà, để chia sẻ nỗi buồn của kẻ tha hương. Tôi sẽ đi nhìn những chiếc lá đỏ, những chiếc lá nàng đã từng nhìn, những cây phong lá đỏ của rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Tôi sẽ đứng nghe gió thổi, những ngọn gió đã từng thổi qua người nàng. Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa trên dốc núi, sẽ ngồi trên phiến đá nàng đã từng ngồi, nghe tiếng chuông chùa lặng lẽ giữa thinh không. Để cảm nhận được rằng, thế gian này có đó rồi mất đó. Sắc sắc không không.

Tôi không có được Trân Cầm trong cuộc sống lứa đôi, nhưng tôi đã có nàng trong mộng tưởng.

Tiếng chuông chùa sẽ cho tôi quên đi tục lụy, quên đi những ác tâm đã làm cho chúng tôi xa cách ngày xưa, quên hết mọi người để chỉ còn hai đứa chúng tôi, lại đi trong mưa trong mùa mưa tháng Sáu.

Thuở mới quen nhau. Trân Cầm có chép cho tôi bài thơ, trong đó có câu: Có trầu mà chẳng có cau, Thì đành không đỏ môi nhau kiếp này. Thật vậy, có trầu không cau đúng là quá vô duyên, tôi cũng quá vô duyên khi tưởng tượng đến một cuộc dầm mưa giữa tuổi năm mươi, khi cả hai đã bị dấu vết thời gian làm cho mệt mỏi, khi cuộc đời đã quật cho đến mệt nhoài. Nhưng hàng năm vẫn có tháng Sáu, và tháng Sáu vẫn có những cơn mưa. 

Thế nhưng chuyến đi của tôi đã không thực hiện được, khi hành lí đã chuẩn bị xong, chiếc vé máy bay đã nằm trong túi áo, mùa thu lá đã vàng thì tôi nhận tin Trân Cầm vừa qua đời . Cái chết đến đột ngột như một cơn gió độc thổi qua cõi trần gian này. Tôi không tiễn được nàng về chốn xa xôi ấy. Tôi không được mang những bông hoa cẩm chướng trắng mà nàng rất ưa thích đến bên tấm hình hài đã bất động rồi. Chúng tôi cũng chẳng có một đoạn đường ngắn ngủi để tiễn đưa nhau. Ước vọng của một thời cũng đã chấm dứt, tôi về đây để nghe gió thổi và lá rụng trên đồi. Mỗi buổi chiều ngồi lặng lẽ để nhớ những tàn phai và cuộc tình không có lời chia tay. Có lẽ ở bên kia của thế giới, mỗi buổi chiều nàng cũng giống như tôi ngồi nhìn chiều đang đi và tiếc cho một cuộc tình.

*******

Vệt sáng đã bắt đầu hiện lên ở chân đồi, ông bạn già của tôi ngừng kể, đôi mắt ông xa xăm nhìn về phía có ánh sáng vừa lên. Có tiếng kêu của con nai lẻ bạn, vang trong trảng cỏ. Ngày mai sẽ là ngày nắng đẹp. Tôi sẽ về Sài Gòn, về lại nơi loài người đang tranh nhau sống, đang cố sức để dìm nhau xuống. Chắc chắn sẽ có ngày tôi sẽ trở lại nơi này, ông bạn già của tôi ơi.

Sài Gòn, tháng Sáu 2002

DODUYNGOC

(1) Thơ Hồ Dzếnh

(2) Thơ Đỗ Duy Ngọc

(3)Thơ Bùi Giáng

(4) Thơ Nguyễn Đình Thi 

(5) Thơ Bùi Giáng



Sáng chợt thức giấc thấy đồng hồ đã hơn 11:00. Mưa. Sài Gòn mưa dầm dề như mưa xứ Huế. Cả đàn chim không một tiếng hót. Người cũng lười biếng như chim, chẳng buồn ngồi dậy dù đã cảm thấy đói sau một đêm trống rỗng. Giờ biết làm sao để có buổi ăn trưa đây? Mưa kiểu này là không xuống đường được rồi. Nhớ ngày xưa đợi mưa để được lang thang dưới mưa, được nhìn thấy những chiếc lá me bay trên đường Nguyễn Du, được nhìn thấy phố phường ngược bóng dưới những vũng nước, được châm một điếu thuốc dưới mưa bụi bay bay để trên đường về nhớ đầy. Giờ tuổi tác không cho phép những trò lãng mạn dại dột. Đứng bên cửa nhìn xuống sân sũng nước, định đốt một điếu thuốc lại chợt nhớ chỉ số huyết áp vừa đo, hơi cao, đành nhịn. Ăn thêm một cây kẹo chocolat vì đường huyết hơi bị tụt. Đã đến tuổi có lắm cái lo, tiếc tuổi trẻ đã chóng qua đi, tiếc cái thời hồn nhiên sống, hồn nhiên ăn, hồn nhiên chơi chẳng có gì phải bận tâm, chẳng có chi phải lo lắng. Giờ ăn món gì cũng nghĩ, uống thứ gì cũng ngần ngừ, không chỉ là sợ hoá chất, chất độc mà còn sợ đường, sợ mỡ, sợ đạm, sợ đủ thứ đe doạ sức khoẻ. Cuộc sống, miếng ăn, giấc ngủ chẳng còn là niềm vui, chẳng còn chi thú vị.

Mưa. Vẫn mưa. Khớp vẫn âm ỉ đau, bước đi vẫn cà nhắc. Thấy tự thương thân mình với chút tủi thân. Tuổi già đi sóng đôi với cô đơn. Lại thêm lẻ bóng, chẳng biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với ai. Những bữa cơm cô quạnh trong quán bên đường hay trong nhà hàng cũng chỉ làm sự trống vắng càng lớn thêm. Tới một tuổi nào đó, người ta cần có đôi để có chỗ dựa. Hụt hẫng vì chỉ còn một mình, tái tê vì mỗi đêm nhìn bóng mình lặng lẽ in trên vách. Giờ làm việc cũng lười vì chẳng còn động cơ nào thúc bách. Con cái lớn cả rồi, thành tựu cả rồi, thật ra giờ chúng chẳng còn cần chi mình nữa. Chẳng còn ai phải lo nên công việc đôi khi chỉ là niềm vui để lấp chỗ trống cho khây khoả. Tìm những thú vui qua ngày nhưng lại chỉ chọn những thú vui tốn hao. Mua sắm đủ thứ để lấp khoảng trống, thêm vài chiếc xe, thêm mấy cái lồng chim quý, thêm vài chiếc đồng hồ lạ, vài chiếc quạt máy xưa, đôi ba chiếc máy hát cũ với những chiếc dĩa có những giọng ca và bài hát rất cũ của một thời, tất cả cũng để tìm một đôi phút hân hoan rồi lại buồn tênh. Buổi sáng không tụ tập cà phê, không thuốc lá, không tô phở như thường ngày bỗng thấy vô vị và trống rỗng. Nỗi nhớ đầy tay mà bất lực ngay trong ý nghĩ. Rồi lại thêm một ngày. Một ngày nữa đang mất đi. Đã tháng mười, rồi cũng sẽ hết một năm. Tất cả héo dần đi kể cả những ý nghĩ lộn xộn hàng ngày. Thời gian đang bào mòn tất cả và ta cũng mòn đi theo thời gian.
7.10.2020
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget