MỘT SỐ CÂU ĐỐI GHI CHÉP Ở SÁCH VỞ, GIA PHẢ HAY BAN THỜ TẠI MỘT SỐ TƯ GIA VIỆT NAM





Ngày trước, những nhà giàu sang, phú quý, nhà quan lớn, tiệm buôn bán lớn thường có câu đối ở ban thờ hay ở trước cửa hiệu. Những câu đối này như lời giới thiệu gia thế hoặc ước vọng của chủ nhân. Giới thiệu một số câu đối tiêu biểu ở ba miền.

- Câu đối gắn trước của hiệu của một số gia đình ở huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng
Gia đình có cửa hiệu mang tên Mộc Lợi:
Mộc gia tiên đức sáng cơ nghiệp (Cái đức đời trước của gia đình họ Mộc an dựng nên cơ nghiệp)
Lợi phát tài nguyên chấn gia thanh (Nên lợi lộc tiền tố đời nay làm uy danh gia tộc mình thêm)

- Gia đình có cửa hiệu mang tên Kim Lợi:
Kim ngọc mãn đường tích thiên tứ (Vàng ngọc đầy nhà là do thụ hưởng được ơn của trời)
Lợi lộ hanh thông vạn đại xương (Con đường lợi lộc có tốt đẹp là do gia tộc: muôn đời làm điều tốt)

- Câu đối treo ở cửa nhà anh thợ mộc ở Tiền Giang
Cuối thế kỷ XIX, ông Nguyễn Minh Triết ở làng Đông Mỹ Thượng (Cai Lậy, Tiền Giang) viết đôi câu đối cho anh thợ mộc hay dùng bùa trừ yểm hại nhà chủ, để anh ta treo bàn thờ tổ sư:
Anh linh thiên tải hộ (Anh linh nghìn năm phù hộ)
Hiển hách vạn thu truyền (Hiển hách vạn thủa lưu truyền)
Câu đối này đọc qua thì thấy câu đối rất hay, tứ sâu, nghĩa đẹp. Nhưng đọc lái thì…"tải hộ" thành "tổ hại"; "thu truyền" thành "thiên trù" (trời trừ). Làm ăn như thế thì chỉ tổ hại hoặc hại đến tổ tiên, sẽ bị trời trừ, trời úm.

- Câu đối khắc tại nhà Nguyễn Đăng Tại làng Đại Mão-Trung Thôn, Bắc Ninh
Thôn Đại Mão có tên chữ là "Đại Mão Trung" tên nôm "Làng Giữa", thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trong làng có cụ Lê Nho Thầm là con của cụ Lê Nho Cúc, thường gọi là cụ giáo Cúc. Ông Thầm có người con gái lớn là Lê Thị Đăng sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm thì đi dạy học và xây dựng gia đình cùng với Nguyễn Đăng Tại người thôn Lam Cầu, Nguyễn Đăng Tại là Phó Giám đốc Công ty Thông tin tín hiệu Bắc Giang. Nhận thức và cũng là để giáo dục cháu con về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người với gia đình và xã hội, tại cổng nhà, Nguyễn Đăng Tại tự tay viết đôi câu đối nói về cái cổng, nơi phân giới giữa xã hội và gia đình :
Nhất phiến ám vân, phụ tử tôn tằng xuất quá tuân pháp luật
Song long giới địa, công hầu tao mặc nhập nội thị gia phong
Tạm dịch nghĩa:
Trên có nóc che trời, cha con cháu chắt ra ngoài nhất nhất phải tuân theo Pháp luật của Nhà nước
Hai cột ngăn cách giữa trong nhà - ngoài đường, bất kỳ ai dù là công hầu khanh tướng khi vào tới nhà cũng phải tuân theo nền nếp của gia đình

- Những câu đối ghi chép trong sách "Tam xã đăng khoa lục" ở xã Tứ Trưng
Tam xã đăng khoa lục là cuốn sách ghi chép các nhà khoa bảng của ba xã Kẻ Rưng là Văn Trưng, Lăng Trưng và Hiến Trưng, xưa thuộc huyện Bạch Hạc phủ Tam Đái trấn Sơn Tây nay là xã Tứ Trưng, gồm ba thôn Văn Trưng, Vĩnh Trưng (trước là Lăng Trưng) và Thế Trưng (trước là Hiến Trưng) thuộc huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài ra còn có thôn Bảo Trưng (trước là Nhủ Trưng) nay đã cắt sang xã bên. Hiện nay còn lại đôi câu đối ca ngợi ba xã có nhiều người thi đỗ làm quan:
Câu đối của nhà thờ họ Nguyễn:
Đồng thế đồng triều tam Tiến sĩ
Nhất gia nhất nhật lưỡng vinh qui
Nghĩa là:
Cùng thời ba vị Tiến sĩ làm quan cùng triều
Một nhà hai người thi đỗ về làng vinh quy một ngày
Câu đối ở nhà thờ họ Nguyễn nhưng có ý nghĩa đối với cả xã. Ba vị tiến sĩ là hai cha con cụ Nguyễn Tiến Sách, Nguyễn Đình Toản và cụ Đỗ Hi Thiều
Câu đối ở nhà thờ họ Đặng:
Bách thế xưng thần lịch niên dữ quốc
Bát thôn cư thủ do tộc nhi hương
Nghĩa là:
Làm quan trăm đời nhiều năm giúp nước
Giữ đất tám thôn nhờ họ nên làng
Vế trên của câu đối họ Đặng cũng như các họ khác trong xã có nhiều người nối đời làm quan. Còn vế dưới nói về nghiệp võ của họ Đặng

- Câu đối treo ở ban thờ gia đình ông Phạm Vũ Ngọ ở xóm 3 Đôn Thư huyện Thanh Oai
Xuân hoa mãn mục, hỷ khí doanh môn
Tử đệ tân cần, xuân phong nhập hộ
Vào cuối đời Nhà Trần (trước sau năm 1375), có ba anh em một nhà ở đất Ái Châu thiên cư ra Bắc tìm đất lập nghiệp, trong đó Phạm Tiên Công chọn vùng Thời Trung – Đôn Thư, sau đã định cư ở Trang Thời Trung (tức xã Phương Trung bây giờ) và trở thành Thủy Tổ của Phạm Tam Chi nơi đây. Sau khi nhà Nguyễn thống nhất được đất nước, song cũng phải đến năm Gia Long thứ 6 (1807), khoa thi Hương đầu tiên sau một thời gian gián đoạn mới lại được tổ chức. Khoa thi đó ở Đôn Thư có hai chú cháu cùng đi thi là cụ Phạm Đình Dư (đời thứ 6) và cụ Phạm Vũ Quyền (đời thứ 7), cả hai cụ đều thi đỗ. Phạm Vũ Quyền khi dự thi tuổi còn thấp, còn chưa có tên trong sổ đinh, phải mượn tên của chú ruột là Phạm Vũ Phác. Tư nghiệp Phạm Vũ Phác sau được phong Tế Tửu. Tế tửu Phạm Vũ Phác (tức Phạm Vũ Quyền) khi về hưu trí, được vua ban áo bào, được cấp tiền làm nhà dưỡng lão và được mang đôi biển “Hồi tị – Túc Tĩnh” về quê sử dụng như ở nhiệm sở khi còn đương chức. Cụ nghỉ hưu ở quê, dân làng thường gọi cụ là “Cụ Tế”, năm cụ qua đời, nhà vua gửi viếng đôi câu đối:
“Sự nghiệp tam triều vọng
Văn chương nhất quốc sư”

- Những câu đối khắc tại 1 số ngôi nhà cổ ở làng Phú Mộng - thành phố Huế
Nhà vườn Phú Mộng là cách gọi chung cho các ngôi nhà vườn hiện diện trong khu vực Phú Mộng phường Kim Long thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. "Phú Mộng viên" là vườn của ông Hoàng Xuân Bậc, ngôi nhà xưa nay vốn là phủ thờ Tôn Thất Thuyết. "An Lạc Viên" lại là ngôi nhà vườn theo một cách riêng của ông Võ Văn Long, nơi du khách có thể đọc thấy ý tứ của gia chủ qua việc chọn cây, bày cảnh và thưởng thức tài nữ công gia chánh của mẹ con bà chủ vườn. Bà Mai Thị Kim Hoàn và cô con gái Mai Chi đã bày trên chiếc bàn tre góc vườn những lẵng bánh trái được làm y hết hoa quả thật. Không ai nghĩ những đào, lê, táo, lựu... kia lại được làm từ... bột cộng với tài hoa gia chánh của phụ nữ Huế. Trước cổng ngôi nhà vườn bà Phạm Thị Túy - xưa là nhà ở của thượng thư bộ lễ Phạm Hữu Ðiền, có đôi câu đối:
Nhập thất hoán hiệp tương đức mỹ
Thường môn thảo mộc cộng tri xuân
Tạm dịch:
Vào nhà, cái lớn nhất là đạo đức và vẻ đẹp
Ở ngoài cửa, màu xanh hoa lá cỏ cây cùng nhau làm nên cảnh sắc
Trong gian giữa nhà ông Võ Văn Long là hai câu:
Ngũ hoa đài phán hương sơn vĩ
Thốn thảo thừa hoang cẩm thượng y
Tạm dịch:
Mùi hương của đám đài hoa rụng ẩn mình trong ngàn lau lách
Sắc màu của thảm cỏ hoang như một chiếc áo gấm

- Câu đối khắc tại ngôi nhà cổ độc đáo tại Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam
Huỳnh Thúc Kháng hiệu Mính Viên, Mính Viên tức "vườn chè", nghĩa rộng hơn là người sinh ra tại xứ "vườn chè". Nơi ấy, một vùng đồi núi bát úp dựa lưng vào dãy Trường Sơn. Có thời gian "Đấng trượng phu tuỳ ngộ nhi an" đã lui gót về quê nuôi chí. Căn nhà xưa nay đã trở thành di tích tại thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Trong nhà còn lưu đôi câu liễn bị mối mọt thời gian gặm nhấm dần nhưng tâm niệm và khí tiết của chủ nhân đầu tiên, xuất thân nhà nho trong họ của cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn đó: "
Bách tải triệu bằng bồi phước trạch
Nhất sinh trì thủ trọng can trường
Năm 1939, Ngô Đình Diệm lúc đó là thượng thư, vào Quảng Nam chơi với anh mình là tổng đốc Ngô Đình Khôi, nghe tiếng ngôi nhà tìm đến thương lượng. Hôm đó buổi trưa. Tri huyện Tiên Phước Phạm Xuân Chánh dẫn đầu đoàn người ngựa đi trước, Thượng thư Ngô Đình Diệm đi sau. Ông Chánh mới nói: "Cụ thượng muốn mua lại căn nhà!" Người cháu bên họ ngoại của Huỳnh Thúc Kháng là Nguyễn Huỳnh Anh lúc đó là chủ sở hữu ngôi nhà đã từ chối rồi chỉ cho mọi người câu đối treo trên cột. Kể xong ông đọc luôn:
"Tổ đức càn khôn đại
Tôn công nhật nguyệt đường"
Căn nhà ông cố để lại coi như được dựng nên từ phước đức ông bà, không thể bán!

- Những câu đối khắc trong các ngôi nhà cổ ở Hội An có nội dung khuyên con cháu học hành
Canh độc lưỡng đồ, độc khả vinh thân canh khả phú (Nông học đôi đường, học sớm vinh thân nông sớm phú)
Kiệm cần nhị chí, cần năng sáng nghiệm kiệm năng thành (Kiệm cần hai chữ, cần cù sáng nghiệp kiệm thành công)
Thập niên song hạ vô nhân vấn (Mười năm đèn sách không ai hỏi)
Nhất cử thành danh thiên hạ tri (Thi trúng thành danh thiên hạ hay)
Thư sơn hữu lộ cần vi kính (Núi sách có đường, biết cần cù sẽ tìm ra đường ấy)
Học hải vô nhai khổ tác chu (Biển học vô bờ, khổ luyện sẽ là con thuyền đưa về bến thành công)
Quân tử tâm năng khuất năng thân tùy cơ ứng biến (Lòng người quân tử phải biết duỗi co tùy lúc và phải biết tùy cơ ứng biến)
Thiên hạ sự vô nan vô dị hữu chí cánh thành (Việc trong thiên hạ không khó cũng không dễ miễn có chí tất sẽ thành công)

- Những câu đối khắc trong nhà ông Trần Công Vàng, P. Phú Cường, Tx. Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương
Chánh tâm vi tiên, minh đức triệu cơ truyền thế viễn
Trung lập bất ỷ, thánh ngôn thuỳ huấn lịch niên tân
Nghĩa là:
Trước hết tâm phải chính, làm sáng đức để xây dựng cơ nghiệp lâu dài
Tự lập, không ỷ lại, lời thánh nhân truyền dạy mãi với thời gian
Và:
Sáng nghiệp duy nan, tổ phụ tu thường tân khổ
Thủ thành bất dị, tử tôn nghi giới xa hoa
Nghĩa là:
Sáng lập nên sự nghiệp khó khăn, tổ phụ phải trải qua nhiều cay đắng
Giữ lấy không dễ, con cháu chớ nên xa hoa

- Câu đối ghi trong cuốn Gia Phả họ Trương ở Đáp Cầu - Bắc Ninh
Yến dực di mưu vinh Bắc địa (Cánh Én đưa tin từ đất Bắc dành cho đời sau sự vinh hiển)
Hồng cơ biệt phái nhẫn Trương môn (Chim Hồng đặt để nhà họ Trương mềm dẻo) (Biệt phái: có phái riêng từ cội gốc dấy lên)
Nghĩa bóng (ý tại ngôn ngoại – ý vượt ra ngoài lời) của câu đối này vô cùng thâm thúy, vô cùng ảo diệu và uyên bác. Nước Yên dành máu từ đất Bắc (vinh=máu), Hồng hạc mang hình bởi họ Trương. “Hồng Hạc” trong vế sau của câu đối là hình ảnh con chim Hồng (chim Lạc) đã được khắc họa trên trống đồng -một dạng biểu tượng quốc huy của người Bách Việt cổ. Ở đây cùng ngầm ý rằng: người họ Trương từ thời đại Hùng Vương, Hồng Bàng đã tham gia phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng cơ đồ Bách Việt. Họ Trương có gốc gác từ Thanh Hà quận ở Trực Lệ hay Phúc Kiến, đều thuộc nước Yên của đất Bách Việt cổ phía nam sông Dương Tử, di cư về phương Nam vì nhiều lý do và giai đoạn khác nhau trong lịch sử.

- Câu đối ghi trong Gia Phả họ Phùng ở Nam Cường
Qua khỏi cầu đường sắt Yên Xuân, rẽ phải khoảng 1km bên bờ hữu ngạn sông Lam là xóm 1, xã Nam Cường, Nam Đàn, Nghệ An. Đền thờ các tiên tổ họ Phùng có hai tòa khá khang trang, đẹp đẽ, ở tách riêng ngoài xóm, nằm giữa đồng ruộng thoáng đãng. Đền thờ xưa thuộc làng Xuân Trạch, xã Hạ Khê, tổng Phù Long, huyện Hưng Nguyên, nay thuộc xã Nam Cường, huyện Nam Đàn. Gia phả dòng họ Phùng ở Nam Cường được lập vào năm 1788, do Thượng tướng, Quận công Phùng Viết Đán biên soạn. Trong Gia Phả có ghi chép 1 câu đối nội dung như sau:
“Phù Long sinh hào kiệt phụ quốc công cần lưu quốc sử
Phùng tộc hiển phúc thần độ dân ân đức thấu nhân tâm”

- Câu đối trong cuốn Lều Chõng của Ngô Tất Tổ
"Thuỷ ứng Chu hoa tam bạch hậu,
Trường trưng Thương quả thập hoàng sơ".
Chu đối Thương, (Nhà Chu nối tiếp sau nhà Thương và trước nhà Tần ở Trung Quốc) Hoa đối Quả, Tam đối Thập, Bạch đối Hoàng, Hậu đối Sơ. Từng chữ một đối nhau chan chát, Câu này được tác giả cho là "Thần Cú".

- Câu đối trong cuốn Bút Nghiên của Chu Thiên
Vế ra: Ba Sĩ ngồi một Kỷ, đội đức Đường Nghiêu (“Ba chữ sỹ 士 đè trên chữ kỷ 几 thì thành chữ Nghiêu 堯”)
vế đối: Một Bách xách hai Cung, đáng tài Lý Bật (“Chữ Bách 百 kẹp ở giữa hai chữ Cung弓, gọi là chữ Bật 弼”)
Đường Nghiêu là những vị vua giỏi trong lịch sử Trung Quốc. Chữ Nghiêu có ba chữ Sĩ ở trên chữ Kỹ là ghế: ba sĩ ngồi một ghế trong truyện cũng để tả cảnh ba người có học cùng đến cầu hôn). Lý Bật là vị tướng giỏi đời Lý- Đường được phong tước vương ngang với Quách Tử Nghi. Chữ Bật có một chữ bách ở giữa và hai chữ cung ở hai bên
Hoặc câu đối chữ nôm :
Vốn giòng thi lễ đôi tám xuân thu, gặp khách thư sinh đem lòng dục dịch
Trong câu này có lấy tên ngũ kinh là : Thi, Thư, Lễ, Dịch và Xuân Thu
Câu này đuoc đối lại: Đệ tử Trương Chu mười năm Khổng Mạnh, thấy nàng nhan sắc nên phải thưa trình.
Trong câu đối lại có lấy tên họ các bật thánh hiền là : Khổng Tử, Mạnh Tử và Trương Tử, Chu Tử, Trình Tử. Ba vị sau là ba vị danh nho đời Tống.

- Câu đối “mừng đám cưới” trong sách “Giai-Thoại Câu Đối” của Quỳnh-Liên-Tử Bảo Vân Bùi Văn Bảo (1917 - 1998)
Bùi Văn Bảo hiệu Bảo Vân và Bê Bình Phương sinh tại Thái Bình. Tốt nghiệp lớp Sư phạm năm 1940, trường Bưởi ở Hà Nội, Việt Nam. Vào Sài Gòn viết thêm cho báo Tự Do (mục Ðàn Ngang Cung) cho Ca Bắc (ở Sài Gòn) năm 1956 nghỉ viết báo, soạn sách giáo khoa tiểu học và xuất bản báo Tuổi Xanh cho thiếu nhi. Năm 1975 di cư sang Canada lại soạn sách dạy tiếng Việt cho trẻ em và viết thơ và văn cho nhiều báo ở hải ngoại. Trong bài thơ "Giữ gìn tiếng Việt" có hai câu mở đầu mà nhiều người biết là:
Chỉ sợ đàn con quên Việt Ngữ
Ðừng lo lũ trẻ kém Anh Văn
Trong tác phẩm Giai Thoại Câu Đối có có ghi chép về 1 đôi câu đối mừng đám cưới như sau rất độc đáo như sau:
“Tơ hồng vương vấn, cho nên em về làm dâu ông Hoa-Thịnh-Đốn
Nguyệt lão xe duyên, thành ra anh đi ở rể bà Trưng-Nữ-Vương”

- Câu đối của danh nhân Nguyễn Sinh Khiêm khắc tại nhà thuốc Đông Cát - thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên
Nguyễn Sinh Khiêm (1888 - 1950) còn có tên Nguyễn Tất Đạt, là anh ruột của Nguyễn Tất Thành, người làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Khoảng năm 1936-1939, ông thường ghé vào tiệm thuốc bắc thầy Đoàn Ngọc Phách (cháu nội thầy Cảnh, ở Sịa) ở chợ Kệ đàm đạo và cân thuốc. Năm 1943-1944, ông có đi lại vùng Kim Long, thường lui tới tiệm thuốc bắc Đồng Cát (của thầy Hườn, Kim Long). Gia đình này quen gọi thầy Nghệ là Cụ Cố Đạt. Nhìn tiệm thuốc có tên Đồng Cát, ông lấy 2 chữ đầu làm đôi câu đối:
Đồng chí, đồng tình, kiêm đồng đạo
Cát tâm, cát sự, tịnh cát tường

- Câu đối khắc tại Nhà Thuốc Đông Y Gia Tuyền Trần Ngọc Chấn
Nhà Thuốc đông y gia truyền Trần Ngọc Chấn phòng 6 ngõ 84 Hoàng Đạo Thành- Kim Giang- Thanh Xuân- HN. Theo gia phả họ Trần còn ghi chép lại được thì Cụ thượng tổ khởi nghiệp y đời thứ nhất là Cụ Trần Hữu Tạo (1580 - 1650) đến Lương y Trần Ngọc Chấn (1916-1995) là đời thứ 13, lương y Trần Ngọc Tấn (con trai lớn của cụ Chấn) là đời thứ 14 và đến bác sỹ Trần Thịnh là đời thứ 15 liên tục kế thừa. Lương y Trần Ngọc Báo (1873-1963) Đời thứ 11 có sở trường trị bệnh nhi khoa, thuốc suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, đặc biệt có kinh nghiệm chữa bệnh đậu mùa, dập được nhiều vụ dịch tiêu biểu như vụ Cụ cứu trăm người dân xã Quảng Nạp huyện Thanh Ba - Phú Thọ do vậy vì cảm ơn đức của Cụ chức sắc và dân làng đã tặng Cụ đôi câu đối chữ Hán:
"Hạc toán tràng sinh, quế tử lan tôn bằng hậu ấm
Long chân đế vượng, kim tinh ngọc kiểm khế linh thuyên"
ý nghĩa:
Tuổi hạc bền lâu, con quế cháu lan nương bóng cả
Lộc tài thịnh vượng, vàng dòng ngọc nén chứa đầy kho

- Những câu đối ghi chép trong tập sách Hán Nôm ở tư gia cụ đồ Nguyễn Tòng Mậu
Nguyễn Tòng Mậu là thầy đồ định cư tại ven sông Cái Cối, xã An Hữu, đối diện đình thần An Hữu - đình Rạch Chanh, tại nhà cụ hiện có 1 tập sách quý. Đó là một tuyển tập gồm nhiều tác phẩm rất đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Chữ trong tập sách hoàn toàn là chữ viết tay, phần lớn tương đối dễ đọc vì thống nhất về nét viết, kiểu chữ và phong cách trình bày. Tuy nhiên, khoảng mươi trang về cuối trình bày không ổn định và chữ viết khó đọc, có thể là do người khác viết thêm vào. Trong tập sách này có ghi chép lại 1 số câu đối khá hay như sau:
* Câu đối cháu ngoại khóc ông:
“Nhớ thuở ông còn ông dắt cháu, cháu biết chững; ông nâng cháu, cháu biết cười; nhấc công đức ấy mà cân, nội ngoại hai bề, yêu thương một lòng coi cũng thế.
Bây giờ cháu đến cháu hỏi ông, ông chẳng thưa; cháu tìm ông, ông chẳng thấy; nghĩ cảnh tình này mà ngán, âm dương đôi ngã, nhớ thương chút dạ biết bao nguôi.”
* Câu đối của Trung Bắc và Học báo:
“Hơn mười năm một ngọn bút ngôn đàn, vẫy vùng ngoài bắc trong nam, dốc nhiệt thành gây dựng lối văn ta, công ấy dễ cùng cây cỏ mục.
Trong sáu tháng hai lần tang báo quán, ngao ngán người còn kẻ khuất, mở di thảo ngậm ngùi màu mực cũ, sầu này theo với nước mây xa.”
* Câu đối do ông Nguyễn Mạnh Bỗng điếu ông Phan Kế Bính, ông Bỗng đã trích chọn những sự kiện, công việc, chí hướng, tính cách của ông Phan Kế Bính, sắp đặt chúng trong một cấu tứ huyền diệu của loại câu đối mà viết nên những dòng ca ngợi công lao người đã khuất và bày tỏ tấm lòng kính trọng, nể phục của ông:
“Tình nặng với giang sơn, khi bôn tẩu, khi hô hào, Nam Bắc hai Kỳ, làng báo sinh nhai, mấy độ quốc dân tâm đã mệt.
Công to cùng học giới, nào dịch phiên, nào trước tác, lâm lang mấy bộ, nhà Nho sự nghiệp, ngàn năm văn học sử còn ghi.”
* Câu đối Tết:
“Cũng muốn trồng nêu e quỷ khiếp
Rắp toan nổ pháo sợ trời kinh”
* Câu đối hôn sự:
“Bình giai lão rượu đào dâng rót, vách đề thơ ghi tạc trăm năm
Khay hợp hoan trầu quế bưng mời, sân nổ pháo vui mừng hai họ”

- Câu đối do nhà thơ Lê Khả Sĩ viết tặng nhà thuốc Nguyễn Hữu Toàn ở Hải Phòng
Lương y Nguyễn Hữu Toàn là cháu nội của Y Gia Nguyễn Hữu Hách, được sự đồng ý của cụ Hách và gia đình (sau khi cụ mất), Lương y Nguyễn Hữu Toàn đã thành lập “Phòng khám đông y Nguyễn Hữu Toàn”. Năm 1995, Nguyễn Hữu Toàn đã làm được phần mềm hỗ trợ cho chẩn đoán, điều trị bằng thuốc đông y; quản lý theo dõi bệnh nhân và kiểm chứng hiệu quả chữa bệnh của từng bài thuốc. Sử dụng phần mềm này, thầy thuốc có thể kiểm tra, thống kê kết quả chữa bệnh trong nhiều năm đối với từng loại bệnh, từng bài thuốc vào bất cứ thời gian nào một cách dễ dàng chỉ mất vài chục giây. Năm 2000, Hội Đông y Việt Nam cùng Sở Y tế Hải Phòng, Thành hội đông y Hải Phòng đã thăm quan và biểu dương sáng kiến của chương trình này. Nhà thơ Lê Khả Sĩ có tặng nhà thuốc đôi câu đối nội dung như sau:
Hữu Nghĩa Hữu Tình Để Đức Độ Hoá Niềm Vui Hậu Thế
Toàn Tâm Toàn Ý Lo Yên Lành Cho Sự Sống Nhân Dân

- Những câu đối khắc tại di tích vườn An Hiên thành phố Huế
Di tích vườn An Hiên tọa lạc tại thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, ở khu vực tả ngạn sông Hương thuộc ngoại ô thành phố Huế. Nhà rường này nguyên là phủ An Hiên do ông Phạm Đăng Thập xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, Đầu thế kỷ XX, ông Thập để phủ lại cho ông Tùng Lễ về làm giám thủ nhà thờ Đức Quốc Công. Năm 1934 ông Tùng Lễ bán lại cho ông bà Tuần phủ Nguyễn Đình Chi và Đào Thị Xuân Yến. Nằm giữa hai trụ và sát lối ra vào có 2 con dơi sãi cánh nhìn xuống cổng miệng ngậm câu đối bằng chữ Hán khảm sành màu xanh viết trên tàu lá chuối thả dọc theo cổng đọc được như sau:
Bình Sơn ái đãi vân thiên đóa
Hương Thủy trừng ngưng nguyệt nhất huyền
Tạm dịch:
Bình Sơn mờ mịt mây nghìn đóa
Hương Thủy trong veo nguyệt một vầng
Từ cổng chính đi theo con đường đất dài 34m sẽ thấy bức bình phong lớn nằm uốn mình hơi chếch về hướng tây che chắn nhà thờ chính. Mặt ngoài bình phong ở hai bên chữ Thọ có câu đối bằng chữ Hán viết màu sơn đen trên nền đỏ đọc được như sau:
Xuân Thủy liên vân nhạn tân cạnh độ
Hòa phong nhập thụ hoa tín tài văn
Tạm dịch:
Mây rợp sông xuân chập chờ nhạn liệng
Cây vờn gió nhẹ thoang thoảng hoa đơm
Gian giữa nhà thiết bàn thờ phật Thích Ca và bàn thờ gia tiên, hai cột trước gian thờ treo đối diễn chữ chân pha thảo:
Thử chí tại cao sơn lưu thủy
Kỳ nhân như thủy trúc bích ngô
Tạm dịch:
Chí ấy ở non cao nước chảy
Người kia như trúc biếc ngô xanh
Trong gian thờ có bức trướng gấm thêu câu đối:
Hồng Lĩnh nãi Hà Bắc chi hùng, quốc tráng phiên hà tư trọng thọ
Long Cương thi ngộ châu chi thắng, gia liên phiệt duyệt xuất danh thần
Tạm dịch:
Cõi Bắc có Hồng Lĩnh hào hùng, đất nước cõi bờ thêm trọng thọ
Quê ta có Long Cương thắng cảnh, nếp nhà dòng dõi nẩy danh thần

vi.m.wikiquote.org

MỘT SỐ CÂU ĐỐI GHI CHÉP Ở SÁCH VỞ, GIA PHẢ HAY BAN THỜ TẠI MỘT SỐ TƯ GIA VIỆT NAM

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget